Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Vụ án Nhã Thuyên: đính chính tư liệu & quan điểm học thuật





Inrasara

*

 Sau khi đọc “Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn” của Phan Trọng Thưởng trên báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, số 16-2014, tôi viết bài này như là cách phản hồi. Thứ nhất, nói lại với Nhã Thuyên về khẳng định chủ quan “bài viết duy nhất được xuất bản chính thống cho đến nay”; thứ hai, như một cách trao đổi mang tính chính thống với Phan Trọng Thưởng. Hi vọng, hai bên mở cuộc đối thoại sòng phẳng, để “có thể nghe ra nhau”.

Tiếc, bài viết không nhận được phản hồi từ BBT báo Văn nghệ, cho nên xin đăng ở đây để rộng đường dư luận.

Inrasara





I. Đính chính: Mở Miệng bị kì thị tới đâu?

Trong bài “Cuộc nổi dậy của rác thải [1], Damau.org (Vanviet.info đăng lại ngày 28-3-2014), Nhã Thuyên viết:

“Ở trong nước, Inrasara, một nhà thơ, nhà phê bình trong Hội nhà văn có tham vọng nhận diện thơ Việt đương đại ở tất cả các khu vực, không kể chính thống/phi chính thống đã từng cố gắng lập lại biên bản(1) về không gian sôi động của thơ ca giai đoạn đó với bài viết Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn, xuất bản trên Tiền Vệ (2005) và được đưa vào cuốn Song thoại với cái mới (2008), “không bị biên tập một chữ” theo lời tác giả – dường như là bài viết duy nhất được xuất bản chính thống cho đến nay (Inrasara nhấn mạnh).

Phan Trọng Thưởng làm rõ hơn: “Theo tác giả “cho đến thời điểm này (cuối 2010) các báo chí trong nước vẫn từ chối các bài viết về, hay thậm chí việc điểm danh đến Mở miệng cũng không được chấp nhận” (“Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”,Vanvn.net, 19-4-2014).

Sự thật, có phải vậy không?(2)

1. Liên quan đến Nhóm Mở Miệng, bài đầu tiên được đăng trên báo chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam, báo Thơ số 4, tháng 10-2003, do thành viên chủ chốt của Nhóm Mở Miệng (Lý Đợi) viết, là: “Điểm tâm tính danh – hay thơ Việt những năm đầu thế kỉ XXI”.

2. Tiếp đó, Inrasara giới thiệu tập thơ Xáo chộn chong ngày, NXB Giấy Vụn, 2003. Lời giới thiệu in trong tập thơ, có đoạn:

“Tập thơ Xáo Chộn Chong Ngày – phạm thánh, phạm thượng, phạm chữ, phạm nghĩa, phạm cả các khái niệm lâu nay thế giới văn minh tôn sùng như điều không thể phạm. Nhưng hãy dẹp mấy thứ đó cho nhà luân lí, nhà ngôn ngữ, nhà hoạt động xã hội… phán. May: Bùi Chát đã không phạm con người!”.

Bài “Sáo chộn với Bùi Chát” (giới thiệu tập thơ Xáo chộn chong ngày, NXB Giấy Vụn, 2003) post lên Tienve.org, ngày 21-12-2003, được tạp chí Thơ (Hoa Kỳ) số mùa Đông 2003 đăng lại. Có lẽ đây là bài viết về [tập thơ của một thành viên] Nhóm Mở Miệng đầu tiên được đưa ra công chúng. Bài viết ngắn, và dù không xuất hiện trên báo chính thống, nhưng đã gây nên một cuộc trao đổi thú vị trên mạng internet.

3. Evan (Hà Nội, 2004) viết về thơ trẻ, nhận định về Mở Miệng như sau:

“Có một nhóm sáng tác trẻ tự xuất bản những tác phẩm của họ dưới dạng photocopy, và coi đó như văn bản chính thức. Họ rảo bước qua những đường phố Sài Gòn, những quán cà phê, quán thịt chó, ngày và đêm, ánh đèn, xe cộ, bụi và tiếng ồn… Họ làm thơ. Rồi cả truyện, tiểu thuyết, tiểu luận, trình diễn, sắp đặt, nghệ thuật ý niệm (conceptual art), nghệ thuật thị giác (visual art)… và, họ tuyên ngôn. Tự xếp mình, đúng hơn là tự xem mình nằm trong các trào lưu tiền phong, chẳng hạn như hậu hiện đại, họ đẩy thơ vào “ngõ cụt”, chiếu bí người đọc bằng ý thức đổi mới ngôn ngữ. Họ sẵn sàng thách thức những người làm thơ khác về tính chuyên nghiệp, tính học thuật trong thơ; nhất là, như họ nói thẳng thắn, với lớp nhà thơ bảo thủ, không chịu rời bỏ những sở trường của mình. Và tất nhiên, họ chấp nhận bị thách thức”.

Bài báo sau đó bị xoá cùng với nhiều sáng tác cách tân khác.

4. “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” hay “Biên bản về nhánh thơ ngoại vi TP Hồ Chí Minh”, là tham luận của Inrasara tại Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tháng 3-2005; đăng trênTienve.org, ngày 17-3-2005, (in trong Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, 2008). Tôi viết ở đề dẫn:

“Một hiện tượng xã hội hay văn chương bất kì, không thể bị dập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở”.

Đoạn đáng chú ý:

“Họ từ các nơi đổ bừa về Sài Gòn. Có mặt ở Sài Gòn, họ từ chối lối mòn quen thuộc: tụ tập quanh tòa soạn báo chí, nhà xuất bản hay các cơ quan Nhà nước có liên quan đến chữ nghĩa – ổn định và an ninh.

Họ là ai? Là Phan Bá Thọ. Là Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán. Các sinh viên tốt nghiệp, ra trường vô công rỗi nghề trong giai đoạn thơ Việt đang kì ảm đạm, “có mặt bằng nhưng chưa có đỉnh cao”, như chúng ta từng dễ dãi nhận định. Họ tự cho mình [vô] trách nhiệm với nền thơ nước nhà, cấp kì lập ra Nhóm Mở Miệng, trưng bảng nhà xuất bản Giấy Vụn và, tuyên xưng! Thế là hàng loạt tập thơ in photocopy xếp hàng mở m[iệng]ắt chào đời”.

Và đoạn kết:

“Đeo vào bộ mặt cực đoan đến quá khích, Nhóm Mở Miệng cùng với sản phẩm thơ của họ như “làn gió thối thổi vào không khí thơ” phẳng lặng hôm nay. Bản thân nó là khủng hoảng. Nó đột ngột xuất hiện và gây sốc, cố tình lôi kéo sự chú ý của chúng ta về khủng hoảng chung của thơ Việt, một khủng hoảng cần được nhìn nhận như tín hiệu tốt lành”.

5. Trần Ngọc Hiếu qua “Cuộc nổi loạn của ngôn từ trong thơ đương đại, ghi nhận qua một số hiện tượng”, tham luận trong Hội thảo Văn học sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy tại khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội, đăng trên Talawas.org, 12-5-2005, cũng đã dành một phần bàn đến Mở Miệng.

“Nhưng chúng tôi muốn lưu ý một điểm: sự suồng sã hóa thơ ca, xem thơ ca chỉ như một hình thức trò chơi giải trí, đấy chính là cách các tác giả trong nhóm Mở Miệng tự biến sáng tác của mình thành một đối trọng với thứ thơ “nghiêm túc”vốn được coi là “chính thống,” nhưng đã trở nên già cỗi, thiếu sức sống, nằm chết trong hàng loạt các tập thơ được in ra hay trên các mặt báo mà chẳng mấy ai tìm đọc. Chẳng phải hình thức thơ đang gây được nhiều khoái thú hơn cả trong dời sống hiện nay- thơ Bút Tre – cũng là một hình thức suồng sã, chưa được coi là thơ, theo quan điểm chính thống đó sao? Đi tìm mối liên hệ giữa dòng folklore hiện đại (chuyện tiếu lâm, các kiểu nhại thơ, nhại bài hát, thơ Bút Tre) với những thể nghiệm của nhóm Mở Miệng, là một đề tài có thể khơi lên nhiều điều đáng suy nghĩ mà phạm vi của tiểu luận này chưa cho phép đào sâu.”

6. “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ ở Việt Nam trong tương lai gần”, là tham luận khác của Inrasara tại Hội thảo thơ TP Hồ Chí Minh, 25-8-2006; báo Người Đại biểu Nhân dân, số 184 & 185, 7-2006 và tạp chí Nhà văn, số 3-2008 đăng nguyên văn (in trong Song thoại với cái mới, 2008). Về Nhóm Mở Miệng, tôi viết:

“Có thể nhận định rằng, sau Sáng Tạo những năm 60 của thế kỉ trước, Mở Miệng là nhóm thơ đầu tiên ghi dấu ấn đậm trong dòng chảy của thơ Việt. Chúng ta hi vọng năm khuôn mặt này làm nên cuộc cách tân lớn. Nhưng rồi họ cũng không thể. Tại sao?

Mở Miệng là một nhóm thơ gồm các thi sĩ trẻ sinh hoạt [vỉa hè] chung, cùng quan điểm sáng tác, biết lập ngôn để nói lên quan điểm sáng tác lạ biệt của nhóm mình. Nhưng cái thiếu của họ là: diễn đàn công khai. Dù các sáng tác của Mở Miệng thường xuyên xuất hiện trên báo điện tử cả trong lẫn ngoài nước, nhưng chính diễn đàn công khai mới mang yếu tố quyết định để tạo nên cuộc thay đổi lớn trong văn chương. Mở Miệng không được may mắn như các cuộc cách mạng thơ ở Việt Nam trước đó”.

7. “Thơ hậu đổi mới, và… đang khủng hoảng”, tham luận của Inrasara tại Hội nghị Lí luận – Phê bình lần thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồ Sơn, tháng 9-2006. Tham luận được viết lại thành “Nhập lưu hậu hiện đại không quá độ hiện đại hậu kì”, và đọc ở Hội thảo Thơ Việt Nam đương đại, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 19-2-2008; sau đó đăng ở Talawas.org, 21-2-2008.

8. Tiểu luận “Thơ văn trẻ Sài Gòn ở đâu?” của Inrasara đăng trên báo Văn nghệ trẻ, số 45, 11-11-2007; Tienve.org đăng lại ngày 27-11-2007 (in trong Song thoại với cái mới, 2008). Tiểu luận nhấn về trào lưu văn chương vỉa hè Sài Gòn, dĩ nhiên không thể không đề cập đến Mở Miệng:

“Không đâu hạ sinh hiện tượng thơ văn lí luận vỉa hè như nhóm Mở Miệng cùng sự kiện Nhà xuất bản Giấy vụn cho ra đời hàng chục tác phẩm photocopy, đã và đang gây ấn tượng sâu đậm đến cuộc sống văn chương như thế… Tuyệt không đâu cả, ngoại trừ đất Sài Gòn. Bao quát cả từ góc độ này, chúng ta mới nhìn ra toàn cảnh thơ văn trẻ TP Hồ Chí Minh. Và chỉ nhìn từ góc độ này thôi, thơ văn trẻ Sài Gòn mới hiện thể đúng thực như nó là thế: luôn chuyển động, sẵn sàng mang mầm mống đổi mới, cách mạng”.

9. Hai bài nghiên cứu dài hơi: “Hậu hiện đại và Thơ hậu hiện đại Việt” đăng trênVanchuongviet, 21-12-2007, sau đó in lại trong Song thoại với cái mới, và “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại” đăng trên website Khoa Viết văn – Báo chí thuộc Đại học Văn hóa, Hà Nội Vietvan.vn, tháng 3-2009, in lại trong Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, NXB Thanh niên, 2014. Ở đây tôi phân tích cái “hay” của thơ hậu hiện đại Việt, trong đó nhắc nhiều đến tác phẩm của Nhóm Mở Miệng.

10. Cuối cùng, luận án Tiến sĩ “Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại” được Trần Ngọc Hiếu bảo vệ thành công tại Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 9-10-2012, trong đó anh bàn và trích dẫn nhiều thơ của Nhóm Mở Miệng.

Đó là chưa kể các bài báo lẻ, mươi cuộc trả lời phỏng vấn đề cập đến Nhóm Mở Miệng và NXB Giấy Vụn của Inrasara, như: “Phê bình văn học đứng ngoài ’văn hóa đọc’”, Thanh Xuân thực hiện, Vietvn, 23-7-2007; “Inrasara: Cần phải gọi tên đúng sự thể”, Phong Điệp thực hiện, báo Văn nghệ, 24-5-2008; “Điểm mặt thơ Việt hôm nay”, Hiền Hòa thực hiện, báo Giáo dục và Thời đại, số Xuân 2009; “Con đường đi vào văn chương hậu hiện đại Việt Nam”, Trần Thiện Khanh thực hiện, báo Điện tử Tổ quốc, 25-4-2009. Ở bài cuối này, vài đoạn đề cập trực tiếp đến Nhóm Mở Miệng:

“… nhà văn hậu hiện đại giải trung tâm không phải để chính mình trở thành trung tâm. Họ phải giữ thái độ phi tâm hóa thường trực. Thật vô ích và phi lí, nếu tất cả nhà văn Việt Nam đều viết thơ theo kiểu Mở Miệng… Hậu hiện đại làm cuộc phi tâm hóa chỉ với mục đích tạo cơ hội cho mọi trào lưu văn học cùng đề huề tồn tại và phát triển để làm phong phú nền văn học Việt Nam. Ở đó mỗi cá nhân, mỗi bộ phận ngoại vi đều có tiếng nói, có mảnh đất để thể hiện trọn vẹn mọi khả năng của mình.

… Sáng tạo hậu hiện đại Việt Nam [nhất là thơ ca] bị phân biệt đối xử bởi nhà văn nhà thơ thuộc hệ mĩ học cũ, bị kì thị bởi các cơ quan báo chí trong nước, còn các Đại học thì làm ngơ, từ đó các Nhà xuất bản không mặn mà với bản thảo của nó”.

Cuối cùng, ngay trong tác phẩm mới nhất: Inrasara, Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say (NXB Thanh Niên, 2014) cũng đề cập nhiều đến Nhóm Mở Miệng. Đậm nhất là: “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, “Nhận diện các trào lưu thơ Việt đương đại”. Riêng tiểu luận “Thơ Việt, thế hệ hậu hiện đại mới”, có đoạn:

“Thà làm thơ mới dở còn hơn làm thơ cũ hay” là tuyên ngôn lặp đi lặp lại nhiều lần trong tạp chí Thơ ở Hoa Kì. Ở ngoài nước, Nguyễn Hoàng Nam đòi “quyền làm thơ dở”, thì sáu năm sau trong nước, Nhóm Mở Miệng tuyên bố “chúng tôi không làm thơ”. Lý Đợi ném bỏ quan niệm thơ hay/ dở cũ kĩ ở sau lưng, mà nhấn vào thơ thực/ giả. Thơ rác cũng được, miễn là thực; thơ “dở” cũng xong, miễn là mới. Thế là bao nhiêu thơ “rác”, thơ nghĩa địa, thơ hàng tiêu dùng, thơ “dở” được các nhà thơ hậu hiện đại và Mở Miệng xả vào nền thơ Việt Nam. Năm năm, họ đã để lại cả đống hoang tàn đổ nát – hủy phá, sáng tạo và tái tạo, vàng và thau, rác rưởi trộn lẫn với mỏ quặng… – sau lưng”.

Nghĩa là, dù chịu không ít kì thị, cấm cản, bên cạnh “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” “xuất bản trên Tiền Vệ (2005) và được đưa vào cuốn Song thoại với cái mới (2008)… dường như là bài viết duy nhất được xuất bản chính thống cho đến nay” (Nhã Thuyên), còn có những tiểu luận, bài trả lời phỏng vấn, bài báo của vài tác giả liên quan đến Mở Miệng đăng ở báo [và được in thành sách] chính thống xuất hiện khá đậm và kéo dài(3).

II. Quan điểm về luận văn Đỗ Thị Thoan và thực hiện thơ của Nhóm Mở Miệng.

Ở bài “Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”, Vanvn.net, 19-4-2014, ở phần kết luận, Phan Trọng Thưởng viết:

“[Luận văn]… không có giá trị khoa học và thực tiễn; sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu; tài liệu không chính thống, không có độ tin cậy; cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém; miệt thị văn học và văn hóa chính thống của dân tộc; tạo hậu thuẫn về mặt lý luận và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước…”.

Để tránh bị coi là “tạo hậu thuẫn về mặt lý luận và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước”, tôi xin miễn đề cập đến khía cạnh liên quan đến [cái gọi là] chính trị [thô thiển], mà chỉ nhấn vào ba điểm học thuật: sai lầm trong chọn đối tượng nghiên cứu, tài liệu không chính thống, và cổ súy cho văn chương tục tĩu, thấp kém.

1. “sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu”.

Việc chọn đề tài nghiên cứu nào đó thì không có gì gọi là sai lầm cả. Tôi từng cho Nhóm Mở Miệng bị “các Đại học thì làm ngơ”. Nay lần đầu tiên, Đại học đã “quan tâm đúng mức”, là tin mừng, sao lại gọi là sai lầm? Đỗ Thị Thoan viết:

“chỉnh thể văn học và văn hóa trong bất kỳ không gian và thời gian nào cũng luôn luôn bao gồm dòng chính và dòng ngầm, trong đó dòng chính được coi là Trung tâm; dòng ngầm được coi là ngoại vi, là bên lề”.

Và chị là người đầu tiên dũng cảm chọn một luồng trong “dòng ngầm” ấy làm đối tượng nghiên cứu khoa học.

Cũng như Trần Ngọc Hiếu qua “Cuộc nổi loạn của ngôn từ trong thơ đương đại, ghi nhận qua một số hiện tượng” (bài đã dẫn), khi dẫn thơ của Nhóm Mở Miệng ra phân tích, không phải anh hoàn toàn đồng tình với nó, qua đó [gọi là] cổ súy cho nó, mà là mổ xẻ và đặt ra nhiều câu hỏi buộc các thành viên kia nhìn lại mình.

Thao tác này tương tự như công việc trước đó tôi từng định danh là “phê bình lập biên bản”, và đã triển khai từ năm 2005. Ngoài “Biên bản Bàn tròn Văn chương” và “Biên bản lập chậm”, tôi đã “lập biên bản” hàng trăm tác phẩm [và tác giả] thơ Việt đương đại thuộc “dòng truyền thống”, “dòng tiếp hiện”, và dĩ nhiên không chừa – “dòng khai phá”. Cả thơ dân tộc thiểu số/dân tộc đa số, nữ hay nam, trong nước/hải ngoại, địa phương/trung tâm văn hóa lớn… cũng được lập biên bản, không chút phân biệt đối xử. Riêng về “dòng khai phá”, tôi viết:

“Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Dù đó là lối nhìn nhân danh truyền thống hay một chân lí đinh đóng hoặc cái đẹp vĩnh cửu. Cũng không từ lập trường văn học trung tâm, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào. Tôi đã cố giữ nguyên hiện trường như thế với Nhóm Mở Miệng, với tân hình thức Việt và các tác giả ý hướng cách tân đơn lẻ khác. Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn có thể các quan điểm sáng tác, đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa. Chưa hẳn đồng tình với các quan điểm ấy, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là thế”(4).

2. “tài liệu không chính thống, không có độ tin cậy”.

Khía cạnh này, phần (I) đã thể hiện rõ rồi. Tôi chỉ xin nhấn rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, nhà phê bình văn học còn có thể giữ tâm thế phân biệt trung tâm với ngoại vi, nguồn tài liệu giấy với tài liệu mạng không? Hoặc giả nhà phê bình còn có thể xem các sáng tác, phê bình, nghiên cứu đăng trên báo Văn nghệ, tạp chí Nhà văn hay mạng Hội Nhà văn Việt Nam Vanvn.net, vân vân… thì giá trị và đáng tin hơn Hợp Lưu, Việt, Damau.org, Tienve.org hay Vanchuongviet.org… không? Hơn nữa, nghiên cứu một hiện tượng văn chương phi chính thống mà không sử dụng tài liệu phi chính thống thì dùng tài liệu gì? Bởi có thể nói, chỉ có các tài liệu phi chính thống như Đỗ Thị Thoan đã dẫn phục vụ cho luận văn mới có độ tin cậy cao, chứ không phải ngược lại.

Tự do xuất bản bị hạn chế, người nghệ sĩ/ nhà phê bình ngoại vi tìm không gian khác để thể hiện mình. Ở đó, mạng internet là phương tiện lí tưởng. Nhóm Mở Miệng, bị kì thị, đã mở nhà xuất bản của mình: Giấy Vụn. Và, cho dẫu không kì thị, nhiều nghệ sĩ sáng tạo cũng đã chọn lựa sự tự do. Vũ Thành Sơn với 40km/h (NXB Giấy Vụn, 2007); Đoàn Minh Châu với m-n & z (Minh Châu xuất bản, 2008); Nguyễn Thị Thúy Quỳnh quaThựcthểmònruỗngtôi (NXB Tùy Tiện, 2009); rồi Trúc-Ty cùng Trước khi thành giấy vụn(NXB Giấy Vụn, 2010) hay Tuệ Nguyên với Mi & Ngôn lời (NXB Tùy Tiện, 2011)… đều là tên tuổi đáng đọc. Sáng tác của họ độc đáo, đầy khai phá và nhất là “lành mạnh”, có thể chui lọt qua cửa nhà xuất bản chính thống nào bất kì mà không phiền đến dao kéo kiểm duyệt. Thế nhưng, họ đã chọn vỉa hè. Là thái độ văn chương của họ.

3. “cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém”.

Thực hiện thơ [sáng tác, mở nhà xuất bản để in tác phẩm của mình và bạn văn đồng chí hướng, “tuyên ngôn”, trình diễn và sinh hoạt…] của Nhóm Mở Miệng không thuần là “hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém”, mà ở đó – chỉ tính riêng sáng tác – chúng chứa đựng không ít giá trị, dù đứng ở bất kì góc độ nào: thẩm mĩ văn chương hay tác động xã hội. Vả lại, trong rất nhiều trường hợp, “tục tĩu” không phải luôn luôn đi kèm với “thấp kém”, nếu người viết muốn ghép hai khái niệm này với nhau. Sáng tác của Mở Miệng, văn chương vỉa hè hay phi chính thống có khi rất tục [tĩu] nhưng chúng không hề thấp kém, trong khi đó có nhiều trường hợp (đa số) văn chương chính thống tuy không tục [tĩu] nhưng lại vô cùng thấp kém.

Tôi đã từng đề cập đến những “Khóc Văn Cao”, “Xáo chộn chong ngày” (của Bùi Chát), “Một nhà thơ bị đánh chết”, “Những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam” (Lý Đợi), “Liên tưởng”, “Biển kể về nhiều chuyện khác” (Lê Vĩnh Tài), “Tôi là cột điện”, “Cắt” (Lê Anh Hoài), hay “hemingway & bướm – nguyễn & xe tăng” (Phan Bá Thọ)… như là những tác phẩm mang tính đánh động và gây phản tỉnh đầy sáng tạo. Các tìm tòi và thử nghiệm [có vẻ thấp kém] ấy không giá trị hơn bạt ngàn sản phẩm [ra vẻ cao cả, sang trọng] chẳng có gì đáng nói ngoài lặp lại và nhai lại xuất hiện nhan nhản trên sách báo chính thống sao?

Phê bình lập biên bản [hay nghiên cứu, ghi nhận một hiện tượng văn chương nào đó] là “đi vào trong” hệ mĩ học của sáng tác đó, để nhận diện nó như là thế. Chỉ có thế thôi, ta mới có thể giữ được thái độ công bằng với mọi hệ mĩ học, mọi trào lưu sáng tác, và với mọi tác giả, tác phẩm, qua đó thúc đẩy văn học phát triển lành mạnh.



Sài Gòn, 22-4-2014

_________

Chú thích

(1) Chính xác là: “lập biên bản”.

(2) Xem thêm: Inrasara, “Vài nhận định về Nhóm Mở Miệng và Nhà xuất bản Giấy Vụn”,Tienve.org, 5-2011.

(3) Dĩ nhiên đây là một thông tin chưa đầy đủ. Và tôi cũng không liệt kê các bài báo phê phán Mở Miệng mang tính quy kết chính trị.

(4) “Inrasara: Thiếu tư tưởng nên ăn theo sáng tác”, MT thực hiện, báo Lao động, số 185, 11-8-2007.

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Tri âm như thế mới là tri âm!




Tác giả: Đào Dục Tú


Ở đời mấy ai không có bạn? Mỗi khi xẩy ra sự cố gì liên quan hoặc liên tưởng đến bằng hữu, không hiểu sao tôi hay nhớ đến câu thơ của cụ Tú thành Nam “Tương tư lọ phải là trai gái- Một ngọn đèn khuya trống điểm thùng”..Mường tượng cụ Tú ngồi một mình với ngọn đèn khuya; trống cầm canh điểm một tiếng “thùng” chìm vào đêm, càng làm cho đêm sâu thành Nam vời vợi cô tịch hoang liêu .



Bá Nha- Tử Kỳ. Nguồn: Trên mạng

Cụ đâu có nhớ nhân tình, cụ nói thế là nhớ bạn nam nhi, nhớ bằng hữu chí cả đồng trang lứa rồi! Nghe nói bình sinh hai cụ Phan Bội Châu – Tú Xương gặp nhau đâu chỉ một đôi lần gì đó thời cụ Phan tìm đường, tìm “đồng chí”, thực hiện hoài bão đông du cứu nước. Giữa hai cụ tri âm tri kỷ đến đâu, cụ thể thế nào, không ai biết mà cũng chưa thấy ai viết . Ví như tình bạn giữa cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến với cụ Dương Khuê đầu thế kỷ 20 người đời sau còn được biết qua những câu thơ như “Nhớ từ thủơ đăng khoa ngày trước- Lúc sớm hôm tôi bác cùng nhau- Kính yêu từ trước tới sau- Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời” (tôi nhấn mạnh “duyên trời”).



Còn cụ Tú Xương với cụ Phan, người đời chỉ suy đoán cụ Tú nhớ “người trong mộng” đến mức gần như hoang tưởng. Này nhé “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai- Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. . . . Ngày đó sông Vị Hoàng chưa “Thế gian biến cải vũng nên đồi”, đất thành Nam xưa chưa rơi vào cảnh “thương hải tang điền”- nương dâu bãi biển. Nghe tiếng ếch kêu cụ Tú tưởng tiếng ai kia mà lòng những thương những nhớ gọi đò, gọi người, gọi mình. . . . .Gặp nhau mới có một đôi lần mà “duyên trời” quả là “tuyệt hảo từ”.

Hóa ra ở mối tương giao tương tri bằng hữu quý hóa, thời gian dài ngắn chẳng có vị thế gì như người ta tưởng. Thời gian cũng như không gian trường đoạn, địa lý xa gần, tương tự. Nhớ câu thơ cổ nhiều người tâm đắc: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ- Vô duyên đối diện bất tương phùng”, có duyên với nhau thì ngàn trùng xa cách cũng thấy gần, như là . . .gặp nhau vậy. Còn đã vô duyên thì ngồi đối mặt. . . đối ẩm “cà phê đầu tuần” “cà phê cuối tuần” “quốc lủi giữa tuần”. . . cũng xem như xa lắc.

Xa hay gần, lâu hay mau đối với tiền nhân chọn bạn mà chơi chưa bao giờ thành “hòn đá thử” sức bền quan hệ, mà chính là thế giới tinh thần tình cảm của họ. Khi họ đã bắt được tần số sóng âm của nhau thì đó chính là “duyên trời”, là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Có hai loại sóng âm đặc biệt nhất trong mối tương giao giữa người và người là tình yêu trai gái, lứa đôi vĩnh hằng và tình bạn hữu cao quý. Nên cụ Tú thành Nam mới nhắc người đời: “tương tư lọ phải là trai gái” (“lọ” từ Việt cổ, nghĩa như “đâu”- nghi vấn từ, nay gần như mất dấu). Đâu chỉ có tình trai gái mới nhớ nhau, cho dù đấy là nỗi nhớ đáng… kể, đáng nể nhất ở trường đoạn thời gian thanh xuân đẹp nhất đời người. Thời nào chả thế, “có nam có nữ mới nên xuân”, các cụ nói, lại nói bằng thành ngữ, có bao giờ sai! Mà không có xuân còn chi là đời!

Bạn tri âm, nhiều người chỉ cần có vốn văn học cổ tầm tầm cũng biết xuất xứ từ một điển cổ văn học cổ Trung Hoa, chuyện Bá Nha với Tử Kỳ. Khi Bá Nha gẩy đàn, trong đầu anh ta nghĩ gì, cảm gì thì “phổ” vào tiếng đàn, ví như nghĩ đến suối reo thì tiếng đàn như có tiếng suối reo, nước chẩy chẳng hạn,vân vân. . . Chợt nhớ thơ Kiều tả tiếng đàn của nàng Kiều qua thẩm âm của cụ Nguyễn Tiên Điền và. . . chàng Kim :” Trong như tiếng hạc bay qua –Đục như nước suối mới sa nửa vời- Tiếng khoan như gió thoảng ngoài –Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”.

Chả biết chàng Kim thẩm âm ra làm sao, chỉ thấy “phán” rằng: ” Rằng hay thì thật là hay-Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” !. Còn tiếng đàn Bá Nha ?. Duy nhất chỉ có một anh chàng Chung Tử Kỳ là “lắng tai nghe” thấy tiếng đàn Bá Nha mà thôi. Nên khi Tử Kỳ qua đời (chắc vì bạo bệnh, chết trẻ) Bá Nha cũng đập tan “cây đàn nuôn điệu” (Thế Lữ) của mình, nhìn đời bẳng. . . “nửa con mắt trắng”, mắt xanh chẳng để ai vào. . . .vì cho rằng thế gian này không còn ai “biết ” ( nghĩa của “tri”- chữ Hán) nghe, biết thưởng thức, biết thẩm âm, biết bình giải tiếng đàn hàm chứa “tiếng nói trái tim” của anh ta nữa!

Chợt nhớ câu thơ Kiều tuyệt hay nhắc tới điển cố này “Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”. Thế mới hay người xưa cao kiến, cao thủ quá trong việc “chọn bạn mà chơi”, mà giao du học hỏi, mà bồi bổ cho nhau thế giới tinh thần tình cảm qua thế giới nghệ thuật cầm kỳ thi họa. “Tương tri như thế mới là tương tri”, “Tri âm như thế mới là tri âm” đáng ngả mũ nghiêng mình kính nể, ngưỡng vọng chứ! Đấy là, thường là các bậc hiền giả ,hiền sĩ, ” hiền nhân quân tử” (Chữ của Bà Chúa thơ Nôm); nghĩa là những người có học, có “chữ thánh hiền”, những người cõng ba bồ sách thiên hạ hoặc chí ít cũng cõng một hòm sách quý trên lưng!

Còn người bình dân tương tư- nhớ nhau thì giản dị chất phác lắm lắm. Nhớ câu ca dao Nam Bộ “Cơm ăn một bát lưng lưng- Uống nước cầm chừng để dạ thương em”. Thứ cơm ấy, thứ nước ấy chắc chắn trăm phần không phải của nhà phú hào quen với của ngon vật lạ, sơn hào hải vị, lại càng không phải đặc sản rừng, đặc sản biển cộng “uyt-sơ-ki” Tây xịn bạc triệu đắt tiền.

Có một thực tế không ai phủ nhận được là từ cổ chí kim, những mối tương giao tri âm bị tan vỡ bởi sự bội phản lọc lừa thì ở giới bình dân, ở người lao động mưu sinh nhọc nhằn bao giờ tỷ lệ cũng thấp, cũng nhỏ bé so với giới thượng lưu quý phái quý tộc “quý của hơn người” “quý vàng hơn nghĩa”; so với đủ loại đại ca đại gia “trọng . . . chân dài” hơn trọng nghĩa phu thê!. Tự nhiên nhớ tới những câu ca dao vừa quen lại vừa lạ. “Một ngày hai bữa cơm đèn- Lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng”, “Chồng ta áo rách ta thương-Chồng người áo gấm xông hương mặc người”, “Trèo lên trên núi đốt than- Anh đi Tam Điệp em mang nón trình- Củi than nhem nhuốc với tình- Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên”,”Giơ tay mà ngắt ngọn ngò- Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ” vân vân và vân vân…

Người ta phải tri âm – biết tiếng nhau, biết tình nhau sâu sắc lắm lắm, tình sâu nghĩa nặng lắm lắm mới có thể cho nhau, tặng nhau, dâng hiến cho nhau một “khối nhân tình” “trong ngọc trắng ngà” cao quý như thế ở đời. Mà cuộc đời của người bình dân ngày xưa, người chân lấm tay bùn ngày xưa hết khổ ải trầm luân thời phong kiến trung cổ “một nghìn năm nô lệ giặc. . . .phương Bắc (!)” kéo thêm thời “một trăm năm nô lệ thực dân” phương Tây xâm lược thời cận, hiện đại.

Đặt những mối tri âm giữa người với người trong bối cảnh lịch sử vong quốc nô đen tối ấy, nói văn hoa hình ảnh, có khác gì những đóa sen nở trên bùn hay những ánh chớp giữa đêm đen. Những mối giao tình, thâm tình tri âm “cực chuẩn” như thế hiếm mà cũng không hiếm ở đời này. Hiển nhiên thật khó có tình tri âm “toàn diện” “thập toàn” như trong tiểu thuyết, như trên sân khấu, như . . . . thơ tình

Người ta cũng có thể chỉ tri âm một khía cạnh nào đó tùy “chuẩn mực” đạo đức hay lối sống, lối cảm, lối nghĩ của riêng mỗi người. Có người thân nhau vì cùng sở thích bóng đá, “ăn bóng đá” ” ngủ bóng đá”. Lại có người “biết” nhau vì cùng chung sở đoản. . . chơi cờ hay . . .tá lả ! Điệu nghệ hơn có đôi bạn thân nhau chỉ vì cùng sở thích “bước nhẩy hoàn vũ” chẳng hạn. . .Đẳng cấp hơn có người chơi với nhau vì cùng chung “gu nghệ thuật”, tranh cổ điển,nhạc tiền chiến, nhạc Văn Cao, nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Phạm Duy, Đoàn Chuẩn vân vân. Thế thôi cũng là quý rồi; ở đời mình biết cho nhau niềm vui thường nhật!

Nghĩ lan man đến thới hậu hiện đại a-còng. Thôi thì đủ loại bạn, đủ cấp độ bạn, kể cả hai thứ bạn đặc thù là bạn tình, tình nhân và bạn hữu, ai dám đoan chắc người tri âm thời nay đông hơn về số lượng và cao hơn thời xưa về chất lượng tinh thần? Các cụ dạy con cháu, cô đúc trong một câu “phú quý bất năng dâm- bần tiện bất năng di”, đại ý giầu không mê muội thay lòng, nghèo không đổi dạ. Thay lòng đổi dạ, “giầu đổi bạn, sang đổi vợ” chuyện nhỏ, chuyện thường nhật “chật chỗ” mặt báo viết đủ loại lá đa lá đề lá cải lá nho thời nay mất rồi! Các cụ nghệ nhân tuyệt vời thời xưa còn hoàn thiện vở chèo tuyệt hay về tình bạn cao cả Lưu Bình- Dương Lễ, khán giả thời nào cũng nhiều người mê. Lo cho bạn, vì bạn, được như gương Dương Lễ “tự nguyện tự giác để vợ đi nuôi bạn ăn học” đỗ đạt làm quan, đổi đời trông thấy, hỏi trong cuộc đời thực, dễ có mấy người? !

Hình như trong cuộc sống quá nhiều phần tranh đoạt, bon chen, nhiều mưu ma chước quỷ cùng quá lắm bất trắc bất an hiện nay, không hiếm nơi, không ít chỗ u u minh minh tranh tối tranh sáng. Người tri âm lặn sâu đâu chẳng thấy, chỉ thấy nổi lên quá lắm kẻ được. . . lãnh đạo chỉ định, định danh “thoái hóa biến chất” “một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức có quyền”, “bầy sâu ăn hết phần của dân” khiến có . . .nhà thơ cảm khái than thở . . . chất người thời nay “bọt bèo thì nổi phù sa thì chìm”!

Đấy là đám người tùy thời trục lợi, kẻ tri kỷ- không phải theo nghĩa “biết mình biết người” tri âm tri kỷ tốt đẹp, mà là chỉ cần “biết” có mình, thực chất là tư lợi vị kỷ và “biết người”. . . thừa tiền tài, quyền lực; biết sử dụng sức mạnh của quyền lực đồng tiền, Tự nhiên nghĩ tới câu thơ của cụ Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc “Vui gì thế sự mà mong nhân tình”. Không mong không ước có/được nhân tình, tình người với nghĩa nhân bản nhân văn cao quý, hỏi làm sao mà những ai đã vượt mốc nhân sinh “xưa hiếm nay không hiếm” sống vui sống khỏe sống có ích cho đời, vì đời đây, thưa quý vị đã lên ông lên bà?! ./ .

Yêu bản thân mình là một cách lan tỏa tình yêu




Photo: Richard Stewart James Gaston


“Mình không vì mình, trời tru đất diệt”

Có một người bạn của tôi, sắp ra trường, xem ra cũng có khá nhiều tâm sự. Hôm nay bạn viết status, ý rằng “Có nhiều thứ tình yêu còn quan trọng hơn tình yêu cá nhân” – Thực ra tôi vẫn không hiểu ý lắm – tình yêu cá nhân ở đây là tình yêu nam nữ, hay tình yêu dành cho bản thân mình? Dù sao đi nữa, cái vế đầu tiên có hai chữ “tình yêu” và “quan trọng” – khiến tôi nghĩ đến ngay cái clip của chú Ralph – “How to love yourself”

Nói cái cụm “yêu bản thân mình” thật là sáo rỗng, vì nó đã xuất hiện ở hàng tỷ tỷ nơi – viết thế này cũng hơi bị sáo rỗng, vì muốn không sáo rỗng – thì phải biết hành động kia. Nhưng dù sao đi nữa, tôi rất yêu bản thân mình, và mỗi khi tôi muốn viết, thì tôi sẽ viết, chỉ đơn giản thế thôi, còn ai thấy sáo rỗng và thuyết lý, cứ việc. Tôi cứ viết.

Tưởng rằng “mình không vì mình” là một chuyện thật kỳ lạ, nhưng thực ra đa số trong chúng ta lại “vì mình” rất ít. Chẳng qua cái sự “trời tru đất diệt” nó âm ỉ, chẳng qua ông trời không thích đổ ập một phát xuống đầu cho chúng ta một sự ra đi trong hoành tráng và thảnh thơi, cái “người” được mệnh danh là “trời” “đất” sẽ làm cho chúng ta hối hận và thấm thía. Chỉ khi đi đến cuối cuộc đời, chẳng còn thời gian mà yêu mình nữa…

Phải đến hơn 20 tuổi, tôi mới ngộ ra “chân lý” đó, qua cái clip của chú Ralph, qua những sự việc, những người mình đã trải qua, và đúng là thấm thía…

Chẳng ai tưởng tượng nổi một cô gái vui tươi như tôi đã từng có những lúc tâm trạng thật đáng sợ. Tôi cảm giác mọi thứ xung quanh mình như không thuộc về mình. Tôi cảm thấy trống trải. Tôi cảm giác không có ai đứng về phía mình. Tôi rất dễ khóc và tức giận, cảm thấy chênh vênh với những thứ gọi là “ước mơ” của mình. Tôi cảm giác bạn bè rời xa tôi.. Cứ như một con bé tự kỷ và u ám.

Nhưng cũng thật kỳ diệu, vì có lẽ tôi quá tốt số, vì may mắn luôn bên cạnh tôi, mà dần dần tôi ngộ ra được, tất cả mọi thứ xung quanh, đều do mình mà ra cả. Sức mạnh không nằm ở người ngoài, sức mạnh nằm ở chính bản thân mình…
Yêu bản thân mình đi. Tại vì…

Tại vì có ai “độc nhất vô nhị” như bạn đâu? Như những người bạn xung quanh tôi, chẳng người nào giống người nào cả. Ờ thì đôi lúc cũng có hao hao giống nhau mắt, mũi, hoặc một số bộ phận khác không thể nêu tên, thậm chí có những người có giọng nói cực giống nhau nữa. Nhưng không có cái máy copy nào lại ra được y xì xì như bạn cả.

Tại vì chẳng có ai điều khiển được mọi thứ xung quanh bạn như bạn cả. Ờ, thật ra chẳng có gì “làm gì” bạn cả, vấn đề là ở chỗ cách bạn “re-act” lại với cái bạn nghĩ nó đã “làm gì” bạn. Nắm được điều này, bạn sẽ cảm thấy mình làm chủ được tất cả mọi thứ, sẽ không còn cảm giác oán thán trách giận, coi mình là nạn nhân của mọi thứ, của mọi người. Nắm được điều này, bạn sẽ thấy mình thật mạnh mẽ. Hãy luôn nhớ câu này: “I take 100% reponsibility of my life.” Chỉ cần luôn giữ được thái độ đúng đắn, bạn sẽ luôn thấy mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của mình…

Như chuyện…rất giản dị và đời thường, là chiếc tông bị đứt quai của tôi. Hôm đó đi xe, rất đông, vì ngồi đầu xe nên tôi để dép ở dưới, anh phụ xe đã cho một chị đi dép cao mượn, và hình như do chân mình quá nhỏ, nên chị ấy đã làm đứt một bên. Tất nhiên, lúc đó tôi hoàn toàn có quyền giận dữ. Đó là một trong hai con người luôn trong tôi. Nhưng thật may mắn, tôi đã chọn con người thứ hai, nên đã cười tươi và chấp nhận… đi chân đất về nhà.

Đằng nào thì chiếc tông ấy chẳng đứt, giận dữ không giúp nó lành lại được, còn vẫn vui vẻ và tươi cười khiến tôi cảm thấy mình làm chủ được tình huống, giữ được sự thân thiện tươi vui với mọi người, và làm cho không khí xung quanh tôi luôn tươi tắn – đó là điều tôi muốn. Có lẽ nhiều người sẽ chọn cách không giận dữ, nhưng đảm bảo sẽ không vui tươi bằng tôi lúc đó, bởi vì tôi thấy mọi người xung quanh bị… ngạc nhiên.
Yêu bản thân mình là một cách lan tỏa tình yêu

Với bất kỳ điều gì, đều có sức lan toả. Suy nghĩ tiêu cực lan tỏa, lây lan. Suy nghĩ tích cực cũng thế. Tình yêu cũng thế. Chỉ khi bạn biết trân trọng giá trị của bản thân mình, bạn mới biết yêu người khác.

Đó là lý do tôi rất… không thích, và hay… bắt bẻ những bài hát nhạc trẻ thất tình, hoặc… không thất tình, đều có mấy câu kiểu kiểu: “Yêu anh/yêu em hơn chính bản thân mình.” Tôi sẽ không bao giờ yêu một chàng trai nào đi yêu tôi hơn chính bản thân mình cả, vì đó không phải là tình yêu. Đó chỉ là thứ tình cảm lệ thuộc, bám víu lẫn nhau. Tất nhiên, con người ta rất cần nhau, nhưng không có ai cần ai HOÀN TOÀN, trong suốt cả cuộc đời cả.

Yêu bản thân mình, nghĩa là bạn nâng cao rung cảm với thế giới. Chắc các bạn biết cụm từ “bắt sóng cảm xúc” đúng không. Cho một nụ cười, trong hầu hết các trường hợp, các bạn sẽ nhận lại được nụ cười, thậm chí còn nhiều nụ cười nếu các bạn cười với nhiều người cùng một lúc – nếu thấy lười. Một nụ cười, hai nụ cười, ba bốn và nhiều nụ cười, sẽ mang lại nhiều niềm vui hơn, nhiều không khí thân thiện hơn.
Cho đi một sự chia sẻ, một niềm vui, một sự động viên, khích lệ, các bạn sẽ nhận lại rất nhiều…

Và đó là lý do tôi, một đứa học tiếng Anh chẳng ra đầu, chẳng ra cuối, đã viết những note, status cho các bạn trong friendlist mà không ngại ngần người khác nói ti toe với mong muốn chân thành sẽ giúp các bạn yêu thứ tiếng mà tôi cũng đang yêu…

Đó cũng là lý do tôi viết bài viết này này, rất nhiều bài viết tương tự , với mong muốn nhỏ, là có một vài người đọc được những sự chia sẻ của mình, trước hết, là thỏa mãn bản thân, và sau nữa, biết đâu, nó lại có ích cho các bạn.

Đó cũng là lý do tôi làm hàng tỉ tỉ thứ khác. Tôi rất thích ở bên cạnh những người thân, bạn bè của tôi. Tôi thích kể chuyện cười nhí nhố. Tôi thích vui vẻ. Tôi thích mang lại cho họ niềm vui, nguồn động lực. Tôi vẫn chưa rõ tôi sẽ thành gì, nhưng tôi thích thành keo dán, để gắn kết mọi thứ. Có thể không cần phải là một nhà lãnh đạo, một leader, lạ thật, tôi chẳng thích vị trí nổi bật, tôi thích mình như một… hạt nước, giống những hạt nước khác. (tất nhiên là cũng phải khác nữa chứ)

Ừ, tôi thích tôi vẫn cứ lùn như thế, vẫn lóc chóc như thế, vẫn được người lớn xoa đầu như thế. Tại tôi rất yêu tôi. Tình yêu lúc nào cũng đẹp.

Ừ, cuộc sống là để chia sẻ, để trải nghiệm và để yêu. Yêu và ghét, ghét thì khó chịu, vậy tội gì mà không yêu. Yêu đi nhé, yêu mình trước ấy.



Totto Chan


Nơi nào ta sống thật, đó là thế giới thật




Photo: Karen D Tregaskin



Máy vi tính thật sự là một phát minh vĩ đại, nó ảnh hưởng đến tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống và tạo ra thêm rất nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Nhưng nó chỉ thật sự trở nên gần gũi với người dân khi Bill Gates cùng các cộng sự tạo nên hệ điều hành đầu tiên và sau đó là các phiên bản Windows – những giao diện giúp người dùng khai thác, sử dụng và gần gũi với máy tính nhiều hơn. Rồi mạng internet xuất hiện để mọi người chia sẻ dữ liệu với nhau, truyền thông tin cho nhau, rồi các loại trò chơi trực tuyến, các mạng xã hội ra đời dần dần hình thành nên một thứ mà chúng ta gọi là “thế giới ảo”. Và đã là thế giới thì tối thiểu phải có hai thứ: Ánh sáng và bóng tối.

Ánh sáng ở đâu? Hãy nhìn quanh và bạn có thể dễ dàng thấy ánh sáng khắp nơi. Loài người là sinh vật sống trong ánh sáng. Ngay cả việc bạn có thể đọc những dòng này cũng là một phần ánh sáng của công nghệ thông tin. Nơi nào có ánh sáng thì nơi đó có bóng tối. Về bản chất thì bóng tối cũng như ánh sáng, nhưng bởi vì nó là cái gì người ta không thể nhìn thấu, là thứ người ta sợ hãi, xa lánh nên nó trở thành nguyên liệu tốt nhất cho những câu chuyện ma, chuyện kinh dị và dần dần thành hiện thân của cái ác, cái xấu. Đó là do chúng ta làm cho ánh sáng và bóng tối thành như vậy chứ chẳng có thánh thiện hay tà ác nào ở đây.

Internet, game online hay mạng xã hội cũng như vậy. Khi đã tạo ra một “thế giới ảo” thì ta cần biết nó cũng có ngày và đêm, cũng có ánh sáng và bóng tối. Ngày thì làm việc, đêm thì nghỉ ngơi. Sáng ngắm bình minh, chiều ngắm hoàng hôn, tối thì ngắm trăng sao. Đó mới là cách hưởng thụ cuộc sống.Thế nhưng có một số lập luận lại chỉ ra bóng đêm nguy hiểm thế này, tai hại thế kia để kéo theo rằng ánh sáng cũng chả ra gì và nên từ bỏ cái “thế giới ảo” để “trở về cuộc sống thực”?!

Tôi cho rằng: Ảo hay thực là cách bạn sống, không phải là thế giới mà bạn sống trong đó.

Bạn cho rằng không nên suốt ngày cắm đầu vào máy tính hay điện thoại, kéo kéo từng trang mạng xã hội, chúi mũi vào các video, không nên gửi tâm trạng vào các dòng status, không nên trò chuyện với những người bạn quen biết trên mạng xã hội… vì những điều đó là không thật? Bạn khuyên nên tắt máy tính, chạy ra ngoài xã hội, gặp gỡ người thật, làm những việc thật… thì mới là thật?! Liệu có chắc rằng những người nghe lời khuyên của bạn khi bỏ cái “thế giới ảo” này để chạy sang “thế giới thật” lại không trở thành những kẻ ngồi lê đôi mách, tụ tập chơi bời, quậy phá nhậu nhẹt…?

Cũng giống như nói về vấn đề “cai nghiện facebook” của một số bạn, tôi từng nói là: Một ngày của chúng ta ai cũng có 24 giờ thôi, nếu bạn thật sự muốn cuộc sống thú vị hơn thì cứ tìm việc thú vị, có ích mà làm, tự nhiên thời gian dành cho facebook sẽ giảm lại hoặc không còn nữa. Còn nếu bạn không có việc gì khác để làm thì bỏ facebook rồi bạn cũng sẽ tìm đến một thứ khác để giết thời gian thôi.

Quan trọng hơn là nhiều người do muốn đạt mục đích lại lập luận một cách lệch lạc, lấy cái hay của thế giới này so với cái dở của thế giới kia. Giống như một người vô công rỗi nghề, thích ăn diện, show hàng, khoác lác… từ thế giới ảo nhảy qua thế giới thực một phát là trở thành con ngoan trò giỏi, thanh niên gương mẫu vậy. Cách so sánh đó mới “ảo” làm sao!

Nếu bạn là một người năng động, thích tiệc tùng, tụ tập, cười đùa với bạn bè, hãy nghe Criss Jami nói câu này:


“Telling an introvert to go to a party is like telling a saint to go to hell.”

Nghĩa là: “Bảo một người hướng nội đi dự tiệc cũng giống như bảo một vị thánh xuống địa ngục vậy.”

Nếu muốn tìm hiểu thêm thế nào là người hướng nội, và họ khác với những người hướng ngoại như thế nào, hãy xem video “The power of an introvert” của Susan Cain. (có phụ đề tiếng Việt)

Điều tôi muốn nói qua những trích dẫn trên là: Sự khác biệt, sự phù hợp và sự lựa chọn. Đừng đắm mình trong thế giới ảo để chìm sâu trong đó nếu bạn không thật sự muốn như vậy. Nếu bạn biết mình đang làm gì và đó thật sự là cuộc sống mà bạn chọn, bạn hạnh phúc với nó, thì tại sao không?! Bạn vẫn có thể có nhiều bạn bè, vẫn có thể tạo ra giá trị trong thế giới ảo này, và những giá trị đó là giá trị thực. Đừng quan niệm giá trị ảo thì không phải là giá trị. Bạn nghĩ rằng Google là những cổ máy trong một cái xưởng khổng lồ thôi sao? Không, Google đâu phải những cổ máy đó, Google là cái ảo nhưng nó mang đến giá trị thật, nó nuôi sống và giúp ích cho hàng triệu triệu người.

Lại nói, trong “cuộc sống thực” này mọi người đều sống thật hay sao? Bao nhiêu người sống vì cách nhìn của người khác, sống theo chuẩn mực của người khác, làm việc và học tập vì lý tưởng của người khác? Bao nhiêu người chết vì cái “sĩ diện hão”? Ở xã hội thực này lại thiếu những cái “ảo” đó hay sao?! Người ta đối xử với nhau bằng chân tình cả sao, tiếp xúc với nhau thì không lừa dối nhau, tổn thương nhau sao? Những người yêu, người vợ, người chồng ngoài đời này lừa dối, phụ bạc nhau ít sao?

Nếu nhìn một cái nhìn hư ảo, thì cuộc đời này có cái gì là thật đâu bạn. Tất cả mọi thứ đều chỉ là mây gió thoảng qua thôi. Điều quan trọng để xác định một thứ gì đó là thật hay ảo đối với bản thân ta chính là ta có thật sự đặt tâm trí mình vào đó hay không, ta có đang “sống” trong đó hay không. Nơi nào ta sống thật, nơi đó là thế giới thật.



Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Đam mê



Alice Munro
♦ Chuyển ngữ: Hồ Như




Khi Grace đi tìm căn nhà nghỉ hè cúa gia đình Travers trong Lũng Ottawa, đã nhiều năm chị không ghé vùng này. Dĩ nhiên đã có thay đổi. Xa lộ 7 giờ đây nằm ngoài những thị trấn trước kia nó chạy ngang qua, và thẳng ở những khúc chị nhớ đã là đường cong. Đa số bản đồ không đủ chỗ để vẽ những hồ nhỏ ở vùng Shield của Canada. Thậm chí khi chị tìm thấy Hồ Sabot, hoặc nghĩ chị đã tìm thấy, dường như có quá nhiều đường nhỏ từ đường quận đến hồ, và rồi, khi chị chọn một lối, quá nhiều đường tráng nhựa cắt ngang lối ấy, với những cái tên chị không nhớ. Thực ra, khi chị ở đây hơn 40 năm về trước thì không có cái tên đường nào cả. Cũng không có lớp nhựa tráng – chỉ một con đường đất chạy về phía hồ, rồi một con đường khác ngẫu nhiên chạy dọc theo bờ hồ.

Giờ thì có một ngôi làng. Hoặc có lẽ là một khu ngoại ô, vì chị không thấy sở bưu điện hoặc thậm chí một tiệm tiện lợi ít hứa hẹn nhất. Khu dân cư nằm trên dãy 4,5 con đường dọc bờ hồ, với những căn nhà sát nhau trên những lô đất nhỏ. Một số chắc hẳn là nhà nghỉ hè – những cửa sổ đã được đóng nẹp gỗ như thường lệ cho mùa đông. Nhưng nhiều căn nhà khác dường như là nơi ở quanh năm – phần nhiều của những người chất đầy sân nhà với những bộ tập thể dục bằng nhựa, lò nướng ngoài trời, xe tập thể dục, xe gắn máy, và bàn picnic, nơi họ đang ngồi ăn bữa trưa hoặc uống bia trong ngày tháng 9 ấm áp hôm nay. Những người khác, không lộ diện – có lẽ những học trò hoặc những người hippie sống một mình – treo cờ hoặc giấy thiếc làm màn cửa. Những căn nhà nhỏ, rẻ tiền, không đến nỗi tệ, một số đã được sửa để chống đỡ mùa đông và một số thì không.

Lẽ ra Grace đã quay về nếu chị không nhìn thấy căn nhà hình bát giác với hình chạm trổ viền theo mái nhà và mỗi hai bức tường lại có một cửa. Căn nhà của gia đình Woods. Chị vẫn nhớ nó có 8 cửa, nhưng dường như nó chỉ có 4. Chị chưa bao giờ vào nhà để xem nếu nó chia thành phòng thì cách chia phòng như thế nào. Lúc ấy ông bà Woods đã già – như Grace bây giờ – và dường như không có con cái bạn bè nào thăm viếng. Căn nhà kiểu cổ, độc đáo của họ giờ đây có vẻ trơ trọi và sai lầm. Láng giềng sát hai bên nhà là những người với máy chơi nhạc cầm tay và những chiếc xe tháo gỡ dang dở, những đồ chơi và đồ giặt.

Căn nhà của gia đình Travers cũng thế, khi chị tìm thấy nó, xa hơn một phần tư dặm. Con đường giờ đây chạy quá căn nhà, thay vì chấm dứt ở đấy, và những căn nhà bên cạnh chỉ cách hàng hiên rộng vòng quanh nhà vài bộ Anh.

Nó là căn nhà đầu tiên kiểu ấy Grace nhìn thấy – một tầng, mái nhà phủ liền với mái hàng hiên – kiểu nhà khiến người ta nghĩ đến những mùa hè nóng nực. Từ ngày đó chị đã thấy nhiều căn nhà tương tự ở Úc.

Trước kia, người ta có thể chạy từ hàng hiên đến cuối khoảng đậu xe bụi bặm, qua một mảnh đất cát đầy cỏ và dâu dại bị dẫm đạp rồi nhảy – không, thực ra là lội – vào hồ. Giờ đây Grace gần như không thể thấy mặt hồ, vì một căn nhà lớn – một trong vài căn nhà ngoại ô thông thường ở đây với nhà để xe hai chỗ – đã mọc lên trên chính lối đi ấy.

Thực sự Grace tìm kiếm điều gì khi chị vào chuyến thám hiểm này? Có lẽ điều tệ nhất là tìm thấy đúng thứ chị nghĩ chị muốn tìm – mái nhà che chở, những cửa sổ lưới, hồ nước trước mặt, hàng cây phong và cây tuyết tùng và cây nhựa Gilead phía sau. Sự bảo tồn toàn hảo, quá khứ nguyên vẹn, khi với chị thì hoàn toàn không phải thế. Tìm thấy một thứ đã suy giảm đến mức ấy, vẫn tồn tại nhưng đã biến thành vô nghĩa – dường như là căn nhà gia đình Travers bây giờ, với những cửa sổ trên mái, màu sơn xanh đến giật mình – về lâu dài có thể ít đau đớn hơn.

Và nếu nó đã hoàn toàn biến mất thì sao? Chị có thể rối lên, nếu có người lắng nghe, chị có thể than vãn sự mất mát của nó. Nhưng chị cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì rối rắm và ràng buộc xưa đã không còn, phải không?

o0o

Ông Travers đã xây căn nhà – đúng ra là thuê xây – làm món quà cưới bất ngờ cho bà Travers. Khi Grace thoạt nhìn thấy nó, có lẽ nó khoảng 30 năm tuổi. Con cái của bà Travers cách nhau nhiều năm. Gretchen, 28 hoặc 29, đã kết hôn và làm mẹ; Maury, 21, sắp học năm cuối cùng đại học, và Neil, giữa độ 30. Nhưng Neil không phải mang họ Travers. Anh là Neil Borrow. Trước kia bà Travers đã từng kết hôn, với người đàn ông lúc ấy đã mất. Trong vòng vài năm, bà đã kiếm sống và nuôi con bằng nghề giáo dạy tiếng Anh kinh doanh ở một trường thư ký. Ông Travers, khi nhắc đến giai đoạn này trong cuộc đời bà, cho nó là một thời gian khó khăn, gần như hình phạt khổ sai, một điều chưa hoàn toàn được đền bù bằng cả cuộc đời êm ấm ông vui lòng cung cấp.

Chính bà Travers thì không nói thế. Bà đã sống với Neil trong một căn nhà lớn chia thành những chung cư, gần đường rầy ở thị trấn Pembroke, và nhiều câu chuyện bà kể trong bữa ăn tối là về những sự kiện ở đấy, về những người mướn chung nhà, và người chủ nhà dân vùng Pháp Canada có giọng Pháp gay gắt và tiếng Anh lẫn lộn bà nhái lại. Những câu chuyện có thể có tựa đề, như những câu chuyện của James Thurber mà Grace đã đọc trong “Toàn tập khôi hài Mỹ,” không hiểu sao nằm trên kệ thư viện phía sau phòng học lớp 10 của cô. “Đêm bà lão Cromarty leo lên nóc nhà.” “Làm thế nào người đưa thư tán tỉnh Cô Flowers.” “Con chó ăn cá mòi.”

Ông Travers không bao giờ kể chuyện và ít nói trong bữa ăn tối, nhưng nếu ông thấyngười nào nhìn lò sưởi bằng đá chẳng hạn, ông có thể nói, “Có thích đá không?” và kể rằng ông đã tìm mãi loại đá granite màu hồng, vì có lần bà Travers đã bật thành tiếng khi nhìn thấy loại đá ấy ở một vết cắt trên đường. Hoặc ông có thể chỉ ra những đặc điểm không hẳn khác thường chính ông đã thêm vào căn nhà – ngăn tủ chén đĩa trong góc nhà bếp xoay ra ngoài, khoảng chứa đồ dưới bệ cửa sổ. Ông là một người cao, khòm với giọng nói nhỏ nhẹ và làn tóc thưa rẽ lệch trên đầu. Ông mang giày tắm khi ông vào nước, và dù ông không có vẻ mập khi mặc quần áo, một mảng thịt màu trắng thõng xuống qua cạp quần tắm của ông.

o0o

Grace đang làm việc mùa hè ở khách sạn tại Thác Bailey, ngay phía bắc của Hồ Sabot. Đầu mùa, gia đình Travers đã đến dùng bữa tối ở đấy. Cô không chú ý đến họ – tối ấy nhiều khách, và họ không ngồi bàn thuộc phần cô. Cô đang chuẩn bị bàn cho một nhóm khách mới khi cô nhận ra có người đang chờ để nói với cô.

Đấy là Maury. Cậu nói “Tôi muốn biết cô có bằng lòng đi chơi với tôi không?”

Grace hầu như không rời mắt khỏi muỗng nĩa. Cô nói “Bị thách à?” Vì giọng cậu cao và bối rối, vì cậu đơ người đứng đấy, như thể tự bắt buộc, và ai cũng biết đôi khi một nhóm thanh niên ở những nhà nghỉ sẽ thách nhau mời một cô hầu bàn đi chơi. Cũng không hẳn là trò đùa – họ sẽ đến, nếu được đồng ý, tuy đôi khi họ chỉ định đậu xe mà không đưa cô gái đi xem phim hoặc thậm chí uống cà phê. Thế nên sự chấp thuận của cô gái sẽ bị xem là đáng hổ thẹn hơn là cứng cỏi.

“Sao hả?” cậu khổ sở nói, và Grace ngừng tay nhìn cậu. Dường như cô đã nhìn thấy tất cả cậu trong khoảnh khắc ấy, con người thực của Maury. Sợ hãi, dữ dội, ngây thơ, kiên quyết.

“O.K,” cô nói nhanh. Có thể cô định nói O.K, bình tĩnh lại, tôi biết không phải anh bị thách. Hoặc, O.K, tôi sẽ đi chơi với anh. Chính cô cũng không rõ cô định nói gì. Nhưng cậu chấp nhận đấy là sự đồng ý, và thu xếp ngay – mà không hạ giọng hoặc chú ý đến những cái nhìn của thực khách chung quanh họ – để đón cô sau giờ làm việc vào tối ngày hôm sau.

Cậu đưa cô đi xem phim thực. Họ xem “Cha của cô dâu.” Grace ghét cuốn phim. Cô ghét những cô gái như nhân vật của Elizabeth Taylor – những cô gái nhà giàu được nuông chiều không bị yêu cầu làm điều gì ngoài việc nũng nịu và vòi vĩnh. Maury nói rằng đấy chỉ là cuốn phim hài, nhưng cô bảo cậu rằng đấy không phải là vấn đề. Cô không thể nói rõ vấn đề là gì. Ai cũng có thể cho rằng đấy là vì cô làm việc hầu bàn và nghèo quá không thể đi học đại học, và vì, nếu cô muốn một đám cưới như thế, cô sẽ phải dành dụm nhiều năm để tự trả. (Maury quả thực nghĩ như thế, và lập tức kính trọng cô, gần như là tôn thờ).

Cô không thể giải thích hoặc thậm chí hiểu rằng cô không cảm thấy ghen tỵ mà là giận dữ. Và không phải vì cô không thể mua sắm như thế hoặc ăn mặc như thế nhưng vì làm con gái là phải như thế. Đấy là điều đàn ông – người ta, bất cứ ai – nghĩ con gái phải như thế: xinh đẹp, được nâng niu chiều chuộng, ích kỷ, ngu ngốc. Con gái phải như thế thì mới được yêu. Rồi cô ta sẽ thành mẹ và sướt mướt tận hiến cho những đứa con thơ của mình. Không còn ích kỷ, nhưng vẫn ngu ngốc như thế. Mãi mãi.

Grace bực tức về chuyện này trong khi ngồi cạnh cậu trai đã yêu cô vì cậu đã tin – ngay lập tức – vào sự chính trực và độc đáo của tâm trí và linh hồn cô, thấy sự nghèo khó của cô như lớp sơn bóng lãng mạn phủ lên. (Cậu phải biết cô nghèo, không những chỉ vì việc làm của cô, mà còn vì giọng nói Lũng Ottawa của cô).

Cậu tôn trọng cảm giác của cô về cuốn phim. Quả thế, sau khi lắng nghe cô chật vật giải thích một cách giận dữ, cậu chật vật đáp lời. Cậu nói cậu nhận ra rằng đấy không phải điều rất đơn giản, rất nữ tính, như ghen tỵ. Cậu biết thế. Đấy là cô không chịu nổi sự phù phiếm, không bằng lòng giống như đa số các cô gái. Cô đặc biệt.

Lúc ấy Grace đang mặc một váy đầm kiểu ballerina màu xanh dương đậm, áo trắng, vòm ngực lộ rõ qua những lỗ ren, và một dây lưng to bản bằng thung màu hồng. Rõ ràng có sự bất đồng giữa cách cô ăn mặc và cách cô muốn người ta xét đoán mình. Nhưng cô không có vẻ gì đỏm đáng hoặc kiểu cách hoặc lịch lãm theo lối của thời ấy. Thật ra thì trông cô không thanh lịch mấy. Làm ra dáng Gypsy, với những vòng sơn màu bạc rẻ tiền nhất, và mái tóc dài quăn rối cô phải buộc lưới khi hầu bàn.

Đặc biệt.

Cậu kể về cô với mẹ cậu, và mẹ cậu bảo “Con phải mang cô Grace này đến ăn tối mới được.”

Tất cả mới mẻ đối với cô, tất cả lập tức thú vị. Thật ra, cô yêu bà Travers gần hệt như Maury yêu cô, dù dĩ nhiên theo bản tính cô không để lộ vẻ kinh ngạc, tôn thờ rõ rệt như Maury.

o0o

Dì và dượng của Grace, thật ra là bà dì và ông dượng, đã nuôi cô lớn lên. Mẹ cô mất khi cô 3 tuổi, và cha cô dời đi Saskatchewan, rồi lập gia đình khác ở đấy. Cha mẹ thay thế của cô tử tế, thậm chí hãnh diện về cô. Nhưng họ không nói chuyện nhiều. Ông dượng kiếm tiền bằng nghề đan ghế mây, và đã dạy Grace cách đan mây để cô có thể giúp ông và sau này nối nghiệp khi mắt ông kém đi. Nhưng rồi cô có việc mùa hè ở Thác Bailey, và dù ông không muốn để cô đi – bà dì cũng thế – họ tin rằng cô cần nếm vị cuộc đời trước khi ổn định.

Cô 20 tuổi và mới tốt nghiệp trung học. Lẽ ra cô phải học xong một năm trước, nhưng cô đã có một lựa chọn lạ lùng. Thị trấn nơi cô ở – không xa Pembroke của bà Travers – rất nhỏ, thế mà cũng có một trường trung học năm cấp lớp, để chuẩn bị học sinh cho những kỳ thi chính phủ và điều lúc ấy có tên là tuyển sinh đại học. Không hề cần thiết phải học hết các môn, và đến cuối năm học đầu tiên của cô ở cấp lớp 13 – lẽ ra là năm cuối của cô – Grace thi lịch sử và thực vật học và động vật học và Anh ngữ và Latin và Pháp ngữ, được điểm cao hơn mức cần thiết. Nhưng cô trở lại vào tháng 9, xin học vật lý và hóa học, lượng giác, hình học, và đại số, dù những môn này được xem là khó đối với phái nữ. Cô khá trong cả 3 ngành toán và khoa học, tuy kết quả không ngoạn mục như năm trước. Lúc ấy cô nghĩ đến chuyện tự học tiếng Hy lạp và Tây Ban Nha và Ý và Đức, để cô có thể thử những kỳ thi ấy vào năm sau – những môn không có giáo viên nào ở trường cô dạy – nhưng hiệu trưởng gặp riêng cô và bảo cô rằng chuyện này không ích gì cho cô, vì cô không thể vào đại học, và cũng không đại học nào đòi hỏi rất cả mọi môn như thế. Tại sao cô làm thế? Cô có dự tính gì không?

Không, Grace nói, cô chỉ muốn học mọi thứ có thể học miễn phí. Trước khi cô bắt đầu sự nghiệp đan mây.

Chính hiệu trưởng đã quen người quản lý của quán trọ tại Thác Bailey và bảo ông sẽ nói giúp cho cô nếu cô muốn thử việc hầu bàn mùa hè. Ông cũng nhắc đến việc “nếm mùi đời.”

Thế là ngay cả người phụ trách học vấn ở nơi ấy cũng không tin học hỏi dính dáng gì đến cuộc sống. Như mọi người khác, ông nghĩ điều cô làm là điên rồ.

Ngoại trừ bà Travers, đã được gửi đến trường đại học dạy nghề, thay vì đại học thực thụ, để biến mình thành hữu dụng, và bây giờ rất ước ao rằng phải chi trước đó bà đã nhồi vào đầu mình những thứ vô dụng.

o0o

Đổi giờ làm việc với một cô gái khác, Grace thu xếp nghỉ ngày Chủ Nhật từ bữa điểm tâm. Có nghĩa là cô sẽ luôn làm việc trễ ngày thứ Bảy. Đúng ra, nó có nghĩa cô đã đổi thời gian với Maury thành thời gian với gia đình của Maury. Giờ đây Maury và cô không còn có thể xem phim, không còn có thể có buổi hẹn hò thực sự. Thay vì thế, cậu đón cô khi cô hết giờ làm việc, khoảng 11 giờ đêm, và họ lái xe lòng vòng, ghé ăn kem hoặc hamburger – Maury cẩn thận không dẫn cô vào quán rượu, vì cô chưa đến 21 tuổi – rồi cuối cùng đậu xe ở đâu đó.

Ký ức của Grace về những lúc đậu xe ấy – có thể kéo dài đến 1, 2 giờ sáng – tỏ ra lờ mờ hơn ký ức về những lúc cô ngồi ở bàn ăn tròn của gia đình Travers, trên ghế dựa bằng da màu nâu đỏ hoặc ghế mây lót nệm ở phía bên kia phòng. (Không bao giờ có lôi thôi về chuyện rửa chén; một người phụ nữ bà Travers gọi là “bà Abel tài ba” sẽ đến vào buổi sáng).

Maury lúc nào cũng kéo nệm lót ghế xuống thảm và ngồi ở đấy. Gretchen, không bao giờ mặc quần gì khác ngoài jean và quần quân đội cho bữa ăn tối, thường ngồi bắt chéo chân trong một chiếc ghế rộng. Maury và chị đều có vai to rộng, một chút vẻ đẹp của mẹ – mái tóc gợn sóng màu đường kẹo, đôi mắt màu hạt dẻ ấm áp, làn da dễ rám nằng của bà. Trong trường hợp Maury, thậm chí lúm đồng tiền của bà. (Những cô hầu bàn khác gọi Maury là “dễ thương” và “bảnh trai,” và tôn trọng Grace hơn một chút từ khi cô có cậu). Tuy thế, bà Travers chưa cao đến 5 bộ Anh, và trong những chiếc áo rộng của bà dường như không mập nhưng tròn trĩnh cứng cáp, như đứa trẻ chưa nhổ giò. Không được thừa hưởng là vẻ long lanh, chăm chú của đôi mắt bà, sự vui vẻ luôn sẵn sàng lóe lên trong ấy. Cũng như vệt nhám đỏ, gần như vệt mụn, trên đôi má của bà, có lẽ là kết quả của việc bà ra ngoài bất kể thời tiết và không nghĩ đến làn da, và, như thân hình của bà, như những chiếc áo rộng của bà, nó biểu lộ sự độc lập của bà.

Đôi khi có những người khách, ngoài Grace, vào những buổi tối Chủ Nhật này. Một cặp đôi, cũng có thể chỉ một người, thường gần tuổi ông bà Travers, và tương tự như họ. Những người phụ nữ náo nức và dí dỏm, những người đàn ông ít nói hơn, chậm hơn, khoan dung hơn. Những người này kể những câu chuyện thú vị, thường là tự diễu cợt. (bây giờ thì Grace đã là người nói chuyện duyên dáng lâu lắm rồi, đến nỗi đôi khi chị chán ngấy chính mình, và chị khó nhớ nổi chị đã thấy chuyện trò trong bữa ăn tối có vẻ mới lạ như thế nào. Những dịp hiếm có dì và dượng của chị có khách, chỉ có lời khen và xin lỗi về thức ăn, bàn bạc thời tiết, và ước muốn tha thiết cho bữa ăn kết thúc càng sớm càng tốt).

Sau bữa ăn tối ở nhà gia đình Travers, nếu buổi tối lạnh, ông Travers đốt lửa, và họ chơi trò bà Travers gọi là “trò chơi chữ ngốc nghếch,” một trò người chơi phải khá lanh lợi mới thắng được. Đây là lúc một người khá yên lặng trong bữa ăn tối có thể bắt đầu nổi bật. Những biện luận giả vờ có thể được tạo ra để bảo vệ những định nghĩa vô lý. Chồng của Gretchen, Wat, làm thế, và sau một lúc là Grace, giữa sự vui thích của Maury và bà Travers (Maury kêu lên, “Thấy chưa? Đã nói cô ấy thông minh mà,” khiến mọi người, trừ Grace, thấy buồn cười). Chính bà Travers dẫn đầu trong chuyện bịa những chữ phi lý, bảo đảm trò chơi không trở thành quá nghiêm trọng và người chơi quá lo lắng.

Lần duy nhất có vấn đề là một buổi tối khi Mavis, vợ của con trai bà Travers là Neil, đến dùng bữa tối. Mavis và Neil và hai con ở gần đấy, trong nhà bên hồ của cha mẹ chị. Nhưng tối ấy chị đến một mình – Neil là bác sĩ, và cuối tuần ấy anh bận việc ở Ottawa. Bà Travers thất vọng, nhưng bà trấn tĩnh lại, kêu lên với giọng ngạc nhiên vui vẻ “Nhưnghẳn bọn trẻ không ở Ottawa chứ?”

“Đáng tiếc là không,” Mavis nói. “Nhưng chúng hư lắm. Chúng sẽ la hét suốt bữa ăn tối. Đứa nhỏ bị nổi ban, còn Mikey thì có trời mới biết nó bị cái gì.”

Chị là một phụ nữ mảnh khảnh da rám nắng mặc áo đầm màu tím, một chiếc khăn to bản cùng màu cột mái tóc sậm. Xinh xắn, nhưng bườu buồn chán hoặc chê trách che đi hai khóe miệng chị. Chị không đụng đến phần lớn thức ăn trên đĩa, giải thích rằng chị bị dị ứng với cà ri.

“Ô, Mavis, tiếc thật,” bà Travers nói, “Con mới bị à?”

“Không đâu. Con bị lâu rồi, nhưng con cứ giữ lễ. Rồi con bị bệnh và nôn mửa suốt nửa đêm.”

‘Phải chi con nói cho mẹ biết… Mẹ lấy thức khác cho con nhé?”

“Mẹ đừng lo. Con không sao. Vốn dĩ con không thèm ăn, vì trời nóng và những niềm vui của sự làm mẹ.”

Chị đốt một điếu thuốc.

Sau đó, trong trò chơi, chị cãi vả với Wat vì một định nghĩa anh dùng, và khi tự điển chứng minh nó có thể chấp nhận được, chị nói “Ô, xin lỗi. Thua các người rồi.” Đến lúc mọi người nộp chữ của mình trên một mẩu giấy cho vòng chơi kế tiếp thì chị mỉm cười và lắc đầu ‘Không có.”

“Ôi, Mavis,” bà Travers nói.

Và ông Travers nói “Này Mavis. Chữ nào cũng được mà.”

“Nhưng con không có chữ nào. Con xin lỗi. Chỉ là tối nay con cảm thấy ngu ngốc. Mọi người cứ chơi đi.”

Họ tiếp tục chơi thật, mọi người vờ như không có chuyện gì, trong khi chị hút thuốc và tiếp tục mỉm nụ cười cương quyết và không vui của mình. Một lúc sau chị đứng dậy và nói không thể bỏ mấy đứa trẻ cho ông bà trông lâu hơn nữa. Chị đã có một chuyến viếng thăm vui vẻ và được học hỏi, và giờ chị phải về nhà.

“Giáng sinh sắp tới phải tặng cuốn tự điển Oxford,” chị nói bâng quơ trước khi về, cùng tiếng cười nhỏ vui vẻ, cay đắng. Tự điển của gia đình Travers mà Wat đã dùng là một cuốn tự điển Mỹ.

Khi chị đã về, mọi người không ai nhìn ai. Bà Travers nói “Gretchen, con đủ sức pha cà phê cho mọi người không?” Và Gretchen vào bếp, lẩm bẩm “Vui làm sao, Jesus phát khóc.”

“Cuộc sống của nó khó khăn,” bà Travers nói. “Hai đứa con nhỏ mà.”

o0o

Mỗi thứ Tư Grace được nghỉ từ lúc dọn dẹp bữa điểm tâm đến giờ chuẩn bị bữa ăn tối, và khi bà Travers biết, bà bắt đầu lái xe đến Thác Bailey đưa cô về hồ trong nhưng giờ nghỉ ấy. Những lúc ấy Maury bận làm việc – suốt mùa hè anh sửa chữa Xa lộ 7 cùng nhóm sửa đường – và Wat thì ở trong văn phòng của anh ở Ottawa và Gretchen ra ngoài cùng lũ trẻ, đi bơi hoặc chèo thuyền trên hồ. Chính bà Travers cũng thường nói bà phải đi mua sắm hoặc viết thư, và bà sẽ để Grace một mình trong phòng lớn vừa là phòng khách vừa là phòng ăn che màn cửa, mát mẻ, với chiếc ghế dựa da luôn có vết lõm và những kệ chất đầy sách.

“Cứ đọc sách nào cháu thích,” bà Travers nói. “Hoặc cuộn người mà ngủ, nếu cháu muốn. Công việc của cháu nặng nhọc – chắc cháu phải mệt. Tôi bảo đảm sẽ đưa cháu về kịp giờ.”

Grace không bao giờ ngủ. Cô đọc. Cô hầu như không cử động, và đôi chân trần dưới quần short của cô ướt mồ hôi và dính vào lớp da ghế. Thường cô không thấy bà Travers cho đến khi cô phải về làm việc.

Trong xe, bà Travers sẽ không gợi chuyện cho đến khi đã đủ thời gian để những tư tưởng của Grace rời khỏi cuốn sách cô đã đọc trước đấy. Rồi bà có thể nói bà đã đọc cuốn sách ấy, và nói bà nghĩ gì về nó – nhưng lúc nào cũng ân cần và vui vẻ. Chẳng hạn, về “Anna Karenina,” bà nói “tôi không biết tôi đã đọc nó bao nhiêu lần, nhưng tôi biết lúc đầu tôi thương cảm Kitty, rồi sau đó là Anna – ôi, Anna thật thảm – và bây giờ, cháu có biết không, tôi thấy mình thương cảm cho Dolly. Khi bà ta phải về quê, cháu biết đấy, với cả bầy trẻ, và bà ta phải học giặt giũ, mấy bồn giặt có vấn đề – tôi đoán thương cảm của người ta thay đổi như thế đấy với tuổi tác. Say mê bị đẩy xuống sau bồn giặt. Dù sao thì cháu cũng đừng để ý lời tôi nói. Cháu không để ý, phải không?”

“Cháu không biết cháu có để ý đến ai nhiều không.” Grace ngạc nhiên về chính mình, tự hỏi phải chăng cô có vẻ tự kiêu. “Nhưng cháu thích nghe bà nói chuyện.”

Bà Travers cười. “Tôi cũng thích nghe mình nói.”

o0o

Không hiểu vì sao, đến giữa mùa hè Maury bắt đầu nói chuyện họ kết hôn. Còn lâu lắm, cậu nói – sau khi cậu đủ điều kiện làm kỹ sư và có việc kỹ sư – nhưng cậu nói đến nó như thể nó là điều cô cũng như cậu phải xem là đương nhiên. “Khi chúng ta thành hôn,” cậu sẽ nói thế, và thay vì hỏi han hoặc nói ngược lại, Grace sẽ tò mò lắng nghe.

Khi họ thành hôn, họ sẽ có nhà bên Hồ Sabot. Không gần cha mẹ cậu quá, không xa quá. Dĩ nhiên đấy chỉ là nhà mùa hè. Thời gian còn lại họ sẽ sống nơi nào cậu làm việc. Có thể bất cứ đâu – Peru, Iraq, Lãnh thổ Tây Bắc. Grace thích thú khi nghĩ đến di chuyển – nhiều hơn là thứ cậu nói đến, với niềm tự hào ghê gớm, là “nhà của chúng ta.” Cô không cảm thấy chuyện nào là thực, nhưng cô cũng không cảm thấy ý nghĩ giúp dượng cô, hoặc sống như người đan mây của thị trấn trong chính căn nhà nơi cô đã lớn lên, là thực bao giờ.

Maury hỏi mãi rằng cô đã nói gì về cậu với dì dượng của cô, khi nào cô sẽ dẫn cậu về gặp họ. Thực sự, cô đã không nói gì trong những lá thư ngắn hàng tuần, trừ việc nói rằng cô “đang hẹn hò với một cậu trai làm việc mùa hè quanh đây.” Có thể cô đã ám chỉ rằng cậu làm việc ở khách sạn.

Không phải cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện kết hôn. Khả năng ấy có trong tâm trí cô, cùng với cuộc đời đan ghế mây. Dù trước đấy chưa có ai theo đuổi cô, cô đã chắc chắn rằng một ngày nào đấy nó sẽ xảy ra, đúng như thế này – với một người đàn ông quyết định tức thì. Anh ta sẽ nhìn thấy cô, và khi đã thấy cô, sẽ yêu cô. Trong trí tưởng tượng của cô, anh đẹp trai, như Maury. Nồng nhiệt, như Maury. Những thân mật thể chất vui thú sẽ theo sau.

Nhưng điều ấychưa xảy ra. Trong xe của Maury, hoặc trên cỏ dưới trời sao, cô tự nguyện. Và Maury sẵn sàng, nhưng chưa muốn. Cậu cảm thấy bổn phận của mình là bảo vệ cô. Sự hiến thân dễ dãi của cô khiến cậu bối rối. Có lẽ cậu cảm thấy sự hiến thân ấy lạnh lẽo – một sự dâng hiến có chủ ý cậu không hiểu nổi và không phù hợp với những khái niệm của cậu về cô. Cô không nhận ra sự lạnh nhạt của chính mình – cô tin rằng sự háo hức cô biểu lộ sẽ dẫn đến lạc thú cô biết, khi một mình và trong tưởng tượng , và cô cảm thấy mọi chuyện tùy thuộc vào sự chủ động của Maury. Mà cậu lại không chịu.

Những lần phong tỏa này khiến cả hai xao động và hơi giận dữ hoặc hổ thẹn, vì thế họ không ngừng hôn nhau, níu lấy nhau, và nói những lời âu yếm để đền bù cho nhau khi họ chia tay. Grace cảm thấy nhẹ nhõm được ở một mình, vào giường trong nhà trọ và xóa đi một hai tiếng vừa qua khỏi tâm trí. Và cô nghĩ chắc hẳn Maury cũng nhẹ nhõm, lái xe trên xa lộ một mình, sắp xếp lại những cảm nhận về nàng Grace của cậu để cậu vẫn có thể hết lòng yêu cô.

o0o

Đa số các cô hầu bàn nghỉ việc sau ngày Lao động để trở về trường trung hoặc đại học. Nhưng khách sạn sẽ mở cửa đến tháng 10 cho ngày lễ Tạ ơn, với ít nhân viên hơn – Grace ở trong số đó. Năm nay, nghe nói khách sạn sẽ mở cửa lại vào đầu tháng 12 cho mùa đông, hoặc ít nhất mùa Giáng sinh, nhưng dường như không ai trong đội nhà bếp hoặc phòng ăn biết sự thực ra sao. Grace viết cho dì và dượng cô như thể mùa Giáng sinh là chắc chắn và họ đừng chờ cô về.

Tại sao cô làm thế? Không phải cô có kế hoạch gì khác. Maury đang học năm cuối. Thậm chí cô đã hứa sẽ mang cậu về nhà vào Giáng sinh để gặp gia đình cô. Và cậu đã nói Giáng sinh là dịp tốt để chính thức hóa cuộc đính hôn của họ. Cậu đang để dành lương mùa hè để mua nhẫn kim cương cho cô.

Cô cũng vậy, đang để dành tiền lương, để có thể đi xe bus đến Kingston thăm cậu trong lúc cậu học.

Cô nói thế, hứa thế, rất dễ dàng. Nhưng cô có thực tin tưởng, hoặc thậm chí mong ước, rằng nó sẽ xảy ra?

“Maury là người rất tốt,” bà Travers nói. “Cháu cũng thấy được mà. Nó sẽ là một người đơn sơ đáng quý giống như cha nó. Không giống như anh nó. Neil rất thông minh. Tôi không có ý nói rằng Maury không thông minh – chắc chắn không thể trở thành kỹ sư nếu không có đầu óc – nhưng Neil… Nó sâu sắc.” Bà tự cười mình. “Nằm trong những động thăm thẳm dưới đại dương”(1) – Tôi đang nói gì nhỉ? Trong một thời gian dài, tôi và Neil chỉ có nhau. Vì thế tôi nghĩ nó đặc biệt. Tôi không có ý nói rằng Neil không thể là người thú vị. Nhưng đôi khi người vui vẻ nhất có thể u buồn, phải không? Khiến người ta thắc mắc. Nhưng lo lắng cho con cái đã lớn thì ích gì? Tôi lo về Neil rất nhiều, còn với Maury thì chút xíu thôi. Còn Gretchen thì tôi chẳng lo chút nào. Vì phụ nữ luôn có điều gì thôi thúc họ, phải không?”

o0o

Căn nhà bên hồ không bao giờ đóng cửa trước lễ Tạ ơn. Dĩ nhiên Gretchen và các con phải về Ottawa để tụi nhỏ đi học. Và Maury phải đi Kingston. Ông Travers chỉ có thể đến vào cuối tuần. Nhưng bà Travers đã bảo Grace bà thường ở lại, đôi khi với khách, đôi khi một mình.

Rồi dự định của bà thay đổi. Bà về Ottawa với ông Travers vào tháng 9. Chuyện này xảy ra bất ngờ – bữa ăn tối Chủ nhật tuần đó bị hủy bỏ.

Maury giải thích rằng mẹ cậu đôi khi bị bệnh lo âu. “Bà phải nghỉ ngơi,” cậu nói. “Bà phải vào bệnh viện một hai tuần, và họ khiến bà ổn định. Lúc nào bà cũng khỏe lại.”

Grace nói rằng cô không bao giờ nghĩ bà Travers có vấn đề ấy. “Nguyên nhân là gì?”

“Anh nghĩ họ không biết,” Maury nói. Nhưng sau một lúc cậu nói “Có thể là chồng bà. Ý anh là chồng trước của bà. Cha của Neil. Chuyện xảy ra với ông, vv.

Điều xảy ra là cha của Neil đã tự tử.

“Anh đoán ông không bình thường. Nhưng anh không biết thậm chí có phải đấy là nguyên nhân hay không. Có thể là tuổi tác của bà, và những bệnh phụ nữ và những chuyện đại loại như thế. Nhưng không sao – họ sẽ chữa lành cho bà dễ dàng, với thuốc men. Họ có thuốc rất tốt. Đừng lo.”

o0o

Đến lễ Tạ ơn, như Maury dự đoán, bà Travers xuất viện và khỏe khoắn. Bữa ăn tối lễ Tạ ơn sẽ ở hồ, như thường lệ. Nó xảy ra vào ngày Chủ nhật, thay vì thứ Hai – cũng như thường lệ, để dành thời gian thu xếp và đóng cửa căn nhà. May mắn cho Grace, vì Chủ nhật vẫn là ngày nghỉ của cô.

Cả gia đình sẽ có mặt, ngay cả Neil và Mavis và các con, đang ở nhà của cha mẹ Mavis. Không có khách – trừ khi tính Grace là khách.

Lúc Maury đưa cô đến hồ sáng ngày Chủ nhật, con gà tây đã vào lò. Những chiếc bánh nướng nằm trên quầy bếp – bí đỏ, táo, dâu dại. Gretchen phụ trách bếp núc, nấu nướng phối hợp như chơi thể thao. Bà Travers ngồi ở bàn bếp, uống cà phê và chơi lắp hình với con thứ của Gretchen là Dana.

“A, Grace,” bà nói, nhổm dậy để ôm lấy cô – lần đầu tiên bà làm thế – và bàn tay bà vụng về làm tung tóe những mảnh hình.

Dana khóc thét lên “Bà ngoại,” và chị lớn của nó, Janey, vẫn đang theo dõi với vẻ chê trách, nhặt những mảnh hình lên.

“Lắp lại dễ mà,” nó nói. “Bà ngoại đâu có cố tình.”

“Mẹ để xốt nam việt quất ở đâu?” Gretchen hỏi.

“Trong tủ,” bà Travers nói, vẫn đang siết cánh tay Grace và bỏ lơ hình ghép bị phá hủy.

“Ở đâu trong tủ?”

“Ồ, xốt nam việt quất,” bà Travers nói. “Mẹ nấu lấy. Mẹ cho chúng vào chút nước. Rồi mẹ đun lửa thấp – không, mẹ nghĩ mẹ ngâm chúng trước – “

“Con không có thì giờ đâu,” Gretchen nói. “Ý mẹ là mẹ không có xốt trong hộp sao?”

“Mẹ đoán là không. Chắc mẹ không có, vì mẹ làm lấy.”

“Con sẽ phải kêu ai đó đi mua.”

“Con à, lễ Tạ ơn mà,” bà Travers dịu dàng nói. “Đâu có chỗ nào mở cửa.”

“Chỗ gần xa lộ lúc nào cũng mở cửa.” Gretchen lên giọng. “Wat đâu rồi?”

“Wat đi chèo thuyền rồi,” Mavis gọi từ phòng ngủ phía sau. Giọng chị như cảnh cáo, vì chị đang tìm cách dỗ đứa bé con chị ngủ. “Wat đi với Mikey.”

Mavis tự lái xe đến, với Mikey và đứa bé. Neil sẽ đến sau – anh phải gọi điện thoại.

Ông Travers đã đi đánh golf.

“Chỉ là em cần ai đó đi chợ,” Gretchen nói. Chị đợi, nhưng không có lời tình nguyện nào từ phòng ngủ phía sau. Chị nhướng mày nhìn Grace. “Em không lái xe được, phải không?”

Grace nói không.

Bà Travers ngồi xuống, lịch sự thở dài.

Gretchen nói “Maury biết lái xe. Maury đâu rồi?”

Maury đang ở trong phòng ngủ phía trước tìm quần tắm của cậu, dù mọi người đã bảo cậu nước lạnh lắm không bơi được. Cậu nói tiệm sẽ không mở cửa.

“Tiệm sẽ mở,” Gretchen nói. “Họ bán xăng. Và nếu nó không mở thì có tiệm ngay ở bìa Perth – em biết mà, với mấy cây kem.”

Maury muốn Grace đi cùng với cậu, nhưng hai cô bé, Janey và Dana, đang năn nỉ cô đến xem xích đu ông ngoại chúng mới dựng dưới cây phong Na uy cạnh nhà.

Khi Grace xuống những bậc thềm, cô cảm thấy dây buộc sandal của mình bị đứt. Cô cởi sandal và bước dễ dàng trên mặt đất cát, qua những bụi mã đề bẹp dí và những chiếc lá rụng cong queo.

Đầu tiên cô đẩy hai đứa trẻ trên xích đu, rồi chúng đẩy cô. Lúc cô nhảy xuống, chân trần, là lúc một chân cô gục xuống và cô thét lên đau đớn, không biết chuyện gì đã xảy ra.

Hóa ra là bàn chân, không phải cẳng chân. Cơn đau nhói lên từ lòng bàn chân trái, bị cạnh vỏ sò sắc cắt.

“Dana mang mấy vỏ sò đến đó,” Janey nói. “Nó muốn làm nhà cho con sên của nó.”

“Con sên chạy mất rồi.” Dana nói.

Gretchen và bà Travers và ngay cả Mavis chạy ra khỏi nhà, nghĩ rằng tiếng thét là của bọn trẻ con.

“Bàn chân cô chảy máu,” Dana nói. “Mặt đất đầy máu.”

Janey nói “Cô bị vỏ sò cắt. Dana bỏ những vỏ sò ở đây – nó định xây nhà cho Ivan. Ivan con sên của nó.”

Một cái chậu được mang ra, với nước để rửa vết cắt và một cái khăn, và mọi người hỏi có đau lắm không.

“Không đau lắm,” Grace nói, đi khập khiễng đến bậc thềm, hai cô bé tranh nhau đỡ cô và chung chung là làm vướng chân cô.

“Ô, nặng đấy,” Gretchen nói. “Nhưng tại sao em không mang giày/”

“Đứt dây giày,” Dana và Janey đồng thanh nói, trong lúc một chiếc xe mui trần màu rượu đỏ rẽ gọn gàng vào khoảng đậu xe bên cạnh nhà.

“Đây chính là chuyện tôi gọi là may mắn,” bà Travers nói. “Đúng người chúng ta cần. Ông bác sĩ.”

Đấy là Neil – lần đầu tiên Grace nhìn thấy anh. Anh cao, gầy, thiếu kiên nhẫn.

“Túi của con,” bà Travers vui vẻ gọi. “Chúng tôi có sẵn người bệnh cho con đây.”

“Anh có món khá đấy,” Gretchen nói. “Mới hả?”

Neil nói “Một thứ điên rồ.”

“Giờ thì đứa bé thức mất rồi,” Mavis nói, với một tiếng thở dài buộc tội không biết nhắm vào ai. Chị trở vào nhà.

“Con đừng nói con không mang theo,” bà Travers nói. Nhưng Neil nhấc một túi bác sĩ từ ghế sau, và bà nói “Có thế chứ, con có mang theo. Tốt. Nhỡ khi cần.”

“Cháu là người bệnh sao?” Neil nói với Dana. “Chuyện gì thế? Nuốt phải con cóc à?”

“Cô ấy đấy,” Dana nghiêm trang nói. “Là Grace.”

“Vậy đấy. Cô ấy nuốt con cóc.”

“Cô ấy bị đứt chân.”

“Vì vỏ sò,” Janey nói.

Neil nói với hai cô cháu “Xê ra nào,” và ngồi xuống bậc thềm phía dưới Grace. Anh cẩn thận nhấc bàn chân đau lên và nói “Cho xin miếng vải đó,” và chậm máu để nhìn vết cắt. Bây giờ, khi anh gần sát cô, Grace nhận thấy một mùi cô đã biết nhận dạng qua mùa hè làm việc ở khách sạn – mùi rượu lẫn mùi bạc hà.

“Đau không?” anh hỏi.

Grace nói “Hơi hơi.”

Anh nhìn cô thoáng qua, dù cái nhìn dò xét. Có lẽ tự hỏi cô có ngửi thấy mùi rượu không và cô nghĩ gì về điều ấy.

“Đau là cái chắc. Thấy miếng cắt này không? Chúng ta phải làm sạch bên dưới vết cắt, rồi tôi sẽ may một hai mũi. Tôi có thứ tôi có thể bôi lên, sẽ không đau như cô tưởng.” Anh ngước nhìn Gretchen. “Này, dẹp bớt khán giả đi.”

Anh chưa nói lời nào với mẹ, người lại nói thật may anh đã đến vào đúng lúc ấy.

“Hướng đạo sinh mà,” anh nói. “Lúc nào cũng sẵn sàng.”

Hai bàn tay anh không có vẻ say, và đôi mắt anh cũng không có vẻ say. Anh cũng không giống ông bác vui tính anh giả vờ khi anh nói với lũ trẻ, hoặc người cung cấp những lời an ủi như anh chọn với Grace. Anh có vầng trán cao xanh xao, mái tóc đen nhuốm bạc quăn tít, đôi mắt xám tinh anh nhưng hơi trũng, gò má cao, và má hóp. Nếu khuôn mặt anh không căng thẳng, anh sẽ có vẻ u uất và khao khát.

Khi vết cắt đã được trị xong, Neil nói anh nghĩ nên mang Grace vào bệnh viện trong thị trấn. “Để tiêm ngừa bệnh uốn ván.”

“Đâu có gì tệ lắm,” Grace nói.

Neil nói, “Đấy không phải là điểm chính.”

“Tôi đồng ý,” bà Travers nói. “Bệnh uốn ván – ghê quá.”

“Tụi con sẽ không đi lâu,” anh nói. “Đây. Grace? Grace, để tôi đưa cô đến xe.” Anh đỡ cô bằng một cánh tay. Cô đã buộc dây chiếc sandal còn tốt, và xỏ chân vào chiếc kia để cô có thể lê nó theo sau. Lớp băng cột rất gọn ghẽ và chặt.

“Tôi vào một chút,” anh nói, khi cô đã ngồi vào xe. “Để xin lỗi.”

Bà Travers xuống khỏi hàng hiên và đặt tay lên cửa xe.

“Như thế này là tốt,” bà nói. “Thế này là rất tốt, Grace ạ, cháu là món quà trời ban, Cháu sẽ cố ngăn nó uống rượu hôm nay nhé? Cháu sẽ biết cách làm sao.”

Grace nghe những lời ấy, nhưng không nghĩ ngợi nhiều. Cô đã quá hoảng hốt vì sự thay đổi của bà Travers, vì bà dường như to lớn hơn, vì cử động cứng ngắc của bà, vì vẻ rộng lượng bất ngờ và khá cuống quýt. Và một lớp vảy lờ mờ lộ ra ở hai khóe miệng bà, trông như đường.

o0o

Bệnh viện cách đó 3 dặm. Có một đường bắc ngang xa lộ phía trên đường rầy xe lửa, và họ lái xe trên đường này với tốc độ khiến Grace có cảm tưởng, khi đến đỉnh con đường, chiếc xe đã lao trên mặt đường và họ đang bay. Không có xe cộ nhiều, vì thế cô không sợ, và dù sao đi nữa cô cũng không làm được gì,

Neil biết cô y tá trực ở phòng Cấp cứu, và sau khi anh điền một mẫu giấy và để cô y tá nhìn sơ qua chân của Grace (“Khá đấy,” cô ta thờ ơ nói) anh đã có thể chích cho cô mũi thuốc chống bệnh uốn ván. (“Bây giờ không đau đâu, nhưng có thể sau này sẽ đau”). Khi anh chích xong, cô y tá trở lại và nói.”Có một cậu trong phòng đợi muốn đưa cô ấy về.”

Cô nói với Grace, “Cậu ta nói là vị hôn phu của cô.”

“Bảo nó cô ấy chưa xong,” Neil nói. “Không. Bảo nó chúng tôi đã đi rồi.”

“Tôi đã nói anh ở trong này.”

“Nhưng khi cô trở lại,” Neil nói, “chúng tôi đã đi.”

“Cậu ấy nói là em của anh. Không phải là cậu ấy sẽ nhìn thấy xe của anh trong bãi đậu xe sao?”

“Nhưng tôi đậu xe ở bãi dành cho bác sĩ.”

“Ranh ma thật,” cô y tá quay lại nói.

Và Neil nói với Grace, “Em chưa muốn về nhà, phải không?”

“Không,” Grace nói, như thể cô đã nhìn thấy chữ ấy viết trên bức tường trước mặt. Như thể cô đang kiểm tra thị giác mình.

Một lần nữa cô được đỡ đến xe, giày sandal lê theo sau, và ngồi vào ghế xe màu kem. Họ đi ngõ sau ra khỏi bãi đậu, một lối không quen thuộc ra khỏi thị trấn.

Cô biết họ sẽ không gặp Maury. Cô không nghĩ đến cậu. Càng không nghĩ đến Mavis.

Sau này, diễn tả giai đoạn ấy, sự thay đổi ấy trong cuộc đời chị, Grace có thể nói – chị đã nói – rằng như thể một cánh cổng đã sập đóng lại sau lưng chị. Nhưng lúc ấy không có tiếng sập cửa – chỉ có sự phục tùng lan tỏa trong chị, và quyền lợi của những người ở lại bị êm thắm loại bỏ.

Ký ức của chị về ngày hôm ấy vẫn rành rọt và chi tiết trong một thời gian dài, dù có sự thay đổi trong những phần chị suy ngẫm.

Và thậm chí trong những chi tiết ấy hẳn chị đã nhớ sai một vài điểm.

o0o

Thoạt tiên họ lái xe về hướng tây, trên Xa lộ 7. Theo như Grace nhớ, không có chiếc xe nào khác trên xa lộ, và vận tốc của họ gần bằng lúc họ bay qua cầu bắc ngang xa lộ. Điều này không thể nào đúng – phải có người trên đường, nhưng người từ nhà thờ về nhà trong buổi sáng Chủ Nhật ấy, hoặc trên đường đến dự lễ Tạ ơn với gia đình. Neil hẳn phải chạy chậm lại khi lái qua làng mạc, và khi quẹo trên nhiều đường cong trên đường xa lộ cổ. Cô không quen ngồi xe mui trần, gió tạt vào mắt, cuốn tung tóc cô. Nó cho cô ảo giác của một tốc độ hoàn hảo không đổi – không vội vã nhưng kỳ diệu, yên ả.

Và dù Maury và Mavis và những người khác trong gia đình đã bị xóa khỏi trí cô, vài mẩu vụn của bà Travers vẫn còn, lởn vởn, nói thì thầm, với tiếng cười khúc khích là lạ và hổ thẹn, thông điệp cuối cùng của bà.

Cháu sẽ biết cách làm sao.

Dĩ nhiên Grace và Neil không nói chuyện. Cô nhớ rằng phải hét lên người kia mới nghe được. Và nói thực lòng, điều cô nhớ hầu như giống hệt như ý tưởng, sự mơ mộng của cô lúc ấy về tình dục. Cuộc gặp gỡ may mắn, những dấu hiệu thầm lặng nhưng mạnh mẽ, cuộc chạy trốn gần như hoàn toàn im lặng, trong đó cô không nhiều thì ít là kẻ bị bắt đi. Một sự đầu hàng nhẹ bỗng, da thịt cô bây giờ chỉ còn là một dòng khao khát.

Cuối cùng, họ ngừng lại, ở Kaladar, và vào một khách sạn – khách sạn cổ vẫn còn ở đấy. Cầm tay cô, lồng những ngón tay anh vào những ngón tay cô, chậm lại để cùng nhịp với những bước không đều của cô, Neil dẫn cô vào quán rượu. Cô nhận ra đấy là quán rượu, tuy cô chưa hề đến quán rượu nào. (Quán trọ Thác Bailey chưa có giấy phép bán rượu, vì thế người ta uống rượu trong phòng trọ hoặc trong một vũ trường khá tồi tàn bên kia đường). Quán rượu này hệt như cô tưởng tượng – một căn phòng lớn, tối, ngột ngạt, với những bàn ghế sắp xếp cẩu thả sau lần dọn dẹp vội vã, mùi Lysol không xóa nổi mùi bia, mùi whiskey, mùi xì gà, mùi tẩu thuốc, mùi đàn ông.

Một người đàn ông từ phòng khác vào và nói với Neil. Ông ta nói “Chào ông, Bác sĩ,” và đến sau quầy.

Grace sực nghĩ họ đi đâu cũng thế – người ta sẽ biết Neil.

“Ông biết hôm nay là ngày Chủ Nhật,” người đàn ông nói bằng giọng cứng rắn, gần như hét lên, như thể ông ta muốn tiếng vọng ra đến bãi đậu xe. “Ngày Chủ Nhật tôi không bán được gì cho ông cả. Và tôi không bao giờ được bán gì cho cô ta cả. Thậm chí cô ấy không nên có mặt ở đây. Ông có hiểu không?”

“Ô, vâng, thưa ông. Vâng, quả thế, thưa ông.” Neil nói. “Tôi hoàn toàn đồng ý, thưa ông.”

Trong khi hai người nói chuyện, người đàn ông sau quầy đã lấy một chai whiskey từ một ngăn kệ kín, đổ chút rượu vào một cái ly và đẩy nó qua mặt quầy đến Neil.

“Cô khát không?” ông hỏi Grace. Ông đã mở một chai Coke. Ông đưa nó cho cô mà không đưa ly.

Neil đặt một tờ giấy bạc lên quầy và người đàn ông đẩy nó đi.

“Tôi đã nói mà,” ông nói. “Không bán được.”

“Còn chai Coke thì sao?” Neil nói.

“Không bán được.”

Người đàn ông cất chai đi. Neil uống phần rượu trong ly rất nhanh. “Ông là người tốt,” anh nói. “Tinh thần luật pháp.”

“Mang chai Coke theo. Cô ấy đi càng nhanh tôi càng mừng.”

“Chắc rồi,” Neil nói. “Cô ấy là người tốt. Em dâu của tôi. Em dâu tương lai. Tôi hiểu thế đấy.”

“Thật sao?”

o0o

Họ không trở lại Xa lộ 7. Thay vì thế, họ đi về hướng bắc, con đường không tráng nhựa nhưng đủ rộng và khá bằng phẳng. Ly rượu dường như ảnh hưởng tay lái của Neil ngược lại với dự đoán. Anh lái chậm lại đến mức thích hợp, thậm chí cẩn trọng, như yêu cầu của con đường.

“Em không phiền chứ?” anh nói.

Grace nói, “Phiền cái gì?”

“Bị lôi đến chỗ này chỗ kia.”

“Không.”

“Tôi cần em bầu bạn. Chân em thế nào?”

“Không sao.”

“Hẳn phải đau ít nhiều.”

“Không phải đâu. Nó không sao.”

Anh nhấc bàn tay không cầm chai Coke, áp lòng bàn tay vào miệng anh, liếm nó một cái, rồi buông ra.

“Em có nghĩ tôi bắt cóc em để làm em sa ngã không?”

“Không,” Grace nói dối, nghĩ thầm chữ ấy giống mẹ anh làm sao. Sa ngã.

“Đã có lúc em nghĩ thế là đúng,” anh nói, như thể cô đã trả lời phải. “Nhưng không phải hôm nay. Tôi không nghĩ thế. Hôm nay em yên ổn như nhà thờ.”

Giọng nói của anh thay đổi, trở nên thân mật, thành thực, và êm ả, và ký ức của đôi môi anh áp vào, lưỡi anh liếm, trên làn da của cô, đã ảnh hưởng Grace đến mức cô nghe những lời ấy nhưng không hiểu anh nói gì. Cô có thể cảm thấy hàng trăm cái liếm của lưỡi anh, điệu vũ mềm dẻo, trên khắp người cô. Nhưng cô nghĩ đến câu nói “Nhà thờ không phải lúc nào cũng yên ổn.”

“Đúng. Đúng.”

“Và em không phải là em dâu của anh.”

“Tương lai. Tôi có nói tương lai mà.”

“Tương lai cũng không.”

“Ồ, có lẽ tôi không ngạc nhiên. Không. Không ngạc nhiên.”

Rồi giọng anh lại thay đổi, trở thành vô cảm.

“Tôi đang tìm lối rẽ bên mặt. Có một con đường đáng lẽ tôi phải nhận ra. Em có biết vùng này không?”

“Quanh đây thì không.”

“Không biết Trạm Hoa? Ompah? Ba Lan? Đường Tuyết?”

Cô chưa nghe thấy chúng bao giờ.

“Có người tôi muốn gặp.”

Chiếc xe rẽ phải, với những tiếng lẩm bẩm không rõ của anh. Không có bảng tên đường. Con đường càng lúc càng hẹp và gồ ghề, với một cây cầu lát gỗ rộng đủ một xe chạy. Những cây rừng đan nhánh trên đầu họ. Năm nay thời tiết ấm lạ lùng, và những chiếc lá còn xanh, trừ vài lá đây đó nổi lên như cờ hiệu. Có cảm giác trú ẩn. Qua nhiều dặm, Neil và Grace im lặng, và cây cối không dứt, rừng không dứt. Nhưng rồi Neil phá vỡ sự yên lặng.

Anh nói “Em lái xe được không?” Và khi Grace nói không anh nói “Tôi nghĩ em nên học.”

Ý anh là ngay lúc ấy. Anh ngừng xe, ra ngoài và vòng sang phía cô, ra dấu cho cô chuyển sang phía tay lái.

“Không có chỗ nào tốt hơn ở đây.”

“Lỡ có cái gì đến thì sao?”

“Chả có gì đâu. Mà nếu có chúng ta có thể xoay sở. Vì thế tôi chọn đoạn đường thẳng.”

Anh không buồn giải thích xe chạy như thế nào – anh chỉ cho cô biết chỗ đặt chân, và bắt cô tập chuyển số, rồi nói, “Đi nào, và làm theo lời tôi.”

Lần đầu xe lồng lên, cô phát hoảng. Cô rồ ga, và cô nghĩ anh sẽ chấm dứt bài học ngay, nhưng anh chỉ cười. Anh nói ‘Nào, từ từ thôi. Từ từ. Đi tiếp đi,” và cô làm theo. Anh không phê bình cách lái của cô, chỉ nói. “Cứ đi, cứ đi, giữ xe trên đường, đừng để máy tắt.”

“Khi nào em có thể ngừng?”

“Khi nào tôi chỉ cách cho em dừng.”

Anh bắt cô lái xe cho đến khi họ ra ngoài đường hầm hai hàng cây rừng, và rồi anh chỉ dẫn cho cô về thắng xe. Ngay sau khi cô ngừng, cô mở cửa xe để họ có thể đổi bên, nhưng anh nói, “Không. Đây mới là bắt đầu thôi. Em sẽ thích rất nhanh.” Và khi họ lại lái xe cô bắt đầu thấy anh có thể đúng. Tự tin tràn dâng trong thoáng chốc của cô suýt khiến họ lao xuống hố. Tuy vậy, anh vẫn cười khi anh phải chụp lấy bánh lái, và bài học tiếp tục.

Dường như cô đã lái nhiều dặm, thậm chí lái – từ từ – quanh nhiều đoạn đường cong. Rồi anh nói họ nên đổi ghế, vì anh không nhận ra phương hướng trừ phi anh lái xe.

Anh hỏi cô cảm thấy thế nào, và dù cô run rẩy cả người cô nói “O.K.”

Anh xoa cánh tay cô từ vai đến khuỷu tay và nói, “Đồ nói đối.” Nhưng không chạm đến cô hơn mức đó và không cho bất cứ phần nào của cô cảm nhận miệng của anh nữa.

Anh hẳn lấy lại được cảm giác phương hướng khi họ đến một ngã tư vài dặm kế đến, vì anh quẹo trái, và cây cối thưa dần và họ leo lên một con đường gập ghềnh dẫn đến một ngôi làng, hoặc ít nhất một cụm nhà bên đường. Một nhà thờ và một tiệm, cả hai không mở cửa để phục vụ mục đích nguyên thủy của chúng nhưng có lẽ có người ở, nếu xét số xe chung quanh và rèm cửa xấu xí trong cửa sổ. Một hai căn nhà cũng cùng tình trạng, và sau một căn nhà là một vựa thóc đã sụp đổ, rơm khô cũ sậm màu trồi ra giữa những xà nhà rạn nứt như bộ đồ lòng bị trương lên.

Neil kêu lên vui mừng khi thấy chỗ này, nhưng không ngừng lại.

“Đỡ quá,” anh nói “Đỡ – quá. Giờ tôi biết rồi. Cám ơn.”

“Em à?”

“Vì đã để tôi dạy em lái. Nó làm tôi dịu lại.”

“Làm anh dịu lại?” Grace nói. “Thật ư?”

“Thật.” Neil mỉm cười, nhưng anh không nhìn cô. Anh đang bận nhìn quanh quất, qua những cánh đồng hai bên đường sau khi qua khỏi làng. Anh đang tự nói một mình. “Đây rồi. Phải là chỗ này. Giờ chúng ta biết rồi.”

Và cứ thế, cho đến khi anh rẽ vào một con đường nhỏ không chạy thẳng nhưng vòng quanh một cánh đồng, tránh đá và những rặng thông. Cuối con đường là một căn nhà không khá hơn những căn nhà trong làng.

“Chỗ này,” anh nói, “chỗ này tôi sẽ không đưa em vào. Không đến 5 phút đâu.”

o0o

Anh đi lâu hơn thế. Cô ngồi trong xe, trong bóng râm. Cánh cửa nhà mở – chỉ cửa lưới đóng. Cửa lưới có những mảnh vá, sợi kim loại mới đan với sợi cũ. Không ai ra nhìn đến cô, một con chó cũng không. Giờ đây khi xe đã ngừng, không gian ngập đầy sự im lặng bất thường. Bất thường vì trong một buổi chiều nóng nực như thế thường phải có tiếng côn trùng trong cỏ và trong bụi bách xù. Cho dù người ta không thấy chúng, tiếng kêu của chúng dường như dâng lên từ mọi thứ mọc trên mặt đất, xa đến tận chân trời. Nhưng đã gần cuối năm, có thể đã quá trễ thậm chí để nghe tiếng ngỗng kêu khi chúng bay về nam. Dù sao đi nữa, cô không nghe gì cả.

Dường như họ đang ở trên đỉnh thế giới. Bên dưới bốn phía là cánh đồng, chỉ những ngọn cây lộ ra, vì chúng mọc trên chỗ thấp hơn.

Neil biết ai sống trong nhà này? Một người đàn bà? Dường như loại phụ nữ anh muốn khó có thể sống ở một nơi như thế này, nhưng những chuyện lạ kỳ Grace có thể gặp hôm nay là bất tận. Bất tận.

Trước kia căn nhà đã từng là nhà gạch, nhưng có người đã bắt đầu phá những bức tường gạch xuống. Những tường gỗ trơn lộ ra bên dưới, và những viên gạch trước kia phủ quanh chúng giờ xếp ngổn ngang trong sân, có lẽ đang đợi bán. Những viên gạch còn lại trên tường phía trước tạo thành một đường chéo, những bậc thang, và Grace, không có chuyện gì để làm, tựa lưng ra sau và đếm. Cô làm việc này vừa nghiêm trang vừa ngu ngốc, cách người ta hái cánh hoa, nhưng không có những lời rõ ràng như Anh ấy yêu tôi, anh ấy không yêu tôi.

May mắn. Không may. May mắn. Không may. Đấy là tất cả điều cô dám nói.

Cô nhận thấy khó đếm những viên gạch xếp thành đường hình chữ z, nhất là vì đường ấy thẳng ra trên cánh cửa.

Rồi cô biết. Còn là gì được nữa? Chỗ nấu rượu lậu. Cô nghĩ đến người nấu rượu lậu trong thị trấn nơi dì dượng của cô ở – một người đàn ông già gầy gò, say mèm, ủ rũ và đáng ngờ. Ông ta ngồi trên bậc thềm trước nhà với một khẩu súng vào tối Halloween. Ông vẽ những con số trên những thanh củi đốt chất cạnh cửa ra vào để ông biết có khúc nào bị trộm hay không. Cô nghĩ đến ông ta – hoặc người nấu rượu lậu này – ngủ gà gật trong cái nóng, trong căn phòng dơ bẩn nhưng gọn ghẽ của mình (cô biết nó sẽ như thế vì những mảnh vá trên cửa lưới), đứng dậy từ ghế dựa hoặc giường nhỏ kêu cọt kẹt, quấn mình trong một tấm chăn ghép dính bẩn mà một người phụ nữ thân thuộc của ông, một người phụ nữ giờ đã chết, đã may từ rất lâu.

Không phải cô đã từng vào nhà một người nấu rượu lậu, nhưng ở quê cô, những bức chắn mỏng dính phân chia những lối sống cũ mòn đáng trọng và không đáng trọng. Cô biết mọi chuyện như thế nào.

Lạ lùng làm sao là cô đã nghĩ sẽ trở thành một trong số họ – một người nhà Travers. Kết hôn với Maury. Đấy sẽ là một thứ phản trắc. Nhưng đi cùng với Neil thì không phải là phản trắc, vì anh không may – anh biết vài điều cô biết.

Rồi cô dường như có thể thấy dượng của cô trong cánh cửa, lưng còng và kinh ngạc, nhìn cô như thể cô đã cách xa rất nhiều năm. Như thể cô đã hứa về nhà và rồi quên mất, và suốt thời gian ấy lẽ ra ông đã chết nhưng lại chưa chết.

Cô gắng nói với ông, nhưng ông không hiểu. Cô đang thức giấc, đang di chuyển. Cô ở trong chiếc xe với Neil, lại đi trên đường. Cô đã há miệng ngủ và cảm thấy khát. Anh quay về phía cô trong một thoáng, và cô để ý, ngay cả trong làn gió chung quanh họ, một mùi whiskey mới.

“Em thức chưa? Khi tôi ra em đang ngủ say,” anh nói. “Xin lỗi – tôi phải xã giao một lúc. Em buồn tiểu không?”

Thực ra, đấy là một vấn đề cô nghĩ đến trong lúc chờ đợi. Cô đã nhìn thấy nhà tiêu phía sau nhà, nhưng cảm thấy e thẹn không muốn rời xe và bước về phía ấy.

Anh nói, “Chỗ này xem được đây,” và ngừng xe. Cô ra khỏi xe và đi vào đám hoa dại đang nở bông để ngồi xổm xuống. Anh đứng giữa những bông hoa phía bên kia, xoay lưng lại phía cô. Khi cô vào xe, cô nhìn thấy chai rượu trên sàn cạnh chân cô. Hình như nó đã cạn hơn một phần ba.

Anh thấy cô nhìn.

“Ôi, đừng sợ,” anh nói. “Tôi mới đổ ít vào đây.” Anh giơ một bình rượu nhỏ lên. “Tiện hơn khi lái xe.”

Trên sàn cũng có một chai Coca-Cola. Anh bảo cô tìm cái mở chai trong ngăn để găng tay.

“Nó lạnh!” cô ngạc nhiên nói.

“Tủ đá. Họ cắt băng ở hồ vào mùa đông và trữ trong mạt cưa. Ông ta trữ dưới hầm nhà.”

“Em nghĩ em nhìn thấy dượng em ở cửa căn nhà ấy,” cô nói. “Nhưng em nằm mơ.”

“Em có thể kể về dượng em. Kể về nơi em ở. Công việc của em. Gì cũng được. Tôi chỉ muốn nghe em nói.”

Có một sức mạnh mới trong giọng nói của anh, một sự thay đổi trên mặt anh, nhưng không phải là vầng sáng điên rồ của say sưa. Anh như bị bệnh – không nặng lắm, chỉ chớm bệnh, mỏi mệt – và bây giờ muốn cô yên tâm rằng anh không sao. Anh đóng nút bình rượu, đặt nó xuống và tìm lấy bàn tay cô. Anh nắm nhè nhẹ, như một người bạn.

“Ông già lắm,” Grace nói. “Thực ra ông là ông dượng. Ông là người đan mây – có nghĩa ông đan mây cho ghế. Em không thể giải thích, nhưng em có thể làm cho anh xem, nếu chúng ta có ghế để đan – “

“Tôi không thấy cái ghế nào.”

Cô cười, và nói. “Chán lắm, thực đấy.”

“Thế thì nói xem em thích gì. Em muốn biết gì?”

Cô nói, “Anh.”

“Ồ. Em muốn biết gì ở tôi?” Bàn tay anh rời đi.

“Điều anh đang làm,” Grace cương quyết nói. “Tại sao.”

“Ý em là uống rượu? Tại sao tôi uống rượu?” Nút bình rượu lại mở. “Tại sao em không hỏi tôi?”

“Vì em biết anh sẽ nói gì.”

“Cái gì? Tôi sẽ nói gì?”

“Anh sẽ nói, ‘Còn gì khác để làm đâu?’ hoặc đại loại như thế.”

“Đúng vậy,” anh nói. “Tôi sẽ nói thế. Rồi em sẽ tìm cách bảo tôi tại sao tôi sai.”

“Không,” Grace nói. “Em sẽ không nói thế.”

Khi cô nói thế, cô cảm thấy lạnh lẽo. Cô đã nghĩ cô thực lòng, nhưng giờ cô thấy cô đang tìm cách gây ấn tượng với anh, chứng tỏ cô cũng sành sõi như anh, và trong lúc làm thế cô đã nhìn thấy sự thật tuyệt đối, một sự vô vọng chân thực, hợp lý, vĩnh viễn. Bây giờ, khi cô đã có thể nhìn thấy, không có chút gì yên ủi trong điều cô nhìn thấy.

Neil nói “Không à? Không. Em sẽ không nói. Thật là đỡ. Em làm tôi nhẹ nhõm, Grace.”

Một lúc sau anh nói “Em biết không, tôi buồn ngủ. Tìm được chỗ tốt là tôi sẽ ngừng xe và ngủ. Chỉ một lúc thôi. Em có phiền không?”

“Không. Em nghĩ anh nên ngủ.”

“Em sẽ trông chừng tôi chứ?”

“Vâng.”

“Tốt.”

Anh tìm thấy chỗ trong một thị trấn nhỏ tên là May mắn. Ngoài bìa thị trấn, cạnh một dòng sông, có một công viên và một chỗ đậu xe trải sỏi. Anh ngã ghế về phía sau, và lập tức thiếp ngủ. Buổi chiều tối đã đến lúc ấy, vào giờ bữa ăn chiều, chứng tỏ ngày hôm nay quả không phải là một ngày hè. Trước đó ít lâu, người ta đã ăn lễ Tạ ơn ngoài trời ở đây – vẫn còn ít khói tỏa lên từ bếp lửa ngoài trời, và mùi thịt nướng trong không gian. Mùi ấy không hẳn làm Grace đói – nó khiến cô nhớ sự đói bụng trong những tình thế khác.

Người cô lấm bụi vì những lần ngừng và khởi động máy của bài học lái xe của mình. Cô rời xe và ra sức rửa tay rửa mặt ở một vòi nước ngoài trời. Rồi, gượng nhẹ với cái chân bị đứt, cô chậm chạp bước đến bên bờ sông, thấy nó rất nông, với những ngọn cỏ lau trồi lên trên mặt nước. Một dấu chỉ dẫn cảnh cáo rằng chửi thề, nói bậy, nói tục ở đây sẽ bị trừng phạt.

Cô thử xích đu đối diện hướng tây. Nhún mình lên cao, cô nhìn bầu trời trong trẻo – màu xanh lá cây nhàn nhạt, màu vàng đang phai, màu hồng rực ở chân trời. Không gian đã trở lạnh.

Cô đã nghĩ nó là đụng chạm. Miệng, lưỡi, da, thân người, xương va vào xương. Bừng bừng nóng. Đam mê. Nhưng nó không phải là điều cô tìm kiếm. Cô đã nhìn sâu, sâu vào trong anh hơn cô có thể nếu họ đã ngã theo hướng ấy.

Điều cô nhìn thấy là tận cùng. Như thể cô ở bên vùng nước đen thẫm phẳng lặng kéo dài vô tận. Nước phẳng lặng, lạnh lẽo. Nhìn ra mặt nước tối, phẳng lặng, lạnh lẽo ấy, và biết rằng tất cả chỉ có thế thôi.

Không phải vì tật nghiện rượu. Uống rượu, nhu cầu uống rượu – đấy chỉ là một thứ làm xao nhãng, như mọi thứ khác, ngoài thứ đang luôn chờ đợi, cho dù thế nào đi nữa.

Cô trở về xe và tìm cách thức anh dậy. Anh cựa quậy nhưng không thức. Thế nên cô lại đi vòng quanh để làm ấm người, và tập cách dùng cái chân đau dễ dàng nhất – giờ cô đã hiểu ra rằng cô sẽ lại làm việc, phục vụ bữa điểm tâm vào sáng mai.

Cô thử lần nữa, thúc giục anh. Anh đáp lại bằng những lời hứa hẹn và lẩm bẩm khác nhau, rồi lại ngủ. Đến lúc trời tối hẳn thì cô chịu thua. Giờ đây khi hơi lạnh ban đêm đã đến, vài sự thật khác trở nên rõ ràng với cô: họ không thể ở lại đây, rốt lại họ vẫn còn trong thế giới, và cô phải trở về Thác Bailey.

Khá chật vật cô mới dời được anh sang ghế hành khách. Nếu chuyện ấy không đánh thức anh, rõ ràng chẳng còn gì có thể. Phải mất một lúc cô mới biết cách bật đèn xe, và rồi cô bắt đầu lái xe, xóc nảy, chậm chạp, trở lại con đường.

Cô không biết phương hướng, và không có ai trên đường để hỏi. Cô chỉ tiếp tục lái, đến phía bên kia cùa thị trấn, và ở đấy, may mắn làm sao, là dấu chỉ đường đến Thác Bailey, trong số những dấu chỉ đường khác. Chỉ có 9 dặm.

Cô lái dọc theo xa lộ 2 đường xe chạy, không bao giờ quá 30 dặm một giờ. Không có bao nhiêu xe cộ. Một hai lần có chiếc xe vượt qua, bóp còi, và vài xe chạy ngược hướng cũng bóp còi. Một lý do có lẽ vì cô lái quá chậm, và lý do khác là cô không biết cách tắt đèn pha. Không sao. Cô không thể ngừng để thu thập can đảm. Cô phải cứ tiếp tục, như anh đã nói. Cứ tiếp tục.

Thoạt tiên cô không nhận ra Thác Bailey vì cô đến theo hướng không quen. Khi cô nhận ra, cô hoảng sợ hơn suốt 9 dặm vừa qua. Lái xe chỗ xa lạ là một chuyện, rẽ vào cổng quán trọ lại là chuyện khác.

Anh thức giấc khi cô ngừng trong bãi đậu xe. Anh không tỏ vẻ ngạc nhiên rằng họ ở đấy, hoặc vì những chuyện cô đã làm. Thật ra, anh bảo cô, tiếng kèn xe đã đánh thức anh nhiều dặm đường trước, nhưng anh giả vờ ngủ vì điều quan trọng là không nên làm cô giật mình. Tuy thế anh không lo lắng. Anh biết cô sẽ lái được.

Cô hỏi anh đủ tỉnh ngủ để lái xe chưa.

“Hoàn toàn tỉnh táo. Sáng láng như đồng cắc.”

Anh bảo cô tuột chân ra khỏi giày, và anh nắn chỗ này chỗ kia, trước khi nói “Tốt. Không bị nóng. Không bị sưng. Tay của em có đau vì mũi chích không? Có thể sẽ không đau.” Anh đưa cô đến cửa, và cám ơn sự bầu bạn của cô. Cô vẫn kinh ngạc rằng mình đã về an toàn. Hầu như cô không nhận ra đấy là lúc nói từ giã.

Thật ra, cho đến ngày hôm nay, chị không biết anh đã nói những lời ấy hay anh chỉ nắm lấy chị, quàng tay anh quanh người chị, ôm chị thật chặt, với sức ép liên tục và thay đổi như thể phải cần hơn hai cánh tay, như thể anh đã vây bọc lấy chị, thân thể anh vừa mạnh mẽ vừa nhẹ bỗng, vừa đòi hỏi vừa khước từ, nói với chị rằng chị đã sai khi buông rời anh, tất cả là có thể, nhưng quả thật chị không sai, anh đã định đóng dấu ấn của chính mình lên người chị rồi đi.

o0o

Buổi sáng sớm, người quản lý gõ cửa phòng trọ, gọi Grace.

“Cô có điện thoại,” ông nói. “Khỏi phải dậy – họ chỉ muốn biết cô có ở đây không. Tôi nói tôi sẽ đi xem thử. Giờ thì O.K. rồi.”

Đấy chắc là Maury, cô nghĩ. Dù sao cũng là một người trong số họ. Nhưng có lẽ là Maury. Giờ cô phải đối mặt với Maury.

Khi cô xuống phục vụ bữa điểm tâm – mang giày thể thao, một chiếc cột giây lỏng – cô nghe về tai nạn. Một chiếc xe đã đâm vào chân cầu khoảng nửa đường đến Hồ Sabot. Chiếc xe lút sâu vào đấy – hoàn toàn bẹp dí và cháy rụi. Không có xe nào khác trong tai nạn, và rõ ràng không có hành khách. Người lái phải được nhận diện bằng hồ sơ răng. Hoặc đã được nhận diện vào lúc ấy.

“Thật là hết cách,” người quản lý nói. “Tự cắt cổ có hơn không.”

“Có thể chỉ là tai nạn,” người đầu bếp có tính lạc quan nói. “Có thể chỉ là ngủ gật.”

“Còn lâu.”

Cánh tay cô đau, như thể mới bị đánh một cú nặng. Cô không thể cầm vững chiếc khay, và phải dùng hai tay ôm nó trước mặt.

o0o

Cô không phải đối mặt với Maury. Cậu viết cho cô một lá thư.

Em chỉ cần nói anh ấy đã ép buộc em. Em chỉ cần nói em đã không muốn đi.

Cô viết 4 chữ trả lời. Em đã muốn đi.

Cô sắp thêm, Em xin lỗi, nhưng lại thôi.

o0o

Một vài ngày sau ông Travers đến quán trọ để gặp cô. Ông lễ phép và vô cảm, cứng rắn, lạnh nhạt, không phải tàn nhẫn. Giờ cô nhìn thấy ông trong tình thế biểu lộ con người thực của ông. Người đàn ông có thể nắm quyền, có thể thu vén mọi chuyện. Ông nói chuyện ấy rất buốn, tất cả mọi người rất buồn, nhưng tật nghiện rượu là một thứ đáng sợ. Khi bà Travers khá hơn một chút, ông sẽ đưa bà đi du lịch, đến một nơi nào ấm áp.

Rồi ông nói ông phải đi. Ông phải làm nhiều chuyện. Khi ông bắt tay từ giã cô, ông đặt một bao thư vào đấy.

“Cả hai chúng tôi hy vọng nó có thể giúp cháu,” ông nói.

Tấm ngân phiếu một ngàn đô la. Lập tức cô nghĩ đến chuyện gửi trả lại hoặc xé đi, và ngay cả bây giờ chị vẫn nghĩ rằng nếu làm vậy thì rất hay. Nhưng cuối cùng, chị đã không thể làm thế. Lúc ấy, đó là số tiền đủ để bảo đảm cho chị một cơ hội trong cuộc sống.



(1) Trích Elegy Written in a Country Churchyard (1750) (Khúc bi thương viết trong sân nhà thờ thôn quê)

Full many a gem of purest ray serene,
The dark unfathomed caves of ocean bear:
Full many a flower is born to blush unseen,
And waste its sweetness on the desert air.

Nhiều châu ngọc tinh khôi nhất
Nằm trong những động thăm thẳm dưới đại dương
Nhiều đóa hoa chào đời rồi nở không ai biết
Hoài phí ngọt ngào giữa trời sa mạc

phần mềm






ngừng lại ở đó . trích ra phần mềm như buổi mai sương hồng .
không . buổi mai trời trong . không một chút gì . hết thảy . không
một bắt đầu . từ không không .

không sẽ không từ không . cũng như đời không từ em . khuôn mặt . tóc
tai và những phần mềm .

trích ra một cuộc tình . trích một đoạn . cuối cùng ? không . không bao
giờ hết . không có khởi đầu . nói chi lời trảm quyết .


Hoàng xuân Sơn

PHỎNG VẤN CHUỘT CHŨI*


Primo Levi


Phóng viên: Đợi đã, quỉ thần ơi! Trọn hai ngày nay, bốn mươi tám tiếng đồng hồ chờ ông bạn thò mặt ra, vậy mà chưa gì đã muốn rút trở vô rồi! Nghe giùm tôi nè, chủ bút của tôi sẽ không chấp nhận bất cứ cái cớ nào: nếu tôi quay về mà không có bài phỏng vấn, có thể tôi sẽ mất việc, ổng lại muốn có liền bây giờ trước mùa giao phối mới chết chớ!

Chuột chũi: Thôi được, nhưng lẹ lẹ nhe. Không phải đây vội vàng gì đâu, chỉ là không thích ánh sáng thôi. Lần tới nếu cho biết trước, mình làm cái hẹn ban đêm, mọi thứ sẽ đơn giản hơn, mà cũng yên tĩnh hơn nữa. Bộ không nghe tiếng ầm ầm hả? Máy kéo, động cơ, đầu máy, phi cơ: thiệt không chịu nỗi mà! Hồi xưa, như kiểu người ta thường nói, đâu có như vậy, ngoài đồng ngoài cộ đâu đó im re. Dù gì, thông cảm cho mình không nhìn thấy được rõ lắm: nhà báo đây là nam hay nữ vậy?

Phóng viên: Nam. Nhưng nam nữ thì có gì khác nhau đâu.

Chuột chũi: Khác chớ. Không tin phụ nữ được đâu ông nhà báo ơi. Đối với tôi, mỗi năm họ chỉ đáng cho tôi quan tâm 2 tuần, rồi thôi, thà sống một mình. Với lại, cái món mà phụ nữ chăm bẳm, kể cả quí bà của các ông, là lông và lông mà thôi. Không phải họ hoàn toàn sai trong quan điểm này đâu: ông bạn có biết là lông của chúng tôi thuộc loại có thể chịu được cào xước bởi bất cứ thứ gì nhám nhúa thô ráp không? Nếu không thì làm sao mà tháo lui qua mấy cái đường hầm này được chớ.

Phóng viên: Nè, chọn lựa của bọn ông quyết liệt thiệt nghe. Không bầu trời, không tia nắng không ánh trăng; ngắn gọn: tối đen và yên lặng triền miên. Bộ không thấy đơn điệu sao? Không chán hả?

Chuột chũi: Mấy ông rõ ràng cá mè một lứa, toàn dùng thước đo của loài người mà đánh giá này nọ. Đúng là một chọn lựa, nhưng là một chọn lựa hợp lý. Tôi chuộng nghe, ngửi, sờ hơn nhìn. Chớ nghĩ vì không ngó thấy mà tưởng tôi không có lỗ tai nhe. Thính lực của tôi nhậy gấp 10 lần của ông bạn; tất nhiên tính theo lô-ga-rít. Tôi nghe được cả tiếng rễ cây mọc, tiếng lạo xạo của bọn sâu bướm. Và để tự vệ trước những bẫy giăng khủng khiếp của mấy ông tôi phải đào xuống sâu năm sáu tấc: ở vị trí này khỏi sợ chết cóng! Tôi còn có thể phân biệt được 20 loại đất khác nhau, và linh cảm dự báo cả độ ẩm và gió nữa đó.

Phóng viên: Ông bạn vui lòng cho xem hai chân trước được không? Tôi muốn chụp một tấm hình.

Chuột chũi: Không được! Chuyện tào lao gì vậy? Cấm chụp hình. Mà tại sao ông không gọi chúng là tay chớ? Chúng đâu có khác gì với tay của các ông, chỉ có chắc khỏe hơn thôi. Tôi dám cá là, tuy cao lớn dềnh dàng như ông bạn đây, rất có thể sẽ không chịu nổi gọng kềm từ hai bàn tay tôi đâu nhe. Thử làm cái việc mà chúng tôi đang làm ngày đêm coi. Vắng mưa cũng hơi lâu rồi, đất ở vùng đồng cỏ tôi ngụ cư đang thời kỳ tốt và tơi xốp; nói tóm lại, điều kiện không thể ngon lành hơn. Thử coi, ông bạn Người, bỏ đi cái tư thế thẳng đứng, nằm sấp xuống như tụi này nè, rồi bắt đầu đào xới mà không có xẻng cuốc gì ráo. Chịu không? Thấy chưa, chuột chũi là tôi đây, chậm nhất trong các loài cà rề, sẽ đào được 10 thước trong khi trên mặt đất ông bạn vẫn còn loay hoay gẫy móng với lại sướt móng. Ngoài ra, trong thời gian đó tôi còn đào được một đường hầm hình ống đẹp khỏi chê, tém đất gọn gàng sang hai bên, bởi vì từ bé tí đã tập vừa tiến vừa xoay, như một mũi khoan. Bọn chúng tôi cũng có những bí mật nhà nghề chớ bộ!

Phóng viên: Lúc nãy ông nói phụ nữ chỉ hấp dẫn ông một số ngày trong năm. Vậy chứ mấy ông có đi săn gái không?

Chuột chũi: Cái này do tâm đầu ý hợp thôi ông ơi. Mỗi em gái có kiểu gãi lông rất riêng, em thì dồn dập hơn em thì mềm mại hơn: từ xa bọn chúng tôi đã nghe thấy nhau rồi. Đến mùa giao phối, đi tìm bạn tình là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Chọn cái nửa kia của mình như vầy nè: chúng tôi nghe tiếng đào hầm bên trên, bên dưới, bên đông, bên tây rồi chỉ trong tích tắc đã quyết định, thế là hè nhau đào say đào sưa cho đến khi hai đường hầm gặp nhau. Nói cho đúng, thường thì chúng tôi mũi giáp mũi thăm dò xem liệu “hương gây mùi nhớ” có hạp nhau chăng: nếu ổn, hôn nhân coi như ngã giá.

Phóng viên: Nếu ông bạn không phiền, giới thiệu hiền thê cho tôi biết với.

Chuột chũi: Rất hân hạnh, vì đó là một cô gái hoàn hảo. Đẹp nữa chớ: trẻ hơn tôi nhiều. Nhưng giờ là cuối tháng ba, cô ấy phải đi chỗ này chỗ nọ chuẩn bị cho phòng hợp hôn. Chuyện này đối với tôi cực kỳ quan trọng, và tôi đã nói rõ như in với nàng là tôi muốn căn phòng phải rộng rãi, tiện nghi, trang hoàng đẹp mắt bằng cỏ và rêu, đó là việc đàn bà phải làm.

Phóng viên: Nếu không phiền, xin cho biết theo ông bạn thì việc của nam giới các ông là gì?

Chuột chũi: Thì cũng na ná như của mấy ông thôi: mấy ông săn tiền, tụi này săn sâu. Mấy ông đầu tư vào những thứ thiết yếu hoặc bất động sản, tụi này vặt đầu chúng.

Phóng viên: Đầu ai? Đầu bọn sâu bọ á?

Chuột chũi: Đúng, là loại hình đầu tư tốt nhứt. Các ông chưa bao giờ nghĩ đến điều này đúng không? Giun đất không đầu đố chạy đi đâu được, mà lại không thối rữa. Ông bạn có biết hiện tôi có bao nhiêu con trong kho dự trữ không? Hơn một ngàn con, cộng thêm bốn chục ấu trùng các loại. Dù gì cũng phải nghĩ đến tương lai chớ, tương lai của chúng ta và của con cháu ta. Có lần đang đào hang đưa đẩy sao mà gặp phải một em rắn nhỏ xíu mới nở. Tôi cũng vặt thủ cấp nhưng hai ngày sau thì em bắt đấu thúi um, để khỏi phí của, tôi quất sạch luôn. Ông bạn biết không, sức mạnh ở hai cánh tay của chúng tôi có cái giá của nó: nếu mỗi ngày chúng tôi không ăn một lượng thịt tươi tối thiểu cần thiết cho trọng lượng cơ thể, coi như đói.

Phóng viên: Vậy hả? Chờ chút, tôi phải ghi lại chi tiết này. Giờ xin cho biết có khi nào ông bạn bị chế ngự bởi khao khát khám phá thế giới trên mặt đất? Cỏ, hoa, nước chảy mây trôi? Hoặc kể cả những động vật không hề chui xuống mặt đất như dế, ốc sên, cào cào châu chấu?

Chuột chũi: Có chớ, đây không phủ nhận chuyện đó, nhưng mấy thứ này phí phạm cả tuổi xuân. Tôi đã từng làm những trò đại loại cùng mấy thằng bạn đồng trang lứa, vào những đêm không trăng. Tụi này khoảng hơn chục đứa nhe. Tưởng tượng coi, có một lần tôi tìm thấy một tổ chim sơn ca ở ngay trên mặt đất có cả trứng trong đó: thật là một đại tiệc! Nhưng kỷ niệm thực sự vui lại là một chuyện khác: đó là gây chú ý bọn chó hùa bằng cách cào mạnh vô mấy hòn đá, chờ chúng đến gần, thò mõm ra để nhát ma rồi thụt ngay vào trong hang. Ông phải nhìn thấy cảnh bọn chúng sùng sục đào đào bới bới! Nhưng bọn tôi lui quân, trong nháy mắt đã ra khỏi tầm ngắm của nanh vuốt bọn khuyển tặc. Nói tóm lại, nếu chúng tôi không cố tình rước họa vào thân thì chẳng ai gây phiền phức gì. Tuy là sống trong bóng tối nhưng bình yên vô sự.

Trần Thị NgH chuyển ngữ
(* tiểu tựa của người dịch)
bài đã đăng của Primo Levi