Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Những đứa trẻ không đổ vừa khuôn





Bạn sẽ dễ dàng nhận ra chúng trong một lớp học, hoặc trong một sân chơi. Những đứa trẻ ‘không đổ vừa khuôn’ thường ngồi một mình một góc, chơi một mình một trò, chọc phá các bạn khác, chống đối các kỉ luật, lơ đãng và hay hỏi những thứ không ai hiểu nổi…


Chúng bao giờ cũng bị coi là thành phần ngoại vi, hoặc người ta không thèm để ý đến, hoặc người ta phát cáu và đuổi ra khỏi lớp học, hoặc bất lực và mặc kệ chúng muốn làm gì thì làm.

Lẽ dĩ nhiên, là cha mẹ, ai cũng muốn con mình là con ngoan trò giỏi, đi học được cô giáo khen, đi chơi chan hòa với bạn bè, ở nhà nghe lời bố mẹ, ra đường tự tin lễ phép. Và họ thường so sánh: tại sao các bạn khác được như thế, mà con mình thì không. Họ không mệt mỏi tìm những biện pháp để nhốt chúng vào một cái khuôn nào đó, nhưng càng muốn nhốt chúng lại càng muốn trồi ra, trượt đi.

Thực ra, trong quá trình tiếp xúc với rất nhiều trẻ con, tôi nhận thấy một tiềm năng rất to lớn ẩn bên trong những đứa trẻ không đổ vừa khuôn. Về bản chất, chúng là những đứa trẻ tốt một cách thái quá: hiền lành thật thà một cách thái quá, năng động một cách thái quá, thông minh một cách thái quá, sáng tạo và giàu tưởng tượng một cách thái quá, nhạy cảm và mơ màng thái quá…

Vì những thái quá đó, chúng trật ra khỏi mọi khuôn khổ, phép tắc, bị tách khỏi đám đông. Ở trường, người ta gọi chúng là nhóm học sinh cá biệt, hoặc với đủ các thứ danh hiệu hay ho: trẻ tự kỉ, kẻ phá bĩnh vô phương cứu chữa, hoặc khủng hơn, trẻ hư hỏng, sao quả tạ… Chúng là nỗi kinh hoàng của giáo viên và đối tượng gièm pha của các bạn trong lớp và nỗi thất vọng, bất lực, đau khổ của phụ huynh.

Dưới áp lực khủng khiếp của kiểm tra, thi cử, thành tích, những đứa trẻ không đổ vừa khuôn thường là những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau. Trong khi các thang bậc đánh giá cố gắng nén tất cả các đứa trẻ vào một cái khuôn, thì người ta không có cách nào nhốt những đứa trẻ không đổ vừa khuôn vào bất cứ một cái rọ chung nào.


Làm thế nào để có một kì thi chung cho những đứa thiên tài chọc phá, những thi sĩ đắm mình trong thế giới nội tâm, những kẻ mơ mộng hão huyền, những đứa trẻ có tư duy phê phán quá xuất sắc, những kẻ luôn ấp ủ trong đầu một ý tưởng đột phá, những đứa trẻ viết tay trái cực chậm và xấu nhưng bộ não lại chạy với tốc độ quá nhanh? Và thế là, chúng luôn đứng bét trong các kì thi chuẩn mực, và thật khó có một sân chơi nào phù hợp với chúng.

Những môn học hữu hạn trong nhà trường cũng không đáp ứng nổi nhu cầu của chúng. Một nhịp điệu cuộc sống ngày nào cũng như ngày nào làm chúng cảm thấy chán nản. Lũ bạn bè luẩn quẩn với những trò chơi tẻ nhạt không thuyết phục được chúng. Và thế là, tuy thuộc những loại không đổ vừa khuôn rất khác nhau, song chúng đều có một điểm chung đó là sự cô đơn. Chúng chẳng những không hòa nhập với những đứa trẻ vừa khuôn, mà cũng chẳng tìm được tiếng nói chung với những đứa trẻ không đổ vừa khuôn như chúng.

Cảm giác cô đơn, đôi khi rất cần thiết để chúng tự xác lập mình như một cái tôi khác biệt. Ý thức mình là khác biệt khiến cho chúng dám đi trên con đường mà chúng lựa chọn. Trong khi những đứa trẻ khác thường rất dễ bị cuốn vào dòng chảy của các áp lực và trào lưu thời thượng, những kẻ cô đơn ý thức được rất rõ mình cần gì.

Những đứa trẻ vừa khuôn thường trở thành những kẻ a dua a tòng phụ thuộc vào kẻ khác, thì những kẻ cô đơn thường tự tạo cho mình một sân chơi với những luật lệ riêng. Những thiên tài nghệ thuật, những bộ óc trác tuyệt về khoa học, thậm chí những nhà lãnh đạo lừng danh chẳng phải đã từng là những đứa trẻ không đổ vừa khuôn hay sao? Chẳng phải con đường họ đi trong suốt cuộc đời luôn luôn là một hành trình đầy liều lĩnh, thậm chí gàn dở và luôn luôn cô đơn hay sao?

Nhưng cảm giác cô đơn cũng có thể khiến chúng trở nên yếu đuối và dễ bị tổn thương. Vì lẽ đó, bên trong những vẻ ngoài vô cảm, lì lợm, khó ưa, rất có thể là một trái tim mỏng manh cần được che chở. Chúng vô cùng nhạy cảm với những định kiến, sự phân biệt đối xử, sự áp đặt, nhạo báng… và luôn trong tư thế tự vệ, xù lông như một con nhím hoặc thu mình lại trong vỏ ốc.


Dường như chả có một công thức nào trong việc tiếp cận một đứa trẻ không đổ vừa khuôn, bởi chúng bao giờ cũng là một bản thể vô cùng phức tạp, thất thường. Cảm giác về sự cô đơn tạo nên một bức tường ngăn chúng với đồng loại, khiến cho chúng thật khó có thể giãi bày với kẻ khác, và thậm chí có khi tạo nên cho chúng một lớp vỏ bọc trái ngược hoàn toàn với bản chất bên trong.

Như mọi đứa trẻ khác, chúng mong muốn được quan tâm và yêu thương. Nhưng cách mà chúng làm để thu hút sự chú ý của người khác nhiều khi dễ gây nên sự hiểu lầm: chúng luôn đòi hỏi thái quá, muốn làm nổi bật sự hiện diện của bản thân trong cuộc sống bằng những hành động ngược đời, dại dột. Thay vì tỏ ra ngoan ngoãn tuân phục, chúng lại muốn chiếm cảm tình của người khác bằng sự chống phá. Đôi khi, một hành động phá phách ngạo ngược nhất của những đứa trẻ không đổ vừa khuôn lại xuất phát từ một động cơ không gì chính đáng và dễ thương hơn: được tôn trọng và yêu thương.

Chỉ có những trái tim co dãn mênh mông, một con mắt có khả năng nhìn xuyên thấu tâm can kẻ khác, cùng với một sự bình tĩnh và khả năng kiềm chế vô hạn độ mới chịu đựng nổi những cung bậc cảm xúc luôn luôn thái quá và những đòi hỏi nhiều khi phi lý của những đứa trẻ không đổ vừa khuôn.

Sự giáo dục, nói chung, chẳng bao giờ có công thức. Không có một công thức chung nào để có thể thuyết phục, cảm hóa vài tỉ con người sinh ra vào những giờ khắc khác nhau, trong những không gian và điều kiện khác nhau. Không có một dây chuyền sản xuất nào có thể sản xuất ra những sản phẩm giáo dục hoàn hảo như nhau. Không có một chương trình nào có thể làm hài lòng tất cả các mong đợi khác nhau của phụ huynh lẫn học sinh.

Làm giáo dục, có nghĩa là bạn luôn phải đương đầu với thách thức, nhưng lại chỉ có thể dựa vào bản thân. Bạn phải hiểu biết về con người nói chung, nhưng bạn không được phép bỏ qua mỗi cá thể. Mỗi cá thể luôn là độc lập, riêng biệt, không hoàn hảo, thất thường, thái quá, vì vậy không thể nhốt chúng vào một khuôn. Khi không thể nhốt vào một khuôn, bạn đừng trông đợi vào một phác đồ điều trị nào mà người khác chỉ định, bạn phải tự tìm ra cách điều trị đối với mỗi trường hợp khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất, nền tảng của tất cả, luôn là một sự lắng nghe đầy kiên nhẫn, tôn trọng và cảm thông.

Nguyễn Thị Ngọc Minh – Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

NHỮNG CẢN ĐƯỜNG TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ BIẾN ĐỔI XÃ HỘI: PHÊ BÌNH CỦA PHẬT GIÁO VỀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HIỆN ĐẠI VÀ TOÀN CẦU HÓA






GSTS. K.T.S. Sarao *

Nguyên Định dịch




Từ “phát triển bền vững” đã trở nên phổ biến rộng rãi sau khi được 
sử dụng trong báo cáo năm 1987 của Ủy ban Thế giới Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển, Tương lai chung của chúng ta, thường được gọi là Báo cáo Brundtland. Trong báo cáo này, sự cần thiết cho việc kết hợp giữa phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ công bằng xã hội và hòa nhập được giới thiệu lần đầu tiên. Định nghĩa Phát triển bền vững trong báo cáo Brundtland được sử dụng nhiều nhất là: 
“Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng các nhu cầu của hiện tại 
mà không ảnh hưởng đến khả năng của thế hệ tương lai để đáp ứng 
nhu cầu của họ” (Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển: Chương 2). Tiếp theo hội nghị Rio +20 (với Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển ) và tài liệu đúc kết được gọi là Tương lai chúng tôi muốn, Chương trình nghị sự 21, và Kế hoạch Johannesburg về Thực thi ( JPOI ), Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã đóng vai trò quan trọng trong việc huy động, tạo điều kiện hợp tác khuôn khổ LHQ để đảm bảo rằng các chuyên viên, chương trình, nguồn lực hỗ trợ chiến lược toàn cầu, khu vực và quốc gia đều nhằm đến các khối xây dựng phát triển bền vững. 
Nếu xem xét các mối quan tâm nêu lên bởi Hội đồng ECOSOC, có thể nói rằng xã hội loài người ngày nay đang đi dần về ngày tận thế, chủ yếu bởi vì nó đã đi theo những gì Phật giáo gọi là con đường sai lầm (agatigamana) để phát triển. Một e ngại như vậy cũng được nói lên trong cuốn sách nổi tiếng Các giới hạn tăng trưởng xuất bản năm 1972. Cuốn sách này kiểm tra năm biến số (dân số thế giới, công nghiệp, ô nhiễm, sản xuất lương thực, và cạn kiệt tài nguyên) trên mô hình máy tính về tăng trưởng kinh tế và dân số theo cấp số nhân với nguồn cung cấp tài nguyên hữu hạn. Những phát hiện được tìm ra là ngay cả khi nguồn tài nguyên mới được khai thác trong thời gian tới, dự trữ hiện tại thay đổi, các nguồn lực vẫn hữu hạn và cuối cùng sẽ bị cạn kiệt. Cuốn sách dự báo rằng những thay đổi trong sản xuất công nghiệp, sản xuất lương thực, và ô nhiễm đều đi dần đến sự sụp đổ kinh tế và xã hội sẽ diễn ra trong thế kỷ hai mươi mốt (xem Meadows và Meadows năm 2004; Hecht 2008). 

Cuộc khủng hoảng này chính xác như thế nào khi lòai người phải đối mặt? Ai và những gì phải chịu trách nhiệm? Làm thế nào điều này có thể tránh được? Quan điểm Phật giáo về cuộc khủng hoảng đó là gì? Một nỗ lực được thực hiện trong bài viết này để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên.

Ở chủ nghĩa tư bản hiện đại, trong đó giá trị đạo đức không được xem là quan trọng vì bị kiểm soát và điều hành bởi chủ nghĩa tiêu thụ và các thương gia. Trong hệ thống như vậy mục tiêu công khai của các tổ chức tài chính là kiếm tiền cho chính họ, điều mà các nhà kinh tế học gọi là tối đa hóa lợi nhuận nhưng luôn biến hóa thành chiếm đọat quyền sở hữu của cải. Tuy nhiên, như đã chỉ ra bởi Amartya Sen, “một sự rời xa tối đa hóa lợi nhuận không nhất thiết là điều lành, cũng như các tình cảm đạo đức không luôn luôn là cao quý. Một số điều man rợ tồi tệ nhất trên thế giới đương đại đã được thực hiện bởi những kẻ phân biệt chủng tộc hiến mình hầu làm hại một số người khác, thậm chí với chi phí lớn hoặc rủi ro cho bản thân họ. Trên thực tế, quá trình này vẫn tiếp tục hiện nay với sự kiên trì không ngừng... Sự từ bỏ cuộc sống chỉ vì mình có thể đi đôi với bạo lực nhằm đạt đến lợi ích cho một nhóm hay cộng đồng (nhưng lọai trừ những người khác), và ngay cả với sự cố ý gây thiệt hại trên một nhóm hoặc cộng đồng khác” (1997 : 6). Sản xuất và phân phối hàng hóa được độc quyền bởi các tổ chức lớn và thông qua việc sử dụng phương tiện thông minh tạo ra ham muốn vô độ cho quần chúng nhằm sở hữu nhiều hơn và nhiều hơn nữa.
 Quảng cáo và áp lực tâm lý dưới những hình thức khác nhau được sử dụng để tăng cường sự thèm muốn tiêu thụ tối đa và lối sống tiêu thụ quá lố đang được quảng bá rầm rộ. Khách hàng bị dụ dỗ mua hàng càng nhiều càng tốt, bất kể họ có cần hay không hay liệu có đủ tiền để trả. Do đó, mọi thứ được mua không phải vì người ta cần dùng mà vì lòng ham muốn chúng. Trong thực tế, xã hội tiêu dùng được đặc trưng bởi niềm tin tưởng rằng việc sở hữu nhiều thứ là phương tiện chính để đạt hạnh phúc; do đó, tiêu thụ được chấp nhận “như một cách tự phát triển, tự thực hiện, và tự hoàn thiện” ( Benton 1997: 3). 

Trong thực tế, chủ nghĩa tiêu thụ đã ăn sâu vào cuộc sống hiện đại mà các học giả như David Loy (1997 : 283 ) xem nó là một tôn giáo thế giới mới có quyền lực nằm trong kỹ thuật chuyển đổi cực kỳ hiệu quả. Tôn giáo này, theo Loy, hoạt động trên nguyên tắc không những tăng trưởng và tăng cường thương mại thế giới sẽ có lợi cho tất cả, mà tăng trưởng cũng sẽ không bị hạn chế bởi các giới hạn vốn có của một hành tinh hữu hạn. Sai lầm cơ bản là nó làm cạn kiệt hơn là xây dựng “vốn đạo đức” ( Loy 1997: 283 ). Như đã chỉ ra bởi Erich Fromm, hệ thống kinh tế hướng về lợi nhuận không còn được xác định bởi câu hỏi: Điều gì tốt cho con người? mà được xác định với câu hỏi: Điều gì tốt cho sự phát triển của hệ thống? Hơn nữa, tiêu thụ có tính cách mập mờ: Nó làm giảm lo lắng, bởi vì những gì người ta đã có không thể bị lấy đi, nhưng nó cũng đòi hỏi người đó ngày càng tiêu thụ hơn nữa, bởi vì tiêu thụ trước đó đã hòan tất sự thỏa mãn. Trên thực tế, hệ thống hướng về lợi nhuận toàn cầu hóa này hoạt động trên nguyên tắc rằng tính vị kỷ, ích kỷ, tham lam là điều kiện tiên quyết cơ bản cho sự hoạt động của hệ thống; và sẽ dẫn đến sự hòa hợp, hòa bình. Tuy nhiên, tính vị kỷ, ích kỷ và tham lam không phải là bẩm sinh trong bản chất con người cũng như không được thúc đẩy bởi nó. Chúng đa phần là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội. Hơn nữa, tham lam và hòa bình loại trừ lẫn nhau (Fromm 2008: 5-8, 23). Từ quan điểm Phật giáo, sản xuất nhiều của cải vật chất, tiêu thụ nhiều và lòng thèm muốn (taṇhā) không nhất thiết dẫn đến gia tăng hạnh phúc. Đạo Phật dạy rằng để đi đến giai đoạn cao nhất của phát triển con người, người ta không khao khát sở hữu. Hơn nữa tác động của chủ nghĩa tiêu thụ lên tâm lý và tinh thần của người tiêu dùng đi ngược lại với sự bền vững môi trường, đặc biệt là sự mất mát quan trọng của nhận thức về thế giới tồn tại bên ngoài lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Như đã chỉ bởi Fritjof Capra, “nỗi ám ảnh của chúng ta về tăng trưởng kinh tế và hệ thống giá trị cơ bản đã tạo ra môi trường vật lý và tinh thần; trong đó cuộc sống trở nên cực kỳ không lành mạnh. Có lẽ khía cạnh bi thảm nhất của cảnh tiến thoái lưỡng nan xã hội này là hệ thống kinh tế đang gây ra mối nguy hiểm cho sức khỏe không chỉ bởi quá trình sản xuất mà còn do tiêu thụ nhiều hàng hóa được làm ra; rất nhiều quảng cáo để duy trì tăng trưởng kinh tế” (1983: 248). Tương tự như vậy, Erich Schumacher, tác giả sách Nhỏ là đẹp, đã cảnh báo thái độ sống tìm cách theo đuổi đến cùng của cải, có nghĩa là chủ nghĩa vật chất không phù hợp với thế giới này, bởi vì nó không bao hàm nguyên tắc hạn chế, trong khi môi trường sinh sống bị giới hạn nghiêm ngặt. Thái độ như vậy, ông chỉ ra, mang trong nó những hạt giống của sự hủy diệt. Thái độ duy vật chất là con quái vật của đạo đức, tinh thần và siêu hình vì “tiến hành các hoạt động kinh tế của con người như người ta thực sự không lo lắng gì cả. Một hệ thống hoàn toàn mới của tư tưởng dựa trên sự chú ý đến con người thay vì hàng hóa là cần thiết. Nó có thể được tóm gọn trong cụm từ “sản xuất của quần chúng, chứ không phải là sản xuất hàng loạt” (Schumacher 1973 : 17-18, 56, 119 ). Kết quả cuối cùng của việc này là chúng ta cần phải xem xét nghiêm túc không chỉ thái độ và lối sống của chúng ta mà ngay cả chính sách chi phối việc sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo và không tái tạo, khoa học và công nghệ, quy mô cũng như định hướng của công nghiệp hóa.

Ngoài sự thực là các nước phát triển chủ yếu thông qua công ty đa quốc gia, các tổ chức tài chính và pháp lý toàn cầu tiếp tục khai thác các nước đang phát triển. Một trong những lỗ hổng lớn của hệ thống tiêu dùng toàn cầu hóa hiện nay là nó thúc đẩy cạnh tranh hơn hợp tác. Thái độ cạnh tranh, thù địch hoặc cảm giác liên tục phải chống lại cái gì đó không chỉ tạo ra xung đột và sự oán giận mà còn gây tác dụng phụ không lành mạnh. 
Như Bertrand Russell một lần chỉ ra, “Điều duy nhất sẽ cứu nhân loại là hợp tác, và bước đầu tiên hướng tới hợp tác nằm trong trái tim của các cá nhân” (1954 : 204). Các cá nhân có kỹ năng hợp tác có nhiều sáng tạo hơn và tâm lý điều hòa tốt hơn. Ở cấp quốc tế, đối kháng lẫn nhau giữacác quốc gia có kết quả không chỉ trong việc hàng tỷ đô la bị lãng phí mỗi năm, trong việc sản xuất vũ khí mà còn một mảnh lớn nguồn nhân lực khoa học công nghệ bị hướng vào công nghiệp chiến tranh. Đáng buồn thay, không chỉ các nhà kinh tế e ngại với thời gian khi chúng ta dừng lại vũ khí sản xuất, nhưng ngay “ý kiến cho rằng Nhà nước cần tạo ra nhà ở, những điều hữu ích và cần thiết khác cho dân chúng thay vì vũ khí, cũng dễ dàng bị buộc tội gây nguy hiểm cho tự do và sáng kiến cá nhân” 
(Fromm 1955: 5).

Như đã nêu trên, chủ nghĩa tư bản hiện đại kèm theo toàn cầu hóa gây nên sự tham lam và ích kỷ, thành công cá nhân được đánh giá cao hơn trách nhiệm xã hội. Các nhà lãnh đạo chính trị và giám đốc điều hành doanh nghiệp thường có những quyết định vì tư lợi. Hơn nữa, “công chúng cũng rất ích kỷ khi chỉ chú tâm đến vấn đề riêng tư mà ít chú ý đến những gì vượt qua lĩnh vực cá nhân... Do đó người mạnh mẽ, thông minh hơn, hoặc gặp may nhiều hơn ... cố gắng tận dụng lợi thế đối với những người yếu kém, hoặc bằng vũ lực và bạo lực hoặc bằng các đề nghị... Xung đột trong xã hội không thể biến mất khi tham lam ngự trị tâm hồn con người” (Fromm 2008: 10-11, 114). Một xã hội được thúc đẩy bởi tham lam mất khả năng nhìn thấy những điều trong lành và chúng ta không biết khi nào là đủ. “Niềm hy vọng chỉ theo đuổi sự giàu có mà không lưu tâm đến các câu hỏi tinh thần, đạo đức; chúng ta có thể thiết lập hòa bình trên trái đất,… là niềm hy vọng không thực tế, không khoa học, và không hợp lý... Những nền tảng của hòa bình không thể dựa trên nhu cầu lớn về tài nguyên thế giới hạn chế, và khiến cho giới giàu có va chạm không những với người nghèo (những người yếu đuối và kém tự vệ) mà còn với những người giàu khác” ( Schumacher 1973: 18-19 ). Về vấn đề này, có thể nói Phật giáo xem lòng tham (tâm tham- lobha: Morris và Hardy 1995-1900: iv.96 ) và tính ích kỷ như những khổ đau hàng đầu (vị kỉ- avaññattikāma:Morris và Hardy 1995-1900: ii.240 iv.1 ; asmimāna Oldenberg 1879 -1883 : i.3; Rhys Davids và Carpenter 1890-1911: iii.273; Trenckner và Chalmers 1888-1896: i.139, 425; Morris và Hardy 1995-1900: iii.85 ). 

Phật giáo không ngại sự giàu có và thịnh vượng miễn là chúng được mua và sử dụng phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Vấn đề thực sự nằm trong xu hướng con người đi tìm điều Đức Phật gọi là tham ái (taṇhā). Trong hệ thống kinh tế hiện nay, theo Schumacher, bất cứ điều gì không đem đến lợi nhuận (economic) đều bị xóa sạch (1973 : 27). Theo quan điểm của Phật giáo, lợi nhuận một mình không thể là biện pháp đầy đủ cho một cái gì đó gọi là kinh tế. Ngoài việc tính đến lợi nhuận của một hoạt động, nhất định, ảnh hưởng của nó đối với con người và môi trường, bao gồm các cơ sở tài nguyên, cũng không kém phần quan trọng.

Một lỗ hổng khác của hệ thống người tiêu dùng toàn cầu hóa hiện nay là sự nới rộng phân chia giữa người giàu và người nghèo. Theo Báo cáo phát triển con người của Liên Hợp Quốc năm 1992, tỷ lệ người giàu chiếm 83% trên thế giới, còn tỷ lệ người nghèo chỉ chiếm 1.4% (xem Elgin 1993: 42). Sẽ không thực tế để mong đợi hòa hợp tinh thần, tâm lý và xã hội trong một thế giới vẫn còn chia rẽ vật chất như vậy. 

Là thành viên của một gia đình nhân loại chung, mỗi cá nhân phải có quyền dự phần một cách hợp lý vào các nguồn lực của thế giới, hầu thực hiện những nhu cầu cơ bản của mình; để chứng minh tiềm năng là một thành viên sản xuất và được tôn trọng trong gia đình toàn cầu. Điều này có nghĩa rằng, nhu cầu cấp thiết cho việc tiếp cận bình đẳng nguồn tài nguyên không chỉ giữa các quốc gia, mà còn giữa những con người không phân biệt giới tính và quốc tịch. Vì sự tuyệt vọng của người nghèo đã được xem là thuộc trách nhiệm ở mức độ nào đó từ việc lạm dụng các nguồn lực hạn chế. Cho nên bình đẳng kinh tế và công bằng xã hội rất quan trọng. Tuy nhiên, xã hội giàu có là vấn đề thực sự của thế giới ngày nay. Ví dụ, sự ra đời của một em bé Mỹ được ước tính như một mối đe dọa lớn hơn năm mươi lần cho môi trường, so với sự ra đời của một em bé Ấn Độ (Jones 1993: 14). Nghiên cứu cũng như các tài liệu đã chỉ ra rằng nạn đói thế giới gây ra bởi tình trạng khan hiếm lương thực là một huyền thoại, vì lượng thực phẩm sản xuất trong thế giới hiện nay đủ cung cấp cho khoảng tám tỷ người với chế độ ăn uống đầy đủ. 

Nguyên nhân chính là kinh doanh nông nghiệp trên thế giới bị phá hỏng bởi sự bất bình đẳng (xem Capra 1983: 257-258). “Nếu không có cuộc cách mạng công bằng, thế giới sẽ gặp những cuộc xung đột kinh niên do cạn kiệt nguồn tài nguyên; điều này sẽ khiến những hợp tác khó có thể đạt mức độ cần thiết” ( Elgin năm 1993 : 42). Về việc này, Phật giáo khuyến khích phân bố rộng nhu cầu cơ bản để không ai thiếu thốn, vì thiếu thốn là nguyên nhân gốc rễ của xung đột xã hội. Do đó, khi nói về nguyên nhân của xung đột xã hội, Đức Phật chỉ ra rằng,“hàng hóa không làm cho sự nghèo khó cơ cực lớn hoành hành; do đói nghèo ngày càng tăng, trộm cắp hoành hành cũng tăng lên, do trộm cắp lây lan nên bạo lực tăng trưởng nhanh chóng, do bạo lực phát triển nên sự tàn phá của cuộc sống trở nên phổ biến” (Rhys Davids và Carpenter 1890-1911 : iii.67 ). Từ góc độ Phật giáo, một xã hội lý tưởng sẽ theo phương châm của hạnh phúc và phúc lợi cho số lượng tối đa người dân (bahujanahitāya bahujanasukhāya: Oldenberg 1879-1883 : i.21 ). Xã hội như vậy, người ta không tìm kiếm sự hài lòng của chính mình mà lại trở thành một nguồn đau khổ (aghabhūta) cho những người khác (Feer 1884-1898: iii.189). Tích trữ tài sản dưới mọi hình thức không được xem trọng trong Phật giáo (Morris và Hardy 1995-1900 : iii.222). Nếu người giàu sang hưởng thụ tất cả tài sản của mình bằng cách chỉ cho chính mình, nó sẽ là nguồn gốc thất bại cho anh ta (Fausböll 1985: 102). Trong thực tế, một người nào đó làm việc vì lợi ích của sự giàu có (dhanahetu, Fausböll 1985: 122), sự ham làm giàu (dhanatthiko, Fausböll 1985: 987 ; bhogataṇhā, Sarao 2009: 355), hoặc tự hào về giàu sang, khoe khoang tài sản (dhanatthaddho, Fausböll 1985: 104) được coi là người thất bại, ngu dốt, làm hại chính mình và người khác. 
Như vậy, trong cách tiếp cận của Phật giáo về phát triển kinh tế xã hội, tiêu chuẩn chính trị hoạch định chính sách phải là hạnh phúc cho tất cả thành viên của xã hội như một đoàn thể, tức là sản xuất nên hướng tới phục vụ nhu cầu thực sự của người dân chứ không phải ngược lại. 

Hệ thống hiện nay tin rằng thực hiện các nhu cầu vật chất của nhân loại sẽ dẫn đến hòa bình và hạnh phúc. Nhưng đây là quan điểm sai lầm. Fromm nói, một động vật hài lòng khi các nhu cầu sinh lý, cơn đói, cơn khát, nhu cầu tình dục được thỏa mãn vì được bắt nguồn từ các yếu tố sinh hóa học trong cơ thể, nhưng chúng có thể trở nên điên tiết nếu không được thỏa mãn. Vì con người cũng là động vật, những nhu cầu này cần được thỏa mãn; nhưng con người là con người, sự hài lòng những nhu cầu bản năng này không đủ làm cho người ta hạnh phúc, khi hạnh phúc phụ thuộc vào sự hài lòng của những nhu cầu và niềm đam mê đặc biệt của con người. Những nhu cầu thiết yếu mà nền văn minh hiện đại không đáp ứng là “nhu cầu liên hệ, siêu việt, sâu sắc, nhu cầu có một bản sắc, sự cần thiết cho một khung định hướng và sự đam mê” (Fromm 1955: 25, 28, 65, 67, 134). Theo quan điểm Phật giáo, vấn đề kinh tế và đạo đức 

không thể tách rời nhau bởi vì sự thỏa mãn chỉ các nhu cầu kinh tế 
nếu không phát triển tâm linh thì không bao giờ dẫn đến bình an trong quần chúng
( còn tiếp)

Tưởng Niệm Nhà Văn Hóa Trần Chung Ngọc (1931 – 2014)



Nguyên Diệu




Giáo sư Trần Chung Ngọc gặp Đại Đức Thích Nhật Từ và một số thân hữu nhân dịp giáo sư thăm Quận Cam tại Nam California năm 2004"
- Hình: Tư liệu của một Thân hữu

Vậy là giáo sư Trần Chung Ngọc từ giã cõi ta bà đã được một năm. Tôi chỉ đọc biết tư tưởng của ông qua 275 bài viết đã được đăng trên trang nhà của Giao Điểm. Và chân dung của ông trong tấm hình ông đứng trước căn nhà xanh màu cây cỏ có treo cờ Phật giáo in trong bài “Duyên Nợ Của Tôi Với Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo”.



Qua hầu hết những bài viết nầy, tôi phải xưng tụng ông là một nhà nghiên cứu tôn giáo rất sâu sắc và rất cần thiết cho người Việt Nam. Đặc biệt là Phật Giáo (PG) và Thiên Chúa Giáo (TCG) vì đa số bài ông viết là về hai tôn giáo nầy. Còn lại, ngoài những bài về khoa học tự nhiên, là một số bài chính trị về “Vài Nét Về cụ Diệm”, “Vài Nét Về cụ Hồ”, “chiến tranh Việt Nam”, “30 tháng 4 và tôi”, … một số rất ít là về các nhân vật TCG đặc biệt trong đó có 3 nhà trí thức Lữ Giang “đầu có sạn”, Chu Tất Tiến “hơi đần” và Nguyễn Văn Lục “không biết ngượng”.

Riêng với đạo TCG, chỉ cần đọc loạt bài “Công Giáo Hắc Sử”, một nghiên cứu công phu của ông, độc giả cũng có được cái nhìn chính xác về một tôn giáo đầy tội ác. Những tội ác mà giáo sư Ngọc trích từ trong Kinh Thánh và dựa trên thực tế lịch sử như dàn bài sau đây đã chứng minh:


- Phần Dẫn Nhập: Tại Sao Lịch Sử Đạo Công Giáo Là “Hắc Sử”

- Phần I: Núi Tội Ác Thứ Nhất: Ngăn Chận Sự Tiến Bộ Trí Thức Của Nhân Loại.

- Phần II: Núi Tội Ác Thứ Hai: Những Cuộc Thập Ác Chinh Mang Tên “Thánh Chiến”

- Phần III: Núi Tội Ác Thứ Ba: Những Toà Hình Án Xử Dị Giáo (The Inquisition)

- Phần IV: Núi Tội Ác Thứ Bốn: 300 Năm Săn Lùng Phù Thủy (Đa Số Là Phụ Nữ)

- Phần V: Núi Tội Ác Thứ Năm: Gây Hận Thù Và Bách Hại Người Do Thái



Trong những bài về đạo TCG, giáo sư Ngọc đặc biệt chú trọng đến các vị Giáo Hoàng (GH) từ ông Pétrus đầu tiên đến ông Franciscus hiện nay. Chín bài tập trung lên các ông GH và nước Vatican đã được giáo sư Ngọc trình bày cặn kẽ, đầy đủ với dẫn chứng “bất khả tư nghì”:

“BANG GIAO VỚI VATICAN?? – BANG GIAO NHƯ THẾ NÀO??” Những vấn đề cần phải giải quyết trước khi Việt Nam bang giao: Những xâm phạm văn hoá, những chiếm đoạt đất đai, tài sản từ thời thực dân qua thời Đệ I Việt Nam Cộng hoà. Đây là cái nhìn xuyên suốt của ông về các tôn giáo độc thần:

“những tôn giáo độc thần như Ki-Tô-Giáo, Do Thái Giáo, và Hồi Giáo, những tôn giáo cho rằng con người chỉ có quyền được thờ thần của họ, dù rằng thần của họ chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của người dân miền Trung Đông trong thời kỳ bán khai mà ngày nay đã không còn chỗ đứng trong những xã hội văn minh tân tiến”.

Và những hệ luỵ của loại tôn giáo đó trên đất nước Việt Nam cần được giải quyết trước khi nói đến bang giao: “vụ “phong thánh” cho 117 Việt gian và thực dân ở Việt Nam của Giáo hoàng John Paul II”

“BANG GIAO BẮC KINH – VATICAN??”Chính sách đối ngoại cứng rắn đối với Vatican của Trung Cộng đã đặt căn bản trên những sự thực mà giáo sư Ngọc trang trải một cách toàn diện từ GH đầu tiên đến John Paul II:

“1. Giáo hội Công Giáo tuyệt đối không phải là do Chúa Giê-su thành lập. Do đó, Phê-rô tuyệt đối không phải là Giáo hoàng đầu tiên. Do đó, các giáo hoàng của Giáo hội Công giáo tuyệt đối không phải là những người kế vị Phê-rô và không phải là đại diện của Chúa trên trần (Vicars of Christ).

2. Giáo hoàng John Paul II đã bác bỏ thuyết “Sáng Tạo” nghĩa là không làm gì có “tội tổ tông”. Do đó, vai trò “cứu chuộc” và “cứu rỗi” của Giê-su trở thành vô nghĩa. Giáo hoàng John Paul II cũng còn phủ nhận sự hiện hữu của một “thiên đường” hay “hỏa ngục”.

“QUANH VỤ GIÁO HOÀNG BENEDICT 16 XIN LỖI Ở ÚC VỀ NẠN LINH MỤC LOẠN DÂM TRONG GIÁO HỘI” Những nhắc nhở nhức nhối cho các giáo dân và người ngoại đạo về vết nhơ truyền kiếp của đạo TCG:

“ông ta thừa biết rằng, không phải bây giờ trong giáo hội Ca-Tô Rô-ma mới có các vụ loạn dâm, mà trong suốt giòng lịch sử của giáo hội, cũng có không thiếu gì những giáo hoàng, hồng y v..v.., không những loạn dâm mà còn loạn luân và phạm đủ mọi tội ác khác nữa” và “Chỉ trong nước Mỹ, các giáo khu đã phải bồi thường hơn 2 tỷ Đô-la để dàn xếp các vụ kiện của các nạn nhân, làm cho một số giáo khu phải bán các bất động sản và khai phá sản.”

■ “KHI GIÁO HOÀNG NÓI VỀ KHOA HỌC” Đây là một chủ đề ưa thích của giáo sư Vật Lý Trần Chung Ngọc. Vì vậy, ông đã xử dụng một loại lý luận căn bản mà ai cũng phải chấp nhận khi trích dẫn câu sau đây của nhà văn Ấn Độ S.T. Joshi:

“Bao giờ ta cũng có thể quả quyết rằng chính Gót đã tạo ra Big Bang, nhưng sự hiện hữu của Gót phải được thiết lập một cách độc lập trước khi chúng ta có thể cho rằng Gót đã làm nổ Big Bang.”

“GIÁO HOÀNG CÔNG GIÁO BENEDICT XVI vs. GIÁO CHỦ HỒI GIÁO MUHAMMAD”

Biến cố Giáo Hoàng Công Giáo Benedict XVI mượn lời của một ông Vua Ki Tô Giáo [Christian King] thuộc thế kỷ 14 ở vùng Byzantine, Manuel Paleologos II, để đả kích Giáo Chủ Hồi Giáo Muhammad là

“Hãy cho tôi biết Muhammad có mang lại cái gì mới hay không, và nhìn vào thì chỉ thấy những cái ác độc và phi nhân, chẳng hạn như ông ta ra lệnh hãy truyền bá đức tin mà ông ta rao giảng bằng gươm giáo.”

Đọc câu nầy thì không thể không nghĩ đến cuộc Thánh chiến “Thập Ác Chinh” (Crusade) kéo dài gần 200 năm để cho người Công Giáo liên tục thảm sát người theo Do Thái Giáo và Hồi Giáo.

■ “NÓI VỀ VIỆC GIÁO HOÀNG THÚ NHẬN 7 TỘI CỦA GIÁO HỘI ĐỐI VỚI NHÂN LOẠI ” Tháng 3 năm 2000 tại Vatican, GH Paul II, đã thú nhận 7 tội đối với nhân loại. Người Công giáo Việt Nam nghĩ sao về câu hỏi nầy của Giáo sư Ngọc:

“Tại sao một giáo hội do chính Chúa thành lập, thường tự xưng là "thánh thiện", là "ánh sáng của nhân loại", là quán quân về "công bằng và bác ái", được "thánh linh hướng dẫn" v.v... lại có thể phạm những tội ác vô tiền khoáng hậu trong suốt 2000 năm nay đối với nhân loại như vậy?”

■ “TÔI ĐỌC “SỨ ĐIỆP HÒA BÌNH” (1-1-2011) CỦA GIÁO HOÀNG BENEDICT XVI

Tổng Thống Thomas Jefferson, nhân tài chính trị của Mỹ, sau khi đọc cuốn “Thánh Kinh”, đã nhận định về Thiên Chúa của Ki Tô Giáo như sau:

“Thiên Chúa của Ki Tô Giáo là một con quỷ có ba đầu: độc ác, ưa trả thù, và đồng bóng… Chúng ta chỉ cần nhìn vào những người nói rằng họ phục vụ ông ta. Họ đều thuộc hai loại người: điên khùng và đạo đức giả [The Christian god is a three headed monster: cruel, vengeful and capricious.. One only needs to look at the caliber of people who say they serve him. They are always of two classes: fools and hypocrites] ,”

“VÀI NHẬN XÉT NHÂN ĐỌC THƯ CỦA GH BENEDICT XVI GỬI NGƯỜI CA-TÔ RÔ-MA Ở TRUNG QUỐC” Đây là một trong những trích dẫn mà tôi không đồng ý với Giáo sư Ngọc khi ông chê GH “hơi đần” là đã kéo vị GH xuống ngang hàng với ông Chu Tất Tiến thì cũng tội cho GH. Quan trọng hơn nữa, ngay trong Tam Bảo của PG cũng rất coi trọng hàng TĂNG lữ thì ông GH tuyên bố Vatican là cần thiết để thờ phụng Chúa thì cũng có thể hiểu được.

“Ông than phiền hằng triệu giáo dân Trung Hoa bị cưỡng bức thờ phụng với giáo hội do nhà nước kiểm soát và giáo hội này không công nhận quyền lực của giáo hoàng. Ông than phiền hơi đần, vì cho rằng phải cần có Vatican, phải thờ phụng với Vatican, con người mới thờ phụng Chúa được …”

■ “XUNG QUANH VỤ BENEDICT XVI ĐẾN MỸ” Cho đến năm 2013, các nhà thờ CG tại Mỹ đã phải trả hơn 2.5 tỷ Mỹ kim cho các vụ loạn dâm của các Giám mục và Linh mục. Trước đó 32 năm (1981), khi còn là Tổng giám mục Ratzinger cầm đầu Bộ Giáo lý Đức tin, ông đã có một chính sách bảo vệ chặt chẽ uy tín của Vatican dù những vụ loạn dâm cuả các linh mục đã được báo chí tiết lộ.

“Với những hành động che dấu tội phạm, ngăn cản công lý như trên mà bây giờ Benedict XVI lại có thể nói lên những lời như: “làm cho chính tôi cực kỳ đau khổ, xấu hổ nhục nhã, không thể hiểu được...”. Như vậy có phải là đạo đức giả đến mức thượng thừa rồi hay không?”

Đọc những nhận định nghiêm chỉnh và thẳng thắn của Giáo sư Trần Chung Ngọc về các nhân vật cầm đầu Toà thánh Vatican, tôi không khỏi nghĩ thầm: May cho GH Franciscus là ông nhậm chức mới hơn một năm thì Giáo sư qua đời. Từ đó tôi nghĩ đến câu hỏi mà người CG hay đặt ra mỗi khi đứng trước một tình trạng nan giải như câu hỏi của cô bé Palomar 12 tuổi đặt ra với GH Franciscus ở Phi Luật Tân “Nhiều con nít bị dính vào nạn ma túy và đĩ điếm. Vì sao Gót lại để cho những chuyện ấy xảy đến cho chúng con? Trẻ thơ đâu có tội tình gì?” Làm cho vị GH thông minh, tài trí, thừa kế của Chúa cũng phải chịu là không thể trả lời. Trong trường hợp nầy người CG thường hỏi: “Như vậy thì Chúa sẽ nói gì?” (“What would Jesus do?”).

Để bắt chước người CG, tôi cũng muốn đặt câu hỏi sau khi Giáo sư đã ra đi: “Vậy thì Gíáo sư Ngọc nghĩ gì về ông GH Franciscus nầy?” trước những hành động, những tuyên bố của vị GH được nhiều ngưỡng mộ nầy.

Thưa Giáo sư, đây là những thí dụ về GH Franciscus:
Sống trong nhà khách thay vì trong dinh thự riêng của GH.
Kêu gọi thu nhỏ lại cách biệt giữa hai giai cấp rất giàu và rất nghèo.
Quyết liệt ủng hộ Thông tri Humanae Vitae 1968 của Giáo hội chống đối các phương pháp ngừa thai nhân tạo.
Trong chuyến thăm viếng Phi Luật Tân, một bé gái 12 tuổi hòi GH vì sao Gót lại để cho con sống cơ cực đến phải làm nghề bán thân để kiếm sống? GH công nhận câu hỏi nầy khó trả lời và chỉ biết kêu gọi lòng từ bi của con người (compassion of the world).
Với vấn đề cho phép phụ nữ được làm linh mục, GH lập lại ý của các GH tiền nhiệm: “Giáo hội đã nói không – và cánh cửa đó đã đóng lại rồi” (“The Church has spoken and says no – that door is closed.”
Trước Viện Hàn Lâm Khoa Học của toà Thánh, ông nói: “Gót không phải là một nhà ảo thuật. nhưng là Tạo hoá đã tạo đời sống cho muôn loài. Tiến hoá trong thiên nhiên không đi ngược lại với khái niệm sáng tạo, bởi vì muốn có tiến hoá thì phải có sự tạo lập của những gì có thể tiến hoá.” (“God is not... a magician, but the Creator who brought everything to life,” Francis said “Evolution in nature is not inconsistent with the notion of creation, because evolution requires the creation of beings that evolve.”)
Khi được hỏi về các linh mục đồng tính luyến ái, ông trả lời “Tôi là ai mà phán đoán người khác?” (“Who am I to judge?”)
Sau vụ quân khủng bố bắn chết các ký giả cuả báo Charlie Hebdo ở Paris, GH nói tự do ngôn luận cũng phải có giới hạn, nhất là khi động chạm đến niềm tin tôn giáo. “Cũng như nếu bạn tôi mà nói xấu Mẹ tôi thì anh ta không nên ngạc nhiên nếu bị một quả đấm.”
Quyết định sẽ phong thánh cho Cha Junipero Serra (sau những toan tính không thành từ GH John Paul II) vì ông Cha nầy đã làm được một phép lạ cứu một nữ tu Iành bệnh và đã xây dựng được một loạt nhà Dòng dọc theo bờ biển California vào cuối thế kỷ 18. Nhưng cũng như những nhà truyền đạo khác của Vatican, ông Cha nầy đã dính vào những chuyện đối xử tàn bạo với dân bản xứ (Da Đỏ) nhất là xâm phạm vào văn hoá của các bộ lạc đang sống ở California.

Dĩ nhiên là Giáo sư Ngọc đã đi rồi thì không mong có hồi âm, nhưng tôi nghĩ vẫn tìm ra được ý kiến của ông. Vâng, chúng ta vẫn tìm ra được mà không cần một phép lạ mơ hồ nào. Những ý kiến đó hiễn hiện một cách nhất quán trong những bài ông đã viết. Nếu chúng ta chịu khó đọc những bài nầy với tất cả tấm lòng yêu nước mênh mông và thương đạo vô bờ như Giáo sư Trần Chung Ngọc.

NGUYÊN DIỆU

Kỷ niệm ngày giỗ đầu của GS Trần Chung Ngọc

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

MỘT ĐÊM TRONG LÒNG THÁC ĐỔ



Du Trốc Tử

"Nhiều đêm thấy ta là thác đổ, 
 Tỉnh ra có khi còn nghe".
 (Trịnh Công Sơn).



Năm ấy, tôi vừa tròn 20 tuổi.

Mưa vẫn không cản được những bước chân rồ dại xăm xăm nẻo cuối rừng chiều. Đêm vội vã phủ chiếc lồng bí mật xuống thung lũng như muốn vồ lấy nguyên vẹn những gì ở đó, không cho thoát ra. Trên đỉnh của cái lồng bàn đêm chất ngất ấy, trớ trêu thay lại vắt cẩu thả một mảnh trăng the thé, vừa đủ rọi đường cho những tên trộm vô hình đến ngắm nghía những bảo vật rừng thiêng. Tiếng thác ầm ầm như những tảng đá to từ trên cao đổ xuống. Tôi ướt sũng. Lạnh. Đông cứng.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, chỉ tưởng tượng một người đang đứng trong lòng thác Bongour giữa đêm mưa xám xịt cũng đủ thấy rùng mình kinh hãi. Chỉ với cái tuổi hai mươi, cái tuổi muốn gì làm nấy, cái tuổi khát vọng và đẩy nỗi khát vọng lên đến đỉnh, muốn thỏa mãn sự hiếu kỳ lẫn quằn quại, mới dám lầm lũi vào chốn thâm u một mình khi trong người chỉ có duy nhất một cái hộp quẹt, không đủ làm hun khói những lá cây sũng nước, nói chi đến một ngọn lửa sưởi ấm hồn đơn.

Tôi chọn một tảng đá to dưới cội trâm già, bên dòng thác lũ, lấy thân mình che mưa cho đống củi mục, nguyện cầu một ánh lửa bùng lên mà mãi không đỏ được, ngoài những ụ khói cứ xông thẳng vào mắt cay nồng. Tảng đá to hơn một cái bàn, nhưng cảm giác trong tôi chỉ là một miếng gỗ bồng bềnh trên ngọn nước. Cây trâm già nghiễm nhiên trở thành một vị hung thần quái ác, mang đầy đủ trên mình đôi mắt cú vọ và rắn độc lẫn những nụ hoa lan sặc sỡ sắc màu. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, nhưng không thổi tắt được cái đèn thuyền treo lủng lẳng trên ngọn cây. Nếu không có ánh trăng, mọi vật hoàn toàn chìm trong bóng tối, như thế có lẽ dễ chịu hơn. Còn bấy giờ thì mọi vật lại bắt đầu chập chờn chuyển động với những hình thù kỳ dị. Tôi lạc vào cõi nào chẳng biết. Tự dưng, mọi hình ảnh xung quanh mình cái gì cũng có hai mặt, vừa thiên thần vừa quỷ sứ, vừa thánh thiện vừa phàm tục. Và mỗi hình ảnh đi qua tôi đều chứa đầy hai cảm giác trái nghịch, vừa hạnh phúc vừa đớn đau, vừa quằn quại gan lì vừa tê mê chất ngất.

Vách đá dựng đứng, xếp đều từng lớp hệt những tháp Chàm ở Thánh địa Mỹ Sơn. Tháp Chàm di chuyển chập chờn. Từ trong cửa tháp, bóng hai thiếu nữ bước ra, mình đeo đầy còng cườm lục lạc, nhảy múa những vũ điệu ma quái của giống dân Hời, rồi họ đi vào, cửa tháp khép lại. Tháp Chàm hóa thành những bức lập thể của Picasso, tiến tới bóng tôi, mỗi lúc một gần. Tôi dùng hết tâm lực đẩy chúng ra xa, vách đá ngã sóng xoài trên thảm cỏ, biến mất.

Ánh trăng lại lóe lên, vàng rực cả lòng thác, đẩy rừng cây ra xa, xa lắm. Cả rừng cây nhuộm vàng ánh lá, lung linh và đầy huyền hoặc như bức "Mùa thu vàng" của Lévital. Rồi bóng tối như một mảnh vải, xỏa lần xuống che đậy bức tranh. Ở góc vàng cuối cùng tôi còn nhìn thấy, một con mèo hoang nhảy ra, cắm hai ánh nhìn vào lòng đá tảng.

Mưa, lại mưa.

Ngọn thác hùng vĩ dựng đứng như một mảnh thiên y mịn màng che vách núi, chốc chốc lại tung ra từng đợt sóng mù khơi, giăng mùng tứ phía. Tôi mải miết nhìn ngọn thác, từ đầu đến chân, rồi tự nhiên thấy thác chảy ngược, chảy từ dưới lên trên, chảy tới đâu khô tới đó, hệt như bàn tay vô hình nào đang cuốn bức lụa trắng ngần từ chân tới đỉnh. Vén lên tới đầu ngọn, thác im thin thít, không còn một âm thanh nào của nước, cái im lặng đến rợn mình, đến nỗi nghe rõ được từng giọt rơi tí tách trên lá, nghe rõ được âm thanh của một loài dế du mục đang gậm nhấm cỏ non. Bãi cỏ xát xô dựng hình loạn tứ bên bờ suối cạn, gợi nhớ đến bức "Hoa diên vĩ" của Vangogh. Rồi trên đỉnh cao, bóng Bồ-tát Quán Thế Âm lồng lộng theo mây đi xuống, màu áo hay màu mây mà mênh mông quá. Bồ-tát tay cầm nhành dương liễu, tay cầm bình cam lồ, Ngài nhúng nhành dương vào bình nước rồi rảy một cái, tự dưng thác chảy lại, như tự bao giờ vẫn vậy, như một cổ máy huyền vi có thể ấn nút tắt mở một cách tự nhiên, thật là kỳ diệu. Tôi thảng thốt, cúi đầu đảnh lễ với lòng thành kính vô biên. Chợt nghe có cái gì đi ngang qua trên đầu tôi, vùn vụt như một cánh đại bàng. Ngẩng đầu lên, mọi sự trở lại như cũ.

Ngồi tĩnh tọa trên phiến đá dưới rừng mưa, tôi hít thở thật sâu để cố tìm trở lại một ngọn thác Bongour thật sự sau những ảo giác mơ hồ. Nhưng có cái gì là thật sự đâu ! Rừng cây xung quanh như những bóng người đang đứng, kẻ cúi đầu, người chắp tay, có nhiều người nắm tay nhau nhảy múa, hay cúi mình soi bóng xuống dòng nước cuồn cuộn nhập nhòa ánh sáng. Phải chăng tất cả mọi sự mọi vật chỉ là sự biến hiện của tâm thức con người ? Phải chăng mọi khái niệm thiện ác, đẹp xấu, hạnh phúc hay đau khổ đều từ tâm cảm mông lung này ? Thế thì tất cả xung quanh tôi lúc ấy, cái gì là giả, cái gì là thật ? Đến những vách đá sừng sững bên ngọn thác Bongour kỳ vĩ kia cũng giả nốt sao ? Chỉ có thằng tôi là thật thôi sao ? Ồ mà tôi cũng chẳng thật, tôi cũng tan ra từng đợt theo khói, theo sương, theo hơi nước mơ hồ. Vậy ở đây cái gì là chủ thể, cái gì là khách thể ? Nếu không có chủ khách thì thật là vô lý, ai sẽ là người cảm nhận mọi sự vật kia đây ?

Mưa mỗi lúc một lớn, rào rạt trên những cánh rừng. Nước mỗi lúc một mạnh, chảy tuôn trào từ đỉnh thác xuống từng kẽ đá, dâng cao dần, cao dần. Tôi lạnh cóng, những tưởng ngồi lại tới sáng ở đây có lẽ tôi sẽ chết cứng vì lạnh. Tôi chợt nghĩ ra tại đây chỉ có cái lạnh là thật, còn cái gì cũng giả, kể cả tôi. Nhưng cái lạnh là cái gì ? Chẳng qua cũng chỉ là cái nghiệp cảm của mình. Tôi nghĩ vậy. Tôi chợt muốn lao mình xuống dòng thác lũ kia, cho nó trôi đi đâu thì đi, không phải tôi muốn chết, muốn tự tử, mà là muốn buông xuôi tất cả. Thế rồi bỗng dưng, tôi chợt nghe có một con rắn đang gát đầu lên đùi của mình, lạnh tanh. Tôi run rẩy, sợ hãi. Té ra bây giờ chỉ có cảm giác sợ hãi là thật. Chỉ cần nó cắm đầu vào đùi tôi là chấm dứt tất cả. Nghĩ đến đó tôi thật sự hoảng hốt khi mường tượng phải xa lìa hẳn cuộc đời, cha mẹ, thầy bạn, người thân. Cảm giác đau khổ lại là cảm giác thật. Tôi lẹ làng dùng tay hất đầu con rắn ra xa rồi rùng mình đứng dậy. Về thôi !

Mưa vẫn rả rích, những tàn cây le le quất vào mặt túi bụi, đá lại quá trơn, tôi vội vã nên cứ trượt chân, đá đập vào ống quyển đau không thể tưởng, nhưng vẫn cố lao nhanh cho ra khỏi lòng thác, hướng về phía hừng đông mà chạy.

Về đến cô thôn, tiếng chuông khuya trầm ấm tỏa lan, rồi bao nhiêu chuông mỏ từ các thảo am lần lượt trỗi dậy, nhưng tiếng thác vẫn còn rền trong tâm khảm, từ ấy đến tận bây giờ.

PHẬT VÀ GIÊSU



Trần Chung Ngọc

-oOo-

Giêsu: Chào Đại Ca. Đại Ca vẫn mạnh?

Phật: Chào Chú. Cám ơn Chú. Chú dùng gì?

Giêsu: Anh cho Em ly rượu.

Phật: Rượu có tác dụng làm đầu óc con người kém minh mẫn. Anh đã không uống rượu từ khi Anh xuất gia. Chú uống tạm ly nước lã. Tuy nhiên, nếu Chú muốn, Chú có thể biến nó thành rượu như khi xưa chú đã biến 600 lít nước lã trong 6 cái chum thành rượu (John: 2), Anh không phản đối.

Giêsu: Anh nhắc chuyện nhỏ đó làm gì. Đó chỉ là phép lạ đầu tiên chứng tỏ quyền năng siêu nhiên của Em để cho các môn đồ tin Em là Chúa Cứu Thế (John: 2: 11).

Phật: Chú nói đó là phép lạ đầu tiên? Vậy Chú còn nhiều phép lạ nữa hay sao?

Giêsu: Có chứ! Em có thể đi trên sóng. (Matthew: 14: 25)

Phật: Em muốn sang sông thì cứ việc bỏ ra vài đồng tiền, lái đò sẽ chở Em qua, tội gì mà phải vất vả như vậy?

Giêsu: Em có thể đuổi quỷ từ trong người bị quỷ ám cho chúng nhập vào 2000 con heo rồi bắt đàn heo rông xuống biển chết đuối hết. (Matthew: 8: 32).

Phật: Mô Phật! Tội lỗi! Tội lỗi! Thế là cả đàn heo 2000 con chết oan uổng. (Thở dài) Pờ-liz công-ti-niu "Please continue."

Giêsu: Anh nói gì, Em không hiểu.

Phật: À, không có gì. Anh buột mồm nói tiếng Mỹ. Chú kể tiếp đi.

Giêsu: Em chỉ rủa một tiếng là cây sung phải chết héo queo. Số là hôm đó Em đang đói, nhìn đàng xa thấy một cây sung, nhưng tới gần chẳng thấy có quả nào, Em nổi sùng rủa một tiếng, thế là cây sung chết héo queo, không bao giờ có thể ra trái nữa. (Matthew: 21: 18,19)

Phật: Chú có biết lúc đó trái mùa nên cây sung không thể có trái không?

Giêsu: Em biết chứ.

Phật: Vậy thì mục đích Chú làm cho cây sung chết héo queo ngay chắc là để dọa mấy môn đồ của Chú: "Hãy coi chừng. Kẻ nào dám phật ý Ta. Hãy xem gương cây sung đó."

Giêsu: Chịu anh thôi. Anh có "Tha Tâm Thông" nên biết rõ bụng dạ em.

Phật: Hình như sau đó Chú còn bảo các môn đồ nếu có đức tin thì không những cũng có thể rủa cho cây chết héo queo được như Chú mà còn có thể ra lệnh cho núi tự động bò xuống biển? (Matthew: 21: 21).

Giêsu: Đúng vậy. Thánh Kinh đã viết như vậy thì làm sao còn sai lầm được.

Phật: Thế trong 2000 năm nay, Chú có thấy tín đồ nào của Chú làm được như vậy không?

Giêsu: Đó là bí quyết chiêu dụ môn đồ của Em. Họ tin lời hứa hẹn của Em nhưng họ làm không được, vì họ không biết rằng đó chỉ là một khẳng định bỏ ngỏ, vô trách nhiệm (affirmatiom gratuite). Nếu ai làm không được đến chất vấn, Em chỉ cần trả lời: tại ngươi chưa đủ đức tin. Thế là Em hết trách nhiệm. Không ai có thể kết án Em là Em nói láo. Cũng như trong Tám Mối Phúc Thật, Em nói "Phúc cho các con đang đói, rồi các con sẽ no," "Phúc cho các con đang than khóc, rồi các con sẽ vui cười" (Matthew 6: 21), nhưng Em có xác định là bao giờ họ sẽ no, hay bao giờ họ sẽ vui cười đâu? Anh biết không? Ngày nay các tôi tớ của Em đều theo cách hứa hẹn bỏ ngỏ này để truyền đạo và họ rất thành công.

Phật: Chú khôn thật. Chú có biết tại sao người ta đóng đinh Chú trên thập giá không?

Giêsu: Tại vì họ không tin em là Vua của dân Do Thái, là Con Một của Thượng Đế, là Đấng Cứu Thế của dân Do Thái, thuộc giòng dõi Vua David, mà họ từng mong đợi.

Phật: Không phải đâu. Vì nghiệp của Chú nặng quá. Anh thương Chú lắm nhưng Anh cũng chịu, nghiệp của Chú chỉ có Chú mới giải được.

Giêsu: Làm sao giải nghiệp, Anh chỉ cho Em đi.

Phật: Đơn giản thôi. Đừng làm các việc ác. Hãy làm mọi việc thiện. Giữ tâm cho thanh tịnh. Anh dạy chỉ có thế. (Kinh Pháp Cú: Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo).

Giêsu: Chỉ có vậy thôi à?

Phật: Chỉ có vậy. Thôi, để Anh mách Chú vài bí quyết để chuyển đổi tôn giáo "cứu rỗi" của Chú thành một tôn giáo "giác ngộ."

Giêsu: Tại sao Em lại phải đổi tôn giáo của Em thành một tôn giáo giác ngộ.

Phật: Chú quên rồi sao. Vị đại diện của Chú ở trên trần, Giáo Hoàng Gion Pôn Hai, vừa tuyên bố: "chẳng làm gì có thiên đường ở trên các tầng mây, mà cũng chẳng làm gì có hỏa ngục ở trong lòng đất, tất cả đều do tâm mà ra." Như vậy là Giáo Hoàng đã cho Chú nghỉ dài hạn không lương, Chú cần phải đổi gióp (job) "cứu rỗi" thành gióp "giác ngộ" cho nó hợp với đà tiến bộ của nhân loại. Anh chỉ muốn giúp Chú thôi.

Giêsu: Cám ơn Anh nhiều. Nhưng làm sao đổi được.

Phật: Đơn giản thôi. Chú chỉ việc nghe theo Thiền Sư Nhất Hạnh, biến Cha Chú, Thượng Đế, thành Phật Tánh, đổi danh hiệu "Đấng Cứu Thế" của Chú thành "Đại Sư," đồng hóa Thánh Linh với Tỉnh Thức hay Niết Bàn, thế là xong.

Giêsu: Dạ vâng. Nhưng khó quá Anh ơi. Vì bản chất những thứ trên hoàn toàn khác biệt.

Phật: Chú "phép tắc vô cùng," làm gì chẳng được.

Giêsu: Ờ nhỉ. Em quên khuấy đi mất.

Phật: Thế thì Chú yên tâm rồi nhé. Thôi, để khi khác chúng mình nói chuyện tiếp. Anh phải đi Tọa Thiền.






Giêsu: Chào Anh. Em cũng phải về ngồi cạnh Cha Em ở trên Thiên đường, à quên, ở trong Tâm của Em.

Tầm Ngưu (Tìm Trâu) -Thập Ngưu Đồ




Tùng lai bất thất, hà dụng truy tầm. Do bội giác dĩ thành sơ, tại hướng trần nhi toại thất. Gia sơn tiệm viễn, kỳ lộ nga sa. Đắc thất sí nhiên, thị phi phong khởi.
Diễn ý:

Chưa mất (trâu, cái ta) bao giờ, cớ chi phải chạy đi tìm. Chỉ vì quay lưng trước sự thức tỉnh mới thành ra xa lạ (với chính mình). Trong khi mắt nhìn vào chỗ bụi mù dấy lên, thì (trâu, cái ta) đã mất dạng. Cố hương (gốc gác) càng lúc càng xa, đường đi ngã rẽ thêm nhiều. Sự phân biệt mất, còn bừng cháy như ngọn lửa, mối lo phải, trái dựng tua tủa như chông kiếm).

Phụ chú:

Tầm ngưu : Ý tưởng “tìm trâu” (tầm ngưu) vốn không phải mới. Xưa kia, trong (Cảnh Đức) Truyền Đăng Lục (do tăng Đạo Nguyên đời Tống soạn năm Cảnh Đức 1 tức 1004) , quyển 29 đã thấy chép bài tụng của Long Nha như sau:

Tầm ngưu tu phỏng tích,
Học đạo phỏng vô tâm.
Tích tại ngưu hoàn tại,
Vô tâm đạo dị tầm.


尋 牛 須 訪 跡
学 道 訪 無 心
跡 在 牛 還 在
無 心 道 易 尋

(Tìm trâu phải theo dấu,
Học đạo hãy vô tâm.
Dấu có, trâu còn đó,
Vô tâm đạo dễ tìm.)



Tùng lai bất thất: Để ý là câu này không có chủ từ lẫn túc từ.Thêm chữ ngưu là trâu vào sau đó cũng được thôi. Đây lại là khởi điểm của vấn đề vì tuy bảo là chưa mất (bất thất) nhưng sự thực thì mất đã lâu, dù nói rằng trước giờ (tùng lai) đã là thế nhưng hiện tại vẫn chưa lấy làm chắc. Câu này nhấn mạnh sự mâu thuẫn của con người khi muốn đi tìm bản ngã.

Do bội giác dĩ thành sơ: Đạo Lăng Già Kinh quyển 4 viết: Chúng sinh mê muộn, bội giác hợp trần. Nghĩa là quay lưng với bản giác, hướng về trần tục. Xem thêm lời đối đáp nổi tiếng giữa tăng và Kính Thanh về “tiếng giọt mưa rơi” (vũ trích thanh) trong tắc số 46 của Tuyết Đậu Tụng Cổ. Đạo Nguyên (Dôgen) của Nhật Bản cũng nói:

“Đem cái ta mà tu chứng vạn pháp sẽ mê lầm. Dùng vạn pháp để tu chứng cái ta sẽ giác ngộ”. Tóm lại, cả ba trường hợp đều có chung một cách nhìn. “Thành sơ” là trở nên xa lạ, như chuyện đứa trẻ nghèo trong truyện “trưởng giả cùng nhi” trong Tín Giải Phẩm của kinh Pháp Hoa. Đạo Lăng Nghiêm kinh quyển 1 tóm lược câu chuyện trong bốn chữ “xả phụ đào thệ” (bỏ bố mà chạy trốn) và chuyện nó không nhìn nhận bố mình (xả phụ) được Tử Tuấn giảng nghĩa là “bất thức bản tâm, bội thanh tịnh giác”.

Hướng trần: Nhìn, đi theo bụi bặm. Nhưng có thể đồng nghĩa với “hợp trần” (sa vào chỗ bụi bặm) , chữ của kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Kỳ lộ: tích Dương Chu đi tìm con dê nhà hàng xóm bị lạc, thấy nhiều ngã rẽ thì ôm mặt khóc vì thấy cuộc đời sinh ra lắm lối làm cho con người mất sự trinh nguyên của thuở ban đầu.

Đắc thất, thị phi: có thể, không thể, thiện, ác.

Phong khởi: Phong là mũi nhọn như kiếm. Có chỗ viết chữ phong là con ong. Như thế có nghĩa là thị phi ồn ào, nhặng nhị.

Tụng của Lương Sơn Khuếch Am Tắc Hòa Thượng:

Mang mang bát thảo khứ truy tầm,
Thủy khoát sơn dao lộ cánh thâm.
Lực tận thần bì vô xứ mịch,
Đản văn phong thụ vãn thiền ngâm.



茫 茫 撥 草 去 追 尋
水 闊 山 遥 路 更 深
力 盡 神 疲 無 処 覓
但 聞 風 樹 晩 蝉 吟


(Mênh mông vẹt cỏ cất công tìm,
Nước rộng non cao lối mịt mùng.
Sức mỏn hơi tàn chưa thấy dấu,
Rừng phong đà vẵng tiếng ve tàn).

Họa của Thạch Cổ Di Hòa Thượng:


Chỉ quản khu khu hướng ngoại tầm,
Bất tri cước để dĩ nê thâm.
Kỷ hồi phương thảo tà dương lý,
Nhất khúc tân phong không tự ngâm.



只 管 区 区 向 外 尋
不 知 脚 底 已 泥 深
幾 廻 芳 草 斜 陽 裏
壱 曲 新 豊 空 自 吟


(Mãi lo ngang dọc mắt trông tìm,
Nào biết đôi chân đã lún sình.
Hát khúc được mùa ai kẻ đoái,
Bao chiều nắng xế cỏ non xanh).



Họa lại của Hoại Nạp Liên Hòa Thượng:



Bản vô tung tích thị thùy tầm,
Ngộ nhập yên la thâm xứ thâm.
Thủ bả tỵ đầu đồng quy khách,
Thủy biên lâm hạ tự trầm ngâm.



本 無 縦 跡 是 誰 尋
誤 入 煙 蘿 深 処 深
手 把 鼻 頭 仝 帰 客
水 邊 林 下 自 沈 吟



(Dấu chân không có biết đâu tìm,
Lạc mất trong sương khói mịt mùng.
Khách nắm mũi trâu cùng trở lại,
Trong rừng ven suối dáng trầm ngâm)

Phụ chú:

Mang mang bát thảo: Mang mang 茫茫 có nghĩa ngút ngàn, không bến bờ. Có chỗ chép là mang mang 忙忙 với nghĩa bận rộn, lo âu. Bát thảo là vẹt cỏ. Trong thiền ngữ “chiêm phong bát thảo, đăng sơn thiệp thủy” (ngắm hướng gió và vẹt lối cỏ, trèo non lội suối) còn có nghĩa là đi tìm lẽ đạo.

Phong thụ: Đồng nghĩa với phong thụ 楓樹 là cây phong. Gây nên một cảm tưởng lạnh lẽo ma quái và bao trùm lên. Cây phong già (lão phong) có thể thành tinh
Vãn thiền: tiếng ve cuối mùa tức tiếng ve ngâm buồn bã và yếu ớt khi trời vào thu.


Thạch Cổ Di Hòa Thượng 石鼓夷和尚: thiền sư dưới Viên Ngộ 4 đời. Thụy hiệu Hi Di 希夷, truyện có trong Tăng Tập Tục Truyền Đăng Lục quyển 1. Mấy bài họa tụng này cũng được chép lại trong đó. Để biết thêm về ông, xin xem pháp hệ đồ trong phần

giải thích xuất xứ.

Chỉ quản khu khu: Chăm chút lo mỗi một việc, không biết đến việc khác. Khu khu còn có ý nói việc thì lớn mà sức lại yếu.

Kỷ hồi phương thảo tà dương lý: Kỷ hồi: bao nhiêu lần. Phương thảo: cỏ thơm, khung cảnh đáng yêu, cảnh ngộ vui thỏa. Bích Nham Lục tắc 36 có câu: Thủy tùy phương thảo khứ. Hựu trục lạc hoa hồi (Ra đi lần lối cỏ tươi. Rồi theo mấy cánh hoa rơi ta về).

Tân phong 新豊: Một chữ khó hiểu! Khúc hát nhà nông mừng mùa thu hoạch mới?

Động Sơn có bài Tân Phong Ngâm nhưng để nói về núi Tân Phong chứ không liên hệ đến mùa màng. Cũng vậy, Bạch Cư Dị có Tân Phong Chiết Tý Ông nhưng Tân Phong lại là một tên huyện.

Hoại Nạp Liên Hòa Thượng 壊納璉和尚: Theo thứ tự Ngũ Tổ ‡ Đại Tùy ‡ Thạch Đầu ‡Vân Cư Bồng Am Hội ‡ Hoại Nạp Đại Liên. Như vậy, ông là học trò 4 đời của Đại Tùy. Tên được nhắc đến trong Tăng Tập Tục Truyền Đăng Lục nhưng truyện ký không có gì rõ ràng.Họa tụng của ông cũng không thấy ở đâu khác. Bản Thập Ngưu Đồ in ở Nhật thời Edo lại lẫn lộn thơ Hoại Nạp với thơ Thạch Cổ.


Yên la: Chỗ giây leo rậm rạp phủ trong sương khói. Tượng trưng cho nơi thần tiên ở.

Thơ của Hàn San có câu:



Bình sinh tự lạc đạo,
Yên la thạch động gian.
Dã tình đa phóng khoáng,
Trường bạn bạch vân nhàn.
Hữu lộ bất thông thế,
Vô tâm hà thục phan?
Thạch sàng cô dạ tọa,
Viên nguyệt thướng Hàn San.

平 生 自 楽 道
煙 蘿 石 洞 間
野 情 多 放 曠
長 伴 白 雲 閑


有 路 不 通 世
無 心 何 孰 攀
石 床 孤 夜 座
円 月 照 寒 山



(Một đời tự vui đạo,
Thạch động khói cây nhòa.
Hoang dã tình cao rộng,
Mây trắng bạn cùng ta.
Có đường không đi lại
Vô tâm chẳng lụy người
Giường đá ngồi riêng bóng,
Hàn San nguyệt tỏ ngời).

Đồng qui khách: Giống như người đã nắm được mũi trâu và cùng nhau quay về nhưng bây giờ vẫn còn là thân lữ khách. Đồng quy-khách nhưng cũng có thể đọc đồng –quy khách.

Thủy biên lâm hạ: Khung cảnh sinh hoạt của người bỏ cuộc đời đi ở ẩn. Cố Huống trong bài thơ nhan đề Đề Diệp Đạo Sĩ Sơn Phòng (Đề ở am trên núi của đạo sĩ họ Diệp) có câu:

Thủy biên dương liễu xích lan kiều,
Động lý thần tiên bích ngọc tiêu.

水 邊 楊 柳 赤 欄 橋
洞 裏 神 仙 碧 玉 蕭

Tăng Linh Triệt trong Thù Vi Đan (Đáp ông Vi Đan) từng viết:

Tương phùng đạo tận quan hưu khứ,
Lâm hạ hà tằng kiến nhất nhân.

相 逢 道 盡 官 休 去
林 下 何 曾 見 壱 人


(Gặp nhau chuyện vãn quan về nghĩ,
Trong núi chưa hề gặp một ai)



Lời bàn của Yanagida Seizan:



Câu chuyện đột ngột bắt đầu ở giữa chừng bằng việc phải đi tìm trâu. Người kia cho là xưa nay mình chưa bao giờ mất nên không ai kịp bảo hắn biết là kẻ đi tìm và vật phải tìm chỉ là một. Vấn đề đã lộ diện từ lúc bắt đầu tìm. Con trâu sổng chuồng đi mất.

Ý thức được chuyện đó rồi, chỉ còn có cách đuổi theo trâu. Tất cả đều bắt đầu từ thời điểm ấy

Mục đích của Khuếch Am chính là bắt đầu kể câu chuyện ở giữa chừng. Nói cách khác, ông xem việc “nhập triền thùy thủ” như một tiền đề. Nhập triền có nghĩa là đi vào trong xóm chợ, và xóm chợ ở đây là nơi đám đông sinh hoạt. Kẻ đại ẩn thường náu mình nơi phố thị. Cái người trong bức họa lúc đó bắt được trâu rồi và cũng đã
quên bẳng cả việc mình bắt được trâu. Vấn đề xem như đã thanh toán xong. Bây giờ ông ta có thể thong dong đi trong chợ mà không vướng bận điều gì.Thế nhưng khi vào một chỗ đông đúc như cái chợ, đương nhiên sẽ nẩy sinh những vấn đề mới. Ví dụ : 
một anh chàng nào đó vì vô ý vừa để trâu sổng chuồng. 

Như tên gọi của nó, Thập Ngưu Đồ cơ bản là 10 bức tranh kèm theo 10 bài tụng. Tất cả các bức tranh được vẽ lồng trong khung tròn. Nói cách khác, đó là “viên tướng 円相”. Chính ra cái tranh viên tướng đó được dành riêng cho bức họa thứ 8 (Nhân ngưu câu vong) thế nhưng bây giờ, xin chú ý cho là trong 10 bức tranh có hình viên tướng thì 9 bức từ bức thứ nhất cho đến bức thứ chín, tranh được vẽ trong vòng trắng giữa khung đen khi bức thư mười lại toàn màu trắng (Seizan muốn dẫn chứng bằng bộ tranh trong sách Ngũ Vị Thiền, bản Gozan (Ngũ Sơn), tàng trữ ở thư viện trường Đại
học Tenri). Chín bức đầu có một sự tương hổ tuần hoàn, khác với bức thứ mười.

Tóm lại, 9 bức tìm trâu là một sự tuần hoàn trong một vòng đen lớn và ta muốn xoay vòng ở chỗ nào trên sân khấu đó cũng được. Hãy lấy bức tranh thứ nhất có vòng đen làm điểm khởi hành rồi bắt đầu xoay quanh tất cả. Dù gọi nó là phát tâm, cầu đạo hay tín ngưỡng đi nữa, hiện tượng tôn giáo là hiện tượng xảy đến cho ta vào một ngày nào đó khi ta bất chợt để ý rằng trong lồng ngực của mình như có cánh cửa lớn mở tung, và có tiếng hô hoán cất lên trong hư vô. Trong chuồng, chẳng thấy trâu đâu cả! Thực tình thì chính cái hư vô ấy nó đã chạy qua phía bên kia nghĩa là đi vào một cái vòng
đen khác trong cái khung đen lớn. Thật ra, cầu đạo là gì? Cầu đạo không phải là ta đi tìm đạo nhưng đạo đi tìm ta. Trâu phải đi kiếm người. Vì muốn tìm đến con người thật, trâu mới bỏ cái chuồng giả tạo ra đi.

Quái, sao lại thế nhỉ? Tuy người ấy nghĩ là chuyện như vậy làm gì xảy ra được nhưng lúc đó sự thể đi quá xa mất rồi. Khi chợt nhận ra thì chuyện mình không ngờ đã xảy đến từ lâu. Bây giờ chỉ còn biết cấp tốc tìm ra giải pháp cụ thể để đối phó.”Cước hạ chiếu cố” (Nhìn xuống bàn chân) chính là giải pháp đấy. Phải nhổ mũi tên độc, rịt miệng vết thương. Những câu hỏi như xem mũi tên kia từ đâu bắn đến, chất độc ấy thuộc loại gì, để sau đó hẳn hay. Trong giải pháp cấp cứu, sẽ thấy mở ra con đường như sau:

Trước tiên, phải đi tìm trâu.Không thể làm như Dương Chu đứng khựng trước ngã rẽ ôm mặt khóc mãi. Bát thảo nghĩa là vẹt cỏ đến tận rễ để tìm.Chuyện tìm trâu phải có quyết tâm tiếp tục tìm cho bằng được mới thôi. Câu “Sơ phát tâm thì cánh thành chính giác” (Lúc lòng mới phát nguyện thì chính giác đã thành) phải hiểu là sự hồi tưởng lại cái lòng cương quyết bằng cách nào mình cũng phải thành chính giác đặt ra lúc mới phát nguyện.

“Tâm đệ tử không được yên. Xin thầy giúp cho đệ tử được yên tâm”. “Đi tìm tâm của ngươi đưa đây, ta sẽ giúp cho ngươi được yên tâm”. “Đệ tử đã đã tìm rồi mà chẳng thấy tâm đâu”. “Như thế là ta đã làm cho ngươi được yên tâm rồi đó”.

Có là công án nổi tiếng “An tâm vấn đáp” giữa thầy trò Đạt Ma và Huệ Khả. Đạt Ma đã giải quyết thỏa đáng yêu cầu của Huệ Khả với câu nói: “Đưa cái tâm không yên của ngươi cho ta xem!” Vì cái tâm không yên làm gì thấy ở đâu nên việc dạy cho cách thức để yên tâm cũng không có nốt. Nhưng Đạt Ma thoắt cái đã giải quyết được nỗi
khổ của Huệ Khả, người không được an tâm.
Câu trả lời của Đạt Ma là nếu không đưa cái tâm không yên ra thì dù có muốn làm cho nó yên cũng không sao yên được. Nói cách khác, cái gọi là cái tâm không yên nào

có ở đâu. Rõ ràng ông chỉ muốn học trò tự mình nhận ra chân lý ấy chứ không hề làm chuyện đối cơ thuyết pháp. Thoắt cái, chân lý đã hiện ra trước mắt học trò.

Có nhiều lối giải thích cho học trò. Thế nhưng dùng câu nói: “Đưa cái tâm không yên của ngươi cho ta xem!” để trả lời là cách giải quyết đúng đắn nhất của Đạt Ma. Nó chỉ vừa đủ để làm cho Huệ Khả được an tâm chứ không làm gì khác hơn. Và tôi xin chấm
dứt ở đây với lời thuyết minh như sau:

Huệ Khả bảo tâm của mình không được yên.Không còn biết làm thế nào để tránh né vấn đề, ông mới phóng ra câu hỏi sắc bén về phía Đạt Ma, buộc Đạt Ma phải trả lời.

Cũng vậy, Khuếch Am kéo chúng ta vào trong thế giới của Thập Ngưu Đồ, và có thể nói ông đã phóng ra câu hỏi sắc bén qua chương Tìm Trâu nói trên vậy.

Tôi chỉ là tờ giấy... bạc


“Đời đen, tôi tẩy trắng, Trắng tôi nhuộm thành đen”
“Chỉ ai Luôn Tỉnh Thức. Hết bị tôi quay mòng!”

Tôi chỉ là tờ giấy
Mà uy lực vô song
Trước tôi, người run rẩy
Đổi giọng, đổi cả lòng..


Tôi chỉ là tờ giấy
Mà khiến đời long đong
Ngược xuôi hai dòng chảy
Mãi kiếm tìm, chờ trông…


Đời đen, tôi tẩy trắng,
Trắng- tôi nhuộm thành đen
Đường cong tôi bẻ thẳng
Lạ biến thành thân quen.


Tôi là một mảnh giấy
Người cao thượng.. bỗng hèn,
Kẻ hèn thành... "thượng đế"
Dù tâm hồn lấm lem...


Ai cho tôi giá trị,
Ai cho tôi quyền năng,
Ai cho tôi tiếng nói,
Ai vì tôi nhọc nhằn ?


Tôi chỉ là mảnh giấy
Thiện, Ác cũng là tôi,
Dù chà tôi dưới đất
Thoáng chốc trèo lên ngôi.


Hỏi trên đời mấy kẻ
Thoát được bàn tay tôi ?
Tôi xua Đời lẫn Đạo
Chạy vào trong luân hồi..


Tôi là một tờ giấy
Đời vui, buồn mênh mông…
Chỉ ai Luôn Tỉnh Thức.
Hết bị tôi quay mòng!


Thích Tánh Tuệ Quảng An

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Tổ quốc trong tôi đẹp mãi muôn đời




Tổ quốc trong tôi đẹp mãi muôn đời
Từ thuở Âu Cơ đưa năm mươi người con lên rừng
Và Lạc Long Quân mang năm mươi người con về phía biển
Gấm vóc non sông muôn đời hiển hiện
Con Lạc cháu Hồng chung dòng máu tổ tiên…


Tổ quốc trong tôi sống đẹp, sống hiền
Biết “chín bỏ làm mười”
“Một câu nhịn, chín câu lành” nhân nghĩa
Giữa phong ba, bập bùng bão tố
Vẫn kiên trung, ngay thẳng, ngẩng cao đầu!


Tổ quốc trong tôi mưa nắng dãi dầu
Hạt gạo dẻo thơm bởi mồ hôi vị mặn
Cây đước chân trần bao đời bám biển
Hạt phù sa mát rượi lúa đồng xanh…

Tổ quốc trong tôi ơn nghĩa sinh thành
Nên vóc dáng, nên hình hài đất nước
Cánh cò trắng bay rợp miền cổ tích
Hoa khế bờ ao tím biếc mây chiều…


Nói sao hết được lòng mình
Hỡi Tổ quốc thương yêu
Cho tôi được hóa thân làm ngọn sóng
Cho tôi được hóa thân làm biển rộng
Ôm trọn mảnh đất này
Giữ máu thịt cha ông...

Lê Thị Xuân Hương

Vắng & mất



Về với đất. Bao nhiêu người thân trong đời ta đã ra đi, đã đi xa, đã về với đất, về chốn vĩnh hằng, về nơi an nghỉ ngàn thu.


Đi là xa, xa là về...


Đất, nước, gió, lửa - bốn chất cấu tạo nên hình hài thể xác con người đang tan rã trong giây phút lâm chung, mà bây giờ có lẽ chỉ còn lại đất lưu giữ cho hồn phách nơi trú ngụ cuối cùng chăng? Nỗi nhói đau trong lòng ta khi đứng bên huyệt mộ của người thân, lặng nhìn những nhát xẻng vô tình của các phu đào huyệt xúc đất đổ xuống, lấp dần dần chiếc quan tài kia, nơi mà thi hài của người thân ta vừa mới còn nhìn thấy lần cuối cùng trong giờ phút tẩn liệm, nỗi nhói đau ấy cứ quặn theo với từng hồi ức nóng hổi còn lưu lại với con người ấy, mới vừa sống bên ta, vừa ăn, uống, nói, cười, vui, buồn, khổ, sướng bên ta, nhưng giờ đã xuôi tay nhắm mắt, đã đi mất hút vào trong một thế giới bất khả tri nhận của yên lặng và vô hình.


Em tôi vừa mới cười giỡn với tôi mới ngày hôm qua đây thôi, vừa mới nói đến những dự tính và ôm ấp của mình, và vừa mới khoe với tôi bài thơ được đăng báo, vừa mới mua quà và chọc ghẹo con gái tôi, vừa mới bàn về chương trình thức đêm coi bóng đá. Vậy mà bây giờ em đã đi xa.

Lão Tử viết: “Đạo viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản” - (Đạo là đi, đi là xa, xa là về). Nhưng em trở về đâu? Như sách nói “sinh ký tử quy” ư? Sống giữa thế gian như trong quán trọ để rồi lại làm một kẻ lữ khách ra đi, đi xa và xa là về? Người thân vừa chết đi có nhiều điều khiến ta không muốn tin vào cái chết ấy. Nỗi khát khao còn có được người thân bên cuộc đời mình lại như một nỗi ân hận giày vò mình vì ta đã không còn được gần gũi kề cận, được chia sẻ, được tâm sự, được la rầy trách móc, được thương yêu đùm bọc.


Ôi! Giá như ta đã không có những lúc vô tình với chú ấy, giá như ta đã có nhiều thời giờ hơn để thân mật với chú ấy... Sự thiếu vắng giọng cười, tiếng nói của chú, mặt mũi, cử chỉ, thái độ của chú trong cuộc sống thường ngày của ta là sự thiếu vắng quả khó chịu đựng nổi. Vắng thật rồi sự hiện diện quen thuộc - nhiều khi đến bực mình - của chú trong gia đình, trong bạn bè thân hữu. Rồi khi ta nhận ra sự vắng chú chính là sự mất chú.


Không phải chú chỉ vắng mặt trong cuộc sống thường nhật của ta trong một thời gian nào đó để rồi sẽ quay trở lại, mà thật ra chú đã mất hẳn thật rồi, mất đi vĩnh viễn trong cuộc sống của con người xương thịt. Vắng đây là mất. Em tôi đã mất tích luôn giữa trần gian náo động, và lưu lại trong lòng những người ở lại như tôi lời nhắn xa xôi mơ hồ trong gió...
Đi là xa, xa là về...

Tản văn Vĩnh Hiền

Hát cho ngày mai



Kiếp trước, gã là ai? Có thể gã là ca sĩ chăng? Và đấy là bài hát còn sót lại của quá khứ. Có lẽ những ngày xưa gã hát chưa thành bài thì một ai đấy gởi gã xuống trần gian này, nên giờ gã cố hoàn thiện bài hát đó. Chợ chứng kiến gã đứng hát ở đây chừng... mười lăm năm. Từ ngày cái chợ được lợp bằng những tấm ni-lon lùng bùng cho đến nay chợ được xây khang trang với hai tầng hẳn hoi. Dân kẻ chợ gọi gã là thằng điên, bọn con nít gọi gã là thằng khùng, còn ông già nhặt ve chai ở chợ gọi gã là đứa bé.

Ông già rất thương đứa bé. Điều này khỏi xác minh bởi nó được thể hiện bằng những cử chỉ ân cần của ông già đối với đứa bé. Người ta lại đặt câu hỏi, sao ông già tha phương cầu thực lại thương đứa bé này? Hay kiếp trước ông mắc nợ đứa bé? Cũng kỳ cục. Với ông già, thương thì thương thế, vô điều kiện. Tấm lòng của ông già đối với đứa bé khiến mọi người phải xem lại cách thương của mình. Và khi có ông già, hành động hay lời nói khiếm nhã với đứa bé cũng ít xảy ra hơn.

Đứa bé chỉ nghe lời mỗi ông già. Và ông già cũng chỉ quan tâm tới mỗi mình nó. Hai người họ chỉ ăn hoa quả sống qua ngày. Đôi lúc đứa bé đi ngang qua cửa hàng cơm mặn thèm nhỏ dãi nhưng nó vẫn nhớ lời ông già dặn. Hãy chỉ ăn hoa quả để luyện thanh, một mai con sẽ hát được bài hát mà con yêu thích.

Đêm. Cầu thang là nơi ông già và đứa bé trú ngụ. Ông già thường kể cho đứa bé nghe câu chuyện ngày xưa của ông. Chuyện giản đơn vì sao ông già tới nơi này, ông tới đây vì đứa bé.

- Nhưng vì sao?

Câu hỏi này ông già đoán từ cái nhíu mày của đứa bé. Ông cười, làn da nhăn nhúm và mấy sợi râu bạc rung rung.

- Là nói đại khái thế, học cách bắt chuyện ngày xưa của người dân kẻ chợ. Có thể chúng ta đến nơi này để trả những nợ duyên.

Ông già lại tiếp tục kể cho đứa bé nghe câu chuyện của những người lang thang trên hành trình làm người và những nghiệp chướng mà họ gây ra. Cả những việc tốt mà họ làm để trả nợ. Khi nghe ông già kể chuyện, mắt đứa bé nhìn lên trời cao vời vợi. Nhưng ông già nói, đừng cố làm, cố được mất. Con cứ sống như những ngày mà chúng ta sống nơi đây khi đó trời sẽ gần chúng ta hơn. Đứa bé đã thuộc lòng câu chuyện và coi ông già như bố của mình. Nó chắp hai tay trước mặt rồi từ biệt ông già. Nó đi vào giấc ngủ. Khi nghe ông già hát, đứa bé thấy mình trôi bồng bềnh trên những đám mây. Theo sau nó là ông già. Hai người họ bước ra từ một ngôi nhà khá đẹp. Đúng rồi, đứa bé nhớ lại đấy là nhà của mình và ông già chính là bố. Những hình ảnh chắp ghép nhau, có một con chim đang cất tiếng hót, đứa bé muốn có nó bằng mọi cách. Ông già giương cao mũi tên nhằm vào cánh. Con chim thôi tiếng hót, chao nghiêng rồi rớt xuống đám mây. Máu đỏ nhuộm trên nền mây trắng. Con chim biến thành một người con trai. Người con trai đó nhập vào đứa bé rồi cùng bố đi lang thang. Khi ngoái đầu trở lại, ngôi nhà đã biến mất. Góc chợ hiện ra với những quả cam thối trôi lúc nhúc trong nước mưa dầm dề ở chợ. Đứa bé hỏi ông già.

- Chúng ta đang ở đâu đây? Câu hỏi của đứa bé bằng tiếng chim, ông già không hiểu. Từ hôm sau đứa bé cố hỏi thêm một số điều thì nó bị mất giọng. Nó lặng im, chỉ nghe ông già nói.

Đứa bé trở dậy khi cơn mưa bắt đầu trút xuống cho ngày mới nơi đây. Chợ thưa thớt người, những âm thanh thường ngày rộn rã biến đi đâu mất. Nó cũng chẳng mấy thấy nhớ âm thanh này. Nó nhíu mày tựa nhớ về một ngày nào đó rất xa xôi.

- Rồi con sẽ hát được bài hát cho ngày mai. Hãy sống nốt những ngày ở nơi đây với những thứ mà chúng ta kiếm được. Khi trả xong món nợ của ngày xưa, chúng ta sẽ rời khỏi nơi đây.

Đứa bé nhíu đôi mày lại và ông già hiểu đấy là một câu hỏi của nó.

- Con không thắc mắc vì sao chúng ta đến nơi này ư? Vì sao chúng ta phải sống cảnh ăn mày nơi góc chợ và cả những người trôi lúc nhúc trên bể trần gian...

Người người đi chợ nán lại một chút lén nghe câu chuyện của ông già. Họ chậc lưỡi và bước nhanh vào trong chợ. Ở đấy còn có nhiều thứ hấp dẫn họ hơn. Con cá tươi rói được vớt lên từ sông, con heo vừa mới được làm thịt và cái lồng gà, lồng vịt chen lấn nhau. Trong tù túng chúng mổ vào mắt nhau kêu lên chí chới. Hôm có người đi ngang qua hỏi ông già một câu.

- Tôi thực sự không biết ăn gì nữa. Ông có thể chỉ cho tôi không?

Ông già không chỉ cho người đấy phải ăn cái gì. Ông chỉ nói với người đó rằng tận cùng của con người là cái khổ. Khổ nhất là không biết ăn gì.

*

Ông già ốm quặt khi bước sang mùa đông giá buốt. Đứa bé không ra hát ở chợ nữa, nó quanh quẩn bên ông già. Nhìn tình cảnh của ông, người dân kẻ chợ rất ái ngại. Ban Quản lý chợ giải quyết cho ông già đi viện khi đã gom đủ không ít tiền từ thiện trong các chủ quầy. Họ đặt vào tay ông già số tiền đó và yêu cầu đi theo họ đến bệnh viện. Đứa bé hăm he giải thích nhưng họ không nghe thấy được. Ông già gắng gượng nói với họ.

- Xin cho tôi ở đây thêm một thời gian thôi, xong việc chúng tôi sẽ rời khỏi nơi này.

- Già không có việc gì ở đây cả.

- Tôi có mà.

- Nếu già chết ở nơi đây?

- Đây là chốn tạm bợ của biết bao con người.

- Nhưng già ở đây thêm bao ngày nữa?

- Chỉ hết ngày hôm nay thôi.

Họ lặng im bỏ đi, để lại ông già và đứa bé cùng một nắm tiền. Ông già bảo đứa bé mang hết số tiền phát cho người ăn xin ở chợ. Khi chiều xuống, ông gọi đứa bé đến bên cạnh mình và nói.

- Hết chiều nay, khi đêm xuống sương sẽ tan nhanh. Sẽ có ánh trăng vào mùa đông lấp lánh. Cánh chim đó sẽ thoát khỏi người con và nó đập cánh lên không trung.

Giọng ông già ấm áp. Đứa bé nhìn ông mỉm cười. Trời mùa đông thấp thoáng những màn sương rơi. Người người thấy lạ và truyền tai nhau chạy ra đường. Bầu trời có trăng bàng bạc cùng những ngôi sao lấp lánh. Đến nửa đêm trời ấm áp kỳ lạ. Mọi người không muốn trở về ngôi nhà của mình, họ cứ mải thong thả bước chân trần trên những con đường láng mịn bởi ánh trăng. Từ trên bầu trời cao, ánh trăng bắt đầu vỡ ra. Từng luồng ánh sáng rớt lên khu chợ. Họ kéo nhau về đó rất đông, họ kéo nhau về tới góc chợ có những quả cam thối lúc nhúc mỗi ngày. 


Ở đấy, có tiếng hát rất trong và vút cao. Bài hát nghe xa lơ xa lắc. Nó lạ đến vô chừng và người hát chính là đứa bé. Bóng nó thấp thoáng dưới ánh trăng, câu hát thấp thoáng trong làn gió đưa qua khu chợ. Ông già đứng dậy rồi đi rất linh hoạt đến bên đứa bé. Từ nơi ánh sáng chói xuống, có một con chim trắng bay lên trên tầng tầng lớp lớp mây trắng bồng bềnh. Ông già và đứa bé cũng đi theo cánh chim để lại hai bộ quần áo nhàu nát trên nền chợ. Người người trố mắt nhìn theo. Lúc sau họ vội vàng chạy ra khỏi khu chợ vì nghĩ rằng đấy là bóng ma của ông già và đứa bé.
Chợ, một sớm mai người đến đây thưa thớt. Chỉ có một vài tình nguyện viên tìm kiếm cái xác ông già và đứa bé nhưng không hề thấy. Họ lắc đầu, có lẽ ai đó đã mang họ về cõi nào khác khi đã hết kiếp ở trần gian. Sau đêm hôm ấy, dân kẻ chợ đã xây ở góc đó một đền thờ uy nghiêm. Trong một đêm trăng sáng người ta nhìn thấy một con chim trắng tha về đấy một mầm non cây bồ-đề. Nó thả xuống đền và giờ đây cây xanh tỏa bóng râm một góc chợ. Ở cái đền ngày nay, người ăn xin thường quây quần ở đấy. Ai cũng mong gặp con chim trắng, ai cũng mong gặp được nguồn ánh sáng trong câu chuyện kể của ngày xưa để hóa kiếp một lần.

Truyện ngắn Hoàng Hải Lâm