" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015
Pháp luật cho chết “êm ái” thì cũng là y đức
Thu Thảo (tổng hợp)
.Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nếu pháp luật cho phép thực hiện “cái chết êm ái” thì đây cũng là y đức…
Đề xuất cho hỗ trợ bệnh nhân “cái chết êm ái”
Tại Hội thảo Góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) ngày 14/4, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng, Việt Nam đã có quy định về quyền sống vì thế cũng nên quy định về quyền chết.
Ông Quang phân tích, lâu nay mọi người quan niệm chết phải theo quy luật tự nhiên, nghĩa là không còn khả năng để sống được nữa (các chỉ số sinh tồn không còn), nhưng cũng có trường hợp chết vật vã (ung thư giai đoạn cuối, họ bị khủng hoảng về sức khỏe và tinh thần) người ta rất mong muốn được chết. Vì vậy, cái chết ở đây phải được can thiệp của cơ quan chuyên môn.
“Cái chết êm ái” là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã và đang tranh cãi rất gay gắt. Tuy nhiên, đã có một số nước công nhận “quyền được chết” của công dân với nhiều tên gọi như “cái chết êm ái”, an tử, trợ tử… hoặc ban hành đạo luật riêng như Luật Chết, Luật Điều trị vô ích.
Hiện nay, các nước phát triển như Hà Lan, Bỉ, Mỹ, Argentina, Hàn Quốc… Một số nước khác lại cho phép hỗ trợ một số hoạt động tự tử như Anh, Thụy Sĩ. Việc thực hiện “cái chết êm ái” này phải đảm bảo những điều kiện chặt chẽ và có kết luận của hội đồng y khoa.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, ở một số quốc gia trên thế giới có quy định về quyền được chết như vậy thì chúng ta cũng nên xem xét đưa quyền đó vào luật. Nếu làm được, những người có nhu cầu khi chết được ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, không phải ra đi trong đớn đau, khủng khoảng sang chấn về tinh thần.
TS Nguyễn Huy Quang
Theo ông Quang, quan điểm của ngành y là cứu người bệnh đến hơi thở cuối cùng, còn nước còn tát nhưng những người đó cũng chỉ sống thêm được vài ba ngày nhưng họ sống trong đau đớn, khủng hoảng …
“Nếu pháp luật cho phép được thực hiện trong những trường hợp như vậy thì thực tế tôi cho đây cũng là y đức. Giúp người bệnh trở về thế giới bên kia trong thanh thản, nhẹ nhàng, mà không có sự mâu thuẫn trong lời thề Hypocrat”, ông Quang nói.
Trước đó, ông Trương Hồng Quang – Viện Nghiên cứu pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng: Việc đưa “cái chết êm ái” thành quy định trong luật chắc chắn sẽ vấp phải nhiều ý kiến phản đối cho rằng đi ngược lại truyền thống, phá vỡ tính ổn định xã hội, cổ súy cho cái chết, coi thường sự sống…
“Luật này cũng có ý nghĩa. Truyền thống là do con người tạo ra thì cũng có thể thay đổi, tiệm cận với những nhu cầu mới của xã hội hơn. Bên cạnh đó, quyền được chết là tùy nghi, do bệnh nhân chọn lựa và họ cần được hỗ trợ nếu quyết định chết khi mắc bệnh nan y… ” – ông Quang nhận định.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại cho phép “cái chết êm ái” (hay an tử, trợ tử) là “khuyến khích tự tử”. “Lo ngại đó là không có cơ sở vì quyền chết là quyền có điều kiện, phải có kết luận y khoa, sự tư vấn của bác sĩ tâm lý, có hội đồng phê duyệt. Không có chuyện ai muốn chết thì chết”- ông Quang nói.
Ảnh minh họa
Ông Quang cho rằng, không nên đưa vấn đề an tử vào Luật Dân số: “Pháp luật dân số quy định về các vấn đề liên quan tới dân số. Trong khi đó, về mặt lý thuyết thì “cái chết êm ái”, hay chính xác hơn là quyền được chết là một quyền nhân thân.
Nếu được công nhận, trước hết phải được ghi nhận thành một quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự. Sau đó có thể hướng dẫn cụ thể quyền này ở Luật An tử hoặc một nghị định của Chính phủ. Việc đưa vấn đề an tử vào Luật Dân số là không phù hợp”.
Theo ông Quang, quyền được chết đã được đưa vào dự thảo Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 nhưng đã không được thông qua và hiện lại được đề cập trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự.
———-
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/phap-luat-cho-chet-em-ai-thi-cung-la-y-duc-3242936/
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét