Kiếp trước, gã là ai? Có thể gã là ca sĩ chăng? Và đấy là bài hát còn sót lại của quá khứ. Có lẽ những ngày xưa gã hát chưa thành bài thì một ai đấy gởi gã xuống trần gian này, nên giờ gã cố hoàn thiện bài hát đó. Chợ chứng kiến gã đứng hát ở đây chừng... mười lăm năm. Từ ngày cái chợ được lợp bằng những tấm ni-lon lùng bùng cho đến nay chợ được xây khang trang với hai tầng hẳn hoi. Dân kẻ chợ gọi gã là thằng điên, bọn con nít gọi gã là thằng khùng, còn ông già nhặt ve chai ở chợ gọi gã là đứa bé.
Ông già rất thương đứa bé. Điều này khỏi xác minh bởi nó được thể hiện bằng những cử chỉ ân cần của ông già đối với đứa bé. Người ta lại đặt câu hỏi, sao ông già tha phương cầu thực lại thương đứa bé này? Hay kiếp trước ông mắc nợ đứa bé? Cũng kỳ cục. Với ông già, thương thì thương thế, vô điều kiện. Tấm lòng của ông già đối với đứa bé khiến mọi người phải xem lại cách thương của mình. Và khi có ông già, hành động hay lời nói khiếm nhã với đứa bé cũng ít xảy ra hơn.
Đứa bé chỉ nghe lời mỗi ông già. Và ông già cũng chỉ quan tâm tới mỗi mình nó. Hai người họ chỉ ăn hoa quả sống qua ngày. Đôi lúc đứa bé đi ngang qua cửa hàng cơm mặn thèm nhỏ dãi nhưng nó vẫn nhớ lời ông già dặn. Hãy chỉ ăn hoa quả để luyện thanh, một mai con sẽ hát được bài hát mà con yêu thích.
Đêm. Cầu thang là nơi ông già và đứa bé trú ngụ. Ông già thường kể cho đứa bé nghe câu chuyện ngày xưa của ông. Chuyện giản đơn vì sao ông già tới nơi này, ông tới đây vì đứa bé.
- Nhưng vì sao?
Câu hỏi này ông già đoán từ cái nhíu mày của đứa bé. Ông cười, làn da nhăn nhúm và mấy sợi râu bạc rung rung.
- Là nói đại khái thế, học cách bắt chuyện ngày xưa của người dân kẻ chợ. Có thể chúng ta đến nơi này để trả những nợ duyên.
Ông già lại tiếp tục kể cho đứa bé nghe câu chuyện của những người lang thang trên hành trình làm người và những nghiệp chướng mà họ gây ra. Cả những việc tốt mà họ làm để trả nợ. Khi nghe ông già kể chuyện, mắt đứa bé nhìn lên trời cao vời vợi. Nhưng ông già nói, đừng cố làm, cố được mất. Con cứ sống như những ngày mà chúng ta sống nơi đây khi đó trời sẽ gần chúng ta hơn. Đứa bé đã thuộc lòng câu chuyện và coi ông già như bố của mình. Nó chắp hai tay trước mặt rồi từ biệt ông già. Nó đi vào giấc ngủ. Khi nghe ông già hát, đứa bé thấy mình trôi bồng bềnh trên những đám mây. Theo sau nó là ông già. Hai người họ bước ra từ một ngôi nhà khá đẹp. Đúng rồi, đứa bé nhớ lại đấy là nhà của mình và ông già chính là bố. Những hình ảnh chắp ghép nhau, có một con chim đang cất tiếng hót, đứa bé muốn có nó bằng mọi cách. Ông già giương cao mũi tên nhằm vào cánh. Con chim thôi tiếng hót, chao nghiêng rồi rớt xuống đám mây. Máu đỏ nhuộm trên nền mây trắng. Con chim biến thành một người con trai. Người con trai đó nhập vào đứa bé rồi cùng bố đi lang thang. Khi ngoái đầu trở lại, ngôi nhà đã biến mất. Góc chợ hiện ra với những quả cam thối trôi lúc nhúc trong nước mưa dầm dề ở chợ. Đứa bé hỏi ông già.
- Chúng ta đang ở đâu đây? Câu hỏi của đứa bé bằng tiếng chim, ông già không hiểu. Từ hôm sau đứa bé cố hỏi thêm một số điều thì nó bị mất giọng. Nó lặng im, chỉ nghe ông già nói.
Đứa bé trở dậy khi cơn mưa bắt đầu trút xuống cho ngày mới nơi đây. Chợ thưa thớt người, những âm thanh thường ngày rộn rã biến đi đâu mất. Nó cũng chẳng mấy thấy nhớ âm thanh này. Nó nhíu mày tựa nhớ về một ngày nào đó rất xa xôi.
- Rồi con sẽ hát được bài hát cho ngày mai. Hãy sống nốt những ngày ở nơi đây với những thứ mà chúng ta kiếm được. Khi trả xong món nợ của ngày xưa, chúng ta sẽ rời khỏi nơi đây.
Đứa bé nhíu đôi mày lại và ông già hiểu đấy là một câu hỏi của nó.
- Con không thắc mắc vì sao chúng ta đến nơi này ư? Vì sao chúng ta phải sống cảnh ăn mày nơi góc chợ và cả những người trôi lúc nhúc trên bể trần gian...
Người người đi chợ nán lại một chút lén nghe câu chuyện của ông già. Họ chậc lưỡi và bước nhanh vào trong chợ. Ở đấy còn có nhiều thứ hấp dẫn họ hơn. Con cá tươi rói được vớt lên từ sông, con heo vừa mới được làm thịt và cái lồng gà, lồng vịt chen lấn nhau. Trong tù túng chúng mổ vào mắt nhau kêu lên chí chới. Hôm có người đi ngang qua hỏi ông già một câu.
- Tôi thực sự không biết ăn gì nữa. Ông có thể chỉ cho tôi không?
Ông già không chỉ cho người đấy phải ăn cái gì. Ông chỉ nói với người đó rằng tận cùng của con người là cái khổ. Khổ nhất là không biết ăn gì.
*
Ông già ốm quặt khi bước sang mùa đông giá buốt. Đứa bé không ra hát ở chợ nữa, nó quanh quẩn bên ông già. Nhìn tình cảnh của ông, người dân kẻ chợ rất ái ngại. Ban Quản lý chợ giải quyết cho ông già đi viện khi đã gom đủ không ít tiền từ thiện trong các chủ quầy. Họ đặt vào tay ông già số tiền đó và yêu cầu đi theo họ đến bệnh viện. Đứa bé hăm he giải thích nhưng họ không nghe thấy được. Ông già gắng gượng nói với họ.
- Xin cho tôi ở đây thêm một thời gian thôi, xong việc chúng tôi sẽ rời khỏi nơi này.
- Già không có việc gì ở đây cả.
- Tôi có mà.
- Nếu già chết ở nơi đây?
- Đây là chốn tạm bợ của biết bao con người.
- Nhưng già ở đây thêm bao ngày nữa?
- Chỉ hết ngày hôm nay thôi.
Họ lặng im bỏ đi, để lại ông già và đứa bé cùng một nắm tiền. Ông già bảo đứa bé mang hết số tiền phát cho người ăn xin ở chợ. Khi chiều xuống, ông gọi đứa bé đến bên cạnh mình và nói.
- Hết chiều nay, khi đêm xuống sương sẽ tan nhanh. Sẽ có ánh trăng vào mùa đông lấp lánh. Cánh chim đó sẽ thoát khỏi người con và nó đập cánh lên không trung.
Giọng ông già ấm áp. Đứa bé nhìn ông mỉm cười. Trời mùa đông thấp thoáng những màn sương rơi. Người người thấy lạ và truyền tai nhau chạy ra đường. Bầu trời có trăng bàng bạc cùng những ngôi sao lấp lánh. Đến nửa đêm trời ấm áp kỳ lạ. Mọi người không muốn trở về ngôi nhà của mình, họ cứ mải thong thả bước chân trần trên những con đường láng mịn bởi ánh trăng. Từ trên bầu trời cao, ánh trăng bắt đầu vỡ ra. Từng luồng ánh sáng rớt lên khu chợ. Họ kéo nhau về đó rất đông, họ kéo nhau về tới góc chợ có những quả cam thối lúc nhúc mỗi ngày.
Ở đấy, có tiếng hát rất trong và vút cao. Bài hát nghe xa lơ xa lắc. Nó lạ đến vô chừng và người hát chính là đứa bé. Bóng nó thấp thoáng dưới ánh trăng, câu hát thấp thoáng trong làn gió đưa qua khu chợ. Ông già đứng dậy rồi đi rất linh hoạt đến bên đứa bé. Từ nơi ánh sáng chói xuống, có một con chim trắng bay lên trên tầng tầng lớp lớp mây trắng bồng bềnh. Ông già và đứa bé cũng đi theo cánh chim để lại hai bộ quần áo nhàu nát trên nền chợ. Người người trố mắt nhìn theo. Lúc sau họ vội vàng chạy ra khỏi khu chợ vì nghĩ rằng đấy là bóng ma của ông già và đứa bé.
Chợ, một sớm mai người đến đây thưa thớt. Chỉ có một vài tình nguyện viên tìm kiếm cái xác ông già và đứa bé nhưng không hề thấy. Họ lắc đầu, có lẽ ai đó đã mang họ về cõi nào khác khi đã hết kiếp ở trần gian. Sau đêm hôm ấy, dân kẻ chợ đã xây ở góc đó một đền thờ uy nghiêm. Trong một đêm trăng sáng người ta nhìn thấy một con chim trắng tha về đấy một mầm non cây bồ-đề. Nó thả xuống đền và giờ đây cây xanh tỏa bóng râm một góc chợ. Ở cái đền ngày nay, người ăn xin thường quây quần ở đấy. Ai cũng mong gặp con chim trắng, ai cũng mong gặp được nguồn ánh sáng trong câu chuyện kể của ngày xưa để hóa kiếp một lần.
Truyện ngắn Hoàng Hải Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét