Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Bạn sống màu đỏ, và chỉ khi chết bạn mới có màu xanh...



Lê Vĩnh Tài






Cái chết. Bạn biết nó không có ở đó, nhưng nó lại ở đó. Như gió...

Như ngày xưa đi học, thầy giáo giải thích các thuật toán. Bạn có thể thêm các số zero bất tận vào phía sau một con số nào đó. Một ngàn tỷ, bạn sẽ thêm vào mười hai số zero. Như trên facebook bây giờ bạn tha hồ bàn tán về một cái chết lãng xẹt nào đó mười hai lần, sùi bọt mép. Bạn có thể chạm vào mười hai con số zero như chạm vào một tia nắng, một ánh mặt trời. Hay bạn chạm vào một cây bút, nhiều khi có thể gặp một chiếc xe ô-tô hay đôi hoa tai cho vợ, bằng vàng 9999.

Nhưng cuối cùng câu trả lời là không hề có. Bạn không nghe thấy gì. Không có gì không biết gì.

Bạn đưa tay ra để chạm vào nó, một cái chết đột ngột. Và nó mở ra như một lỗ đen. Nó là huyệt mộ của bạn. Bạn biết một triệu rưỡi đô chả là gì so với ngàn triệu tỉ của mấy ông khác. Chỉ cần một giọt nước mắt ai đó nhỏ xuống là xong. Như một khoảng cách mịt mù của ánh sáng. Bạn biết không ai có thể nghe thấy hình ảnh giọt sương, không ai nhìn thấy một người hay ngựa bị rơi ra và bỏ quên bên ngoài cái chuồng hôi hám.

Cái chết. Nó làm mọi thứ trở nên trong suốt. Nó chớp mắt khi bạn muốn điều chỉnh theo thời gian ánh sáng. Như hoàng hôn thay màu sắc của bình minh. Nó không sợ. Không nao núng. Không khai báo. Vì nó đã đưa tay ra kéo một người thoát khỏi vũng lầy.

Bạn hỏi: Nơi này là đâu? Cái chết, mắt của nó màu xanh, ngơ ngác. Nó nghiêng đầu trả lời bạn: Ở đây.

Bạn đã lội chân trần, các ngón chân dẫm lên trên bãi cát nên bạn để lại dấu vết. Mắt màu xanh ra hiệu cho bạn phải đến nơi mà những con sóng sẽ xô vào bờ, rửa sạch dấu cát. Bạn đi ngang qua và nhìn dấu chân của bạn bị xoá, nhường chỗ cho một bãi cát mới, mịn màng. Mắt màu xanh chỉ cho bạn phải đi vào bờ.

Đây là lớp học của bạn ngày hôm nay. Bạn phải ghi lại các bài học để nhớ.

Sau đó, một làn sóng cuốn lên, không chỉ dấu chân mà sóng mang bạn đi. Nó, cái chết, hỏi: Được không? Êm chưa? Bạn gật đầu.

Bài học tiếp theo:

Từ một nơi nào đó trên biển, có một con chim khổng lồ. Ánh mắt của con chim loá sáng và bùng nổ với hàng trăm màu sắc. Hay hàng ngàn mới đúng. Có lẽ con chim đang giận dữ, nó vừa đánh nhau trong một trận giành ăn dữ dội. Có lẽ nó bị thương. Nó muốn hạ cánh trên vai của bạn, với những móng vuốt mà bạn không thể biết là đến từ đâu. Bạn nín thở. Trong ánh mặt trời, con chim phủ đôi cánh lên cả bãi biển. Một tiếng nổ. Một bầu trời phun trào như pháo hoa. Bạn thấy sợ.

Cái chết triệu rưỡi đô cùng với bạn ngồi thu lu, muốn im lặng trong bóng tối. Nhưng bạn vẫn bị chiếu sáng bởi một cầu vồng mới vừa rơi xuống từ cọng lông của con chim, như một chiếc dù màu máu. Sau khi quắc mắt nhìn bạn, con chim nhún đôi chân, sột soạt đôi cánh. Nó tung ra các màu sắc rực rỡ như một tràng đạn trên biển loang loáng máu trước khi biến mất sau ánh mặt trời.

Thêm một bài học nữa?

Bạn nghĩ chỉ cần yêu biển, nhưng mọi người lại yêu nước, vì thế không ai chịu nhắm mắt lại hay ngừng đặt ra các câu hỏi về cái chết. Họ luôn muốn mọi thứ rõ ràng. Bạn nhìn mặt trăng hiện ra bên cạnh mặt trời. Các ngôi sao treo lơ lửng từ các đám mây. Tia nắng vẫn chiếu trên nền màu hơi tối, phản chiếu lấp loá trên mặt nước, tạo ra đường chân trời. Bạn giơ tay để che mắt, của bạn và của mọi người, để giữ cho tất cả các màu sắc mới xuất hiện vẫn rực rỡ. Vì bạn biết cầu vồng là cọng lông của con chim. Cái gì rơi ra từ con chim bạn cũng sợ. Suýt nữa nó giết bạn. Và bây giờ bạn đã hiểu.

Biển không phải chỉ là bãi cát bị sóng xoá mọi dấu chân. Biển sống lại ngay giữa hai lần sóng vỗ. Và chúng ta phải kịp viết một cái gì đó trên cát, đủ nhanh để mọi ngưởi kịp đọc trước khi bị xoá.

Chúng ta là các vết nứt giữa màu sắc. Mỗi màu sắc là mỗi con người. Cầu vồng mà không có màu sắc thì không còn là một cầu vồng nữa.

Chúng ta không thể phai mờ. Chúng ta chiếu sáng với những ý tưởng và suy nghĩ. Hối tiếc và sống lại. Chúng ta để lại dấu vết của chúng ta và ánh sáng mặt trời sẽ đốt cháy chính chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải chọn cái nóng của niềm đam mê. Chúng ta phải để lại một dấu chân để mọi người có thể nhìn thấy.

Cái chết chớp mắt – con mắt vẫn màu xanh và chìm sâu dưới biển. Nó bắt bạn im lặng. Khi nó mở ra một lần nữa là lúc bạn sẽ trở lại lớp học. Bạn nhìn chằm chằm vào một ban giám hiệu toàn mấy ông thầy giáo già, mái tóc lốm đốm bạc như ánh sao trên nền đen u mê tăm tối mà bạn vừa thấy trên mặt biển đêm qua. Bạn dụi mắt nhìn màu sắc xuyên qua các con số. Con chim không có ở đó, nhưng ánh mắt của nó chiếu sáng tất cả mọi thứ trong phòng. Bạn biết mọi người đang bốc cháy. Vì căm giận. Nhưng thầy giáo của bạn đã cố ý viết sai chính tả, thiếu chữ “c” nên “chết” thành ra “hết”, nhưng chỉ trong một giây lúc tạm dừng giữa hai làn sóng. Khi sóng xoá đi, thầy giáo phải viết lại và sửa lại. Khi ông ta chỉ lên bảng cho bạn tập đánh vần, bạn nói: "Tôi cam đoan. Tôi không nhớ. Tôi không chối nhưng cũng không nhận. Tôi không quên nhưng tôi bị hoang tưởng. Tôi xin lỗi...”

Bạn mở vòng tay rộng hơn, ôm lấy mặt trời. Bạn với tay kéo xuống cả các ngôi sao. Ánh sáng lung linh trở lại gấp hàng ngàn lần trong đôi mắt của mọi người. Bạn nhìn họ đan lại với nhau như một nhà thơ khi nhìn thấy cỏ đan vào với nhau tạo thành những chân trời, đã bật ra câu hỏi: “Tôi hỏi, người sống với người như thế nào?” Không ai trả lời cho ông nhà thơ đó.

Bạn biết những hạt cát im lặng mãi mãi, như vỏ hến bị chiếu sáng dưới mặt trời đỏ rực. Bạn nói: “Tôi sẽ,” bạn lắp bắp: “Tôi sẽ,” bạn ngượng nghịu: “Tôi sẽ,” và mọi người ngơ ngác: “Bạn sẽ?” Ai, ai sẽ? Ai? Ai sẽ không bao giờ sẽ? Ai? Không ai. Con chim cười, nhún vai.

Bạn quên mất chỉ khi chết đi bạn mới có cái chết màu xanh. Bạn đang sống trong một đất nước màu đỏ, gió cũng màu đỏ. Nàng mở và đóng cửa sổ mỗi chiều và gõ lên cánh cửa màu đỏ của ngôi nhà bạn. Bên ngoài, tiếng còi xe cũng màu đỏ.

“Tôi được làm bằng màu đỏ?” Bạn hỏi.

Nhưng đó là một câu hỏi vô ích. Nàng nói: “Ở đây ngay cả đá cũng màu đỏ, giống như mặt trăng và các loài chim đang bay màu đỏ, như biển cũng màu đỏ và sóng sôi như máu sau loạt đại liên tụi ba tàu chiếm đảo.” Nhưng riêng bạn được thêm vào ba ngôi sao, nó có màu vàng. Bạn mỉm cười, vì chỉ có việc tối ăn vào và sáng sớm tống ra, mà nàng cũng gắn ngôi sao cho bạn làm gì?

Nàng lắng nghe bạn nhưng không trả lời. Nàng xoã mái tóc của mình, cũng màu đỏ. Nàng xoè bàn tay của mình và nhận được, với một niềm hạnh phúc, làn gió tung bay màu đỏ. Nàng biết bùn cũng màu đỏ, như kỳ kinh nguyệt.

Màu gì cũng đỏ, nàng nói: “Chàng hãy giữ tất cả trong trái tim chàng. Chỉ có chàng, người ta mới không nuốt em vào trong cổ họng. Cũng màu đỏ.”




Không gian riêng của chúng ta



Lê Nguyên Tịnh




Chúng ta mở cánh ra với buổi sáng
nó là của riêng mình
chúng ta bay như cánh bướm
trong không gian vô hạn để được tự do
trên những nỗi buồn
trên nỗi tuyệt vọng
bay xuôi ngược như chữ trên trang giấy
bay đi và trở lại như giấc mơ nhỏ bé của kỷ niệm
bay lượn như những nốt mềm mại
trong bản nhạc ngợi ca tình yêu và hy vọng
chỉ có khởi đầu không bao giờ chấm dứt
những cảm xúc của anh lên men

với buổi sáng của chúng mình
trái tim anh màu xanh dòng sông
anh chảy suốt qua các thời
hiện tại, quá khứ và tương lai
những con sóng ôm choàng lấy nhau
như khởi sinh và huỷ diệt
không có điều gì trong cuộc đời này
có thể bắt anh dừng lại ngay cả sự chết
mỗi khoảnh khắc là chuyến viễn du vô tận
những mạch máu căng tràn của anh

có buổi sáng như hôm nay linh hồn anh
nuôi giữ một điều bí mật về đời sống
như nỗi cô đơn linh thánh
trái-tim-mặt-trời chúng ta

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Quá khứ là chuyện của ngày qua





Chúng ta vẫn tự làm đau mình bằng câu nói “giá như”
Giá như chẳng có chuyện này hay giá như không làm chuyện nọ
Cuộc sống đâu phải là cuốn phim cũng không là quyển truyện
Nên không thể quay lùi và chẳng thể nhảy sang trang

Cái tặc lưỡi thở dài chẳng giúp đời thêm gam sáng
Giọt nước mắt muộn mằn không gột hết nỗi đau
Khi ta tự nhủ lòng “mọi thứ rồi sẽ ổn”
Là tự huyễn hoặc mình bằng hy vọng mỏng manh

Thì thôi cứ buông đi những gì mình không thể
Cái gánh nặng cuộc đời cứ để mặc thời gian
Bởi nỗi đau khi đã lành vẫn còn vết sẹo
Và quá khứ là chuyện của ngày qua

Ngọc Hạnh

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

SỐNG VÀ CHẾT





Em muốn nói cho anh nghe chuyện sống chết của đất trời
cái chết của dòng sông, sự sống của cỏ cây súc vật
tất cả
chúng ta sống và chết như chuyện nằm mơ



Biển không biết khi nào sôi
sông không biết khi nào cạn đáy
núi lở như hình vẽ trong tranh
nên thiên tai là trò chơi của Thượng Đế
đất mở ra như miệng của con quái vật
chúng ta là những côn trùng nho nhỏ đất nuốt vào bụng
hay đất mở ra như bụng mẹ ngọt ngào
để chúng ta chui vào nằm lại trong căn buồng nguyên thủy



Chúng ta bảo nhau
phó mặc đời mình cho Trời
Trời cúi xuống nhìn chúng ta như đàn kiến chung quanh miệng chén
bò hoài chẳng biết đến đâu
tha những miếng mồi to hơn thân xác
tha ,tha, tha, đánh rơi, đánh rơi
trong lòng chén bỗng nghe biển động
sóng dựng lên trắng xóa một bức tường
phủ chụp đàn kiến đáng thương
dưới đáy chén mồi và chúng ta
tan thành bọt nước





Chúng ta bảo nhau
bình tâm sống mỗi ngày một bước
sáng mở mắt ra cứ nghe chim hót ngắm hoa tươi
ngày mai nắng hay bão
để ngày mai lo hộ
đêm đã xuống và ta không thức dậy
đất lở trời nghiêng
đắp một nấm mồ





sống hay chết
như một trò ảo thuật
tại sao em sống khi mọi người đã chết
vì Trời vừa gửi một con chó đến cứu một sinh linh



Em muốn nói anh nghe
mình chẳng có một chút quyền hành gì
về hai chữ tử sinh
hãy nên nghĩ đó là chuyện tình cờ
như hạt thóc thành cây lúa
khi rơi xuống cánh đồng
như quả nho thành ngụm rượu
khi được đóng vào chai



anh và em cùng chết
nếu hạt thóc bị ném vào lửa
và quả nho không được hái bao giờ
sống và chết chỉ là chuyện tình cờ
nên em sống mỗi ngày
như câu thơ chưa viết xuống.

Trần Mộng Tú


Những Cánh Mai Trong Tách Trà






Hà có cái thú thích tìm vào những tiệm bán đồ cũ. Đi tới một thành phố lạ, bao giờ Hà cũng liếc nhìn bên đường xem có tiệm nào kẻ cái bảng Antiques Store là nàng phải tìm thời giờ ghé vào. Nàng thích chạm tay vào những cái chén trà, cái nón vải, cái áo len, cái dây đeo cổ, cái khung hình hay bất cứ một cái gì trong tiệm bán đồ cũ. Đối với Hà mỗi vật thể đó nó cất giấu cả một linh hồn thiêng liêng và bí mật.


Đôi khi cái mùi quần áo đã chạm vào da thịt lâu năm treo trong tiệm, làm nàng bị dị ứng, nhưng Hà cố bỏ nó sang một bên để chỉ nghĩ và tưởng tượng đến những hình hài đã khoác nó lên người. Cũng may, phần đông những tiệm đồ cổ của tư nhân ở những thành phố nhỏ nơi Hà đi du lịch qua họ ít bán quần áo, chỉ những tiệm có tính cách gây quỹ cho một charity nào đó mới có thôi.


Hôm nay đã cận tết lắm rồi, chỉ còn năm hôm nữa tết đến mà hai vợ chồng Hà còn lang thang ngao du ởCoeur d’alene, Idaho cách nhà bảy, tám tiếng lái xe. Hai vợ chồng chắc là phải thay nhau lái một mạch về nhà, dừng lại ăn đường, đổ xăng, thư giãn tay chân thôi, chứ không ngủ qua đêm nữa. Còn về nhà lo dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa cho năm mới đang đến.

Hà nói với chồng:

- Em vừa nhìn thấy cái bảng hiệu bán đồ cũ ở góc đường gần tiệm ăn, anh cho em ghé vào xem một chút rồi hãy ra xa lộ.

Đoàn biết ý vợ, cười dễ dãi:

- Em thích thì vào, nhưng xe của mình không có chỗ cho em khênh cái gì to tướng về nhà đâu đấy nhé.

Tuy nói thế nhưng anh dư biết Hà chỉ thích đặt tay lên mấy cái vật cũ kỹ nhỏ bé, cầm lên để xuống, đứng tần ngần một lúc, rồi thôi. Nàng hay mua tách trà nhất, nàng đã có tới gần ba mươi cái tách khác nhau mua ở các tiệm đồ cũ rồi. Cái tủ chén ở nhà đã hết chỗ cho nàng chất thêm. Hà đã hứa nhiều lần sẽ không mua nữa, nhưng vào xem thì nhất định nàng phải vào mới hài lòng.
Hà dặn chồng ngồi ngoài xe đọc sách, “em vào mười lăm phút, ra ngay.” Đoàn vui vẻ, ngả cái ghế thấp ra sau một chút mang mấy cuốn tạp chí ra đọc, đợi vợ.

Cái tiệm Antique này không lớn lắm, nhưng chất khá nhiều hàng. Hà cầm lên bỏ xuống ngắm nghía đủ mọi thứ. Mỗi thứ đẩy trí tưởng tượng nàng đi thật xa hiện tại. Sợi dây đeo cổ này chắc phải thuộc về một phụ nữ giầu có nào từ vài chục năm về trước. Những hạt đá đỏ thẫm lấp lánh được gắn vào sợi dây vàng rất mỹ thuật, tuy cái móc đã mất mà giá khá cao trong một của tiệm như thế này. Hà tưởng tượng ra nó được đeo vào một chiếc cổ mịn màng nõn nà như cổ con thiên nga. Người phụ nữ đó bây giờ ở đâu, nàng còn sống, da mồi, tóc bạc, cổ nhăn nheo và đang ở trong một khu nhà già hay nàng đã nằm ngủ vùi trong lòng đất? Cái khăn quàng cổ bằng nhung lam đã bạc màu, nhưng đường ren gắn ở hai đầu khăn thì không hề mất một sợi chỉ nào. Ai choàng chiếc khăn này trong một buổi dạ vũ nhỉ; đôi giầy bạc kia nữa, chắc nó đi vào một bộ với nhau nên người ta mới bày cạnh nhau. Hà nhìn thấy ngay hình ảnh của người con gái mới lớn, má đỏ môi hồng, đang ngã vào vòng tay người đàn ông nàng yêu trong một vòng luân vũ. Ô, còn những khung hình này nữa, có cái hình đã tháo đi chỉ còn lại khung, cũ kỹ và trầy trụa, có cái còn nguyên hình của một cặp vợ chồng mặc quần áo của thế kỷ có Nã Phá Luân; rồi cái này, hình em bé gái độ lên 10, với chú thích chụp năm 1911.Cả trăm năm rồi cơ à? Sao cái hình lại lưu lạc tới đây. Con cháu không giữ à?

Hà lan man bước len lỏi giữa những kệ hàng, cầm lên, bỏ xuống, thứ này thứ nọ, ngắm nghía và tưỏng tượng. Cuối cùng nàng cũng tới kệ bát đĩa. Chẳng cái nào đủ bộ cả. Bát lớn, bát nhỏ, đĩa và chén, ly thủy tinh nữa, chủ tiệm cứ xếp đầy lên kệ chẳng theo một thứ tự nào cả. Có những cái mới tinh, chẳng có dấu vết gì là đồ cổ Nhưng có những cái trông lạ lắm. Hà cầm lên một cái tách trà nhỏ, có cả đĩa bên dưới. Hà ngắm nghía, lật trước, lật sau, ngẫm nghĩ: “Tách trà này chắc của Trung Quốc hay Việt Nam”, vì Hà tự nhiên thấy nó thân thuộc quá, cả hai đều có men xanh thật nhạt và vẽ một cành mai vàng rất mỹ thuật. Trên tách trà, phía ngoài vẽ nguyên một cành mai thếp vàng, phía trong lòng tách vẽ hai bông mai rơi trong tách, không có lá, nét vẽ tinh xảo trông như hai bông mai đang nổi trên mặt nước. Ở chiếc đĩa nhỏ kèm theo một bông mai lớn trên một cạnh đĩa, đầy đủ năm cánh với những đường gân của cánh hoa. Hà tự nhiên thấy rùng mình vì cái tinh xảo của những cánh mai. Bỗng một giọng đàn ông cất lên sau lưng làm nàng giật mình, tuy giọng nói đó nhẹ nhàng.

- Bà nên mua cái tách này, nó đợi bà đến mang nó về đấy.

Hà quay hẳn người lại. Trước mặt nàng là một người đàn ông Á Châu, mặc dù cách phát âm tiếng Anh của ông khá giống như người bản xứ. Ông trạc ngoài sáu mươi, tóc bạc, hơi gầy, trông khá tươm tất, nhưng buồn buồn ở hai con mắt. Hà chưa kịp nói gì thì ông ta đã nói tiếp:

- Cái tách này ở trong một bộ sáu cái, hai cái lớn, bốn cái nhỏ, có ấm nữa. Nhưng do chiến tranh, cái thì mất, cái thì vỡ, cái ấm thì phải bán lúc cần tiền mua thuốc cho con. Khi hết chiến tranh, hết tù đầy, trở về, chỉ sót lại được có một cái nhỏ, may còn cả đĩa. Chủ nhân quý nó lắm, nhưng khi ông ta mất đi, con cái mang vật dụng của ông đem cho, nó cũng bị vứt chung trong đó. May mà không bị sứt mẻ gì.

Hà lơ đãng không để ý lắm đến lời ông kể lể, nàng còn mải chú ý nhìn giá tiền ghi, thấy hai mươi đồng. Nàng nghĩ thầm, mọi khi mình mua những cái tách lẻ ở tiệm đồ cũ như thế này, thì giá cao lắm cũng chỉ khoảng mười lăm đồng thôi.

Như đoán được ý nghĩ của Hà, người đàn ông nói:

- Tôi biết là giá cao, nhưng tôi cứ để như thế cố ý không muốn ai mua, để chờ bà. Tôi sẽ hạ xuống mười lăm đồng thôi. Bà cứ lấy đi.

Hà vẫn cầm cái tách cái đĩa bằng cả hai tay. Nàng thấy nó đẹp quá, nếu ông chủ tiệm muốn bán hai mươi đồng thì nàng vẫn mua. Nàng nói:


- Cám ơn ông, chắc chắn là tôi mua rồi, Tôi thích sưu tầm tách trà lạ và đẹp. Cái tách trà này tôi nghĩ là đẹp nhất trong số tách tôi có ở nhà.

Người đàn ông mỉm cười, nói xã giao mà như thật:

- Tôi biết hôm nay bà sẽ ghé qua đây, tôi đợi suốt từ sáng đến giờ để trao nó cho bà, vì bà biết nhìn ra cái giá trị của nó. Trao được nó cho bà tôi rất yên tâm.

Người đàn ông nói xong, rút cái bút trên túi áo ra, sửa lại giá tiền của cái chén, rồi lại nói:

- Chắc ông nhà đang chờ bà ngoài xe.Chúc bà về nhà bình an. Bà còn về lo sửa soạn đón năm mới. Năm nay bà có cái tách mai vàng cho chén trà đầu năm, sẽ may mắn nguyên năm.

- Vâng, cám ơn ông, chắc ông cũng ăn Tết phải không? Ông là người Hoa hay người Việt.


Người đàn ông chỉ mỉm cười, không trả lời câu hỏi của Hà, đưa tay chỉ nàng ra chỗ quầy tính tiền.

Hà có cảm tưởng ông chủ tiệm này như một người mà nàng đã biết từ lâu lắm rồi. Nàng cố tìm trong trí nhớ xem ông ta có phải là bạn của cha mẹ mình không? Chắc là không? Vì cha mẹ Hà đã mất trên hai mươi năm rồi và khi mất cũng bằng trạc tuổi ông này bây giờ, thì làm sao mà họ là bạn với nhau được. Còn nữa, ông này chắc gì là người Việt. Cách phát âm tiếng Anh của ông ấy cho Hà biết ông ấy không phải đồng trang lứa với cha mẹ nàng.


Hà đặt chiếc tách trà lên quầy tính tiền, cô thâu ngân tóc vàng nhìn giá tiền trên cái tách trà, hơi cau mày lại. Cô nói trống không:

- Lạ nhỉ, cái tách trà này, ông chủ tôi đề giá là mười lăm đồng, nhưng khi nào tôi ra thu dọn, lau bụi tôi cứ thấy bị sửa lại là hai mươi đồng. Vì giá cao nên chẳng ai mua. Bây giờ bà mang ra đây nó lại trở về giá mười lăm đồng.

Hà cười nói:

- Số tôi may, hôm nay chính ông chủ thấy tôi cũng là người Á Đông nên ông bớt cho tôi năm đồng, ông ấy lấy bút mới sửa tức thì đấy.
Cô thâu ngân tròn mắt:

- Ở đây làm gì có người Á Đông nào. Chủ tiệm là người Mỹ, tôi cũng là người Mỹ, hơn nữa ngày hôm nay chỉ có mình tôi ở đây, ông chủ bận không ra được. Bà có đùa cho vui không đấy?

Hà nghe lạnh buốt sau lưng. Nàng quay đầu lại, cố nhìn về phía kệ để bát đĩa, tuyệt nhiên không có bóng một ai, sát sau lưng kệ là bức tường ngang, chẳng có cánh cửa nào. Thế người đàn ông đó ở đâu ra? Nàng im lặng hấp tấp trả tiền rồi đi như chạy ra xe.

Suốt trên đường về nhà, Đoàn lái xe, ngưng lại, nghỉ giải lao. Hà cứ im lặng, chỉ trả lời những khi Đoàn hỏi làm Đoàn phải ngạc nhiên tưởng Hà bệnh.

- Em sao vậy, em bệnh à?

- Không, em không sao cả.


Hà nói dối. Nàng đang hoang mang không biết cái ông Á Đông nói chuyện về cái tách trà hoa mai ở đâu ra.Tiệm chỉ có bốn bức tường, không phải là một cái nhà ở, nơi đó không có thêm gian nào ngoài gian bán hàng. Mà sao ông ấy lại sửa giá tới, sửa giá lui để chờ nàng tới mua. Sao ông biết nàng sẽ tới.

Bỗng Hà thấy đau quặn ruột, nàng nghĩ ra rồi. Ông ấy là người Việt Nam. Ông ấy đã đi qua chiến tranh, qua mất mát, qua tù đầy, qua Mỹ và qua đời rồi.

Cái tách trà này trước đây là của gia đình ông. Ông muốn trao cho một người biết trân quý nó. Hà ôm chặt cái gói giấy vào lòng, nước mắt ràn rụa.

Nàng đã nói chuyện với một hồn ma, một cái hồn tha hương thất lạc tìm về quá khứ trong những ngày cuối năm.

Đêm ba mươi, Hà thắp nhang, pha trà để lên bàn thờ cha mẹ xong, nàng mang cái tách hoa mai vàng ra, cầm lên ngắm nghía. Hà thấy lòng nàng nao nao xúc động, nghĩ đến người đàn ông Á Đông trong tiệm đồ cũ. Ông có thật hay không? Hay nàng chỉ tưởng tượng ra vào những ngày cuối năm âm lịch, những ngày mà hồn nàng chao đảo nhất.

Nàng xót xa lan man nghĩ tới những người đàn ông Việt Nam đã đi qua chiến tranh, qua tù đầy, qua một nước khác không phải quê hương mình để sống nốt những ngày còn lại rồi qua đời ở quê người. Toàn là những vượt qua thống khổ, ngậm ngùi.

Nàng rót trà vào cái tách hoa mai, cúi xuống, nói nho nhỏ:

- Xin mời ông ngụm trà đầu năm trong cái tách mai vàng gia bảo này.

Hà đợi cho tàn hết một tuần nhang, mở cửa ra trước hiên nhà, cầm tách trà rót xuống mặt đất tân niên.

Những cánh mai trong tách như theo nhau trôi vào lòng đất.
Trần Mộng Tú
Giao Thừa Giáp Ngọ
2014





NGƯỜI VIỆT…KIỀU…XẤU XÍ






Người Việt “Năm Bờ Oăn”

Tác giả: Chu Tất Tiến





Thật đấy, nói “Người Việt Năm Bờ Oăn” không sai tí nào! Hồi Tư tôi còn ở quê, đọc thư bạn bè, bà con từ Mỹ gửi về, cứ tả oán là “Câm, Què, Đui, Điếc”, không biết nói tiếng Anh là câm, không biết đi xe là què, không biết chữ là đui, không nghe được gì là điếc. Mỹ gọi thì chỉ biết “Dét, Sơ”, lâu lâu nói lộn thành “Nô, Sơ!”, ngoài ra thì vất vả, cực khổ lắm.

Thế nhưng khi qua Mỹ theo diện “hát ô”, thì Tư tôi tá hỏa tam tinh, vì thấy hoàn toàn ngược lại những gì mình nghe khi trước. Người Việt mình, sau 15 năm tái định cư, đã trở thành Năm Bờ Oăn hết rồi! Cứ đi chợ thì biết liền, các bà vô chợ lục tung tất cả trái cây, rau củ của người ta lên mà lựa tan nát, coi cuộc đời cứ như củ khoai ấy. Có những thùng Lê ngon, giá cao, đã để trong hộp đàng hoàng, và dán chữ “Xin đừng lựa”, các ông bà Năm Bờ Oăn cứ tỉnh bơ, nhặt trong chồng hộp ấy, quả nào to nhất, ngon nhất thì cho vào hộp mình, rồi tàn tàn ra tính tiền, để mặc đống quả kém kém chút chút kia nằm tụm năm, tụm ba, ngơ ngác.

Túi cam cũng thế, mặc dù tính tiền theo túi, các bà cũng tháo giây cột miệng túi ra, lựa cho đã rồi cột dây lại, coi như không có gì xẩy ra. Lại còn chỉ cho nhau mánh lựa cam ngon nữa chứ! Lựa trái làm rớt lỏng chỏng dưới đất, thi lấy chân đá vào gậm, đôi khi cũng chả thèm đá cho bẩn chân. Mấy vị mua cá nhờ chợ làm giùm cũng ít khi nói lời cảm ơn với người đã giúp gọt vẩy, rửa ruột. Vài vị khác thì lựa cho đã, đưa người làm rồi bỏ đi luôn, không thèm trở lại. Ra tới quầy tính tiền, thì chả toàn thấy những bộ mặt đưa đám. Không thấy có nụ cười nào cả. Người tính tiền cứ lầm lầm lì lì làm việc, khiến người mua cũng tiếc một lời cám ơn. Chả ai cám ơn ai! Ai cũng Năm bờ Oăn mà!

Bữa hổm, Tư tôi đến chợ Mỹ, đang đứng chờ một chiếc xe ra để đậu xe mình vào, khi chiếc xe trong de ra ngoài rồi, mừng húm đang tính gài số quẹo vô, chợt một chiếc xe khác phóng vèo tới, quẹo gắt một cái, thắng cái két. Tư tôi tức quá, tính “sổ nho chùm” cho bõ ghét, thì thấy cửa xe mở, một bà Năm Bờ Oăn bước xuống, mặc đồ bộ trắng muốt, nhìn thấy rõ đồ đạc bên trong, tay lại cắp cái nón lá! Tư tôi ngồi như trời trồng luôn. Thiệt! Coi nước Mỹ này y hệt cái củ khoai tây..



Mặc áo ngủ đi chợ Mỹ! Lại cắp nón lá đặc trưng của người Việt nữa chứ! Hết biết luôn! Lúc ấy, nếu có ai hỏi tôi là người giống gì, chắc Tư tôi sẽ nói tôi là người Nhật! Không dám nhận cùng giòng giống Tiên Rồng nữa… Hồi mới sang, Tư tôi còn bị tá hỏa tam tinh khi đang rề rề xe vào chỗ quẹo trái ở Bolsa, thì vù một cái, một chiếc xe cù lũ sỉ ào qua mặt, thắng cái rét trước mặt mình ngay tại chỗ quẹo. Hết hồn hết vía, Tư tôi thắng gấp, bẻ tay lái đâm vào con lươn “ình” một cái, miệng rủa thầm “thằng nào chết bầm” chơi mình, tí nữa thì đụng đít nó, là bảo hiểm tăng.. Sau này, hỏi ra, mới biết đó là trò của mấy trự Năm Bờ Oăn, cứ đi xe cà là tàng, rồi tìm cách cho xe khác đụng đít để ăn tiền bảo hiểm. Vụ này xẩy ra nhiều lắm, làm các hãng bảo hiểm cứ thấy dân Mít bị đụng, nhất là thấy trên xe có mấy trự choai choai, thì điều tra rất kỹ. Nhưng nghe nói, trời không dung cái trò gian lận này, một Tổ Sư chuyên dàn xếp cho bị đụng đã bị một cú quá cỡ thợ mộc, chiếc xe dúm lại như đàn accordion, mấy mạng trên xe về chầu trời hết, nên từ đó, bớt các vụ dàn dựng.



Người ta nói cộng đồng Việt hải ngoại là nơi “gió tanh, mưa máu” đúng thiệt. Cũng vì ai cũng cho mình là nhất thiên hạ, nên mỗi lần bầu bán chức chưởng gì đó, ở bất cứ tiểu bang nào, là các thứ vũ khí độc hại bay đầy trời. Từ truyền đơn, đến đài phát thanh, đến báo lá cải.. Mấy tên tay sai cộng sản nằm vùng cũng có báo tuần, lợi dụng cơ hội, là nhấy vô ăn có, thế là không gian bị nhiễm độc, người người nhức đầu, mệt mỏi, lánh xa mấy công tác cứu dân, cứu nước. Ai cũng sợ bị dính loại thuốc độc vô hình này, nên các hoạt động cộng đồng dần dần bị thu hẹp ở những nơi làm việc, nhưng điều tréo cẳng ngỗng là các hoạt động ấy lại nở ra tại các phòng tập thể dục gọi là “spa” ở gần Thủ Đô Tị Nạn.

Tại các hồ nước nóng, trong các phòng xông hơi, xông nước, các trự phê bình chính trị cứ ào ào tuôn ra hàng tràng lý luận, gọi mọi người đều là “thằng, con” hết. Vì tiếng Việt bị vặn “volume” hết cỡ, nên người Mỹ từ từ lảng đi, dần dần trong mấy cái “spa” gần Bolsa chỉ thấy các vị Năm Bờ Oăn chiếm đóng. Nhất là tại chỗ máy chạy bộ, người ta đang lẳng lặng đứng chờ tới phiên, thì khi một cái máy vừa trống, một vị nữ lưu phe ta, vèo một cái phóng vô chiếm ngay, rồi nhét nút tai bằng hai cái máy nghe, tỉnh bơ đạp đạp trước mắt tức tối của những người khác. Đã có lần, Tư tôi thấy hai vị cãi lộn, rồi vị đứng dưới kéo giật vị đứng trên té sấp mặt xuống đất. Security phải mời cả hai vị ra ngoài. Mắc cở quá xá chừng! Nghe nói là trong phòng thay đồ, mấy nữ lưu Năm Bờ Oăn cứ tỉnh bơ để đồ thiên nhiên chạy qua chạy lại, í a, í ới và hát ông ổng “Đời tôi cô đơn nên yêu bao nhiêu cũng cô đơn..” làm Mỹ gái chạy tóe khói.

Thời buổi thay đổi, “Lady first”, nên quý bà bây giờ bạo dạn quá. Trong các chương trình khám bệnh sản khoa trên “la-dô”, các bà cứ tưng tửng đưa chuyên phòng the, chuyện… mình ra mà hỏi những câu thật ớn lạnh. Và các bác sĩ cũng phải tỉnh bơ mà cho toa.. nghe rùng mình. Tưởng tượng các chàng trai sồn sồn chưa có vợ, mà nghe đối thoại qua lại về những căn bệnh phụ nữ thế thì chắc.. thà chết già còn hơn lấy vợ. Hãi quá! Không còn “bàn tay năm ngón kiêu sa…dáng huyền tha thướt trong gió chiều…” mà chỉ có hình ảnh người phụ nữ với đủ thứ bệnh đáng sợ! Nhất là lại gặp các bà trong các tiệm bán quần áo, đồ phụ nữ, nghe các bà “Nổ” kinh hoàng. “Tui mà hát thì người ta cứ tưởng Thanh Lan đấy!”, “Giọng tui nghe giống Lệ Thu không, mấy bạn?” Trời đất! Những Thanh Lan, Lệ Thu này, những người có thể mắng chồng trước mặt bạn bè, mà khi đi ăn nhà hàng thì nhồm nhoàm như người đói bẩy ngày, gắp lấy gắp để. Đĩa tôm hùm vừa mang ra, là bà lấy đũa của mình ra khoắng, lật tung đĩa lên mà tìm miếng nạc. Tiệc cưới chưa xong, đã vội kêu “Tu gô đi!” rồi mang về lủng lẳng hai tay mấy gói. Tư tôi đã chứng kiến môt buổi ra mắt sách đau khổ. Tác giả mua sẵn những hộp nhựa, mỗi hộp là một phần cơm nhẹ để trên bàn dài gần cửa. Chương trình chưa xong, tác giả chưa ký sách, thì các vị Năm bờ Oăn đã ẵm nhẹ hết bàn ăn rồi tửng tửng ra xe, trên tay ba bốn bịch.. làm tác giả đứng chới với, vừa cười vừa khóc.

Về nhà hàng cũng đặc biệt hơn người. Có chủ nhà hàng ở gần khu Thủ Đô Tị Nạn thu hết tiền Tip của nhân viên, là những người tị nạn kém may mắn. Có ông chủ nhà hàng tiếp khách bằng khuôn mặt lạnh như tiền, giống như nhà vừa có đám ma, ai hỏi thêm chút rau, chút giá thì tỏ vẻ khó chịu, y hệt mấy tiệm “phở chửi ở Hà Nội”. Đặc biệt nữa là thịt gà trong phở gà ở đây, thay vì để miếng chặt vừa phải như các tiệm khác, lại thái nhỏ, xắt lát như thái thịt bò, trông thấy chán, vậy mà người mình cũng cứ nhẫn nhục đến ăn. Kỳ thiệt đó! Có lẽ ông chủ ở đây cũng là một Năm Bờ Oăn, ai thích ăn đồ của ông thì cứ lại, không cần chiều khách.



Nói về thái độ thân thiện, Tư tôi mới thấy người mình Nhất đủ thứ, coi trời bằng vung thiệt. Có những vị nổi tiếng không thích bắt tay thiên hạ, mà chỉ đưa ra năm trái chuối mềm nhũn, sắp thối cho mình nắm trong khi lại đưa mắt nhìn ra xa, suy tư, không cần nhìn mặt người bắt tay mình…Tư tôi khâm phục quá! Thế mới đúng là Dân Việt Thành Công chứ! Phải có bộ dạng thế mới là Năm Bờ Oăn! Chứ còn bắt tay chặt chẽ thì xuống giá mất!



Chả thế mà trên diễn đàn, đa số các vị gửi bài lên Net, đều coi thiên hạ là những củ khoai ngu ngốc cả. Tha hồ mà bình loạn! Tha hồ mà gọi những vị đã từng lãnh đạo đất nước ngày trước, những nhà văn, nhà thơ khác, những chính trị gia đang tranh đấu cho dân tộc, những sĩ quan cao cấp cũ là “thằng này, thằng nọ”. Ngay cả Tổng Thống Mỹ cũng không thoát khỏi bị goi là “thằng”! Không cần kính trọng ai! Cứ chửi tá lả! Rồi phê bình lịch sử dưới cặp mắt của những anh chị Cầu Ông Lãnh, nghĩa là muốn áp đặt ý kiến của mình vào bất cứ giai đoạn nào, bất cứ nhân vật nào cũng được, ai viết khác ý là đập tơi bời, bằng cả tiếng Đan Mạch nữa!



Thiệt đáng nể cho dân Việt ta trên mọi phương diện! Nhớ lại trong thập niên trước, cả Bolsa tưng bừng cảnh sát đi bố ráp một loạt những ông làm luật, những Lương Y bán thuốc, khám bệnh mà gian lận tiền bảo hiểm, tiền Medical… Có điều là chính phủ vì sợ dân Việt nên vẫn bỏ qua các vị chuyên viên nắn bóp, châm cứu mà tự xưng là Bác Sĩ, dụ ngon dỗ ngọt thiên hạ mua cao đơn hoàn tán, trị bá bệnh luôn! Chỉ mấy viên bột tròn tròn, pha trộn thuốc Tây, mà chữa đủ thứ, từ ung thư đến bao tử, từ cao mỡ đến cao máu, đến đau nhức phong thấp, tim mạch và cả làm đẹp ra nữa. Gần đây, sau vụ Sữa Ong Chúa bị bể, lại có vụ bán “tế bào gốc” để làm đẹp! Rẻ hề! Tuy người nghe đôi khi thắc mắc là lấy đâu ra tế bào gốc nhiều thế và rẻ thế, nhưng có lẽ vì tin rằng người mình luôn Năm Bờ Oăn, nên lại tin theo. Nhất là lại nghe nói chắc chắn rằng “Thuốc này đã được FDA chấp thuận”, nên mua ào ào làm giầu cho mấy Vị Bác Sĩ mà Hải Thượng Lãn Ông cũng có lẽ phải gọi bằng Sư Phụ!



Thôi, thì được thế thì cũng mừng cho dân tộc ta, tiến nhanh, tiến mạnh hơn các sắc dân khác cũng ngụ cư trên đất Mỹ này. Sang sau mà khá hơn người cũ thì đó là điềm tốt. Chúc mừng! Chúc mừng! Chỉ xin một điều là đừng có tiến nhanh lên giai cấp lừa đảo, lưu manh, gạt gẫm đồng hương, gà què ăn quẩn cối xay, thì xấu hổ lây cho cả cộng đồng Việt trên toàn thế giới.

Chu tất Tiến

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

VÀI LỜI THƯA ÔNG TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG





Kính thưa ông Nguyễn Phú Trọng, TBT ĐCSVN và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước VN!
Tôi là một nhà văn ở TPHCM, không Đảng viên, không công chức, nhưng quá bức xúc trước tình trạng trắng đen lẫn lộn, thiện ác mất minh, nhất là những người mang danh tri thức hay dựa vào hình mẫu nước ngoài làm căn cứ để chống phá Đảng và Nhà nước, tôi lại mới cho đăng bài “Lật đổ chế độ bằng chữ nghĩa” trên số Báo Văn Nghệ TPHCM mới nhất (20-2-2014).

Nhưng tôi luôn có một nỗi lo âu thường trực. Với những kẻ chống chế độ đã lộ mặt tôi thấy không nguy hiểm bằng những kẻ xấu, kẻ dốt còn chưa lộ mặt vẫn ở trong thể chế. Chúng vẫn cố diễn tròn những vai diễn trong thể chế để trục lợi. Nhưng có những việc chúng làm quá trắng trợn. Như những kẻ đứng đằng sau vụ quật mồ phạm pháp Liệt sĩ Cấn Văn Học anh ruột Cựu Chiến Binh Cấn Văn Hành ở Bình Phước mới xảy ra là một ví dụ nóng hổi nhất. Bọn chúng đúng là bọn “cướp ngày” trong hai câu ca dao khi dân ta một cổ hai tròng thực dân và phong kiến ngày nào:
Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan.
Sau khi báo cáo Huyện đội Xuyên Mộc, được sự giúp đỡ và giám sát của Huyện đội, dưới sự chỉ dẫn của cô Vũ Thị Hòa, ông Hành đã tìm thấy được hài cốt của anh mình là LS Cấn Văn Học. Liệt sĩ Cấn Văn Học đã được Huyện đội Bù Đăng cùng các phòng, ban truy điệu long trọng rồi được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Bù Đăng. Vậy tại sao chỉ từ một đơn tố cáo bậy bạ vì tư thù của một kẻ từng bị tố “đóng giả phóng viên mua bán xác Mỹ”, người ta đã quật mồ Liệt sĩ Cấn Văn Học một cách phạm pháp. Nếu thế cả Huyện đội Xuyên Mộc và Huyện đội Bù Đăng cũng là đồng phạm với ông Hành sao? Họ đã bưng bít mang hài cốt đi. Trấn lột điện thoại của chị Tuấn là người thân quen với ông Hành do đã quay phim, còn cho người ám sát chị Tuấn không thành nữa. Vậy bộ hài cốt đó sao còn là chứng cớ khách quan nếu họ đánh tráo mọi thứ? Có pháp luật nào lại tiến hành điều tra theo kiểu rừng rú như vậy?
Vậy ai là kẻ đứng sau việc chà đạp lên đạo lý và công lý này?
Có một điều bất thường nữa là VTV và một loạt tướng, tá của Bộ Quốc Phòng đang vào hùa nhau chống ngoại cảm, không chỉ những kẻ giả danh lừa đảo mà là tất cả. Ông Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng nói: “không nên tin các nhà ngoại cảm”. Đây là câu nói mâu thuẫn với chính ông, vì theo đề nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Quốc Phòng từng mời nhà ngoại cảm Bích Hằng tìm giúp cái đầu LS Phùng Chí Kiên! Nói vậy ông đã phớt lờ thực tế ngoại cảm đã diễn ra ở nước ta trong suốt thời gian dài vừa qua. Các nhà ngoại cảm từng tìm được hàng chục vạn liệt sĩ, trong đó có cả các nhà cách mạng và hai Cố TBT Trần Phú và Hà Huy Tập. Nhà nước từng tổ chức các cuộc khảo nghiệm, Viện Khoa học Hình sự của cả Công an và Quân đội từng chứng nhận khả năng ngoại cảm là có thực. Vì vậy, các nhà lãnh đạo các thời kỳ cũng đã từng khen ngợi các nhà ngoại cảm, như Thủ tướng Phan Văn Khải trước đây và chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây còn tặng Bằng khen cho Nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nghi nữa.
Như vậy, ông Đại tướng Phùng Quang Thanh “đếch” biết gì về ngoại cảm, nói như trên là nói lăng nhăng! Tôi sẵn sàng ra tòa nếu bị ông kiện. Còn về chuyên môn quốc phòng của ông, theo tôi để tàu lạ tấn công tự do tàu của ngư dân ta thì trách nhiệm của ông xem ra cũng có vấn đề! Ông nên chú tâm làm quốc phòng đi thì hơn. Quan nhất thời chân lý là vạn đại! Ông không thể làm Bộ trưởng Quốc phòng mãi để mà nói bừa đâu!
Thưa ông TBT Nguyễn Phú Trọng!
Với tư cách một nhà văn nghiên cứu lý luận, phê bình (Giải thưởng Lý luận, Phê bình 2013 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam), hiện viết chính luận nhiều nhất bảo vệ Đảng và chế độ hiện nay, nhiều hơn cả các báo của Bộ Quốc phòng của ông Thanh, tôi có rất nhiều lo âu. Đặng Tiểu Bình, cái ông từng là “chủ mưu” tiến hành các cuộc Chiến tranh Biên giới 1979 chống VN, chắc là dân Việt không ai ưa ông này, nhưng trí tuệ của ông ta thì cần phải nghiên cứu. Ông ta từng nói ý, giữa những kẻ xấu muốn chống chế độ thì tả nguy hiểm hơn hữu. Vì hữu lộ mặt ai cũng biết, còn tả chúng nhân danh chính ta làm hại ta. Với Liên Xô, một đất nước vĩ đại, ngay hôm nay chúng ta cũng còn lâu mới đạt được trình độ khoa học công nghệ thời họ tan vỡ, nhưng vì sai lầm trong công tác cán bộ, có ai ngờ Goóc-ba-chov, một kẻ phản bội lại leo lên chức cao nhất là Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô, Tổng thống Liên Xô, chính hắn là nguyên nhân chủ yếu làm tan vỡ LX!
Vì vậy rất mong ông cùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, đưa Nhà nước ta ra khỏi “nguy cơ tồn vong” mà chính ông, vốn là một nhà lý luận được đào tạo bài bản tại Liên Xô, đã hiểu rất sâu sắc.
Sau đây là bài đăng báo của tôi. Mấy con “rận” nên nhớ, bài tớ đăng là nguyên bản của tớ, còn muốn đánh báo Văn nghệ TPHCM thì nên mua báo mà đọc nhá!
21-2-2014
ĐÔNG LA

ĐÔNG LA
LẬT ĐỔ CHẾ ĐỘ BẰNG CHỮ NGHĨA


Trong KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992, một trong những nguyên cớ chủ yếu mà những người soạn thảo đã dựa vào để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCS và lật đổ chế độ là: “Nếu hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền”.
Thực ra nói như trên họ cũng chỉ nhai lại những nguyên lý chung như con vẹt. Khi nói đến “quyền làm chủ của nhân dân” là nói bản chất chung nhất của một nền cộng hòa để đối lập với nền quân chủ phong kiến trước đây. Còn thực tế, một xã hội dân chủ với “quyền làm chủ của nhân dân” cũng không có nghĩa là "một phiếu bầu bằng nhau cho mỗi người trưởng thành". Trước kia, quyền được bầu cử của một người đều phải phụ thuộc vào điều kiện tài chính, giới tính, chủng tộc. Các nước dân chủ phương Tây qua những bài học từ quá khứ từng cho nền dân chủ trực tiếp là nguy hiểm và không thực tế nên đa số đã thực hiện một nền dân chủ đại diện.
Những người viết "KIẾN NGHỊ" đã dõng dạc: “Chúng tôi yêu cầu sửa Dự thảo theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn về Quyền Con người năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia”. Rồi họ đã dựa vào bản Hiến pháp của nước Mỹ để đưa ra Dự thảo của họ. Hà Văn Thịnh, Đại học Khoa học Huế , người có trong danh sách “Kiến nghị”, trên trang “Bô sít” của Huệ Chi còn mang Hiến pháp Mỹ ra dọa thiên hạ, coi như chuẩn mực của tự do dân chủ: “Nguyên tắc này khẳng định rõ những điều không bao giờ thay đổi như quyền tư hữu là thiêng liêng và bất khả xâm phạm; quyền sống, quyền tự do và quyền kiếm tìm hạnh phúc như Tuyên ngôn Độc lập đã chỉ ra; quyền người dân ủy nhiệm cho chính quyền, nhân dân có quyền bầu lên và bãi nhiệm chính quyền đó”.
Vậy thực chất nền dân chủ Mỹ là như thế nào?
Trên trang thieulongtexas/blog, của một bạn trẻ Việt kiều Mỹ, đã cho biết rất rõ về nền dân chủ Mỹ. Bầu cử tổng thống tại Mỹ là bầu theo Cử Tri Đoàn (Electoral College), người dân chỉ có quyền bầu các đại biểu (electors hay representatives) vào cử tri đoàn, rồi cư tri đoàn bầu tổng thống, chứ người dân không được quyền trực tiếp bầu tổng thống.
Chúng ta hãy xem chính những chính trị gia, những trí thức hàng đầu của Mỹ nói về nền dân chủ tại đất nước họ.
Noam Chomsky, người mà tờ tạp chí Anh Prospect đã cho là nhà trí thức hàng đầu trên thế giới, đã trả lời Tạp chí SPIEGEL của Đức.
SPIEGEL: Như vậy theo ông thì phe Cộng hòa và phe Dân chủ chỉ là những dạng khác nhau của một đường lối chính trị chung?
Chomsky: Tất nhiên là có những khác biệt, nhưng không phải là cơ bản. Đừng có ai nên ảo tưởng. Thực chất Mỹ là một chế độ độc đảng, và cái đảng cầm quyền là Đảng Kinh doanh(Natürlich gibt es Unterschiede, aber sie sind nicht fundamental. Niemand sollte sich Illusionen machen. Die USA sind im Kern ein Einparteiensystem, und diese eine regierende Partei ist die Business-Partei).
Ở chỗ khác ông nói: “năm 1787 tại hội nghị hiến pháp, James Madison, một trong những “khai quốc công thần” của nước Mỹ, đã tán thành quan niệm rằng chính quyền nhà nước có nhiệm vụ "bảo vệ nhóm thiểu số giàu có trước nhóm đa số"… Thậm chí một người thiên về chủ nghĩa tự do như Walter Lippmann, một trong những trí thức hàng đầu của thế kỉ 20, đã có ý kiến rằng trong một chế độ dân chủ hoạt động tốt thì nhóm thiểu số thông minh, đó là những người lên nắm quyền, phải được bảo vệ trước sự "giày xéo và la hét của một bầy đàn bối rối". Còn ở phe bảo thủ thì mới đây, phó Tổng thống Dick Cheney đã minh họa cách hiểu dân chủ của mình. Khi được hỏi tại sao ông ủng hộ duy trì cuộc chiến Iraq, trong khi đa số dân chúng phản đối cuộc chiến này, thì câu trả lời của ông ta là: "Thế thì đã sao?" (Spiegel số 41/20 ngày 06.10.2008).

Bình luận gia và nhà văn nổi tiếng Gore Vidal trả lời câu hỏi: “Có cái gì khác biệt giữa Gore và Bush?”, từng là 2 ứng viên tổng thống, như sau:
“Chúng ta có một đảng chính trị - đảng công ty Mỹ quốc, một đảng về tài sản (We have one political party - the party of corporateAmerica, the property party)”

Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Felix Frankfurter đã từng nói:
“Những người thật sự cai trị ở Washington là vô hình, và thực thi quyền hành từ sau hậu trường”.

Cựu Thống đốc, Thượng nghị sĩ Mỹ Huey Long thú nhận bản chất chính quyền của mình:
"Bị hư hỏng bởi sự giàu sang và quyền lực, chính quyền của bạn giống như một cái nhà hàng với một món ăn. Họ cho một đám hầu bàn Cộng hòa đứng một bên và một đám hầu bàn Dân chủ đứng một bên. Không cần biết đám hầu bàn nào bưng dĩa thức ăn ra cho bạn, món ăn lập pháp đều được chuẩn bị trong nhà bếp của phố Wall". ("Corrupted by wealth and power, your government is like a restaurant with only one dish. They’ve got a set of Republican waiters on one side and a set of Democratic waiters on the other side. But no matter which set of waiters brings you the dish, the legislative grub is all prepared in the same Wall Street kitchen").
Tôi thấy thật kỳ lạ, sau các cuộc bầu cử rầm rộ và cực kỳ tốn kém, có những tổng thống được dân Mỹ bầu ra lại có những chính sách làm hại chính đất nước và dân nước mình. Như mấy đời tổng thống Mỹ đã duy trì cuộc chiến Việt Nam thế chân Pháp đã tiêu tốn cả ngàn tỷ đô-la và giết chết gần 60.000 người dân Mỹ chẳng hạn. Gore Vidal đã cho rằng các chi phí quốc phòng đã phá hoại nền kinh tế nước Mỹ. Sau khi mở cuộc chiến Afghanistan, ông Bush đã mở cuộc chiến Iraq thực tế chỉ vì các nhà đại tư bản muốn chiếm các mỏ dầu lửa lớn tại Iraq chứ chẳng có ai tìm thấy vũ khí giết người hàng loạt ở đâu cả. Iraq có hai mỏ dầu lớn ở phía Nam. Họ dự trù đến năm 2017 sẽ khai thác được mỗi ngày khoảng 8 triệu thùng. Đây cũng là lý do khiến ông Romney chủ trương phải giữ lại ở Iraq10.000 quân, dùng xương máu của người lính Mỹ canh gác cho họ khai thác dầu. Chính các cuộc chiến tranh đã mang lại lợi nhuận cho các tập đoàn quân sự, an ninh. Chuyện xả súng giết người hàng loạt là một vấn nạn của xã hội Mỹ nhưng nước Mỹ không thể cấm bán súng vì những ông chủ buôn bán súng sẽ bị thiệt hại. Doanh số từ việc bán súng đạn tại thị trường nội địa Mỹ hiện khoảng 3.5 tỷ USD một năm!
Paul Craig Roberts là một kinh tế gia, từng giữ chức vụ Phụ tá Thư ký Bộ Ngân khố trong chính phủ Reagan, người đồng sáng lập Reaganomics, viết:
“Washington bị điều khiển bằng những nhóm lợi ích có quyền lực lớn, chứ không phải bằng bầu cử. Cái mà hai đảng tranh giành không phải là cái nhìn chính trị khác nhau hoặc chương trình lập pháp khác nhau, mà là đảng nào sẽ được làm con đĩ cho Wall Street, nhóm phức hợp quân sự, nhóm vận động của Do thái, nhóm nông nghiệp, năng lượng, khai thác mỏ, và khai thác gỗ”.

Như vậy, những người viết và ủng hộ bản “Kiến nghị” đòi thay đổi hiến pháp ở ta thật khó có lý khi dựa vào hiến pháp cũng như nền dân chủ Mỹ.
Họ viết:
“Dự thảo … có nhiều điểm chưa phù hợp với các quy định và chuẩn mực quốc tế về quyền con người; như các quy định trong Dự thảo về giới hạn quyền (Điều 15), “không lợi dụng quyền con người, quyền công dân” (Điều 16), “quyền không tách rời nghĩa vụ” (Điều 20).
Dự thảo còn quy định quá nhiều nghĩa vụ một cách tùy tiện (Điều 41, Điều 42, Điều 49)”.
Trong khi đó, Điều 41 của Dự thảo của Quốc hội viết:
“2. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng.
Điều 49 (sửa đổi, bổ sung Điều 79)
Công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”.
Họ viết:
“Việc nhấn mạnh trong Dự thảo các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, việc đưa cụm từ “theo quy định của pháp luật”, … nhằm hạn chế những quyền đó sẽ mở đường cho việc nhân danh hiến pháp để vi phạm quyền con người, đàn áp các công dân thực thi quyền tự do như đã diễn ra trong thực tế những năm qua ở nước ta”.
Như vậy, nếu theo họ “tự do dân chủ” không “theo quy định của pháp luật”, thì phải chăng họ muốn một xã hội làm loạn?
Về ĐCSVN, trong bản “Kiến nghị”, họ viết: “Lời nói đầu không phải là chỗ để tuyên dương công trạng của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào” mục đích là để chống lại đoạn này của Dự thảo của Quốc hội:
“Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời”.
Điều này rõ ràng là sự thực đã trở thành những sự kiện lịch sử. Từ đó dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác, dân tộc ta còn viết nên những trang sử vàng chói lọi nhất trong toàn bộ lịch sử đất nước. Cần phải hiểu Đảng cũng từ nhân dân mà ra chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Những nhà lãnh đạo cũng được lựa chọn qua thực tiễn chứ hoàn toàn không phải nghiễm nhiên làm lãnh đạo như những ông vua với "thiên mệnh" và được coi là "thiên tử", cha truyền con nối của xã hội phong kiến. Thời dân ta mất nước và trong hai cuộc kháng chiến, dường như khí thiêng sông núi đã sinh ra những con người vĩ đại và trao cho họ sứ mệnh giải phóng đất nước, giành lại chủ quyền dân tộc. Nếu nhân dân không ủng hộ, không tin theo, làm sao các cuộc cách mạng do họ lãnh đạo lại có thể thành công? Sự lãnh đạo của Đảng hôm nay là sự kế thừa của cả một quá trình đó.
Một số người hay nói sự tan rã LX và mất quyền của ĐCSLX như là tấm gương mà VN cần noi theo. Nhưng giữa VN và LX có sự ngược nhau. Nếu nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng giành lại chủ quyền đất nước, thì khi ĐCSLX được thành lập, hơn chục nước cộng hòa đã “mất nước”. Nên sự tan rã và mất quyền của ĐCSLX chỉ một phần do sai lầm của Gorbachov và tham vọng của Yeltsin mà cái chính là do chủ nghĩa quốc gia, tất cả các nước cộng hòa đều muốn trở lại độc lập như xưa.
Nếu hiện tại sự lãnh đạo của ĐCSVN có khiếm khuyết, sai trái thì sửa chữa. Thực tế đang diễn ra cái nỗ lực đó. Còn những khó khăn mà nước ta đang đối mặt cũng là tình hình chung trên thế giới. Có ai ngờ những nước tiên tiến, từ chính trị, khoa học công nghệ đến văn hóa, tưởng xã hội họ đã toàn bích, đã đến được thiên đường, vậy mà hôm nay họ cũng đang phải đối mặt với thất nghiệp, suy thoái, nợ công. Cuộc Biểu tình Phố Wall lan ra khắp nước Mỹ ngày nào thực chất là: “Đây là một cuộc biểu tình của 99% chống lại quyền lực bất cân bằng của 1%”. Chính Bill Gates cũng phê phán sự bất công đó khi nói về "Chủ nghĩa Tư bản Sáng tạo”: “Chủ nghĩa tư bản đã cải thiện cuộc sống của hàng tỉ người trên khắp hành tinh… Nhưng CNTB cũng đã bỏ lại hàng tỉ người phía sau trên con đường cải tiến của nó… phúc lợi không giành cho tất cả mọi người. Có 1 tỉ người trên hành tinh của chúng ta sống ở mức dưới 1 đô la mỗi ngày. Họ không có đủ thức ăn dinh dưỡng, nước sạch và điện thắp sáng”.
Như vậy, có lẽ nào một nhóm người tôi cao, trí thấp, tâm tối, với những ảo tưởng theo những hình mẫu này nọ, có khác gì muốn xây lâu đài trên cát, lại bỗng chốc muốn lật nhào tất cả!
Trong bài VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG “ĐỔI MỚI” tranh luận với GSTS toán học Phan đình Diệu về Dân chủ và Đa nguyên, tôi đã trích ý của ông Nguyễn Cao Kỳ, một cựu thù của chế độ, qua bài của GS Trần Chung Ngọc:
“Cựu Tướng Không Quân nói rằng một chính quyền độc đảng mang đến “sự ổn định và kỷ luật” thì cần thiết cho Việt Nam để ra khỏi sự nghèo khổ”; “Tôi cho rằng thật là sai lầm khi một số người, đặc biệt là một số người Việt ở Mỹ, ngày nay đòi hỏi Việt Nam phải chấp nhận và thực hiện một nền dân chủ giống như nền dân chủ họ đang hưởng ở Mỹ. Quan niệm của tôi là, đó là một sự sai lầm. Nền dân chủ đó không thích hợp với Việt Nam trong tình thế hiện nay.” [The former air force general said a strong one-party government that provided "stability and discipline" was essential for Vietnam to escape the clutches of poverty… "I think it is very wrong that some, especially some Vietnamese overseas inAmerica , today are asking, demanding that Vietnam has to adopt some sort of democracy like they have in America . My personal opinion is that it is wrong. It does not fit Vietnam in the present situation," said Ky. ]
Khi được Jim Rohwer, Kinh tế Gia, hỏi: “Dân Chủ giúp, hay làm chướng ngại, hay không liên quan gì đến mức độ tiến nhanh như thế nào của các quốc gia Á Châu? (Is being a democracy a help, a hindrance, or irrelevant to how fast Asian countries can go?) Thủ Tướng Lý Quang Diệu đã trả lời:
- Nếu ông ở trong một xã hội nông nghiệp, tôi cho rằng dân chủ không làm cho xã hội tiến nhanh. Hãy coi Nam Hàn, Nhật, và Đài Loan. Trong những giai đoạn đầu họ cần đến, và đã có kỷ luật, trật tự, và sự cố gắng. [Chúng ta nên nhớ, Nam Hàn và Đài Loan, những quốc gia không có chiến tranh, không có hận thù nội bộ, cũng phải ở dưới chế độ độc tài quân phiệt trong 30 năm, từ 1950 đến 1980, rồi mới tiến tới dân chủ, nhưng cũng không phải là dân chủ Mỹ.] Họ phải tạo ra sự thặng dư về nông sản để bắt đầu làm cho mặt kỹ nghệ tiến. Không có chế độ quân phiệt, hay độc tài, hay chính phủ độc đoán ở Nam Hàn và Đài Loan, tôi không nghĩ rằng các quốc gia này có thể chuyển đổi mau như vậy.
-Trái lại, hãy coi Phi Luật Tân. Họ có dân chủ để tiến từ năm 1945. Họ chưa bao giờ tiến được bước nào; xã hội quá hỗn loạn. Nó trở thành một trò chơi trong phòng khách – ai lên cầm quyền, ai chiếm hữu được cái gì”… Nhưng một khi tiến tới một trình độ tiến bộ kỹ nghệ nào đó, ông đã có một lực lượng lao động có học, …Rồi ông có thể bắt đầu một xã hội công dân, với những người họp thành từng nhóm: chuyên gia, kỹ sư v..v.. … vì là những người có học, có tầm nhìn thế giới rộng rãi hơn, sẽ kéo những người cùng trình độ đến với nhau. Chỉ như vậy ông mới có thể bắt đầu cái mà tôi gọi là hạ tầng cơ sở dân chủ. [Chỉ mới là bắt đầu hạ tầng cơ sở dân chủ thôi]
Trong cuốn Asia Rising.., Jim Rohwer cũng đã đưa ra nhận xét sau:
“Ở Tây phương, dân chủ được coi như là chế độ chính quyền duy nhất mà một quốc gia văn minh phải theo... Trái lại, nhiều tư tưởng gia sống ở Á Châu cũng xét đến ý tưởng dân chủ nhưng lý luận mạnh mẽ là, một loại chủ thuyết độc đoán nào đó thì tốt hơn là dân chủ tự do và vô trách nhiệm. Điều này thật là dễ hiểu. Ở Á Châu ngày nay, chính phủ độc đoán thường không đưa đến sự gian khổ và chiến tranh mà là hòa bình, thịnh vượng, và bình đẳng.”
[In the West democracy is generally thought to be the only form of government by which a civilized society should consider running itself....By contrast, many thoughtful people living in Asia are open to the idea, and sometimes argue it vigorously, that a certain kind of authoritarianism is better than a freewheeling democracy. This is understandable. In modern Asia, authoritarian government has often brought not hardship and war but instead peace, prosperity, and equality.]
Những người soạn thảo và ký tên đồng tình bản “Kiến nghị” trên khi viết: “Lời nói đầu không phải là chỗ để tuyên dương công trạng của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào” phải chăng là những kẻ "ăn cháo đá bát", những kẻ vô ơn?
ĐÔNG LA

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Kí Ức Chiều Ba Mươi Tết


Truyện ngắn
Ngưng Thu



Hôm nay được tin bà vợ ông Bách vừa mới được đưa từ bệnh viện về, nghe nói kỳ này chắc không qua khỏi,vhình như là bác sỹ chạy rồi. Mấy cụ trong xóm bảo nhau:
- Đã ung thư rồi thì khó mà qua lắm.
Đó là một người đàn bà mà tôi nhớ mãi trong đời

Mẹ tôi vẫn ngồi đó,cái thớt vẫn còn nằm lọt trong cái trẹt nom cũng cũ kỹ lắm rồi, hai hàng nước mắt mẹ cứ chảy dài xuống má. Tôi đứng nhìn mẹ mà không biết nói gì, chỉ biết là thương mẹ lắm, nhưng tôi tính tình vốn hay rụt rè ít khi thể hiện tình cảm ra ngoài bằng cử chỉ hành động mà chỉ biết im lặng quan sát, lúc đó nước mắt của mẹ cũng làm tôi rưng rưng.

Sáng ba mươi tết, nhìn thấy sợi lạc treo cục thịt heo trên đầu bếp, mấy anh em tôi vui mừng đến sướng rơn cả người, mẹ nói là không có tiền mua sắm quần áo tết cho chúng tôi thì cũng hơi buồn chun chút nhưng nỗi buồn đó cũng qua thật nhanh khi biết là không có quần áo mới thì dù gì nhà mình cũng còn có thịt để ăn. Thằng em út tôi mới hai tuổi rưỡi, nhưng cũng khoái nhất món thịt kho với trứng của mợ tôi, mỗi khi cúng giỗ cậu mợ mang sang cho một ít, thể nào mẹ tôi cũng để dành cho nó. Út được mẹ cưng ghê lắm
- Út oi mà .
Mẹ hay nói thế mỗi lần ôm hôn Út

Tháng tết này gà trong nhà đẻ cũng đựơc vài ba chục trứng nhưng mẹ đem bán hết chỉ chừa lại cũng tròn mươi quả. Tưởng tượng tới món thịt kho trứng trong mấy ngày tết là mấy anh em tôi quên ngay mọi cái thiếu thốn khác mà cứ là sướng rơn trong bụng. Ôi ! cái mùi thịt mẹ kho thì mới tuyệt làm sao, chỉ nghĩ tới tôi cũng đã chảy cả nuớc miếng

Trưa đến hơn đứng bóng mẹ mới xong việc chợ đò, vừa gánh cái gánh về đến nhà là mẹ tay xắn áo xắn quần lau dọn nhà cửa làm đủ thứ việc. Ấy là ở nhà đã có mấy cha con dọn dẹp tổng vệ sinh nhà cửa, giặt mùng, giặt mền trước đó mấy hôm rồi. Vậy mà không biết việc đâu ra mà mẹ cứ quần quật suốt. Cũng tới lúc mẹ đem thịt ra chặt kho, tôi đang ở ngoài vườn cùng các em tôi, mấy đứa này đúng là …chỉ thích nghịch đất, mà cũng đúng thôi, con nhà nghèo như anh em chúng tôi có cái thứ trò chơi gì đâu, không nghịch đất em tôi chơi cái gì cớ chứ.

Có tiếng người gọi ngoài cổng. Mấy em tôi còn đang nghịch đất ngoài vườn, tôi là chị lớn nên hay phụ mẹ lo la rầy nhắc nhở và tắm rửa cho các em. Không biết mẹ và người đàn bà đó nói gì với nhau, một lát sau, người ấy đi ra, tay xách cái xâu thịt mà ba tôi treo trên bếp khi sáng. Tôi và các em tôi ngơ ngác không biết chuyện gì xảy ra với mẹ, chỉ thấy mẹ ngồi đó, nước mắt đâu mà mẹ cứ tuôn ra tuôn ra hoài thế không biết, các em tôi ngây thơ không hiểu gì đứa út thấy mẹ khóc nên cứ cuống quýt gọi :
- Mẹ ơi ! mẹ ơi !
Mẹ tôi ôm đứa út vào lòng không nói gì cứ thế mà nước mắt tuôn trào. Còn tôi thì cứ đứng ngây người ra đó và nước mắt thì cứ tuôn theo. Tuy không biết gì nhiều, nhưng tôi cũng lờ mờ hiểu có lẽ là bà ấy xiếc nợ mẹ thôi, làm ăn buôn bán quanh năm trên mảnh đất nghèo nàn này mẹ nuôi chúng tôi lớn lên hàng ngày như thế này cũng là quá vất vả. Năm hết tết đến, nợ nần chổ khất đựơc chổ không, mẹ không oán trách người đàn bà ấy mà chỉ thương các con không còn thịt thà gì trong ngày tết nữa…

Lúc đó không có ba ở nhà, ba vừa đi đâu đó hình như là có bác bên xóm gọi qua phụ bác làm tất niên. Nhìn mẹ khóc, lòng tôi thật sự rất đau, tôi không hiểu lắm chuyện người lớn nói gì với nhau, nhưng lúc đó tôi đã học lớp năm, nên tôi cũng biết thương mẹ. Tôi hiểu lòng mẹ, mẹ vất vả vì chúng tôi quá nhiều, đời mẹ gian khổ không sao,muốn cho con cái có miếng thịt trong ngày tết mà cũng không thể, mẹ ngồi yên trước cái trẹt cũ mà gương mặt buồn rười rượi.Tôi luôn để mắt tới mẹ, gió từ cửa bếp thổi vào làm tóc mẹ bay phất phơ,hơn bốn mươi tuổi mà hình như lúc này tôi thấy tóc mẹ trắng đi nhiều, nhìn mẹ ôm em tôi vào lòng, tôi thưong em tôi quá và cũng thương mẹ càng nhiều hơn.

Một lát sau đó, mẹ tôi vẫn chưa đứng dậy, cứ ngồi thừ ra trước tấm thớt không còn miếng thịt nữa. Trông mẹ già hẳn đi nhiều lắm. Lại có tiếng nguời đàn bà khi nãy ngoài cửa trước, chuyện gì nữa đây? Tôi lo lắng không biết bà ấy sẽ làm gì mẹ tôi nữa, mẹ đã khóc nhiều rồi. Nhưng không, bà ấy đi xăm xăm vào nhà, đi thẳng xuống bếp và tới gần cái trẹt vẫn còn đó, bà thả cục thịt cái bạch xuống ngay tấm thớt gỗ, nhìn mẹ tôi có vẻ hơi bực bực một chút nhưng trong ánh mắt bà ấy là cả sự thương cảm, không nỡ tâm… Chắc là trên đường về bà ấy suy nghĩ thế nào rồi quay ngược trở lại. Mẹ tôi rối rít cảm ơn bà ấy nhưng bà không nghe và cũng không nhìn mẹ mà cứ thế một mạch đi ra… Mẹ ôm em tôi hôn liên tiếp mấy cái rồi lại ngồi chặt thịt tiếp… Mẹ vui vì chúng tôi vẫn có thịt để ăn, nhưng trong ánh mắt xa xăm của mẹ, tôi nhìn thấy một nỗi buồn vời vợi …


Đám tang bà vợ ông Bách. Cả tôi và ba tôi đều đến. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của bà ấy lúc xách xâu thịt đi ra khỏi bếp nhà tôi hơn ba mươi lăm năm về trước. Nhưng mà sao tôi không hề oán ghét bà, lúc đó cũng như bây giờ. Khi mà giờ đây bà đã nằm yên bất động và chuẩn bị đi vào lòng đất… Tôi cũng đã thầm cảm ơn bà vì dù sao lúc đó bà cũng đã quay trở lại với xâu thịt trên tay. Con người sống chết là thế đấy. Có những việc làm mà sau bao nhiêu năm người ta vẫn còn nhớ. Đó lá kí ức mà trong đời tôi chẳng thể nào quên… Và có lẽ trong cuộc sống thường ngày, khi chứng kiến sự lớn lên rồi trưởng thành của chúng tôi, lòng bà không hề ray rứt vì cảm thấy mình đã làm rất đúng.
Tôi đưa tay lên ngực mình cầu nguyện. Tôi cầu cho bà ra đi được thanh thản.Gió mùa thu hiu hiu buồn và lòng tôi cũng mang mác một nỗi buồn. Con người sống chết vô thường quá. Thế mới cần phải biết là nên ăn ở với nhau như thế nào trên đời.


NHỮNG BỨC TRANH



Hãy đối xử với bạn bè như đối xử với những bức tranh, nghĩa là hãy đặt họ ở những góc độ có nhiều ánh sáng nhất (khuyết danh)

Những bức tranh ấy được gìn giữ bởi bộ nhớ của tôi và bất cứ lúc nào muốn, chỉ cần click vào icon hình trái tim bé bé, và với ánh sáng của nó, tôi sẽ thấy được ngay, những ảnh hình thân thiết, sinh động.

Có vẻ như cuộc sống tôi ít những buổi hội họp đông vui, vì hoàn cảnh bản thân, nhưng điều đó không có nghĩa tôi không có duyên may lọt vào một chút không khí bằng hữu chân tình, hình như đủ, để tôi hưởng niềm vui và hiểu được yên bình và tin cậy, một cái kén rất nhỏ cho tôi nương náu giữa đầy rẫy bất an.

Sáng nay trời Calif. dành mọi ưu tiên cho nắng, rực ấm góp thêm ánh nhìn của tôi vào những bức tranh khiến nó vô cùng long lanh, giục tôi vẽ lại bằng lời. Ai đó đã so sánh bạn thân như ngày nắng đẹp, nó toả sáng tận dưới bóng những tàng cây.

Từ tuổi thơ đến giờ, nhìn lại, thấy được nhiều hơn, những ngày tươi nắng. Trong một tuỳ bút viết về tuổi nhỏ, tôi đã lấy tựa đề Những Mùa Nắng Nha Trang, đầy âm vang nhịp guốc đồng hành trẻ dại của anh em bạn bè. Hoá ra tôi cũng có gặp được “tâm giác” của ai có câu ví von trên, phải không bạn tôi. Chữ bạn tôi dùng, chỉ tương đối, bởi, không chỉ là sẻ chia bạn đồng trang lứa, mà còn là chút ngọt ngào của khói sương văn chương tôi có duyên được lãng đãng theo.

Tôi nhớ những bài thơ nhật ký bạn hữu của Hoạ Sĩ Đinh Cường, chắt chiu cảm xúc, từng ngày bên những bước mùa đi, chân tình, và nên thơ. Tôi thấy được, người ấy, một mình, bên hàng cây khô, tiếng chim hót khan giọng tuyết,người vẫn đi trong chiều rất lạnh/ đèn xe choá sáng ngược về đâu/ người đứng nghỉ cột dây giày lại/ thở hơi ra ngụm khói tàn mau (Đinh Cường) Sao có nỗi một mình làm lòng người xao xuyến ấm như thế. Trầm, đều, thầm. Cũng như những dấu ấn mà tình bạn để lại trong văn thơ Nguyễn Xuân Thiệp, biết được cánh tường vi thơ mộng trôi trong vòng tròn một chén trà sớm của nhạc sĩ Lê Uyên Phương mời bạn, đường vòng tròn là con đường đi mãi…, tôi đã ngậm ngùi đóng tập thơ khi hình ảnh Âu Như Thuy ngã xuống trong u uất ly rượu, hạt lệ nguyễn xuân thiệp. Bạn bên cạnh và bạn xa vắng, có nghe được cái tâm người nói chuyện một mình ấy?

Những bức tranh của riêng tôi đang thánh thót chồi xanh, như một âm bản vừa được rửa ra bằng ánh nắng tươi mươi của hoài niệm.



1.

Chúng ta không thể gọi những con người không hề có cánh là thiên thần, nên thay vào đó, chúng ta gọi họ là những người bạn.(khuyết danh)

Tiếp những mùa nắng bạn bè ấu thơ ở Nha Trang, là những cơn mưa đùng đùng ở Sài Gòn, đang tung hoành rồi đột nhiên rút lui cho nắng lại hiên ngang. Thế mà tóm được nỗi mê say của tôi, từ tuổi học sinh đến tốt nghiệp Luật. Ai biết, mùi mưa đầy hương đất Sài Gòn? Nó quyến luyến ký ức tôi. Nào tuổi 18, lăng xăng làm báo xuân ở trường Mạc Đĩnh Chi, cái ngày mới chân ướt chân ráo bước vào lớp mười hai bị thầy kêu dò bài, luống cuống vì con zéro đầu tiên trong đời đi học, rớt cái kính cận, bạn bè lạ cười ầm lên, ấm ức muốn khóc, thì thấy từ dãy bàn phía bên kia, một bạn trai đứng lên lớn giọng, sao các bạn cười vô ý thức thế, bạn ấy mới chuyển trường vào lớp mình, thế là tiếng cười im bặt, và thầy vật lý lúc đó mới rõ tôi chưa kịp có bài để mà trả, bạn đó là trưởng khối báo chí, dáng vẻ cao gầy thư sinh, mà sau đó tôi có dịp làm việc chung trong giai phẩm xuân của trường. Kỷ niệm đẹp những ngày đầu ở lớp học mới, tôi được bênh vực bởi bạn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường.

Tuổi học trò nắng đổ gập ghềnh những chuyến xe lam, có cánh chim xanh nối hai đầu một giấc mơ, Hiếu, bạn ở đâu bây giờ? tôi nhớ dáng nắng bay áo lụa và đôi guốc mộc gõ nhí nhảnh trên thềm lớp…

Và em nữa, kia những cánh bướm xanh nhỏ đem nắng đi đâu? “cả một lũ kỷ niệm, bao ngày xưa thương yêu, em mong- và mong vô cùng- sẽ chẳng phải là ‘rồi cũng tan như bụi mờ’, nhé khánh, nhé khuê, khương. Tháng 12.1975.đồng hương.” nét chữ tươi phút giây này Đồng Hương ơi. Không bụi mờ như em mong, đúng không. Sẽ thêm nhiều lần nữa chị em mình ngồi trên thềm tường vi này ăn món đậu phụ vàng dưa muối kiểu Kim Thánh Thán nhe Hương.

Nắng thời gian ong ong gõ bức tranh thời sinh viên,như nhắc hoài, nhớ đi hãy nhớ, và thế là ít khi tôi bị quên, như đang rất gần, bập bênh trên từng bước hôm nay, hình ảnh Liên, Tỷ, Hoa, Xuân, Trung, Tứ, Huệ, Thọ, Thôi, Ngô Minh… cùng con đường Duy Tân cây dài bóng mát những chiếc lá dầu bay, nhớ có khi mưa Tiến cho quá giang, giang thật đấy con đường ngập mưa tầm tã như sông… Mà hình như khí hậu Sài Gòn tôi không hợp bằng Nha Trang, cứ bị đau hoài, mỗi lần đau bất ngờ ở lớp, cô bạn Liêm phải đưa về nhà bằng xích lô, thật có duyên với nhau, mà bạn thì bị vất vả há Liêm. Lại nhớ lần đau nặng phải đi Singapore mổ, Quý Loan đến tận giường bệnh, em giúp chị một ít để chữa bệnh, Mỹ Lan nữa, tôi không bao giờ quên sự giúp đỡ tiền bạc cùng cái nắm tay trấn an tinh thần tôi lúc ấy của hai bạn, dù vừa rồi gặp nhau ở Santa Ana, Mỹ Lan nói, chị khoẻ là em mừng, nhưng không được nhắc chuyện cũ nữa. Xin vâng, cô bạn nhỏ, chỉ là tôi làm con chim kết cỏ để đền đáp những tấm lòng mùa xuân.

Ôi mùa xuân Hồ Đắc Thiếu Anh, tiếng thơ Huế dịu dàng con sông thơm, một lần đến trong đời tôi, với một tượng Phật Dược Sư, chị thỉnh ở chùa, chú niệm để cầu xin cho sức khoẻ em.

Ôi những mùa xuân, Liên Anh, Liễu, Tiên, Sáng, Hà, Dạ Khê, Vân, chắt chiu bát canh, hũ ruốc… trong những ngày santa ana, nằm bệnh, xin cảm ơn duyên phước để thấy được ánh mắt long lanh của những mùa xuân ấy.

Có giấc mơ ngủ muộn trong nắng đẹp Santa Ana, ảo mơ rơi vào tranh những hạt mưa Sài Gòn gõ lời tình tự tuổi hai mươi…



2.

Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng (Tuệ Sỹ)


Sáng nay khi cầm ly cà phê bước ra thềm, tia mắt bị khều bởi những cành hoa màu xanh trong tranh kia, tim chao đi như con thuyền trên một gợn nhẹ con nước nhỏ bên bờ. Màu xanh ấy như giọt mật ong níu dính chân ruồi. Tôi bất động trên mảng không gian ngọt lừ. Hứng những hạt thời gian rơi. Bức tranh của một bác sĩ tài hoa. Một bình hoa xanh cạnh một ly với phin pha cà phê, trên một cái bàn, một cái ghế bỏ trống, những cái một trên nền xanh ngát buồn, như một bài thơ thiền, cho nên mới nói, bác sĩ vẽ tranh với trái tim thơ. Có lần tôi đã hỏi anh, nên gọi anh bằng nhà gì, anh bảo, em đang là bệnh nhân, thì phải gọi cho phải phép. Vợ chồng tôi lúc ấy đều là bệnh nhân của bác sĩ, nên, xin vâng, thưa bác sĩ Thân Trọng Minh. Thưa Hoạ sĩ Nhà Thơ Nhà Văn Lữ Kiều. Hình như tôi đang nói với bức tranh trên tường. Và vẳng xa tiếng nhạc dương cầm quán Du Miên. Những ai đang nói cười quanh tôi vậy. Ôi không khí của Bùa Hương. Ngày đầu tiên, tập thơ ấy được các anh chị cầm trên tay trong hương cà phê và tiếng dương cầm nắng.

Trời buổi ấy một lần đứng lại/ Về xao giấc mộng giữa hai tay...

Với tôi, buổi sáng Sài Gòn đầy nắng ấy là bức tranh thuỷ tinh. Tôi nhé, phải nâng niu.

Có tiếng cười từ chiếc miệng nhỏ xinh của chị Ngọc Bích bên cạnh người chồng tài hoa nhân hậu đến thiết tha, Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc, độc giả cùng bệnh nhân tìm đọc văn thơ anh để chữa bệnh, những bài văn như nói chuyện vui đùa, vừa uyên áo vừa giản dị, đáp ứng rất đúng những khúc mắc về sức khoẻ thể chất lẫn tâm hồn, và đáng nói là, cho mọi lứa tuổi. Vừa mới đây Nhà Thơ Lữ Quỳnh của những giấc mơ (Những Giấc Mơ Tôi, Lữ Quỳnh), đem về cho tôi mấy tác phẩm của anh Đỗ Hồng Ngọc, vui mê tơi, và tôi cũng nghe lời bác sĩ nhà thơ để tập thở, làm thơ, để ru, bệnh ơi hãy ngủ cho ngoan.

Có anh Lê Ký Thương, hoạ sĩ của những đề tài gần gũi, đời thường, em bé con trâu con diều đường đất dấu chân mẹ quê con chó và cô chủ nhỏ…, thể hiện bởi những đường nét gấp, gãy, sắc nhọn kỷ hà nét nhìn sinh động thông minh mà chỉ bằng tâm hồn nhiên mới thấy ra được những góc cạnh như thế, nụ cười tiếng cười anh cũng bình dị, hoà âm cùng vẻ trầm tĩnh của chị, Cao Kim Quy, từ tốn an nhiên như văn phong của chị.

Và ở cuối bàn thì bừng lên sôi nổi giọng anh Nguyên Minh, người như đã có lời thề nguyện chung tình suốt đời với chuyện văn chương làm báo, cô bạn nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Lan mới tối nào đây nói với tôi qua phone mình thích truyện ngắn của anh NM lắm... Anh đang khen tập thơ Bùa Hương, khen đếnnỗi muốn thu âm lại để nghe.

Cạnh nhà văn NM, là khói thuốc hoạ sĩ Lữ Kiều.

Đó buổi ra mắt Bùa Hương, chỉ 50 bản, Ý Thức Bản Thảo ấn hành, bản đặc biệt duy nhất của tôi được ấn chứng bằng những chữ ký thân tình. Buổi sáng đẫm hương bằng hữu. Nó không chỉ chấm dứt vào buổi trưa khi chia tay. Nó kéo dài cho tới bất cứ lúc nào hồi ức tôi lay động. Sau buổi trưa, anh Lữ Kiều bảo, giờ anh sẽ đưa em đến chùa Già Lam, -Thầy Tuệ Sỹ ạ?, -Ừ, mình cùng đi với Giai Hoa.

Có đoá sala rụng ở sân chùa, cầm trong tay thơm ngát. Ép vào sách, đến giờ dở ra còn nghe thơm. Thơm hương hoa khô. Thơm phút giây nhặt nó ở sân chùa, nơi có vị sư của những lời thơ, … Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ/Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn…

Đã bao trăng tàn bên chiếc lan can này nghe Sư nói chuyện một mình? Chúng tôi ngồi ở đó, trước phòng Sư, trông xuống một vườn cảnh nhỏ, gió buổi trưa hiu mát, trái tim tôi như chiếc lá bay. Họ đang bàn về chương trình buổi ra mắt tập thơ Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm, tập thơ tôi được Sư tặng sau đó. Giai Hoa là người dạy đàn piano cho thầy. Anh Lữ Kiều nói. Rồi, chúng tôi được nghe và thấy Sư Ngồi Đàn, một Sư Nhà Thơ gõ trên phím những nốt nhạc của tâm hồn. Tôi tặng Sư tập thơ Bùa Hương, và dĩ nhiên tôi không để lỡ cơ hội có được chữ của Sư trong bản duy nhất của riêng kia. Và thủ bút của Sư, bằng chữ Hán lẫn Việt câu thơ: Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn/Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về.

(Phải chi ngày xưa cứ giữ cái hiệu Tuệ Minh, thì bây giờ thấy sang bắt quàng làm họ, với cố nữ sĩ Tuệ Mai và ngọn núi vời vợi Tuệ Sỹ này rồi). chữ size nhỏ là vì tôi đang nói thầm.

Giở xem lại những chữ ký ấy lòng run như đang mở xem viên ngọc quí.



2.

Rong rêu
Đá thốt nên lời
Mưa Nguồn Giáng xuống
Bùi ngùi trần gian


Đó là cặp lục bát tôi tặng Thi Sĩ Bùi Giáng, in trên tạp chí Thời Văn, không nhớ năm nào. Hình như lúc ông bịnh nặng, hay lúc ông vừa mất (1998).

Nhớ đâu năm 1997, Trần Quang Châu đem đến tờ báo Thanh Niên Chủ Nhật, đăng bài thơ Buồn Vui của ông, trong đó có câu thơ kèm ghi chú: “(1) tơ tóc cũng buồn, tập thơ nguyễn thị khánh minh.” (Sau này có in trong tập thơ cuối của Bùi Giáng, Như Sương,1998). Chỉ vậy thôi mà lúc ấy, tôi nhận bao bao nhiêu cú điện thoại của bạn bè… thiệt là sức mạnh mũi tên bay của một cái tên, là Bùi Giáng. Cho tôi say chút ngất ngây.

Trần Quang Châu, nhà thơ, cùng làm tờ Thời Văn với nhà thơ Nguyễn Đăng Trình,(mà có một lúc tôi giữ “công tác bạn đọc”), nói với tôi, đại ca Bùi Giáng muốn gặp Khánh Minh, biểu tui đưa tới. Tôi mua một chai rượu tên Nếp Mới. Trời trưa chang chang. Đường thì thiệt xa. Tới một ngôi biệt thự, thấy ông ngồi trên chiếc võng dưới bóng mát gốc cây to, nơi góc vườn. Mầu áo nâu, khăn gì quàng cổ không biết, gầy guộc, khuôn mặt ông, nụ cười móm như trẻ con, nhưng ánh mắt cực sáng sau cặp kiếng. Đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện với bóng cả của nền thi ca Việt Nam, dù trước đó có gặp ông đôi ba lần ở Viện Y Dược của Bác Sĩ Trương Thìn, và không quên, có lần sau khi Bùi Giáng khen thì Bác Sĩ Trương Thìn quay lại tôi cười hiền, Khánh Minh sướng nhé.

Tôi ngồi nửa quỳ bên cạnh võng đưa ông chén rượu nhỏ. Ông cầm tập thơ Tơ Tóc Cũng Buồn của tôi dứ dứ lên xuống, qua có tập thơ của cô ở một cái gánh de chai à nhen. Rồi biết thêm, mới đầu nó có một cái giá còn rẻ hơn bèo, nhưng sau đó thì bà ve chai lại cho không. Không giá, nhưng đối với tôi lúc ấy, tập thơ nhỏ của tôi lại vô giá từ lời khen của ông, Trần Quang Châu tủm tỉm, Khánh Minh đã thiệt đó, phải đền ơn tui cái bữa này nghen.

Hạnh phúc là ở đây. Tôi được ông tặng 3 tập thơ với những đề tặng, xin bạn thứ cho khi tôi nhắc lại ở đây, vì đối với tôi, nó quả là rất châu báu để tôi muốn khoe.

Trong tập Đêm Ngắm Trăng, Lần đầu tao ngộ khánh minh/ Niềm vui vô tận tâm tình lão phu, với lời bên dưới,tặng nữ sỹ khánh minh, tất cả được ông viết hoa.

Trang thứ hai của tập Mưa Nguồn thì, tặng Minh-Khánh-tưng-bừng-tuổi-trẻ. Mưa nguồn từ độ tuôn ra/ Tới bây giờ dội màu hoa minh khành, cái dấu đánh nửa huyền nửa sắc. Dưới đó là chữ ký bùi giáng với chữ g kéo thẳng về phía trái, và 1997 với số 9 có cái chân dài.

Tập Rong Rêu thì, Giáng Bùi kính tặng Khánh My. Tôi chỉ muốn ôm tập thơ vào ngực mà cười reo hạnh phúc, ngẫu nhiên mà ông lại gọi tôi là Khánh My, cái tên kỷ niệm xưa riêng tư của tôi, cái tên máu thịt thanh xuân, cái tên lãng đãng trên mấy từng gió, cái tên mộng mơ tan theo mấy chiều rủ mặt trời đi ngủ sớm (Xuân Diệu), cái tên treo trên cành trăng non lơ lửng hò hẹn sao đêm, cái tên lay động mỗi lần mưa Sài Gòn khẽ gọi, cái tên ngủ ngọt bao năm trong ký ức sông êm đềm, dòng sông ấy bây giờ đang gợn lên trong nét bút chân chất giản dị này. Cái ngẫu nhiên làm giây phút ấy rộn rịp nắng trưa. Chỉ một buổi trọn sáng, ông gọi tôi bằng 3 tên, minh khánh minh khành khánh my. Cảm ơn thi sĩ, thi sĩ xưng Lão Phu khi nói chuyện với tôi, lần sau cũng Nếp Mới cho lão phu à, -Dạ.

Tôi không có lần sau nữa. Tôi nằm bệnh hơn năm trời và cả lúc ông mất 1998. Trên Tạp Chí Thơ 2004, có bài thơ của tôi, đoạn viết tưởng nhớ đến Rong Chơi Thi Sĩ:… Đập/vào mắt là tên một tập thơ được in ra để kỷ niệm bảy mươi năm ngày sinh của một Người Làm Thơ vừa mới mất những vòng đen đậm những vòng đen nhạt những vòng xám cắt đôi chữ “Chớp Biển” sáng làm tôi bỗng nhớ mầu manh vải nhỏ ông cột trên cổ lúc lang thang…

Tháng 10 nơi đây chiều cuối thu lạnh, mơ hồ trước mắt như sương câu thơ, và bóng (em).

Đường lây lất chiều bay sương lổ đổ/ Đứng bên trời em ở lại hôm qua (Bùi Giáng)



3.

Đàn ai ngăn ngắt trời tây phương…
Xanh đoá hồn tôi xanh lá lệ (Joseph Huỳnh Văn)


Gió hanh hao từ núi thổi xuống Santa Ana, xen vào những ngày cuối thu lạnh, sáng nào cũng thấy lá khô đầy thềm, có một chiếc lá rụng từ mùa mưa nào ở Sài Gòn nằm im trong bức tranh, ánh vàng úa dào dạt tiếng guitar, mỗi lần mùa vào thu tôi lại treo bức tranh này lên, buồn nhẹ nhàng theo vết thời gian, giờ nhìn tôi không khỏi rưng lệ, người vẽ nó đã bỏ cây đàn ở lại và biến sau màu vàng chiếc lá thu kia.

Tôi nhớ căn phòng treo đầy tranh ở phòng mạch đường Nguyễn Trọng Tuyển, đó là lần cuối tôi nghe anh đàn và hát Thong Dong Ca. Cũng nơi đó tiếng cười của Thuý Vinh trong như tinh mơ và như giọng ngâm thơ của bạn. Anh em lại hát, rồi anh cho hai đứa đi Ngự Bình ăn món Huế. Nghe Thuý Vinh gọi “anh Bụt” sao thấy mềm lòng, khiến nhớ một hôm nào xưa, Đêm Hoa được tổ chức mà tôi là tác giả lại bị bất ngờ, anh biết tôi là đứa nhát đám đông, nên có nói tổ chức đêm thơ cho tôi thì chắc chắn là tôi sẽ lắc đầu, và thế là anh “bắt cóc bỏ dĩa”. Đó là một đêm tuyệt vời. Tiếng đàn guitar Trương Thìn, tiếng hát bác sĩ Lê Hùng, và cô bác sĩ hình như tên Hồng?, tiếng ngâm thơ Thuý Vinh, và giọng bắc đầy cảm xúc của nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh trong bài nói(rất hay) về thơ Đêm Hoa, hay vì cộng thêm phong cách và âm giọng với sức hút của một thỏi nam châm. Đúng là Đêm Hoa của tôi. Đêm, lần đầu tiên tôi ôm hoa kín hết người (tôi cao thước rưỡi thôi nhen). Đẹp quá nên không nghĩ đó là đêm của mình, như thể cô Tấm đến dự một đêm hội rồi nửa khuya về nhà ngồi ngẩn ngơ tiếc chiếc áo dạ hội đã tan thành bụi đêm. Ôi đêm hoa.

Vâng. nửa đêm em sẽ về nhà/ thôi xe thôi áo em lại là tấm tâm…



Nơi phòng tranh nhạc ở Viện Y Học ấy biết bao là hình ảnh, mùi hương, mùi hoa sứ nắng hoa sứ mưa khuya, mùi cá nục kho, xôi thịt hon của Hồ Đắc Thiếu Anh, một nữ sĩ gom hết những dịu dàng của xứ Huế vào thơ và giọng nói, dáng người. Rồi cái bóng nhỏ, ánh nhìn tinh anh sáng, quét rất nhanh cảnh vật chung quanh của Bùi Giáng, rồi bóng gầy áo nâu Trụ Vũ cúi xuống trang giấy dó để từng con chữ tung lên, Đặng Nguyệt Anh nồng ấm đọc thơ, giọng ngâm lanh lảnh ánh chuông núi của Thuý Vinh, nghe sao mà mị lòng nhau quá sức.

Người nghệ sĩ đã không đàn thêm nữa, giọt âm thanh đọng lại bên thềm, thành bầy sương khóc thầm trong tối, xin đêm là đôi cánh chở tiếng nhạc về trong mỗi giấc mơ…

Vâng, chỉ là giấc mơ, một đêm cuối năm 2012, bên bờ biển phía này, trời lạnh, cái lạnh không đến từ khí trời, mà buốt khi nghe giọng Ngọc Sương sũng nước qua điện thoại, anh Thìn đi rồi, khánh minh ơi, người như bị kéo tuột vào một cõi xa, rất vắng. Con sóng đập vào bờ, nhẹ mà âm thăm thẳm sâu hút đêm, tiếng đàn guitar rớt âm buồn trong gió, viễn xứ rồi, thưa anh, Bác Sĩ Trương Thìn…

Đâu đâu cũng thấy bến bờ
Ô hay đấy bến đây bờ thong dong (Thong Dong 47- Trương Thìn)



4.

Nơi đây khoảng trời là những nốt treo
Cao cao cao âm vang đang tan theo (Nguyễn Lương Vỵ)


Theo mây đi một buổi/ Trời đất nhẹ phiêu phiêu…(Võ Chân Cửu), phiêu nắng Bolsa, gặp Võ Chân Cửu, người đã một thời còn rất trẻ tôi thích thơ, chép vào cuốn sổ tay, một con chó con một vầng trăng sáng… ôi một vầng trăng mang tiếng khóc… Âm âm tiếng núi trong sương đọng/ Mười năm mà vẫn tưởng hôm qua. Trăng khóc sương rền tiếng thời gian và con chó con Va đầu tưởng đụng núi/Chỉ đụng bóng sương chiều (Võ Chân Cửu) nên chi khuôn mặt anh khó căm và may là, bỗng, cười hiền.

Một buổi tối tháng 10, 2012, theo Nguyễn Lương Vỵ, Võ Chân CửU đến dự một đêm ra mắt sách. Đi ngay, trước hết vì đó là một tác giả luôn trong tầm ngắm tìm và đọc của tôi, sau là vì tác giả chỉ họp một ít anh em văn nghệ sĩ tại nhà một thân hữu, thế nên rất yên tâm. Vừa vào bàn ngồi thì người như trái bóng bay, trời ơi Ngọc Sương của Old Friend, bao năm rồi giờ bỗng nhiên không hẹn mà ngồi sát bên nhau, hồi còn ở nhà Ngọc Sương là chủ quán café tên Old Friend, phải đi bộ một con hẻm nhỏ ngoằn nghoèo xa như đi vào cổ tích, để đến một ngôi quán nhỏ ẩn hiện cuối đường mây, được thiết kế bởi nhà thơ Đỗ Trung Quân, quán bé như một giấc chiêm bao, nên không khí bạn hữu cũng lãng đãng, không ít lần xa gần tiếng guitar anh Thìn. Vỡ ra theo chuyện trò, quên mất nhìn nghe, ông nhà thơ hằng ngưỡng mộ, đúng là chẳng thấy ai ngoài Ngọc Sương. Mãi khi ra về, cầm mấy tập thơ được tặng trong tay, người thi sĩ từ giã tôi bằng vòng ôm rất là gió heo may, và hẹn gặp lại. Đêm đó tôi đi vào giấc ngủ, hình như là rất thổn thức, sau khi đọc những bài thơ đầy tiếng gió u hoài của Nguyễn Xuân Thiệp. Có nỗi gì nhẹ như vạt gió khăn san trong chiều thu.

Và, gặp nhau lại thật. Cũng mùa thu. Chả phải mình luôn ước, thu có bạn cùng ẩm hoàng hoa tửu đó sao. Cầu được ước thấy, một bàn tròn nâng ly cùng nhau, mùa thu Calif., rượu vang Calif.. Bức tranh đầy âm thanh và màu sắc.

Hoạ sĩ ngồi đó, một ánh xanh trôi dài như dòng sông Potomac trôi về, với nụ cười mỉm. Tôi thấy những cành cây khô và cánh chim buồn trong tranh ông như lấp lánh dưới ngọn đèn vàng sau lưng ghế ông ngồi, bên cạnh tiếng huế thỏ thẻ của old friend Ngọc Sương, thầy Đinh Cường…,

Nửa bàn phía kia, nhà văn Nguyễn Đình Toàn bên cạnh dáng mảnh khảnh của chị. Nhìn ông, ký ức lội ngược về ngày cũ thời ca khúc da vàng, nghe nhạc trong một cái máy cassette vỏ bằng gỗ, những băng hát Khánh Ly, mà sao mê nhiều hơn, giọng nói của ông…, để sát vào tai nghe cho thấm từng nhịp giọng ngừng, từng âm thổi chữ đầy cảm xúc.

Vòng tròn tiếp đến một cô bé, mà tôi đã không cho cô chào tôi bằng cô, chị đi, cho tôi hưởng chút thanh xuân của cô, nhé, Lưu Na. Có ai gặp và đọc những tuỳ bút của cô, hẳn là phải ngạc nhiên, như tôi lúc ấy, cái trẻ trung tươi măng lại ẩn dấu suy tư tre già đến thế, ra trong ánh mắt ấy có riêng cái nhìn cùng chữ, để tin cậy trao gửi thẳm sâu của tâm hồn.

Còn mái tóc bồng bềnh trắng mây kia nữa, giọng Huế, âm thấp như nốt nhạc trầm rơi xuống chiều, hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần, người vẽ những giấc mơ và con gái màu xanh.

Tôi ở đâu trong vòng tròn tối mùa thu ấy? Tôi ở bên tay trái hoạ sĩ Đinh Cường, cho nên tôi nghe được âm thanh của một nụ cười mỉm, bay ra từ bức tranh đêm xanh chuông nhà thờ treo lẻ loi nét trăng cong. Lưu Na cho xem tấm hình vừa chụp, tôi nghe hoạ sĩ nói, hình nào cũng thấy khánh minh tay chống cằm. Chùm đèn trên bàn ăn rớt những hạt lung linh.

Cách tôi một áng mây chiều mới tới nhà thơ gió thổi chiều xanh Nguyễn Xuân Thiệp trôi với nắng. Nên thi sĩ ngồi đó, hư ảo tiếng gió thu, buồn như khúc ca cổ, hoài niệm con đường lát gạch một thời phố cũ, đâu đó. Tôi thấy trong đáy ly vang đỏ ông đang cầm trên tay sóng sánh những thời gian.

Áng mây chiều kia là Mây Hoàng Hôn Vy Hoàng, bạn tôi, có đôi mắt đẹp như Liz Taylor, quên chưa để ý có ánh tím huyễn hoặc không. Nên lời nói phía nhà thơ của gió bay đến tai tôi đầy mây tím.

Giáp một vòng đất trời rồi đấy. Lưu Na ơi, có hình bàn tròn buổi tối ấy không xin cho một tấm… Đó là bức tranh của pha lê trong, rượu sánh đỏ tiếng cụng ly lanh canh. Trời đất như gần lại trong tiếng cười thân. Ngoài kia đêm đã ngập đầy phố. Gió thổi lộng những vòng ôm chia tay. Có hẹn gặp lại không để trên con đường tôi đi sẽ hoài nghe bàn tay vẫy gọi?

một mai về với mây ngàn
chỉ xin nhớ chút dịu dàng của nhau.(Trịnh Y Thư)




5.

tôi g
ởi lại
một góc phố. rực lá vàng
quán cà phê. mở cửa. dưới giàn hoa giấy
tiếng chim…
… thức trong cây và đất. đợi chờ ai… (Nguyễn Xuân Thiệp)

Có một sở thích, gần như là thói quen, không biết thành đường đi lối về của mình lúc nào, mà thích ngồi quán cà phê đến thế. Hồi sinh viên thì thường xuyên ngồi với ông anh kế, Khải Minh, lúc anh là sinh viên đại học Minh Đức, hồi anh là sinh viên sĩ quan Thủ Đức, thường là quán cóc bên đường, đặc biệt là trước một con hẻm có hoa giấy đỏ ở đường Duy Tân dẫn đến trường Luật, tiếng chim lảnh lót trong tàng cây, ồn ào trên hè đường cạnh những chiếc đẩu gỗ. Rồi đến khi đóng quân xa, mỗi lần về phép lại kéo cô em đi, có tí tiền lương lính, cho em biết thế nào là Grival, Brodard Tự Do. Khi anh ra tù thì lại châu về hợp phố quán cóc cà phê tạp, thế mà vẫn thích. Anh Khải ơi, hẹn nhau nữa nhé, mai em về, những con đường cà phê dưới phố…

Hơn mươi năm đổ lại đây thì say mê tái tê không khí của những Cõi Riêng, Khúc Ban Chiều, Thềm xưa, Cửa Sổ Ban Mai, mà không ít lần ngồi với người chị tâm hồn sầu mộng, Kim Cúc, dáng gầy mai, giọng Huế như tiếng gió thổi tia tia kiều nhuỵ, ánh mắt xa, buồn như mảnh trăng xanh cô đơn trong tranh Đinh Cường.

Tôi thích đặc biệt quán Đất, quán cà phê, và anh Lữ Kiều lại giới thiệu là mì quảng rất ngon. Đất, gần nhà, chỉ băng ngang bên kia đường Sư Vạn Hạnh nối dài, đi vào hai ba con hẻm nhỏ là đến, và tôi vẫn hay đi bộ, ngồi một mình, đọc sách hay viết với cái bàn gỗ xù xì trên căn lầu nhỏ, ngó xuống mái ngói đỏ và những tia lá trúc lay láy ngoài cửa sổ, nơi có con mèo đất đen nằm co ngủ nướng trên thành cửa. Nhớ có lần, để quên một tập thơ, hôm sau thấy nó được xếp trên cái tủ chưng đồ gốm, -Những Buổi Sáng- nằm thật yên ả. Từ đó, mỗi khi đến quán, nghe ông chủ dặn cô ngồi ở quầy, cô nhà thơ, nhớ bớt 10%..., nghe nhẹ cả người (nhẹ nhiều kiểu…), đã bao năm rồi, chưa về hỏi thăm con mèo đen bên cửa sổ…

Cho tới sang đây, dĩ nhiên cũng không thiếu dù cà phê quán kém nên thơ hơn. Có sáng Tài Bửu với anh Du Tử Lê, Nguyễn Lương Vỵ trầm lặng ba số 5, bên cạnh dáng gầy thanh tao Ngọc Hoài Phương, thi sĩ có nụ cười mím chi, nói nhiều chuyện đời xưa…, có sáng Gypsy ngồi nhìn trời đầy xanh đất đầy nắng, có chàng nhà thơ hay buồn trĩu như mây sắp mưa, Lê Giang Trần, ở đời này hưởng biết bao buồn vui nhưng vẫn là trạm để bạn quá bước thôi sao, hả. Quát tí cho bạn vui thôi, chứ sao không hiểu… nên thơ rồi cũng về bao la nào/ chỉ còn một thoáng xôn xao…(LGT), dường như là tôi chưa làm lễ bái sư dù đã xong cua layout, phải không Lê Giang Trần, thôi thì coi như, là thơ nếm nhẫn nhuỵ sen ngậm ngùi (Lê Giang Trần), cười lớn cho đã đi.

Một buổi sáng đầu đông, Vỵ gọi -khoẻ không, xin phép chồng đi, cà phê, có Trịnh Y Thư-, - đang đi cà nhắc, phải chống gậy-. Nói vậy chứ tôi lại mượn cái vai của Vỵ để bước. Và trước khi đi, nhỏ nhẻ với chồng, không biết có thiệt không, rằng, hôm nay minh không đau, minh đi nhe. Quán có cái tên, Lovers. Ba người ngồi dưới một tàng hoa giấy đỏ ối, nắng rỗ lanh chanh mặt bàn, Vỵ thì nói với điếu thuốc hơn là với bạn. Sáng đó nói chuyện được nhiều với nhà văn, nhà thơ Trịnh Y Thư mới thấy được vẻ trầm tĩnh và những nhận xét sắc nét của anh về cuộc sống cũng như văn chương nghệ thuật, hiểu thêm hơn những điều anh viết trong Chỉ Là Đồ Chơi (tập sách là một đồ chơinghiêm túc phải được để một chỗ trang trọng trong tủ sách, hoặc, một nơi có thể dễ lấy bất cứ lúc nào, để đọc) thế đấy, Chỉ Là Đồ Chơi, mà tôi có duyên layout, dự một phần trong sự ra đời, về mặt hình thức, của nó. (Cảm ơn nhiều lắm, anh Khế Iêm, với những giờ học hàm thụ CS3.) Cũng có chút gặp gỡ sở thích trong bài Ngồi Quán, ở đấy. Và chuyện chữ nghĩa thì, không phải là chuyện dã tràng đâu, nhà thơ ơi, khi nắng lên gần đỉnh trời vẫn tưởng còn là buổi sáng cà phê…

Và có tiếng chuông reo, vọng đến từ phương Bắc, giọng hoạ sĩ Hà Cẩm Tâm qua điện thoại, khánh minh ơi, cho biết tình hình sức khoẻ em… Ôi tôi chưa kịp sẻ cái bệnh thì đã được vơi rồi…Vậy thì bây giờ xin chia niềm vui với bạn để được đầy, nhe bạn ơi.



6.

Những bức tranh của tôi. Cuộc sống đã vẽ một màu sắc dịu dàng mà muôn trùng thời gian chắc vẫn còn ánh lên khắc khoải một giấc mơ… Lại còn muốn vẽ cả giấc mơ nữa sao, tôi?

Nhưng, đã có những lúc, được tô vào dòng sông thời gian mộng ảo mầu của hạnh phúc rất đơn sơ, như buổi sáng tháng giêng này, cánh chim nào đang tha về những cọng rơm nắng kết tổ mùa xuân?

Hôm nay, còn ba trăm năm mươi…ngày nữa là hết năm 2014.

Trong đọt tháng ngày vừa mơn man xanh ấy, tôi theo Vỵ đến Gypsy, anh Du Tử Lê đãi một bữa cà phê sáng trước khi Vỵ đi xa. Lúc tôi khập khiễng đang loay hoay tìm chỗ dựa để bước lên thềm thì một chị bước tới đưa bàn tay ra. Tôi vẫn luôn nghĩ, bàn tay chìa ra cho người khác nắm là bàn tay của nhân hậu. Sáng nay tôi đã nhận được điều ấy, từ một phụ nữ có khuôn mặt hiền, mắt buồn nhưng nụ cười với má lúm đồng tiền thật tươi. Và khi vừa ngồi xuống thì tôi nghe anh Du Tử Lê nói, chị Tô Thuỳ Yên đúng là một bà tiên. Lúc ấy tôi như hạt nước rơi vỡ tung toé, để thấy rằng, hôm ấy ngoài anh Du Tử Lê, Nguyễn Lương Vỵ, còn có các Thi sĩ, Ngọc Hoài Phương, Tô Thuỳ Yên và chị, vợ chồng Nhạc sĩ Đăng Khánh Phương Hoa, từ Houston đến, và anh Hiến, phu quân một nữ lưu đẹp nổi tiếng.

Thật bất ngờ để tôi được gặp một tên tuổi đã nghe mấy chục năm trước. Một khuôn mặt thơ nổi tiếng của 20 năm văn học miền Nam. So với gương mặt xương xương khó khó trên gió-o thì Tô Thuỳ Yên tôi thấy ở sáng Bolsa này như đầy đặn, thoải mái và trẻ hơn. Cứ xem như, biết đến ông từ ngày đọc thơ rải rác ngày xưa, tới bây giờ thấy ông trước mặt, một khoảng thời gian, tạm ví von bằng câu thơ của ông đọc trên gió-o

…tình ý theo người đi một đỗi./ Một đỗi, dài hơn bốn chục năm…

và rồi lại sợ, hỏi chưa ra, đã trăm năm, sững sờ…(Tô Thùy Yên), nên chi tôi hơi huyên thiên và nhất định phải đứng gần ngọn đá tảng (Tô Thùy Yên có bài thơ Đá Mộng) ấy để chụp hình.

Cả hai, thi sĩ Tô Thuỳ Yên và nhạc sĩ Đăng Khánh, chắc lây bởi cái nắng chín ấm buổi sáng Calif., nên đều tỏ tình vợ khiến tôi phải thốt lên rằng thật không gì hạnh phúc cho bằng làm vợ nhà thơ và nhạc sĩ, số là họ nói, bao giờ người đọc, người nghe đầu tiên sáng tác của họ cũng là người vợ. Nụ cười hai chị ánh hạnh phúc. Chuyện đẩy đưa thế nào mà tới giọng kể rất hay của nhạc sĩ Đăng Khánh, nói chuyện như viết văn, về cái buổi gặp gỡ của mối tình đầu, là chị Phương Hoa đang ngồi cạnh tôi đây, khi ra về tôi nói với anh chị, em sẽ kể chuyện ban đầu của anh chị đấy nghe, chị Phương Hoa cười cho bản quyền, và tôi kể lại đây theo trí nhớ, …một buổi học anh văn tối, anh nhìn qua bàn bên kia thấy một vai áo tím có đường vải rạn nhẹ, thế là để ý thêm, sát bên hông cô bé một cái cặp bằng da bò, đã sờn bạc mầu, rồi cô để trên bàn một hộp bút, là cái hộp sắt đựng thuốc lá (Craven A?) cũng rất cũ, cô lôi từ ấy ra một cái túi dài nhỏ bằng nhung rút ra một cây bút, kiểu cũng đã rất xưa. Những cái rất xưa rất cũ ấy lại thuộc về một cô gái nhỏ trẻ trung, toát ra một sức hấp dẫn lạ kỳ đối với anh. Và nên một mối tình, và thành đến bây giờ, một đôi hạnh phúc, Đăng Khánh Phương Hoa. Giờ tôi vẫn còn nhớ cây bút chì con con có một đầu tẩy mà nhạc sĩ Đăng Khánh lôi từ túi áo ra đưa cho tôi để ghi địa chỉ. Nó cũng cũ cũ. Thật lạ, một cây bút chì bên cạnh những iPhone mà bất cứ lúc nào cũng dễ mở ra để gõ vào note, khi tôi hỏi, mới biết mẩu bút chì có gôm đó là một đặc điểm riêng của sinh viên trường nhạc, của những composers…

Gần trưa chia tay thì lại thấy Tuấn Ngọc tới, người nổi tiếng, đi tới đâu cũng bị chụp hình. Anh Ngọc Hoài Phương, với iPhone, ghi lại những giây phút, mà đối với riêng tôi, có lẽ khó có lần thứ hai. Nắng bolsa đang phổ tiếng cười chúng tôi thành những hạt óng ánh rơi vào ly cà phê, soi những tia nhìn bầu bạn.

Cũng nơi góc thềm Gypsy chứa đầy nắng tươi gió trong ấy, tôi được tất niên, 27 tết, bằng cà phê sữa với chiếc bánh hình mảnh trăng khuyết thơm ngát bơ, với anh Du Tử Lê và bạn Lê Giang Trần, nghe đâu đó bên cạnh rổn rảng tiếng nói chuyện của các văn nghệ sĩ Vương Trùng Dương, Nguyễn Đình Thuần, Đặng Phú Phong.

Hình như vô thanh, tiếng cười Du Tử Lê, anh đang nhắc đến một ước mơ ngày nào đó mấy anh em giang tay đi giữa đường Tự Do hát chào đêm Sài Gòn. Dĩ nhiên là đêm, thật là khuya, vì ngày thì chẳng xe nào nhường đường cho chúng ta đâu. Và tôi thấy nắng reo trên bực thềm câu thơ như tiếng hát, hãy sống/ hãy sống về những điều chúng ta tha thiết (DTL)… Vâng, hãy sống thật gắn bó từng phút giây, vì chỉ thoáng thôi, tất cả sẽ được gọi là, kỷ niệm.

Xoa tay nhặt năm tháng cũ
Mầm tươi vừa nhú diệu kỳ (Nguyễn Lương Vỵ)


Bức tranh gần nhất bên tôi lúc này xuyến xao nắng giữa mùa đông, đã tết rồi đấy chứ, 28 tết, trên thềm gió đã thổi xuống lác đác xác cánh hoa đào, anh Quý, ông anh láng giềng, đang lui cui cùng với nhà tôi, sửa lại cho vừa tầm tôi chiếc nạng chống…

Ơi những bức tranh lộng lẫy cuộc sống của tôi. Được cất giữ nâng niu như món đồ cổ. Càng để lâu càng tăng giá trị, đúng không. Cứ mỗi lần giở ra xem, lại thấy bật ra nhiều nét lạ, và dường như thấy nó rực rỡ hơn. Cho dù, có thể là rực rỡ mong manh…

Tịch liêu chiều thế hôm nay
Sông ơi nước cuốn bay đi những gì
Trông mòn con mắt lưu ly (Nguyễn Tôn Nhan)


Vâng, thưa anh Nhan, chiều Santa Ana 28 tết, tay cầm một nhánh cỏ vàng/ thổi phù theo ánh trăng tàn cuối đông (NTN), có gì tan theo nắng đang dần xa như khói hương…



Nguyễn thị khánh minh

28.1.2014 (28 tết)

CHIỀU SẮC LỤA






tranh Bui Xuan Phai-diendan.org/Galeries






Chiều in sắc lụa
Phố xám chì đông kết đá
Tế hiến đèn dầu ngọn vàng vọt
Trầm ngâm như sói già thất tung lẩn trốn bầy đàn
Ngày tàn tắt giọng
Khốc liệt hành trang cô đơn
Cứ tự giải thoát mình bằng trút bỏ
Từng sở hữu dư thừa
Xóa dấu tấn tuồng mặt nạ
Mặt lúa nổi trên những cánh đồng ma
Mong manh cánh hạc
Trên vùng biển đã lìa thoát xác
Chuồi đi trơn tuột không ai bám nổi biển
Bấu víu những cánh buồm dơi
Ngày no bọc gió
Ngày khởi đầu bằng màu xanh của vịnh
Ngày rong tảo dạt trôi
Ngày mối mọt đục rỗng cuốn sách lãng du
Ngày khờ khạo trên môi người thiếu nữ
Ngày hắn tra tay vào ổ khóa đời
Ngày rắc tờ rơi rặt những tuyên ngôn
Ngày tâm kinh trầm tư sinh cũng là diệt
Ngày kệch cợm với tạp nhạp diễn văn rửng mỡ
Thời những tên hề vè khen bánh vẽ
Thời mọi nơi đều một màu tang chế đỏ
Thời gian manh thành cứu thế
Thời nô lệ được xưng tụng là chủ
Thời vô thần siêu hình sặc sụa
Thời ngạo ngược ngữ ngôn
Thời bần dân vái van đầu óc rỗi hơi đừng ói dư thừa nọc
Thời đất là con tin định hướng
Những đứa con hư hỏng mà lịch sử sót tên
Chúng lang thang
Quên đoàn thiếu nữ kín nước bên bờ giếng
Chiếc gàu rơi rớt tự do
Những giọt nước trong như nước mắt
Khoảng trời nhỏ mọn lòng giếng khơi
Về lại căn nhà quên mật ngôn không mở
Lỡ tụ điểm sai lầm đi tiếp
Thực tế bất hạnh dĩ nhiên không hiểu hết
Người ta đã giải quyết gọn bằng một vở kịch
Không ai nghĩ đó là sự thật
Tên hề thông minh cười nhạo bọn ngụy tín
Kẻ vỹ đại khi dưới tay hắn tất cả đều trở thành kinh điển
Trước khi tự sát thương thay
Ôi điệu Jazz buồn như một tên nói lắp
Tán tỉnh thê thiết trong ngày Lễ tình nhân
Khi bờ biển quê hương nước xanh cát vàng và nắng ấm
Có bao giờ em nghĩ đó là ngộ nhận
Một phương nào ma trận
Ai biết đâu !





ĐOÀN-MINH-ĐẠO
Brea 2/2014.