Phan Chí Thắng
Tôi đến thăm Vương Cường. Căn nhà ắng lặng trong ngõ vắng. Đôi mắt thường vẫn trong veo của anh nay vằn những tia máu đỏ do ít ngủ trước nỗi đau bất ngờ mất người cháu thân thương mà anh chăm bẵm nuôi dạy như con đẻ. Thường ngày tôi và Vương Cường ít khi trò chuyện với nhau, song tôi hiểu tận nơi sâu thẳm anh hay nhận lấy phần lỗi về mình trong mọi mất mát đời người. Người đàn ông thích nói nhiều và ồn ào trong các lần anh em quen biết gặp nhau thực ra chỉ là cố tình khoả lấp nỗi cô đơn lầm lũi đi theo anh suốt cả cuộc đời.
Anh ký tặng tôi tập thơ “Đám mây hình thiếu phụ” rồi mời tôi ăn trưa, nói đùa là để trả công tôi sẽ chịu khó đọc tập thơ của anh.
Đọc tập thơ gồm 36 bài không phải là việc khó. Với một người quen đọc nhiều và đọc nhanh thì hơn 70 trang giấy là chuyện của mươi lăm phút.
Cái khó là qua những dòng thơ anh, làm sao hiểu được anh muốn nói gì với người đọc.
Có gì đó từ chân trời nào đó
Hút hồn tôi suốt năm tháng ăn mày
(Ở chân trời nào đó)
“Cái gì đó” của Vương Cường nằm sâu dưới những bài thơ.
Hầu hết các nhà thơ đều cô đơn và họ thích nói về sự cô đơn của mình. Anh cô đơn khi thiếu vắng em, tôi cô đơn khi thiên hạ không hiểu được tôi, chị cô đơn khi đứt gánh giữa chừng. Chỉ ở những nhà thơ đích thực mới có cái cô đơn của người nghệ sỹ đi tìm cái đẹp chân chính, cái cô đơn của triết gia muốn đi đến tận cùng của nhận thức.
Vương Cường cũng rất cô đơn, xuyên suốt tập thơ là sự cô đơn, trừ một vài bài là “Nói với con” và “Nói với em” còn có vẻ như là đang nói với người khác, song thật ra vẫn là tự sự.
Người cô đơn hay viết nhật ký. Vương Cường viết cả sáng trưa chiều tối:
Chỉ còn chiếc đồng hồ làm bạn
Giận chiều nay giờ mới phải làm lành
Người bạn duy nhất là chiếc đồng hồ tí tách, nó giận mình mà mình vẫn phải làm lành với nó để khỏi cô đơn. Diễn tả nỗi cô đơn như vậy cũng là tài?
Nỗi cô đơn đôi lúc được định lượng:
Anh xa em một trăm sáu mươi tám giờ ba mươi hai phút bốn mươi giây
(Thơ viết từ Xiêng Khoảng)
Hay:
Có lửa của nụ hôn,
Bay bốn ngàn cây số
(Nói với con)
Và rất nhiều khi nó là định tính:
- Một mình đêm
- Anh chát một mình (Bài thơ chợt đến tặng tiên)
- Đêm mạng rớt
- Chỉ có gió cứ lồng lên thành bão/Anh không thể nào nhặt lên được những mảnh hạt lời anh gọi em (Anh gọi tên em)
- Xa
- Gió vào nhà hồ lô cửa khép/Một mình anh biết gõ cửa phương nào… Khất thực
- Em đom đóm lập loè bên bờ dậu/ta một mình thức ngủ một mình ta (Có khi)
- Không một dáng người không một lời mê sảng (Hà Nội ba giờ sáng)
- Bên Hồ Gươm anh gọi lặng im (Bên Hồ Gươm)
- Anh đứng ngồi như một chú mèo hoang (Giật mình nghe tiếng gió)
- Chiều đơn côi sóng bỗng bạc đầu (Nói với em)…
Có thể thống kê nhiều hơn nữa những câu thơ, bài thơ nói về nỗi cô đơn trong “Đám mây hình thiếu phụ”.
Vì sao Vương Cường cô đơn đến vậy? Đó chính là do người đàn bà của cuộc đời anh chỉ là một ảo vọng.
Ai cũng nhiều lần ngắm mây trời và tuỳ theo tâm trạng của mình mà gán cho những đám mây kia những hình thù nào đó. Vương Cường nhìn thấy đám mây hình thiếu phụ hoặc là anh tưởng tượng ra như thế. Chắc chắn chỉ vài phút sau, đám mây sẽ biến dạng, sẽ không còn mang hình thiếu phụ nữa. Cái phiêu diêu, cái vô thực còn được thể hiện qua cách anh gọi “nàng” là “Tiên”. Tôi sẽ không phân tích khía cạnh trân quý của cách gọi, tôi chỉ muốn nói là người đàn bà của anh rất xa vời và với anh đó chỉ là ảo vọng.
Vì nó là ảo vọng nên tác giả mới:
Chiều chiều giữa hoàng hôn cánh đồng
Ngóng về chân trời xa
(Anh gọi tên em)
Ảo vọng, không bao giờ có thể tìm đến, có thể với tới:
Anh vượt mấy ngàn cây số
chỉ để ở với Cần Thơ một mình
…Cần Thơ như căn phòng hút hết dưỡng khí
chỉ còn anh với chân không
(Mặc định với Cần Thơ)
Ảo vọng ấy là ngày xưa xa lắm rồi, là ngày nay không có thực và là ngày mai không biết đến bao giờ:
Bao giờ cho đến mùa thu
Anh nắm tay em trở về cổ tích
Thơ ảo diệu vì nó vốn là thế và nó phải là thế.
Vương Cường bày tỏ, miêu tả sự cô đơn, nhưng nếu anh chỉ dừng lại ở đó thì tôi sẽ không bao giờ có bài viết này.
Suốt cả tập thơ, tôi cố bới lông tìm vết mà không sao tìm ra một lời oán trách, một thoáng giận hờn. Anh dành riêng một bài để “Nói với em” – bài thơ chất chứa suy tư và tràn đầy tính Thiện, trong đó anh “chờ có ngày đến được với em” và vẫn tin là em đang “căng mắt đợi chờ”.
Sự thuỷ chung đến từ anh và anh muốn là cũng đến từ “người đàn bà ảo vọng” kia.
Tình yêu mãnh liệt, đầy tin tưởng nơi chính mình và nơi người thiếu phụ "đám mây màu hồng".
Tình yêu trong thơ Vương Cường là thứ tình yêu thánh thiện, có thể nói là tình yêu phi vật thể, nó là mây trời sông núi, nó là gió là hoa cũng giống như bao nhà thơ khác đã, đang và sẽ viết, nhưng lại rất Vương Cường ở chỗ mây trời sông núi gió hoa kia là chính Vương Cường chứ không phải anh mượn chúng để nói hộ lòng mình.
Vương Cường đã vươn lên thêm một nấc thang giá trị nữa, khi anh nhận thức được rằng dù nỗi cô đơn của anh có to đến mấy, có lớn đến chừng nào, thì cũng không thể so sánh với sự hy sinh của các bạn đồng đội đã bỏ mình cho Tổ Quốc quyết sinh:
Giờ bạn cỏ non hát về tương lai
giờ bạn thông ru bảo tàng của đất
Tôi mơ làm chó đá
đứng canh chừng lãng quên
Cả tập thơ có nhiều câu thơ hay, mà sao tôi lại thích nhất hai câu cuối vừa trích dẫn. Phải nhận thức được cái “tôi” là gì trong cuộc đời này, trong vũ trụ này và phải có cái tình với người như thế nào thì nhà thơ mới viết được hai câu thơ mộc mạc mà xao xuyến lòng người đến vậy.
Thật bất ngờ: một con người luôn cô đơn lại thèm được thêm một lần nữa cô đơn - con chó đá lặng lẽ canh chừng cho những cô đơn khác, đau đớn hơn, khỏi bị lãng quên xâm thực! Sự phát triển nhân văn này của nỗi cô đơn trong thơ Vương Cường làm cho sự cô đơn trong thơ anh không đơn độc, không côi cút, nó đón nhận sự chia sẻ và trân trọng từ người đọc.
Là nhà nghiên cứu, Vương Cường không thể không tìm cách phân tích chính bản thân mình cũng như lý giải cuộc đời. Và anh đã tìm ra được một “Hằng số”.
Hằng số là đại lượng bất biến trong mọi trường hợp. Tình yêu của Vương Cường là hằng số. Nó như hàng cây dẫu có ngoằn ngoèo nhưng vẫn nói lời chân thật, như trăng có bị che khuất vẫn dịu dàng như hơi thở, như sông biết tránh dãy núi vô duyên chắn ngang trước mặt lòng vẫn lao về với biển…
Người đàn ông chung tình trong thơ Vương Cường nhận thức được đầy đủ mình đang yêu, luôn yêu và người đàn ông đó có quyền kiêu hãnh:
Có trái tim kiêu hãnh đập bên trời hằng số với thời gian…
*
* *
Tôi không có ý định phân tích kỹ thuật thơ Vương Cường. Đó là việc của các nhà chuyên môn. Tôi chỉ muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi:
Có gì đó từ chân trời nào đó
Hút hồn tôi suốt năm tháng ăn mày
Và tôi đã tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
Chỉ ở những nhà thơ đích thực mới có cái cô đơn của người nghệ sỹ đi tìm cái đẹp chân chính, cái cô đơn của triết gia muốn đi đến tận cùng của nhận thức.