Photo: Khan G Nguyen
Hiện nay, tình hình biển Đông đang nóng hơn bao giờ hết. Đi đâu, ở đâu trong đất nước Việt Nam, chúng ta đều có thể nghe thấy lời bàn luận của mọi người về vấn đề này. Mặc dầu có khá nhiều ý kiến trái chiều nhưng tựu chung đều lên tiếng phản đối Trung Quốc, thậm chí có cuộc biểu tình đã xảy ra tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11/5. Vậy Việt Nam sẽ làm gì nếu Trung Quốc tiếp tục ngoan cố không chịu rút lui và nguy cơ một cuộc chiến tranh xảy ra đe dọa nền hòa bình của cả hai nước?
Cô lập chính phủ Trung Quốc:
Hiện nay, có thể thấy ngay khi thông tin tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam và sau đó là Trung Quốc đặt giàn khoan trong lãnh thổ biển Việt Nam xuất hiện, các bạn mà chủ yếu là giới trẻ Việt Nam đã có những phản ứng tiêu cực ngay lập tức đối với Trung Quốc. Không khó để bắt gặp những câu đại loại như: “Ghét Trung Quốc từ xưa đến giờ” “Trung Quốc là cái loại gì ấy. Ăn cướp” “Trung Quốc, tên của một nước sao! Trước giờ tôi cứ tưởng Trung Quốc là tên của loài vật hôi thối, đần độn không chứ!… Những cái đầu đần độn của Trung Quốc làm sao thắng nổi một nước chuyên đấu tranh bằng trí khôn như Việt Nam được!”… Vẫn biết mọi người rất yêu nước và bức xúc trước việc chủ quyền nước mình bị xâm phạm như vậy nhưng điều cần thiết là mọi người nên bình tĩnh, nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, không nên vơ đũa cả nắm.
Trước hết, theo những gì tôi được biết trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì là tàu hải quân Trung quốc đâm tàu Việt Nam và chính phủ Trung Quốc đặt giàn khoan vào lãnh thổ Việt Nam, vậy thì vấn đề ở đây đó là lỗi của chính phủ Trung Quốc chứ không phải toàn bộ dân tộc Trung Quốc. Người dân Trung Quốc cũng như Việt Nam và thế giới, họ đều có quyền được biết sự thật. Việt Nam có lẽ phải và chính nghĩa, vậy thì tại sao Việt Nam không tranh thủ sự đồng tình của dư luận thế giới, trong đó có cả người dân Trung quốc.
Thay vì trút sự oán hận lên cả cộng đồng Trung Hoa, tại sao chúng ta không thể kêu gọi sự ủng hộ của người dân Trung Quốc bằng cách lên các trang mạng xã hội Trung Quốc, viết lên sự thật và nhắn nhủ rằng: “Dân tộc Việt Nam và Trung Quốc từ bao đời nay đã là bạn của nhau và cho tới giờ chúng tôi chưa bao giờ muốn thay đổi sự thật ấy. Nhưng những người lãnh đạo của các bạn đã đi ngược lại con đường ấy.” Chúng ta phải kêu gọi sự ủng hộ của chính những người dân Trung Quốc, gây áp lực lên chính phủ Trung Quốc từ chính những người dân của họ chứ không phải lên án toàn bộ dân tộc họ, vô tình đẩy cả đất nước rộng lớn thành kẻ thù của dân tộc mình.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chỉ ra cho những nước từng có tranh chấp với Trung quốc trong khu vực biển Đông như Philippine, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan hay Nhật Bản trong tranh chấp biển Hoa Đông về lợi ích mà họ có thể đạt được nếu cùng liên minh với Việt Nam, hãy nói với các nước ấy rằng bởi chúng ta có cùng kẻ thù chung và khi cùng nhau chúng ta có thể làm nên tất cả, điều đó không chỉ có lợi cho chính Việt Nam mà còn cho tất cả các nước bạn.
Ngoài ra, Việt Nam có chính nghĩa và chúng ta hoàn toàn có thể tranh thủ sự ủng hộ của các nước trên thế giới, không chỉ là các nhà lãnh đạo mà là tất cả các công dân toàn cầu. Thế giới ngày càng mở và thông tin lan truyền một cách chóng mặt, chúng ta hãy để các tổ chức và các nhà nhân quyền lên tiếng.
Có câu: “Đáng sợ nhất trên đời là sự bị cô lập.” Vậy nếu chúng ta có thể tranh thủ sự ủng hộ của thế giới và cô lập Trung Quốc thì ắt hẳn Trung Quốc sẽ sớm nhận ra kết cục mà con đường mình đang đi.
Chiến đấu trên các mặt trận: Chính trị kết hợp kinh tế
Thế mạnh lớn nhất của Trung Quốc là kinh tế, vì vậy đây không chỉ là cuộc chiến trên mặt trận quân sự nữa mà là một cuộc chiến toàn diện trên tất cả mọi mặt. Chúng ta phải tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Và không chỉ có chúng ta, thêm nữa, hãy làm cho các nước cùng chung mối tranh chấp với Trung Quốc cùng thực hiện chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc thì sẽ làm suy yếu rất nhiều nền kinh tế của nước lớn thứ hai trên thế giới này. Điều này sẽ khiến Trung Quốc nhận ra sự thiệt hại không chỉ trên mặt trận quân sự mà còn các mặt khác nữa. Vì, suy cho cùng, mục đích cuối cùng của Trung Quốc về vấn đề biển Đông cũng chính là kinh tế.
Khẳng định quan điểm và ý chí của Việt Nam:
Chúng ta – toàn thể công dân của nước Việt Nam cần cất lên những tiếng nói của chính mình cũng như bản thông điệp gửi đến chính phủ Trung Quốc:
Trong bài báo “Trung Quốc đang gây ác mộng trên biển Đông”, nói về nguyên nhân vì sao Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 ở vị trí hiện nay, ông Wu Shicun, Chủ tịch viện nghiên cứu quốc gia Trung Quốc về biển Đông nói với hãng tin Reuters, động thái này là một “bài kiểm tra” đối với ý chí chính trị của Trung Quốc.
Tuy Việt Nam là một nước nhỏ và Trung Quốc là một nước lớn và chúng ta tồn tại những quan điểm khác nhau nhưng thông qua “bài kiểm tra” này chúng tôi nhận thấy rằng chúng ta cùng chung ý chí ngan cường, không đầu hàng trước nghịch cảnh. Tất cả sự thật sẽ là như vậy nếu Trung Quốc biết dừng lại… Nhưng Trung Quốc đã đi quá xa hai chữ “kiên cường”, trở nên hung hăng đến mức vô lý với lý do: “Nếu chúng tôi dừng công việc ngay khi Việt Nam phản đối, chúng tôi sẽ không thể đạt được điều gì trên biển Đông.” Vậy điều Trung Quốc thực sự mong muốn đạt được là gì? Tại sao lại không thể được giải quyết bằng một chuyến đi, một bài phát biểu hay một cuộc đàm phán? Lý do đưa ra chỉ là lời bào chữa vụng về cho dã tâm tham lam của những người lãnh đạo đất nước này.
Dân tộc Trung Quốc là một dân tộc thông thái và chắc chắn được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo tài ba. Vậy chắc chắn các ngài sẽ biết mình cần phải làm gì? Hành xử khôn ngoan khiến cả thế giới nể phục và tạo tiền đề để phát triển về các mặt như chính trị, kinh tế… hay biến mình thành kẻ thù của cả thế giới, trở thành tội đồ trong sử sách nhân loại và cả với chính những người dân vô tội của mình? Bởi nếu chiến tranh xảy ra nghĩa là những người dân phải đổ máu nhiều nhất.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng nhấn mạnh: “Một Trung Quốc phồn vinh và ổn định không chỉ không tạo thành mối đe dọa cho bất cứ quốc gia nào, ngược lại còn trở thành cơ hội phát triển.” Hay cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng từng phát biểu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc: “Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ hòa bình, phát triển và hợp tác, kiên trì chính sách ngoại giao hoà bình, độc lập tự chủ, kiên định đi con đường phát triển hòa bình, kiên trì phát triển quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, cùng với cộng đồng quốc tế dốc sức vào sự nghiệp cao cả vì hòa bình và phát triển của loài người.”
Chính các ngài đã từng tuyên bố như vậy, cớ sao lại cố tình gây hấn với Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác ở khu vực biển Đông, há chẳng phải đi ngược lại những điều đã nói trên sao? Vậy cơ sở nào để cả thế giới tin vào Trung Quốc khi chính những người đứng đầu cường quốc này lại đi ngược lại với tôn chỉ mình đã đặt ra cho cả dân tộc?
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc lâu nay vốn khá thân thiết. Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ nền văn hóa Trung Quốc và coi Trung Quốc như là một bậc đàn anh để học hỏi về kinh tế dù cách đây hàng ngàn năm giữa hai nước đã từng xảy ra chiến tranh. Vì vậy, một đất nước vốn yêu chuộng hòa bình như Việt Nam không hề muốn lịch sử chiến tranh lại xảy ra.
Báo Wall Street Journal đưa tin: “Việt Nam có một lịch sử không lùi bước trước những cuộc đối đầu quân sự.” Trong tình hình hiện nay, khi mà giữa hai nước đang xảy ra tranh chấp, không ít người Việt, trẻ có, già có, đang sục sôi khí thế, sẵn sàng chết cho Tổ Quốc với tinh thần: “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh.” Việt Nam có chính nghĩa, có sự đồng lòng của toàn dân trong khi ngay trong đất nước Trung Quốc đã có rất nhiều tiếng nói lên tiếng phản đối. Vì vậy nếu trong trường hợp bất đắc dĩ có chiến tranh xảy ra thì chúng tôi tin chắc rằng lịch sử sẽ lặp lại như một Bạch Đằng thứ hai.
Lê Hoài Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét