" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015
Em có để quên...
Em để quên gì
Nơi miền xưa cũ ấy
Trong ánh mắt anh
Trong nụ cười vướng vấn.
Trong chiều mưa rơi
Trong ngày nắng hạ
Trên bãi cát vàng
Trên mặt biển xanh?
Một sợi tóc kẻ ngang nỗi nhớ
Một nỗi buồn như sợi tơ giăng
Một niềm vui như là ảo ảnh.
Hạnh phúc buồn
Lá thư không địa chỉ.
Chiếc lá cuối thu
Hy vọng mong manh...
Nước mắt tan hòa ngàn giọt mưa rơi
Ai nhặt được
Cho em chuộc lại
Chút mặn mòi
Một thoáng môi hôn...
Em để quên gì không anh nhỉ
Nơi ấy bình yên
Trái tim đó tràn đầy
Em để quên chút gì ngoài cửa
Chiếc lá cuối cùng thu có cuốn đi...
Võ kim Ngân
Một 'con lợn' viết thư phản pháo nhà văn Trang Hạ
Ảnh minh họa
Trước quan điểm của Trang Hạ rằng “đàn ông về nhà chỉ ăn - tắm - ngủ khác gì con lợn”, nhà thơ trẻ Trương Xuân Thiên đã tự nhận mình là một con lợn và viết thư phản pháo nhà văn này.
Nội dung thư của một "con lợn" gửi nhà văn Trang Hạ như sau:
Thưa cô Trang Hạ!
Trước hết tôi xin tự giới thiệu tôi là một thằng đàn ông mà sau khi đọc bài viết của cô tự thấy mình là một con lợn đực. Một con lợn đích thực. Một con lợn giống như bao con lợn khác ở đất nước này từ cổ chí kim đa phần mỗi khi về đến nhà chỉ biết ăn ngủ và… tắm.
Về phần này, đôi lúc tôi còn là con lợn tệ nạn, hay thậm chí không được bằng con lợn vì nhiều hôm còn không thèm tắm. Ví như hôm nay chẳng hạn. Trời lạnh quá lợn có quyền không tắm cô nhỉ? Có đôi khi con lợn tôi không ăn mà chỉ ngủ, bởi trước khi vác xác về nhà đã nhậu lu bu say bí tỉ với bạn bè. Tất nhiên, con lợn tôi nhiều lúc cũng cố gắng chia sẻ việc này việc kia trong bếp, cũng bóc hành đuổi ruồi giúp vợ nấu cơm, cũng tíu tít nói cười vui vẻ khi vợ đang rửa bát, hay cũng pha cho vợ ly Lipton trong lúc nàng đang phơi phóng quần áo. Hẳn như thế tôi cũng chưa hẳn là con lợn bỏ đi hoàn toàn, trong sâu thẳm con lợn ấy vẫn còn chút… “heo cách” phải không cô?
Chắc cô cũng biết lợn cũng có năm bảy loại lợn. Và chẳng có con lợn nào ngay khi sinh ra chỉ muốn sau này đời mình chỉ quẩn quanh ăn, tắm và ngủ. Tổ tiên chúng tôi cũng sục sạo khắp nơi, cũng đào bờ đào bụi, cũng sẵn sàng nhe năng chiến đấu với kẻ thù rình rập để bảo vệ bầy đàn, cũng tung tăng trên bờ dưới bãi, và cũng yêu nữa đúng không cô?
Nhà thơ trẻ Trương Xuân Thiên: "Chưa làm lợn nên hẳn cô không biết đó thôi, làm lợn cũng chẳng sung sướng gì đâu cô ơi".
Nhưng số phận đã sắp đặt loài lợn ngày nay phải ăn - ngủ - tắm để phù hợp với tiêu chí tăng trọng nhanh và… siêu nạc nữa. Dần dần, loài lợn chúng tôi trở nên thụ động và chỉ còn biết ăn, ngủ cô ạ. Chúng tôi đâu muốn thế, là nhà văn hẳn cô hiểu điều tôi muốn nói. Bản chất chúng tôi không hẳn như thế nhưng xã hội này với nền văn hóa lúa nước mang nặng tính nông nghiệp này nó đã như thế rồi. Chỉ ăn, ngủ, tắm cũng không hẳn là không biết thương vợ, thương con đâu cô ạ.
Chưa làm lợn nên hẳn cô không biết đó thôi, làm lợn cũng chẳng sung sướng gì đâu cô ơi. Một ngày phải ở cơ quan ít nhất 10 tiếng, rồi phải lo toan tính toán đủ thứ. Lúc nào cũng có cả một gánh nặng tài chính, gánh nặng công việc trên vai. Nhiều lúc cũng muốn xõa, muốn đổi cho vợ, mình làm vợ, vợ làm lợn nhưng vợ nhất quyết không chịu đổi. Suy cho cùng vợ làm lợn không thể bằng chồng, mà lợn làm vợ không thể bằng vợ xịn được. Xã hội tự nó đã phân công như thế. Tự nhiên đã ban cho mỗi phái những đặc điểm như thế. Sinh ra và lớn lên đã được giáo dục như thế. Trách nhiệm với gia đình và xã hội quy định mình phải như thế. Lối sống đã ăn sâu vào máu như thế rồi cô ạ. Bởi vợ ai không biết chứ vợ tôi thích tôi làm lợn mới khổ chứ.
Thưa cô Trang Hạ, chẳng biết hoàn cảnh hay nền văn minh cô đang sống thế nào chứ cứ như gia đình tôi, vợ tôi nhất quyết không cho tôi từ bỏ quyền làm lợn cô à. Nói đúng hơn vợ tôi thích tôi làm lợn. Cô ấy tranh thủ đi học lớp nữ công gia chánh và mỗi khi có dịp là trổ tài nấu nướng, cắm hoa, thuê thùa, may vá. Trong lúc cô ấy nấu nướng thì tôi giúp cô ấy cắm nồi cơm điện. Khi hai vợ chồng đi siêu thị thì tôi chỉ có nhiệm vụ đẩy xe hay xách giỏ hàng.
Tôi chọn cách chia sẻ với vợ bằng cách giúp cô ấy những thứ lặt vặt và trò chuyện. Và mỗi khi tôi rửa bát thì cô ấy lại giành lấy cho mình. Trước khi lấy vợ tôi vẫn tự tay làm tất cả những việc ấy. Mỗi khi vợ đi vắng hay đau ốm tôi vẫn làm tốt những công việc nhà một cách bình thường. Nhưng đa số cánh đàn ông chúng tôi bắt đầu đổ đốn ra như thế từ khi lấy vợ. Bụng to ra, lười đi. Có lẽ chồng biến thành lợn là do phụ nữ trong gia đình đa số đều mong muốn khi thế. Hẳn cô sẽ cho là ngụy biện. Có thể cô đúng.
Tôi biết vợ vui khi tôi đổi xe cho vợ từ Attila sang LX, khi tôi thay máy giặt cũ sang máy giặt có chức năng sấy. Cô ấy hãnh diện khi tôi có thể kiếm đủ tiền để đóng học phí cho con học trường chuẩn quốc tế. Cũng đôi lần chúng tôi nghĩ đến phương án thuê người giúp việc nhưng thời buổi này tìm người giúp việc như ý mình quá khó. Vả lại làm thế tôi sợ cô lại ví von vợ tôi là… lợn nái thì oan cho cô ấy quá.
Một mình tôi làm lợn là quá đủ rồi cô nhỉ. Vợ tôi bảo cô ấy vui nhất là khi cô ấy nấu nướng xong thì cả nhà ăn bằng hết và khen ngon. Có thể cô nghĩ gia đình tôi lạc hậu, nhưng chúng tôi đang cảm thấy phù hợp và tạm hài lòng với những gì đang diễn ra.
Thưa cô Trang Hạ, một vài lời mạo muội gửi đến cô mong cô thông cảm cho tôi. Bởi suy cho cùng có thể cô cũng tặc lưỡi: “Xin lỗi, cũng chỉ là con lợn”. Nhưng ngay cả khi là con lợn tôi cũng không có diễm phúc và không bao giờ chấp nhận làm con lợn của cô.
Chúc cô bình an và nhiều niềm vui trong cuộc sống!
Pháp luật cho chết “êm ái” thì cũng là y đức
Thu Thảo (tổng hợp)
.Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nếu pháp luật cho phép thực hiện “cái chết êm ái” thì đây cũng là y đức…
Đề xuất cho hỗ trợ bệnh nhân “cái chết êm ái”
Tại Hội thảo Góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) ngày 14/4, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng, Việt Nam đã có quy định về quyền sống vì thế cũng nên quy định về quyền chết.
Ông Quang phân tích, lâu nay mọi người quan niệm chết phải theo quy luật tự nhiên, nghĩa là không còn khả năng để sống được nữa (các chỉ số sinh tồn không còn), nhưng cũng có trường hợp chết vật vã (ung thư giai đoạn cuối, họ bị khủng hoảng về sức khỏe và tinh thần) người ta rất mong muốn được chết. Vì vậy, cái chết ở đây phải được can thiệp của cơ quan chuyên môn.
“Cái chết êm ái” là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã và đang tranh cãi rất gay gắt. Tuy nhiên, đã có một số nước công nhận “quyền được chết” của công dân với nhiều tên gọi như “cái chết êm ái”, an tử, trợ tử… hoặc ban hành đạo luật riêng như Luật Chết, Luật Điều trị vô ích.
Hiện nay, các nước phát triển như Hà Lan, Bỉ, Mỹ, Argentina, Hàn Quốc… Một số nước khác lại cho phép hỗ trợ một số hoạt động tự tử như Anh, Thụy Sĩ. Việc thực hiện “cái chết êm ái” này phải đảm bảo những điều kiện chặt chẽ và có kết luận của hội đồng y khoa.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, ở một số quốc gia trên thế giới có quy định về quyền được chết như vậy thì chúng ta cũng nên xem xét đưa quyền đó vào luật. Nếu làm được, những người có nhu cầu khi chết được ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, không phải ra đi trong đớn đau, khủng khoảng sang chấn về tinh thần.
TS Nguyễn Huy Quang
Theo ông Quang, quan điểm của ngành y là cứu người bệnh đến hơi thở cuối cùng, còn nước còn tát nhưng những người đó cũng chỉ sống thêm được vài ba ngày nhưng họ sống trong đau đớn, khủng hoảng …
“Nếu pháp luật cho phép được thực hiện trong những trường hợp như vậy thì thực tế tôi cho đây cũng là y đức. Giúp người bệnh trở về thế giới bên kia trong thanh thản, nhẹ nhàng, mà không có sự mâu thuẫn trong lời thề Hypocrat”, ông Quang nói.
Trước đó, ông Trương Hồng Quang – Viện Nghiên cứu pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng: Việc đưa “cái chết êm ái” thành quy định trong luật chắc chắn sẽ vấp phải nhiều ý kiến phản đối cho rằng đi ngược lại truyền thống, phá vỡ tính ổn định xã hội, cổ súy cho cái chết, coi thường sự sống…
“Luật này cũng có ý nghĩa. Truyền thống là do con người tạo ra thì cũng có thể thay đổi, tiệm cận với những nhu cầu mới của xã hội hơn. Bên cạnh đó, quyền được chết là tùy nghi, do bệnh nhân chọn lựa và họ cần được hỗ trợ nếu quyết định chết khi mắc bệnh nan y… ” – ông Quang nhận định.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại cho phép “cái chết êm ái” (hay an tử, trợ tử) là “khuyến khích tự tử”. “Lo ngại đó là không có cơ sở vì quyền chết là quyền có điều kiện, phải có kết luận y khoa, sự tư vấn của bác sĩ tâm lý, có hội đồng phê duyệt. Không có chuyện ai muốn chết thì chết”- ông Quang nói.
Ảnh minh họa
Ông Quang cho rằng, không nên đưa vấn đề an tử vào Luật Dân số: “Pháp luật dân số quy định về các vấn đề liên quan tới dân số. Trong khi đó, về mặt lý thuyết thì “cái chết êm ái”, hay chính xác hơn là quyền được chết là một quyền nhân thân.
Nếu được công nhận, trước hết phải được ghi nhận thành một quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự. Sau đó có thể hướng dẫn cụ thể quyền này ở Luật An tử hoặc một nghị định của Chính phủ. Việc đưa vấn đề an tử vào Luật Dân số là không phù hợp”.
Theo ông Quang, quyền được chết đã được đưa vào dự thảo Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 nhưng đã không được thông qua và hiện lại được đề cập trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự.
———-
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/phap-luat-cho-chet-em-ai-thi-cung-la-y-duc-3242936/
Giỏi tiếng Việt để yêu nước Việt hơn
NGUYỄNPHÚC VĨNH BA
1
Một giáo viên môn Sử hỏi tôi, “Anh ơi, sao gọi là ‘phe đồng minh’ vậy anh? Chữ minh đó có cùng nghĩa với từ minh trong cụm từ ‘Mặt trận Việt Minh’ không?” Tôi trả lời, “Cả hai chữ minh đó có cùng nghĩa là thề nguyền/ lời thề, đồng minh là cùng thề với nhau theo đuổi một lập trường, một lý tưởng, một mưu đồ… nào đó”. Luôn thể, tôi hỏi lại anh bạn trẻ, “Thế từ minh trong các cụm từ ‘rừng U Minh Thượng’, ‘bài minh trên chuông’, ‘loan phụng hòa minh’ hay ‘quang minh chính đại’ có nghĩa gì, giống hay khác nhau?”. Anh bạn trẻ kêu lên, “Tiếng Việt ta khó quá, em bó tay chấm com mất. Có ai dạy cho em mà em biết, thường nói theo thói quen, theo tập quán mà thôi”.
Những cụm từ được nêu trên có lẽ cũng không mấy xa lạ với chúng ta. Có từ được nói hằng ngày mà đôi người không cố hiểu được cho đến nơi đến chốn. Hơi cường điệu một chút, theo ý tôi, phần lớn giới trẻ bây giờ có lẽ e cũng bó tay theo anh bạn trẻ đó. Phải chăng vì chúng là từ Hán Việt nên chúng ta không nhọc lòng quan tâm đến? Cứ nói cuội theo báo đài sách vở là được.
Thế còn từ thuần Việt thì sao? Có lần vào đầu năm học, tôi gọi điểm danh học sinh đến em Hà Văn Cau thì cả lớp cười ồ lên. Tôi hơi ngạc nhiên. Tiếp đến, qua vài em khác đến em Trần Thị Mè thì cả lớp lại cười ồ một lần nữa. Hóa ra, bên cạnh Phương Dung, Quang Huy, Thu Tuyết,… thì Cau và Mè xem ra cũng hơi lép vế và khôi hài. Đó là chuyện vài học sinh nông thôn. Còn ở thành phố, con cái của các bậc thị dân khoa bảng, các thương nhân giàu có, hay của cả các người bình dân dứt khoát không thể là Nguyễn Thị Trăng Thu, Phạm Văn Trời Sáng được, nói chi đến Rau, Đậu, Mè, Vừng… Chúng phải là Nguyễn Trần Thu Nguyệt hay Phạm Võ Nhật Quang, tên sao phải nghe trang trọng, oai vang chứ nôm na mách qué là không xong rồi. Ở đây, chúng ta lại quá tả, quá trọng thị từ Hán Việt. Vì thế, tôi thỉnh thoảng được các bố mẹ trẻ tư vấn khi đặt tên con, họ sợ cái tên nghe kêu ấy lại thậm chí không có chút ý nghĩa gì hết, mất hay.
2.
Hai trường hợp trên nêu lên một hiện trạng bất nhất đang diễn ra trong việc sử dụng tiếng Việt của người Việt: Thích dùng từ Hán Việt mà không chịu học từ Hán Việt. Trong một bản tin dự báo thời tiết gần đây tôi nghe được, nhà đài báo rằng ngày mai một luồng không khí lạnh sẽ bổ sung cho khí hậu ở vùng Đông Bắc Bộ và trong tuần tới một cơn gió mạnh cấp sáu sẽ tập kích miền Nam Trung Quốc… Chúng ta thường nói bổ sung lực lượng (vì thiếu hụt), bổ sung kiến thức (vì chưa đủ)… chứ làm sao mà bổ sung cái khí lạnh khổ sở đó vào miền Bắc của chúng ta được. Tương tự thế, hiện tượng thiên nhiên gió bão không xảy ra nơi này thì xảy ra nơi kia làm sao lại cố ý tập kích (đánh úp) vào xứ Trung Quốc thế. Xét cẩn thận hơn nữa thì từ tập trong từ tập kích và từ tập trung hoàn toàn khác nhau đấy.
Chúng ta phải công nhận một sự thật lịch sử: từ Hán Việt là một thành phần bất khả phân ly của tiếng Việt. Từ chối nó là đi ngược với qui luật phát triển của ngôn ngữ và làm nghèo đi tiếng Việt của chúng ta. Chúng ta đã dùng từ Hán Việt cả hơn ngàn năm, nên không còn có thể khước bỏ nó được. Lấy ví dụ, ai lại thay thế cụm từ “gia đình hạnh phúc” bằng “cả nhà sung sướng”. Cả nhà đó dù thiếu thốn (không sung) và vất vả (không sướng) nhưng họ yêu thương, chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau thì họ vẫn là một gia đình hạnh phúc như thường.
Có trường hợp ngược lại, dù có từ thuần Việt tương đương, chúng ta cũng không dùng được trong trường hợp nhằm diễn tả sự tôn trọng. Ví dụ như thay vì nói vua nước Thái và vợ sẽ đến thăm Việt Nam vào tuần tới, chúng ta nên nói Quốc vương Thái Lan và hoàng hậu sẽ đến thăm… Tự bao giờ, từ Hán Việt được khoác cái ý nghĩa quý phái, trang trọng và cung kính. Ví dụ nữa, từ “tiền nhân” lại dường như có nghĩa kính trọng hơn là từ “người đời trước”.
Bên cạnh tình trạng đáng tiếc thường xảy ra trên, nếu không bàn đến các từ mượn từ các ngôn ngữ khác thì tôi e rất thiếu sót, nhất là từ tiếng Pháp và tiếng Mỹ. Thoạt đầu, chúng ta vay mượn hầu để diễn tả những vật/ khái niệm chưa có như xà-phòng (savon), nhà ga (la gare), bơ (le beurre), mát-xa (massage), sâm-banh (champagne)… Về sau, dù có từ thuần Việt sẵn rồi, chúng ta lại thu thập một số từ cho oai như tin hot, tuổi teen, các fan… Thậm chí có cuộc thi hoa hậu khá sôi nổi lại mang tên là Miss Teen như là đang xảy ra bên xứ Mỹ vậy.
Nhìn vào thực tế, việc sử dụng tiếng Việt ta ngày nay đã trở nên xô bồ và không tuân thủ một số qui tắc thông thường. Nếu kể ra thì không biết là bao nhiêu ví dụ. Ví dụ, từ gov thì được phát âm là gờ o vê thay vì giê ô vê hay gờ o vờ; nữ anh hùng trong khi từ ‘hùng’ có nghĩa là giống đực; hơi bị hay thay cho khá hay,… Thậm chí một quan chức phát biểu trong nghị trường đại khái rằng làm ăn kinh tế thì có phi vụ (chuyến bay) thất bại là thường. Hẳn ông ta không biết rằng phi vụ là tiếng lóng dành cho việc làm ăn phi pháp của gian thương xã hội đen, chứ làm ăn chân chính xã hội chủ nghĩa thì phải gọi là thương vụ. Thật là một nhầm lẫn chết người.
Vậy nói, viết cũng cần có luật lệ là hiển nhiên.
3
Đúng là ngôn ngữ có tính võ đoán, dùng lâu dài sẽ trở thành phổ thông và chính thống, nhưng có điều quan trọng chúng ta nên thấy là sử dụng giỏi tiếng nói của dân tộc ta làm chúng ta yêu đất nước chúng ta hơn. Vì sao vậy? Tôi rất đồng tình với nhận định của một số nhà nghiên cứu rằng tình yêu nước chủ yếu dựa vào tiếng nói của dân tộc sống trong nước đó. Quốc gia không chỉ là một vùng lãnh thổ hữu hình mà còn cả một nền văn hóa phi vật thể đồ sộ của người dân sống trên đó. Chính nói cùng tiếng nói gắn kết những con người đó với nhau, làm họ hiểu nhau, thấy cái đẹp của nòi giống mình, và muốn sống cạnh nhau. Thông qua tiếng nói rồi về sau là chữ viết, người dân cùng chung một ký ức văn hóa, chung một lịch sử đấu tranh, chung một niềm tin dân tộc, … khiến họ trở thành một khối thống nhất dù khác huyết thống, trình độ kinh tế, tập tục,… Từ đó, tình yêu cái khối thống nhất đó, có tổ chức quản lý, tạo nên truyền thống và xây dựng một niềm tự hào dân tộc, là cái cốt lõi của tình yêu nước. Ta thường thấy mọi quốc gia đều cố thống nhất tiếng nói, chữ viết để củng cố sức mạnh của đất nước là vì vậy.
Với các quốc gia đa sắc tộc, một tiếng nói, một loại chữ viết được chọn làm chủ đạo, thường là của sắc tộc mạnh nhất và được gọi là ngôn ngữ hay chữ viết chính thức. Ở nước ta là tiếng Kinh, chữ Việt. Không sành sõi tiếng mẹ đẻ thì tình yêu nước chỉ là một phản ứng tự vệ có tính bản năng. Chính sành sõi tiếng mẹ đẻ làm tình yêu nước nồng nàn hơn, làm ta yêu được những người khác với ta lắm thứ, sống vào một thời, một nơi xa ta rất nhiều, mà bởi chỉ vì cùng tiếng nói. Một anh chàng đen đủi to cao sống tận châu Phi gần cả một đời lại òa ra khóc khi nghe được tiếng Việt, hóa ra mẹ anh ta là người Việt. Cái sợi dây thiêng liêng kết nối anh ấy với quê mẹ chính là tiếng nói vậy.
4
Nhạc sĩ Phạm Duy từng viết, “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi! Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi! Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!…”. Vâng, từ tiếng nói khi nghe đầu đời rồi qua ngàn năm thành tiếng ru muôn đời và thành tiếng lòng tôi. Nhạc sĩ Phạm Duy viết thế quả rất súc tích. Nếu ta không thấm cái vẻ đẹp của đất nước qua tiếng nói đặc thù của dân tộc thì làm sao mà có một lòng yêu nước cháy bỏng và tha thiết được.
Nhà báo thời danh Nguyễn Văn Vĩnh năm 1907 trong lời tựa của truyện Tam quốc chí do Phan Kế Bính dịch đã có câu nói bất hủ: “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”. Rõ ràng cụ đã nhận thấy dù dân ta có cải lương y phục, nhà cửa, lề thói, … để thích nghi với tiến bộ Âu Tây như hiện nay mà còn giữ được tiếng Việt thì vẫn còn là con người Việt, có bản sắc riêng. Tầm quan trọng của tiếng nói là thế đó.
Một Việt kiều thế hệ thứ hai nếu không biết nói đọc tiếng Việt thông thạo hẳn khó mà có được một lòng yêu nước nồng nàn. Điều dễ hiểu là bởi anh ta bị cắt rời khỏi tâm thức dân tộc, không có lòng tự hào về dân tộc mình. Một người dân Việt không sành sõi tiếng Việt, không hiểu được văn hóa Việt, nói chêm lung tung tiếng nước ngoài thì cũng như Việt kiều trên thôi.
Trừ phi ai đó nói liều rằng chỉ cần tình nhân loại thôi, đừng nên bảo thủ hẹp hòi trong phạm vi quốc gia nhỏ bé, giỏi tiếng mẹ đẻ vẫn là điều tiên quyết để yêu đất nước sâu đậm thiết tha hơn. Tình trạng sử dụng tiếng Việt ta hiện nay là thế. Làm sao dạy cho con cháu ta giỏi tiếng mẹ đẻ, rồi từ đó yêu đất nước hơn là một nhiệm vụ cấp thiết của các giới chức hữu quan.
Đó lại là một vấn đề khác.
Ngộ
ELENA PUCILLO TRUONG |TRƯƠNG VĂN DÂN dịch
Xem con bé khủng khỉnh chưa, kìa!”.
Ngồi trong gian bếp, tôi giả bộ đang may để lén quan sát con búp bê rỗng tuếch, đứa con dâu của tôi, đang xoay người nghiêng qua nghiêng lại trước chiếc gương trong phòng ngủ.
Mảnh mai như một vũ nữ, cô ta đưa tay lên cao để duỗi thẳng tóc rồi sau đó thoa một chút son lên môi trông như những giọt sương trên hai cánh hoa hồng.
“Ui chao! Lại bị kim đâm rồi!”. Quá tập trung vào đứa con dâu, tôi đã lơ đễnh để kim chích vào ngón tay. Cố tạo vẻ lãnh đạm, tôi làm như không quan tâm khi cô ta bước vào nhà bếp.
“Thưa mẹ trễ rồi, con phải đi làm bây giờ đây. Con sẽ tranh thủ về nhà sớm. Các món ăn con đã chuẩn bị xong, không biết mẹ còn cần gì nữa không?”.
“Thôi, cứ đi đi, đừng có bận tâm”.
Cô gái bối rối nhìn tôi, như thể còn muốn nói thêm một điều gì nữa nhưng cuối cùng im lặng, cầm lấy chiếc xách tay và xâu chìa khóa, lặng lẽ bước ra khỏi nhà.
Bây giờ thì tôi mới thực sự là bà chủ. Kể từ khi cô ta bước vào sống trong căn nhà này, tôi thực sự thấy mình chỉ là một người khách lạ hay thậm chí là một kẻ đột nhập, giữa cô ta và đứa con trai.
“Ngốc thật!”. Chính tôi đã là người khăng khăng nài nỉ con trai mình. Nhìn thấy nó ăn chơi lêu lổng và hoang phí thời gian, chỉ thích chơi đùa và không muốn lập gia đình, chính tôi đã khăng khăng đòi hỏi nó phải quyết định. Ba nó mất đến nay đã nhiều năm và tôi cũng đã già. Tôi không muốn thấy con mình cô độc, nó cần phải tìm một người vợ, đã hơn ba mươi lăm tuổi rồi còn gì… nó đâu còn thời gian để chờ đợi nữa…
Và thế là một ngày cô gái ấy đã đến đây, núp sau lưng thằng con trai, hai bàn tay căng thẳng và bối rối siết chặt chiếc dây đeo của túi xách. Chặt đến nỗi màu các khớp trên ngón tay biến thành màu trắng bệch. Không một sợi tóc nào nằm ngoài vị trí, trên má cô ửng một chút phấn hồng và đôi mắt chiếu sáng như một hòn than đang cháy trên tàn tro. Đúng rồi, chính nó đã hớp hồn con trai tôi!
Trước đây, từ ngày chồng mất, đứa con trai là tất cả với tôi và ngược lại. Tôi là người duy nhất mà nó quấn quít và ngưỡng mộ. Rồi khi cô gái bước vào nhà, tình yêu bị chia sẻ. Thứ gì cô ta cũng làm tốt hơn tôi. Tôi trở thành kẻ thừa thãi và vô dụng.
Và bây giờ cô ta trở thành bà chủ nhà. Chỉ mấy ngày sau đám cưới là mọi chuyện đã rõ ràng. Tôi bị gạt qua một bên. Cô ta đã trang hoàng nhà cửa theo một cách khác và thằng con tôi lại thích nghe theo. “Má thấy không, như vậy ngăn nắp hơn… nhà đẹp hơn. Vợ con thật giỏi…”.
Bao nhiêu lần tôi muốn nói là tôi thích căn nhà được sắp xếp như xưa, đó là căn nhà của tôi… thế nhưng tôi chỉ biết nhếch mép, cười, lúc lắc cái đầu và tiếp tục giữ im lặng… dù ánh mắt thường ném một cái nhìn về phía cô ta. Cái nhìn tóe lửa, muốn thiêu đốt, làm cô ta biến mất.
Đây rồi, cô ấy đã bước ra khỏi nhà. Một tiếng thở phào, giải thoát. Bây giờ thì tôi có thời gian dành cho mình. Nhưng thời gian ấy để làm gì đây? Trong nhà bếp tất cả đều ngăn nắp, phần ăn của tôi cũng đã được chuẩn bị xong xuôi, khi nào muốn ăn, tôi chỉ cần hâm nóng là xong.
Đã từ lâu tôi ít ra khỏi nhà, các bạn cũ đều ở xa, rất nhiều người đã dọn ra ngoài thành phố. Có những kẻ bất hạnh thì giờ đây không còn nữa, còn chăng họa là kỷ niệm… trường học, tuổi trẻ, hôn nhân…
Tôi bước loanh quanh giữa những gian phòng trống của căn nhà mà tôi không cảm thấy nó là của mình. Tôi là bà chủ. Ừ, thì là bà chủ, mà chủ… cái gì? Và, rồi sao nữa? Là bà chủ để được một mình. Lúc nào cũng cô độc. Tôi chua xót nhìn đời bằng nửa nụ cười rồi lặng lẽ chôn kín tất cả những niềm đau vào bên trong.
Ngày giờ trôi qua trong sự quen thuộc đến độ nhàm chám. Chỉ còn vài giờ nữa thì bà chủ trẻ sẽ về nhà và tôi sẽ biến thành một bóng ma.
Thế nhưng có tiếng động trong ổ khóa. Nó! Nó đã về nhà! Sao sớm thế nhỉ?
Làm bộ lãnh đạm, tôi trở về phòng mình. Tôi nghe tiếng nó đặt xâu chìa khóa và chiếc xách tay lên bàn. Tôi chẳng muốn nghĩ đến nó chút nào… phải rồi, nó chiếm hữu căn nhà của tôi, chiếm hữu đứa con trai của tôi… nên tôi chẳng muốn phí thời giờ để nghĩ về nó! Đó đâu phải là việc của tôi!
Cầm lên tay vuông vải nhỏ vừa mới bắt đầu thêu, đó chỉ là cái cớ để cầm một vật gì, nhưng đầu óc tôi trống rỗng. Chỉ có đôi tai là căng lên, sẵn sàng nắm bắt những tiếng động rất nhỏ. Cái gì vậy? Có điều gì bất thường. Tôi không thể ngồi yên được nữa.
Đứng dậy để xem. Phòng ngủ bên kia trống rỗng. Trong gian bếp chẳng có ai. Thế nhưng trong sự im ắng này tôi lại nghe có tiếng nấc, tiếng rên rỉ, rất khẽ, đến từ phòng tắm. Cửa phòng chỉ khép hờ và trong lúc đẩy vào, tôi thấy nó đang đứng, khom người trên nền nhà, nước mắt nước mũi chảy ròng trong nỗ lực ngăn chặn một cơn nôn mửa. Chân trần, chiếc áo đẹp mặc đi làm bị ướt một quầng lớn ở vạt trước, hai cánh tay yếu ớt buông thõng.
Một tia chớp lóe lên trong đầu tôi! Ui chao, tôi chính là một con mụ ngốc! Quá đần độn và chẳng hiểu gì!
Bây giờ thì tôi nhớ ra rồi… cái cách mà nó đưa tay lên che trước bụng, như thể muốn bảo vệ cái mầm sống đang bắt đầu lớn lên ở bên trong. Khuôn mặt tái mét nhưng đường nét dịu dàng, các cử động đều chậm rãi khác với cách cuống cuồng lúc trước.
Rồi tôi chợt nhìn lại, nhớ lúc mình cô độc và sợ hãi khi mang thai lần đầu mà hoàn toàn không nhận được sự giúp đỡ nào của mẹ chồng. Thời đó tôi chỉ cảm nhận sự ghét bỏ, về cái cách bà ấy mắng nhiếc bằng những lời thô bạo, làm tôi còn đau hơn những trận đòn roi!
Sao mà mình lại không thể nhận ra? Tôi đã tự đóng khung, đã đóng cửa trái tim trong chiếc lồng ích kỷ và lãnh đạm của mình! Bao nhiêu thời gian đã mất, cho những điều phù phiếm là quan trọng, và sống bằng thành kiến ngu xuẩn để đời mình như bị tẩm độc?
Liếc nhìn cô gái nhỏ, tôi thấy đôi mắt đầy sợ hãi và ươn ướt như vừa khóc.
“Bình tĩnh đi con. Mẹ hiểu rồi. Đợi một chút, mẹ sẽ giúp con!”.
Chạy đi lấy chiếc khăn bông, tôi dấp nước và lau mặt cho con dâu, chùi mấy đốm bầy nhầy thốc tháo còn dính xung quanh miệng. Rồi tôi tiếp tục nói, bao nhiêu lời lẽ mà lâu nay tôi đã giữ kín trong lòng mình. Ngay cả chính tôi cũng không thể ngờ là mình có thể nói được những lời dịu dàng đó.
“Con sợ”… giữa những tiếng nấc, đứa con dâu gắng gượng nói. “Con thấy mệt. Thức ăn trong bụng như cứ muốn trào ra…”.
Tôi dìu con dâu vào phòng ngủ, giúp nó thay đồ. Cô nhỏ quá yếu, tôi cảm giác như mình đang cởi đồ cho búp bê.
“Con gái yêu, đừng lo nữa. Mẹ sẽ giúp đỡ con. Chờ một chút nhé, đây, chiếc gối nhỏ đây, bây giờ mẹ đi lấy chai dầu xanh, thoa chỗ này nè, trên cổ tay, một chút lên màng tang nữa… đấy, thấy chưa, con có vẻ đỡ hơn rồi đấy. À, mà đợi mẹ đi lấy cho con vài lát gừng, nhấm một chút sẽ hết buồn nôn. Cố gắng nhé, chỉ vài tháng đầu thôi… sau đó con sẽ khỏe…”.
Tôi trở lại với một tách trà nóng và mấy lát gừng trên tay. Tôi nhìn thấy khuôn mặt con dâu đã bớt tái và đang nằm áp đầu vào chiếc gối con, đôi mắt vẫn còn ướt vì nước mắt.
Nhưng mắt tôi cũng đang ẩm ướt. Chúng tôi sẽ có thời gian để làm lại… và trong chính phút ấy lại có tiếng chìa khóa tra vào ổ… thằng con trai của tôi cũng đang bước vào nhà.
“Sao im lặng quá vậy… có gì ăn chưa?”. Lời chưa dứt đã thấy nó đứng trước phòng ngủ, ngỡ ngàng nhìn chúng tôi.
“Bây giờ mẹ đi nấu cái gì để ăn đây. À, từ rày về sau con cần phải kiên nhẫn hơn đó. Trong lúc mẹ đi nấu ăn, con phải ngồi đây để canh chừng và chăm sóc vợ. Vợ con sẽ thông báo cho con một tin quan trọng, nó sẽ làm thay đổi cuộc đời chúng ta… và là một tin rất vui!”. •
Nguyên tác tiếng Ý: La Rivelazione.
Elena Pucillo Truong, người Ý, Tiến sĩ Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài, chuyên về Ngôn ngữ và Văn minh Pháp (Đại học Milano, Italia), hiện giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, được một số trang mạng văn học Việt Nam bình luận là Người phụ nữ Ý mang tâm hồn Việt.■
Ngồi trong gian bếp, tôi giả bộ đang may để lén quan sát con búp bê rỗng tuếch, đứa con dâu của tôi, đang xoay người nghiêng qua nghiêng lại trước chiếc gương trong phòng ngủ.
Mảnh mai như một vũ nữ, cô ta đưa tay lên cao để duỗi thẳng tóc rồi sau đó thoa một chút son lên môi trông như những giọt sương trên hai cánh hoa hồng.
“Ui chao! Lại bị kim đâm rồi!”. Quá tập trung vào đứa con dâu, tôi đã lơ đễnh để kim chích vào ngón tay. Cố tạo vẻ lãnh đạm, tôi làm như không quan tâm khi cô ta bước vào nhà bếp.
“Thưa mẹ trễ rồi, con phải đi làm bây giờ đây. Con sẽ tranh thủ về nhà sớm. Các món ăn con đã chuẩn bị xong, không biết mẹ còn cần gì nữa không?”.
“Thôi, cứ đi đi, đừng có bận tâm”.
Cô gái bối rối nhìn tôi, như thể còn muốn nói thêm một điều gì nữa nhưng cuối cùng im lặng, cầm lấy chiếc xách tay và xâu chìa khóa, lặng lẽ bước ra khỏi nhà.
Bây giờ thì tôi mới thực sự là bà chủ. Kể từ khi cô ta bước vào sống trong căn nhà này, tôi thực sự thấy mình chỉ là một người khách lạ hay thậm chí là một kẻ đột nhập, giữa cô ta và đứa con trai.
“Ngốc thật!”. Chính tôi đã là người khăng khăng nài nỉ con trai mình. Nhìn thấy nó ăn chơi lêu lổng và hoang phí thời gian, chỉ thích chơi đùa và không muốn lập gia đình, chính tôi đã khăng khăng đòi hỏi nó phải quyết định. Ba nó mất đến nay đã nhiều năm và tôi cũng đã già. Tôi không muốn thấy con mình cô độc, nó cần phải tìm một người vợ, đã hơn ba mươi lăm tuổi rồi còn gì… nó đâu còn thời gian để chờ đợi nữa…
Và thế là một ngày cô gái ấy đã đến đây, núp sau lưng thằng con trai, hai bàn tay căng thẳng và bối rối siết chặt chiếc dây đeo của túi xách. Chặt đến nỗi màu các khớp trên ngón tay biến thành màu trắng bệch. Không một sợi tóc nào nằm ngoài vị trí, trên má cô ửng một chút phấn hồng và đôi mắt chiếu sáng như một hòn than đang cháy trên tàn tro. Đúng rồi, chính nó đã hớp hồn con trai tôi!
Trước đây, từ ngày chồng mất, đứa con trai là tất cả với tôi và ngược lại. Tôi là người duy nhất mà nó quấn quít và ngưỡng mộ. Rồi khi cô gái bước vào nhà, tình yêu bị chia sẻ. Thứ gì cô ta cũng làm tốt hơn tôi. Tôi trở thành kẻ thừa thãi và vô dụng.
Và bây giờ cô ta trở thành bà chủ nhà. Chỉ mấy ngày sau đám cưới là mọi chuyện đã rõ ràng. Tôi bị gạt qua một bên. Cô ta đã trang hoàng nhà cửa theo một cách khác và thằng con tôi lại thích nghe theo. “Má thấy không, như vậy ngăn nắp hơn… nhà đẹp hơn. Vợ con thật giỏi…”.
Bao nhiêu lần tôi muốn nói là tôi thích căn nhà được sắp xếp như xưa, đó là căn nhà của tôi… thế nhưng tôi chỉ biết nhếch mép, cười, lúc lắc cái đầu và tiếp tục giữ im lặng… dù ánh mắt thường ném một cái nhìn về phía cô ta. Cái nhìn tóe lửa, muốn thiêu đốt, làm cô ta biến mất.
Đây rồi, cô ấy đã bước ra khỏi nhà. Một tiếng thở phào, giải thoát. Bây giờ thì tôi có thời gian dành cho mình. Nhưng thời gian ấy để làm gì đây? Trong nhà bếp tất cả đều ngăn nắp, phần ăn của tôi cũng đã được chuẩn bị xong xuôi, khi nào muốn ăn, tôi chỉ cần hâm nóng là xong.
Đã từ lâu tôi ít ra khỏi nhà, các bạn cũ đều ở xa, rất nhiều người đã dọn ra ngoài thành phố. Có những kẻ bất hạnh thì giờ đây không còn nữa, còn chăng họa là kỷ niệm… trường học, tuổi trẻ, hôn nhân…
Tôi bước loanh quanh giữa những gian phòng trống của căn nhà mà tôi không cảm thấy nó là của mình. Tôi là bà chủ. Ừ, thì là bà chủ, mà chủ… cái gì? Và, rồi sao nữa? Là bà chủ để được một mình. Lúc nào cũng cô độc. Tôi chua xót nhìn đời bằng nửa nụ cười rồi lặng lẽ chôn kín tất cả những niềm đau vào bên trong.
Ngày giờ trôi qua trong sự quen thuộc đến độ nhàm chám. Chỉ còn vài giờ nữa thì bà chủ trẻ sẽ về nhà và tôi sẽ biến thành một bóng ma.
Thế nhưng có tiếng động trong ổ khóa. Nó! Nó đã về nhà! Sao sớm thế nhỉ?
Làm bộ lãnh đạm, tôi trở về phòng mình. Tôi nghe tiếng nó đặt xâu chìa khóa và chiếc xách tay lên bàn. Tôi chẳng muốn nghĩ đến nó chút nào… phải rồi, nó chiếm hữu căn nhà của tôi, chiếm hữu đứa con trai của tôi… nên tôi chẳng muốn phí thời giờ để nghĩ về nó! Đó đâu phải là việc của tôi!
Cầm lên tay vuông vải nhỏ vừa mới bắt đầu thêu, đó chỉ là cái cớ để cầm một vật gì, nhưng đầu óc tôi trống rỗng. Chỉ có đôi tai là căng lên, sẵn sàng nắm bắt những tiếng động rất nhỏ. Cái gì vậy? Có điều gì bất thường. Tôi không thể ngồi yên được nữa.
Đứng dậy để xem. Phòng ngủ bên kia trống rỗng. Trong gian bếp chẳng có ai. Thế nhưng trong sự im ắng này tôi lại nghe có tiếng nấc, tiếng rên rỉ, rất khẽ, đến từ phòng tắm. Cửa phòng chỉ khép hờ và trong lúc đẩy vào, tôi thấy nó đang đứng, khom người trên nền nhà, nước mắt nước mũi chảy ròng trong nỗ lực ngăn chặn một cơn nôn mửa. Chân trần, chiếc áo đẹp mặc đi làm bị ướt một quầng lớn ở vạt trước, hai cánh tay yếu ớt buông thõng.
Một tia chớp lóe lên trong đầu tôi! Ui chao, tôi chính là một con mụ ngốc! Quá đần độn và chẳng hiểu gì!
Bây giờ thì tôi nhớ ra rồi… cái cách mà nó đưa tay lên che trước bụng, như thể muốn bảo vệ cái mầm sống đang bắt đầu lớn lên ở bên trong. Khuôn mặt tái mét nhưng đường nét dịu dàng, các cử động đều chậm rãi khác với cách cuống cuồng lúc trước.
Rồi tôi chợt nhìn lại, nhớ lúc mình cô độc và sợ hãi khi mang thai lần đầu mà hoàn toàn không nhận được sự giúp đỡ nào của mẹ chồng. Thời đó tôi chỉ cảm nhận sự ghét bỏ, về cái cách bà ấy mắng nhiếc bằng những lời thô bạo, làm tôi còn đau hơn những trận đòn roi!
Sao mà mình lại không thể nhận ra? Tôi đã tự đóng khung, đã đóng cửa trái tim trong chiếc lồng ích kỷ và lãnh đạm của mình! Bao nhiêu thời gian đã mất, cho những điều phù phiếm là quan trọng, và sống bằng thành kiến ngu xuẩn để đời mình như bị tẩm độc?
Liếc nhìn cô gái nhỏ, tôi thấy đôi mắt đầy sợ hãi và ươn ướt như vừa khóc.
“Bình tĩnh đi con. Mẹ hiểu rồi. Đợi một chút, mẹ sẽ giúp con!”.
Chạy đi lấy chiếc khăn bông, tôi dấp nước và lau mặt cho con dâu, chùi mấy đốm bầy nhầy thốc tháo còn dính xung quanh miệng. Rồi tôi tiếp tục nói, bao nhiêu lời lẽ mà lâu nay tôi đã giữ kín trong lòng mình. Ngay cả chính tôi cũng không thể ngờ là mình có thể nói được những lời dịu dàng đó.
“Con sợ”… giữa những tiếng nấc, đứa con dâu gắng gượng nói. “Con thấy mệt. Thức ăn trong bụng như cứ muốn trào ra…”.
Tôi dìu con dâu vào phòng ngủ, giúp nó thay đồ. Cô nhỏ quá yếu, tôi cảm giác như mình đang cởi đồ cho búp bê.
“Con gái yêu, đừng lo nữa. Mẹ sẽ giúp đỡ con. Chờ một chút nhé, đây, chiếc gối nhỏ đây, bây giờ mẹ đi lấy chai dầu xanh, thoa chỗ này nè, trên cổ tay, một chút lên màng tang nữa… đấy, thấy chưa, con có vẻ đỡ hơn rồi đấy. À, mà đợi mẹ đi lấy cho con vài lát gừng, nhấm một chút sẽ hết buồn nôn. Cố gắng nhé, chỉ vài tháng đầu thôi… sau đó con sẽ khỏe…”.
Tôi trở lại với một tách trà nóng và mấy lát gừng trên tay. Tôi nhìn thấy khuôn mặt con dâu đã bớt tái và đang nằm áp đầu vào chiếc gối con, đôi mắt vẫn còn ướt vì nước mắt.
Nhưng mắt tôi cũng đang ẩm ướt. Chúng tôi sẽ có thời gian để làm lại… và trong chính phút ấy lại có tiếng chìa khóa tra vào ổ… thằng con trai của tôi cũng đang bước vào nhà.
“Sao im lặng quá vậy… có gì ăn chưa?”. Lời chưa dứt đã thấy nó đứng trước phòng ngủ, ngỡ ngàng nhìn chúng tôi.
“Bây giờ mẹ đi nấu cái gì để ăn đây. À, từ rày về sau con cần phải kiên nhẫn hơn đó. Trong lúc mẹ đi nấu ăn, con phải ngồi đây để canh chừng và chăm sóc vợ. Vợ con sẽ thông báo cho con một tin quan trọng, nó sẽ làm thay đổi cuộc đời chúng ta… và là một tin rất vui!”. •
Nguyên tác tiếng Ý: La Rivelazione.
Elena Pucillo Truong, người Ý, Tiến sĩ Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài, chuyên về Ngôn ngữ và Văn minh Pháp (Đại học Milano, Italia), hiện giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, được một số trang mạng văn học Việt Nam bình luận là Người phụ nữ Ý mang tâm hồn Việt.■
Văn hóa đọc
NGUYỄN LỆ UYÊN
Không phải ngẫu nhiên mà người xưa đã nâng sự đọc (sách) lên hàng nghệ thuật, ngang tầm với cầm-kỳ-thi-họa, và có câu để đời rằng: “Một ngày mà không đọc một trang sách, khi mở miệng ra, nói lắm câu khó nghe”.
Có lẽ vì vậy mà các bậc thức giả ngày trước, mỗi khi đọc sách đều tắm gội sạch sẽ, mặc áo dài, khăn xếp; xông trầm trước khi ngồi vào án thư mở quyển. Cốt cách nho phong ấy còn lưu giữ lại ở một số đông các học giả, nhà thơ, mà gần đây nhất là thi sĩ Đông Hồ. Khi còn là giáo sư thỉnh giảng ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, mỗi khi lên giảng đường giảng dạy cho đám môn sinh, ông đều xông trầm. Khói hương phảng phất như cuốn như bay theo những câu Đường thi cổ kính, khiến hàng trăm môn sinh lặng phắc lắng nghe từng câu, từng từ như thể được uống ly “bồ đào mỹ tửu” đến ngây ngất.
Tự mình đọc rồi suy gẫm nghĩa lý trong sách là cái thú; được nghe các học giả, nhà văn, nhà thơ đưa ra những chủ kiến cá nhân, khiến người đọc cảm thấy thú vị khi đối chiếu với những suy nghĩ của mình (về một trích đoạn hay nguyên một tác phẩm), lại càng thấy như ta đang bước vào rừng văn, bể sách để khám phá những điều mới lạ hơn.
Đọc sách, nói thơ cũng đã được nhà văn Nguyễn Tuân tái hiện một cách tài hoa qua các truyện Đánh Thơ, Thả Thơtrong tập tùy bút Vang bóng một thời. Những nhân vật cụ Nghè Móm, cô Tú, những Mộng Liên, Mộng Huyền, Mộng Thu, ông Kinh Lịch … mỗi khi đọc lại, lắng nghe hành động và ngôn ngữ của họ, ta có cảm giác như được sống lại không khí thuở xa xưa, thấy thấp thoáng đâu đó những Thất Hiền, Bát Tiên trên các bình, bát sứ cổ.
Ở phương Tây, con người thực tế hơn, họ không đi tìm kiếm cái xưa cũ như kiểu “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” mà nói ngay, đọc ngay những cái hiện có. Vì vậy họ lập ra những salons littéraires để được nghe đọc, rồi xúm xít lại cùng nhau bình một tác phẩm văn chương. Nhưng khổ thay, những salons này không được quảng đại quần chúng cho lắm, nó chỉ dành riêng cho giới quý tộc, những bà mệnh phụ phu nhân cho nên chỉ rầm rộ trong khoảng cuối thế kỷ XIX và đầu XX rồi tự tiêu vong.
Tại Việt Nam, hình thức đọc và nghe không phát triển ồn ào, không có những salons; giới thượng lưu có điều kiện thì chẳng mấy mặn mòi; ngược lại đám trung lưu và bình dân tuy hào phóng với thời gian và sách vở thì không có chỗ để thường xuyên tụ hội. Họ đọc được tác phẩm hay, bèn kéo vài thân hữu ngồi bên chén trà bình luận, cốt để thỏa mãn tính chủ quan và khách quan mỗi khi đưa ra những nhận định cá nhân về nhân vật, về tác phẩm, tìm kiếm cái đẹp trong thế giới văn chương, để tâm hồn dịu lại. Dịu lại để điều chỉnh, tu dưỡng đạo đức, nhân cách con người.
Không nói đâu xa, chỉ từ khoảng năm 1986 trở về trước, khó khăn là thế, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, hiếm hoi lắm mới vớ được chai bia nhỏ đã là điều sang trọng, vậy mà sách in ra, cung không đủ cầu. Mỗi đầu sách lúc đó đâu chỉ in lèo tèo 500 hay 1.000 bản như ngày nay, mà có đến hàng ngàn, hàng vạn! Xoay qua trở lại không kịp tới hiệu sách Nhân Dân, vèo một cái hết ngay. Vậy là có “chiến dịch” đi mượn sách của bạn rồi giữ làm của riêng, của gia bảo! Bạn có hỏi bảo quên, có khi chối leo lẻo “mượn hồi nào?” (chỉ vì đó là quyển sách quý)! Hỏi mượn là điều chính đáng, nhưng cũng có nhiều vị không cần hỏi mượn, chờ chủ nhân lơ đãng là vội vàng cầm sách bỏ vào trong áo. Hành vi ấy tất nhiên là xấu, nhưng xét cho cùng cũng đáng thương và đáng tha thứ, bởi nhu cầu đọc của con người quá lớn mà túi tiền thì có hạn!
Nay thì văn hoá đọc gần như bị triệt tiêu phần lớn. Cơ sở để đưa ra nhận xét này, trước hết là nhìn vào số lượng in, được ghi cụ thể ở phần lạc khoản của quyển sách: nhiều nhất 2.000 bản, trung bình 1.000, còn loại 500 bản thì chiếm phần lớn. Sách tái bản họa hoằn lắm mới có vài cuốn mà ta quen gọi là best seller. Sao vậy nhỉ? Đâu còn khó khăn như cách đây gần ba chục năm? Hay tại sách không hay, giá bìa cao so với thu nhập bình quân? Không phải! Chắc là có một nguyên nhân sâu xa nào đó mà ta chưa lý giải được, đến nỗi các phương tiện truyền thông đại chúng đồng loạt gào lên rằng: “văn hóa đọc đã bị xóa sổ rồi”. Một lời than não nuột! Cũng phải thôi. Cứ nhìn cách học sinh ngày nay học văn rồi làm văn thì thấy rõ ngay. Nhân vật Kiều của cụ Nguyễn Du được các sĩ tử bình như thế này: “Kiều là người phụ nữ có nhan sắc mặn mà, có đức tính chung thủy của người phụ nữ Việt Nam. Nàng đã thủ tiết thờ chồng. Sau khi Từ Hải bị giặc bắt đưa xuống tàu đày đi Côn Đảo, nàng ở vậy nuôi con…”, đúng là thế hệ bây giờ chẳng còn biết Kiều là ai, Nguyễn Du là ai qua lời tự thán tiền định của chính cụ “bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Chưa đến 200 năm ngày cụ mất (1820) mà những người đang học cụ đã quên phéng nói chi đến 300 năm thì tác phẩm truyện Kiều sẽ được nhớ mang máng thành truyện Vân Kiều, tên cụ sẽ là Nguyễn Văn Du hay Nguyễn Thị Du gì gì nữa không chừng!
Điều này cũng chẳng trách các em, bởi có một giáo sư văn học hẳn hoi giải thích câu thơ của Thôi Hộ (trong sách văn học lớp 11, nxb Giáo Dục năm 1993): đào hoa y cựu tiếu đông phong là cánh hoa đào từ năm ngoái đã khô trên cành đến nay vẫn còn treo lủng lẳng, cười với gió đông!? Chữ xưa, tích xưa mà bậc học giả (!) giải thích như vậy thì nay, nếu các em học sinh có nói Lão Tử là chết già, Tử Lộ là chết ngoài đường, Tử Cống là chết dưới cống dưới lù, Trang Tử là người chết được thờ trên trang… thì cũng làm sao trách được chúng?
Cứ theo đà này, thì hai câu: Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu sẽ được giải nghĩa là: ngô đồng là bắp ngoài đồng ruộng / nhất diệp lạc là có được dịp vui mừng / thiên hạ cộng là nhiều người họp lại (hợp tác xã) / tri thu là biết trước sẽ được bội thu. Rồi sẽ cao hứng dịch thành thơ: Vui mừng ruộng bắp trổ bông/ Phen này hợp tác ắt mừng bội thu. Hay như cuối đời Trần, Hồ Quý Ly khi lên ngôi đã đổi quốc hiệu là Đại Ngu mà lại đi giải thích là ngu lớn, ngu to, ngu quá là ngu thì chỉ còn có nước kêu trời.
Cũng đã lâu, trên tờ báo văn nghệ của một địa phương, số xuân Đinh Hợi 2007 có bài thơ Ngọn Cỏ Tịch Điền của nhà thơ Trần Huyền Ân; bài thơ không có gì làm xuất sắc, chỉ gửi gắm tâm sự của chính mình qua hình ảnh con trâu già, cũng đồng thời là tuổi thất thập Đinh Sửu của ông nhưng do có từ tịch điền, lại có thêm con trâu già chân què… nên có người giải thích ngọn cỏ tịch điền là ngọn cỏ trên cánh đồng chết thì quả là oan cho vua Nghiêu vua Thuấn của Trung Hoa và các triều đại Trần, Lê, ở Việt Nam sau này, là những ông vua, những triều đại biết khuyên dân chăm lo việc cày cấy để bảo đảm đời sống no ấm, quốc gia thịnh trị, và sau đó trở thành điển tích: “Tịch điền là thửa ruộng vua tự thân đốc xuất việc cày cấy để lấy thóc mà cúng tế. Thường đầu năm, vua dự cuộc cày cấy đầu tiên trên thửa ruộng của vua, gọi là tịch điền. Hán thơ có câu: “Khai tịch điền, trẫm thân xuất canh” (khai ruộng tịch điền, trẫm thân chinh đốc xuất việc cày cấy). (GS. Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, trg 1224, Nam Chi Tùng Thư, SG 1965).
Đọc sách là món ăn tinh thần bổ ích, giúp cho con người củng cố tri thức, thu lượm những tinh hoa văn hóa, khoa học, kỹ thuật… của nhân loại: Đọc sách là việc làm không thừa. Vậy nhưng sau khi học, đọc xong hiểu nó như thế nào cho đúng mới là điều đáng quan tâm. Bởi có những người lấy cái sở học của mình để lý giải nghĩa lý ở đời để tự răn mình và làm đẹp cho đời là điều đáng trân trọng, nhưng cũng không ít kẻ có cái sở học lam nham, thuộc loại đầu nhỏ mỏ to chỉ mới vơ vội mấy chữ bé tí đã vội đồng bóng, nắn gân thiên hạ, không ngờ chỉ tổ làm trẹo mồm chính mình mà thôi.Nói như học giả Nguyễn Hiến Lê: “Sách là tinh hoa, tinh túy của nhân loại… Đọc để bổ khuyết những chỗ hổng trong kiến thức của mình”. Nhưng sách viết một đằng, người đọc hiểu một nẻo rồi nhân đó mà tán rộng ra, suy diễn lung tung, rồi vội vã lên án, đả kích thì thật khổ thân cho tác giả đã mang nặng đẻ đau ra nó đã đành mà có vẻ như còn báng bổ cái bản sắc văn hóa dân tộc nữa là khác?
Bước vào hầu hết các thư viện, không ai là không nhìn thấy câu đại tự treo trên cao, trong phòng đọc Học, học nữa, học mãi của V.I. Lenin. Coi lại treo cho có treo chứ mấy ai chịu đọc nói chi đến học? Chả vì thế mà xứ này khối anh chưa hết trung học mà đã nắm cái bằng đại học treo đỏ nhà, chỉ để bịp thiên hạ, hù dọa đám dân ngu khu đen thấp cổ bé miệng!
Ôi, sao cái văn hóa đọc ngày nay nó xập xềnh làm vậy?
Tâm linh dưới cái nhìn của Phật giáo
THÍCH PHƯỚC ĐẠT
1
Tâm linh là gì?
Trong những năm gần đây, khái niệm tâm linh được định hình và đi vào đời sống hiện thực. Vậy tâm linh là gì, sao không dùng một từ quen thuộc hơn là linh hồn, mà các từ tương đương ở tiếng Anh hay tiếng Pháp là Soul hay Âme?
Theo Carl Jung, đại biểu nổi tiếng của ngành tâm lý học mệnh danh là tâm lý học chiều sâu, thì linh hồn cũng là một hiện tượng tự nhiên như các hiện tượng tự nhiên khác… Không có một bệnh nào của thân mà không có sự tác động của yếu tố tinh thần. Cũng như trong nhiều bệnh rối loạn tinh thần, cũng có sự tác động của những yếu tố của cái thân vật chất. Thân và tâm không cách biệt nhau. Cả hai đều cùng một sự sống duy nhất.
Jung phê phán một số các nhà khoa học phương Tây chỉ thừa nhận các hiện tượng vật chất là có thật, còn các hiện tượng tinh thần thì họ đánh giá là không thực hay là siêu thực. Jung ca ngợi thái độ các nhà minh triết phương Đông khi đối diện với những hiện tượng tâm lý như xuất hồn, gọi hồn, nói chuyện với người đã chết thông qua trung gian, của những người gọi là ông đồng bà cốt. Những người này cho rằng đó là những sự kiện tâm lý đặc biệt của một số người đặc biệt; chỉ thế thôi, họ không vội gán cho những sự kiện đó những nhãn hiệu như là siêu nhiên, siêu thực v.v… Jung bảo rằng, chúng ta chỉ biết được thế giới trong chừng mực mà cấu trúc sinh vật và tâm lý của chúng ta cho phép. Tức là có một phần lớn của thế giới và vũ trụ nằm ngoài tầm nhận thức và nắm bắt của chúng ta.
Cũng có ý kiến, phải chăng từ tâm linh có nguồn gốc ở các tôn giáo thần quyền, với truyền thuyết Thượng đế tạo ra con người. Có tôn giáo cho rằng Thượng đế tạo ra con người đầu tiên rồi thổi hơi thở của Ngài vào đấy, và hơi thở đó chính là linh hồn, là cái thiêng liêng, cái bất tử ở trong con người. Linh hồn ở trong con người sở dĩ linh thiêng và bất tử, chính là nó được Thượng đế tạo ra với hơi thở của Ngài. Do đó, theo tôn giáo thần quyền, thân người thì có sanh có diệt, có sống có chết nhưng linh hồn thì sống mãi, bất tử vì là linh thiêng. Tâm linh có thể được hiểu là chỉ cho cái gì cao cả nhất, sâu sắc nhất trong tâm người. Đó là hàm ý của từ tâm linh, hay linh thiêng.
Còn quan điểm Phật giáo như thế nào? Theo Phật giáo, con người được hình thành từ năm uẩn. Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp. Do đó không có linh hồn bất tử, tùy theo nghiệp nhân, nghiệp quả mà sau khi mạng chung được sanh vào đời sống này hoặc đời sống khác. Mục đích của đạo Phật là giới thiệu cho mọi chúng sinh về con đường đoạn trừ khổ đau, thành tựu giải thoát ở đời này và đời sau. Từ tâm linh theo Phật giáo được hiểu là cuộc hành trì nội tâm; con đường trở về với tự thân tu tập, tự thân chứng ngộ, thành tựu Niết bàn.
2.Con người hiện đại và nhu cầu của cuộc sống tâm linh
Có nhiều quan điểm phê phán con người hiện đại; nói chung, các quan điểm ấy cho rằng con người hiện đại là con người đầy mâu thuẫn. Mâu thuẫn thứ nhất, do kinh tế phát triển, con người hiện đại có thể trở thành giàu có. Thế nhưng, đời sống nội tâm ngày trở nên trống vắng, cô đơn, dẫn đến sự đam mê dục lạc. Có thể nói, con người hiện đại là con người hưởng thụ. Mâu thuẫn thứ hai của con người hiện đại là xu hướng máy móc làm việc thay người. Con người biến thành một cái máy, bị chi phối bởi những dục vọng thấp hèn. Mâu thuẫn thứ ba của con người hiện đại là biết nhiều thứ, nhưng cái cần thiết thì lại không biết: Con người hiện đại không biết chung sống hòa bình, không biết tôn trọng những tín ngưỡng khác mình, những lý tưởng sống khác với mình, không chịu đựng nổi những phong tục tập quán khác với phong tục tập quán của mình.
Mặt khác, có quan điểm cho rằng con người hiện đại hôm nay có thể thực nghiệm những giá trị tâm linh của đạo Phật để giữ vững phẩm chất nhân bản, không bị tha hóa, nhất là thăng chứng nội tâm, thiết lập một đời sống hạnh phúc thật sự.
3.Phật giáo và con người lý tưởng
a. Tâm linh trong tôn giáo thần quyền chính là Phật tánh theo quan điểm Phật giáo.
Đạo Phật đề cao, tôn vinh con người, tuyên bố rằng con người có khả năng ngang hàng với Phật, là bậc toàn thiện và toàn giác, bởi lẽ con người nào cũng có Phật tánh, tức là tiềm năng thành Phật. Trong các kinh điển Đại thừa, con người được định nghĩa như là vị Phật sẽ thành, còn Phật Thích-ca cũng như các vị Phật khác trong quá khứ đều là những vị Phật đã thành. Vua Trần Nhân Tông, sau khi xuất gia đã trở thành Sơ tổ của phái Thiền Trúc Lâm, đã viết những câu đầy khích lệ như bài Cư trần lạc đạo phú:“Bụt ở cuông nhà, Chẳng phải tìm xa, Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt, Chỉn mới hay chính Bụt là ta”.
Một tuyên bố như thế, phát ra từ một thiền sư lỗi lạc, đã từng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến vệ quốc của quân dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông, đã khích lệ hàng triệu Phật tử Việt Nam, vượt lên trên những ham muốn thế tục, để thành tựu lý tưởng cao cả nhất, thành Phật.
Xã hội tốt đẹp lên nhờ có những con người có niềm tin như thế. Chân giá trị của Phật giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung là nó hướng con người vươn tới cái toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ, mà biểu tượng nhân cách hóa chính là Đức Phật cũng như các giáo chủ của các tôn giáo thế giới khác.
b. Tác dụng nhiều mặt của cái nhìn lý tưởng: Người vốn là Phật.
Tất nhiên, cái nhìn của Trần Nhân Tông đối với con người là một cái nhìn lý tưởng, một niềm tin hơn là một nhận thức thực tế. Tuy là một cái nhìn lý tưởng, là một niềm tin, nhưng niềm tin đó có tác dụng lớn lắm, một khi nó lôi cuốn được nhiều người chấp nhận nó làm lý tưởng của đời mình:
Ta có cái nhìn bình đẳng đối với mọi người, không kể là sang trọng hay nghèo hèn, có trí thức hay vô học đều xứng đáng được kính trọng, vì tất cả đều có Phật tánh, đều là những vị Phật tương
Có cái nhìn khiêm tốn đối với tự thân, do lý tưởng thành Phật thì xa vời vợi, mà con người thật thì quá thấp kém; do đó dù đã hay đang làm được gì, chúng ta đều thấy chưa đủ, không có gì tự hào và tự mãn.
Bản thân phải cố gắng, phấn đấu không mệt mỏi, để dần dần rút ngắn khoảng cách giữa chúng ta là con người hiện thực và lý tưởng thành Phật.
Cốt lõi của toàn bộ công phu tu hành là biện tâm, tìm hiểu tâm, cải tạo tâm, nên cuộc sống nội tâm của người Phật tử ngày càng phong phú, cao quý, nó giúp cho con người vượt cao lên trên những ham muốn thế tục. Một con người như thế, thì đồng tiền không cám dỗ được, quyền uy không khuất phục được, sẽ toàn tâm toàn ý phục vụ dân tộc, đất nước và con người.
4.Hành trình tâm linh – Con đường thành tựu lý tưởng của Phật giáo
Khác với các tôn giáo thần quyền, đạo Phật không đòi hỏi tín đồ chỉ một chiều sùng bái và cầu Phật gia hộ, mà yêu cầu tín đồ phải nỗ lực để trở thành Phật. Như vua Trần Nhân Tông, vị thiền sư lỗi lạc đời Trần, đã chỉ rõ con người có thể thành Phật, vì con người vốn là Phật, nhưng chỉ tại mình quên mất gốc mình là Phật, nên mới đi tìm Phật ở trong chùa hay là trên núi. Chân lý này không những từ miệng thiền sư nói ra, mà người bình thường cũng nói, và nói rất là hình ảnh: “Phật ở trong nhà, đi cầu Thích Ca ở ngoài đường!”.
Chỉ cần giải thích thêm một chút, câu trên sẽ đủ nghĩa. Phật ở trong nhà nghĩa là Phật ở trong tâm mình, Phật chính là bản thân mình, nhưng bản thân mình lại không biết. Do đó, toàn bộ phương pháp tu hành của đạo Phật chỉ là một sự trở về, trở về với cái Ta thật của mình là Phật, trở về với cái tâm chân thật của mình là chân tâm, là cái tâm vốn giác ngộ và giải thoát.
a. Tâm lặng mà biết thì đó là ông Phật thật.
Con đường trở về đó theo Quốc sư Viên Chứng đã nói với vua Trần Thái Tông khi vua muốn bỏ ngôi vị để lên núi Yên Tử xuất gia: “Sơn bản vô Phật. Duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri, thị vi chân Phật” (Trong núi vốn không có Phật. Phật chỉ có ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, thì đó là ông Phật thật). Mấu chốt của toàn bộ sự nghiệp tu hành chỉ là làm cho tâm bình lặng.
Thực tế, tâm của người bình thường rất động, sống động: Tâm viên, ý mã, nghĩa là tâm như con vượn, ý như con ngựa. Kinh Pháp Cú, ở các bài kệ 33, 34, 35, 36 đều có những câu nói lên tình trạng rất động của tâm:“Tâm hoảng hốt, dao động, Khó hộ trì, khó nhiếp,..”; “Như cá quăng lên bờ, Vất ra ngoài thủy giới, Tâm này vùng vẫy mạnh,..”; “Tâm khó thấy, tế nhị, Theo các dục quay cuồng…”.
Trong các bài kệ trên, Đức Phật đã dùng những hình ảnh rất gây ấn tượng để nói cái tâm vùng vẫy mạnh, như con cá từ ở trong nước bị quăng lên bờ, nói cái tâm khó thấy, tế nhị chạy quay cuồng theo dục vọng. Tuy nhiên, cũng trong các bài kệ trên, Đức Phật cũng khẳng định khả năng của con người có thể cải tạo tâm, phòng hộ tâm, điều phục tâm: “Người trí làm tâm thẳng, Như thợ tên làm tên.” (Kệ 33); Tuy rằng, “Khó nắm giữ, kinh động, Theo các dục quay cuồng,nhưng mà Lành thay điều phục tâm, Tâm điều, an lạc đến.” (Kệ 35); “Người trí phòng hộ tâm, Tâm hộ, an lạc đến.” (Kệ 36). Tinh thần và lời các bài kệ trên đây cho thấy, tâm người dao động mạnh như thế, nhưng người có trí vẫn phòng hộ tâm được, điều phục tâm được, và nhờ sự phòng hộ và điều phục tâm thành công mà đem lại cho tâm sự an lạc, hạnh phúc.
Vậy thì phòng hộ tâm và điều phục tâm như thế nào? Kinh Phật thường khuyên: Chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm là suy nghĩ và nhớ đúng đắn, nhớ điều phải, điều lành. Tỉnh giác là tỉnh táo, có nghĩa là không được sống mơ hồ hay mơ màng, đầu óc phải luôn tỉnh táo. Còn các thiền sư Tây Tạng, thường dùng một lời khuyên rất có hình ảnh: Đưa tâm về nhà.
b. Đưa tâm trở về nhà.
Một phương pháp để làm cho tâm bình lặng, đó là đưa tâm về nhà. Thực tế, tâm người không chịu ở yên trong hiện tại mà hay nghĩ vơ vẩn vào các chuyện đã xảy ra trong quá khứ, hay các chuyện tương lai chưa xảy ra mà mình mơ ước. Mặt khác, tâm luôn luôn hiện hữu khi chúng ta làm bất cứ một điều gì. Khi nhìn, thì không phải chỉ nhìn bằng mắt, mà phải bằng cả cái tâm của mình nữa. Khi nói, không phải chỉ nói bằng miệng mà còn nói bằng tâm của mình nữa. Thậm chí khi suy nghĩ, cũng phải có ý thức rõ mình đang suy nghĩ gì.
Qua kinh nghiệm ta thấy, nếu nhìn bằng mắt mà tâm để đâu đâu thì không thể nhìn rõ. Phải thấy bằng mắt và bằng cả cái tâm của mình nữa, thì mới thấy rõ. Khổng Tử từng nói: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị” (Nếu tâm không có ở đó, thì nhìn mà không thấy, nghe mà không biết, ăn mà không biết mùi vị). Cái tâm thức đó, sách Phật gọi là ý thức hay thức thứ sáu. Nếu tâm thức này mà không sanh khởi và hoạt động cùng với năm cảm quan đầu, thì nhận thức của năm cảm quan, như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân sẽ không được minh bạch. Kinh nghiệm này ai cũng biết nhưng đáng tiếc là không chú ý áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, trong mọi công việc. Do đó, ta cần đem tâm về nhà là vậy.
c. Tâm luôn luôn nghĩ thiện, nhờ đó mà lời nói và hành vi đều thiện lành.
Có gì làm cho chúng ta bức xúc, hối hận bằng những ý nghĩ, lời nói và việc làm bất thiện, hại người, hại vật? Cũng không có gì làm cho tâm chúng ta bất an bằng những ham muốn không thỏa mãn.
Một phương pháp cơ bản để giữ cho tâm bình lặng là không làm điều ác, không hại người đồng thời cũng không ham muốn nhiều và biết đủ. Điều đó có nghĩa là bạn phải sống đạo đức, giữ đúng giới luật là điều kiện để thành tựu định tâm, đảm bảo cho tâm được bình lặng. Hơn nữa, theo đúng luật nhân quả nghiệp báo, kẻ làm điều ác mà không biết hối cải thì nhất định sẽ rước lấy quả báo ác và đau khổ. Nhưng cái gì thúc đẩy chúng ta nói điều ác và làm điều ác? Đó chính là tâm chúng ta. Trái lại, khi chúng ta nói lời thiện và làm điều thiện, thì cũng đều do tâm chúng ta nghĩ thiện.
Kinh Pháp Cú, hai bài kệ số 42 và 43, đều rất có ý nghĩa trong việc nêu bật vai trò của tâm trong hành vi thiện ác:“Kẻ thù hại kẻ thù, Oan gia hại oan gia, Không bằng tâm hướng tà, Gây ác cho tự thân”; “Điều mẹ, cha, bà, con, Không có thể làm được, Tâm hướng thiện làm được, Làm được còn tốt hơn”. Nói tóm lại, tâm của ta có thể là kẻ thù của chúng ta, nếu chúng ta không biết tu tập tâm, mặc cho tâm nghĩ ác, nghĩ bậy. Cũng một cái tâm ấy, nếu được tu tập, luôn luôn nghĩ thiện nghĩ lành thì chính tâm ấy là bạn của ta.
d. Tâm thiện chưa đủ, phải đạt tới cái tâm vô trú, tâm vô niệm.
Có tâm thuần thiện, không bao giờ nghĩ tà, nghĩ bậy là chuyện rất tốt, nhưng vẫn chưa đủ. Vì khi bạn nghĩ thiện, làm điều thiện thì chỉ giúp cho ta tránh không tái sanh vào cõi ác, được tái sanh vào các cõi lành. Nghĩa là, con người thiện vẫn luân hồi, nhưng chỉ luân hồi trong các cõi lành. Thế nhưng, mục đích tối hậu của đạo Phật là siêu việt lên trên thiện và ác, đạt tới lý tưởng giác ngộ và giải thoát, đạt tới cảnh giới toàn giác như Đức Phật vậy.
Phương pháp định tâm, cũng gọi là phương pháp Thiền, nếu thực hành kiên trì, đúng pháp thì sẽ giúp chúng ta đạt tới chỗ tâm hoàn toàn không còn vướng mắc, được giải thoát. Kinh Kim Cang, một bản kinh Đại thừa nổi tiếng có câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Nghĩa là tâm vị Bồ-tát tuy đối diện với sắc, với thanh, hương, vị, xúc tức là với mọi cảnh trần bên ngoài, nhưng không chấp thủ, không vướng mắc, thật sự xả, và giải thoát. Cái tâm vô trú và không chấp thủ đó, có sách gọi là cái tâm vô niệm, cái tâm dứt bỏ các niệm, các ý nghĩ, cái tâm hoàn toàn bình lặng và thanh tịnh, lâu dài và ổn định, thì có thể nói đó là một bước tiến bộ rất lớn trên con đường tu tập để thành tựu con người lý tưởng, tức là thành Phật.
e. Điều hòa hơi thở, theo dõi hơi thở, là phương pháp điều phục tâm rất hữu hiệu.
Phương pháp giản dị này được Phật Thích Ca dạy cho các đệ tử trong những bài kinh nổi tiếng, hiện nay đang lưu hành ở khắp nơi, như các bài kinh Đại niệm xứ (Trường Bộ) và Niệm hơi thở vô, hơi thở ra (Trung Bộ). Hơi thở tuy là một hiện tượng sinh lý, nhưng lại rất quan hệ đến tâm thức, và ngược lại cũng vậy. Khi ngồi thiền, ta chỉ cần điều hòa hơi thở, theo dõi hơi thở ra vào một vài phút, tâm sẽ trở nên bình lặng. Ngay những người mới học hành thiền cũng đều cảm nhận điều này. Vấn đề là bạn phải kiên trì; nếu kiên trì, thì tiến bộ đạt được sẽ rất dễ thấy, rất đáng khích lệ.
Trên đây là một số phương pháp thực tập đời sống hướng nội trong cuộc hành trình tâm linh, tìm về miền giải thoát. ■
Tính cách Sài Gòn
Tống Quang Anh - Đông Xuân (TBKTSG)
- Những cư dân đầu tiên đến Sài Gòn lập nghiệp thời các chúa Nguyễn cần có sự đoàn kết, nhân ái, dũng cảm, khỏe mạnh và không thể thiếu người tài giỏi. Chính những yêu cầu ban đầu kể trên đã hình thành dần tính cách của con người Sài Gòn. Những tính cách quý báu ngày một nảy sinh thêm trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này.
Tính cách người đi mở cõi
Tính cách người đi mở cõi
Nồng hậu, thân thiện, hiếu khách, vui vẻ, phóng khoáng, thẳng thắn bộc trực, ngang tàng và dễ tính là những tính cách quý báu, mà người Sài Gòn có được nhờ cái đặc thù của những người đi mở cõi. Đến Sài Gòn, nếu không thạo đường, bạn cứ hỏi những người đang bán hàng quán bên đường, những người nhàn tản trên phố, những người bán vé số... họ sẽ chỉ cho bạn một cách tận tình. Vì họ là người Sài Gòn, hoặc ít ra cũng đã nhiễm “máu Sài Gòn”. Người Sài Gòn luôn có ý thức giúp đỡ bè bạn chứ không hề “lãnh cảm”.
Nông, công, thương, và trí ở Sài Gòn sớm được phát triển trong suốt quá trình hình thành đô thị. Mà nông, công, thương, trí là nền tảng chính của một nền kinh tế, nhờ thế mà cuộc sống của người dân nơi đây ổn định, giàu có hơn nhiều vùng khác trong nước. Sự ổn định và giàu có giúp cho tính cách người Sài Gòn rộng rãi, hào phóng... Phần đông dân Sài Gòn rất sẵn sàng “chơi hết mình”. Đây chính là “máu giang hồ” của những người đi khai phá vùng đất mới, truyền lại đến ngày nay. Thêm vào đó, vùng đất hào phóng này ban cho con người rất nhiều thứ, làm cho con người ở đây cũng dễ dãi, rộng rãi, đôn hậu và hiếu khách hơn. Tính cách này rất dễ lây cho những người dân xứ khác đến sống ở đây.
Nói đến Sài Gòn mà không nói đến tính cách giang hồ là một thiếu sót lớn. Một vùng đất có lịch sử hình thành như Sài Gòn mà không chứa đựng tính cách giang hồ mới là lạ. Vùng Gia Định xa xưa kênh rạch chằng chịt, dân trộm cướp hoạt động chính theo các kênh rạch này, rất giống với hoàn cảnh của các anh hùng Lương Sơn Bạc. Người dân gọi bọn trộm cướp này là dân giang hồ, lâu dần mà thành danh từ chung cho giới lưu manh, trộm cướp và những băng nhóm xã hội đen. Giới giang hồ Sài Gòn tồn tại và khét tiếng từ bao đời nay. Họ cũng hung tợn như mọi dân anh chị giang hồ xứ khác. Nhưng đặc biệt, giới giang hồ Gia Định từ xưa ảnh hưởng phong cách hảo hán của các nhân vật tiểu thuyết.
Lần nọ, tôi đến hiệu sách ngoại văn Xuân Thu trên đường Đồng Khởi, chứng kiến một bác trung niên, đi chiếc xe mobylette đến nhà thuốc tây gần hiệu sách. Bác dùng ba ổ khóa để khóa chiếc xe và bước vào tiệm thuốc.
Tiệm thuốc lắp kiếng toàn bộ mặt tiền, nên từ bên trong nhìn ra, thấy rõ chiếc xe. Thế mà khi ra, bác thấy cả ba ổ khóa ngự chình ình trên yên xe, dằn bên trên một tờ giấy. Trong tờ giấy ghi, nét chữ nguệch ngoạc, xấu, nhưng ngắn gọn, đúng ngữ pháp: “Thấy nghèo mà thương, chứ không phải là không lấy được”.
Cũng tại hiệu sách trên, cô bán sách kể rằng, có một bác đến mua sách, đi chiếc xe đạp. Thời đó chưa có chuyện giữ xe và xe đạp còn rất quý giá. Thấy thằng nhỏ đứng xớ rớ trước hiệu sách, bác gửi xe cho nó. Vào hiệu sách, mấy cô nhân viên bán hàng cảnh báo, rằng thằng đó là ăn trộm xe chuyên nghiệp. Bác tỉnh bơ, đáp: “Tôi gửi xe cho nó mà” và lượn lờ mua sách. Đến khi ra, thằng nhỏ trả xe, bác cám ơn nó rồi đi. Buổi trưa, các cô bán hàng ra hỏi thằng nhỏ, sao không lấy xe của ông già. Thằng nhỏ nói tỉnh rụi: “Người ta tin mình, không lẽ lấy xe của người ta”.
Rõ ràng, những kẻ giang hồ này chỉ là hạng tép riu, so với những cái bóng lớn như Trần Đại Cathay, Điền Khắc Kim, Bạch Hải Đường... nhưng cũng ít nhiều mang nét đặc trưng của giới giang hồ Sài Gòn. Phần nhiều, giới giang hồ thường rất khí khái và hảo hán.
Nhịp sống Sài Gòn luôn hối hả từ bao đời nay, hình như không bao giờ ngưng nghỉ, trừ thời gian bị giới nghiêm trong chiến tranh và vài năm sau ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm. Bạn đi chơi thật khuya vẫn cảm nhận được một Sài Gòn đang hoạt động, chỉ tĩnh lặng bớt đi mà thôi. Về khuya, bạn cũng vẫn còn nghe tiếng xe chạy trên đường, tiếng mì gõ, tiếng rao bán các loại hàng ăn uống...
Do sự phát triển của thành phố, dẫn đến các nhu cầu sản xuất, dịch vụ, văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc... cũng phát triển theo. Ngay những bài “tân cổ giao duyên” cũng là sản phẩm của Sài Gòn, được kết hợp khéo léo giữa tân nhạc và cổ nhạc. Nhiều bài tân nhạc mang âm hưởng dân ca Nam bộ cũng xuất phát từ Sài Gòn.
Người dân Sài Gòn dễ tiếp thu cái mới nhờ tính năng động, nhưng không bị đồng hóa, vì người Sài Gòn rất biết chọn lọc. Tính năng động “phổ cập” hầu như toàn thể người dân Sài Gòn. Ở Sài Gòn có khá nhiều anh đạp xe xích lô chở khách ngoại quốc, vừa đạp xe vừa giải thích những danh thắng của thành phố bằng tiếng Anh, tiếng Pháp rất thành thạo như một hướng dẫn viên du lịch vậy. Ra đường, ta thường thấy những cậu bé bán báo, đánh giầy, những ông đạp xích lô, anh chị giữ xe cũng khá thông thạo ngoại ngữ và khi rảnh rỗi còn biết chơi games online, chat chít, dạo Internet...
Chất giọng Sài Gòn do pha trộn âm điệu cả ba miền mà nên. Cái nền là giọng Nam bộ, mạnh mẽ, cứng rắn và hơi có nét dễ dãi đến mức làm biếng, tạo nên đặc thù không trộn vào đâu được. Chính cái nét dễ dãi làm cho cách phát âm của người Sài Gòn có vài từ sai âm cuối. Các cặp từ “nhạc và nhạt”, “gòn và goòng”, “ít và ích”, “năn và năng” hay phụ âm đầu “v và z”,... thường bị nghe như đồng âm. Người Sài Gòn phát âm cũng hay lầm lẫn giữa dấu “hỏi” và “ngã”. Nhưng do sự pha trộn, chỉnh sửa trong quá trình hòa nhập các cộng đồng dân cư, thêm vào đó là mặt bằng văn hóa trên đất Sài Gòn cũng tăng dần, nên các sai sót này ngày càng giảm dần.
Nhờ vậy, dân mọi miền đến đây, nghe giọng Sài Gòn đều thấy dễ hiểu. Và cũng chính vì vậy mà đài phát thanh, truyền hình chọn các MC có chất giọng Sài Gòn trong chương trình. Ngôn từ Sài Gòn rất đa tạp, pha trộn nhiều phương ngữ trên khắp mọi miền đất nước, kể cả tiếng lóng, tiếng nước ngoài. Dân Sài Gòn ở mọi tầng lớp, khi nói chuyện hay đệm vài từ tiếng nước ngoài, như Anh, Pháp, Hoa. Chẳng phải họ muốn khoe, mà là do nghe riết, nói riết rồi thành thói quen.
Đất của người tứ xứ
Sài Gòn càng phát triển, càng lôi cuốn bao nhiêu nhân lực, tài lực từ các nơi đổ về. Đồng thời, nhân lực, tài lực đổ về làm cho thành phố lại phát triển thêm, như một vòng nhân quả bất tận. Sự phát triển của Sài Gòn hầu như không do áp đặt, mà do nhu cầu tự nhiên. Sự phát triển này cứ như cơn lốc, cuốn hút bao cuộc đời, bao con người từ mọi nơi đến đây để sống và làm việc, để tìm sự bình an hoặc để thử thời vận. Người ta đến từ mọi miền đất nước, thậm chí từ nhiều quốc gia trên thế giới. Dù có những lúc khó khăn, nhưng dòng chảy nhân vật, tài lực vẫn cứ ồ ạt đổ về Sài Gòn. Chính cái dòng chảy này, làm hòa trộn nhiều nền văn hóa, truyền thống của mọi miền đất nước, trong khu vực và trên thế giới, khi du nhập vào Sài Gòn, giúp cho Sài Gòn vừa có nét đặc thù, vừa có nét hài hòa giữa các nền văn hóa, truyền thống.
Sài Gòn là mảnh đất dễ cắm rễ, dù giàu hay nghèo, dù giỏi hay dở, mọi người đều có thể tìm được chỗ đứng ở đây, để mà đơm bông kết trái. Rất nhiều dân tứ xứ đến Sài Gòn đã ăn nên làm ra trên mảnh đất giàu lòng hiếu khách này. Dễ nhận thấy có nhiều tài năng từ các địa phương khác được phát hiện và phát triển tại mảnh đất Sài Gòn trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
Người Sài Gòn rất thực tế, sống đúng thực chất của mình, không giả tạo, không se sua, không đua đòi quá phận. Nhìn một người dân Sài Gòn, người nơi khác khó có thể đoán được, người đó thuộc hạng nào, trí thức hay bình dân, công nhân hay viên chức, giàu hay nghèo, đang đi chơi hay đi làm việc... Một người nghèo cũng có thể bước chân vào nơi sang trọng để thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn. Ngược lại, một người cực kỳ giàu có, cũng có thể ngồi chung với đám bình dân trong quán ăn của người lao động. Đó là nét rất riêng của người Sài Gòn. Công việc dễ tìm, cuộc sống dễ dãi, thời tiết dễ chịu, lòng người dễ hòa nhập, khiến Sài Gòn trở thành miền đất hứa.
Người Sài Gòn ít chú ý đến trang phục, trừ những trường hợp đặc biệt. Ra đường, dân Sài Gòn đa số thường mặc quần áo, đi giày dép rất tùy tiện, miễn sao không quá tệ. Trẻ hay già, trai hay gái, thích sao thì mặc vậy, chẳng thèm quan tâm xem mọi người xung quanh như thế nào, thậm chí đa số đều không thích ăn mặc giống người khác. Bạn khó nhìn thấy một lúc hai người bận quần áo giống hệt nhau, nếu không phải là đồng phục.
Nhiều người thích bận quần jean và áo pull, chỉ vì sự tiện lợi và bản tính dễ dãi, chứ không phải vì mode. Họ bận quần jean, áo pull kể cả trong tiệc cưới mà không sợ bị xem là bất nhã.
Người Sài Gòn ăn uống cũng dễ dãi, vì họ ăn chỉ cầu no và đủ chất, không cầu kỳ. Nếu không thích, thì lần khác không ăn món đó, không vào quán đó. Tiện thì góp ý vài câu, nếu chủ quán tỏ ra biết lắng nghe. Nhưng khi cần đi nhà hàng đãi bạn, đãi người thân... thì lại tỏ ra rất “sành điệu”, dù là không khá giả gì. Từ người giàu đến kẻ nghèo đều biết chọn nhà hàng, chọn món ăn, món uống rất kỹ, tất nhiên là theo túi tiền của mình. Ở Sài Gòn, bạn là người có thu nhập thấp, nếu chịu khó tìm hiểu, vẫn có thể tìm được những chỗ ăn hợp với túi tiền mà ai cũng chấp nhận được. Ngược lại, mọi món ăn ngon nhất, đắt nhất, ở khắp nơi trên mọi miền đất nước, đều có mặt ở Sài Gòn. Hầu như các món ăn ở các nơi du nhập vào Sài Gòn đều được điều chỉnh khẩu vị cho phù hợp với cư dân nơi này.
Có một nét đặc thù của Sài Gòn, nên nói ra để làm kết luận. Đó là, hầu hết mọi người đến sống và làm việc ở Sài Gòn vài năm đều cảm thấy mình như người dân của thành phố này.
http://www.thesaigontimes.vn/128758/Tinh-cach-Sai-Gon.html
Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015
Lời bóng đêm
Bùi Kim Anh
1. Tôi không biết mất ngủ từ lúc nào
Đã nhiều đêm không trọn giấc
Hạnh phúc ư những ý nghĩ tự do mở mắt
Ngoài kia ánh đèn đường rọi vệt sáng như trăng
2. Tôi đã sống nhiều năm chịu nhiều đau khổ
Tôi cho tôi là người đau khổ nhất trên đời
Và tôi biết là tôi luôn ngộ nhận
Có bất hạnh nào sánh với bất hạnh nào được đâu
3. Trời đã định bước ta đi
Còn chặng cuối ngắn dài không biết nữa
Sót lại vui của những gì vui nhất
Ru ta nửa giấc chạm rạng ngày
Đã nhiều đêm không trọn giấc
Hạnh phúc ư những ý nghĩ tự do mở mắt
Ngoài kia ánh đèn đường rọi vệt sáng như trăng
2. Tôi đã sống nhiều năm chịu nhiều đau khổ
Tôi cho tôi là người đau khổ nhất trên đời
Và tôi biết là tôi luôn ngộ nhận
Có bất hạnh nào sánh với bất hạnh nào được đâu
3. Trời đã định bước ta đi
Còn chặng cuối ngắn dài không biết nữa
Sót lại vui của những gì vui nhất
Ru ta nửa giấc chạm rạng ngày
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)