“Tôi nghĩ tướng là một người thủ lĩnh, cũng nên chỉ bố trí ở những địa bàn trọng điểm, cấp độ dân số hoặc biên chế bao nhiêu lực lượng trở lên mới được. Tướng chỉ nên dành cho người đứng đầu thôi, còn cấp phó thì thôi”.
ĐBQH Đỗ Văn Đương thể hiện quan điểm khi trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 28/10.
Một vấn đề được nhắc tới nhiều trong thời gian qua là việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa bàn. Theo ông trong thời gian tới cần phải triển khai theo hướng nào để chủ trương này mang lại hiệu quả?
Tôi lấy một ví dụ trên địa bàn thủ đô, từ ngày anh Nguyễn Đức Chung lên làm Giám đốc Công an Hà Nội, tình hình an ninh trật tự ở Hà Nội đã đảm bảo hơn so với địa phương khác.
ĐBQH Đỗ Văn Đương trao đổi với phóng viên sáng 28/10.
Nhưng giám đốc cũng không thể trăm tay nghìn mắt được, mà dưới đó phải là phường, quận, lực lượng này có vai trò hết sức quan trọng. Vì thế trước tiên phải quy trách nhiệm cho những người đó khi để xảy ra tội phạm lộng hành.
Theo ông, có sự thỏa hiệp của lực lượng công an phường không, khi trên địa bàn đó không phát hiện ra tội phạm, dù nó đang tồn tại?
Cái này dư luận cũng nói có những trường hợp như thế. Rõ ràng nơi đó bán ma túy, rõ ràng nhà hàng đó có mại dâm mà tại sao không biết? Anh biết quá đi chứ. Tôi cho rằng những trường hợp đó có thể quy trách nhiệm được.
Nếu anh không biết anh cũng thiếu trách nhiệm, chứ chưa nói chuyện bao che. Anh quản lý địa bàn nhưng lại để nạn cờ bạc, mại dâm, ma túy diễn biến phức tạp như vậy thì rõ ràng anh thiếu trách nhiệm, hoặc năng lực kém, có thể thay ngay những trường hợp đó.
Nhưng trên thực tế hiếm có cán bộ công an phường nào bị xử lý?
Thì bây giờ phải nêu ra, phải có quy định nếu xảy ra tệ nạn, tình hình an ninh trên địa bàn phức tạp thì phải thay luôn người phụ trách. Nếu cố ý bao che, vụ lợi cá nhân thì phải xử lý một vài anh để răn đe.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong ngành công an thời gian qua đã phong tướng lĩnh rất nhiều, thậm chí các địa phương bây giờ hầu như ngành công an đều là tướng lĩnh đứng đầu, hay có những tổng cục đến 4 trung tướng, 6 – 7 thiếu tướng… Với tình hình phức tạp như hiện nay, đánh giá gì về số lượng tướng lĩnh được phong nhiều như vậy trong bối cảnh tình hình an ninh trật tự hiện nay?
Đây là một câu hỏi rất khó. Ở Việt Nam riêng lực lượng vũ trang được gắn với cấp hàm. Bên cạnh chức vụ giám đốc, tổng cục trưởng, ngay tổng cục phó, hay phó giám đốc công an các địa phương cũng được phong tướng. Hàm tướng hiện nay nhiều quá.
Tôi nghĩ tướng là một người thủ lĩnh, cũng nên chỉ bố trí ở những địa bàn trọng điểm, cấp độ dân số hoặc biên chế bao nhiêu lực lượng trở lên mới được. Tướng chỉ nên dành cho người đứng đầu thôi, còn cấp phó thì thôi.
Nhưng giờ đã chót phong rồi, tới đây theo tôi khi sửa Luật thì phải hạn chế lại. Còn những người đã phong rồi thì thôi không hồi tố nữa, vì vài năm tới số này về hưu rồi sẽ bớt số lượng tướng lĩnh đi...
Xin cảm ơn ông!
Thành Nam