CHÂU PHONG
Từ đời sống tự nhiên đến đời sống xã hội, muốn tiêu diệt cái xấu phải trừ bỏ tận gốc
Theo từ điển tiếng Việt, “gốc” là cái, nơi từ đó sinh ra, tạo ra những cái được nói đến nào đó”. Gốc cây là đoạn ở dưới của thân cây ở sát đất. Bác Hồ nói “cây không có gốc thì cây héo”. Gốc là nơi nuôi dưỡng cây. Chặt gốc và rễ cây hoặc cây bị bật gốc là cây chết. Còn nếu chặt ngọn, chặt cành, cây không thể chết. Các cụ thường nói, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc là theo nghĩa đó.
Trong đời sống xã hội, chúng ta hay nói đến gốc rễ. Nói đến gốc và rễ là dùng để chỉ nguyên nhân hoặc cơ sở của sự việc, vấn đề. Mỗi hiện tượng xã hội đều có gốc rễ của nó. Muốn thay đổi, phải làm thay đổi tận gốc rễ.
Thời gian qua và cả thời gian tới, nhân dân có chút vui mừng, phấn khởi vì quyết tâm của Đảng trong việc chống tham nhũng đã và đang biến thành hiện thực. Nhiều vụ việc tham nhũng nổi cộm đã và sẽ được đưa ra xét xử công khai đúng người, đúng tội, đúng luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. So với sự trì trệ nhiều năm trước thì đó là một kết quả đáng mừng, cần được ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, xem xét một cách nghiêm túc thì việc làm đó là bình thường, đúng tiến trình và quy định của pháp luật, không có gì đột xuất, đặc biệt ở đây cả. Vì xưa nay ta không làm được, hoặc làm không đến nơi đến chốn, bây giờ làm thì thấy mới, hể hả. Vậy thôi. Thực ra, ai phạm tội thì phải chịu sự phán xét của công luận và luật pháp là câu chuyện bình thường, giống như cách nói của Bác Hồ, đó là mấy chữ a,b,c (được hiểu câu chuyện tối thiểu, bình thường, sơ đẳng). Cán bộ phục vụ dân, làm đày tớ dân cũng là như vậy. Bác nói “mấy chữ a,b,c đó không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được” (nếu cán bộ không phục vụ dân thì chẳng khác gì vua quan thời thực dân, phong kiến đè đầu, cưỡi cổ dân). Đảng ta là Đảng lãnh đạo, tức là làm đầy tớ của nhân dân, cũng được hiểu một cách bình thường như vậy.
Trở lại lịch sử, tại sao các bậc thầy của chủ nghĩa cộng sản khoa học giáo dục giai cấp công nhân rằng phải xóa bỏ tận gốc sinh ra áp bức. Nếu công nhân chỉ tập trung đánh, giết thằng chủ này, tên đốc công kia thì có nghĩa lý gì, vì lại có thằng chủ, tên đốc công khác lên. Công nhân đập phá máy móc, bỏ trốn lại càng vô nghĩa. Đó chỉ là những hành động tự phát, manh động nhất thời, tuy có tác dụng nhất định nào đó, nhưng xét tận cùng thì không giải quyết được gì. Bởi vì, cái gốc của áp bức không nằm ở những con người cụ thể đó mà nằm ở bản chất bóc lột, xấu xa của giai cấp tư sản; nằm ở quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Bây giờ chống tham nhũng là cần thiết (xin nhắc lại một lần nữa đây là câu chuyện bình thường vì có tội thì phải chịu tội. Nhưng vì xưa nay ta không làm được chuyện bình thường đó, bây giờ làm lại tưởng rằng vĩ đại). Nhưngcần hơn là diệt gốc sinh ra tham nhũng. Bởi vì, nếu nhổ cỏ không nhổ tận gốc thì cỏ dại lại tiếp tục mọc lên. Xử được thằng tham nhũng này lại có thằng tham nhũng khác.
Ngay bản thân tham nhũng cũng có tham nhũng ngọn và tham nhũng gốc. Tham nhũng ngọn là tham nhũng vật chất cụ thể, kể cả tiền tỷ. Gốc nhỏ thì tiền tỷ nhỏ. Gốc lớn thì tiền tỷ lớn. Tham nhũng quyền lực là tham nhũng gốc (quyền lực vừa là vật chất vừa là tinh thần).
Gốc đẻ ra tham nhũng có nhiều nhưng trong đó quan trọng nhất là vấn đề quyền lực, kiểm soát quyền lực và bệnh thiếu tinh thần trách nhiệm, bệnh quan liêu (quan liêu là từ việc thiếu tinh thần trách nhiệm mà ra). Thực chất của vấn đề là thể chế và nền dân chủ. Dư luận hoàn toàn có lý khi đặt những câu hỏi xung quanh những vụ án tham nhũng lớn như Huyền Như, Dương Chí Dũng, Bầu Kiên. Ví dụ: Một mình Huyền Như không học hành, không nhan sắc làm sao có thể tham nhũng 40.000 tỷ nếu chúng ta có một nền dân chủ thật sự, công tác quản lý và công tác cán bộ công khai, minh bạch, có trách nhiệm.
Luật gia Nguyễn Trương Tín có lý khi cho rằng “phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta có nhiều khuyết điểm trong việc đề bạt, điều động, bổ nhiệm Dương Chí Dũng vào các vị trí công tác mà ông ta đảm nhiệm” (Báo Đời sống và Pháp luật, 24-1-2014). Dương Chí Dũng là con người “sai càng nhiều càng lên chức”. Chúng ta đều biết, trước khi làm lãnh đạo Vinalines, ông Dũng đã từng quản lý Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco) và Công ti này đã thua lỗ nặng. Tháng 8-2005, ông Dũng được bổ nhiệm vào chức Tổng Giám đốc Vinalines, đến tháng 7-2011, được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Dũng còn được bầu làm Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy Vinalines. Đến đầu tháng 2-2012, sau khi thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, ông Dũng được điều động, bổ nhiệm vào chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Toàn bộ thời gian đó, theo như lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trả lời báo chí thì ông Dũng đều hoàn thành tốt công việc, không có sai phạm gì. Và ông Dũng đều đạt được các danh hiệu bầu cuối năm về chính quyền và đảng như: Chiến sĩ thi đua, lao động xuất sắc, đảng viên xuất sắc hoàn thành tốt nhiệm vụ, lãnh đạo giỏi, v.v..
Câu hỏi đặt ra là có thật sự ông Dũng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, không có sai phạm gì trong các cương vị ông đảm trách trong thời gian trước khi điều động, bổ nhiệm, lên chức?
Luật gia Nguyễn Trương Tín đặt ra những giả thiết rất đáng nghiên cứu để từ đó tìm cách trừ tận gốc tham nhũng:
Hoặc là ông Dũng quá tài giỏi khi lừa dối qua mặt tất cả?
Hoặc là có biết nhưng cả nể, sợ không dám đấu tranh?
Hoặc là biết nhưng liên quan đến lợi ích nhóm?
Một vấn đề khác là trong các năm bị thua lỗ thì Vinalines đã hạch toán báo cáo đều có lãi nhưng đều qua được mặt tất cả các cơ quan, bộ phận chức năng như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước.
Phải khẳng định công tác cán bộ và những bộ phận, cơ quan chức năng này nêu trên có trách nhiệm lớn để có một Dương Chí Dũng tung hoành như vậy. Đây chính là cái gốc đẻ ra vụ việc Dương Chí Dũng tham nhũng. Phải xử lý cái gốc này. Phải xem xét, truy cứu trách nhiệm những người liên quan đến công tác cán bộ, công tác kiểm tra, kiểm toán, công tác thi đua khen thưởng. Chính những con người này đã ấp ủ, dung dưỡng cho những hành vi xấu xa của Dương Chí Dũng. Chỉ xử Dương Chí Dũng, Huyền Như, Bầu Kiên... mà những người thiếu tinh thần trách nhiệm có liên quan trực tiếp hay gián tiếp vẫn vô sự thì họ lại tiếp tục che chở, dung túng cho Dũng, Như, Kiên con, cháu, chắt, chít.
Bác Hồ dạy rằng: quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí trước hết phải trừ sạch thói thiếu tinh thần trách nhiệm và bệnh quan liêu. Người dẫn lại ý kiến của Xtalin rằng “phải nhổ đi nhổ lại cho sạch hết những cỏ rác bệnh quan liêu và thiếu tinh thần trách nhiệm”.
Có một câu chuyện trong Phủ Chủ tịch thời Bác Hồ liên quan đến vấn đề trách nhiệm rất sâu sắc: Bộ phận công tác trong Phủ Chủ tịch chuẩn bị một cây san hô đẹp để biếu khách nước ngoài. Mấy thanh niên phục vụ thấy đẹp sờ tay, không may lỡ tay làm cây san hô đổ gãy. Sau khi thay món quà khác, Bác Hồ gặp nhóm thanh niên hỏi nguyên nhân. Người làm đổ cây san hô nói do cháu lỡ tay và xin lỗi Bác. Bác nói nguyên nhân là ở tổ chức và sắp xếp công việc, chứ không phải do lỡ tay. Và phải khắc phục cái nguyên nhân đó. Bác nói nhẹ nhàng nhưng sâu xa, chỉ ra được cái gốc của vấn đề để khắc phục, sửa chữa.
Sự vỗ về, nuông chiều, bao biện cho thói thiếu tinh thần trách nhiệm là cực kỳ nguy hiểm, bởi đó là cái gốc sinh ra những hư hỏng, xấu xa của cán bộ.
Một cái gốc khác đẻ ra tham nhũng là quyền lực. Nhân loại đã tổng kết: “Quyền lực có khuynh hướng tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối”. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ có quyền lực. Cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Quyền lực đó nếu không được kiểm soát một cách thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả thì cán bộ sẽ tha hóa. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI khẳng định một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... là do quyền lực của những cán bộ đó không được kiểm soát. Nguy hiểm hơn là những người có quyền lại tự tung tự tác.
Vậy thì phải có nhiều biện pháp kiểm soát quyền lực. Một trong những biện pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là đắp bồi nền dân chủ, phát huy sức mạnh thật sự của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng. Phải có cơ chế để Mặt trận kiểm soát quyền lực. Phải gây nên một phong trào quần chúng gớm ghét, bao vây lũ giặc tham nhũng. Phải tạo cơ chế đưa nhân dân vào kiểm soát, giám sát cán bộ. Phải gây nên một cuộc vận động trong nhân dân chống tiêu cực, làm cho những cán bộ hư hỏng “đường hoàng” cũng như kín đáo không sống còn được (Lời Xtalin được Hồ Chí Minh dẫn lại).
Chúng ta đang chứng kiến sự vận động nhanh và có nhiều điểm mới của đất nước, của xã hội. Phải có tư duy mới để nhận diện khuynh hướng phát triển của xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh khí dân chủ của đổi mới, khát vọng của lòng dân, sức mạnh của ý dân không cho phép chúng ta trở lại tư duy của thời bao cấp và bao cấp tư duy. Đối thoại, phản biện, chất vấn không thể chỉ là những câu nói trống rỗng, mà phải có nội dung thật sự bằng thể chế. Một xã hội dân chủ thì một điều quan trọng là sự dự phần của người dân vào sự phát triển của đất nước. Khi nhân dân còn phẫn nộ với những cán bộ hư hỏng là đất nước còn có phúc lớn. Sợ nhất là nhân dân quay lưng lại với Chính phủ, với những gì diễn ra của đất nước. Phải làm tốt lời dạy của Bác, tạo điều kiện cho nhân dân góp ý, phê bình Chính phủ, và khi Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đạp đổ Chính phủ đó đi và gây nên Chính phủ khác.
Trở lại vấn đề trách nhiệm. Bây giờ đang rất nhiều vấn đề nóng nổi lên làm người người dân ngơ ngác, hoang mang và mất niềm tin. Ví dụ câu chuyện về ông Nguyễn Văn Truyền, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chánh Thanh tra Chính phủ có biệt thự “khủng”, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ cấp vụ và tương đương ở “phút 89”. Việc này đòi hỏi trách nhiệm kiểm tra, xác minh, công khai minh bạch làm rõ, có hay không? Đúng hay sai? Và nếu có, nếu đúng thì những câu chuyện liên quan thế nào? Xử lý trách nhiệm ra sao?
Rồi câu chuyện tăng giá sữa, trách nhiệm các bộ, ban, ngành liên quan thế nào? Rồi đứt cầu treo? Nứt trụ cầu Vĩnh Tuy? Nói tóm lại là phải truy cứu trách nhiệm đến nơi, tận cùng. Không thể nói vô trách nhiệm kiểu “lỗi vắc-xin thì xử vắc-xin” và rồi cứ thế “lỗi đứt cầu thì xử cầu”, “lỗi quy trình thì xử quy trình” (!?).
Một nhà nước pháp quyền thì pháp luật và dân chủ phải gắn chặt với nhau. Xã hội, đất nước không thể không có quản lý, buông lỏng quản lý và phủi bỏ trách nhiệm quản lý. Một cơ sở y tế 3-4 tầng mọc lên ở đất quản lý của một phường, hoạt động không phép mà nói rằng quản lý không có trách nhiệm gì thì không thể chấp nhận. Những vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cá nhân mà nói rằng chỉ cá nhân đó chịu trách nhiệm, còn các bộ, ban, ngành liên quan không có trách nhiệm gì thì không thể chấp nhận... Với tư duy và cách xử sự như vậy thì không thể hạn chế, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng.
Muốn trừ bỏ tham nhũng và các tiêu cực, cùng với việc xử ngọn (những người trực tiếp tham nhũng) phải diệt tận gốc, đó là thói quan liêu, thiếu/vô tinh thần trách nhiệm của những người liên quan./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét