Tình hình Biển Đông đang trở nên ngày càng căng thẳng trước hành động đâm vào tàu kiểm ngư, phun vòi rồng vào các tàu của Việt Nam được cử ra chặn đường giàn khoan HD-981. Chuyên gia, người dân và chính phủ nhiều quốc gia đã lên tiếng chỉ trích, coi đó là sự “khiêu khích” của Trung Quốc đối với an ninh khu vực.
Trong bối cảnh đó, nhiều người trẻ Việt Nam đã đưa ra tiếng nói của mình, những status, lời kêu gọi hay các trang fanpage mà lượt like lên đến cả trăm nghìn bắt đầu tràn ngập các quan điểm về biển Đông, về cách hành xử với Trung Quốc. Những quan điểm ấy bao gồm việc kêu gọi biểu tình, kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc, cả những lời ủng hộ chiến tranh hay việc sẵn sàng nhập ngũ. Thời gian gần đây, những tiếng nói này đã mở rộng ra cả việc kêu gọi chính phủ thả những tù nhân chính trị do thể hiện quan điểm về chế độ.
Như người ta vẫn nói, một trái tim nóng luôn cần một cái đầu lạnh, đặc biệt trong bối cảnh mà hàng triệu quả tim đang nóng, tình hình an ninh khu vực căng thẳng, một giọt nước có thể làm tràn ly, một quyết định có thể cướp đi sinh mạng của cả nghìn người.
Xin đừng nói bạn hay thù
2000 năm lịch sử đất nước là 2000 năm lịch sử của những tranh đấu. Những điều đọng lại trong lòng bao thế hệ sau từng ấy năm học lịch sử trên ghế nhà trường là những từ như “giặc Tàu”, “giặc Mỹ”, “giặc Pháp”, là quân Mông Nguyên, là quân Ngụy. Không chỉ có vậy, chúng ta luôn tự hào là người dân của một đất nước anh hùng, là những chiến thắng vinh quang trước mọi đế quốc hùng cường, là một dân tộc mà “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Chúng ta đã quen với việc gắn cái mác “bạn” hay “thù” lên một dân tộc, một quốc gia; và chúng ta cũng quen với việc cứ chiến thắng là vinh quang, là anh hùng.
Chính vì thế, tôi chẳng hiểu được vì sao có những năm truyền thông vẫn cứ nhắc đi nhắc lại tình hữu nghị “16 chữ vàng” “núi liền núi, sông liền sông” với người láng giềng Trung Quốc. Tôi vẫn không hiểu nổi tại sao Trung Quốc lại là người anh em tốt khi vẫn trợ giúp quân sự cho Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp rồi lại thành kẻ xâm lược khi thực hiện cuộc “chiến tranh biên giới” năm đó, cái năm mà mẹ tôi kể rằng bà phải đi đắp hào xây phòng tuyến. Tôi cũng không hiểu tại sao các nước bạn như Thái Lan, Singapore hay Malaysia lại coi Việt Nam là “cựu thù” sau cuộc chiến với quân Pol Pot dã man, điều khiến Việt Nam mãi năm 1995 mới gia nhập được ASEAN.
Có quá nhiều điều về chính trị mà tôi không thể hiểu, cũng không thầy giáo nào trả lời. Nhưng tôi tin, một chính phủ không thể đại diện cho cả một dân tộc, cho người dân của toàn bộ đất nước. Tôi chưa từng thấy có một chính phủ nào có thể hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ ấy. Mở rộng ra, không có một cá nhân, một tổ chức, một đoàn thể nào có thể đại diện cho tiếng nói của cả dân tộc, cho dù đó là tập hợp của những cá nhân tiến bộ nhất.
Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, gặp gỡ những người bạn từ khắp năm châu, bao gồm cả những người bạn Trung Quốc, Mỹ, Pháp… không ai trong số họ trông giống như những kẻ xâm lược tàn ác hay những người ủng hộ chiến tranh. Bao nhiêu phần trăm trong số những người bỏ lá phiếu bầu lên chính phủ hiện tại của Mỹ, của Iran, của Trung Quốc là những người thực sự yêu thích chiến tranh?
Không phải tình cờ mà nhà văn Nguyên Ngọc và một người lính Điện Biên Phủ đều nói với tôi rằng, chính tư tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” của cuộc cách mạng Pháp mà họ học được từ nền giáo dục bắt buộc khi đó lại chính là tư tưởng đã khai sáng cho con đường cách mạng của họ chống lại người Pháp và các cuộc đấu tranh sau này. Một đất nước lột xác từ những tư tưởng tiến bộ đến vậy mà vẫn có thể đem quân sang xâm chiếm nước khác đó thôi.
Tôi từng tưởng tượng cuộc gặp gỡ giữa người lính Việt Minh và người lính Việt Nam Cộng Hòa. Họ có cùng dòng máu, cùng màu da, cùng tiếng nói, và họ chĩa súng vào nhau, rồi một người ngã xuống. Phải chăng, những người “lính Ngụy” phía bên kia vĩ tuyến 17 là quân thù, là kẻ bán nước, hay chỉ đơn thuần là một người có niềm tin chính trị khác biệt và họ đã thua cuộc?
Tôi tin, không ai trong chúng ta muốn làm kẻ sát nhân, dù là tôi, là bạn hay người Mỹ, người Trung Quốc. Chúng ta chỉ là những con người đang chiến đấu cho niềm tin của mình. Niềm tin đó có thể vì bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ hay làm giàu mạnh cho đất nước. Xin đừng gọi những kẻ bên kia chiến tuyến là quân thù, đừng biến sức mạnh của thù hận trở thành động lực của hành động. Không phải mọi chiến thắng đều là vinh quang và đáng ăn mừng.
Yêu nước, hãy yêu cả hòa bình
Tôi được sinh ra trong thời đại hòa bình, và đó là điều tôi luôn cảm thấy may mắn. Suốt một thời gian dài, tôi thậm chí còn không thể tưởng tượng được rằng chiến tranh thực sự mới chỉ kết thúc vài chục năm trước đó, rằng trên thế giới vẫn tồn tại những nơi mà người ta còn đang xả súng vào người khác.
Đối với tôi, chiến tranh luôn là thứ dã man, khủng khiếp mà người thường khó thể tưởng tượng. Những bộ phim chiến tranh khiến chúng ta cảm thấy việc bắn nhau và được chết trên chiến trường là điều gì đó đầy vinh quang đối với một người đàn ông. Những tác phẩm thơ ca, văn học thời kỳ chiến tranh chưa bao giờ nói về một người lính sợ hãi, chưa bao giờ nói về những người lính hoang mang, chưa bao giờ nói đến sự nghi ngờ trong những chiến lược của chỉ huy, chưa bao giờ nói đến những mâu thuẫn, những sự gian trá, đến sự mất đoàn kết trong nội bộc của ta. Những người lính trong văn chương có thể có nỗi nhớ nhà, nhưng họ sẽ ngay lập tức biến nỗi nhớ nhà ấy thành động lực, không một người lính nào trong văn học đào ngũ, họ chết anh dũng kể cả trước những đòn tra tấn của địch.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn tin những người lính đấy là những anh hùng của dân tộc, nhưng tôi cũng tin rằng không phải bất cứ ai cũng có thể thực sự dũng cảm như họ. Chiến tranh không phải là trò chơi của những người bình thường nhỏ bé, có những bí mật mà ngay cả chính những người tham gia cuộc chiến cũng chỉ biết sau hàng chục năm trận chiến kết thúc. Chuyện “thỏ hết giết chó săn” cũng chẳng phải chỉ trong dã sử Trung Hoa mới có.
Yêu hòa bình không phải hèn nhát, yêu nước không có nghĩa là sẵn sàng chiến tranh.
Hãy đấu tranh bằng lương tâm, không phải bằng súng đạn
Trước những đe dọa của Trung Quốc lên một vùng lãnh thổ đang tranh chấp, tự bản thân người Việt đã bắt đầu chia rẽ, trong một thời điểm chúng ta cần đoàn kết nhất. Những chỉ trích trên các diễn đàn, báo chí hay những mâu thuẫn sau cuộc biểu tình hôm 11/5 mới đây đã cho thấy điều đó.
Tôi không nói rằng đoàn kết là phải thống nhất ý kiến trăm người như một, đoàn kết đơn giản chỉ là không triệt tiêu, không áp đặt lên người khác những quan điểm của mình. Chúng ta có thể chỉ trích một quan điểm, nhưng không nên chỉ trích bất cứ cá nhân nào, bởi vì bất cứ ai cũng có niềm tin của riêng mình. Khi đất nước lâm nguy, việc gọi nhau là “anh hùng bàn phím”, “lũ hèn nhát và sợ chết” hay “lũ cơ hội” không giúp đất nước thoát khỏi cơn nguy khốn.
Tôi vẫn luôn tin rằng, không thể dùng bao lực để chống lại bạo lực, không thể dùng thù hận để chống lại thù hận, không thể dùng áp đặt để chống lại một sự áp đặt khác. Bài học trong cuộc chiến tranh tại Campuchia đã cho Việt Nam một bài học lớn: “Không chỉ đơn thuần dùng súng đạn có thể giải quyết vấn đề”, sự cô lập của cộng đồng quốc tế lúc đó là cái giá mà chúng ta phải trả dù cho ta coi đó là một hành động tự vệ và “trợ giúp nhân đạo”.
Việt Nam có thể chiến thắng một lần, hai lần, một trăm lần, nhưng chúng ta sẽ còn phải đánh nhau đến bao giờ nữa?
Trong hàng chục nghìn bia mộ vô danh ngoài kia, sẽ có thêm tên tôi, tên bạn, tên của bao nhiêu người nữa? Và sẽ ra sao nếu chúng ta thua, khi cuộc đời không phải chuyện cổ tích, nơi người thắng mới là kẻ viết nên lịch sử? Việt Nam giờ đây sẽ là một quốc gia thế nào nếu ngày ấy dân tộc chiến thắng là Chăm Pa chứ không phải Đại Việt?
Gandhi vĩ đại, người anh hùng đã dẫn dắt dắt dân tộc Ấn Độ thoát khỏi sự đô hộ của Anh bằng phương pháp đấu tranh lương tâm của mình. Người dân Ấn Độ đã dành được độc lập và hơn thế nữa mà không dùng tới những phương tiện chiến tranh. “Muốn có hòa bình, bạn phải là hòa bình”, tư tưởng ấy của Gandhi đã truyền cảm hứng cho Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tây Tạng, cho bà Aung San Suu Kyi đấu tranh dành tự do dân chủ ở Myanmar hay ngay cả lãnh tụ Nelson Mandela trong cuộc đấu tranh ở Nam Phi.
Tôi vẫn luôn tin tưởng rằng, yêu nước không phải lúc nào cũng là mong nước ta trở thành một “cường quốc”. Cá nhân tôi chỉ mong nước ta là một quốc gia nhỏ bé nhưng xinh đẹp, yên bình. Đối với tôi, yêu nước là cố gắng để dân ta ai cũng hiểu biết, ai cũng yêu thương và đoàn kết. Không phải vì ta yếu mà hèn, cũng không phải vì ta nghèo nên hèn, ấy là vì ngu dốt mới sinh ra những thứ đó.
Cái mà chúng ta cần bây giờ không phải là một cuộc cách mạng, một cuộc đấu tranh, ấy là một cuộc cải cách như Minh Trị vậy, hay như lời cụ Phan Châu Trinh là “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.” Khi nào dân ta đoàn kết, bao dung, tôn trọng tự do, thôi không kìm kẹp nhau nữa, tự nhiên nước ta sẽ giàu đẹp. Có vậy, nền hòa bình mới đến lâu dài, và chẳng cần thứ chiến tranh nào cả.
Cựu đại sứ Nguyễn Trung đã nói với tôi một câu làm tôi nhớ mãi:
“Cái dân tộc thế nào thì nó sẽ chọn cho mình một chế độ thế ấy.”
Tôi xin mượn lời của nhà văn Nguyên Ngọc khi nói về tư tưởng của nhà cách mạng, nhà văn hóa Phan Châu Trinh để kết thúc bài viết này:
“… độc lập không phải là bước cuối cùng, mà như một bước trong tầm đi xa hơn là phát triển dân tộc, phát triển dân tộc cho kịp với toàn cầu, với thời đại thì độc lập mới có ý nghĩa, và lâu bền.”
Trong bài viết sau, tôi sẽ cố gắng trình bày về phương pháp đấu tranh lương tâm của Gandhi và một vài kiến nghị của tôi trong cách áp dụng nó đối với tình thế hiện tại.
Hoàng Đức Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét