Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

CON NGỰA TRẮNG CỦA MỘT NGƯỜI NGHÈO KHỔ



Ngày xửa ngày xưa có một người nghèo khổ. Ông ta có một con ngựa nhỏ. Ông chỉ có mỗi một con ngựa, dùng để chở củi về nhà. Tất nhiên đấy là một việc vô cùng cực nhọc đối với một con ngựa, vì ai cũng thắng hai ngựa vào kéo một cỗ xe, đây chỉ có một.

Một hôm ngựa nói với ông chủ:

- Ông ơi, ông hãy mua thêm một con ngựa nữa đi, vì kéo xe một mình mệt lắm ông ơi.

- Ta cũng muốn mua lắm, nhưng ta không có tiền.

- Nếu ông không có tiền, ông hãy cho phép cháu đi kiếm thêm một người bạn.

- Không được, nhỡ mi bỏ đi mất thì sao, để ta lại phải cõng củi trên lưng à?

- Không- chú ngựa nói- rồi ông sẽ thấy, cháu sẽ quay trở về mà. Ông cứ cho cháu đi đi! Một ngày thôi cũng được!

Đi thì đi!

Người nghèo khổ tin lời chú ngựa, và thả cho chú đi. Chú ngựa phóng ra đồng cỏ và gặp một chú ngựa khác.



- Chào bạn, bạn có đến chỗ tôi không, tôi đang kéo xe một mình. Chúng mình sẽ thành một đôi, mọi công việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

- Ấy chết, tôi đi sao được, việc trên cánh đồng cỏ này của tôi thích hơn nhiều.

Chú ngựa lại phi tiếp, và lại gặp một chú ngựa khác.

- Bạn ngựa thân mến ơi, đến chỗ tôi đi! Tôi đang kéo xe một mình, ông chủ của tôi nghèo lắm, ông ấy không đủ tiền để mua thêm một bạn ngựa khác.



- Đời nào tôi lại đi, ở đây sướng lắm, được thả rông một mình này, lại không phải chở củi nữa này…



Chú ngựa của người nghèo khổ cứ phi mãi , đến tận khi mệt nhoài, chú đành lăn ra nằm nghỉ trong rừng. Thế nào mà chú lại nằm lên đúng miệng một hang cáo. Cả một đại gia đình Cáo đang sống ở đấy.



Một bé Cáo muốn chui ra khỏi hang, nhưng không tài nào ra được vì một khoảng trắng toát đè lên cửa hang. Nó quay vào, mách Cáo mẹ:

- Ôi mẹ ơi, con không thể nào ra ngoài được vì tuyết rơi dày đến nỗi bịt kín cả cửa hang rồi.



- Ơ! con có bị điên không đấy?- Cáo mẹ ngạc nhiên- đang mùa hè, làm gì có tuyết?



- Có tuyết thật mà, con thấy một màu trắng toát, ngoài ra chẳng nhìn thấy gì cả.



Nghe vậy, Cáo cụ bèn bảo một Cáo anh:

-Cháu hãy thử ra xem sao,vì cháu lớn hơn và thông minh hơn, cháu hãy nhìn cho kỹ ngoài cửa hang có cái gì.

Cáo anh chạy ra xem xét, cũng chỉ thấy một màu trắng toát đè lấp cửa hang, nó quay vào và nói:

-Đúng rồi, đúng là tuyết rơi thật rồi.

- Hừ! để ta ra, để ta xem!- Cáo cụ lầm bầm.

Đầu tiên, cụ Cáo cũng tưởng màu trắng toát đó là tuyết thật, nhưng khi nhìn thật kỹ thì không phải là tuyết, mà có thể là một con vật gì đó. Cáo cụ cào đất ở miệng hang cho rộng hơn và chui lên. Sau một hồi vất vả, cụ ta trườn lên khỏi miệng hang, và nhìn thật kỹ: úi chà chà! một con ngựa trắng!

- Ha, ha, ha…con ngựa này chết rồi!



Cáo cụ hân hoan:



- Thật là một bữa đánh chén tuyệt vời! nhưng nó nằm thế này thì cả gia đình ta, ai mà lên được. Cần phải kéo nó sang một bên. Thôi, để ta sang gọi ông Sói hàng xóm giúp ta một tay.



Cáo cụ sang nhà hàng xóm và nói với Sói:

-Này ông bạn Sói ơi, ra đây giúp tôi một tay với! Có một con ngựa trắng to lắm nằm chết ngay trên cửa hang nhà tôi. Ông giúp tôi kéo nó sang một bên nhé.

Trời! Sói hàng xóm xiết bao mừng rỡ .

-Cực kỳ!- nó kêu lên khi nhìn thấy con ngựa trắng- Ông biết gì không? Hãy buộc đuôi của tôi vào đuôi của con ngựa trắng này, rồi tôi sẽ kéo sang một bên cho ông.

Nói vậy nhưng trong bụng, Sói nghĩ thầm:” Đúng là đồ Cáo ngốc, ta sẽ kéo thẳng về hang của ta chứ, hè,hè, hè…”.

Thế là Cáo cụ buộc chặt đuôi của Sói vào đuôi của chú ngựa trắng. Sói ta mắm môi mắm lợi kéo, kéo nhưng không được, sao nặng thế?

Ngựa trắng chỉ đợi có thế, chú nhảy chồm dậy, phi nước đại, băng qua các bụi cây, gạt phăng các cành cây, rồi kéo sói về nhà bác nghèo khổ. Trong khi phóng như bay chú vẫn không quên đá vài nhát ra phía sau cho sói lăn ra chết, rồi phóng thẳng vào sân nhà ông chủ của mình.



Con sói tham lam và ngu ngốc đã chết ngoẻo.

Lúc ấy người nghèo khổ đang ngồi buồn rầu ủ rũ đợi chú ngựa trắng của mình quay về, bác ta không tin là chú sẽ quay lại.

Khi nhìn thấy ngựa trắng, bác ta mừng quá, thấy ngựa trắng kéo về thêm một con Sói sau đuôi, bác còn mừng hơn.

Bác nghèo khổ tháo đuôi Sói ra khỏi đuôi ngựa, lột da và mang ra chợ bán. Tiền bán da Sói bác lấy mua ngay một con ngựa.

Từ đó trở đi bác nghèo khổ có những hai chú ngựa, bác thắng luôn cả hai chú vào xe và thế là ngày ngày hai chú ngựa vui vẻ cùng bác chở củi từ rừng về nhà.

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

(Trích tập: Những chuyện cổ Hungary hay nhất)

BỐN DẤU ẤN CỦA HIỆN HỮU (What Makes You Not A Buddhist)





Lạtma Dzongsar Jamyang Khyentse
Hoàng Phong dịch







Bốn dấu ấn của hiện hữu, Phạn ngữ gọi là caturlaksana, Pà li ngữ là caturlakkhana, hoặc còn gọi là Dharma mudra. Các kinh sách Hán ngữ tương đối ít đề cập đến khái niệm này, tuy nhiên trong tập Luận Địa Trì cũng có nhắc đến bốn dấu ấn và gọi là Tứ Ưu Đàn-na, chữ Đàn–na do chữ Mudra trong tiếng Phạn mà ra, chữ này có nghĩa là “biểu tượng” hay “dấu ấn”.

Sở dĩ gọi là bốn dấu ấn vì đó là những “con dấu” dùng để chứng nhận một người Phật tử đích thực khi đã hiểu được Phật pháp là gì.

Bốn dấu ấn là:

1- Tất cả hiện tượng hình thành từ các điều kiện đều vô thường

2- Tất cả những gì giả hợp đều là khổ đau

3- Tất cả mọi hiện tượng đều không có cái ngã

4- Niết bàn là an tịnh



Cách định nghĩa các dấu ấn cho thấy có một vài khác biệt thứ yếu tùy theo kinh sách hay tông phái, các khác biệt ấy sẽ được lần lượt trình bày trong phần giải thích tiếp theo đây. Tuy nhiên, một vài học phái Tây Tạng chỉ nêu lên ba dấu ấn (tiếng Phạn: trilaksana, tiếng Tây Tạng: phyag– rgya gsum), nhưng không quan tâm đến dấu ấn thứ tư là Niết – bàn, và cũng không sắp xếp theo thứ tự thường thấy:

Tất cả mọi hiện tượng (dharma) đều không có tự ngã.

Tất cả mọi hiện tượng giả hợp đều vô thường.

Tất cả mọi tạo nghiệp (samskra) mang tính cách giả hợp đều là khổ đau.

Bốn dấu ấn trình bày trong tập Luận Địa Trì nêu lên rất đúng với ý nghĩa thường thấy về bốn dấu ấn:

Nhất thiết hành vô thường
Nhất thiết hành khổ
Chư pháp vô ngã
Niết bàn tịch diệt.


Tóm lại, bốn dấu ấn trình bày trên đây là những gì đặc thù của Phật giáo, có thể nói đấy là những sự thực tuyệt đối mà Đức Phật đã nêu trong giáo pháp của Ngài, bao hàm cả các lãnh vực triết học, khoa học và tín ngưỡng. Hành vi quy y mang tính cách nghi lễ nhiều hơn là tu tập, ngũ giới thì biến dạng, thật khó nắm bắt và cũng không hẳn là những đặc thù của Phật giáo, vì thế bốn dấu ấn mới đích thực là những gì có thể dùng để xác nhận một Phật tử. Vậy thật sự ý nghĩa của bốn dấu ấn là gì?

1. Dấu ấn thứ nhất: Tất cả mọi hiện tượng đều vô thường (Aniya sarva samskarah)

Hiện tượng ở đây có nghĩa là tất cả mọi vật thể, mọi biến cố, gồm cả tư duy, xúc cảm hoặc tất cả những gì mà ta có thể hình dung hay tưởng tượng được, kể cả không gian và thời gian…, tiếng Phạn gọi chung tất cả những hiện tượng ấy là dharma, kinh sách gốc Hán dịch là pháp. Cũng cần chú ý khi chữ Dharma viết hoa thì lại có nghĩa là Phật pháp.

Tất cả mọi hiện tượng, tức các pháp, đều có tính cách cấu hợp và được tạo tác dựa vào thật nhiều điều kiện. Điều kiện đổi thay, vạn pháp biến động. Những biến động đó tạo ra sự sinh và hình thành, sự tan rã hay cái chết. Mọi sự hiện hữu, tức mọi hiện tượng cấu hợp không mang tính cách độc lập, chúng đều lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác, vì thế chúng không thể nào tự duy trì một cách vững bền được, do đó nhất thiết chúng là vô thường. Bản chất không độc lập và lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác của tất cả mọi hiện tượng, trong đó kể cả cái ta, Phật pháp gọi là vô ngã.

Chúng ta sống với những cảm nhận sai lầm về bản chất của hiện thực, dựa vào những cảm nhận và những diễn đạt lệch lạc của cảm giác, chi phối bởi ảnh hưởng của xúc cảm và bản năng. Những sai lầm và lệch lạc đó, chẳng hạn như không cảm nhận được hiện tượng vô thường, Phật pháp gọi là vô minh.

Một vài kinh sách còn xác định dấu ấn thứ nhất như sau:

Tất cả mọi chuyển động đều vô thường. Chữ chuyển động không nhất thiết chỉ định những chuyển động vật chất mà thôi mà còn bao gồm tất cả những thể dạng tâm thần gồm tư duy và xúc cảm. Chuyển động cũng là bản chất của năng lượng, của các làn sóng đủ loại, của cả những hạt vi thể thuộc lãnh vực vật lý lượng tử làm căn bản cho vật chất, những chuyển động ấy tạo ra hình tướng và mọi loại biến cố. Khi đã là chuyển động thì nhất thiết chúng phải mang tính cách nhất thời và giai đoạn, tức có nghĩa là vô thường, và nhất thiết bản chất của vô thường là khổ đau.

Kinh A–hàm có nêu như sau:

Tất cả muôn vạn chuyển động đều là vô thường, là khổ đau và vô ngã; Niết- bàn là thanh tịnh.

Câu phát biểu trên đây cũng là một cách tóm tắt về ý nghĩa của bốn dấu ấn. Trong một đoạn khác, kinh A-hàm cũng nêu lên bản chất của sự chuyển động nơi mọi hiện tượng:

“Tất cả mọi chuyển động đều vô thường
Bởi vì chúng lệ thuộc vào sự sinh và sự tan biến
Khi nào sự sinh và sự tan biến chấm dứt
[Thì] sự tắt nghỉ sẽ trở thành niềm hạnh phúc và an tịnh”.


Tuy rằng vô thường là khổ đau, nhưng vô thường cũng hàm chứa một niềm hy vọng, tức là sự biến cải. Nhờ có sự biến cải mà thể dạng thiếu tỉnh thức hay vô minh của ta ngày hôm nay mới có thể xóa bỏ được ngày mai trên con đường tu tập Phật pháp.

2. Dấu ấn thứ hai: Tất cả những gì giả hợp đều là khổ đau (Dukkhah sarva samskarah)

Chữ giả hợp trong trường hợp này có nghĩa là những cấu thành tạm thời, lệ thuộc vào điều kiện, tức mang tính cách giả tạo và không độc lập. Sách nghiên cứu Phật học Tây phương dùng các chữ như corrupted hay crrompu để dịch chữ này, tiếng Tây Tạng thì dùng chữ zagché có nghĩa là ô nhiễm hay dính bẩn, vì thế dấu ấn thứ hai cũng có thể định nghĩa là: tất cả những gì ô nhiễm đều là khổ đau.

Ngoài ra cũng có một số kinh sách và tài liệu xác định dấu ấn thứ hai như sau: Tất cả mọi xúc cảm đều là khổ đau. Xúc cảm có nghĩa là những dao động trong tâm thức, phát sinh từ sự hoang mang và cách hiểu biết nhị nguyên. Sở dĩ mạo muội dông dài về phương diện thuật ngữ như trên đây là nhắm vào mục đích chứng minh ngôn từ đã nắm giữ một vai trò khá phức tạp trong việc trình bày và tìm hiểu một khái niệm, nếu không thấu triệt tính cách quy ước của ngôn từ sẽ dễ gây ra hoang mang và cho rằng kinh sách về Phật giáo bất nhất.

Muốn hiểu được dấu ấn thứ hai, trước hết phải tìm hiểu khổ đau đã được Phật giáo định nghĩa như thế nào. Sau khi đạt được Giác ngộ hoàn hảo và trong lần thuyết giảng đầu tiên cho năm đệ tử, Đức Phật nêu lên khái niệm về Bốn sự thực cao quý tức là Tứ diệu đế. Sau đó suốt trong bốn mươi lăm năm giảng huấn, Ngài đã xây dựng giáo lý dựa trên bốn sự thực ấy, trong đó sự thực thứ nhất là khổ đau.

Khổ đau theo Phật giáo rất sâu xa, cùng khắp, khó nhận biết, không nhất thiết đơn giản là những đau đớn trên thân xác hay sự giày vò trong tâm thức. Đức Phật nêu lên tám loại khổ đau là: sinh, lão, bệnh, tử, gánh chịu những gì mình không thích, xa lìa những gì mình thích, không đạt được những gì mình mong muốn và bám víu vào ngũ uẩn. Ngũ uẩn là năm thứ ràng buộc, gồm có sắc (sáu giác quan), thụ (sự cảm nhận), tướng (sự diễn đạt các cảm nhận), hành (xúc cảm, ý đồ và hành vi phát sinh từ tướng), thức (tri thức nhận biết của sáu giác quan). Cũng xin nêu lên ở đây là Phật giáo xem tâm thức là giác quan thứ sáu.

Tính chất khổ đau của năm uẩn là một khái niệm triết học quan trọng trong Phật giáo. Năm uẩn là một sự giả hợp, tức vô thường, và vô thường là bản chất của khổ đau. Sự sống của con người là một chuỗi dài tiếp nối của vô số hiện tượng biến động liên quan đến thân xác và tâm thức, chúng hiện hữu từ trước khi sinh và sẽ còn tiếp tục hiện hữu sau khi chết. Những biến động nối tiếp, liên kết và xô đẩy nhau như thế được xem là những hình thức khổ đau trong thế giới luân hồi.

Tám loại khổ đau trên đây được phân loại thành ba nhóm:

- Khổ đau vì khổ đau (duhkha duhkhata): tức những khổ đau hiển nhiên và dễ nhận biết, chẳng hạn như sinh, lão, bệnh, tử, gánh chịu những gì mình không thích. Khổ đau phát sinh từ sự cố gắng vượt thoát khỏi những khổ đau khác cũng có thể xếp vào nhóm khổ đau này.

- Khổ đau vì sự biến đổi (viparinama duhkhata): tất cả mọi hiện tượng cấu hợp đều vô thường. Có thể xếp thêm vào nhóm này những khổ đau khi phải xa lìa những gì mình thích và không đạt được những gì mình mong muốn.

- Khổ đau cùng khắp và toàn diện do những hành vi tạo nghiệp (samskaraduhkha) gây ra, đây là loại khổ đau phát sinh từ năm uẩn. Tất cả mọi chúng sinh có giác cảm trong cõi luân hồi đều là những tạo tác trói buộc, tức hậu quả phát sinh từ vô minh và dục vọng.

Nếu muốn hiểu rõ hơn những khổ đau trong nhóm thứ ba, trước hết cần phải hiểu ngũ uẩn là gì. Uẩn có nghĩa là “chứa cất” hay “sâu kín” gốc tiếng Phạn là skansdha, nghĩa từ chương của chữ này là “chất đống” hay “chồng chất”, do đó ngũ uẩn có thể hiểu là sự “kết hợp” của những cấu thể. Sự kết hợp ấy được phân loại thành hai cấp bậc khác nhau:

- Trên phương diện một cá thể, ngũ uẩn là những cấu hợp tạo dựng ra cá thể ấy, sự cảm nhận về tổng thể của ngũ uẩn đưa đến sự nhận biết về sai lầm về một cái “tôi” (atman) hay một nhân thể (pudgala).

- Trên phương diện tổng quát, năm uẩn tượng trưng và bao gồm tất cả mọi hiện tượng cấu hợp hiện hữu trong toàn thể vũ trụ.

Trong kinh Dharmacakra – pravartanasutra, tức kinh Chuyển pháp lần thứ nhất, sau phẩm trình bày về Tứ diệu đế, Đức Phật đã kết luận như sau: “Năm uẩn của sự bám víu chính là khổ đau”, câu ấy có nghĩa là khổ đau chính là ngũ uẩn. Tuy nhiên uẩn thứ tư giữ một vai trò quan trọng hơn hết, uẩn này gọi là hành (samskara), ngôn ngữ Tây phương dịch rất sát nghĩa chữ này và gọi là “sự tạo nghiệp” hay “hành vi duy ý” (volition, actes volitionnels, volitional acts). Uẩn thứ tư hay hành giữ vai trò diễn đạt những cảm nhận từ các giác quan, làm phát sinh xúc cảm và ý đồ, và sau cùng đưa đến những hành vi tạo nghiệp. Uẩn thứ tư vận hành liên đời với các tín hiệu nhận biết từ giác cảm, xuyên qua cách “suy diễn” nhị nguyên và quy ước.

Tóm lại, hành là những chuyển động hay dao động liên đới và tác động với tất cả những xu hướng sẵn có, với những xung năng trói buộc, phát sinh từ hậu quả của những hành vi hiện tại và quá khứ của một cá thể, những chuyển động đó lại tiếp tục làm phát sinh ra nghiệp mới cho cá nhân ấy trong tương lai. Nói một cách khác, những chuyển động vừa kể là những gì đưa đến khổ đau. Vì thế dấu ấn thứ hai còn được định nghĩa là: Tất cả mọi xúc cảm đều là khổ đau. Nên hiểu xúc cảm ở đây là sự diễn đạt sai lầm về sự hiện hữu tự tại của cái “tôi” hay cái “ngã” và những cảm nhận lầm lẫn về mọi hiện tượng bên ngoài đưa đến những xúc cảm bấn loạn trong tâm thức.

Vậy có đúng thật tất cả mọi xúc cảm đều nhất thiết phải là khổ đau hay không? Mặc dù có nhiều xúc cảm có vẻ như mang tính cách hạnh phúc, tự mãn, thích thú, một vài sắc thái của lòng từ bi và nhân ái…, nhưng thật ra những loại xúc cảm ấy hàm chứa một cách kín đáo mầm mống của sự bất toại nguyện và ích kỷ, tức mầm mống của khổ đau.

Xúc cảm khi đã phát sinh từ sự kết hợp giả tạo và vô thường của ngũ uẩn thì bản chất của nó tất nhiên là phải khổ đau rồi. Hơn thế nữa, xúc cảm được sinh khởi liên đới với những xung năng sẵn có của nghiệp và sự diễn đạt nhị nguyên của tâm thức, cho nên mầm mống của khổ đau trong xúc cảm là một sự kiện hiển nhiên. Người ta cũng thấy rằng các phương pháp Thiền định như Samatha (Chỉ) và Vipassana (Quán) là các cách thiền định giúp đem đến sự tĩnh lặng và an bình, ấy là cách giúp cho người hành thiền tránh khỏi ảnh hưởng và chi phối của xúc cảm, có nghĩa là tránh khỏi những loại khổ đau sâu kín và tiềm ẩn mà thông thường ta không nhận thấy.

Tuy nhiên, người ta cũng có thể tự hỏi lòng từ bi có phải là một thứ xúc cảm hay không? Đúng như thế, từ bi là một xúc cảm, nhưng từ bi của những người bình thường là những xúc cảm mang tính cách nhị nguyên, đối nghịch và vướng mắc. Hãy lấy một thí dụ cụ thể, khi nhìn thấy một người bị tai nạn giao thông, vỡ đầu gãy chân, máu me lênh láng, sự sợ hãi và thương xót phát động trong ta.

Nhưng vài phút sau, khi rẽ sang một con đường khác thì lòng thương người ấy giảm xuống nhanh chóng, hoặc có thể những lo toan riêng tư hiển hiện trở lại để xâm chiếm tâm thức, che lấp và làm quên đi cảnh khổ đau vừa trông thấy. Chưa kể là phía sau những thương cảm và sợ sệt đó ẩn lấp những mối quan tâm kín đáo về sự an toàn của chính mình.

Những xúc cảm như thế không phải là từ bi, đó chỉ là một hình thức thô thiển của khổ đau. Từ bi đích thực của những người tu tập không hàm chứa chủ thể và đối tượng, tức không mang tính cách suy luận nhị nguyên. Lòng từ bi ấy là một thứ “xúc cảm” trong sáng, siêu việt, vượt khỏi không gian và thời gian, vượt lên trên cái ngã của chủ thể và cả cái ngã của đối tượng. Lòng từ bi đích thực ấy kinh sách gọi là đại từ bi (mahakaruna). Dù sao thì lòng từ bi cũng chỉ là một sức mạnh, một động cơ cần thiết và không thể thiếu sót để hướng về Trí tuệ, làm nền móng cho Trí tuệ, nhưng Từ bi chưa phải là Trí tuệ.

3- Dấu ấn thứ ba: Tất cả mọi hiện tượng đều vô ngã (Anatmanah sarvadharmah)


Trong trường hợp này chữ tất cả thực sự có nghĩa là tất cả những gì được nhận biết qua khái niệm: kể cả Đức Phật, Phật pháp con đường tu tập Phật pháp, cá thể con người và những biến động trong tâm thức, tất cả đều vô ngã. Vô ngã có nghĩa là không có một hiện tượng nào hàm chứa một sự hiện hữu đích thực, tự tại, bền vững và độc lập.

Chữ hiện tượng ở đây có nghĩa là mọi vật thể, mọi biến cố, trong đó kể cả tư duy và xúc cảm. Tất cả những gì mà ta có thể hình dung được đều không hàm chứa một sự hiện hữu nội tại nào. Chúng chỉ là những hiện tượng cấu hợp nên chỉ có thể hiện hữu bằng cách tương liên và lệ thuộc vào những hiện tượng khác. Sự tương liên và lệ thuộc đó không bền vững và luôn luôn biến động, do đó các hiện tượng cũng biến động theo. Khi suy tư và truy lùng để tìm hiểu bản thể của tất cả mọi hiện tượng, ta sẽ khám phá ra là chúng chỉ hiện hữu nhờ vào sự kết hợp tạm thời của những thành phần tương kết và lệ thuộc vào nhau.

Cũng cần phải xác định một cách minh bạch là tất cả các học phái Phật giáo đều chấp nhận khái niệm về Vô ngã, tuy nhiên các học phái như Đại Tì bà sa luận (Vaibhasika) và kinh Lượng Bộ (Sautrantika) thuộc Nam tông chỉ chấp nhận tính cách Vô ngã của cá thể con người (budgalanairatmya), trong khi đó các học phái như Duy thức (Cittamtra) và Trung đạo (Madhyamika) thuộc Bắc tông lại xem tất cả mọi hiện tượng đều vô thực thể, không hàm chứa bất cứ một cái ngã nào cả và gọi đó là tánh Không của mọi hiện tượng (Sunyata).

Khi một cá thể “vô minh” cảm nhận một vật thể, hay nói một cách nôm na là cá thể ấy “nhìn thấy” một vật thể, thì xem vật thể vừa cảm nhận hiện hữu một cách thực sự và bền vững. Nhưng thật ra sự hiện hữu ấy phải dựa vào vô số điều kiện, còn gọi là cơ duyên, để hiển hiện. Những điều kiện hay cơ duyên ấy gồm cả những yếu tố bên trong, tức nội tâm hay tri thức của cá thể đứng ra cảm nhận hay “trông thấy” vật thể ấy. Vậy vật thể nhìn thấy không hoàn toàn khách quan, không thuộc hẳn vào thế giới bên ngoài của cá thể đứng ra cảm nhận.

Vì thế kinh sách thường ví các hiện tượng giống như ảo giác, vì chúng chỉ hiện hữu khi liên đới với nhiều yếu tố và nhiều điều kiện, sự hiện hữu lệ thuộc đó chỉ là những biểu hiện tạm thời và “không thật” của các vật thể hay các hiện tượng. Bản chất đích thực của chúng là tánh Không hay Shunyata. Tánh Không là một ngôn từ, một thuật ngữ, một cách nói, một phương tiện trình bày bản chất không thật, luôn luôn biến động và lệ thuộc của mọi hiện tượng. Sở dĩ gọi là tánh Không vì chúng không hiện hữu đúng một cách tự tại, hay ít ra là chúng cũng không hiện hữu đúng theo cách thức cảm nhận của ta: chúng chỉ là những phóng ảnh của hiện thực.

Những phóng ảnh ấy nhất định mang đến khổ đau cho mọi sinh linh có giác cảm. Tại sao lại như thế? Tại vì bản chất của chúng mang tính cách bấn loạn và không thực. Những cảm nhận sai lầm, không nhận thức được bản chất ảo giác của mọi hiện tượng, hiển nhiên là nguồn gốc của khổ đau. Khái niệm Vô ngã còn gọi là tánh Không của vạn vật do Đức Phật thuyết giảng, giúp cho ta quán thấy bản chất đích thực của mọi hiện tượng, sự quán thấy ấy sẽ giải thoát ta khỏi mọi khổ đau.

Trên một bình diện khác, đôi khi tánh Không cũng được diễn đạt bằng một cách khác, qua một thuật ngữ khác và gọi là Pháp thân (Dharmakaya). Pháp thân hay hình tướng giáo pháp của Phật tượng trưng cho tánh Không hay Vô ngã, “hình tướng” đó trường tồn, bất biến và cùng khắp, do đó cũng có thể gọi là Chân như hay Phật tính. Dù sao thì chúng ta cũng đang lẩn quẩn trong lãnh vực của ngôn từ và khái niệm, và điều đó cũng chứng minh cho thấy kinh sách đã dùng thật nhiều phương pháp; luận cứ và thuật ngữ khác nhau trong mục đích giúp ta lý luận và thấu hiểu tánh Không hay Vô ngã là gì.

Tất nhiên sự hiểu biết đó còn vướng mắc trong lãnh vực công thức và quy ước, có nghĩa là mang tính cách trí thức, chưa phải là một sự quán thấy trực tiếp, phi lý luận và phi ngôn từ. Trình độ tu tập của ta chỉ đủ sức hiểu được tánh Không và Vô ngã dựa vào lý luận và sự nhận biết nhị nguyên mà thôi. Những sinh linh “giác ngộ” quán thấy tánh Không và Vô ngã một cách trực tiếp, toàn vẹn và rốt ráo, tức nhìn thấy hiện thực hay sự thực tối hậu của mọi hiện tượng bằng trực giác, vượt lên trên những lý luận nhị nguyên và quy ước. Sự quán thấy ấy gọi là sự Giác ngộ hay Giải thoát. Giải thoát ở đây có nghĩa là giải thoát khỏi mọi xúc cảm bấn loạn phát sinh từ sự diễn đạt sai lầm, nguồn gốc của khổ đau. Cũng xin nhắc thêmlà Tâm kinh hay kinh Bát nhã ba la mật đa (Prajnaparamitasutra) là một bộ kinh quan trọng trình bày và giải thích về dấu ấn thứ ba như vừa được trình bày trên đây.

4- Dấu ấn thứ tư: Niết-bàn là an tịnh (santam nirvanam)



Niết -bàn (Nibbana) là một thể dạng phát sinh khi dục vọng và mọi nguyên nhân gây ra dục vọng đã hoàn toàn chấm dứt. Trên bình diện tổng quát, Niết-bàn có nghĩa là sự an tịnh (santi), vì thế cũng có thể đồng hoá Niết-bàn với một thể dạng của tâm thức. Niết-bàn cũng có nghĩa là sự giải thoát khỏi thế giới luân hồi, một thể dạng tự do không bị ràng buộc và vướng mắc trong điều kiện, vượt lên trên hiện tượng vô thường và mọi biến động, không còn sinh, thành và hoại. Niết-bàn còn có nghĩa là “bờ bên kia” và dịch sang ngôn ngữ Tây Tạng thì lại có nghĩa là “phía bên kia của khổ đau”. Đó là một thể dạng vượt lên trên hư vô và cả sự trường tồn vĩnh cửu. Tuỳ theo học phái, định nghĩa của Niết-bàn có một vài khác biệt thứ yếu.

Theo định nghĩa của Nam tông, Niết-bàn là thể dạng của giải thoát mà người A-la-hán có thể đạt được, một thể dạng mà mọi dục vọng và nguyên nhân phát sinh ra dục vọng đã hoàn toàn chấm dứt. Có “hai thứ” niết-bàn:

-Niết-bàn Hữu dư (sopadhisesanirvana): đó là thể dạng giải thoát của một vị A-la-hán khi còn tại thế. Tuy rằng dòng tiếp nối liên tục thuộc tâm thức của vị A-la-hán ấy đã được giải thoát khỏi sự vận hành ô nhiễm, của tạo tác và vô minh, tức là những nguyên nhân trói buộc trong thế giới luân hồi, và đồng thời mọi nguyên nhân tạo nghiệp cũng không còn hiện hữu nữa, nhưng người A-la-hán vẫn phải tiếp tục sống trong một thân xác cấu hợp mà họ đang có, vì đấy là hậu quả của những nghiệp trong quá khứ. Vì thế họ vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi đau đớn và bệnh tất, mặc dù tâm thức của họ đã an tịnh.

-Niết-bàn Vô dư (nirupadhisesanirvana): Đó là thể dạng của một vị A-la-hán đã được giải thoát và đã tịch diệt. Khi “trút bỏ” được tứ đại cấu hợp, tức phần dư thừa ô nhiễm, thì khi đó vị A-la-hán giác ngộ mới hoàn toàn “nhập” vào thể dạng Niết-bàn. Thể dạng ấy là thể dạng không còn giác cảm và đối tượng của giác cảm (ayatana, tiếng Hán gọi là trần hay cảnh…), không còn một hiện tượng nhận biết nào (dhatu), không còn một “khả năng” hay “chức năng” (indriya) thuộc vật chất hay tâm thần nào nữa, giống như một ngọn lửa tắt đi khi nhiên liệu đã hết.

Theo định nghĩa của Bắc tông, Niết-bàn không hẳn là một thể dạng tịch diệt, tịch tĩnh hay tịch lặng như đã đuợc định nghĩa trong Nam tông, trái lại là một thể dạng mangtính cách tích cực của sự giác ngộ hoàn hảo (samyaksambuddha). Chư Phật và các vị Bồ-tát giác ngộ không “nhập” vào Niết-bàn tĩnh lặng, nhưng cũng không “rơi” vào cảnh giới ô nhiễm của luân hồi. Vì lòng từ bi thúc đẩy, họ tự nguyện lưu lại trong cõi luân hồi để giúp đỡ chúng sinh. Thể dạng tích cực đó hiển hiện qua một hình tướng siêu nhiên trong cõi sắc giới và gọi là Sắc thân (Rupakaya).

Nếu hiểu theo quan điểm và khái niệm ấy thì người Bồ-tát không thể hình dung được Niết-bàn là gì khi nào chúng sinh vẫn còn hiện hữu trong cõi luân hồi. Nếu dựa vào định nghĩa của Niết-bàn ở một cấp bậc cao hơn nữa theo trường phái Trung đạo, thì đó là một thể dạng “ngang hàng” với luân hồi. Niết-bàn và luân hồi là hai thực thể có cùng một thể dạng, vì thế không có chuyện “vượt thoát” thế giới luân hồi để “nhập” vào cõi Niết-bàn. Khi đã đạt được sự quán nhập về tánh Không, thì sự phân biệt giữa luân hồi và niết bàn sẽ tan biến. Niết-bàn không phải là một thể dạng chấm dứt của một sự tạo tác nào cả, bởi vì trên phương diện sự thật tuyệt đối, không có sự tạo tác nào của bất cứ một hiện tượng nào, tức là không có thành cũng không có hoại, không có sinh mà cũng không có tử.

Nói chung,Niết-bàn không phải là một sự hiện hữu từ bên ngoài, không phải là một sáng tạo của Đức Phật dành riêng cho những kẻ đã giác ngộ, nó cũng không mang một đặc tính nào của không gian, tức không thuộc về hướng Đông cũng chẳng phải ở hướng Tây, nó vượt lên trên đặc tính của thời gian, tức không hư vô mà chẳng thường hằng.

Tóm lại, Niết- bàn là một thể dạng của tâm thức, hiển hiện khi ta nghĩ đến nó. Tuy nhiên nó chỉ có thể thật sự hiển hiện với ta khi những quán nhận ô nhiễm, sai lầm và vô minh đã được xoá bỏ.Tóm lại,nếu phân tích thật kỹ thì bốn dấu ấn vừa định nghĩa trên đây không phải là những khái niệm biệt lập, hàm chứa những sự thật riêng rẽ và đối nghĩa với nhau, nhưng đó là những sự thật liên kết với nhau, hỗ trợ cho nhau, từ bản chất vô thường đến tánh Không của mọi hiện tượng, từ sự biến động đến sự an tịnh của Niết-bàn.



~-.().-~



Tách trà và nước trà







Vị Lạt-ma Dzongsar Jamyang Khyentse được nhắc đến trên đây, đã khẳng định trong quyển sách của ông như sau:

“Nếu ai không đủ sức chấp nhận mọi hiện tượng cấu hợp và tạo tác là vô thường, đồng thời vẫn còn tin tưởng có một thực thể hay một khái niệm nào đó trường tồn và bất biến, thì kẻ đó không phải là một Phật tử.

Nếu ai không đủ sức chấp nhận tất cả mọi xúc cảm là khổ đau, đồng thời vẫn tin tưởng có những xúc cảm mang bản chất hoàn toàn êm ái, thì kẻ đó không phải là một Phật tử.

Nếu ai không đủ sức chấp nhận tất cả mọi hiện tượng là ảo giác và trống không, đồng thời vẫn tin là một thứ gì đó hiện hữu một cách tự tại, thì kẻ đó không phải là Phật tử.

Nếu ai tin tưởng là sự giác ngộ hiện hữu qua những kích thước của thời gian và không gian bằng quyền lực của một sức mạnh thiêng liêng, thì kẻ đó không phải Phật tử”.

Bốn dấu ấn là những gì chứng nhận một người Phật tử đích thực, dù kẻ đó chỉ là một người thể tục. Tuy nhiên bốn dấu ấn không chỉ dùng để chứng nhận suông mà còn đòi hỏi người được chứng nhận phải luông chú tâm vào ý nghĩa của bốn dấu ấn và sống phù hợp với những ý nghĩa ấy. Dzongsar Jamyang Khyentse đưa ra hình ảnh nước trà để so sánh những cạm bẫy của văn hóa Phật giáo với những gì tinh tuý của Phật pháp: hình thức tu tập hay cạm bẫy văn hóa giống như một cái tách và phần tinh tuý của Phật pháp là nước trà đựng trong tách.



Nước trà tượng trưng cho bốn dấu ấn, trong khi đó phương pháp và hình thức tu tập là cái tách. Phương pháp và kỹ thuật có thể mô tả và nắm bắt được, những sự thật thì vô cùng khó khăn. Không để bị lôi cuốn và mê hoặc bởi hình dánh và màu sắc của cái tách là một sự thách đố cho mỗi người trong chúng ta. Những hình thức tu tập bên ngoài rất dễ nhìn thấy, và người ta có chiều hướng xem đó là Phật giáo, chẳng hạn như ngồi im trên một toạ cụ, đánh chuông, gõ mõ và tụng niệm liên tục…, trong khi những khái niệm sai lầm và bấn loạn vẫn tiếp tục tung hành trong tâm thức và chi phối mọi cảm nhận trên thân xác thì vô thường đang tác động, tất cả các thứ ấy người tu tập không nhìn thấy và không ý thức được.

Trải qua hơn hai mươi thế kỷ lịch sử của Phật giáo, không biết bao nhiêu hình thù, màu sắc và kích thước của cái tách đã được sáng tạo. Dù rằng những sáng tạo đó mang mục đích tích cực, hướng dẫn người tu tập bằng những phương pháp hữu hiệu và thích nghi nhất, nhưng đồng thời chúng cũng có thể là những chướng ngại, những cạm bẫy mê hoặc người tu tập làm cho họ chỉ biết nâng tách trà trong hai tay để chiêm ngưỡng, nhưng quên bẵng đi không nghĩ đến việc uống nước trà trong tách.

Nhang đèn, ảnh tượng, chuông mõ, lễ lạt… có vẻ rất hấp dẫn và mê hoặc, nhưng vô thường và vô ngã thì lại không, chúng vừa rắc rối lại chẳng có gì thu hút một hành giả. Dù cho họ có quan tâm đi nữa thì biết đâu những lời giảng liên quan đến các khái niệm ấy đối với họ chỉ có tính cách lý thuyết dùng để nghe cho bùi tai trong giây lát, nhưng chẳng có gì liên hệ đến đời sống hằng ngày của họ. Khi sống thì cầu an để được sống lâu và khoẻ mạnh cho đến lúc chết, khi chết thì cầu siêu để chờ được tiếp dẫn về Tây phương Cực lạc, quả thật chẳng có gì dễ hơn, nhưng nếu bắt buộc phải thấu hiểu sự kiện Niết-bàn vượt lên trên mọi khái niệm thì lại là chuyện quá rắc rối.

Trong Phật giáo nếu có những gì có thể thích ứng được, ấy là nghi lễ, biểu tượng, phương pháp, nhưng sự thực thì không. Sự thực tuyệt đối mô tả trong Phật giáo là những sự thực không thể biến dạng để thích ứng. Bốn dấu ấn đã từng là sự thực tại phương Đông thì ngày nay vẫn còn tiếp tục là sự thực ở phương Tây. Dù cho người Tây phương chú tâm nhiều về giá trị triết học và khoa học của Phật giáo, và dù cho họ có đặt nặng lý thuyết hơn về tu tập đi nữa, thì bốn dấu ấn vẫn là phần nòng cốt của nền giáo lý Phật giáo đang phát triển ở phương Tây ngày nay. Giới luật và phương pháp tu tập có thể biến đổi để thích nghi với xã hội và biên giới quốc gia, nhưng bốn dấu ấn hay bốn sự thực thuộc chân lý của Phật pháp thì vẫn thế, những sự thực ấy không cần phải thích ứng, và cũng không thể nào thích ứng được.

Ta có thể rót nước trà sang một cái tách khác, nhưng nước trà vẫn là nước trà. Từ hơn hai ngàn năm trăm năm nay, nếu như “những hiện tượng cấu hợp đều vô thường” thì ngày nay chúng vẫn tiếp tục vô thường trên một cánh đồng lúa sình lầy của Á châu hay trên đại lộ Paris. Nếu “những gì chuyển động đều là khổ đau” thì chúng ta vẫn tiếp tục là khổ đau, dù đấy là những chuyển động trong tâm thức của một cá thể hay thuộc vào ngoại cảnh, trên một triền dốc của Hy-mã-lạp sơn hay trong chốn rừng rậm của lục địa Phi châu. Người ta không có cách gì để làm thay đổi những sự thực trong bốn dấu ấn của Phật giáo, không có một thể chính trị nào, một cấu trúc xã hội nào hay một nền văn hóa nào có thể làm được việc đó.


Khu vườn và căn nhà Phật pháp


Người ta cũng có thể mượn một hình ảnh khác để tượng trưng cho bốn dấu ấn, ấy là bốn bức tường của một căn nhà trong một khu vườn mênh mông. Khu vườn trang trí chung quanh căn nhà là những gì mà người ta có thể biến đổi, nhưng căn nhà quy định bởi bốn bức tường của Phật pháp thì không biến đổi được. Ta có thể kiến tạo một khu vườn theo kiểu Trung Hoa với ao sen và ngôi nhà thủy tạ, hay một khu vườn theo kiểu Nhật Bản với sỏi đá và các cây phong làm kiểng. Người ta cũng có thể thiết lập trong ngôi vườn đó những nơi ngồi thiền hay những sân tập võ, quy định những nơi chuông mõ vang rền, thiết kế những nơi vô vi và thanh thản, tạo ra những góc vườn đầy hoa thơm và cỏ lạ với những gốc cổ thụ trăm năm…

Nhưng những thứ ấy không phải là Phật pháp, đây chỉ là những vay mượn của các nền văn hóa, những biểu hiện kín đáo của xung năng và dục vọng từ nơi sâu kín của con người, những thứ ấy có vẻ thật lôi cuốn và hấp dẫn. Người tu tập rất dễ bị mê hoặc bởi những thứ màu mè như thế và không ra sức để đến gần hơn với bốn bức tường của căn nhà. Những hình thức tu tập hấp dẫn và mê hoặc là những gì thêm thắt trong suốt quá trình lịch sử của Phật giáo, tuy có thể ích lợi nhất thời, nhưng không phải là Phật pháp… Trong ngôi vườn đó có kẻ thích hoa sen, có người lại thích hoa hồng. Có những người thích được thanh thản tản bộ trong những con đường mòn ngoằn ngoèo đầy hoa thơm và cỏ lạ. Có người thích ngồi tĩnh tọa dưới một gốc cây để tìm cách quên đi những biến động của vô thường. Có người lại thích đánh chuông, gõ mõ liên miên và bất tận. Có người thích múa tập khí công vào buổi sáng khi mặt trời vừa ló rạng…

Ngôi vườn đó tượng trưng cho sắc giới trong cõi luân hồi, phảng phất sự bám víu, cố chấp và vô minh, có mấy ai thật sự muốn rời bỏ cõi sắc giới đó để bước vào căn nhà Phật pháp? Bốn bức tường thật kiên cố và vững chắc, thẳng băng, nhưng không sơn phết, chẳng màu mè và trang trí gì cả, tuyệt nhiên không có gì hấp dẫn và lôi cuốn, vì thế nhiều người vẫn thích lẩn quẩn trong khu vườn hơn là tìm hiểu những gì phía sau bốn bức tường. Nếu bốn bức tường tượng trưng cho bốn dấu ấn thì đấy là vô thường, khổ đau, vô ngã và an tịnh. Bốn bức tường không cất giấu một kho tàng nào cả, và bên trong cũng không có những trang trí vàng son chói lọi. Bước vào căn nhà chỉ có nghĩa là hội nhập với vô thường, trực tiếp với khổ đau, để nhận thấy bản chất của hiện thực, và để tréo chân ngồi xuống trong an tịnh. Căn nhà ấy là căn nhà của Phật pháp, căn nhà của Giác ngộ, nó đang hiện hữu một cách vững chắc giữa khu vườn sâu kín trong một chốn tận cùng của tâm thức ta.

Kết luận:
Khi chải đầu ta thấy một sợi tóc vướng trong răng lược, khi mang giày ta lại thấy gót giày mòn lệch sang một bên, khi bước ra đường ta thấy một chiếc xe chạy ngang mặt…, ấy có nghĩa là ta đang sống trong vô thường. Khi chú tâm vào hơi thở, ta cảm thấy đang thở ra và hít vào, khi đặt tay lên ngực, ta nhận ra tim đang đập…, ấy có nghĩa là ta đang sống với vô thường. Khi nhìn vào tâm thức, ta nhận ra những xúc cảm đang tiếp nối nhau: yêu thương, hờn giận, oán thù, ganh tị, ước mơ, chờ đợi, hy vọng, sung sướng, hạnh phúc…, ấy là vô thường đang xâm nhập vào chốn tận cùng của tâm thức ta. Tất cả mọi hiện tượng đều vô thường, nhưng không mấy khi ta nhận thấy.

Khi gỡ bỏ sợi tóc khỏi răng lược, khi nghĩ rằng sắp phải mua một đôi giày khác, khi giật mình thấy một chiếc xe vụt ngang mặt…, ấy là ta đang khổ đau một cách kín đáo. Tuy rằng một sợi tóc rụng không đau đớn và chưa phải là bịnh tật, thay một đôi giày chưa phải là xa lìa những gì mình quen thuộc và yêu thích, một chiếc xe vụt ngang mặt chưa gây ra tai nạn cho ta…, tuy rất nhẹ nhàng nhưng tất cả những thứ ấy thật ra đã là khổ đau rồi.

Trong lúc ta đang yêu thương, hờn giận, oán thù, ganh tị, ước mơ, chờ đợi, hy vọng, sung sướng, hạnh phúc…, nếu như có ai bảo rằng tâm thức ta đang tràn ngập những xúc cảm bấn loạn, nguồn gốc mang đến khổ đau, thì nhất định ta không nhìn nhận, ta chỉ chấp nhận là ta đang yêu thương, oán hờn, ganh tị, hạnh phúc…, mà thôi.

Khổ đau theo định nghĩa của Phật giáo là như thế, cùng khắp và lắm khi mang tính cách lừa phỉnh và khó nhận biết. Tất cả những gì chuyển động bên ngoài, những gì thay đổi trên thân xác, những xúc cảm tiếp nối nhau hiển hiện trong tâm thức, đều là khổ đau. Tất cả mọi hiện tượng vô thường đều là khổ đau, nhưng không mấy khi ta chấp nhận.

Khi vứt bỏ sợi tóc vào giỏ rác bên cạnh thau rửa mặt, có thể ta nghĩ rằng tóc dạo này đã ít lại hay rụng; khi cột dây giày, ta nghĩ rằng sẽ mua một đôi khác và vứt đôi này đi; khi thụt lùi để tránh chiếc xe, ta cũng có thể nghĩ rằng vừa thoát chết vì cái xe chạy nhanh quá. Sợi tóc bắt đầu bằng một tế bào ở da đầu sinh ra, trước đó nó không có, và trước đây vài phút còn là một thành phần cấu hợp của thân xác ta, ngày mai nó sẽ được xe rác mang đi và đốt bỏ trong lò đốt rác…, nó không có một sự hiện hữu độc lập, bền vững và tự tại nào, vì thế nó không có cái ngã. Đôi giày làm bằng da bò, người thợ đóng giày khâu những miếng da lại để tạo ra một đôi giày, số phận của nó cũng giống như sợi tóc, đôi giày không có cái ngã.

Thân xác ta gồm có vô lượng cấu hợp: từ những sợi tóc trên đầu, máu huyết trong cơ thể, hơi thở trong phổi, chất nhờn trên da, tư duy và xúc cảm trong tâm thức…, khi tất cả những cấu hợp và xúc cảm vừa kể không còn hội đủ điều kiện để liên kết với nhau nữa, chẳng hạn như sau khi chiếc xe đã đâm thẳng vào ta, thì lúc đó cái ngã của ta cũng không còn tồn tại để tự nhận diện và phân biệt với sợi tóc, đôi giày và sự sung sướng trong tâm thức.

Tổng thể những cấu hợp vừa kể tạo ra cho ta một ảo giác về cái ngã. Ta không hiện hữu thật sự: sợi tóc, hơi thở, đôi giày trong hai chân, chất nhờn trên da, chiếc xe đã vụt mất, hạnh phúc phát sinh trong tâm thức…, tất cả chỉ là những kết hợp tạm thời giữa những thành phần cấu hợp “của ta” liên đới với những vật thể và biến cố thuộc vào “môi trường chung quanh” và “toàn thể vũ trụ”.

Nhưng thật là lạ, tại sao ta lại bước ra đường trễ mất hai giây và chiếc xe tránh được, không đâm thẳng vào ta? Ấy là vô số cơ duyên chưa hội đủ để làm phân tán những thành phần đã cấu hợp ra cái ta. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì ta sẽ thấy rằng không phải chiếc xe chạy nhanh đã suýt đâm vào ta mà chính người tài xế lái nhanh suýt gây ra tai nạn. Nhưng nếu suy luận xa hơn nữa, thì cũng không phải người lái xe cố tình lái nhanh mà chính là những xúc cảm bấn loạn trong tâm thức anh đã xui khiến anh lái nhanh, chẳng hạn như phải giao gấp một món hàng, hay vừa nghe tin con đau ở nhà cần phải về gấp, hay là anh đang nghĩ đến một việc gì đó làm cho anh giận. Những nguyên nhân như thế anh không chủ động được, chúng nằm “bên ngoài”, và anh ta đem vào “bên trong” để chúng kích động anh lái xe nhanh.

Nếu tiếp tục suy nghĩ theo chiều hướng đó, ta sẽ hiểu hiện tượng tương liên trong Phật giáo là gì: những nguyên nhân hay biến cố thật ra, không có vẻ gì liên hệ đến ta, nhưng ảnh hưởng một cách trực tiếp đến mạng sống của ta. Nguyên nhân của tai nạn suýt xảy ra không phải là tại chiếc xe, không phải người tài xế, mà chính là những xúc cảm trong tâm thức của anh ta, những xúc cảm đó trùng hợp với những xung năng kích động ta bước ra đường. Sự tương liên là như thế, nhưng ta vẫn có chiều hướng phân biệt và tách rời từng biến cố và từng sự kiện để quy lỗi.

Hiện tượng tương liên, tương kết và tương tạo cho thấy một ý đồ hay một hành vi dù thật nhỏ cũng đều tương tác đến tất cả mọi hiện tượng khác trong thế giới này. Một chút giận dữ cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường, nhưng đồng thời ta cũng có thể hiểu rằng một xúc cảm từ bi trong tim cũng có thể lan ra đến phía bên kia bờ của vũ trụ. Tất cả mọi hiện tượng đều vô ngã, chúng chỉ hiện hữu khi tương liên với những hiện tượng khác, nhưng ta lại có chiều hướng tách ra từng hiện tượng một, xem mỗi hiện tượng là thật và sự hiện hữu của chúng mang tính cách vững chắc và bám víu vào đó.

Suy nghĩ thật kỹ ta cũng có thể hiểu tại sao ta lại bước ra đường trễ mất hai giây? Lý do có thể rất tầm thường, chẳng hạn chỉ vì ta ngồi thiền và vừa đứng lên, lo âu và buồn phiền trong tâm thức chưa kịp trỗi dậy, ta còn đủ thanh thản và sáng suốt nhìn thấy một sợi tóc vướng trong răng lược, nhận ra gót giày đã mòn lệch một bên…, có phải cái thanh thản của những suy tư về sợi tóc và đôi giày cũ đã làm mất đi hai giây trong cuộc sống của ta trong ngày hôm ấy?

An tịnh là Niết bàn hay Niết bàn là an tịnh thì cũng thế. Tất cả những gì tĩnh lặng là an tịnh, tất cả những gì an bình là tĩnh lặng. Tĩnh lặng là không sinh, không thành cũng không hoại. Không có sợi tóc nào vướng trong răng lược, đôi giày cũng không có đế mòn lệch một bên, chẳng có một chiếc xe nào chạy ngang mặt, xúc cảm về sung sướng cũng không hiển hiện trong tâm thức. Niết bàn vượt lên trên mọi khái niệm, mọi kích thước của không gian và thời gian. Niết bàn có thể xem như một thể dạng của tâm thức, nhưng ta vẫn phóng tâm ra ngoài để đi tìm nó ở hướng Tây.

Ta không sinh ra là một người Phật giáo, ta cũng không trở thành một Phật tử bằng nghi lễ. Chỉ khi nào ta chấp nhận bốn dấu ấn và sống thật sự với ý nghĩa của bốn dấu ấn ấy, thì lúc đó ta mới có thể tự nhận diện là một Phật tử đích thực. Trong trường hợp ta có cơ duyên tốt lành để biết được Phật pháp, nhưng lại cứ tiếp tục nâng cái tách để chiêm ngưỡng hình dáng, ngắm nghía tranh vẽ và nước men, không uống nước trà trong tách, hoặc thanh thản đi tản bộ để ngây ngất với hoa thơm cỏ lạ trong khu vườn, nhưng không bước vào căn nhà, thì khi ấy ta vẫn còn ở bên ngoài Phật pháp.

Sách của Dzongsar Jamyang Khyentse:
- Ấn bản tiếng Anh: What Makes you not a Bouddhist, Nhà Xuất bản Shambhala, Boston & London, 2007.

- Ấn bản tiếng Pháp: N’est pas Bouddhiste qui veut, Nhà Xuất bản Nil, Paris, 2008.

Tháng cô hồn



Trương Thị Kim Dung






Ghềnh ghệc sáng
vầng non chín ép
Trăng vãng vong
mưa sà sã nỗi cô hồn

Anh nói anh đi buôn
dòng Tiêu Tương không chứng
Thuyền Trương Chi tã nát cả cọc chèo

Bao mùa hoang câu ca còn ghẹo
Búp sen đội hương cổ Phật lên mầu

Vứt roi dâu
hầu mười cửa điện
Kết bồ đài cháo thí chúng sinh

Tâm muốn tịnh sao còn toan tính
Thoáng heo may
trộm phép cửa Bồ Đề

Khi một nền văn minh bước vào đà suy vong




Trong mọi nền văn minh xưa nay, anh bác sĩ, dù dưới hình thái phù thuỷ, đều được quý trọng, tôn vinh, tin cậy : nghề nó là cứu người.

Riêng ở Tây U, vị tổ sư khai sinh ra ngành này là Hyppocrate, thời Thành-Quốc Athène, Thế-Kỷ của Périclès.

Hyppocrate đã lập ra lời thề sau :



Trong nhiều thế kỷ, ở Châu Âu, trước khi hành nghề, bác sĩ phải tuyên thệ như thế.

Lân la, lời thề ấy, có cải tạo, đi vào luật của Nhà nước cũng như điều lệ của Hội đoàn bác sĩ PhuLăngXa (Ordre des médecins ; phải qua nó mới được quyền hành nghề bác sĩ ở Pháp).

Ta vừa nghiệm sinh điều sau.

Cách đây 4 năm, ta đến phòng khám nghiệm của một vị chuyên gia ngành mắt (ophtalmologiste) mà ta vẫn thường đến khám mắt, xin đo đếm và, nếu cần, thay đổi kính viễn. Chàng kê cho ta đơn thay đổi kính viễn. Rồi bảo : "Ông muốn tôi mổ mắt ông chữa bệnh đục thể kính (cataracte) không ?" Ta do dự. Ta không thích bị mổ mắt. Chàng ôn tồn : "Suy nghĩ đi, nhưng nhanh nhe, năm tới, tôi đi hưu rồi."

Ta thay kính. Không mổ mắt. Tạm thời sống được mà. Mổ làm gì, biết đâu đó ?

Mấy tháng qua, lái xe, nhìn tên đường từ xa, thấy mắt mình xuống dốc. Bèn nghĩ tới chuyện mổ mắt. Xin gặp một chuyên viên mổ mắt ở bệnh viện ngay tại thành phố ngoại ô ta ở, do vị bác sĩ gia đình của ta giới thiệu. Đợi cả tháng mới được gẳp. Ông khám mắt ta, đuổi ta về nhà : "Ông chẳng có bệnh gì cả, về đi, hai năm nữa đến gặp tôi. Tạm thời, tôi kê cho ông một đôi mắt kính để nhìn xa, chỉ dùng khi lái xe thôi."

Ta mừng hú, lặng người, bâng khuâng. Té ra tay bác sĩ chuyên viên mắt, đã chăm sóc cả gia đình ta trong hàng chục năm, đòi mổ đôi mắt lành của ta để kiếm chác "tí" tiền trước khi đi hưu hưởng thụ cuộc sống. Điều ấy khả thi : ta biết gì về cơ thể của ta ? Đành tin bác sĩ chuyên viên thôi. Cũng may, ta không chỉ zốt, ta còn hèn, rất sợ bị mổ mắt, nên nhùng nhằng. Chứ tiền thì cơ bản đã có những quỹ bảo hiểm xã hội thanh toán.

Ở nền văn minh này, hôm nay, cả những người, đầy bằng cấp khoa học, được quý trọng tin cậy nhất, ngay trong những lĩnh vực kiến thức có thể chứng minh một cách khoa học được (phát hiện bệnh đục thể kính), đã từng lập thệ kiểu Hyppocrate trước khi hành nghề, có thể ung dung đốn mạt như thế. Chỉ vì tiền. Dường như chẳng có gì lạ. Thế thì nền văn minh này đã đi vào con đường suy vong. Chẳng kiến thức khoa học nào có thể cứu vãn nó. Những thằng chính trị gia thiếu văn hoá, nhân cách, bất kể tả hữu, e tutti quanti, không thể tin được.

Ôi, văn học, dù trước mắt bất lực, vẫn cần thiết. Hạ bút lang thang chữ nghĩa vẫn là chuyện đáng làm.

Phan Huy Đường

TIẾNG GỌI BÊN KIA CỔNG




Chỉ trời mới biết ông có đến thăm bà không. Chẳng bao giờ ông bước chân vào cổng viện, nói ghét, ngay từ đầu. Ông đứng đâu đó bên kia cổng làm dấu gọi. Giữa họ có dấu hiệu riêng chẳng ai biết và cũng chẳng quan tâm. Mọi người đều có nhiều chuyện để bận bịu lo toan.

Luôn luôn vào đêm, khi khách khứa đã ra về và ông đếm tiền bán được trong ngày xong vù tới thăm bà. Ông không bao giờ quên mang cho một ít, bảo là cho bà ấm túi. Và thật ra cũng chỉ nghe kể vậy, có ai mắt thấy tay sờ vào cái túi màu xám đã thành nâu do vết bẩn, lúc nào cũng kè kè bên hông trái của bà được đâu.

Chiều chiều cơm nước xong bà đứng rình bên cửa sổ, hễ thấy ông thấp thoáng bên kia cổng là chạy ào ra có khi chẳng kịp mang dép giày hay khoác thêm áo dù trời lạnh, hoặc vào giờ ngủ rồi thì đập cửa phòng, bắt nhân viên phải mở để ra ngoài trò chuyện với ông. Mà ở đây từ sáu giờ mười lăm đến sáu giờ bốn lăm tối là tất cả phải vào giường trong khi bên ngoài nắng mùa hè còn rạng rỡ cười đùa mãi đến hơn mười giờ đêm vẫn chưa chịu tắt đèn, ánh sáng vẫn tủm tỉm khắp trời. Các cụ nằm trên giường thao láo nhìn qua cửa sổ. Không ngủ, không cục cựa, chỉ nằm như người chết không khép mắt. Cái bà Á châu ngơ ngơ ngẩn ngẩn như nai, lúc nào cũng lầm bầm giận dữ trách chồng ôm tiền về Việt Nam để tụi con gái dụ dỗ lấy hết. Dù sao cũng công lao tần tảo thức khuya dậy sớm của bà chứ. Cái tiệm ăn đó không có bà thì làm sao có nó. Tiền của bà đổ ra như quân Nguyên, ông chỉ được cái đứng bếp chỉ huy và làm vài món đặc biệt. Chả là ông sành và ham ăn ngon, mở miệng ra là để nói về món này món nọ, để nhai nuốt, và để trách bà chi tiền dè xẻn quá.

Bà thường bảo ổng là cái nợ của tui đó, chớ đã ly dị trước bảy lăm ở Sài gòn rồi, cơn cớ gì qua Tây còn gặp lại. Thằng chả ăn nói dẻo quẹo, dụ dỗ tui bỏ tiền ra mở tiệm ăn cho chả vừa được ăn ngon vừa có tiền xài sang đi đi về về Việt Nam như đi chợ. Bà bạn cùng phòng bảo thì như vậy bây giờ ổng mới có tiền đem tới cho bà, còn trách gì nữa. Bà ngẩn ra, cố tiêu hóa lời bạn chớ không phải không rành tiếng Pháp, rồi gật gù chống chế ờ, vậy chớ ổng cho gái ăn nhiều hơn tui. Nên có hôm bà dỗi, bảo ổng đứng nãy giờ ở cổng chờ mà tui không thèm xuống đâu, cứ rủ rê đi chơi, có giỏi thì rủ gái đi đi. Bà bạn cùng phòng không góp ý nữa, tắt đèn quay mặt vào tường :

- Thôi bà Ly, tui ngủ đây, bà cũng ngủ đi.

- Bà sướng thiệt bà Maubeuge à, vô tư, ngủ suốt ngày.

Bà với tay tắt đèn trên đầu giường, vô tình chạm phải tấm hình chồng trên mặt bàn đêm rớt xuống, tiếng khô sắc khiến bà Maubeuge mở mắt nhíu mày:

- Bà lại làm cái gì vậy bà Ly?

- Tấm hình rớt, tự động nó rớt, tui có làm gì đâu. Xin lỗi bà.

- Không làm gì sao xin lỗi.

Bà Maubeuge lại quay vào tường càu nhàu nho nhỏ. Đêm thản nhiên trôi qua, những sợi gió mỏng manh mùa hè múa hát bên ngoài ve vuốt những bức tường viện mấy tháng qua mới sơn lại trắng tinh, trắng như nỗi lòng ngây ngô nhớ quên bất chợt của người cư ngụ bên trong. Ở đó buồn vui không còn cảm thấy, khóc cười không còn phân biệt, lời mỉa mai hay ngọt ngào đại khái như nhau. Những tròng mắt đục ngầu nhướng lên hạ xuống vô cớ chẳng vì đâu và cũng chẳng diễn cảm gì. Và có cụ lải nhải huyên thuyên thay cho nhiều người không một lời suốt tháng.

Bà Ly trằn trọc như thường lệ. Tuần rồi đoàn văn nghệ gì đó tới ca hát cho các cụ nghe. Bà dỗi. Sao lúc nào cũng dân da màu mà lại không có màu vàng xỉn xứ bà, không ai luyến láy tiếng Việt cho bà được sống thời nào để lòng thấm thiá, sao Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết không vào đây mùi mẫn chồng đàn vợ hát bài gì về Huế yêu qúy của bà. Cho nên bà đã ra phòng sinh hoạt, đã nhìn thấy những khuôn mặt màu da lạ hoắc rồi quày quả về phòng, trùm chăn kín đầu bịt tai mà âm thanh trống thùng thình vẫn đâm vào màng nhĩ. Phòng ăn phòng sinh hoạt tập thể suốt ngày đã nhai nhải nhạc Pháp rồi, thứ nhạc chẳng êm dịu chút nào cố đánh thức người ta. Có lần bà đã trách nhân viên, có cần phải tra khảo những lỗ tai nặng như chì ấy phải bận bịu vì thứ âm thanh mà họ chẳng còn thưởng thức nổi nữa không, hay nên để cái đầu người ta yên tĩnh. Họ nhìn bà, cái nhìn muôn đời trên cao của kẻ còn tỉnh táo, gật gù liếc nhau cười cười hứa sẽ nói lại với cấp trên.

Con gái bà đến thăm. Nó thường thắc mắc tại sao mẹ không bận mấy bộ đồ con đem vào kỳ trước mà cứ bận quần áo của ai đâu rộng thùng thình dài quá gót lỡ vấp té thì sao. Nó trách mấy cô chăm sóc. Họ cười khẩy thản nhiên Madame ơi, bà cứ vào đây làm việc rồi khắc biết, từng này người chúng tôi quay như vụ còn chưa yên mà bảo ngồi đó lựa từng bộ đồ có ghi tên tuổi của ai ! Thét rồi con bà cũng thản nhiên nhìn mẹ trong bộ đồ xin xỉn màu chẳng còn màu. Bà lại bắt đầu kể tội chồng đem tiền về Việt Nam cho gái. Con gái lan man nhớ hồi cha còn nhìn rõ, gặp bà nào vừa… khẩu vị là hí hửng huyên thuyên tán tỉnh trước cái ngúyt sắc như dao của mẹ. Bây giờ thì con gái nhìn bà, chịu đựng vẻ không chịu đựng, im lặng kiểu không im lặng, bất mãn vẻ không bất mãn:

- Thôi mẹ à, nhắc tới mấy chuyện đó làm chi nữa.

- Nhưng tao tức chớ. Tiền của tao mà.

- Ba già rồi, gái nào ham cho nổi.

- Bởi vậy ổng mới cho tiền để nó ham. Nó không ham ổng nhưng ham tiền. Mày không nghe nói Việt Nam bây giờ là một trong những nước kém đạo đức và chỉ biết chạy theo đồng tiền nhất thế giới à.

Khi con gái ra về, bà quyến luyến nắm tay, bỗng tròn mắt nhìn chiếc nhẫn hột sa-phia đỏ lừng lựng như nhìn thấy lần đầu:

- Nhẫn này của mẹ, sao mày lấy? Ăn cắp bao giờ?

- Mẹ cho con mà.

- Cho bao giờ?

Con gái bực bội tháo ra:

- Thì trả lại mẹ đây.

Rồi ngúng nguẩy bỏ đi. Bà Ly tần ngần cầm chiếc nhẫn chạy theo con, mếu máo, sôi nổi hụt hơi:

- Thảo à, mẹ chỉ muốn, biết sao lạ quá… Mẹ có ba đứa, con, mà một mình mẹ, nuôi nổi. Sao bây giờ chỉ, có một mình mẹ mà, ba đứa con, thành năm đứa rồi, lại không nuôi nổi hả con?

Con gái bàng hoàng, bần thần dừng lại ôm bà một lát rồi hôn trán vỗ về mẹ vào nghỉ đi, con phải đi làm đây kẻo trễ. Làm. Lúc nào chúng nó cũng bận bịu đi làm, ghé dăm ba phút đã vội vã đi làm. Trước kia bà chẳng đi làm à, chẳng vừa đi làm vừa dẫn đứa này tới trường đứa kia đi học nhạc đứa nọ học Anh văn à. Bà đã quay như chong chóng giữa sở làm, con cái, chợ búa, trường học… Không một giây cho riêng mình. Không biết xi nê ca nhạc hay họp bạn họp bè. Không biết gì khác. Không biết cả mình. Chỉ biết con. Con. Và con. Bây giờ chúng nó đều tất bật hối hả đi làm. Kẻo trễ. Và bà thì nghỉ. Nghỉ suốt tháng suốt năm. Ngồi trân trân hàng ngày hàng tháng chờ chúng nó đến thăm thay vì chỉ ông chồng đêm đêm gọi chờ bên kia cổng…

- Bà biết không, ổng nằm một chỗ kêu réo hoặc mò mẫm lạng quạng vì mắt mù rồi, cái bịnh tiểu đường ác vậy đó mà ổng có chịu kiêng khem đâu, cứ cái gì ngon là đòi, nằm một chỗ mà đòi đủ thứ, có khi tui bực, mua cho ổng ăn dồn dập cho chết phức đi, mà vẫn không chết, vẫn mò về Việt Nam đem tiền nuôi gái…

- Mỗi lần gặp ổng bà có hạch sách chuyện này không?

- Có chớ, mà chối bai bải, nói gái nào mà gái, chớ mắt mù rồi mà cứ láo liên đó bà.

Bà Maubeuge tủm tỉm một mình:

- Mù thì láo liên cũng nào có thấy gì.

Như chợt nhớ, bà Ly hối hả:

- Bà Maubeuge à, khi chết, bà muốn làm sao ? Thiêu hay chôn hay tặng xác cho bịnh viện?

- Tui chưa nghĩ đến. Tui chưa muốn chết. Còn bà?

- Vậy mà ổng thì nhứt định về Việt Nam chết đó bà. Ổng nói dù sao cũng quê hương xứ sở, nắm xương gửi lại chỗ chôn nhao cắt rốn. Chớ ở đây chung quanh ma nói toàn tiếng Pháp. Cho nên ổng về Việt Nam nữa rồi.

- Ủa, sao tối hôm qua ổng gọi bà ra cổng mà?

- Ủa vậy hả, ờ, vậy chắc ổng chưa đi. Nhưng rồi sẽ đi, tui biết mà, đem tiền về cho gái nó ăn.

Chợt tiếng khóc rấm rức đâu đó chạy dọc hành lang vẳng tới. Tiếng khóc đàn bà hay đàn ông mang âm hưởng như nhau : khàn đặc, khô khốc, rên rỉ, cam chịu… . Tới một tuổi nào đó hai giới tính có nhiều điểm tương đồng. Và ở đây chẳng ai buồn tìm hiểu người khóc là ai, chỉ sợ đến phiên mình phải khóc thôi. Thường họ co rúm người lắng nghe, lấm lét. Bữa trước một bà vừa khóc vừa cười vuốt ve tay cô thực tập sinh rồi hôn tay cô thắm thiết, lụp chụp sôi nổi khen cô tử tế quá, cô tốt quá, cô đẹp quá - chỉ từ một câu hỏi “bà có khoẻ không?”. Đối với các cụ, thỉnh thoảng có người vào tập nghề như giọt mưa tinh khôi đọng trên lá đãi kẻ lạc đường dưới trời sa mạc. Ít nhất họ còn chất ngọt ngào, còn có khả năng ban tặng chất người.

Nhưng bà Ly không sợ bị khóc vì lời nặng nhẹ của nhân viên. Bà chưa tới giai đoạn đùn bậy trên giường để bị quát mắng miệt thị, bà không làm đổ thức ăn để bị giật phăng cái khay không cho tiếp tục, bà không làm vung vãi nước để bị cấm uống suốt buổi chiều. Vả chăng nếu bị những điều không vui đó thì tối nào ông đến bà sẽ tâm sự. Bà may mắn là còn có ông để kể lể nỗi niềm. Cái duy nhất bà sợ là bị mất tiền vì chồng cho gái thôi.



Sáng đó mọi người đang dùng điểm tâm, bỗng viện rộn ràng tấp nập như động đất. Cảnh sát và ai ai ở đâu bươn bả vào ra như hội chợ. Nhiều cụ hớn hở vui, nói chẳng mấy khi mình được ngắm người bên ngoài đông đảo như vậy, té ra cũng còn người sống, hay biết đâu chẳng từ hành tinh khác đổ bộ xuống. Trông ai cũng trẻ đẹp hiên ngang. Cảnh sát nữ oai quá, súng lủng lẳng bên sườn mà mặt mày tươi hơn hớn như đeo hoa, chẳng phải thứ giết người. Nhưng cái nhìn thì nghiêm trọng.

Rồi các cụ đánh rơi thìa nĩa, há hốc mồm nhìn bà giám đốc và hai nhân viên bước đi vội vã đầu hơi cúi, mắt chẳng nhìn ai dù mọi con mắt trắng đục ngầu đang dồn vào họ, da mặt tái xám như đám người họ chăm sóc mỗi ngày. Còi xe hụ inh ỏi rồi tất cả rơi vào im lặng, cái im lặng chết người của thói quen nơi đây và của sững sốt không thốt nên lời. Nhóm nhân viên còn lại bàng hoàng nhắc nhở các cụ tiếp tục cho xong bữa sáng, giọng điệu nhỏ nhẹ e ngại rất khác ngày thường.

Mãi đến chiều, bà Maubeuge nghe radio rồi kể cho bà Ly nghe, một cô thực tập sinh vào viện mang lén máy quay phim, thâu tất cả những gì xảy ra trong hai tuần học nghề. Cảnh các cụ bị bạc đãi, bị tát tai, bị tạt nước vào mặt, bị mắng là đồ súc sinh, bị bỏ mặc té nằm rên la không cho cô đỡ dậy, bị bỏ khát không cho cô tiếp tế ly nước… Truyền hình hôm đó ở viện “bị hư” bất ngờ nên các cụ không biết trong bản tin có thể mình được vô tình làm tài tử cho cô gái quay phim. Cả nước Pháp nhao nhao. Vidéo phát trên tòan thế giới, mặt các cụ được bôi nhoè như thực tế từ lâu không ai còn hình dạng nữa. Ngoài việc đổi chương trình giải trí, tại viện không gì khác lạ ngoài buổi sáng nay, mà chuyện ấy như đã trôi qua cả thế kỷ rồi.

Đêm đó tất cả đều im lặng.

Và bà Ly không bận tâm. Chương trình nào đối với bà cũng vô nghĩa như nhau. Tối qua chồng bà bảo hôm nay sẽ đến muộn, ráng chờ. Bà chờ để ông đem tiền đến. Phải giữ kẻo ông đem cho gái. Bà kiên nhẫn. Đêm rất lạnh. Đêm rất dài. Mùa đông năm nay khắc nghiệt hơn những năm trước. Tuyết rơi nhiều, trắng xoá, trĩu trên cây lá, lấp hết vườn cỏ chung quanh. Tuyết nằm trên mái ngói nhô ra vài đầu nhọn chẳng khác tấm vải liệm không che hết xác thân xương xẩu. Tuyết trắng bệch lạnh lùng, lặng im như chết…



Con gái bà Ly trầm ngâm nghe bà Maubeuge tỉ tê. Tiếng khóc cứ như chắn ngang ở cổ, nghèn nghẹn, không thoát ra mà cũng không nuốt xuống được. Cô nhìn đôi vai ngã về trước oằn oại cuộc đời. Đôi tay xương xương từ lâu không còn bóc lịch. Hai tròng mắt vướng lại chút trong veo lao chao giọt nước chẳng chịu trườn xuống má. Cô đặt tay trên đùi bà lắc nhẹ khuyến khích. Bà mỉm cười méo mó:

- Tôi đã can ngăn nhiều cô à, nói trời lạnh quá đừng ra ngoài đêm nay, mà mẹ cô vẫn nhất định đòi đi. Tôi bực, xoay mặt vào tường, ngủ. Lỗi tại tôi.

- Bà không có lỗi gì cả bà ạ. Tánh mẹ cháu muốn làm gì thì phải làm cho được, không ai cản nổi.

- Nhưng mà cô thấy tuyết đó. Ở tuổi này đêm hôm khuya khoắc mà cứ ra, thì để ổng chờ một lát rồi bỏ đi chớ gì. Không gặp một bữa có sao đâu.

- Ông nào chờ hả bà ?

- Ba cô chớ ông nào nữa. Coi bộ mẹ cô rất quan tâm chuyện ổng đem tiền về Việt Nam cho gái. Nghe nói ổng hứa là tối đó sẽ đem hầu như toàn bộ tài sản cho bà an hưởng tuổi già, rồi vài bữa sau ổng sẽ về Việt Nam ở luôn.

- Ba cháu?

- Chớ ai. Hầu như đêm nào ổng cũng tới, đứng bên kia cổng gọi là mẹ cô te tái chạy ra. Ban đầu người ta còn tội nghiệp mở cửa, thét họ không mở nữa, có khi bà ấy đấm cửa ầm ầm, tôi bực quá mà không biết làm sao. Nhưng thường thì nhân viên nghe ồn là tới la ngay, bà ấy mới chịu thôi.

- Còn vừa rồi là…

- Thì cũng ba cô đến gọi bên kia cổng như mọi lần. Có điều buổi sáng bà giám đốc và hai nhân viên đã bị cảnh sát còng tay dẫn đi rồi. Về tội đối xử thiếu nhân đạo với chúng tôi, chắc cô nghe rồi đó. Xáo trộn vậy nên ai còn cho ra ngoài. Thế là mẹ cô trèo qua cửa sổ. Cô coi, tận tầng ba… Lỗi của tôi là đi ngủ…

Tất cả vật dụng của mẹ chỉ là hình bố trên bàn đêm và cái túi vải nâu nâu xam xám từng mảng bẩn thỉu, bên trong nhiều mẩu giấy vụn nhầu nhĩ cũng lem nhem dơ dáy. Cô bỏ túi vải vào xắc tay. Và cẩn trọng ôm tấm hình bố vào lòng. Cô đã nghĩ đến chỗ nào trong căn hộ nhỏ có thể đặt bàn thờ, sẽ ghi tháng ngày mẹ mất, năm 2012, và cha 2008.



MIÊNG

Paris, juillet 2012

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Việt Nam Cộng Hòa Có “Đa Đảng” Không? Mỹ Có “Đa Đảng” Không?




Hoang Huu Phuoc, MIB

Dẫn Nhập:

Câu trả lời duy nhất đúng mà bất kỳ ai đã thực sự là dân Việt Nam Cộng Hòa có thực sự quan tâm đến chính trị và thời cuộc của Việt Nam Cộng Hòa, và đang còn ký ức đầy đủ về cái gọi là thời cuộc ấy của Việt Nam Cộng Hòa, và … biết tiếng Anh, đều có thể cho ra ở thể khẳng định là: Việt Nam Cộng Hòa chưa từng đa đảng và Mỹ không đa đảng. Trước khi nói Việt Nam Cộng Hòa khác với Mỹ chỗ nào dù cả hai không đa đảng, cần làm rõ nội dung rằng “đảng” được bàn luận ở đây phải là “đảng chính trị” và “đảng chính trị” này phải là “đảng cầm quyền”. “Đảng chính trị” không phải là băng đảng của một nhóm người được lập nên dựa theo luật pháp hào phóng và ưa chuộng hư danh của một quốc gia nào đó (thí dụ như nước Nga sau thời Liên Xô đã xuất hiện những “đảng” như “Đảng Bia” của những người khoái uống bia), hoặc như ở Việt Nam thời Pháp thuộc có nhiều tên Việt gian mở ra những “đảng” để thờ phượng giặc xâm lăng, làm ô danh những liệt sĩ cách mạng chống Pháp, chỉ tập trung tung hỏa mù giúp quân xâm lược phá tư tưởng cộng sản để rồi bị “đảng” cộng sản đánh cho tan tác phải bỏ chạy vào Sài Gòn mở “văn phòng” ngồi chơi hoài cổ mà ngay các vị “tổng thống” Việt Nam Cộng Hòa còn phải bỉu môi khinh bỉ, không thèm gia nhập, và không cho nhúc nhích cục cựa gì về “hoạt động chính trị” để “độc quyền chính trị”, không cho ai cạnh tranh làm tôi mọi Mỹ. Còn “đảng cầm quyền” là yếu tố bắt buộc để chứng minh đó là một “đảng chính trị” thực sự. Không có quân đội, chẳng phải là đảng cầm quyền thì có khác gì những hình nộm múa may trên hý trường chính trị mà phải tốn hao giấy mực viết về! Tóm lại, “đảng” ở đây là đảng chính trị cầm quyền, với điều thú vị là gần đây Việt Nam đã tung ra những từ ngữ học thuật hàn lâm dạy dỗ thế giới về “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như một phát kiến quan trọng về sự tước khỏi tay sở hữu độc quyền của chủ nghĩa tư bản về cái gọi là kinh tế thị trường cũng như nêu bật tính hiện hữu không bất biến của kinh tế thị trường ở mọi nơi, và “đảng cầm quyền” như một phát kiến quan trọng thứ hai nhằm giúp các nước tư bản nhận ra chân lý rằng nhiều đảng không phải là đa đảng, và không phải cứ “đảng” thì là … “đảng”.

Việt Nam Cộng Hòa:

Việt Nam Cộng Hòa chưa hề có đa đảng. Không bất kỳ ai trên thế gian này thuộc bất kỳ quốc tịch nào có thể cho biết – và tất nhiên trưng ra các bằng chứng lịch sử có thư tịch hẳn hoi tại các thư viện quốc gia của các siêu cường – rằng các ông Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu (tất nhiên cùng các thân bằng quyến thuộc và bè phái của các ông ấy) là “đảng viên” của bất kỳ một đảng chính trị – tức “chính đảng” – nào. Nghĩa là các vị này trở thành “tổng thống Việt Nam Cộng Hòa” một cách phi chính thống, bất bài bản, và vô hàn lâm, vì “làm tổng thống chính trị” mà trước đó không hề sinh hoạt chính trị trong bất kỳ một chính đảng nào, có bất kỳ cương lĩnh chính trị và đường lối hoạt động kách mệnh hẳn hoi nào, có bất kỳ đảng viên hẳn hoi nào, có đóng bất kỳ đảng phí hẳn hoi nào, có ban chấp hành hẳn hoi nào, có bầu bán hẳn hoi nào, và có giới thiệu ứng cử viên nào thay mặt đảng ra tranh cử tổng thống. Cả hai “ông” đều do Mỹ dúi súng vào tay rồi đẩy lên, và do đó cả hai ông – trên lý thuyết – xem như đều không biết gì về “chính trị”, về “chủ nghĩa”, về “lý tưởng cách mệnh”, mà chỉ biết mồm loa mép dãi bù lu bù loa mãi miết về những nội dung hoang đường như “thế giới tự do”, “cộng sản khát máu”, v.v. và v.v., mà các ông không hề hiểu biết, để khỏi phải nói về triết thuyết học thuyết chính trị mà các ông mù tịt. Cũng do Mỹ nhào nặn ra, cả hai ông đều biết sự lợi hại của cái gọi là “đảng” ở Mỹ và ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Do không thể hạ mình gia nhập “đảng” của người khác (tức “đảng” của những kẻ bầy nhóm cá nhân lập ra thời Pháp thuộc để chống…Việt Minh và tự gọi mình là “đảng” mà người dân Việt Nam Cộng Hòa gọi là của đám “chính khách xôi thịt” còn hai ông lúc nắm giữ quân đội đều ra sức trấn triệt), Ngô Đình Diệm manh nha lập ra Đảng Cần Lao (do đã thấy sức mạnh ghê gớm của tầng lớp công nhân mà Cộng Sản thu hút đánh bại thực dân Pháp trong khi giới “nhân sĩ” trí thức quan trường như các cụ tiền bối của Cụ Diệm thì khinh thường), mà đã là Đảng thì phải có lý luận chính trị, có chủ nghĩa hẳn hoi, nên Ngô Đình Diệm vận dụng ngàn thành công lực để cho ra cái gọi là Chủ Nghĩa Cần Lao Nhân Vị (ắt với dụng ý là “chủ nghĩa cộng sản” bóc lột nhân dân lao động, còn “chủ nghĩa cần lao nhân vị” sẽ cưng nhân dân lao động như trứng mỏng, lập lờ từ ngữ “nhân vị” với chữ “nhân” như “nhân quyền”, “nhân nghĩa”, “nhân đạo”, “nhân văn”, hay… “nhân dân” chăng?). Và cũng do không thể hạ mình gia nhập đảng của người khác (tức đảng của những kẻ bầy nhóm cá nhân lập ra thời Pháp thuộc để chống…Việt Minh và tự gọi mình là đảng mà dân chúng Việt Nam Cộng Hòa gọi là của đám “chính khách xôi thịt” mà cả hai ông khi nắm giữ quân đội đều ra sức trấn triệt, hay cái đảng kỳ quái “cần lao nhân vị” của vị tổng thống mà nhóm mình đã giết tại Nhà Thờ Cha Tam), Nguyễn Văn Thiệu đã lập ra Đảng Dân Chủ năm 1973 với đảng kỳ Cờ Vàng Sao Đỏ, với Đảng Trưởng là Nguyễn Văn Thiệu, nhưng rút kinh nghiệm trò hề của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu không hề cố gắng đẻ ra bất kỳ học thuyết chủ nghĩa chính trị nào cho hậu thế cười chê, và cũng chẳng cần o bế bất kỳ giai cấp nào, chỉ cần nắm quân đội trong tay, không cần đảng viên (do rất nhiều tướng lĩnh hoặc theo phe tướng Nguyễn Cao Kỳ hoặc do sợ mếch lòng tướng này, hoặc theo tướng Dương Văn Minh do muốn có cơ hội “lấy điểm” với cộng sản sau này do Dương Văn Minh có thân nhân ruột thịt làm cán bộ cao cấp của cộng sản), Nguyễn Văn Thiệu lấy hạ sách sử dụng Cục Tâm Lý Chiến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị để bôi nhọ Bắc Việt, bôi nhọ chế độ cộng sản, bôi nhọ cá nhân Hồ Chí Minh, như cách rẻ tiền nhất và hữu hiệu để làm dân chúng khiếp sợ mà chạy về phía mình, khỏi tốn công lý luận chính trị.

Việc Ngô Đình Diệm – và chế độ Việt Nam Cộng Hòa của Diệm – đẻ ra cái chủ nghĩa quái gở “cần lao nhân vị” và lập Đảng Cần Lao sau khi làm tổng thống, cộng với việc Nguyễn Văn Thiệu dốc hết hơi tàn lập Đảng Dân Chủ sau khi làm tổng thống đã giúp khẳng định hai điều là (a) Việt Nam Cộng Hòa chưa hề có bất kỳ đảng chính trị – tức đảng cầm quyền – nào mà chỉ có những cá nhân cùng gia quyến hay phe nhóm của họ “cầm quyền”; và (b) tuy Việt Nam Cộng Hòa có chính phủ, có chính quyền, có vị thế nhất định trên trường quốc tế trong cộng đồng liên minh của Mỹ, song Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn không phải là không có lý khi trước đây gọi chính phủ ấy, chính quyền ấy, là “ngụy quyền” như muốn nói rằng “chúng tôi có đảng chính trị, có đảng cầm quyền, có quân đội, có chủ nghĩa, còn các anh không có đảng chính trị, không có đảng cầm quyền, không có chủ nghĩa, thì các anh ở một đẳng cấp thấp hơn chúng tôi nhiều, không xứng để đứng ngang hàng đối diện đấu trên cùng một vũ đài” vậy.

Có người ngây thơ cố bào chữa rằng thời Việt Nam Cộng Hòa có dân biểu A và dân biểu B thuộc Đảng C đã đắc cử Thượng Viện hoặc Hạ Viện nên điều đó chứng tỏ Việt Nam Cộng Hòa có “đa đảng”. Họ vừa chịu thua vì không thể nêu thêm một cái tên của một cái đảng bất kỳ nào khác từ D đến Z hoặc không cho biết cái vị dân biểu ấy đã giữ chức vụ quyền lực gì của Việt Nam Cộng Hòa hay chỉ đơn giản là “đắc cử hạ viện”, vừa cố tình quên rằng đã có “đảng” thì phải do “đại hội đảng” giới thiệu ra ứng cử, trong khi ở Việt Nam Cộng Hòa chỉ có các “liên danh” mỗi khi có bầu cử, với mỗi “liên danh” có từ hai đến một chục ứng cử viên cá nhân thuộc các giới nhân sĩ ở ngành nghề khác nhau và chọn chung một biểu tượng và một slogan nào đó. Trong một bài viết trước đây, tôi có nói về liên danh “Con Tâu Tắng” (Con Trâu Trắng – do một nhân sĩ Bắc di cư nói ngọng khi đọc chương trình hành động trên đài truyền hình), và liên danh “Kỳ Lân” với slogan “Kỳ Lân Xuất Hiện, Quốc Gia Thái Bình”, v.v., vậy nếu nói Việt Nam Cộng Hòa “đa đảng”, phải chăng muốn nói rằng Việt Nam Cộng Hòa có Đảng Con Tâu Tắng và Đảng Kỳ Lân để noi gương Mỹ có Đảng Con Voi (Cộng Hòa) và Đảng Con Lừa (Dân Chủ) ư?

Một bằng chứng khác cho việc Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ “đa đảng” là ở chỗ cộng sản cực kỳ xuất sắc trong công tác tình báo, gián điệp, và cài cắm người lèn sâu leo cao vào tất cả các ngóc ngách tối quan trọng và tối mật của hệ thống chính trị, quân sự, an ninh, v.v., của Việt Nam Cộng Hòa. Nếu Việt Nam Cộng Hòa có “đảng” thì đương nhiên các tình báo viên cộng sản đã lèn sâu leo cao vào các “đảng” ấy để lèo lái đại cuộc từ lâu rồi, dễ dàng hơn việc lèn sâu leo cao vào cơ quan tình báo tuồn tài liệu hành quân cho cộng sản hoặc qua Mỹ học lái máy bay phản lực chiến đấu tối tân rồi về ném bom Dinh Độc Lập và bay ra “căn cứ” giúp Liên Xô nắm bí mật kỹ thuật chiến đấu cơ siêu thanh. Nhưng từ năm 1975 đến nay chưa hề có bất kỳ một chiến sĩ tình báo nào của cộng sản nói về đại công lèn sâu leo cao của họ vào các “đảng” ấy cả. Trong khi đó, ngay những kẻ chống Cộng trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng không có bất kỳ một tư liệu lịch sử nào chứng minh Việt Nam Cộng Hòa từng có “đa đảng”. Đã không có đảng sử, chưa từng có kinh nghiệm hay kiến thức thực tế nào về “đa đảng” của Việt Nam Cộng Hòa, mà lúc nào cũng chê bai “độc đảng” ở Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, kêu gào đòi “đa đảng, đa nguyên” cho Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thì rõ là làm cái việc không bất kỳ ai của thế giới tự do có văn minh cao, văn hóa cao, học vấn cao, tự hào cao và tự ái cao dám nghĩ đến cả.

Mỹ:

Mỹ không là quốc gia theo chế độ đa đảng với ý nghĩa đa đảng có các yếu tố “cần” và “đủ” như đã nêu ở phần dẫn nhập. Để hiểu phần nói về Mỹ này, không thể không nêu thêm một yêu cầu khác thường về… “giỏi tiếng Anh” vì nếu muốn đọc thông tin dồi dào, phong phú, đáng tin cậy hơn, như tại trang Wikipedia chẳng hạn, thì phần tiếng Anh viết về thể chế chính trị của Mỹ nêu rõ ràng Mỹ có lưỡng đảng tức hai đảng (two-party system), trong khi phần tiếng Việt thay vì dịch từ nguyên bản tiếng Anh đã tự ý viết ngắn gọn và tự phong cho Hoa Kỳ danh đa đảng, khiến xúc phạm nặng nề hai chú Voi và Lừa. Có thể nói Mỹ có nhiều đảng, và Mỹ theo hệ thống lưỡng đảng. Nhiều đảng không phải là đa đảng vì đảng tức là đảng chính trị cầm quyền. Nói một cách số học, Mỹ có thật nhiều đảng, gồm 2 đảng cầm quyền, 5 đảng lớn, 29 đảng nhỏ, 31 đảng rất nhỏ (cấp tiểu bang), 30 đảng lập ra cho có chứ chẳng đoái hoài gì đến “chính trị”, và chưa kể 87 đảng đã ngừng hoạt động. Hệ thống lưỡng đảng tại Mỹ được minh chứng rõ nét qua số liệu quốc hội Mỹ hiện nay có 533 dân biểu, gồm Đảng Dân Chủ (Con Lừa) có 200 đảng viên ở Hạ Viện và 53 đảng viên ở Thượng Viện, trong khi Đảng Cộng Hòa (Con Voi) có 233 đảng viên ở Hạ Viện và 45 đảng viên ở Thượng Viện. 2 thượng nghị sĩ còn lại là ứng viên độc lập. Người Mỹ gôc Việt nếu có trình độ học tập cao, trình độ học thuật cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, uy tín cao, và muốn làm chính trị tất nhiên phải gia nhập đảng Dân Chủ hoặc đảng Cộng Hòa để may ra được đảng bầu chọn và giới thiệu ra tranh cử, đừng nên nghĩ đến việc lập đảng mới cạnh tranh với hai đảng này (vì không bao giờ có đủ tiền để cạnh tranh với các nhà đại tư bản và sẽ chẳng bao giờ đắc cử), hoặc kêu gào đòi Mỹ phải đa đảng đa nguyên với ý nghĩ để được ngang bằng bình đẳng trong…làm tổng thống nắm quân đội và nắm quyền cai trị quốc gia vì Mỹ chỉ cho phép tự do lập các đảng như Đảng Ăn Chay, Đảng Cần Sa, Đảng Hắc Báo, Đảng Quốc Xã, Đảng Cộng Sản, Đảng Xanh, Đảng Bạc, v.v., tức những đảng có quyền tự do duy nhất là gọi mình là đảng chính trị nhưng chẳng bao giờ được phép là đảng cầm quyền trị quốc. Hai vị thượng nghị sĩ độc lập tại quốc hội Hoa Kỳ hiện nay rất có thể là cá nhân đơn độc hoặc là đảng viên của một đảng chính trị nào đó trong số 3+29+31+30 = 93 đảng kể trên; nhưng ngay cả khi họ ra ứng cử, họ cũng không được đại diện cho đảng của họ, vì đảng của họ không phải là đảng cầm quyền để có bất kỳ tư cách gì để tổ chức đại hội bầu chọn đề cử ứng viên cả. Đấy là lý do khi đắc cử vào quốc hội (chỉ ở quốc hội, không bao giờ ở cuộc tranh cử tổng thống), họ được liệt vào nhóm có tên là độc lập chứ không được nêu danh tính của đảng họ ra.

Đa đảng thực sự tồn tại ở vài quốc gia. Tại những nơi này, có sự tồn tại cùng lúc của nhiều đảng lớn như nhau, và đồng tình cùng nhau trị quốc cùng lúc. Các đảng viên thi nhau ứng cử vào quốc hội, mỗi đảng chiếm vài ghế để có tỷ lệ phần trăm, để rồi sau khi đắc cử, họ bắt tay nhau để hình thành “liên minh” của gồm nào là đảng A, đảng B, đảng C, và đảng D, v.v., để có các con số 15% + 10% + 5% + 3,5%, v.v. nhằm tạo nên tổng số vài chục phần trăm, đủ lớn để…thành lập chính phủ với sự thỏa thuận ai của đảng nào sẽ làm bộ trưởng của bộ nào, v.v. Mỹ không theo đa đảng vì họ muốn rạch ròi giữa hai đảng gồm phe đa số và phe thiểu số tại mỗi viện, theo đó phe đa số là của đảng thứ nhất, và phe thiểu số là của đảng còn lại. Ngay cả Mỹ ắt cũng thấy được cái rối rắm của hệ thống đa đảng của phần còn lại của thế giới tự do, và đây là kinh nghiệm xương máu của Mỹ mà Việt Nam không thể không lưu tâm đến.

Kết Luận:

Như vậy, Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ đa đảng.

Như vậy, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ không bao giờ đa đảng.

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng không bao giờ đa đảng.

Cả ba đều giống nhau ở điểm ấy, và theo nguyên tắc hàn lâm chính quy chính thống chính đạo thì không bất kỳ ai trong số họ có quyền rao giảng về cái hay cái ho của đa đảng.

Điều khác biệt ở chỗ Mỹ lưỡng đảng, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam độc đảng, còn Việt Nam Cộng Hòa vô đảng.

Tiếng Anh của lưỡng đảng là two-party system, tiếng Anh của độc đảng là single-party system, và tiếng Anh của đa đảng là multi-party system. Đây là những hình thái hệ thống trị quốc tồn tại miên viễn trên toàn thế giới một cách chính thống và hiệu quả tùy “cơ địa” văn hóa dân tộc, tài tổ chức, điều hành, và quán xuyến phát triển vững chắc của giai tầng lãnh đạo riêng của mỗi một quốc gia.

Việt Nam Cộng Hòa đã không có chỗ đứng trong danh mục các hệ thống trị quốc chính quy chính thống chính đạo của nhân loại, mà hình thành giống tình trạng thể chế những quốc gia của các nhà độc tài tàn bạo của Châu Á như Suharto, Park Chung Hee, và Marcos. Để Việt Nam Cộng Hòa được vinh danh như một thể chế chính trị tiên phong đột phá, thiết nghĩ người Mỹ gốc Việt chống cộng nên đấu tranh để từ ngữ tiếng Anh zero-party system hoặc zeroing-party system hoặc nay-party system tức “hệ thống chính trị vô đảng” được chính thức công nhận trong thế giới sử.

Và thiết nghĩ, ai có kinh nghiệm gì thì hoặc từ bi truyền bá thứ ấy cho người khác hoặc khư khư giữ lấy làm của báu riêng. Mỹ chẳng khuyên Anh Quốc dẹp thể chế hơi hướm phong kiến hoàng triều hay Việt Nam dẹp thể chế hơi hướm Mác-xít Lê-nin-nít để theo lưỡng đảng vì Mỹ lịch sự, không có kinh nghiệm về đa đảng, tôn trọng tự do của nước khác, và…khôn. Việt Nam không khuyên Mỹ dẹp thể chế đã chẳng sang hơn ai (vì Mỹ “hơn” Việt Nam có mỗi một đảng chứ chẳng nhiều nhặn gì) mà còn bị chính thế giới tự do nhạo báng là “twin-party system” tức chế độ đảng song sinh do chỉ khác ở tên gọi chứ giống y như khuôn đúc, để theo độc đảng vì Việt Nam lịch sự, không có kinh nghiệm về đa đảng, tôn trọng tự do của nước khác, và…khôn. Mỹ chẳng khuyên Việt Nam đa đảng bao giờ vì Mỹ chẳng có kinh nghiệm gì sất về đa đảng. Còn Việt Nam hiện nay tuy thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng đã từng “đa đảng” nhưng do nhận ra chân giá trị của một quốc gia lẫy lừng trong đoàn kết một lòng nên đã từ bỏ “đa đảng”, cũng chẳng dại gì vớ lấy cái đa đảng vớ va vớ vẩn nhất là khi nó bị Mỹ “chê” và chỉ được phát từ loa của những kẻ không chuyên, không kinh nghiệm.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế
About these ads

Ngày thanh trừng Hỗn loạn- đỉnh cao nhân quyền nước mỹ


thơ Hoàng Thúy





. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật giới thiệu:" Khác với những cây bút trẻ cùng thời, Hoàng Thúy đi thẳng vào mạch cảm xúc không qua bước khởi động. Thơ như trạng thái tâm hồn dồn nén, đến thời thì xuất hiện. Điều này hiếm thấy ở một tác giả trẻ. Thơ Hoàng Thúy biểu hiện của vẻ đẹp tự nhiên sâu kín, không phải trau chuốt. Trong trường hợp này thơ chính là hiện tượng linh ứng của con người trước thế giới thiên nhiên và xã hội".



Thành phố như một giấc mơ đi

Thành phố nằm nghe đêm hát lời tự tình bên ngực trái
cậu bé có đôi mắt sâu thẳm lang thang mang ngơ ngác vào đời
thành phố bồng bềnh
dòng sông vẫn chảy, đôi cánh thuyền lạc ở phía khơi xa không
người dẫn hướng
những con sóng dập dềnh
cạn
vơi…

thành phố nối những chuyến đi hờ hững
nắng cháy rồi màn đêm tóc bạc
thành phố hát cho đất, cho cây, cho bầu trời cho mỗi đôi chân
duy nhất một bài ca rực khát
đen đúa
những nét cười trần trụi!

thành phố cô đơn
thành phố buồn
thành phố khờ khạo giấu nỗi nhớ không tên
mùa chín đỏ rồi xanh, ước nguyện qua bao lần thay lá
định mệnh xoay vần, vội vàng cuốn theo những tính toan
giữa lưng trời
chẳng có hình hài nào vẹn nguyên
thành phố lên đèn ngả vàng hiu hắt,
con đường bình minh xa lạ quá
cậu bé có đôi mắt sâu thẳm lang thang giấu chút bình yên bên
ngực phải
nửa mùa thương bỏ lại
thành phố như một giấc mơ đi.



Thôi đừng viết về đàn bà

cuốn sách nằm ngoan trên giá
viết về người đàn bà
dày bốn nghìn chín chín lời ca ngợi
triệu triệu con chữ mù lòa chạy đường thẳng
lối về kết thúc bằng dấu chấm

người đàn bà có trong những người đàn bà
ngoài nỗi đa đoan và nụ môi mềm run như cỏ
là bờ ngực khát hạnh phúc

thôi đừng viết về người đàn bà
cuốn sách rồi sẽ bị bỏ quên bụi thời gian kết mạng nhện quanh co
thôi đừng hoài nghi nữa
gấp lại
ném đi
chạy đến mà níu những ngón gầy…!

Nói thẳng về giáo dục




Có một câu chuyện về một cậu bé được giao viết bài luận văn với đề tài “Lớn lên em sẽ làm nghề gì?”.



Giáo viên và phụ huynh đừng vì thành tích mà đánh cắp ước mơ của các con
Có một câu chuyện về một cậu bé được giao viết bài luận văn với đề tài “Lớn lên em sẽ làm nghề gì?”.
Cậu bé đã viết 7 trang giấy mô tả khát vọng sẽ được làm chủ một trang trại ngựa. Thậm chí cậu ta còn vẽ sơ đồ trại ngựa tương lai. Bài viết đầy háo hức nhưng cũng tràn trề hồn nhiên đó bị thầy giáo cho 1 điểm. Người thầy chỉ đồng ý chấm lại khi cậu bé làm lại bài văn “thực tế” hơn.

Cậu bé nghĩ mãi và quyết định gặp thầy giáo và nói: “Thưa thầy, thầy có thể giữ điểm 1 của thầy còn em xin phép được giữ ước mơ của mình”.

Vài chục năm sau, cậu bé nghèo đã trở thành chủ của nhiều tài sản lớn trong đó có một trại ngựa rộng hơn 200 mẫu, gặp thầy giáo xưa, người thầy nói: “Khi còn là giáo viên tôi đã đánh cắp ước mơ của anh, và suốt bao nhiêu năm qua tôi cũng đã làm thế với bao đứa trẻ khác”.

Cậu học trò vội đáp “Không, thưa thầy, thầy không có lỗi gì cả, thầy cũng muốn những gì tốt đẹp sẽ đến với học trò của mình mà thôi. Còn em chỉ muốn theo đuổi tới cùng những khát vọng của đời mình”. Câu chuyện này, tôi chợt nhớ khi đang ngồi ở hàng ghế học sinh, nơi con tôi thường ngồi, dự buổi họp phụ huynh “tổng kết năm học”.

Cô giáo chủ nhiệm của con trai tôi đang “báo cáo” kết quả học tập của các con. Lớp có 45 học sinh thì có đến 40 học sinh có điểm thi các môn từ 9 trở lên.

5 học sinh còn lại thì có môn dưới 9 nhưng không có học sinh nào có điểm thi dưới 7. Dù không thường xuyên kèm cặp con học bài, nhưng tôi biết, trước mỗi kỳ thi, con tôi và các bạn đều được các cô “luyện gà”. Những dạng Toán làm đi làm lại, những bài văn được cô chữa cẩn thận và bắt học sinh thuộc lòng... Và dù có chấm chéo, cô A chấm lớp cô B, cô B chấm lớp cô C thì với cách luyện thi như thế, nếu có quá nhiều học sinh dưới 7 điểm cũng có thể coi là một “kỳ tích”.

Hồi họp phụ huynh hết học kỳ I, tôi đã định đứng dậy phát biểu. Thưa thật với cô rằng, cháu nhà tôi không giỏi Văn. Và rằng, tôi muốn cô giáo trau dồi thêm cho cháu và các bạn cháu về câu cú, ý nghĩa, tình cảm, cách diễn đạt, biện pháp tu từ… Và, cái bài văn tả đường phố mà cháu được 9 điểm, đó không phải là văn của cháu, phố nhà tôi cũng không phải vậy. Nhưng mà tôi không đủ dũng khí để nói. Hình như không ai nói thế trong một buổi họp phụ huynh.

Khi được chỉ định phát biểu, tôi cũng nói chung chung như mọi người, hình như là cảm ơn cô đã chăm lo, dạy dỗ con tôi. Sau một năm học, cháu đã trưởng thành hơn rất nhiều, cứng cáp lên, hiểu biết thêm...

Những điều định nói đã kịp được “kiểm duyệt” trước khi phát ra. Và không phải như bánh mỳ kebab, một nửa sự thật vẫn cứ không phải là sự thật. Không chỉ tôi, nhiều phụ huynh khác, bạn bè tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Nhưng không ai dám nói lên sự thực ấy ngay cả ở một môi trường nhỏ bé là lớp học của chính con mình.

Chúng tôi ngại cô giáo, ngại nhà trường, ngại đấu tranh và chỉ ngồi đó cầu mong các cấp quản lý “nhúng tay vào”, muốn một “thế lực” cao hơn điều chỉnh việc này... Còn chính chúng tôi - các phụ huynh thì vẫn tiếp tục ca bài ca “cảm ơn” và nộp nốt tiền quỹ phụ huynh khi hết năm học. Tiếp tục hãnh diện một cách bối rối khi đưa lên facebook bảng thành tích học tập của con và thầm lo lắng.

Phải chăng cái gọi là “bệnh thành tích” trong giáo dục không phải chỉ do những người làm giáo dục sinh ra. Nó còn do chính các phụ huynh góp phần tạo nên, bằng sự “ngoảnh mặt làm ngơ” của mình?


Dương Tiêu

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Tản mạn về chữ Duyên



Trong những cuộc gặp gỡ, hay những lúc cùng ngồi bên nhau ôn kỷ niệm, chắc chắn ai cũng thường nói với nhau hai câu thơ vốn rất nổi tiếng:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên diện kiến bất tương phùng …

Nhưng có mấy ai biết được xuất xứ hay truyền thuyết về nguyên nhân có những câu thơ ấy …Hôm nay, nhân tiết đông trên quê hương, xuân sắp về, người viết xin được chia sẻ cùng các bạn về câu chuyện đã từ rất lâu ấy, nay kể lại bằng ký ức …

Ngày xưa … lâu lắm rồi… ở một thủ phủ thuộc tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), có một viên ngoại giàu có .Vợ mất sớm, để lại cho ông cô con gái xinh đẹp. Viên ngoại rất mực thương yêu và chăm sóc cô kỹ lưỡng. Đến tuổi cập kê, cô gái đã cầm, kỳ, thi, họa… đủ cả. Viên ngoại cũng bắt đầu kén rể nhưng chưa có một chàng trai nào khả dĩ có thể làm cho ông hài lòng để có thể giao cô con gái rượu của mình …
Một hôm, trong sân nhà viên ngoại xuất hiện cùng lúc 3 chàng trai, người nào cũng khôi ngô tuấn tú. Đặc biệt, mỗi chàng đều có một biệt tài khó ai sánh bằng: Chàng trai thứ nhất có đôi chân thiên lý mã, có thể chạy cả ngàn dặm không biết mỏi. Chàng trai thứ hai có tài bắn cung bách phát bách trúng, đến Dương Bá Đương đời Đường cũng thua xa. Chàng trai thứ 3 có tài làm thơ, chàng có thể làm một lúc cả ngàn bài thơ hay với nét chữ rồng bay phượng múa…
Viên ngoại phân vân lắm… khi con gái chỉ có một. Ông hẹn cùng 3 chàng trai, sáng mai, phải có mặt ở sân nhà ông từ sớm để đua tài.
Sáng sớm hôm sau, khi ánh bình minh chưa lan hết sân nhà viên ngoại, thì 3 chàng trai đã có mặt, sẵn sàng chờ đợi. Trong sân, cả đêm hôm qua, gia nhân nhà viên ngoại gần như không ngủ, để vót cho xong bó cung tên lớn, và mài cho đầy một nghiên mực tàu thật to…
Viên ngoại ra lệnh: Chàng trai thứ nhất, phải chạy đến kinh thành Tràng An, mượn cho bằng được chiếc trống Tràng An về cho ông. Chàng trai thứ 2, phải bắn cho rụng hết lá của 2 cây ngô đồng trước ngõ nhà ông. Chàng trai thứ 3, phải viết cho xong 3.000 bài thơ trên giấy hoa tiên, không được trùng ý. Ai báo công trước nhất sẽ được ông chọn làm nghĩa tế.
Sau tiếng trống lệnh, loáng một cái, chàng trai có đôi chân thiên lý mã đã mất hút, không để lại dù một dấu bụi hồng. Thế rồi, người ta chỉ còn nghe từng âm thanh… vút… tách của cung tên tra vào nỏ... bắn đi... lá ngô đồng rụng lả tả…
Riêng chàng trai thứ 3, được mời đến dưới giàn hoa thiên lý, nơi đã để sẵn bút nghiên cho chàng làm thơ. Bên hiên, giai nhân đang e ấp mỉm cười, nghiêng đầu thêu cặp gối rồng phụng cho ngày vu quy… Chàng trai cắm cúi múa bút, từng tờ giấy hoa tiên bay xuống như bướm lượn, gia nhân nhà viên ngoại cũng sẵn sàng đón lấy, xếp lại ngay ngắn …
Trời đã quá trưa, chàng thi sĩ vươn vai đứng dậy… Chàng vừa hoàn thành xong nhiệm vụ của mình. Nhìn ra ngoài ngõ, lá ngô đồng mới rụng hơn một nửa, bóng dáng người có đôi chân thiên lý vẫn mịt mù…
Cô gái cũng vừa nghỉ tay, nhẹ nhàng đến bên giàn hoa lý, mỉm cười cúi xuống rót trà mời chàng trai. Trước khung cảnh thơ mộng cùng nụ cười đẹp như thơ kia, chàng trai đã viết (nguyên văn thì người viết không nhớ ,nhưng có thể tạm dịch):
Ung dung trời đã xế trưa
Thơ ba ngàn bản cũng vừa viết xong
Ngoài kia xa dấu bụi hồng ,
Bên hiên cành lá ngô đồng chưa vơi
Dấu yêu nhẹ mỉm môi cười
Ta nghe đồng vọng một lời phu thê!
Chàng thi sĩ tính ngâm tặng nàng, người mà chàng nghĩ chắc chắn sẽ là vợ mình. Thì... chao ôi… đất trời như sụp lở dưới chân…, bên tai chàng ầm vang tiếng trống cùng tiếng hét lên vui mừng của chàng trai có đôi chân ngàn dặm:
-Thưa nhạc gia, con đã đem được trống Tràng An về đây rồi!
Cô gái nhìn chàng thi sĩ, ngậm ngùi, người mà mới vài phút trước thôi, cô cũng nghĩ sẽ là phu quân của mình. Để an ủi chàng trai, cô đã tặng chàng 4 câu thơ:
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,
Vô duyên diện kiến bất tương phùng

Ẩm thị ngã trà hoàn ngã trản
Tràng An chi cổ dĩ bồng bồng.

Xin được tạm dịch:

Ngàn năm duyên may tình vẫn gặp
Vô duyên đối mặt sự không thành
Chàng uống trà xong, xin trả chén
Tràng An đã giục trống liên thanh!

Thế đấy, chén trà cũng xin chàng trả lại, vì… người ngọc đã thuộc về người nhanh nhất, thực tế nhất…
Từ đó, 2 câu thơ đầu luôn thấm thía với từng cuộc gặp gỡ trong nhân gian, người ta dần quên hai câu cuối cũng là kết cấu của truyền thuyết đã lâu …
DUYÊN khởi tất duyên thành…
DUYÊN tụ rồi duyên tán…
DUYÊN tán tất duyên sinh…
Tất cả do DUYÊN!



TƯƠNG GIANG