Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Tiếng gào của thinh lặng






Caroline Tafoiry



Con đã rong chơi những đâu trước khi bước vào đời bố mẹ? Thế giời nhiêu khê quá đỗi khi mình không biết cách luồn lách vào bên trong nó... Khiếp quá, sự ra đời của con hỏng bét. Tuy vậy đời sống là thiêng liêng...

Mọi thứ không có vẻ hoàn mãn. Đời con bị gói trong cơ thể đẽo gọt vụng về mà đầu óc con không chỉnh được. Từ nào tới giờ con luôn luôn cố làm theo điều bố mẹ đòi hỏi, mà không xong. Nhiều mùa trọn vẹn, con đu đưa từ trước ra sau trên chiếc ghế nhỏ màu xanh, hai tay vung vẩy. «Khép miệng lại, con sắp đớp trúng ruồi đấy !». Lời mẹ ăn sâu vào sự lưu ý của con về việc bí hiểm bắt mấy con vật nhỏ màu đen cánh trong veo... Trải nhiều tháng ngày bố mẹ chìa tay cho con và khuyến khích chân con đặt bàn này trước bàn kia. Cặp giò cứ lạng quạng và con bước đi như cua. Hàng loạt lời ào đến cảnh cáo con về những lượn sóng nguy hiểm.

Bố mẹ ở đó như những vật thể động đậy và con không trông thấy nữa. Con chỉ muốn gào thét. Con không muốn tiến tới, con không thể. Thân xác con nặng nề quá, các người đông đảo quá, đầu óc con từ chối những chiếc bờ lu trắng của đám ma trong bịnh viện thường xuyên cựa quậy chung quanh. «Nó không muốn nói à?».Không. Con không làm được những cái phải làm. Điều ấy khiến bố mẹ đau lòng. Tim con vỡ ra vì không muốn nước mắt và buồn phiền lem luốc mặt bố mẹ. Nhiều tia chớp và sấm sét trong đầu con quá. Ôi mẹ, hẳn mẹ phải rất đau đớn, cả mẹ nữa, cái nhìn của mẹ khiến con phát ốm...

Cử chỉ bất ngờ và co giật biến con thành con rối đáng thương. Con bực bội thân xác mình. Từ lúc ngụ trong nó, không có gì làm con vui. Con thích bước lên trần nhà như mấy chú ruồi hay bay cái vù ngang trên mặt bàn, nhưng điều ấy không xảy ra. Vậy nên con giận và trừng phạt thân thể mình. Mặc kệ nếu đầu gục xuống tủ áo, mặc kệ nếu tay chảy máu vì bấu gãi nhiều quá, mặc kệ nếu đầu gối rách nát, bị kẹt cứng trong thân xác không biết vâng lời thật chẳng công bình tí nào. Con không ưa thân thể mình. Nếu bố mẹ đến gần hay cố thử sờ mó, con muốn cắn hay gây thương tích cho bố mẹ. Sẽ tệ hơn nữa nếu bố mẹ tỏ vẻ tử tế bởi vì như vậy chứng tỏ là bố mẹ chẳng hiểu con gì cả! Đối với bố mẹ nếu không bay được trong không khí thì cũng chẳng sao, vả chăng bố mẹ cũng không thèm làm thử.

Con chẳng thể nói gì được, tư tưởng tù hãm trong tường thành bộ óc. Con mắc bệnh tự kỷ. Thiên hạ đặt tên như vậy. Con không biết truyền đạt. Sau những con trăng màu trắng quần thảo trong đầu, cơn đau lắng xuống và con được an toàn chốc lát. Móng vuốt tâm hồn con tấn công những cánh lông mềm mại của đêm và cơn buồn ngủnuốt trửng con. Có quá nhiều cử chỉ con không phối hợp được. Con nhìn nhưng bố mẹ không có đó. Bố mẹ là cây cối hay ngăn kéo hay quỷ dữ hay ghế xích đu. Bố mẹ cao quá, to quá, bé qua, ồn ào quá và con, con không ở trong câu chuyện của bố mẹ. Con muốn vò nát thân hình rồi ném vào sọt rác như miếng giấy nháp vô dụng. Chuyện đời con ở phía sau tấm gương mà con muốn nhìn thấu suốt. Hình ảnh con không phải là con. Con không đồng ý với những gì trông thấy. Quả thực con có đôi mắt giống ruồi, hơi cách xa, gần hai bên bìa khuôn mặt nhưng lại không bước lên trần nhà được... Con lo sợ, rất thường. Sợ nóng sợ lạnh, sợ người ta sợ bóng đêm.Sợ trần nhà mà con chiêm ngưỡng bởi vì mình không phải ruồi, không phải cá, không là gì cả. Hầu như lúc nào con cũng nổi giận vì nỗi sợ của mình. Con cảm thấy bị vây đuổi. Bố mẹ luôn luôn có những từ ngữ, khắp nơi và về mọi điều. Kềnh càng quá, nhiều va ly to tướng đầy ắp chữ nghĩa mà con không hiểu nổi. Có khi con muốn thử nghiệm mà chẳng biết chọn từ nào. Cổ họng con không có âm vọng. Không có tơ sợi để xe thành ngôn ngữ. Con ở trong bụng của đầu mình. Tại sao phải đi ra? Tại sao phải bước đi? Tại sao phải học các câu chữ? Điều đó làm đau đớn quá. Thân xác con vặn vẹo, các chữ của con cũng vậy. Thôi đừng nói nữa, con không thích, nó đập vào đầu con, các cây búa từ ngữ của bố mẹ ấy. Bố mẹ luôn luôn hoài vọng rằng con hiểu và phản ứng như bố mẹ. Con bị tước đoạt, bất lực ngay cả cử chỉ nhỏ nhặt nhất. Có lẽ bố mẹ đã ngờ điều ấy khi chăm bẳm nhìn và con thì buộc phải quay đi.



Con không ưa thân thể mình. Cái duy nhất con chịu đựng nổi là miệng và bao tử. Thật điên rồ là người ta có thể nuốt những thứ cay xé hay dịu ngọt. Ăn luôn luôn là điều mới mẻ. Nó vào trong ấy, trong bụng con kêu rào rạo rồi căng phồng lên như cái bao to nhồi nhét đến vô cùng. Khi vừa nuốt là con quên béng mùi vị cho nên bắt đầu ăn lại và con đếm trong đầu những lát bánh ga tô, những dây thun, phó mát, kẹo, viên sỏi nhỏ, kem sô cô la, hoa lá và cái kẹp giấy. Cả núi trong bụng, không thể nhìn chúng nên con muốn gào lên. Con đã thử ăn một con ruồi để có được đôi cánh của nó khiến tận cùng cổ họng ngứa ngáy, rất ngon nhưng lại không thấy cánh mình mọc ra. Cái bọn ruồi thật buồn cười khi tẩn mẩn lau chùi chân cẳng sau khi nếm qua món mứt điểm tâm, trên sân thượng ngập nắng. Chúng không để bị bắt dễ dàng đâu, chúng nó đùa giỡn vừa cọ xát đôi cánh óng ánh ngũ sắc. Thường con ói mửa. Kỳ cục, mọi chuyện đều ngược ngạo, có thể nói là một cuộc du hành qua phía bên kia thân thể con. Mọi thứ đều làm con chán nản, trừ âm nhạc. Đó là một thế giới thực khi con cảm thấy hơi thở kèn trom pét hay cái cù nhồn nhột của đàn vi ô lông xen. Hai má con co giật trong vị chanh của đàn vi ô lông và tiếng rì rào của đàn thụ cầm tựa những giọt lệ bạc. Mọi thứ đều ngăn nắp với những nhạc cụ đối đáp nhau trong thứ ngôn ngữ tận cùng nói lên sự thực cuộc đời. Các thần linh đâm thủng sự tĩnh lặng rủ rê con cùng nhảy múa trong tim con. Thân hình vụng về của con ước ao quay tít, lên cao vút hơn cả ruồi muỗi chim chóc. Kèn cla ri nét nhung lụa nâng gió lên, thật êm ái ngoạn mục. Đó là năng lực tuyệt vời tạo niềm ham muốn để theo đuổi đời sống không tương lai này. Nhạc cụ diễn dịch trực tiếp những gì con không thể nói mà không kồng kềnh những hình thức an ủi cũ mèm.

Đôi khi con bịt tai vì âm nhạc vút quá cao và con không muốn thiên hạ biết những gì nó kể cho mình nghe. Con chỉ muốn nó cho mình, độc quyền. Khi con gầm lên với kèn saxo đang xé rách bầu trời bằng bão tố của nó dưới cây cối, bố mẹ kéo con ra xa. Giọng khào khào của con khiến mọi người kinh hãi, như tiếng gào của thinh lặng. Mỗi lần có thể, bố mẹ đưa con đến buổi hòa âm ngoài trời. Người ta nhìn chúng ta và con thấy những giọt lệ kìm lại trong mắt bố mẹ. Con biết món quà bố mẹ cho con với âm nhạc này. Lúc đó con muốn có thể nói điều gì tương tự niềm hạnh phúc lung linh. Con quá mệt mỏi với nhà tù của mình. Con yêu bố mẹ, bố mẹ ạ, ít nhất là con tin như vậy. Nhưng bố mẹ, làm sao yêu con được khi không phải là đứa con bố mẹ mong muốn? Mẹ, sao giữ con như vậy, như thể một cục thịt móc vào tim mẹ?

Con buồn quá, bệnh tự kỷ, luồng nước buồn thảm của dòng sông chảy qua đời bố mẹ từ bốn mươi năm nay. Con muốn chết.



TÌNH YÊU TRƯỚC HẾT LÀ MỘT TÌNH BẠN HÒA HỢP








Tác giả: HAMVAS BÉLA
Dịch giả: NGUYỄN HỒNG NHUNG





Chỉ TÔI và ANH hai người. Lúc nào cũng chỉ hai người. Nhiều hơn một, khi con người đơn độc, ít hơn một, khi con người xuất hiện giữa cộng đồng. Quan hệ TÔI - ANH là một nhóm hiện sinh đặc biệt: là một nhóm đặc thù của sự sống giữa cái cá nhân và tập thể. Giữa sự cô đơn và cộng đồng. Giữa sự đơn lẻ và đám đông. Giữa MỘT và BA. Cái Đôi này là vị trí thế gian của Philia.

Chiêm tinh học chia không gian số phận của con người ra làm mười hai đoạn, như chiêm tinh học tuyên bố, chia sân khấu cuộc đời con người ra mười hai ngôi nhà. Đấy là những ngôi nhà: tính cách, của cải, sự học tập, gia đình, hôn nhân vv..

Tình bạn cũng có một ngôi nhà. Trong khu rừng rậm rạp của sách vở tâm lý học hiện đại, một tiếng nói vang lên về tình bạn không hề có- nhân tố duy nhất này cho thấy, chiêm tinh học nhạy cảm hơn biết nhường nào khi hướng về cái toàn thể của hiện hữu con người.

Chiêm tinh học biết nhận ra, tình bạn không có chút liên quan gì đến cộng đồng, đến cái TÔI, thậm chí đến cả tình yêu cũng không. Philia có một ngôi nhà riêng, có trọng lượng và chưa đựng đầy ý nghĩa như một công việc hoặc như so sánh với cái chết.

Tình bạn không phải một sự tụ tập giản đơn, cũng như người bạn không phải là một kẻ thô bạo can thiệp. Người bạn không là một đồng bọn, chẳng đồng sự, cũng chẳng phải bồ bịch. Thứ xảy ra với con người trong căn nhà của tình bạn, chẳng kiểu quan hệ nào thay thế được.

Người bạn không thay thế được bằng bất kỳ ai. Có những kẻ chịu, không thể có tình bạn;có những người vô hiệu hóa với tình bạn; có những người quanh họ lúc nào cũng có một ai đấy; và có những kẻ, cả cuộc đời đói khát tình bạn, đến mức chỉ gặp một người bạn thôi cũng không bao giờ.

Montaigne đã viết: tình yêu không có thói quen hỏi xin ai. Nó đến khi nó muốn, và ngự trị lên phận người một cách tàn bạo như một sức mạnh nguyên thủy.

Tình bạn cần thiết sự ưng thuận. Người bạn của tôi chỉ có thể là người tôi tự chọn cho mình. Tất nhiên, khi đã có rồi, đấy là sự bắt buộc. Lúc đó tôi không thể sống thiếu bạn.” Il me semble n’etre qu”a demi”- dường như, tôi chỉ là một nửa của cái gì đó. Nhưng kể cả lúc đó tình bạn cũng không ngự trị tôi. Nó luôn luôn dịu dàng và tỉnh táo. Nữ thần Philia yếu đuối nhất giữa các thực thể thần linh.

Người tình đôi khi quen thuộc với việc cảm thấy niềm vui cũng như sự nguy hiểm của bạn tình xa cách, đôi khi đoán trước mong ước của bạn tình. Là ngoại lệ với tình yêu, nhưng là điều tất nhiên trong tình bạn: tôi luôn luôn biết và cần phải biết, cái gì xảy ra với bạn và bạn nghĩ gì. Không ẩn dấu nào xuất hiện với bạn tôi cũng như với tôi. Nhưng đây không phải là điều kiện của tình bạn; sự chân thành không đi trước tình bạn. Kẻ nào nghĩ đến điều này, chỉ là kẻ không hề cảm nhận được điều gì hết về tình bạn.

Những người đã được nữ thần tình bạn buộc lại làm một, mọi giả dối và mặt nạ đều rơi xuống chân họ. Không phải tình bạn nảy sinh từ lòng chân thành mà lòng chân thành nảy sinh từ tình bạn. Trước tiên có Philia, những thứ đến sau là phần thưởng của nàng.

Tất cả mọi tình bạn đều bắt đầu bằng một cảm giác khó tả, là chúng ta hình như đã gặp nhau ở đâu. Như thể chúng ta đã từ lâu là anh em. Thậm chí như thể anh em sinh đôi. và bởi vậy cuộc hội ngộ này chỉ là sự gặp lại. Khi con người từ biệt bạn mình, họ biết đấy chỉ là cảm giác chia tay. Bạn vẫn ở lại cùng ta ở một nơi nào đấy, như đã từng ở cùng ta trước cuộc gặp gỡ.

Tình yêu khêu gợi, đánh thức và quật ngã mọi sức lực của con người. Nói cách khác: tình yêu làm tỉnh giấc tất cả mọi đam mê. Hay nói đúng hơn nữa: tình yêu giải phóng mọi ma quỷ ẩn náu trong con người.

Tình bạn hòa hợp sức lực con người. Nói cách khác: tình bạn hãm phanh toàn bộ những nỗi đam mê. Hay nói đúng hơn nữa: Philia là nữ thần độc nhất mà sự xuất hiện của nàng khiến ma quỷ dịu đi, và làm lành với nhau.

Tình yêu và tình bạn chỉ có độc nhất một nét giống nhau, đấy là: nếu nó tan vỡ, nguyên nhân không bao giờ là NGƯỜI KHÁC, mà là TÔI.





Bí mật của tình yêu là từ hai thành một, bí ẩn của tình bạn là từ một thành hai. Bởi vậy tình yêu là một tình bạn lật ngược, nghĩa là từ một người luôn luôn có một cái gì đó rò gỉ sang người kia. Tình yêu đôi khi như thể từ một thành hai, cho dù thực ra nó luôn luôn là hai, chỉ tình yêu biến nó thành một. Còn tình bạn đôi khi như thể từ hai mà ra, cho dù nó luôn luôn là một, chỉ tình bạn biến nó thành hai.

Tình bạn bắt đầu, từ lúc cả hai người cùng bước vào sự thơ mộng. Và không cần đến dục vọng, sự tò mò, sức lực, cuộc tranh đấu.

Bởi vậy tình bạn sâu sắc hơn tình thương yêu và sâu sắc hơn cả tình yêu.





Có một quan hệ khó hiểu giữa tình bạn và các vì tinh tú. Tại sao ngôi sao lại là một người bạn? Tại sao người bạn lại là một ngôi sao? Bởi vì sao rất xa mà vẫn cứ lấp lánh sáng trong ta? Bởi vì bạn là của ta mà vẫn không thể với tới? Bởi vì không gian ta gặp gỡ nhau không thuộc về con người, mà thuộc về vũ trụ? Bởi bạn không đòi hỏi từ ta cũng như ta không đòi hỏi từ bạn bất cứ cái gì?

Chỉ duy nhất một điều bạn hãy cứ là bạn, như ta hãy cứ là ta, và điều này đối với cả hai ta đều quá đầy đủ? Không thể trả lời được. Cũng không cần thiết. Nhưng cho dù không thể, ta vẫn luôn luôn cảm thấy bạn ta là một ngôi sao, là ánh sáng chói ngời không thể hiểu nổi của vũ trụ rạng tỏa sáng tâm hồn ta.


(TRÍCH TRONG TIỂU LUẬN TRIẾT HỌC: CÂU CHUYỆN VÔ HÌNH- HAMVAS BÉLA. NXB TRI THỨC -2012)
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary.




Làm người nghệ thuật






Một khi ta đạt được một trình độ kiến thức nào đó trong một lĩnh vực hiểu biết nào đó, ta có thể tiếp tục đường đời của ta trong hai hướng sau, đều trân quý :

1/ Truyền lại cho tha nhân kiến thức ít nhiều giá trị của ta. Dạy học.

Tôi quý mến. Đời nay, phải là kẻ yêu nhân loại kiểu văn minh thời Khai Minh, thế kỷ 18 PhuLăngXa, mới dấn thân làm thày giáo.

Bản thân tôi, nếu tin nổi kiến thức của tôi có giá trị, tôi cũng muốn thèm một chức giáo viên.

2/ Dựa vào những kiến thức ta đã học được để làm người hôm nay, không chỉ làm người có lý theo chuẩn đương thời, rất có thể sai, còn đòi làm người có tình, làm người nghệ thuật.

Hỡi ơi, điều ấy không "khoa học" tí nào, chẳng ai dạy ai được. Hè hè.
Phan Huy Đường

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Viết dưới hầm mộ



Nguyễn Viện







… Nếu không thể chửi thề
ngươi sẽ chết vì câm nín
Nếu không thể chửi thề
ngươi sẽ là địa ngục
tôi nói với kẻ dẫn đường, tao muốn địt mẹ mày
bởi vì đó là niềm hy vọng cuối cùng
cho một sự thay đổi

Trong một bầu khí ngụy tín
bị đầu độc bởi một bọn lưu manh
ngôn ngữ khốn cùng, tôi chết
không một ai biết khóc
không một ai đeo tang
không một ai tự hỏi mình đã thật sự sống
tình yêu mạt rệp, tôi chết
không một ai bước lên ngọn đồi để quăng thân mình vào gió
không một ai bước xuống huyệt để đo sự giới hạn
không một ai tự hỏi mình có tự do không

Những viên gạch xếp hàng
những viên gạch không mang số
tôi chết vì mùi trong những khẩu hiệu

Những viên gạch nối dài mộ địa ở bên kia thế giới
lại mang tên sự sống
tôi nói với hàng chữ, địt mẹ chúng mày
mị dân

chiều không ký ức





Vũ Tiến Lập



Lắng nghe những tảng đá cuội đang bị vần quanh bởi sức mạnh của luồng
nước chảy ào ạt. Biệt lập hẳn đời sống và hạnh phúc là khởi dậy cô độc như sự tiếp cận mong manh của trí tưởng trong yên lặng. Cái nhìn xa xôi gồm cả những thứ gần bên nhưng cái nhìn gần bên không thể gồm cả những thứ xa xôi. Khuất một nơi xa rời quá khứ tưởng chừng không có gánh nặng của cuộc đời, như thể không có ngày hôm qua hay ngày mai hay những khoảnh khắc kế tiếp. Thời gian đứng yên cùng sự sống. Chết đi thời gian là sống trong hiện tại, là bước vào thật lặng lẽ bằng sự tinh khiết của bản thể an bình trong một không gian vô tận và mênh mang,không một thôi thúc ẩn nấp sâu thẳm có thể chiếu rọi bao la này. Tĩnh lự là chiều sâu của trống không, giống như một con sóng bao bọc quả tim và khoảnh khắc kế tiếp không có khởi đầu.Mỗi suy nghĩ và mỗi cảm thấy, mỗi khao khát và thúc giục hoàn toàn vắng mặt.

Vẻ đẹp không bao giờ riêng tư, những cánh rừng xanh thẫm căng đầy ánh sáng hoàng hôn. Một màu xanh với cặp mắt long lanh từ những giọt nước mắt bị bỏ quên, đó là màu xanh của tuổi ấu thơ và vô nhiễm không chọn lựa. Và khi mặt trời hạ thấp thêm nữa, mỗi màu sắc rực rỡ hơn, mãnh liệt hơn vượt khỏi mọi hồi tưởng cùng tự do khỏi những vết sẹo của một buổi chiều không ký ức.

những cảm nghĩ thoáng qua
bỗng vụt chạy như con ngựa mất giây cương
giật ngược trở về hiện tại
chỉ thấy một cái nhìn bâng quơ vụng dại
như không gian đang ghì chặt
đám mây còn bỏ dở
những sợi tơ mềm chưa kết tụ
hạnh phúc như vân du lang bạt
như nước cuộn một chiều về…

tình yêu trong tiểu thuyết






photo: Nguyễn thị Hải Hà





Má tôi không được đi học vì ông ngoại tôi bảo rằng, “con gái biết chữ chỉ để đọc tiểu thuyết, viết thư cho trai, ái tình lãng mạn cho lắm chỉ tới chỗ chửa hoang.” Nhận được lá thư tình đầu tiên, má tôi hối lộ trẻ em hàng xóm đọc giùm. Những lá thư tình tiếp theo là động cơ thúc đẩy má tôi tự học. Bà mua cuốn vần, lén học lúc nấu cơm. Sợ bị bắt gặp bà thường dúi cuốn vần vào trong lò đốt cháy. Không biết bà đốt cháy bao nhiêu cuốn vần mà về sau bà có thể viết thành câu, chữ lớn như con gà đang bưới bếp, chữ nhỏ như cái trứng cút, gà chạy nhấp nhô không thẳng hàng. Khi làm giấy tờ cần phải ký tên, bà viết nguyên tên chứ không phải đánh chữ thập như nhiều người khác. Bà thích đọc nhưng đọc rất chậm vì còn mãi đánh vần. Tôi nghĩ bà có thể đọc được thư tình người ta gửi cho bà ngày xưa nhưng viết thư tình chắc là không nổi.

Vào thập niên hai mươi, ông ngoại tôi kết luận người đọc có thể học hỏi (hay học đòi) chuyện yêu đương trong tiểu thuyết. Thời đó đâu có ai dạy dỗ về tình yêu, trai gái còn không được phép cầm tay nhau thế mà ai cũng biết yêu, không đổ thừa cho văn học gây ra hậu quả tai hại (như chửa hoang) thì đổ thừa cho ai? Ngày nay, qua những cuộc nghiên cứu, người ta quan niệm đọc văn học có thể làm chúng ta khôn ngoan hơn, hiểu biết hơn, và dễ cảm thông và biết yêu thương đồng loại hơn. Nhưng chúng ta có thể học được gì về tình yêu trong văn chương? Bạn có tự hỏi bằng cách nào bạn nhận ra sự hiện diện của cái gọi là tình yêu, bạn học về tình yêu ở đâu, ai dạy bạn yêu, làm thế nào để bạn nhận ra đó là tình yêu? Sau khi bạn trả lời những câu hỏi này tôi chắc rằng bạn cũng đồng ý với tôi, một phần nào đó, những hiểu biết chúng ta có được về tình yêu được rút ra từ truyện, thơ, nhạc, và phim. Âm nhạc và phim ảnh nếu không xuất phát từ văn chương thì cũng bị ảnh hưởng đậm đà bởi văn chương.

Trong bài tản mạn này tôi chỉ muốn trả lời một câu hỏi; Tôi tìm thấy gì về tình yêu qua những quyển sách tôi đã đọc?

Thập niên hai mươi, văn học Việt Nam có gì ghê gớm mà ông ngoại tôi sợ hãi đến độ không cho má tôi đi học. Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng dịch từ truyện Tàu? Truyện Kiều, Lục Vân Tiên ghê gớm lắm sao? Còn tôi, tôi bị má tôi “đầu độc” bằng thơ tình ngay từ thuở ấu thơ khi bốn năm tuổi tôi nghe bà hát ru cháu ngoại bằng những bài tình ca ngọt lịm. Đó là câu ca dao ở thể lục bát như Đưa tay mà ngắt ngọn ngò. Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ. Ở thể song thất lục bát như, Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ. Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu. Anh về học lấy chữ nhu. Chín trăng em đợi mười thu em chờ.Và phụ mẫu đánh anh quằn quại treo tại góc thành, đứt dây rớt xuống dạ không đành bỏ em. Còn nhiều nữa, tôi không thể kể hết ra đây. Khi tôi vào trung học thì người ta chẳng những không sợ là con gái đi học biết chữ sẽ viết thư tình cho trai, mà chúng tôi còn được cho học thơ tình, như Chinh phụ ngâm khúc. Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại. Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang. Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương. Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng. Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy. Thấy xanh xanh những mấy hàng dâu. Hàng dâu xanh ngắt một màu. Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai. Rồi những mối tình hiền lành trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng và Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, sách của Tự Lực Văn Đoàn chúng tôi “bị bắt học” từ những năm đệ ngũ. Thói thường, những gì bị bắt học thì không nhớ hay chỉ nhớ loáng thoáng mập mờ, những mối tình tôi thật sự chú ý và nhớ rất dai là những mối tình trong những quyển sách dịch tôi đọc vào thập niên bảy mươi.

Có thể nói đây là giai đoạn tôi đọc sách nhưng chỉ chú ý đến chuyện tình. Hai chuyện tình để ấn tượng sâu đậm trong tôi ở trong hai quyển Cuốn Theo Chiều Gió[i] và Anna Karenina[ii]. Ở tuổi mười tám tôi đọc Cuốn Theo Chiều Gió và ngay lập tức tôi bị nhân vật Scarlett O’Hara hớp hồn. Scarlett, là mẫu phụ nữ Tây phương trái ngược với khuôn mẫu phụ nữ Á đông chung quanh tôi. Tôi lớn lên với quan niệm phụ nữ là đóa hoa chỉ có thể ở một chỗ mà tỏa hương, rủ bướm nhưng không được bay theo. Để thoát khỏi cảnh yêu thầm nhớ trộm nàng chủ động tỏ tình với Ashley Wilkes. Tình yêu là như vậy đó, nồng nàn, sôi nổi, bồng bột, hơi điên cuồng. Tôi khâm phục sự siêng năng, tính thực tế, dám nghĩ dám làm của Scarlett. Nếu Scarlett sinh ra vào thời này có lẽ nàng sẽ là Giám đốc điều hành của một công ty lớn nào đó. Tuy nhiên, Scarlett không biết yêu là gì. Nàng say mê Ashley chỉ vì Ashley dám từ chối nàng, anh chàng tóc bạch kim trí thức này trở nên một đối tượng nàng muốn chinh phục. Ba mươi năm sau đọc lại, tôi nhìn thấy sự nhẫn tâm của Scarlett khi nàng chiếm người chồng tương lai của cô em gái. Nhẫn tâm với rất nhiều người nhưng Scarlett yêu Ashley rất chân tình. Phải yêu lắm Scarlett mới vượt lên sự ghen tuông và nhường cả xưởng cưa để Ashley làm phương tiện sinh sống nuôi vợ con. Trong tôi, cái định nghĩa về tình yêu đã thay đổi. Không phải sự sôi nổi nồng nàn của Scarlett, mà cái quan hệ đầm ấm tương kính giữa vợ chồng Melanie-Ashley, là định nghĩa của tình yêu. Tôi vẫn tin Scarlett còn yêu Ashley vì vẫn chưa chinh phục được chàng.



Ban đầu khi đọc Anna Karenina tôi thích mối tình của Anna với Alexei Vronsky. Một tình yêu đầy đam mê, vượt luân lý, bất chấp dư luận, thiếu một người là mặt trời thôi mọc, chim thôi hót, mây ngừng bay, và những vì sao thôi lấp lánh. Tôi ghét Karenine, xấu trai và khô khan, vì ông đã nói dối với cậu bé con của hai người là mẹ cậu đã chết và ngăn cấm Anna không được gặp mặt con. Tôi ghét xã hội quí tộc Nga thời bấy giờ dung dưỡng tội lỗi của đàn ông nhưng khắc nghiệt với đàn bà. Nhìn lại tôi thấy Karenine là một người đáng thương. Khi biết vợ ngoại tình ông ta vẫn giữ thể diện cho vợ. Chỉ cần nàng trở về là ông bỏ qua tất cả. Cái đam mê cháy bỏng giữa Alexei và Anna không phải là tình yêu. Tình yêu được Tolstoy kín đáo diễn tả qua mối tình bền bĩ của Levine dành cho Kitty. Nếu ở Cuốn Theo Chiều Gió tôi yêu nhân vật phụ Melanie hơn nhân vật chính Scarlett thì ở Anna Karenina tôi yêu nhân vật phụ Levine hơn nhân vật chính Vronsky. Đọc lại, Anna là một người phụ nữ đẹp nhưng xa hoa phù phiếm mè nheo. Giá mà Anna đừng xiêu lòng, thì chắc Vronsky sẽ còn yêu nàng lâu dài hơn. Vronsky cũng như Scarlett, sau khi chinh phục được đối tượng là xong một cuộc tình.

Quan sát vài tác phẩm, cổ điển cũng như hiện đại, của tác giả nam cũng như nữ, tôi thấy nhà văn rất thực tế khi viết về tình yêu. Dù họ có biến hóa gán ghép bao nhiêu chi tiết lãng mạn vào truyện họ vẫn dàn xếp cho cốt truyện diễn tiến trên căn bản, chữ tình đi đôi với chữ tiền. Không có tiền thì không có tình yêu.

Lấy Kiêu Hãnh và Thành Kiến[iii] làm thí dụ. Nếu Mr. Darcy không có tiền để trả nợ cho gia đình của Elizabeth Bennet, chưa chắc cô gái thông minh và kiêu hãnh này đã tha thứ cho Darcy cái tội coi thường nhan sắc của nàng lúc ban đầu. Nếu Vronsky không là con nhà giàu thì cho dù có tán tỉnh dẽo đến đâu chưa chắc đã quyến rũ Anna ra khỏi tổ ấm của ông chồng khắc khổ Karenine. Độc giả hẳn vẫn còn nhớ là khi yêu Vronsky, Anna vẫn phải sống nhờ vào tiền của chồng, còn Vronsky tuy giàu có nhưng đó là nhờ sự chu cấp của bà mẹ. Nếu Anna không tự tử nàng sẽ làm gì để tự nuôi bản thân nàng cùng với hai đứa con, một với Karenine và một với Vronsky, khi một ngày nào đó Vronsky chán cái tính ghen bóng gió của nàng và nhan sắc của nàng không còn nữa? Nếu Heathcliff trong Đỉnh Gió Hú[iv] không bị gia đình Linton khinh rẻ vì nghèo và mất Catherine vào tay Edgar Linton thì chắc đã không biến tình yêu thành oán hận và làm cho cả hai gia đình Earnshaw và Linton tán gia bại sản. Còn Chàng Gatsby Cao Thượng[v], đây mới chính là một quyển tiểu thuyết mà giá trị của tiền là động cơ chủ yếu để đạt tình yêu. Daisy đã từ chối bỏ trốn với Gatsby để kết hôn với người chồng giàu có. Gatsby cố gắng đủ cách, kể cả bán rượu lậu, để trở thành một người giàu có với mục đích chiếm lại Daisy. Gatsby xem Daisy là biểu tượng của sự giàu sang mà chàng không thể vói tới trong quá khứ vì nghèo. Còn Tình Yêu Trong Thời Dịch Tả[vi] thì khỏi nói Florentino chỉ chinh phục được Fermina khi ông trở nên ông chủ của một công ty tàu du lịch giàu có. Scarlett đã chẳng lấy Rhett Butler làm chồng nếu anh ta không giàu có nhờ buôn lậu trong lúc chiến tranh.

Đọc văn học là để tìm hiểu chính mình. Đọc tình yêu trong văn học là để giải thích những chọn lựa của chính mình và dùng những đau khổ hay hạnh phúc của các nhân vật trong truyện để rút kinh nghiệm cho mình. Tôi đọc truyện tình để thấy sự thay đổi trong tôi quan niệm về tình yêu. Lúc còn trẻ tôi thấy tình yêu là sự thu hút của Romeo và Juliet[vii], chui xuống gầm bàn run rẩy nắm tay nhau và trao đổi cái hôn. Về già tôi nhận ra Romeo lúc ấy đã mười tám còn Juliet chỉ mới mười ba, cái gọi là tình yêu đó có thể vi phạm pháp luật. Loài người đã tốn nhiều bút mực để định nghĩa tình yêu nhưng không thể đồng ý với nhau bởi vì mỗi người định nghĩa tình yêu mỗi khác. Nếu loài người không thể đồng ý với nhau về định nghĩa tình yêu, liệu người ta có thể đồng ý với nhau về định nghĩa của chung tình và ngoại tình? Gabriel Garcia Marquez đã nêu ra một lập luận về sự chung tình và ngoại tình khác với khái niệm chung tình mà tôi biết. Trong quyển Tình Yêu Thời Dịch Tả, Florentino và Fermina trao đổi thư tình khi còn bé. Lớn lên Fermina nhận ra Florentino nghèo và xấu trai, nàng nhận lời kết hôn với Urbino một bác sĩ giàu có và là nhà chuyên môn chữa trị bệnh dịch tả. Khi Urbino chết rồi, và lúc Florentino cố gắng chinh phục lại, Fermina khám phá chồng bà đã ngoại tình với một người đàn bà khác. Florentino suốt cuộc đời dành trọn trái tim cho Fermina. Nỗi đau vì mất người tình làm ông đau đớn và tìm quên bằng cách quan hệ tình dục với 622 người đàn bà khác. Florentina quan hệ tình dục với 622 người đàn bà nhưng vẫn được Marquez xem là chung tình với Fermina. Trong khi Urbino chỉ ngoại tình với một người đàn bà thì bị xem là ngoại tình. Trớ trêu không?

Dag Hammarskjöld, một tác giả danh tiếng người Thụy Điển, bảo rằng “Có lẽ mối tình lớn nhất là mối tình không được đáp lại.” Nếu đồng ý với ông, tôi sẽ nói mối tình của Humbert dành cho Lolita[viii] là tình yêu lớn. Và mối tình của Hanna với Michael trong Người Đọc[ix] cũng là tình yêu lớn vì cả hai, người này yêu người kia, nhưng không được đáp lại, cùng một lúc. Rồi có một bài hát nói ngược lại, rằng: “The greatest thing, you’ll ever learn. Is to love and be loved in return.”[x] Nghĩa là bài học lớn nhất bạn sẽ học trong cuộc đời, là yêu và được yêu trở lại. Thật là chẳng ai có thể đồng ý với ai về tình yêu.

Nguyễn Thị Hải Hà


I. Gone With The Wind của Margaret Mitchell (1936)
II. Anna Karenina của Leo Tolstoi (xuất bản từng phần từ 1873 đến1877).
III. Pride and Prejudice của Jane Austen (1813).
IV.Wuthering Heights của Emily Bronté (1846).
V. The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald (1925).
VI. Love in the time of cholera của Gabriel Garcia Marquez (1985).
VII. Romeo and Juliet của William Shakespeare (1597).
VIII. Lolita của Vladimir Nabokov (1958).
IX. The Reader của Bernhard Schlink (1997).
X. Nature Boy của Eden Ahbez, Nat King Cole hát.



Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Em thân yêu sẽ không bao giờ biết




Em thân yêu sẽ không bao giờ biết
Những vết khắc trên báng súng của tôi
Mỗi vết khắc, đó là một mạng người
Của kẻ thù bàn tay tôi giết chết

Tôi biết chứ, em muốn tôi mỉm cười
Bên mọi người, chân thành và nồng nhiệt
Không tàn nhẫn, không hận thù cay nghiệt
Nhưng chiến tranh là như vậy, em ơi

Từ ngực áo quân thù tôi vừa giết
Tôi tìm thấy bức ảnh của một người
Một cô gái, nhìn tôi, nhoẻn miệng cười
Giống em quá, người tôi yêu tha thiết...

Họ yêu nhau, như đôi ta, hẳn vậy
Nụ cười ấy đã khiến tôi hiểu ra
Họ chẳng phải loài súc sinh, dơ dáy
Mà cũng là con người, như chúng ta

Những vết khắc lạnh lùng trên báng súng
Quá đớn đau với họ, và với tôi
Mỗi vết khắc, một niềm đau không lời
Sâu đến tận cùng trái tim tỉnh thức

Những vết khắc thấm đẫm niềm thù ghét
Như là những dòng nhật k‎ý chơi vơi
Ghi mọi điều đã xảy đến với tôi
Trừ một điều, đó chính là cái chết

Nếu kẻ thù khắc đời tôi trên báng súng
Thì xin đừng thù oán họ, em ơi
Chỉ tình yêu là điều duy nhất đúng
Cầu xin em, hãy mãi mãi yêu tôi...



Reds Blog

Tâm sự của một người Việt giữa đất nước Ukraina đổ nát





Nếu ai đã từng đến Kiev trong quá khứ và nay có dịp trở lại, thì sẽ không thể nào nhận ra được thủ đô Kiev cổ kính, hoa lệ của Ukraine- nay không khác gì bãi chiến trường, do bạo loạn từ các cuộc biểu tình gây ra.

Hồ Sĩ Trúc - Từ Ukraine

Tình hình Kiev thực sự đã đi vào hỗn loạn và nằm bên bờ vực nội chiến. Hiện tại các tổ chức cực đoan và các băng đảng tội phạm trỗi dậy hoạt động mạnh mẽ dưới nhiều chiêu bài khác nhau. Họ lợi dụng sự lơi lỏng của hệ thống luật pháp đang bị tê liệt nên đích ngắm của chúng là tấn công vào các hệ thống cửa hàng, nhà băng và người nước ngoài.

Sáng 20.2, sau khi viết những dòng thông báo, dặn dò những người bạn, người thân, đồng hương của mình ở Kiev trên trang facebook, tôi vội vã vơ chiếc áo khoác lên người, cùng vợ xuống đường mua thực phẩm tích trữ. Cô con gái 9 tuổi nhìn bố mẹ và nói tiếng Việt trọ trẹ: “Bố mẹ cẩn thận không bị chúng bắn chết đấy, con không thích sống mồ côi đâu...”. Tôi dặn con: “Không thấy bố mẹ về thì chạy xuống nhà bác Bắc ở tầng 3 nhờ bác nuôi nhé...”.

Lời thoại ngắn gọn của cha con tôi có cả những ý trêu đùa, nhưng thực sự đã ám ảnh tôi, nhất là khi chúng tôi đang sống trong vùng trời Kiev ngùn ngụt bạo lực. Với con gái tôi, cô bé vẫn còn có chút lo sợ, khi sáng nay đến lớp được cô giáo kể rằng có một học sinh lớp 11 đã bị bắn vào đầu lúc ra khỏi nhà để đi học.

Đêm hôm trước có tin nhóm “đầu trọc” rất đông tập trung ở Ủy ban quận Dexnhian và sáng nay có 3 người bị giết – tôi nghe một người dân kể lại trong nỗi sợ hãi... Thế mới hiểu được sống trong hòa bình sung sướng biết chừng nào. Mình từng trải qua chiến tranh, đội mũ rơm đến trường, ăn rau lang, rau má thay cơm, chui hầm khi máy bay Mỹ gầm rú. Thời sang Liên Xô đến tận nơi vùng chiến sự ở vùng Karabak, rồi nhìn pháo bắn vào Nhà Trắng ở Nga, nhìn thấy bom đạn chết chóc bao lần nên quý lắm những phút giây bình yên.

Đã hơn một tháng qua Ukraine trong tình trạng bất ổn, chìm đắm trong khủng hoảng và bạo lực, nhưng hiện tại nguy hiểm hơn bao giờ hết. Ngày 20.2, chính quyền đã phải dùng loa để khuyến cáo người dân không được ra khỏi nhà, nhưng đến hôm nay (21.2), họ đã cho phép người dân ra đường, sử dụng tàu điện ngầm và đến một số nơi công cộng khác. Tuy nhiên, những con đường vẫn vắng ngắt, tiếng súng vẫn vang lên và nỗi ám ảnh chết chóc vẫn còn đè nặng lên tâm trí của người dân Kiev.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Kiev, số người thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn, nổ súng đến ngày 21.2 đã lên đến 100 người, gần 600 người bị thương và 400 người trong số đó đã nhập viện điều trị.

Nhịp sống thật căng thẳng, đi ra đường nhìn nét mặt lo âu tột độ trên những gương mặt vốn hồn hậu của người dân Kiev mà thương. Từ trước đó, tất cả mọi người đổ ra đường, ra chợ, vào siêu thị, trẻ già lớn bé tay xách nách mang mua thực phẩm dự trữ đề phòng tình hình xấu đi. Đặc biệt người xếp hàng dài rồng rắn rút tiền trong ngân hàng bởi có lẽ người ta sợ như thời Liên Xô tan vỡ, khi Nhà nước tan rã thì tiền gửi trong đó cũng mất tiêu.

Sáng 20.2, những người Việt chúng tôi vẫn đi chợ bán hàng, dọn hàng ra được một lúc thì dân Tây chạy nháo nhác thông báo: “Chúng nó nổi loạn đánh nhau ở Metro Darnhitxa và đang kéo về vùng này”. Thế là như ong vỡ tổ! Tây, ta, Tàu và vô số dân cư của các nước khác… mọi người rào rào đóng cửa hàng chạy nhanh về nhà. Thật khốn khổ đúng là "chạy như chạy giặc".

Đến hôm nay thì không còn ai dám mở hàng ở chợ. Tất cả cộng đồng người Việt đều ở trong nhà và nghe ngóng tin tức từ Đài Truyền hình Ukraine.

Tại thủ đô Kiev, có khoảng trên dưới 1.000 người Việt sinh sống. Cuộc sống của mọi người vốn bình yên xưa nay giờ xáo trộn dữ dội, mọi người nháo nhác gọi hỏi tin nhau.

Phần lớn trong chúng tôi đến Kiev từ thời Liên Xô cũ. Chúng tôi sống ở hai bờ con sông Danube. Phía bên kia bờ sông là Đại sứ quán Việt Nam và những du học sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học ở Kiev. Nơi đó cũng có Quảng trường Độc Lập, nơi người biểu tình chống Chính phủ Ukraine đang cố thủ và gây ra những cuộc bạo loạn. Còn bên này bờ sông Danube, là khoảng 500 người Việt sinh sống và buôn bán ở khu chợ Troeshina. Nhiều người Việt sống ở bờ bên này, nhưng có con theo học ở bờ sông bên kia, đang phải sống trong tâm trạng như “ngồi trên đống lửa”. Bởi, con cái họ đang bị mắc kẹt trong các trường đại học khi biểu tình ập đến và đến nay vẫn chưa có lối thoát để trở về. Nhiều nguồn tin ở Kiev còn cho rằng, có những trường sinh viên còn tấn công cả cảnh sát, khiến tình hình trở nên cực kỳ nghiêm trọng.

Thật lo lắng cho vận mệnh đất nước xinh đẹp này, bởi chúng tôi đã sinh sống ở đây hơn 25 năm, bao vui buồn sướng khổ cả một thời thanh xuân cũng có cả ở đây, một thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên được học hành thành đạt cũng ở đây, đã xem đây là quê hương thứ hai của mình sau đất mẹ Việt Nam. Thủ đô Kiev là một trong những thành phố đẹp của Ukraine và thế giới, thế mà bây giờ tại trung tâm như một bãi chiến trường ngổn ngang, đường phố bị cậy phá hết gạch đá để làm vũ khí, những con đường cổ làm bằng đá xanh có từ hàng trăm năm trước cũng bị những kẻ quá khích phá không thương tiếc. Các cửa hàng, cửa hiệu, các công sở của chính quyền bị đốt cháy đập nát nhìn thật thê thảm, họ chẳng tiếc gì những công sức của tiền nhân. Chúng tôi -những con dân Việt Nam đang sống ở Kiev - Ukraine hy vọng Chính phủ và phe đối lập hãy đặt lợi ích của người dân và vận mệnh dân tộc lên trên để đưa Ukraine thoát ra khỏi bờ vực thẳm chiến tranh tương tàn, đưa Ukraine thoát khỏi khủng hoảng - trở lại cuộc sống thanh bình vốn có như màu xanh bầu trời cùng màu vàng bát ngát của đồng lúa mỳ trên lá cờ Tổ quốc.

Theo DÂN VIỆT

______________________________

Mỹ đã bơm tiền để gây bạo loạn ở Ukraina như thế nào?





Các nhóm cực đoan và phe đối lập đã nhận được từ đại sứ quán Mỹ 20 triệu USD/tuần để cấp cho các phần tử bạo loạn và bảo đảm hậu cần cho phong trào biểu tình (Maidan).





Các cơ quan bảo vệ pháp luật Ukraine đã xác định được những kẻ đặt hàng giết hại một số người tham gia biểu tình ủng hộ liên kết với châu Âu (Euromaidan), cũng như khám phá các cách thức và các nguồn tiền chi cho việc làm leo thang đối đầu đường phố nhằm lật đổ chính quyền bằng bạo lực, một nguồn thạo tin giấu tên trong Cơ quan An ninh Ukraine SBU tiết lộ.

Theo nguồn tin, từ những ngày đầu đối kháng bạo lực, các nhân viên công lực đã điều tra tổ chức “Pravyi sektor”. Tổ chức này được thành lập sau xung đột nội bộ giữa Tập hợp Xã hội-dân tộc và Liên minh toàn Ukraine cực đoan Trizub mang tên S. Bandera.

Trong quá trình điều tra, đã xác định được rằng, các tổ chức này được tài trợ bởi hàng loạt “các tổ chức thân Ukraine” các loại do tình báo các nước NATO thành lập từ thời Liên Xô.

Nguồn tin cho hay, các tổ chức “từ thiện” này ngay từ đầu nổ ra biểu tình Euromaidan ủng hộ liên kết với EU đã bắt đầu lập ra một trung tâm điều phối bí mật, thu hút các chuyên gia phương Tây sừng sỏ chuyên vạch chiến lược “cách mạng màu sắc”. Họ được giao nhiệm vụ hoạch định chiến lược hành động cho các nhóm chiến đấu. Trong quá trình điều tra đã xác định được rằng, chính trung tâm này đã ra lệnh giết những người biểu tình trong quá trình xô xát bạo lực trên phố Grushevsky. Cái chết của họ phải có tác dụng kích động leo thang xung đột và thúc đẩy đám đông phẫn nộ tấn công cảnh sát.

Ngay từ ngày đầu Euromaidan, mỗi trưởng nhóm chống đối tích cực đều nhận được tiền thưởng. Mỗi chiến binh tích cực nhận được 200 USD/ngày và thêm 500 USD nếu nhóm có hơn 10 người.

Các điều phối viên nhận được từ 2.000 USD cho mỗi ngày bạo loạn đông người với điều kiện, nhóm chiến binh thuộc quyền thực hiện các hành động tấn công trực tiếp vào các nhân viên công lực.

Các điều tra viên cũng xác định được rằng, tiền được gửi đến đại sứ quán Mỹ ở Kiev qua kênh ngoại giao. Đến lượt mình, đại sứ quán Mỹ chuyển tiền đến các văn phòng trung ương của liên minh toàn Ukraine “Svoboda” và liên minh toàn Ukraine “Batkivshchyna” (Tổ quốc). Số tiền là khoảng 20 triệu USD một tuần. Tiếp đó, các khoản tiền này được phân cấp để yểm trợ Euromaidan (duy trì hệ thống bảo đảm hậu cần, hối lộ và mua chuộc các quan chức, nhân viên công lực, trả tiền cho báo chí, chi phí cho tuyên truyền…), cũng như trả tiền hàng ngày cho các chiến binh tích cực. Về phần mình, các thủ lĩnh lực lượng đối lập và các nhóm cực đoan nhận được tiền gửi thẳng vào tài khoản riêng trong ngân hàng.

Cuộc lục soát do SBU tiến hành tại các phòng của bộ chỉ huy trung ương của tổ chức “Batkivshchyna” đã cho thấy điều đó. Khi tiến hành lục soát, các nhân viên công lực đã thu giữ từ phòng làm việc của Oleksandr Turchynov (Phó chủ tịch thứ nhất đảng Batkivshchyna) 17 triệu USD tiền mặt. Ngoài ra, trong các máy chủ của đảng này bị nhân viên SBU thu giữ có những thông tin về việc phân chia tiền chi trả cho việc bảo đảm hậu cần cho Maidan và tiến hành thanh toán với các chiến binh của nhóm “Pravyi sektor” và các nhóm cực đoan khác.

Cũng đã xác định được rằng, Mỹ đã bảo đảm sẽ giúp các thủ lĩnh các tổ chức cực đoan cánh hữu di tản khẩn cấp khỏi lãnh thổ Ukraine một khi “cách mạng” thất bại, cấp chỗ ở và tiền bạc ở bất kỳ nước EU nào tùy họ chọn. Và thủ lĩnh nhóm khiêu khích chính trị “Avtomaidan” là Sergei Koba đã vận dụng những bảo đảm này. Tính đến hiện tại, các lực lượng bảo vệ pháp luật Ukraine đang tìm hiểu nơi trú ẩn chính xác của tên này, nguồn tin trong SBU cho biết.

Theo thông tin đăng trên các nguồn công khai, việc kêu gọi, huy động các phần tử cực đoan để tham gia vào hoạt động bạo loạn đông người ngày 19/1/2014 đã được thực hiện qua mạng xã hội “V kontakte”, trên trang của nhóm “Pravyi sektor”.

Để tạo ra hình ảnh giống như thật về một “sự phản đối tư tưởng của nhân dân”, các phần tử cực đoan đã yêu cầu người dân ủng hộ tài chính cho chúng.

Chúng ghi rõ số tài khoản ngân hàng “Privatbank” 5168 7553 1093 5578, chủ tài khoản là Okunev Sergei Igorevich (sinh ngày 19.6.1973, công dân Liên bang Nga, đăng ký tại địa chỉ: tỉnh Dnepropetrovsk, thành phố Dneprodzerzhinsk, phố Shcherbitsky, 65, căn hộ 6).

Hệ thống dịch vụ chuyển tiền Western Union hoặc Moneygram cũng được sử dụng để gửi tiền cho Tarasenko Andrei Ivanovich (người Kiev, sinh ngày 17.11.1982)

Trong 10 ngày gần đây, các khoản gửi vô danh 50, 100, 500 hryvna đã được gửi vào tài khoản trên bằng hệ thống “Privat24” chủ yếu từ các thành phố Ternopol và Kiev. Tiền cũng được gửi từ những người ủng hộ nhóm “Pravyi sektor” ở Ukraine và nước ngoài (Pháp, Czech…).

Ngoài ra, trên trang của “Pravyi sektor” trên mạng xã hội “V kontakte” cũng liệt kê các số tài khoản để chuyển tiền đến công ty cổ phần “Raiffeisen Bank Aval” có ghi tên chủ tài khoản là Surovetsky Yuri Igorevich (3166505873): bằng hryvna 262095533782, bằng USD 262072533786, bằng euro 262082533789.

Trên các nguồn công khai cũng đăng tải thông tin cá nhân của tất cả các thủ lĩnh và thành viên các nhóm cực đoan tham gia bạo loạn đường phố ở Kiev và các thành phố khác.

Theo VIETNAMDEFENCE.COM / VREMIA.UA

______________________________

Sự thật nghiệt ngã về 'thiên đường Bắc Âu'





Cả thế giới đã nhầm? Hay nói cách khác là chúng ta đã bị lừa khi “tin sái cổ” vào một xã hội giàu có, hạnh phúc như một thiên đường của các nước thuộc khu vực Scandinavi hay còn gọi là Bắc Âu.





Những ngày gần đây, cả châu Âu đang sôi sục với một bài báo đăng trên tờ The Guardian (Anh) với tiêu đề: “Vùng đất tăm tối hay sự thật nghiệt ngã về sự thần kỳ của Bắc Âu”. (>>http://www.theguardian.com/world/2014/jan/27/scandinavian-miracle-brutal-truth-denmark-norway-sweden) Bài báo đã vạch ra một bộ mặt hoàn toàn khác và những sự thật khá “sốc”, trái ngược hẳn với những hình dung bấy lâu nay của cả thế giới về các quốc gia nằm trên bán đảo này. Bài báo của The Guardian sau đó được tờ Courrier International (Pháp) trích dẫn với dòng tựa: Sự thật về “huyền thoại Bắc Âu” và ngay sau đó, một cuộc tranh luật gay gắt đã nổ ra. Tác giả bài báo đã nhận được sự phản ứng dữ dội của “nạn nhân”, kèm với đó là những lời giải thích cho rằng góc nhìn của tác giả quá hạn hẹp và nhiều chỗ không chính xác.

Dường như để “khiêu khích” hay chọc tức các nước Bắc Âu, bài báo của The Guardian mở đầu bằng đoạn: Ở Đan Mạch, các chương trình truyền hình toàn là rác rưởi, đàn ông Phần Lan là những kẻ chỉ biết say sưa và Thụy Điển là thể là một mô hình dân chủ để các nước khác cần phải học tập.

Tiếp theo đó, bài báo đã vạch ra những “vùng đất tối” của từng quốc gia Bắc Âu. Đối với Đan Mạch, tờ báo chỉ ra nhiều vấn đề mà nước này đang gặp phải. Theo thống kê của tổ chức OECD người Đan Mạch làm việc ít giờ hơn mỗi năm so với hầu hết các phần còn lại của thế giới, đồng thời năng suất cũng rất...vớ vẩn. Để có tiền chi tiêu và duy trì cuộc sống, hơn một nửa trong số các hộ gia đình Đan Mạch thừa nhận họ đang phải đi vay nợ, kể cả vay từ các tổ chức tín dụng đen với lãi suất cắt cổ. Chính vì thế, mà theo thống kê, nợ các hộ gia đình người Đan Mạch đang thuộc hàng cao nhất thế giới, với mức gấp 4 lần người Ý, vượt xa ngưỡng mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phải cảnh báo.

Người Đan Mạch hiện đang phải đóng nhiều thuế nhất trong khi mức tiền lương trung bình của họ chỉ cao thứ 6 thế giới. Trong một số cuộc khảo sát gần đây, Đan Mạch được xếp là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, nhưng có một thực tế là người dân nước này tiêu thụ thuốc chống trầm cảm nhiều thứ hai thế giới, sau Iceland.

Có lẽ bí mật “bẩn” nhất của Đan Mạch là quốc gia này đốt nhiều than không kém bất kỳ một nước phát triển nào mặc dù theo một báo cáo của Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế năm 2012, họ có “hệ số sinh thái bình quân đầu người” lớn thứ tư thế giới.

Chưa hết, nền kinh tế Đan Mạch cũng đang lao dốc. Theo báo chí của chính nước này, thì trong 10 năm qua, số người sống dưới ngưỡng nghèo khổ đã tăng gấp đôi. Bên cạnh đó là nạn nhập cư ào ạt, tình trạng an ninh không đảm báo, và đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang dâng cao.

Đến với Phần Lan, The Guardian cho hay, nước này hiện xếp thứ ba thế giới về sở hữu vũ khí cá nhân (sau Mỹ và Yemen). Theo thống kê, nạn giết người ở Phần Lan nhiều nhất các nước Tây Âu, cao gấp 2 lần nước Anh. Tỷ lệ người tự tử nước này cũng dẫn đầu các nước trong vùng Scandinavi. Đó là chưa kể nạn rượu chè be bét, tình trạng mất an ninh nghiêm trọng. Rượu bây giờ là nguyên nhân tử vong hàng đầu cho nam giới Phần Lan. Các trường đại học Phần Lan cũng mất dần sức hút so với trước kia bởi tình trạng mất an ninh này. Đáng chú ý nhất là vào năm 2008, một nam sinh đã sát hại đến 10 người bạn của mình.

Về phần Na Uy, tờ báo chú ý đến nạn bài ngoại đang rất trầm trọng. Làn sóng bài Hồi Giáo cũng luôn âm ĩ trong xã hội. Về kinh tế, nước này giàu có chủ yếu dựa vào dầu hỏa. Thế nhưng, mặt trái của nền kinh tế dầu hỏa đó là nạn tham nhũng.

Đối với Thụy Điển, tờ The Guardian cho rằng, người Thụy Điển sống quá vị thân vị kỉ, chỉ biết có mình. Åke Daun, nhà dân tộc học nổi tiếng nhất của Thụy Điển đã từng thừa nhận trong cuốn sách mới nhất của mình rằng: "Người Thụy Điển không "mạnh mẽ" như công dân của một số người khác".

Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này hiện cao hơn mức bình quân của Liên Hiệp Châu Âu. Cũng giống như những gì đang xảy ra tại Na Uy và Đan Mạch, chủ nghĩa dân tộc cực đoan (cánh hữu) đang phát triển và ngày càng trầm trọng. Cách đây vài năm, Viện nghiên cứu ý kiến công chúng Thụy Điển đã tiến hành một cuộc khảo sát trong giới trẻ nước này bằng việc đề nghị họ “mô tả đồng bào của mình”. Kết quả là 7 tính từ được lựa chọn nhiều nhất là: ghen tị, khó tính, cần cù, thương người, yên tĩnh, trung thực, và bài ngoại.

Chưa hết, nước này tuy xưng là trung lập, nhưng lại là một cường quốc xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới. Tác giả bài báo trên The Guardian cho rằng Thụy Điển sẽ tiếp tục phát triển kinh tế mạnh nhờ vào thương hiệu đặc trưng của “chủ nghĩa độc tài hiện”, trong đó chính phủ nước này ngày càng có thiên hướng kiềm chế các quyền tự do , ngăn chặn sự bất đồng chính kiến và cắt đứt liên kết giữa vợ và chồng, con cái và cha mẹ, người già và trẻ em của họ.

Theo INFONET