Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Cúc áo của mẹ

Ấn phẩm “Văn học và Tuổi trẻ”, là tạp chí ra hàng tháng của Nhà xuất bản Giáo dục, số tháng 3-2011 (235), đăng truyện ngắn “Cúc áo của mẹ” của Nhất Băng (là nhà văn chuyên nghiệp, tên khai sinh Lỗ Nghĩa Bân, sinh năm 1972, Hội viên Hội Nhà văn tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; Anh đã được trao nhiều giải thưởng quốc gia về truyện cực ngắn); Bản dịch của Nhà báo-Dịch giả Vũ Phong Tạo. Đồng thời, như thường lệ, Ban Biên tập đã động viên các bạn đọc trẻ tuổi phẩm bình truyện ngắn trên.


Đến số tháng 5+6 (236-237), tại hai trang 101 và 102, tạp chí đã chọn đăng bốn lời bình truyện “Cúc áo của mẹ” của bốn bạn đọc trẻ: Hoàng Khánh Linh, Đỗ Văn Hải, Dương Lệ Trúc và Võ Văn Đại, là học sinh từ đồng bằng Bắc Bộ Nam Định, đến ven biển miền Trung Quảng Nam, Bình Định, rồi đến cao nguyên miền tây Kon Tum, gần như trên khắp đất nước hình chữ S duyên dáng!


Xin cung cấp toàn văn truyện ngắn “Cúc áo của mẹ” và nội dung của bốn lời bình khá xúc tích và hấp dẫn ấy, mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc củng cố niềm tin của người lớn chúng ta, của cả xã hội chúng ta đối với thế hệ trẻ ngày nay.


Nỗi ám ảnh

Truyện khai thác một đề tài không mới nhưng vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt. Có lẽ bởi hình ảnh “cúc áo của mẹ”. Hình ảnh này trở đi trở lại, ám ảnh một cách nhức nhối. Bà mẹ làm việc đến khi kiệt sức chết vì bà bị ám ảnh về chiếc áo. Bà thấy mình có lỗi khi không thể mang cho con hạnh phúc, cuộc sống sung sướng bằng bạn, bằng bè. Và người mẹ đáng thương và đáng trọng ấy cùng tấm áo năm xưa lại thành nỗi ám ảnh cho cậu con trai suốt cả cuộc đời.
Ám ảnh mang tên niềm ân hận đã được đẩy đến cao trào khi cậu quỳ sụp trước “cúc áo của mẹ” trong buổi biểu diễn thời trang. Chi tiết đặc biệt về chiếc cúc áo đó khiến người đọc không khỏi bật ra tiếng khóc đau đớn, chua xót cho số phận của nhân vật.
Câu chuyện khép lại bằng câu nói đầy ý nghĩa của nhà thiết kế, nó làm cho người ta phải day dứt. trăn trở không yên, rồi cũng bị ám ảnh lúc nào không hay…
HOÀNG KHÁNH LINH (Lớp 10A3 - THPT Nghĩa Hưng A - Nghĩa Hưng - Nam Định)


Một hình ảnh nhiều ám gợi

“Cúc áo của mẹ” vừa là tên truyện ngắn lại vừa là hình ảnh để tác giả gửi gắm tình cảm. Hình ảnh chiếc áo có hàng cúc áo “kì lạ” xuất hiện ở phần đầu tác phẩm cho thấy sự khéo léo của người mẹ nghèo khó nhưng rất mực yêu thương, chăm lo cho con. Người con chỉ vì nhất thời nông nổi của tuổi trẻ mà làm mẹ đau lòng dẫn đến sự ra đi mãi mãi. Khi người con nhận ra sai lầm, cậu muốn nói một lời xin lỗi nhưng cơ hội đã không còn.
Và chiếc áo có hàng cúc hình chữ “vê” (V) trở lại ở cuối tác phẩm, trong triển lãm thời trang càng làm cho nhân vật người con thêm ân hận, day dứt. Giờ đây sống giữa vật chất đủ đầy, có tôn tạo phần mộ của mẹ đẹp bao nhiêu nữa thì mẹ cậu vẫn mãi mãi xa cậu mất rồi. Câu nói của nhà thiết kế thời trang ở cuối tác phẩm như một lời tri ân sâu sắc tới tất cả các bà mẹ trên thế gian này.
Truyện có sức gợi lớn, mang lại cho người đọc nhiều cảm xúc.
ĐỖ VĂN HẢI (59B - Nguyễn Văn Trỗi - Quy Nhơn - Bình Định)


Nhà nghệ thuật chân chính
Trong cuộc đời, không có gì là hoàn hảo nếu thiếu đi một tấm lòng, một trái tim biết tạo ra nghệ thuật. Và hơn bao giờ hết, người mẹ chính là một nhà nghệ thuật sáng giá nhất bởi vì họ mang trong mình một thứ mà không hẳn nhà nghệ thuật nào cũng có, đó chính là đức hi sinh cao cả. Câu chuyện đã khép lại nhưng đồng thời mở ra cho con người ta bao trăn trở…
DƯƠNG LỆ TRÚC (Lớp 11/1- THPT Sào Nam- Duy Xuyên- Quảng Nam)


Cúc áo của mẹ - Triết lí về cuộc sống và con người

Kết cấu theo dòng hồi ức, truyện để lại khá nhiều dư vị quen thuộc: Lòng thương con của mẹ, vì sự xốc nổi của con mà mẹ phải chịu sự cay đắng đến tuyệt vọng, nỗi ăn năn muộn màng của đứa con thơ dại…
Nhưng nếu dừng lại ở đó thôi thì đây cũng chỉ là một câu chuyện thường, nếu không nói là sáo mòn. Nét đặc sắc làm nên ý nghĩa sâu xa của truyện có lẽ là nằm ở chi tiết tấm vải lót màu vàng và hai hàng cúc áo hình chữ “vê” (V).
Cái áo mà cậu học trò này và anh người mẫu kia mặc rõ ràng là như nhau.
Nhưng tại sao khi tạo ra nó là một người mẹ nghèo khổ - dù là người “phát minh” ra trước, người mặc nó là cậu học trò lúc nào cũng “mặt mày lọ lem, đầu bù tóc rối bụi bặm”, trước đó luôn phải “mặc quần áo cũ của anh, vá chằng vá đụp”, thì nó thật tầm thường?Cả người tạo ra và người mặc đều bị khinh thường, bị cười nhạo, mỉa mai.
Còn khi người tạo ra là “một nhà thiết kế thời trang bậc thầy”, người mặc là người mẫu, và xuất hiện trên sàn diễn thời trang danh tiếng, thì nó trở thành một thứ mốt thời thượng, và nhà thiết kế này lại được bao kẻ tôn sùng, tung hô!
Cho nên, hành động “quỳ sụp” và “oà khóc thống khổ” của người con ấy không hẳn là sự ăn năn của đứa con tuổi 12-13, mà có lẽ đó là sự cay đắng chua chát của một người từng trải đã nhận ra sự trớ trêu của cuộc sống và bất công của lòng người: Thứ cao quý có khi lại bị cho là tầm thường, người đáng kính có lúc lại bị coi khinh!
VÕ VĂN ĐẠI (Trường THPT Lê Lợi - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum)



CÚC ÁO CỦA MẸ

Tác giả: NHẤT BĂNG - Vũ Phong Tạo dịchAnh ấy còn nhớ, năm tổ chức lễ sinh nhật 12 tuổi, anh ấy vẫn còn đang đi học, thầy giáo tự nhiên chẳng có lý do gì cho cậu ta nghỉ học. Vừa sáng tinh mơ, mẹ cậu đã kéo cậu ra khỏi chăn, cậu lẩn tránh bàn tay lạnh cóng của mẹ, còn nằm rán trên giường một lát, thì đã nghe thấy mẹ nói: "Con trông đây là cái gì?"



Cậu mở to mắt, trước mặt là một chiếc áo mới, kiểu quân phục như cậu từng mơ ước, hai hàng cúc đồng, trên vai áo có ba vạch màu xanh, đó là mốt quần áo "thịnh hành" trong học sinh. Cậu bỗng mừng rơn, vội mặc áo quần, ngay bát miến trường thọ cũng ăn vội vội vàng vàng. Cậu muốn đến lớp, đến trường ra oai với các bạn học, rằng cậu cũng có một chiếc áo mới của mình, mà là một bộ "mốt" nhất nữa.


Cần hiểu rằng, từ nhỏ đến lớn, cậu toàn mặc quần áo cũ của anh, vá chằng vá đụp nữa!

Quả nhiên đúng như dự kiến của cậu, khi cậu bước vào lớp học, ánh mắt của các bạn đều trố lên, các bạn đều không ngờ được rằng, cậu lúc nào cũng mặt mày lọ lem, đầu bù tóc rối bụi bặm cũng có lúc vẻ vang rạng rỡ như thế này.

Ngồi trên vị trí của mình, cậu hoàn thành tiết học đầu tiên một cách vui vẻ, hởi lòng hởi dạ. Trong giờ giải lao, các bạn ấy đều vây quanh cậu, vạch xem quần áo mới của cậu. Có bạn bỗng hỏi:

- Ô hay! Tại sao khuy áo của bạn không giống của chúng mình nhỉ?

Lúc ấy, cậu mới nhìn kỹ cúc áo của mình, quả thật không giống cúc áo của người khác hai dãy thẳng đứng. Còn cúc áo của cậu lại nghiêng lệch, hai dãy xếp thành hình chữ "vê" (V).

Các bạn lật xem áo của cậu, bỗng đều cười òa lên. Thì ra, chỗ đính khuy trên chiếc áo trắng của cậu là một miếng vải cũ màu vàng. Cậu cũng hiểu ra, chắc là mảnh vải mẹ mua không đủ may áo, đành phải lót bên trong bằng mảnh vải khác, sợ người khác nhìn thấy, cúc áo đành phải đính sang bên cạnh. Và cũng để người khác không nhìn thấy, mẹ đã khéo léo đính chéo hàng cúc kia, tự nhiên thành hình chữ "vê" (V).

Biết rõ sự thực, các bạn cười òa lên, ánh mắt lại giễu cợt như trước. Những ánh mắt ấy làm cho lửa giận bốc lên ngùn ngụt trong lòng cậu. Buổi trưa về đến nhà, trước mặt khách đến thăm, cậu cắt nát vụn chiếc áo mới của mình. Mẹ cậu lao đến trước mặt con, giơ cao tay, nhưng cuối cùng không giáng xuống. Cậu liếc nhìn, thấy nước mắt mẹ chảy quanh trong khóe mắt, vội quay đầu chạy biến…

Cậu rõ ràng cảm thấy, từ hôm ấy trở đi, mẹ hình như biến thành một người khác. Mẹ làm nghề xay đậu phụ, thường ngày mẹ rất ít ngơi tay, từ đó về sau đến thời gian xả hơi mẹ cũng không giữ lại cho mình. Cậu tận mắt thấy mẹ gầy sọp đi, tận mắt nhìn thấy mẹ nằm bẹp rồi ra đi mãi mãi… Cậu rất muốn nói một câu: “Con xin lỗi mẹ”, mà không còn cơ hội nữa.

Song, cậu thừa kế được tính khí kiên cường và cần cù phấn đấu của mẹ. Cậu cố gắng học tập, làm cho cuộc đời của cậu phát sinh biến đổi một trời một vực. Cậu có rất nhiều rất nhiều tiền, trùng tu tôn tạo phần mộ của mẹ nhiều lần.

Rồi một hôm, cậu tham gia một cuộc triển lãm trình diễn thời trang, đó là những mẫu thiết kế của nhà thiết kế thời trang bậc thầy, đỉnh cao thế giới. Trong đó, có một người mẫu nam bước lên sàn diễn, mắt cậu bỗng căng lên, đầu óc kêu ong ong hỗn loạn. bộ áo màu trắng ấy với hai dãy khuy đồng hình chữ "vê" (V).

- Bên trong có phải là…?

Cậu không làm chủ mình được nữa, lao lên sàn diễn, lật ra xem tấm áo của người mẫu nam, lót bên trong tự nhiên cũng là một mảnh vải vàng!

Cậu ta quỳ sụp trước mặt người mẫu nam, òa khóc thống khổ.

Sau khi nghe anh ta kể hết câu chuyện, tất cả những người có mặt tại hội trường đều trầm ngâm suy nghĩ mãi.

Cuối cùng, một nhà thiết kế bậc thầy nói: "Thực ra, tất cả những người mẹ đều là các nhà nghệ thuật!".

VŨ PHONG TẠO dịch
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=12866
(Theo Bán nguyệt san “Truyện mini chọn lọc”, TQ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét