Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

8 cây cảnh Việt Nam giá triệu đô



(Dân Việt) - Chủ nhân bộ tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" trị giá ba triệu USD Phạm Gia Thịnh - biệt danh Thịnh "Hải Phòng" nổi tiếng với những thương vụ mua bán cây cảnh triệu đô nhanh như chớp... Dẫu có giá trị cao như vậy nhưng cả siêu cây của Toàn "đô-la" và siêu phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" của Thịnh "Hải Phòng" đều "hết hồn" trước cây sanh "Mâm xôi con gà" của đại gia Thành "vàng" được niêm yết với giá 120 tỷ đồng, tương đương với 6 triệu USD.



Phạm Gia Thịnh bên siêu phẩm “Chiến thắng Bạch Đằng”.

Bộ cây cảnh giá 3 triệu USD
Những ai từng đến tham quan triển lãm cây cảnh ở Trung tâm Hội nghị quốc gia trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua hẳn sẽ không thể quên được bộ tác phẩm gồm 6 cây cảnh có một không hai được trồng trên những con thuyền gỗ lũa khổng lồ.

Ngay đằng sau 6 tác phẩm là tấm pano cực lớn, màu đỏ, có diện tích đến cả trăm mét vuông với mấy câu thơ đầy hào khí: "Sông Đằng một dải dài ghê/ Sóng hồng cuồn cuộn trôi về bể Đông/ Những người bất nghĩa tiêu vong/ Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh" (Bạch Đằng giang phú - Trương Hán Siêu).

Trên tấm pano còn có dòng chữ: Tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" - chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phạm Gia Thịnh - chủ nhân của bộ siêu phẩm này - vốn là một bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng. Mười năm trước, vì một vụ làm ăn bên ngoài đổ bể nên anh bỏ nghề về lập doanh nghiệp buôn bán thép.

Thành công nối tiếp thành công đã khiến Thịnh trở nên giàu có. Có tiền, anh bắt đầu theo đuổi niềm đam mê từ tấm bé là chơi cây cảnh. Trước Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, anh Thịnh đã nảy ra ý tưởng sáng tác một bộ cây cảnh tái hiện lại trận chiến rung chuyển lịch sử, làm thay đổi vận mệnh nước nhà.

Điều này đã khiến cho bộ tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" trở thành độc nhất vô nhị vì người chơi thường chỉ tạo dáng cây theo quan niệm cuộc sống chứ không ai lại tái hiện một trận chiến như Thịnh.

Anh tâm sự: "Với những cây cảnh bình thường khác thì chỉ có thể chuyển tải một ý nghĩa nho nhỏ, làm niềm vui cho người sở hữu. Nhưng tác phẩm của tôi tái hiện một trận chiến kinh điển vừa mang ý nghĩa biết ơn với tiền nhân, vừa nhắc nhở con cháu đời sau không được quên công ơn xương máu của cha ông để bảo vệ nền độc lập dân tộc này".

Theo tư liệu lịch sử mà anh Thịnh nghiên cứu thì loại gỗ làm chiến thuyền ngày xưa chủ yếu là gỗ sao đen vì đây là loại cây rất lớn, gỗ tốt, chịu được nước. Nhưng loại gỗ sao đen gần như đã tuyệt chủng ở Việt Nam nên chỉ có thể tìm lũa, tức là phần lõi của cây gỗ, còn tồn tại dưới lòng đất, lòng sông suối từ hàng ngàn năm trước.

Sau cả năm trời lùng sục, tìm kiếm, cuối cùng Phạm Gia Thịnh cũng mua được 5 cây lũa sao đen, đều thuộc hàng lớn nhất Việt Nam. Những cây lũa này đều mua được rải rác ở vùng Phú Yên, Tánh Linh (Bình Thuận), Gia Lai và Đồng Nai. Mỗi cây lũa đều có giá cả tỷ đồng.

Trong số 5 cây lũa chế tác thành những chiến thuyền này thì cây lũa mua được ở Đồng Nai là lớn nhất. Sau khi vận chuyển 5 khúc gỗ khổng lồ về TPHCM, anh Thịnh đã thuê một xưởng rộng cùng hơn chục nghệ nhân tạo tác lũa và chăm sóc, tỉa tót cây cảnh.

Những khúc gỗ lũa được đẽo gọt thành những chiến thuyền với đường kính 1,4m và dài 10m. Các chuyên gia dùng phương pháp phóng xạ các-bon khẳng định tuổi của khúc gỗ lớn nhất là 1.800 năm. Những khúc gỗ còn lại đều từ 1.000 đến gần 2.000 năm tuổi.

Cứ mỗi tác phẩm hoàn thiện ở TP. HCM, anh Thịnh lại cho xe tải cỡ lớn chở ra Bắc. Hành trình chở mỗi tác phẩm phải mất nửa tháng trời. Những ngày tác phẩm di chuyển trên đường là những ngày anh Thịnh mất ăn, mất ngủ.

Sự xuất hiện của tác phẩm này giữa đất Thủ đô trong ngày Đại lễ đã gây ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ đối với giới chơi cây và người thưởng lãm. Anh Thịnh cho biết để hoàn thiện tác phẩm này, anh đã phải chi phí ngót 20 tỷ đồng. Cũng theo anh, giới chơi cây định giá bộ siêu phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" là 3 triệu USD, tức gần 60 tỷ đồng.

150 tỷ đồng cho niềm đam mê cây cảnh




Siêu phẩm chiến thắng Bạch Đằng
Hai năm qua, anh Thịnh đã bỏ tổng cộng 150 tỷ đồng để mua cây cảnh đẹp về chơi. Gặp bất cứ người chơi cây cảnh nào, hỏi tên Phạm Gia Thịnh cũng sẽ dễ dàng được nghe những thương vụ mua cây đã trở thành "huyền thoại" của đại gia đất cảng này.

Ông Phạm Văn Vĩnh, một nông dân chơi cây cảnh ở xã Hải Phương (Hải Hậu, Nam Định) kể: "Năm ngoái, một anh chàng cao to giới thiệu tên là Thịnh, quê Hải Phòng, rẽ vào vườn nhà tôi chơi. Anh này ngắm nghía 3 cây sanh chán chê rồi hỏi giá.

Lúc đó vì không có ý định bán nên tôi nói bừa giá 2 tỷ đồng cho 3 cây, tức là nói gấp đôi giá trị thực tế. Không ngờ, anh ta mở xe ô tô lấy luôn 3 tỷ đồng đưa cho tôi. Hồi tháng Tám năm nay, anh ta lại đến vườn nhà tôi hỏi giá 3 cây nữa.

Lần này tôi nói vống lên 6 tỷ. Sau đó tôi suýt ngã ngửa người khi anh ta trả tiền luôn không thèm mặc cả câu nào. Từ vụ ấy gặp Thịnh, tôi không dám ra giá nữa vì sợ không còn giữ được cây đẹp nào cho mình".

Không chỉ nổi tiếng rộng rãi trong việc mua bán, Phạm Gia Thịnh còn từng làm choáng váng giới chơi cây cảnh cả nước khi mua đứt cây "Đằng vân thập toàn" của một đại gia tên Điệp với giá 10 tỷ đồng. Trước đó, dân chơi Toàn "đô la" đã trả giá 8 tỷ mà ông này không bán.

Ngoài ra, anh Thịnh còn bỏ ra tiếp 10 tỷ đồng để mua cây sanh dáng trực có tên "Đĩa bay" của anh Huy ở cầu Mai Lĩnh (Hà Nội). Thời gian gần đây, giới chơi cây miền Bắc truyền miệng nhau một câu chuyện như "huyền thoại" về gã đại gia đất cảng.

Trong một lần Phạm Gia Thịnh tìm lên Việt Trì (Phú Thọ) chiêm ngưỡng "vườn thượng uyển" của Toàn "đô la" - một đại gia chơi cây cảnh hàng đầu Việt Nam. Đại gia này cũng đã bỏ ra 120 tỷ đồng để mua cây về chơi trong 10 năm nay và hiện đang sở hữu vài cây cảnh giá triệu đô.

Mê đắm vườn cây của "đại gia đất Tổ", Thịnh đã đề nghị anh Toàn định giá toàn bộ vườn cây để cân đối nguồn tài chính rồi rinh về luôn. Nghe danh Thịnh "Hải Phòng" với "tuyệt nghệ" mua cây nhanh như chớp đã lâu nên Toàn "đô la" cũng chờn, không dám phát giá.Vườn cây này Toàn đã bỏ cả cuộc đời và bao tâm huyết để gây dựng được nên không dám "liều lĩnh" với Thịnh cũng là điều dễ hiểu.

Trở về sau Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, hiện tại Phạm Gia Thịnh đang xây dựng khu vườn rộng vài héc-ta ở Hải Phòng với mong muốn đó sẽ là nơi các nghệ nhân có thể gửi trưng bày miễn phí các tác phẩm của mình.

Giới săn cây, người chơi cây chỉ cần đến khu vườn này là có thể được mãn nhãn trước hàng vạn cây cảnh quý hiếm và được gặp tên tuổi đã trở thành "huyền thoại" của làng cây cảnh Việt Nam.

Những cây cảnh triệu đô

Trong triển lãm cây cảnh dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đại gia Toàn "đô-la" cũng mang đến siêu cây cảnh "Ông Bụt". Siêu phẩm này từng được trả 25 tỷ đồng từ 3 năm trước thế nhưng đến nay chủ nhân của nó vẫn không có ý định bán.

Dẫu có giá trị cao như vậy nhưng cả siêu cây của Toàn "đô-la" và siêu phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" của Thịnh "Hải Phòng" đều "hết hồn" trước cây sanh "Mâm xôi con gà" của đại gia Thành "vàng" được niêm yết với giá 120 tỷ đồng, tương đương với 6 triệu USD.

Được liệt vào diện "hàng khủng" như trên còn có cây lũa sao xanh "Tứ linh quy tụ" nặng 6 tấn với hàng ngàn năm tuổi. Tác phẩm này cũng được định giá lên tới hàng triệu USD...

Linh Huệ
http://danviet.vn/xa-hoi/dai-gia-cay-canh-voi-sieu-pham-ba-trieu-usd-24649.html





8 cây cảnh Việt Nam giá triệu đô


Có giá bán tương đương hoặc gấp vài lần siêu xe Rolls Royce, nhiều người đã sưu tầm, chăm sóc những cây cảnh có tuổi đời hàng trăm năm, với những thế độc nhất vô nhị.

1. Mâm xôi con gà


“Mâm xôi con gà” là cây sanh cổ thụ hơn 150 năm tuổi, có xuất xứ từ thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, Quốc Oai, thuộc Hà Tây cũ của dòng họ Phạm. Năm 1996, họa sĩ Đặng Xuân Cường (Cường họa sĩ), một nghệ nhân nổi tiếng ở đất Hà thành đã phát hiện, tìm mua và trực tiếp tạo dáng cho cây này. Qua nhiều tay của các đại gia chơi cây, hiện “Mâm xôi con gà” thuộc sở hữu của ông Nguyễn Nam Thành (Thành “vàng”) Việt Trì, Phú Thọ.

Tháng 4/2012, siêu cây triệu đô của đại gia đất Việt Trì đã được lên trang bìa của tạp chí về nghệ thuật chơi cây cảnh, bonsai - BCI của Mỹ. Trong một triển lãm sinh vật cảnh, Mâm xôi con gà được định giá 6 triệu USD tương đương với 120 tỷ đồng.

2. Chiến thắng Bạch Đằng


Những cây tùng trong bộ tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" của doanh nghiệp Gia Phạm (Hải Phòng) trồng trên thân cây gỗ sáo đen được định giá hơn 70 tỷ đồng bởi sự mới lạ và sáng tạo.

3. Ông bụt


"Ông bụt” là cây tùng có tuổi đời hơn 500 năm, thuộc sở hữu của Phạm Văn Toàn (Toàn đôla) ở Việt Trì, Phú Thọ. Cây còn được gọi là “đại cổ tùng”, liệt vào hàng có một không hai trong làng sinh vật cảnh Việt Nam. Cây được định giá 1,2 triệu USD

4. Trực quân tử




Cây sanh đại thụ thế Trực quân tử của anh Phạm Hải Anh thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đây là cây trải qua hơn 4 đời và được định giá khoảng 25 tỷ đồng. Theo chủ nhân của cây sanh đại thụ này, 25 tỷ là giá mà khách mua cây từng trả cho gia đình anh. Tuy nhiên, anh chưa hề có ý định bán nó.

5. Dáng làng


“Dáng làng” là cây sanh có tuổi đời 200 năm, cây thuộc sở hữu của đại gia Toàn đôla. Cây sanh này được anh mua trong Huế với giá 3 tỷ đồng từ mấy năm trước. Đến nay, đã có người trả giá 22 tỷ đồng nhưng anh chưa bán.

6. Quần long phượng vũ

Cây Sanh “Quần Long Phượng Vũ” của công ty xây dựng Cường Thịnh Thi (Ninh Bình) có tuổi thọ trên 100 năm, được cho là “độc nhất vô nhị” có giá là 1 triệu USD.

7. Tam đa


Cây sanh Tam đa của ông Nguyễn Công Khanh ở thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Là cây sanh có gốc cổ thụ được định giá hơn 20 tỷ đồng.

8. Dáng Thăng Long


Là cây sanh của ông Hoàng Quân (Thái Bình) đã có người ở trong Sài Gòn trả tới 60 tỷ đồng nhưng ông Quân không bán.
9. Đại thụ vân tùng


Cây Sanh “Đại thụ vân tùng” của nghệ nhân Lê Xuân Kỳ - Ủy viên ban chấp hành CLB sinh vật cảnh Việt Nam được định giá 10 tỷ đồng.

10. Phu thê




Cây sanh có dáng Phu thê này thuộc sở hữu của ông Nguyễn Gia Hiền (Triều Khúc, Hà Nội). Tính đến giai đoạn hiện tại, cây sanh đã có tuổi đời hơn 100 năm.

Trong Festival cây cảnh nghệ thuật tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh năm 2006, đây là cây cảnh duy nhất đạt giải Vàng. Và cũng trong Festival, một đại gia khét tiếng ở Sài Thành dám bỏ ra 400.000 USD (gần 6 tỷ Việt Nam đồng) để mua cây sanh này nhưng ông không bán.

Ngoài ra, còn rất nhiều những siêu cây khác như Lão Mai được định giá 19 tỷ đồng, cây sanh Dáng Long của hội sinh vật cảnh Hải Dương giá 7 tỷ, Tác phẩm "Long cuốn Thủy" của hội sinh vật cảnh Bắc Ninh có giá khoảng 1,4 tỷ hay cây đa búp đỏ của ông Châu ở làng Triều Khúc, Hà Nội…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét