Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

NGƯỜI XƯA CẢNH TỈNH

Không ai hết lòng với ai

Tôi xem trong xứ ta tính người đổi nhiều lắm, tục tốt ít ưa, tục quấy hay thích. Tục tốt là thương yêu nhau, thấy ai mạnh thì vui, thấy ai khổ thì thương. Còn quấy là ganh hiền ghét nhỏ, dèm phải đua quấy (1), thấy ai giỏi hơn, giàu hơn sang hơn thì không ưa, thấy ai dở hơn, nghèo hơn, hèn hơn mình thì khinh bạc chê bai; những điều quấy như vậy xem ra tiệm (2) đủ gần hết.

Coi ra cho kỹ thì ai lo phận nấy, ai chẳng cần ai, sang với nghèo đãi nhau không hậu tình.
Tệ nạn mỗi ngày mỗi thêm, làm sao cho khỏi bị người các nước khác khinh khi. Cũng bởi vì mình ở với nhau còn không phải không tốt thay, hà huống gì với nước khác, bảo người vì mình sao đặng?


(1) đua quấy là hùa theo điều xấu
(2) tạm

Lương Dũ Thúc
Nông cổ mín đàm 1901



Tham lợi dẫn đến vô cảm

Chứng bệnh [tham lam]ấy, người các nước tuy có ít nhiều, nhưng người nước ta 25 triệu ai nấy cũng có.
Tục ngữ có câu: “Cơm ai đầy nồi nấy”, lại có câu “thử thân bất độ, độ hà thân” (1), lại có câu rằng “Con vua vua dấu con chấu chấu yêu”.
Đọc bấy nhiêu lời thì biết rằng trong ruột người nước ta viết dọc viết ngang, vach xuôi vạch ngược chỉ có một chữ tham; mà ở trong chữ tham chỉ có vài nét lợi riêng là vừa hết bút mực.


(1) thân này không cứu vớt thì cứu vớt thân nào?

Phan Bội Châu
Việt Nam quốc sử khảo, 1908


Không biết hợp quần

Người ngoại quốc coi thường dân ta, họ nói rằng “không có nổi một đoàn một nhóm nào từ ba người trở lên “; câu nói đó thoạt mới nghe tưởng là quá đáng, nhưng xét cho đến tình hình xã hội tinh thần dân chúng thì thấy tan tan tác tác, rạc rạc rời rời, ghét nhau, ngờ nhau, ai lo thân nấy, bảo rằng không có nổi một đoàn một nhóm ba người thật bụng với nhau, thật cũng chẳng oan.


Phan Bội Châu
Cao đẳng quốc dân, 1928


Ích kỷ và khôn vặt

Cái tật ích kỷ vốn là một thứ hay lây. Trông thấy những v­ườn hoa cây cảnh ở sân nhà trư­ờng hay ở nơi đền chùa, hoặc cạnh đư­ờng đi lối lại, đã không biết giữ gìn để làm một cái cảnh vư­ờn chung thì chớ, nhiều ng­ười lại còn đang tay bẻ tàn bẻ hại, để đem về nhà mà chơi thích chí lấy một mình.
Cái chứng ích kỷ đã mọc ra, đến lúc lớn lên thành ra một ngư­ời đi đến đâu phá huỷ đến đấy.
Cũng vì lẽ đó mà dân An Nam không mấy khi có được cảnh vui chung (1), ai có muốn chơi cảnh thì lại phải xây một vài cái bể cạn hay là bầy mư­ơi lăm cái chậu con để làm một khu vui riêng mà không chung chạ với ai cả.
Dần dần nảy ra một cái tư­ tư­ởng đáng cư­ời, đáng khinh, đáng ghét, đáng sợ là hai chữ ích kỷ, mà một câu “ăn cỗ đi trư­ớc lội n­ước đi sau “đủ vẽ hết đ­ược ruột gan.


(1) tức là không có các loại công viên hoặc khu giải trí công cộng

Nguyễn Đỗ Mục
Đông dư­ơng tạp chí, 1914


Chỉ biết cạnh tranh
trong những việc tầm thường, lặt vặt

Cạnh tranh là một cái tính phổ thông của nhân loại, những bậc danh nhân kiệt sĩ đua tài chọi sức, chẳng là vì cái danh thực mà cạnh tranh đấy ư? Những bậc phú hào bên các nước Âu Mỹ làm nên cho dân được thịnh nước được giàu, chẳng là vì một cái lợi to mà cạnh tranh đấy ư?
Nay hỏi đến cách cạnh tranh của người mình thế nào?
Đi học thì cạnh tranh nhau nhau cầu được học bổng nhiều, mà trí thức rộng hẹp phẩm hạnh thấp cao lại không hề cạnh tranh đến.
Làm quan thì cạnh tranh nhau cầu cho được tiền nhiều chức lớn, mà đạo đức tốt xấu, chính tích (1) hay hèn lại không hề cạnh tranh đến.
Ở trong làng thì cạnh tranh nhau chỗ ăn chỗ ngồi, ngôi trên ngôi dưới, ngoài cái đó không hề so sánh hơn thua, ai thiện ai ác, ai hiền ai ngu (2).
Ra ngoài đường thì cạnh tranh nhau kẻ khó người giàu, manh quần tấm áo, ngoài cái đó không hề phân biệt ông hay là thằng, bà hay là con nữa.
Làm ruộng thì cạnh tranh nhau tấc ruộng thước vườn, mẩu bờ tí nước, mà đến những đồng bãi mênh mông, kể hàng ngàn hàng muôn mẫu thì có ai nhìn.
Buôn bán thì cạnh tranh nhau luồn lỏi mua cho được, mánh khóe bán cho trôi, mà đến những đại tôn giao dịch (3) kể trăm thứ ngàn thứ hàng thì có ai biết.
Làm thợ thì cạnh tranh nhau bán rẻ phá giá làm điêu (4), đỡ công mà chưa từng có được một cái đoàn thể đồng nghiệp cho hẳn hoi, để khoáng trương (5) lợi ích.
Ấy sự cạnh tranh của người mình toàn có một cái mục đích nhỏ nhen hèn hạ như thế cả. Thế mà cạnh tranh hăng hái dữ tợn cũng chẳng khác gì người các nước họ cạnh tranh vì cái danh thực, cái lợi to.


(1) việc làm của các quan chức trong khi thi hành công vụ, kẻ hay người dở.
(2) hiền ở đây có nghĩa người khôn ngoan có đức hạnh chứ không phải là hiền lành, dễ dãi; và ngu có nghĩa ngược lại
(3) nguyên nghĩa đại tôn là dòng họ lớn, đây chỉ những người có vai vế và nổi tiếng trong nghề.
(4) gian dối, man trá.
(5) tương tự như khuếch trương.

Dương Bá Trạc
Tiếng gọi đàn, 1925



Vừa không thiết chuyện gì, vừa xét nét nhỏ nhặt

Người nước ta, đối đãi với nhau một cách nghiêm khắc, trách bị nhau những chuyện nhỏ nhặt. Ngoài sự hư danh, mối tiểu lợi, nhất thiết hoài nghi cả, không thiết chuyện gì; phàm những sự nghiệp lớn lao, những chủ nghĩa cao thượng cho là viển vông, không biết đem lòng ham chuộng, không biết giốc chí theo đuổi.
Tật thứ nhất của dân mình là hay xét nét. Bới lông tìm vết, người nọ dùng trí khôn để dò xét người kia. Xã hội như cái sa - lông, đông khách ngồi, nhưng cứ rụt rè mà nhìn nhau, ngoài những lời thăm hỏi vẩn vơ những câu hàn huyên vô vị, không gây nên được câu chuyện đượm đà hứng thú.
Phạm Quỳnh
Hoàn cảnh, Nam phong, 1924


Lợi dụng đạo nghĩa kiếm lợi

Theo tâm lý người mình thì ai ai cũng hiểu rằng lợi là đáng khinh mà nghĩa là đáng trọng. Nhưng xem chừng như ít người đem cái luật ấy ghép vào cho mình, mà lại đem ghép cho người khác ở chung quanh mình.
Suy cái bụng họ ra, ý chừng họ muốn ai ai cũng “uống nước trong làm việc” thì họ mới ưng; ai ai cũng “ăn cơm nhà mà đi đánh giặc” thì họ mới cho là quân tử.
Các ông nhà buôn tinh ranh cũng chực lợi dụng cái đạo lý ấy (tâm lý “trọng nghĩa khinh tài” --- VTN chú) để lấy lợi.
Các ông ấy đưa ra những hàng xấu ra mà hô lên rằng: “Của nội hóa đây. Các ngài phải có nghĩa vụ mua hàng nội hóa hầu để khuyến khích công nghệ nước nhà “.
Rồi họ thừa dịp đó bán mắc muốn gấp hai hàng ngoại hóa.


Phan Khôi
Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, Thần chung, 1929



Danh dự bị hiểu sai lạc và mang ra mua bán

Xã hội ta xưa nay coi mọi người ai cũng như ai, bé thuộc quyền bố mẹ, lớn thuộc quyền vua quan; từ thuở nhỏ đến tuổi già, xã hội đã chỉ sẵn cái đường lối nhất định cho mà theo, theo được đúng thời xã hội đãi cho phẩm vị cho lợi quyền, và coi đó là danh dự. Thuận theo xã hội ắt sẽ có danh giá. Được xã hội khen thời lương tâm có chê cũng vẫn là có danh dự. Nhưng mà những cái ấy người ta có thể mua được cả. Danh dự đã là một thứ có thể bán buôn thời giá trị không đáng bao nhiêu nữa.


Phạm Quỳnh
Danh dự luận, Nam phong, 1919



Trông nhau để …yên tâm trục lợi

Xứ ta lâu nay việc giáo dục rất bơ thờ (1). Những trường học dạy cho biết ba cái chữ không đủ gọi là giáo dục được. Vì cái cớ không có giáo dục đứng đắn đó mà người ta không biết trọng danh dự, không biết chuộng khí tiết, không biết giữ nhân cách mình cho cao; đã vậy thì cái lòng ham danh lợi nổi lên mà cai trị cả con người chúng ta, tùy nó xui giục đi đâu mình đi đó, ấy là sự mà chúng ta không thể chối được. Coi kia rất đỗi người (2) học thức lão thành (3) mà còn không khỏi bị nhử cái mối tài lợi, phương chi là kẻ khác !
Trong xã hội hay có thói ngó mặt nhau. Một người làm việc xấu, nhiều người khác thấy mà phân bì: sức như ông ấy đó mà còn làm bậy, huống chi mình – rồi thì tập nhau mà làm quen chẳng ai lấy làm chướng tai gai mắt hết.
Nghe những người đứng lên nói vầy nói khác chế báng một ông nào đó, ta tự hỏi nếu đem thay người nói vào cái địa vị ông ấy thì sao? Không dám vội tin rằng người thế cho ông ấy sẽ hơn được, vì người ấy vẫn thở chung một cái không khí với đám quần chúng này.
Chúng ta trách một người vì mấy trăm đồng bạc mà bán mình, song có ai chắc đến lượt mình không bán. Sự dễ thấy nhất là trong quần chúng An Nam luôn luôn có kẻ bán cái ý kiến của mình, bán cái quyền lợi của mình .


(1) thiếu khí sắc thiếu sức sống
(2) lắm người
(3) đã tới trình độ thành thục
Phan Khôi
Trung lập, Sài Gòn, 1930


Cách sống của kẻ cùng đường

Xã hội Việt Nam ngày nay đứng giữa những tấn kịch, tâm lý phần đông chừng đã mất hẳn thú sinh nhân (1), trong óc lại nẩy ra cái quái tượng, nhường bước cho ma dẫn lối quỷ đưa đường, mà chính mình không rõ là người gì, sẽ làm việc gì, nay không biết mai.
Trừ những người có học thức, thì hạng tuổi trẻ thất học, cùng bọn đã nghèo lại dốt không đường tự cứu và tự ủy (2), thói thời không chừa sự bi thảm xấu xa gì mà không dám làm, nào cha con chú bác giết nhau, nào vợ chồng thù ghét nhau. Mà nguy hiểm nhất là những đám lừa đảo trộm cướp dùng thứ thủ đoạn mới, làm cho dân lương thiện không có chút tự vệ.


(1) niềm vui sống
(2) tự lo liệu


Huỳnh Thúc Kháng
Cái hiểm tượng loạn óc, Tiếng dân 1939



Mưu danh bằng cách
hạ nhục kẻ khác


Lắm kẻ, chỉ vì hám cái phù danh, đang tâm lê gót giày lên trên tình bạn hữu, hạ chân lý xuống tận bùn đen. Tưởng mình như thánh như thần, ngoài ra, nhất là những địch thủ, toàn là đàn chim chưa vỡ bọng cả.
Chưa đọc hết, có khi không thèm xem qua bài văn của người khác, họ đã dài mồm chê bai.
Chưa mở lấy một trang sách, chưa rờ đến một tờ báo của bạn đồng nghiệp, họ đã yên trí là viết không thành câu, hạ ngay những lời mạt sát thậm tệ.
Trong khi trò chuyện, chỉ hết sức khoe khoang về mình ; còn những người khác dù đã lập được biết bao chiến công trên trận bút trường văn, cũng chỉ đáng một con số không, theo ý họ.
Hoa Bằng
Vài cái liệt điểm của một số nhà văn ta, Tri tân, 1942



Chỉ biết lo thân

Công tâm (1) là một thứ khó tìm thấy ở mọi người. Nghĩ cho cùng không nên trách dân quê là thiếu công tâm, vì họ phải sống trong một đời thiếu yên ổn về mọi phương diện bắt buộc họ phải nghĩ đến mình trước đã. Vả chăng trước mắt họ nào có ai treo một tấm gương sáng về việc nghĩ đến cái chung ?!


(1) ngày nay có nghĩa ngay thẳng không thiên vị, nhưng trước đây hiểu là sự lo lắng cho công việc chung
Vũ Văn Hiền
Mấy nhận xét nhỏ về dân quê Bắc kỳ, Thanh Nghị, 1944

THAN ÔI, CÁI ĐẦU ÓC SÙNG NGOẠI



Tuần báo Văn nghệ, số 30 (29-7-95) có đăng hai bài lý luận văn học của ông Trần Mạnh Hảo và ông Vương Trí Nhàn. Khoan hãy bàn đến bài báo của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Trước hết hãy nói về cái đầu óc sùng ngoại hay bái ngoại của nhà lý luận văn học Vương Trí Nhàn thể hiện trong bài viết của ông.
Ít lâu nay đi ra phố thường gặp những cô gái đi giày Ý, váy áo Tàu, đeo kính Mỹ, tay buộc đồng hồ Thụy Sĩ và cưỡi trên xe máy Nhật. Nghĩa là từ đầu đến chân, cô gái toàn những hàng ngoại, thậm chí trong cái bóp tay kia cũng là tiền ngoại. Chỉ có thân thể cô là hàng nội bởi cha mẹ cô là người nội địa, người Việt. Cho dù cố đến mấy cô gái cũng không thể thay đổi dòng máu Việt của mình. Nếu có người ngoại quốc nào ngưỡng mộ cô thì chính là họ ngưỡng mộ cái vẻ đẹp Việt Nam, họ đâu có nhầm tưởng cô là người nước ngoài...
Văn chương cũng vậy, dù có hướng ngoại bao nhiêu, dù có theo "quy trình sản xuất hiện đại" bao nhiêu thì vẫn là văn chương Việt Nam và người đọc nước ngoài, nếu được dịch ra tiếng nước ngoài, họ khen hay chê là khen chê một áng văn chương Việt Nam. Ông Vương Trí Nhàn qua bài viết của mình tỏ ra nôn nóng muốn văn chương nước ta mau chóng hội nhập với thế giới (cái thế giới nào đây?) và nhìn lại nền văn học của ta lâu nay tuy có vẻ nhộn nhạo bề mặt nhưng bên trong là sự tịch mịch vắng lặng (?). Là người có tâm huyết cho nền văn học lâu nay tịch mịch vắng lặng ấy, ông trăn trở nghĩ suy để khuyên các nhà văn nên đổi mới quy định sản xuất văn chương của mình rồi gắng tìm hiểu xem nước ngoài họ ưa món gì thì sản xuất ra món ấy cho hợp khẩu vị của họ. Chỉ có như thế, theo ông Vương, văn học của ta mới hội nhập được với họ và khỏi bị tụt hậu trước đời sống (đời sống nào đây?). Có nghĩa là nhà lý luận văn học Vương khuyên các nhà văn Việt Nam nên chuyển đổi đối tượng hay bạn đọc nội địa của họ sang bạn đọc ngoại quốc. Nói như là một sự thách thức các nhà văn Việt Nam, đến bạn đọc nội địa còn không hiểu nổi thì làm sao hiểu được bạn đọc ngoại quốc. Mà đã phàm sản xuất hàng hóa (cứ coi sản phẩm văn học là hàng hóa đi cho nó phù hợp cơ chế kinh tế thị trường) làm ra mà người bản xứ không dùng thì đem đi xuất khẩu thế nào được, trừ phi là món hàng chính trị hay tâm lý chiến. Nghe nói ở bên Nhật, thứ hàng tốt nhất, đẹp nhất, bền nhất phải là hàng nội địa, sau đó mới đến hàng quốc phòng, hàng xuất khẩu đứng thứ ba. Còn những nước nghèo như nước ta thì vì nghèo nên dành dụm những thứ tốt nhất, ngon nhất đem ra bán cho nước ngoài để lấy ngoại tệ về giống như người nông dân, bao nhiêu thứ ngon nhất đem ra thành phố bán lấy tiền, gạo, thịt hay rau quả, mình thì bóp mồm bóp miệng. Đó là vì nghèo, là vì muốn nhanh chóng dựng xây đất nước hay gia đình. Văn chương tất nhiên không phải thứ hàng hóa vật chất, nó là sản phẩm tinh thần, là tâm hồn con người Việt Nam. Và làm giàu trong văn học hoàn toàn khác với làm giàu trong kinh tế. Người viết văn viết ra những tác phẩm đầy tâm huyết hoàn toàn không vì đồng tiền mà họ cũng chẳng bao giờ có thể giàu có nhờ nghiệp văn. Ngay các nước văn minh, số nhà văn giàu có cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự giàu có của văn học là sự phong phú về tâm hồn, sự phong phú về nhân văn mà những thứ này không thể tính bằng tiền.
Ông Vương Trí Nhàn lấy dẫn chứng về ngành hội họa, lấy lý do vì nhanh chóng hội nhập với thế giới mà hội họa của ta trở nên năng động, bao nhiêu phòng tranh được bày trong nước và ngoài nước, bao nhiêu họa sĩ bán được tranh cho người nước ngoài. Điều này chứng tỏ ông Nhàn chẳng có chút hiểu biết gì về ngành nghệ thuật tạo hình này. Trong khi ông Nhàn ngợi ca sự hội nhập của giới hội họa thì nhiều họa sĩ than thở: "Bây giờ có rất nhiều phòng tranh, cả trong nước và ngoài nước nhưng lại chưa có tác phẩm. Bây giờ có rất nhiều người vẽ tranh nhưng lại chưa có tác giả.". Xin nhắc để ông Nhàn nhớ rằng, trước kia những danh họa Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái hay Dương Bích Liên, thời của họ chưa có lời khuyên hội nhập của ông Nhàn, vậy mà bây giờ vẫn chưa họa sĩ nào bằng được họ, chưa nói vượt qua tài năng của họ. Và chính những họa sĩ ấy đã đem lại niềm tự hào cho nền hội họa Việt Nam. Nói như vậy không phải tôi phủ nhận sự năng nổ, sôi động trong thị trường hội họa mấy năm gần đây, tuy nhiên người nước ngoài mua tranh Việt Nam có nhiều loại khác nhau. Điều này giới hội họa chắc hiểu hơn ông Nhàn.
Ông Vương Trí Nhàn đề cập tới việc dịch thuật, dịch tác phẩm văn hóa nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại. Quả là mấy năm gần đây việc chuyển dịch tác phẩm nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn và có hệ thống hơn. Nhưng sở dĩ có chuyện bừa bãi trong dịch thuật là do tác động của cơ chế thị trường, nhưng nếu nước ta gia nhập Hiệp hội Bản quyền tác giả quốc tế thì tôi dám chắc việc dịch thuật ấy bị ngừng lại ngay. Bởi cứ theo giá nước ngoài, mình dịch tác phẩm của họ thì nhà xuất bản đến bán tất cả cơ nghiệp đi cũng không trả nổi tiền nhuận bút cho họ. Còn việc nước ngoài dịch tác phẩm văn học Việt Nam, ông Vương Trí Nhàn buông mấy câu xanh rờn: "... Dù còn rất ít, song đây đó bắt đầu có những tác phẩm văn học Việt Nam mới biết hôm nay được dịch ra tiếng nước ngoài. Có thể ở đây, bàn tay của những kẻ thù địch với ta thò vào quá rõ nên các cơ quan an ninh đã sớm chú ý để thực thi nghiệp vụ của mình..." và "... Thấy ai được dịch, nhiều người chúng ta không chia vui mà thường nhìn người ta như một kẻ dị giáo, một con chiên ghẻ, rồi xem đây là chuyện xấu, kiếm tiền hèn hạ... ". Chỉ mấy câu trên đây, nhà lý luận họ Vương đã tỏ ra thiếu sự bao quát. Trước hết những tác phẩm văn học Việt Nam đâu phải chỉ mới đây mới được dịch ra tiếng nước ngoài. Ông Nhàn quên rằng trước khi ông vào nghề văn học này đã không ít tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, của Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi đã được nước ngoài dịch sang tiếng của họ. Và bây giờ cái số dịch văn phẩm được dịch ấy đâu có nhiều. Có lẽ ông Nhàn có sự phân biệt cái nước ngoài trước kia với cái nước ngoài bây giờ khác nhau? Và ông coi trọng cái nước bây giờ chăng? Rồi ông lại nói trong việc dịch thuật ấy có bàn tay thù địch nước ngoài thò vào nên các "cơ quan an ninh đã sớm chú ý để thực thi nghiệp vụ". Tại sao lại kéo cả cơ quan an ninh vào đây? Và trong khi ấy thì các nhà văn khác thấy ai được dịch "nhìn người ta như một kẻ dị giáo, một con chiên ghẻ... ". Thật là lạ lùng khi ông Nhàn mạt sát các đồng nghiệp không được dịch ra nước ngoài của ông như vậy? Một mặt thì ông bảo cơ quan an ninh sớm chú ý thực thi nghiệp vụ, một mặt thì ông nói các nhà văn khác chẳng những không chia vui mà xem đó như một kẻ dị giáo, một con chiên ghẻ? Đáng thương thay những nhà văn có được tác phẩm mà nước ngoài quan tâm rồi đem dịch lại kia. Và cái số người không được dịch kia thật đáng ghét biết bao? Rồi ông Nhàn lại phê Hội Nhà văn là "gợi ra cảm tưởng chúng ta thu mình lại, coi văn chương là thứ hàng nội địa, nên căn bản là làm ta đọc với nhau. Ở đây không có hội nhập, hội nhiễu gì cả... (?)". Và vì thế nên "xã hội thì sôi nổi năng động mà văn chương... ngoài một ít chuyện nhộn nhạo vặt vãnh, căn bản vẫn có cái vẻ tịch mịch chậm rãi của mấy chục năm nay...", còn trình độ nhà văn thì "không được nâng lên tương xứng với trình độ làm nghề hiện nay trên thế giới..."
Đây là cái nhận định cơ bản của nghề văn học Việt Nam mấy chục năm qua. Kể ra như thế cũng là quá bạo gan bởi xét cho cùng thì nhận định này của một nhà nghiên cứu văn học tầm cỡ như ông Nhàn đâu có là chuyện nhộn nhạo vặt vãnh nếu người ta cần làm cho ra lẽ. Ông đã phủ định tất cả những điều mà ông hằng ca ngợi bấy lâu nay. Ông khuyến cáo các nhà văn cần có sự hội nhập với thế giới và mắng mỏ họ lâu nay coi văn chương là thứ hàng nội địa, ta làm và ta đọc với nhau, thế giới mù tịt là phải. Bởi vì các nhà văn Việt Nam trình độ không được nâng lên tương xứng với trình độ làm nghề của thế giới. Ông Nhàn chỉ có phản bác và mắng mỏ thế thôi chứ giá như là một nhà nghiên cứu văn học, ông nói ra được cái "trình độ làm nghề của thế giới hiện nay" nó ra sao, cái gọi là "quy trình sản xuất văn chương" của họ ra sao để các nhà văn học tập thì tốt biết bao nhiêu. Và nếu cần thì ông nên viết béng ra một tác phẩm văn chương bằng các quy trình sản xuất ấy để đưa nó hội nhập với thế giới làm hình mẫu cho các bạn đồng nghiệp của ông và nếu như nó được dịch ra tiếng nước ngoài, được giải thưởng của nước ngoài nữa thì tốt quá đi. Ông Nhàn sẽ là vị cứu tinh cho nền văn học Việt Nam, cứu các nhà văn ra khỏi tình trạng "tịch mịch vắng lặng", chỉ biết sản xuất hàng nội địa, không có mặt hàng xuất khẩu. Và biết đâu ông sẽ chẳng làm Tổng giám đốc một công ty TNHH nào đó mang tên VAHOMEX hay VUTRIMEX chẳng hạn, chuyên xuất khẩu các bài thơ, các tiểu thuyết theo com-măng của khách nước ngoài...
Nhưng cái sự đời nó lại không thể làm như vậy được, văn học không thể là thứ hàng xuất khẩu. Ví những tác phẩm là những đứa con tinh thần của các nhà văn như ông Nhàn chẳng hạn, ông lấy vợ sinh con thì đứa con của ông dứt khoát phải là đứa con nội địa dù ông có "đổi mới quy trình công nghệ sản xuất" đến đâu chăng nữa. Nếu như ông lại đi hội nhập với người đàn bà da trắng hay da đen nào đó đến khi đẻ ra nó lại là đứa con lai mất rồi! Cho nên vấn đề rất thiết yếu mà ông đặt ra cho Hội Nhà văn Việt Nam quả là khó lắm thay!
Nguồn: Công an thành phố, Tp.HCM (9-8-1995)

NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI VÀ CÔNG CUỘC HỘI NHẬP




Mỗi khi có bà con đang sống ở nước ngoài về chơi là nhiều gia đình Hà Nội chộn rộn hẳn lên. Lo cho người xa về chỗ ăn chỗ ở cho tươm tất. Dẫn đi thăm thú lại quê hương và nhận lại họ hàng. Mải chuyện liên quan đến quê nhà nhiều khi quên cả chuyện của người xa xứ.
Nhưng đó là tình hình của dăm bảy năm trước, còn gần đây thì khác. Bây giờ thì việc bà con trở về đã quá bình thường. Người về có cái hòa nhập tự nhiên mà người đón cũng tự tin không quá lo lắng. Câu chuyện nhẩn nha bình thản hơn.
Bà cô tôi từ Canada về cuối 2006 cũng vậy. Không có xáo động nào quá lớn xảy ra với gia đình, mọi chuyện quá giản dị. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi hiểu thêm mối liên hệ giữa những người xa quê hương với cộng đồng.

Đặt người ra đi trong mối quan hệ với hội nhập
Qua tiếp xúc với người mà hiểu thêm mình là một trong những con đường nhận thức được nhiều người công nhận là cần thiết và “ có triển vọng”, tức có khả năng tạo nên hiệu ứng, có giá trị đích thực đối với những chủ thể đang muốn tự hiểu về mình – chữ chủ thể ở đây không phải chỉ là từng người riêng lẻ mà bao gồm cả một cộng đồng lớn cả dân tộc.
Muốn thế thì bên cạnh việc đón tiếp người, còn phải biết đi ra với người.
Lâu nay ở Việt Nam, việc đó không được coi là tự nhiên. Do những lý do thuộc về địa lý và lịch sử, dân ta thường ít đi rộng ra ngoài mảnh đất sinh sống, từ đó những hiểu biết của mỗi chúng ta về những xứ sở khác, những con người khác, thường thiếu hệ thống thiếu toàn diện, không đủ giúp ta có dịp tốt để đối chiếu so sánh.
Việc này lại tìm thấy ở hoàn cảnh chiến tranh một lý do để kéo dài. Mấy chục năm ấy, ta tập trung lo những công việc trước mắt. Chưa thấy cần mà cũng chưa có thời gian tái khám phá bản thân. Quá tự tin, và tưởng sự mình biết về mình đã quá đủ, không mấy ai ngồi tính xem cần đi đâu thêm, hỏi thiên hạ thêm điều gì nữa.
Nhưng lịch sử đã có những sự bù đắp bất ngờ. Từ nửa sau thế kỷ XX, người Việt có mặt trong khắp thế giới. Tạm để lý do tại sao họ đi sang một bên, chỉ nhìn thuần túy hành động thì có thể bảo trên con đường hội nhập với thế giới, người Việt ra đi mấy chục năm nay và hiện đang ở hải ngoại là sự chuẩn bị cho tương lai. Nên nhìn vào họ thấu đáo, xem như là một trong những cách để dân mình hiểu về chính mình. Nhất là có thể nhìn họ như những người “ lội nước đi trước “dò dẫm thử đường trong công cuộc hội nhập.Việc này đang thâm nhập vào từng gia đình, và sở dĩ tôi mang chuyện bà cô tôi và gia đình tôi ra kể bởi tin đó cũng là chuyện của các gia đình khác.

Tự bộc lộ và thể nghiệm
Hình như thói quen chỉ ngồi mà nói là thói quen dành riêng cho đàn ông. Với phụ nữ nhất là lớp người lớn tuổi, quây quần chuẩn bị nấu nướng là cái cách tốt nhất để thoải mái trong hàn huyên chuyện trò mà không cảm thấy … mất thời giờ. Nói theo chữ nghĩa của lớp trẻ, những bữa nấu ăn trở thành “cái sân chơi tự nhiên” cho sự chia sẻ ở gia đình tôi những ngày vừa qua. Bà cô ngoại bảy mươi ngồi bảo vợ tôi cũng đã “đầu 5 ” ít cách làm các món ăn cũ. Trông bà làm như thấy hiện hình nếp sống bình thường của các gia đình từ 1945 về trước mà tôi còn nhớ qua các trang tiểu thuyết của Khái Hưng, Thạch Lam, Đỗ Đức Thu ….
Thỉnh thoảng đọc các báo người Việt làm ở hải ngoại đã thấy nói là chính trong cộng đồng người Việt, bên cạnh một số mất gốc, lại có nhiều người bảo lưu rất tốt nếp sống cũ. Nay hóa ra đó là chuyện thấy ngay ở người nhà mình.
Những lúc rỗi rãi, bà cô tôi ngồi kể bên ấy họ hàng người quen sống ra sao. Thì cũng mỗi người mỗi kiểu. Có những người mệt mỏi quá với cuộc sống hồi còn ở nhà quay ra làm một cuộc đại xả hơi. Ăn bám chơi bời xoay tiền bằng bất cứ cách nào có thể, và bê đầy đủ những thói xấu của người trong nước sang xứ người ta.Vô can hơn một chút là lớp người già thiên về nghỉ ngơi, khi có việc gì không vừa lòng thì lặng lẽ chịu đựng và đi chùa. Trong khi đó, lớp trẻ đăm đuối vào việc học, tự hào là có thể hành nghề đàng hoàng ở xứ người.
Không chỉ là sự tò mò, mà tôi còn thường theo dõi những câu chuyện này, nhất là chuyện về cách sống của những người cùng tuổi với một tâm lý hồi hộp: nếu chuyện đó xảy ra với mình thì mình sẽ cư xử ra sao. Một cách ngẫu nhiên tôi chợt nhận ra mình đã xem những người ra đi như là một bước thể nghiệm của cả cộng đồng người Việt trong tiếp xúc với thế giới lớn lao bên ngoài.
Nhưng như thế thì đã sao ? Chẳng phải chính đó là một nhu cầu lịch sử mà con người do không tính được nên tạm lờ đi đó sao.
Trong sân khấu hiện đại, có một nguyên tắc là sự gián cách, đại ý nói rằng chính khi có điều kiện lùi ra xa người ta lại càng hiểu đầy đủ hơn về một sự vật. Nguyên lý đó cũng tồn tại trong thực tiễn đờ sống .

Những cách đóng góp khác nhau
Hai tiếng hội nhập vào những ngày này, xem như là luôn luôn ở đầu lưỡi mọi người nhưng cách hiểu về hội nhập lại khá đa dạng.
Với nhiều người, hội nhập đại khái là làm hàng xuất khẩu là kêu gọi đầu tư, là gọi vốn và đó chính là chỗ các kiều bào có thể đóng góp. Nghe nói cái đó, ở Trung Quốc, người ta làm nhộn nhịp lắm. Ở VN chưa có bao nhiêu, nhưng tôi biết là thời gian tới nếu biết cách huy động, thì cũng sẽ thu được hiệu quả.
Nghĩ rộng hơn một chút, có người hiểu hội nhập bao gồm cả chuyện nhân lực. Ở chỗ này, người Việt hải ngoại cũng có ưu thế. Ra nước ngoài, dân mình chịu học và có điều kiện để học.Trên toàn thế giới, thiếu gì giáo sư là người Việt đáp ứng đủ tiêu chuẩn các đại học hàng đầu.Có hẳn một lớp trí thức hội nhập được với nền giáo dục ở nước ngoài. Họ đang lo giúp đại học trong nước .
Trong một chuyến du lịch ngắn ngày, tôi còn nghe nói ở Cam pu chia, chính những người ra đi hồi chiến tranh mà có tài , nay ở mọi ngành đều được trọng dụng. Bởi hồi ấy họ sớm nghĩ rằng có một cách yêu nước là chuẩn bị về xây dựng đất nước sau hòa bình. Việc trọng dụng họ hôm nay khiến cho chính những người có công chiến đấu hôm qua có lợi. Ta còn chưa biết làm thế. Ba mươi năm sau chiến tranh song những vấn đề của quá khứ vẫn đang đè nặng lên chúng ta. Còn có lẫn lộn giữa đóng góp trong quá khứ và đóng góp trong hiện tại. Nhưng tôi ngờ rằng nhu cầu thực tiễn đến lúc nào đó cũng kéo chúng ta đến với cách dùng người theo hiệu quả. Nếu theo tiêu chuẩn như vậy, thì lực lượng Việt kiều là cả một nguồn lực bổ sung không dễ mà có .
Còn như cái chuyện gọi là tự bộc lộ và thể nghiệm tôi nói ở đây ít ai để ý. Nhưng xét trên tầm ảnh hưởng ở bề rộng thì sự thực là thế. Nó cũng là một đóng góp đại trà của người Việt xa quê mà chúng ta cần trân trọng đánh giá và khai thác.

Vương Trí Nhàn

Bảy bước tới tha hóa


Không chỉ làm cho con người nghèo khổ đi, cái chính là trong cơn băng hoại của thời hậu chiến , xã hội ngày nay cũng đang làm cho con người hư hỏng thoái hóa hơn bao giờ hết. Mỗi người trở nên khác mình, con người cũ tốt đẹp của họ như bị đánh mất đánh tráo, thay bằng một kẻ khác tồi tàn khốn nạn hơn.
Người ta gọi quá trình đó là quá trình tha hóa. Xã hội làm tha hóa con người. Mà mỗi con người thì tự tha hóa.
Cần nhấn mạnh rằng với lương tri sẵn có, hầu như tất cả mọi người đều tự phát chống lại sự tha hóa đó.
Xét cả quá trình, người ta dễ nhận thấy:
Nếu tạm gọi khả năng chống lại cái ác từ chung quanh tấn công vào mình làm hỏng mình là một thứ miễn dịch thì cái chất ấy ở con người ngày càng vơi cạn.
Và con người đã lùi từng bước.
Tình thế đó đáng để chúng ta bàn bạc nhiều. Sau đây là cách lý giải của tôi .

Bài viết này, tôi viết từ khoảng gần mười lăm năm trước, khi mà việc tố cáo tình trạng tha hóa còn bị coi là cái nhìn sai lệch, người đứng đắn không nên đả động tới không nên phân tích làm gì nhiều. Ngày nay tình thế đã rõ ràng hơn và cái cơ chế làm tha hóa con người đã bộc lộ đầy đủ sức mạnh hơn, còn khả năng chống lại xu hướng chung của mỗi cá nhân ngày càng yếu đi.
Tin rằng mỗi bạn đọc, bằng sự thể nghiệm của mình, sẽ có những bổ sung cần thiết cho bài viết còn quá hiền lành, do đó mà đã trở nên lạc hậu, của tôi.

Hồi nhỏ, cũng như một số bạn bè cùng tuổi, tôi là đứa trẻ đãng trí, hay đánh mất những thứ lặt vặt: khi cái khăn mùi xoa, cái mũ, khi quyển truyện hoặc cái bút chì. Thông thường bố mẹ ở nhà cho qua không mắng mỏ gì đáng kể.
Nhưng đâu một hai lần, tôi nhớ không những bị đánh cho mấy roi cứ gọi là quắn đít, mà trước đó còn bị hỏi căn hỏi vặn:
Điên hả , sao nhắc bao nhiêu lần cũng bằng thừa?
Chạy nhảy thế nào mà đánh mất, kể lại xem nào.
Thử nhớ lại xem, con đánh rơi ở đâu? Con đã để ý đi tìm chưa?....
Đến bây giờ tôi cũng không nhớ lần ấy đánh mất cái gì, chỉ đoán chắc là mấy thử đắt tiền lắm, chứ không phải ba cái đồ vớ vẩn như mọi khi. Người ta chỉ phải suy nghĩ về sự mất mát khi cái bị đánh mất được coi là quan trọng.

Liên hệ tới chuyện ngày nay:
Niềm thiết tha với cái tốt cái đẹp vốn nằm trong tâm trí chúng ta từ thuở thiếu thời, khi đang còn cắp sách đến trường.
Mấy chục năm nay, Nhà nước cách mạng cũng luôn luôn kêu gọi mỗi thành viên của xã hội gắng trau dồi đạo đức. Câu nói của thầy Mạnh "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” thường được nhắc nhở vì trong một hình thức cũ, nó lại diễn tả tốt nhất nội dung chủ yếu của đạo đức mới - sự vững vàng của nhân cách.
Nhưng liệu có thể nói mỗi người chúng ta đã làm được điều chúng ta mong mỏi?
Giả sử bây giờ, ra giữa buổi họp, tôi bảo ông nọ bà kia là thoái hoá biến chất, mọi người sẽ cho tôi là có hiềm khích gì đó với họ, nên mới ăn nói sỗ sàng như vậy. Nếu tôi lại mạnh mồm khái quát rằng nay là lúc không ít người trong chúng ta đang hư hỏng đi, thì người ta sẽ bảo tôi là liều lĩnh vô căn cứ, là không có cái nhìn toàn cục, không thấy "mặt tốt là chủ yếu”.
Nhưng nhiều lúc ngồi một mình tỉnh táo, đối diện với lương tâm, hẳn nhiều người chúng ta phải công nhận là quanh mình số người hiền lành thánh thiện ngày một ít, số khôn ranh kiếm chác ngày một nhiều thêm.
Và tự ta nữa, nghiêm khắc mà nói, ta cũng đang sống không phải như ta mong muốn.
Ở đây không nói tới những tội lỗi đã thành danh mục quản lý của pháp luật, mà chỉ nói tới những thói xấu nho nhỏ những thói xấu vẫn bị coi là không đáng kể, và dễ bị bỏ qua:
Xoay xỏa vụ lợi. Làm dở báo cáo hay qua loa vô trách nhiệm. Khéo léo tô vẽ mình trước cấp trên. Hùa theo đám đông, nói cho đám đông vừa lòng, chứ không dám nói sự thật..
Có phải là không ít thì nhiều, hàng ngày chúng ta đã để cho những thói xấu đó lộng hành? So với con người lý tưởng mà ta muốn noi theo, khi bước vào đời, thì thật ra ta đang xa dần, thậm chí có những phẩm chất tốt mà ta có từ lúc còn trẻ và cứ tưởng giữ được mãi, bây giờ đã bị đánh mất.
Nay không còn là lúc sợ ai lục vấn mình như cậu bé năm xưa nữa. Nhưng có lẽ, với tư cách người có học, sống nhiều bằng ý thức, cũng nên quan sát chính mình xem xem một quá trình tâm lý như thế nào đã xảy ra, khi ta tự đánh mất cái phần tốt đẹp ở con người mình như vậy.
Dưới đây là một vài nhận xét tôi rút ra từ kinh nghiệm bản thân và qua quan sát những người gần gũi chung quanh:

1. Sự kiếm sống hàng ngày là một khái niệm lâu nay chúng ta hay lẩn tránh và nó chỉ tồn tại như một giá trị ẩn, không được mang ra tính toán công khai. Nhưng phải nhận nó vẫn là nhu cầu có thực, hàng ngày gây sức ép với mọi người. Có nhiều việc ta biết là trái đạo lý song vẫn phải làm, chẳng qua chỉ là nhằm kiếm thêm ít tiền bạc, để cùng với đồng lương còm cõi, duy trì sự sống của bản thân và gia đình.

2. Các thói xấu lấn lướt ta mỗi ngày một ít. Thời gian đầu ta thường vừa làm vừa tự nhủ: chỉ chấp nhận đầu hàng lần này nữa thôi, sau sẽ không bao giờ tái diễn! Nhưng càng về sau, sự dằn vặt càng thưa thớt đi. Đời sống hàng ngày mang lại bao nhiêu căng thẳng mệt mỏi, khiến cho mỗi người chỉ có cách trượt theo thói quen và tránh nhất là gây thêm cho mình những phiền phức.

3. Có một điều ta thường viện ra để an ủi, ấy là khi thử đưa mắt quan sát thấy không phải chỉ có riêng mình làm bậy, mà chung quanh, cả những người có uy danh hơn, có trách nhiệm hơn, cũng đâu có giữ được lý tưởng - "Hơi đâu gái goá lo việc triều đình" - đấy là lý lẽ của những cái đinh ốc bé nhỏ.

4. Khái quát hơn, quả thật có nhiều việc thấy trái với lương tâm ta vẫn cứ làm, vì xem ra chung quanh mình, mọi người đều hành động như vậy.
Mà cảm giác sống theo tập thể ăn vào ta rất nặng. Ta sợ trở thành đơn độc lại càng sợ mang tiếng là chơi trội, dám khác mọi người(!).

5. Người ta ai mà chẳng vừa sống vừa trông trước trông sau xem cách sống của mình được đánh giá ra sao, và được đền đáp ra sao. Đến lúc thấy bao nhiêu cố gắng của mình cũng vô ích, những người tốt như mình thường thua thiệt, còn những kẻ xấu cứ được đủ thứ và lại leo cao mãi lên thì đành ngán ngầm buông xuôi (Sau khi phát hiện điều này, một số sẽ giãy giụa cốt vớt lại ít quyền lợi mà họ cho rằng họ đáng được hưởng. Từ ấy trở đi, họ dám sống rất tàn bạo).

6. Chắc chắn trong ta không bao giờ chết hẳn con người lý tưởng, con người tha thiết với sự nghiệp chung. Giả sử được xã hội dang tay dìu đỡ thì sau những lầm lỡ ban đầu, cũng dễ tu tỉnh trở lại. Nhưng mọi chuyện quá ì ạch. Có vẻ như điều mà xã hội mong đợi hơn cả ở các thành viên chỉ là những câu khẩu hiệu chung chung. Cái phần suy thoái trong ta chớp ngay lấy cơ hội thuận lợi đó. Nảy sinh tình trạng phân thân, sống một đằng, nói một nẻo và bởi lẽ, trước mặt bàn dân thiên hạ, giữa thanh thiên bạch nhật, ta vẫn luôn mồm nói điều tốt, nên càng yên tâm xoay xỏa kiếm chác trong bóng tối.

7. Đến lúc nào đó, ta chợt nhận ra "rằng quen mất nết đi rồi", có lẽ sẽ không bao giờ hoàn lương được. Sự lo sợ có tới (lo sợ chứ không phải hối hận) và để hóa giải, ta xoay sang cấu cúng, xin xỏ, hối lộ thánh thần.
Mê tín chính là mắt xích cuối cùng của sự tự làm hỏng, nhờ có mê tín, các khâu hoạt động khác có thể diễn ra một cách êm đẹp. Đại khái giống như một thứ bảo hiểm!

Khi một đứa trẻ đánh mất của quý gì đó, người ta phải căn vặn hỏi han xem quá trình đánh mất diễn ra như thế nào bởi nghĩ rằng qua đó, giúp cho nó biết tự giữ gìn của cải và từ nay trở đi không đánh mất nữa.
Quá trình tha hoá, quá trình tự đánh mất mình ở chúng ta có chỗ khác. Ai cũng chỉ sống một lần trên đời, cái gì mất đi thì vĩnh viễn không lấy lại được nữa.


Vậy cần gì phải mang bản thân ra mà tra khảo cho thêm rách việc?Có thể có một số người đã nghĩ thế và họ có lý của họ. Nhưng trong bài báo này, tôi muốn để nghị một cách nghĩ khác: ít ra chúng ta cũng nên sòng phẳng với nhau. Sự đánh giá chính xác về bản thân nên được xem như một phần di sản của một lớp người đang sống để lại cho các lớp kế tiếp, và nếu như nhờ thế một phần, mà những người sau ta sống không giống ta, tức sống tốt hơn, ấy là khi ta đã trở nên hữu ích.


Vương Trí Nhàn

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

....................



Cơn bão đột ngột ập đến khiến chiếc du thuyền của ngài Tể tướng lật nhào. Cái đám cận vệ của ngài cuống cuồng tìm nơi bám víu, mặc cho ngài Tể tướng gào thét kêu cứu. Cơn bão dập vùi, chẳng phút chút ngài Tể tướng đuối sức ngất lịm.

Khi ngài mở mắt, thấy mình nằm trên trên một chiếc giường tre trong một cái chòi lụp xụp.Ngài vui mừng biết mình vẫn còn sống.Đúng lúc đó, ngài nhìn thấy một gương mặt đen đúa. Gương mặt lên tiếng :

- A, ông tỉnh rồi.

- Tôi đang ở đâu?- Ngài Tể tướng lập bập hỏi

- Ai da, cũng may tôi vớt được ông.Thế ông ở đâu?- Gương mặt đen đúa hỏi

Ngài Tể tướng nhớ ra ngài đã bị đắm thuyền và ngài hiểu ngay là người đang ông này đã cứu mình.

Ngài ngồi dậy, nói :

_ Cám ơn nhà ngươi đã cứu ta!

_ Ui dào, có gì đâu. Cũng may là cái số ông chưa tới nên mới khiến hôm nay tôi biển lúc mưa bão thế này ấy chứ!

_ Thế, ta muốn đền ơn cứu mạng của ngươi. Ngươi muốn gì có thể nói.

_ Ơn nghĩa gì. Việc dân chày chúng tôi phải làm thôi.

_ Nhà ngươi đừng ngại, bất cứ ngươi muốn gì ta cũng có thể đáp ứng cho ngươi.

Gương mặt đen đúa nhìn ngài Tể tướng soi mói :

_ Chậc, trông ngài sang trọng hẳn giàu sang lắm.

Ngài Tể tướng cười bảo:

_ Hơn hẳn thế, không chỉ giàu sang mà còn đầy quyền lực. nhà ngươi cần gì cứ nói. Ta là Tể tướng của ngươi đấy!

_ Á- gương mặt đen đúa hốt hoảng kêu lên.

_ Ngươi không tin à?- Ta chính thị là Tể tướng đấy!

Gương mặt đen đúa run lập cập :

_ Ông thật là ...là...Tể tướng

_ Chính ta! ngươi cần gì thì cứ mạnh dạn bảo. Ta đền ơn ngươi đã cứu mạng ta.

Gương mặt lật đật, quỳ xuống

_ Dạ.. dạ... con không dám cầu xin gì cả, chỉ cầu xin cụ ...đừng nói với ai là con đã cứu... sống cụ ạ.

_ Nhà ngươi quả thật là người tốt- ngài Tể tướng cười sảng khoái. ngươi thật sự không cần ta đền đáp ơn cứu mạng à?

_ Dạ, thưa cụ... con chỉ xin cụ như vậy thôi ạ- Gương mặt lấm lét ngó quanh, rồi kề tai ngài Tể tướng nói nhỏ :_ Dân làng chày này nó mà biết con cứu cụ nó đánh con chết ạ...

Hỏi đáp về :TPP Cần nắm những gì?


Cho đến nay với nhiều doanh nghiệp, Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn là một khái niệm mơ hồ, một mặt vì thông tin phân tích nhiều quá, không có điểm nhấn; mặt khác, thông tin chính thức lại hầu như không có, làm các vòng đàm phán mang màu sắc bí ẩn. TBKTSG tổ chức phần hỏi đáp sau như một dạng giải đáp thắc mắc mà nhiều doanh nghiệp từng nêu ra với báo. Đây không phải là các câu hỏi đáp chính thức, nó chỉ nhằm cung cấp thông tin ban đầu mà thôi dựa vào ý kiến tư vấn của các chuyên gia cộng tác viên của TBKTSG.
H: TPP là cái gì mà mọi người xôn xao thế?
Đ: TPP về bản chất là một hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước (Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia, Chile, Úc, New Zealand, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản và Mỹ) trong đó các nước thỏa thuận dỡ bỏ các rào cản để thương mại được tự do tối đa. Lấy ví dụ về xuất nhập khẩu hàng hóa, nếu kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định vào cuối năm nay như tuyên bố chung của 12 nước này vừa được công bố thì sẽ có trên 90% dòng thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa 12 nước này được hạ mức thuế nhập khẩu xuống bằng 0%. Thương mại trong các lĩnh vực khác cũng như vậy. Bên cạnh đó là những thay đổi, cải cách bắt buộc chung mà 12 nước cần thực hiện nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh và tự do hơn.
H: Nhưng không phải là trước đây Việt Nam từng ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ rồi gia nhập WTO để hưởng thuế suất thấp rồi sao?
Đ: Các hiệp định thương mại thông thường (như BTA với Hoa Kỳ hay WTO) chỉ cắt giảm thuế suất (hạ thuế suất), còn các hiệp định thương mại tự do như TPP là loại bỏ thuế suất (0%). Lấy ví dụ hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ, sau khi ký hiệp định thương mại song phương thì thuế suất bình quân giảm còn 17,3%; giữ nguyên mức này sau khi vào WTO (vì đây đã là mức thuế MFN mà Mỹ dành cho các nước thành viên WTO). Nay với TPP thuế suất chỉ còn 0%. Nhờ vậy ngành dệt may kỳ vọng sẽ tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, để đạt mức tăng trưởng 20%/năm.
H: Thế thì cứ ký đi chứ còn chần chờ gì nữa?
Đ: Không đơn giản. Cũng lấy lại ngành dệt may làm ví dụ, để hưởng thuế suất thấp như trên, TPP quy định nguyên liệu như sợi, chỉ, vải... phải có xuất xứ từ các nước thành viên. Trong khi hiện nay nguyên liệu của ngành dệt may Việt Nam chủ yếu mua từ Trung Quốc hay Hàn Quốc, đều không phải là thành viên TPP.
Đàm phán là để tìm cách du di cái đòi hỏi này, và nhiều chuyện khác nữa.
H: Như chuyện gì?
Đ: Quan hệ lao động, sở hữu trí tuệ, đối xử với doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ môi trường...
H: Những chuyện này thì đã sao? Dường như cũng giống lộ trình cải cách mà nhiều người từng nói đến?
Đ: Chính xác. Trong lâu dài thì đó là những vấn đề trước sau gì chúng ta cũng phải làm như để công nhân có sự chủ động hơn trong thương lượng với giới chủ về lương tiền, về điều kiện lao động. Bảo vệ môi trường là điều không cần ai gây sức ép, tự chúng ta cũng phải nghiêm khắc hay cải cách doanh nghiệp nhà nước, chúng ta có cả một kế hoạch tái cấu trúc to lớn kia mà. Vấn đề là thay đổi cách tư duy, không xem đó là thử thách mà chúng ta phải đối phó; ngược lại, cần xem đó chính là nhiệm vụ của chúng ta, và xem đàm phán TPP về những vấn đề này như một động lực tốt để chúng ta thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn, hiệu quả hơn và có công cụ kiểm soát đầy đủ hơn.
H: Chúng ta chỉ mới nói về hướng xuất đi mà chưa tính đến hướng nhập về?
Đ: Đúng rồi. Người ta mở cửa cho hàng Việt Nam thì Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa và dịch vụ của họ. Các ngành tài chính, dịch vụ, bán lẻ nước ngoài tràn vào sẽ gây khó cho các doanh nghiệp còn non trẻ của Việt Nam. Hàng nhập khẩu không thuế hay thuế thấp cũng sẽ chạy đua với hàng nội địa ngay trên sân nhà như điện máy, nông sản, chăn nuôi, hàng công nghiệp...
H: Có cách nhìn nào khác, thay vì chỉ tập trung cân nhắc thiệt hơn trước mắt?
Đ: Với TPP, cái thách thức có thể trở thành cơ hội và ngược lại, cơ hội cũng dễ biến thành nguy cơ. Cho nên ảnh hưởng hay tác động là phải nhìn tổng thể, qua lại, trong nguy có cơ và ngược lại. Ví dụ, yêu cầu nguyên liệu phải từ trong nước hay từ nước thành viên có thể sẽ thúc đẩy một làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng cơ hội thuế quan. Nhìn nó là cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cũng đúng mà là thách thức cho ngành dệt may thì cũng đúng vì đa phần nguyên liệu tạo ra từ các doanh nghiệp FDI này là để phục vụ cho sản xuất tiếp của chính họ chứ không dành cho doanh nghiệp trong nước. Một ví dụ khác, thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng thì không những nhà đầu tư từ các nước TPP hưởng lợi mà chính doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng nhẹ gánh bị phân biệt đối xử; cả nền kinh tế thở phào không còn phải đổ nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước lãnh phí nữa.
H: Phức tạp nhỉ. Vậy nói tóm lại doanh nghiệp phải làm gì?
Đ: Nói chung trước đã định làm gì thì nay cứ tiếp tục làm thế, với cường độ cao hơn, với tư thế cạnh tranh quyết liệt hơn và tư duy dài hạn hơn. Cái quan trọng là rút kinh nghiệm từ giai đoạn sau gia nhập WTO, nhiều người đã không giữ được mình, bỏ sở trường (năng lực lõi) chạy theo sở đoản (địa ốc, ngân hàng, chứng khoán, tài chính) nên sa chân cho đến giờ chưa rút ra được. Lần này thì phải tuyệt đối tỉnh táo nhưng cũng nhạy bén nắm lấy cơ hội nếu đang hướng đến thị trường nước ngoài và chuẩn bị tinh thần cho cuộc đua khốc liệt hơn nếu đang nhắm vào thị trường trong nước.
H: Vậy mà nhiều người nói, kẻ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hay sắp vào Việt Nam?
Đ: Chứ còn gì nữa, nếu doanh nghiệp ta không có chuẩn bị, có chiến lược, có kế hoạch dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng như họ.
H: Không lẽ chúng ta đi đàm phán để cuối cùng nhà đầu tư nước ngoài hưởng?
Đ: Đúng là với WTO đã có hiện tượng này. Người lạc quan thì suy nghĩ tích cực thế này: doanh nghiệp FDI thành lập ở Việt Nam cũng là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam; doanh nghiệp FDI có mạnh thì mới tạo công ăn việc làm, tạo ra hiệu ứng lan tỏa, giúp xây dựng nền công nghệ phụ trợ, giúp nâng kim ngạch xuất khẩu… Dù vậy, song song đó cần phải có những chính sách nghiêm túc để chống chuyển giá, chống trốn thuế, lỗ giả lời thật trong khu vực FDI. Dần dần, hy vọng rằng doanh nghiệp trong nước phục hồi sẽ vươn ra chiếm thị phần trở lại.

Quan trọng hơn, nếu cửa không mở, thương mại không tự do, thì có thể nhà đầu tư nước ngoài không được hưởng gì nhưng chắc chắn là doanh nghiệp nội địa cũng chẳng có cơ hội mới nào cả, dù là cơ hội mong manh.

Bê bối lớn trong lịch sử y khoa hiện đại Đức


Bê bối liên quan tới vụ truyền máu nhiễm HIV: Thập niên 198x có trên 1500 người bệnh bị truyền máu nhiễm virus HIV, đó là vụ bê bối có tên „Bluter-Aids-Skandal“. Sau gần 30 năm, chỉ còn 400 người sống sót và họ vẫn phải đấu tranh cho tới tận ngày nay để đòi lại công lý.

Tất cả khởi đầu bằng một loại thuốc kỳ diệu mà y học cho rằng có thể giúp những người bị bệnh máu từ thập niên 1970 có thể sống lâu hơn. Nhờ đó những người bị bệnh máu có thể được chữa trị dễ dàng hơn và nhanh hơn, thậm chí họ có thể trở về cuộc sống như đời thường bao nhiêu người khác. Niềm vui chẳng được bao ngày, tin dữ lan truyền khắp nơi khi tất cả những thuốc bào chế từ máu đều bị nhiễm virus HIV.

30 phút phim tài liệu, tác giả đã gửi tới người xem sự thật của vụ bê bối y học lớn của Đức. Trong đó tác giả cũng gặp hai anh em ruột bị nhiễm HIV và là nhân vật chính trong phim "Blutgeld" : tiền máu.

Thời điểm đó, HIV được coi là bệnh chỉ truyền trong những người quan hệ đồng tính. Như ông Michael Diederich, khi đó còn là một cậu bé. Bác sĩ căn dặn ông "Không kể với bất kỳ ai, dù là trường học hay ở nhà, kể cả những bạn bè thân nhất.".

Với nạn nhân, bất công ở chỗ cho tới nay, 30 năm sau vẫn không có bất kỳ ai trong số những bác sĩ, những người điều trị hay làm ra thuốc đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nếu nước Mỹ là độc tài cai trị!





Hiến pháp này chẳng khác nào giấy phép cho giới ngoại quốc phá hoại đất nước của tôi. Cho nên hiến pháp này chẳng khác nào là giấy lộn, đất nước tôi sẽ vẫn tiếp tục là độc tài!
Trật tự nào.......... Sao các bạn có vẻ kỳ thị với độc tài như vậy? Các bạn thử tưởng tượng xem nếu nước Mỹ được độc tài cai trị thì sẽ ra sao
- Bạn có thể lấy tài sản của cả đất nước chia cho 1% dân số
- Bạn có thể giúp đỡ những người bạn giàu có của bạn trở nên giàu có hơn bằng cách cắt giảm thuế.
- Bạn có thể giúp họ tài chính khi họ ăn hết tài sản trên thị trường chứng khoán
- Bạn có thể mặc xác mối lo lắng của tầng lớp đa số dân chúng về y tế và giáo dục
- Bạn có thể đánh lừa rằng truyền thông của bạn tự do, nhưng thực ra điều hành bằng một người và gia đình của họ điều hành
- Bạn có thể nghe lén điện thoại
- Bạn có thể tra tấn tù nhân ngoại quốc
- Bạn có thể gian lận bầu cử
- Bạn có thể lừa dối để gây chiến tranh
- Bạn có thể tống khứ một sắc tộc nào đó vào nhà tù và chẳng ai dám lên tiếng
- Bạn có thể sử dụng truyền thông để làm cho người dân sợ hãi tới mức họ sẽ ủng hộ chính sách của các bạn mặc dù nó chẳng đại diện cho quyền lợi của họ
Tôi biết rằng người dân Mỹ rất khó để mà tưởng tượng ra được điều đó, nhưng các bạn hãy cố gắng lên nhé!





karel phùng

Cá Tính Của Dân Tộc Việt Nam



NGUYỄN SỸ TẾ




Nói tới văn hóa là nói tới dân tộc mà nó là biểu thức của nếp sống đặc thù. Lịch sử thế giới đã cho ta thấy rằng: Cuối cùng thì mọi đế quốc cũng sụp đổ, chuyện đại đồng không tưởng bất thành, tinh thần dân tộc ở khắp nơi vẫn là động cơ thúc đẩy mọi sinh hoạt quốc tế. Từ đó chủ nghĩa quốc gia cũng mỗi ngày một chỉnh đốn, tô bồi rạng rỡ hơn. Bởi một chân lý xã hội đơn giản là: Dân tộc là một kích thước xã hội ưu thuận nhất cho việc thành lập một quốc gia, thể hiện một nền văn hóa và xếp đặt mọi mặt của cuộc sống vật chất cũng như tinh thần.

Tìm hiểu một nền văn hóa cho đến nơi đến chốn, người ta không thể chỉ dừng bước ở cái bề ngoài trong cách ăn mặc, nói năng, đi đứng... hay trước các công trình kiến trúc như điện đài thành quách cùng các công trình văn học và nghệ thuật khác. Chiều sâu của văn hóa Việt Nam nằm trong tâm trí của mọi nguời Việt Nam qua mọi thời đại lịch sử của họ. Cái phần sâu xa này, người ta gọi bằng nhiều danh từ khác nhau là thần trí, hồn tính, tâm địa hoặc bằng những nhóm danh từ tinh thần dân tộc, cá tính dân tộc. Và cái sâu thẳm của cá tính dân tộc này, Tây phương gọi là vô thức dân tộc.

Mỗi dân tộc có một cá tính mà người dân nước khác dễ nhận biết trong nếp sống hàng ngày và đường lối cư xử của dân tộc đó. Cá tính này có phần thiên bẩm thuộc bản chất chung của nhân loại, nhưng phần chính yếu là do sự tác động của những điều kiện địa lý lịch sử và xã hội riêng, rồi theo lẽ di truyền mà được nối dõi từ đời này qua đời nọ thành truyền thống dân tộc. Theo đường lối nhận thức này, để tìm hiểu cá tính của dân tộc ta, trước hết xin ghi nhận những nét đại cương về địa lý, lịch sử và xã hội Việt Nam.

A. Điều Kiện Tác Động

1. Nước Việt Nam ta là một nước tương đối nhỏ bé. Diện tích, sau những nỗ lực phát triển liên tục của tổ tiên ta đã dừng ở con số khiêm nhường là 300.000 cây số vuông. Trái lại, dân cư với mức sinh sản mạnh, vào những thập kỷ gần đây, đã đạt tới một con số lớn lao là 72 triệu người. Đất hẹp dân đông, đó cũng là một điều kiện bất thuận lợi cho sự phát triển chung.

Dân tộc ta một phần là những người từ cao nguyên đổ xuống đồng bằng ra biển cả, từ trung tâm lục địa châu Á theo lưu vực con sông Hồng Hà và con sông Cửu Long kéo tới phối hợp vớimột phần khác là những người từ quần đảo Nam Dương theo sóng biển và gió Nam đổ bô lên. Xa xôi hơn nữa, về nguồn gốc của dân tộc ta có thần thoại con Rồng cháu Tiên". Nói bằng hình ảnh: Dân tộc Việt Nam là một lớp người chiến sĩ và hiệp khách, sau thời gian tung hoành, đã rút khỏi chiến trường, khước từ giang hồ, về nghỉ ngơi ở cái giải đồng bằng nhỏ hẹp, kẹp giữa đại dương và đông nam lục địa châu Á. Nơi đây, khí hậu nhiệt đới và chế độ gió mùa, ảnh hưởng của núi rừng xen lẫn biển cả, khắc khổ pha hòa với dịu dàng đã ru người chiến sĩ trong một giấc mộng chập chờn, huyền ảo.

Cho đến nay, nền kinh tế của dân tộc Việt Nam vẫn là nền kinh tế nông nghiệp thô sơ nghèo nàn. Người dân quê phải làm ăn đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương mới kiếm được miếng cơm manh áo. Huyền thoại "ông ba bị" và "con ngoáo ộp" đã nói lên cái thử thách đắng cay về kinh tế mà dân ta hằng chịu đựng.

2. Trên dây, ta vừa nói rằng nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là những người từ cổ xưa và từ nhiều nơi tụ lại trên giải đồng bằng nghèo, bên bờ Thái Bình Dương. Nhưng rồi những con người đó vẫn chưa thực sự tìm được sự nghỉ ngơi trên mảnh đất bội bạc. Lịch sở của họ là lịch sử của những nỗ lực không ngùng để trường tồn và phát triển. Trường tồn trong công cuộc chống kẻ thù lăm le thôn tính đất đai của mình,- ba lần từ Bắc phương xuống, một lần từ Tây phương sang. Phát triển trong công cuộc tiến về phương Nam tìm phương sinh sống.

Trước khi tiếp xúc với Tây phương, Việt Nam đã là sân khấu giao động của hai nền văn minh kỳ cựu là văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ, với ba luồng tư tưởng Đông phương đem tới là Khổng, Phật, Lão. Kịp khi gặp gỡ Tây phương, văn hóa Việt Nam lại phải giải quyết sự va chạm giữa nền văn minh đạo đức tinh thần Đông phương với nền văn minh cơ khí vật chất Tây phương. Vào thời đại ngày nay, người ta còn nhận biết vị trí chiến lược của Việt Nam trên trường quốc tế là cái ngã tư quốc tế từ Âu sang Á, một đồn cảng từ biển Nam xâm nhập lục địa. Đó là một niềm vui nhưng đồng thời cũng là một mối lo cho dân tộc.

3. Vài ghi nhận về xã hội Việt Nam- Nét căn bản cần nhắc nhở ngay là
Xã hội Việt Nam là một xã hội nông nghiệp. Với tinh thần hiếu học, trọng ngăn nắp trật tự, xã hội nông nghiệp đó cho mãi tới thời kỳ gần đây, vẫn đề xướng một thứ bậc xã hội từ trên xuống là sĩ-nông-công-thương.

Xã hội Việt Nam sống tập hợp thành những đơn vị hành chính nhỏ là xóm làng, khoảng dăm ba trăm người quây quần sau lũy tre xanh kiên cố. Xóm làng đã trở thành một thứ "tổ quốc thứ hai" thường được yêu thương và trọng vọng hơn cả tổ quốc lớn. Tuy nhiên, trong những trường hợp trọng đại hay ngặt nghèo của lịch sử thì xóm làng cũng như gia đình cũng mờ xóa đi một cách dễ dàng.

Mặt khác, làng mạc Việt Nam lại hòa mình vào thiên nhiên bao quanh là ruộng đồng, đồi núi, sông ngòi. Như thế, cuộc sống của người dân quê Việt Nam đã diễn ra trọn vẹn giữa lòng thiên nhiên khiến cho thị thành đô hội chỉ còn là những ngoại lệ hiếm hoi. Cho nên người kẻ chợ vẫn hướng về chốn thôn quê cũng là lẽ bình thường vậy.

B. Những Nét Cơ Bản

Những điều kiện địa lý, lịch sử và xã hội gợi lại trên đây giúp ta giải thích những nét lớn trong cá tính của dân tộc Việt Nam mà ta có thể suy nghiệm sau đây:

1. Một đời sống nội tâm phong phú. Trước hết, ta phải công nhận rằng người Viết Nam có một đời sống nội tâm rất phong phú mà biểu lộ là nét mặt trầm ngâm, cử chỉ chậm chạm, nói năng nhỏ nhẹ, đi đứng từ tốn.

Cuộc sống nội tâm phong phú này chính là do sự tác động của nền kinh tế cơ cực, của dòng lịch sử gian lao của dân tộc ta. Mệt mỏi và thất vọng về bên ngoài, con người phải quay vào nội tâm của mình để tìm ở đó một nơi nương tựa, một chỗ ẩn náu, một phương dệt mộng giải thoát, lên Niết bàn, lạc vào Tiên cảnh, tới miền Thượng giới. Cũng do cuộc sống nội tâm phức tạp này mà nơi mỗi người Việt Nam có hai con người khác nhau: một con người giao tế xã hội trọng nghi thức, ước lệ cùng phong tục tập quán, và một con người riêng tư tìm đến những giá trị siêu nhiên, những thăng hoa cao cả, khó có trong cuộc đời.

Cái thái độ trầm lặng, hiền hòa, quân bình không cần phải cố gắng và chẳng lúc nào có tính cách giả tạo đó, người Tây phương phải công nhận là một thái độ tự nhiên mà thành hiền triết(une attitude de vie naturellement philosophique). Đây cũng là sự theo đuổi của một thứ triết lý"thiên nhân tương dữ", con người với thiên nhiên nối kết với nhau thành một mối, của dân tộc ta vậy. Và cũng bởi nội tâm phong phú đó mà hầu hết các người Việt Nam đều có khuynh hướng tự nhiên về văn học và nghệ thuật vốn đòi hỏi một cảm quan sâu sắc và bén nhạy.

Tất nhiên cái nếp sống nặng về nội tâm này cũng có cái sở đoản của nó: Quay vào trong, con người dễ lãng quên ngoại giới, giảm hạ những kiến thức khoa học về thiên nhiên, kém tiến thủ trong những công trình chinh phục môi sinh, cải thiện đời sống vật chất. May thay nếp sống nội tâm của đa số chúng ta không đi tới chỗ cực đoan để trở thành tiêu cực.

2. Một bản chất giầu tình cảm. Đời sống nội tâm tự nó đã bao gồm tình cảm bên cạnh nhiều chức vụ tâm lý khác. Tuy nhiên xét riêng tình cảm, ta sẽ có nhiều điều đặc biệt để nói về cá tính của dân tộc ta. Hầu hết, những quan hệ xã hội của người Việt Nam,- với đồng bào hay với người nước khác,- được khởi sự bằng tình cảm để phát huy bằng nghĩa vụ, tình và nghĩa gắn liền với nhau khiến quan hệ được trọn vẹn và lâu bền. Nhờ đó, người ta xử sự với nhau bằng tình (tức tình cảm) hơn là bằng lý (tức lý trí), đúng như một câu trong truyện Kiều của Nguyễn Du:

Bề ngoài là lý song trong là tình.

Và chính vì chữ "tình" buộc lấy chỗ "nghĩa" mà Thúy Kiều hỏi vọng Thúy Vân xem đã giúp mình trả nghĩa Kim Trọng chưa:

Tình sâu mong trả nghĩa dầy,
Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?

Có những mối tình cảm sâu xa và vững bền đến độ khiến người ta giữ thái độ câm lặng có khi suốt cả cuộc đời. Tình không nói ra bằng lời mà bằng xử sự, bằng nghĩa.

Khác với nhiều người Tây phương, người Việt Nam chủ trương "ơn đền, oán trả". Đó cũng là một nền công lý thế nhân vậy. Những kẻ lợi dụng tình cảm của người khác, những kẻ vong ân bội nghĩa bị người ta lên án một cách nghiêm khắc. Do đó, để bù đắp lại chuyện ơn phải đền, nên mới có chuyện oán phải trả. Nếu bảo "oán không cần trả" thì đặt ra trừng phạt làm gì? Hơn thế, bắt chuyện với một kẻ tội lỗi ngập trời lại còn ngoan cố chạy tội và không quên tìm cách hại mình, đó là điều không thể nào quan niệm được.

Ca ngợi giá trị của tình yêu, các triết gia ngày nay thường nói: Tình yêu là đường lối chân xác và phong phú nhất để con người nhận thức một đối tượng. Ta có thương yêu một người nào thì người đó mới mở toang bản ngã của mình ra cho ta nhận biết.

3. Một đầu óc tổng hợp và dung nạp. Sớm nhận biết những cực đoan trong vũ trụ và nhân sinh, kinh qua bao thử thách của một nền địa lý khắc khổ, và của một lịch sử gian truân, dân tộc Việt Nam đã tạo được một đường lối kinh nghiệm để giải quyết những xung khắc, những mâu thuẫn giữa các sự vật. Với Tây phương, phân tích thì dễ, tổng hợp mới khó. Và họ đã phải công nhận rằng: Phải nhờ có những tổng hợp tài tình, con người mới tạo nên được những công trình thật sự và vĩ đại.

Cũng xin lưu ý rằng trong khoa học nhân văn, đầu óc tổng hợp không phải là thái độ chiết trung tầm thường và đơn giản chỉ gặt hái được những kết quả nghèo nàn và khả nghi. Tổng hợp là tạo nên một thực thể mới khởi đi từ những dữ kiện tách biệt để cuối cùng thì những dữ kiện này không còn hiện diện nguyên hình trong kết quả nữa.

Bây giờ ta hãy xét xem tiền nhân đã đem lại gì cho con người Việt Nam và cá tính dân tộc. Xin kể ra một số những thành quả của khả năng trí tuệ mẫn tiệp này:

- Ta đã nói ở trên kia là người xưa tổng hợp hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ như thế nào. Tiền nhân đã hòa hợp tam giáo Đông phương để theo đuổi, luôn một lúc hoặc theo thứ tự trước sau, triết lý nhập thế hành đạo và triết lý xuất thế hưởng nhàn trong khi vẫn mở rộng tấm lòng cưu mang những kẻ hoạn nạn. Đó chính là nhờ trí và tâm hợp nhất, tinh thần dung nạp đi song song với tinh thần chống mưu đồng hóa của tha nhân.

- Trong phong cách sống, người Việt Nam có những thái độ tưởng chừng mâu thuẫn (nhất là đối với người Tây phương). Một mặt người Việt Nam vừa mơ mộng, lãng mạn như đã nói trên kia, nhưng mặt khác lại thực tế đến chi li, phũ phàng. Nguời Việt Nam chắt chiu từng miếng cơm manh áo, giữ gìn đồng tiền bát gạo, nhìn vào bất luận một sự vật nào ở ngoại giới cũng nghĩ ngay tới một phương tiện mưu sinh, một cơ may tiến thủ. Có khác chi bảo: Người Việt Nam vừa thực tế lại vừa lý tưởng.

- Sống với hiện tại nhưng người Việt Nam vẫn nhớ tới quá khứ một cách thành khẩn và hướng về tương lai với tính phòng xa, cẩn trọng. Học giả Phạm Quỳnh có nói tới đầu óc "phụng tổ tiên và tôn cổ điển" trong nền luân lý cổ của dân tộc Việt Nam. Tương tự thế, người Việt Nam khéo biết nối kết cái nhất thời với cái trường cửu, cái cao với cái thấp, lý trí với tình cảm, kỷ nhân với tha nhân, lòng ẩn nhẫn chịu đựng với ý chí quật cường... kể ra không hết

4. Một lòng yêu nước mãnh liệt phối hợp với tình gia đình mặn nồng. Trong đời sống giầu tình cảm của người Việt Nam, có một tình cảm vượt trội hẳn lên, đã trải qua nhiều thử thách để mỗi ngày một thêm vững mạnh, đó là lòng yêu nước. Trước hết, đây cũng là một điều thuận hợp với chân lý phổ thông trong nhân loại: đất đai càng cằn cỗi bao nhiêu, thiên nhiên càng bạc đãi bao nhiêu, lịch sử càng gian khổ bao nhiêu thì người con dân lại càng tha thiết với quê hương bấy nhiêu. Riêng về nước ta, lịch sử còn ghi rất nhiều những trang oai hùng, hiển hách trong hơn một lần tranh đấu để phục hồi và giữ gìn nền tự chủ cho mình. Điển hình xưa kia là câu nói của Trần Bình Trọng: "Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc". Và thời nay, câu nói của Nguyễn Thái Học: "Không thành công cũng thành nhân".

Lòng ái quốc mãnh liệt trên tuy chỉ biểu hiện từng lúc trong lịch sử quốc gia nhưng luôn luôn không ngừng được bồi đắp bằng một thứ tình gia đình thâm sâu không thể nào tả xiết. Để rồi hai tình yêu vĩ đại đó phối hợp với nhau, dắt díu nhau để gia đình đồng nghĩa với quê hương và đất nước như trong những câu Kiều của Nguyễn Du:

Đoái thương muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
Xót thay thông cỗi, huyên già,
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi?



*

Để kết thúc, xin mở rộng vấn đề. Cá tính của một dân tộc nào thì cũng có kẻ khen người chê, không phải là không có lý. Nhưng xin nói ngay rằng đó là một thực thể lịch sử mà con người không có thể phủ nhận và phải ít nhiều chấp nhận và tôn trọng.

Với các bạn trẻ hải ngoại, xin nói thêm rằng: Văn hóa cũng như cá tính của dân tộc không phải là những gì bất biến. Đất đai sẽ còn được nuôi dưỡng, lịch sử sẽ còn mở nhiều trang, con người cũng do đó mà đổi thay theo hướng chân thiện mỹ chung của nhân loại. Những sở đoản trong cá tính dân tộc chắc sẽ phôi pha trong suy ngẫm và cố gắng hành động của tất cả mọi người chúng ta hôm nay và mai hậu. Nhưng có điều chắc chắn là những sở trường, những ý nghĩ những tình cảm đẹp lành trong truyền thống dân tộc là điều vĩnh cửu mà ta phải nhìn cho đúng để mà bảo tồn. Bằng không, sẽ chẳng còn có dân tộc Việt Nam trên cõi đời này nữa.



Vài ý kiến về tính cộng đồng của người Việt dưới góc nhìn văn hóa





HỮU NGỌC

Khái niệm: (Cách hiểu khái niệm “Tính cộng đồng của người Việt”) hiểu theo nghĩa rộng thông thường tiếng Việt, đó là ý thức và tình cảm gắn bó người tộc Việt với nhau (tức là tính cộng đồng dân tộc Việt), là hệ thống tư tưởng yêu nước (Trần Văn Giàu). Theo nghĩa hẹp của bộ môn Nhân học văn hóa (Cultural anthropology), tính cộng đồng chỉ sự gắn bó với từng nhóm trong cộng đồng dân tộc lớn… (in-group: gia đình, thân tộc, tôn giáo…) gần như tính tập thể.

Những kết quả nghiên cứu của G. Hofstede thường được sử dụng làm khung cho những công trình nghiên cứu về các vấn đề văn hóa trong doanh nghiệp và quản lý kinh tế. Khung đó đề ra một số yếu tố khiến cho các nền văn hóa dân tộc khác nhau.

Trong những yếu tố đó, yếu tố so sánh tính cá thể, tính cộng đồng (individualism/collectivism) có tầm quan trọng đặc biệt. Hofstede xếp Bắc Mỹ và Tây Âu vào loại văn hóa đậm tính cá thể, các nước châu Á, châu Phi và Nam Mỹ vào loại đậm tính cộng đồng.

Edward Hall đưa ra khái niệm hai loại hình văn hóa: loại hình văn hóa với giao tiếp có bối cảnh cao (high level context communication culture) và loại hình văn hóa giao tiếp có bối cảnh thấp (low level context communication culture). Loại hình thứ nhất phù hợp với những nền văn hóa đậm tính cộng đồng thiên về cảm xúc, thơ mộng, trực giác, tổng hợp, truyền thống. Loại hình thứ hai đặc trưng cho các nền văn hóa đậm tính cá thể thiên về lô-gíc, lý trí, phân tách.

Không đi sâu vào lý luận, ta có thể xếp văn hóa Việt vào loại hình văn hóa đậm tính cộng đồng. Cũng phải nhắc lại là khái niệm tính cộng đồng này của nhân học văn hóa chỉ sự gắn bó với những nhóm (in-group): như gia đình, làng, xã, tổ chức xã hội, tôn giáo… trong cộng đồng dân tộc lớn, với sự tin tưởng là sẽ được những nhóm ấy che chở cho sự gắn bó ấy. Dù hiểu khái niệm tính cộng đồng theo nghĩa nào, cũng có thể coi “tính cộng đồng” là một nét văn hóa Việt.

Cộng đồng dân tộc Việt: Qua nhiều thiên niên kỷ, dân tộc Việt đã hình thành và tự khẳng định hai quá trình lịch sử tiến triển song song: quá trình chung đúc các tộc người Môngôlôit và Nêgrôit ở bên trong, và quá trình tiếp biến văn hóa với các nền văn hóa từ ngoài vào (acculturation). Mỗi nền văn hóa bao gồm nhiều giá trị được biểu tượng hóa (tín hiệu hóa) chi phối tư duy, ứng xử và giao tiếp trong một cộng đồng, khiến cộng đồng ấy không giống những cộng đồng khác.

Các nhà nghiên cứu Việt Nam đều thống nhất là giá trị văn hóa chủ yếu của người Việt là tính cộng đồng với nghĩa là tinh thần cộng đồng dân tộc. Xin điểm qua sự biến diễn của tính cộng đồng Việt qua các thời kỳ lịch sử và dấu ấn tích cực hoặc tiêu cực của nó cho đến nay.

Thời kỳ hình thành cộng đồng Việt với văn hóa Đông Nam Á (Thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên). Bản sắc dân tộc (văn hóa) Việt hình thành ở lưu vực sông Hồng, vào thời kỳ đồ đồng Đông Sơn, thuộc nền văn minh lúa nước Đông Nam Á. Không ít người nước ngoài, một số thanh niên Việt Nam, kể cả một vài người trí thức Việt kiều, cho là không có bản sắc Việt vì trong sinh hoạt ngày nay, ăn, mặc, ở, chữ viết, tín ngưỡng… chỉ thấy tuyền Tây, Tàu, Ấn Độ, Mỹ v.v… kể cả tác phẩm dân tộc: Kiều cũng là của Tàu. Nghĩ như vậy là không đi sâu vào quy luật biến diễn của văn hóa và ảnh hưởng của tiếp biến văn hóa khiến cho không có nền văn hóa nào thuần khiết, kể cả các nền văn hóa lớn.

Do địa lý, lịch sử, người Việt đã phải sớm tập hợp nhau chống thiên tai và ngoại xâm nên tính cộng đồng cao. Tính cộng đồng này, qua hàng nghìn năm, được nuôi dưỡng bởi nhiều giá trị văn hóa tạo ra những truyền thống gắn bó người dân, có những yếu tố văn hóa này, như một nhà nghiên cứu Nhật nhận định: “Giống như gió; chúng ta sống trong gió nhưng không nhìn thấy gió”. Xin điểm qua một vài yếu tố văn hóa từ thời xa xưa vẫn in đậm dấu cho đến ngày nay ít ai ngờ.

Trước tiên là huyền thoại. Nhà huyền thoại Mỹ Joseph Campbell cho là đứng ngay giữa một phố ở New York cũng thấy dấu vết huyền thoại. Huyền thoại phản ánh những hoài bão, những vấn đề sâu sắc và lâu dài của dân tộc. Truyện “Lạc Long Quân - Âu Cơ” đến thời hiện đại vẫn còn có khả năng động viên nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp.

Việt Nam Quốc Dân Đảng và các sĩ phu dùng hình ảnh “con Rồng cháu Tiên”; ở đền Hùng, Hồ Chủ tịch gợi lại chuyện vua Hùng để động viên bộ đội tiến về Thủ đô. Tích Thánh Gióng đến nay vẫn còn biểu trưng cho tính cộng đồng dân tộc trong việc giữ làng, giữ nước, lấy bé chống lớn. Tên Gióng còn được đặt cho phong trào thanh thiếu niên sống khỏe, trong khi rất nhiều làng miền Bắc hàng năm tổ chức lễ hội nhắc nhở chiến công oai hùng của dân gian.

Tính cộng đồng gia đình lấy miếng trầu truyền thống làm biểu trưng. Một đám cưới hiện đại, dù có váy đầm cô dâu, smoking chú rể, hàng loạt xe Toyota, vẫn không thể bỏ lễ trầu và câu nhắc nhở nghĩa tình. Tính cộng đồng dân tộc còn được tăng cường qua ngôn ngữ, tín ngưỡng và lối sống nông dân lúa nước, còn tồn tại cho đến ngày nay mặc dù có những thay đổi về hình thức do vận động nội tại và ảnh hưởng ngoại lai. Cái cốt vẫn không mất.

Ngôn ngữ là công cụ hiệu quả để lưu truyền văn hóa cộng đồng. Có những cộng đồng dân tộc (như Do Thái, Phần Lan) rất lâu không có lãnh thổ ổn định mà vẫn vững bền do ngôn ngữ. Tiếng Việt, tuy bị pha đến 60-70% từ gốc Hán, vẫn là yếu tố văn hóa quan trọng đối với cộng đồng Việt, chống lại Hán hóa, Pháp hóa, Mỹ hóa… Không phải vô cớ mà Hồ Chí Minh dịch Croix Rouge là Chữ Thập đỏ thay cho Hồng Thập tự. Tiếng Việt mang một đặc thù không biết có ngôn ngữ nào khác trên thế giới có không; tính cộng đồng dân tộc (kinship) mạnh đến mức ta không có đại từ ngôi thứ nhất và thứ hai chung cho mọi người (như je, vous tiếng Pháp; I, you tiếng Anh…) mà phải dùng tiếng xưng hô trong thân tộc thay: anh, chị, em, bố, mẹ, chú, bác…

Dĩ chí, ta và mình vẫn dùng chỉ cá nhân và nhiều người. Tín ngưỡng cũng là yếu tố tâm linh gắn bó cộng đồng. Cadière có lý khi nhận định tôn giáo thực của người Việt là tín ngưỡng bản địa từ xa xưa, mang tính vật linh. Ta thờ thần, thánh, ma, quỷ… như Thần đạo Nhật Bản. Nhiều tục thờ cúng tồn tại đến ngày nay (cúng Tổ tiên, thờ Mẫu…) gốc từ thời Thượng cổ… có những làng còn vết tích tín ngưỡng phồn thực.

Lối sống nông dân lúa nước, qua mấy nghìn năm, đã tạo ra cho cộng đồng một phong vị độc đáo, mặc dù có quá trình hiện đại hóa, 80% dân vẫn ở nông thôn. Trồng lúa vẫn là cơ bản, kỹ thuật trồng trọt cải tiến nhiều nhưng vẫn từng ấy khâu.

Văn hóa ẩm thực phát triển, du nhập nhiều cái mới, nhưng những món ăn cổ truyền vẫn được ưa chuộng: nước mắm, mắm tôm, tương, cà, thịt cầy, rau muống, riêu cua, bún ốc… các lễ hội mùa xuân đề cao cộng đồng làng xã. Đặc biệt, Tết thể hiện rõ nét nhất bản sắc dân tộc Việt (ý kiến ông Borje Lunggren, nguyên đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam). Ngày Tết, tất cả các người Việt - ở trong và ngoài nước - đều cảm thấy sâu sắc hòa nhập trong cộng đồng Việt.

Tính cộng đồng của người Việt trong thời kỳ tiếp biến văn hóa Trung Quốc (179 tr.CN-1858)

Ta tiếp biến văn hóa Trung Quốc qua giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc và giai đoạn 900 năm các vương triều độc lập. Khi hai nền văn hóa giao tiếp, nền văn hóa bản sắc yếu hơn bị mất nhiều ít, có thể bị tiêu hủy. Bản sắc văn hóa Việt Đông Sơn đủ mạnh để tồn tại và phát triển. Vậy về tính cộng đồng, ta mất gì và được gì? Cũng nên nhận định ngay là trong lĩnh vực phức tạp con người và văn hóa, cái được, cái mất nhiều khi không thể rạch ròi, cái mất có khi lại là nguyên nhân cái được và ngược lại, do tác động biện chứng.

Sự xâm nhập của văn hóa Hán sông Hoàng Hà là một cú “sốc” đối với văn hóa Việt - sông Hồng. Ta mất nhiều giá trị văn hóa bản địa là chất keo gắn bó dân tộc. Điển hình cho tính chất tàn khốc của chính sách Hán hóa là những biện pháp tiêu diệt văn hóa đời Minh, thế kỷ XV: đốt sách vở thư tịch, đưa sang Trung Quốc những trí thức và thợ giỏi… Nghịch lý là chính sự áp bức bóc lột đã gián tiếp nâng cao tính cộng đồng Việt: hàng chục cuộc chiến và nổi dậy đã khiến cho dân tộc đoàn kết mạnh mẽ. Hơn nữa, qua cuộc cọ xát, xung đột với văn hóa Hán, bản sắc dân tộc Việt đã được mài dũa để tự khẳng định mạnh mẽ, đối lập Nam (Việt) với Bắc (Hán). Khổng giáo và Phật giáo du nhập có mặt phá hoại tín ngưỡng bản địa Việt, nhưng dần dần kết hợp với nó, do vậy mà củng cố thêm tính cộng đồng người Việt.



Khổng học có nhiều tiêu cực do khuynh hướng bảo thủ, tồn cổ. Chính vì vậy mà vua tôi triều Nguyễn, không chịu canh tân đất nước như Nhật (ảnh hưởng Nho ít hơn) khiến cho nước ta bị Pháp chiếm. Nhưng Nho học cũng có phần tích cực đối với cộng đồng Việt. Ta đã tiếp một số khái niệm về lý luận xã hội và tổ chức chính trị, tạo thành một triết lý chính trị bảo vệ cộng đồng củng cố trung ương tập quyền để chống ngoại xâm. Có thể dân Chàm một phần thua ta vì thiếu một triết lý chính trị thiết thực như vậy.

Mặt khác, Nho học tăng cường tính cộng đồng dân tộc do đào tạo những con người có nhân cách, biết đạo làm người, đặc biệt là có tư tưởng yêu nước. Thí dụ, thời Pháp thuộc, có nhiều thế hệ Nho học cương quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc (các thế hệ Văn thân, nhà Nho duy tân lớp trước với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, lớp sau như Hồ Chí Minh - Tân học có Nho học như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện).

Phật giáo cùng cả Tam giáo, kết hợp với tín ngưỡng bản địa, là nền tảng tâm linh tăng cường tính cộng đồng người Việt. Người dân thường không cần hiểu biết triết lý sâu xa về sắc không; họ tìm đến ông Bụt để có nguồn an ủi. Làng nào cũng có đình thấm nhuần trật tự Nho học, chùa thờ Phật từ bi, như vậy thực hiện thăng bằng giữa lý trí và tình cảm. Có một thực tế là mặc dù triết học Phật giáo xa lánh việc đời, tránh sát sinh nhưng các nhà sư và Phật tử tham gia đánh giặc giữ nước, nêu cao tinh thần cộng đồng. Phải chăng do dấu ấn thiền tông hay do ảnh hưởng Nho giáo vào Phật giáo?

Tính cộng đồng Việt trong thời kỳ tiếp biến văn hóa Pháp (1858-1945)

Tính cộng đồng của người Việt thời kỳ Pháp thuộc tăng và giảm thế nào? Đây là thời kỳ hiện đại hóa, tức là Tây phương hóa (westernization) lần thứ nhất, với ảnh hưởng văn hóa phương Tây chủ yếu đối với thị dân. Ít nhiều đô thị hóa và công nghiệp hóa phá vỡ tính cộng đồng, tách riêng thành thị và nông thôn (bị coi là nhà quê lạc hậu). Mới đầu những nhà Nho phản ứng chống lại văn hóa “bút chì” để giữ lại “bút lông”.

Nhưng từ những năm 20, giáo dục và văn hóa “bút chì” với quốc ngữ và tiếng Pháp đã ngự trị, mang thêm ít nhiều tính khoa học và dân chủ cho văn hóa Việt. Chỉ tiếc là cho đến nay gần một thế kỉ, ta bỏ hẳn chữ Nho, cả nghiên cứu Hán Nôm cũng chưa làm được mấy để khai thác thư tịch Hán - Nôm đồ sộ. Ta cũng bỏ nghiên cứu Khổng học đã từng là tinh hoa văn hóa cộng đồng Việt hàng bao thế kỷ và hiện vẫn là động lực phát triển của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v… Nhưng kết cục, qua tiếp biến văn hóa Pháp, cộng đồng Việt vẫn giữ được bản sắc và thêm phong phú.

Trước hết, chính sách thực dân áp bức bóc lột thậm tệ khiến cho các tầng lớp nhân dân (kể cả một bộ phận tư sản, địa chủ) đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước phục vụ cách mạng. Lý tưởng Cách mạng Pháp 1789 và chủ nghĩa Mác du nhập vào Việt Nam đã đổi mới tinh thần yêu nước và vũ trang cho phong trào yêu nước những tư tưởng và đường lối hiện đại.

Tư tưởng dân chủ phương Tây được du nhập bao hàm cả tự do cá nhân. Yếu tố này phá hoại tính cộng đồng thân tộc truyền thống Khổng học, đòi hỏi hôn nhân tự do và chống lại gia đình gia trưởng phong kiến. “Cá nhân” (theo khái niệm triết học) do phương Tây tạo ra. Đưa vào Việt Nam, nó đã tạo ra dòng văn học lãng mạn của cái Tôi và Thơ mới vào những năm 30.

Tiến hóa luận của các trường phái dân tộc học cũ đã được chủ nghĩa thực dân sử dụng để tự biện minh (khai hóa các dân tộc chậm tiến). Ý đồ thực dân chủ yếu là khai thác thuộc địa. Nhưng qua tiếp biến văn hóa, cộng đồng Việt đã tạo ra những giá trị văn hóa mới (khoa học tự nhiên và xã hội, văn nghệ, tổ chức xã hội, chính trị…) để xây dựng một cộng đồng mạnh hơn từ 1945.

Tính cộng đồng của người Việt trong thời kỳ hiện đại (từ 1945)

Thời Pháp thuộc chỉ là hiện đại hóa sơ bộ, Việt Nam vẫn còn là một thuộc địa bán phong kiến. Mãi từ 1945, ta mới thực sự bước vào hiện đại hóa toàn xã hội (công nghiệp hóa và đô thị hóa có hệ thống), do cách mạng và chiến tranh cùng ảnh hưởng thế giới đa dạng và sâu sắc. Thời kỳ này có thể chia hai giai đoạn, trước và sau Đổi mới (1986).

1) Giai đoạn trước Đổi mới (1945-1986) có thể coi là giai đoạn quốc tế hóa Việt Nam với hai cuộc chiến tranh 30 năm mang tính quốc tế. Hồ Chí Minh đã thành công trong công cuộc giành lại độc lập dân tộc do chiến lược đoàn kết cộng đồng Việt và gắn vấn đề Việt Nam với đại cục quốc tế, qua con đường chiến thuật xã hội chủ nghĩa để được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ toàn thế giới.

Tính cộng đồng Việt được gì và mất gì trong giai đoạn này?

Cái được vô cùng lớn là giành và giữ được độc lập, qua cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến. Trong suốt lịch sử 3000 năm, có lẽ không bao giờ cộng đồng Việt cảm thấy gắn bó, hào hùng, bằng thời đó. Đặc biệt từ những ngày khởi nghĩa tháng Tám 1945 đến đầu những năm 50: người Việt nói chung không còn cảm thấy hố xa cách giàu nghèo, sang hèn, giai cấp. Địa chủ hiến đất, tư sản hiến vàng, gái điếm đi làm cứu thương, kẻ cắp xung phong làm tự vệ, dân công tải gạo, tải đạn, nông dân chia xẻ nhà với người tản cư, trong làng đêm ngủ không cần đóng cửa. Tính cộng đồng Việt lên đến điểm cao qua mấy chục năm xương máu. Trong giai đoạn này cũng hình thành nền văn hóa dân tộc, khoa học và đại chúng (gắn tri thức với đại chúng).

Tiếc thay, trong giai đoạn này, có một số sự việc ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng Việt (đây chỉ là nhận xét khách quan không đánh giá đúng sai). Đó là cải cách ruộng đất, có mặt đánh vào gốc rễ đạo lý cổ truyền và cơ sở làng xã, (Hồ Chủ tịch đã cho sửa sai), chia cắt đất nước sau 1954 (do ý đồ áp đặt của các cường quốc trong khuôn khổ chiến tranh lạnh), việc hai triệu người Việt di cư. Đó là những vết thương cần tiếp tục được hàn gắn nếu muốn tăng tính cộng đồng người Việt trong nước ngoài nước; và giữa trong ngoài.

2) Trong giai đoạn từ Đổi mới (1986) đến nay, Việt Nam được đánh dấu bởi toàn cầu hóa, khu vực hóa (gia nhập ASEM, 1995), và gia nhập khối Pháp ngữ. Sự hòa nhập này khiến cộng đồng người Việt đứng trước khả năng mạnh hơn nhưng sẽ khó khăn.

Thời kỳ hậu chiến (1975) có 2 vấn đề nổi cộm:

1) Khủng hoảng kinh tế xã hội 15 năm (đến 1995) do thiên tai liên tiếp, các vấn đề Khmer đỏ và Trung Quốc ở biên giới, một số chính sách kinh tế xã hội gây ra “thuyền nhân”.

2) Đuổi theo kinh tế các nước Đông Nam Á, không tụt hậu - cạnh tranh trong toàn cầu hóa, chính sách Đổi mới là chìa khóa mở đường giải quyết các vấn đề trên. Toàn cầu hóa nói chung có lợi cho các nước giàu và hại cho các nước nghèo, mặc dù cũng đưa lại cho các nước này những cơ may (do điện tử hóa, thông tin, giao thông phát triển). Muốn gia nhập một thế giới gắn liền văn hóa và kinh tế, cộng đồng Việt phải vừa có khả năng hòa nhập vào cái chung, vừa mang lại được cho cái chung nét riêng của mình. Cộng đồng Việt muốn thành công về kinh tế, phải bảo tồn được và phát triển bản sắc văn hóa Việt.



Vài nhận xét về tính cộng đồng của người Việt (theo nghĩa rộng và hẹp).

Tính cộng động của người Việt (hiểu theo nghĩa rộng: tính cộng đồng dân tộc Việt, lòng yêu nước) là một đặc điểm của bản sắc dân tộc. Ta chưa đi sâu nghiên cứu đặc tính của nó và so với tính cộng đồng của các dân tộc khác. Nghiên cứu cộng đồng Việt kiều ở ngoài nước có thể giúp ta hiểu thêm cộng đồng dân tộc Việt nói chung.

- Trong tính cộng đồng dân tộc Việt, dường như tính cộng đồng gia đình là quan trọng nhất. Điều này thấy rõ ở những gia đình Việt kiều ở Mỹ: Điển hình sự thành công của “thuyền nhân” Việt ở Mỹ là: 5-6 năm đầu bố mẹ đi làm cái lực để cho con cái đi học, con cũng ra sức học tập để đền bù lại; và sau gia đình trở nên khá giả. Tính cộng đồng này thường cũng mở rộng ra gia đình lớn rồi mới đến gia tộc và đồng hương. Theo nghiên cứu của Y. Higuchi, trình tự quan trọng trong quan hệ xã hội của người Việt là: 1) gia đình, 2) bạn bè, 3) trong lao động; của người Nhật là: 1) bạn bè, 2) gia đình, 3) trong lao động.

- Do tính cộng đồng Việt nặng về gia đình - gia tộc, quê hương, nhẹ mở ra đến dân tộc (trừ trường hợp chống ngoại xâm, thiên tai…), nên sự đoàn kết giúp đỡ nhau ở nước ngoài của cộng đồng Việt kiều kém Hoa kiều hay Do Thái (nhất là về mặt làm ăn, doanh nghiệp).

Người Hoa và người Do Thái có kinh nghiệm sống lưu vong, muốn tồn tại phải đặt quyền lợi cộng đồng dân tộc lên trên chính kiến. Người ta kể lại là tại các chợ Tàu ở Mỹ có những cửa hàng cạnh nhau bán sách báo, một bên trưng bày ảnh Mao Trạch Đông, một bên ảnh Tưởng Giới Thạch. Họ buôn bán hòa thuận với nhau, Hoa kiều hai bên có hai tờ báo khác nhau, tổ chức hai ngày Quốc khánh, tránh xô xát để nước chủ nhà chấp nhận. Việt kiều của ta có một số quá ồn ào.

- Riêng cộng đồng Việt ở Mỹ hàng năm gửi về nhà hơn 2 tỷ đôla. Sự đóng góp có thể hơn nữa, ấy là chưa kể về chất xám và vốn doanh nghiệp… Để tranh thủ cộng đồng Việt kiều cần tạo điều kiện để nó thành bộ phận hữu cơ với người Việt trong nước. Ta càng ngày càng có những biện pháp đúng đắn nhưng vẫn chưa đủ, nhất là về mặt tư tưởng - văn hóa (luôn gắn với kinh tế).

Chiến tranh đã qua hơn 30 năm, mặt khác, người dân thường không phải ai cũng có ý thức cách mạng; rất có thể, ai có gia đình ngoài Bắc thì thành Việt cộng, ở trong Nam thì thành Ngụy. Một gia đình thường có cả hai bên. Đã đến lúc xóa bỏ sự khác biệt bằng Đại Đoàn Kết, để Việt kiều và người dân vùng bị chiếm trong Nam hết mặc cảm mà đóng góp về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, khoa học… Thiết nghĩ khi không cần thiết nên dùng “Chế độ Sài Gòn” thay cho từ “Ngụy”. Mặt khác, phải đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa, chống tham ô, và tăng trưởng kinh tế có hiệu quả để người Việt ngoài và cả trong nước tăng thêm lòng tin vào cộng đồng của mình.