Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Khám phá đàn tế trời bí ẩn của nhà Hồ


Đàn tế Nam Giao nhà Hồ có thể sẽ là một chìa khóa quan trọng để giải mã nghi lễ tế trời đất ở Việt Nam và trên thế giới.


Được khai quật từ năm 2004 tại xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, cách thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía Đông Nam, Đàn tế Nam Giao của nhà Hồ (đàn Nam Giao Tây Đô) là một công trình có giá trị lịch vử và kiến trúc đặc biệt của thời nhà Hồ.



Đàn tế Nam Giao có diện tích khoảng hơn 2 ha, lưng tựa Đốn Sơn (núi Đún), tiền án là "cánh đồng Nam Giao". Cấu trúc của đàn gồm nhiều cấp nền bao (nền Thượng, nền Trung, nền Hạ) thu hẹp dần từ thấp đến cao. Vật liệu kiến trúc chính để xây dựng đàn là đá xanh và nhóm vật liệu bằng đất nung (gạch, ngói…).



Dẫn vào trung tâm của đàn tế là con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn, dành cho vua quan đi vào để tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ.



Trong lòng nền đàn cao nhất có dấu tích đàn tế hình tròn (Viên đàn), đường kính 4,75m.



Một công trình được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là giếng Vua, còn gọi là Ngự Dục, Ngự Duyên. Giếng có hình vuông, được kè đá theo các cấp bậc nhỏ dần vào lòng, nằm thấp hơn khoảng 10m so với nền đàn trung tâm.



Trong khu vực đàn tế còn tìm thấy dấu tích của hàng chục nền móng của các kiến trúc phụ, 5 cửa, dấu tích đường đi và dấu tích của 10 cống nước được xây dựng và bố trí hết sức khoa học nhằm bảo đảm cho việc tiêu thoát nước cho một công trình kiến trúc có diện tích rộng hàng chục nghìn m2.



Các đợt khai quật tại đây đã phát lộ một lượng gạch ngói khổng lồ cùng hàng ngàn di vật gồm có đồ gốm men, họa tiết trang trí kiến trúc, đồ kim loại.



Giới nghiên cứu nhận định, đàn tế Nam Giao nhà Hồ là một di tích kiến trúc quý hiếm, không chỉ đối với lịch sử triều Hồ mà còn là một mắt xích quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử đàn tế và nghi lễ tế trời đất ở Việt Nam và trên thế giới.

Theo KIẾN THỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét