Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Văn học đổi mới, hay là sự thức tỉnh nửa vời của một lớp nhà văn?





(Tham luận tại hội thảo “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới: Thực trạng và triển vọng”, do Viện Văn học tổ chức, Hà Nội, 28/5/2015)


LẠI NGUYÊN ÂN


Đối với đời sống văn học những năm 1986-1995 mà ngày nay thường được gọi là “văn học đổi mới”, tôi vừa là người trong cuộc, vừa là người quan sát. Tôi cũng đã công bố ít nhiều tư liệu và suy nghĩ riêng về văn học những năm này, − đó là bộ sưu tập tư liệu “Đời sống văn nghệ thời đầu đổi mới”, thực hiện năm 2006 cùng nhà giáo-nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình, và cuốn “Trong thoáng xuân Hà Nội” (e-book, 2014, Nxb. Hội Nhà Văn & Cty sách Phương Nam), nhưng đó hoặc là một sưu tập mới chỉ đưa một phần lên mạng, hoặc chỉ là sách điện tử, hẳn chưa có nhiều người tìm đọc.
Tại hội thảo này, tôi xin nêu một số hồi ức và suy nghĩ.


Về mặt phân kỳ, người ta có thể khuôn “văn học đổi mới” trong giới hạn mấy năm cao trào 1986-1990, thậm chí ngắn hơn, chỉ từ sự kiện cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ (6 và 7/10/1987) đến sự kiện Đại hội IV Hội nhà văn VN (28/10 – 1/11/1989), hoặc có thể kéo dài đến sự kiện báo “Công an Tp.HCM” triển khai một đợt phê phán kịch liệt đối với tiểu thuyết “Thân phận tình yêu” (tức “Nỗi buồn chiến tranh”) của Bảo Ninh (tháng 8 – tháng 11/1995), – sự kiện có thể xem như nỗ lực dập tắt hoàn toàn xu hướng đổi mới. Nhưng, cũng có thể ước lệ là toàn bộ 15 năm cuối cùng của thế kỷ XX (1986-2000) đều thuộc thời kỳ “văn học đổi mới”.
Về lực lượng văn học, đặc điểm khá nổi bật của thời kỳ này, theo tôi, là sự thức tỉnh bước đầu – một sự thức tỉnh mà tôi gọi là “nửa vời” – của một thế hệ nhà văn, từ chỗ là một “đội ngũ” dường như “thống nhất” trong cả một thời gian dài trước đó, đến chỗ nảy sinh sự khác biệt, dẫn tới những xung đột, chia rẽ, ly khai giữa họ.


Nói lực lượng nhà văn trước thời đổi mới dường như là một “đội ngũ thống nhất” – là có những tiền đề lịch sử.
Đó hầu hết là gồm những nhà văn được tập hợp trong Hội văn nghệ Việt Nam (từ 1948), Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (từ 1957), Hội nhà văn Việt Nam (từ 1957),… Sự tập hợp lực lượng này là nỗ lực của Đảng CSVN, nhằm tạo ra một lực lượng nhà văn thống nhất về tư tưởng và tổ chức, phục vụ sự nghiệp của Đảng. Để đứng vào hàng ngũ hội đoàn này, những nhà văn từng có những thành tựu văn học từ trước 1945 (hoặc trước 30/4/1975 ở miền Nam) phải tự gột bỏ một loạt quan điểm xã hội và nghệ thuật trước đó mình từng có, thậm chí phủ định một số thành tựu trước đó của mình, còn những nhà văn bước vào văn học trong thời gian của chế độ này thì cũng phải gạt bỏ hoặc được cảnh báo đừng mắc phải những quan điểm xã hội và nghệ thuật mà đảng cầm quyền không chấp nhận, không dung thứ. Để tạo ra sự thống nhất đó, Đảng và cán bộ đảng lãnh đạo các hội văn nghệ đã tiến hành hàng loạt những cuộc chỉnh huấn, những cuộc đấu tranh tư tưởng, mà nổi bật là cuộc đấu tranh chống Nhân văn – Giai phẩm (1956-58) và các cuộc học tập chính trị được tiến hành hầu như thường xuyên hằng năm.


Chính những nội dung đổi mới mà Đảng CSVN nêu ra (tại ĐH VI của Đảng) như “đổi mới tư duy”, “nhìn thẳng vào sự thật” – đã khích lệ giới nhà văn thay đổi cách nhìn cách viết: nhìn thẳng vào xã hội của mình, văn học của mình, mạnh dạn nói lên sự thật về xã hội, về tình trạng văn học, văn hóa, từ đây nêu lên yêu cầu phải thay đổi.
Sự kiện Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ trên 100 văn nghệ sĩ cho thấy: chính Đảng CSVN đã kêu gọi nhà văn tự đổi mới mình, đổi mới văn học, và đồng thời kêu gọi nhà văn lên tiếng ủng hộ công cuộc đổi mới vừa mở ra của Đảng. Trong những năm 1986-1988, Ban Văn hóa – văn nghệ của Trung ương Đảng đo Trần Độ là Trưởng ban, đã đóng vai trò đại bản doanh của phong trào đổi mới trong văn hóa văn nghệ.


Có thể tóm tắt sự chuyển biến của giới nhà văn (và văn nghệ sĩ nói chung) thời kỳ đổi mới được thể hiện ở một số phương diện sau.
Một là những phát biểu mang tính chính luận hưởng ứng chủ trương đổi mới của ĐCSVN và nêu yêu cầu đổi mới toàn diện, từ kinh tế xã hội đến văn hóa.
Hai là những sáng tác, trước hết là văn xuôi tự sự (ký, tiểu thuyết, truyện ngắn) theo các xu hướng tìm tòi khác nhau, hoặc “hiện thực tố cáo” (từ các bút ký như Cái đêm hôm ấy đêm gì?của Phùng Gia Lộc, đến những tiểu thuyết như Thời xa vắng của Lê Lựu, Những thiên đường mùcủa Dương Thu Hương, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, v.v.), hoặc các kiểu phúng dụ (Thiên sứ của Phạm Thị Hoài), giả truyền thuyết (một số truyện ngắn, truyện vừa Nguyễn Huy Thiệp), hoặc pha trộn tả thực với “dòng ý thức” (Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh), v.v.
Ba là những thảo luận, tranh luận về các vấn đề lý luận văn nghệ.
Có khá nhiều vấn đề được đề cập, từ chính trị và văn nghệ đến văn nghệ với hiện thực, “phương pháp” hiện thực xã hội chủ nghĩa, v.v.
Các vấn đề ấy hầu như đều đã được đề cập trong suốt quá trình thành hình và tồn tại các hội đoàn văn nghệ do Đảng tổ chức như hội Văn hóa cứu quốc (1943-1948), Hội Văn nghệ VN (từ 1948), Hội nhà văn VN (từ 1957), trước hết là vấn đề văn nghệ và chính trị, đến thời “văn học đổi mới” này lại được đem ra luận bàn. Không ít ý kiến muốn giữ nguyên những nội hàm đã định hình trong thời bao cấp, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến mới và mạnh mẽ, trong đó vấn đề “văn nghệ – chính trị” được những người cấp tiến đưa dần ra khỏi “mê lộ” để thấy đó chỉ là vấn đề quan hệ giữa người làm văn nghệ với nhà cầm quyền, với những phạm vi được khuyến khích và những chế tài về kiểm duyệt, cấm đoán nhất định ở mỗi thời đoạn cụ thể; và việc này là độc lập với tự do sáng tác của nhà văn.
Chính là trong không khí của cao trào đổi mới, ý niệm “tự do sáng tác” đã ít nhiều lấy lại được hàm nghĩa thực, dần dần khôi phục lại dãy khái niệm tương liên mật thiết: “tự do sáng tác” – “tự do tư tưởng” – “tự do ngôn luận”; phía quản lý cũng không dám sỗ sàng phủ nhận nữa, chỉ nhấn vào sự song hành: “tự do sáng tác đi đôi với trách nhiệm công dân”.


Khi đề cập trở lại vấn đề văn học với hiện thực, nhiều người đã dám nói ra sự ngờ vực ngấm ngầm lâu nay của họ đối với cái gọi là “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa”: nó là gì? có hay không “phương pháp sáng tác”? Không lập tức giải đáp được những câu hỏi tương tự, nhưng dần dà người ta hiểu rằng trong thực chất, “hiện thực xã hội chủ nghĩa” cũng chỉ là một trong những phương thức gắn bó, ràng buộc nhà văn vào cơ chế văn nghệ, cơ chế ý thức hệ do Đảng chỉ đạo.
Như đã biết, thời gian của cao trào “đổi mới” trong văn nghệ là rất ngắn. Sau cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ (6 và 7/10/1987), tinh thần “nhìn thẳng sự thật”, nói thẳng nói thật bộc lộ mạnh mẽ bằng các phát ngôn chính luận, bằng một số sáng tác đăng trên tuần báo “Văn nghệ”.


Nhưng người ta đã sớm tạo ra sự xung đột ngay trong giới nhà văn, coi những người cộng tác chặt chẽ với báo “Văn nghệ” là nhóm đổi mới cực đoan, đối lập với số đông còn lại, đồng thời người ta hỗ trợ hình thành một lực lượng phản công lại các phát ngôn và các tác phẩm mang tính cấp tiến kể trên. Xung đột ấy được nuôi cho lớn dần, trở thành xung đột ngay trong ban chấp hành Hội nhà văn, dẫn đến việc Ban chấp hành rút (thực chất là cách chức) Nguyên Ngọc khỏi tòa soạn báo “Văn nghệ” (đầu tháng 12/1988) thay bằng một ban điều hành gồm nhiều thành viên, dẫn dắt tờ báo theo hướng giảm liều lượng, giảm mức độ cấp tiến, thậm chí dần dần đi ngược lại xu hướng đổi mới ban đầu trong các nội dung đăng tải trên tờ “Văn nghệ”.


Ở cấp cao hơn, người ta đưa Trần Độ rời khỏi vị trí Trưởng ban văn hóa-văn nghệ trung ương, ngừng hoạt động của Ban văn hóa-văn nghệ trung ương, rồi sau đó sáp nhập ban này vào Ban tuyên giáo trung ương, tiếp đó đổi tên Ban tuyên giáo trung ương thành Ban tư tưởng văn hóa trung ương, với những nhân sự khác hẳn ở vị trí lãnh đạo.
Động thái này, ở một phương diện khác, còn liên quan đến việc định hình một mô hình đổi mới Việt Nam, mang tính chỉnh sửa so với ban đầu; đó là chỉ đổi mới các mặt kinh tế-xã hội (công nhận 5 thành phần kinh tế, chấp nhận mở cửa với kinh tế bên ngoài…) nhưng giữ nguyên xu hướng chính trị, văn hóa, quản lý xã hội như thời trước đổi mới, và kiên quyết cự tuyệt các đề xuất đa nguyên chính trị. Mô hình này càng rõ nét hơn từ sau năm 1990, sau khi Đảng và nhà nước Việt Nam tái lập quan hệ với Đảng và Nhà nước Trung Quốc, dần dần tiếp nhận mô hình Trung Quốc.
Nếu đặt trong quỹ đạo đời sống văn nghệ đã định hình từ những năm 1960 ở miền Bắc, thì một loạt những biểu hiện cấp tiến trong đời sống văn nghệ mấy năm cao trào đổi mới sẽ có thể bị xem như một trong số các “vụ” (như vụ Nhân văn, vụ “nghị quyết 9”, vụ “đề dẫn” và “phải đạo”…), nghĩa là sẽ có những tổng kết, nêu ra những lỗi lầm, nhất là những lỗi nặng nhất, kèm theo những xử phạt cụ thể.


Song, khác với những gì có thể xảy ra theo quỹ đạo cũ, thì với một vài xử lý kể trên (mà tập trung ở việc cách chức Nguyên Ngọc), phong trào đổi mới trong văn nghệ chỉ bị “hạ nhiệt” chứ không bị dập tắt; và ở quy mô xã hội-kinh tế, thì đổi mới vẫn đang được tiếp tục.
Đối với lực lượng văn nghệ đã ở trong “đội ngũ thống nhất” kể trên, cao trào đổi mới đã khiến “đội ngũ thống nhất” này mau chóng bị tách làm đôi, tạo thành hai cực, với số đông ở giữa. Một số không ít hướng theo những người cấp tiến (tự nhận là “phái vui tươi” tại đại hội nhà văn IV). Một số khá đông vẫn ứng xử như thể trước sau chưa có biến động gì, vẫn hoạt động trong các hoạt động do hội tổ chức. Một số tương đối ít thì năng nổ tham gia những hoạt động được gọi là “bảo vệ nguyên tắc” tức những giáo điều cũ. Đó là chưa nói tới việc mạng internet đi vào đời sống, can dự và làm thay đổi các quy trình viết và lưu chuyển bản thảo tác phẩm, khiến lực lượng nhà văn bị “thanh lọc” thêm một lần nữa, kể từ cuối những năm 1990s.


Ở nhan đề bài này tôi hình dung văn học đổi mới như sự thức tỉnh nửa vời của một lớp nhà văn. Chỉ của “một lớp nhà văn” thôi, chỉ những nhà văn được tập hợp trong “đội ngũ thống nhất” mà thôi.
Sao lại nói là thức tỉnh và thức tỉnh nửa vời?
Đây rõ ràng là một sự thức tỉnh.
Một lớp người đã được Đảng tập hợp thành “đội ngũ thống nhất”, sau bốn chục năm, lại được Đảng hô gọi “đổi mới”, thay đổi, nhất là “đổi mới tư duy”, “nhìn thẳng sự thật”, “nói đúng sự thật”… Họ đã tự thay đổi, nhìn sâu vào đời sống, nhìn ra và nói lên nhiều loại “sự thật” khác nhau; họ trở nên khác nhau cả trong cách nhìn cuộc sống lẫn cách thể hiện văn chương nghệ thuật.


Sau những năm cao trào đổi mới, nhiều vấn đề không còn được đưa ra “quán triệt” như xưa nữa. “Tính đảng” không còn được đưa ra như nguyên tắc để truy cứu mỗi nhà văn nữa. “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” cũng không còn được dùng để chất vấn “định hướng nghệ thuật” của nhà văn nữa. Vẫn có một vùng cấm gồm một số phạm vi bị coi là nhạy cảm, không được đụng bút tới, và giới lãnh đạo mỗi thời kỳ vẫn muốn cài cắm thêm những nội hàm “định hướng” nhất định. Song, về không ít đề tài hoặc trong vùng cấm hoặc bị coi là nhạy cảm – người ta vẫn có thể đem ra tranh luận mỗi khi ai đó đụng bút tới và gặp phải những phản đối từ những người khác.


Vậy là từ phía tự mình đổi mới, thay đổi, lẫn từ phía lãnh đạo gỡ bớt mức độ trói buộc, kể từ thời đổi mới, 1986 trở đi, các nhà văn trong “đội ngũ thống nhất” đã được thức tỉnh và đã thức tỉnh.
Từ chỗ đứng trong “đội ngũ thống nhất” cũ, từ nay mỗi người phải tìm ra và làm ra sự khác biệt của mình. Từ sau đổi mới, văn học ngày càng được tính bằng những tên tuổi và tác phẩm cụ thể, không phải bằng thành tựu chung chung của một “đội ngũ thống nhất”.
Nhưng sao lại nói là thức tỉnh nửa vời?
Thiết nghĩ, không phải ai cũng muốn và nhất là cũng có thể thoát ra khỏi nếp sống và viết như đã quen trong “đội ngũ thống nhất” cũ. Việc không ít người rốt cuộc hoặc vẫn tiếp tục kiểu “viết để phục vụ” rồi buông bút, chấm dứt đời văn, – chứng tỏ điều đó.


Tuy nhiên, tôi nghĩ nhiều đến một trong những khiếm khuyết đáng nói nhất, ấy là, ngay những người cấp tiến trong giới nhà văn, vào hồi cao trào đổi mới, đã thúc đẩy gỡ bỏ không ít tiêu chí trói buộc (tính đảng, văn nghệ phục vụ chính trị, hiện thực xã hội chủ nghĩa), đã thúc đẩy nhà văn viết để tố cáo những sự thật phi nhân bản, phản xã hội, v.v. Song chính họ lại không tính đến cách đứng chỗ đứng của mình và của mỗi người viết văn trong những tương quan cuộc sống sẽ đổi thay do kết quả “đổi mới”; ngược lại, vẫn ngây thơ tin rằng dường như vẫn cứ đứng trong cái “đội ngũ thống nhất” cũ mà hành động là ổn rồi!


Họ đã được Đảng hô hào cùng “đổi mới”, được Đảng gỡ bỏ cho ít nhiều những ràng buộc, trói buộc quá đáng, lỗi thời; nhưng họ đã quên tính đến một thứ khế ước, công ước rất thiết yếu cho sự hành nghề trong tương lai. Khi không còn (và cũng không cần) “đội ngũ thống nhất” nữa, sẽ cần những định chế mang tính toàn dân, toàn xã hội như thế nào đó về việc hành nghề văn chương nghệ thuật, cần những định chế mang tính toàn dân, toàn xã hội về việc lập hội, cần những quy chế nhà nước về việc tài trợ cho sự nghiệp văn học nghệ thuật.
Cho đến hiện tại, xét trên mặt bằng các chế định luật pháp, các cơ quan nhà nước đã có đủ công cụ để quản lý những gì cần quản lý đối với những người viết văn: đó là luật báo chí, luật xuất bản. Hiện nay, người viết ra tác phẩm văn học chỉ có thể công bố trên báo, tạp chí, hoặc in sách; và tất cả đã có luật báo chí và luật xuất bản điều chỉnh. Không nhất thiết phải buộc từng người viết văn là thành viên những hội đoàn văn nghệ được chỉ định thì nhà nước mới quản lý được.


Hệ thống các hội đoàn văn học nghệ thuật trung ương và địa phương đang tự chứng tỏ là những định chế gắn với quá khứ nhiều hơn là hiện tại. Trong thời trước đổi mới, ở nước ta cũng như các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, các hội đoàn nghề nghiệp, trong đó có hội đoàn của các giới văn nghệ sĩ, đều được tổ chức thành một kiểu cơ quan tương đương cơ quan nhà nước, các nhân sự đứng đầu các hội đó được hưởng các quyền lợi như cán bộ trung, cao cấp. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển văn nghệ, biến sự tranh đua về tài năng thành những đấu đá về lợi ích giữa các quan chức.


Tình trạng đáng buồn là sau ba chục năm, hệ thống các hội đoàn văn học nghệ thuật hầu như vẫn giữ nguyên trạng như trước ngày diễn ra công cuộc đổi mới. Nó vẫn mang hai thuộc tính cố hữu: tính chất độc quyền, và tính chất nhà nước hóa. Mỗi ngành chỉ được phép có một hội, đó là biểu hiện tính độc quyền. Các hội vẫn hoạt động gần như những cơ quan nhà nước, được cấp vốn từ ngân sách – tức tiền thuế của dân; đó là biểu hiện tính chất nhà nước hóa.


Trong khung cảnh hiện tại, hệ thống các hội đoàn văn học nghệ thuật đó không khác gì hệ thống các tập đoàn doanh nghiệp độc quyền nhà nước, ít sinh lãi, dễ tham nhũng, đang được nhà nước gấp rút chuyển sang cổ phần hóa để đỡ tiêu tốn vốn ngân sách, đỡ gây quá tải cho kinh tế quốc dân.
Hệ thống các hội đoàn văn học nghệ thuật, theo tôi, hiện đang là di sản cũ kỹ nhất của cơ chế bao cấp xưa kia mà công cuộc đổi mới còn chưa kịp thanh lý. Đây là di chứng cho thấy tính chất nửa vời của cuộc đổi mới văn nghệ, là di chứng về sự thức tỉnh nửa vời của một lớp người viết trên thực tế vẫn chưa tự mình giải thoát mình ra khỏi “đội ngũ thống nhất” cũ, không hiểu rằng thực ra “đội ngũ” ấy đã vỡ thành nhiều mảnh và đã biến dạng.


Hà Nội, 28/5/2015

Mồ côi




Hôm nay, ta đã là đứa mồ côi. Nói theo kiểu truyền thống. Bố mẹ, anh cả, anh hai, đã chết. Đích thực mồ côi.

Nhưng ta không cảm thấy mồ côi. Ở ta, bố mẹ và anh vẫn còn sống :

Bố : chỉ tin lý trí của mình thôi.

Mẹ : phải biết thương người.

Anh : chí hiếu.

Chắc gì ta để lại được cho con ta những giá trị ấy ? Làm người đời nay nó vậy.


PHĐ

Phải chi đời người ai cũng thế







Nụ – Búp



Nở



Rộ




Héo



Tàn



Chết




lúc nào cũng đẹp !


Phan Huy Đường

Bây giờ đêm gần tới





Bây giờ đêm gần tới
Vài nhà thơ say khướt trở về khu ổ chuột
Nằm chờ bình minh tác phẩm.
Trung tâm tỏa sáng ánh tiền
đặt hy vọng sức mua đêm này đừng giảm.
Các mùa được tạo đủ tư thế
trên đám ma-nơ-canh non choẹt.
Thành phố già nua
run lên bần bật tiếng còi cảnh sát
xô vào tôi một gái điếm đang tháo chạy trên đường,
còn kịp liếc mắt đưa tình, nàng quả là hết mình thực dụng.
Rác rưởi khắp nơi, gió rét lùa đi từng đợt
Nghe như tiếng khóc lẫn trong tiếng chào của một người bán dạo
Lũ dân chơi ngổ ngáo gườm gườm,
bước chân của tôi gõ một khúc buồn như chết. 


Lê Trinh


BÍ MẬT CỦA NHÀ VĂN





Dino Buzzati



Phế truất và hạnh phúc.

Tuy rằng chưa đụng sát đáy giếng, hãy còn một nấc nhỏ nữa để mất, và tôi rất hy vọng được thưởng thức nó trọn vẹn. Vả chăng, đã cao tuổi rồi nên có thể tôi chẳng còn sống bao lăm nữa.

Từ nhiều năm nay tôi đã nổi tiếng – thứ tiếng tăm được xác định dần dần – là một nhà văn hết thời mà sự xuống dốc đích thị hoàn toàn và không cứu vãn được. Cứ mỗi tác phẩm in ra, thiên hạ cho rằng, hay ít nhất nghĩ rằng tôi lại bước xuống một bậc nữa. Và cứ tiếp tục rơi như vậy cho đến vực thẳm hiện tại.

Tất cả những trò đó là sản phẩm của tôi. Kết quả thảm hại này tôi đã nghiền ngẫm với lòng kiên trì bền bỉ trong hơn ba mươi năm, theo một chương trình thiết lập trước rất bài bản.

Nhưng mà – các bạn hỏi – sự thất bại này là chính ông muốn à?

Đúng vậy, thưa quý bà quý ông. Với tư cách nhà văn tôi đã mang về nhiều thành công phi thường, hưởng thụ sự ca tụng rộng khắp, tóm lại tôi là người thành đạt. Nhưng còn có thể tiến xa hơn nữa, chỉ cần tôi muốn là đạt tầm vinh quang quốc tế không khó khăn gì.

Vậy mà không! Tôi không muốn.

Trái lại, ở điểm đã đạt đến – một sườn dốc tuyệt vời, một đỉnh cao, có thể nói Monta Rosa nếu không là Hy Mã Lạp Sơn – tôi thích bước xuống mỗi ngày một ít, đi lại lần nữa song ngược chiều con đường từng trải qua bằng những bước nhảy vọt, tận sống mỗi giai đoạn của sự suy đồi đáng thương hại; chỉ đáng thương hại bề ngoài thôi các bạn ạ, bởi vì từ đó tôi đã rút tỉa được mọi niềm an ủi. Và chiều nay, trên những trang giấy này – mà tôi sẽ tuồn vào phong bì niêm kín chỉ mở ra sau khi chết đi – tôi giải thích mọi chuyện bằng cách tiết lộ cái bí mật lâu năm của đời mình.

Thời bốn mươi tuổi, tôi đã lái chiếc thuyền buồm căng phồng trên biển thành công. Rồi một hôm ánh sáng len lỏi vào tôi bất ngờ. Số phận mà tôi tự chuẩn bị và đã hoàn thành, một số phận vinh quang tầm quốc tế – xin nhắc lại – những khẳng định giật gân, vinh dự, sự mến chuộng đại chúng, thắng lợi được xác định khắp hoàn cầu, đã hiện ra trước mắt tôi trong tất cả nỗi đau buồn khốn khổ của nó.

Yếu tố vật chất của vinh quang, tôi không quan tâm bởi vì đã giàu có hơn mong ước. Còn lại là gì? Tiếng ồn ào vỗ tay, niềm say sưa chiến thắng, hào quang quyến rũ mà biết bao người đàn ông đàn bà đã bán linh hồn cho quỷ để đạt được ư? Mỗi lần nếm một mẩu cỏn con của nó, tôi chỉ còn lại dư vị chua chát và khô khốc trong miệng. Rốt cuộc – tôi tự nhủ – biểu hiện tột bực của vinh quang là cái quái gì? Giản dị là cái này đây: có người đi trên phố và thiên hạ quay đầu lại thì thầm: Bạn thấy không? chính ông ấy đấy! Chỉ vậy thôi, không gì khác nữa! Ôi, quả là một sự hài lòng đẹp đẽ! Và điều đó – xin nhớ cho – chỉ xảy ra trong trường hợp ngoại lệ, với các nhân vật chính trị tiếng tăm hay nữ nghệ sĩ cực kỳ nổi danh. Nếu chỉ đơn giản là nhà văn, thời buổi chúng ta rất hiếm khi thiên hạ nhận biết ông ta trên phố.

Nhưng còn có khía cạnh tiêu cực nữa. Và không phải là vô số trò độc hại thường nhật – như thư từ, điện thoại của người ái mộ, hẹn hò, bó buộc, phỏng vấn, họp báo, chụp ảnh, phát sóng, v. v… – đã làm tôi bực bội, mà chính là điều mỗi thành công của tôi, dù chỉ mang lại quá ít mãn nguyện bản thân, đã gây nên sự bất mãn sâu xa cho rất nhiều người. Ôi, mặt mày của đám bạn và đồng nghiệp trong những ngày huy hoàng của tôi! chúng khiến tôi đau lòng quá chừng! Đó là những người tốt, chân thật và chăm chỉ mà tôi quyến luyến do liên hệ tình cảm và thói quen, vậy thì tại sao phải làm cho họ đau khổ dường ấy?

Tôi bất giác đo lường toàn bộ đau khổ đã truyền tải chung quanh do chứng cuồng nhiệt thành đạt khôi hài của mình. Tôi thú tội rằng mình chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy. Và cảm thấy thật ân hận.

Tôi chợt hiểu rằng, theo đuổi con đường của mình, tôi cũng sẽ gặt hái thêm nhiều vòng nguyệt quế mới và luôn phong phú hơn, song ngược lại, sẽ khiến bao con tim đau đớn dù không xứng đáng bị đau. Thế giới quá giàu bao nỗi đau đủ loại, nhưng vết cắn của lòng ghen tỵ thuộc về thứ thương tích đẫm máu nhất, sâu xa nhất, rất khó lành và nhìn toàn bộ thì thật đáng thương hại.

Sửa sai, đấy là điều tôi phải làm. Và tôi lấy ngay cái quyết định quan trọng trong đời. Từ đỉnh cao đạt được, tôi thừa khả năng, tạ ơn Chúa, làm lắm điều lành. Trước kia tôi càng đè bẹp đồng loại bằng thành công của mình bao nhiêu, thì bây giờ tôi càng phải biếu tặng họ niềm an ủi bằng sự thất bại của mình bấy nhiêu. Thực vậy, vui thú là gì nếu không phải là ngừng đau khổ? Và sự thích thú há không trực tiếp tỷ lệ thuận với nỗi đau trước nó hay sao?

Cho nên tôi cần tiếp tục viết, nhịp làm việc không được trì trệ, không gây ra cảm giác tự nguyện về hưu, điều này chỉ là niềm an ủi nho nhỏ cho bạn đồng hội, nhưng bằng một sự lừa phỉnh tuyệt vời, che giấu tài năng đang hồi đơm hoa của mình, viết những điều bớt đẹp hơn, giả đò sa sút trong khả năng sáng tạo. Và cung cấp cho kẻ chờ đợi ở tôi những cú tàn bạo mới nỗi ngạc nhiên thích thú về sự sụp đổ.

Việc thực hiện chương trình bề ngoài có vẻ giản dị, bởi vì làm những điều vô nghĩa hay xấu xí thường chẳng khiến ta mệt mỏi gì, trên thực tế lại khó vì hai lẽ.

Trước hết, phải bấu cho được những phán xét tiêu cực từ các nhà phê bình. Bây giờ tôi đã thuộc hàng nhà văn lỗi lạc, được đánh giá vững vàng trên thị trường mỹ học. Việc ca ngợi tôi từ nay đã đi vào thói thời thượng được tuân thủ chặt chẽ. Và ai cũng biết rằng các nhà phê bình, một khi đã lôi nghệ sĩ nào ra khảo sát thì muốn làm họ thay đổi ý kiến là cả một vấn đề.

Tóm lại, giả dụ rằng các nhà phê bình nhận thấy tôi bắt đầu viết tàm nham – liệu họ có nhận thấy điều ấy không? – nhưng rủi họ vẫn giữ vững lập trường, tiếp tục bao che tôi bằng những lời ca tụng thì sao?

Lẽ thứ hai: máu không phải là nước, và điều đó khiến tôi phải cố gắng kinh khủng để kìm hãm sự thúc đẩy không cưỡng được của tài năng thiên bẩm. Giữa các giòng, ngay cả khi tôi phải tự gò ép vào điều nhạt nhẽo và tầm thường, thứ ánh sáng của quyền lực bí hiểm này vẫn luồn lách vào được. Đối với một nghệ sĩ, giả dạng làm nhân vật khác là một gánh nặng, ngay cả với ý định là chỉ làm một mô phỏng tồi.

Tuy nhiên rồi cũng đạt được. Tôi đã kìm hãm bản chất mãnh liệt của mình trong nhiều năm: tôi biết che giấu, với một sự tinh tế mà chỉ riêng nó thôi cũng đủ để làm chứng cho tầm vóc thiên tài của mình; tôi đã viết nhiều quyển sách chẳng giống tôi, càng lúc càng yếu, hụt hơi, không đầu không đuôi, tình tiết nghèo nàn, cá tính nhân vật rời rạc, văn phong khó chịu. Một cuộc tự sát văn chương chầm chậm.

Cứ mỗi quyển sách mới ra, vẻ mặt bạn bè cùng đồng nghiệp lại có vẻ thanh thản tươi tắn hơn một chút. Tôi từ từ làm nhẹ gánh nặng lo âu vì ganh tỵ cho họ, những kẻ thật đáng tội nghiệp đó! Họ lấy lại tự tin, họ tìm lại bình an trong cuộc sống, họ lại bắt đầu cảm thấy thiện cảm thực sự với tôi. Họ rạng rỡ trở lại. Trong thời gian quá dài tôi đã là cái giằm đâm sâu vào tận cùng da thịt họ. Bây giờ tôi đang gắp nhẹ nhàng chiếc gai tẩm thuốc độc ấy ra, và họ cảm thấy hoàn toàn thư giãn.

Những tràng pháo tay yếu đi, bóng tối trùm lên tôi, tuy nhiên tôi sống sung sướng hơn hẳn, không cảm thấy hơi hám nhập nhằng của lòng ái mộ chung quanh mình nữa, mà là một luồng sóng ấm áp từ tâm với lòng biết ơn. Tôi tìm lại trong tiếng nói của bạn đồng hội âm hưởng rõ ràng, tươi tắn, hào phóng của thời xưa, khi mà còn trẻ trung ta không biết chút gì về những khốn khổ của cuộc đời.

Nhưng mà – các bạn hỏi – ông chỉ viết cho vài chục đồng nghiệp thôi sao? Đó là tất cả thiên hướng của ông ư? Còn quần chúng? vô số những kẻ đồng thời và hậu sinh mà ông có thể an ủi con tim họ? Nghệ thuật của ông vậy thì có quá bủn xỉn không?

Tôi sẽ trả lời: đúng vậy, món nợ mà tôi cho rằng thiếu đối với bạn bè và đồng nghiệp chỉ là một sự ngu xuẩn so với món nợ mà tôi mắc với toàn nhân loại. Nhưng tôi không đánh cắp gì của người chung quanh, tôi không tước đoạt gì của quần chúng vô danh rải rác khắp mặt địa cầu, của thế hệ năm 2000. Ẩn trong bóng tối, tôi đã làm những gì Đấng Toàn Năng áp đặt cho mình trong các năm này; trên đôi cánh của cảm hứng linh thiêng, tôi đã viết những quyển sách thực sự là của tôi, loại kiệt tác đã có thể nâng tôi lên chín tầng mây của vinh quang. Tôi đã viết và giấu kín chúng trong chiếc rương lớn trong phòng ngủ. Mười hai quyển tất cả. Các bạn sẽ đọc chúng sau khi tôi chết. Lúc đó, bạn bè tôi sẽ không còn lý do than vãn nữa. Người ta sẵn sàng tha thứ hết cho người chết, ngay cả đã sáng tạo những tác phẩm bất tử. Bạn bè tôi, họ sẽ bật cười, lắc đầu hỷ xả. “Hắn lừa được mình rồi, con lạc đà già này! Trong khi mình thì cứ tưởng hắn ta rơi về tuổi thơ…!”.

Dù sao, tôi…

Tới đây bản viết tay ngừng lại. Ông văn sĩ già không thể đi xa hơn vì thần chết bất thần tóm được ông rồi. Người ta tìm thấy ông ngồi ở bàn viết. Chiếc đầu trắng phau nằm gục bất động, trong tư thế rũ bỏ tuyệt đối, bên cạnh chiếc bút đã gãy trên trang giấy.

Sau khi đọc, thân nhân ông đi mở chiếc rương. Nó đựng mười hai bìa giấy lớn: mỗi bìa mấy trăm tờ. Trên đó không có một dấu hiệu nào.



Miêng

Paris, Nov. 2009

Dịch theo bản tiếng Pháp: Le secret de l’écrivain, trong “Le K”, do Jacqueline Remillet dịch từ tiếng Ý. - Paris, B. Lafont, 1967.

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

1. Ý NGHĨA TỔNG QUÁT CỦA TRIẾT LÝ HIỆN SINH






Từ kinh nghiệm đến triết lý

Tư trào hiện sinh khởi sắc từ kinh nghiệm sống mãnh liệt của những thế hệ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Khoa học và kỹ thuật không ngừng cải tiến, hứa hẹn. Kinh tế phát triển. Tài chánh gia tăng theo nhịp điệu khám phá vàng bạc và các nguồn lợi ở thuộc địa. Riêng Đức quốc, sau trận giặc 1870, nhờ Bismark, đã trở nên một cường quốc số một ở Âu Châu về kinh tế và kỹ thuật. Nhưng đồng thời người ta thấy tình trạng bất an ngày càng gia tăng. Âu Châu chờ đợi một sự trả thù của người Đức. Đệ nhất thế chiến quả nhiên xảy đến và kết thúc. Hòa ước Versailles không biện hộ cho bên nào cả: dân tộc của Bismark vẫn cho là mình có lý, đồng minh cũng không quên dành lẽ phải về phía những kẻ sống bên này sông Rhin. Hòa ước Versailles là một tờ giấy vô nghĩa kết thúc bốn năm máu chảy thịt rơi của hàng triệu con người hy sinh cho tử thần và không cho một chính nghĩa nào cả. Nhưng điều làm cho chiến sĩ đau lòng hơn cả là trong hoàn cảnh chiến tranh như đệ nhất thế chiến, con người cơ hồ thấy mình biến thành con số vô danh hay những tấm thẻ vô hồn trong guồng máy chiến tranh. Thú tính hoặc cơ tính đã thay thế cho nhân tính. Kinh nghiệm đau buồn ấy G. Marcel đã ghi vội lại bằng những nét đậm sau đây:

Tôi thấy mình bắt buộc phải chú ý đến những kẻ bị mất tích, và liên tục thấy rõ trong trí óc một trong những cảnh tượng ghê sợ nhất, đau thương nhất cho tâm trí, đó là sự xáo trộn mà mình đành phải đóng vai kẻ bàng quang, uất hận… Nhưng chưa hết. Tôi không thể nghi ngờ được nữa rằng việc tìm kiếm người mất tích đã khiến tôi suy nghĩ đến những điều kiện của mọi công cuộc điều tra, thẩm vấn, và từ đó một cách gián tiếp khiến tôi phân vân tự hỏi không biết có cách nào khác hơn là cứ theo thứ tự in sẵn mà hỏi và trả lời[1].

Nói chung cơ cấu xã hội bị lung lay đến tận gốc rễ. Luật pháp, chính trị, chỉ là những trò múa rối, lừa đảo. Thậm chí luân lý, tôn giáo cơ hồ như không còn được kiêng nể. Xã hội bày ra quá nhiều thảm cảnh bi thương. Người ta mất hết tin tưởng. Như chiếc thuyền không lái, xã hội phó mặc cho những áp lực vô danh đưa đẩy, không định hướng. Người ta nghi ngờ hết mọi giá trị. Cuộc đời vì thế là một chán nản, buồn nôn, phi lý. Sau thế chiến, thanh niên không còn muốn nghĩ đến những gì nghiêm chỉnh, và đa số tìm thú vui buông trôi trụy lạc, bù lại những kìm hãm khe khắt, bó buộc vô nghĩa của những tháng ngày loạn ly.

Tại sao lại có tình trạng ấy? Đâu là nguyên nhân? Dĩ nhiên rằng chiến tranh gây ra tình trạng ấy. Nhưng tại sao lại chiến tranh? Tại sao chiến tranh gia tăng và mở rộng theo nhịp tiến phát của khoa học kỹ thuật? Tại sao, thay vì hoàn thiện hơn lên như thế kỷ ánh sáng và thế kỷ của ý thức hệ đã khẳng định, nhân loại càng ngày càng rơi vào hỗn loạn của chủ nghĩa bi quan hoài nghi?

Đó là những câu hỏi được đặt ra trong hoàn cảnh chiến tranh đầu thế kỷ 20. Sau đây là ý kiến của các triết gia hiện sinh:

Bất lực của khoa học chủ nghĩa
Song song với phát triển của khoa học nhất là ở thế kỷ 19, một tư trào xuất hiện, chủ trương rằng khoa học là vạn năng, giải đáp tất cả vấn đề nhân sinh, và không có gì huyền nhiệm trong vũ trụ. Dưới ánh sáng dẫn đạo của khoa học và kỹ thuật, nhất định con người sẽ được thỏa mãn về mọi phương diện, tinh thần cũng như vật chất. Lý trí khoa học là chiếc đũa thần khai mở kiến thức cho người và nhờ khả năng bất tận của nó, sẽ đem dần nhân loại đến hạnh phúc. Đó là khoa học duy lý chủ nghĩa, có thể nói rằng bắt đầu khởi sắc với Condorcet (trong cuốn Esquisse d’un tableau historique de l’esprit humain, 1794). Tư trào ấy đã gây được một niềm tin tưởng trong dân gian: người ta ngưỡng mộ khoa học và nhìn nhận đó là thần cứu tinh của nhân loại. Auguste Comte tưởng như muốn chấm dứt lịch sử nhân loại ở giai đoạn này của đế quốc khoa học.

Nhưng lịch sử đã chứng minh ngược lại. Chiến tranh 1870, thế chiến 1914 và, giữa hai cuộc chiến tranh đó, nhiều cuộc tranh chấp nóng, lạnh khác giữa các quốc gia hoặc giai tầng xã hội, cộng với những suy đồi tinh thần khác, cho thấy rằng sự phát triển xã hội không đồng nhịp, nhiều khi còn ngược chiều, với sự tiến tới của khoa học. Những biện pháp của lý trí không đem lại sự cải thiện nhân sinh. Nói khác đi lý trí khoa học không đồng điệu với lý trí nhân loại. Có một dị biệt giữa thiên nhiên và con người. Sự lạc quan trong phạm vi nhiên học không thể mở rộng cho phạm vi nhân học. Người không thể giản lược thành lý trí, kém hơn nữa, lý trí thực nghiệm.

Người ta có thể chấp nhận và chứng minh khoa học giải phóng con người. Nhưng đó là một giải phóng riêng phần, giới hạn. Tham vọng của duy lý thực nghiệm chủ nghĩa là hệ thức hóa con người toàn diện, và do đó đã thất bại. Mặt khác, lý trí không hẳn cố định như thế kỷ 18, 19 tin tưởng. Lý trí ấy đã đúc ra một chân lý cứng nhắc, thiên kiến và hẹp hòi, không linh động ứng đáp với sự thay đổi của thời cuộc.

Sự nứt rạn của lý trí khoa học cũng không mấy chờ đợi để gieo nghi ngờ trên quyền binh của nó. Những năm cuối thế kỷ 19, khoa học rơi dần vào một cuộc khủng hoảng còn kéo dài mãi đến ngày nay. Khủng hoảng nền tảng. Thuyết Quan-ta của Planck, thuyết Tương đối của Einstein, thuyết Bất-xác của Heisenberg… tất cả đều nói lên sự phi lý của lý trí thực nghiệm. Không thể loại bỏ sự hiện diện của con người khỏi mọi công trình nghiên cứu khoa học. Chủ quan tính là một yếu tố cấu tạo nên sự kiện khách quan khoa học.

Lý trí khoa học bị lịch sử tố cáo nhược điểm, bị những người đại diện tên tuổi của nó miệt thị và sửa sai. Lý do chính yếu là vì lý trí ấy đã nhìn con người như một hiện tượng vật lý không hơn không kém, nghĩa là đã không thấy vai trò của con người trong việc thẩm định mọi giá trị. Phải trở về với con người và lý tính của chủ thể nhận thức khoa học.

Khủng hoảng triết lý

Như thế nghĩa là sự hiểu biết khoa học không phải là ưu tiên luân lý đối với mọi kiến thức khác. Khoa học không phải là thủy và chung của nhận thức. Trái lại, kiến thức khoa học vốn đã dựa trên những tiền kiến đúc sẵn của người. Những tiền kiến ấy bản chất như thế nào?

Trong toàn bộ, triết học từ Platon đến Hegel vốn dựa vào uy quyền của lý trí, lấy lý trí làm tiêu chuẩn duy nhất trong việc tìm hiểu và giải thích vũ trụ, nhân sinh. Đối tượng của Triết học là khả tri. Đối tượng ấy là thực tại khách quan. Thực tại khách quan là thực tại lý tính, khách quan và lý tính là hai từ ngữ liên giao. Những gì không có lý tính (Platon, Aristoteles) không phải là đối tượng triết học. Vũ trụ, Thượng đế, Linh hồn, v.v… là những thực tại khách quan vì có lý tính.

Tư tưởng nhân loại trong vấn đề lý trí, từ sau Descartes chia làm hai ngả. Một tiến về hướng khoa học thực nghiệm, và lý tính sẽ đồng nhất với lý tính khoa học. Con đường rẽ thứ hai đưa đến việc Hegel tuyệt đối hóa lý trí trong cố gắng quy tất cả về lý tính. Vũ trụ, theo nguyên tắc, là khả tri và khả lý. Quan điểm thứ hai này gặp duy lý khoa học ở điểm cả hai đều tôn thờ lý trí như thần độc nhất, nhưng khác nhau ở chỗ lý của Hegel thuộc thứ hạng thuần lý, và lý của khoa học thuộc thứ hạng thực nghiệm hay toán học.

Lý tính khoa học thất bại như đã nói. Lý tính duy tâm cũng không thành công. Thực vậy, thực tại không thiết yếu là khách quan. Thực tại còn là chủ quan, hiểu theo nghĩa của chủ thể nhận thức và các hoạt động của chủ thể ấy. Nói rộng ra, người là một thực thể từ chối mọi cố gắng vật hóa bản chất của mình. Vì người không phải là một đồ vật hay một hiện tượng vật lý đồng hạng với các sự vật khác. Người là chủ thể của lý tính khoa học cũng như triết học. Lý tính dưới mọi hình thức nhằm ngoại vật chứ không vật hóa được chủ thể của mình. Trong mọi động tác nhận thức, toàn thể người được quan niệm như là thực sự hiện diện.

Lý trí chỉ là một động tác hay một thái độ nhận thức. Lý trí tự nó chỉ là một “khả năng” thuần túy. Không chất liệu, lý trí muôn đời trống rỗng, nghèo nàn. Đó là nói theo lý thuyết. Trong thực tế, người được cấu tạo bằng kinh nghiệm tiền-luân lý, kinh nghiệm sống. Do đó, không làm gì có bàu trăng (Tabula rasa) của nội tâm như Locke nói, hay biểu ngữ ấy phải được hiểu theo nghĩa thuần túy luân lý của nó. Và, cũng do đó, có một ưu tiên hiện sinh của kinh nghiệm sống. Hoài nghi của Descartes không những chỉ có tính cách phương pháp mà hơn nữa chỉ là giả tạo. Hoài nghi là việc của tư tưởng, nhưng trước tư tưởng, con người Descartes đã sống bao nhiêu kinh nghiệm về sự hiện hữu của mình. Có một tiền-giả định của hoài nghi Descartes. Công việc của triết gia là phải tìm đến ngọn nguồn, cho nên phải khai thác, phân tách, liên hệ hiện sinh trước khi bàn đến liên hệ suy luận, vì suy luận không thể có trên hư vô, mà chỉ có thể có trên những sự kiện. Những sự kiện tiền luân lý là gì? Đó là cảm giác, cảm xúc, v.v… tất cả những gì thuộc đời sống tình cảm. Mặt khác, cảm giác hoặc tình cảm, cũng là những động tác nhận thức, nhiều khi còn thâm thúy, hữu hiệu và đích thực hơn nhận thức lý trí, và lý trí không làm sao hiểu được. Nhưng nói đến cuộc sống cảm giác hay tình cảm, không thể không nói đến vai trò và ý nghĩa của thân thể. Thân thể hiện diện và là nền tảng của mọi nhận thức. Người ta không thể vật hóa một thân thể sống động của một chủ thể hoạt động trong thân thể ấy. Đó là vấn đề tự thân, một trong những mục quan trọng của triết lý hiện sinh. Người trước hết là thân thể.

Triết lý cổ điển như bị ngoại giới thôi miên, cứ tưởng rằng giá trị luân lý nằm ngay trong ngoại vật và định hướng cho mọi phán đoán. Không, mọi đánh giá phải được quy chiếu vào người và lấy người làm khởi điểm. Một cách tổng quát, người là trọng tâm của triết lý vì hai lý do:

1. Người là nguồn gốc của mọi thẩm giá, và là giá trị cao cả nhất trong vạn vật.

2. Người đóng vai trò quyết định trong mọi nhận thức.

Tuy nhiên, đó chưa phải là quan niệm đặc hữu của thuyết hiện sinh về người. Quan niệm ấy đã gặp thấy nơi nhiều triết gia duy nghiệm hoặc duy lý. Thực vậy, cái phân biệt thuyết hiện sinh chính là quan niệm cho rằng danh từ hiện sinh chỉ áp dụng cho người. Chỉ có người và không một vật nào khác gọi được là hiện sinh.

Hai ngã đường của thuyết hiện sinh
Để cố định ý tưởng, có thể định nghĩa hiện sinh vừa là kinh nghiệm sống cụ thể của người do chính người tạo trong thời gian, vừa là kết quả của kinh nghiệm sáng tạo ấy. Hiện sinh là một kiếp sống của một người (hay của giống người) có ý thức về nguyên ủy, nền tảng và ý nghĩa của kiếp sống ấy, và tự động chấp thuận thể hiện kiếp sống ấy theo ý mình. Nói vắn lại, hiện sinh là một động tác tự khẳng định của hữu ngã cá nhân trong vũ trụ. Như vậy hiện sinh là một lập trường hay thái độ sống của kẻ sinh ra để làm người hoặc muốn làm người, lập trường ấy không có nền tảng hay giải thích nào khác hơn là chính sự tự khẳng định bản ngã mình. Và thuyết hiện sinh gồm tất cả những học thuyết mà triết lý nhằm phân tách và mô tả hiện sinh cụ thể hiểu theo nghĩa ấy.

Tại sao gọi đời là một kiếp sống? Tư ngữ kiếp ở đây không đồng nghĩa với danh từ kiếp theo nghĩa luân hồi.Một cách chung, “kiếp” nói lên một quãng sinh sống trong thời gian. Nhưng chữ “kiếp” ngụ ý rằng đối với người sự sinh ra dưới ánh sáng mặt trời, là một sự bất đắc dĩ. Hiện sinh là một sa ngã, một bỏ rơi. Cho nên hiện sinh là một đau khổ từ khởi thủy. Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra… Phát sinh trong hoàn cảnh chiến tranh, triết lý hiện sinh khởi sắc bằng một nhận định yếm thế, tương tự như quan điểm sinh, bệnh, lão, tử trong Phật học.

Từ nhận định căn bản ấy, hai định hướng được vạch ra. Một định hướng đưa đến kết luận rằng đời người là vô nghĩa, phi lý, buồn nôn. Đó là nhận định của J. P. Sartre và các người theo ông. Lịch sử triết học gọi thuyết hiện sinh này là hiện sinh vô thần. Định hướng thứ hai gọi là hiện sinh hữu thần, do G. Marcel chủ xướng. Vô nghĩa và phi lý là dấu hiệu của những gì siêu vượt tuy không đạt đến bằng lý trí một cách trực tiếp, nhưng có thể thực nghiệm hay suy diễn (Jaspers). Do đó, đời nếu đáng sống, thì không phải là do ý muốn không cội rễ của tự do (Simone de Beauvoir, Sartre) mà do ý chí muốn trả lời cho tiếng gọi của một giá trị trác-việt (Marcel).

Phương pháp của triết lý hiện sinh

Cả hai đều khai thác hàm súc hiện sinh theo chiều hướng của mình. Trong sự khai thác ấy, hiện tượng luậnđược sử dụng một cách ganh tị. Thân phận làm người được phân tách mổ xẻ, quay lật đủ chiều và về mọi phương diện. Một trong những ý hướng của hiện tượng luận là trở về với chính sự vật. Muốn tìm hiểu và lột trần hiện sinh, người ta phải quay lưng lại với phương pháp biểu tượng. Quan niệm này là của duy lý: Sự vật chỉ được nhìn đến qua hình dung của nó. Thậm chí, sự vật đã thành thụ tạo của trí tuệ. Trong cả hai trường hợp, khách và chủ vẫn cách biệt: ngoại vật hoặc bị phủ nhận, hoặc bị xuyên tạc, biến hình qua suy luận hình thức của người nhận thức. Người đã bị suy niệm hình dung làm lu mờ, sai lệch hoặc cắt đứt với hoàn cảnh cụ thể, do đó người không được xuất hiện dưới bộ mặt đầy đủ của nó.

Người là ai? Muốn trả lời, trước hết ta phải cho vào ngoặc tất cả những quan niệm trừu tượng, nhân tạo, duy lý, trên ba bình diện liên hệ đến người: lịch sử, khoa học và triết lý. Đâu đâu và suốt hàng bao thế kỷ - nhất là từ sau Descartes - người và những gì của người, do người, những gì định nghĩa người trên ba bình diện ấy, đã đến với nhân loại, như những bộ xương lột da, như những bóng ma, hình nộm, không sao nhận được là con người cụ thể bằng xương, bằng thịt của địa phương, của thời cuộc. Hiện sinh đã bị lý tưởng hóa, hoặc giản lược thành những ý niệm trừu tượng toán học, những bộ phận lý hóa sinh để rồi cuối cùng phá giá kinh khủng như ta thấy ngày nay trong các chế độ bàn giấy võ đoán, độc tài, tàn bạo. Hãy trở về với con người cụ thể, lịch sử của nó, để biết nó là gì, là ai, là con người với tất cả tâm tư cố hữu, cá biệt của nó. Hãy trở về với bản ngã để thấy rằng người không phải là đồ vật, trái lại, người là trọng tâm xuất phát mọi thẩm giá đối với ngoại giới, là đầu tiên và căn bản trên đó mọi xây dựng lý trí sẽ được hình thành.

Người không thể chỉ là lý trí, và bị lý trí giản lược. Phải chăng triết lý hiện sinh khi kêu gọi trở về tình trạng đầu tiên của con người cảm giác, tri giác và tình cảm, đã phủ nhận suy niệm triết lý và cổ vũ một chủ nghĩa phi lý tính? Cần phải trả lời ngay rằng lời kêu gọi ấy không có nghĩa là giao phó kinh nghiệm và triết lý cho tình cảm và phi lý. Hiện tượng luận được triết gia hiện sinh áp dụng để tìm cho kỳ được lý trí hoạt động trong công tác của người và trong sự vật (liên hệ đến người), bằng cách đưa người trở về tình trạng nguyên ủy của người. Tình trạng ấy lý trí sẽ phải chấp nhận mà không thực sự nghi ngờ hoặc đặt thành vấn đề, vì là một tình trạng khai sinh ra mọi vấn đề và không thể bị một vấn đề nào phủ nhận, vượt qua được.

Ta đừng ngộ nhận rằng trở về tình trạng nguyên ủy có nghĩa là lôi ra hiển nhiên cái gì cổ sơ nhất nơi người, theo nghĩa nhân chủng học, nhân loại học hoặc tâm lý học khai triển cá nhân hay chủng loại. Mô tả hiện tượng luận không quan tâm đến ý nghĩa trở về ấy. Trở về là trở về với tình trạng sống, được coi như là tất yếu đi trước và chống đỡ cho mọi kinh nghiệm. Nói khác đi, bất cứ một kinh nghiệm nào hiện tại đều bắt nguồn ở những cái lý hiện sinh có trước ý nghĩa một tư tưởng, một hành động nào của người: ý nghĩa ấy diễn tả dưới bất cứ biểu tượng nào, đều đã được như vậy là nhờ có những tiền ngụ (présuppositions) có thực, không chối cãi hay hủy diệt đi được. Từ tiền ngụ này đến tiền ngụ khác, người ta tiến dần đến tận cùng cội rễ của mọi kinh nghiệm nhân loại. Tận cùng cội rễ ấy là toàn bộ vị trí và luận đề làm nên cái lý hiện sinh mà duy lý cổ điển không ngờ tới hoặc không đặt ra. Chính những vị trí và luận đề ấy định nghĩa cho hành động nhân loại, chứ không phải chỉ có một mình lý trí suy luận về sau.

Vị trí và luận đề cội rễ ấy dĩ nhiên do suy niệm mà đạt được. Nhưng đó là những thực tại hiện sinh khách vật, những tự khẳng định của bản ngã nhân loại, vì thế không phải là điều kiện luận lý của khả thể trong phương pháp hồi khứ cổ điển. Phương pháp hồi khứ được Descartes thánh hóa trong tiến trình tìm kiếm Cogito của ông. Như mọi người đã biết, Cogito Descartes nói lên nội dung được suy tư và từ đó kết luận đến chủ thể suy tư, nhưng chủ thể này chỉ là điều kiện luân lý do suy tư đòi hỏi, thế thôi. Nói khác đi, Descartes đã đặt định sự bất khả thể luận lý của một khẳng định ngược lại. Suy tư tức là phải có kẻ suy tư. Nhưng Descartes đã ly khai chủ thể nhận thức với sự vật được nhận thức, nói đúng hơn, đã thay thế sự vật bằng hình dung luân lý của nó. Husserl không muốn theo Descartes và đi sâu vào con đường ấy, Cogito của Descartes gắn liền với cái được Cogitatum. Husserl gặp Descartes ở chỗ cả hai cùng tìm một nền tảng khoa học cho triết lý. Husserl muốn cho vào ngoặc (một hình thức phương pháp hoài nghi của Descartes) tất cả những “thành kiến” của kiến thức đương thời để thanh thoát và vô tư vươn lên một ý niệm gì khả dĩ làm nền tảng thâm đế cho công trình xây dựng triết lý về sau. Đó là ý nguyện của một triết học như là khoa học nghiêm xác. Nhưng ông sớm thấy rằng Cogitatum, điều được suy tư, của ý thức suy tư không thể là một ý niệm trừu tượng luân lý. Một bế tắc của Descartes cần phải tránh. Nói ý thức tức là nói đến vật ý thức. Ý thức là ý thức về một cái gì nguyên không là ý thức nhưng hiện đang được ý thức trông thấy. Nói ý thức về hay nói sự hướng về của trí tuệ cũng là một ý nghĩa. Sự hướng về ấy của trí tuệ, Husserl gọi là ý hướng của trí tuệ. Nói khác đi trí tuệ hoạt động được là nhờ có ý hướng tính của mình. Tuy nhiên đều khám phá quan trọng của Husserl là ở chỗ chủ thể và khách vật không còn ly khai cách biệt, mà cả hai đã làm thành một trong động tác ý hướng hay nhận thức. Người ta có thể ghi nhận rằng về điểm ấy Husserl chỉ khác Aristoteles và St. Thomas về phương diện từ ngữ học. Nhưng đó là một việc khác. Từ đó Husserl nhận định rằng ý hướng tính tự nó là hồn nhiên, tiền lý luận, tiền phản tính. Ý hướng tính có thể gặp trong cảm giác, tri giác, v.v… Do đó, trở về với sự vật tức là trở về với những tiền ý ngụ trong ý hướng tính hay trong ý thức nguyên ủy của con người, nói theo kiểu hiện sinh, là tìm đến những tự khẳng định bản ngã trước mọi suy luận duy lý. Dĩ nhiên đừng lầm tưởng rằng cái thực (le réel), đối tượng của ý hướng, cũng đồng nghĩa với cái thực thường nghiệm như ta quen hiểu. Lý do rất dễ hiểu, như đã nói, là những kinh nghiệm này đã bị hoen ố bởi thành kiến, và cần phải cho vào ngoặc.

Nhờ sự trở về được thực hiện theo phương pháp hiện tượng luận, các nhà hiện sinh đã đi đến những nhận định siêu hình quan trọng. Tôi là ai? Người là gì? Người không còn là một “sinh vật có lý trí” theo nghĩa cổ điển. Người cũng không phải là một ý niệm hình dung như trong học thuyết duy lý của Descartes. Người cũng không phải là do những liên hệ luân lý làm nên theo thuyết siêu nghiệm duy tâm. Người không phải là mộtthành phần hay một lúc khai triển Logos của Hegel. Người, trái với tất cả những ý niệm ấy, là một cá nhân tự khẳng định trên mặt đất này với tất cả những đặc hữu chủ quan từ chối mọi cố gắng duy lý hóa.

Người chính là kiếp sống khai triển theo mọi chiều hướng trước gió bốn phương của hoàn cảnh. Người là một hiện sinh, theo nghĩa triết học của phong trào, và chỉ có người mới gọi là hiện sinh. Người hiện sinh là gì? Là người tự tạo. Người, theo định nghĩa, không phải là một ý niệm đúc sẵn và cụ thể hóa trong thời gian. Người chỉ có thể được xác định qua việc làm của nó. Không làm gì có một nhân tính hiểu theo nghĩa cổ điển duy lý. Theo Sartre thì mẫu số chung trong quan niệm về người của triết lý hiện sinh là: tính cách chủ thể của người. Tự người làm cho mình thành người.

Sartre gọi sự tự khẳng định ấy là chọn lựa căn bản của một tự do bất đắc dĩ. Người sinh ra và bị trầm luân trong kiếp tự do, không có tính cách nào khác. Heidegger gọi thân phận làm người là một ruồng bỏ. G. Marcel quan niệm người là kẻ lữ hành, homo viator, nghĩa là người được hình thành trong quãng đường phải đi.

Đó là một vài ý niệm sơ khởi về người, về con người hiên sinh tự mình tạo ý nghĩa người cho mình. Có những điểm dị biệt căn bản giữa con người hiện sinh vô thần và con người hiện sinh hữu thần.

Hữu thể luận

Giờ đây chúng ta nhấn mạnh rằng, do những nhận định trên đây về người, triết gia hiện sinh đi đến kết luận: hiện hữu có trước bản thể. Chúng tôi nói hiện hữu thay vì hiện sinh, vì đó là một quan điểm triết học của họ áp dụng chung cho vạn vật. Phân tích đến cùng, phái vô thần phủ nhận mọi ý niệm tiên thiên đi trước vật hóa của ý niệm ấy. Do đó không làm gì có những ý niệm vĩnh cửu về người hay vật “trong” Thượng đế, nghĩa là không làm gì có Thượng đế.

Từ mô tả hiện tượng luận, triết gia hiện sinh đi đến hữu thể luận. G. Marcel gọi hữu thể luận này là một hữu thể luận cụ thể. Theo Sartre và hệ phái của ông thì hiện hữu (chung cho vạn vật) là một ngẫu nhiên triệt để. Thế nào là ngẫu nhiên triệt để? Là một xuất hiện đã có hay sẽ có, mà không một giải thích nào khả dĩ chứng minh nguyên ủy triết học của nó. Sự bất khả giải thích là do bản chất ngẫu nhiên của sự vật. Ngay cả sự ngẫu nhiên cũng vậy. Ngẫu nhiên là ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên hữu thể luận. Tính cách thứ hai của sự vật là hạn giới tính. Bất cứ một vật nào đều bị giới hạn trong thời và không gian, một giới hạn tính bất khả giản lược. Ta đừng giải thích sự giản lược ấy quy chiếu theo một vô hạn nào cả. Nói giới hạn cũng là có ý nói cụ thể tính hiện tạicủa sự vật.

Trong khi Sartre tiến đến lập trường Mác Xít và Heidegger theo hướng Hữu thể, thì Marcel tiến lên với Hữu huyền nhiệm, và Jaspers nhìn về Siêu vượt. Cả bốn cùng đi từ một hữu thể luận cụ thể để rồi mỗi người nhìn đến một phương hướng. Nhưng đó là trên bình diện vũ trụ nói chung.

Riêng đối với người, thì mặc dầu các triết gia hiện sinh, như đã nói, đồng ý rằng người tự kiến tạo trong thời gian và bằng hoạt động của mình, nhưng họ cũng khác nhau theo ba phương hướng vừa nói.

Bởi vì Sartre là người được coi là đại diện số một cho chủ nghĩa hiện sinh (nên nhớ rằng đó là quan điểm của độc giả nhiều hơn là của Sartre, và hiện nay không một ai muốn mang danh hiệu triết gia hiện sinh) và chịu ảnh hưởng của Heidegger nhiều nhất, nên những ý kiến sau đây đặc biệt áp dụng cho Sartre và Heidegger.

Người là một hiện hữu giữa các hiện hữu, người không biết một vị sáng tạo nào cả. Người sinh ra là một ngẫu nhiên tuyệt đối. Nhưng người hữu thủy hữu chung. Người là một sinh vật bị giới hạn. Tuy nhiên người khác vạn vật ở tại chỗ người là một tự do. Tự do chọn lựa. Người không lệ thuộc ai cả mà chỉ lệ thuộc mình. Nếu cần định nghĩa người thì nói rằng đầu tiên người không là gì cả (phủ nhận nhân tính), về sau có thành cái gì là do sự lựa chọn của tự do. Tự do là hữu, là bản thể của hiện hữu nhân loại, của cá nhân. Hiện hữu của người được tạo tác bởi tự do cho nên gọi là hiện sinh. Hiện sinh, do đó, là một lịch sử. Đừng lầm tưởng ý nghĩa lịch sử ở đây. Lịch sử tính không có nghĩa phụ thuộc như trong triết học cổ điển. Trái lại, lịch sử tính do sử tính, sử tính là bản chất cụ thể có đặc hữu tạo tác nên người. Sử tính ấy liên hệ đến ý hướng của tự do, của dự phóng. Heidegger gọi là thời gian tính của hữu, với ý nghĩa sáng tạo hơn là trôi chảy hay triền miên trong học thuyết Héraclite hay Bergson. Ta có thể nói rằng đối với người, theo Heidegger và Sartre, không có thời gian tính thì không có tự do và ngược lại.

Cơ cấu thời gian tính đã được Husserl mô tả trong phân tách ba chiều của nó: lưu trú, chú ý và dự liệu. Heidegger đem áp dụng vào ý niệm hữu, còn Sartre và các triết gia khác, cho tự do của người. Tuy nhiên đang khi Heidegger lúng túng cố gắng tìm nền tảng cho hữu, thì Sartre không ngần ngại tuyên xưng sự phi lý cội rễ của chính tự do. Sartre, kể ra, trước sau không mâu thuẫn với mình ở điểm ấy. Khi đã thừa nhận ngẫu nhiên triệt để của vạn vật và phủ nhận mọi ý niệm về nguồn sáng tạo, ông phải thừa nhận ngay cả sự ngẫu nhiên không kém phi lý của tự do.

Thành ra, có một tiền định của tự do: Tôi bị tuyên án phải sống tự do. Tôi không muốn tự do. Tự do có trước mọi ý muốn. Người ta có thể tự hỏi phải chăng nơi Sartre, tự do và ngẫu nhiên là một, và tự do thuộc thứ hạng nào, phổ biến hay đặc thù, nếu tự do có trước mọi ý muốn cá nhân? Hơn nữa, sự lựa chọn, mà có lần ông đồng nhất với thể tính căn bản của tự do, phải chăng là một hệ luận thiết yếu của tự do? Về sau Sartre chấp nhận chủ nghĩa Mác xít, liệu quan điểm tự do của ông có phù hợp với định luật sắt thép của chủ nghĩa này không, cả về phương diện khoa học lẫn nhân sinh xã hội? Chúng ta sẽ có dịp trở lại vấn đề này.

Ngay bây giờ cần ghi chú rằng sự thống nhất tự do với phi lý của ngẫu nhiên không ngăn cấm Sartre thấy được trong mỗi người một cái gì chung cho mọi người, cái gì ấy ông gọi là nhân tính. Mỗi hành động của cá nhân liên hệ đến người khác. Người ta thấy ngay rằng ý niệm liên hệ đòi một ý niệm đi trước về tương quan giữa nhiều cá tận. Phải chăng ý niệm không nói ra ấy, là một ý niệm nào đó về mẫu số chung của mọi người, của nhân tính?

Thực vậy, Sartre nói đến trách nhiệm và liên đới trách nhiệm. Người có trách nhiệm vì có tự do, và ngược lại, Tự do, tuy căn bản là phi lý, nhưng phải được thể hiện và bảo đảm bằng hành động. Hành động xây dựng. Không thể có tự do suy niệm. Để khỏi dài dòng trong phần đại cương này, ta nói rằng Sartre sẽ không ra khỏi vòng lẩn quẩn khi ông muốn lấy trách nhiệm biện chính cho tự do trên bình diện người với người. Trừ phi ông chấp nhận nhân tính hoặc phủ nhận ngẫu nhiên tính của tự do.

Hiện sinh không thể là hiện hữu được quan niệm hóa, không thể là một ý niệm trừu tượng. Hiện sinh là một kinh nghiệm sống, một ý thức sống. Từ đó, triết gia hiện sinh lần tới quan điểm hiện sinh có trước bản thể và bản thể học nếu đó chính là khoa học về hiện sinh. Léon Brunschvicg nói ý niệm là đối cước của thực hữu. Nhưng theo triết gia hiện sinh, hiện sinh làm cho ý niệm trở thành khả tri. Không có hiện sinh, mọi ý niệm đều không thể có. Ngược lại ý niệm làm cho hiện sinh trở thành vô nghĩa, nghĩa là bất khả tri trong thực chất tạo thành của hiện sinh. Hiện sinh tự nó là dày đặc, ánh sáng lý trí không bao giờ chọc thủng thành trong suốt. Quan điểm ấy, như ta đã biết được biện chính bởi sự bất lực của duy lý triết học cũng như khoa học – trong mọi phạm vi thiên nhiên và nhân sự.

Kể ra, thì không phải mãi đến thế kỷ 20 người ta mới đề cao phần tình cảm của người hay mới thấy bất lực của lý trí. Từ trước Aristoteles, Héraclite đã nói đến trực giác vào lòng người và bản chất vũ trụ. Chính Aristoteles cũng không quên khía cạnh mờ đục của cảm giác. Nhưng nhất là Plotin và Thánh Augustin. Plotin và trường phái của ông là hiện thân đầu tiên của thần bí chủ nghĩa mà ý nghĩa là dấn toàn thân vào chiêm ngưỡng những gì vượt khỏi lý trí suy luận. Thánh Augustin cho thấy vai trò của thân thể trong nhận thức và trong giá trị. Sau nhiều thế kỷ lu mờ trước tư trào Aristoteles nhất là trong suốt thời trung cổ, những quan điểm ấy có dịp sống lại thời phục hưng vào thế kỷ 17, đặc biệt nhất ở Pascal. Có người quả quyết rằng Pascal là ông tổ của triết lý hiện sinh. Hai câu nói bất hủ của ông: “Chân lý bên này rặng Pyrénées là ngộ nhận bên kia” và “Con tim có những lý lẽ mà chính lý trí không thể đạt được”, có thể kể như là tóm lược tất cả ý kiến của ông về vai trò chủ quan tình cảm của người trước vũ trụ. Thêm vào đó là trường duy nghiệm của Đảo Anh Quốc, bắt từ Bacon, Hobbes và kiện toàn bởi John Locke, Berkeley và nhất là Hume. Locke đề cao giác quan tính như là nguồn gốc của mọi ý niệm hóa. Berkeley đi xa hơn, nhấn mạnh rằng cái có là cái được tri giác và cái có là tri giác. Cả hai khẳng định nhuốm màu sắc chủ quan, nhấn mạnh đến ý nghĩa của chủ thể trong nhận thức luận và bản thể luận. David Hume còn đi xa hơn khi ông loại bỏ mọi ý niệm siêu hình ra khỏi nhận thức. Tất cả là do kinh nghiệm bản thân, nghĩa là do tập quán. Lý trí bất lực trong việc định giải vũ trụ. Tinh thần duy nghiệm vẫn tiếp tục tác động trong mọi lĩnh vực, qua trung gian của những nhà lý thuyết như Bentham, Stuart Mill, W. James, John Dewey…

Trở về với lục địa người ta không thể bỏ qua Kant, ở thế kỷ 18. Quan điểm của ông về tầm hạn của lý trí, về ý nghĩa kinh nghiệm, đã đánh dấu và quyết định chuyển hướng của nền tư tưởng Âu Châu, nhất là trong triết học. Ảnh hưởng nhiều trên lập trường thuyết hiện sinh[2].

Với những ảnh hưởng xa gần, trực tiếp hoặc gián tiếp ấy, hiện sinh xuất hiện với những đặc trưng ta đã trình bày và có thể thâu tóm vào năm điểm sau đây:

1. Chống lại mọi hình thức chủ lý xem suy lý lý học như là con đường độc đạo duy nhất dẫn đến chân lý toàn diện.

2. Chống lại mọi quan điểm nhìn con người như một đồ vật nghiên cứu và sử dụng, và từ đó phản đối mọi hình thức độc tài xã hội và chính trị.

3. Dành ưu tiên cho chân lý chủ thể đối với chân lý khách vật, và theo lý tưởng đó, tái lập địa vị của tiếng nói tình cảm và tư thân trong việc thẩm định ngoại giới.

4. Nhìn nhận và khai thác triệt để lưỡng tính nội tại của con người, lưỡng tính của tự do chọn lựa, của mâu thuẫn trong quyết định, của căng thẳng giữa thiện ác, giữa hữu hạn và vô hạn, giữa cố gắng và buông trôi, giữa quá khứ và tương lai, và nhất là lưỡng tính giữa thú tính và nhân tính: người không là con vật mà cũng chẳng phải như Thượng đế.

5. Cái phân biệt triết lý hiện sinh chính là dấn thân hăng say đương đầu với thử thách của cuộc sống với một ý thức thấm thía về những phiêu lưu, những thất bại, những chân tướng cao độ, do thiện chí giải quyết vấn đề nhân sinh sẽ đặt ra một cách cần thiết và cấp thời.

6. Sau hết, triết thiết hiện sinh chính là hiện tượng luận áp dụng cho việc tìm hiểu con người trong mọi khả thể của nó. Nói cách khác, năm đặc điểm của chương trình hiện sinh trên đây đã được nghiên cứu và diễn tả một cách hiện tượng luận. Vì thế mà chúng tôi đã đặt cho công trình biên khảo của chúng tôi cái tên: Hiện tượng luận về hiện sinh.

(xem tiếp kỳ 2)

Nguồn: Lê Thành Trị. Hiện tượng luận về hiện sinh. Trung tâm học liệu – Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.




[1] G. Marcel, Regard en arrière, Paris, Plon, 1947, P. 312.


[2] Ngoài ra một số tư tưởng hiện sinh còn được tiên báo trong các học thuyết như của J. G. Fichte, F. G. J. Schelling hay Hegel và K. Marx trẻ (xem A. B. Fallico, The Quest for Authentic Existence, Stockton, California: College of the Pacific Publication in Philosophy, 1958).

Sự cô đơn







Sarah Shifferd, Trần Khiết Bách dịch
  

Một buổi chiều đầu xuân tại Portland, Oregon. Nhìn theo vẻ ngoài thì tôi vừa tản bộ qua những khu vườn đầy hoa cực kỳ tinh tế và những dãy nhà đẹp tuyệt vời có kiến trúc theo phong cách Craftsman, đã được thắp sáng ở bên trong, tương phản với cảnh trời chiều chạng vạng. Trong tâm tôi, những suy nghĩ mâu thuẫn không ngớt gây nên sự huyên náo chung quanh nỗi bất hạnh không thể tỏ lộ. Một tấm ngân phiếu của khách hàng đã không đến kịp lúc khiến tôi hầu như rỗng túi. Công việc của tôi trong ngày hôm ấy chỉ toàn là những bực tức và căng thẳng. Tôi đã hoàn toàn thuyết phục được chính mình, dựa trên tình trạng căng thẳng thần kinh do chứng rối loạn tâm thần của tôi, rằng tôi thiếu cảm hứng, không đủ quyết đoán, không đủ chú tâm, không đủ sáng tạo và không đủ điên khùng đối với người phụ nữ mà tôi đã từng theo đuổi. Một người bạn vừa hủy bỏ cuộc hẹn gặp nhau vào buổi chiều. Cảm thấy sự đen tối đang nhận chìm sự bén nhạy của tâm trí, tôi cố giữ một giọng điệu nhẹ nhàng để thăm dò một vài người bạn khác xem sao, đề nghị với họ cùng đi ăn tối theo kiểu Mexico hay đi xem một cuộn phim. Tất cả bọn họ đều đã có những kế hoạch riêng, có những người khác cần gặp, có những việc khác phải làm. Tệ hại hơn nữa, ngay cả con mèo đen nhỏ bé xấu xí của tôi, tôi vẫn gọi nó là Drolma Jangsem, cũng có cái gì trong đầu khiến nó bỏ ra ngoài ngủ trên lối chạy xe vào nhà chứ không chịu nằm trong nhà.

Khi rẽ vào đại lộ Hawthorne và bước vào New Seasons Market, tôi tính toán trong đầu xem những món nhu yếu phẩm nào tôi có đủ khả năng mua sắm và những món nào không. Ánh đèn vàng rực rỡ của cửa hàng làm cho tôi cảm thấy ngột ngạt, những bó hoa trang trí khiến tôi chói mắt và anh chàng đứng gác ở quầy hàng lại quá mức thân thiện. Tôi chọn một vỉ trứng, một gói bánh tráng bột bắp và nửa ký cà-rốt.

Tôi đang cân nhắc về món bơ hạnh nhân thì tiếng nhạc cất lên. Trước hết là một đoạn dạo đầu ngớ ngẩn với nhạc khí điện tử, thế rồi một chuỗi âm thanh trầm để báo hiệu bài hát. Tôi lạnh cứng người. “Đừng, đừng”.

Tôi van lơn với cả vũ trụ. “Xin đừng chơi bản nhạc này”. Cả vũ trụ cũng vẫn cứ chơi bản nhạc ấy. Giọng nam trung đầy âm hưởng của ca sĩ Scott Walker trưởng nhóm The Walker Brother đã vang vọng trên khắp các mặt hàng. Cô đơn là chiếc áo choàng anh mặc…*

Tôi nghiến chặt hai hàm răng và gồng cứng toàn thân. Sự thôi thúc trong lòng tôi về việc phải thoát khỏi những cái loa và quăng chúng ra khỏi tấm kính cửa sổ chỉ dịu đi bởi một thực tế là tôi chẳng biết chúng nằm ở chỗ nào.

Ánh mặt trời sẽ không còn soi sáng nữa
Ánh trăng sẽ chẳng còn treo trên bầu trời*


Tôi chụp vội lấy lọ bơ hạnh nhân và vài trái táo rồi nhanh chóng lao về hướng quầy tính tiền. Viên kế toán là một anh chàng người Pháp nhỏ thó chẳng thèm nói với tôi một lời. Tôi quan sát anh ta đang cẩn thận đặt từng trái táo lên bàn cân rồi dán mã hiệu vào.

Lệ luôn làm mờ mắt bạn
Khi bạn không có tình yêu!*

Con đường là sự an toàn. Những cánh cửa tự động lách cách đóng lại sau lưng tôi. Chuyến xe buýt tôi hy vọng đón được đã nhanh chóng vù qua trước mặt tôi. Tôi cố tình không nhận ra anh chàng bán báo, cho y là một kẻ vô gia cư, rồi cáu kỉnh chạy nhanh về phía trạm xe buýt kế tiếp cách đó hai khối nhà. Tâm tôi đang lập lại bản nhạc mà tôi vừa tìm cách bỏ trốn. Này em, tôi cần em… Tôi không thể đi… đi… tiếp*.

Tôi mặc kệ cho bản nhạc tiếp tục vang lên trong đầu tôi suốt một nửa khối phố. Khi đến phần hợp ca, tôi bỗng hát lên theo với nhịp thở. Tôi dứt khoát chống lại nụ cười đã nổi cáu với tâm trạng tăm tối của mình. Nhưng vào lúc đến được trạm xe buýt, tôi đã bật cười lớn vừa đủ gây sự chú ý của những người cùng chờ chuyến xe Tri-Met với tôi. Tôi nuốt vào lòng những tiếng cười khúc khích, kéo lê mấy cái túi đựng thực phẩm đặt lên chiếc ghế chờ và giả vờ như trông đợi chuyến xe.

Tôi yêu cái khoảnh khắc mà thế giới bên ngoài phản ánh hoàn hảo những ảo tưởng của mình; hoặc, tôi có thể nói, khi tôi có thể thực sự nhìn thấy cái thế giới bên ngoài phản ánh hoàn hảo đến như thế những ảo tưởng của tôi.

Tự điển Anh ngữ trên mạng định nghĩa tính từ “lonely (cô đơn)” là “bị ảnh hưởng bởi, có đặc tính là, hoặc gây nên một cảm giác buồn chán vì ở một mình; thiếu tình bạn, sự nâng đỡ và mối giao tiếp mang tính thông cảm, thân hữu…”.

Chúng ta đều biết cái cảm giác ấy. Sự cô đơn cảm nhận được sự phân chia, sự cách biệt tại mỗi một sự thay đổi về tính khí hay hoàn cảnh có thể xảy ra. Giống như người bạn tối tăm của nó là Sự Buồn Chán, nó sống trong một thế giới nhỏ bé hẹp hòi, những bờ mé của tấm ảnh mờ nhạt và tròn trịa, như trong một chuỗi giấc mơ trên màn ảnh truyền hình. Và giống như Sự Buồn Chán, nó có một nguyên nhân duy nhất: cái tâm tự yêu mến chính mình.

Sự cô đơn chỉ tập chú về “Cái Tôi”; nó hướng đến cái tôi trong một sự ám ảnh. Và không phải chỉ bất kỳ cái tôi nào mà là một cái tôi tuyệt đối và hoàn toàn lầm lạc. Cái tâm đầy ảo tưởng khăng khăng một cách cứng đầu trong việc kể mãi một câu chuyện và tóm lấy bất kỳ điều gì đang xảy ra như là chứng cớ để nâng đỡ câu chuyện ấy. Khi ảo tưởng là sự yêu mến chính mình, khi ta níu chặt vào cái tâm thức chỉ thấy rằng “Cái Tôi” là điều quan trọng nhất (hoặc thấy “Cái Tôi” trong sự loại trừ tất cả những người khác), sự đau khổ sẽ đến một cách nhanh chóng và mãnh liệt. Và khi sự đau khổ có mặt một cách nhanh chóng và mãnh liệt như thế, ta chẳng còn có thể thấy mình đang làm gì hoặc tâm thức của ta đang ở nơi nào. Khi ta không thể thấy ta đang làm gì hoặc tâm thức ta đang ở nơi nào, việc bước một bước nhẹ sang phía bên trái, chỉ là đi dạo quanh cái sự nhầm lẫn ban đầu đó, cũng trở thành điều hoàn toàn không thể thực hiện được.

Sự cô đơn chỉ là điều dối trá. Sự thật là, chúng ta có thể tìm thấy khía cạnh đối nghịch của nó bất kỳ lúc nào trái tim của ta mở ra cho những chúng sinh đang ở trước mặt ta – cứu vớt một con côn trùng đang bị đuối trong một hồ nước, dừng lại để vuốt ve một con mèo đang đứng bên đường, trò chuyện thực sự thân tình với một người đang bị bối rối trên một chuyến xe buýt, giúp một người nào đó thực hiện một dự án, kể cả ngồi một mình tại nhà, đọc một tờ báo. Sự thật là, ta có cô đơn hay không không phụ thuộc vào thái độ của người khác; điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính mình.

Scott Walker không chỉ quăng tôi ra khỏi cái ảo tưởng của mình bằng bài hát của anh, anh còn chỉ cho tôi một bài học căn bản trong một đường lối hoàn toàn mới mẻ. Anh đã đúng. Nước mắt luôn luôn làm mờ đôi mắt của ta khi ta không có tình yêu. Nhưng sự đánh mất tình yêu gây nên sự đau khổ cho chúng ta đó, sự cô đơn của chúng ta đó, không phải là tình yêu của người khác. Nó chính là tình yêu mà ta tìm thấy trong tim mình, cái tình yêu không điều kiện của ta đối với người khác, điều làm cho mặt trời (lòng từ) chiếu sáng và mặt trăng (trí tuệ) mọc lên giữa bầu trời trong xanh đang tỏa sáng tâm thức của chính chúng ta. Khi vô số chúng sinh vẫn có mặt mãi mãi, chúng ta thực sự chẳng cần bất kỳ điều gì khác. „



* Lời của bài hát The Sun Ain’t Gonna Shine [Anymore] (tạm dịch Mặt Trời Sẽ Không Còn Chiếu Sáng Nữa) sáng tác của Stanley Robert Crewe và Robert John “Bob” Gaudio vào năm 1965, được ban nhạc The Walker Brothers ghi âm năm 1966 và là một thành công lớn của nền âm nhạc dân gian Hoa Kỳ trong thế kỷ 20.

Nguồn: Loneliness, fpmt Mandala October-December 2012.

Chiến Tranh: Nền Tảng Sinh Tồn của Chủ Nghĩa Quốc Gia Nhà Nước




The US, Russia, and China are the world’s largest arms exporters. They took the largest slices of a growing pie: The global arms trade was 16% larger in 2010-2014 than it was in 2005-2009, according to the Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI).

-China in particular saw its share of global exports explode. It became the world’s third-largest exporter accounting for 5% of the arms trade in 2010-2014. In comparison, China sold 3% of the world’s arms in 2005-2009.
- But China still lags far behind the export powerhouses of the US and Russia. Washington sold 31% of all global imports during the 2010-2014 period, while Moscow made up 27% of the global trade.
The countries have customers around the world. This map shows who the three big weapons export powers sold to in 2014:



Khi quyền chính ĐỘC QUYỀN LŨNG ĐOẠN nền kinh tế tài chính, việc tận dụng chủ nghĩa quốc gia sinh tồn và chu nghĩa ái quốc hoang tưởng để thúc đẩy NỀN KINH TẾ CHIẾN TRANH KỸ NGHỆ VŨ KHÍ. Năng lực con người cả trí tuệ lẫn sức lao động và tài nguyên thiên nhiên lại dồn vào cho kỹ nghệ hủy diệt nhân mạng và nhân tính, gây mâu thuẫn và phân hóa để nô lệ con người.

Những "tên chủ động căng thẳng" chính là những kẻ CÙNG BẮT TAY NHAU SẢN XUẤT, BÁN VŨ KHÍ, KỸ THUẬT VŨ KHÍ. Những kẻ TIÊU THỤ trở thành những xã hội con nợ đầy "nhiệt huyết quốc gia giống nòi" với hàng trăm triệu, hàng tỉ mỹ kim được "dân chúng vui vẻ" đồng thuận chắt ra chi tiêu mua vũ khí trong khi chính phủ luôn mồm KHÔNG ĐỦ TÀI CHÍNH XÂY DỰNG AN SINH Y TẾ GIÁO DỤC cho người dân trong xã hội!

Những "đe dọa chiến tranh" "hung hăng chiếm đóng" cứ nổi lên RỒI CHÌM XUỐNG theo từng thời kỳ nhu cầu củng cố chủ nghĩa quyền chính quốc gia, quyền lực và niềm tin chính phủ. Khi nhận thức quần chúng về bản chất tội phạm nhà nước tăng- cơ hội đối kháng có khả năng thành các cuộc cách mạng...là lúc HIỂM HỌA CHIẾN TRANH, CHẠY ĐUA VŨ TRANG được loan truyền mạnh mẽ.. và những nhà vận động hòa bình, nhân quyền, tự do v.v bị qui tội, bôi nhọ với những đạo luật công an trị nhân danh "an ninh quốc gia" khiến quần chúng co cụm khuất phục... Đây cũng chính là lúc những "đe dọa chiến tranh" lại chìm xuống.

"Căng thẳng" tại Á Châu có từ lúc nào? "Biển Đông dậy trống", Nhật, Hàn, Trung Quốc, Ấn Độ.. chìm xuống. Rồi Trung Đông ISIS, và Nga, Georgia, Ukraine... và lại Biển Đông!

Nhưng cần nhớ lại rằng đã có những thời điểm CHÚNG CẦN TÀI TRỢ CHIẾN TRANH để TÁI PHỐI TRÍ CẤU TRÚC QUYỀN LỰC, hàng triệu người ngu xuẩn lao đầu vào chết cho một tín lý hoang tưởng "quốc gia" do chính BỌN QUYỀN CHÍNH nhồi nhét.

Tập Đoàn Quyền Chính tài trợ CẢ HAI PHÍA trong một cuộc chiến! Từ những cuộc chiến "quốc gia" và "đế quốc" Napoleon, mà thực chất là những tham vọng và mặc cả quyền lực của những nhóm quyền chính, cho đến hai "cuộc thế chiến", cho đến cái gọi là "cuộc cách mạng vô sản" và "cuộc nội chiến Việt Nam"!


Sau những "cuộc chiến quốc gia" này, tài sản tập đoàn gai tăng, hàng chục hàng trăm tài phiệt ra đời! Mức chênh lệch và mức độ nắm giữ tài sản, tài nguyên của nhóm tập đoàn tăng ở mức vượt bực chưa từng có trong lịch sử. Hiện nay, giới đại bản tập đoàn lợi nhuận, chỉ với vài chục, nhưng nắm giữ GẦN NHƯ TOÀN DIỆN TÀI NGUYÊN THẾ GIỚI với tài khoản ngang ngửa MỘT NỬA DÂN SỐ ĐỊA CẦU.

http://www.theguardian.com/business/2015/jan/19/global-wealth-oxfam-inequality-davos-economic-summit-switzerland






Không ảnh do Mỹ cung cấp: Tố cáo TQ xây căn cứ tại Biển Đông (Quần Đảo "Nhị Sa")


"Tổ Cò" Tranh Dành Biển Đông:




Muốn tìm hiều vấn đề một cách đúng đắn trong bối cảnh CUỘC CHIẾN THÔNG TIN TOÀN CẦU HÔM NAY, trong đó thế lực tập đoàn quyền chính và chính phủ phối hợp chiếm thượng phong về mặt tài nguyên nhân lực và kỹ thuật với một ma trận bao quát rộng lớn, vì vậy, BIỆN PHÁP ĐẦU TIÊN NỀN TẢNG là TẠM NGẮT HẲN BẢN THÂN ra khỏi guồng máy thông tin chính qui- vất TV, RADIO vào nhà kho- ngưng đọc các báo chí chính qui nhà nước- KHỞI SỰ THAM KHẢO CÁC NGUỒN THÔNG TIN ĐỘC LẬP... Sau khi có đủ tham khảo các nguồn thông tin khác nhau, khả năng HOÀI NGHI , lý giải chất vấn đã thành "thói quen" mới, LÚC NÀY hãy trở lại THAM KHẢO CÁC NGUỒN TIN CHÍNH QUI. Quí vị sẽ nhận ra không chỉ các nguồn tin chính là trò bịp diểu dở, mà còn nhận ra được HẬU Ý CHỦ ĐÍCH của từng trò diễu dở này và có khả năng dự đoán được những trò bịp diễu dở trong tương lai sắp đến.

Khi nhìn, phân tích vấn đề , bất kể là vấn đề NỘI ĐỊA BẢN XỨ, hay QUỐC TẾ, từ nền tảng chủ nghĩa quốc gia, là đã sai lầm  , lạc hướng từ CĂN BẢN.

Khi truy tìm giải pháp. bất cứ là giải pháp bản xứ nội địa hay quốc tế, dựa trên nền tảng chủ nghĩa nhà nước quyền chính. là tự tạo thêm vấn nạn cho chính mình, chính xã hội. Vì chủ nghĩa nhà nước chính là NGUYÊN NHÂN NỀN TẢNG NHẤT của mọi vấn nạn xã hội con người hôm nay đang đối diện.

Vấn đề là QUYỀN LỰC và CẤU TRÚC QUYỀN LỰC. Giải pháp là làm thế nào THÁO GỠ QUYỀN LỰC.

KHÔNG được TIN HẲN BẤT CỨ AI, BẤT CỨ NGUỒN THÔNG TIN NÀO- Tham khảo, hoài nghi, chất vấn, lý giải, và tự kết luận. Đây chính là thể hiện giá trị tự thân, tự trách nhiệm thông tin, bảo vệ và phát huy tính độc lập tự do của nguyên lý chủ quyền cá nhân.

Nhân Chủ
2-06-2015

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Em đã yêu anh


NGỌN ĐÈN





Em đừng cố làm tắt đi ngọn đèn
bấy lâu anh đã thắp
dẫu không xua được mùa đông lạnh giá ngoài kia
nó cũng đủ để làm hồng những ngón tay em
và đôi mắt em
như hai vì sao lửa

***

Nếu chỉ một lần
em không chối từ anh nữa
mùa đông sẽ là mùa xuân
bước chân anh sẽ thôi không tần ngần
bên bậc cửa
ngọn đèn thành bếp lửa
đủ để đốt cháy nỗi buồn và thắp sáng niềm vui

***

Nếu chỉ một lần thôi
em không khóc trên vai người đàn ông khác
giọt nước mắt em sẽ hòa lẫn giữa triệu triệu giọt mưa
anh sẽ không để em buồn nữa bao giờ

***

Nếu một lần thôi em không thờ ơ
khi đi qua anh, qua những vần thơ không một lần em đọc
nếu chỉ một lần em nhìn anh trách móc
anh sẽ biến nỗi buồn thành khoảnh khắc của tình yêu

***

Chỉ mong em, mong em
đừng như ngọn gió phiêu lưu
cố làm tắt đi những ngọn đèn
đã vì em
mà sáng…