Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

BÍ MẬT CỦA NHÀ VĂN





Dino Buzzati



Phế truất và hạnh phúc.

Tuy rằng chưa đụng sát đáy giếng, hãy còn một nấc nhỏ nữa để mất, và tôi rất hy vọng được thưởng thức nó trọn vẹn. Vả chăng, đã cao tuổi rồi nên có thể tôi chẳng còn sống bao lăm nữa.

Từ nhiều năm nay tôi đã nổi tiếng – thứ tiếng tăm được xác định dần dần – là một nhà văn hết thời mà sự xuống dốc đích thị hoàn toàn và không cứu vãn được. Cứ mỗi tác phẩm in ra, thiên hạ cho rằng, hay ít nhất nghĩ rằng tôi lại bước xuống một bậc nữa. Và cứ tiếp tục rơi như vậy cho đến vực thẳm hiện tại.

Tất cả những trò đó là sản phẩm của tôi. Kết quả thảm hại này tôi đã nghiền ngẫm với lòng kiên trì bền bỉ trong hơn ba mươi năm, theo một chương trình thiết lập trước rất bài bản.

Nhưng mà – các bạn hỏi – sự thất bại này là chính ông muốn à?

Đúng vậy, thưa quý bà quý ông. Với tư cách nhà văn tôi đã mang về nhiều thành công phi thường, hưởng thụ sự ca tụng rộng khắp, tóm lại tôi là người thành đạt. Nhưng còn có thể tiến xa hơn nữa, chỉ cần tôi muốn là đạt tầm vinh quang quốc tế không khó khăn gì.

Vậy mà không! Tôi không muốn.

Trái lại, ở điểm đã đạt đến – một sườn dốc tuyệt vời, một đỉnh cao, có thể nói Monta Rosa nếu không là Hy Mã Lạp Sơn – tôi thích bước xuống mỗi ngày một ít, đi lại lần nữa song ngược chiều con đường từng trải qua bằng những bước nhảy vọt, tận sống mỗi giai đoạn của sự suy đồi đáng thương hại; chỉ đáng thương hại bề ngoài thôi các bạn ạ, bởi vì từ đó tôi đã rút tỉa được mọi niềm an ủi. Và chiều nay, trên những trang giấy này – mà tôi sẽ tuồn vào phong bì niêm kín chỉ mở ra sau khi chết đi – tôi giải thích mọi chuyện bằng cách tiết lộ cái bí mật lâu năm của đời mình.

Thời bốn mươi tuổi, tôi đã lái chiếc thuyền buồm căng phồng trên biển thành công. Rồi một hôm ánh sáng len lỏi vào tôi bất ngờ. Số phận mà tôi tự chuẩn bị và đã hoàn thành, một số phận vinh quang tầm quốc tế – xin nhắc lại – những khẳng định giật gân, vinh dự, sự mến chuộng đại chúng, thắng lợi được xác định khắp hoàn cầu, đã hiện ra trước mắt tôi trong tất cả nỗi đau buồn khốn khổ của nó.

Yếu tố vật chất của vinh quang, tôi không quan tâm bởi vì đã giàu có hơn mong ước. Còn lại là gì? Tiếng ồn ào vỗ tay, niềm say sưa chiến thắng, hào quang quyến rũ mà biết bao người đàn ông đàn bà đã bán linh hồn cho quỷ để đạt được ư? Mỗi lần nếm một mẩu cỏn con của nó, tôi chỉ còn lại dư vị chua chát và khô khốc trong miệng. Rốt cuộc – tôi tự nhủ – biểu hiện tột bực của vinh quang là cái quái gì? Giản dị là cái này đây: có người đi trên phố và thiên hạ quay đầu lại thì thầm: Bạn thấy không? chính ông ấy đấy! Chỉ vậy thôi, không gì khác nữa! Ôi, quả là một sự hài lòng đẹp đẽ! Và điều đó – xin nhớ cho – chỉ xảy ra trong trường hợp ngoại lệ, với các nhân vật chính trị tiếng tăm hay nữ nghệ sĩ cực kỳ nổi danh. Nếu chỉ đơn giản là nhà văn, thời buổi chúng ta rất hiếm khi thiên hạ nhận biết ông ta trên phố.

Nhưng còn có khía cạnh tiêu cực nữa. Và không phải là vô số trò độc hại thường nhật – như thư từ, điện thoại của người ái mộ, hẹn hò, bó buộc, phỏng vấn, họp báo, chụp ảnh, phát sóng, v. v… – đã làm tôi bực bội, mà chính là điều mỗi thành công của tôi, dù chỉ mang lại quá ít mãn nguyện bản thân, đã gây nên sự bất mãn sâu xa cho rất nhiều người. Ôi, mặt mày của đám bạn và đồng nghiệp trong những ngày huy hoàng của tôi! chúng khiến tôi đau lòng quá chừng! Đó là những người tốt, chân thật và chăm chỉ mà tôi quyến luyến do liên hệ tình cảm và thói quen, vậy thì tại sao phải làm cho họ đau khổ dường ấy?

Tôi bất giác đo lường toàn bộ đau khổ đã truyền tải chung quanh do chứng cuồng nhiệt thành đạt khôi hài của mình. Tôi thú tội rằng mình chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy. Và cảm thấy thật ân hận.

Tôi chợt hiểu rằng, theo đuổi con đường của mình, tôi cũng sẽ gặt hái thêm nhiều vòng nguyệt quế mới và luôn phong phú hơn, song ngược lại, sẽ khiến bao con tim đau đớn dù không xứng đáng bị đau. Thế giới quá giàu bao nỗi đau đủ loại, nhưng vết cắn của lòng ghen tỵ thuộc về thứ thương tích đẫm máu nhất, sâu xa nhất, rất khó lành và nhìn toàn bộ thì thật đáng thương hại.

Sửa sai, đấy là điều tôi phải làm. Và tôi lấy ngay cái quyết định quan trọng trong đời. Từ đỉnh cao đạt được, tôi thừa khả năng, tạ ơn Chúa, làm lắm điều lành. Trước kia tôi càng đè bẹp đồng loại bằng thành công của mình bao nhiêu, thì bây giờ tôi càng phải biếu tặng họ niềm an ủi bằng sự thất bại của mình bấy nhiêu. Thực vậy, vui thú là gì nếu không phải là ngừng đau khổ? Và sự thích thú há không trực tiếp tỷ lệ thuận với nỗi đau trước nó hay sao?

Cho nên tôi cần tiếp tục viết, nhịp làm việc không được trì trệ, không gây ra cảm giác tự nguyện về hưu, điều này chỉ là niềm an ủi nho nhỏ cho bạn đồng hội, nhưng bằng một sự lừa phỉnh tuyệt vời, che giấu tài năng đang hồi đơm hoa của mình, viết những điều bớt đẹp hơn, giả đò sa sút trong khả năng sáng tạo. Và cung cấp cho kẻ chờ đợi ở tôi những cú tàn bạo mới nỗi ngạc nhiên thích thú về sự sụp đổ.

Việc thực hiện chương trình bề ngoài có vẻ giản dị, bởi vì làm những điều vô nghĩa hay xấu xí thường chẳng khiến ta mệt mỏi gì, trên thực tế lại khó vì hai lẽ.

Trước hết, phải bấu cho được những phán xét tiêu cực từ các nhà phê bình. Bây giờ tôi đã thuộc hàng nhà văn lỗi lạc, được đánh giá vững vàng trên thị trường mỹ học. Việc ca ngợi tôi từ nay đã đi vào thói thời thượng được tuân thủ chặt chẽ. Và ai cũng biết rằng các nhà phê bình, một khi đã lôi nghệ sĩ nào ra khảo sát thì muốn làm họ thay đổi ý kiến là cả một vấn đề.

Tóm lại, giả dụ rằng các nhà phê bình nhận thấy tôi bắt đầu viết tàm nham – liệu họ có nhận thấy điều ấy không? – nhưng rủi họ vẫn giữ vững lập trường, tiếp tục bao che tôi bằng những lời ca tụng thì sao?

Lẽ thứ hai: máu không phải là nước, và điều đó khiến tôi phải cố gắng kinh khủng để kìm hãm sự thúc đẩy không cưỡng được của tài năng thiên bẩm. Giữa các giòng, ngay cả khi tôi phải tự gò ép vào điều nhạt nhẽo và tầm thường, thứ ánh sáng của quyền lực bí hiểm này vẫn luồn lách vào được. Đối với một nghệ sĩ, giả dạng làm nhân vật khác là một gánh nặng, ngay cả với ý định là chỉ làm một mô phỏng tồi.

Tuy nhiên rồi cũng đạt được. Tôi đã kìm hãm bản chất mãnh liệt của mình trong nhiều năm: tôi biết che giấu, với một sự tinh tế mà chỉ riêng nó thôi cũng đủ để làm chứng cho tầm vóc thiên tài của mình; tôi đã viết nhiều quyển sách chẳng giống tôi, càng lúc càng yếu, hụt hơi, không đầu không đuôi, tình tiết nghèo nàn, cá tính nhân vật rời rạc, văn phong khó chịu. Một cuộc tự sát văn chương chầm chậm.

Cứ mỗi quyển sách mới ra, vẻ mặt bạn bè cùng đồng nghiệp lại có vẻ thanh thản tươi tắn hơn một chút. Tôi từ từ làm nhẹ gánh nặng lo âu vì ganh tỵ cho họ, những kẻ thật đáng tội nghiệp đó! Họ lấy lại tự tin, họ tìm lại bình an trong cuộc sống, họ lại bắt đầu cảm thấy thiện cảm thực sự với tôi. Họ rạng rỡ trở lại. Trong thời gian quá dài tôi đã là cái giằm đâm sâu vào tận cùng da thịt họ. Bây giờ tôi đang gắp nhẹ nhàng chiếc gai tẩm thuốc độc ấy ra, và họ cảm thấy hoàn toàn thư giãn.

Những tràng pháo tay yếu đi, bóng tối trùm lên tôi, tuy nhiên tôi sống sung sướng hơn hẳn, không cảm thấy hơi hám nhập nhằng của lòng ái mộ chung quanh mình nữa, mà là một luồng sóng ấm áp từ tâm với lòng biết ơn. Tôi tìm lại trong tiếng nói của bạn đồng hội âm hưởng rõ ràng, tươi tắn, hào phóng của thời xưa, khi mà còn trẻ trung ta không biết chút gì về những khốn khổ của cuộc đời.

Nhưng mà – các bạn hỏi – ông chỉ viết cho vài chục đồng nghiệp thôi sao? Đó là tất cả thiên hướng của ông ư? Còn quần chúng? vô số những kẻ đồng thời và hậu sinh mà ông có thể an ủi con tim họ? Nghệ thuật của ông vậy thì có quá bủn xỉn không?

Tôi sẽ trả lời: đúng vậy, món nợ mà tôi cho rằng thiếu đối với bạn bè và đồng nghiệp chỉ là một sự ngu xuẩn so với món nợ mà tôi mắc với toàn nhân loại. Nhưng tôi không đánh cắp gì của người chung quanh, tôi không tước đoạt gì của quần chúng vô danh rải rác khắp mặt địa cầu, của thế hệ năm 2000. Ẩn trong bóng tối, tôi đã làm những gì Đấng Toàn Năng áp đặt cho mình trong các năm này; trên đôi cánh của cảm hứng linh thiêng, tôi đã viết những quyển sách thực sự là của tôi, loại kiệt tác đã có thể nâng tôi lên chín tầng mây của vinh quang. Tôi đã viết và giấu kín chúng trong chiếc rương lớn trong phòng ngủ. Mười hai quyển tất cả. Các bạn sẽ đọc chúng sau khi tôi chết. Lúc đó, bạn bè tôi sẽ không còn lý do than vãn nữa. Người ta sẵn sàng tha thứ hết cho người chết, ngay cả đã sáng tạo những tác phẩm bất tử. Bạn bè tôi, họ sẽ bật cười, lắc đầu hỷ xả. “Hắn lừa được mình rồi, con lạc đà già này! Trong khi mình thì cứ tưởng hắn ta rơi về tuổi thơ…!”.

Dù sao, tôi…

Tới đây bản viết tay ngừng lại. Ông văn sĩ già không thể đi xa hơn vì thần chết bất thần tóm được ông rồi. Người ta tìm thấy ông ngồi ở bàn viết. Chiếc đầu trắng phau nằm gục bất động, trong tư thế rũ bỏ tuyệt đối, bên cạnh chiếc bút đã gãy trên trang giấy.

Sau khi đọc, thân nhân ông đi mở chiếc rương. Nó đựng mười hai bìa giấy lớn: mỗi bìa mấy trăm tờ. Trên đó không có một dấu hiệu nào.



Miêng

Paris, Nov. 2009

Dịch theo bản tiếng Pháp: Le secret de l’écrivain, trong “Le K”, do Jacqueline Remillet dịch từ tiếng Ý. - Paris, B. Lafont, 1967.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét