Photo: Karen D Tregaskin
Máy vi tính thật sự là một phát minh vĩ đại, nó ảnh hưởng đến tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống và tạo ra thêm rất nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Nhưng nó chỉ thật sự trở nên gần gũi với người dân khi Bill Gates cùng các cộng sự tạo nên hệ điều hành đầu tiên và sau đó là các phiên bản Windows – những giao diện giúp người dùng khai thác, sử dụng và gần gũi với máy tính nhiều hơn. Rồi mạng internet xuất hiện để mọi người chia sẻ dữ liệu với nhau, truyền thông tin cho nhau, rồi các loại trò chơi trực tuyến, các mạng xã hội ra đời dần dần hình thành nên một thứ mà chúng ta gọi là “thế giới ảo”. Và đã là thế giới thì tối thiểu phải có hai thứ: Ánh sáng và bóng tối.
Ánh sáng ở đâu? Hãy nhìn quanh và bạn có thể dễ dàng thấy ánh sáng khắp nơi. Loài người là sinh vật sống trong ánh sáng. Ngay cả việc bạn có thể đọc những dòng này cũng là một phần ánh sáng của công nghệ thông tin. Nơi nào có ánh sáng thì nơi đó có bóng tối. Về bản chất thì bóng tối cũng như ánh sáng, nhưng bởi vì nó là cái gì người ta không thể nhìn thấu, là thứ người ta sợ hãi, xa lánh nên nó trở thành nguyên liệu tốt nhất cho những câu chuyện ma, chuyện kinh dị và dần dần thành hiện thân của cái ác, cái xấu. Đó là do chúng ta làm cho ánh sáng và bóng tối thành như vậy chứ chẳng có thánh thiện hay tà ác nào ở đây.
Internet, game online hay mạng xã hội cũng như vậy. Khi đã tạo ra một “thế giới ảo” thì ta cần biết nó cũng có ngày và đêm, cũng có ánh sáng và bóng tối. Ngày thì làm việc, đêm thì nghỉ ngơi. Sáng ngắm bình minh, chiều ngắm hoàng hôn, tối thì ngắm trăng sao. Đó mới là cách hưởng thụ cuộc sống.Thế nhưng có một số lập luận lại chỉ ra bóng đêm nguy hiểm thế này, tai hại thế kia để kéo theo rằng ánh sáng cũng chả ra gì và nên từ bỏ cái “thế giới ảo” để “trở về cuộc sống thực”?!
Tôi cho rằng: Ảo hay thực là cách bạn sống, không phải là thế giới mà bạn sống trong đó.
Bạn cho rằng không nên suốt ngày cắm đầu vào máy tính hay điện thoại, kéo kéo từng trang mạng xã hội, chúi mũi vào các video, không nên gửi tâm trạng vào các dòng status, không nên trò chuyện với những người bạn quen biết trên mạng xã hội… vì những điều đó là không thật? Bạn khuyên nên tắt máy tính, chạy ra ngoài xã hội, gặp gỡ người thật, làm những việc thật… thì mới là thật?! Liệu có chắc rằng những người nghe lời khuyên của bạn khi bỏ cái “thế giới ảo” này để chạy sang “thế giới thật” lại không trở thành những kẻ ngồi lê đôi mách, tụ tập chơi bời, quậy phá nhậu nhẹt…?
Cũng giống như nói về vấn đề “cai nghiện facebook” của một số bạn, tôi từng nói là: Một ngày của chúng ta ai cũng có 24 giờ thôi, nếu bạn thật sự muốn cuộc sống thú vị hơn thì cứ tìm việc thú vị, có ích mà làm, tự nhiên thời gian dành cho facebook sẽ giảm lại hoặc không còn nữa. Còn nếu bạn không có việc gì khác để làm thì bỏ facebook rồi bạn cũng sẽ tìm đến một thứ khác để giết thời gian thôi.
Quan trọng hơn là nhiều người do muốn đạt mục đích lại lập luận một cách lệch lạc, lấy cái hay của thế giới này so với cái dở của thế giới kia. Giống như một người vô công rỗi nghề, thích ăn diện, show hàng, khoác lác… từ thế giới ảo nhảy qua thế giới thực một phát là trở thành con ngoan trò giỏi, thanh niên gương mẫu vậy. Cách so sánh đó mới “ảo” làm sao!
Nếu bạn là một người năng động, thích tiệc tùng, tụ tập, cười đùa với bạn bè, hãy nghe Criss Jami nói câu này:
“Telling an introvert to go to a party is like telling a saint to go to hell.”
Nghĩa là: “Bảo một người hướng nội đi dự tiệc cũng giống như bảo một vị thánh xuống địa ngục vậy.”
Nếu muốn tìm hiểu thêm thế nào là người hướng nội, và họ khác với những người hướng ngoại như thế nào, hãy xem video “The power of an introvert” của Susan Cain. (có phụ đề tiếng Việt)
Điều tôi muốn nói qua những trích dẫn trên là: Sự khác biệt, sự phù hợp và sự lựa chọn. Đừng đắm mình trong thế giới ảo để chìm sâu trong đó nếu bạn không thật sự muốn như vậy. Nếu bạn biết mình đang làm gì và đó thật sự là cuộc sống mà bạn chọn, bạn hạnh phúc với nó, thì tại sao không?! Bạn vẫn có thể có nhiều bạn bè, vẫn có thể tạo ra giá trị trong thế giới ảo này, và những giá trị đó là giá trị thực. Đừng quan niệm giá trị ảo thì không phải là giá trị. Bạn nghĩ rằng Google là những cổ máy trong một cái xưởng khổng lồ thôi sao? Không, Google đâu phải những cổ máy đó, Google là cái ảo nhưng nó mang đến giá trị thật, nó nuôi sống và giúp ích cho hàng triệu triệu người.
Lại nói, trong “cuộc sống thực” này mọi người đều sống thật hay sao? Bao nhiêu người sống vì cách nhìn của người khác, sống theo chuẩn mực của người khác, làm việc và học tập vì lý tưởng của người khác? Bao nhiêu người chết vì cái “sĩ diện hão”? Ở xã hội thực này lại thiếu những cái “ảo” đó hay sao?! Người ta đối xử với nhau bằng chân tình cả sao, tiếp xúc với nhau thì không lừa dối nhau, tổn thương nhau sao? Những người yêu, người vợ, người chồng ngoài đời này lừa dối, phụ bạc nhau ít sao?
Nếu nhìn một cái nhìn hư ảo, thì cuộc đời này có cái gì là thật đâu bạn. Tất cả mọi thứ đều chỉ là mây gió thoảng qua thôi. Điều quan trọng để xác định một thứ gì đó là thật hay ảo đối với bản thân ta chính là ta có thật sự đặt tâm trí mình vào đó hay không, ta có đang “sống” trong đó hay không. Nơi nào ta sống thật, nơi đó là thế giới thật.
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét