Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Tri âm như thế mới là tri âm!




Tác giả: Đào Dục Tú


Ở đời mấy ai không có bạn? Mỗi khi xẩy ra sự cố gì liên quan hoặc liên tưởng đến bằng hữu, không hiểu sao tôi hay nhớ đến câu thơ của cụ Tú thành Nam “Tương tư lọ phải là trai gái- Một ngọn đèn khuya trống điểm thùng”..Mường tượng cụ Tú ngồi một mình với ngọn đèn khuya; trống cầm canh điểm một tiếng “thùng” chìm vào đêm, càng làm cho đêm sâu thành Nam vời vợi cô tịch hoang liêu .



Bá Nha- Tử Kỳ. Nguồn: Trên mạng

Cụ đâu có nhớ nhân tình, cụ nói thế là nhớ bạn nam nhi, nhớ bằng hữu chí cả đồng trang lứa rồi! Nghe nói bình sinh hai cụ Phan Bội Châu – Tú Xương gặp nhau đâu chỉ một đôi lần gì đó thời cụ Phan tìm đường, tìm “đồng chí”, thực hiện hoài bão đông du cứu nước. Giữa hai cụ tri âm tri kỷ đến đâu, cụ thể thế nào, không ai biết mà cũng chưa thấy ai viết . Ví như tình bạn giữa cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến với cụ Dương Khuê đầu thế kỷ 20 người đời sau còn được biết qua những câu thơ như “Nhớ từ thủơ đăng khoa ngày trước- Lúc sớm hôm tôi bác cùng nhau- Kính yêu từ trước tới sau- Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời” (tôi nhấn mạnh “duyên trời”).



Còn cụ Tú Xương với cụ Phan, người đời chỉ suy đoán cụ Tú nhớ “người trong mộng” đến mức gần như hoang tưởng. Này nhé “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai- Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. . . . Ngày đó sông Vị Hoàng chưa “Thế gian biến cải vũng nên đồi”, đất thành Nam xưa chưa rơi vào cảnh “thương hải tang điền”- nương dâu bãi biển. Nghe tiếng ếch kêu cụ Tú tưởng tiếng ai kia mà lòng những thương những nhớ gọi đò, gọi người, gọi mình. . . . .Gặp nhau mới có một đôi lần mà “duyên trời” quả là “tuyệt hảo từ”.

Hóa ra ở mối tương giao tương tri bằng hữu quý hóa, thời gian dài ngắn chẳng có vị thế gì như người ta tưởng. Thời gian cũng như không gian trường đoạn, địa lý xa gần, tương tự. Nhớ câu thơ cổ nhiều người tâm đắc: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ- Vô duyên đối diện bất tương phùng”, có duyên với nhau thì ngàn trùng xa cách cũng thấy gần, như là . . .gặp nhau vậy. Còn đã vô duyên thì ngồi đối mặt. . . đối ẩm “cà phê đầu tuần” “cà phê cuối tuần” “quốc lủi giữa tuần”. . . cũng xem như xa lắc.

Xa hay gần, lâu hay mau đối với tiền nhân chọn bạn mà chơi chưa bao giờ thành “hòn đá thử” sức bền quan hệ, mà chính là thế giới tinh thần tình cảm của họ. Khi họ đã bắt được tần số sóng âm của nhau thì đó chính là “duyên trời”, là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Có hai loại sóng âm đặc biệt nhất trong mối tương giao giữa người và người là tình yêu trai gái, lứa đôi vĩnh hằng và tình bạn hữu cao quý. Nên cụ Tú thành Nam mới nhắc người đời: “tương tư lọ phải là trai gái” (“lọ” từ Việt cổ, nghĩa như “đâu”- nghi vấn từ, nay gần như mất dấu). Đâu chỉ có tình trai gái mới nhớ nhau, cho dù đấy là nỗi nhớ đáng… kể, đáng nể nhất ở trường đoạn thời gian thanh xuân đẹp nhất đời người. Thời nào chả thế, “có nam có nữ mới nên xuân”, các cụ nói, lại nói bằng thành ngữ, có bao giờ sai! Mà không có xuân còn chi là đời!

Bạn tri âm, nhiều người chỉ cần có vốn văn học cổ tầm tầm cũng biết xuất xứ từ một điển cổ văn học cổ Trung Hoa, chuyện Bá Nha với Tử Kỳ. Khi Bá Nha gẩy đàn, trong đầu anh ta nghĩ gì, cảm gì thì “phổ” vào tiếng đàn, ví như nghĩ đến suối reo thì tiếng đàn như có tiếng suối reo, nước chẩy chẳng hạn,vân vân. . . Chợt nhớ thơ Kiều tả tiếng đàn của nàng Kiều qua thẩm âm của cụ Nguyễn Tiên Điền và. . . chàng Kim :” Trong như tiếng hạc bay qua –Đục như nước suối mới sa nửa vời- Tiếng khoan như gió thoảng ngoài –Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”.

Chả biết chàng Kim thẩm âm ra làm sao, chỉ thấy “phán” rằng: ” Rằng hay thì thật là hay-Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” !. Còn tiếng đàn Bá Nha ?. Duy nhất chỉ có một anh chàng Chung Tử Kỳ là “lắng tai nghe” thấy tiếng đàn Bá Nha mà thôi. Nên khi Tử Kỳ qua đời (chắc vì bạo bệnh, chết trẻ) Bá Nha cũng đập tan “cây đàn nuôn điệu” (Thế Lữ) của mình, nhìn đời bẳng. . . “nửa con mắt trắng”, mắt xanh chẳng để ai vào. . . .vì cho rằng thế gian này không còn ai “biết ” ( nghĩa của “tri”- chữ Hán) nghe, biết thưởng thức, biết thẩm âm, biết bình giải tiếng đàn hàm chứa “tiếng nói trái tim” của anh ta nữa!

Chợt nhớ câu thơ Kiều tuyệt hay nhắc tới điển cố này “Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”. Thế mới hay người xưa cao kiến, cao thủ quá trong việc “chọn bạn mà chơi”, mà giao du học hỏi, mà bồi bổ cho nhau thế giới tinh thần tình cảm qua thế giới nghệ thuật cầm kỳ thi họa. “Tương tri như thế mới là tương tri”, “Tri âm như thế mới là tri âm” đáng ngả mũ nghiêng mình kính nể, ngưỡng vọng chứ! Đấy là, thường là các bậc hiền giả ,hiền sĩ, ” hiền nhân quân tử” (Chữ của Bà Chúa thơ Nôm); nghĩa là những người có học, có “chữ thánh hiền”, những người cõng ba bồ sách thiên hạ hoặc chí ít cũng cõng một hòm sách quý trên lưng!

Còn người bình dân tương tư- nhớ nhau thì giản dị chất phác lắm lắm. Nhớ câu ca dao Nam Bộ “Cơm ăn một bát lưng lưng- Uống nước cầm chừng để dạ thương em”. Thứ cơm ấy, thứ nước ấy chắc chắn trăm phần không phải của nhà phú hào quen với của ngon vật lạ, sơn hào hải vị, lại càng không phải đặc sản rừng, đặc sản biển cộng “uyt-sơ-ki” Tây xịn bạc triệu đắt tiền.

Có một thực tế không ai phủ nhận được là từ cổ chí kim, những mối tương giao tri âm bị tan vỡ bởi sự bội phản lọc lừa thì ở giới bình dân, ở người lao động mưu sinh nhọc nhằn bao giờ tỷ lệ cũng thấp, cũng nhỏ bé so với giới thượng lưu quý phái quý tộc “quý của hơn người” “quý vàng hơn nghĩa”; so với đủ loại đại ca đại gia “trọng . . . chân dài” hơn trọng nghĩa phu thê!. Tự nhiên nhớ tới những câu ca dao vừa quen lại vừa lạ. “Một ngày hai bữa cơm đèn- Lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng”, “Chồng ta áo rách ta thương-Chồng người áo gấm xông hương mặc người”, “Trèo lên trên núi đốt than- Anh đi Tam Điệp em mang nón trình- Củi than nhem nhuốc với tình- Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên”,”Giơ tay mà ngắt ngọn ngò- Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ” vân vân và vân vân…

Người ta phải tri âm – biết tiếng nhau, biết tình nhau sâu sắc lắm lắm, tình sâu nghĩa nặng lắm lắm mới có thể cho nhau, tặng nhau, dâng hiến cho nhau một “khối nhân tình” “trong ngọc trắng ngà” cao quý như thế ở đời. Mà cuộc đời của người bình dân ngày xưa, người chân lấm tay bùn ngày xưa hết khổ ải trầm luân thời phong kiến trung cổ “một nghìn năm nô lệ giặc. . . .phương Bắc (!)” kéo thêm thời “một trăm năm nô lệ thực dân” phương Tây xâm lược thời cận, hiện đại.

Đặt những mối tri âm giữa người với người trong bối cảnh lịch sử vong quốc nô đen tối ấy, nói văn hoa hình ảnh, có khác gì những đóa sen nở trên bùn hay những ánh chớp giữa đêm đen. Những mối giao tình, thâm tình tri âm “cực chuẩn” như thế hiếm mà cũng không hiếm ở đời này. Hiển nhiên thật khó có tình tri âm “toàn diện” “thập toàn” như trong tiểu thuyết, như trên sân khấu, như . . . . thơ tình

Người ta cũng có thể chỉ tri âm một khía cạnh nào đó tùy “chuẩn mực” đạo đức hay lối sống, lối cảm, lối nghĩ của riêng mỗi người. Có người thân nhau vì cùng sở thích bóng đá, “ăn bóng đá” ” ngủ bóng đá”. Lại có người “biết” nhau vì cùng chung sở đoản. . . chơi cờ hay . . .tá lả ! Điệu nghệ hơn có đôi bạn thân nhau chỉ vì cùng sở thích “bước nhẩy hoàn vũ” chẳng hạn. . .Đẳng cấp hơn có người chơi với nhau vì cùng chung “gu nghệ thuật”, tranh cổ điển,nhạc tiền chiến, nhạc Văn Cao, nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Phạm Duy, Đoàn Chuẩn vân vân. Thế thôi cũng là quý rồi; ở đời mình biết cho nhau niềm vui thường nhật!

Nghĩ lan man đến thới hậu hiện đại a-còng. Thôi thì đủ loại bạn, đủ cấp độ bạn, kể cả hai thứ bạn đặc thù là bạn tình, tình nhân và bạn hữu, ai dám đoan chắc người tri âm thời nay đông hơn về số lượng và cao hơn thời xưa về chất lượng tinh thần? Các cụ dạy con cháu, cô đúc trong một câu “phú quý bất năng dâm- bần tiện bất năng di”, đại ý giầu không mê muội thay lòng, nghèo không đổi dạ. Thay lòng đổi dạ, “giầu đổi bạn, sang đổi vợ” chuyện nhỏ, chuyện thường nhật “chật chỗ” mặt báo viết đủ loại lá đa lá đề lá cải lá nho thời nay mất rồi! Các cụ nghệ nhân tuyệt vời thời xưa còn hoàn thiện vở chèo tuyệt hay về tình bạn cao cả Lưu Bình- Dương Lễ, khán giả thời nào cũng nhiều người mê. Lo cho bạn, vì bạn, được như gương Dương Lễ “tự nguyện tự giác để vợ đi nuôi bạn ăn học” đỗ đạt làm quan, đổi đời trông thấy, hỏi trong cuộc đời thực, dễ có mấy người? !

Hình như trong cuộc sống quá nhiều phần tranh đoạt, bon chen, nhiều mưu ma chước quỷ cùng quá lắm bất trắc bất an hiện nay, không hiếm nơi, không ít chỗ u u minh minh tranh tối tranh sáng. Người tri âm lặn sâu đâu chẳng thấy, chỉ thấy nổi lên quá lắm kẻ được. . . lãnh đạo chỉ định, định danh “thoái hóa biến chất” “một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức có quyền”, “bầy sâu ăn hết phần của dân” khiến có . . .nhà thơ cảm khái than thở . . . chất người thời nay “bọt bèo thì nổi phù sa thì chìm”!

Đấy là đám người tùy thời trục lợi, kẻ tri kỷ- không phải theo nghĩa “biết mình biết người” tri âm tri kỷ tốt đẹp, mà là chỉ cần “biết” có mình, thực chất là tư lợi vị kỷ và “biết người”. . . thừa tiền tài, quyền lực; biết sử dụng sức mạnh của quyền lực đồng tiền, Tự nhiên nghĩ tới câu thơ của cụ Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc “Vui gì thế sự mà mong nhân tình”. Không mong không ước có/được nhân tình, tình người với nghĩa nhân bản nhân văn cao quý, hỏi làm sao mà những ai đã vượt mốc nhân sinh “xưa hiếm nay không hiếm” sống vui sống khỏe sống có ích cho đời, vì đời đây, thưa quý vị đã lên ông lên bà?! ./ .

2 nhận xét: