Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Rong chơi




Trôi thoai thoải những túi hương đẫm mật
Từ cánh đồng cỏ may nở đầy sự hoang hóa
Những nỗi hạnh phúc dặt dìu gió bay
Đợi chờ một mùa mưa thấm đẫm
Nơi vết chân chim còn mới tinh
Đọng lại một khuôn mặt thiếu nữ
Mà tôi đã gặp ở nơi nào đó
xa lắm
Mơ hồ mọc lên
trên bồi hồi ngực trẻ.


Tôi đem cả những thứ tha, cứu rỗi vào giấc mơ
Niệm về loài chim chỉ hót một lần
trong khoảnh khắc cuối đời đau đớn
Lại nghĩ về tình yêu
Với trăm ngàn định nghĩa quen lạ
“Tình yêu xanh hơn rêu
Tình yêu là bông cỏ ửng hồng ấm áp…”
Ta vô tình bỏ mặt buổi chiều ngơ ngác
trước vành đai gió mùa.

Thôi ta về đặt tên cho mộng mị
Ép vội ngu ngơ vào mắt nâu trong trẻo
Con đường vẫn nở rộng
Bầu trời vẫn căng xanh
Sao ta mãi mắc cạn vào nhau
Như bó cúc gai dệt nên ngổn ngang cành lá
Với khối kỉ niệm bốc cao theo từng chiếc hôn nhiệt đới
Xin tạ từ tháng năm
Ta trở về bến mơ
Xanh giấc tùy tùng…

Nguyễn Quốc Việt

Lá rụng về đâu?


Truyện ngắn của Thu Nguyệt





“Đợi gió!” - Tôi suýt trả lời như thế với câu hỏi bất ngờ cất lên phía sau:

- Con đang đợi ai à?”

- Dạ thưa thầy, không ạ! - Tôi kính cẩn chắp tay chào thầy trụ trì - Con đang suy nghĩ để hoàn tất bức tranh này thôi. Thầy xem, những chiếc lá này con phải vẽ chúng rơi vào khoảng nào là đẹp nhất ạ?

Tôi mở cho thầy xem bức tranh tôi vẽ đường đi của gió, có mấy chiếc lá bồ đề đang bay lơ lững chưa rõ hướng rơi. Thầy cười hiền lành, chân tín:

- Thì lá rụng về cội chớ về đâu con !

Tôi cuốn bức tranh lại, nói như với chính mình

- Giá mà được như vậy ! Nhưng không biết ...

Tôi bỏ lửng câu nói và thầy mỉm cười, nhẹ nhàng đi vào trong.



Năm ngoái, tôi đến ngôi chùa này để vẽ. “Chùa trong thành phố” là đề tài mà tôi ấp ủ. Những ngôi chùa cổ kính, rêu phong, nằm tách biệt với đô thị ồn ào đã đi vào tác phẩm của biết bao bậc đàn anh, tôi biết khả năng mình không chen vào lối mòn ấy được, nên cố tự tìm cho mình một lối đi khác. Tĩnh lặng trong sự ồn ào, đó là điều không dễ. Cuộc sống công nghiệp gấp gáp, một làn khói nhang quyện lẫn vào trong khói xe có làm cho người ta vài phút giây lắng lại ?

Chùa nằm trong vòng vây của đủ loại tiếng ồn. Những âm thanh hòa trộn vào nhau tạo ra một cái gọi là “âm thanh phố thị”, mà khi đã quen, ta như không còn nghe thấy nó nữa. Khoảng sân rộng vuông vắn, ngay ngắn những hàng cây kiểng được chăm sóc kỹ càng. Giữa sân là một cây bồ đề cổ thụ rợp bóng. May mà người ta không thể chăm sóc nó theo kiểu chăm sóc những cây kiểng nhỏ kia. Nó tha hồ vươn ra, xòa xuống những tán lá vàng, xanh, rách, lành... lẫn lộn, để khi có những cơn gió dạo qua thì còn có cái để mà rụng rơi.

Buổi trưa hôm ấy thật là vắng vẻ. Bất chấp những âm thanh của phố ong ong ngoài kia, tiếng chim trong vòm lá trong trẻo cất lên làm cho ta có cái cảm giác yên ắng thật tuyệt vời. Chùa cũng là một cơ sở phật học cho nhiều tăng ni về đây học tập nên rất đông người, chỉ có buổi trưa thì đôi lúc còn được yên tĩnh. Tôi đang sung sướng tận hưởng những giây phút hiếm hoi, lắng nghe tiếng gió, tiếng chim, thả rộng tầm mắt mà không vấp bóng người... thì lại thấy thấp thoáng dưới cội cây bồ đề dáng một chiếc áo lam. Một vị tu sĩ trẻ khỏang 20 -25 tuổi đang cúi lượm những chiếc lá trên sân. Tôi thầm chán nản nghĩ: Lại một sự chăm sóc quá đáng! Mảnh sân đã quá sạch sẽ rồi, có mấy chiếc lá rơi để coi chơi mà cũng đi nhặt sạch! Nhưng hay kìa! Vị ấy chỉ nhặt qua loa vài chiếc lá bỏ vào gốc cây rồi đi vô. Tôi thầm cám ơn sự lười biếng, cẩu thả ấy. Thế nhưng hôm sau, rồi hôm sau nữa, đúng vào giờ ấy, vị tu sĩ kia lại đi ra và lập lại công việc như hôm trước. Tôi quan sát kỹ thì thấy vị ấy nhặt lá một cách rất trang nghiêm, và hình như chỉ vừa đúng 8 chiếc lá, không hơn không kém.Cúi nhặt, nhìn ngắm, rồi cẩn thận xếp vào gốc...

Đến ngày thứ sáu thì tôi không nén nổi tò mò. Sau vài ngày làm quen và tìm hiểu, tôi được biết:

Đạo Trí - pháp danh của vị ấy - vào chùa từ năm 6 tuổi. Được thầy hết lòng thương yêu vì tính tình ôn hòa, kiên nhẫn, chịu khó. Suốt mười hai năm ở trong thiền viện, Đạo Trí là niềm hy vọng của thầy, của các huynh đệ, bởi đạo hạnh và công phu tu.

Năm ấy, thiền viện mở khoá tập tu cho tăng ni sinh một số chùa. Dịp này Đạo Trí đã quen với Tâm Nhân. Hai người nhanh chóng trở thành bạn thân với nhau bởi Tâm Nhân tỏ ra gần gũi và rất đồng điệu với Đạo Trí. Tuổi mới lớn, ở thiền viện lâu năm, chung quanh là thầy và các huynh trưởng, dẫu yêu thương nhưng luôn nghiêm khắc, Đạo Trí không có dịp bày tỏ những suy nghĩ vu vơ lãng mạn của mình. Như một trái gòn, ém trong mình một số lượng bông mà chính nó cũng không thể rõ hết, nay được nứt võ, trở mình, nó nghĩ rằng nếu được sổ tung ra, thì chắc nó sẽ nặng hơn trọng lượng mà nó có. Tuổi mười tám dễ dàng kết thân và trở thành bạn tâm đầu ý hợp với những ai tỏ ra ra quí phục, biết lắng nghe và tỏ ra đồng điệu với mình. Tâm Nhân đã mang đến cho Đạo Trí những điều mà ở thiền viện mọi người không có. Tất cả những nỗi lòng, tâm sự, ước mơ...(mà trước đây Đạo Trí không nghĩ rằng mình cũng có những điều như thế) được trút ra. Một cây bút chì khi nằm trong tay đứa học trò lớp vỡ lòng, nó chỉ viết ra được những chữ cái, đến khi gặp một kiến trúc sư thì nó tưởng rằng mình có thể làm nên những ngôi nhà! (Mà quên rằng trên đầu mình còn có một cục tẩy và bên cạnh còn có sẵn một cái dao gọt viết.!)

Thế rồi Đạo Trí trốn thầy “ xuống núi” theo Tâm Nhân về ngôi chùa này để đi học.

“Phải học hành đàng hoàng trước đã, đó là điều chắc chắn đúng trong thời đại ngày nay, người tu sĩ cần phải có một trình độ học vấn uyên thâm mới mong đem đạo pháp đến gần với cuộc sống hiện đại, công việc hoằng pháp mới thuận lợi được; thầy đang còn trẻ và với khả năng của mình, nếu được học hành đến nơi đến chốn sẽ tiến rất xa...” đó là lời khuyên của Tâm Nhân.

Không biết Đạo Trí sẽ tiến xa đến đâu, nhưng trước mắt là cách sống và suy nghĩ của Đạo Trí đã phải khác trước. Bước đầu là hình thức bên ngoài: Cũng vẫn ba màu áo ấy nhưng chất liệu vải nay đã khác; cũng vẫn chỉ đôi dép đỡ chân nhưng nay phải êm hơn; từ chiếc xe đạp cà tàng để đến trường, nay vì thời gian gấp gáp, phải thay bằng chiếc xe máy mới theo kịp giờ giấc học tập từ lớp Phật học đến các môn học bên ngoài: Anh văn, Hán văn, vi tính, ..v..v... Có gì quan trọng đâu, đó chỉ là phương tiện, chấp làm gì! Tỏ ra kham khổ quá mà chi, mình phải hòa đồng với mọi người xung quanh chớ.

Đạo Trí đã bước đầu thành công, học hành rất tốt. Vậy mà... mỗi khi có dịp gặp lại các huynh đệ cũ, nghe những lời phân tích, trách cứ... Đạo Trí lại cảm thấy buồn, thấy hình như mình đã sai, đã chạy theo vọng tưởng nhiều quá. Khổ tâm nhất là khi gặp lại thầy, thầy không nói gì cả, không trách mắng cũng không khuyến khích, vẫn điềm đạm từ bi nhìn Đạo Trí như ngày nào; nhưng không hiểu sao Đạo Trí không thể yên tâm được! Những câu nói của mọi người cứ như một cuộn băng cứ quay đi quay lại rối tinh trong đầu: “Đã được Hoà Thượng tự thân tận tình chỉ dạy, đường thẳng không đi lại đi đường vòng.” ... “Học viện đã nhiều hơn tu viện, người của tu viện lại chạy ra học viện!” ... “Liệu đã đủ bản lĩnh để vừa học vừa tu?”... “Trường lớp như một cái tiệm uốn tóc, người có tóc vào đó, khi bước ra chưa chắc ai cũng được một mái tóc đẹp, huống chi mình là người đã cạo trọc đầu !” ... “Con đường nào cũng được, miễn về đích là tốt, hãy đi đúng con đường mà mình đã chọn, đừng nhảy lung tung”....

Nghiệp phước khó đoán! Thôi thì tùy duyên vậy. Để tự nhắc nhở mình, Đạo Trí quyết định làm một việc: Mỗi trưa, sau giờ quả đường, khi mọi người đã đi nghỉ cả, Đạo Trí lại ra gốc bồ đề, nhặt lấy tám chiếc lá gom vào gốc cây...thể hiện lòng mong mỏi, triết lý sống của mình.

Không biết công việc ấy Đạo Trí thực hiện được bao lâu, bởi sau đó tôi phải đi công tác xa một năm. Tôi ấp ủ bức tranh và mong ngày trở lại chùa. Và giờ đây tôi đang đứng chờ... Đã quá cái giờ mà Đạo Trí đi ra nhặt lá, vẫn chưa thấy bóng người đâu. Đạo Trí đã trở về thiền viện? Đạo Trí đã đi học xa? Đạo Trí đã đủ vững, không còn cần đến cái việc tự nhắc nhở mình một cách lãng mạn, giáo điều như vậy nữa. Hay là Đạo Trí đã... chính điều này làm tôi không dám hỏi thăm về Đạo Trí. Tôi sợ...

Vài cơn gió thoảng qua, những chiếc lá bồ đề lại rơi một cách nhẹ nhàng thanh thản. Khi đã chắc chắn rằng không còn có Đạo Trí ra nhặt lá nữa, tôi đứng tần ngần thầm gởi ước mong vào những cơn gió. Cơn gió nào sẽ đưa những chiếc lá kia về cội, cơn gió nào sẽ thổi chúng bay xa ? ...

Rời chùa ra về, khi bước qua cội bồ đề, tự dưng tôi cúi xuống nhặt lấy tám chiếc lá. Chưa biết vì sao và để làm gì.

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

BA TRĂN NĂM BẤT HẠNH DÀI NGOẰN







Đã qua 40 năm chấm dứt chiến tranh
vẫn còn hơn 40 ngàn người dân đất nước tôi chết vì bom mìn
Bình yên chăng?
800 ngàn tấn mìn bom ngày đêm lẫn trốn
chực chờ cướp đi sinh mạng người dân!

Dẫu biết rằng không còn thù hận
Nhưng nỗi đau này còn mãi ám ảnh dân tôi
Ba trăm năm
Bao thế hệ?
Bao con người?
Bất hạnh dài ngoằn khi dẫm phải mìn bom!

Những cường quốc hô hào nhân quyền!
Những nhà dân chủ to mồm hò hét tự do!
Có cách gì giải thoát dân tôi khỏi âu lo
đi trên con đường làng
và cấy cày trên mảnh đất nhọc nhằn bom đạn?

Ba trăm năm
Bất hạnh dài ngoằn...

Lưu manh hóa trí thức






Theo số liệu thống kê cho biết : Cả nước hiện có hơn 9. 000 Giáo Sư, 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2.700.000 cử nhân đại học [1]. Một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Việt Nam hiện nay có nhiều điều kiện để trở thành nước có nền kinh tế phát triển như: nguồn lao động trẻ, thuận tiện giao thông, có nhiều loại tài nguyên,….Tuy vậy, nước ta vẫn trong cái vòng luẩn quẩn của nghèo nàn, lạc hậu. Nguyên nhân chính là ở yếu tố con người, do đất nước chúng ta không tôn trọng giá trị con người, không tôn trọng trí thức đích thực. Yếu tố con người chưa được quan tâm thích đáng trong khi nó mới là nhân tố chính cho sự hưng thịnh/ suy yếu của 1 quốc gia.
Một xã hội bảo thủ, trọng thành tích, hám danh sĩ diện với bằng cấp thường đi đôi với sự coi thường sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật đương nhiên sẽ tụt hậu. Và Việt Nam đã và đang tụt hậu. Cũng theo số liệu thống kế cho biết các chuyên gia WB tính toán “Việt Nam phải mất rất lâu nữa mới đuổi kịp các nước trong khu vực Đông Nam Á: 158 hoặc cũng có thể là 175 năm với Singapore, 95 năm với Thái Lan và 51 năm với Indonesia.” [2]
Vấn đề đầu tư vào giáo dục luôn quyết định hưng, suy của một quốc gia. Nền giáo dục của Việt Nam và cả xã hội Việt Nam làm nhân tài không có đất dụng võ. Với bằng cấp tràn lan, làm người Việt ảo tưởng về mình. Mỗi năm chúng ta có rất nhiều kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ, giáo sư mới nhưng nền kinh tế của chúng ta lẹt đẹt, èo uột, đất nước chúng ta lạc hậu. Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản [3]. Và với số lượng hùng hậu GS, TS, Ths, Cử nhân đã nêu trên, một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Nhưng hiện vẫn đốt đuốc tìm lao động chuyên gia, thiếu hẳn những công trình khoa học - sáng tạo - sáng chế được ứng dụng vào thưc tiễn cuộc sống...Trong khi nền kinh tế sản xuất vẫn là nhân công giá rẻ, miệt mài với gia công phụ thuộc, công nghệ thì vẫn đang loay hoay ở trình... "sản xuất mì tôm".
Người Hàn Quốc họ có quyền tự hào vì họ xây dựng được những sản phẩm mang tính thương hiệu quốc tế như: Sam Sung, Huyndai. Người Nhật có thể vỗ ngực tự hào với Sony, Toyota. Sing có quyền hãnh diện về hàng xuất khẩu điện tử của mình ra khắp thế giới,…Hoàn toàn thiếu một sản phẩm Việt sánh ngang tầm các quốc gia khác trên thế giới.
Thực tế này cho thấy, chất xám Việt đang bị lãng phí. Lãng phí từ khâu đào tạo (đào tạo quá nhiều GS, TS, Ths giả và dỏm), lãng phí cả khâu sử dựng (Nhân tài thực sự chưa được tin dùng và sử dụng hợp lý và trọng dụng họ).




Người Việt, trí thức Việt, dân Việt trách móc Xã hội này đôi khi, nhưng nếu nhìn kỹ lại, thì chính họ chính chúng ta tạo nên Xã hội này. Trí thức Việt nói riêng, dân Việt nói chung nhiều lúc đôi khi có xu hướng, chờ đợi mong mỏi một vị minh quân, 1 vị lãnh đạo tài ba xuất chúng nào đấy xuất hiện để đưa lối dẫn đường họ và lãnh đạo đất nước đang tụt hậu này, nhưng họ quên rằng không ai dẵn dắt và không ai hành động tốt hơn họ tự dẫn dắt mình định hướng cho mình. Đã đến lúc cả dân tộc này và giới trí thức Việt cần nhìn thẳng và nhìn thật vào chính mình, nhìn vào thực tế và tự gánh trách nhiệm cũng như vài trò của mình để tự thoát ra cái vòng luẩn quẩn này chứ không phải một ai đó, 1 vị cứu tinh nào đó hay 1 vị minh quân còn ẩn dật đâu đó.
Nghèo, dốt, thua kém người khác chưa hẳn là cái tội. Cái tội là ở chỗ: nghèo, đói, lạc hậu, thua kém người khác nhưng lại không biết, hay biết mà không chịu thừa nhận và tệ hơn là phải phủ nhận mình nghèo bằng mọi giá vì cái sĩ, để rồi không chịu tìm tòi hướng đi, lối thoát cho mình. Và nếu chúng ta không khắc phục được sự yếu kém của đất nước, nạn nhân cũng chính là chúng ta. Chúng ta là nạn nhân của chúng ta.
Bất cứ xã hội nào, trí thức và yếu tố con người mới là yếu tố hàng đầu để đưa đất nước đi lên. Nước Mỹ phồn vinh với giấc mơ Mỹ và là miền đất Hứa của biết bao người trên thế giới, Người Hàn Quốc chấp nhận “ăn mày chất xám” ở phương tây, tinh thần Samurai của Nhật…Sao không để cho trí thức Việt được tự do trong sáng tạo, tự do trong tư tưởng, tự do trong lựa chọn của mình !? Để họ được cống hiến !?
Ở một góc độ nào đó, có thể nói và khẳng định rằng, đất nước không phát triển được như người ta là vì trí thức Việt chưa phát huy hết vai trò và sứ mệnh của mình. Và lại ở 1 góc độ nào đó, họ bị kiềm kẹp, bị cột, bị trói chặt tư duy, tư tưởng, và cả ý thức hệ, họ cũng muốn sống, muốn cống hiến lắm, muốn được hy sinh nhưng ý thức hệ, sự khác biệt trong tư duy và tư tưởng đã làm cho họ không được chọn, và họ bị cuốn vào vòng xoáy luẩn quẩn của giới trí thức Việt bao đời nay, vòng xoáy của một xã hội mà ngay cả đến trí thức cũng bị đẩy vào con đường “lưu manh hóa”, ở đó nhân phẩm của trí thức bị người khác chà đạp và tự mình chà đạp lên mà sống ,để rồi họ không kịp nhận ra họ vừa là "nạn nhân" mà còn đồng thời là "thủ phạm". Họ hành hạ nhau và dẫm đạp lên nhau mà sống:
- Một bác sĩ với mức lương èo uột, 3 đồng 3 cọc , chết đói, anh ta tìm đủ cách làm khó bệnh nhân để được nhận “lót tay”. Nhưng khi anh ta sử dụng các dịch vụ khác, anh ta lại bị làm khó lại.
- Một thương gia (doanh nhân) vì chạy theo lợi nhuận và tham đồng tiền bất chính không ngại bán rẻ lương tâm mình sản xuất ra những hàng hóa chất lượng kém, độc hại tới sức khỏe của người tiêu dùng, miễn sao lợi nhuận nhiều, xả chất thải độc hại ra môi trường, nhưng rồi chính anh ta hủy hoại môi trường chung anh ta đang sống trong đó và sẽ ra sao nếu anh ta mua phải những sản phẩm độc hại khác do người khác cũng vì tham lam mà sản xuất ra như anh ta.
- Từ Vụ sập cầu Cần Thơ, cho đến sập cầu cống, hàng loạt công trình thủy điện quốc gia công trình dân sự khác,… những kỹ sư làm việc trên công trình đó đã làm hại hoặc tiếp tay cho người khác làm hại rất nhiều người. Sẽ ra sao nếu như những kỹ sư này đứng dưới công trình của chính họ thiết kế và xây dựng?
- Một nền giáo dục thay vì dạy con người ta cách học, nó chỉ dạy con người ta cách tin và phải đặt niềm tin vào đấy, kết quả tạo ra khg phải 1 thế hệ mà nhiều thế hệ cứ bắt thế hệ nối tiếp sau cứ tiếp tục đặt niềm tin. Bởi lẽ thế hệ này tiếp tục "dẫn dắt" (chăn dắt!?) thế hệ kia.
- Một công chức, phải bỏ ra 1 khoản tiền lớn để mua chạy chức, hối lộ cho người này, cho cơ quan kia để có cái ghế, cái chức. Khi có cái ghế, cái chức rồi lại quay lưng ra cướp phá, cướp bóc , hạch sách nhũng nhiều người khác để lấy lại những thứ mà mình từng bỏ ra. Và xem điều đó là lẽ đương nhiên và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn!
- Một nhà báo, nhà văn, người cầm bút vì lợi ích cá nhân riêng, có thể nhẫn tâm bẻ cong ngoài bút, viết láo và viết liều để nhận được những đồng tiền bẩn tưởng chừng như chỉ làm tổn hại tới người đọc nói riêng và nền văn báo chí văn hóa nước nhà nói chung nhưng anh ta cũng đang tự biến mình thành trò bỉ ổi và lố bịch trong mắt người đọc, vì người đọc bây giờ đủ thông minh để nhận biết đâu đúng, đâu sai. Bởi trước khi hốt bùn để ném vào mặt người khác, thì bàn tay anh ta cũng đã lấm bùn trước rồi…
Và cứ thế, mỗi người trong xã hội cứ tự hại mình và hại người khác. Có thể nói trí thức Việt Nam nói riêng và người Việt nói chung vừa tự hại mình và hại người, nạn nhân của nhau, nạn nhân của định hướng xã hội, nạn nhân của sự lãnh đạo và dẫn dắt tồi tệ.
Trong một xã hội, khi "sự thật" bị bóp méo, bị bẻ cong Trí thức Việt từ chỗ "người sáng" cũng trở thành “người mù”, người thẳng cũng thành “còng lưng”. Hoặc im lặng, cúi đầu chấp nhận để mà sống yên ổn thay vì cất tiếng nói phản kháng rồi bị vùi dập.
Với mức giá, mức lương hiện tại, Xã hội còn nhiều trí thức không sống được vói mức lương thực của mình. Người lao động trí thức bị bần cùng hóa và bị đẩy đến chỗ không còn có thể nghĩ gì khác ngoài việc làm sao kiếm cho đủ tiền để sống. Đây chính là một trong những lý do làm nên sự tha hóa, biến chất của giới lao động trí thức, thay vì đầu tư vào nghiên cứu, nâng cao chuyên môn tay nghề, phát minh ra cái này, khám phá ra cái kia họ lao đầu vào kiếm tiền kiếm sống, làm sao phải sống được cái đã. Chính điều này dẫn họ tới kết quả làm nhiều việc trái nghề, trái lương tâm, trái đạo đức xã hội...



Mua quan, bán chức, mua vị trí công tác diễn ra đều đặn trong giới lao động trí thức trong Xã hội để rồi khi lên nắm quyền thì Vua quan thi nhau chia chác, nhũng nhĩu, quan liêu, thằng lên sau thì dốt hơn nhưng lưu manh, khốn nạn hơn thằng trước. Khốn khổ cho một xã hội!
Chưa dừng lại ở đó, Giới lao động trí óc ở Việt Nam không những bị bần cùng hóa về đời sống vật chất, mà còn bị bần cùng hóa hay tự bần cùng hóa cả về tư duy đời sống tinh thần khác. Hiện tượng này đang thành ra phổ biến : những người, lẽ ra , phải làm việc với sách vở lại rất ít đọc sách, không quan tâm đến các vấn đề xã hội. Họ tự phủ nhận vai trò và trách nhiệm xã hội của họ. Hoặc học nhiều đọc nhiều, có bằng này bằng nọ chỉ để tự hào, để khoe khoang, để lên lớp nhau, để mơn trớn nhau vì cái tính sĩ diện hảo. Và cách người Nga đáp trả: Mày giỏi (giáo dục cao, học giỏi...) sao mày không giàu (sao mày không thể bán chút kiến thức để kiếm tí tiền tiêu cho sang trọng). Có lẽ câu nói đó hơi sống sượng. Nó hơi chợ búa. Nhưng nó chỉ ra một thứ rất đáng nghĩ rằng: nếu như kiến thức của bạn không mang lại giá trị cho chính bản thân bạn thì bạn cần kiến thức đó làm gì. Để trang trí hả? Để khoe mẽ hả? Nói thẳng ra, nó hơi chợ búa, nhưng đấy là cách nghĩ của một con buôn chứ không phải 1 trí thức.



Mặt khác, một số đông trí thức và tự nhận mình là trí thức lại cố định, cột chặt và để người khác cột, trói chặt tư duy và suy nghĩ của mình bằng những định kiến có sẵn, những quan điểm tâm lý đám đông và những quy luật bất thành văn khác về tư duy và quan điểm của họ . Điều này dẫn đến họ không tự do tư duy, không có tính bức phá không có khả năng phán xét đâu đúng đâu sai, họ chỉ biết nghe, biết chấp nhận những điều từ người khác mớm cho, từ trên đưa xuống không cần phán xét coi nó đúng hay sai, lợi hại ra sao. Sự bần cùng hóa tinh thần là một trong những nguyên nhân khiến giới lao động trí óc ở đây đánh mất sức mạnh, đánh mất khả năng phân biệt đúng sai, phải trái, và khiến họ có thể vi phạm các chuẩn mực đạo đức mà vẫn cảm thấy yên ổn lương tâm. Họ tìm sự yên ổn bằng cách sử dụng các lý lẽ mang tính ngụy biện để bào chữa hoặc hợp pháp hóa cho sự vi phạm đạo đức hay sự vi phạm pháp luật. Họ đã dùng cái sai này để ngụy biện bao che, phủ lấp cái sai khác, trong khi những giải pháp đúng đắn, khoa học đã không được lựa chọn.
Chính sự bần cùng và tự bần cùng hóa về tư duy, đạo đức và tinh thần, đời sống, trí tuệ đã khiến cho trí thức Việt Nam bị tha hóa nhiều mặt, mất cả năng lực làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của mình, mất luôn cả bản lĩnh văn hóa, cả ý thức về sự đúng sai, cả phẩm chất đạo đức công dân. Để tự giữ cho mình trong sạch, chuẩn mực còn khó, nói chi đến chuyện dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật ! Chính vì thế nhiều người còn chút lương tri họ chấp nhận cắn răng chịu đựng và thỏa hiệp với cái ác và cái xấu để yên ổn mà sống.
Họ dối trá, tiếp tay cho sự dối trá, họ lừa lọc, tiếp tay cho sự lừa lọc, họ sĩ diện và tiếp tay cho sự sĩ diện. Tất cả nó làm nên dung mạo của nền trí thức bị “lưu manh hóa”.
Đất nước này đã phải trả cái giá quá đắt cho tệ nạn “lưu manh hóa trí thức” này rồi, bây giờ đã đến lúc chúng ta phải biết tự đứng dậy, dám nhìn thẳng, nhìn thật vào sự thật, nhìn vào thực tế,… tự bản thân mình thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy, đừng tự hại mình và hại người nữa.
Tác giả: Tiểu Bối
---------------------------------
[1] Số liệu Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) đưa ra.
[2] Tính toán của các chuyên gia dựa trên báo cáo của WB năm 2007
[3]Theo TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc Gia.

Chủ nghĩa toàn thể hình thức một tuyên ngôn





ANNIE FINCH

Chúng tôi khát khao cái đẹp thi ca, và chúng tôi không e dè né tránh những nguồn mạch nuôi dưỡng chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng với chủ nghĩa Toàn thể hình thức (omniformalism), cho một thi pháp phong phú và mở rộng, giải phóng khỏi những doanh trại của những cuộc chiến thi ca đã chết rấp.

Nhà thơ Annie Finch - Ảnh: internet


Sau đây là những mong muốn của chúng tôi:

1. Tính vật thể (Physicality)
Chúng tôi mê điên những bài thơ dồn tuôn máu, chuyển động vào ba chiều kích bằng những thiết yếu nội tại của hình thức chúng, vốn biết những dạng thức và tiết điệu dai dẳng mà thế giới bảo lưu.

2. Tính thẩm thấu (Permeability)

Chúng tôi đói ham thứ thi ca chuyển động tự do giữa các trường phái, những văn hóa, những truyền thống, và những kỉ nguyên của thi pháp và được nuôi dưỡng bằng những ảnh hưởng tranh chấp.

3. Cấu trúc (Structure)

Chúng tôi thèm thuồng những bài thơ phản ánh hoặc khúc xạ những dạng thức trong tay nghề của chúng, chúng xây dựng những hình dạng riêng hoặc lạ lẫm hoặc dễ dãi, chúng thách thức và thăm dò dạng thức không thân quen và đồng thời cũng tán thưởng và bảo trì cái thân quen.

4. Thân thuộc (Kinship)

Chúng tôi muốn những bài thơ vươn ra ngoài cũng như rướn vào trong. Chúng tôi ham thứ thi ca đánh dấu và lưu dấu trên những sự kiện thời vụ của con người. Chúng tôi mong muốn những bài thơ chuyên chở và kết nối với dục vọng.

5. Tính liên tục (Continuity)


Bất đồng không phải là hạ sát, và những chọn lựa khác nhau có thể mang nghĩa bất đồng. Chúng tôi đề kháng khuôn mẫu mang tính phức cảm Oedipius của truyền thống và đói ham thứ thi pháp bền vững, cũng như khám phá.

6. Huyền nhiệm (Nystery)

Chúng tôi hân hoan là những tuyên ngôn sẽ chẳng bao giờ chứa giữ thi ca. Chúng tôi có một mong muốn cuồng dại đối với thi ca gìn giữ một điều gì mà chúng tôi không thể hiểu nổi.

Tại buổi kết thúc dự án trong tám năm đồng biên tập cuốn: Tán dương hình thức: Những nhà thơ đương đại ăn mừng sự đa dạng của nghệ thuật (An Exaltation of Forms: Contemporary Poets Celebrate the Diversity of Their Art) - Ấn quán Đại học Michigan, 2002, Katherine Varnes và tôi vẫn còn bất mãn do một số của cùng những tình huống đã khởi đầu dẫn tới cuốn sách ấy: những cuộc chiến giành đất giữa các nhà thơ, sự phân cách của những chiến lược về hình thức và những tương quan khuôn sáo giữa những thủ thuật hình thức của bài thơ và những cam kết chính trị và triết học của nó. Gặp nhau để ăn mừng việc xuất bản tuyển tập trên, chúng tôi hai đứa nguệch ngoạc bản sơ thảo của tuyên ngôn này trên một tờ giấy ăn trong một quán lau ở tiểu bang New Orleans, Hoa Kỳ.


THÂN THỂ CỦA THƠ (THE BODY OF POETRY)
(Luận văn về phụ nữ, hình thức, và tự thân thi ca)

Kể từ chủ nghĩa Lãng mạn, vận động thống ngự của thơ đã bao gồm một sự thúc đẩy liên tục để vượt thoát khỏi sự giới hạn thể hình minh định của nghệ thuật, từ sự tháo gỡ của Wordsworth về ngôn từ ‘thi ca’ để ưa chuộng một ngôn ngữ của ‘một người nói với các người’ qua sự vượt thoát khỏi vận luật trong cuộc cách mạng của thể thơ tự do (free-verse revolution) và của dòng trong thể thơ phóng chiếu (projective verse) [tức là vắt dòng - enjambment]. Những ai chạm gần đáy nhất của tiến trình này đã là hiển nhiên trong sự vượt thoát khỏi tiếng nói trong thi pháp cắt dán (collage poetics) và khỏi cú pháp trong thi pháp phần mảnh hoặc dán cách (fractal or disjunctive poetics), nó hiện gồm không gian riêng của nó để vượt thoát thêm nữa: những phá vỡ được lặp lại ngay bên trong bình diện của ngôn ngữ.

Trong suốt cũng hai thế kỉ đó thơ trữ tình (lyric poetry), giống như những nghệ thuật khác, phải tới phần nào làm tròn vai trò của tông giáo trong đời sống tâm linh của nhiều nhà nhân văn thế tục có học. Khi tự thân cá thể hóa đã ngày càng mang lấy sự tạo nghĩa gần như tông giáo qua những vận động của chủ nghĩa Lãng mạn và chủ nghĩa Hiện đại (hãy so sánh thi ca cổ đại hoặc thậm chí trung cổ tự lấy tâm điểm trong quy ước xã hội và những ám thị/ điển cố - allu- sions - hơn là viễn kiến cá thể hóa của tự thân), những nền tảng cấu trúc của thi ca đã được tái tổ chức để phản ánh một sự nhấn mạnh mới về sự trải nghiệm của linh hồn cá nhân, và trên một mĩ học của vượt thoát như là đối lập với sự nội tại. Vậy nên, trớ trêu thay, thi ca trữ tình tự thân đã mang lấy những đặc trưng tâm linh và siêu hình chủ chốt của truyền thống tông giáo thống ngự. Những sự tự đảm đương không được nói ra này đã đến thống trị cả thi pháp đương đại chủ lưu và ‘tiền - vệ’, một tình huống với những hàm nghĩa không chỉ cho nội dung của thi ca có định hướng tâm linh, mà còn cả cho thi pháp trên một bình diện sâu hơn cả bình diện về nội dung tông giáo.

Trong thi ca kể việc thể tự do đương đại (contemporary free - verse anecdotal poetry), cái kiểu thức mà Ron Silliman, nói gót Edgar Allan Poe, đã gọi là “trường phái thanh tịnh” (the school of quietude), sự thành thật bề ngoài của tự thân cá nhân, hoặc linh hồn, trở nên tiêu chuẩn trung tâm của thi ca vượt thoát, một địa điểm của sự vật luyến tâm linh (spiritual fetishization). Mọi nhân tố khác - hình thức, ngữ cách, hình tượng, chủ đề, thanh điệu - đều bị gộp trong sự phục vụ cho hiệu quả này. Mặt khác, trong trường hợp của nhiều thi ca tiền vệ, gồm những nhà thơ tâm linh - thử nghiệm như Fanny Howe và Ann Lauterbach, những hình dạng tự phát của một thi ca ngày càng gián cách được gọi lên như một phương tiện để chiêu cầu cái không thể biểu hiện vượt thoát, một ân sủng thách đố và tràn lướt ngôn ngữ.

Cả hai loại thi ca này chiếm được sự chân chính trong mắt người đọc đến mức độ chúng dường như bỏ lại sau hoặc vượt thoát, ‘bài thơ’ như một nhân tạo, một mảnh gia công của ngôn ngữ với những quy ước của nó về ngữ cách và nhịp điệu và những đặc trưng về cấu trúc có thể nhận ra, tách biệt. Việc tự thân tâm linh này hoặc đối tượng vượt thoát của nó có là trung tâm của một bài thơ đương đại hay không, dù ở trường hợp nào trong cả hai thứ này thì cái thân thể xúc cảm của bài thơ, và cái ngôn ngữ xây dựng nó, đều là bên ngoài chủ điểm, đối với luôn cả những nhà phê bình chủ lưu và tiền vệ. Cho dù được thanh tẩy bằng nhiệt tâm Thanh giáo về bất cứ gì phá rối dòng chảy ngôn ngữ trần tục với hơi hướm của chất ‘thi ca’ về một mặt, hoặc là ‘gẫy vụn’, ‘mảnh mún,’ ‘ngắt ngang’ với sự bạo động không mỏi mệt về mặt khác, thân thể của bài thơ đã đến chỗ bị khinh miệt bởi văn hóa văn học (literary culture).

Trong cái mà tôi đã đến việc định danh là một nền tâm linh hướng về Nữ thần (a Goddess - oriented spirituality) thái độ đối với thân thể thì đối nghịch với cái trong truyền thống Do thái - Kitô chủ lưu. Đất bụi, máu, tính dục, linh hồn, trái đất, cái chết, con vật không được phó cho việc phải vượt thoát; như là những thể hiện của cái thiêng liêng nội tại, bằng sự mở rộng chúng cũng là thiêng liêng. Những truyền thống của Kitô giáo, Phật giáo, và những tông giáo khác có thể bảo chúng ta một cách huyền bí rằng Thượng đế hiện diện trong vạn vật (“Tôi kín nước, tôi chẻ củi; đó là sự cầu nguyện của tôi,” đó là lời của nhà tu trong một trong những truyện ngắn tôi ưa thích nhất thuở đầu đời) nhưng khái niệm về Nữ thần thực sự cấu thành một sự hiện diện vật thể. Không chỉ là Nữ thần của thế giới, thế giới chính là sự hiển thị của bà. Mặc dù nam thần siêu việt và nữ thần nội tại là những mặt bổ túc của cùng một đồng tiền tâm linh con người, những ngân vang của họ khác nhau một cách nền tảng.

Trong thi pháp của nữ thần học (thealogy) đối lập với nam thần học (theology), những kết nối về hình dạng và căn cước bên trong và giữa các bài thơ không phải là những bối rối ngẫu nhiên, mà là những mối thân thuộc then chốt. Một điều là, giàn xương cốt dạng thức tạo ra sự mạch lạc ban cho tự thân cái công năng buông xả một căn cước đơn độc hướng về cái tôi (a single, ego-oriented identity) bên trong cái căn cước lớn hơn của một hình dạng có dạng thức. Vượt thoát không phải là cung cách duy nhất ra khỏi tự thân; còn có vài cung cách để lột da một linh hồn. Và sự kết nối cùng sự khác biệt giữa những hình thức và hình dạng của những bài thơ đa dạng, giống như sự đa dạng của các chủng loại, làm hiển lộ bản tính đa giá trị của cái thiêng liêng. Trong ngữ cảnh này, viết một bài thơ như một bài thơ cá thể được hình thành một cách riêng biệt, chỉ hợp nhất với những bài thơ khác trong tương quan với một sự vô thể trừu tượng đơn độc (a single abstract formlessness), hẳn là hi sinh sự kết thức của tính chuyên biệt và sự đa phức của những cấu trúc có dạng thức và hình thức cho cái lên thành một thứ chủ nghĩa độc thần trong thể thơ tự do (free - verse monotheism).

Trong văn hóa văn học đương đại, một truyền thống mạnh mẽ thi ca hình thức có dạng thức (a powerful patterned formal poetic tradition) vẫn còn được kết hợp mạnh mẽ với cái thế giới văn học bị nam giới thống ngự, tiền nữ quyền (the pre - feminist, male - dominated literary world) của thập niên 1950. Không chỉ là nhiều người theo chủ nghĩa nữ quyền ngần ngại viết những bài thơ hình thức (mặc dù điều này đã bắt đầu thay đổi với sự chuyển thiên niên kỉ); thường khi, những động cơ vặn vẹo hoặc phản động vẫn còn bị gán cho những người làm như vậy. Động cơ của riêng tôi khi viết theo hình thức là một sản phẩm của động cơ sáng tạo. Một hấp lực không thể kháng cự hướng về cái thân quen không thể tránh kéo tôi bằng sự nhất tâm không lời hướng về một cái gì xưa hơn là thi pháp phụ quyền (patriarchal poetics). Đây là điều tôi coi là “Tay Nghề” (the Craft), để dùng một từ ngữ xưa cho một sự hiến mình thể hiện đam mê tới nỗi nó đạt tới tầm vóc của một tông giáo trong sự phục vụ Nữ thần. Khi tôi đặt ra một khổ thơ, hiệp một vần, đặt thông một tiết điệu về câu chữ, tôi cảm thấy về mặt tâm linh được kết nối với những truyền thống vượt thời gian của những tay nghề khắp thế giới như là nghề thêu, nghề dệt, và nghề gốm. Tôi cảm thấy được kết nối không chỉ với những nghệ nhân Tiền - Raphael [nhóm hoạ sĩ nước Anh ở thế kỉ 19 đề xướng việc bắt chước nghệ thuật đơn sơ và chân thành, màu sáng, nét mạnh, chú ý chi tiết của các hoạ sĩ Italia trước thời hoạ sĩ Raphael để chống sự bóng bẩy và sướt mướt của nghệ thuật thời Nữ hoàng Victoria] hoặc những người chép sách thời trung cổ, mà còn với những người đan một tấm thảm Turki hoặc hoa tai Celt, bộc lộ niềm vui trung tâm của việc thờ phụng bằng trổ tay nghề làm một vật thể xứng đáng.

Những thi pháp của tâm linh nội tại quan tâm nhiều hơn tới tính bền vững (vốn bằng bản tính - trong cái nghĩa hữu cơ, nghĩa đen theo nghĩa của từ ngữ này - gợi ra sự kiên trì) hơn là với những khái niệm đương đại về tiến bộ. Như tôi sẽ định nghĩa nó “thi pháp nữ thần” (goddess poetics) cử hành và được tạo bằng cái chơi vui và cái vật thể. Tôi bị đưa dẫn đến lưu luyến trong vần thơ và điệp cách, tới vẻ huy hoàng trong những nghệ pháp gây ngạc nhiên của thân thể thi ca. Những nghệ pháp của hình thức này cung ứng một nguồn mạch cho sức mạnh tâm linh trong và bằng tự thân chúng. Điều lệnh tâm linh của lạc thú tự tại của hình thức, như tôi đã hiểu được nó, từ lâu đã kéo tôi về một thi pháp đối lập tự đặt cơ sở trong những đặc thù nội tại của cấu trúc thi ca: dạng thức, điệp cách, bùa mê, hấp lực, tụng ca:

LỄ TỤNG

Từ nhạc tôi mang
mấy cái vây vàng đá
nhưng chúng chìm đi
qua những chỗ cạn ba hoa.

Từ tự nhiên tôi lượm
chút hi vọng hạt lúa
nhưng nó ven nghỉm đi
trong những chén đá chìm.

Vậy rồi tôi hỏi
xin chén và vây
xin một bàn tay
có thể lay chúng về
thành vây vượt cạn,
lượn, quanh;
tôi đoán một bàn tay,
có thể gom những chén mở ngỏ.

Khi tôi đã xin
người tôi đã đoán,
nàng đã gửi lời xin của tôi đi;
và rồi và nữa

nay nàng gửi nó về.
Rồi và nữa nó đáp lời tôi;
rồi và nữa nó đáp lời, như nàng ban nó,
trong tiếng vây và trong tiếng chén.


Nguyễn Tiến Văn dịch


Gia đình "Zân chủ"



*

Bố : -Con đã 16 tuổi không còn trẻ con nữa. Hãy biết cư xử như một người đàn ông đúng nghĩa nhé

Con : Vâng !

Vài ngày sau

Con : - này bố, con muốn lấy vợ.

Bố : - Ô, không được. Con chưa đủ tuổi lấy vợ đâu. luật pháp không cho phép con à.

Con : - Không được. Như vậy là vi phạm nhân quyền

Bố : - Này, vi phạm thế nào hả ?

Con : - Quyền duy trì giống nòi đấy bố

Bố : !!!




*

Mẹ : - Con đã 15 tuổi cần định hướng nghề nghiệp cho mình con gái ạ. Mẹ sẽ luôn khuyến khích con.

Con gái : Dạ, rồi ạ

Mẹ : - Thế à. Con chọn nghề nào

Con gái : - Làm Đĩ mẹ à, vừa có tiền vừa sướng

Mẹ : !!!

Bố : - Mày hết nghề chọn hay sao hả? Đồ gái hư!

Con trai : - Này Bố, nên bỏ cái thói chỉ trích đi nhé.

Con gái : - Lại vi phạm nhân quyền

Mẹ : - Nhân quyền gì chứ?

Con gái : - Quyền tự do thân thể. Của con con bán mắc mớ gì ai mà cấm chứ!

Con trai : - Khi nào em bán trinh thì để anh môi giới cho.

Bố, mẹ : !!!


Tuavit

tịnh khẩu







khi sống là cái chết muộn màng
và sương mù bay quanh vầng trán
khi bước tới bằng bước trở lui
thì mùa mưa chính là nắng hạn

tên mãi võ khoe đường gươm vụng
ảnh tượng làm bùa vật giữ nhà
giữa mùa xuân lá xanh sầu rụng
thì loài thú nói chung tiếng người

khi lớp học là chốn đấu trường
( thầy chào thua trước lúc so găng
và trò như ghế bàn buồn bã )
sách vở là một trò lố lăng !

khi loài thú đi qua sa mạc
tưởng diễn hành giữa chốn phố đông
thì trái tim chính là bầu bạn
của những điều giấu kỹ trong lòng.


Trường Thu Đông

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Một con đĩ yêu nghề


Truyện Ngắn




- Cô làm gái phải không?

Nó ngước mắt nhìn thằng đàn ông vừa hỏi. Mặt non choẹt, chạy chiếc xe wave Trung quốc còn khá mới, quần tây áo sơ-mi cũ, mắt lờ đờ, người nồng nặc mùi rượu.
- Ừ, thì sao…
- Tôi muốn chơi cô… - Hắn trả lời một cách không thể thẳng thắn hơn được nữa.

Nó nhìn hắn… nhìn không chớp mắt, rồi nó cười, ôm bụng cười sặc sụa, gập người ngồi xuống đường mà cười. Trời ạ, lần đầu tiên nó gặp một thằng khách nói trắng trợn vào mặt nó là: “Tôi muốn chơi cô…”

- Cô cười cái gì? Cô làm gái, tôi muốn chơi gái… Được ko?

- Được, được. Được chứ. Tôi làm gái. – Nó nói mà vẫn còn cảm thấy buồn cười.

- Bao nhiêu tiền?

- 200, tiền phòng anh tự trả.

Hắn mò mẫm các túi quần, rồi nói với nó.

- Tôi còn một trăm rưỡi thôi, được không… Còn tiền phòng thì… về chỗ trọ của tôi đi…

Trời đất ơi… Đi chơi gái mà trả giá… Nó lại ôm bụng mà cười, đâu ra cái thằng cha khùng này vậy trời. Nhưng bỗng dưng nó lại muốn ngủ với thằng khùng này. Là đĩ, nó đã ngủ với không biết bao nhiêu đàn ông. Nhưng một thằng khùng ăn nói thật thà như thằng cha này, thì nó chưa từng thử qua.
- Về nhà ông, ông giết tôi rồi sao???

- Ờ… thì… cô không tin thì thôi… Tôi tìm người khác.

- Thôi được rồi ông kẹ… Đưa tiền trước đi.

- Không, chơi xong tôi đưa, đưa trước rồi cô bỏ chạy rồi sao.

Nó vừa cười vừa lắc đầu, leo lên chiếc xe wave tàu của hắn ta và băng qua những con đường Sài gòn vẫn còn sáng đèn mặc dù đã hơn 2h sáng.

Căn phòng trọ của hắn nằm trong dãy phòng bình dân, nhìn vẻ bề ngoài của mấy căn phòng, nó đoán rằng đây là khu dành cho những người cũng vất vả mới kiếm được tiền để chu toàn cuộc sống. Khu phòng trọ nó đang thuê cũng vậy.

Hắn nhẹ nhàng dắt xe vào phòng trọ, tránh gây ồn vì cũng đã hơn 2h sáng. Căn phòng nhỏ, không có nhiều vật dụng và khá gọn gàng so với 1 thằng thanh niên sống 1 thân 1 mình như hắn. Hắn chỉ tay vào chiếc nệm mỏng đặt dưới sàn nhà.

- Cô… ngồi đó đi. – Rồi quay qua rót cho nó ly nước. Bỗng dưng nó thấy cảm động, hình như đây là lần đầu tiên có một thằng khách làng chơi rót cho nó 1 ly nước trước khi hành sự.

Nó đưa tay nhận ly nước từ hắn, khẽ nói:

- Anh… cởi đồ ra đi.

- Ừ, ừ nhĩ. – Hắn hơi bối rối và mắc cỡ. Nó cảm nhận được rõ ràng là cái quyết định kiếm 1 con đĩ của hắn chỉ xuất phát khi hắn say rượu, và bây giờ khi hơi men tan đi, hắn bắt đầu thấy rằng quyết định của mình là quá mạo hiểm. Nhưng đã phóng lao thì phải theo lao…

Nó đứng dậy, để ly nước lên bàn, rồi nhẹ nhàng giúp hắn cởi bỏ những chiếc nút của cái áo sơ mi sờn cũ. Nó và hắn bắt đầu cuộc mua bán của mình. Hắn vụng về. Rất vụng về. Với kinh nghiệm của một con đĩ, nó lờ mờ đoán rằng, có thể đây là lần đầu tiên hắn chạm vào thân thể của một người đàn bà. Tại sao người đó lại là nó???

Cuộc mua bán diễn ra chóng vánh và ngắn ngủi. Với một người không nhiều kinh nghiệm như hắn, điều này cũng dễ hiểu thôi. Nó ngồi dậy, hỏi hắn:

- Anh có thể chở tôi lại chỗ hồi… - Câu hỏi ngưng lại, vì nó thấy hắn đã ngủ tự lúc nào. Có lẽ hơi men và hơi tình đã làm cho hắn quá mệt mỏi rồi. Nó đưa mắt nhìn quanh căn phòng trọ mình đang ngồi. Rồi bỗng dưng nó mỉm cười, nằm xuống bên cạnh hắn và quàng tay qua ôm ngang bụng người đàn ông vừa “chơi” nó.

Hắn là người khách duy nhất đêm nay của nó.



Sáng tỉnh dậy, nó thấy nét mặt lúng túng của hắn khi nhìn nó. Rõ ràng là hắn vẫn nhớ đêm qua mình đã làm gì, nhưng hình như hắn không ngờ một việc như vậy lại có thể xảy ra.

- Xin lỗi cô… Tôi… tôi ngủ quên, để tôi chở cô về liền.

- Anh ăn bánh, mà chưa có trả tiền đó. Tính xù hả?

- Tôi… quên mất, của cô đây. – Hắn lục lọi túi mình rồi móc ra 150 ngàn đưa cho nó. Nó cầm tiền, rồi lấy tờ 50 ngàn đưa lại cho hắn.

- Hôm qua tui khuyến mãi, giảm giá đặc biệt cho anh đó. Lần sau… nhớ ghé ủng hộ tui nữa nha. – Nó nói rồi phì cười. – Tui tự về được rồi. Chỗ này cũng gần chỗ của tui.

Nó bỏ đi khi hắn vẫn còn đứng ấp úng không biết phải nói gì. 20 ngàn tiền xe ôm từ chỗ hắn về nhà nó. Lần đầu tiên nó đi khách với giá 80 ngàn… Đĩ ơi, mày mất giá dữ vậy sao???



Lần thứ 2 nó gặp hắn.
Vẫn chiếc xe wave Tàu còn khá mới, vẫn bộ đồ sờn cũ. Và nó nhận ra hắn.

- Ah, anh muốn “chơi” tui nữa hả?? – Nó hỏi hắn, không giấu nụ cười.
- Cô vẫn còn… đứng đây àh.

- Tui là gái đứng đường, không đứng đây thì đứng đâu.

- Có mấy lần, tui ghé kiếm cô, nhưng không gặp. Tưởng cô đi chỗ khác rồi.

- Cái gì??? Anh kiếm tui hả? Chi dạ?

- Thì … tôi muốn gặp cô.

- Vậy hôm nay gặp rồi đó. Rồi anh tính sao?

- Nhưng, ừm… hôm nay tôi hết tiền rồi, còn có 100 ngàn thôi. Nên tôi muốn cô đi ăn với tôi thôi. Được không?

Cái gì vậy??? Một thằng khách làng chơi quay trở lại mời một con đĩ đi ăn. Đây đâu phải tiểu thuyết diễm tình. Nhưng tại sao chuyện này lại xảy ra với nó???

- Ừ, thì đi. Tui cũng đói bụng rồi.

Nó leo lên xe hắn ta và 2 người tấp vào một quán hủ tiếu gõ ven đường gần đó. Nó ăn 2 tô, hắn ta 2 tô, 5 ngàn một tô, 20 ngàn cho bữa ăn của 2 người.

- Cô uống gì không?

- Có thùng trà đá kìa, bày vẻ làm cái gì cho tốn tiền.

Hắn chở nó lại chỗ cũ, trước khi chia tay, hắn xin số điện thoại của nó.

- Anh tính nâng cấp tui từ gái đứng đường lên gái gọi đó hả??? – Nhưng rồi nó cũng để cho hắn nâng cấp.



Lần thứ 3 nó gặp hắn.

Vẫn trong căn phòng trọ của hắn. Vấn với giá 150 ngàn. Nhưng khác ở chỗ: Hắn không say.

Hắn ý thức được mình đang làm gì, sẽ làm gì và phải làm gì. Hắn làm những việc đó một cách từ tốn và nhẹ nhàng với nó. Nó tự hỏi, phải chăng đấy là bản năng của một thằng đàn ông khi ngủ với đàn bà. Tự khắc nó sẽ biết phải làm gì mà không cần ai chỉ dạy.

Đã từ lâu, nó quên cảm giác yêu thương khi phải quan hệ thân xác. Đó là công cụ kiếm sống của nó. Để lo cho bản thân, để lo cho bà ngoại nó và cả đứa con thơ đang ở quê nhà. Nó không yêu công việc này, nhưng đó là thứ duy nhất nó có thể làm để kiếm ra tiền. Nói đúng ra, nó là một con đĩ không yêu nghề.

Nhưng lần này, sự nhẹ nhàng và nâng niu của hắn làm cho nó có cảm xúc yêu thương. Hắn như một cơn mưa, làm tươi mát khu vườn đang khô úa của nó. Bất chợt, nó kéo hắn ta và hôn hắn ta thật nồng cháy.

- Cho em xin điếu thuốc. – Nó bảo hắn ta, và nó thấy hắn hơi ngạc nhiên khi nghe nó thay đổi cách xưng hô.

Nó đốt thuốc, rồi nhả khói và nói chuyện cùng hắn. Lần đầu tiên nó nói nhiều như vậy với một thằng khách làng chơi.

“Em làm gái được 3 năm nay rồi. Quê em ở Bầu Lâm, vùng sâu vùng xa chắc anh không biết đâu. Nhà em còn bà ngoại em… và con em. Con gái, nó 6 tuổi rồi. Anh đừng có trố mắt nhìn em. Nó không có cha. Trong lòng em, thằng cha khốn nạn của nó chết rồi. Năm em vừa 18 đôi mươi, thằng sở khanh đó cưa cẩm em, rồi sau khi ngủ với em xong, nó lặn mất tâm. Khốn nạn… Khi biết mình mang bầu, em nhất quyết giữ đứa con, vì dù gì, đó cũng là một phần máu thịt của em. Ba má em mất khi em còn nhỏ, tai nạn giao thông, bà ngoại nuôi em từ đó tới giờ… Nhà em nghèo lắm. Sau khi sinh con được 3 năm, em quyết định lên Sài gòn kiếm sống, chứ không thể ở dưới đó ôm nhau mà chết đói được. Lúc đầu em lên đây ở với một con nhỏ bạn cùng quê. Nó làm gái. Cũng nó dẫn em đi làm đó. Lúc đầu em phân vân lắm. Nếu em là một con nhỏ còn trinh trắng, chắc em không làm đâu, nhưng mà… còn cái gì để mất nữa. Bạn em đâu àh? Nó bị hốt đi cải tạo rồi. Đợt đó may mà em chạy kịp, chứ không, anh cũng không gặp được em đâu…”



Lần thứ 4. Nó và hắn gặp nhau. Vẫn là 150 ngàn.

Lần thứ 5 nó và hắn gặp nhau. 150 ngàn.

“Anh tốt nghiệp Đại học được 2 năm nay rồi, nhưng cầm tấm bằng đi đâu xin việc cũng không ai thèm nhận. Dân tỉnh lẻ, ngoại ngữ không giỏi, lúc đi học thì chỉ lo cắm đầu mà học, không đi làm ở đâu cả, tới khi tốt nghiệp rồi, cầm tấm bằng trên tay, mới thấy là mình thiếu kinh nghiệm thực tế một cách dã man. Nếu anh là chủ, anh cũng không thuê 1 thằng như anh. Đói thì đầu gối phải bò, anh ra chạy xe ôm để kiếm sống qua ngày, và kiếm tiền để tiếp tục trụ lại cái đất Sài Gòn này xin việc. Anh không muốn về quê. Đúng là nơi đó là quê hương anh, nhưng… anh sợ cái nghèo khổ của nó. Và anh sợ làm ba má anh mất hi vọng. Dù cho là nằm mơ, họ vẫn mơ là anh sẽ học hành thành tài và kiếm được việc làm tại đất Sài Gòn này. Em hiểu cái cảm giác mơ ước của người khác đè nặng lên vai mình thế nào không???”

- Cả em và anh… Chúng ta đều sống vì người khác, vì gia đình… Sao ta không sống cho bản thân ta.

- Thử hỏi, ai có thể tự sống theo ý mình muốn???.

Lần thứ 6… 150 ngàn.

- Em đang thuê nhà bao nhiêu tiền 1 tháng?

- 700, điện nước luôn chừng 800, mà con mẹ chủ nhà đang đòi tăng giá theo giá xăng.

- Bên này cũng 700, nhưng được cái bao điện nước… nếu em không ngại thì… ừ, dọn qua đây ở chung với anh đi. Cho đỡ tiền thuê nhà.

- Từ gái đứng đường, anh nâng cấp em thành gái gọi, giờ tính thành gái bao luôn hả??? Đại gia thì anh không phải rồi đó… Mặc dù có tiến bộ, nhưng “đại du” anh cũng chưa phải đâu cưng… - Nó nói rồi bật cười.

- Bao cái gì mà bao, sao em lúc nào cũng chọc anh vậy. Chẳng qua là… góp gạo thổi cơm chung. 1 mình anh chịu tiền nhà cũng oải quá.

- Anh tính mở cửa rước đĩ vào nhà đó… xui lắm, anh không sợ àh.

- Sợ cái gì mà sợ, em suy nghĩ đi.

- Ah, hay tính kiếm gái chơi chùa??? Không có dễ đâu nha cha. Tui tính tiền đủ hết đó.

- Em nói nhảm quá.

1 tuần sau, hắn chở nó dọn đồ về ở chung với hắn.



Nó và hắn sống chung với nhau đã hơn 2 tháng. Có những thứ tình cảm từ từ lớn lên trong lòng cả hai mặc dù đôi bên đều không muốn nhắc tới nó. Hắn vẫn ngày ngày chạy xe ôm, không quên mua tờ báo xem mục tuyển người và bộ hồ sơ xin việc để sẵn trên xe. Nó vẫn đêm đêm ra đứng ở gốc cây quen thuộc. Nhiều khi là hắn chở nó ra chỗ đó, đôi khi hắn chở nó tới nhà của một người nào đó, rồi sáng hôm sau nó tự về nhà.

- Tự nhiên bây giờ anh thành 1 thằng ma cô dắt mối cho em luôn àh. – Nó gắp thức ăn cho nó và nói, hai người đang ngồi bên mâm cơm đạm bạc thường ngày.

Hắn đưa mắt nhìn nó… ánh mắt như muốn nói điều gì đó, nhưng rồi lại im lặng và cúi xuống ăn cơm tiếp.

- Ăn cơm đi, em nói nhảm quá.

Tối đó hắn lại chở nó tới căn nhà lần trước hắn từng chở nó tới. Nó xuống xe bên đường, đã vào căn nhà đó rồi, nhưng hắn vẫn chưa quay xe về. Kiếm một góc đường, hắn dựng xe và chăm thuốc hút, mắt vẫn nhìn vào căn nhà kia.

6h sáng… Nó bước ra khỏi nhà, nhìn có vẻ rất mệt mỏi. Đang đứng lóng ngóng kiếm xe ôm thì hắn chạy lại trước mặt nó.

- Lên xe đi, anh chở về.

- Anh… anh đứng đây đợi từ tối qua tới giờ àh. Anh rãnh quá vậy.

Hắn im lặng và chở nó về nhà…



- Hay… em đừng đi làm nghề này nữa được ko?

Nó trâng trâng nhìn hắn.

- Không làm cái nghề này thì làm cái gì. Tốt nghiệp Đại học như anh còn thất nghiệp, vừa học xong lớp 9 như em thì biết làm cái gì. Anh biết là đất Sài Gòn này đâu phải dễ tìm việc.

- Vậy thì em đừng đi làm, ở nhà đi, anh chạy xe thêm ban đêm, kiếm thêm tiền lo cho em.

- Anh đừng có điên. Hôm nay học đâu ra cái thói anh hùng như vậy hả???

- Anh… anh không muốn em đi làm nữa. Anh không… không chịu nổi cảm giác em ngủ với một người nào khác ngoài anh. Em hiểu không?

- Anh ghen… Anh làm ơn nhớ dùm em, anh và em không là cái gì của nhau cả, đừng có ghen tuông vớ vẩn ở đây, được không?

- Người ở căn nhà đó là ai… Sao mấy lần gần đây em chỉ tới mỗi căn nhà đó.

- Là khách của em, em không thích nói cho anh biết và anh không cần quan tâm. Bỏ đi, đừng nhắc tới chuyện này nữa.



Hình như giữa nó và hắn có một cái gì đó ngăn cách, những ngày sau đó, nó và hắn nói chuyện ít hơn, cũng không còn vui vẻ như thời gian trước nữa. Trong buổi cơm chiều hôm ấy, đang ăn dỡ bữa, điện thoại nó reo. “Ừ, em biết rồi, em sẽ tới ngay.”

Nó dừng bữa, đứng dậy và thay đồ.

- Lại là người đó kiếm em?

- Ừ, thì sao?

- Em đừng đi.

- Không, ông ta là một người khách sộp, mỗi lần như vậy, ông ta cho em 500 ngàn. Chưa kể là ông ta rất thích em. Khó khăn lắm mới kiếm được một người khách như vậy.

- Em đừng đi.

- Không. Em phải đi.

- Anh vừa phỏng vấn ở một công ty kia 2 lần rồi, 1 tuần nữa sẽ có kết quả. Nếu như được nhận vào làm, anh có thể lo cho cả em, em cho anh 1 tuần đi…

- Không… Em xin lỗi.

- Anh… anh thật sự… anh…

- Anh cái gì??? Anh yêu em đúng không? Ngay cả việc yêu em, anh cũng không dám thừa nhận. Em biết, anh không muốn thú nhận rằng anh yêu một con đĩ. Điều đó rất kinh tởm, bản thân anh cũng khó chấp nhận được. Đúng, em có cảm tình với anh, nhưng tình cảm đó không đem ra ăn được khi đói, không nuôi được bà ngoại và con em. Nên bây giờ, em sẽ đi làm. Dù cho là một con đĩ, em vẫn phải làm 1 con đĩ yêu nghề và có trách nhiệm với công việc của mình.

Nó đóng cửa rồi bước đi thật nhanh, đưa tay lau hai giọt nước mắt đang chực trào. Không được khóc. Bèo nước gặp nhau, hợp rồi tan thôi… Không được khóc. Mày không xứng đáng với ảnh, ảnh còn cả tương lai phía trước và sẽ có người tốt hơn mày xứng với ảnh. Không được khóc. Buồn cười thay khi nó từng nghĩ mình là 1 con đĩ không yêu nghề, nhưng hôm nay lại khẳng định trước mặt hắn rằng, nó là một con đĩ yêu nghề.



- Cậu có được 1 thứ mà bây giờ tôi ít gặp ở những người trẻ. Đó là sự thật thà và chân thành. Nếu như là một người khác, họ sẽ ghi trong hồ sơ của mình rằng đã làm ở nhiều công ty để chứng tỏ khả năng, mặc dù điều đó là nói láo. Nhưng cậu không như vậy. Tôi đánh giá cao đức tính này của cậu, vì đằng nào, khi vào công ty, cậu cũng sẽ được huấn luyện chuyên môn từ đầu. Viết vào 1 tờ giấy trắng đôi khi dễ hơn viết vào 1 tờ giấy đã kín chữ hay bị bôi xóa lung tung. Về mức lương cậu yêu cầu, chúng tôi nghĩ không thành vấn đề. Cậu có thể ra về và thứ 2 tuần sau bắt đầu thử việc. Nếu trong 2 tháng cậu không chứng tỏ được khả năng của mình thì dù là có cảm tình tốt với cậu, tôi vẫn cho cậu thôi việc. Cứ vậy nhé. Chào cậu.

Hắn bước ra khỏi công ty, trong lòng vui hơn bao giờ hết, cuối cùng thì hắn cũng đã tìm được việc làm cho mình. Mặc dù con đường phía trước sẽ còn nhiều chông gai, nhưng đây có thể coi là một khởi đầu tốt. Vậy là hắn có thể thực hiện được mơ ước của cha mẹ. Về nhà hắn sẽ gọi ngay cho cha mẹ báo tin. Và còn phải báo tin cho nó nữa. Hắn tự tin rằng mình có thể thuyết phục nó ở lại bên mình.

Căn phòng im lặng đến đáng sợ, tất cả mọi đồ đạc lại quay trở về như lúc hắn sống 1 mình. Nó đã dọn đồ đi. Không 1 lời từ biệt. Hắn gọi cho nó, nhưng không liên lạc được. Hắn thẩn thờ nhìn căn phòng của mình. Trước đây nó không cảm thấy, nhưng sao hôm nay, cũng căn phòng này, nhưng lại trống trải quá…

Bỗng dưng hắn chú ý trên bàn nước có 1 bao thư nhỏ, vội mở ra coi, hi vọng là nó có để lại cho hắn vài lời. Nhưng bên trong chỉ có tiền. 690 ngàn.

Có thể bạn hy vọng câu truyện này kết thúc theo kiểu nó đã ngủ với người đàn ông kia để hắn được nhận vào làm. Hay nó ra đi vì tương lai của hắn… Nhưng câu truyện này chỉ kết thúc đơn giản như sau:

- …Cuối cùng, nhờ vào chiếc hài mà Hoàng tử đã gặp lại Lọ lem, thế là họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau trong cung điện…

- Mẹ ơi, vậy là Hoàng tử không có chê Lọ lem nhà nghèo hả mẹ. Vậy bây giờ, mặc dù nhà mình cũng nghèo, nhưng sau này Hoàng tử cũng có thể thương con đúng không mẹ??

- Haha, đúng rồi, con gái của mẹ sau này sẽ rất là xinh đẹp… Không ai chê con đâu, và con sẽ kiếm được hoàng tử cho mình… Những người thương nhau thật lòng, rồi sẽ được ở bên nhau thôi… - Bỗng dưng nước mắt lại rơi, nó buồn vì vừa phải nói dối với con gái mình…

1 năm sau…
Nó vẫn đứng ở gốc cây đó…

Thoáng có bóng xe chạy qua, một chiếc xe tay ga đắt tiền, người ngồi trên đó là hắn, dù có hóa thành tro nó cũng nhận ra, đằng sau hắn là 1 cô gái trẻ, đang vòng tay ôm hắn.

Nó nhìn hắn, hắn thấy nó… Họ nhìn nhau… Rồi hắn quay mặt đi, như chưa từng quen biết, hay hắn sợ rằng nó sẽ kêu tên hắn…

Tiếng nhạc của quán cafê bên đường vọng sang…

“Nếu như trong lòng anh vẫn chưa từng có em… Đến với em chỉ như khách qua đường ghé thăm… Thì dù sao em cũng vơi đi cô độc… giữa bóng đêm…”

Một mùa mưa, Sài gòn.

( ST)

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Hoa Loa Kèn







Mùa xuân đã lấy chồng
Tháng ba về mênh mông
Con Ong đi hút mật
Hoa Loa Kèn trắng trong

Ta lại ngồi chong chong
Thương loài hoa bí ẩn
Tình yêu nào cần mẫn
Tiềm ẩn  nuôi tháng ba

Luẩn quẩn mùi hương xa
Hoa Loa kèn thơm lạ
Em vẫn còn trong ta...

LẺ BÓNG

Nguyễn Minh Ngọc Hà





Mênh mang,
Mênh mang,
... vô bờ con sóng
Chơi vơi,
Chơi vơi,
... một bóng con thuyền

Cánh hải âu lạc loài
còn chờ đợi tình duyên
Sao tôi thấy,
đời mình truân chuyên quá

Sóng vỗ bạc đầu
ở giữa lòng biển cả
Thuyền vẫn một mình,
em buồn lắm biết không?

Đợi đến bao giờ...
cho hết nỗi nhớ mong?
Cho lòng em,
thôi không còn
trống vắng?

Tiếng tim đập cồn cào
từ miền xa lẳng lặng
Để đau rát tâm hồn,
mặn đắng lệ trên môi...