*Photo: Adih Respati
Một câu khẳng định rằng không có nội tâm con người nào, dù trong sạch đến mấy, lại không ấn tàng trong đó một tật xấu khả ố nào đó. Cho dù là các bậc được mang tiếng là thanh cao thì tôi vẫn chắc chắn rằng trong suy nghĩ của họ vẫn còn có thứ xấu xa mà không ai biết được, ngoài họ. Vậy thì người tốt không phải là người giỏi che đậy cái xấu xa bên trong sao? Câu đó xem ra là đúng, và người tốt cũng là người biết che đậy cái xấu nữa.
Chúng ta thường hay phê phán các cụ ta thời xưa mang lắm bệnh sĩ diện, tức là muốn lắm nhưng giả vờ không thích, hoặc là đạo đức giả, khi những điều đó xét ở một thời đại dân chủ và tự do như bây giờ thì điều đó thực là ngu ngốc. Ngày nay người ta luôn kêu gọi mọi người hãy sống thật với bản thân mình, tức là nên sống đúng với cảm xúc thực, suy nghĩ thực của mình, là xấu hay đẹp đều nên phô ra cho mọi người biết, là viết những dòng tự thú (confession). Khi một nhóm bạn nam ngồi nói chuyện với nhau, một cô gái ăn mặc gợi cảm đi ngang qua, mọi người đều bàn tán về cơ thể cô ta, duy chỉ có một người im lặng, người đó dễ bị gán là đạo đức giả, thích mà còn làm bộ. Nhưng khoan hãy kết tội người đó vội.
Trong bản tính con người luôn có ít nhất một nết xấu, đó có thể gọi là bản tính tự nhiên, tuy nhiên nết xấu ấy cũng ẩn chứa tố chất cho các mục đích tốt đẹp nào đó. Con người chúng ta luôn có xu hướng che giấu những suy nghĩ và cảm xúc thật của mình và chỉ muốn phô bày ra những gì được dư luận chấp nhận và cho là tốt đẹp. Xu hướng thiếu trung thực, xấu che tốt khoe để được lòng xã hội thực ra không những đã góp phần văn minh hóa mà còn dần dần và trong mức độ nhất định nào đó làm đạo đức hóa trong con người chúng ta, vì không ai có thể nhìn thấu ngay vào bản chất thật của vẻ ngoài đứng đắn, danh giá, đạo hạnh và chính những tấm gương tưởng là tốt lành biểu lộ ra bên ngoài hằng ngày lại là một trường học để tăng tiến nền nếp đạo đức cho ta.
Tôi luôn nhớ thây giáo dạy triết cấp ba của tôi có nói với lớp: “Các em nhìn thầy là một thầy giáo lớn tuổi và đứng đắn. Khi ra ngoài đường nếu thầy nhìn thấy những cô gái trẻ trung, xinh đẹp độ tuổi các em thầy có thích không? Thầy vẫn sẽ thích nhưng thầy không thể biểu lộ sự thích đó giống như ở độ tuổi các em được, bởi thầy là người có tuổi để con cháu thầy nhìn vào và thầy là thầy giáo để các em noi gương.” Chúng ta có thể tự do phô bày, nhưng hãy nên biết giới hạn những gì được phô bày.
Trong tình yêu ngày nay, các cặp đôi luôn có nhu cầu muốn tìm hiểu rõ ràng quá khứ của nhau, và ngụy biện rằng điều đó sẽ tốt cho cả hai, để thông cảm cho nhau hơn, nhưng thường có tác dụng tiêu cực ngược lại với mong muốn. Khi cô gái che giấu quá khứ lỗi lầm của mình, nếu một ngày nào đó bị phát giác ra, người con trai chắc chắn sẽ cho cô là đồ giả dối, lừa gạt. Nhưng nếu người con gái đó nói ra điều đó trước thì sao? Người con gái sẽ thường hay bị dày vò bởi người tình, và người con trai khi biết điều đó lại càng đau khổ hơn so với không biết. Ấy vậy mà hầu như ai cũng muốn biết, cũng muốn trở nên đau khổ! Bởi vì bản tính con người hay tò mò và có nhu cầu muốn chiếm hữu trong tình yêu. Tại sao ta lại không chấp nhận bị lừa dối nhỉ, chẳng hay hơn sao? Điều đó xem chừng phi lý nhưng nếu xét sâu xa không phải không có lý.
Không phải điều gì chúng ta cũng nên nói ra cho người khác biết, có những thứ nên giấu kín trong lòng, đặc biệt là những nỗi đau. Xin nhắc lại một đoạn trong tác phẩm Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo, khi Jean Valjean đi tù khổ sai về xin giám mục chỗ ăn ngủ nhờ, vị giám mục đồng ý mà không cần biết những lỗi lầm trước kia của người tù khổ sai này, chỉ biết rằng anh ta là một người đau khổ cần được giúp đỡ. Trong suốt bữa ăn ông không hề hỏi hay gợi lại bất cứ một câu hỏi nào về những đau khổ trước kia của anh ta mà đáng ra ông được quyền hỏi, ông không muốn khoét lại nỗi đau từ quá khứ của anh ta, ông chỉ dùng tình thương người để cảm hóa một con người lầm lỡ, mà như ta vẫn thấy, không phải ai cũng biết dùng tình thương này đúng cách đâu.
Ta đi hơi xa về chủ đề đang nói rồi. Xin nhắc lại, vậy thì chúng ta cứ che đậy cái xấu và làm cho xã hội trở nên suy đồi hơn hay sao? Chính trị thì tha hồ lừa dối, thương trường cũng nhiều dối gian, đến ngay cả tình yêu, con người sống gần nhau mà cũng lừa dối như tác giả bảo thì ta còn biết tin ai được nữa. Tôi muốn nói là, để có một xã hội lý tưởng là điều hoàn toàn không thể, ta phải tin vào chính bản thân mình, phải biết dùng trí tuệ của mình, phải học, phải đọc để phán xét, để biết rõ hơn về người khác. Đôi khi phải dùng Tâm để cảm nhận. Đừng thần tượng bất cứ một ai, bởi nếu một ngày kia khi thần tượng của các bạn sụp đổ ngay trước mắt thì sao?
Tôi vẫn không hoàn toàn khuyến khích cho một xã hội đạo đức giả, nhưng với con người bây giờ, thà một xã hội đạo đức giả còn hơn là một xã hội đạo đức thật. Hãy thử hình dung xem.
Đời Thừa