Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Em chắc rằng



CHÂU THU HÀ


Minh họa: Nhím


Ô cửa phòng anh giờ này vẫn sáng đèn
(thành phố đang rộn ràng mùa lễ hội)
Công việc cứ cuốn ta đi
Mình gặp nhau lúc nào cũng vội

Nhớ anh dài hơn thế kỷ
Dữ liệu về anh mỗi lúc một đầy
Em chắc rằng trong ngôi nhà ấy
Có một người chờ anh về đêm nay

Đừng nói thêm gì những chuyện xa xôi
Xin anh đừng nói về cuộc tình này thêm nữa
Em đã từng ước mình như người nghệ sỹ De Steltenlopers
van Merchtem đi đôi cà kheo trên phố
Vẫn giữ thăng bằng ngay khi không anh

Như khối rubic tình yêu, em sắp đặt cuộc đời mình
Bên những mảnh ghép mang tên anh vụn vỡ
Chưa kịp ghép vào đã sợ bung ra bởi gió
Nên những muộn phiền em giấu ở trong tim

Ô cửa phòng anh giờ vẫn sáng đèn
Nơi em dường như thân thuộc
Chỉ có chiếc giường kia biết là em thường khóc
Khi quay về trên những bước chân, từng bậc thang đơn độc
Làm sao để giữ được một người
Làm sao em chắc rằng anh chỉ có em thôi?

Siêu giàu Việt nam



Thế giới soi người giàu Việt

Ngân hàng ANZ hôm 11/7 vừa đưa ra một thông tin đáng chú ý: Tầng lớp trung lưu Việt Nam phát triển nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào ở châu Á, bao gồm cả Trung Quốc. Và Việt Nam sẽ có thêm khoảng 2 triệu người trung lưu mỗi năm.

Thông tin trên khá bất ngờ, nhưng là điều đáng mừng bởi nó phản ánh sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong khoảng 2 thập kỷ qua. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và có hiệu suất lao động được cải thiện mạnh mẽ. Số doanh nghiệp Việt Nam đã lên tới 600.000-700.000 đơn vị và đây là nơi sản sinh ra hàng chục triệu người thuộc tầng lớp trung lưu.



Tuy nhiên, điều mà nhiều người ngạc nhiên nhất về những báo cáo về tình hình tài chính của người dân Việt Nam gần đây chính là con số công bố về lượng người siêu giàu.



Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tuần qua tại Hà Nội, Việt Nam có khoảng 110 người siêu giàu với tài sản trên 30 triệu USD/người (khoảng 630 tỷ đồng/người). Số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đã tăng 3 lần trong một thập kỷ.

WB đánh giá con số này cũng bình thường so với các nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của ngân hàng này, nhiều người lại tỏ ra hoài nghi về cách làm giàu hiện nay của các đại gia. Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhận định khoảng cách giữa những người rất giàu và phần đông người VIệt Nam cũng như tình trạng bất bình đẳng đáng kể về cơ hội là điều đáng lo ngại.

Trước đó, hồi tháng 9/2013, một ngân hàng của Thụy Sĩ cũng đưa ra báo cáo cho rằng Việt Nam có gần 200 người siêu giàu với tài sản trị giá 30 triệu USD trở lên và số người siêu giàu Việt Nam sẽ tăng với tốc độ cao nhất thế giới trong 10 năm tới.

Nếu theo báo cáo này, với mức tăng được dự báo lên tới gần 170%, số người siêu giàu Việt sẽ lên tới gần 300 – con số gây bất ngờ với nhiều người bởi tầm vóc và thực trạng kinh tế chưa tương xứng của Việt Nam hiện nay. Nó cũng gấp cả chục lần so với số lượng những người siêu giàu được thống kê qua thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung.

Mặc dù vậy, thật trái ngược khi những con số này lại được coi là chưa phản ánh hết số người siêu giàu thực sự tại Việt Nam. Dưới con mắt của nhiều người, số người giàu được các tổ chức thống kê qua TTCK, qua các doanh nghiệp tư nhân lớn chưa lên sàn… chỉ là bề nổi, chủ yếu dựa trên tài sản công khai, còn thực tế có thể lớn hơn nhiều. Những vụ phát lộ tài sản trị giá rất lớn gần đây cho thấy điều này.

Siêu giàu: Khó chỉ mặt đặt tên

Sự thật về số người siêu giàu, gồm những ai… rất ít người biết. Trong báo cáo của các tổ chức trên, không một đơn vị nào công bố danh sách tên tuổi, tài sản mà họ sở hữu.

Nếu xét trên sàn chứng khoán – nơi được coi là công khai và minh bạch nhất trong các kênh đầu tư và cất giữ tài sản, số người có tài sản trị giá từ 600 tỷ đồng trở lên, tương đương khoảng 30 triệu USD để lọt tốp siêu giàu rất ít, chỉ khoảng 20 người.

Ngoài những gương mặt quen thuộc được nhắc đến nhiều trên, còn những người siêu giàu nào ở Việt Nam chưa lộ diện?


Trong đó, ngoài những cái tên nghe quen tai như tỷ phú đô-la duy nhất Phạm Nhật Vượng với đế chế Vingroup, ông trùm BĐS – cao su Đoàn Nguyên Đức (HAG), hai đại gia sắt thép Trần Đình Long (HPG), Lê Phước Vũ (HSG), ông lớn ngân hàng – BĐS – bán lẻ Hà Văn Thắm (OGC), doanh nhân – chính trị gia Đặng Thành Tâm (KBC, ITA), “vua cá tra” Dương Ngọc Minh (HVG), “ông lớn” công nghệ Trương Gia Bình (FPT), đại gia bánh kẹo Trần Kim Thành (KDC), Nguyễn Đăng Quang (MSN), Hồ Hùng Anh (Techcombank)… và vợ con, thì còn có những ai thuộc tốp siêu giàu chưa lộ diện?

Như vậy, số đại gia ẩn danh siêu giàu vẫn chiếm đến 90%.

Trên thực tế, các bảng xếp hạng của các tổ chức có thể bao gồm cả các doanh nhân có doanh nghiệp chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn như Lê Viết Lam (SunGroup), Đặng Khắc Vỹ (VIB), Nguyễn Thanh Hùng (Sovico), Trịnh Thanh Huy (BĐS Bình Thiên An), Nguyễn Cảnh Sơn (Eurowindow Holding), bà Nguyễn Thị Nga (BRG, SeABank), ông Vũ Văn Tiền (Geleximco), “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển (Tuần Châu), vua hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn (IPP), Trần Quý Thanh (Tân Hiệp Phát), ông Huỳnh Uy Dũng (Sóng Thần), ông Đỗ Minh Phú (DOJI), ông Võ Quốc Thắng (DTG), ông Đoàn Quốc Việt (BIM Group), ông Trầm Bê (STB), ông Vũ Quang Hội (Bitexco)…

Với đa số các nhà đầu tư, rất khó để có thể thống kê ra được khoảng 100 người siêu giàu Việt thông qua TTCK và kiểu đoán mò dựa trên các thương hiệu doanh nghiệp nổi tiếng như vừa kể trên. Sự tò mò, do vậy, là rất lớn, nhất là khi các tổ chức liên tiếp công bố số lượng những người siêu giàu nhưng không bố tên tuổi cụ thể.

Vậy, tại sao các tổ chức lại không thể công bố danh tính những người siêu giàu? Vì những người trong cuộc không muốn công bố, muốn yên ổn làm ăn trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay, hay do tài sản họ làm ra có nhiều khuất tất, không hợp pháp; hay những người mà sự giàu có của họ không thể được công bố?

Một điều cũng đáng suy nghĩ là tốc độ gia tăng số lượng người siêu giàu tại Việt Nam theo những thống kê nói trên là quá nhanh. Giàu có, sung túc là tốt nhưng giàu quá nhanh và không tương đồng với những đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội, hoặc/và giàu có dựa trên những cơ hội, thời cơ, cơ chế; giàu có không minh bạch hợp pháp… là điều đáng ngại.

Những con số về người siêu giàu nhiều khi không thể nói lên sự phát triển chung của nền kinh tế hay sự giàu có của đa số người dân.

Mạnh Hà

Hai nhóm chính trong cộng đồng người Việt hải ngoại



 Tôi có vài người quen vượt biên sang Úc định cư mấy chục năm nay. Họ thuộc loại thành công, công ăn việc làm ổn định, tính tình rộng rãi và vui vẻ. Họ chỉ có một vấn đề là: rất không ưa các du học sinh cũng như những người mới từ Việt Nam sang.

Chưa bao giờ tôi hỏi họ lý do tại sao có tâm lý ấy. Nhưng tôi đoán là, dưới mắt họ, những người du học hoặc di dân mới ấy đều là con cháu tầng lớp cán bộ chuyên tham nhũng hoặc những người mới giàu xổi sau này, chỉ biết vơ vét tiền bạc từ bất cứ nơi nào có thể rồi ăn chơi trác táng, không biết quan tâm đến đồng bào và đất nước, dửng dưng trước sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông, v.v…

Ngược lại, tôi cũng gặp không ít các du học sinh và những người mới di dân sang Úc có cái nhìn khá thiếu thiện cảm đối với lớp người tị nạn. Theo lời họ, phần lớn người tị nạn lớp trước thường có tâm lý bảo thủ, khư khư ôm chặt quá khứ chiến tranh trong lòng, hay nói về chính trị, mà chủ yếu là chính trị theo kiểu đối kháng, không theo kịp với những sự thay đổi chóng mặt ở Việt Nam, v.v…

Xin nhấn mạnh: Cả hai trường hợp trên, tôi nghe thấy khá nhiều, nhưng không phải là tất cả, thậm chí, cũng khó nói được là số đông, bởi lý do đơn giản: chúng ta chưa có một cuộc điều tra hay thống kê nào cả. Ở đây, tôi chỉ bàn vấn đề từ kinh nghiệm của một người có nhiều cơ hội tiếp xúc với cả hai nhóm tị nạn và du học cũng như di dân.

Loại trừ những thành kiến hay tâm lý nghi kỵ nhau về phương diện xã hội, trong lãnh vực chính trị, chúng ta cũng dễ dàng phát hiện những khác biệt giữa hai nhóm. Rõ nhất là qua vụ biểu tình chống Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa Việt Nam. Ở các thành phố lớn tại Úc, thường có hai cuộc biểu tình vào hai ngày khác nhau: Một, của cộng đồng người tị nạn với cờ vàng ba sọc đỏ và một, của các sinh viên sang Úc du học, trong đó, có không ít người đã học xong và ở lại làm việc tại Úc, với cờ đỏ sao vàng. Cả hai đều chống Trung Quốc. Nhưng hai bên lại không thể nhập làm một chỉ vì lá cờ.

Tuy không thể biết chính xác mức độ khác biệt giữa hai nhóm tị nạn và di dân/du học ấy phổ biến đến độ nào nhưng, chỉ bằng kinh nghiệm và quan sát, chúng ta cũng có thể biết được mấy điều: Một, nó có thật; hai, nó có ảnh hưởng khá lớn trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.


Ảnh hưởng ấy có thể nhận ra ở nhiều phương diện. Về phương diện xã hội, cộng đồng thường chia thành các nhóm nhỏ, hiếm khi có được sự hòa đồng và đoàn kết chặt chẽ. Về phương diện tâm lý, nó gây phân hóa, thậm chí, nghi kỵ giữa người Việt Nam với nhau. Về phương diện chính trị, chắc chắn nó làm suy yếu, hơn nữa, có thể vô hiệu hóa những nỗ lực tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam hoặc cho chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Đứng về phương diện nghiên cứu lưu vong học hay di dân học, thật ra, người ta không thấy có gì đáng ngạc nhiên cả. Những sự phân hóa và chia rẽ như vậy hiện diện trong mọi cộng đồng xa xứ. Chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi. Có điều, từ góc độ chuyên môn, chúng ta dễ thấy vấn đề một cách sáng rõ hơn, do đó, cũng tránh được những cách nhìn mang định kiến vốn dễ làm trầm trọng hóa vấn đề.

Từ góc nhìn học thuật, chúng ta có thể chia cộng đồng lưu vong thành hai nhóm chính: nhóm lưu vong (diaspora) và nhóm xuyên-quốc gia (transnationalism).

Hai khái niệm này, hiện nay khá phổ biến trong lãnh vực nghiên cứu về di dân hay sắc tộc, vừa có điểm giống vừa có điểm khác nhau.

Giống: Cả hai đều sống ngoài quê hương, đều bị ám ảnh về gốc gác và quá khứ, đều băn khoăn về vấn đề bản sắc, đều, với những mức độ nhiều ít khác nhau, bị kỳ thị và lạc lõng ở xứ người.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai khái niệm này cũng không nhỏ.

Khác, trước hết, ở lịch sử của từ: Trong khi lưu vong có gốc rễ tận thời cổ đại, với việc người Do Thái bị trục xuất khỏi quê hương của chính họ, hoặc gần hơn, với hiện tượng người Phi châu bị bắt bán làm nô lệ ở châu Âu trong mấy thế kỷ trước, từ xuyên quốc gia mới hơn, chỉ xuất hiện từ vài thập niên gần đây.

Khác, ở lý do tha hương: Với người lưu vong, lý do chính là vì chính trị, và phần khác, ít hơn, kinh tế; nhưng dù là vì chính trị hay vì kinh tế, việc quyết định ra đi của họ bao giờ cũng được xem như một thảm kịch, gắn liền với chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa cộng sản hoặc chiến tranh khốc liệt, trong khi đó, xuyên quốc gia được hình thành chủ yếu từ lý do nghề nghiệp và kỹ thuật, gắn liền với xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển của nền kinh tế vĩ mô.

Khác, ở tính chất: Lưu vong bao giờ cũng nặng màu sắc chính trị, trong khi đó, tính chất chính trị ở những người xuyên quốc gia, nếu có, cũng nhẹ nhàng hơn nhiều, không đủ trở thành một ám ảnh lớn, từ đó, định nghĩa bản sắc của họ.

Khác, ở quan hệ, thứ nhất, quan hệ với quê gốc: trong khi, với những người lưu vong, quan hệ ấy ít nhiều cay đắng, có khi thù hận; với những người xuyên quốc gia, quan hệ ấy hoặc bình thường hoặc ở mức có thể hòa giải được. Thứ hai, quan hệ với quê gốc ấy ảnh hưởng đến quan hệ với quê mới: với người lưu vong, bị đè nặng bởi ký ức tập thể, trong đó có khá nhiều ký ức đau đớn, người ta khó thoát khỏi quá khứ, và vì khó thoát khỏi quá khứ nên việc hội nhập có nhiều trắc trở và trăn trở, trong khi đó, những người xuyên quốc gia, do tâm lý ít nhiều thanh thản, có thể về lại quê cũ bất cứ lúc nào nên quan hệ với quê mới cũng ít bị day dứt hơn.

Nói một cách đơn giản hơn, trong khi những người tị nạn là lưu vong (dispora); những người sống ở hải ngoại với tư cách du học sinh hoặc di dân vì lý do nghề nghiệp sau này là xuyên quốc gia (transnationalism).

Hiểu và chấp nhận những cái khác ở trên sẽ có nhiều cái lợi: Thứ nhất, chúng ta sẽ thông cảm những người có tâm lý và cách nhìn vấn đề khác mình. Thứ hai, chúng ta sẽ không đòi hỏi nhau một cách quá đáng, thậm chí, phi lý để vừa không vượt qua mâu thuẫn mà còn làm cho mâu thuẫn ngày càng trầm trọng thêm. Thứ ba, chúng ta sẽ trở nên khoan dung hơn, và khi mọi người đều khoan dung, cộng đồng sẽ trở thành mạnh mẽ hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Cây



này cây chớ rên la
mặc đời bảo tố phong ba
ta vẫn là ta
cây hãy cùng ta nở hoa
















Đất



đất- niềm khao khát
đừng hỏi vì sao tôi nhìn thấy niềm khao khát của đất từ trong sâu thẳm mắt em
niềm khao khát chỉ có thể nhìn thấy qua ánh mắt em nếu không có một ngày lũ ong nâu bay vào làng nói với người làng tôi rằng hãy từ bỏ những bài ca cũ kỹ về đất, những bài ca nói về tình bằng hữu nơi mặt đất

con cháu loài homo sapiens không thể là bằng hữu với con cháu lũ khủng long tàn bạo, vào một ngày không xa, đám bò sát, cháu chít lũ khủng long còn sót lại sẽ nghĩ ra cách khôi phục quyền bá chủ mặt đất của cha ông chúng bằng cách giả dạng con người
lũ ong nâu nói

như thế thì chẳng có tình bằng hữu nơi mặt đất hay sao
em nói


nhưng chỉ giữa con người với con người
và giữa con người với những loài giống khác không phải là cháu con của lũ khủng long tàn bạo
lũ ong nâu nói

tôi nói ngàn lần biết ơn loài ong nâu
nếu các bạn không nói
người làng tôi vẫn còn giữ mãi những bài ca cũ kỹ về đất

nhưng làm sao cho mặt đất trong lành
không còn lũ rắn sống lẫn giữa con người
một cuộc cách mạng về loài nơi mặt đất
em nói với tôi
rằng em sinh ra nơi mặt đất
nên niềm khao khát của em là niềm khao khát của đất



đất- sự giận dữ

làm sao con cháu lũ khủng long lại dám gỉả dạng con người buông những lời kiêu căng hiếu sát giữa buổi văn minh lũ hổ trên rừng cũng từ bỏ thói hung hăng man rợ
vào một sáng tháng bảy tôi nghe đất gào lên giữa màu nắng buổi chớm thu
và lập tức sau đó những âm vang giận dữ của đất dội lại từ những cành cây kẽ lá những lời bi tráng
một bài hịch ca kỳ dị của thế kỷ

em chín cửa con sông phù sa bát ngát
ngực trần nghìn năm khoả hương sắc dậy thì
xôn xao lau lách
bờ bến bãi ngồi đứng không yên
ngọn sóng ba đào vỗ nên miền sử thi lộng lẫy
lũ quỉ ở bên kia bờ cõi luân thường nghìn năm rình rập

em nền văn hoá trầm tích nghìn năm
phủ niềm cảm hứng vô biên những dấu vết một thời hương sắc còn nguyên trong đất
kẻ hậu thế nhìn ra vào một ngày cả thế giới không tiếc lời ngợi ca
ở bên kia bờ cõi luân thường
lũ ngông cuồng của thế kỷ nhảy lồng lên vì ghen tức

là gò mun hay gò sành hay óc eo hay đồng đậu hay sa huỳnh hay đông sơn
hết thảy đều là những vẻ châu ngọc của em kiêu sa nghìn năm văn hiến dấu tích của những cuộc đá cũ đá mới vô tiền khoáng hậu những cuộc đổi thịt thay da bỗng hoá thành hình hài chim hồng chim lạc bay suốt cõi vô thường
ở bên kia bờ cõi luân thường
lũ mặt đen nghiến răng hậm hực

là cày bằng đao trồng bằng lửa
hay cày bằng trâu bằng máy trồng bằng những hạt giống buổi văn minh
hết thảy là thuộc về một dòng sử lịch nối liền rừng biển
con chim hồng chim lạc bay suốt chiều dài lập đất giữ đất

vào một hôm
lâu lắm
chỉ mới vừa nghe đám cháu chít lũ khủng long ở bên kia bờ cõi luân thường ậm oẹ chuyện lấn đất
lũ chim hồng chim lạc suốt ngày đêm bay suốt dòng lịch sử để báo cho đất biết tham vọng của lũ tham tàn
một ngày sử lịch chép bằng những tiếng thét dậy trời làm bàng hoàng thế kỷ

(trích trường ca Cổ Tích Của Đất của Nguyễn Thanh Hiện)

Dracula thời @



Như lệ thường, chàng lại thức giấc khi đêm xuống, bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm của riêng mình.

Chàng lao về phía những dải thiên hà xa xăm đang toả sáng lấp lánh, nơi có biết bao nhiêu loài chim lạ đang cất cao giai điệu ngợi ca tình yêu và cái đẹp vĩnh hằng.

Nhiều thế kỷ đã trôi qua. Cây cọc nhọn xuyên qua trái tim chàng năm xưa như một phép nhiệm màu đã đâm chồi và vươn dài những nhánh thường xuân xanh biếc.

Chàng không còn hút máu loài người nữa. Máu của loài người giờ đây khiến chàng có cảm giác tanh lợm.

Để tồn tại, chàng đã phải tự hút lấy sinh lực của chính mình.


Đinh Hồng Nghi

Thượng đế và con chó



I



“Dễ thôi mà.”

Ông lão già nua lẩm cẩm bắt đầu tạo ra xứ sở trong mơ với những hình nhân bằng giấy và gỗ. “Sẽ bình đẳng.” Ông huỷ diệt mọi nhân cách. “Thấy không? Chúng chỉ là những khuôn mặt giấy bồi y hệt nhau.” Ông huỷ diệt những ham muốn, vì chúng sẽ tạo ra khổ sở mặc dù chúng cũng là động lực sáng tạo. Không cần sáng tạo, ông đinh ninh như vậy. “Tiến bộ?” ông nói. “Mà tiến đi đâu? đi mau tới hố thắm của cái chết à?” Họ được tạo ra không phải để làm nô lệ, họ là chủ nhân. Nhưng ông không ưa vẻ mặt nhơn nhơn kiểu ta đây là một ông vua con của những người cộng hoà. Ông bẻ cổ từng hình nhân của ông cho chúng cúi xuống, cùng một kiểu ngơ ngác sợ sệt và sẵn sàng giơ vai ra gánh, giơ lưng ra chịu và giơ cổ ra để bị chém. “Vậy tốt hơn.” Để giữ trật tự, một đám được giao nhiệm vụ trông coi. “Sẽ bình đắng.” Giáo dục, khoa học và nghệ thuật được nấu chung trong nồi cám lợn, quấy lên và chia đều cho tất cả. Sẽ không có thiên tài. “Một xứ sở bình đắng cần quái gì những thiên tài? Phải giết chúng từ trong trứng nước!” Để công bằng, mọi người đều được giao nhiệm vụ gièm pha, xúc xiểm, rình rập và tố giác lẫn nhau. Ông chọn ra một vị chân đất khổ hạnh, mặc hồng y và dẫn đường. Ông chọn vài con trong bầy cừu. Gán tội và hi sinh chúng. Máu đổ ra từ bàn hiến tế sẽ là thứ keo gắn kết nỗi khiếp nhược của đám giấy bồi. Theo lập trình, thỉnh thoảng sẽ có làm loạn, rồi có sự trấn áp và đổ máu. Nhưng không sao, điều đó chỉ để củng cố uy quyền. Vì uy quyền thì chủ yếu dùng để trừng phạt hơn là tưởng thưởng. Và uy quyền cũng yếu đi nếu thiếu sự sợ hãi tuân phục của đám đông.

Ông lão làm mọi thứ đến cuối ngày. Khi đã mệt mỏi, ông nghỉ ngơi, ăn uống rồi đi ngủ.

Ông dự tính sẽ làm thêm nhiều mô hình như vậy, bán đi mọi nơi để kiếm lời trang trải cho cuộc sống.

Ông ngủ. Nằm bên cạnh ông là con chó trung thành.

Trong mơ ông thấy mình là thượng đế.



II



GOD – DOG.



Lê Minh Chánh

Gia đình là bến đỗ nơi ta có thể quay về




Featured Image: Mental Picture


Gia đình ở hai tiếng ba, mẹ

Tôi nhớ lúc nhỏ có đọc được trong cuốn sách giáo khoa môn Giáo Dục Công Dân năm cấp hai một câu ngạn ngữ Châu Phi. Câu nói ấy ý như sau:


“Dù con cái có là rắn độc thì bà mẹ vẫn ôm ấp nó quanh hai bầu vú của mình.”
— Ngạn ngữ châu Phi

Câu nói ấy gây ấn tượng mạnh với tôi đến tận ngày nay vì hình ảnh một người dám để rắn độc cắn mà chỉ nghĩ đến thôi tôi cũng đã rùng mình. Tôi tự hỏi, điều gì ở những người phụ nữ bé nhỏ này đã có thể khiến người trở nên mạnh mẽ đến như vậy. Câu hỏi ấy vẫn còn bỏ ngỏ.

Thế là tôi nghĩ đến mẹ tôi.

Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi hay ốm yếu bệnh tật. Tôi sốt nhiều đến mức đã nghĩ đó là chuyện bình thường, ai cũng như tôi. Chỉ đến khi năm lớp tám tôi mới nhận ra để rồi tự hỏi vì sao tôi chẳng bao giờ nghe thấy ba mẹ than phiền vì có đứa con ốm yếu như tôi. Tôi luôn nhớ cái hình ảnh giữa đêm thức giấc, hình ảnh mẹ ngồi kế bên, chán mẹ nhăn nheo vì lo lắng, tay mẹ thì luyên thuyên hết đắp khăn lên trán đến nắm tay nắm chân cho tôi đỡ lạnh. Đến giờ tôi mới nhận ra, dù tôi có bệnh hàng tháng đi chăng nữa thì tôi vẫn là con của mẹ, và mẹ vẫn sẽ mãi lo lắng cho tôi.

Thế là tôi nghĩ đến ba tôi.

Ngày xưa khi còn nhỏ, gia đình tôi sống ở khu chung cư dành cho giáo viên. Mỗi mùa nước lũ, ba mẹ phải lấy tất cả chăn nệm trong nhà để ngăn nước tràn vào nhà. Chỉ có một mùa nước lũ, nước mưa lớn quá dù có ngăn thế nào nước vẫn tràn vào nhà, ngập đến đầu gối của ba. Để tôi có thể tự do đi lại, ba đã đặt những chiếc ghế nhựa khắp nhà. Lúc ấy bé con tôi cứ nghĩ đó là trò chơi, chạy lên hết cái ghế này đến lên cái ghế khác, rất thích thú. Một tối tôi muốn đi nhà vệ sinh. Gấp rút quá ba không biết phải làm thế nào, đã ẫm tôi trên lưng rồi chạy như bay vào nhà vệ sinh, tìm cái ghế cho tôi ngồi trên đó. Chỉ đến lúc đó thôi tôi mới nhận ra, chân ba đẫm trong nước mưa bầy nhầy dơ bẩn để chân tôi khô ráo sạch sẽ.

Thế là tôi nghĩ đến ba mẹ của các bạn.

Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ đã vì bạn mà sáng đi chiều về, mồ hôi nhễ nhại, chỉ kịp lấy khăn thấm, ăn vội vài miếng cơm, nằm nghỉ vài phút đồng hồ quí giá, để rồi lại tất bật ra đi trong buổi trưa nắng như thiêu như đốt. Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ vì cuộc đời của bạn mà bỏ qua cuộc đời của bản thân. Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ vì bạn trên giảng đường đại học mà đứng bán xôi bán bánh hay ngủ lây lất ở những khúc đường thành phố. Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ vì bạn mà đứng đợi trước cổng trường, lo lắng đến mức nước mắt rưng rưng. Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ đã thức để lo giấc ngủ của bạn được tròn vành.

Đó là những hình ảnh tôi đã được nhìn thấy trên mặt báo những ngày thi đại học gần đây và thật tâm tôi tin rằng bản thân các bạn còn vô vàn những kỷ niệm đẹp đẽ khác của riêng ba mẹ dành cho các bạn.

Tôi biết có nhiều người đến khi ba mẹ qua đời mới nhận ra được tài sản vô giá đó của mình. Tôi cũng biết có nhiều người may mắn hơn, đến khi sinh ra đứa con đầu lòng mới nhận ra tình mẫu tử thiêng liêng cao cả như thế nào. Thế nên tôi tự định đoạt cái may mắn của mình để có thể nâng niu cái báu vật của mình lâu hơn cả họ. Vì dù thời gian còn lại là rất nhiều thì với tôi vẫn là chưa đủ.

Và tôi thật tâm mong muốn các bạn nhận ra được báu vật và sự may mắn của riêng mỗi các bạn.

Hãy nhìn vào khuôn mặt của ba mẹ các bạn, nhìn những nếp nhăn thấm đẫm sương, những đôi mắt mờ đi vì năm tháng mà sao quá đỗi trong veo và đong đầy cảm xúc. Hãy nhìn những mái đầu bạc phơ vì sương gió, những bàn tay rám nắng và chai sạn, cái lưng khòm đi vì gánh nặng gia đình mà sao vẫn to lớn và vĩ đại.

Ba mẹ của chúng ta đẹp đẽ biết bao nhiêu.
Gia đình ở hai tiếng bạn bè

Nhưng rồi cuộc đời của mỗi người là mỗi khác nhau. Và có những cuộc đời được sinh ra, với vô vàn những lý do khác nhau, không được hay đã không còn được tận hưởng cái hơi ấm từ tài sản quý giá này, tôi muốn gửi gắm đến bạn một câu nói của giáo sư Meg Jay trong cuốn sách The Defining Decade:


“Những người có gia đình tan vỡ như Emma cảm thấy như cuộc đời họ sẽ sống trong đau khổ. Họ lớn lên tin tưởng rằng gia đình là của người khác và rằng họ sẽ không bao giờ với tới được. Giải pháp duy nhất của họ là tìm đến bạn bè, bác sĩ tâm lý, hoặc bạn trai để được nghe những lời an ủi, hoặc chỉ để nguyền rủa cái gọi là gia đình. Điều mà chẳng ai nói với những thanh niên tuổi hai mươi như Emma đó là cuối cùng, và bỗng dưng, họ có thể chọn lựa và tạo dựng được gia đình cho chính bản thân họ. Và đây chính là gia đình mà cuộc đời họ thuộc về, là những người sẽ định nghĩa những thập kỉ tiếp theo của cuộc đời họ.”

(“Clients like Emma feel destined for unhappiness because of broken families. They grew up believing that family was beyond their control, or something other people got to have. The only solution they have ever known has been to turn to friends or therapists or boyfriends for moments of solace, or to swear off family altogether. What no one tells twentysomethings like Emma is that finally, and suddenly, they can pick their own families—they can create their own families—and these are the families that life will be about. These are the families that will define the decades ahead.”)
— Meg Jay, PhD in The Defining Decade.

Hãy nhìn xung quanh các bạn, tìm cho mình một hay những người mà bạn tin tưởng. Những người thật lòng yêu thương bạn và bạn thật lòng thương yêu. Những người mà bạn cảm thấy may mắn và tự hào được gọi hai tiếng bạn thân. Những người sẽ lắng nghe bạn nói, thương yêu, chia sẻ, vì đó sẽ là một gia đình mới hơn, một gia đình rất riêng của bạn.
Gia đình không chỉ ở hai tiếng “gia đình”

Gia đình không chỉ đơn thuần là những danh từ như “gia đình” là “ba” “mẹ” “anh” “chị” “em” hay “bạn bè”. Gia đình có cái nghĩa sâu xa hơn rất nhiều mà đôi khi vì vòng quay cuộc sống chúng ta bỗng quên khuấy đi mất. Gia đình, đó là những người thật lòng yêu thương bạn; những người mà bạn tin rằng, dù bạn có thay đổi thế nào, ở xa cách mấy, thì họ vẫn sẽ luôn ở đó, là bến đỗ nơi ta có thể quay về, là nguồn động viên, là tình yêu thương, là sự quan tâm chăm sóc không bao giờ thay đổi.

Hãy gửi đến họ những nụ hôn nồng nàn nhất, những cái ôm ấm áp nhất, những dòng thư thật tâm nhất, những lời nói yêu thương sâu thẫm nhất trong lòng bạn.

Vì bạn, vì họ, vì chúng ta xứng đáng được nhận yêu thương.

Tôi thân chúc các bạn hạnh phúc.

Trân Nguyễn

Sức sống của rừng- Dương Quốc Định


































Giáo sư Carl Thayer: Lo ngại Mỹ-Trung Quốc móc ngoặc ở Biển Đông




Giáo sư Carl Thayer có cảm giác Trung Quốc đã móc ngoặc với Mỹ còn Mỹ thì sợ hãi việc phản ứng quá mạnh ở Biển Đông.


Giáo sư Carl Thayer.The Straits Times ngày 12/7 đưa tin, trong ngày cuối của Đối thoại Chiến lược - kinh tế Trung - Mỹ thường niên tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã từ chối kêu gọi của Mỹ về việc phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.

Tiến sĩ Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương từ Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho rằng Mỹ cần xuất hiện ngay bây giờ với chiến lược áp đặt cái giá phải trả nhằm ngăn cản Trung Quốc thực hiện chiến lược "ép buộc phù hợp" ở Biển Đông.

Ông nói, hành động của Trung Quốc cho đến nay được thiết kế thông qua thủ đoạn phi quân sự, trong khi Bắc Kinh đưa ra thông điệp với láng giềng: Muốn tìm kiếm quan hệ thương mại tốt hơn với Trung Quốc cần phải cung cấp cho Bắc Kinh quyền kiểm soát nhiều hơn đối với an ninh và tài nguyên trên Biển Đông.

Cronin cũng cho rằng tính ưu việt của Mỹ sẽ không bền vững và Washington phải làm nhiều hơn để đối phó với một Trung Quốc đang lên. Kêu gọi cứng rắn của các học giả Mỹ phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng sau Đối thoại Chiến lược - kinh tế Trung - Mỹ tại Bắc Kinh cho thấy 2 nước xem xét vấn đề Biển Đông như thế nào.

Các diễn giả tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 4 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược - quốc tế (CSIS) tổ chức chủ yếu đề nghị Mỹ cần thực hiện một chương trình tính toán lực lượng và biện pháp áp đặt cái giá Trung Quốc phải trả đối với bất kỳ hành động khiêu khích nào ở Biển Đông.

Giải pháp mà các học giả này kiến nghị bao gồm tăng cường các chuyến bay trinh sát của Mỹ có thể nhìn thấy trong các "khu vực tranh chấp" (có nhiều khu vực không hề có tranh chấp, Trung Quốc vẫn nhảy vào gây sự - PV), cung cấp thiết bị cho các đồng minh, tăng cường thăm viếng trao đổi quân sự trong khu vực, thúc đẩy các cuộc tập trận, diễn tập chung.

Thậm chí Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc là kẻ "háu ăn, gây hấn trơ trẽn" ở Biển Đông, nếu Mỹ tiếp tục không hành động sẽ mang lại "cái chết của hàng ngàn vết cắt".

"Chúng ta phải trực tiếp hơn, tích cực hơn, chúng ta phải trao quyền cho bạn bè và các đồng minh của mình trong khu vực để họ tham dự trực tiếp và tích cực hơn", ông nói. Rogers cũng cho rằng đến nay Mỹ đã tỏ ra quá "coi trọng" sự nhạy cảm của Trung Quốc mà trong trường hợp tương tự chưa bao giờ Mỹ bỏ qua với bất cứ quốc gia nào.

Cũng tại hội thảo Biển Đông lần này, Bắc Kinh đã bị các học giả quốc tế chỉ trích về sự miễn cưỡng không chịu đưa tranh chấp hàng hải ở Biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế.

Sau khi thảo luận sôi nổi, trong đó các chuyên gia pháp lý từ Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đưa ra quan điểm của mình, chuyên gia luật pháp Đông Á Jerome Cohen mỉa mai: Một quốc gia có thể nói yêu sách của tôi rất phù hợp với UNCLOS, tòa án không có thẩm quyền, mà tôi cũng không có nghĩa vụ phải nộp thuyết trình yêu sách của mình cho tòa án (Luật Biển Quốc tế)?

Cohen cho rằng, dù tòa án có cho rằng Trung Quốc đúng và họ không có thẩm quyền đi chăng nữa, nhưng Bắc Kinh cũng không nên đánh mất cơ hội làm những gì họ có nghĩa vụ phải làm.

Đại diện các viện nghiên cứu của Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng và cơ quan tình báo quốc gia tranh luận trong 1 giờ về những lựa chọn họ sẽ trình bày với Tổng thống Mỹ. Cuối cùng hành động được đề xuất là "ngoại giao yên tĩnh", Mỹ sẽ nói kín với Bắc Kinh rằng Washington đã có sự chuẩn bị dùng vũ lực để giúp đồng minh hiệp ước Philippines tiếp tế cho tàu của họ một khi họ bị Trung Quốc bao vây ở bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Kết quả như vậy đã khiến một số học giả tham dự hội thảo cảm thấy thất vọng vì nó có quá ít tác động đến Bắc Kinh. Tiến sĩ Carl Thayer, một giáo sư danh dự từ đại học New South Wales cho biết, mỗi khi thấy một tuyên bố chung Trung - Mỹ từ Bắc Kinh, hai bên nhấn mạnh tiếp xúc quân đội song phương là ông có cảm giác Trung Quốc đã móc ngoặc với Mỹ còn Mỹ thì sợ hãi việc phản ứng quá mạnh ở Biển Đông.

Hồng Thủy ( Giáo Dục )
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Giao-su-Carl-Thayer-Lo-ngai-MyTrung-Quoc-moc-ngoac-o-Bien-Dong-post147290.gd