Ai ai trên thế giới này cũng vật lộn để kiếm tiền. Từ tỷ phú Bill Gates cho tới anh ăn mày nơi góc phố! Số tiền kiếm được thì khác nhau, một bên kiếm hàng tỉ đô la, một bên kiếm từng năm trăm Việt Nam đồng lẻ (tôi cố ý ghi Việt Nam Đồng để nhấn mạnh tầm QUAN TRỌNG của đồng tiền Việt Nam trên thế giới!).
Bạn học giỏi, bạn học dốt thì rồi cũng sẽ đi kiếm tiền. Bạn có tấm bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ rồi cũng phải đi kiếm tiền. À, đôi khi bạn có bằng thạc sĩ nhưng lại kiếm tiền thua xa một anh bán hủ tiếu đầu hẻm nhà bạn! Tóm lại là cứ kiếm được cho lắm tiền vào là lập tức sẽ trở nên quan trọng, dù rằng trong phần lớn các trường hợp con người đã bán rẻ quá nhiều thứ chỉ để đổi lấy nó.
Mọi chuyện cứ diễn ra như thế! Mọi chuyện lại sẽ tiếp tục diễn ra như thế. Bạn làm gì, bạn là ai, bạn suy nghĩ gì, bạn toan tính gì, bạn ở địa vị gì thì cũng lòng vòng quanh chữ TIỀN. Thậm chí bạn có ẩn cư trên núi không bóng người thì tiền cũng tới đeo bám bạn!
Tôi không phải là con đại gia, tôi cũng không có những “kĩ năng” của một người có thể trở thành đại gia, doanh nhân thành đạt gì cả. Chính vì không có những mánh lới để kiếm nhiều tiền nên tôi phải tìm cách hiểu rõ tiền là cái gì để mà đôi lúc còn có thể tự an ủi, trấn an chính mình khi chẳng may không còn xu dính túi hay kinh tế toàn cầu sụp đổ. Chính vì tôi lo như thế nên tôi mới liên tục đặt câu hỏi tiền là cái thứ quái quỷ gì mà ai cũng nhào vô nó như thể ma túy. Ngay khi tôi viết những dòng này, nhìn qua cửa sổ phòng mình, tôi thấy:
Những công nhân vệ sinh đang phân loại rác ở đầu hẻm: Thứ nào có giá trị thì bỏ riêng ra, những thứ nào được liệt vào hạng RÁC thì để riêng ra. Họ đang kiếm tiền! Nếu bạn đi ngang qua nơi họ phân loại rác, tôi cam đoan bạn sẽ phải bịt mũi, có người nhạy cảm quá còn nôn thốc nôn tháo ra ấy chứ. Thế mà những người kiếm tiền từ rác vẫn ngày qua ngày đối diện với điều đó.
Anh xe ôm ngáp dài ngáp ngắn dưới tán lá của cái cây duy nhất còn sót lại trong khu phố, hình như anh không có nhiều khách trong ngày hôm nay. Anh đang lo về TIỀN.
Một thanh niên ăn mặc bảnh bao ngồi vắt vẻo ở cửa lái chiếc Lexus 470, chân thì trên xe chân thì dưới đất, nói chuyện điện thoại gì đấy mà tôi nghe loáng thoáng có chữ TIỀN và chữ TRẢ, mặt anh chàng đỏ gay!
Chú hàng xóm đang ra sức giải thích với ai đó về việc mua xe hơi chạy dầu sẽ tiết kiệm hơn xe chạy xăng, trông chú ấy hăng hái đến độ nếu tôi mà lỡ mồm đứng trên lầu khen xe chạy xăng chắc chú sẽ lao lên cho một đấm vào mặt tôi!
Cô bán nước mía thì hớn hở vì trời nóng quá nên khách mua nhiều, cô rất vui vì trời nóng! Trời nóng kinh khủng kéo theo tháng này Công ty điện Quốc gia lãi to vì ai ai cũng bật máy lạnh và quạt 24/24!
Ông trời đã giúp nhiều người và ông trời cũng hại nhiều người! Nói chung, ông trời luôn giúp người có nhiều tiền. Nhưng thôi, nói những điều trên nghe có vẻ trần trụi quá, tôi sẽ cố gắng văn chương một tí. Vừa rồi, có chàng trai trẻ Lê Tích Kỳ làm nghề trông xe nghèo cất lên tiếng ca được người nghe hoan nghênh nhiệt liệt, rất nhiều dòng nước mắt xúc động của khán thính giả đã rơi. Nếu em ấy giàu như Cường Đô la, không biết có ai rơi lệ? May là em ấy nghèo! Vậy là có đôi khi cái nghèo phát huy tác dụng, còn lại phần lớn còn lại thì cái giàu sẽ phát huy tác dụng. Trong trường hợp này, cái sự nghèo như tấm vé số trúng giải an ủi dành cho chàng trai nghèo. Cái nghèo thực sự có ích trong trường hợp này, thực sự rất có ích.
Thế nhưng mặc dù nói đông nói tây, vòng vo tam quốc thì tới giờ tôi vẫn chẳng trả lời nổi: Tiền là cái gì chứ? Mặc dù cho đến nay tôi đã đọc, đã nghe, đã xem rất nhiều về tiền, tôi cũng sống cùng với tiền suốt vài chục năm nay nhưng vẫn chưa có một định nghĩa nào thực sự làm tôi cảm thấy hợp lý với chính tôi. Tiền hình như là cả một sự phi lý đến bất thường cho cuộc sống này!
Tiền là cái gì chứ?
Khi tôi 5 tuổi, cách đây gần 30 năm, một buổi sáng ba tôi tươi cười vẻ bí ẩn rồi chở tôi bằng chiếc xe đạp của ông đi rất xa. Lần đầu tiên ông chở tôi đi xa như thế. Từ cái xóm nhỏ quen thuộc ra mãi tít tận đường quốc lộ cán nhựa hẳn hoi. Ông dừng lại trước 1 ngôi nhà ngói đỏ rất lớn mà tôi chưa bao giờ từng thấy trước đó. Những người thợ mộc vẫn đang làm việc say sưa để hoàn tất ngôi nhà. Ba tôi nói: “Nhà mới của mình đó con!” Tôi cực kì ngạc nhiên và thích thú vì biết rằng mình sắp được sống trong một ngôi nhà thật lớn và đẹp. Sau lần đó tôi cứ háo hức từng ngày để được chuyển đến nhà mới khi nó được hoàn tất.
Nhưng ngôi nhà đó mãi mãi không bao giờ được hoàn tất! Sau đó không lâu cô em gái bé bỏng của tôi phát bệnh hiểm nghèo và ba mẹ tôi phải dành phần lớn thời gian ở bệnh viện thay vì ở nhà. Khi khỏi bệnh thì bi kịch khác đổ ập tới: Vì chích thuốc quá nhiều nên em gái tôi bị áp xe và có khả năng sẽ bị tật nguyền ở chân vĩnh viễn. Cô bé bị kết luận sẽ đi xiêu vẹo suốt cuộc đời mình bởi những bác sĩ ở bệnh viện Huyện. Ba mẹ tôi không thể tin vào điều đó. Ba tôi nói với mẹ: “Mang nó đi thành phố!”
Ba tôi ngưng toàn bộ việc làm nhà mới mặc dù ngôi nhà đã hoàn tất gần 80%. Toàn bộ tiền của dành dụm, tích lũy được dồn toàn bộ vào việc chữa trị cho em gái tôi. Khi hết tiền, ba mẹ tôi đi vay mượn, nhưng cả hai ông bà đều kiên quyết theo đuổi việc chữa trị đến cùng. Lúc đó tôi tự hỏi tại sao người ta cứ ra rả ở loa phát thanh về những điều tốt đẹp mà lại không hề thương cảm gì đứa em bé bỏng đang bệnh ngoặt ngoẹo của tôi ? Họ luôn cần có tiền thì mới chữa chạy cho nó! Tôi cứ thắc mắc mãi điều đó nhưng ba mẹ tôi cũng không giải thích gì cho tôi mà chỉ im lặng. Sau hàng chục lần đi đi về về giữa Lâm Đồng và TPHCM, sau những cơn say xe vật vã của mẹ và tôi tin cộng với cả tình thương yêu vô bờ bến mà cha mẹ tôi dành cho đứa con của mình, cuối cùng số phận phải đầu hàng: Em gái tôi dần phục hồi và đi lại bình thường như bao đứa trẻ khác!
Gia đình tôi dọn về ngôi nhà mới, những bức vách tạm bợ, trần nhà tạm bợ và bắt đầu sống chung với cả những chủ nợ! Tôi bắt đầu tự hỏi tiền là cái gì chứ khi mẹ nhờ tôi sang nhà hàng xóm mượn vài lon gạo, vì nếu có tiền thì tôi sẽ không phải đi mượn gạo, vì tôi nhìn thấy ánh mắt của những người hàng xóm khi đó, nó ánh lên điều gì đó vừa khinh bỉ vừa thỏa mãn. Khi cầm gạo vừa mượn được ra về tôi thường bước rất nhanh như thể chạy trốn một cái gì đó không thể diễn tả thành lời. Mặc dù những người hàng xóm luôn thốt ra những từ ngữ tốt đẹp, tôi vẫn không thể ưa họ nổi khi nhìn thấy ánh mắt của họ. Họ không thể lừa được trẻ con!
Tôi bắt đầu tự hỏi tiền là cái gì chứ khi thấy những giọt nước mắt lăn dài trên mặt của của mẹ tôi khi bà bị giật toàn bộ số tiền tích lũy cả năm trời. Số tiền không nhiều nhặng so với ngay cả những người nghèo thời đó nhưng lại là toàn bộ những gì gia đình tôi có. Ngay sau đó khi chứng kiến ba mẹ tôi phải tiếp tục đi mượn tiền để trả lương cho mình, một người bà con đang phụ giúp gia đình đã nhanh chóng bỏ đi và cho đến nay chưa bao giờ thèm trở lại thăm dù chỉ một lần.
Tôi tự hỏi tiền là cái gì chứ khi chứng kiến hàng đêm ba mẹ làm việc đến 9-10h đêm mới về tới nhà. Tôi tự hỏi tiền là cái gì chứ khi nhà trường tôi đang theo học thường xuyên gởi giấy nhắc đóng học phí. Tôi tự hỏi tiền là cái gì chứ mãi đến khi tôi lên học Phổ thông trung học, cố gắng trở thành một cậu học trò xuất sắc. Nhưng tôi lại phải tiếp tục tự hỏi tiền là cái gì chứ khi dù học giỏi thì vẫn không có tiền để mua tặng cô gái mà tôi thích một món quà cho ra hồn.
…
Ngày chuẩn bị lên đường nhập học đại học, bà cố tôi gần 100 tuổi dúi vào tay tôi một chiếc nhẫn vàng. Có lẽ bà đã dành dụm trong vài chục năm. Tôi bắt đầu hiểu tiền là gì!
Tôi bỏ học đại học ở năm thứ 2 để đuổi theo nghiệp kinh doanh. Tôi nghĩ tôi hiểu tiền là gì khi càng ngày càng làm tốt công việc kinh doanh của mình. Nhưng khi có nhiều tiền, tôi mới biết mình đã lầm: Tôi vẫn phải trả lời câu hỏi tiền là cái gì chứ? Tôi hiểu rõ tiền là cái gì khi trong lúc phá sản, ngặt nghèo nhất đến nỗi không còn một xu dính túi, đúng nghĩa đen. Tôi hiểu tiền là gì khi chính trong lúc đó người vợ tương lai của tôi đã giúp tôi đến đồng tiền cuối cùng của cô ấy. Tôi hiểu tiền là gì khi cô ấy đưa 50.000 VNĐ cuối cùng còn lại cho tôi!
Tôi không hề hiểu tiền là gì khi những khách hàng chuyển khoản hàng tỉ đồng cho những thương vụ này nọ. Đáng tiếc những lúc như vậy hầu như tất cả mọi người đều không hiểu tiền là cái gì cả. Trong những bữa ăn thịnh soạn rượu bia ê chề và hóa đơn thanh toán chỉ là một cái quẹt thẻ, một cái búng tay thì hầu như chẳng ai hiểu tiền là cái gì cả.
Tiền sẽ lộ rõ vẻ đẹp của nó khi bạn có thể dành một ngày lương để mua vài món ngon cho mẹ, cho gia đình, cho những người mà bạn yêu quý.
Tiền sẽ có ý nghĩa vô biên khi nó dành cho những người thực sự cần nó, một người cần có vài chục triệu để phẫu thuật vì căn bệnh hiểm nghèo thì tiền sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn với anh ta. Vài chục triệu để mua một cái smartphone xịn thì sẽ khác!
Sau mấy chục năm cứ hỏi như vậy về tiền, tôi đã bắt đầu có thể thay đổi toàn bộ thái độ sống của mình. Người ta nói quá nhiều về tự do tài chính nhưng họ có thực sự hiểu rõ nó ? Tự do tài chính không phải là có nhiều tiền hoặc có rất nhiều tiền mà là một nhận thức và cách sống vượt lên trên tiền. Tôi không hề cổ súy cho việc hãy sống nghèo đói và không nỗ lực gì cả. Tôi đang nói về việc kiếm tiền và sử dụng tiền một cách dễ dàng, thông minh và có ý nghĩa. Việc tiêu xài 100 nghìn đồng cho một việc đầy ý nghĩa sẽ hoàn toàn khác so với việc chi tiêu hàng tỉ đồng cho việc sắm sửa máy móc để tàn phá rừng, tàn phá thiên nhiên môi trường.
Tất cả là phụ thuộc vào con người. Tiền là tốt và cũng là xấu. Tiền là một công cụ hữu hiệu cho cuộc sống và cũng có thể trở thành gông cùm, nhà tù giam hãm con người. Nếu quá mê muội và để cho xã hội trọng vật chất chi phối, chúng ta sẽ rơi xuống nơi thấp nhất của sự tồn tại. Tiền sẽ nghiền nát chúng ta.
Tôi muốn biến tiền trở thành đôi cánh cho mình trong cuộc sống rất tươi đẹp này. Tôi hy vọng bạn cũng thế !
Mr. Bow
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét