Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

VẪN TRONG MÙA PHẬT ĐẢN. CÕI PHẬT ĐÂU XA!




Đỗ Hồng Ngọc



DucPhatThichCa

Có người cắt tóc lên núi cao tìm cõi Phật. Có người khoác áo nâu sồng vào rừng sâu tìm cõi Phật. Có người xây chùa to, dựng tượng, đúc chuông lớn tìm cõi Phật... nhưng cõi Phật làm gì có trên núi cao, trong rừng sâu, trong chùa lớn?
Khi được hỏi cõi Phật ở đâu? Phật trả lời “Các loài chúng sanh là cõi Phật của Bồ tát” (chúng sinh chi loại thị Bồ-tát Phật độ). Thì ra vậy. Thì ra cõi Phật của Bồ tát không ở đâu xa. Ở nơi các loài chúng sanh thôi. Quanh ta và trong ta thôi. Đó là những chúng sanh muôn hình vạn trạng, nheo nhóc, khổ đau, chằng chịt, quấn quít, xà quần sáu nẻo luân hồi bay nhảy không ngừng sáng trưa chiều tối, kiếp này kiếp khác, quần quật không an. Bồ-tát chỉ cần “thành tựu” chúng sanh đó, tức thì cõi Phật hiện ra ngay. Không phải tìm kiếm đâu xa. Nhưng thật không dễ. Chúng sanh ngoan cường, cứng cỏi, lì lợm ở cõi Ta-bà này không dễ mà hàng phục, không dễ mà trụ lại một chỗ an vui. Nhưng cũng chính nơi cõi Ta-bà đầy gian khó này mới cần có Bồ-tát, và ngược lại, cũng là nơi Bồ-tát hoàn thiện chính mình. Không có chúng sanh cũng chẳng cần Bồ-tát! Cho nên khi Bồ-tát “thành tựu chúng sanh” thì chúng sanh cũng “thành tựu Bồ-tát” vậy.
Ý dẫn các pháp. Nhất thiết duy tâm tạo (mọi thứ do tâm tạo ra). Tâm tịnh thì Phật độ tịnh. Tìm kiếm đâu xa. Hãy quay về nương tựa chính mình. Phật đã chẳng khuyên như vậy từ khởi thủy sao? Cớ sao ta cứ mãi loay hoay, mãi chạy vạy, mãi tìm kiếm đâu đâu? Mấy ngàn năm trước, đệ tử giải Không hạng nhất của Phật đặt câu hỏi: “Vân hà ưng trụ? Vân hà hàng phục kỳ tâm?” (An trụ tâm cách nào? hàng phục tâm cách nào?). Phật nói dễ lắm, dễ lắm, chỉ cần “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (đừng có trụ cái tâm vào đâu cả!) là xong. Nhưng đâu có dễ mà “vô trụ”. Ta hết trụ thứ này thì trụ thứ kia, hết trụ người này thì trụ người khác, chỉ quên… trụ vào chính mình. Nghĩa là… trụ vào cái không của chính mình. Phải. Khi Bồ tát Quán tự tại (tức Quán Thế Âm) hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa một cách thâm sâu thì bỗng bừng ngộ thấy rõ ngũ uẩn đều không: “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, tức khắc “độ nhất thiết khổ ách” nghĩa là đưa tất cả khổ đau ách nạn đi chỗ khác, tâm trở nên hoàn toàn thanh tịnh và như thế cõi Phật đã hiện tiền! Từ đó mà đã có thể “từ nhãn thị chúng sanh”, nhìn chúng sanh với con mắt đầy yêu thương, thấu cảm, bởi cõi Phật đó ai cũng sẵn có, chỉ vì không thấy biết mà “luân hồi sanh tử” mải miết đó thôi!


Buổi mai hôm đó, Phật vừa rời khỏi tịnh thất sau ba tháng an cư kiết hạ, đưa mắt nhìn các đệ tử mình nghiêm trang tu tập, người ngồi dưới gốc cây, người ngồi trên tảng đá, tất cả đều tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác, tất cả đều sống một đời sống đạm bạc, kham nhẫn, tri túc đúng như lời Phật dạy, ngài rất hài lòng. Đa số các vị này đã là A-la-hán, đã tròn đầy phạm hạnh, đã đặt gánh nặng xuống và đã… vô sinh, không trở lại cõi Ta-bà ô trược này nữa. Một số vị Bồ-tát lớn thì đang rày đây mai đó, bươn chãi nơi này nơi kia, thuyết giảng cho chúng sanh con đường giải thoát còn số Bồ-tát nhỏ mới tu thì đang quét lá, dọn dẹp chỗ trú sau mùa mưa bão.
Nơi Phật an cư kiết hạ mùa này không xa thành Tỳ-da-ly dưới kia, một thành phố lớn, một đô thị giàu có, dân cư đông đúc, nơi chúng sanh người thì nheo nhóc lặn ngụp trong bao nỗi lo toan, sợ hãi, ốm đau, già nua bệnh hoạn…, người thì trọc phú huênh hoang, nứt đố đổ vách, lặn ngụp trong cảnh xa hoa, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ, bên cạnh là các vương tôn công tử áo gấm quần hoa ăn chơi trác táng, tửu điếm trà đình, và rất nhiều thanh lâu sang trọng với những cô kỹ nữ khuynh thành đón người cửa trước rước người cửa sau và rượu, và thuốc gây nghiện tràn lan; bên cạnh đó là những bậc trí giả ngày đêm tranh luận không ngừng về những triết thuyết cao siêu huyền bí, giải thích mọi hiện tượng của vũ trụ và loài người, ai cũng cho mình đúng nhất hay nhất. Nơi thành Tỳ-da-ly đó không ít kẻ vì tranh ngôi đoạt vị mà tay không ngần ngại nhúng máu nhúng chàm, gây oán chuốc thù, chiếm đất giành dân không ngớt…
Thành Tỳ-da-ly rực rỡ ánh đèn dưới kia khiến Phật thấy đã đến lúc phải thay đổi cách tiếp cận mới mong giải thoát được chúng sinh. Làm sao mà các vị A-la-hán, các vị Bồ-tát đạo cao đức trọng đã xuất gia theo Phật bấy nay đang tĩnh tọa xung quanh Phật bây giờ lại có thể tiếp cận được với các bậc vương tôn công tử, với các quan chức, với các nhà buôn dưới kia? Làm sao mà các vị A-la-hán, các vị Bồ-tát đạo cao đức trọng đã xuất gia theo Phật bấy nay tiếp cận được với các cô nàng kỹ nữ nhan sắc kiêu kỳ ở các thanh lâu trà đình tửu điếm dưới kia? Làm sao mà các vị A-la-hán, các vị Bồ-tát đạo cao đức trọng lại có thể vào tận các ổ mại dâm, động ma túy sa đọa dưới kia để thuyết giảng lời Phật? Nhớ lại có lần một đệ tử đi khất thực suýt nữa thì rơi vào tay một kỹ nữ, Phật không khỏi băn khoăn. Ai đây có thể tiếp cận được? Cách nào đây có thể tiếp cận được? Ai đây sẵn lòng xâm nhập vào chốn bùn nhơ mà đủ năng lực giúp đỡ, hỗ trợ người khác vượt qua, không chỉ với những lời khuyên suông, lý thuyết trên mây, cao ngạo và xa cách, mà từ những thực tế của cuộc sống vì Phật đạo không xa cách thế gian, Phật đạo ở ngay trong lòng thế gian. Làm sao cho những cánh sen xanh biếc mọc lên từ chốn bùn nhơ?
Phật là một nhà sư phạm tuyệt vời, thường dùng phương pháp giáo dục chủ động, dựa vào đối tượng đích mà thuyết giảng, thế mà cũng có lúc hằng mấy ngàn thính chúng đã bỏ đi vì không thể tin, không thể hiểu được điều Phật dạy. Người ta không dễ tin có viên ngọc trong chéo áo kẻ bần cùng, không thể tin Đề-bà-đạt-đa, một người phạm tội vô gián như thế được Phật thọ ký thành Phật mai sau.


Cách tốt nhất để tiếp cận ở đây là phương pháp “tiếp cận dựa vào cộng đồng” (Community-based approach). Cộng đồng Tỳ-da-ly có những đặc thù của nó, phải tiếp cận dựa vào nó, tự trong nó. Không thể đưa các vị A-la-hán đạo cao đức trọng, phạm hạnh tròn đầy, đến thuyết phục được các bậc vương tôn công tử, doanh nhân thành đạt, các cô kỹ nữ lầu xanh... Không thể đưa các vị Bồ-tát trí huệ thâm sâu đến thuyết phục các bậc vương tôn công tử, doanh nhân thành đạt, các cô kỹ nữ lầu xanh... về nhất thiết duy tâm, vô thường vô ngã, thực tướng vô tướng…! Phải có người tại chỗ. Phải từ bùn mà sen mọc lên. Có lần các vị Bồ-tát phương xa đến cõi Ta-bà tình nguyện giúp Phật một tay, Phật từ chối và ngay lúc đó đã có vô số các Bồ-tát “tùng điạ dũng xuất”, tại chỗ, từ đất vọt lên, sẵn sàng lãnh trách nhiệm. Phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng này đòi hỏi phải có sự tham gia của cộng đồng (community involvement), và có kỹ thuật học thích hợp (appropriate technology)… mới thành công. Không có sự tham gia của cộng đồng, không sử dụng kỹ thuật học thích hợp… thì các phương pháp dù hay cách mấy mà áp đặt, xa lạ, cũng trở nên vô ích, thui chột vì không hợp “thổ ngơi”!
Đối tượng đích (target population) lần này là năm trăm con nhà trưởng giả, trẻ tuổi, vương tôn công tử, đại gia, doanh nhân, trí thức của thành Tỳ-da-ly. Tất cả họ đều đã phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác) … nhưng chưa biết cách phải thực hành thế nào vì họ không thể xuất gia như các vị Bồ-tát kia.
Vấn đề là làm thế nào để các vị trưởng giả trẻ tuổi, doanh nhân, trí thức… này có thể trở thành Bồ-tát ngay tại cộng đồng của họ mà không cần phải cắt tóc, đầu tròn áo vuông của một vị sa môn?


Thực ra buổi thuyết giảng đặc biệt hôm nay của Phật tại Vườn Xoài không chỉ dành cho “đối tượng đích” nói trên mà chủ yếu còn dành cho tất cả các vị A-la-hán, Bồ-tát cùng các đệ tử gần xa của Phật, để chính họ tự nhìn lại chính mình và cũng phải tự thay đổi. Bởi thay đổi “cái nhìn” vốn là một sự thay đổi không hề dễ dàng! Phật muốn giới thiệu một phương pháp tiếp cận mới, tiếp cận dựa vào cộng đồng qua một “mô hình” Bồ-tát mới, “Bồ tát tại gia”, qua hình tượng một nhân vật kiệt xuất Duy-ma-cật ở ngay trong thành Tỳ-Da-Ly vậy.
Cho nên lần này đến Vườn Xoài của Am-ba-pa-li có đến tám ngàn Đại Tỳ-kheo, ba mươi hai ngàn vị Bồ-tát, mười ngàn Phạm Thiên Vương, mười hai ngàn vị thiên đế, chư thiên, long thần, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, thảy đều đến ngồi nơi pháp hội. Có đủ các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.


“Trong thành Tỳ-da-ly có một chàng con nhà trưởng giả, tên là Bảo Tích, cùng năm trăm chàng con nhà trưởng giả khác, thảy đều cầm những lọng bảy báu, đến nơi Phật ngự, đầu và mặt làm lễ sát chân Phật. Mỗi chàng đều đem lọng của mình mà cúng dường Phật. Oai thần của Phật khiến cho các lọng báu hiệp thành một cái lọng duy nhất, che trùm cả thế giới tam thiên đại thiên.”


Năm trăm vị vương tôn công tử, trí thức, doanh nhân… của Tỳ-da-ly đến diện kiến Phật, ai nấy đều trình bày cái hay cái giỏi của mình, cái “logo” với cờ xí oai hùng của mình nhưng Phật đã tức khắc “khiến cho các lọng báu hiệp thành một cái lọng duy nhất”. Bởi không có gì chia chẽ ở đây. Bình đẳng tuyệt đối. Buổi thuyết giảng này là về một mô hình mới: Bồ-tát tại gia Duy-ma-cật với Pháp môn Bất Nhị, Bất khả tư nghì!

Bảo Tích thưa: ”Bạch Thế Tôn! Năm trăm chàng con nhà trưởng giả đây, thảy đều đã phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nay muốn nghe việc được quốc độ thanh tịnh của Phật. Xin đức Thế Tôn giảng thuyết các hạnh tịnh độ của chư Bồ Tát.”

Phật dạy: “Lành thay, Bảo Tích! Ông đã vì chư Bồ-tát hỏi Như Lai về hạnh tịnh độ. Hãy lắng nghe, lắng nghe! Hãy suy nghĩ cho kỹ. Ta sẽ vì ông mà giảng thuyết.”
“Các loài chúng sinh là cõi Phật của Bồ-tát. Tại sao vậy? Bồ-tát tùy theo chỗ giáo hóa chúng sinh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy theo chỗ điều phục chúng sinh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy các chúng sinh muốn dùng cõi nước nào để vào trí huệ Phật mà giữ lấy cõi Phật. Tùy các chúng sinh muốn dùng cõi nước nào để phát khởi căn Bồ-tát mà giữ lấy cõi Phật. Tại sao vậy? Bồ-tát giữ lấy cõi nước thanh tịnh là vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh. Nhưng nếu muốn xây cất nơi hư không thì không thể được. Bồ-tát cũng vậy, vì muốn giúp cho chúng sinh được thành tựu, cho nên nguyện giữ lấy cõi Phật. Việc nguyện giữ lấy cõi Phật đó, chẳng phải là việc xây cất nơi hư không.”.
“Bảo Tích! Bồ Tát tùy lòng ngay thẳng (trực tâm) mà khởi làm. Tùy chỗ khởi làm mà được lòng sâu vững (thâm tâm). Tùy lòng sâu vững mà tâm ý được điều phục. Tùy chỗ điều phục tâm ý mà làm được theo đúng như thuyết dạy. Tùy chỗ làm theo đúng như thuyết dạy mà có thể hồi hướng. Tùy chỗ hồi hướng mà có sức phương tiện. Tùy sức phương tiện mà giúp cho chúng sinh được thành tựu. Tùy chỗ thành tựu cho chúng sinh mà được cõi Phật thanh tịnh. Tùy cõi Phật thanh tịnh mà thuyết pháp thanh tịnh. Tùy chỗ thuyết pháp thanh tịnh mà trí huệ được thanh tịnh. Tùy trí huệ thanh tịnh mà tâm được thanh tịnh. Tùy tâm được thanh tịnh mà tất cả công đức đều thanh tịnh. Bảo Tích! Cho nên, nếu Bồ-tát muốn được cõi nước thanh tịnh hãy làm cho tâm thanh tịnh. Tùy tâm thanh tịnh, ắt cõi Phật thanh tịnh”.


“Muốn được cõi nước thanh tịnh hãy làm cho tâm thanh tịnh. Tùy tâm thanh tịnh, ắt cõi Phật thanh tịnh”.
Cho nên, cõi Phật đâu xa đó vậy!


Đỗ Hồng Ngọc

Loạn thánh, loạn thần’ ở VN tới mức nào?






Tác gỉa: Hoàng Xuân (Nhà báo tự do, gửi cho BBC từ Sài Gòn)


Ranh giới giữa thế nào là tôn giáo, tín ngưỡng đích thực và ‘dị đoan, mê tín’ dường như chưa được rõ ràng ở Việt Nam, theo tác giả.

Cách đây mười mấy năm, có hôm tôi đi về tối thấy trên góc phố Hàng Bột (nay là đường Tôn Đức Thắng) đoạn cắt với phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, ngay trên lề đường sáng trưng nhang đèn, người đông đen khấn vái xì xụp.

Hỏi thì biết đoạn ấy ngày xưa gọi là miếu hai cô, thờ hai cô gái nghe đồn là lao đầu vào xe điện chết hồi đầu thế kỷ 20. Đến tận năm ngoái, thành phố cho rước bát hương vào đền thờ và phá bục thờ ở lề đường đi, quây rào và cho người túc trực ở đó, dân vẫn đến cúng vái.

Bây giờ, không quá lời khi nói niềm tin của người Việt là tin búa xua. Xưa, cái thời y học chưa phát triển, ông bà nói “có bệnh thì vái mười phương”, cầu may trúng phương nào nhờ phương ấy.

Giờ, căn bệnh trong tâm của người Việt cũng rất nặng. Nó xuất phát từ thực trạng xã hội bất an, pháp luật không nghiêm minh tạo nên một đời sống quá nhiều bất trắc. Từ khi còn trong thai đến khi xuôi tay, người Việt luôn nơm nớp.

Bệnh viện quá tải và hay “nhầm”, thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tai nạn giao thông cao nhất nhì thế giới, bạo lực trong xã hội tăng, thậm chí có một câu truyền miệng nghe có vẻ khoa trương nhưng hoàn toàn chính xác “sáng bước ra cửa, tối về đến nhà mới yên tâm mình còn sống”.

Ngày xưa, khi Thái tử Tất Đạt Đa rũ bỏ ngôi báu và đời sống tột đỉnh cao sang để khổ tu nhằm khuyên mọi người không thiên danh lợi, Ngài chắc không hình dung nổi ngày nay rất nhiều nhà chùa Việt Nam đã trở thành một thứ cung điện còn xa hoa hơn nhiều lần .(Hoàng Xuân)

Không biết tin vào đâu, kể cả vào những hệ thống xã hội sinh ra với mục đích bảo vệ người dân, trong khi nhu cầu được trấn an lên rất cao, vậy thì phải tin ở thánh thần. Cả xã hội nháo nhác đi tìm niềm tin, bấu víu được đâu tin nấy. Tưởng như bây giờ, bất cứ cái gì cũng là thần thánh tiềm năng cả.

Một con rắn dạn dĩ ở Hà Giang, một hòn đá hình dạng khác lạ ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội, một cái cây mọc tán lá hiếm thấy… ngay lập tức, một đám đông từ xa lắc mò tới, vái lạy.

Thậm chí mua xe hơi cũng phải có bài cúng bài bản, gồm cả đồ chay lẫn đồ mặn và nhất thiết không được thiếu bộ quần áo tế thay người lái, tùy giới tính chủ nhân mà mua đồ nam hay nữ.

Trên một diễn đàn lớn dành cho phụ nữ, có người bán xe kể về một người mua:

“Khi đi xem xe bác ấy phải đi kèm 2 người hạp tuổi hạp mạng, đi đúng 12h trưa. Rồi do thủ tục chuyển vùng bị trục trặc nên bác ấy không lấy xe được đúng theo ngày giờ chỉ đạo của vợ. Thế là vẫn đến đúng ngày giờ ấy bác sắm sửa lễ vật trái cây nhang đèn, mượn chìa khóa xe nổ máy, hướng về phía Bắc mà khấn”. Cũng chỉ để cầu bình an.

Người nghèo vái cục đá, tán cây, con rắn nước. Người giàu đến những nơi thờ phượng ngày càng to lớn và xa hoa. Cái sau phải to lớn hơn, tốn nhiều tiền hơn cái trước. Hết chùa Bái Đính nghìn tỷ đến Văn Miếu thờ Khổng Tử xây hết trên 300 tỷ đồng ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngay cả Phật giáo

Tác giả cho rằng có chuyện niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng ‘hời hợt, hình thức bề ngoài’ trong cộng đồng ở Việt Nam.

Ngay cả Phật giáo vốn lấy sự đơn sơ làm nguyên lý tu tập thì bây giờ chùa cũng rực rỡ sang trọng.

Năm 2011, chùa Sùng Đức, quận Thủ Đức TP. Hồ Chí Minh có bốn pho tượng Phật bằng ngọc bích nguyên khối, mỗi pho khoảng 60 kg, mặt tượng dát vàng, phần áo phật cẩn gần 2.000 viên kim cương nhân tạo.

Thì năm sau, Đại hội Phật giáo Việt Nam hoan hỉ báo tin trong thời gian diễn ra đại hội sẽ trưng bày bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng từ một khối ngọc bích nặng 4, 5 tấn nhập về từ Canada, phần đầu cũng thếp vàng toàn bộ, tạo tác xong còn trên 2 tấn. Dường như tượng càng to, càng đắt tiền thì chùa càng được tiếng là giàu phật tính, danh tiếng nhà chùa càng vang xa.

Ngày xưa, khi Thái tử Tất Đạt Đa rũ bỏ ngôi báu và đời sống tột đỉnh cao sang để khổ tu nhằm khuyên mọi người không thiên danh lợi, Ngài chắc không hình dung nổi ngày nay rất nhiều nhà chùa Việt Nam đã trở thành một thứ cung điện còn xa hoa hơn nhiều lần.

Con đường chánh niệm đã bị rời xa. Bản thân không ít những người tu hành mê lầm nên không đảm đương được vai trò hướng dẫn niềm tin cho cộng đồng được nữa. Bù lại, những “tôn giáo” mới đẻ ra với đủ thứ quái dạng.

Có “đạo” xui người ta mua đồ cúng tốn hết vài chục triệu, mua cả con heo quay rồi đào hố chôn tất, không được ăn miếng nào. Đồ dùng trong nhà phải dỡ ra bán sạch, lấy tiền góp cho đạo chủ. Không được làm việc.

Từ nhiều năm nay, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn được vận động làm theo ‘tấm gương đạo đức’ Hồ Chí Minh. Nhưng ‘tấm gương’ này xa quá (Hoàng Xuân)

Có “đạo” bắt người mẹ đẻ dùng kim và dùi nóng chích vào đứa con mới mấy tháng tuổi của mình đến thủng lỗ to trên người, chỉ vì nó hay khóc, “có ma nhập vào người”. Vậy mà vẫn có nhiều người tin theo, chính quyền dẹp lên dẹp xuống nhiều lần không dứt.

Tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh) nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, người ta từng đặt cúng hai chiếc lộc bình trên có đôi câu thơ tả cảnh ân ái theo điến tích tình dục nổi tiếng của Trung Hoa:

Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương
Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường”
 (“Một nhành hồng thắm móc ngưng hương
Chuyện mây mưa ở Vu Sơn vốn đoạn trường”
 – Tiến sĩ Trần Trọng Dương, Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch nghĩa).

“Phật hoàng ngồi ở đỉnh Vân Tiêu chơi cánh diều. Cụ chơi diều chứ chơi gì những cái Vu Sơn Vu Giáp ấy!”-ông Dương nói.

Niềm tin hời hợt
Nhưng mặc dù bề ngoài có vẻ cuồng nhiệt, thực ra niềm tin vào thần thánh ở Việt Nam là niềm tin hời hợt và nông cạn. Nói đúng hơn, những người sắm lễ hậu đi van vái vé số rơi vào đầu, đối thủ bị triệt hạ hay được phù hộ thăng chức… cũng y như đi hối lộ. Họ mặc cả, đi đêm với thánh thần và sẵn sàng ngoảy đi tìm thần thánh khác linh thiêng hơn, hoặc khi sự cầu mong của mình không được đáp ứng.

Theo tác giả lâu nay ở Việt Nam nhà nước muốn người dân đặt niềm tin và làm theo ‘tấm gương đạo đức’ của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng ‘tấm gương này’ lại ‘quá xa’.

Nhiều người nhận xét Việt Nam đang ở ‘thời mạt pháp’. Ngay những việc tốt nho nhỏ thường ngày cũng bị nghi ngờ và ném đá. Hai chữ “niềm tin” xuất hiện khắp nơi trên báo chí, diễn đàn xã hội và cả những nghị quyết của Đảng theo nghĩa phải làm gì để tìm lại nó.

Nhưng ai làm, và làm như thế nào?

Từ nhiều năm nay, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn được vận động làm theo ‘tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’.

Nhưng tấm gương này xa quá. Người ta thấy việc hạch sách bắt chẹt và tham nhũng ở các tấm gương – cũng là đảng viên- gần hơn rất nhiều: từ cô nhân viên làm giấy tờ ở phường, thuế, cảnh sát giao thông, hải quan sân bay đến những người có quyền cấp phép kinh doanh, làm dự án, cho đến những cấp cao hơn thế.

Cũng có người bị phát hiện và trừng phạt, nhưng dân gian Việt Nam có câu an ủi “Trời kêu ai nấy dạ”, việc ‘các đồng chí bị lộ’ xem ra chỉ do xui xẻo chứ không phải là hậu quả tất yếu của hành vi sai trái lẽ ra phải bị pháp luật trừng trị.

Còn các ‘đồng chí chưa bị lộ’ thì ai cũng giàu lên cực nhanh, vậy việc gì phải kiêng khem cho khổ?

Thôi thì trong thời hỗn quân hỗn quan, mình cứ đụng đâu lạy đó, cho lành!

LOA



Cái loa, dù "nói" những lời thông thái vẫn chỉ là cái loa. Phát mãi, quên mất mình là loa. Nghe mãi, nhiều người tưởng loa là người. Thế là tiếp tục nói lại những gì loa đã phát.
Cứ thế, đến một lúc không thể phân biệt được loa và người, cả hai đều chỉ biết nghe và phát. Chẳng còn có sự “đối thoại” nào cả.
Ai có thể đối thoại với (những) cái loa?

Nguyễn Thị hậu

Tình và Nghĩa



Trong tiếng Việt có chữ Tình 情 và chữ Nghĩa 義. Chữ Nghĩa rất là khó dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh. Chữ Tình mà viết ra chữ Hán thì có chữ tâm忄 tức là trái tim phía bên trái. Bên phải có chữ thanh 青 là màu xanh, trái tim màu xanh. Ban đầu thì màu xanh mà về sau nó có thể biến thành màu khác, nhưng làm sao đừng để nó thành màu đen.

Tình ban đầu thường rất bồng bột, nóng bỏng, có tính đam mê. Khi con người bị năng lượng của tình chiếm cứ thì họ không được an ổn lắm. Ăn không an mà ngủ cũng không an, họ như đang bị đốt cháy. Tình là ngọn lửa. Người nào qua cầu rồi thì mới hay. Vướng vào chữ tình rồi thì khó an trú trong hiện tại lắm. Cứ nghĩ tới giây phút mình sẽ được gặp người đó, được ngắm người đó, ngồi ngắm đủ no rồi, khỏi ăn. Càng nhiều trở ngại chừng nào thì đam mê đó càng lớn. Trở ngại là chất liệu làm cho tình càng lớn. Dễ dàng quá thì tình không lớn mạnh.

Ngày xưa khi chưa có e-mail, chưa có téléphone, đôi khi mình đợi một lá thư tình cả tuần này sang tuần khác. Đáng lý hôm qua lá thư tới rồi, nhưng sao nó chưa tới?

Mình đợi suốt hai mươi bốn giờ đồng hồ cho đến lúc ông phát thư đi ngang trước ngõ. Ông thường đến lúc mười giờ sáng, thì chín giờ mình đã bắt đầu đứng đợi. Ông phát thư sáng nay sao đi trể quá, đi chậm quá, mình đếm từng bước của ông đi. Nếu ông đi ngang mà không dừng lại thì mình buồn lắm, lại phải đợi thêm hai mươi bốn giờ đồng hồ nữa. Tây Phương họ ví khi yêu như bị té (tombé d’amour), đang đi bình thường tự nhiên té xuống. Người Việt Nam thay vì nói bị té thì nói ốm. Tây Phương cũng nói ốm. Nguyễn Bính có hai câu thơ :

Gió mưa là bệnh của trời.
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Trời đẹp thì không có bệnh mà hể có gió, có mưa là bị bệnh. Tương tư tức nhớ nhau, không làm ăn được gì hết. Tình thường thường không được thỏa mãn là tình sầu. Sầu tình. Ốm là ốm tương tư, tương tư là nhớ nhau. Tình yêu là một cơn bệnh, ốm tương tư tức là nhớ quá. Nhưng nếu tình yêu đó được thỏa mãn dễ dàng, nó bùng lên rất nhanh nhưng rồi nó chết cũng rất mau.

Đam mê nó lên như một ngọn lửa cao và khi rơi xuống thì cũng rất là mau, tình yêu tàn lụi rất là mau. Một cặp ở với nhau được lâu dài, cái đó không phải là nhờ tình yêu mà nhờ yếu tố thứ hai. Đó là nghĩa, tình nghĩa. Cái tình nó đưa tới cái nghĩa. Nếu cái tình đàng hoàng, nếu mình biết yêu cho đàng hoàng, thì tự nhiên nó đưa tới cái nghĩa. Chính nghĩa là keo sơn gắn chặt hai người, để hai người có thể sống được với nhau. Cho nên phải có cái nghĩa để bổ sung cái tình. Người ta không thể sống trăm năm bên nhau với tình được. Bởi tình là một ngọn lửa tàn rất mau, nghĩa trái lại nuôi dưỡng lửa tình âm ỉ cháy.

Chữ nghĩa thường đi đôi với chữ ơn: ơn nghĩa. Ơn đầu tiên mà mình nhận được là ý thức rằng : Có bao nhiêu người con gái, anh ấy không chọn mà anh chọn riêng mình? Biết bao nhiêu người con trai có bằng cấp, địa vị nàng không chọn mà nàng lại chọn mình? Ý thức đó là ơn. Tình yêu này nó không chỉ trong vòng nam nữ. Bạn bè cũng vậy, Cha mẹ cũng vậy, Thầy trò cũng vậy. Mình sinh ra một đứa con và đứa con đã chọn mình làm mẹ, chọn mình làm cha. Tại sao nó không sinh ra ở nhà khác?

Cha mẹ có thể biết ơn đứa con, sự ra đời của đứa con có thể đem lại ánh sáng và hạnh phúc cho cuộc đời còn lại, nên cha mẹ yêu thương con. Cũng như thầy trò, tại sao có nhiều thầy, người đó có thể tới quy y mà người ta chọn thầy này. Người thầy cũng biết ơn người đệ tử. Ơn đó là yếu tố của hạnh phúc. Tại sao anh không chọn người khác? Sự lựa chọn đó là do đâu mà có? Nếu chỉ là sự ham muốn sắc đẹp thôi, không đủ, phải có cái gì đó.

Ở bên Mỹ có anh chàng đó rất đẹp trai, tài ba, tốt nghiệp đại học thuộc hàng ưu tú và có việc làm lương rất lớn lại có rất nhiều cô bạn gái thật là xinh đẹp. Bà mẹ rất là ngạc nhiên khi thấy anh thân với một cô gái không phải là đẹp nhất. Cô này hơi thấp và nước da hơi đen, mà sao con trai của mình có vẻ thích cô này hơn các cô khác. Hôm đó hai mẹ con ngồi với nhau, bà hỏi có bao nhiêu người con không chọn, mà sao con chọn con nhỏ này vừa đen vừa thấp.

Anh chàng không biết trả lời làm sao hết, anh chàng chưa suy nghĩ nên khi bị hỏi bất ngờ, anh không trả lời mẹ được. Nhưng ít lâu sau anh ta quán chiếu và tìm ra câu trả lời, cô này mỗi khi anh nói chuyện thì cô lắng nghe. Anh là nhà khoa học nhưng anh cũng ưa làm thơ. Mỗi khi anh đọc thơ, cô lắng nghe và cô chứng tỏ hiểu được thơ của anh. Còn những cô gái kia cũng nghe thơ anh nhưng mà nghe do phép lịch sự thôi, bị nghe thơ chứ không thích. Cô này thì khác, cô thích thơ, cô thưởng thơ, cô tham gia thơ và cô trở thành tri kỷ của anh chàng. Trên cuộc đời này có thể tìm được một người có thể hiểu mình được thì mình là người có hạnh phúc. Món quà quý nhất mà người kia có thể tặng cho mình là hiểu được mình.

Có những người sống trong cuộc đời này nhưng chưa bao giờ tìm được một người có thể gọi là hiểu mình cả. Mà nếu mình là một người con trai hay một người con gái và trong cuộc sống này mình có thể tìm được một người có khả năng lắng nghe mình, có thể hiểu được mình, hiểu những khó khăn những khổ đau những ước vọng của mình, thì mình tìm thấy nơi người đó một tâm hồn tri kỷ.

Đời một người là để đi tìm một người tri kỷ, một người biết được mình. Tìm ra được người đó thì hạnh phúc vô cùng. Ngày xưa có một người chơi đàn rất là hay, bạn hữu không có ai hiểu được tài năng của ông ta. Người này làm quan và chưa bao giờ trong giới quan chức bạn bè thân thuộc mà tìm được người có thể hiểu được tài ba của mình.

Vì vậy mỗi lần đánh đàn ông thường đem theo vài người hầu cận lên trên núi, tìm một chỗ rất là đẹp, trải chiếu ra, pha trà, đốt trầm lên. Không khí trang nghiêm lúc đó ông mới chơi đàn. Ông cảm thấy như chỉ có suối, cây, mây, gió mới hiểu được tiếng đàn của ông. Một hôm đang đàn thì tự nhiên dây đàn bị đứt. Thay dây mới vừa đàn thêm một câu nữa thì nó đứt nữa. Ông ta nghĩ chắc có người đang nghe lén tiếng đàn. Ông đứng lên nói lớn có vị nào đang nghe lén tôi đàn xin bước ra, làm như vậy không có dễ thương. Thì tự nhiên có một anh tiều phu xuất hiện, anh tiều phu này đã nghe lén.

Anh tiều phu này có lỗ tai rất là hay, nghe và hiểu được tất cả những cái hay, cái đẹp, cái quý, cái tài ba của người đàn. Vì vậy cho nên dây đàn bị đứt. Anh chàng tiều phu tên là Chung Tử Kỳ và người đánh đàn là Bá Nha. Bá Nha lần đầu tiên tìm ra được người hiểu được tiếng đàn của mình. Tử Kỳ chấp nhận làm bạn với Bá Nha nhưng không muốn về kinh đô, chỉ muốn làm tiều phu.

Lâu lâu Bá Nha nhớ bạn, hẹn với bạn cùng uống trà, nghe đàn. Bá Nha đã tìm được người tri kỷ. Tình bạn đó lưu truyền cho tới ngày hôm nay với tên của hai người: Bá Nha và Tử Kỳ. Hồi thầy mới mười tám tuổi, thầy đã làm một bài thơ ca tụng tình bạn của Bá Nha, Tử Kỳ. Trên đời của mình mà có một người lắng nghe được mình, hiểu được mình thì mình là người may mắn nhất. Anh chàng ở Cali mới trả lời câu hỏi của mẹ, tại sao má biết không, tại vì người đó hiểu con.

Đời người mà tìm ra được một người hiểu mình, thật là hạnh phúc vô cùng.

Con mà hiểu cha, đệ tử mà hiểu thầy cũng làm cho cha, cho thầy hạnh phúc. Người mà hiểu được mình thì mình biết ơn người đó. Cảm ơn em đã hiểu được anh, cảm ơn con đã hiểu được cha, cảm ơn cha đã hiểu được con. Tu tập là làm thế nào để có thể hiểu được người khác. Muốn hiểu thì phải lắng nghe, phải quan sát mới hiểu được. Khi sống với một người có khả năng hiểu mình thì hạnh phúc lắm, vì hiểu là nền tảng của thương. Không hiểu thì không thể nào thương được.

Cho nên trong tình yêu đôi lứa phải cẩn thận. Mà tình yêu đôi lứa mình chỉ cần làm vài cái test thì mình biết là người đó hiểu mình hay là không. Nếu người đó không hiểu được mình thì dù người đó có bằng cấp cao, lương tiền lớn, ô tô đẹp, có nhà cửa, bảnh trai, hay là có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cưới người đó mình cũng sẽ khổ suốt đời, gọi là khổ sai chung thân. Đó là một nhà tù, tình yêu là một nhà tù.

Người nào mà khi mình mới nói đã cắt lời, thích khoe khoang cái riêng của họ, không có khả năng hiểu được những khó khăn, khổ đau của người khác, không biết lắng nghe mình, thì chỉ cần vài ba phút là mình có thể nhận ra được. Đừng để bị hấp dẫn bởi bề ngoài, những bóng sắc bên ngoài, địa vị danh lợi, xe hơi, nhà cửa, tiền lương, bằng cấp. Đừng để những cái đó làm mờ mắt mình. Hai mắt mình phải tỉnh táo để thấy rằng người con gái đó hay người con trai đó là một người có thể hiểu được mình và hiểu được mình thì sẽ thương mình, rõ ràng như vậy.

Trong xã hội mới phát triển của chúng ta, một cô gái có thể đánh mất tiết trinh của mình để đánh đổi lấy một chiếc xe gắn máy. Thật là dễ sợ, đạo đức suy đồi đến như thế đó. Tại vì muốn thoát ra khỏi thân phận nghèo khổ, vì muốn có một chiếc xe giống như người khác họ đã đánh mất cái quý giá nhất của đời mình. Chuyện đó đã xảy ra, nó đang xảy ra.

Trong đạo Phật, cái thương đích thực nó được làm bằng cái hiểu, không hiểu thì không có thương. Cha mà nếu không hiểu con thì càng thương con, con càng khổ. Vợ không hiểu chồng càng thương chồng, chồng càng khổ. Hiểu là nền tảng của tình thương. Sống với nhau như thế nào để càng ngày mình càng hiểu được nhiều hơn và người kia càng ngày càng hiểu được mình nhiều hơn. Nếu cái hiểu không lớn lên, thì cái thương nó cũng không lớn lên, nó dẫm chân tại chỗ.

Nếu quý vị thấy tình thương của mình đang dẫm chân tại chỗ thì quý vị biết rằng quý vị không tu, bởi cái hiểu không lớn nên cái thương không thể lớn. Khi mà tình thương không lớn thêm thì từ từ nó co rút lại cho đến khi trở thành một cục cứng ngắt. Tình yêu có thể chết nếu mình không biết nuôi dưỡng nó bằng cái hiểu và cái thương. Còn khi người kia hiểu mình thì mình biết ơn người đó, biết ơn suốt đời. Chính cái ơn đó là chất liệu nuôi dưỡng mình và người đó cho đến suốt đời, cái đó là nghĩa. Không phải là cái bồng bột lúc ban đầu, cái tình, không phải là ngọn lửa nuôi dưỡng đâu.

Ở Việt Nam ngày xưa người ta không nấu cơm bằng gas hay là bằng điện mà nấu bằng rơm và rơm cháy rất mau. Có cách để làm cho nó cháy chậm lại, mình cần một chiếc đủa. Đặt một nắm rơm vô bếp, lấy cái đủa đè xuống thì rơm sẽ cháy từ từ. Ngày xưa miền quê Việt Nam còn dùng trấu. Trấu tức là vỏ hạt lúa. Nhiều nhà không có hộp quẹt nên phải nuôi lửa. Muốn nuôi lửa lâu mình đổ vào bếp một ít trấu. Trấu cháy ngún, cháy lâu. Nó không cháy bùng như rơm mà cháy chầm chậm suốt đêm. Sáng mai mình khơi ra thì còn lửa ở trong đó, gọi là lửa trấu. Lửa rơm thì mau cháy, mau tàn. Đó là ngọn lửa tình. Còn nghĩa là lửa trấu, nó cháy suốt đêm dài.

Ngày xưa Việt Nam còn có truyền thống đi xin lửa, vì không có hộp quẹt và cũng không có đèn dầu. Mỗi khi nấu cơm mình phải qua hàng xóm xin lửa, nếu mà nhà mình không có trấu. Các cháu có thể là chưa thấy con cúi. Con cúi không phải là một sinh vật mà mình vẫn gọi là con. Người ta lấy rơm bện lại thành ra một con rắn rất chặt và đốt một đầu, đầu kia để tay cầm. Nó cứ cháy ngún từ từ và cháy được nhiều giờ. Mỗi khi cần lửa nấu cơm thì mình tới con cúi lấy lửa. Còn nếu không có con cúi và cũng không có lửa trấu thì mình phải đi xin thôi.

Đi xin lửa thì mình phải biết cầm một nắm rơm. Tới bếp của người ta, mình đừng có quấy động cái bếp vì người ta đang nuôi lửa ở trong đó. Cầm nắm rơm của mình, dúi vào chỗ lửa trấu đang còn cháy và đợi. Chừng hai ba chục giây, mình thấy khói lên tức là biết rằng nắm rơm của mình đã được lửa bén vào rồi. Mình chỉ cần thổi một hơi thở nhẹ là lửa cháy lên rồi lấy một nắm rơm khác nắm lại, đem về thì nó tiếp tục cháy. Quý vị biết rằng ngày xưa xin lửa là chuyện mỗi ngày. Lửa có hai thứ một là lửa rơm hai là lửa trấu. Lửa trấu ngún cháy cả ngày đêm rất lâu. Lửa rơm được ví cho tình yêu, cho tình. Lửa trấu tượng trưng cho nghĩa.

Ân nghĩa là cái tiếp nối của chữ tình. Cái tình bắt đầu cho khéo để từ từ nó đi tới cái nghĩa. Ân nghĩa là chất liệu nuôi dưỡng một cặp vợ chồng cho tới khi đầu bạc và răng long. Nghĩa là sự thực tập về tình yêu, mỗi ngày mình phải làm cho cái tình của mình lớn lên và nó biến thành nghĩa. Mỗi ngày mình phải xây dựng cái ơn và cái nghĩa. Mỗi lời nói mỗi cử chỉ săn sóc đều tạo ra ơn và nghĩa hết.

Chính cái đó là keo sơn, nó giúp cho một cặp vợ chồng sống với nhau suốt đời. Tình bạn cũng vậy, tình bạn thì không có sự cháy bùng, không có sự đam mê như là tình yêu. Cho nên tình bạn nó dễ hơn nhiều. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói rất rõ là tình bạn lâu dài bền chắc, nó nuôi dưỡng mình nhiều hơn tình yêu. Vì vậy bí quyết là mình phải biến tình yêu lúc ban đầu trở thành tình bạn.

Hai người ban đầu là hai người yêu nhưng mà từ từ sẽ trở thành hai người bạn. Khi trở thành hai người bạn thì đó là tình yêu đang còn. Còn nếu tình yêu không trở thành tình bạn được thì tình yêu sẽ chết, sẽ không thành công. Mà sở dĩ tình yêu trở thành tình bạn được là vì mình phát khởi được cái ơn và cái nghĩa. Ơn nghĩa đó như đã nói ở trên, nó bắt đầu từ chỗ ý thức được rằng tại sao giữa bao nhiêu người con trai người đó lại chọn mình, nên mình biết ơn người con gái đó.

Giữa bao nhiêu người con gái đẹp mà mình chọn một người thôi thì cái đó là bắt đầu từ chọn. Cái chọn này không phải là nhất thời, cái chọn này là phải xãy ra trong một quá trình nào đó với trí tuệ của mình chứ không phải chỉ với đam mê mà thôi. Nếu tình chỉ chỉ có đam mê thì mình sẽ hối hận, phải có trí tuệ và phải biết lắng nghe. Lắng nghe bạn bè, lắng nghe cha mẹ, lắng nghe các em của mình. Tại vì họ cũng có cái thấy mà cái thấy của họ đôi khi khách quan hơn mình. Mình đam mê rồi thì mình không còn thấy được sự thật rõ ràng bằng những người khác.

Xin quý vị giúp dịch chữ nghĩa ra tiếng Pháp, tiếng Anh. Nghĩa đi đôi với chữ ơn: Ơn nghĩa. Khi thương thì ranh giới giữa cá nhân không còn nữa. Hai người trở thành một. Mình không đi tìm cái hạnh phúc riêng của mình. Hạnh phúc phải là hạnh phúc chung. Ở làng Mai mình nói hạnh phúc chưa bao giờ là hạnh phúc của riêng một mình con, đó là bài hát của sư cô Giải Nghiêm.

Hạnh phúc hay đau khổ trong tình yêu không còn là vấn đề riêng của một người nữa mà của cả hai người. Đó là yếu tố thứ tư ( từ, bi, hỹ, xả ) của tình yêu trong đạo Phật, tức là không phân biệt tôi khác, anh khác. Hai người là một thôi. Cho nên không có chuyện ông ăn chả bà ăn nem, ông đi tìm thú vui riêng của ông, bà đi tìm thú vui riêng của bà. Cái vui của ông cũng là cái vui của bà.

Tuần thứ ba trong khóa tu, có một thiền sinh Tây phương hỏi một câu rất đáng thương. Ông nói rằng, con khổ quá đi. Con rủ nhà con đi tới khóa tu, bà không chịu ở, bà cứ đòi con phải đi, bây giờ con phải làm sao. Thay vì nói rằng vì bà chưa thấy được sự cần thiết của tu học thì tôi trả lời rằng tại vì ông mà ra hết. Tại những gì bà thích ông đã không thích. Nếu ông thích và ông yểm trợ bà những gì bà thích thì chắc chắn bà sẽ thích cái ông thích. Sở dĩ bà đòi đi là vì ông không chú trọng tới bà. Ông không để tâm tới, ông không hiểu được bà. Những gì bà yêu mến, bà mong ước, ông không để ý tới. Vì vậy cho nên bà cũng không để ý tới ông. Những thứ ông thích thì bà ghét, những thứ ông ghét thì bà lại thích cho biết tay. Thường thường nó xảy ra như vậy. Vì vậy vấn đề hạnh phúc cũng như khổ đau trong tình yêu chân thật không còn là vấn đề của cá nhân nữa mà là của chung. Chúng ta phải có thì giờ quan tâm.

Tác giả: Thích Nhất Hạnh

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Em để dành câu hát dỗ ta vui


 Vũ Xuân Chinh




Trước sau gì
Xuân cũng về thôi
Sao em thao thức hoài
không ngủ
Cứ để
những chuyện buồn năm cũ
đủ ngậm ngùi
ra đi
Ơi ! cái giây phút sau cùng
đã gửi gấm điều gì
Cho khoảnh khắc đầu tiên
chào năm mới
Ta đã sáu mươi mấy lần
chờ đợi
Vẫn bồn chồn
nuối tiếc
tuổi trôi qua
Trước sau gì
mai cũng ra hoa
Em cứ để
Cho lòng mình nói hết
Hẹn với ga đời
Có người không đến kịp
Đón chuyến tàu hạnh phúc
ghé sang đây
Trước sau gì
cũng có một ngày
Ta bật khóc
trước tình em dịu vợi
Tiếng đàn ai
lạc trong đêm vũ hội
Em để dành câu hát
dỗ ta vui

Nhật Ký Biển Đông: Việt Nam: Trọng Tâm Của Kế Hoạch Xoay Trục?



Nhật Ký Biển Đông:

Việt Nam: Trọng Tâm Của Kế Hoạch Xoay Trục?

Đào Văn Bình


...Qua lời cảnh báo mạnh mẽ của Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton Carter ngày 27/5/2015, chúng ta thấy nếu Trung Quốc không dừng tay lại thì một cuộc đụng độ quân sự chắc chắn sẽ xảy ra. Lúc đó Mỹ rất cần một đồng minh quân sự nằm ngay trên chiến trường. Đó là Việt Nam. ... (ĐVB)

A. Những chuyển biến quan trọng:

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Năm ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:





- VnTimes ngày 15/5/2015: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và phu nhân thăm Việt Nam từ ngày 22 đến 23/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình thông báo hôm qua. Dự kiến, ông Ban Ki-moon sẽ chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dự lễ khánh thành Ngôi nhà chung của LHQ, gặp gỡ các cơ quan của LHQ tại Việt Nam và nói chuyện tại Quốc Hội.” Theo tin AP gửi đi từ Hà Nội ngày 22/5/2015, “Trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông mà sự khăng khăng của Trung Quốc đã khiến các quốc gia láng giềng nhỏ bé lo sợ. Ô. Ban Ki-moon cũng nói với báo chí rằng Chủ Tịch Trương Tấn Sang của Việt Nam cũng đã trình bày với ông những lo lắng về an ninh khu vực và Biển Đông. Ô. Ban Ki-moon cũng có cuộc nói chuyện tại Quốc Hội Việt Nam.”

- VOA tiếng Việt ngày 16/5/2015: Ông David Shear, Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ nói, “Chúng ta khẳng định quyền tự do đi lại tại những khu vực như thế và chúng ta hành xử quyền này thường xuyên tại Biển Đông cũng như trên toàn thế giới, và chúng ta sẽ tiếp tục hành xử quyền này trên mặt biển cũng như trên không.” Còn Ô. Daniel Russel Phụ Tá Ngoại Trưởng nói, “Chúng ta phải ngăn chặn thái độ thách thức như thế.”

- Reuters ngày 18/5/2015: “Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, quyết định cấm đánh cá ở Biển Đông từ ngày 16 Tháng 5 tới ngày 1 Tháng 8 của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế và thẩm quyền tài phán của Việt Nam và phía Việt Nam kiên quyết phản đối quyết định này.” [China's May 16-Aug. 1 fishing ban violated international law and Vietnam's sovereignty and jurisdictional rights, Vietnam's foreign ministry said in a statement on its website.]



- Sputnik News ngày 18/5/2015: “Ông Lý Khắc Cường- Thủ Tướng Trung Quốc lần đầu tiên đến Mỹ La-tinh với tư cách người đứng đầu chính phủ. Ông mang tới Brazil 50 tỷ USD dưới dạng vốn đầu tư và khoản vay ưu đãi. Cụ thể là cấp kinh phí cho tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng từ bờ biển Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương thông qua Brazil và Peru. Thỏa thuận về việc này là phần then chốt của chuyến công cán.” Còn theo VnExpress ngày 23/5/2015, “Trung Quốc và Peru đồng ý nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng đường sắt xuyên lục địa dài 5.300 km, nối bờ Thái Bình Dương của Peru với bờ Đại Tây Dương của Brazil. Thỏa thuận về dự án đường sắt được đưa ra khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Peru, chặng dừng chân thứ ba trong chuyến công du Nam Mỹ..”

- VnExpress ngày 19/5/2015: “Trung Quốc và Thái Lan ký biên bản ghi nhớ xây dựng Kênh Đào Kra Isthmus, được mệnh danh là ”Kênh Đào Panama của Châu Á” ở miền nam Thái Lan, nhằm rút ngắn hải trình của tàu bè Trung Quốc từ Trung Đông về Quảng Châu khoảng 1200 km và không cần thông quá Eo Biển Malacca.”



Nếu kênh đào hoàn tất và đưa vào xử dụng, thế giới sẽ chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục về địa lý chính trị. Vị trí của Thái Lan sẽ vô cùng quan trọng vì là quốc gia quản trị kênh đào. Nhưng người hưởng lợi rất nhiều là Phú Quốc. Kiên Giang sẽ thay thế vị trí của Singapore vì sẽ là nơi nghỉ ngơi của thủy thủ, tiếp liệu hoặc sửa chữa cho các thương thuyền sau chuyến đường dài phát xuất tử Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc và Nga (từ Vladivostok). Đó là lý do tại sao Tân Gia Ba kịch liệt phản đối và tìm cách ngăn chặn dự án này. Nhưng việc hình thành hải lộ chiến lược mới cũng đặt ra vấn đề an ninh cho Việt Nam. Phú Quốc sẽ trở thành một căn cứ hải quân lớn để bảo vệ an ninh trên biển.

Thế mới hay sự đời không ai lường hết được. Nhưng chính sự cạnh tranh quyền bá chủ thế giới hoặc khuynh hướng sinh tồn và phát triển đã làm thay đổi hoặc phá hủy hành tinh này.

- VOA tiếng Việt ngày 21/5/2015: “Ông Hans Kristensen là giám đốc của Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn Khoa học Mỹ nói: Một phúc trình của Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đang nâng cấp khả năng phi đạn của mình bằng cách đặt nhiều đầu đạn hạt nhân thu nhỏ trên các phi đạn đạn đạo. Trung Quốc đã có khả năng làm việc này từ thập niên 1990, nhưng các động thái gần đây nhằm hiện đại hóa lực lượng phi đạn đã khơi ra những quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trạng khu vực ở Châu Á.”

- CNS News ngày 22/5/2015: “Theo Nha Thống Kê, năm 2014, Hoa Kỳ đã chịu một khiếm ngạch ngoại thương là $24,858,700,000 với Việt Nam. Hoa Kỳ bán $5,724,900,000 hàng hóa cho Việt Nam, trong khi Việt Nam bán cho Hoa Kỳ $30,583,600,000.” Cũng theo bản tin này,Ô. Obama đang thương thảo về Hiệp Định Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam và 11 quốc gia khác, nhằm loại bỏ thuế nhập cảng và những rào cản không phải là thuế nhập cảng giữa các quốc gia.”

- Báo Đất Việt ngày 22/5/2015: “Hãng trực thăng AgustaWestland của liên doanh Anh - Italia tiết lộ rằng, công ty này đang đàm phán sơ bộ với Hải quân Việt Nam để cung cấp máy bay trực thăng săn tàu ngầm theo nhu cầu.”

- VnPlus ngày 23/5/2015: “Nhận lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ từ ngày 23-26/5. Tháp tùng còn có chín vị tướng bao gồm hầu hết các quân-binh chủng. Chuyến thăm lần này của đoàn nhằm trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh quốc tế, khu vực của mỗi nước, đồng thời bàn các biện pháp nhằm đưa quan hệ quốc phòng song phương thời gian tới lên bước phát triển mới, toàn diện và hiệu quả hơn. Hai bên đã ký “Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ giai đoạn 2015-2020”

- Sputnik News ngày 24/5/2015: “Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang Thái Lan yêu cầu Lầu Năm Góc/Ngũ Giác Đài trong vòng năm ngày phải rút khỏi Đảo Phuket các máy bay không quân và lực lượng Mỹ tham gia cuộc tập trận chống hạm Guardian Sea kết thúc từ hôm 20 tháng 5. Theo báo Bangkok Post đưa tin, trích dẫn một nguồn từ Bộ Quốc phòng Thái Lan. Washington đã nhiều lần đề nghị Thái Lan cho phép sử dụng sân bay Phuket phục vụ hoạt động cứu hộ người Rohindja trên biển - những người theo Hồi giáo ở Myanmar bỏ chạy khỏi đất nước do xung đột với cộng đồng Phật giáo.” Đây có thể là phản ứng của giới quân nhân lãnh đạo Thái Lan trước việc Hoa Kỳ cứ can thiệp vào công việc nội bộ của nước họ.

- BBC tiếng Việt ngày 26/5/2015: Trung Quốc vừa công bố Bạch Thư Quốc Phòng mà theo VOA,

”Trung Quốc sẽ tập trung vào tăng cường sự hiện diện quân sự bên ngoài lãnh hải, theo một văn bản chiến lược mới công bố. Chiến lược quân sự của Trung Quốc cũng nói lực lượng không quân sẽ chuyển ưu tiên từ phòng vệ không phận lãnh thổ thành tấn công và phòng vệ với khả năng quân sự rộng lớn hơn.”



Theo Bạch Thư này thì chiến lược quân sự của Trung Quốc chuyển từ phòng ngự sang tấn công, mở rộng chu vi phòng thủ, tiến ra biển lớn để tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ và đưa chiến tranh ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc giống như quan niệm của Mỹ là “phòng thủ từ xa”. Muốn thế thì hải quân phải thật mạnh và có nhiều căn cứ quân sự đóng ở nước ngoài. Nếu Trung Quốc làm được thế thì chu vi phòng thủ từ xa của Mỹ co cụm lại và chiến tranh có thể nổ ra trên đất Mỹ chứ không còn ở xa như trước nữa.

- AP ngày 27/5/2015: “Lính hải quân Việt Nam và Phi Luật Tân đá bóng và vui chơi trên Đảo Song Tử Đông (Northeast Cay) là hòn đảo hiện do Phi Luật Tân chiếm đóng để bày tỏ sự thân thiện giống như cuôc gặp gỡ, vui chơi, uống bia giữa hai bên trên Đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) thuộc chủ quyền của Việt Nam vào Tháng Sáu năm ngoái.”

Rõ ràng đây là hành động liên kết để chống lại sự lấn chiếm và bắt nạt của Trung Quốc. Hai bên Việt-Phi không chính thức công bố nhưng ngầm công nhận chủ quyền của nhau trên các hòn đảo này, đống thời chấp nhận thông qua thương thảo và luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo trong khu vực Trường Sa.

-Bloomberg News ngày 27/5/2015: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton Carter đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ nhất về những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, đòi hỏi phải ngưng ngay sự biến cải những bãi đá ngầm và cam kết rằng Hoa Kỳ vẫn duy trì sức mạnh hàng đầu tại Á Châu trong những thập niên tới. Hoa Kỳ sẽ bay, dong tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép và chúng tôi sẽ làm như vậy khắp thế giới. ” [Defense Secretary Ashton Carter delivered the strongest U.S. warning yet against China’s moves in the South China Sea, demanding a halt to land reclamation in disputed waters and vowing that the U.S. will remain Asia’s leading power “for decades to come.”... “There should be no mistake about this: The United States will fly, sail and operate wherever international law allows, as we do all around the world,” said Carter, who has ordered the military to develop options for more assertive U.S. demonstrations of its right to transit the region.]

- AFP ngày 27/5/2015: “Tại Hạ Uy Di (Hawaii), Ô. Carter- Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đã nói với người đồng cấp Phi Luật Tân rằng cam kết bảo vệ các quốc gia trong Thái Bình Dương của Hoa Thinh Đốn vẫn son sắt và kêu gọi chấm dứt việc biến cải các bãi đã ngầm ở Biển Đông.”

- BBC tiếng Việt ngày 29/5/2015: “Chiều tối (ngày) 29/5, tại Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng thủ tướng các nước thành viên bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã dự lễ ký Hiệp Định Thương Mại Tự Do giữa Việt Nam và Liên Minh Kinh tế Á-Âu. Việt Nam ca ngợi đây là hiệp định “Có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu”.

Hiệp định bao gồm các Chương chính về Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Công nghệ điện tử trong thương mại, Cạnh tranh, Pháp lý và thể chế. Hàng thủy sản Việt Nam sẽ được mức thuế suất 0%.

- VOV ngày 29/5/2015: “Đối Thoại Shangri La vừa khai mạc cách đây vài tiếng đồng hồ tại Singapore với sự tham dự của khoảng 30 đoàn Bộ Quốc phòng các nước, trong đó đoàn Trung Quốc lần đầu tiên có một Đô đốc Hải quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Tôn Kiên Quốc đến dự và đoàn Mỹ cũng hùng hậu không kém khi có mặt cả Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter lẫn Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện John McCai. Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu.”

- Reuters ngày 29/5/2015: “TNS John McCain đề nghị một dự luật cung cấp khoảng 425 triệu đô-la trong vòng năm năm cho những quốc gia như Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Thái Lan và Việt Nam để trang bị, tiếp liệu, huấn luyện và xây dựng quân sự trên quy mô nhỏ để đối phó với những thách thức về chủ quyền trên biển của Trung Quốc.” [Republican Senator John McCain, chairman of the Senate Armed Services Committee, made the proposal in an amendment to the 2016 U.S. Defense Authorization Act expected to be passed later this year, entitled the South China Sea Initiative. It allows for the provision of up to $425 million over five years to countries including Indonesia, Malaysia, the Philippines, Thailand and Vietnam for "equipment, supplies, training and small-scale military construction."]

Cũng theo Reuters, trong một cuộc họp báo tại HCM City, Ô. John McCain nói rằng,

“Hoa Kỳ sẽ thi hành một số biện pháp làm Trung Quốc chùn bước/nản chí để không cón có những hành động như vậy.”[told a news conference in Ho Chi Minh City the United States needed to "take certain measures which will be a disincentive to China to continue these kinds of activities."] Còn trong cuộc họp báo bên lề Đối Thoại Shangri-la, TNS John McCain cho biết trong tuần tới ông và các thượng nghị sĩ sẽ đề nghị nới lỏng thêm lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

- Sputnik News ngày 30/5/2015: Về việc Trung Quốc vừa cho bố trí hệ thống pháo binh di động trên các đảo nhân tạo, Tướng Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố, “Nếu điều đó thực sự xảy ra, thì sẽ là một dấu hiệu xấu trong tình hình vốn đã không đơn giản ở Biển Đông," Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters bên lề Diễn đàn an ninh ở Singapore. Ông cũng bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế có biện pháp nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích của Trung Quốc.”

B. Nhận Định:

Kể từ khi Mỹ công bố kế hoạch “Xoay Trục” năm 2009 nhằm hướng toàn bộ sức mạnh quân sự của Mỹ về Á Châu để đối phó với sự “trỗi dậy” - nay gọi là bành trướng- của Trung Quốc làm cả thế giới giật mình và người ta liên tưởng tới viễn ảnh như sau:

- Có thể vài ba hàng không mẫu hạm tối tân cỡ như Washington và vài chục chiến hạm cỡ như Fort Worth sẽ ào ào tiến vào Biển Đông, khiến Trung Quốc nghẹt thở và không dám ho he gĩ nữa. Thế nhưng sau sáu năm “Xoay Trục”, Trung Quốc - từ việc công bố thành lập cái gọi là “Thành Phố Tam Sa” để xác định chủ quyền trên Quần Đảo Hoàng Sa cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974, tiến tới việc ban hành lệnh đánh cá, cho tàu hải giám, tàu ngư chính nghênh ngang ngăn chặn hay đâm húc tàu đánh cá, giết hại ngư dân Việt Nam, đâm húc tàu chiến Mỹ khiến tàu chiến Mỹ phải né tránh, tiến chiếm Bãi Cạn Scaborough (Hoàng Nham) (*) của Phi Luật Tân, phong tỏa tàu mắc cạn BRP Sierra Madre không cho tàu Phi Luật Tân tiếp tế cho binh sĩ tại đây - dù tàu Sierra Madre nắm trong lãnh hải của Phi Luật Tân, đem giàn khoan Haiyang 981 tới thăm dò dầu khí trong Khu Đặc Quyền Kinh Tế của Việt Nam và biến cải sáu bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo trên đó xây dựng các căn cứ quân sự, cho xây hai ngọn hải đăng trên Đảo Gạc Ma và Châu Viên nằm trong Quần Đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nói tóm lại, Mỹ càng cảnh cáo, càng “Xoay Trục” thì Trung Quốc càng làm mạnh hơn cho dù máy bay thám thính, tàu chiến và tầu ngầm Mỹ đã hiện diện và tuần tra trong vùng.

- Lúc đó các nhà quan sát đểu nghĩ rằng, trước mắt và về lâu về dài, Úc Châu, Tân Gia Ba sẽ là trọng tâm của kế hoạch “Xoay Trục” bởi vì sau khi công bố kế hoạch mới, Ô. Obama hối hả đưa thủy quân lục chiến vào căn cứ Darwin, Úc Châu và chiến hạm tối tân tới Tân Gia Ba. Thế nhưng sau sáu năm thử nghiệm, từ “Xoay Trục” biến thành “Tái Cân Bằng Lực Lượng” dường như các chiến lược gia Hoa Kỳ đã thay đổi chiến thuật.

Nước Mỹ có “thói quen” hay “quan niệm” là nếu một chiến lược, một kế hoạch không thành công thì lập tức họ thay đổi chứ không ù lì để chịu chết. Giờ đây, có thể không phải Úc Châu hay Tân Gia Ba mà Việt Nam mới là trung tâm điểm của kế hoạch “Xoay Trục”. Tại sao thế? Có ba yếu tố gần như quyết định:

1) Úc Châu và Tân Gia Ba chỉ là căn cứ phòng thủ từ xa. Hơn thế nữa Úc Châu và Tân Gia Ba không có tranh chấp biển đảo cho nên khó lôi kéo họ trực diện với Trung Quốc khi một cuộc xung đột quân sự nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Ấy là chưa kể khi đụng độ với Trung Quốc nền kinh tế của hai quốc gia này sẽ xụp đổ - điều Úc Châu và Tân Gia Ba luôn tìm cách né tránh.

2) Trong vòng năm hay mười năm nữa, khi Kênh Đào Kra hoàn tất, Eo Biển Malacca trở nên thứ yếu và vai trò của Úc Châu trở nên vô dụng. Lúc đó lại nổi bật lên vai trò của Thái Lan và Việt Nam là quốc gia chủ nhà và quốc gia nằm trên cửa ngõ ra vào của kênh đào chiến lược do Trung Quốc đầu tư.

3) Nếu mạnh thêm về hải quân, Việt Nam có thể đương đầu với Trung Quốc tại Biển Đông và gây cho Trung Quốc những thiệt hại nặng nề với những giàn hỏa tiễn phòng thủ bờ biển di động, tàu ngầm Kilo Hố Đen, khu trục hạm tàng hình Gepard, điều mà Phi Luật Tân, Singapore và Úc Châu không làm được, dù về hải quân Úc Châu mạnh hơn Việt Nam rất nhiều nhưng vì “viễn chinh” tức chiến đấu ở xa nên Úc mất uy thế. Hơn thế nữa, Úc Châu hay Tân Gia Ba không thể chiến đấu đơn độc mà phải có Mỹ đi kèm.

Theo tờ Tuổi Trẻ ngày 31/7/2014, Đô Đốc Hải Quân Việt Nam Nguyễn Văn Hiến tuyên bố “Hải Quân Việt Nam đủ sức đánh bại mọi cuộc tấn công trên biển”. Chắc chắn đây không phải là lời khích lệ tinh thần binh sĩ hoặc cưởng điệu trước một đối thủ khổng lồ Trung Quốc có sức mạnh hải quân nhì, ba thế giới.

Cứ nhìn vào những chuyến thăm Việt Nam dồn dập của những nhân vật hàng đầu Hoa Kỳ trong tuần lễ vừa qua chúng ta thấy tầm mức quan trọng của Việt Nam và có thể đó là sự chuyển đổi trong sách lược “Xoay Trục” của Mỹ.

- Ngày 24/5/2015, AP cho biết, “TNS McCain thuộc Đảng Cộng Hòa, cựu tù binh trong chiến tranh Việt Nam – Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện còn TNS Reed của Tiểu Bang Rhode Island thuộc Đảng Dân Chủ sẽ viếng thăm Việt Nam và Tân Gia Ba. Văn phòng của TNS Reed cho hay, phái đoàn sẽ gặp gỡ các giới chức lãnh đạo tại Hà Nội và HCM City để thảo luận về các vấn đề an ninh, kinh tế trong vùng Châu Á Thái Bình Dương.” Theo BBC tiếng Việt ngày 29/5/2015, Ô. John McCain đã gặp TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh và Bộ Trướng Công An Trần Đại Quang và tiếp xúc với một số nhà hoạt động xã hội dân sự trong nước. Rồi BBC tiếng Việt ngày 25/5/2015 cho hay, “Ô. Carter- Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ tới Việt Nam vào ngày 31/5 từ Singapore, nơi ông tham dự diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La. Chi tiết chuyến thăm còn được giữ kín, nhưng ông được tin sẽ ở thăm Việt Nam hai ngày.”

Theo tin Reuters gửi đi từ Hải Phòng ngày 31/5/2015: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Carter cam kết viện trợ 18 triệu Mỹ Kim để Việt Nam mua tàu tuần tra ngay sau khi đi đi xem một tầu tuần duyên của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm húc trong cuộc đụng độ tại giàn khoan Haiyang 981. “ Tại Hải Phòng, Ô. Carter tuyên bố, “Chúng ta cần canh tân/hiện đại hóa quan hệ hợp tác. Sau 20 năm, có rất nhiều việc chúng ta có thể làm chung.”(We need to modernize our partnership. Carter told reporters during a visit to the northern city of Hai Phong. After 20 years, there is more we could do together.)



Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, phải, với đối tác Việt Nam của ông Tướng Phùng Quang Thanh trước khi đàm phán tại Hà Nội vào ngày 01 tháng 6 (AP Photo)

Rồi vào ngày 27/5/2015, VOA tiếng Việt loan tin Phụ Tá Bộ Trưởng Đặc Trách Kinh Tế và Thương Mại Mỹ Charles Rivkin thăm Hà Nội và thành phố HCM trong 4 ngày, từ 26 tháng 5 tới ngày 30 tháng 5, để củng cố các quan hệ kinh tế, để làm nền tảng cho các quan hệ vững mạnh nói chung của Mỹ với các nền kinh tế này của Châu Á.”

Cộng thêm với những biến chuyển ngoại giao dồn dập, theo Bloomberg News ngày 21/5/2015, “Trong một cuộc phỏng vấn tại Hà Nội hôm Thứ Năm 21/5/2015, Đại Sứ Ted Osius nói rằng, “Chính những thủ đoạn chiếm đoạt lãnh thổ của Trung Quốc tại những vùng còn đang tranh chấp ở Biển Đông đã làm cho người láng giềng cộng sản Việt Nam xích lại gần hơn với Hoa Kỳ.” Ô. Osius còn nói thêm, “ Sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sâu rộng thêm từng tuần, nếu không muốn nói là từng ngày.”

Qua lời cảnh báo mạnh mẽ của Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton Carter ngày 27/5/2015, chúng ta thấy nếu Trung Quốc không dừng tay lại thì một cuộc đụng độ quân sự chắc chắn sẽ xảy ra. Lúc đó Mỹ rất cần một đồng minh quân sự nằm ngay trên chiến trường. Đó là Việt Nam.

Đây có thể là toan tính mới của các chiến lược gia Hoa Kỳ sau sáu năm thử thách kế hoạch “Xoay Trục” không đi đến đâu, mà một số nhà bình luận cho rằng Ô. Obama đã làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Về vấn đề Trung Quốc biến cải các bãi đá ngầm thành căn cứ quân sự, trong cuộc gặp gỡ riêng với Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Ngoại Trưởng Vương Nghị không tỏ dấu hiệu nhượng bộ nào cho dù Ô. John Kerry đã thúc giục Trung Quốc giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông. Ô. Vương Nghị nói rằng quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc không gì lay chuyển được. Bằng cớ là vào ngày 29/5/2015 báo chí Mỹ loan tin Hoa Lục đã cho đặt các hệ thống pháo binh di động trên các hòn đảo nhân tạo này.

Tình hình rõ ràng là khẩn cấp, nước Mỹ bình luận và báo động loạn cả lên trong khi Trung Quốc đe dọa nếu Hoa Kỳ còn can dự vào chuyện Biển Đông thì Thế Chiến III sẽ không tránh khỏi. Vào ngày 30/5/2015, tạp chí Forbes loan tin, Tuần Dương Hạm Shiloh của Mỹ trang bị hỏa tiễn hành trình đang thấy tiến vào Quân Cảng Subic Bay nằm ở đông bắc Manila.



Tàu Tuần Dương Hạm USS Shiloh _ CG67 (Ảnh của KAZUHIRO NOGI/AFP/GettyImages)

Đúng vậy, thế chiến đang ở vào tình huống có thể nổ ra bất cứ lúc nào, nhưng chưa biết Việt Nam - dù về phần minh đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng - sẽ can dự trong liên minh quân sự với Mỹ tới mức độ nào. Chúng ta chờ xem.



Đào Văn Bình

(California ngày 1/6/2015)

________________________

(*) Chính Mỹ đã làm mất bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân năm 2012 khi đứng ra làm trung gian để hai bên cùng rút quân. Phi Luật Tân nghe lời Mỹ rút quân, nhưng quân Trung Quốc vẫn ở lại. Nguyên do cũng chỉ vì lúc đó, dù đã “Xoay Trục” nhưng Mỹ lại không muốn đối đầu với Trung Quốc nhưng nay lại phải đối đầu với nguy cơ lớn hơn. Đúng là “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Lịch sử thế giới cho thấy nhiều đại cường dù binh hùng tướng mạnh nhưng thất bại cũng chỉ vì do dự, không quyết đoán. Đánh thì không đánh, lùi thì không lùi là đại kỵ trong binh pháp.


Bản Chất của Quyền Lực: Nền Tảng của Định Chế







Ngày 15- Tháng 6 -2015 là ngày kỷ niệm 800 năm bản văn kiện "nổi tiếng" hiện đang là nền tảng của bản hiến pháp bất thành văn của Anh Quốc. Văn kiện này được ký kết vào năm 1215, giữa đội ngũ võ trang quyền lực của các lãnh chúa và vua Anh quốc King John - giới lãnh chúa dùng áp lực quân sự buộc Vua Anh phải ký kết tuân thủ một bản "luật" qui định quyền hành giữa Vua và các Lãnh Chúa về "nền tự do cá nhân" dĩ nhiên chỉ là đặc quyền của các giới lãnh chúa quí tộc và giáo sĩ Kito giáo bấy giờ.

Qua năm tháng nó tiến triển mở rộng không chỉ là quyền của các giới quyền hành quí tộc tăng lũ giáo hội mà thành quyền phổ quát đến tất cả mọi cá nhân con người: trở thành nền tự do cá nhân của mọi người trong xã hội Anh quốc. Từ thế kỷ 17 nó mở ra cánh cửa cho một hình thức "quốc hội" ra đời. Và sau đó những người Anh bỏ Anh quốc để đến thuộc địa Mỹ đã dùng nó để hình thành nền dân chủ gián tiếp với quốc hội đại biều tại xứ này trong nền tảng một bản hiến pháp thành văn và 10 điều tu chính DÂN QUYỀN qui định rõ ràng nền DÂN QUYỀN và TỰ DO CÁ NHÂN của CÔNG DÂN đối trọng quyền lực Nhà Nước (Bill of Rights). Thật là một "truyện tình"!

Ông Paul Craig Roberts đã cảm kích viết một bài nhận định ghi dấu sự kiện lịch sử này như một thành quả lớn. Nhưng mỉa mai một cách cay đắng, phần lớn ông nhấn mạnh hiện trạng chính Anh và Mỹ,cả nhà nước lẫn đa số quần chúng, đều đang dẫm lên "thành quả 800 năm" này. Nghĩa là càng ngày càng chẳng coi Hiến pháp ra cái gì nữa.

Ông Paul Craig Roberts, một cựu đảng viên bảo thủ Cộng Hòa, không chỉ là khoa bảng sư phạm, nhà báo mà từng giữ chức vụ cao cấp đặc biệt về chính sách kinh tế quốc gia của Mỹ, trong bài "điếu văn 800 năm" cho bản Magna Carta này đã giận giữ nói đến những tội phạm và tội ác của hai nhà nước "được đặt dưới nền luật trị hiến định" của Magna Carta trong suốt mấy trăm năm qua. Nhất là cái chủ nghĩa tư bản của hai xứ sở này.

Một cách gián tiếp ông Paul Craig Roberts đã thừa nhận tính "vô hiệu lực, vô tác dụng" của văn bản Magna Carta cũng như cái bản Hiến pháp của Mỹ trước sự vi phạm coi thường bạo ngược ngang nhiên của nhà nước và hệ thống chủ nghĩa tư bản của hai nhà nước Anh Mỹ.

Tại sao bản Magna Carta và Hiến Pháp Mỹ vô hiệu lực với quyền chính mà nó được viết ra, theo định nghĩa, để giới hạn quyền nhà nước và bảo vệ dân quyền tự do cá nhân?

Đơn giản bởi nó được soạn ra để phân chia vị thế "chính quyền" và tập trung "quyền chính" vào định chế Nhà Nước, chứ không phải mục tiêu là trả lại CÁI QUYỀN TỰ DO TỰ CHỦ CÁ NHÂN về lại quần chúng, dĩ nhiên là với những mỹ từ văn hoa của bọn phù thủy luật gia (legalese). Các văn bản này thực chất là phục vụ đắc lực hơn cho giới quyền chính, vì nó chính đáng hóa quyền chính và vô hiệu hóa quyền đối kháng của NGƯỜI DÂN bằng "luật" và pháp quyền của nhà nước chính phủ qua hàng trăm ngàn điều luật chi tiết qui định chi phối từng hành xử của mỗi một người dân (sinh, tử, y tế, giáo dục thực phẩm, cư trú, xây nhà, giao thông, quan hệ hôn nhân, nuôi con, dạy con, hành nghề, nhà cửa, đi xe nói chuyên v.v)...Điều mà Lão Tử Đạo đức Kinh gọi nôm na mất tự do công lý " rồi mới đặt ra hiến luật... để "chính đáng hóa cái " mất tự do đó". NHỮNG THỨ RÀNG BUỘC CAI TRỊ mà người dân được nhồi nhét qua tín lý Nhà nước để "tự nguyện" tuân thủ thành "bổ phận công dân- thượng tôn pháp luật, và mặc nhiên trao cho thiểu số gọi là chính phủ nhà nước cái quyền...trấn áp chính bản thân họ!

Rõ ràng mầm mống quyền lực một khi đã được định chế hóa, định chế trở thành nền tảng sinh tồn của quyền lực. Quyền lực tự bản chất băng hoại (power corrupts) và khi nó được chính đáng hóa qua định chế, dù dân chủ hay không dân chủ, nó băng hoại tận cùng. Bởi cái tính tuyệt đối của nó được chính đáng hóa bằng chủ nghĩa nhà nước trên hết mà dân chúng mặc nhiên tôn thờ như một hệ thống tín lý, chứ không cần một ông Vua độc đoán. TỰ NGƯỜI DÂN bị lừa dối để TỰ NGUYỆN BỊ CAI TRỊ . Mà nền pháp quyền nhà nước trở thành độc đoán qua bàn tay của chính phủ (government) nhân danh nhà nước (the State) bảo vệ dân (the People) qua giao ước xã hội (social contract). Cả một cuộc gian trá đầy ngoạn mục!

Ông Paul Craig Roberts và rất nhiều người trân trọng Hiến Pháp và vẫn phẫn nộ trước những hành động của các nhà nước coi thường Hiến pháp chà đạp nhân quyền dân quyền như chúng ta đang thấy... Nhưng không chất vấn tại sao lại xảy ra như vậy, nếu Hiến pháp thật sự là quyền năng hiệu lực? Nghĩa là không đặt câu hỏi tại sao nhà nước lại có khả năng tùy nghi tôn trọng hiến pháp theo tính tùy tiện quyền lực của nó? tại sao người dân, theo định nghĩa là chủ thể, lại không có cái khả năng này, và hoàn toàn bị động theo sự tùy nghi diển giải và hành xử của chính phủ nhà nước?

Trên khắp thế giới có nhà nước chính phủ nào là không vi phạm hiến pháp? Không một nơi nào tôn trọng hiến pháp của nó. Ngoại trừ Thụy Sĩ là CHƯA VI PHẠM, hay nói cho đúng là Nó, Nhà nước chưa cần vi phạm, chứ không phải KHÔNG THỀ VI PHẠM, nhưng đang có khả năng vi phạm. Khi quyền chính còn đó trong định chế nhà nước còn đó và vẫn còn được công nhận, nó chỉ cần một biến động để tuyên bố pháp quyền tuyệt đối của nó.

Tại chính bản "hiến pháp hiến luật" đó, chính là những ràng buộc người dân vào tín lý nhà nước và rồi mặc nhiên tự nguyện tuân thủ tuyệt đối định chế quyền lực dưới sự phán quyết tùy nghi của (định chế chính phủ tam quyền) như là "bổn phận công dân thượng tôn pháp luật (law-abiding citizen) với nỗi đe dọa, nỗi sợ từ Nhà nước: Tịch Biên Tài Sản, Tù Tội, Tử Hình. Ngược lại đinh chế nhà nước bất tử và bất khả gia hình, (người dân có thể là tội đồ trước pháp luật, nhưng chính phủ nhà nước không bao giờ dù là luôn vi phạm pháp luật và tội ác) nhưng mặc nhiên có quyền hành bắt bớ xét xử gia tội quần chúng tùy tiện dân chúng- đúng cũng như sai. Nói ngắn gọn lại, như cảnh sát quân đội có quyền đánh bắn giết "nhầm" dân, nhưng dân không được quyền cưỡng chống hay bắn trả "nhầm". Nhà nước chính phủ có quyền làm sai phạm pháp rồi xin lỗi, nhưng dân chúng không có quyền làm sai phạm pháp rồi ...xin lỗi! Nghĩa là BẠO LỰC ĐƯỢC CHÍNH ĐÁNG HÓA trong tình trạng vùa TẬP TRUNG TRONG TAY THIỂU SỐ vùa MỘT CHIỀU, nghĩa là TUYỆT ĐỐI.

Không một văn bản nào có thể điều khiển ngăn cản được quyền lực khi nó đã dược mặc nhiên chính đáng hóa tập trung một chiều vào một nhóm thiểu số. Chỉ có tháo gỡ nó. Trả quyền lực tự chủ về mỗi cá nhân trong nguyên lý phi quyền chính. Nghĩa là nguyên lý phi quyền lực.

Trong xã hội phi quyền chính, thì giả thiết ngay cả khi có áp chế quyền lực xảy ra, thì nó cũng cân bằng vì nó ở trong tình trạng hai chiều đối trọng, mỗi cá nhân (hay nhóm) bình đẳng trong cái quyền TỰ VỆ CHỐNG TRẢ- không một ai, hay nhóm nào, bị tước đi cái quyền, khả năng tự vệ đáp trả- hay ở thế thượng phong áp đảo tuyệt đối người khác chỉ vì được "pháp quyền nhà nước" bảo vệ hoặc có "pháp quyền" trong tay! Bất công bạo ngược áp chế đã được chính đáng hóa bởi "luật nhà nước pháp quyền" này.(thí dụ, nó đã từng và đang hủy diệt áp chế biết bao nhiêu cuộc đời những con người đồng tính)

Lịch sử quyền chính của nhân loại, từ hình thái quân quyền phong kiến, độc tài cá nhân cho đến pháp quyền dân chủ với định chế nhà nước ... chưa bao giờ văn bản Hiến pháp hay Hiến luật nào được nhà nước chính phủ tôn trọng và tuân thủ..Ngày nào còn mơ tưởng một nhà nước hiến luật ngày ấy quyền chính còn tồn tại và bạo lực bất công chiến tranh còn xảy ra. Từ Khổng Tử, Plato cho đến các tất cả nhà tư tưởng chính trị chủ trương theo định chế nhà nước (statism) cho đến hiện tại đã bị chính những hành xử pháp quyền của định chế nhà nước minh chứng họ đã sai lầm- sai lầm qua từng thời kỳ cho đến hiện đại hôm nay.

Đã đến lúc phải thực hành một mô thức (paradigm) mới, hay thật ra rất cũ, phi quyền chính. Hay nói rõ ràng và đơn giản, chỉ cần tháo gỡ cái QUYỀN CHÍNH hiện tại đang hoành hành. Hay nói cách khác mọi người đồng thuận không công nhận cái QUYỀN CHÍNH của hệ thống nhà nước nữa và khởi đầu hành xử với nhau trên NGUYÊN LÝ tự do tự nguyện bình đẳng không cưỡng chế, là bước đầu không thể thiếu để giải quyết được vấn đề.

NKPTC

NGẮM NGHỆ THUẬT NUDE VIỆT ĐỂ TRONG SÁNG HƠN


 


( nGUỒN: INTERNET)

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

“Ám ảnh” giang hồ trong làng báo









Tác giả: Như Thổ


Gọi là nỗi “ám ảnh”, hay gọi là “nỗi nhục” cũng không ngoa. Chưa bao giờ mà làng báo lại “run rẩy” vì giang hồ như thế. Đơn giản là đã có kẻ giang hồ chui được vào làng báo và có cả những cơ quan báo chí sử dụng chúng làm phóng viên. Cứ có chuyện xảy ra là những người làm báo chân chính lại yếu thế, “xẹp lép như con tép”.

Một thực trạng buồn không ai muốn nói ra khi ngày 21-6 đang tới gần.


Trước đây, dân giang hồ Sài Gòn vẫn đồn câu chuyện Năm Cam mỗi buổi sáng vẫn xách giày ra công viên chạy bộ, chỉ đơn giản là để lân la, làm quen được với mấy nhà báo cũng hay tập thể dục ở đây. Rồi buổi ăn nhậu nào mà Năm Cam mời được 1, 2 anh nhà báo ra uống vài chén rượu thì ông trùm lấy làm hãnh diện và lên mặt với đàn em lắm…



Còn bây giờ thì chỉ vài tay dân chơi “oi khói” ở Hà Nội cũng đã có thể “vặt lông” hẳn một ông nhà báo không thương tiếc. Nguy hiểm hơn, trong hàng ngũ làm báo lại có những người có máu anh chị và có quan hệ mật thiết với dân giang hồ. Những người này đã vô tình “hạ giá” tư cách của những người cầm bút.

“Doanh nghiệp đó là của tao, mày tránh ra cho xa”.

đã được trình báo lên cơ quan công an và cảnh sát hình sự đang được giao trực tiếp thụ lý vụ việc.



Chưa bao giờ làng báo lại “run rẩy” trước giang hồ như thời điểm này, (Ảnh minh họa).

Trao đổi với Báo Năng lượng Mới – PetroTimes, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an Hà Nội cho biết sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc vì đây không phải là lần đầu tiên tay phóng viên anh chị này gọi côn đồ “xử” đồng nghiệp.

Thượng tá Võ Hồng Phương – Trưởng Công an quận Đống Đa cũng cho biết đã triệu tập tay phóng viên côn đồ này và đây không phải lần đầu tiên cơ quan công an làm việc với gã.

Điều đáng thất vọng là phóng viên bị đánh cũng đã không dũng cảm, không chịu nổi áp lực, đã rút đơn tố cáo và tự “đầu hàng” trong việc bảo vệ chính mình. Tuy nhiên, cơ quan công an cũng có thể căn cứ vào hành vi và mức độ vụ việc để chủ động xử lý.

Buồn hơn là ông “sếp” của tay phóng viên có lối hành xử giang hồ kia, biết nhân viên của mình côn đồ, làm bậy nhưng cũng không xử lý gì, tệ hơn còn đứng ra dàn xếp, xin xỏ các báo không đăng bài. Rồi còn ngỏ ý để 2 bên dàn hòa mà không đưa vụ việc ra pháp luật.

Như vậy là lòi ra: Không chỉ có chuyện côn đồ đội lốt phóng viên mà còn có cả chuyện tổng biên tập để cho kẻ có máu giang hồ hoạt động trong cơ quan báo chí. Rồi lại có cả ông tổng biên tập cũng “gan thỏ đế”, nhắm mắt không dám bảo vệ quyền lợi của anh em làm báo chân chính.

Kể như vậy để biết: Nói giang hồ ám ảnh làng báo cũng không ngoa.

Nhà báo, vốn được kỳ vọng là đại diện cho cái tốt, cái đúng, đại điện cho sự thật và đứng về những người yếu thế cần bảo vệ. Nhưng trong làng báo hiện nay, đến cái thân mình, nhà báo còn không tự bảo vệ được thì còn nói gì đến chuyện bảo vệ ai?

Nguyên nhân của việc này là do làng báo tự làm yếu mình bằng việc dung nạp những người mà nghề ngỗng đâu chưa thấy, nhưng đã sớm có lối hành xử kiểu chợ búa, côn đồ.

Thế mới có chuyện nhà báo bảo kê doanh nghiệp sai phạm, bảo kê công trình xây dựng sai phép, bảo kê buôn lậu…

Thực trạng phóng viên dọa dẫm, “bóp nặn” doanh nghiệp đã được nói đến rất nhiều. Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thẳng tay xử lý rất kiên quyết đối với những tờ báo, phóng viên có việc làm sai, có trường hợp phải chuyển sang cơ quan pháp luật xử lý. Tuy nhiên, thực trạng này xem ra vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Và hệ lụy là nó lan sang cả cách hành xử của những người làm báo với nhau.

Trên hết trong vấn đề này, trách nhiệm thuộc về các ông Tổng biên tập. Người đứng đầu cơ quan báo chí đã dễ dãi trong khâu tuyển dụng, lơ là trong quản lý phóng viên để các đối tượng có lối hành xử côn đồ có đất sống.

Điều này dẫn đến việc làng báo tự làm yếu, tự vấy bẩn nghề nghiệp vốn cao quý của mình.

———-

http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/am-anh-giang-ho-trong-lang-bao.html

Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?


Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
Nơi thờ phụng sợi chuỗi chỉ có thầy trụ trì và 7 đệ tử biết.


Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Trên mạng

7 người đệ tử đều rất có ngộ tính, thầy trụ trì cảm thấy tương lai đem y bát truyền cho bất kỳ người nào trong bọn họ, đều có thể làm rạng rỡ Phật Pháp. Không ngờ, xâu chuỗi đột nhiên biến mất.



Thầy trụ trì bèn hỏi 7 đệ tử: “Các ngươi ai đã lấy xâu chuỗi, chỉ cần trả về vị trí cũ, ta sẽ không truy cứu, Phật tổ cũng không trách tội.” Các đệ tử đều lắc đầu.

7 ngày trôi qua, xâu chuỗi vẫn không được trả về. Thầy trụ trì lại nói: ”Chỉ cần ai đó thừa nhận, xâu chuỗi sẽ thuộc về người đó.“ Lại trải qua 7 ngày, vẫn không ai thừa nhận.

Thầy trụ trì rất thất vọng: “Ngày mai các người hãy rời khỏi chùa xuống núi hết đi, riêng kẻ đã lấy xâu chuỗi ta cho phép ở lại đây.“
Qua ngày hôm sau, 6 đệ tử thu dọn xong hành lý, thở nhẹ một hơi dài, nhẹ nhàng ra đi. Chỉ có một người ở lại.
Thầy trụ trì hỏi đệ tử ở lại :
– Xâu chuỗi đâu ?
– Con không lấy.
– Vậy tại sao chịu mang lấy tiếng trộm cắp?
– Mấy ngày nay các huynh đệ đều nghi ngờ lẫn nhau, nếu có người đứng ra, mới giải thoát cho chuyện này.
Lại nói:
– Xâu chuỗi tuy mất , Phật vẫn còn đây.
Thầy trụ trì cười, lấy xâu chuỗi từ tay áo mình ra, đeo vào tay người đệ tử.

Đây là câu chuyện làm tôi cảm ngộ rất lâu.
Không phải mọi việc đều cần nói rõ ràng, cái quan trọng hơn nói rõ ràng đó là: có thể gánh vác, có thể hành động, có thể hóa giải, có thể sắp xếp, có thể thay đổi, nghĩ về mình, càng phải nghĩ cho người khác, đây chính là Phật pháp.

Người hiểu bạn, không cần phải giải thích,

Người không hiểu bạn, giải thích cũng vô ích.

Đây không chỉ là một loại cảnh giới, mà hơn hết là một loại đại trí huệ.