Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

“Thế nào là khai minh?”



Immanuel Kant




Khai minh là việc thoát ra khỏi tình trạng chưa-lớn do tự thân kìm hãm. Chưa-lớn ở đây chỉ việc con người ta không có khả năng tư duy tự chủ mà luôn cần phải có sự hướng dẫn chỉ bảo của ai đó. Nói rằng cái tình trạng chưa-lớn này là do tự bản thân kìm hãm, ý là nhận thức và hiểu biết thì đã có mà không chịu quyết tâm và nghị lực để tự vận dụng lấy cái hiểu biết ấy, mà tư duy tự chủ. Vì thế, người ta có khẩu hiệu của khai minh: Sapere aude! Hãy can đảm mà tự dùng lấy trí khôn!

Lười biếng và hèn nhát là hai nguyên do làm cho phần lớn con người ta cứ khoái để mặc mình chưa-lớn suốt đời, dù cho về mặt sinh học hay pháp lý, họ đủ lớn để chẳng phải phụ thuộc vào một sự giám sát bên ngoài nào cả. Vì lười và nhát, đơn giản là cứ để cho người khác giám hộ mình. Cứ thơ dại mới sướng! Bận óc làm gì khi đã có những quyển sách để lưu trữ hộ tri thức, một ông bác sĩ cân nhắc hộ việc ăn uống, rồi một ông cố vấn tâm linh nào đó chăm sóc cho lương tâm đạo đức, vân vân và vân vân. Sao phải nghĩ ngợi khi mà ta chỉ việc trả tiền, rồi người khác sẽ nhận lấy những công việc buồn tẻ dùm ta.

Những người giám hộ tốt bụng vừa nêu hẳn cũng tin rằng một phần cực lớn của nhân loại (trong đó có toàn bộ phái đẹp) nhìn nhận việc lớn-lên không chỉ vô cùng khó khăn mà còn hết sức nguy hiểm. Những người giám hộ, sau khi đã làm ngây dại đám động vật thuần hóa của mình, sẽ cấm lũ này không được tự ý nhấc chân dù chỉ một bước nếu thiếu sợi dây dắt mũi, kế đó lại trưng ra những mối hiểm họa ghê sợ đang chờ đón để dọa bất cứ kẻ nào to gan. Thực tế thì cái hiểm họa này cũng chả phải gì to tát lắm, ai chẳng ngã vài lần rồi mới tự biết đi. Tuy nhiên lấy ví dụ kiểu này thì cũng dễ hãi, và thường sẽ hù người ta chạy mất tăm, khỏi phải lăm le tò mò hay thử mạo hiểm gì nữa.

Thế nên việc để cho mỗi cá nhân riêng lẻ biết tự lớn-lên là rất khó, khi mà trong họ cái bản tính chưa-lớn đã lần ăn sâu, làm cho họ ngày một thích thú. Và theo thời gian những người này sẽ thực sự mất đi khả năng tự vận dụng vốn tri thức, bởi lẽ có bao giờ được thử đâu. Xiềng xích ở đây chính là một đống những công thức, giáo lý, những thứ vốn được mang tiếng là công cụ kỹ thuật giúp hỗ trợ việc tư duy (nhưng thực tế lại làm cho con người ta khỏi phải dùng đến tư duy luôn). Ngay cả khi có ai đó rũ bỏ được đống xiềng xích ấy rồi, người này rồi cũng sẽ hết sức lưỡng lự, chẳng dám nhảy qua dù là những khe dốc hẹp nhất trên con đường tự bước đi của mình, bởi lẽ anh ta quá lạ lẫm đối với cái thứ vận động tự do kiểu này. Do đó, chỉ một số rất ít, bằng cách thường xuyên thao luyện tinh thần, mới có thể thành công trong việc tự giải phóng mình mà lớn-lên, tự tin bước tiếp trên con đường mới.

Dầu vậy, cơ hội cho một cộng đồng tự khai minh lại cao hơn. Nói cho đúng thì điều này sẽ là tất yếu, chỉ cần trong cộng đồng đó có tự do. Bởi lẽ kiểu gì cũng sẽ có những cá nhân suy nghĩ độc lập, có thể là nằm ngay trong số những người giám hộ. Những người giám hộ như thế, một khi đã rũ bỏ được những xiềng ách của bản thân, sẽ tiếp tục gieo cấy cái tinh thần mới là: tôn trọng các giá trị cá nhân và đề cao bổn phận nghĩ cho bản thân của tất cả mọi người. Điều đáng nói ở đây là một khi công chúng, vốn đang trong tình trạng u tối, giờ lại bị khuấy động bởi những người giám hộ biết tự khai minh (cũng nằm trong số những kẻ tạo ra xiềng xích trước đó), nhiều khả năng sẽ kìm ép ngược trở lại chính những người giám hộ này về với xiềng ách. Gieo gió thì gặt bão, định kiến được gieo rắc sẽ quay lại tấn công chính những người từng một thời khuyến khích nó, hoặc gián tiếp chuyển hậu quả sang lớp người kế tục. Vì vậy, một cộng đồng chỉ nên tiến đến khai minh thật chậm rãi. Một cuộc cách mạng có thể chấm dứt nhanh chóng một thể chế độc tài hay những cuộc đàn áp chính trị, nhưng sẽ không bao giờ có thể đem tới những cải cách thực sự trong nếp nghĩ. Rồi những định kiến mới thay thế sẽ được tạo ra và xiềng xích lại chất lên vai đám đông quần chúng vĩ đại vốn lười động não.

Đối với khai minh thuộc loại này, điều kiện cần duy nhất là tự do. Và thứ tự do đang được bàn đến ở đây là loại vô hại nhất – tự do để một cá nhân sử dụng tri thức mình theo lối công khai. Trên thực tế, tôi vẫn hay nghe khắp chung quanh mình những tiếng kêu kiểu:

Đừng tranh luận!

Viên sĩ quan: Cấm cãi, bước đều!Viên thu thuế: Đừng lôi thôi, nộp tiền đi!

Vị mục sư: Không tranh luận nữa, phải có đức tin!

(Chỉ duy nhất một kẻ trị vì trên thế giới từng nói: Cứ tranh luận đi, bao nhiêu cũng được, về cái gì cũng được, nhưng phải tuân lệnh!) [Friedrich Đại đế, vua nước Phổ đương thời – ND]

Tự do bị hạn chế khắp mọi nơi như vậy đó. Nhưng những hạn chế nào sẽ ngăn trở khai minh, và loại nào thì lại thúc đẩy nó? Xin trả lời: Với điều kiện cần duy nhất là tự do để sử dụng tri thức theo lối công khai, ta sẽ có khai minh cho nhân loại. Sử dụng kiểu công khai ở đây được hiểu chẳng hạn như trường hợp một người hiểu biết đem sở kiến của mình trình bày trước đông đảo cộng đồng độc giả. Ngược với nó sẽ là sử dụng theo lối riêng tư, khi ai đó vận dụng tri thức cho riêng công việc hoặc một vị trí mà mình được giao phó. Sử dụng kiểu này thì nên bị hạn chế, trong chừng mực không gây ra những tổn hại nghiêm trọng tới tiến trình khai minh.

Ta nhận thấy trong những vấn đề có tác động đến lợi ích của cộng đồng, cần có cơ chế nhất định mà theo đó một vài thành viên trong cộng đồng buộc phải chấp nhận hành xử thụ động để khi đó những người này có thể làm việc cho chính quyền, dưới một hợp đồng đã được vạch ra rõ ràng, nhằm phục vụ những mục tiêu mà cộng đồng hướng tới (hay ít ra là ngăn không để họ làm cản trở những mục tiêu này). Tất nhiên trong những trường hợp như vậy, sự phục tùng tuyệt đối là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng một người như vậy thì vẫn có thể tham gia tranh luận mà không gây ảnh hưởng đến công việc chung, trong chừng mực anh ta tự xét mình dưới tư cách một cá nhân thuộc cộng đồng lớn, thành viên của xã hội phổ quát (vượt lên trên phạm vi của một guồng máy chính quyền), và trong xã hội đó anh ta là một kẻ hiểu biết, bằng việc viết ra các tác phẩm, đang trình bày mối quan tâm của mình trước đông đảo công chúng.

Ví dụ, sẽ là rất nguy hiểm nếu một viên sĩ quan cứ đi chất vấn về sự hợp lý hay tính hữu dụng của mệnh lệnh mà mình đang được cấp trên yêu cầu thực thi. Việc của anh ta đơn giản là tuân lệnh. Nhưng sẽ chẳng có lý do gì để cấm anh ta, trong vai trò một người hiểu biết, quan sát những sai phạm đang diễn ra trong quân đội và truyền tải những quan sát này cho công chúng đánh giá.

Hay một công dân thì không thể chối bỏ nghĩa vụ đóng thuế; những động thái vô lối như thế sẽ bị trừng phạt nhằm tránh cho sự vi phạm trắng trợn này dẫn tới tình trạng bất tuân trên diện rộng. Tuy nhiên, anh này sẽ không hề đi ngược lại những ràng buộc nghĩa vụ dân sự, nếu anh ta – như một kẻ có học – phản ứng bằng cách công khai nói lên những suy nghĩ của mình về tính phi lý hay bất công của các công cụ thuế khóa đang có.

Tương tự, một vị mục sư thì bị ràng buộc trong việc hướng dẫn giáo sinh và giáo đoàn của mình đi theo những học thuyết của nhà thờ, bởi đó là những gì mà ông đã hợp đồng với tổ chức tôn giáo đó. Nhưng với tư cách một học giả, vị mục sư cũng chịu xu hướng chia sẻ những suy tư cẩn trọng, có định hướng của mình với công chúng, và ông ta hoàn toàn được tự do làm vậy. Đó có thể là những suy tư trên một vài khía cạnh sai lầm nào đó trong học thuyết đang được rao giảng, đi kèm những đề xuất cho một cải biến tích cực hơn trong các vấn đề giáo hội hay đức tin tôn giáo.

Sẽ chẳng có vấn đề gì phải lăn tăn về lương tâm ở đây cả. Bởi những gì mà vị mục sư đó dạy không phải là những thứ mà tự ông muốn truyền đạt. Đó là những thứ mà ông – kẻ bề tôi của nhà thờ – được chỉ định để diễn giải, nhân danh một người khác. Ông sẽ nói như vầy: Nhà thờ dạy ta điều này… điều này…, và đây là những lập luận được dùng tới… Sau đó mục sư sẽ giúp giáo sinh của mình rút ra tất cả những áp dụng thực tiễn có trong hệ thống giới luật, cái hệ thống mà có thể ông không hoàn toàn tán đồng nhưng vẫn nhận dẫn giải, bởi chưa loại trừ được khả năng chúng có hàm chứa sự thật, và cũng là do suy cho cùng thì chưa có gì mâu thuẫn về bản chất với thứ tôn giáo mà ông tôn thờ. Bởi lẽ nếu ông nhận ra một mâu thuẫn nào đó như vậy, tất sẽ khó lòng dồn tâm cho việc thực thi những nghĩa vụ được giao phó, và rồi sẽ phải xin từ nhiệm. Việc sử dụng tri thức của người mục sư trong trường hợp này là hoàn toàn theo lối riêng tư, với chú ý rằng một giáo đoàn, dù to hay nhỏ, cũng chỉ là một tập hợp nội bộ. Và như thế, ông ta – trong vai trò tu sĩ – không phải và cũng không thể được tự do, khi vẫn còn đang thực hiện nhiệm vụ do người khác phó thác. Ngược lại, trong vai trò một học giả đang gửi tới công chúng thực sự (thuộc thế giới rộng lớn bên ngoài giáo đường) những bài viết của mình, vị mục sư do đó đang sử dụng tri thức theo lối công khai, và sẽ được hưởng tự do không giới hạn để vận dụng lý trí và nói lên quan điểm bản thân. Còn nếu thay vì vui hưởng cái sự tự do này, những người giám hộ tinh thần lại cứ khăng khăng tự thân chưa-lớn, thì rõ thật là một điều ngu dại, và cái ngu dại này sẽ còn sinh ra hàng tấn ngu dại nối đuôi mãi tiếp diễn.

Nhưng liệu một đoàn thể những tu sĩ, kiểu như một đại hội giáo hội hay hội đoàn trưởng lão tôn kính (theo lối tự xưng của các vị ở Hà Lan), có nên được cho mình cái quyền tự nguyện tuyên thệ trước một biểu tượng tâm linh bất di bất dịch nào đó, lấy cớ ấy mà tăng cường sự giám hộ liên tục và vĩnh viễn lên từng thành viên của đoàn thể tu sĩ, và thông qua họ là lên toàn thể dân chúng? Tôi xin trả lời: không. Một giao kết nhằm ngăn chặn vĩnh viễn cơ hội khai sáng cho nhân loại như vậy là hoàn toàn trống rỗng và vô giá trị, ngay cả khi nó được chấp thuận từ một thẩm quyền tối cao, nghị viện hoàng gia hay qua những hiệp ước hòa bình tôn nghiêm nhất. Không thể có chuyện một thế hệ cứ thề nguyện rồi đặt thế hệ tiếp theo trong cảnh bất lực nếu muốn hiệu chỉnh hoặc mở mang tri thức để đi tới khai minh, nhất là trong những vấn đề quan trọng về tâm linh như này. Đó là tội ác chống lại loài người, khi ngăn cản cái tiến trình tìm về bản chất tối hậu của nhân sinh như vậy. Bởi thế, những thế hệ kế tục hoàn toàn được quyền gạt bỏ tất cả những thỏa ước vô lối và sai trái ấy.

Muốn biết một chính sách nào đó liệu có được đồng thuận khi đem áp dụng thành luật rộng rãi hay không, chỉ có cách là xem xem dân chúng có tự nguyện áp mình theo những điều luật ấy được không. Và như thế, tối thiểu điều luật ấy cần được đem ra thực thi trong một thời gian ngắn xác định nhằm minh họa cho trật tự đang được đề xuất, cũng là trong lúc chờ cho một giải pháp khác tối ưu hơn. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi công dân, trong trường hợp này là các vị tu sĩ, sẽ được quyền tự do trong vai trò học giả để công khai (thông qua những bài viết) đánh giá những bất cập trong các thiết chế hiện thời. Cái trật tự xã hội vừa mới thiết lập vẫn tiếp tục tồn tại, cho đến khi nhận thức của công chúng về bản chất vấn đề dần tiến bộ và tự chứng tỏ đã đạt tới chỗ đồng thuận về đại thể (nếu không phải là nhất trí tuyệt đối), đủ để đệ trình lên nhà vua một đề xuất thay đổi. Đề xuất này là nhằm để bảo vệ, chẳng hạn, những giáo đoàn đã đồng thuận thay đổi thay đổi thiết chế của họ cho thống nhất với tư tưởng nhận thức bên trong, mà không cản trở đến những người ủng hộ việc duy trì trật tự cũ. Nhưng cần phải cấm tuyệt đối những hành động chấp nhận cái thứ hiến chương tôn giáo cố định cứng nhắc, mà không ai (dù chỉ giới hạn trong một thế hệ) được quyền công khai chất vấn. Bởi hành động như vậy sẽ gần như triệt tiêu một giai đoạn phát triển trong tiến bộ nhân loại, biến nó trở thành vô ích, thậm chí còn mang hại cho lớp hậu sinh. Một người, vì những mục đích cá nhân, có thể hoãn lại tiến trình khai minh của bản thân trong một vài vấn đề, và anh ta cần nhận thức được điều đó, (mà ngay cả như vậy thì sự trì hoãn này cũng chỉ được phép trong một thời gian ngắn). Nhưng chối bỏ hoàn toàn khai minh, bất kể là khai minh cho thế hệ kế tục hay cho bản thân, đều đồng nghĩa với việc xâm phạm và chà đạp lên những quyền thiêng liêng của nhân loại. Vả chăng, những thứ mà quần chúng nhân dân không tự thuận mình áp theo, càng không thể bị áp đặt bởi cá nhân một vị quân vương nào; bởi quyền lực pháp trị của ông ta phụ thuộc hoàn toàn vào ý nguyện toàn thể của đám đông quần chúng. Chừng nào mà vị quân vương còn nhìn nhận những tiến bộ có thực hay được dẫn ra là tương thích với trật tự xã hội, ông ta vẫn có thể để mặc cho thần dân của mình làm bất cứ thứ gì mà họ thấy cần thiết để cứu rỗi bản thân, vốn là việc chẳng can dự gì đến nhà vua cả. Mà nhiệm vụ của đức ngài ở đây sẽ là ngăn chặn bất cứ kẻ nào trắng trợn gây trở ngại cho người khác, khi người này đang nỗ lực định hình và xúc tiến cho sự cứu rỗi của bản thân. Tôn nghiêm của nhà vua sẽ thực sự bị tổn hại nếu ngài can dự vào những vấn đề này bằng việc kiểm soát những bài viết mà qua đó, đám thần dân đem trình bày những ý tưởng tôn giáo của mình cho chính quyền giám sát thấy rõ. Hành động như vậy của nhà vua có thể chỉ đơn giản xuất phát từ những thiên kiến cao thượng của riêng ngài. Trong trường hợp này ngài có nguy cơ nhận lấy lời trách cứ: Caesar non est supra Grammaticos [Caesar cũng không được vượt các nhà ngữ pháp học – Dù có là vua thì cũng phải tuân theo những quy tắc phổ quát – ND]. Nhưng sẽ còn tệ hơn trong trường hợp hành động của nhà vua xuất phát từ sự ủng hộ dành cho một nền chuyên chế tâm linh của số ít những kẻ bạo cường áp đặt lên đám thần dân kia của ngài; điều này hẳn sẽ hạ thấp quyền uy tối cao của nhà vua.

Nếu có ai đó hỏi rằng: phải chăng chúng ta đang sống trong một thời đại đã được khai minh; câu trả lời sẽ là không, nhưng hẳn chúng ta đang sống trong thời đại của công cuộc khai minh. Căn cứ tình hình hiện tại mà nói, còn xa mới đến lúc toàn thể con người đạt tới (hoặc sẵn sàng để được đưa tới) tình trạng mà những hiểu biết của cá nhân trong các vấn đề tôn giáo được đem ra vận dụng một cách tự tin và nhuần nhuyễn, không cần viện tới sự hướng dẫn hay giám hộ bên ngoài. Nhưng chúng ta cũng có những chỉ dấu rất rõ ràng rằng con đường phải đi giờ đã hiện ra hết sức quang đãng, sáng sủa; những chướng ngại cho một nền khai minh phổ quát, cho sự thoát khỏi tình trạng chưa-lớn bởi tự thân kìm hãm đã dần ít đi; mọi người được tự do phấn đấu trên con đường khai minh của mình. Bởi thế mới nói thời đại của chúng ta là thời đại của công cuộc khai minh, trong kỉ nguyên Friedrich này. [Vua Friedrich là người bảo trợ rất nhiệt tình cho phong trào khai minh – ND]

Một bậc vương giả không hề xem mình là thấp kém khi tuyên bố rằng bổn phận của người trong các vấn đề tôn giáo là không ra lệnh bất kì điều gì cho thần dân, mà để họ hoàn toàn tự do; và vì thấy như thế vốn không phải là thấp kém nên người chẳng ngại từ chối cái danh hiệu Bao Dung đầy tự phụ mà kẻ khác định gán cho mình; một bậc quân vương như thế thực sự đã biết tự khai minh. Ngài xứng đáng được ca tụng bởi cả thế giới ngày nay cũng như toàn bộ hậu thế như người đầu tiên (ít nhất là người đầu tiên về phía chính quyền) giải phóng nhân loại khỏi tình trạng chưa-lớn, người đã để cho tất cả dân chúng tự do vận dụng lý trí của riêng mình trong mọi vấn đề về lương tâm. Dưới sự trị vì của người, các chức sắc giáo hội, vượt lên những bổn phận công vụ, có thể tự do và công khai truyền tải những nhận định và ý kiến của mình cho toàn thế giới đánh giá trong tư cách học giả, ngay cả khi những ý kiến này có đôi chỗ đi chệch học thuyết chính thống. Còn những người không bị giới hạn bởi bổn phận công vụ thì thậm chí được tự do nhiều nữa. Tinh thần tự do này cũng đang lan rộng ra cả bên ngoài quốc gia, ngay cả những nơi mà nó phải đấu tranh với những ngăn trở do các chính quyền vốn hiểu sai về chức năng của mình dựng lên. Những chính quyền này đang được chứng kiến một ví dụ hết sức sinh động trong đó tự do có thể tồn tại mà không gây hại chút nào tới sự hòa hợp của công chúng và sự thống nhất của khối cộng đồng. Con người sẽ biết tự lần thoát ra khỏi man rợ, bằng ý nguyện của chính họ, chừng nào mà những biện pháp nhân tạo cố tình được đưa ra nhằm kìm giữ họ không còn nữa.

Tôi vừa phác họa điểm cốt lõi của khai minh, tức là sự thoát ra của con người khỏi tình trạng chưa-lớn do tự thân kìm hãm, chủ yếu trong các vấn đề tôn giáo. Ấy trước hết là bởi những bậc trị vì của chúng ta không hứng thú lắm với việc thiết lập vai trò giám hộ trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật; và sau nữa cũng bởi sự chưa-lớn trong hoạt động tôn giáo là thứ nguy hại và đáng hổ thẹn nhất trong tất cả. Nhưng nếu một nguyên thủ quốc gia có tư duy ưu ái cho tự do trong khoa học và nghệ thuật thì nhìn chung mọi thứ sẽ còn tiến xa hơn, bởi vị ấy kiểu gì cũng nhận ra rằng sẽ chẳng có nguy hiểm nào đe dọa tới nền pháp trị của ông ta khi cho phép thần dân mình vận dụng theo lối công khai lý trí của chính họ, đem trình bày trước công chúng những suy tư của họ về việc tạo dựng một thứ luật pháp tốt hơn, thậm chí bao gồm cả những chỉ trích trực diện lên nền pháp lý hiện hữu. Chúng ta đã có ở đây một ví dụ tuyệt vời, [vua Friedrich] người mà chúng ta vẫn đang hằng tôn thờ, người mà chưa một vị quân chủ nào khác có thể vượt qua.

Tất nhiên, chỉ có đấng trị vì nào biết tự khai minh, không còn sợ hãi những bóng ma, đồng thời có trong tay một quân đội đông đảo và kỉ luật đủ sức giữ vững an ninh, mới có thể nói lên điều mà chưa nền cộng hòa nào dám nói: Cứ tranh luận đi, bao nhiêu cũng được, về cái gì cũng được, nhưng phải tuân lệnh! Điều này gợi ra cho chúng ta một mô thức kì lạ đầy bất ngờ thuộc vấn đề nhân sinh (mà chúng ta sẽ luôn nhận thấy nếu xem xét trên một diện rộng, ở tầm mà gần như mọi thứ đều trở nên nghịch lý). Một mức độ cao về tự do dân sự dường như có lợi cho tự do tư tưởng của quần chúng, nhưng đồng thời nó cũng đặt lên đó những rào cản không thể vượt qua được. Ngược lại, một mức độ tự do dân sự thấp hơn lại cho phép những không gian đủ rộng để tự do tư tưởng được phát triển đến tột độ. Một khi cái hạt giống mà thiên nhiên nâng niu nhất – thiên hướng tự do tư duy của con người – đã nảy mầm dưới lớp vỏ cứng, dần dần mầm mống này sẽ tác động trở lại tinh thần của quần chúng, những người nhờ đó cũng dần cải thiện khả năng hành động một cách tự do. Và cuối cùng mầm mống này sẽ tác động lên ngay cả những nguyên tắc của chính quyền, để họ thấy rằng sẽ hoàn toàn là có lợi khi đối xử với con người (vốn vượt trên một thực thể máy móc) sao cho tương xứng với phẩm giá của họ.

*************

*Hồi bé dịch cái này, nay nhân đang “tuyên chiến” với Tractatus tự thấy nên đăng lên :)






Nhật Nam Trần

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Có ai ru mẹ qua đêm...





Mẹ dạy con học nhạc
Từ thuở còn nằm nôi
Từ thuở con chưa biết nói
Năm canh chầy mẹ hát... à ơi!


Mẹ đưa con rong chơi
Trong giấc mộng ru hời
Mẹ dìu con vào đời
Trong giấc ngủ thần tiên

Con lớn khôn rong ruổi mọi miền
Vẫn còn khát miền thiêng mẹ hát

Mẹ giờ trắng bạc sương phơi
Năm canh cùng tối nghe đời lặng im
Có ai ru mẹ qua đêm...

“Những người đàn bà gánh biển”

Hậu Cốc Ngang

 




Chân trần lầm lụi lội sương
Phận người gánh biển dọc đường mưu sinh

Một vai bầm,gánh nỗi mình
Còn vai kia gánh bình minh vào bờ
Biển xanh thăm thẳm đợi chờ
Ghe chồng con họ dật dờ nơi đâu?

Đêm bì bõm gánh nông sâu
Áo cơm đè xuống nỗi đau nổi chìm
Bể đời tăm cá bóng chim
Đầy vơi gồng gánh nén kìm khát khao

Cát cồn buốt ngọn gió bào
Bước trồi bước sụt vọng vào giá đông
Cá tôm theo nước lớn ròng
Đàn bà xứ biển còn đong biển đầy.

Truyện ngắn Nguyễn Thanh Nga




Nguyễn Thanh Nga sinh năm 1978, tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ - ĐH KHXH & Nhân văn Hà Nội, Khoa Báo Chí – Phân viện Báo chí Tuyên truyền. Hiện đang công tác tại Báo Hạ Long - Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh. Tác phẩm đã xuất bản: Bến mê (tập truyện ngắn), Nxb Lao động, 2007; Bình minh màu tím, Nxb Hà Nội, 2011; Xúc cảm một miền thơ - Thơ và lời bình, Nxb Hội Nhà văn, 2014.



Tác giả Nguyễn Thanh Nga





Dương cầm thương nhớ



Quán nhỏ có tên Nhịp điệu trẻ nằm nơi góc phố biển như chìm trong tiếng đàn dương cầm lúc trầm, lúc bổng. Nàng say sưa thả hồn mình vào các nốt nhạc để phục vụ khách hàng mỗi lúc lại đông hơn bước vào quán. Là mấy đôi nam nữ tuổi teen vừa uống nước vừa nghe nhạc vừa cấu véo nhau. Là đám thanh niên choai choai ồn ào mấy phi vụ làm ăn, hoặc mấy ông trung tuổi dáng vẻ đứng đắn vừa uống cà phê vừa đàm luận thế sự v.v. Chỉ riêng gã, luôn xuất hiện vào tối thứ năm hàng tuần với mái đầu cắt gọn gàng, áo quần bụi bụi, ngồi một mình trầm mặc với điếu thuốc trên tay, ánh mắt khi lơ đãng ngó lên trần nhà nơi có treo những chiếc đèn lồng đỏ, lúc đăm đắm nhìn nàng.

Nàng chơi nhạc say sưa, như là bản năng đã được nuôi dưỡng từ khi mới bảy tuổi và còn bởi những người khách đang chăm chú lắng nghe những âm thanh ngọt ngào thoát ra từ đôi bàn tay trắng xanh, mảnh dẻ đang lướt trên mỗi phím đàn trong đó có vị khách đặc biệt là gã. Cứ đều đặn, tối thứ năm hàng tuần gã đến quán, chọn cho mình chỗ ngồi kín đáo quen thuộc, gọi cà phê, thuốc lá rồi lặng lẽ đốt thuốc, lặng lẽ nghe nhạc. Khi nghe những bản nhạc trữ tình dịu êm, ánh mắt gã trầm tư hướng về nàng. Với những bản nhạc rộn ràng như vũ điệu của cuộc sống, gương mặt gã như giãn ra và ánh nhìn của gã về phía nàng cũng lấp lánh niềm vui. Dù rất tập trung với cây đàn nhưng nàng vẫn thầm để ý gã. Ban đầu là sự tò mò, lâu dần thành thói quen, thứ năm nào chỗ ngồi ấy vắng bóng gã, nàng bỗng thấy trống chênh, mơ hồ một nỗi nhớ và buổi chơi nhạc hôm đó chỉ để hoàn thành một công việc đã được hợp đồng từ trước, để cuối tháng nhận đủ tiền lương từ vợ chồng người chủ quán tốt bụng và yêu âm nhạc, một niềm yêu còn rất ít ỏi giữa lòng đô thị trật hẹp này.

Gia đình nàng từng rất khá giả, bố làm chủ thầu xây dựng đang làm ăn phát đạt, mẹ nàng chỉ lo dạy học và chăm sóc cô con gái đầu lòng và cậu em út. Bố nàng từng là một tay chơi dương cầm có hạng của ngành cầu đường nên ngay khi cô con gái lên bảy ông đã bắt đầu dạy nhạc cho con với mong muốn sau này con gái sẽ trở thành một cô giáo dạy nhạc. Nàng với sự khéo léo và tinh tế tiềm ẩn, cùng sự nhạy cảm về thanh âm từ người bố truyền sang nên tiếp thu rất nhanh. Lên mười nàng đã có thể chơi được những bản nhạc cổ điển nổi tiếng khiến người nghe phải mê đắm. Tưởng cuộc sống cứ bình yên thế cho đến năm nàng mười bảy, một tai nạn giao thông bất thần ập đến với cha nàng. Bao của cải trong nhà lần lượt ra đi để dồn vào chạy chữa cho cha. Tưởng giấc mộng vào học trường nhạc của nàng đành khép lại nhưng cha nàng khi tỉnh lại cứ nhắc con nhất định không được bỏ cuộc. Ông tin con gái mình sẽ thành công với dự định của ông.

Vậy là nàng quyết tâm thi vào khoa nhạc cụ của trường nghệ thuật vốn rất có tiếng nằm ở thành phố biển xinh đẹp này và để có tiền trang trải học hành, nàng đi làm thêm. Nàng nhận đánh đàn ba tối một tuần cho quán caffe Nhịp điệu trẻ với mức lương khiêm tốn nhưng bù lại là thái độ ấm áp của ông bà chủ. Hai ông bà vốn công tác ở ngành văn hoá, hết tuổi công tác về quanh quẩn trong ngôi nhà mặt phố thấy buồn liền bàn với các con mở quán nhỏ bán caffe nhạc, vừa có thêm thu nhập vừa là một tụ điểm sinh hoạt văn hoá lành mạnh để ông bà vui tuổi già. Và nàng đến đây đánh đàn hàng tuần tính ra cũng đã được gần hai năm, cũng là gần hai năm nàng quen với sự có mặt của gã vào các thứ năm hằng tuần với dáng vẻ bụi bụi, phong trần. Gã và nàng chưa trò chuyện với nhau nhiều ngoài những chào hỏi sơ giao, nhưng với nàng, gã thật thân thiết như một người bạn từ rất lâu rồi. Gã chăm chú nghe những thanh âm ngọt ngào phát ra từ cây đàn dương cầm cũ kỹ nhưng là tiếng lòng của người con gái đa cảm như nàng và nàng có cảm giác mình được chia sẻ.

Cho đến một hôm, sau khi kết thúc bản nhạc cuối cùng cho một buổi tối của Nhịp điệu trẻ, khách khứa đã đứng dậy ra về, nàng lấy túi xách chuẩn bị cuốc bộ về ký túc xá cách chỗ làm hơn cây số. Nàng vẫn thích đi bộ trên đường phố lấp lánh ánh đèn đường, đi dưới những tán bằng lăng, điệp vàng đang bắt đầu trổ hoa đón hè, được hít căng lồng ngực mùi hương man mác của hoa lá. Khi vừa ra đến đầu phố thì một chiếc xe hơi láng coóng đỗ xịch trước mặt nàng. Một người đàn bà trên dưới bốn mươi cùng hai thanh niên khá trẻ tiến lại khiến nàng hơi chột dạ. Người đàn bà khá đẹp với mái tóc cuốn bồng bềnh và bộ đầm đen kiểu cách, mùi nước hoa đắt tiền nồng nực. Hai thanh niên cũng mặc đồ đen, mái tóc dựng lên như bờm ngựa, dưới ánh sáng của đèn đường hắt lên màu vàng xen lẫn hoe đỏ, kiểu cách thịnh hành của đám thanh niên thời nay. Người đàn bà gằn giọng:

- Cô em, ngạc nhiên lắm hả? Cô có biết vì sao hôm nay tôi và mấy đứa em phải xuất hiện ở đây không? Chắc có lẽ cô không biết nên mới tròn xoe mắt nhìn tôi như thế! Nghe tôi nói đây, từ nhiều nguồn thông tin, tôi được biết cô đang ve vãn chồng tôi bằng tiếng đàn của mình. Chả thế mà thứ năm hằng tuần, anh ta lúc nào cũng quần áo tề chỉnh, đầu tóc gọn gàng đi uống caffe chẳng qua là để gặp cô, khá khen cho cô đấy!

- Chị.. chị hiểu lầm rồi! Em không… không…

- Cô còn cãi à? - Chị ta hất hàm ra hiệu, hai thanh niên từ nãy tới giờ khoanh tay đứng nhìn thấy vậy liền chạy lại túm lấy tay nàng .

Nàng lúc này nước mắt lã chã rơi, giọng nghẹn ngào:

- Chị ơi, chị hiểu nhầm rồi. Em là sinh viên nhạc, vì nhà nghèo nên phải đi đánh đàn thuê để kiếm tiền trang trải học hành. Em ngoài đánh đàn thậm chí còn chưa biết mặt chồng chị mà…

- Cũng may cho cô là tôi chưa bắt được hai người dan díu với nhau nên tôi tha. Tôi chỉ cảnh cáo vậy thôi và nếu cô biết điều đi tìm chỗ khác mà làm ăn! …

Đám người lạ bỏ đi để nàng đứng đó ê chề. Vì nàng đã nói dối khi bảo rằng không biết chồng chị ta. Thực ra nàng biết rất rõ, thậm chí còn cảm mến gã ta nữa. Trái tim nàng mỗi tối thứ năm đều như thắt lại khi nhìn thấy bóng dáng gã và khi gã mỉm cười chào, nàng đã thật hạnh phúc. Nàng bỗng thấy mình bị gã lừa dối, cảm thấy những tình cảm trong sáng của mình tổn thương ghê gớm. Nhưng gã có lỗi gì đâu? Ngoài ánh mắt đăm đắm nhìn nàng, gã cũng chưa hề có một biểu hiện gì, một lời nói hay một hành động gì để nàng phải tin tưởng trao gửi tấm chân tình. Vậy thì trách ai đây ngoài trách mình quá đa cảm, đa sầu để trái tim chênh vênh trước những điều hoang tưởng. Nàng giận mình ghê gớm. Nàng thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến việc gã đã có gia đình và nàng sẽ không được quyền tơ tưởng đến gã.

Nàng bước nặng nề về ký túc xá, lòng hoang hoải buồn. Mình thật trơ chẽn, thật ngớ ngẩn khi đem lòng yêu một gã trai có vợ để vợ gã phải ra mặt đánh ghen. Nhưng quả thật giữa nàng và gã nào đã có chuyện gì đâu để nàng phải tủi hổ cơ chứ? Giờ thì dù thế nào thì nàng cũng không nên đến cafe Nhịp điệu trẻ nữa. Nhân danh làm thêm hay gì gì đi nữa thì cũng không nên tiếp tục gặp người đàn ông ấy. Ở một góc nào đó của tâm hồn nàng còn thấy giận gã.

Ngay hôm sau, lấy lý do phải về nhà có việc gấp, nàng xin ông bà chủ thôi đánh đàn ở quán café quen thuộc nữa. Nàng sẽ phải tìm công việc khác, ở một chỗ khác để trái tim của mình lành lặn chở lại. Nhưng trước mắt thì nàng chưa đi tìm việc. Nàng muốn tập trung toàn bộ cho kỳ thi học kỳ kết thúc năm thứ ba đại học. Kỳ thi diễn ra xuôn sẻ. Nàng tự nói với lòng không khi nào được nghĩ đến gã. Trước đây, mỗi khi vui hay buồn nàng đều nghĩ đến gã nhưng giờ đây, kể cả sau khi hoàn thành tốt mỗi môn thi, ý nghĩ về gã vừa loé lên trong đầu đã bị nàng dùng lý trí dập tắt. Nàng bặm chặt môi để trái tim không loạn nhịp. Sau kỳ nghỉ hè, nàng lên trường và năm cuối đại học cũng qua đi nhanh chóng. Cha nàng đã khỏi bệnh và ông lại tỏ ra vững vàng chèo lái con thuyền gia đình. Giờ ông không chạy theo những công trình xây dựng lớn nữa mà trực tiếp điều hành một gian hàng bán nội thất ở trung tâm thị xã. Nàng lại trở về vai cô tiểu thư ngày nào nhưng những gì đã trải qua đủ để nàng chín chắn hơn…

Tốt nghiệp trường nghệ thuật, nàng ở lại thành phố biển làm giáo viên dạy nhạc tại một trường phổ thông. Những rung động thủa nào như đã rơi vào cõi hư không nhưng nàng vẫn chưa chuẩn bị cho một sự bắt đầu trở lại. Cũng có vài thanh niên thành đạt tìm đến làm quen với nàng hoặc nhờ người đánh tiếng với cha mẹ nàng, nhưng nàng chỉ im lặng. Cuối cùng chỉ có một người kiên nhẫn nhất theo đuổi và thành chồng của nàng. Đẻ liền cho chồng hai cô công chúa, nàng an nhiên với hạnh phúc gia đình, với công việc dạy học. Nàng không ngờ có một ngày sẽ gặp lại gã…

Đó là một buổi sáng đầu năm học mới, trường nàng tổ chức tiếp nhận quà tặng quỹ khuyến học một món tiền lớn từ một doanh nghiệp. Tất cả giáo viên và đại diện học sinh các lớp của trường có mặt. Và nàng đã ngỡ ngàng khi nhìn thấy gã. Vẫn mái tóc gọn gàng, bộ quần áo hơi bụi bụi nhưng hôm nay khuôn mặt đã có thêm sự từng trải mặc dù đã mang thêm chiếc cavat màu đỏ khá trẻ trung. Đã gần chục năm không gặp nhưng nàng vẫn nhận ra gã… trái tim nàng lại rung lên. Và ánh mắt của gã đã hướng về phía nàng. Nó đăm đắm, có sự vui mừng, tinh nghịch và có cả phần đắc thắng nữa. Nàng không hiểu sao lại như vậy nhưng nàng thấy lòng bối rối. Sau khi những thủ tục đã hoàn tất, nàng vội và đi về lớp học, đi như trốn chạy. Nàng vào lớp, trong lúc giảng bài, trái tim cứ lơ lửng đâu đâu.

Sau khi kết thúc tiết dạy nhạc, điện thoại cầm tay của nàng reo vang bản giao hưởng “Bốn mùa” của Vivaldi. Số máy lạ, nàng biết của ai rồi. Đã định không nghe nhưng rồi nàng đã bắt máy:

- Em à, anh muốn được gặp em…

Và họ đã đi với nhau trên chiếc xe hơi màu đen của gã. Gã đã hỏi mình đi đâu bây giờ và nàng không nói gì. Gã điều khiển xe không quá nhanh như để kéo dài thời gian bên nàng. Gã kể lại gã đã chống chếnh thế nào khi bỗng nhiên nàng biến mất. Thứ năm nào gã cũng đến café Nhịp điệu trẻ với hi vọng sẽ lại trông thấy nàng. Thế rồi khi không còn hi vọng, gã đến đó để tìm lại hình bóng của nàng, tìm lại tiếng dương cầm ngọt ngào phát ra qua đôi bàn tay mảnh dẻ của nàng mà giờ đây chỉ còn nằm trong ký ức. Và bằng những ký ức ấy, bằng những tình cảm vẹn nguyên với nàng, gã đã viết riêng cho nàng rất nhiều bản nhạc mà gã đang mở trong xe, những bản nhạc nồng nàn tình yêu dẫu cách xa …

Nàng chăm chú nghe gã nói rồi cũng kể về mình, nhưng tuyệt nhiên không kể chuyện vợ gã đã đến gặp nàng. Câu chuyện của nàng giản đơn như thể chưa hề chó chuyện nàng đã đau khổ bao nhiêu vì không được gặp gã, như chưa hề có chuyện nàng đã cố gắng bao nhiêu để xua đuổi hình bóng gã ra khỏi đầu mình.

Họ cứ đi như thế, trong tiếng nhạc nhè nhè và những câu chuyện của quá khứ, hiện tại. Họ cứ đi như thế, qua khu dân cư đông đúc, rồi thưa thớt dần trên mạn ngược. Hai bên rừng núi trập trùng hiện ra trước mắt và khi nhìn thấy tấm biển báo đã sang địa phận tỉnh bạn, họ mới dừng lại và quay đầu xe. Chặng đường về họ vẫn kể cho nhau nghe những chuyện đã diễn ra. Ánh mắt gã nhìn nàng vẫn không thôi đăm đắm. Gã đã mong muốn được nghe những lời nhớ thương từ nàng nhưng tuyệt nhiên không hề có. Trước gã, nàng lạnh lùng đến không ngờ.

Chỉ khi họ tạm biệt nhau ở cổng trường, nàng vội vã vào khu vực để xe, nếu gã tinh ý sẽ thấy nàng hai tay ôm chặt lấy ngực. Thực ra nàng đã thấy nhói trong tim ngay lúc gặp lại gã. Nhưng không hiểu sao bây giờ thì nàng thấy thanh thản với những gì vừa diễn ra giữa hai người...



Như giấc mơ bay


Ngày….

Vậy là em đã biết sự thật. Anh bẽ bàng trước em, tất cả những thứ trước mặt, chiếc bật lửa, điếu thuốc lá hút dở, mảnh giấy bạc ám khói bên trong vẫn còn vương thứ bột trắng chết người…Tất cả trước mắt em nhức nhối.

Anh biết anh có lỗi với em nhiều lắm, có lỗi từ rất lâu rồi, kể từ cái ngày anh theo thằng bạn đến sàn nhảy nơi có thứ âm thanh chát chúa muốn vỡ màng nhĩ nhưng cũng đầy hấp lực. Anh đã nhún nhảy hồn nhiên theo nhạc cùng bao nhiêu người khác, mắt đăm đắm nhìn lên trên sân khấu nơi có mấy cô gái mặc váy ngắn, áo hai dây cộc cỡn đang uốn éo theo điệu nhạc. Mọi người vừa nhảy vừa vỗ tay tán thưởng. Rượu Chivas chảy tràn, mùi nước hoa, mùi khói thuốc, mùi rượu trùm lên những tấm thân đang nhún nhảy theo nhạc. Một thế giới náo nhiệt quá mức, hoang toàng quá mức khác hẳn với cuộc sống ngoài kia bộn bề cơm áo…Thằng bạn thầm thì vào tai anh, mày dùng thử cái này đi hay lắm. Một làn khói mỏng chảy tràn vào khứu giác của anh. Một cảm giác lạ lẫm, đê mê chiếm lĩnh mọi giác quan. Những bóng người lấp hoá, nhạt nhoà trong mớ âm thanh hỗn độn. Anh không biết mình đã uống bao nhiêu ly rượu được những cô bé váy ngắn rót tràn ly. Rượu mạnh ướp đá đê mê đi vào cuống họng. Phải quá nửa đêm hai thằng mới khật khưỡng đánh xe xa khỏi bãi đỗ xe, thằng bạn không quên tiếp tờ năm mươi ngàn vào tay cậu bảo vệ trẻ măng rồi quay sang anh, ở đây là thế ông ạ!

Và nhiều lần sau anh vẫn theo nó đến sàn. Anh thật sự bị hấp dẫn bởi những âm thanh chát chúa, bởi mùi nước hoa quyện với khói thuốc, với hương rượu hivas nồng nàn. Và anh còn bị hấp dẫn bởi thứ khói trắng vẫn được thằng bạn khéo léo đưa vào mũi anh trong khi anh đang nhún nhảy. Em hoàn toàn không biết gì về những chuyến “bay” đêm của anh. Hồi đó chúngmình đang yêu nhau. Em với vẻ đẹp lộng lẫy kiêu kỳ đã khiến trái tim của một thằng công tử như anh gục ngã. Anh yêu em bằng trái tim khờ khạo, run rẩy nhịp yêu. Anh đã hạnh phúc biết bao khi nhìn thấy em cười và những giận dỗi của em cũng đủ để anh nát lòng. Hai đứa đều sinh ra trong hai gia đình khá giả, cả hai đều được học hành đến nơi đến chốn để anh trở thành một nhân viên hải quan tại một cửa khẩu vùng Đông Bắc và em cũng theo anh ra làm cô giáo ở vùng biên. Em vẫn ngây thơ với niềm tin qúa lớn về anh mà không biết rằng anh ngày một lún sâu vào chốn ăn chơi hào nhoáng ấy. Anh đã tự nhủ bao lần rằng mình phải từ bỏ những thứ thuốc ấy đi vì như thế không xứng đáng với em nhưng rồi anh không đủ nghị lực để từ bỏ. Và khát khao chiếm lĩnh em cũng khiến anh không đủ dũng khí để thú nhận mọi chuyện. Thậm chí, anh còn hối thúc gia đình nhanh chóng làm đám cưới, để em thuộc về anh vĩnh viễn không rời.

Và rồi hôm nay, khi em đã mang thai tháng thứ ba đứa con của chúng mình, em đã bắt gặp anh đang mơ màng trong khói thuốc ngay trong nhà vệ sinh. Em bảo đi chợ nhưng như linh tính đột ngột quay về, đột ngột mở toang cửa tolet khi anh đang nhắm nghiền mắt tận hưởng thứ ảo giác ma quái đã được thằng bạn dẫn dụ mỗi khi đi sàn. Từ ngày cưới vợ, buổi tối anh phải ở nhà không được “bay đêm” như trước dù trong lòng quay quắt nhớ. Thỉnh thoảng thằng bạn đến rủ anh đi nhưng anh không dám chơi quá khuya vì sợ em giận dỗi. Giảm đi chơi nhưng anh không giảm được việc “cắn” thuốc. Anh mua dự trữ khá nhiều và giấu ở một chỗ kín đáo trong tủ đựng quần áo cũ. Em không hề biết, mọi người cùng cơ quan cũng không hề biết vì anh rất kín đáo, vậy mà hôm nay sự thật đã phơi bày. Em, hai con mắt luôn trong veo như nước hồ thu bỗng ầng ậc nước. Em nhìn anh và hét lên: Sao lại thế này rồi khuỵu ngã. Và rồi em đã đứng dậy, chỉ thẳng tay vào mặt anh và nói rằng hãy tránh xa tôi ra đồ giả dối, đê tiện… Em đã cương quyết bỏ anh mặc những lời anh cầu khẩn, van xin. Anh vẫn nhớ ánh mắt em lúc đó đã ánh lên cương quyết: Khi niềm tin đã đổ vỡ thì mọi vớt vát chả còn nghĩa lý gì. Anh hiểu ra rằng mình đã đánh mất em thật rồi, không còn cơ hội để anh làm lại. Ngày em bụng mang dạ chửa xách vali lên xe trở về miền Tây nơi có gia đình em đang nóng lòng chờ đợi, còn vẳng lại bên tai anh những lời đầy nước mắt nhưng cương quyết: Khi nào anh từ bỏ được ma tuý thì hẵng đến tìm mẹ con em…

Ngày….

Thời gian cứ thao thiết trôi đi từ cái ngày định mệnh ấy. Em đã đau đớn biết bao khi được chứng kiến một sự thật phũ phàng. Trước đó em đã ngờ ngợ khi thấy những biến đổi trong con người anh. Cứ như đang làm một cái gì đó mờ ám, khuất tất sau lưng em vậy. Và rồi, chỉ bằng việc giả vờ đi chợ rồi đột ngột trở về em đã bắt gặp tất cả. Anh biết không, trái tim em như rỉ máu, tan nát. Em hiểu thế là mất hết. Em tự hỏi mình đã làm gì nên tội mà ông trời bắt em phải chịu nỗi cay đắng này. Không có câu trả lời và chính anh cũng chẳng thể trả lời ngoài lời cầu xin tha thứ. Tha thứ ư? Em muốn tha thứ lắm bởi với em, anh quan trọng hơn tất cả. Nhưng nếu em tha thứ quá dễ dàng cho anh biết đâu sẽ càng khiến anh khó từ bỏ thứ thuốc quái quỷ đó. Em bỏ anh, thâm tâm tự nhủ rằng nếu anh còn thương yêu mẹ con em, anh sẽ tỉnh ngộ, sẽ đi theo nẻo thiện luôn mở ra trước mắt mỗi người.

Ngày sinh con trong bệnh viện em không có anh ở bên, em đã chọn lựa như thế mà, nhưng có bố mẹ anh. Ông bà nội nóng lòng nhìn thấy đứa cháu trai bé bỏng lọt lòng khi thiếu vắng cha. Ông bà nội cũng cho biết, đã cho anh ra nước ngoài để anh tiếp tục đi học và để anh tránh xa những cám dỗ mà đám bạn đã cố tình đưa anh vào. Ông bà rất hi vọng anh tỉnh ngộ, nhất là khi anh đã là cha của một đứa con. Bản thân em khi nghe được tin ấy cũng thấy ấm lòng. Em vẫn hi vọng đến một ngày anh đủ tự tin quay lại tìm đến với mẹ con em.

Hai mẹ con em sống trong sự bao bọc của ông bà ngoại và sự chăm chút của ông bà nội. Mặc dù trên giấy tờ em không còn là vợ của anh, không còn là con dâu của ông bà nhưng sợi dây tình cảm luôn là thứ bền chặt khó có thể cắt rời. Em đã chuyển về dạy học ở gần nhà, con thì gửi nhà trẻ. Ông Trời như thấu hiểu hoàn cảnh nên cho con sức khoẻ ít khi ốm đau. Còn nó cũng như hiểu hoàn cảnh của mình nên ít quấy khóc. Em vẫn đi bên cuộc sống bộn bề bươn trải và trái tim hoang oải cô đơn. Không ít lần em phải đấu tranh trước những si mê, trước những cám dỗ của ái tình nhưng em luôn kịp dừng lại. Bởi trong sâu thẳm trái tim em luôn thường trực hình bóng của anh. Những ngày tháng mình tay trong tay đủ đầy hạnh phúc như vẫn còn chưa xa. Em đã tỏ ra thật cứng rắn khi đưa lá đơn xin lý hôn bắt anh ký vào. Môi em bặm lại, nước mắt em không hề rơi. Em muốn anh phải chịu hình phạt với lỗi lầm mình đã gây ra cho mọi người. Khi em nói, khi nào anh từ bỏ được ma tuý thì mới được gặp lại mẹ con em, em muốn đây sẽ là đòn thức tỉnh anh, để anh nghị lực vượt qua thứ cám dỗ chết người ấy. Em luôn chờ đợi ngày anh quay trở lại với nụ cười của người chiến thắng.

Ngày…

Dù anh đã hết lời cầu xin tha thứ nhưng em vẫn cương quyết từ bỏ anh với ánh mắt lạnh lùng sắt đá. Anh đã hụt hẫng bao nhiêu. Anh biết lỗi lầm của mình nhưng tại sao em không rộng lòng để giúp anh vượt qua? Anh đã rơi vào ngõ tối chỉ còn cánh cửa duy nhất là em cũng bị đóng sập nốt thì thử hỏi anh sẽ gượng dậy thế nào đây. Trách giận em và lúc đó với chút sĩ diện của một thằng trai còn sót lại anh đã tự nói với lòng rằng sẽ thay đổi, sẽ từ bỏ ma tuý để em biết mặt. Khi anh cai nghiện được sẽ quay về để nói với em rằng em thật ích kỷ khi bỏ mặc anh trong lúc hoạn nạn và sẽ không bao giờ cần em nữa. Anh tự đắc với ý nghĩ đó của mình mà không ngờ rằng để làm được điều đó khó khăn vô cùng. Bố mẹ đưa anh đến mấy trung tâm cai nghiện tư nhân. Chỗ nào họ cũng hứa hẹn, chỗ nào họ cũng chắc chắn sẽ được, sẽ được... Lại mua vài triệu tiền thuốc nào sắc uống, nào đun tắm nhưng rồi những cơn thèm thuốc vẫn cứ xồng xộc đến khiến toàn thân anh rã rời.

Anh ở nhà dưới sự quản thúc của bố. Ông vừa mới nghỉ hưu chưa lâu, tưởng rằng sẽ được nghỉ ngơi sau mấy chục năm làm việc giờ lại phải xoay trần coi sóc một thằng con như anh. Những khi thèm thuốc, cả cơ thể anh như hàng vạn mũi kim châm chích giày vò. Anh lăn lộn, vật vã trên giường trong khi bố mồ hôi mồ kê nhễ nhại để giữ anh. Đã có lúc anh thấy mắt ông loáng ướt, anh bất lực với mình và với chính nỗi ân hận của mình. Đang trong thời kỳ cai nghiện thì mẹ nghe ở đâu thông tin tuyển sinh du học, thủ tục đơn giản chỉ cần có nhiều tiền là được. Nghĩ rằng cho anh đi học xa tách khỏi sự cám dỗ của đám bạn hư hỏng anh sẽ thay đổi, mẹ đã thuyết phục bố, thuyết phục anh bước chân vào một miền đất mới, nhiều hứa hẹn. Trước ngày thử máu khám sức khoẻ để nhập học, mẹ đã hỏi kinh nghiệm nhiều người về cách làm thế nào để vô hiệu hoá các test kiểm tra máu và nước tiểu và may mắn anh đã vượt qua.

Những ngày đầu đến vùng đất mới này anh đã thật buồn. Anh nhớ nhà và không thôi trách giận em. Nhưng tận trong đáy lòng anh vẫn là nỗi nhớ em da diết. Anh tự hứa với lòng mình sẽ từ bỏ hẳn ma tuý, anh sẽ học hành chăm chỉ để có ngày sẽ trở về. Anh sẽ làm lại từ đầu bằng nỗi giận hờn em và cả tình yêu với em nữa. Anh ở trong ký túc xá của trường, bốn thằng trong đó có hai là người Việt ở chung một phòng hai mươi mét vuông đầy đủ tiện nghi. Ngoài giờ lên lớp và đi ăn cơm ở căng tin anh lại về phòng chui vào giường của mình. Anh muốn tránh xa đám đông và thực tế là anh đang âm thầm đấu tranh với nỗi thèm thuốc còn rơi rớt lại sau mấy đợt cai vẫn hằng xâm chiếm mọi tế bào cơ thể anh. Anh sợ mấy thằng cùng phòng biết được sẽ báo với giám thị thì cầm chắc bị đuổi học. Thế mà việc của anh vẫn bị lộ. Thằng bạn người Việt cùng phòng khi mở cửa đã nhìn thấy anh đang nằm co trên giường. Nó khép nhanh cửa và thì thầm, mày đang “vã” hả? Anh luống cuống gật đầu. Nó cười nham nhở, ngay từ đầu tao đã nhận ra “người anh em” mà. Rồi rất nhanh nó móc túi lấy ra một gói nhỏ rồi làm các thao tác để làn khói ma quái lại chui tọt vào mũi anh, tan biến trong từng tế bào da thịt. Nó còn thì thầm vào tai, tối nay đi với tao.

Vậy là tối đó, theo chân thằng bạn anh đã có mặt tại một chốn ăn chơi nhất hạng. Những ngày mới sang đây, nhìn những đường phố thênh thang rộng lớn, các toà cao ốc ngất ngưởng luôn sạch bong không một chút bụi, anh cứ ngỡ nơi chốn hiện đại và phồn hoa này không có chỗ cho những ham hố tầm thường tồn tại. Vậy mà anh nhầm. Có cả một con phố là các cao lâu, các sàn nhảy lúc nào cũng lấp lánh ánh đèn. Thằng bạn đẩy anh vào một toà nhà lớn có tên Moonight Club. Tiếng nhạc chát chúa vây bủa lấy anh. Ánh đèn nhấp nhoáng. Những thân hình uốn éo theo điệu nhạc. Cuộc sống sôi động mà lâu nay nay anh phải rời xa giờ đây lại vây giăng lấy anh. Rượu mạnh tràn ly. Khói thuốc mịt mờ và anh còn được dùng một loại ma tuý đặc biệt hơn thứ trước đây đã dùng. Nó khiến thời gian ngây ngất kéo dài hơn. Nó làm các giác quan của anh phấn chấn hơn. Nhưng nó cũng làm anh hoang mang hơn trước cuộc sống này.



Ngày….

Kể từ lúc chúng mình chia tay cũng đã được gần hai năm rồi. Con của chúng ta đã biết chạy, miệng bi bô gọi mẹ, gọi bà. Nó giống anh như đúc, từ cái miệng rộng luôn tươi cười, đôi mắt với ánh nhìn trong veo và vầng trán cương nghị… Nó khiến em nguôi ngoai nỗi nhớ anh. Gần ba mươi tuổi một mình với đứa con nhỏ, những lúc lòng trống trải cô đơn quá em đã nghĩ tại sao mình cứ phải đợi anh trong vô vọng? Đời người ngắn ngủi có được bao nhiêu mà em cứ phải chịu đựng nỗi chua xót này. Cũng đã có lúc em tự hỏi, việc mình từ bỏ anh trong hoàn cảnh ấy có quá tàn nhẫn không, tại sao lúc đó mình không giang rộng vòng tay yêu thương với anh, biết đâu anh đã dễ dàng tỉnh ngộ. Nhưng một tiếng nói lại vang lên trong em, cần phải như thế thì may ra anh mới tỉnh ngộ được.

Tiếng nói ngây thơ của con trẻ, con rất muốn được gặp bố, con yêu bố lắm tại khiến em xót xa. Nó chưa lần nào được gặp anh vì anh đang biền biệt nơi xa nhưng nó đã được nhìn thấy anh qua tấm ảnh mà ông bà nội mang sang. Có một sợi dây tình cảm đã gắn kết tâm hồn thơ bé với một người bố đang cười trong tấm ảnh kia và em đã nghĩ, mình không được phép cắt đứt sợi dây tình cảm ấy. Hôm nay ông bà nội sang thông báo với em tin anh chuẩn bị về nước. Bà nội thông báo tin đó với đôi mắt rớm lệ. Đúng hơn là anh bị trục xuất về nước vì bị bắt về tội sử dụng ma tuý. Hoá ra anh đã bỏ dở chuyện học hành từ lâu rồi nhưng người nhà không hề hay biết. Anh dùng đồng tiền bố mẹ gửi sang để lao vào chốn ăn chơi mờ mịt. Và để phục vụ chính mình, anh tham gia mua đi bán lại để kiếm lời. Anh mỗi ngày lại lún sâu vào sa ngã cho đến ngày bị bắt và bị trục xuất khỏi nước người. Ôi chao là chua xót. Bố mẹ anh như đã hết sức chịu đựng, bố anh cương quyết coi như không có nó nữa, còn mẹ anh mắt đỏ hoe nhìn em cầu cứu. Con hãy vì con trai con mà cứu lấy nó con ơi.

Nước mắt em lại tuôn rơi. Thằng bé nhìn thấy mẹ khóc cũng khóc ré lên rồi chui ngay vào lòng mẹ. Nó quá bé bỏng để biết sự thật này. Ông nội chứng kiến cảnh đó mắt cũng rơm rớm. Tại sao anh lại tồi tệ thế chứ? Anh không thương ai cả, không thương ngay cả bản thân mình. Làm sao em lại có thể tha thứ cho anh được nữa chứ. Em quyết định rồi, đường ai nấy đi coi như duyên phận này đã hết. Sát ngày anh về nước, mẹ anh sang thăm em và cháu. Bà gầy đi nhiều quá chỉ sau có mấy hôm. Bà nói trong nước mắt, không hiểu rồi tương lai của nó sẽ ra sao nữa, ông bà đã bất lực rồi, mai không biết có đủ sức lên sân bay đón nó nữa hay không?

Đêm đó, trong cơn mơ em đã nhìn thấy anh, gầy guộc và xanh xao. Đôi mắt thất thần vì thường xuyên sống trong ảo giác. Anh giơ đôi tay về phía em như muốn cầu cứu. Em vẫn đứng yên trân trối nhìn anh cho đến khi anh rơi tõm vào khoảng không mờ mịt. Tỉnh dậy, mồ hôi em đầm đìa lưng áo. Bỗng nhiên em sợ hãi mất anh thế. Bỗng nhiên những hờn giận như tan biến nhường lại nỗi xa xót khắp tâm can. Mới ba giờ sáng nhưng em đã tỉnh hẳn ngủ. Như có một sự thúc giục, em trở dậy sửa soạn đồ và gọi điện thoại gọi tài xế chiếc xe khách quen chạy tuyến Hà Nội qua nhà đón.

Chặng đường gần 200 cây số sao mà dài thế. Em tự hỏi không biết mình hành động thế có đúng không nữa. Em đã từng cương quyết từ bỏ anh mong anh thức tỉnh, em từng nói với anh khi nào tu tỉnh mới được về gặp mẹ con em. Vậy mà hôm nay, trong khi anh chưa hề thay đổi, thậm chí còn lún sâu hơn trong bóng đen ma tuý, em vẫn đi đón anh. Có quá nghịch lý không? Em tự hỏi mình và muốn hỏi anh nữa? Em hoà vào dòng người hối hả chờ đón người thân ở sân bay. Chiếc máy bay từ từ hạ cánh chạy chậm dần theo đường băng rồi dừng lại. Từng hành khách lần lượt đi xuống, trên gương mặt mỗi người đều ánh lên những cảm xúc riêng. Rất nhiều người đã xuống mà chưa thấy anh. Em nóng lòng chờ đợi, thầm lo lắng khi không thấy anh. Hàng loạt câu hỏi chạy trong đầu em. Hay anh bị nước sở tại giữ lại vì lý do nào đó? Hay trên đường ra sân bay anh gặp nạn? Hay Anh tìm cách lẩn trốn ở lại nước người? Hay là… Chính cái lúc em bất lực với những câu hỏi của mình thì anh lầm lũi kéo va li xuất hiện. Vẫn vầng trán cương nghị, vẫn cái miệng rộng mỗi khi cười luôn làm ấm lòng người đối diện. Chính anh đấy đã rơi vào con đường bê tha, tội lỗi để cả gia đình, vợ con phải tủi hổ. Trong em lại trào dâng cảm giác giận anh. Như linh tính có người nhìn mình, anh ngẩng mặt lên, bắt gặp em đứng đó im lặng. Anh như biết lỗi lặng lẽ đến bên em cúi gằm mặt xuống. Em nhìn thấy những giọt nước mắt khẽ khàng rơi. Anh đã nắm chặt đôi bàn tay em để em cảm thấy hơi ấm từ bàn tay anh đang lan sang mình. Và rồi không thể kìm giữ, em đã khóc trên vai anh, những giọt nước mắt bị kìm nén lâu nay thi nhau tuôn rơi.




Ngày….

Em có biết lúc anh nhìn thấy em đang đứng chờ ở sân bay, tâm trạng anh thế nào không? Anh không thể tưởng tượng nổi. Nhớ lại những gì em đã nói khi xưa và với tư thế hiện thời của mình, anh đã nghĩ không còn cơ hội gặp em và con nữa, anh rất biết sự cứng rắn đã nói là làm của em. Vậy mà em đã xuất hiện. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên má em đã khiến anh nghẹn lòng. Em ơi, anh đã không thực hiện được những gì năm xưa tự hứa với lòng rồi. Anh vẫn mụ mẫm đi theo nẻo tối mà chẳng tìm được đường ra. Em đã đến đón anh tức là em đã tha thứ? Hãy tha thứ cho anh em nhé, anh sẽ cố gắng, cố gắng để làm lại. Việc này anh biết khó khăn vô cùng nhưng có em ở bên chắc là em sẽ vượt qua!

Chúng ta trở về nhà trên chuyến xe đầy ắp người. Em im lặng với anh suốt chặng đường về và vì thế anh cũng không dám nói điều gì. Em đã biết tất cả thì mọi lời lẽ lúc này đâu có nghĩa lý gì? Rồi như quá mệt mỏi, em ngả bên vai anh thiếp đi. Ôm chặt bờ vai em, bờ vai khi xưa luôn dựa vào anh tin cậy nhưng từ rất lâu rồi không còn cần anh, anh đã thật hạnh phúc. Anh lại tự hứa với lòng sẽ thay đổi, để em vơi bớt khổ đau. Để nụ cười hạnh phúc lại nở trên môi em như khi xưa rạng rỡ.

Và em cùng con đã về lại ngôi nhà khi xưa em đã rời xa. Những ngày tiếp theo là chuỗi ngày anh lại tiếp tục chống chọi với những cơn thèm thuốc, chống chọi với hàng ngàn hàng vạn mũi kim đang cựa quậy châm chích khắp cơ thể. Nếu như trước đây, những lúc thế này anh chỉ mong sao có được một ít thuốc thôi cho đã đời thì bây giờ anh không còn ý nghĩ đấy. Chỉ cần nhìn thấy em nhẹ nhàng ở bên, mắt lo lắng và tay không ngừng xoa bóp cho anh, mọi thứ ham muốn chợt như đông cứng. Khi con hỏi, bố làm sao vậy mẹ, em trả lời con rằng bố đang bị ốm, rồi bố sẽ khỏi thôi. Suốt mấy tháng trời em thường xuyên túc trực bên anh. Ngoài lúc đùa với con ra không mấy khi anh thấy em cười. Em căng thẳng dõi theo những biến chuyển trong cơ thể anh.

Cho đến một hôm, anh thức dậy với tinh thần khoan khoái khác hẳn cảm giác nặng nề suốt mấy năm qua, anh hiểu rằng anh đã thắng. Anh đã thắng chính bản thân mình bằng niềm tin và tình yêu của em. Anh bỗng thèm nghe lại những bản nhạc đã từng là kỷ niệm của hai đứa mình. Anh muốn được đưa em và con đi ra ngoại ô, nơi triền sông mùa này rực vàng một màu hoa cải. Anh muốn được hít căng lồng ngực cơn gió nồng nã mùi bùn đất, mùi cây cỏ. Anh muốn ôm chặt em và con trong vòng tay hạnh phúc.

Quá khứ u buồn bỗng như một giấc mơ bay.





Ngày hè rực nắng


Chủ nhật, truyền hình báo hôm nay 37 độ, mới sáng ra trời đất đã ngột ngạt. Em ra đường, mắt nhức nhối màu hoa phượng. Sau khi mua đầy đủ thức ăn cho cái gia đình bé nhỏ gồm hai vợ chồng và một em bé bảy tháng tuổi đang nằm căng tròn trong bụng mẹ, em ghé hàng hoa và rợn ngợp trước bao màu sắc. Hoa lys, hồng, cúc, phăng xê và một số loại hoa khác thì quanh năm có rồi nhưng sen thì chỉ có mào mùa hè. Những búp sen trắng ngần trong trẻo luôn khiến em nao lòng. Chọn một bó sen cho chiếc bình gốm, em trở về, mồ hôi rịn ướt áo.

Anh đón em từ cửa, giúp em mang đồ ăn vào cứ xuýt xoa: Sen đẹp quá! Hôm nay hai vợ chồng đều không phải đi làm nên có thời gian để chăm sóc nhau hơn. Anh dành lấy phần làm thức ăn vì sợ sẽ mệt đến con và giục em cắm hoa. Trong chiếc bình gốm kiểu cổ, những búp sen trắng như lung linh hơn cùng mùi hương dịu ngọt. Bừa cơm ấm cúng của hai vợ chồng rồi cũng được dọn bên bình sen trắng. Anh liên tục gắp thức ăn cho em, ánh mắt âu yếm động viên.

Hai vợ chồng nằm ôm nhau. Anh xoa xoa bụng em và nựng nịu con. Em như nghe thấy có tiếng quẫy đạp, nhẹ thôi nhưng rất rõ, trong bụng. Anh áp môi lên bầu vú đang tạo sữa tròn căng của vợ và thì thào: Đã lâu lắm rồi, mình chưa…! Bàn tay anh lướt nhẹ xuống dưới khiến em nóng bừng nhưng kịp nén lại kéo tay anh lên: Mẹ bảo thời kỳ này không được làm gì vì ảnh hưởng đến con đấy anh! Em yên tâm cuộn tròn ngủ trong vòng tay anh mặc ngoài trời đang 37 độ. Tiếng thở dài của anh nhẹ thôi phảng phất bên tai.

Buổi chiều. Anh khẽ khàng gọi:

- Em định đi siêu thị sắm đồ cho con, giờ đã ba giờ chiều rồi, dậy đi!

Em ngái ngủ ngồi dậy hỏi:

- Anh có đưa em đi không?

- Chiều nay anh phải hoàn thành nốt bản thiết kế mai nộp rồi, anh gọi taxi cho em đi nhé!

- Thôi, để em đón xe bus đi cũng được, từ đây đến đó cũng thuận đường chứ đi taxi tốn kém.

- Nhưng nóng nôi thế này em sẽ bị mệt!

- Không sao đâu anh.

Em đi bộ một đoạn ra điểm dừng xe bus. Chiều mùa hè cái nóng như nhân lên vì được tích tụ từ sáng. Mồ hôi bắt đầu trườn trên người em. Đúng lúc xe bus dừng thì một chiếc taxi xượt qua, loáng thoáng bóng cái Hoa, đứa bạn thân thời đại học ngồi trên xe nhưng em không kịp gọi. Thôi kệ, nếu nó đến đã có anh ở nhà. Chắc con nhỏ lại đến kể chuyện vợ chồng xích mích nhau đây! Em ngồi trên xe bus giữa một hỗn hợp mùi, mùi nước hoa rẻ tìên, mùi dầu gội, mùi mồ hôi và rất nhiều thứ mùi vừa lạ vừa quen khác cùng chui tọt vào khứu giác. Tự nói với mình đi xe bus bao giờ chẳng vậy. Em lơ đãng nhìn qua cửa sổ, hoa phượng loang loáng đỏ nhức nhối.

Bỏ qua các gian hàng đầy hấp dẫn trong siêu thị, em đi về phía dành cho mẹ và bé. Được sự hướng dẫn của cô bé đứng quầy, em mua một lố những đồ dùng cần thiết cho hai mẹ con. Nào áo, tã, khăn sữa, tất chân, tất tay, mũ thóp, bình sữa, áo cho con bú, ghen bụng, ruy băng đến chăn gối, sữa tắm em bé… Em còn đến quầy xe nôi ngắm nghía một dạo định bụng hôm nào sẽ rủ anh qua sắm thêm. Em ra khỏi siêu thị lệ khệ mấy túi đồ đi đến điểm đón xe bus trở về. Những tia nắng quái cuối ngày gắt gỏng đuổi theo em đến khi lên xe. Hơn năm giờ, xe bus ồn ào người trở về từ các chợ chiều, học sinh đi học thêm, người lao động tự do đi làm về. Lại thứ mùi tổng hợp rất đặc trưng của xe bus chui tọt vào khứu giác. Em kéo cửa xe đón làn gió từ bên ngoài ùa vào. Cơn gió nồng nã của chiều hè làm em dễ chịu đôi chút.

Em lệ khệ sách đồ xuống xe, đi bộ về ngôi nhà hai vợ chồng mới chuyển về. Một ngôi nhà nhỏ ấm cúng, phía trước một giàn tigôn xanh ngát. Anh không dón em ở cửa chắc đang mải làm việc hoặc lúi húi dưới bếp. Em mở cổng bước vào nhà. Quả là anh đang dưới bếp chuẩn bị cho bữa chiều. Anh luôn chu đáo như thế mà. Em hồ hởi kể về những thứ mới sắm, anh nghe một cách lơ đãng rồi giục em đi rửa mặt, thay quần áo cho mát. Trong phòng tắm, em chợt nhớ, hỏi:

- Cái Hoa đến nhà à anh?

- Hoa đến kể chuyện vợ chồng nó hôm qua chiến tranh. Nguyên nhân chỉ vì anh chồng thấy cô vợ cứ lúng liếng mắt với sếp nên cáu - Anh ậm ừ.

- Thế anh thấy con Hoa có cái tính đấy không?

- Bạn em em phải biết chứ sao lại hỏi anh?

Em thay xong quần áo, bước ra, tiếp tục:

- Thì em hỏi xem anh cảm nhận về bạn em thế nào?

- Nói chung hình thức được, trông có sức sống và … bạo ghê!

Anh ngập ngừng cuối câu nói và khẽ tránh ánh mắt em nhìn nghịch ngợm.

Em đi qua bàn làm việc của anh trước khi vào phòng ngủ. Bản thiết kế của anh vẫn dang dở trên bàn. Cất đồ rồi ngả lưng xuống giường khoan khoái, lúc nhỏm dậy em bỗng phát hiện không phải bộ gar trải giường ban sáng mới thay, em thắc mắc:

- Sao đã thay gar giường rồi anh?

- Anh cứ tưởng em chưa thay nên tiện giặt bộ quần áo, anh vơ cả cho vào máy giặt ấy mà…

- Thế à! Em nói khẽ, trong lòng cứ cảm thấy có gì đó là lạ.

Chiếc máy giặt xè xè vắt quần áo kêu tít.. tít… rồi dừng hẳn. bên trong chỉ có bộ quần áo ở nhà anh mặc từ sáng và bộ gar, gối. Em lên gác phơi trong lòng cứ mông lung nghĩ. Có điều gì đó vừa xảy ra ở nhà mình phải không nhỉ? Nhưng điều đó là điều gì thì có trời mới biết. Em nặng nề ngồi xuống với anh bên mâm cơm. Anh liên tục gắp thức ăn, động viên em ăn cố. Nhìn điệu bộ gắp thức ăn của anh, nghe những câu anh nói sao em cứ thấy nó gượng gạo. Em cố nuốt được lưng cơm,. Giúp anh dọn đồ, đi tắm rồi lên giường nằm xem ti vi. Anh lại cắm cúi bên bản thiết kế dang dở, thỉnh thoảng lại bâng quơ huýt sáo. Anh thật lạ. Đêm muộn anh mới khe khẽ lên giường. Em lơ mơ quay lại ôm ngang người anh. Anh xoa xoa bụng vợ như thói quen rồi ngáy nhè nhè. Em chợt như tỉnh táo hơn thầm nghĩ: Sao anh lạ thế nhỉ
?

Vấn đề biển Đông – Lối đi nào cho Việt Nam?


Photo: Khan G Nguyen



Hiện nay, tình hình biển Đông đang nóng hơn bao giờ hết. Đi đâu, ở đâu trong đất nước Việt Nam, chúng ta đều có thể nghe thấy lời bàn luận của mọi người về vấn đề này. Mặc dầu có khá nhiều ý kiến trái chiều nhưng tựu chung đều lên tiếng phản đối Trung Quốc, thậm chí có cuộc biểu tình đã xảy ra tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11/5. Vậy Việt Nam sẽ làm gì nếu Trung Quốc tiếp tục ngoan cố không chịu rút lui và nguy cơ một cuộc chiến tranh xảy ra đe dọa nền hòa bình của cả hai nước?
Cô lập chính phủ Trung Quốc:

Hiện nay, có thể thấy ngay khi thông tin tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam và sau đó là Trung Quốc đặt giàn khoan trong lãnh thổ biển Việt Nam xuất hiện, các bạn mà chủ yếu là giới trẻ Việt Nam đã có những phản ứng tiêu cực ngay lập tức đối với Trung Quốc. Không khó để bắt gặp những câu đại loại như: “Ghét Trung Quốc từ xưa đến giờ” “Trung Quốc là cái loại gì ấy. Ăn cướp” “Trung Quốc, tên của một nước sao! Trước giờ tôi cứ tưởng Trung Quốc là tên của loài vật hôi thối, đần độn không chứ!… Những cái đầu đần độn của Trung Quốc làm sao thắng nổi một nước chuyên đấu tranh bằng trí khôn như Việt Nam được!”… Vẫn biết mọi người rất yêu nước và bức xúc trước việc chủ quyền nước mình bị xâm phạm như vậy nhưng điều cần thiết là mọi người nên bình tĩnh, nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, không nên vơ đũa cả nắm.

Trước hết, theo những gì tôi được biết trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì là tàu hải quân Trung quốc đâm tàu Việt Nam và chính phủ Trung Quốc đặt giàn khoan vào lãnh thổ Việt Nam, vậy thì vấn đề ở đây đó là lỗi của chính phủ Trung Quốc chứ không phải toàn bộ dân tộc Trung Quốc. Người dân Trung Quốc cũng như Việt Nam và thế giới, họ đều có quyền được biết sự thật. Việt Nam có lẽ phải và chính nghĩa, vậy thì tại sao Việt Nam không tranh thủ sự đồng tình của dư luận thế giới, trong đó có cả người dân Trung quốc.

Thay vì trút sự oán hận lên cả cộng đồng Trung Hoa, tại sao chúng ta không thể kêu gọi sự ủng hộ của người dân Trung Quốc bằng cách lên các trang mạng xã hội Trung Quốc, viết lên sự thật và nhắn nhủ rằng: “Dân tộc Việt Nam và Trung Quốc từ bao đời nay đã là bạn của nhau và cho tới giờ chúng tôi chưa bao giờ muốn thay đổi sự thật ấy. Nhưng những người lãnh đạo của các bạn đã đi ngược lại con đường ấy.” Chúng ta phải kêu gọi sự ủng hộ của chính những người dân Trung Quốc, gây áp lực lên chính phủ Trung Quốc từ chính những người dân của họ chứ không phải lên án toàn bộ dân tộc họ, vô tình đẩy cả đất nước rộng lớn thành kẻ thù của dân tộc mình.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần chỉ ra cho những nước từng có tranh chấp với Trung quốc trong khu vực biển Đông như Philippine, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan hay Nhật Bản trong tranh chấp biển Hoa Đông về lợi ích mà họ có thể đạt được nếu cùng liên minh với Việt Nam, hãy nói với các nước ấy rằng bởi chúng ta có cùng kẻ thù chung và khi cùng nhau chúng ta có thể làm nên tất cả, điều đó không chỉ có lợi cho chính Việt Nam mà còn cho tất cả các nước bạn.

Ngoài ra, Việt Nam có chính nghĩa và chúng ta hoàn toàn có thể tranh thủ sự ủng hộ của các nước trên thế giới, không chỉ là các nhà lãnh đạo mà là tất cả các công dân toàn cầu. Thế giới ngày càng mở và thông tin lan truyền một cách chóng mặt, chúng ta hãy để các tổ chức và các nhà nhân quyền lên tiếng.

Có câu: “Đáng sợ nhất trên đời là sự bị cô lập.” Vậy nếu chúng ta có thể tranh thủ sự ủng hộ của thế giới và cô lập Trung Quốc thì ắt hẳn Trung Quốc sẽ sớm nhận ra kết cục mà con đường mình đang đi.
Chiến đấu trên các mặt trận: Chính trị kết hợp kinh tế

Thế mạnh lớn nhất của Trung Quốc là kinh tế, vì vậy đây không chỉ là cuộc chiến trên mặt trận quân sự nữa mà là một cuộc chiến toàn diện trên tất cả mọi mặt. Chúng ta phải tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Và không chỉ có chúng ta, thêm nữa, hãy làm cho các nước cùng chung mối tranh chấp với Trung Quốc cùng thực hiện chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc thì sẽ làm suy yếu rất nhiều nền kinh tế của nước lớn thứ hai trên thế giới này. Điều này sẽ khiến Trung Quốc nhận ra sự thiệt hại không chỉ trên mặt trận quân sự mà còn các mặt khác nữa. Vì, suy cho cùng, mục đích cuối cùng của Trung Quốc về vấn đề biển Đông cũng chính là kinh tế.
Khẳng định quan điểm và ý chí của Việt Nam:

Chúng ta – toàn thể công dân của nước Việt Nam cần cất lên những tiếng nói của chính mình cũng như bản thông điệp gửi đến chính phủ Trung Quốc:

Trong bài báo “Trung Quốc đang gây ác mộng trên biển Đông”, nói về nguyên nhân vì sao Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 ở vị trí hiện nay, ông Wu Shicun, Chủ tịch viện nghiên cứu quốc gia Trung Quốc về biển Đông nói với hãng tin Reuters, động thái này là một “bài kiểm tra” đối với ý chí chính trị của Trung Quốc.

Tuy Việt Nam là một nước nhỏ và Trung Quốc là một nước lớn và chúng ta tồn tại những quan điểm khác nhau nhưng thông qua “bài kiểm tra” này chúng tôi nhận thấy rằng chúng ta cùng chung ý chí ngan cường, không đầu hàng trước nghịch cảnh. Tất cả sự thật sẽ là như vậy nếu Trung Quốc biết dừng lại… Nhưng Trung Quốc đã đi quá xa hai chữ “kiên cường”, trở nên hung hăng đến mức vô lý với lý do: “Nếu chúng tôi dừng công việc ngay khi Việt Nam phản đối, chúng tôi sẽ không thể đạt được điều gì trên biển Đông.” Vậy điều Trung Quốc thực sự mong muốn đạt được là gì? Tại sao lại không thể được giải quyết bằng một chuyến đi, một bài phát biểu hay một cuộc đàm phán? Lý do đưa ra chỉ là lời bào chữa vụng về cho dã tâm tham lam của những người lãnh đạo đất nước này.

Dân tộc Trung Quốc là một dân tộc thông thái và chắc chắn được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo tài ba. Vậy chắc chắn các ngài sẽ biết mình cần phải làm gì? Hành xử khôn ngoan khiến cả thế giới nể phục và tạo tiền đề để phát triển về các mặt như chính trị, kinh tế… hay biến mình thành kẻ thù của cả thế giới, trở thành tội đồ trong sử sách nhân loại và cả với chính những người dân vô tội của mình? Bởi nếu chiến tranh xảy ra nghĩa là những người dân phải đổ máu nhiều nhất.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng nhấn mạnh: “Một Trung Quốc phồn vinh và ổn định không chỉ không tạo thành mối đe dọa cho bất cứ quốc gia nào, ngược lại còn trở thành cơ hội phát triển.” Hay cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng từng phát biểu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc: “Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ hòa bình, phát triển và hợp tác, kiên trì chính sách ngoại giao hoà bình, độc lập tự chủ, kiên định đi con đường phát triển hòa bình, kiên trì phát triển quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, cùng với cộng đồng quốc tế dốc sức vào sự nghiệp cao cả vì hòa bình và phát triển của loài người.”

Chính các ngài đã từng tuyên bố như vậy, cớ sao lại cố tình gây hấn với Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác ở khu vực biển Đông, há chẳng phải đi ngược lại những điều đã nói trên sao? Vậy cơ sở nào để cả thế giới tin vào Trung Quốc khi chính những người đứng đầu cường quốc này lại đi ngược lại với tôn chỉ mình đã đặt ra cho cả dân tộc?

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc lâu nay vốn khá thân thiết. Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ nền văn hóa Trung Quốc và coi Trung Quốc như là một bậc đàn anh để học hỏi về kinh tế dù cách đây hàng ngàn năm giữa hai nước đã từng xảy ra chiến tranh. Vì vậy, một đất nước vốn yêu chuộng hòa bình như Việt Nam không hề muốn lịch sử chiến tranh lại xảy ra.

Báo Wall Street Journal đưa tin: “Việt Nam có một lịch sử không lùi bước trước những cuộc đối đầu quân sự.” Trong tình hình hiện nay, khi mà giữa hai nước đang xảy ra tranh chấp, không ít người Việt, trẻ có, già có, đang sục sôi khí thế, sẵn sàng chết cho Tổ Quốc với tinh thần: “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh.” Việt Nam có chính nghĩa, có sự đồng lòng của toàn dân trong khi ngay trong đất nước Trung Quốc đã có rất nhiều tiếng nói lên tiếng phản đối. Vì vậy nếu trong trường hợp bất đắc dĩ có chiến tranh xảy ra thì chúng tôi tin chắc rằng lịch sử sẽ lặp lại như một Bạch Đằng thứ hai.



Lê Hoài Thương

Họa tiết trong mơ




Trần Thu Hà
Tặng tác giả Nối đêm



Giấc mơ tôi thả phanh trên cánh đồng thơm gió
Trong giấc mơ gặp họa tiết muôn màu khoe sắc
Trong giấc mơ chiu chít tiếng chim

Người nối đêm
Nào có hẹn mùi hoa mà hương về chật ngõ
“Đã tự hứa - Đã học quên - Tập an nhiên - Cố neo thuyền
vào bến”
Giấc mơ giờ thành quả
Nối vòng tay nhân ái
Em thả hồn vỗ nhịp sông thơ

Giấc mơ tôi bay bay trong đồng thơm gió
Gặp
“Mây nói trắng - Tóc nói chờ”
Gặp
Người nối đêm lần về một thời con gái
“Thèm hát ru, tự ru mà mình thức mãi”
Chao ôi!
“Ngoài vườn nước mắt cây rơi”

Người nối đêm
Thả dây gàu cố múc lên giọt nước
Dẫu biết kiếp người hanh hao mà sông vẫn tìm về với biển
Sau cơn mưa
Hoa trái nảy mầm

Cám ơn em cho tôi giấc mơ gặp mùa vàng trĩu quả
“Muốn vòng tay ôm hết mọi màu thương”.

-----

(*) Những chữ  trong "..." bài là thơ của tác giả Nối đêm
.

Đứng dậy đi, hãy đứng dậy đi nào!






Heinrich Boell, tên đầy đủ là Heinrich Theodor Boell (1917 - 1985) là nhà văn và một dịch giả Đức. Ông được coi là một trong những nhà văn lớn nhất của Đức thời hậu chiến. Năm 1972 ông được nhận giải Nobel Văn học.

Tác phẩm và quan điểm chính trị của Boell thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội mang tính nhân văn. Các tiểu thuyết tiêu biểu của ông: “Thiên thần im lặng”, “Và tôi đã không nói một lời duy nhất”, “Nhà không có người che chở”, “Qua con mắt của chú hề”, “Bức chân dung tập thể với một quý bà”…



.HEINRICH BOELL (Đức)



Tên của cô ấy không còn đọc được trên cây thánh giá bị đập vỡ tan tành một cách thô bạo; chiếc nắp quan tài đã bị cạy và nơi mà trước đây ít tuần còn là một ngôi mộ thì giờ đây là một cái hố sâu, trong đó những bông hoa thối rữa, bẩn thỉu, những cái nơ bạc màu, bị vứt lẫn lộn cùng với lá thông và những cành cây trơ trụi, tạo thành một cái đống ghê tởm. Chắc chắn là những mẩu nến cháy dở đã bị lấy đi...

“Đứng dậy đi em”, tôi khẽ nói, “hãy đứng dậy đi nào!” Nước mắt tôi trộn lẫn với nước mưa của đợt mưa đã rơi rả rích, buồn bã từ nhiều tuần nay.

Sau đó tôi nhắm mắt lại: tôi sợ mong muốn của tôi có thể trở thành sự thật. Ở đằng sau đôi mí mắt nhắm lại tôi nhìn thấy chiếc nắp quan tài bị vỡ giờ đây đã nằm trên ngực em, bị nén xuống bởi những lớp đất ướt đang lọt qua nó vào trong quan tài một cách lạnh lùng và thèm khát.

Tôi cúi xuống để nhặt khóm hoa bẩn thỉu đã từng được trồng ở trên mộ giờ đang nằm ở dưới đất, bỗng nhiên tôi cảm thấy như có một bóng ma hiện ra từ lòng đất ở phía sau tôi, nhanh và bất ngờ, giống như ngọn lửa thỉnh thoảng bốc lên từ một lò lửa đã bị đậy lại.

Minh họa


Tôi vội vàng làm dấu thánh, quẳng khóm hoa đi và vội vã bước đến lối ra. Bóng tối đậm đặc phình ra từ các lối đi hẹp có các bụi cây rậm rạp ở hai bên, và khi tôi ra đến con đường chính, tôi nghe thấy tiếng chuông báo hiệu cho những người đến viếng mộ ra khỏi nghĩa trang. Nhưng tôi tuyệt nhiên không nghe thấy bước chân của ai đó, tôi cũng không hề nhìn thấy ai, tôi chỉ cảm thấy ở phía sau mình bóng ma vô hình, nhưng hiện hữu ấy đang đi theo...

Tôi bước đi nhanh hơn, đóng cánh cửa sắt han gỉ, kêu ken két của nghĩa trang lại, băng qua bãi đất hình tròn, ở đó có một toa xe điện bị lật nằm chềnh ềnh giữa trời mưa; và những hạt mưa đáng ghét rơi lộp bộp xuống thân toa xe làm bằng tôn...

Từ lâu nước mưa đã thấm qua giầy của tôi, nhưng tôi không cảm thấy lạnh mà cũng không cảm thấy chân mình bị ướt. Sau đó tôi lên cơn sốt cao, người run lên cầm cập, và trong nỗi sợ hãi bám riết lấy tôi từ phía sau, tôi không còn tâm trí nào để nghĩ đến sự đau ốm và nỗi thương đau của mình...

Nằm giữa những ngôi nhà tồi tàn, ống khói của chúng nhả ra làn khói mỏng, nằm giữa những bờ dậu được chắp vá một cách sơ sài bao quanh những mảnh ruộng đã được cày có đất màu hơi đen, ngang qua những cột điện thoại xiêu vẹo có vẻ như đang nghiêng ngả trong lúc tranh tối tranh sáng, con đường tôi đi dẫn qua vô số những ngôi nhà nghèo nàn ở ngoại ô thành phố. Sơ ý giẫm lên những vũng nước, tôi càng vội vã hơn bước về phía bóng đen nhấp nhô ở đằng xa của thành phố vươn đến cả những đám mây đen lúc chạng vạng tối ở phía chân trời như một mê cung của cảnh nghèo khổ.

Những đống đổ nát khổng lồ màu đen xuất hiện ở bên trái và bên phải, tiếng la lối om sòm khác thường vọng ra từ những ô cửa sổ có ánh đèn leo lét làm tôi day dứt; tôi lại đi qua những mảnh ruộng được cày màu đen, đi qua các ngôi nhà, các ngôi biệt thự đã sụp đổ và nỗi sợ hãi cùng với cơn sốt càng không buông tha tôi, vì tôi cảm thấy một cái gì đó quái gở: phía sau tôi trời tối dần, trong khi bóng tối đang đặc quánh lại theo cách thông thường trước mắt tôi; phía sau tôi đã là đêm; tôi đang kéo theo màn đêm, kéo nó đến đường viền ở đằng xa của chân trời, và những nơi nào bàn chân tôi bước tới thì sẽ trở nên tối tăm. Mặc dù tôi không nhìn thấy gì, nhưng tôi biết rằng từ lúc rời khỏi ngôi mộ của người yêu, nơi tôi đã làm bóng ma hiện ra, tôi đã kéo theo tấm phủ nghiệt ngã, mềm mại của màn đêm.

Nơi đây dường như không có người ở, một nơi rùng rợn, rác chất đầy ở ngoại ô thành phố, còn thành phố thì nằm im lìm như một dãy núi thấp được tạo thành từ những đống đổ nát, lúc đầu nó có vẻ ở rất xa, nhưng giờ đây tôi đang đến gần nó một cách rất nhanh chóng. Một vài lần tôi đứng lại, cảm thấy bóng tối phía sau mình cũng kìm lại, nó dồn lại, lưỡng lự một cách mỉa mai, sau đó tiếp tục đẩy tôi đi bằng một áp lực mềm mại và cưỡng ép.

Đến lúc này tôi mới cảm thấy mồ hôi chảy xuống thành dòng trên khắp cơ thể; tôi bước đi một cách khó nhọc, gánh nặng mà tôi phải kéo theo nặng trĩu, đó là gánh nặng của cuộc đời. Tôi đã bị buộc vào nó bằng những sợi dây vô hình, chúng kéo và giật mạnh tôi, như một khối hàng thồ nặng bị xệ xuống ắt kéo theo con la bị kiệt sức xuống vực thẳm khi nó vượt núi băng đèo. Tôi cố gắng hết sức để chống lại những sợi dây vô hình ấy, những bước chân của tôi trở nên ngắn lại và không vững chãi, như một con thú bị dồn đến đường cùng tôi xông vào giằng, kéo những sợi dây đang kìm giữ tôi: đôi chân của tôi hình như đã bị chôn chặt dưới đất trong khi tôi còn sức lực giữ thẳng phần trên của cơ thể. Cho đến khi tôi bỗng nhiên nhận ra rằng tôi không thể chịu đựng nổi, rằng tôi bị buộc phải dừng lại, gánh nặng đã kìm giữ được tôi, tôi có cảm tưởng mình đang mất đi sự cương quyết, tôi hét lên một tiếng và xông vào một lần nữa giằng, kéo những sợi dây vô hình - tôi ngã sấp mặt về phía trước, những sợi dây vô hình đã bị đứt, tôi đã trút bỏ được gánh nặng và trước mắt tôi hiện ra một khoảng đất sáng sủa. Giờ đây cô ấy đang đứng ở đó, cô ấy, người đã nằm trong ngôi mộ tội nghiệp bên dưới những bông hoa bẩn thỉu, chính là cô ấy với khuôn mặt tươi cười đang nói với tôi: “Đứng dậy đi anh, hãy đứng dậy đi nào...”, mặc dù tôi đã đứng dậy và đi về phía cô ấy...

Phạm Đức Hùng dịch từ nguyên bản tiếng Đức

Mưa đầu mùa






.HUỲNH THANH LẠC



Mưa đầu mùa đến bất chợt không báo trước. Rào, rào. Mưa làm dịu không khí nóng bức, mưa như đáp trả niềm mong đợi của cây cối, của những mái tôn nóng ran như sắp vỡ ra từng mảnh. Gió giật phần phật liên hồi, những ngọn cây cao ngả nghiêng bởi cơn gió vui đùa quá trớn. Nhà nhà đều đóng cửa như muốn trốn chạy cái hơi hầm hập bốc lên từ mặt đất và những hạt mưa tinh nghịch đang nhảy chồm lên trước hiên nhà.

Đang loay hoay tìm chỗ trú mưa, chợt nghe phía bên kia đường có tiếng gọi: “Qua đây đục mưa nè cháu ơi, mưa đầu mùa chạy xe ngoài đường không tốt đâu!”. Tôi nhìn sang đường thấy một bà lão tuổi độ ngoài bảy mươi đưa bàn tay ngoắc ngoắc. Không do dự tôi vù xe qua đường gấp gáp bước vô nhà. Nhìn áo quần tôi ướt sũng nước chảy ròng ròng, bà lão quay vào trong gọi: “Mai ơi, mở tủ lấy cho bà bộ đồ của ba mày và một cái khăn”. Một lát sau con bé bước ra ngoan hiền khoanh tay chào chú. Nhận tấm khăn choàng và bộ đồ từ tay đứa cháu, bà lão bước lại gần tôi nói: “Mưa đầu mùa dễ bị cảm lạnh, cháu lau cho khô rồi thay quần áo, khi nào đồ ráo rồi hãy về”. “Dạ, cháu cám ơn bác”.



Đang loay hoay tìm nơi để đồ thì chuông điện thoại vang lên. Từ số máy ở nhà giọng của Hải (cháu tôi) mừng rỡ như vừa bắt được vàng: “Mưa rồi chú ơi, dưới đây mưa lớn lắm, lâu lâu tắm mưa thật là thích…”. Tiếng của Hải reo vang như tiếng mưa rơi lảnh lót. “Nè, nè đừng có ham tắm mưa mà bệnh nghe không…”. Không đợi tôi nói hết câu, Hải đã vội vàng cúp máy. Mấy tháng sau tết ở quê tôi nắng nóng như muốn đốt cháy cả thịt da, mùa mưa mỗi năm đến càng thêm muộn. Năm nay mưa đến sớm hơn, tôi sẽ không biết ở quê đang mưa nếu như không có điện thoại từ đứa cháu. Hải là đứa con út của anh trai, từ khi tôi đi công tác xa nhà, nó xung phong lại ở với nội cho bà bớt phần hiu quạnh. Trong đám cháu trai nó giống tôi nhiều hơn ai hết, từ dáng đi đến tính nghịch ngợm. Ngày xưa tôi hay chơi đá banh, tắm mưa, nghịch đất, thì hôm nay nó cũng thích vậy và giờ này đang cùng đám bạn đùa giỡn dưới cơn mưa.

Bên ngoài gió vẫn thổi ào ào không dứt. Hạt mưa như người say đi liêu xiêu tìm lối trở về nhà. Mái ngói trên ngôi nhà của bà lão cũ kỹ, khô tóp không đủ kín ngăn những giọt mưa tinh nghịch chen vào rơi lấm tấm. Phía sau nhà, con sông Tiền bị che khuất bởi làn mưa trắng xoá, lâu lâu một vài con sóng giận dữ đánh ập vào bờ hất nước tung cao xé làn mưa mỏng. Dòng sông mỗi ngày thêm rộng, đoạn dọc bờ sông nhà cửa ngày một ít đi, chỉ có bóng dáng những chiếc máy hút cát to đùn suốt ngày nhả những cuộn khói đen ngòm lên bầu trời trắng toát. Chiếc này đi, chiếc khác đến, cứ thế thi nhau nạo vét cát dưới lòng sông không thương tiếc. Cát dùng để san lắp, xây dựng nhà cửa, công trình… Quy luật tự nhiên, chỗ này bồi thì nơi kia lở.

Ngôi nhà của bà lão nằm cách bờ sông chưa đầy ba mươi mét. Bà kể với tôi trước đây ruộng lúa của nhà nằm ở bờ sông bên kia, còn bên này trồng hoa màu, cuộc sống cũng kha khá. Vậy mà mấy năm nay đất đai cứ lần hồi lở, nhìn mà thấy xót xa.

- Không còn đất trồng lúa, làm rẫy vậy nhà mình sống bằng nguồn thu nhập nào, thưa bác?

- Hai năm nay vợ chồng thằng út lên tận xứ Tri Tôn mướn đất làm ruộng. Đất lở kiểu này mai mốt chắc chỗ ở cũng không còn.

- Vậy chính quyền địa phương có bố trí cho mình dời nhà vào cụm tuyến dân cư?

- Nghe nói có nhưng chưa biết khi nào. Nhiều nhà cần di dời lắm cháu à, chắc phải đợi hơi lâu.

Giọng bà lão chùng xuống, chỉ có cơn sóng ngoài kia cứ liên tục vỗ bờ ì oạp. Gió từ phía xa khơi thổi vào ào ào không dứt làm khua động những cành cây tạo thành một thứ âm thanh vừa ồn ào, vừa êm đềm day dứt. Trước gió mưa ngôi nhà của bà lão trở nên nhỏ bé và đơn độc. Nghĩ mà thương thân bà già yếu, thương bé Mai thơ dại, hai con người như ngọn cỏ mềm trước gió. Tôi đã nghe nhiều tình trạng sạt lở bờ sông ở các xã cù lao huyện Hồng Ngự hay bên tỉnh bạn An Giang, nhưng chưa tận mắt chứng kiến. Hôm nay nhìn thấy thật là ghê sợ! Chân đất bị sóng khoét vào sâu hoẳm, chỉ chờ thêm một chút tác động là nhảy ùm xuống nước. Nhiều cây cối, ruộng lúa, nhà cửa bị nhấn chìm dưới đáy sông. Dòng sông ngày một lớn thêm và trở nên giận dữ, không như hôm nào là cô gái quê e ấp, ngoan hiền.

Tôi nghe lành lạnh ở sống lưng, một cảm giác uể oải đeo bám làm toàn thân nặng trịch. Bên ngoài màn đêm dần buông xuống. Trong dạ nóng ran định xin phép bà lão ra về nhưng nghe người mệt lả. Sau một hồi lui cui trong bếp bé Mai bưng cơm dọn ra nhà trước. Mâm cơm nghi ngút khói với món cá bống kho tiêu và tô canh rau tập tàng nấu tép. Mới nhìn đã thấy ngon nhưng tôi không tài nào nuốt nổi. Biết mình đã bị cảm lạnh nên vội vàng buông đũa xin phép bà lão đi nằm. Ăn cơm xong bà cầm ly nước đến bên giường lay tôi dậy.

- Cháu ngồi dậy uống ly nước trà gừng rồi trùm kín mền cho ra mồ hôi là khỏe liền hà. Đừng ngại, cứ ở lại đây ngủ sáng mai về sớm, chứ từ đây về Cao Lãnh còn xa lắm.

- Dạ, cháu cám ơn! Để bác lo như vầy cháu thấy làm phiền quá. Tôi trả lời lí nhí và từ tốn.

- Không hề gì, giúp người là việc cần làm. Bác giúp đỡ cháu mà lòng cũng mong ở nơi xa có người khác giúp thằng út. Tội nghiệp, nó ở xa bác quá. Không biết bây giờ ở trển có mưa không!

Bà lão đưa mắt nhìn ra đường. Màn đêm bên ngoài đặc quánh. Lâu lâu một vài chiếc xe, hai bóng đèn sáng rực rẽ màn đêm lao vun vút về phía trước. Mưa đầu mùa thật dai dẳng, hạt mưa rơi lúc nhanh lúc chậm kèm theo tiếng sấm chớp nổ đì đùng. Nhìn cử chỉ thân tình của bà lão, uống hết ly trà gừng tôi thấy lòng ấm áp hơn nhiều. Bà hơn má tôi độ chừng vài tuổi, còn sự nhân hậu thì giống rất nhiều. Hồi nhỏ mỗi lần tắm mưa là tôi nóng sốt. Khi ấy má thao thức suốt đêm dỗ dành tôi uống từng viên thuốc. Má la rầy không cho tôi tắm, vậy mà tôi vẫn len lén ra sân nhảy nhót lăng xăng mỗi khi trời đổ cơn mưa. Má nói mưa đầu mùa làm thời tiết thay đổi đột ngột nên con người dễ mắc bệnh. Đối với gia cầm cũng vậy, bữa nay mưa một hai hôm sau là lăn ra chết.

Định nằm nghỉ một lát vậy mà tôi mê man ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết. Trong chập chờn, văng vẳng bên tai tiếng sóng vỗ bờ ì oạp, tiếng máy nổ ì ầm, và nơm nớp lo sợ đất dưới chân mình chuyển động. Tôi tỉnh dậy khi trời hửng sáng. Cây lá bên ngoài rũ rượi sau một đêm bị giông gió giật tơi bời, dòng sông phía sau nhà như người tỉnh cơn say trông hiền lành và ngơ ngác.

Mải loay hoay với công việc nên tôi quên mất chuyện trở lại thăm bà lão như lòng đã hứa. Mùa mưa năm nay ghé tạt qua, bất ngờ không thấy căn nhà của bà đâu nữa. Con sông Tiền lấn sâu vào nền nhà mấy mét. Mặt đất phía trên nhô ra nứt nẻ chằng chịt rối rắm như mạng nhện, phía dưới chân bị sóng bào mòn khoét vào sâu hoẳm. Tôi nghe lòng buồn man mác trách mình đã không kịp đến thăm bà...

Hoàng hôn dần buông xuống. Giọt nắng yếu ớt cuối ngày lãng đãng trên những khóm cây thoáng chốc chạy đi đâu mất nhường chỗ cho mây đen kéo về giăng kín một góc trời. Mưa bắt đầu nhỏ giọt rơi lộp độp. Tôi nghe lành lạnh ở đôi vai. Từng giọt mưa như nhát dao cứa vào lòng đau điếng.

H.T.L

Độc lập quan trọng, nhưng hòa bình còn quan trọng hơn




Tình hình Biển Đông đang trở nên ngày càng căng thẳng trước hành động đâm vào tàu kiểm ngư, phun vòi rồng vào các tàu của Việt Nam được cử ra chặn đường giàn khoan HD-981. Chuyên gia, người dân và chính phủ nhiều quốc gia đã lên tiếng chỉ trích, coi đó là sự “khiêu khích” của Trung Quốc đối với an ninh khu vực.

Trong bối cảnh đó, nhiều người trẻ Việt Nam đã đưa ra tiếng nói của mình, những status, lời kêu gọi hay các trang fanpage mà lượt like lên đến cả trăm nghìn bắt đầu tràn ngập các quan điểm về biển Đông, về cách hành xử với Trung Quốc. Những quan điểm ấy bao gồm việc kêu gọi biểu tình, kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc, cả những lời ủng hộ chiến tranh hay việc sẵn sàng nhập ngũ. Thời gian gần đây, những tiếng nói này đã mở rộng ra cả việc kêu gọi chính phủ thả những tù nhân chính trị do thể hiện quan điểm về chế độ.

Như người ta vẫn nói, một trái tim nóng luôn cần một cái đầu lạnh, đặc biệt trong bối cảnh mà hàng triệu quả tim đang nóng, tình hình an ninh khu vực căng thẳng, một giọt nước có thể làm tràn ly, một quyết định có thể cướp đi sinh mạng của cả nghìn người.
Xin đừng nói bạn hay thù

2000 năm lịch sử đất nước là 2000 năm lịch sử của những tranh đấu. Những điều đọng lại trong lòng bao thế hệ sau từng ấy năm học lịch sử trên ghế nhà trường là những từ như “giặc Tàu”, “giặc Mỹ”, “giặc Pháp”, là quân Mông Nguyên, là quân Ngụy. Không chỉ có vậy, chúng ta luôn tự hào là người dân của một đất nước anh hùng, là những chiến thắng vinh quang trước mọi đế quốc hùng cường, là một dân tộc mà “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Chúng ta đã quen với việc gắn cái mác “bạn” hay “thù” lên một dân tộc, một quốc gia; và chúng ta cũng quen với việc cứ chiến thắng là vinh quang, là anh hùng.

Chính vì thế, tôi chẳng hiểu được vì sao có những năm truyền thông vẫn cứ nhắc đi nhắc lại tình hữu nghị “16 chữ vàng” “núi liền núi, sông liền sông” với người láng giềng Trung Quốc. Tôi vẫn không hiểu nổi tại sao Trung Quốc lại là người anh em tốt khi vẫn trợ giúp quân sự cho Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp rồi lại thành kẻ xâm lược khi thực hiện cuộc “chiến tranh biên giới” năm đó, cái năm mà mẹ tôi kể rằng bà phải đi đắp hào xây phòng tuyến. Tôi cũng không hiểu tại sao các nước bạn như Thái Lan, Singapore hay Malaysia lại coi Việt Nam là “cựu thù” sau cuộc chiến với quân Pol Pot dã man, điều khiến Việt Nam mãi năm 1995 mới gia nhập được ASEAN.

Có quá nhiều điều về chính trị mà tôi không thể hiểu, cũng không thầy giáo nào trả lời. Nhưng tôi tin, một chính phủ không thể đại diện cho cả một dân tộc, cho người dân của toàn bộ đất nước. Tôi chưa từng thấy có một chính phủ nào có thể hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ ấy. Mở rộng ra, không có một cá nhân, một tổ chức, một đoàn thể nào có thể đại diện cho tiếng nói của cả dân tộc, cho dù đó là tập hợp của những cá nhân tiến bộ nhất.
Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, gặp gỡ những người bạn từ khắp năm châu, bao gồm cả những người bạn Trung Quốc, Mỹ, Pháp… không ai trong số họ trông giống như những kẻ xâm lược tàn ác hay những người ủng hộ chiến tranh. Bao nhiêu phần trăm trong số những người bỏ lá phiếu bầu lên chính phủ hiện tại của Mỹ, của Iran, của Trung Quốc là những người thực sự yêu thích chiến tranh?

Không phải tình cờ mà nhà văn Nguyên Ngọc và một người lính Điện Biên Phủ đều nói với tôi rằng, chính tư tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” của cuộc cách mạng Pháp mà họ học được từ nền giáo dục bắt buộc khi đó lại chính là tư tưởng đã khai sáng cho con đường cách mạng của họ chống lại người Pháp và các cuộc đấu tranh sau này. Một đất nước lột xác từ những tư tưởng tiến bộ đến vậy mà vẫn có thể đem quân sang xâm chiếm nước khác đó thôi.

Tôi từng tưởng tượng cuộc gặp gỡ giữa người lính Việt Minh và người lính Việt Nam Cộng Hòa. Họ có cùng dòng máu, cùng màu da, cùng tiếng nói, và họ chĩa súng vào nhau, rồi một người ngã xuống. Phải chăng, những người “lính Ngụy” phía bên kia vĩ tuyến 17 là quân thù, là kẻ bán nước, hay chỉ đơn thuần là một người có niềm tin chính trị khác biệt và họ đã thua cuộc?

Tôi tin, không ai trong chúng ta muốn làm kẻ sát nhân, dù là tôi, là bạn hay người Mỹ, người Trung Quốc. Chúng ta chỉ là những con người đang chiến đấu cho niềm tin của mình. Niềm tin đó có thể vì bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ hay làm giàu mạnh cho đất nước. Xin đừng gọi những kẻ bên kia chiến tuyến là quân thù, đừng biến sức mạnh của thù hận trở thành động lực của hành động. Không phải mọi chiến thắng đều là vinh quang và đáng ăn mừng.
Yêu nước, hãy yêu cả hòa bình

Tôi được sinh ra trong thời đại hòa bình, và đó là điều tôi luôn cảm thấy may mắn. Suốt một thời gian dài, tôi thậm chí còn không thể tưởng tượng được rằng chiến tranh thực sự mới chỉ kết thúc vài chục năm trước đó, rằng trên thế giới vẫn tồn tại những nơi mà người ta còn đang xả súng vào người khác.

Đối với tôi, chiến tranh luôn là thứ dã man, khủng khiếp mà người thường khó thể tưởng tượng. Những bộ phim chiến tranh khiến chúng ta cảm thấy việc bắn nhau và được chết trên chiến trường là điều gì đó đầy vinh quang đối với một người đàn ông. Những tác phẩm thơ ca, văn học thời kỳ chiến tranh chưa bao giờ nói về một người lính sợ hãi, chưa bao giờ nói về những người lính hoang mang, chưa bao giờ nói đến sự nghi ngờ trong những chiến lược của chỉ huy, chưa bao giờ nói đến những mâu thuẫn, những sự gian trá, đến sự mất đoàn kết trong nội bộc của ta. Những người lính trong văn chương có thể có nỗi nhớ nhà, nhưng họ sẽ ngay lập tức biến nỗi nhớ nhà ấy thành động lực, không một người lính nào trong văn học đào ngũ, họ chết anh dũng kể cả trước những đòn tra tấn của địch.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn tin những người lính đấy là những anh hùng của dân tộc, nhưng tôi cũng tin rằng không phải bất cứ ai cũng có thể thực sự dũng cảm như họ. Chiến tranh không phải là trò chơi của những người bình thường nhỏ bé, có những bí mật mà ngay cả chính những người tham gia cuộc chiến cũng chỉ biết sau hàng chục năm trận chiến kết thúc. Chuyện “thỏ hết giết chó săn” cũng chẳng phải chỉ trong dã sử Trung Hoa mới có.

Yêu hòa bình không phải hèn nhát, yêu nước không có nghĩa là sẵn sàng chiến tranh.
Hãy đấu tranh bằng lương tâm, không phải bằng súng đạn

Trước những đe dọa của Trung Quốc lên một vùng lãnh thổ đang tranh chấp, tự bản thân người Việt đã bắt đầu chia rẽ, trong một thời điểm chúng ta cần đoàn kết nhất. Những chỉ trích trên các diễn đàn, báo chí hay những mâu thuẫn sau cuộc biểu tình hôm 11/5 mới đây đã cho thấy điều đó.

Tôi không nói rằng đoàn kết là phải thống nhất ý kiến trăm người như một, đoàn kết đơn giản chỉ là không triệt tiêu, không áp đặt lên người khác những quan điểm của mình. Chúng ta có thể chỉ trích một quan điểm, nhưng không nên chỉ trích bất cứ cá nhân nào, bởi vì bất cứ ai cũng có niềm tin của riêng mình. Khi đất nước lâm nguy, việc gọi nhau là “anh hùng bàn phím”, “lũ hèn nhát và sợ chết” hay “lũ cơ hội” không giúp đất nước thoát khỏi cơn nguy khốn.

Tôi vẫn luôn tin rằng, không thể dùng bao lực để chống lại bạo lực, không thể dùng thù hận để chống lại thù hận, không thể dùng áp đặt để chống lại một sự áp đặt khác. Bài học trong cuộc chiến tranh tại Campuchia đã cho Việt Nam một bài học lớn: “Không chỉ đơn thuần dùng súng đạn có thể giải quyết vấn đề”, sự cô lập của cộng đồng quốc tế lúc đó là cái giá mà chúng ta phải trả dù cho ta coi đó là một hành động tự vệ và “trợ giúp nhân đạo”.
Việt Nam có thể chiến thắng một lần, hai lần, một trăm lần, nhưng chúng ta sẽ còn phải đánh nhau đến bao giờ nữa?

Trong hàng chục nghìn bia mộ vô danh ngoài kia, sẽ có thêm tên tôi, tên bạn, tên của bao nhiêu người nữa? Và sẽ ra sao nếu chúng ta thua, khi cuộc đời không phải chuyện cổ tích, nơi người thắng mới là kẻ viết nên lịch sử? Việt Nam giờ đây sẽ là một quốc gia thế nào nếu ngày ấy dân tộc chiến thắng là Chăm Pa chứ không phải Đại Việt?

Gandhi vĩ đại, người anh hùng đã dẫn dắt dắt dân tộc Ấn Độ thoát khỏi sự đô hộ của Anh bằng phương pháp đấu tranh lương tâm của mình. Người dân Ấn Độ đã dành được độc lập và hơn thế nữa mà không dùng tới những phương tiện chiến tranh. “Muốn có hòa bình, bạn phải là hòa bình”, tư tưởng ấy của Gandhi đã truyền cảm hứng cho Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tây Tạng, cho bà Aung San Suu Kyi đấu tranh dành tự do dân chủ ở Myanmar hay ngay cả lãnh tụ Nelson Mandela trong cuộc đấu tranh ở Nam Phi.

Tôi vẫn luôn tin tưởng rằng, yêu nước không phải lúc nào cũng là mong nước ta trở thành một “cường quốc”. Cá nhân tôi chỉ mong nước ta là một quốc gia nhỏ bé nhưng xinh đẹp, yên bình. Đối với tôi, yêu nước là cố gắng để dân ta ai cũng hiểu biết, ai cũng yêu thương và đoàn kết. Không phải vì ta yếu mà hèn, cũng không phải vì ta nghèo nên hèn, ấy là vì ngu dốt mới sinh ra những thứ đó.

Cái mà chúng ta cần bây giờ không phải là một cuộc cách mạng, một cuộc đấu tranh, ấy là một cuộc cải cách như Minh Trị vậy, hay như lời cụ Phan Châu Trinh là “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.” Khi nào dân ta đoàn kết, bao dung, tôn trọng tự do, thôi không kìm kẹp nhau nữa, tự nhiên nước ta sẽ giàu đẹp. Có vậy, nền hòa bình mới đến lâu dài, và chẳng cần thứ chiến tranh nào cả.

Cựu đại sứ Nguyễn Trung đã nói với tôi một câu làm tôi nhớ mãi:


“Cái dân tộc thế nào thì nó sẽ chọn cho mình một chế độ thế ấy.”

Tôi xin mượn lời của nhà văn Nguyên Ngọc khi nói về tư tưởng của nhà cách mạng, nhà văn hóa Phan Châu Trinh để kết thúc bài viết này:


“… độc lập không phải là bước cuối cùng, mà như một bước trong tầm đi xa hơn là phát triển dân tộc, phát triển dân tộc cho kịp với toàn cầu, với thời đại thì độc lập mới có ý nghĩa, và lâu bền.”

Trong bài viết sau, tôi sẽ cố gắng trình bày về phương pháp đấu tranh lương tâm của Gandhi và một vài kiến nghị của tôi trong cách áp dụng nó đối với tình thế hiện tại.



Hoàng Đức Minh

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

lời của buổi sáng











Nguyễn-hòa-Trước


1.

về
sương vo gạo đầu cây
suối bươn sấp mặt
cỏ dầy lối qua
hồn sơn sắc núi thu già
vách rêu gió quẩn thở nhòa hư không
cứu cành khô vướng khựng dòng
múa vu vơ rạch toạt mòng u mê
bạch nga mỏ quác ven đìa
vù cao
bóng gọn
vo ve tiếng rền


2.

ngo ngoe đũa sắp hai bên
xơi lưng bữa sáng xới mềm góc trưa
thiếu dăm trái nhỏ chín mùa
dang tay vỗ
rụng
bày rua mâm quà
bàn thiên đá gột mưa ra
sấp so cáu
váng nhựa ngà mốc meo
bám chông chênh nhúm cột kèo
võng đu cót két nhện thêu rúng mình
thổi vù đĩa bụi điêu linh
sượng sùng mấy nốt tình tinh gượng cười


3.

xưa, xoay chốt cửa tạ đời
nhằn lan cắn trúc trộn tươi với nhầu
rễ phương phi vót gậy câu
mão hào hoa móc tua râu đội về
bút tô mực sánh bộn bề
rừng kinh thư chẻ gối kê đỡ nằm
gần, hai búm nổi mê mân
nửa say nửa tỉnh cởi lần chuỗi sao
đánh đu cùng rặng tre lao
ủ men hạ nổi tắm rào với mai
xưa, vò xoe mớ hồng gai
nghĩ, trong, nhung gấm đang thay áo chờ


4.

địa hình phủi gáy bạc phơ
lầm bầm phương giác lội bờ tồn sinh
xưa, ta chòi gác thượng phiên
lửa châu đỏ mượn thắp tìm tuổi thơ
xưa, ta ngón chụm từng giờ
dụ chim lông trắng rợp nô đất mầu


5.

hầm mai phục lấn nương sâu
mũi hư vô độn lúa châu cắt về
nhẹ rồi, khói nổ mây ria
hương xoăn ốc vẽ lốt
loe lược cài
sâu xưa hóa bướm, hôm nay
cờ rung tít tắp vệt lài đuôi nheo

















© gio-o.com 2014