Vụ “mất đồ sau khi cứu người”, chính phóng viên là kẻ trộm
Photo: Petrotimes
Hôm qua (10/04), nhiều báo mạng – trang tin điện tử đã lần lượt đăng tải – dẫn lại thông tin về việc một người đàn ông tên Nguyễn Văn Tuân (SN 1980) vào khoảng 9:30 sáng tại TP Huế đã dũng cảm nhảy xuống sông cứu lấy một phụ nữ có ý định tự sát, đang vùng vẫy giữa dòng nước.
Không thống nhất về thông tin, thiếu chính xác về sự việc
Theo nhiều nguồn tin thì khoảng 20 phút sau, khi đã cứu thành công người phụ nữ, anh Tuân quay trở lên thành cầu thì rất bất ngờ khi toàn bộ quần áo, ví tiền và giấy tờ tư trang của anh đều bị “bốc hơi” theo người đàn ông mà anh Tuân đã nhờ trông hộ (?). Theo một nguồn khác anh Tuân chỉ bị mất ví, trong đó có 200 nghìn đồng, giấy đăng kí xe máy và chứng minh nhân dân, ngoài ra thì những vật dụng khác như: áo quần, điện thoại, xe máy thì vẫn còn (?). Và một nguồn khác thì anh Tuân bị kẻ gian lợi dụng lấy hết quần áo, tiền bạc trong ví và cả chiếc xe máy của mình (?).
Anh Nguyễn Văn Tuân sau khi nhảy xuống sông cứu người, hình ảnh được cho là bị mất sạch tài sản – Ảnh Petrotimes
Sự thật việc anh Tuân bị cuỗm hết tất cả tài sản
“Anh Tuân cho biết anh không bị mất gì cả, không biết các báo lấy thông tin ở đâu để đưa tin như thế.” – ThanhNienOnline.
Nguyên văn trên được chính anh Tuân xác nhận với PV báo ThanhNienOnline trong buổi tiếp xúc với công an TP Huế và nhận thư khen cùng tiền thưởng “nóng” từ thượng tá Võ Văn Sáu, Phó trưởng Công an TP Huế.
Anh Tuân được Công an TP.Huế mời đến khen thưởng – Ảnh: Trần Hồng (ThanhNien)
Phóng viên “hớt váng” thông tin, bóp méo sự thật bồi thêm hiệu ứng người Việt xấu xí
Hành động cứu người chẳng nề hà hiểm nguy của bản thân từ trước đến nay vốn không phải là hiếm, ngoài việc làm ơn vốn chẳng mong được đáp đền xuất phát từ tinh thần tương thân hào hiệp rất đáng hoan nghênh của người Việt Nam. Tuy nhiên trước sự không thống nhất từ những nguồn tin khác nhau và sự “chụp giật, hớt váng” thông tin lẫn nhau và tác động bởi những chỉ tiêu rất đặc thù của báo mạng, đơn cử ở đây là lượt view chẳng hạn đã khiến cho một số cá nhân được gọi là phóng viên đã chẳng ngần ngại bóp méo, “hớt váng” thông tin, vô hoặc cố tình làm sai lệch sự thật để thỏa mãn thị hiếu cho số đông người đọc.
Cụ thể vấn đề được nhắc đến ở đây là sự “giật gân hóa”, khai thác không thật chi tiết và triệt để đến cùng thông tin để rồi đem đến cho người đọc một cái nhìn xấu xí, lệch lạc, tạo nên hiệu ứng phẫn nộ, căm giận và mất lòng tin vào một xã hội với lắm kẻ vô cảm, cơ hội đến đớn hèn trước một hiện tượng mà lẽ ra nếu tìm hiểu cụ thể, xác thực và đăng tải đúng bản chất của nó là “gương người tốt việc tốt” thì ắt hẳn sẽ chẳng ai buồn quan tâm, mấy ai buồn click chuột.
Cần vực dậy niềm tin trong xã hội
Đề cập đến sự vô cảm của xã hội hiện tại, khi con người không chỉ chưa hết dè dặt lẫn nhau mà còn bỏ qua bao liêm sỉ của bản thân, gạt qua bao bĩ cực, tuyệt vọng của kẻ gặp nạn để hùa nhau vào hôi của như thể đấy là của mẹ thiên nhiên đang vào mùa khai thác như truyền thông đã đưa thời gian qua. Sở dĩ tôi nhắc đến việc “hôi của” trong chủ đề này là vì cạnh từ “hôi của” truyền thông còn xuất hiện cụm “không ai hôi của” như một hiện tượng xã hội đặc biệt và lạ lẫm lắm lắm, mặc dù nó hoàn toàn trái ngược với đạo luân thường đạo lý mà ngay cả trẻ con cũng được giáo dục từ rất sớm, rất sớm.
Trong lúc người đọc ngày càng bị bủa vây bởi nào những cướp, giết, hiếp, lừa đảo, hôi của, trộm cắp… nhan nhản và phủ lấp hết màn hình, khiến cho không ít người dần lung lay và mất đi niềm tin vào một xã hội đầy rẫy hiểm nguy, lừa lọc, vô cảm và bất lực… thậm chí đến việc làm người tốt cũng khó, cũng khiến phải suy nghĩ lại, phải dè dặt cân nhắc (như tin về vụ “Mất đồ sau khi cứu người” vừa rồi là một ví dụ).
Về việc vực dậy niềm tin trong xã hội, tôi xin được phép dẫn một ví dụ đã được nhiều nguồn đăng tải như sau: “Cảm động” chuyện tên cướp bị bắt vì sợ tông cụ già bán vé số, nội dung của câu chuyện là việc một tên cướp chấp nhận bị bắt để tránh tông phải cụ già bán vé số do một người dùng mạng xã hội kể lại.
Câu chuyện do người dùng kể lại trên Facebook cá nhân – Ảnh XaLuan
Đương nhiên là tôi không tin vào câu chuyện này vì nhiều yếu tố như: tính xác thực của thông tin, nhân chứng tại hiện trường, độ uy tín của người chia sẻ… Nhưng qua quan sát tôi biết có nhiều người vẫn tin và không tiếc công share đi câu chuyện đầy tính nhân văn này vì dẫu ít dẫu nhiều nó cũng làm tốt phần nào đó chức năng truyền tải đi thông điệp về tình người, về lòng trắc ẩn giúp cuộc sống thêm phần tốt đẹp.
Về vụ “mất đồ sau khi cứu người”, chính phóng viên là kẻ trộm
Một lần nữa phải nhắc lại rằng người Việt hiện đại ngày càng mất niềm tin vào xã hội, vào con người, luôn dè dặt lẫn nhau, thậm chí đến việc thực hiện một việc tốt đáng hoan nghênh và ủng hộ cũng phải suy nghĩ lại và cân nhắc thiệt hơn.
Mà cụ thể trong chủ đề này (vụ mất đồ sau khi cứu người) chính phóng viên là người đã cướp đi lòng tin, lý tưởng sống tốt đẹp, cướp đi tinh thần tương thân, trượng nghĩa của không ít người Việt Nam. Để thay vào đó là một ví dụ xuyên tạc, thiếu chính xác méo mó, xấu xí về hình ảnh con người Việt Nam vô cảm, cơ hội, đớn hèn trong mọi hoàn cảnh. Còn người tốt không tiếc thân mình, thậm chí có thể phải đánh đổi bằng tính mạng thì phải bấm bụng ôm phần thiệt về bản thân khi không biết đặt niềm tin vào đâu để có thể chuyên tâm làm việc tốt?
Trương Đức Phương