Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Cho ngày cơn gió không chạy trốn




Featured Image: Minh Chau Pham


Có nên viết bài thơ tình tháng Tám
khi lời yêu đã khản tiếng lâu rồi
từng con chữ trốn trong bờ mỏi mệt
niềm an nhiên thất lạc chẳng tăm hơi

Có nên viết rằng ngày thì rất cũ
những mơ hồ đã chạm đáy thung sâu
hài cốt đặt trên quách thời gian mục
những bài thơ là giả trá âu sầu

Có nên viết khúc bi ca màu gió
bởi giấc mơ vừa chạm đỉnh hoang đường
em hư ảo tất nhiên em không thật
tội lỗi gì tôi lạnh giữa đêm sương?

Bởi tháng tám nhớ bóng đêm hành khất
nên bao dung tôi lạc giữa chiêm bao
bởi cơn nhớ là lãng quên rất vội
nên đăm chiêu nhành cúc dại ven rào



Phương Uy

Khi Lỗi Lầm Thuộc Về Những Vì Sao – John Green




Featured Image: Bìa sách “Khi Lỗi Lầm Thuộc Về Những Vì Sao” bản tiếng Anh




“Đôi khi bạn đọc được một cuốn sách và nó truyền cho bạn một thứ đức tin cuồng loạn, và bạn dần tin rằng thế giới đang bị chia cắt này sẽ chẳng thể nào hàn gắn lại được khi và chỉ khi toàn bộ nhân loại đọc được cuốn sách đó.”

Tôi có cảm giác là cuốn sách đó là của tôi, được viết ra để dành cho tôi. Cũng thật lạ, khi nó chẳng phải là cuốn sách viết bởi một cây đại thụ của nền văn học thế giới, hay được xếp vào giá dành cho những cuốn sách kinh điển, cũng chẳng phải cuốn sách được viết với một ngôn ngữ văn chương trác tuyệt nhất, nhưng, bạn biết đấy, có ai yêu mà biết được chính xác vì sao yêu, bằng một cách bí mật nào đó, cuốn sách nó chạm được vào tôi, trả lời cho những gì nhức nhối nhất trong tôi và dần dần biến thành một phần của tôi tự lúc nào. Hạnh phúc có được sẻ chia thì mới trở nên trọn vẹn và tròn đầy, tôi băn khoăn không biết làm thế nào cái thế giới bị chia cắt này có thể đọc được cuốn sách của tôi đây?

Tôi thích cái cảm giác được đắm mình sâu vào một cuốn sách, khóc cười cùng nhân vật, được trải nghiệm một thực tại khác, một không gian và thời gian khác. Nhưng tôi yêu cái cảm giác thấy chính mình lấp ló trong những trang sách, thấy thực tại của mình trong thế giới tưởng tượng của một nhà văn xa xôi phía bên kia bán cầu, cảm nhận tác giá đang đối thoại với mình, trả lời cho những gì mình đang tìm kiếm. Điều tuyệt vời của việc đọc không phải là việc khám phá ra những điều mới lạ, mà là bắt gặp chính mình, chính những suy tư và tình cảm của mình trong những câu chữ uyển chuyển giàu chất thơ, cảm giác thăng hoa giống như gặp tri kỉ của đời minh nhưng dưới hình hài của những trang sách thơm mùi giấy mới. Điều đó chính là phép màu của văn học, người ta đọc để thấy mình chẳng còn cô đơn. Tôi cũng không ngờ một cuốn sách “best seller” “Khi lỗi lầm thuộc về những vì sao” có thể làm điều đó với tôi (quả là từ trước đến nay tôi chẳng phải là fan của những best sellers cho lắm)

“Mọi lẽ nghi vấn đều khiến chúng ta trở về với câu hỏi liệu cuộc sống của con người có ý nghĩa gì và phải chăng tất cả đều mang một ý nghĩa nào đó.” Có lẽ không có ai mà chưa từng vật lộn trước những câu hỏi truy vấn về “ý nghĩa”. Liệu mọi thứ có “ý nghĩa” gì đó không khi cái hồi kết dường như là được viết trước cho tất cả mọi người, sự hiện sinh của mỗi cá nhân và cả nhân loại chỉ như ánh chớp ngắn ngủi giữa đêm trường thời gian vô tận, khi vĩnh hằng vốn là một khái niệm không chính xác, khi sự lãng quên là không thể tránh khỏi. “Sẽ có một lúc nào đó sẽ chẳng ai còn sống sót để nhớ về bất cứ người nào đã từng tồn tại hay nhớ xem loài người đã làm được những gì… Tất cả những gì chúng ta đã từng làm nên, gây dựng, viết ra, suy tưởng, khám phá sẽ bị lãng quên và tất cả mọi thứ rồi sẽ thành con số không tròn trĩnh.”

Nếu như bạn vẫn đang mắc kẹt câu hỏi mang tính chất hiện sinh đó thì tôi cũng mạo muội “trả lời” rằng: vốn làm gì có thứ “ý nghĩa” nào nằm ngoài đời sống của con người, “ý nghĩa” của đời sống là chính nó, là chính sự sống, là sống trọn vẹn và tròn đầy trong những khoảnh khắc hữu hạn mà bạn có. Những người độ tuổi 20, sức xuân đang phơi phới như bạn và tôi có thể nghĩ đời sống như vậy có vẻ đơn giản, nhạt nhẽo và chẳng có “ý nghĩa” gì cả, cũng khó trách được khi mà những điều giá trị nhất, cốt lõi nhất thường được nghiệm ra khi bạn buộc phải đứng trước những lằn ranh giữa sự sống và cái chết, nơi bạn có thể nhìn ra những điều mà bạn sẽ chẳng bao giờ chú ý đến khi lúc nào cũng “an toàn”, khi mà những chòm sao chiếu mệnh đầy lỗi lầm buộc bạn phải, giống như Hazel và Augustus, bị ung thư và sắp chết.

Hazel là một cô bé xinh đẹp, thích đọc sách, đọc thơ, mơ mộng và thích xem những show truyền hình siêu nhảm, còn Augustus thì hài hước, giỏi thế thao, thích chơi game và bị ám ảnh bởi những trò ẩn dụ thú vị. Những con người ở độ tuổi 17 ngọt ngào có thể có cuộc sống bình thường nếu như những căn bệnh ung thư không tước khỏi họ khỏi cái điều căn bản và giản dị đó. Có những nỗi đau mà tưởng chừng như chạm đến giới hạn của những nỗi đau, cả về thể xác lẫn tinh thần “phần lớn cuộc đời tôi dành để cố gắng không bật khóc trước những người tôi yêu thương.” Nhưng thiết nghĩ rằng buồn đau đâu thể làm thay đổi con người ta, nó chỉ làm bộc lộ con người ta mà thôi, khi phải đấu tranh những buồn đau để sống, họ càng khát sống hơn và sống cũng nhiều hơn. “Tôi cố gắng tự an ủi mình rằng, mọi thứ còn có thể tệ hơn, rằng thế giới này không phải là một nhà máy sản xuất điều ước, rằng tôi đang sống với căn bệnh ung thư chứ chưa chết bởi nó, rằng tôi không được cho phép nó giết chết mình trước khi nó có thể giết chết mình.”

Hazel Grace, cô gái ấy, luôn tìm cách làm đầy cuộc sống ngắn ngủi của mình, trong những phút yếu lòng trong sợ hãi và âu lo cô tự dặn mình “ những suy nghĩ như vậy sẽ làm phí phạm những khoảnh khắc của cái cuộc sống vốn được tạo nên bởi những khoảnh khắc hữu hạn như vậy.” Cô gái của tôi luôn đong đếm cuộc sống của mình bằng những khoảnh khắc hữu hạn và trân trọng, dè sẻn chúng như vậy trong khi chúng ta như những kẻ nhà giàu ngu ngốc và hợm hĩnh luôn sống mà không ý thức về điều đó và ba hoa về sự có “ý nghĩa” của nó.

Cách sống trọn vẹn nhất chẳng phải là sống vì yêu hay sao? Cuốn sách trước hết viết về một câu chuyện tình, một thứ tình yêu đẹp đẽ và không tì vết kiểu như … tình yêu thật sự. “Tớ yêu cậu, dù biết rằng tình yêu chỉ như tiếng hét vào giữa khoảng không, biết rằng sự lãng quên là không thể nào tránh khỏi, biết rằng số phận bi thương của chúng ta đã được an bài, biết rằng sẽ có một ngày mọi nỗ lực của con người đều trở thành cát bụi, biết rằng cuối cùng mặt trời cũng sẽ nuốt chửng cái hành tinh mà hai chúng ta có, và sau tất cả những thứ đó anh vẫn yêu em.”

Chúng ta sống trong nỗi sợ cái chết và sự lãng quên, và, tình yêu là cái nỗ lực đẹp đẽ nhất chống lại cái chết và sự lãng quên đó. Hầu như tất cả loài người tham lam chúng ta đều mong muốn được nhớ tới một cách vẻ vang, ghi lại dấu ấn của mình như một nỗ lực đáng thương để “chiến thắng” cái chết. Hazel và Augustus chẳng để gì nhiều nhặn cho đời, nhưng có hề gì đâu khi “dấu ấn con người để lại thường là những vết sẹo” mà thôi, và bản thân yêu thương đã rất đầy đủ rồi. Họ đã có những phút giây ngắn ngủi nhưng vẫn là vĩnh viễn và vô tận mà họ không sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì cho những phút giây đó- nơi có sự hiện diện của một thứ còn bí hiểm hơn cả cái chết, cái đó gọi là Tình Yêu.

Tôi rất đồng ý với Hazel: “Có hai loại người trưởng thành. Loại người thứ nhất như Peter Van Houten, họ là những sinh vật khốn khổ luôn tìm sục sạo mọi nơi trên trái đất để tìm thứ gì đó để gây tổn thương. Và có những người giống như cha mẹ tôi, luôn đi loanh quanh như zoombi và làm nhiều thứ linh tinh cốt để được đi loanh quanh.” Cả tôi và Hazel đều không muốn sống một những cuộc sống như vậy. Xung quanh ta thiếu gì những người sống máy móc, quẩn quanh trong những khuôn thước may sẵn, những đám đông ồn ào mà thiếu sức sống, những con người tất tả chạy ngược xuôi với đầy rẫy lo toan cốt để cuối ngày dành buổi tối trước cái TV hay những thú vui nhạt nhẽo và giả tạo khác.

Tôi cũng chẳng tin vào những kẻ tuy tìm được lối ra khỏi đám đông kia nhưng lại rơi vào cái bẫy trong trò chơi của chính họ, luôn thích gặm nhấm nỗi buồn và sự cô đơn, luôn muốn lánh xa tất cả và kêu gào là họ đang sống là ‘chính mình’ và gọi phần còn lại của thế giới là điên cuồng, là thối nát. Chĩa mũi nhọn vào cuộc đời thì chính họ mới là người bị tổn thương. Cái nỗ lực thoát khỏi đời sống “mờ mờ nhân ảnh” khiến họ ôm khư khư cái tôi đầy sầu não của mình mà không biết rằng ‘cái tôi’ chính là trò ảo tưởng lớn nhất của loài người. Không, nếu trưởng thành mà là như vậy, tôi thà khước từ sự trưởng thành của mình còn hơn.

Tôi tin rằng nếu ai cũng ý thức thật sự được sự hiện sinh bản thân nó là quý giá vô ngần, rằng cuộc sống chỉ là tập hợp hữu hạn những khoảnh khắc, rằng yêu thương (theo nghĩa rộng) mới chính là triết lí sống tối cao nhất mà nhờ đó ta có thể biến những hữu hạn của ta thành mãi mãi, mọi thứ đã có thể rất rất khác.

Tôi thật sự thích cái cách tác giả nói về thật nhiều thứ trong giới hạn một cuốn sách nhỏ xinh ấy, thông qua một câu chuyện tình tưởng như là sến sẩm, trẻ con, qua chủ đề về nạn nhân ung thư tưởng chừng xưa như trái đất, viết bằng ngôn ngữ teen giản dị và hài hước mà vẫn giàu chất thơ. Cuộc sống thì nhiều điều bất ngờ và cuốn sách là một trong những điều đó.





Nancy

8 cây cảnh Việt Nam giá triệu đô



(Dân Việt) - Chủ nhân bộ tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" trị giá ba triệu USD Phạm Gia Thịnh - biệt danh Thịnh "Hải Phòng" nổi tiếng với những thương vụ mua bán cây cảnh triệu đô nhanh như chớp... Dẫu có giá trị cao như vậy nhưng cả siêu cây của Toàn "đô-la" và siêu phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" của Thịnh "Hải Phòng" đều "hết hồn" trước cây sanh "Mâm xôi con gà" của đại gia Thành "vàng" được niêm yết với giá 120 tỷ đồng, tương đương với 6 triệu USD.



Phạm Gia Thịnh bên siêu phẩm “Chiến thắng Bạch Đằng”.

Bộ cây cảnh giá 3 triệu USD
Những ai từng đến tham quan triển lãm cây cảnh ở Trung tâm Hội nghị quốc gia trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua hẳn sẽ không thể quên được bộ tác phẩm gồm 6 cây cảnh có một không hai được trồng trên những con thuyền gỗ lũa khổng lồ.

Ngay đằng sau 6 tác phẩm là tấm pano cực lớn, màu đỏ, có diện tích đến cả trăm mét vuông với mấy câu thơ đầy hào khí: "Sông Đằng một dải dài ghê/ Sóng hồng cuồn cuộn trôi về bể Đông/ Những người bất nghĩa tiêu vong/ Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh" (Bạch Đằng giang phú - Trương Hán Siêu).

Trên tấm pano còn có dòng chữ: Tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" - chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phạm Gia Thịnh - chủ nhân của bộ siêu phẩm này - vốn là một bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng. Mười năm trước, vì một vụ làm ăn bên ngoài đổ bể nên anh bỏ nghề về lập doanh nghiệp buôn bán thép.

Thành công nối tiếp thành công đã khiến Thịnh trở nên giàu có. Có tiền, anh bắt đầu theo đuổi niềm đam mê từ tấm bé là chơi cây cảnh. Trước Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, anh Thịnh đã nảy ra ý tưởng sáng tác một bộ cây cảnh tái hiện lại trận chiến rung chuyển lịch sử, làm thay đổi vận mệnh nước nhà.

Điều này đã khiến cho bộ tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" trở thành độc nhất vô nhị vì người chơi thường chỉ tạo dáng cây theo quan niệm cuộc sống chứ không ai lại tái hiện một trận chiến như Thịnh.

Anh tâm sự: "Với những cây cảnh bình thường khác thì chỉ có thể chuyển tải một ý nghĩa nho nhỏ, làm niềm vui cho người sở hữu. Nhưng tác phẩm của tôi tái hiện một trận chiến kinh điển vừa mang ý nghĩa biết ơn với tiền nhân, vừa nhắc nhở con cháu đời sau không được quên công ơn xương máu của cha ông để bảo vệ nền độc lập dân tộc này".

Theo tư liệu lịch sử mà anh Thịnh nghiên cứu thì loại gỗ làm chiến thuyền ngày xưa chủ yếu là gỗ sao đen vì đây là loại cây rất lớn, gỗ tốt, chịu được nước. Nhưng loại gỗ sao đen gần như đã tuyệt chủng ở Việt Nam nên chỉ có thể tìm lũa, tức là phần lõi của cây gỗ, còn tồn tại dưới lòng đất, lòng sông suối từ hàng ngàn năm trước.

Sau cả năm trời lùng sục, tìm kiếm, cuối cùng Phạm Gia Thịnh cũng mua được 5 cây lũa sao đen, đều thuộc hàng lớn nhất Việt Nam. Những cây lũa này đều mua được rải rác ở vùng Phú Yên, Tánh Linh (Bình Thuận), Gia Lai và Đồng Nai. Mỗi cây lũa đều có giá cả tỷ đồng.

Trong số 5 cây lũa chế tác thành những chiến thuyền này thì cây lũa mua được ở Đồng Nai là lớn nhất. Sau khi vận chuyển 5 khúc gỗ khổng lồ về TPHCM, anh Thịnh đã thuê một xưởng rộng cùng hơn chục nghệ nhân tạo tác lũa và chăm sóc, tỉa tót cây cảnh.

Những khúc gỗ lũa được đẽo gọt thành những chiến thuyền với đường kính 1,4m và dài 10m. Các chuyên gia dùng phương pháp phóng xạ các-bon khẳng định tuổi của khúc gỗ lớn nhất là 1.800 năm. Những khúc gỗ còn lại đều từ 1.000 đến gần 2.000 năm tuổi.

Cứ mỗi tác phẩm hoàn thiện ở TP. HCM, anh Thịnh lại cho xe tải cỡ lớn chở ra Bắc. Hành trình chở mỗi tác phẩm phải mất nửa tháng trời. Những ngày tác phẩm di chuyển trên đường là những ngày anh Thịnh mất ăn, mất ngủ.

Sự xuất hiện của tác phẩm này giữa đất Thủ đô trong ngày Đại lễ đã gây ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ đối với giới chơi cây và người thưởng lãm. Anh Thịnh cho biết để hoàn thiện tác phẩm này, anh đã phải chi phí ngót 20 tỷ đồng. Cũng theo anh, giới chơi cây định giá bộ siêu phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" là 3 triệu USD, tức gần 60 tỷ đồng.

150 tỷ đồng cho niềm đam mê cây cảnh




Siêu phẩm chiến thắng Bạch Đằng
Hai năm qua, anh Thịnh đã bỏ tổng cộng 150 tỷ đồng để mua cây cảnh đẹp về chơi. Gặp bất cứ người chơi cây cảnh nào, hỏi tên Phạm Gia Thịnh cũng sẽ dễ dàng được nghe những thương vụ mua cây đã trở thành "huyền thoại" của đại gia đất cảng này.

Ông Phạm Văn Vĩnh, một nông dân chơi cây cảnh ở xã Hải Phương (Hải Hậu, Nam Định) kể: "Năm ngoái, một anh chàng cao to giới thiệu tên là Thịnh, quê Hải Phòng, rẽ vào vườn nhà tôi chơi. Anh này ngắm nghía 3 cây sanh chán chê rồi hỏi giá.

Lúc đó vì không có ý định bán nên tôi nói bừa giá 2 tỷ đồng cho 3 cây, tức là nói gấp đôi giá trị thực tế. Không ngờ, anh ta mở xe ô tô lấy luôn 3 tỷ đồng đưa cho tôi. Hồi tháng Tám năm nay, anh ta lại đến vườn nhà tôi hỏi giá 3 cây nữa.

Lần này tôi nói vống lên 6 tỷ. Sau đó tôi suýt ngã ngửa người khi anh ta trả tiền luôn không thèm mặc cả câu nào. Từ vụ ấy gặp Thịnh, tôi không dám ra giá nữa vì sợ không còn giữ được cây đẹp nào cho mình".

Không chỉ nổi tiếng rộng rãi trong việc mua bán, Phạm Gia Thịnh còn từng làm choáng váng giới chơi cây cảnh cả nước khi mua đứt cây "Đằng vân thập toàn" của một đại gia tên Điệp với giá 10 tỷ đồng. Trước đó, dân chơi Toàn "đô la" đã trả giá 8 tỷ mà ông này không bán.

Ngoài ra, anh Thịnh còn bỏ ra tiếp 10 tỷ đồng để mua cây sanh dáng trực có tên "Đĩa bay" của anh Huy ở cầu Mai Lĩnh (Hà Nội). Thời gian gần đây, giới chơi cây miền Bắc truyền miệng nhau một câu chuyện như "huyền thoại" về gã đại gia đất cảng.

Trong một lần Phạm Gia Thịnh tìm lên Việt Trì (Phú Thọ) chiêm ngưỡng "vườn thượng uyển" của Toàn "đô la" - một đại gia chơi cây cảnh hàng đầu Việt Nam. Đại gia này cũng đã bỏ ra 120 tỷ đồng để mua cây về chơi trong 10 năm nay và hiện đang sở hữu vài cây cảnh giá triệu đô.

Mê đắm vườn cây của "đại gia đất Tổ", Thịnh đã đề nghị anh Toàn định giá toàn bộ vườn cây để cân đối nguồn tài chính rồi rinh về luôn. Nghe danh Thịnh "Hải Phòng" với "tuyệt nghệ" mua cây nhanh như chớp đã lâu nên Toàn "đô la" cũng chờn, không dám phát giá.Vườn cây này Toàn đã bỏ cả cuộc đời và bao tâm huyết để gây dựng được nên không dám "liều lĩnh" với Thịnh cũng là điều dễ hiểu.

Trở về sau Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, hiện tại Phạm Gia Thịnh đang xây dựng khu vườn rộng vài héc-ta ở Hải Phòng với mong muốn đó sẽ là nơi các nghệ nhân có thể gửi trưng bày miễn phí các tác phẩm của mình.

Giới săn cây, người chơi cây chỉ cần đến khu vườn này là có thể được mãn nhãn trước hàng vạn cây cảnh quý hiếm và được gặp tên tuổi đã trở thành "huyền thoại" của làng cây cảnh Việt Nam.

Những cây cảnh triệu đô

Trong triển lãm cây cảnh dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đại gia Toàn "đô-la" cũng mang đến siêu cây cảnh "Ông Bụt". Siêu phẩm này từng được trả 25 tỷ đồng từ 3 năm trước thế nhưng đến nay chủ nhân của nó vẫn không có ý định bán.

Dẫu có giá trị cao như vậy nhưng cả siêu cây của Toàn "đô-la" và siêu phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" của Thịnh "Hải Phòng" đều "hết hồn" trước cây sanh "Mâm xôi con gà" của đại gia Thành "vàng" được niêm yết với giá 120 tỷ đồng, tương đương với 6 triệu USD.

Được liệt vào diện "hàng khủng" như trên còn có cây lũa sao xanh "Tứ linh quy tụ" nặng 6 tấn với hàng ngàn năm tuổi. Tác phẩm này cũng được định giá lên tới hàng triệu USD...

Linh Huệ
http://danviet.vn/xa-hoi/dai-gia-cay-canh-voi-sieu-pham-ba-trieu-usd-24649.html





8 cây cảnh Việt Nam giá triệu đô


Có giá bán tương đương hoặc gấp vài lần siêu xe Rolls Royce, nhiều người đã sưu tầm, chăm sóc những cây cảnh có tuổi đời hàng trăm năm, với những thế độc nhất vô nhị.

1. Mâm xôi con gà


“Mâm xôi con gà” là cây sanh cổ thụ hơn 150 năm tuổi, có xuất xứ từ thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, Quốc Oai, thuộc Hà Tây cũ của dòng họ Phạm. Năm 1996, họa sĩ Đặng Xuân Cường (Cường họa sĩ), một nghệ nhân nổi tiếng ở đất Hà thành đã phát hiện, tìm mua và trực tiếp tạo dáng cho cây này. Qua nhiều tay của các đại gia chơi cây, hiện “Mâm xôi con gà” thuộc sở hữu của ông Nguyễn Nam Thành (Thành “vàng”) Việt Trì, Phú Thọ.

Tháng 4/2012, siêu cây triệu đô của đại gia đất Việt Trì đã được lên trang bìa của tạp chí về nghệ thuật chơi cây cảnh, bonsai - BCI của Mỹ. Trong một triển lãm sinh vật cảnh, Mâm xôi con gà được định giá 6 triệu USD tương đương với 120 tỷ đồng.

2. Chiến thắng Bạch Đằng


Những cây tùng trong bộ tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" của doanh nghiệp Gia Phạm (Hải Phòng) trồng trên thân cây gỗ sáo đen được định giá hơn 70 tỷ đồng bởi sự mới lạ và sáng tạo.

3. Ông bụt


"Ông bụt” là cây tùng có tuổi đời hơn 500 năm, thuộc sở hữu của Phạm Văn Toàn (Toàn đôla) ở Việt Trì, Phú Thọ. Cây còn được gọi là “đại cổ tùng”, liệt vào hàng có một không hai trong làng sinh vật cảnh Việt Nam. Cây được định giá 1,2 triệu USD

4. Trực quân tử




Cây sanh đại thụ thế Trực quân tử của anh Phạm Hải Anh thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đây là cây trải qua hơn 4 đời và được định giá khoảng 25 tỷ đồng. Theo chủ nhân của cây sanh đại thụ này, 25 tỷ là giá mà khách mua cây từng trả cho gia đình anh. Tuy nhiên, anh chưa hề có ý định bán nó.

5. Dáng làng


“Dáng làng” là cây sanh có tuổi đời 200 năm, cây thuộc sở hữu của đại gia Toàn đôla. Cây sanh này được anh mua trong Huế với giá 3 tỷ đồng từ mấy năm trước. Đến nay, đã có người trả giá 22 tỷ đồng nhưng anh chưa bán.

6. Quần long phượng vũ

Cây Sanh “Quần Long Phượng Vũ” của công ty xây dựng Cường Thịnh Thi (Ninh Bình) có tuổi thọ trên 100 năm, được cho là “độc nhất vô nhị” có giá là 1 triệu USD.

7. Tam đa


Cây sanh Tam đa của ông Nguyễn Công Khanh ở thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Là cây sanh có gốc cổ thụ được định giá hơn 20 tỷ đồng.

8. Dáng Thăng Long


Là cây sanh của ông Hoàng Quân (Thái Bình) đã có người ở trong Sài Gòn trả tới 60 tỷ đồng nhưng ông Quân không bán.
9. Đại thụ vân tùng


Cây Sanh “Đại thụ vân tùng” của nghệ nhân Lê Xuân Kỳ - Ủy viên ban chấp hành CLB sinh vật cảnh Việt Nam được định giá 10 tỷ đồng.

10. Phu thê




Cây sanh có dáng Phu thê này thuộc sở hữu của ông Nguyễn Gia Hiền (Triều Khúc, Hà Nội). Tính đến giai đoạn hiện tại, cây sanh đã có tuổi đời hơn 100 năm.

Trong Festival cây cảnh nghệ thuật tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh năm 2006, đây là cây cảnh duy nhất đạt giải Vàng. Và cũng trong Festival, một đại gia khét tiếng ở Sài Thành dám bỏ ra 400.000 USD (gần 6 tỷ Việt Nam đồng) để mua cây sanh này nhưng ông không bán.

Ngoài ra, còn rất nhiều những siêu cây khác như Lão Mai được định giá 19 tỷ đồng, cây sanh Dáng Long của hội sinh vật cảnh Hải Dương giá 7 tỷ, Tác phẩm "Long cuốn Thủy" của hội sinh vật cảnh Bắc Ninh có giá khoảng 1,4 tỷ hay cây đa búp đỏ của ông Châu ở làng Triều Khúc, Hà Nội…

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Nếu có chiến tranh thế giới, Việt Nam sẽ là nước an toàn nhất

Theo nghiên cứu mới nhất của Viện kinh tế và hòa bình thế giới (IEP), Việt Nam sẽ là một trong 11 quốc gia an toàn nhất nếu có chiến tranh thế giới xảy ra. Danh sách 11 quốc gia không bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột theo chỉ số hòa bình toàn cầu 2014 bao gồm: Thụy Sĩ, Nhật Bản, Qatar, Mauritius, Uruguay, Chile, Botswana, Costa Rica, Việt Nam, Panama và Brazil. Chỉ số hòa bình toàn cầu của IEP dựa trên các tiêu chí về xung đột nội bộ, sự đóng góp vào quân sự thế giới, tỷ lệ sử dụng vũ khí hạng nhẹ của người dân…

Do chỉ số này xét trên cả sự đóng góp vào quân sự thế giới nên có những quốc gia tưởng như an toàn nhưng thực sự không phải thế. Ví dụ như Anh, đất nước này ít xung đột nội bộ nhưng sự tham gia gần đây của quân đội Anh tại Afghanistan làm cho nước này đạt chỉ số kém về hòa bình toàn cầu 2014. Trái ngược lại, Triều Tiên ít tham gia vào các vấn đề toàn cầu nhưng họ lại có nguy cơ chiến tranh cao do sự bảo thủ và các vấn đề nội bộ.

Chỉ số hòa bình toàn cầu 2014 nghiên cứu những con số tính đến cuối năm 2013. Nghĩa là những vấn đề của 2014 vẫn chưa được nhắc tới trong báo cáo. Như vậy, có những nước năm 2013 rất an toàn nhưng 2014 thì ngược lại. Ví dụ như Brazil với những cuộc biểu tình, bạo loạn chống World Cup năm 2014 thì chỉ số hòa bình năm 2015 của họ lại rất thấp. Thậm chí một đất nước nổi tiếng tách biệt với chiến tranh như Thụy sỹ cũng rất có thể mất điểm hòa bình vào năm sau do tỷ lệ cung ứng và xuất khẩu vũ khí của họ là rất cao.

Phát biểu với The Independent, giám đốc của IEP, Camilla Schippa cảnh báo rằng hòa bình thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng trong những năm gần đây. Bà nói: ‘Những cú sốc lớn về kinh tế và địa chính trị cho thế giới như phong trào mùa xuân Ả Rập hay khủng hoảng tài chính toàn cầu đẩy càng nhiều quốc gia vào nguy cơ xung đột. Trong những năm qua, các hoạt động khủng bố đang ngày càng gia tăng, các cuộc xung đột tại dải Gaza, Syria, Iraq hoặc tình hình bất ổn tại Ukraine, bạo lực tại Nam Sudan đang làm chúng ta có cảm giác rằng sắp có chiến tranh thế giới mới’.

Tiến Nguyễn (Independent)
(Xahoi.com.vn/Công lý)

Douglas Bandow – Quyền tự do bất khả phân: Tự do cá nhân, tự do chính trị, tự do kinh tế



Hầu như ai cũng ủng hộ tự do. Ít nhất là họ nói rằng họ ủng hộ tự do. Các chính trị gia hùng hồn khi nói về những quyền tự do của nước Mỹ nói chung. Không khó tìm những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận và tự do dân sự. Các chiến sĩ nhanh chóng đứng lên chống lại những mối đe dọa đối với quyền riêng tư. Và hầu hết mọi người đều cảm nhận được bằng trực giác rằng những quyết định riêng tư của cá nhân và gia đình là những quyết định không liên quan gì tới chính phủ hết.

Nhưng khi nói về quyền tự do kinh tế thì nhiều người lại thay đổi ngay giọng điệu. Cứ như thể tự do kinh tế không đáng quan tâm vậy. Thực vậy, khía cạnh này của tự do dường như bị loại ra, dễ bị nhà nước kiểm soát và điều tiết. Một số người nồng nhiệt tuyên bố trung thành với tự do lại ngậm miệng khi thấy quyền sở hữu, quyền kinh doanh và tự do kí kết hợp đồng bị tấn công.
Sống cuộc đời bạn bằng hầu bao của bạn

Hiện nay Quốc hội và các cơ quan lập pháp của nhà nước (Mỹ – ND) đang tìm mọi cách để điều kiển cuộc sống của chúng ta. Một số mệnh lệnh dân chủ đó nhắm vào cả công việc riêng tư lẫn hoạt động kinh tế của chúng ta. Thí dụ chương trình “cải cách” y tế trao quyền cho chính phủ để họ có thể tăng cường kiểm soát những quyết định về mặt bảo vệ sức khỏe của chúng ta cũng như chúng ta phải chi tiền cho việc này như thế nào.

Như vậy, công việc chính mà những nhà làm luật này làm là lèo lái nền kinh tế. Họ đưa ra những lý do cao thượng: tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo công bằng, xóa đói giảm nghèo. Mấu chốt là gần như tất cả những gì họ làm đều đòi hỏi chính phủ phải vi phạm quyền tự do kinh tế.

Các nhà làm luật ít khi công nhận rằng họ đang hạn chế quyền tự do của bất kỳ ai. Họ thường tuyên bố rằng phải bảo vệ người tiêu dùng. Trên thực tế, giới tinh hoa chính trị đã tạo ra hai loại quyền tự do: Những quyền tự do quan trọng và tự do kinh tế. Nếu vấn đề là quyền tự do chỉ trích chính phủ, quan hệ tình dục, lựa chọn bạn đời hoặc bảo vệ cuộc sống cá nhân riêng tư thì ít nhất hầu hết các chính trị gia cũng đều nói rằng đây là những quyền tự do quan trọng, cần phải bảo vệ. Trong khi đó một số người ủng hộ một cách quyết liệt sự can thiệp vào kinh tế lại khẳng định rằng những quyền tự do cá nhân vừa nói là những quyền tự do căn bản, phải được tôn trọng.

Ngược lại, nếu bạn quyết định thành lập doanh nghiệp, lựa chọn ngành nghề, nơi làm việc, thu nhập bao nhiêu, thời gian làm việc, nơi đăng quảng cáo, sản xuất cái gì, thuê ai, và chi tiêu như thế nào – thì những người có quyền lại coi những quyền này là không quan trọng. Chính phủ không chỉ được phép điều tiết các hoạt động kinh doanh mà còn cần phải điều tiết nữa, họ nói như thế.

Mục tiêu cao cả hơn
Đối với đa số người, quyền phản kháng dường như là cao cả hơn quyền kinh doanh hay kiếm sống. Hoạt động kinh tế dường như là công việc trần tục. Lựa chọn bạn đời hay là làm tình có tính cá nhân hơn là mua một sản phẩm hay thuê người làm công. Và khả năng bảo vệ sự riêng tư đời sống cá nhân dường như trở thành cốt lõi của con người. Mua và bán trên thương trường bị nhiều người coi là việc bình thường.

Nhưng tự do kinh tế quan trọng hơn là người ta có thể tưởng. Chúng ta có thể phấn khích khi thấy người ta sử dụng quyền tự do cá nhân và tự do chính trị cho những mục đích “cao cả hơn”. Nhưng có thể không có gì quan trọng hơn là quyền tự do cải thiện cuộc sống của chúng ta, quyền chăm tự sóc mình và gia đình mình theo cách mà chúng ta cho là thích hợp.

Trong thế kỷ XX chúng ta đã có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi liệu tự do kinh tế có tạo ra thịnh vượng hay không. Nếu bạn muốn có một tương lai tốt đẹp hơn thì bạn cần phải có tự do kinh tế.

Nhưng tự do kinh tế còn mang đến cho ta nhiều hơn là mấy đồng tiền và mấy đồng xu. Phần lớn mọi người đều coi lao động là sản phẩm tự nhiên của chính họ. Thị trường tưởng thưởng cho tính trung thực, tinh thần lao động cần cù, sáng kiến, lòng nhiệt tình và những đức tính tốt khác nữa. Tự do kinh tế cũng là một cơ hội để thúc đẩy lòng tin của chúng ta, giúp chúng ta thành công, giúp chúng theo đuổi hạnh phúc và phát triển như một con người. Bạn có dùng những thành quả g lao động của mình nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân, hỗ trợ những sự nghiệp tốt đẹp, hoặc tạo ra những khoản đầu tư vững chắc không?

Nói cho ngay, khi bạn ra trường thì quyền tự do quan trọng nhất có thể chính là quyền tự do làm việc để có thu nhập và tiết kiệm. Những quyền tự do khác – ví dụ như bầu cử hay phản đối – dĩ nhiên là quan trọng rồi. Nhưng quyền tự do cấp bách nhất bao gồm tự do chọn nghề hay ít nhất là tìm việc làm. Bạn sẽ kiếm sống bằng cách nào? Bạn dùng phần lớn cuộc đời mình cho cái gì? Bạn dùng phần lớn thời gian thức của mình ở đâu? Trong lĩnh vực kinh tế.

Tự do kinh tế còn có những hiệu ứng phụ quan trọng nữa. Quyền tự do trong lĩnh vực này sẽ khuyến khích quyền tự do trong những lĩnh vực khác. Ví dụ, đồng tiền mà bạn không kiếm được hay không giữ được thì bạn cũng không thể chi được cho sự nghiệp chính trị hay xã hội cao thượng.

Quyền tự do báo chí không chỉ là quyền nói mà còn là quyền mua phương tiện để nói nữa. Ở một số nước, chính phủ kiểm soát việc cung cấp giấy in và việc tiếp cận với sóng phát thanh. Tại những nước đó, tự do báo chí bị đe dọa. Cần gì phải kiểm duyệt khi mà người ta có thể dùng phương tiện kinh tế để bịt miệng những người chỉ trích? Nhưng sự phổ biến của máy tính, máy fax, điện thoại cầm tay và Internet làm cho những chính phủ độc tài, thí dụ như Trung Quốc, khó kiểm soát được số dân đang tăng lên của họ.

Hơn thế nữa, sự thịnh vượng kinh tế tăng lên sẽ khuyến khích người dân sử dụng quyền tự do chính trị. Nếu con bạn bị đói thì bạn sẽ phải lo cho chúng ăn. Nếu con bạn được ăn no và khỏe mạnh thì bạn sẽ có điều kiện lo lắng đến những việc khác – thí dụ như ủng hộ một sự nghiệp, một ứng cử viên hay chiến dịch tranh cử. Ở những nước có những người giàu hơn – tương tự như Mexico, Nam Hàn và Đài Loan – số người thuộc thành phần trung lưu đang gia tăng sẽ buộc giới tinh hoa chính trị phải lùi bước. Điều đó cuối cùng có thể cũng sẽ xảy ra ở Trung Quốc.

Tự do kinh tế có ý nghĩa lớn hơn là lời và lỗ. Tự do kinh tế phù hợp với xã hội tự do rộng lớn hơn, trong đó người ta có thể tự do tiếp cận với các nguồn lực dùng cho một loạt những mục tiêu khả dĩ khác nhau. Trong các nước đã phát triển, nhiều người từ bỏ công việc kinh doanh để có thời gian phục vụ cộng đồng hay suy tư, chiêm nghiệm. Bạn có thể làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận, vào chủng viện, thành nghiên cứu sinh suốt đời hay đi tu. Và bất cứ người nào cũng có thể rút lui khỏi phần lớn các lĩnh vực hoạt động kinh tế. Nếu bạn không thích sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp đang bán, bạn có thể đơn giản là bỏ đi. Hay bạn có thể tìm ra một nhà cung cấp khác, thí dụ như hợp tác xã thương nghiệp địa phương. Xã hội càng giàu có thì những kiểu lựa chọn như thế sẽ càng nhiều hơn.
Bất khả phân

Cuối cùng, thành công về kinh tế tạo điều kiện cho người ta sử dụng một cách đầy đủ hơn lợi thế của những quyền tự do khác. Kiếm được một ít tiền rồi chu du khắp thế giới, đi làm nghiên cứu sinh, xuất bản một tờ báo, ủng hộ quỹ từ thiện, ủng hộ một chiến dịch hay một chính khách mà bạn chọn. Tạo ra mạng dịch vụ trực tuyến – như Twitter hay Facebook— và trao quyền lực chính trị vào tay những người đối lập và người phản kháng trên khắp thế giới. Hay dựa vào một tài khoản trong ngân hàng để chuyển nghề, dù đấy có là ngắm cái rốn của bạn hay giúp đỡ nhân loại thì cũng thế. Những người có ít quyền tự do kinh tế cũng sẽ có ít những lựa chọn tương tự như thế.

Điểm chính là gì? Quyền tự do là bất khả phân. Quyền tự do kinh tế cũng quan trọng như quyền tự do cá nhân và quyền tự do chính trị vì quyền tự do cá nhân, quyền tự do chính trị và quyền tự do kinh tế là những sợi làm nên cùng một cái dây: quyền tự do. Như vậy là, bảo vệ quyền tự do dưới mọi hình thức là con đường duy nhất đưa ta tới và giúp ta bảo vệ được xã hội tự do.

Douglas Bandow là cộng tác viên cao cấp của Viện Cato, ông là tác giả của một loạt tác phẩm viết về kinh tế và chính trị.

N G Ợ M VÀ N G Ư Ờ I



Tác giả : TRẦN THIỆN ĐẠO






Tranh Lê Thánh Thư





Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp / Đại học Aix-Marseille (CNRS / Université d’Aix-Marseille) mới đây vừa thông báo một tin lạ. Lạ thật tình, chớ không phải lạ theo kiểu tàu lạ ở biển Đông mấy năm nay thường hay vô tội vạ cướp của, đánh chìm hoặc đòi tiền chuộc các tàu cá đảo Li sơn Quảng ngãi hành nghề chài lưới trong hai vùng đảo Hoàng sa và Trường sa. Tin mới lạ này có cơ buộc chúng ta xóa bảng các tín điều cố hữu của mình về khả năng của loài thú. Bởi loài vượn babouin biết đọc, chớ không mù chữ như chúng ta tưởng. (*)

Từ xưa tới nay chúng ta cứ nghĩ rằng sở dĩ con người biết đọc là vì i biết nói, nghĩa là biết tạo ra ngôn từ và phát biểu - còn thú vật vốn không biết nói thì làm sao biết đọc cho được. Thế mà các nhà nghiên cứu phòng thí nghiệm khoa tâm lí và khả năng nhận thức gọi là laboratoire de la psychologie cognitive thuộc trung tâmnói trên, chỉ sau một tháng rưỡi trời khảo sát, đà có thể phủ định điều mà chúng ta hằng tin chắc, khẳng định ngược lại rằng loài vượn babouin tuy không biết nói nhưng biết đọc hẳn hòi.



Khảo nghiệm

Có cả thảy 30 con vượn loại babouin, bắt trong rừng xứ Ghinê ở châu Phi, chở về Pháp làm vật khảo nghiệm. Ở đây, bên trong một khuôn viên rộng 750 thước vuông, bầy vượn hoàn toàn thư thả, tự do. Nhứt là vẫn giữ nguyên cơ cấu bầy đàn, với một con đực cầm đầu. Ngoài thời gian vạch lông bắt rận cho nhau, các động thái chủ đạo của con đực, các trò nghịch ngợm đùa giỡn với tụi nhỏ và cảnh giao hoan hơ hớ, còn có các động tác diễn ra trong hai gian phòng nằm ở cuối vườn, do mấy nhà nghiên cứu sắp đặt. Bầy vượn tùy í ra vô các gian phòng này.

Trong hai gian phòng, có 10 màn ảnh xúc giác gọi là écrans tactiles, mỗi cái đặt đằng sau một tấm bảng khoen hai lỗ dành để thọc tay vô phía trong và hai lỗ khác dành cho cặp mắt nhìn ngó màn ảnh. Đây là một trò chơi thu hút bầy vượn bổn tánh rất ư tò mò, trong mục đích khảo sát năng khiếu hấp thụ từ ngữ chiếu trên màn ảnh trong số từ bốn chữ tiếng Anh chánh hẩu lẫn lộn giữa các từ bốn chữ hổ lốn. Trò này khởi đầu bằng cách lặp đi lặp lại trên màn ảnh một từ chánh hẩu có thật (thí dụ : bank) giữa vô số các từ vô nghĩa hay sai chánh tả (thí dụ : zank,bakn). Sau đó, mỗi lần thấy hiện trên màn ảnh một từ có thật thì con vượn bấm nút hình trái xoan và được thưởng một hột ngũ cốc ngon miệng, còn nếu là một từ vô nghĩa hay sai chánh tả thì bấm nút hình chữ thập, bỏ qua.

Kết quả là, qua trung bình 3.000 lần thử nghiệm mỗi con, đại đa số bầy vượn đều nhận ra các từ có thật (trên thực tế : 308 từ) bên cạnh các từ vô nghĩa hay sai chánh tả (7852 từ). Nhưng điều quan trọng và đáng chú í hơn hết không phải ở chỗ loài vượn biết phân biệt từ này với từ khác mà là nằm chính ở khả năng nhận thức. Như các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh : « Loài vượn biết nhận diện các yếu tố tạo nên từ ngữ. Nghĩa là có khả năng hiểu từ ngữ phối hợp như thế nào và đồng thời phát hiện được những dấu hiệu bất bình thường ở các từ vô nghĩa hoặc sai chánh tả. Hệt như con người, loài vượn biết phân tách từ ngữ ra từng đơn vị nhỏ, chớ không tiếp nhận nó như một khối bất phân. » Tóm lại là biết đọc, theo phương pháp mà giáo giới Pháp gọi là méthode syllabique, là phương pháp đánh vần theo âm tiết.



Người ngợm

Tuy là một sự thể xem chừng bất ngờ đối với chúng ta ngày nay, kết quả cuộc khảo nghiệm lược thuật trên đây xét ra cũng chẳng mới lạ gì cho lắm. Là bởi ông cha chúng ta khỏi cần thiết lập một phòng khảo nghiệm khoa học nào hết mà cũng đã xác nhận sự thể đó một cách chắc nịch trước đây rồi. Qua thành ngữ nửa người nửa ngợm nửa đười ươi quả tình thâm hiểm. Vô hình trung đồng hóa đười ươi với ngợm và với một thành phần không nhỏ con người đầy dẫy trong cuộc đời từ xưa tới nay.

Bạn không tin như vậy sao ? Thì cứ hãy đảo mắt nhìn quanh, chẳng hạn như trong chánh trường nước ta hiện nay, nhứt là trong cái gọi là quốc hội do đảng cử dân bầu mà xem.



TRẦN THIỆN-ĐẠO


----------

(*) Babouin, tàu gọi là phí phí, ta gọi là khỉ đầu chó, là một loại động vật thân thể hình dạng hệt loài khỉ, đầu mặt giống như chó, lông màu tro, tứ chi thô kệch, đuôi nhỏ mà dài, sống từng bẩy, thứ gì cũng ăn. Hệt bọn tham ô chuyên nghề hối lộ hiên nay, cái gì cũng cưỡm.

Mùi người



Tác giả : Phong Linh










Nàng nằm im. Mắt nhắm. Nàng cố tưởng tượng đến một điều gì đó. Nàng muốn kí ức xóa nhòa nhoạt cái khoảnh khắc hiện tại này.

Thuốc mê đã ngấm vào tận xương tủy và làm tê liệt đi mọi giác quan trí não của nàng. Nhưng nàng ngờ ngợ như có một cái gì đó trong người nàng vẫn tỉnh táo. Sự tỉnh táo ấy thật đáng ghê sợ. Nó khiến nàng có cảm giác. Nàng biết sự sắc lạnh của con dao trắng bóng ấy đang chạm vào cơ thể nào. Từng chút một. Từng chút một. Sâu dần. Tê tái. Có một bàn tay nào đó chạm vào cái khoảng trống vừa bị rách lộ ra trên cơ thể nàng. Bàn tay ấy có thể xác định đúng chỗ cần phải chạm vào để có thể lôi cái vật thừa thãi trong người nàng ra. Thời gian chỉ như một cái chớp mắt. Vậy mà nàng lại như nhìn thấy rõ hình hài của cái sinh vật ấy. Nó đỏ hỏn. Nó không có hình hài. Nó bầy nhầy như một túi rác dính máu. Nó có mùi tanh của thức ăn cũ trộn với máu, và những chất gì đó. Nàng cũng không thể biết được. Người ta cũng chẳng cho nàng nhiều thời gian để nhìn ngắm, hít hà cái mùi ấy. Chỉ trong thoáng chốc. Cơ thể nàng lại chỉ có riêng một mình nàng trú ngụ. cái sinh vật thừa thãi ấy đã bị đuổi đi.

Nàng tỉnh dậy. Nàng cảm giác cái mùi đáng sợ ấy ngộp ngộp, đặc quánh quanh cái không gian này. Nàng bỏ chạy. Nàng chạy rất nhanh. Cơ thể nàng đau nhói nhưng nàng không thể ngừng chạy. Cái mùi ấy quấn chặt lấy cơ thể nàng. Tràn đầy trong mũi nàng. Nàng không còn cảm thấy được một thứ mùi nào khác.

Nàng mua vé tàu, và tự nhủ: “Phải đi khỏi đây. Mình phải đi khỏi cái nơi chết tiệc này ngay lập tức”.

10 giờ 5 phút. Nàng bước lên tàu. Ghế số 12 toa 3. Cạnh cửa sổ. Nàng nhắm nghiền mắt lại. Im lặng. Hít thở. Đám người xung quanh nàng vẫn còn nhộn nhạo với cả tá hàng hóa mang theo. Nàng bắt đầu ngửi được thấy những thứ mùi xung quanh mình. Chuyến tàu trưa ngập ngụa mùi người, mùi mồ hôi, mùi quần áo, mùi giầy, mùi tất, mùi coca, mùi bia, mùi bánh ngọt, mùi… và mùi, và… mùi. Tất cả những thứ mùi có thể gọi thành tên, chúng trộn lẫn lộn quện dính vào với nhau đê tạo thành thứ mùi vị đầy đủ nhất. Những người xung quanh nàng gọi chúng là mùi cuộc sống. Nhưng họ sợ cái mùi cuộc sống ấy. Mỗi người đều thủ sắc cho mình một chiếc khẩu trang, hay khăn rộng để bịt kín cái mũi của mình lại. Vậy là mùi hết đường để đi vào giác quan của họ. Họ chẳng cảm thấy gì những mùi xung quanh nữa. Nàng thì khác họ. Nàng cố căng hai cảnh mũi của mình lên để hít hà những cái thứ mùi bừa bộn, bẩn thỉu xung quanh mình. Sự đậm đặc của chúng sẽ giết chết cái mùi của sinh linh mà nàng vừa ngửi thấy. Nàng hít hà. Nàng ra sức hít. Nhưng sự cố gắng của nàng chỉ là sự tự đánh lừa một cách hoàn toàn tuyệt vọng. Sự thật là nó vẫn đang tồn tại. Ngay cạnh nàng. Cái mùi âm ỷ ấy khiến nàng nhớ lại sinh linh mà mình vừa vất bỏ. Cái sinh linh mà nàng tưởng rằng đó là kết tinh của hạnh phúc. Nhưng cái kẻ cùng với nàng tạo ra nó đã đẩy nàng vào một sự thật trần trụi. Nàng chỉ là một ả cave mạt kiếp. Nàng không có quyền làm người. Nàng không có quyền làm mẹ. Nàng chỉ là công cụ cho hắn và những kẻ như hắn. Hắn đã dụi đầu nàng vào cái phòng tối với một ả bác sĩ cô độc. Chỉ trong chớp mắt. nàng đã chẳng thể làm mẹ.

Nàng đã ghê tởm cái mùi trong phòng tối ấy. Nhưng đó là chút ký ức duy nhất để nàng có cảm giác về sinh linh bé nhỏ đã tồn tại trong người nàng hơn tháng trời. Nàng đã không nhỏ lấy một giọt nước mắt cho nó. Nàng sợ. Nàng chưa bao giờ dám có cảm giác với bất cứ điều gì. Nàng đã học được điều đó trong những năm làm việc của mình. Câm lặng. Nàng chỉ có công việc. Đó là công việc của nàng. Những kẻ đã đến với nàng cũng chỉ như khách mua hàng. Cái sinh linh được tạo ra kia chỉ là sản phẩm ngoài ý muốn. Nàng và kẻ ấy đều không hề muốn. Nó là vật dư thừa của một cuộc hoan lạc giả dối. Nó không cần cho cuộc đời nàng. Vất bỏ một vật dư thừa là đương nhiên. Nàng đã cố gieo vào mình những ý nghĩ ấy. Nhưng nàng không thể cưỡng thoát được cái ám ảnh mùi còn lại. nàng chìm vào trong đó như chạy trốn, như ngờ nghệch, như xa lạ, như quen thuộc. Cái mùi của người chết. Một đứa trẻ chưa kịp thành hình đã bị giết chết.

Tàu chạy lê thê ngày sang đêm. Gió ào ạt qua những khung cửa sổ còn ngỏ. Mùi không khí lan dần dật khắp các toa tàu. Mùi không khí sống sượng khiến nàng ngạt thở. Nàng tiếp tục nhắm mắt. Mùi của con nàng đang vây đặc, quấn chặt thành những vòng dây xung quanh cơ thể gầy yếu của nàng. Nàng không thở được. Nàng cố giãy giụa. Nàng cố xua đuổi. Nàng cố hít hà chút không khí sống. Nhưng đã muộn quá. Mùi hôi hám của sinh linh đã chết ấy thiết chặt lấy người nàng. Nàng quỵ xuống. Nước mắt bắt đầu giàn giụa. Nàng lặng lẽ khóc. Nàng lặng lẽ thở. Nàng thở mạnh dần, mạnh dần, nhưng chân tay nàng bắt đầu run rẩy. Mắt nàng nhìn trong ảo ảnh hoang mang. Có một đôi mắt trân trân nhìn nàng. Chối bỏ. Ra đi.

Nàng ngã quỵ xuống nền tàu. Chới với. Nàng đã nhìn thấy con nàng. Nó thực sự là hình dáng của một con người. Nó có nụ cười của con người. Như nàng của một thời quá xa xôi. Lâu lắm rồi nàng không còn cảm giác con người nữa. Nàng ngửi thấy mùi người trên cơ thể sinh linh ấy. Mùi người chết. Nàng nhìn thấy nó đến gần và nắm chặt tay nàng dắt đi. Ánh mắt nàng nhòa nhòa hoai hoải những hư vô…Phong Linh

CHỨNG VĨ CUỒNG: HIỆN TƯỢNG VÀ CĂN NGUYÊN


Tác giả : Cao Xuân Hạo









Có một người bạn làm trong một cơ quan lưu trữ cho tôi biết rằng mỗi năm cơ quan anh phải thanh lý mấy tấn hồ sơ mà nội dung là những sáng kiến phát minh vĩ đại từ khắp nơi trong nước gửi đến ùn ùn, trong đó các tác giả hiến cho nhà nước những biện pháp không tiền khoáng hậu để biến nước ta thành nước tiên tiến trong một thời hạn kỷ lục. Anh bạn nói rằng ông giám đốc rất tiếc các hồ sơ ấy, nhưng mấy tòa nhà của cơ quan không thể nào chứa nổi số phát minh tới tấp đổ xuống như mưa kia, cho nên đành phải thanh lý thật nhanh sau khi gửi đến nhờ các cơ quan có thẩm năng duyệt qua và nhận được từ các cơ quan đó một câu trả lời dứt khoát, thường là "Bất khả thi" hoặc "Tác giả không hiểu chút gì về lĩnh vực đang bàn".

Ðể minh họa, tôi chỉ xin đơn cử trường hợp của nhà phát minh đề nghị mượn một tên lửa vượt đại châu của Liên Xô để bắn vào Bắc cực ở một góc độ nhất định, làm trục quay của trái đất lệch thêm mươi độ, sao cho Việt Nam thay vĩ độ và trở thành một nước ôn đới (vì tác giả tin rằng chỉ có khí hậu ôn đới mới thích hợp với một tốc độ phát triển vũ bão, cho phép ta đuổi kịp và vượt xa các nước tiên tiến).

Cái số mấy trăm nghìn hồ sơ phát minh ấy, trong khi cho thấy một tinh thần yêu nước chân thành và thiết tha của các nhà phát minh, đồng thời cũng cho thấy tình hình sức khỏe tâm thần không ổn của họ, và cho phép suy ra con số đáng ngại của những người đang cần đến sự săn sóc của các bệnh viện tâm thần.

Khi tôi nói chuyện này với một người bạn làm bác sĩ tâm thần, bạn ấy bảo tôi là ngay trong các sách vở được xuất bản, hẳn cũng có khối ý tưởng hoang đường không kém mà mọi người coi là bình thường. Bạn ấy lấy ngay một cuốn sách dạy ngoại ngữ và chỉ cho tôi dòng sau đây: "Trong hiệu sách có bán sách, báo, tạp chí và các tiểu thuyết khác" (câu này được viết bằng tiếng Nga). Anh bạn bác sĩ kết luận rằng người viết câu này lẽ ra phải đi bệnh viện từ lâu, nhưng những người như thế quá đông và có uy tín lớn, cho nên khó đưa họ vào bệnh viện lắm.

Tôi bất giác liên hệ tới một nhà ngữ học phân các động từ làm 5 loại: 
1) Ðộng từ nội động; 2) Ðộng từ ngoại động; 3) Ðộng từ nửa ngoại động; 4) Ðộng từ trừu tượng; ) Ðộng từ nói năng. Không thể nào hiểu nổi làm sao lại có thể có hai loại sau và làm sao lại không thể xếp chúng vào một trong ba loại đầu. Cách phân loại này hoàn toàn giống cách chia sự vật thành mấy loại: 1) sinh vật; 2) vô sinh vật; 3) cá; 4) gió. Thế mà mãi hai mươi năm sau mới có một tác giả trẻ nêu ra tính phi lý (đúng hơn, phải nói: tính điên rồ của cách phân loại động từ nói trên) và bài của anh ta vừa mới in xong đã bị một bậc thầy phê là "đọc chưa hiểu mà đã dám phê phán một tác giả lớn" như thế. Của đáng tội, làm sao anh bạn trẻ kia hiểu được, khi anh ta tư duy theo cái cách tầm thường và hèn hạ của toàn nhân loại, trong khi tác giả lớn kia có cách tư duy riêng, không cần đến lô gích, của bậc vĩ nhân xuất chúng?

Cách đây không lâu có một cuốn sách giáo khoa mà chương nào, mục nào cũng mở đầu bằng câu: "Lâu nay người ta cứ tưởng rằng (...) nhưng thật ra thì (...)". Cái mà "lâu nay người ta tưởng" là những sự thật đã được cả loài người công nhận như "hai với hai là bốn" chẳng hạn, còn mấy chữ "thật ra thì" là những phát minh kiểu "hai với hai là chín" mà chỉ có những thiên tài như tác giả mới hiểu được. Cuốn sách ấy dày hơn 300 trang, mỗi trang đều chứa đựng những phát minh như thế mà không có lấy một lời biện hộ hay chứng minh, vì tác giả tin chắc rằng tư tưởng của mình là chân lý tuyệt đối và hiển nhiên, chỉ có nhân loại tầm thường mới không biết, và các nhà khoa học đi trước ngu dốt đến nỗi một vĩ nhân như tác giả ấy không hơi đâu mà hạ mình xuống tranh luận với họ.

Trên đây là một vài biểu hiện của chứng vĩ cuồng, một chứng bệnh tâm thần có vẻ vô hại vì quá lắm cũng chỉ góp phần làm phong phú thêm vốn chuyện tiếu lâm, nhưng lại có thể trở thành rất nguy hiểm trong những điều kiện nhất định, khi nó nhiễm vào những người làm nghề viết lách hay giảng dạy, nhất là những người có tên tuổi hay có học hàm học vị. Vào tay những người này, nó có thể tăng rất nhanh theo cấp số nhân và biến thành một bệnh dịch quật ngã hàng triệu người.

Một tình hình báo hiệu điềm gở là khi nghe hay đọc những điều quái đản mà chúng tôi vừa dẫn trên đây, phần đông đều thấy là bình thường, hợp lý và lành mạnh, và khi có ai tỏ ý kinh hoàng, thì chính người ấy bị mọi người coi là bệnh hoạn, hay vô đạo đức, vì đã có những lời lẽ bất kính đối với người trên.

Cho nên thiết tưởng cũng không đến nỗi thừa nếu ta thử khảo sát thực trạng và đi tìm căn nguyên của chứng bệnh này.

Vĩ cuồng (mégalomanie) là một bệnh tâm thần mà người ta thường tưởng là chỉ có một số nhân vật lịch sử hãn hữu như Nero hay Hitler. Thật ra, ít nhất ở ta hiện nay, nó khá phổ biến. Vì sao? Căn nguyên là ở đâu?

Trong một cuốn phim của Xưởng phim truyền hình Việt Nam, hai anh bộ đội phục viên đang thất nghiệp, tâm sự với nhau về căn nguyên của cái nghèo. Một anh nói: "Chẳng qua cũng chỉ vì nghèo. Càng nghèo càng dốt, càng dốt lại càng nghèo". Hình như đó cũng là một chân lý. Nhưng xem ra, có lẽ cái chuỗi "DỐT - NGHÈO - DỐT" này còn thiếu một khâu nữa mới thật trọn vẹn: đó là khâu "KIÊU": Càng nghèo càng dốt, càng dốt càng kiêu, càng kiêu càng dốt, càng dốt càng nghèo.

Phàm sinh ra ở đời, ai cũng dốt. Ði học được mươi năm, ta bớt dốt đi chút ít, nhưng người học sinh thông minh và biết điều hiểu rõ rằng những gì mình biết được so với những gì mình chưa biết chỉ là hạt muối bỏ biển, cho nên càng học càng thấy mình dốt. Thành thử có thể định nghĩa người có học thức là người biết mình dốt, hay nói như Khổng tử, "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri gia"; "biết cái gì thì biết là mình biết cái ấy; không biết thì biết là mình không biết, ấy là biết vậy".


Có lẽ đó chính là cái yêu cầu, cái lý tưởng khó thực hiện nhất đối với người "có học thức". Nó đòi hỏi nhiều đức tính rất khó có ở con người. Là người, ai cũng bị rất nhiều thứ áp lực thúc bách, trong đó áp lực mạnh nhất là áp lực của nhu cầu tự khẳng định. Nhu cầu này là trở ngại lớn nhất cho ý thức "tri chi vi tri chi". Trong những điều kiện khó khăn như ở nước ta (nhất là trong thời chiến), người ta cần có địa vị, cần có bằng cấp, và cho thật nhanh. Học thì lâu quá, và nhiều người trong thâm tâm cũng biết là mình không đủ sáng dạ để học cho thật nhanh. Phải đi bằng con đường khác. Có những con đường có sức cám dỗ rất lớn - những con đường tắt và những con đường vòng của sự gian trá. Nhưng sự gian trá không phải không nguy hiểm. Nó có thể bị bại lộ. Có những người có lương tâm quá lớn, không thể tự dung túng cho mình sự gian trá. Mặt khác, không thể chọn con đường lao động học tập. Bị khép chặt giữa hai sức mạnh quá lớn, cõi vô thức trong tâm lý của những người ấy chọn một con đường thứ ba: một buổi sáng đẹp trời nào đấy, có một cái gì lóe lên trong trí họ. Họ chợt giác ngộ ra rằng họ là một người không cần học gì hết, vì một lẽ đơn giản là họ đã biết hết rồi, họ là một vĩ nhân, cách xa nhân loại hàng chục năm ánh sáng. Họ chợt hiểu rõ như ánh ban mai rằng những sách vở "kinh điển" mà họ đọc mãi không hiểu và tưởng đâu quá khó đối với mình, chẳng qua là một mớ giấy lộn do những đầu óc ngu đần viết ra - sản phẩm của những con người không đáng là học trò của họ. Trang tử, Mặc tử, Platon, Aristote, Einstein, Marx - một lũ dốt nát mà không hiểu tại sao người ta sùng kính. Sở dĩ mình đọc mãi mà không hiểu là vì những con người đó quá thấp so với tầm cỡ mình. Họ lấy làm lạ là sao ba bốn chục năm trời mình mới phát hiện được một điều đơn giản như vậy.

Cái hạnh phúc ấy quá lớn để họ có thể khước từ. Nó đưa những người như thế từ địa ngục lên thiên đường. Nó biến họ từ con sâu thành thần thánh. Từ nay, họ bước đi trên đường đời, lòng tràn đầy hoan lạc, nhìn xuống đám nhân loại tội nghiệp kia đang chìm trong cõi u tối, giương mắt bé nhìn mình mà không biết là đang nhìn ÁNH SÁNG CỦA CHÂN LÝ TUYỆT ÐỐI.

Cần lưu ý rằng họ đi đến sự thể này không phải do họ muốn. Họ không thể làm khác đi được. Họ chỉ là những nạn nhân, hoàn toàn bị động và vô thức. Họ như những người bị choáng hay bị ngất. Cho nên ta không thể trách họ. Cái giây phút oan nghiệt mà họ đã trải qua khi đột ngột trở thành vĩ nhân trước mắt chính mình, chỉ là kết quả cuối cùng của một quá trình tác động của những nhân tố phức tạp, khách quan có, chủ quan có, có thể kéo dài mấy chục năm.

Chứng vĩ cuồng không có cách gì chữa được. Không có cách gì lôi một con người ra khỏi cõi cực lạc mà họ đã đắm mình vào một cách hoàn toàn vô thức. Chính vì sự giác ngộ về sự vĩ đại của bản thân là hoàn toàn vô thức, cho nên không có cách gì chứng minh cho đương sự thấy rằng đó là một ảo giác.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhất là một bệnh nan y như thế. Cách đề phòng duy nhất là làm sao các thế hệ đang lên không mắc vào cái họa ấy. Và muốn thế, chỉ có một cách là gạt bỏ mọi trở ngại trên con đường học vấn của con em chúng ta, làm sao cho chúng tiến đủ nhanh trên con đường ấy để khỏi bị dồn vào cái thế bí, buộc chúng tự huyễn hoặc mình bằng những ảo ảnh sinh ra từ chứng vĩ cuồng, để chúng luôn luôn nhớ rằng mình còn dốt, rất dốt, nhưng không phải là dốt một cách vô vọng, chỉ cần kiên nhẫn ít lâu là có thể đuổi kịp các bạn cùng lứa trên thế giới, rồi từ đó rất có thể vươn tới những đỉnh cao chân chính của khoa học hay nghệ thuật, chứ không phải những đỉnh cao hư ảo của sự điên rồ.


Cao Xuân Hạo

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

NHỮNG LỜI DỐI NGỌT





Một chiều ngồi say- ảnh Du Nguyên





Em là bờ môi không biết nói dối
Là nỗi thầm kín tôi
Là lời ru rớt nhẹ vào tim
Là dịu dàng và tế nhị

Em lịch sự như bài thu muộn
Khi buổi sáng thức dậy trời đầy sương
Anh ơi thu về rồi đó anh
Có biết em đã yêu anh đến chừng nào

Em là sự giả vờ tôi
Hối hả yêu thương như thời gian còn rất ít
Nhuộm tình xanh
Níu màu thanh xuân

Rồi một ngày
Em là ngạc nhiên tôi
Không còn yêu để mà yêu nữa
Là sống những chuỗi ngày cô độc

Chán những câu thơ bay bổng
Hão huyền và long lanh
Không đọc nổi những bài thơ không thật
Đêm mệt quá với những lời dối ngọt

Những câu thơ như những câu hát
Cắt ngang thịt da em
Là những bài thơ của anh
Mà em không bao giờ đọc

Bài thơ không biết nói dối
Một khi không có gì là thật
Em tìm đến những bài thơ
Như chúng mình chưa hề quen nhau…

ĐẶNG HIỀN

Ai Giết Thơ?!




Nhà văn Phan Nhật Nam - Cali 2013






Hôm 28/7, người bạn Khế Iêm đến nhà Họa Sĩ Nguyễn Đình Thuần, miền Nam Cali tặng tờ báo giấy Thơ Tân Hình Thức. Tôi xin một tờ về đọc trong đêm nên từ đấy viết bài nầy. Cũng để thay đổi chủ đề mà lâu nay chỉ quanh quẩn với những chuyện thời sự, chính trị rối rắm, khó khăn.



Trước tiên, cần phải nói rằng, câu chuyện giữa tôi và người bạn Khế Iêm đang đề cập là “chuyện tầm phào” giữa những vụ việc rối tung trong cuộc sống khắp thế giới, ở Mỹ, nơi quê nhà… Từ chuyện máy bay bị bắn rơi ở Ukraine, chiến tranh nơi dãi Gaza, giàn khoan HD981 ngoài Biển Đông… đến việc người VN ngủ dậy với cánh cửa nhà bị khóa trái và trét đầy cứt do công an giả danh côn đồ “tác nghiệp” tối hôm qua! Trong tình cảnh nầy, đặt vấn đề “Ai Giết Thơ?” thì quả thật là chuyện không hợp thời, hợp lý, hợp cách, tuy nhiên nghĩ cũng vô hại vì chằng làm phiền ai, chỉ là chuyện nhỏ nhặt giữa hai người Việt Nam vào tuổi già trong một hoàn cảnh chẳng mấy vui từ đời sống chung quanh, của bằng hữu và bản thân.



Cũng bởi, vấn đề Thơ mà người bạn đặt ra bản thân tôi cũng đã nhiều lúc nghĩ đến, dẫu chỉ là một người lính (cho dù đã lâu không mặc quân phục), không liên hệ với sinh hoạt văn chương, thi phú nầy từ những ngày tuổi trẻ ở Việt Nam cũng như hiện tại ở Mỹ. Nhưng tôi cũng đã có lúc sống/ nghĩ/ với/ về Thơ do đã rơi vào hoàn cảnh… “Tôi là kẻ chỉ quen viết văn. Giấy bút bị người lấy mất. Đêm đen thăm thẳm lạnh căm. Làm Thơ trên mười ngón tay tính nhẩm… Thơ nâng đỡ ta… Từng phút. Từng giờ…” Phải viết rõ như vậy vì tôi đã không có một điều kiện, hoàn cảnh sống nào khác mà “PHẢI/SỐNG VỚI THƠ” trong một khoảng thời gian rất dài từ 1981 đến 1988 khi một mình ngồi trong hầm tối ở những nhà tù trên đất Bắc. Từ hoàn cảnh, tình thế vừa kể ra, hóa ra tôi cũng đã nhờ đến những chữ nghĩa gọi là Thơ để được sống sót. Vấn đề của người bạn khiến tôi cũng phải tìn cách trả lời cho chính bản thân mình (chứ không phải cho ai khác). Sau đây là những ý kiến của tự thân:

1- Thơ bị ai giết? Trả lời ngay: Đấy là những vị gọi là “học giả/giáo sư/phê bình văn học v.v..” Tức là những người KHÔNG CÓ MỘT LIÊN HỆ NÀO VỚI THƠ CẢ - CÓ NGHĨA, HỌ KHÔNG CẦN/KHÔNG SỐNG/KHÔNG SUY NGHĨ/KHÔNG ÂU LO/ KHÔNG THẮC MẮC GÌ VỚI THƠ. Tôi nói không quá, “Chữ/Nghĩa/Ý/Tình Cấu Tạo Nên Thơ” đối với những kẻ nầy cũng như người làm toán sử dụng những con số. Thần Tính của Triết Học, Thi Ca, Văn Học, Âm Nhạc, bao gồm cả Toán Học, Kiến Trúc, Y Học, Võ Học v.v.. chứa đựng yếu tính CAO HƠN HẲN những hình tướng biểu hiện chúng. Thần Tính của Thơ là Đạo. Ai Sống/Cùng/Với/Thơ/Thật người ấy biết riêng mình.

2- Từ những chủ vị kể trên lẽ tất nhiên có một số tử đệ thực hiện công việc “làm thơ” để tạo nên những cái gọi là là “bài thơ” – KHÔNG MỘT AI ĐỌC/KHÔNG MỘT AI NHỚ/ KỂ CẢ NHỮNG “NHÀ THƠ” ẤY. Câu của Whitman “Để có những nhà thơ lớn, phải có người đọc lớn” mà bạn trích dẫn luôn luôn đúng cho dù thế kỷ 19 đã qua từ lâu. Thơ Nguyễn Du, Đỗ Phủ, Khalil Gibran… luôn được NHIỀU NGƯỜI ĐỌC VÀ NHỚ RẤT LÂU. Hữu Loan, Quang Dũng sỡ dĩ trở nên bất tử là nhờ số lượng đông đảo gồm nhiều thế hệ người Việt đọc và nhớ. Những người sau 1954 sống dưới vĩ tuyến 17 của vùng quốc gia bị người và chế độ miền Bắc miệt thị gọi là “bọn dân của ngụy quân, ngụy quyền Sàigòn”. Không chỉ riêng Hữu Loan, Quang Dũng mà cả Bà Hồ Xuân Hương, Trần Tế xương. Bùi Giáng vừa dễ vừa khó nhưng ông trở nên vĩnh cửu vì rất nhiều người đọc/rất nhiều người nhớ. Mỗi người đọc/nhớ Bùi giáng theo cách riêng, cho dù công an văn hóa (ở đâu ra loại công an nầy hở trời?!) của “chính quyền cách mạng” đến từ Hà Nội, ở bưng biền ra sau 30 tháng 4, 1975 xem ông như rơm rác, cặn bã điển hình “văn hóa đồi trụy miền Nam”. Đá vàng hiện nay đã rõ.



3- Từ hai chủ điểm trên tôi xin so sánh qua một lãnh vực khác gọi là nhạc mà nay đang được triệu triệu người trên thế giới xử dụng là “nhạc rap”. Nhắc lại câu nói của Whitman: “Để có những nhà thơ lớn, phải có người đọc lớn”. Điều nầy áp dụng vào “nhạc rap” không được ổn. Cho dẩu người Đại Hàn tên hiệu Psy với cách trình diễn “Gangnam Style” đang được cá thế giới đón nhận, điển hình với những binh sĩ Mỹ nơi trận tuyến, hay trong phòng làm việc của Tổng Thống Obama. Nhưng bạn tin tôi đi: Anh chàng Spy nầy với “Gangnam Styl” không sống lâu đâu cho dù được cả triệu người nghe, hát và nhảy nhót theo cách của anh ta. Cũng tương tự như thế, hàng trăm, hàng ngàn người của miền Bắc sau 1954; của cả nước sau 1975 đã viết nên những bài hát gọi là “nhạc chiến đấu/nhạc giải phóng/nhạc xây dựng xã hội chủ nghĩa..” Những bài hát được vạn, triệu bộ đội, chiến sĩ, công nhân, nông dân... hát lên ong óng, nháo nhác; được báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình nhà nước vận động, phổ biến, tuyên dương. Nhưng bạn ơi, hiện nay hỏi mấy ai đã nhớ? Mấy ai còn biết đến? Ai giết chúng khi cả một hệ thống đảng và nhà nước cộng sản phổ biến, đề cao? Trịnh Công Sơn được nhớ ra là vì viết “Biển Nhớ, Vết Lăn Trầm, Tuổi Đá Buồn… ” trước 1975 nơi miền Nam. Nhưng chắc rằng nhắc lại những nội dung “...Đi ra công trường/Đi ra cánh đồng/Là hoa mặt đất/Mùa xuân cuộc đời...” sau 1975, những bài hát để những đội thanh niên xung phong vừa móc bùn vừa hát tạo khí thế... Những bài gọi là nhạc được viết do chỉ đạo chính trị của Phạm Trọng Cầu, bảo trợ của Võ Văn Kiệt chắc chỉ làm cho anh ta đỏ mặt vì ngượng. Trong những trường hợp nầy, người đọc thơ, người hát có “lớn” (lượng lẫn phẩm) đến bao nhiêu, tác phẩm thơ, nhạc khó trở thành lớn được. Hãy kể ra một bài – Một bài thơ, nhạc gọi là “lớn” của Hà Nội, thủ đô của “niềm tin yêu và hy vọng” sau 1954, và của “thành phố mang tên bác vinh quang” sau 1975 - Những bài thơ/bài hát được cả vạn, triệu người xử dụng để tiến nhanh, tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa! Hãy kể ra một bài- Một bài thôi cũng đủ!



Kết luận, trở lại vấn đề của Thơ/Thơ Tân Hình Thức. Tôi xin nại đến những chữ nghĩa của William Faulner trong lần nhận giải Nobel văn chương năm 1957: “Nếu thiếu đi Tính Thiện và Sự Thật muôn thuở của trái tim thì những câu chuyện (chữ nghĩa/PNN) viết ra chỉ thuần là bèo bọt, đáng bị kết án... Người viết văn/làm thơ không viết về tình yêu nhưng để kể sự ham muốn; viết về những thất bại mà không ai mất một cái gì có chút giá trị; viết về những thắng lợi mà không mảy may hy vọng, và tệ hơn hết thảy, không lòng từ ái hay là mối xót thương; viết về cơn đau buồn mà không để lại một vết sẹo nhỏ. Kẻ ấy không viết từ trái tim nhưng bởi các hạch nội tiết “Muốn Thơ/Nhạc/Chữ/Nghĩa luôn sống mãi thì Người Nghệ Sĩ/Người Viết Văn PHẢI là Người Thật Có Lòng. Thiếu yếu tính nầy tất cả học thuật, kỹ thuật, lý luận, học vị, bằng cấp, danh chức… chỉ là rơm rác. Vất đi!



Bạn Kế Iêm thân. Bạn yên tâm “Không Ai Giết Thơ” được cả, Thơ chết là vì Thơ Không Người Đọc/Thơ Không Người Nhớ - Kể cả người làm ra “cái gọi là thơ ấy”. Thế thôi.

Phan Nhật Nam