Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Bế tắc chính trị không lối thoát đẩy nước Mỹ tới miệng vực vỡ nợ



(Dân trí) - Hôm qua, nước Mỹ đã trải qua thêm một ngày chờ đợi trong lo âu khi những bất đồng chính trị giữa Quốc hội và Nhà Trắng tiếp tục không có lối thoát. Nước Mỹ chỉ còn cách thời điểm vỡ nợ ít giờ.




Thượng nghị sỹ Harry Reid phát biểu bên ngoài trụ sở quốc hội kêu gọi chấm dứt bế tắc





Cho đến thời điểm này, hai đảng trong Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể tìm được sự đồng thuận cho dù thời hạn chót để nâng trần nợ công đã cận kề. Nếu không có biện pháp nào được thông qua trước nửa đêm ngày thứ Tư theo giờ địa phương, tức 4 giờ 00 GMT ngày thứ Năm, Bộ tài chính Mỹ sẽ bắt đầu cạn ngân sách để thực hiện các nghĩa vụ chi trả. Khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ sẽ vỡ nợ.

Trong ngày hôm qua, cả hai viện của Quốc hội Mỹ đã tiến hành thảo luận các đề xuất để thông qua ngân sách mới cho chính phủ và nâng trần nợ công 16.700 tỷ USD. Tuy nhiên, sự chia rẽ giữa các nghị sỹ đảng Dân chủ của Tổng thống Obama và đảng Cộng hòa, những người kiểm soát Hạ viện đã khiến mọi thương thảo đi vào ngõ cụt.

Lãnh đạo phe Cộng hòa đã liên tục tìm cách thuyết phục một nhóm nhỏ các nghị sỹ theo tư tưởng bảo thủ trong đảng mình, thông qua một dự thảo luật cho phép nâng trần nợ và mở cửa lại chính phủ nhưng thất bại.

Trong khi đó, các cường quốc trên thế giới theo dõi tình hình trong e ngại khi chứng kiến những sự đổ lỗi qua lại tại Quốc hội Mỹ, và khả năng những nền kinh tế vốn đã suy yếu của nước mình có thể bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng từ Washington.

“Tại thời điểm này chúng tôi vẫn còn cách một thỏa thuận rất xa”, Jay Carney người phát ngôn Nhà Trắng thừa nhận.

Giữa lúc sự lo lắng trên thị trường ngày một lên cao, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo về khả năng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của Mỹ từ mức cao nhất AAA hiện nay.

Dù tình hình bế tắc ngày càng sâu sắc, Tổng thống Obama tuyên bố ông vẫn kỳ vọng vấn đề cuối cùng sẽ được giải quyết. “Tôi hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết, nhưng chúng ta không còn nhiều thời gian”, ông Obama phát biểu với kênh ABC tại New York.

“Điều tôi muốn đề xuất đó là các cuộc họp kín của quốc hội không nên làm điệu bộ thêm nữa…hay làm những gì đúng đắn, mở cửa lại chính phủ và đảm bảo rằng chúng ta sẽ thanh toán các hóa đơn”.

“Không hành động, không bỏ phiếu”

Những hy vọng trong đêm về một thỏa thuận giữa các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tan biến khi nhóm nghị sỹ bảo thủ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện phản bác các sáng kiến được đưa ra.

Nhóm hạ nghị sỹ này đã nhiều lần tìm cách vô hiệu hóa đạo luật Obamacare, đi ngược lại yêu cầu của Nhà Trắng đó là nâng trần nợ công mà không kèm theo bất kỳ điều kiện gì.

Trước đó các đề xuất mới nhất của đảng Cộng hòa đã chấp thuận gia hạn khả năng đi vay của chính phủ tới 7/2/2014 và tái mở cửa chính phủ đến 15/12.

Đổi lại họ yêu cầu chấm dứt trợ cấp chăm sóc sức khỏe cho các thành viên quốc hội, các phụ tá, Nhà Trắng và quan chức trong nội các, đồng thời tước bỏ khả năng của Bộ tài chính Mỹ trong việc đưa ra các biện pháp đặc biệt để thực hiện nghĩa vụ nợ.

Đến cuối ngày thứ Ba, lãnh đạo của phe Cộng hòa đã rút lại đề xuất này sau khi không nhận được số phiếu cần thiết từ nội bộ đảng mình.

“Sẽ không có hành động nào, không bỏ phiếu và ủy ban pháp luật sẽ không tham gia trong đêm nay”, nghị sỹ đảng Cộng hòa Pete Sessions thông báo với phóng viên.

Các cuộc đàm phán tại Thượng viện, vốn bị trì hoãn suốt ngày hôm qua để chờ diễn biến tại Hạ viện, được nhanh chóng nối lại trong tối thứ Ba theo giờ địa phương. Lãnh đạo cả hai đảng đều cho biết họ “lạc quan” rằng một thỏa thuận đã trong tầm tay.

Trước đó, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid đã giận dữ cáo buộc Chủ tịch Hạ viện, nghị sỹ đảng Cộng hòa John Boehner là đang tìm cách cứu lấy sự nghiệp chính trị của mình bằng cách bỏ mặc nước Mỹ.

“Có một điều rõ ràng đó là: dự thảo luật của Hạ viện sẽ không được thông qua tại Thượng viện”, ông Reid nói. “Tôi rất thất vọng với John Boehner, người sẽ một lần nữa tìm cách bảo toàn vị trí của mình bất chấp thiệt hại cho đất nước”.

Ông Boehner đang đứng giữa những lựa chọn khó khăn, giữa một bên là ngả theo phe bảo thủ trong đảng Cộng hòa để giữ được chiếc ghế của mình, nhưng khiến nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử vỡ nợ. Ngược lại ông có thể “cứu” nước Mỹ bằng cách thông qua một bản kế hoạch mà Thượng viện và Tổng thống Obama chấp nhận được, nhưng cũng đồng nghĩa với sự ủng hộ trong đảng của mình bị lung lay, thậm chí có thể mất chức.

Trung Quốc và Nhật, những nước đang nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất, với tổng cộng khoảng 2400 tỷ USD đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả của khủng hoảng.

Bộ trưởng tài chính Nhật Taro Aso khẳng định nhiều chính trị giá Mỹ “dường như không hiểu rõ mức độ tác động quốc tế mà vấn đề này có thể tạo ra”.

Thứ trưởng tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao tại Bắc Kinh thì tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ, với tư cách nước phát hành đồng tiền dự trữ chính...cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình”.

Thanh Tùng
Theo AFP

CƠN MÊ



Thái Bảo-Dương Đỳnh
(hội vhnt Quảng nam)








Chiều không nghiêng về phía bên em thì cũng nghiêng về phía bên tui chứ
còn có đi mô được nữa
Em bẻ hai cuộc tình vứt vội xuống sông sâu
Tui lặn hụp một đời tui cũng làm chi vớt được
Tình trôi đi lấy lại được răng chừ.

Đành gánh cả buổi chiều nặng nề về chất kín tâm tư
Tiếng mọt gỗ đùn nát ngày kỷ niệm
Rồi em sẽ đi và buồn sẽ đến
Tui biết làm gì sương khói vốn mong manh

Ve vuốt con tim trong tiếc nuối dỗ dành
Cơn co thắt nghẹn một dòng tình sử
Em bước xuống đò ngang tui bên bờ đất lở
Nghe con tim vỗ những nhịp không dều

Cái vẫy tay cuối cùng giọt nước mắt gieo neo
Lận đận đời nhau trắng màu trên sợi tóc
Tui lang bạc em chừ xa lăng lắt
Biết khi mô dành dụm để quay về

Tui dùng dằng.
Em tiếc nuối...
Cơn mê!

Epaint : Sexus 2012

Cảm nhân một bài thơ tình hay của Phạm Ngọc Thái


Hoàng Thị Thảo


ANH VẪN Ở BÊN HỒ TÂY


Tình để lại vết thương không lành được
Soi mặt hồ in mãi bóng thời gian
Em hiền dịu trái tim từng tha thiết
Người con gái anh yêu nay hóa khói sương tan.

Ta cũng già rồi, em ơi! Vết thương còn đau buốt
Hạnh phúc qua như một cánh chim bay
Nông nỗi đời người để đâu cho hết
Tình thơ ngây... tình sao mãi thơ ngây…

Nhớ buổi đón em cổng trường sư phạm
Đôi mắt từ xa đã nhận ra người
Tình yêu có cái nhìn trong linh cảm
Giờ ở đâu, người con gái xa xôi?

Thế đó, em ơi! Tình qua không trở lại
Xế chiều rồi mà máu tim chảy mãi không thôi
Em có nghe gió Tây Hồ đang thổi
Anh ở đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi...


2012 - trích tập "Hồ Xuân Hương tái lai"
Phạm Ngọc Thái





"Anh vẫn ở bên hồ Tây" là bản tình ca viết về mối tình của nhà thơ với một cô nữ sinh sư phạm, dù mối tình đó đã trở thành dĩ vãng:

Nhớ buổi đón em cổng trường sư phạm
Đôi mắt từ xa đã nhận ra người
Tình yêu có cái nhìn trong linh cảm 

Người ta thường nói tình yêu có giác quan thứ sáu, bởi vậy nhìn thấy hình bóng người yêu từ xa đã nhận đã nhận ra ngay, cũng là điều dễ hiểu. Thế mà:


Giờ ở đâu, người con gái xa xôi?

Anh thổn thức vọng gọi em xưa trong nỗi vắng, cô đơn! Tôi đã đọc nhiều thơ Phạm Ngọc Thái, không ít bài anh đã nhắc đến hình ảnh người nữ sinh này, bài nào cũng da diết, nhớ thương. Liệu đây có phải cũng chính là cô sinh nữ trường Sư phạm Ngoại ngữ trong bài thơ Em Về Biển của tập "Rung động trái tim"?... mà ở tựa đề
của bài anh có ghi:
Nhà thơ Phạm Ngọc Thái - Kỉ niệm K.A. người sinh nữ trường SPNN năm xưa, quê hương thành phố biển.
Em Về Biển cũng là một bài thơ tình sâu sắc và khá hay. Ở bài đó có một đoạn tác giả cũng nhắc đến việc đón người yêu bên cổng trường:

Hàng bạch đàn năm xưa còn đó
Anh còn đây, em hỡi! Anh còn đây
Nhớ những buổi đón em bên cổng trường sinh ngữ
Tóc nửa bạc rồi chỉ thấy gió mưa bay...


Nhưng Em Về Biển anh đã viết từ năm 1993, khi mái tóc mới bạc nửa phần (như lời thơ) - Còn bài "Anh vẫn ở bên hồ Tây" này thì tác giả lại vừa sáng tác trong năm 2012, khi đã qua cái tuổi lục tuần. Sau gần 20 năm, chắc nay tóc nhà thơ đã phải bạc gần hết rồi? Thế mới biết tâm hồn thi nhân trẻ mãi không già.
Hồ Tây chẳng phải chỉ là nơi nhà thơ sinh sống, ở đó còn ghi nhận bao nhiêu kỉ niệm tình yêu của đời anh. Mỗi khi qua lại bên hồ, không tránh khỏi những giây phút tác giả chạnh nhớ về tình cũ, lòng xa xót. Bởi vậy vừa mới vào thơ anh đã thốt lên:

Tình để lại vết thương không lành được
Soi mặt hồ in mãi bóng thời gian


Và hình ảnh người con gái lại hiện về làm xao động trái tim anh:
Em hiền dịu trái tim từng tha thiết 

Người con gái anh yêu nay hóa khói sương tan


Hình ảnh "hoá khói sương tan" đó chính là một biểu tượng về cát bụi cuộc đời. Tình yêu thiêng liêng vậy, hình ảnh cô sinh nữ cũng hiền dịu và anh tha thiết đến thế, vậy mà giờ đây tất cả chỉ còn là sương khói. Ngôn ngữ thi ca của Phạm Ngọc Thái sử dụng thuộc loại ngôn ngữ hình tượng hội hoạ, tuy bình dị nhưng vẫn thanh thoát và hàm súc.
"Anh vẫn ở bên hồ Tây" là một bài thơ tình cảm động. Vết thương tình dẫu chỉ là vô hình, nhưng nó lại có thể khoét sâu vào trái tim, tâm hồn làm cho nhà thơ đau đớn như không bao giờ lành lại được. Lòng anh lưu luyến cả một thời tuổi trẻ đã qua đi. Sang đoạn thứ hai, tình thơ càng được khắc sâu hơn về tình yêu:

Ta cũng già rồi, em ơi! Vết thương còn đau buốt
Hạnh phúc qua như một cánh chim bay
Nông nỗi đời người để đâu cho hết
Tình thơ ngây... tình sao mãi thơ ngây…


Tôi nghĩ, người con gái kia khi nghe được những lời thơ này của anh chắc phải xúc động lắm! Nhà thơ đã trải nghiệm qua gần trọn một đời mình nên cái "nông nỗi đời người" - ở đây ý muốn nói về những mất mát trong tình yêu cũng như cuộc sống con người, càng thấy quí những hạnh phúc đã trôi đi. Cô gái ấy giờ đây đâu còn trẻ? nhưng trong kí ức nhà thơ, em vẫn trong trắng tươi mát như thuở nữ sinh - Câu thơ "Tình thơ ngây... tình sao mãi thơ ngây" là vậy. Trong tình yêu có biết bao sự ly tan chẳng ra đâu vào đâu, có khi cả hai người cùng yêu tha thiết với nhau suốt đời, ấy vậy mà cũng tan vỡ. Chính thế nên vào đoạn thơ thứ hai này lòng tác giả mới thổn thức: Ta cũng già rồi, em ơi! Vết thương còn đau buốt/- Nghĩa là những năm tháng yêu em là thời gian hạnh phúc của đời anh. Đó là sự luyến tiếc cuộc sống và tình yêu tuổi trẻ, ngỡ đã vụt trôi như một cánh chim bay...
Sau đó tác giả có nhắc lại về những buổi đón em bên cổng trường như đã nói ở trên, để cuối cùng anh kết:

Thế đó, em ơi! Tình qua không trở lại
Xế chiều rồi mà máu tim chảy mãi không thôi
Em có nghe gió Tây Hồ đang thổi
Anh ở đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi...


Hình ảnh gió hồ Tây thổi cùng những làn mây trôi... là biểu tượng những tháng năm tiếp nối và cuộc sống heo hút của nhà thơ. Đó là hai câu thơ hay nhất bài, lời thơ sinh động đầy hàm ý. Nhờ hai câu kết này mà bài thơ được viên mãn và tầm vóc hay lên, để nói tình yêu cuộc đời vừa cát bụi vừa mãi mãi...
Như lời Nguyễn Đình Chúc trong một bài bình luận về chân dung thơ Phạm Ngọc Thái, khi nói về tình thơ này đã có nhận xét:
- "Anh vẫn ở bên hồ Tây" là một bài thơ tình hay của tập Hồ Xuân Hương Tái Lai, hình ảnh thơ rất chân thực nhưng vẫn cô đúc, dường như trên mỗi dòng thơ đều có máu tim của nhà thơ đang rỏ xuống...
Rồi nhà bình luận khái quát:
- Bài thơ chỉ có 16 câu với 4 khổ thơ, được viết vào lúc cuộc đời tác giả đã về chiều khi nhớ lại mối tình với một người sinh nữ.
Đứng bên bờ hồ Tây gió thổi, mây bay... tác giả bồi hồi nghe tiếng của lòng mình đang trỗi dậy thưở còn tình yêu tuổi trẻ. Hình tượng thơ khắc họa trong câu cuối cùng: Anh ở đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi.../- ý nói, những làn mây trôi kia không chỉ là cảnh vật thiên nhiên hoang vu mà nó còn biểu thị cho cả khoảng thời gian trôi. Như câu: Hạnh phúc qua như một cánh chim bay/- Nói lên niềm vui ngắn ngủi, thoảng chốc đã không còn. Hoặc khi tả về hình bóng người con gái xa xưa nay chỉ còn trong ký ức, anh viết:
Người con gái anh yêu nay hoá khói sương tan
Để biểu thị cho sự chìm lấp của thời gian đã trôi vào quá khứ" - Đó chính là thứ ngôn ngữ thi ca rất hàm súc và giàu tính biểu tượng.
Theo cảm nhận của tôi: "Anh vẫn ở bên hồ Tây" là một bài thơ tình vô giá của nhà thơ Phạm Ngọc Thái. Chẳng những bài thơ cảm hoá được lòng người, đồng thời còn có khả năng tồn tại với đời. Rất có thể thi phẩm sẽ trở thành một viên ngọc thi ca của văn đàn hôm nay và mai sau!







.

Mùi


Giang Kiều




Cái gì cũng có mùi của nó. Đồng cỏ có mùi của đồng cỏ, đại dương có mùi của đại dương, thú có mùi thú, người có mùi người … và tuỳ lúc tuỳ nơi mà mùi này có thể thay đổi.

Ngọn gió có khi mang mùi của đại dương, có khi lại bay mùi se lạnh của núi rừng phương bắc nhưng có lúc lại đậm đặc mùi ký ức tuổi thơ …

Bạn hẳn đã từng nghe mùi tết quyện trong hương hoa vạn thọ, mùi tổ tiên trong nghi ngút khói trầm, mùi chết chóc trong tiếng đạn bom gào rít …

Con chó có mùi của lòng trung thành, con chuột bốc mùi đục khoét, con chim bay mùi tự do …

Ngay cả những đồ vật chung quanh mỗi thứ đều có mùi riêng của mình. Bộ bàn ghế làm từ gốc cây bốc mùi cánh rừng khô cháy, con thú nhồi bông bay mùi của tìm và tận diệt, phiến gỗ hoá thạch mùi thời gian, bức hoạ mùi đam mê …

Một chiếc xe de luxe, một bữa tiệc thịnh soạn, một cao ốc sang trọng có thể bốc lên mùi của bất công, của đói rét đồng loại …

Âm thanh cũng có mùi. Tiếng pháo bay mùi lễ hội, tiếng vỗ tay mùi hân hoan, tiếng khóc mùi đau khổ …

Sắc màu cũng có mùi. Sắc đỏ có mùi của lòng hăng hái, mùi của chiến chinh, sắc xanh có mùi của hoà bình, của hy vọng, sắc vàng mùi của vinh quang, sắc tím mùi của thương tiếc …

Phức tạp nhất là mùi người, vì nó thường được che đậy bằng những thứ giả trá, nhưng thực ra làm sao mà dấu hết được. Có người bốc lên mùi tàn ác, như mùi tàn ác của lão Javert mà Victor Hugo mô tả, nó đậm đặc tới độ loài chó hoang cũng ngửi thấy. Có người bay mùi dâm đảng, có kẻ lại bốc mùi giả dối tham lam nhưng cũng không thiếu người toả hương nhân ái, độ lượng ...

Chẳng những cá nhân mà đến từng tập thể, từng dân tộc cũng có mùi riêng. Có dân tộc bay mùi hiếu hoà nhưng cũng có những dân tộc nồng nặc mùi hiếu chiến. Có tập thể bay mùi can đảm trung thực nhưng cũng có những tập thể bốc lên mùi nhát đảm, xảo trá …

… Nếu để ý ta sẽ nghe được rất nhiều mùi đang toả lan từ cuộc sống quanh mình .

Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến



Hoàng Nhuận Cầm



Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi

Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới
Như cánh chim trong mắt của chân trời
Ta đã chán lời vu vơ, giả dối
Hót lên! dù đau xót một lần thôi.

Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói
Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ
Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ
Em hay là cơn bão tự ngàn xa.

Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ
Gió em vào - nếu chán - gió lại ra
Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó
Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi...

Ngày mai tôi sẽ chết



Vũ Bằng

Chương 1

Tôi viết bức thư này không biết anh có kịp xem không, nhưng tôi cứ viết và ao ước anh sẽ đọc được trước khi ra lấy vé tàu đi Hà Nội. Anh ơi, anh đừng đi Hà Nội nữa. Người bạn cũ của anh bây giờ đã già quá đi mất rồi. Sau mười sáu năm trời không gặp mặt nhau, chính anh, tôi e rằng anh cũng không nhận ra tôi nữa. Tôi chỉ còn là một đống giẻ rách không tên, ở một chỗ ngoại ô hẻo lánh chung quanh toàn những tiếng búa đập trên đe và những câu chửi rủa thô tục của những gái chơi trốn thuế. Buổi sáng lúc trời còn mù mịt chưa trông rõ mặt người, những đoàn xe đen kịt từ ở trên phố kéo về đem một hơi hướng khó chịu của Hà Nội đến cái giường tre tôi nằm buổi trưa, ruồi đậu và muỗi kêu như thúc giục người ta dậy cầm một cái gậy giang hồ để đi, bất cứ đâu; và buổi tối, những lời dọa dẫm chém giết nhau không lúc nào ngớt làm cho một người bình tĩnh nhất cũng đâm ra phẫn chí.

- Phải đi! Ta nhất định phải đi!...

Biết bao nhiêu lần tôi đã nói thế với tôi rồi? Chao ôi, không có một lần nào, không một lần nào tên bạn khốn nạn này của anh lại dám đem thực hành ý kiến. Đó là bởi vì mười năm nay y mắc phải một bệnh nan y, một bệnh giữ người ta lại ở chân giường không cho biết những phương trời mới lạ: đó là bệnh nghiện.

Bây giờ mỗi khi trong xóm có ai xa lạ đến hỏi thăm tôi hay là tò mò muốn biết chủ nhân của cái nhà lá ở chỗ "Ba con chó đá" đi vào:

- Cái ông bung bủng ăn thuốc ấy làm nghề gì ấy nhỉ?... thì trẻ con và đàn bà chung quanh đó, không động một cái gân mặt, đều trả lời thản nhiên rằng:

- Ấy, nghe đâu như ông ấy viết sách viết báo bán cho nhật trình thì phải.

Anh ơi, người ta còn có thể trả lời khác thế làm sao được? Bạn anh mới có bốn mươi hai tuổi - tuổi người ta vui vẻ bước vào đời, lòng đầy chim hót - vậy mà đã già lắm, yếu lắm, chán nản lắm rồi anh ạ. Bây giờ, những buổi sáng trời, ngồi chống tấm phên lên nhìn ra cái ao tù đằng trước mặt, tôi tiếc cái thời kỳ trẻ tuổi như một người không may hồi cố đến một bạn tình có thủy không chung. Những lúc ấy trái tim tôi se lại. Một vị gì cay cay mà mặn mặn đến với lưỡi tôi: tôi tưởng như mình ốm nặng lắm rồi, chỉ ngày mai sẽ chết không còn thuốc gì chữa nổi. Thì tôi lại càng thương mẹ tôi và các em tôi - hiện bây giờ đã nằm yên trong một cái nghĩa địa một tỉnh gần bờ bể, có lẽ lúc này đây rét lắm ở trong những cái mộ không bao giờ cất lại. Ôi, mẹ tôi và hai em gái của tôi đã cầu Trời khấn Phật cho tôi biết bao nhiêu. Họ làm việc gì, họ trông mong gì là đều làm việc và trông mong cho đứa con này, cho thằng anh này sẽ gặp sự may mắn trên đường đời.

Tạng tôi vốn ốm nên mẹ tôi thương tôi lắm. Nhất là em gái thứ hai tôi thì lại càng xót xa tôi. Tôi còn nhớ trước hôm nó chết hai ngày, vào lúc hoàng hôn nó có dắt tôi đến bên cạnh một gốc nhãn mà bảo tôi:

- Đêm qua, em sốt lắm và ho suốt cả đêm. Em xem chừng không sống được. Vậy từ hôm nay anh cầu cho em đi, anh cầu cho em "đi" một cách nhẹ nhàng. Còn em, nếu em chết, em sẽ không bao giờ quên anh. Em phù hộ anh và sẽ cầu cho anh may mắn hơn thày, không khổ về tinh thần và vật chất. Nhưng ngay bây giờ em còn sống và nghe được lời anh, anh hãy nguyện với em sẽ không bao giờ làm cái nghề bán văn buôn chữ nữa!

*

* *

Tôi vốn không phải người Hà Nội. Dòng họ nhà tôi từ bao nhiêu đời nay vẫn sinh cơ lập nghiệp ở làng Kiến Chính thuộc Nam thành. Mẹ tôi đan lưới. Gió bể ngày đêm thổi hút vào nhà tôi và những cái lưới ấy bay phần phật. Hai em tôi giúp đỡ mẹ tôi trong những việc đan lờ tết chỉ và giúp hai bữa cơm trong nhà. Bởi vì nhà tôi thanh bạch lắm, không nuôi đày tớ. Cả ba người làm ngày đêm mới tạm được nuôi nhà: tôi đi học tốn kém nhiều, còn thày tôi dăm bảy tháng mới có một cái bổng một vài chục bạc.

Tôi gọi là cái bổng bởi vì thày tôi không sống hẳn vì nghề. Thày tôi sinh vào giữa lúc chữ nho tàn cục, phải kéo lê cái sống tồi tàn trên mảnh đất này, lúc buồn thì dạy mấy đứa trẻ học vài cái chữ nho để họa là có truyền được cho con cháu cái đạo của thánh hiền Khổng Mạnh.

Những đứa trẻ ấy đều là con nhà nghèo cả, họa hoằn mới có một hai trẻ sang để tạ Ơn. Thày tôi, vì vậy phải kiếm thêm bằng cách viết bài cho một tờ nguyệt báo xuất bản ở Hà thành - hồi ấy ở Hà thành có báo viết vừa bằng chữ nho, vừa bằng chữ quốc ngữ - để kiếm thêm. Nhưng gọi là kiếm thêm đó mà thôi chứ thực thì có khi đến một năm thày tôi mới được nhà báo đưa biếu một vài chục bạc (hồi ấy người ta không gọi là tiền nhuận bút nhưng là tiền trầu nước).

Cuộc đời ở cái làng hẻo lánh này cứ đi như thế, đều đều tựa ngọn triều ở trước nhà tôi ngày xuống đêm lên không có một sự gì thay đổi. Mẹ tôi cứ đan lưới bán, thày tôi cứ viết bài đăng ở Tân Văn, còn hai em tôi thì vừa mạng lưới vừa nhìn ra xa xa ngoài bể khơi xem những con thuyền đánh cá đi đi lại lại như những con mộng đẹp.

Cho đến năm tôi hai mươi tuổi. Một hôm, thày tôi đi mất tích. Mẹ tôi mở cửa trông ra bể đợi, nhưng xuân đi, hạ đến rồi thu, rồi đông, thày tôi vẫn tuyệt vô âm tín, hàng xóm không ai biết cả. Từ đó, đêm cũng như ngày, tiếng hát của biển khơi vọng vào nhà tôi buồn ray rứt cả ruột gan. Nhà tôi sa sút. Em gái lớn tôi đi lấy chồng, nhưng mới được mấy tháng thì chết vì sinh nở.

Chính đêm đi đưa đám nó về, ba mẹ con tôi ngồi đốt đèn lên để than thở với nhau thì có người gõ cửa rất gấp và đem vào một bức thư. Tôi còn nhớ đêm ấy mưa to lắm. Gió bể thổi heo hút, người đàn ông kia lạnh bợt hẳn mặt đi và ướt lướt mướt cả từ đầu đến gót, nhưng mẹ con tôi cũng không thể giữ người ở lại, dù chớp bể mưa nguồn, sấm sét nổi lên tứ phía như thể trời lúc ấy tức giận đến cùng cực vậy.

Từ đấy tôi hiểu rằng thày tôi không còn bao giờ trở về đến đất này.

Mẹ con tôi sống heo hút với nhau, không mong đợi điều gì nữa, nhưng vẫn liếc nhìn ra những con thuyền rẽ sóng đi... và chúng tôi lại tưởng là thuyền ai đi ngày trước.

Trong khi ấy, thì mẹ tôi già héo đi lúc nào không biết. Cái tay đan lưới ở dưới ánh đèn dầu mỗi ngày mỗi chậm. Giọng nói của người cũng yếu đi, tuy đã lâu mẹ tôi ít hẳn nói cười. Ôi, người đàn bà ấy cắn răng mà chịu đựng số mệnh, không than không tiếc nhưng chỉ mong có một điều rằng: tôi là đứa con cuối cùng của họ; tôi phải giữ lấy dòng họ đừng cho tuyệt diệt. Phải lấy vợ, phải nghĩ chuyện nối dõi mai sau, còn đến việc bán văn buôn chữ thì mẹ tôi và em tôi khẩn khoản tôi chớ có nên theo đuổi làm gì. Bởi vì, mẹ tôi đã nhất định tin như thế rồi, không ai có thể làm lay chuyển lòng người được: mẹ tôi cho rằng thày tôi không những lao tâm lao lực vì văn chương, mà văn chương lại còn là nguyên nhân chính trong việc thày tôi đi mãi, không bao giờ về nữa. Tôi không nhớ rằng lúc ấy tôi có tin những lời nói của mẹ tôi không, nhưng tôi biết rằng tôi có hứa sẽ vâng theo lời mẹ.

Và tôi đã hứa cả với em tôi trước khi nó chết, nói với tôi bên gốc nhãn. Từ đó, ngày nọ đuổi ngày kia, năm tháng cứ dần trôi như nước bể trút sang những sông con, không bao giờ trở lại cùng bể nữa.

Tôi vuốt mắt cho mẹ và cho em, và cũng như nước bể, những lời hứa không còn ở trong trí óc của người trẻ tuổi lúc ấy có bao nhiêu nhựa sống căng trong mạch máu.

Không còn bận gì đến gia đình nữa tôi bán cả cơ nghiệp đi ra sống ở Hà thành. Tôi cho rằng phàm người thanh niên nào biết tự trọng, muốn sống cho ra sống, muốn làm nên sự nghiệp to tát thì không thể không ở Hà thành được: còn có chỗ nào đẹp đẽ bằng, còn có chỗ nào sống đầy đủ bằng?

Tôi thuê một cái gác nhỏ, và cũng như bao nhiêu "muỗi cỏ" ở các nơi bay về theo đuổi ánh sáng đèn, tôi quyết phải làm nên sự nghiệp gì không để xấu hổ cho dòng họ mình là một dòng họ nho phong. Thoạt đầu, cuộc đời tôi càng thấy khó bao nhiêu tôi càng say mê sống. Không hiểu vì sự say mê ấy hay vì cái nghiệp mà Thượng Đế bắt tôi phải chịu hoặc vì cái bản tính thanh niên xưa nay vẫn ham thích làm những điều mà người khác ngăn cấm mình, tôi quyết định sẽ trở nên một văn sĩ chỉ viết một tác phẩm mà ai ai cũng sợ.

Ở Hà thành, có bao nhiêu người đã nuôi những cái mộng như thế? Có lẽ đến hàng ngàn. Hàng ngàn người lúc nào cũng tin rằng bị Thượng Đế đọa đầy. Họ có khi đói khổ đến vô chừng, nhưng lúc nào cũng vui vẻ mà gậm tương lai vì họ tin rằng chính họ, họ sẽ ôm quả đất vào trong tay, họ muốn là họ được.

Không có ai bây giờ chạy đến mời ta ư? Không cần. Ta hãy ca tụng lẫn nhau đã bởi vì người bạn có thể thiếu cơm, ta không thể để cho hắn thiếu tài. Những người làm nên sự nghiệp khi xưa đều thế cả.

Tôi nghĩ vậy cho nên tôi nhìn ánh sáng kinh thành rất say mê. Tôi mơ tưởng đến những tác phẩm sắp viết và tôi ngửng lên nhìn trời. Bầu trời hôm nào cũng nhiều sao. Tôi thấy ngôi sao bản mệnh của tôi sáng lắm. Tôi lại càng tin tưởng ở sức huyền bí của Thượng Đế, tôi lại càng tin ở tài tôi trong khi bao nhiêu thanh niên khác, đầy tài đầy lực - hầu hết cũng bay ở phương khác về như tôi - bị ngã xuống hố không kịp chào cha mẹ anh em lần cuối.

Bây giờ ngồi mà nghĩ lại tôi thương những chiến sĩ vô danh đó không biết bao nhiêu, tôi thương cả những bực cha mẹ Ở tỉnh nhỏ nuôi con khôn lớn cho ra kinh thành để tạo nên sự nghiệp mà kết cục thì họ chết trơ trọi ở trên những cái giường lạnh lẽo trong những gian phòng tối tăm. Những lúc ấy xin thú thực tôi không nghĩ gì tới họ. Sự đắc thắng làm cho tôi say mê như một thứ rượu nặng men: tôi nghĩ đến tôi nhiều quá, nghĩ đến ngôi sao bản mệnh của tôi nhiều quá. Bao nhiêu máu, bao nhiêu óc của cha mẹ tôi để cho và nuôi cho đến ngày nay, tôi đều đem trút ra trên những dòng chữ hay như những cành hoa tươi trên mặt giấy. Tôi đã quên lời hứa với mẹ và em, đã không lấy vợ - hay nói cho đúng, tôi đã lấy vợ nhưng không lấy vợ như mẹ và em tôi đã tưởng: vợ tôi là sự nghiệp văn chương vậy.

Cái gác tôi trọ nào đâu có những thi vị như gian nhà lá ở trên bờ biển Kiên Chính khi xưa? Đây chỉ là một gian nhà gác xép bốn bề bưng kín như thể một cái mộ cất ở lưng chừng giời. Một cái kính vỡ ở đây, những đêm đông lạnh lẽo gió lùa vào rét quá, tôi lấy giấy nhật trình bịt lại. Cái bàn khập khiễng kia suốt đêm có tiếng mọt nghiến gỗ đến kinh người, thực chẳng khác những lời oán hận bất diệt của một hồn oan vậy. Bao nhiêu sự thiếu thốn, cơ cực ấy, tôi đều coi thường cả bởi vì tôi đã thấy ánh sáng đến với tôi rồi. Tôi đã tìm thấy cái bí quyết của sự đắc thắng nên dù là buổi chiều buồn, đứng ở cửa gác nhìn xuống đường chỉ có mưa rơi trên những cái mái nhà ám khói, tôi cũng thấy là nên thơ, là đẹp.

Thế rồi, tác phẩm đầu tiên của tôi, ra đời. Không anh ạ, anh đừng tưởng rằng hy vọng của tôi đến thế là tột bực đâu; tôi được hoan nghênh đến nhiệt liệt nhưng tôi vẫn chưa lấy gì làm thỏa. Chỉ trong có mấy ngày tôi đã từ một gã vô danh nhẩy lên chiếm một chỗ ngồi trong văn giới đáng cho những bậc lão thành thèm muốn. Các báo viết bài khen tác phẩm của tôi; các nhà xuất bản tranh nhau mời tôi viết; có nhiều nhà văn nhà báo có tên tuổi lại hỏi dò được địa chỉ của tôi viết những bức thư thật dài đến khuyến khích và mong cho tôi sẽ tiến mãi trên con đường sự nghiệp.

Tôi sướng quá, muốn khóc lên. Khóc vì mình đã thắng, chứ không phải khóc vì bây giờ mình đã được chút tên tuổi rồi mà cha mẹ không còn sống để chia vui. Luôn mấy hôm, người tôi như sốt, máu tôi chảy mạnh và dồn cả về thái dương; tôi say mê danh vọng quá và từ hôm ấy văn chương cám dỗ tôi như một mụ phù thủy cám dỗ một cô gái ngây thơ vậy.

Tôi viết quên cả ngày đêm, tôi viết trong những cơn sốt rét. Trong ba năm, bảy tác phẩm ra đời, óc và máu tôi chan hòa trên mấy trăm nghìn trang giấy bay khắp chỗ, từ thôn quê ra thành thị. Tôi là một người hữu hạnh nhất trong văn đàn. Không ai tranh cướp được địa vị của tôi. Giàu có và danh tiếng như thế chẳng là đã tạm đủ rồi hay sao?

Tôi vẫn ở trên căn gác xép bé nhỏ đã trông thấy tôi nổi tiếng. Tôi tiếp những ông chủ báo, tôi có khi phải trốn những nhà xuất bản. Nhưng dù sao tôi lúc nào cũng vẫn bất mãn về những tác phẩm của tôi đã xuất bản rồi, tôi muốn có nhiều tiền nữa để trả thù những khi túng bấn và tôi ao ước sẽ viết được một cuốn sách có thể gọi là một tác phẩm đánh dấu đời tôi lại.

Bởi thế, tôi cũng không từ chối nhiều nhà xuất bản đâu. Tôi nhận gần hết những lời yêu cầu của họ. Và bởi vì tôi là một người thực yêu nghề, tôi không viết cẩu thả được mà tôi cũng không sai hẹn được. Thế là một tháng hai mươi đêm tôi thức để viết cho đến khi xe điện leng keng những tiếng chuông đầu tiên của một ngày. Những tiếng rao bánh tây nóng của những đứa trẻ khi xưa cắp thúng đi bán từ lúc tinh sương chính là những bài hát ru tôi ngủ vậy.

Ban ngày tôi lại viết. Tôi uống từng bát cà phê đặc để lấy sức, tôi hút thuốc phiện để thức đêm và tôi ốm vì đau ruột.

Nhưng không cần. Tiền và danh vọng! Miễn có nhiều là được. Tôi đi đi lại lại ở trên cái gác xép của tôi vừa ngẫm nghĩ đến cái cốt truyện ngày mai vừa đưa con mắt lơ đãng xem mảnh trời đẹp ở bên ngoài ra sao.

Trời đẹp thì đẹp lắm.


Chương 2

Bệnh đau ruột của tôi mỗi ngày một nặng thêm. Tôi vào nhà thương khám thì bác sĩ bảo tôi rằng cần phải mổ. Ba tháng trời! Ba tháng trời nằm ở trên giường bệnh, dập dìu những người bạn chuộng văn có một cảm tình chân thật và những ông chủ xuất bản và chủ báo vì xã giao đến thăm nom, tôi không viết được một tác phẩm gì thêm nữa. Vả lại bác sĩ chữa cho tôi lại dặn đi dặn lại viên khán hộ không cho phép tôi làm việc gì mệt nhọc, nên suốt ngày tôi chỉ đành nằm dán mắt lên trần nhà xem con mối này đi đến đầu tường thì có rẽ không, hay con ruồi nọ bay đến đấy có đỗ hay lại còn bay nữa.

Con ruồi, mà tôi đánh đố tôi, bay đến đấy thì đỗ thực. Có ai ngờ đâu rằng, cũng như con ruồi, sự nghiệp văn chương của tôi đến đấy lại ngừng... Bao nhiêu tiền tôi ăn dụm để dành được, chỉ một trận ốm ấy rủ nhau đi hết. Tôi chưa viết được, lại túng bấn quá nên đành phải viết thư hỏi vay tiền trước của mấy ông chủ báo. Tôi lại ra công viết, nhưng mỗi ngày sức tôi một kém đi. Bệnh đau ruột đã làm cho tôi mất sức mạnh đi rồi, những sự lo buồn vô căn cớ lại làm cho trí óc tôi cằn cọc đi. Bây giờ cái cửa sổ ở căn gác xép của tôi đã để lộ một mảnh trời bạc mờ mờ không đẹp như trước nữa. Tôi hay ngủ. Và mỗi khi ngủ ngày dậy thì tôi lại thấy ê ẩm cả người: đầu rức mắt hoa, tôi có cảm giác bị một bệnh phổi không bao giờ khỏi được. Những lúc ấy gian phòng tôi ở có một vẻ lạnh lẽo, một mùi tanh tưởi. Người ta đã ít nói tới tôi. Tôi hay nghĩ ngợi viển vông - và tôi đã đoán trước cái ngày mai ra thế nào. Ôi là hắc ám, cả ngày mai ấy. Tôi thấy cái trần nhà hình như đổ dần xuống người tôi. Mồ hôi tôi toát ra, tôi giương mắt lên nhìn kỹ thì thấy có hàng trăm trái núi không cây cỏ từ trên mây rơi xuống đầu tôi và đè lấy tôi. Tiếng muỗi vo ve trong gác lúc ấy có vẻ là những tiếng kèn đám ma đi tiễn một danh vọng về chiều. Tôi lấy tay lau vội mồ hôi ở trán và nghĩ: "Ta sẽ chết ngày mai, ở trong một xó xỉnh, chết như một con gián, không có một người nào biết".

Anh ơi, anh đã đọc Le Horla của Guy de Maupassant rồi đấy nhỉ. Có là tôi, có là một người bệnh như tôi, kẻ đọc sách mới có thể biết cái tâm trạng của tác giả đã tả trong cuốn sách xác thực như thế nào. Tôi muốn đốt hết cả. Đốt sách, đốt vở, đốt nhà. May mà trời lại còn cho tôi lại một ít trí khôn nên cái việc càn rỡ mà tôi nghĩ đó, tôi không bao giờ làm cả. Tôi chỉ vội vàng mặc áo, đi không đóng cửa, đi đến chỗ nào cũng được, miễn là có sự hoạt động để mình lại biết với mình rằng: "Ta còn sống đây, chưa chết!".

Phải, tôi chưa chết anh ạ, nhưng kể từ khi ấy tôi biết là tôi đã thua rồi. Nàng phù dung hay hiện thành mỹ nữ khỏa thân để quyến rũ ta trong những giấc mơ đen đã thắng và sẽ không bao giờ tha tôi nữa. Tôi gục xuống ở dưới chân nàng và tôi thấy bao nhiêu lò xo ở trong thân thể tôi đã gãy. Nhưng dù sao, người ta cũng phải sống... Bởi vì tôi vẫn còn tin - chao ôi, cái tin ấy là cái tin của người mắc bệnh phổi đến thời kỳ thứ ba vẫn còn tin rằng mình khỏi, cái tin của một người đàn bà đã hết thời xuân sắc vẫn còn tin rằng mình bóp được những trái tim của những chàng trai trẻ tuổi.

Đến đây, tôi phải xin thú nhận với anh một tội, một tội làm cho tôi đau đớn, lúc nào cũng như đè lên linh hồn. Có lẽ đó là một sự xấu hổ lớn nhất trong đời nghệ sĩ của tôi. Những đêm khuya nằm cuộn tròn trong chăn, tay cái dọc tẩu, tay cái tiêm lăn điếu thuốc để cho vào nhĩ tẩu, tôi thấy buồn một cái buồn thấm thía não nùng. Tôi thương cha mẹ tôi và các em tôi, tôi thương tôi và tưởng tượng mình là một người thiệt thòi nhất, không được Thượng Đế đền bù gì cho cả. Những lúc ấy, tôi không dám thù hằn ai hết; tôi không thù những ông chủ báo hay những ông chủ xuất bản như những bạn đồng nghiệp tôi đã thù; tôi không thù Trời là đấng tối cao tối đại lúc nào cũng thương xót chúng nhân. Sự xấu hổ nhất đời của tôi là đây: tôi thù cái nghiệp văn chương báo chí và tôi thấy lợm giọng vì nghề đó có những lúc đến với tôi ghê tởm quá. Tôi nói thế mà thôi, chứ thực ra tôi không hiểu tại sao tôi lại có thể ghét nghề văn như thế - nghề văn, ôi! Cái nghề cao quý đã đưa tôi đến nghề báo để cho nghề báo hại tôi đến thế này, nhưng dù sao cũng là một nghề mà tôi đã hy sinh cả thân thể và có khi cả tiền bạc, một nghề mà từ năm hai mươi tuổi tôi coi như một vị nữ thần, một mối an ủi, một sự che chở vậy.

Từ đó, tôi kéo lê cuộc đời của tôi hết tiệm này sang tiệm khác. Tôi ngủ đêm ở những nơi ca viện đến khi mọi người đi làm sáng về rồi tôi mới dậy. Tôi nằm nhắm mắt như một cái xác chết ở trong những cái buồng bẩn thỉu, cứ mỗi khi bồi tiêm, tiêm xong một điếu lại xoay dọc khi đập vào người tôi đánh thức tôi dậy cho tôi hút. Thuốc phiện không còn là một cái thích nữa đối với tôi; tôi càng hút say lại càng buồn; những khi say đến cùng độ, tôi thường gắt gỏng với mọi người trong tiệm.

Chao ôi, những chuyện xa gần của hiện tại và dĩ vãng đã vò xé lòng tôi; tôi khóc cha mẹ tôi và em tôi, tôi không muốn nghe một người nào nói chuyện ở bên tai tôi cả. Nhất là chuyện văn chương, chuyện báo chí thì tôi lại thấy kinh tởm đến vô cùng.

Tôi không đọc một quyển sách, tôi không xem một tờ báo. Mực đối với tôi có một mùi nồng như một mùi thuốc tím ở nhà thương. Tôi ít nhất phải nghe thấy ai nói "Cái tờ ấy mới viết mà đã làm cho mọi người chú ý" hay "Nghệ thuật của ông nọ tinh vi lắm, làng văn hiện đại có thể kể làm một hy vọng được".

Anh ơi, anh thử nhắm mắt lại mà tưởng tượng xem tôi thế nào. Anh không thể tưởng tượng được, vì anh có là tôi đâu mà biết được sự đau khổ của một kẻ chỉ sống vì văn chương cùng cán bút mà đột nhiên lại sợ cán bút không dám cầm, thù ghét văn chương đến nỗi không dám nói.

Cũng may, cái bệnh ấy tôi chỉ mắc phải có ít lâu thì khỏi. Đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu nó đã khỏi bằng cách gì; chỉ biết rằng đến mùa xuân năm ấy tôi tự nhiên thấy có can đảm cầm lấy bút viết một bài xã luận cho một tờ báo văn chương, chính trị.

Bài ấy đối với dư luận ra thế nào, tôi không rõ. Riêng tôi, tôi thấy rằng lúc cầm bút viết, tôi có vẻ một người đàn bà môi đã thôi đỏ, răng đã thôi bóng mà má thì răn, mà mắt thì mờ, một buổi sáng hiền lành ngồi giở gương ra điểm phấn thoa son lại. Những nét răn trên má và ở đuôi mắt, son phấn không thể che đậy được. Nhưng dù sao cái nhan sắc thuở xưa vẫn còn ở đầu mắt cuối mày: mùa đông dù u tối đen buồn đến đâu cũng không thể che lấp hết những cái đẹp não nùng đậu ở trên ngọn nước hay cành cây của một mùa thu êm ái.

Cái danh vọng của tôi có thể cứ như thế kéo dài ra thêm chút nữa nếu không có việc này xảy ra:

Một ngọn gió mới từ phương xa thổi lại, bứt hết cả những cái lá đau ngực của cây văn chương buổi cũ. Người ta cải cách hết: cải cách từ tư tưởng cho đến cả giọng văn; người ta cải cách lối viết đến cách trình bày ý nghĩ. Thiên hạ trọng những người trẻ có bầu máu nóng, độc giả ưa những chuyện hợp với tình trạng mới của xã hội nước nhà. Tôi không theo kịp được nữa rồi bởi vì tôi đã đứng im lâu quá, hay là tôi không biết chiều theo thị hiếu của quốc dân bạn đọc? Đã đành là muốn được nổi tiếng bây giờ, người ta phải có cơ quan dư luận trong tay, người ta phải quảng cáo, người ta cần làm ầm ĩ... Anh ơi, anh quý của tôi ơi, bạn anh đã đến, nhưng đã đến một cách im lặng quá. Y không có cơ quan dư luận nào trong tay cả, bởi vì bao nhiêu chủ báo đã bỏ y rồi; y bắt chước những bực tiền bối chỉ trông vào ở sức mình, ở tài mình mà thôi. Một nhà xuất bản mới ra in một cuốn sách của y vừa soạn. Không có một nhà phê bình nào nói đến. Y tặng họ một cuốn. Y bị người ta viết một bài chê bai. Cuốn sách ấy ế, độc giả viết thư về trách. "Thế rồi thì là hết. Như lời nhạc sĩ Ludovic Breitner đã nói, cái vòng thắt chặt lại, không thương xót".

Đến hôm nay thì tôi biết hết, không còn lầm lẫn nữa. Quốc dân không còn nhớ đến tên tôi. Những nhà xuất bản mở cửa mời những ông văn sĩ mới. Còn tôi, tôi, một nhà báo kiêm nhà văn đã già rồi, đã gãy nát rồi, còn ai nhớ tưởng làm gì nữa? Tôi không có ích cho một tờ báo xoàng xoàng; văn tôi không có nhựa nữa; đầu đề những bài báo của tôi không bịp bợm nữa. Tôi là một anh nhà văn đau ốm và mất hết can đảm: danh vọng tôi đã về chiều rồi còn đâu! Tuy thế, lúc nào tôi cũng vẫn tin tưởng rằng văn tôi nếu không hoàn toàn có ích hẳn thì cũng không có hại cho người đọc. Tôi biết cái ý nghĩa cao cả của văn chương và tôi còn như thấy hàng vạn độc giả cả nam lẫn nữ say sưa đọc tôi, mê tôi và còn như đang uống linh hồn tôi trên những trang sách, bài báo của tôi đã viết. Có ai lại dám nghĩ rằng bao nhiêu những người đọc sách báo bây giờ lại cho lễ nghĩa và lẽ phải là những thức không cần dùng đến nữa.

Tôi đã biết những tiếng hoan hô chúc tụng và bây giờ tôi cô độc. Tôi đã sống một thời rực rỡ mỗi ngày có hàng chục người muốn xem mặt và tiếp chuyện; tôi đã làm cho một tờ tuần báo đứng vững cho đến bây giờ và có một thế lực vô song chỉ vì tôi đã ưng thuận ký tên vào một thiên mạo hiểm phiêu lưu tiểu thuyết... Vậy mà bây giờ tôi đói cơm đói thuốc, đành chôn sống thân mình ở ngoại ô, trong một túp lều tối tăm rầu rĩ không được mặt trời soi đến... Tất cả lờ lãi của cuộc đời hỉ xả của tôi đến bây giờ rút lại chỉ còn lại một cái bàn đèn thuốc phiện và mấy chồng báo nát. Còn đến tiền thì tuyệt nhiên không có đồng nào; ăn bữa sớm lo bữa mai, một đứa ở cũng không có để sai đi mua thuốc.

Tôi nằm chôn ở đây đợi một cái gì không đến. Tôi đợi một sự may mắn xui cho tôi có ít tiền để tôi cai thuốc phiện đi, tôi sẽ cố sức, một lần chót, viết một tác phẩm cuối cùng, một tác phẩm mà tôi chắc sẽ hơn hết cả một trăm cuốn sách tôi đã viết, có lẽ hơn hết cả những tác phẩm được hoan nghênh nhất bây giờ.

Nhưng có lẽ đó chỉ là một huyễn mộng của một người không may trên đời.

Ngày mai, chỉ ngày mai thôi, tôi sẽ chết. Tôi chắc lúc chết mặt tôi sẽ dữ tợn lắm, cho nên tôi không muốn anh nhìn tôi làm gì... Tôi sẽ "đi" một mình, không có ai vuốt mắt cho cả, nhưng tôi sẽ sung sướng vì tôi tin rằng đời này là tạm bợ, những người muốn thực tâm làm được sự nghiệp to tát cần phải chịu sự thử thách kiếp này để đắc thắng kiếp sau.

Tiểu thuyết thứ bảy,
số 404, 405, 406, tháng ba, 1942

Miền Trung ngập trong lũ



Mưa lớn trong và sau bão Nari, khiến mực nước sông, hồ đập ở các tỉnh từ Nghệ An tới Quảng Bình lên nhanh, gây ngập lụt ở nhiều địa phương. Thống kê ban đầu, đã có 7 người chết, 51 người bị thương do bão lũ liên tiếp.

Mưa lũ đã cuốn trôi hai cô giáo là Nguyễn Thị Lộc (quê Lộc Ninh) và Bích Thương (quê Đồng Sơn). Lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của cô Nguyễn Thị Lộc. Chiều nay, trong lúc gia đình thu dọn đồ đạc tránh lũ, một cháu bé 7 tuổi đã tử vong.

Theo báo Quảng Bình, nước lũ lên nhanh vào sáng 16/10 khiến giao thông qua các huyện miền tây Quảng Bình như Minh Hóa, Tuyên Hóa bị chia cắt, nhiều khu dân cư bị cô lập. Một nhà xe chạy tuyến Ba Đồn (Quảng Trạch) - cửa khẩu Cha Lo (Minh Hóa) cho hay, giao thông tuyến đường này đã hoàn toàn bị tê liệt do nước lũ ngập trắng nhiều đoạn.

Trong khi đó, ở xã Phong Hóa (huyện Tuyên Hóa), nước lũ lên nhanh vào lúc 8-9h sáng nay. Khoảng 500 nóc nhà toàn xã hiện ngập từ 1-2 mét. Tuyến quốc lộ 12A đây cũng bị nước lũ ngập khoảng 7 km nên xe cộ không thể di chuyển.

Ông Võ Xuân Vinh, công an xã Phong Hóa cho hay, do đã quen với mưa lũ, người dân trong xã chủ động di dời đồ đạc lên gác xép, đưa trâu bò lên đồi. Do điện lưới bị mất hoàn toàn từ 5h sáng nay nên đến chiều tối, toàn xã chìm trong bóng tối. Điện thoại của người dân hầu hết đã hết pin, không liên lạc được. Rất may là toàn xã chưa có thiệt hại về người.

"Đến 18h, nước đã ngừng lên, mưa cũng ngớt. Nếu lũ không về tiếp thì khoảng trưa mai nước sẽ rút", ông Vinh cho hay.



Đội cứu hộ đưa tài sản của người dân lên vùng an toàn. Ảnh: CTV.


Mưa lớn đã nhấm chìm hàng trăm ngôi nhà ở huyện Lệ Thủy tại các thôn Bình Minh (xã Dương Thủy), thôn Tân Lệ, Phú Thọ (xã An Thủy), thôn An Lạc (xã Lộc Thủy), thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy) bị ngập trong nước lũ, một số vùng ngập rất sâu.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Phú Nhiêu ngập tới 3 m; quốc lộ 12A (đoạn qua Đức Hóa) ngập 0,6m; thị trấn Quy Đạt ngập 1m; đường 15 (ngầm Bùng, ngầm Vĩnh Tuy) ngập 2m, đường sắt đoạn qua xã Văn Hóa bị ngập, tắc đường.

Cũng trong sáng nay, một trận lũ quét đã san phẳng ba ngôi nhà ở xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, người trong nhà kịp thời chạy thoát. Lũ quét khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị ách tắc.



Câu treo xã Hòa Thanh (Minh Hóa) bị sập. Ảnh: Báo Quảng Bình.


Không chỉ ở Quảng Bình, một số địa phương khác ở miền Trung lũ đang lên nhanh. Lượng mưa đo được ở Khe Sanh (Quảng Trị lên đến gần 300 mm, Tà Lương (Thừa Thiên Huế) khoảng 300 mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) ở mức trên 300 mm.

Hai ngày qua, Hà Tĩnh mưa to, một số huyện miền núi bị ngập lụt chia cắt. 3 người dân bị mất tích, hơn 1000 ngôi nhà dân bị ngập.

Ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, mưa liên tục khiến toàn bộ thành phố Hà Tĩnh và các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang bị ngập lụt nặng nề. Gần 300.000 học sinh toàn tỉnh được nghỉ học tránh lũ.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch huyện Hương Sơn cho biết trời mưa to khiến nước dâng lên cao, cô lập khoảng 20 xã. Hiện các lực lượng đang tập trung ứng cứu, cùng người dân sơ tán và bảo vệ tài sản. Do ảnh hưởng của lũ quét, những xã ở vùng đầu nguồn như Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Bằng, Sơn Tây bị ảnh hưởng nặng nề như sập nhà, tốc mái... Cả huyện có 3 người chết và mất tích.

Nước sông Ngàn Phố dâng cao tràn qua tuyến quốc lộ 8A đoạn xã Sơn Diệm (Hương Sơn) làm tuyến đường bị ngập sâu hơn 1,5 m với chiều dài gần 200 m; chính quyền địa phương, lực lượng công an và bộ đội biên phòng đã rào chắn không cho phương tiện và người dân đi qua.

Các phương tiện giao thông qua QL 8A bị tắc nghẽn kéo dài nên một số người dân ở các xã: Sơn Tây, Tây Sơn, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2... không thể về được nhà.

Bà Nguyễn Thị Bình (thị trấn Phố Châu) cho biết, cả khu vực này đang bị mất điện. Mưa đã nhỏ dần nhưng một số tuyến đường vào thành phố đã bị cô lập, nước đang dâng cao.

Ở huyện Vũ Quang, có 8 xã bị cô lập. Người dân muốn di dời nhưng chưa thể đi được vì đường và cầu đều ngập trong nước. Nhà ngập khoảng 1m, họ chuyển đồ lên cao và chờ lực lượng biên phòng vào giúp đỡ. Quốc lộ 8 bị sạt lở đang được bộ đội biên phòng giải tỏa, khơi thông để xe cộ từ cửa khẩu Cầu Treo vào được trong nội địa.

Tại huyện Hương Khê, đến chiều 16/10 trên địa bàn huyện đã có hơn 700 nhà bị ngập và cô lập. Hiện tại cơ quan chức năng huyện đã di dời trên 90 hộ dân lên vùng tránh lũ an toàn.

Tại huyện Hương Sơn, nước lũ dâng nhanh gây ngập lụt khoảng 670 nhà dân ở các xã như Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng..

Đài Khí tượng dự báo lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình tiếp tục lên nhanh; còn các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Kon Tum xuống dần.

Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam và Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung, Tây Nguyên, hầu hết các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên đều đạt mực nước dâng bình thường hoặc xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Hiện có 13/20 hồ thủy điện lớn gần đầy và xả tràn.



Xe tải bị nước lũ cuốn trôi ở huyện Minh Hóa. Ảnh: Báo Quảng Bình


Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung - Tây nguyên cảnh báo các tỉnh miền Trung cần đặc biệt chú ý 28 hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn khi mưa lớn như hồ Khối 7, Hương Lể, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu Trọt Đen (Quảng Trị), Đồng Bào, Nam Giản (Thừa Thiên-Huế), Hố Trầu, An Long, Đá Vách (Quảng Nam).

Khu vực Nghệ An hai ngày qua lượng mưa phổ biến ở mức 70 – 200 mm. Tại các huyện hữu ngạn Thanh Chương, Nam Đàn… các hồ chứa hầu hết đã xả tràn ở mực nước thiết kế, kết hợp mưa nội vùng lớn đã làm ngập lụt nhiều nơi ở hạ du. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện và các công ty, xí nghiệp đã tổ chức phương án sơ tán dân vùng thấp và tuần tra bảo vệ đập.

Chiều 16/10, ông Hồ Ngọc Mai, Giám đốc công ty TNHH một thành viên thủy lợi bắc Nghệ An cho biết, hiện hồ Vực Mấu ở thị xã Hoàng Mai đã chủ động xả đón lũ sáng 14/10 từ cao trình mực nước 20,96 m.

Hồ thủy điện Bản Vẽ đã có thông báo về việc vận hành xả lũ hồ chứa cho UBND huyện Tương Dương, nhà máy thủy điện Khe Bố. Nhưng do lượng mưa chưa lớn nên chưa thực hiện xả tràn. Hồ Sông Sào ở huyện Nghĩa Đàn đang xả 1 cửa, mực nước hồ hiện nay là 55,0/55,7m.

Trưa 16/10 tại hồ Ba Khe ở xã Nam Lộc (Nam Đàn, Nghệ An) lượng nước đã chạm điểm mốc khe tràn và dốc mạnh xuống vùng hạ lưu khiến hàng chục ngôi nhà ở xã Nam Lộc và trường mầm non xã bị nước ngập có nơi cao hơn 1 mét.

Ông Nguyễn Xuân Lành - Bí thư Đảng ủy xã Nam Lộc cho biết, do nước từ hồ đổ về nhanh nhiều hộ dân ở xóm 4 và xóm 5 của xã bị nước tràn vào nhà. Đến chiều cùng ngày thì nước đã rút.

Cô Nguyễn Thị Xinh, giáo viên trường mầm non xã Nam Lộc (huyện Nam Đàn) cho biết, trời mưa to nên từ lúc sáng giáo viên đã quyết định cho các em nghỉ học. "Trưa nay tôi đang trực ở trường thì thấy dòng nước lũ cuồn cuộn chảy từ cổng rồi trong chốc lát ngập lút sân. Nước tiếp tục tràn vào tầng một các phòng học khiến đồ dùng học sinh bị ướt và trôi bồng bềnh, đặc biệt là số gạo dữ trữ dùng cho các cháu trong trường không kịp mang đi nên bị nước tràn vào ngập ướt hết".

Ông Cao Văn Bình (60 tuổ, ở xóm 4, xã Nam Lộc) thở dồn dập khi vừa bê xong gần 5 tạ lúa ở nền nhà lên kệ. Ông cho biết, trưa nay đang ngủ thì nước ào ào chảy từ cổng vào nhà. Trong chốc lát thì nước tràn vào nền nhà cao gần nửa mét. "Tôi cố gắng di tản mấy tạ lúa nằm dưới nền nhà để khỏi ướt mà vẫn không kịp", ông Bình nói. Nhà ông Bình ở ngay dưới chân đập Ba Khe đã hàng chục năm nay nhưng chưa năm nào nước tràn ở đập lại chảy mạnh đến mức thế này.

Chiều tối, thành phố Vinh và các huyện mưa vẫn rất to, nhiều tuyến đường ở thành phố ngập. Các huyện miền núi phía tây Nghệ An cũng đang có mưa to. Các địa phương đang đề phòng xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Tất cả các lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh đang duy trì phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Theo Khu Quản lý đường bộ IV, trên quốc lộ 18 qua Hà Tĩnh đã ngập sâu 0,4-0,8 m nhiều đoạn đường gây ùn tắc giao thông.

Trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình có 2 điểm ngập sâu từ 0,5 – 0,7m nước, gây tắc giao thông từ lúc 6h sáng. Trên tuyến quốc lộ 12C cũng có 2 điểm ngập sâu đến nửa mét nước, 1 điểm nước ngập trên 70cm.

Lũ dâng cao cũng khiến đường sắt Bắc - Nam từ Vinh đến Đồng Hới tê liệt từ sáng nay với 7 điểm bị sạt lở lớn, nhiều đoạn đường sắt ngập sâu 0,4 - 0,6 m trong nước. Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng Ban an toàn giao thông đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, có 3 điểm sạt lở đã được xử lý, còn các điểm khác phải chờ nước rút mới có thể đưa người và phương tiện vào sửa chữa.

Do đường sắt đình trệ, 3 chuyến tàu SE3, SE19, SE8 đã bị kẹt tại các ga ở Vinh, Quảng Bình từ 5h sáng với khoảng 1.000 hành khách. Tất cả hành khách được cung cấp nước uống, thức ăn miên phí trong khi chờ thông đường. Ông Bình cho biết, hiện nước lũ không lên thêm nên có thể sẽ rút trong đêm nay. Ngành đường sắt sẽ nhanh chóng sửa chữa đường để thông tuyến nhanh nhất có thể.

Hương Thu - Hải Bình

Báo đáp "tứ trọng ân"







Báo đáp Tứ trọng ân là bốn ân lớn nhất, trọng đại nhất của đời người mà bất cứ ai cũng không thể nguôi quên.

Với dân tộc Việt Nam, một đất nước bốn nghìn năm văn hiến, đạo hiếu là tinh thần văn hóa bất di bất dịch đối với đời sống đạo đức con người.

Ý nghĩa Vu Lan là đỉnh cao của chân thiện mỹ, xây dựng đời sống tri thức cộng đồng, phát triển nhân sinh xã hội qua bốn phương diện gọi là Tứ trọng Ân :

Ân Cha Mẹ - Ân Tam Bảo Sư Trưởng – Ân quốc gia Xã Hội – Ân chúng sanh vạn loại.

1- Ân Cha Mẹ : Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật . Hiếu kính Cha Mẹ là bổn phận người con, Cha Mẹ là người sinh ra mình, nuôi dưỡng mình nên mình phải cung kính báo ơn, đây là công đức lớn được sánh ngang với trời Phạm thiên. Công đức của những người con hiếu thuận với Cha Mẹ thật vô lượng vô biên, nhất là lúc cha mẹ khi tuổi về già. Chúng ta phải chăm nom săn sóc. Đạo hiếu là truyền thống lâu đời của văn hóa Á Đông. Phải ý thức được rằng Cha Mẹ tại tiền như Phật tại thế, thờ kính cha mẹ là thờ kính Phật. Cha Mẹ mình, mà mình không tôn kính, không nhớ ơn thì có lẽ không còn ai để mình tôn kính và nhớ ơn trên cuộc đời này.

Trong Kinh Tăng Chi I,75 có dạy :

“ Này các Tỳ kheo. Có hai hạng người trả ơn không thể nào được. Thế nào gọi là hai ? Đó là Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, một bên vai cõng Cha, làm như thế suốt trăm năm cho đến một trăm tuổi. người con cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho Cha Mẹ. Và nếu đấm bóp, thoa, xức

Tắm, rửa, gội, nơi đó Mẹ Cha có vãi đại tiện, tiểu tiện dù như vậy thì người con cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho Cha Mẹ.

Vì cớ sao ? Vì rằng Cha Mẹ đã hy sinh tất cả cho con cái, dưỡng nuôi chúng lớn, dạy dỗ chúng vào đời.

Sữa Mẹ mà những người con uống trong người đã lưu truyền luân hồi trong một thời gian dài, cái này là nhiều hơn chứ không phải nước trong bốn biển “.

Cho nên những người con sống hiếu thuận với cha mẹ chính là tấm gương sáng về đạo đức tâm linh cho thế hệ hôm nay và mai sau, công đức của người con cao quí nhất không gì bằng hiếu hạnh, và ngược lại tội báo lớn nhất không gì bằng bất hiếu. Hiếu thuận thờ kính cha mẹ là hạnh đạo tốt lành, được cha mẹ mến thương người con đó sẽ được hạnh phúc nhân quả báo ứng vẹn toàn.

Cha Mẹ là bậc ân đức cao cả mà chúng ta phải tôn trọng quí kính như một vị Phật. Chúng ta không làm tròn bổn phận của một người con hiếu đạo thì thật là hổ thẹn với tha nhân. Được phụng dưỡng cha mẹ là vận may tối thượng nhất của người con, nếu không có cha mẹ liệu ta có được ngày hôm nay không ? Buổi đầu ta mới biết đi, biết nói, ai tập ta đi, ai tập ta nói ? Ta có thể sống theo bản năng trọn vẹn, lớn lên cho đến ngày trưởng thành hôm nay …?

Báo đáp Mẹ Cha không phải phụng dưỡng cha mẹ bằng tiền của, vật chất mà phải giúp cha mẹ mở rộng niềm tin chánh pháp, sống tri kiến hiểu biết, không gieo ác nghiệp, không mê tín dị đoan, không làm đau khổ cho mình và cho người cũng như cộng đồng xã hội.



2 – Ân Tam Bảo Sư trưởng : Tam bảo là ba ngôi báu Phật-Pháp –Tăng

Nhờ qui y tam bảo Phật –Pháp Tăng mà chúng ta được tăng trưởng lòng từ,biết yêu thương và cảm thông mọi người, biết lắng nghe thấu hiểu, sống trong sự hỷ xả thanh cao thiện lành, thấy được chơn ngụy quấy ác. Để chúng ta trau dồi tâm tánh mà sống có đạo hạnh gần gũi thân thiện với tha nhân. Sư trưởng là những vị thầy cô đã dạy dỗ mình, khai mở cho mình học hành có trí tuệ hiểu biết từ lúc ngây thơ đến lúc trưởng thành.

Trong đời sống của chúng ta, ngoài cha mẹ thì những người thân thuộc là những mối quan hệ phát triển được đời sống đạo đức của mình. Hơn ai hết Thầy Cô là bậc giáo dưỡng cho ta nhân cách sống, để chúng ta có được trí tuệ, nhận diện sự phong phú sâu sắc trong nghề nghiệp, trao đổi phát triển trong cộng đồng xã hội.

Ân Tam Bảo và Ân Sư trưởng nói trên, ngoài tình cha mẹ ra, đây cũng là huyết thống tâm linh trong thịt da mỗi người chúng ta. Nên ta chớ quên.

Để có được một cuộc sống trọn vẹn từ vật chất đến tinh thần, từ thuở bé lọt lòng đến ngày ta khôn lớn phải tốn rất nhiều công sức cha mẹ, thầy cô đã nuôi dưỡng đem đến cho chúng ta. Bởi vậy mà chúng ta phải hằng ghi nhớ tri ân trọn vẹn.



3-Ân quốc gia xã hội : Quê hương là ý niệm và trách nhiệm của dân tộc nói chung của từng người nói riêng. Ý thức được Đất nước là trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với những người đang bảo vệ hòa bình cho nhân dân bá tánh được an cư làm ăn cơm no áo ấm.

Ân quê hương đất nước là ân những nhà lãnh đạo chức trách giữ gìn bảo vệ xã hội đồng thời phát triển xã hội đất nước ngày càng hưng thịnh.

Nhờ có họ mà giữ được thanh bình độc lập cho dân tộc, giống nòi thêm thạnh trị hạnh phúc. ,nạn đao binh chiến tranh xâm lược gây chết chóc và khổ đau cho quê hương đất nước, lo âu và sợ hãi của người dân sẽ không còn.

Từ đó mà chúng ta được thoải mái, thanh thản, lạc nghiệp, ăn học sinh hoạt, phát triển đời sống tinh thần một cách tự do, tự tại, phát huy nhiều tiềm năng trong cuộc sống như ý trọn vẹn đầy đủ.



4- Ân chúng sanh vạn loại : Ngoài ân cha mẹ sinh dưỡng, Ân Tam Bảo thầy cô đỡ đầu học hành, Ân quê hương đất nước là vành nôi mặt bằng cuộc sống, thì còn ân vạn loại chúng sinh, đây là sự tương hỗ cho nhau rất cần thiết.

Cuộc sống này không phải chỉ có một mình ta đơn điệu, tất cả như là một chuỗi móc xích với nhau, kẻ cho qua người cho lại mà tạo nên sự thăng bằng cuộc sống. Từ loài người cho đến thiên nhiên, cỏ cây hoa lá đất trời muôn vật. Bởi vậy không có một giây phút nào mà chúng ta không thọ nhận

Ân đức của tha nhân, tuy rằng trên trái đất có nhiều dân tộc khác nhau về màu da sắc áo, nhưng cũng cùng một chủng loại sống trên thế gian này.

Trần gian là sự đột biến của sinh trụ hoại diệt, không gian và thời gian là sự tương phản dịch lý âm dương. Do vậy môi trường sinh thái là không khí sự sống của muôn loài không thể thiếu. Từ góc độ này mà chúng ta phải biết dù chỉ là một hơi thở, chúng ta phải bảo vệ làm ân đức cho niềm vui, sự sống của hôm nay và sự sinh tồn cho thế hệ mai sau.

Báo đáp Tứ trọng ân là bốn ân lớn nhất, trọng đại nhất của đời người mà bất cứ ai cũng không thể nguôi quên.

Ngày Vu Lan đã trở thành một lễ hội thể hiện tinh hoa cao cả nhất.

Nếp quen này đã ăn sâu vào xương da cốt tủy của từng người dân Việt. Là giềng móng văn hóa chung cho người Á Đông một cách thiêng liêng trân trọng nhất. /.

Trích : Tâm ca Vu Lan

NGƯỜI VỢ







Truyện Ngắn : WASHINGTON IRVING
(1783-1859)
Nguyên Tác : The Wife
Chuyễn Ngữ : Trần Minh Nguyệt



Washington Irving (03 tháng 4 năm 178328 tháng 11 năm 1859) là nhà văn Mỹvào đầu thế kỷ 19. Ông nổi tiếng phần lớn về truyện ngắn, truyện nổi tiếng nhất của ông là "The Legend of Sleepy Hollow" và "Rip van Winkle" (cả hai được xuất bản trong The Sketch Book of Geoffrey Crayon), nhưng ông cũng viết nhiều tiểu luận,tiểu sử, và nhiều thể loại văn học khác. Ông là biên tập viên tạp chí “ Người Mỹ”. Ông và James Fenimore Cooper là hai nhà văn Mỹ đầu tiên nổi tiếng ở châu Âu, và người ta cho rằng Irving đã có nhiều ảnh hưởng đến các nhà văn như Nathaniel Hawthorne, Henry Wadsworth Longfellow, và Edgar Allan Poe.

Irving sinh ra ở Manhattan, trong Thành phố New York. Ông là luật sư và phục vụ trong đoàn ngoại giao ở Vương quốc AnhTây Ban Nha. Ông nói tiếng Tây Ban Nha lưu loát, và giúp làm phong phú cho các tác phẩm của ông. Ông cũng thông thạo cac ngoại ngữ khác như tiếng Đứctiếng Hà Lan. Ông viết tiểu sử quan trọng về George Washington, Muhammad, và những nhân vật khác. Ông cũng viết nhiều cuốn sách về Tây Ban Nha trong thế kỷ 15, kể chuyện về Columbus,người Moor, và Alhambra. Khi còn trẻ, Irving thử làm diễn viên kịch ở châu Âu và là giám đốc của nhà hát Globe nổi tiếng cho một thời gian.




”…Kho báu bất tận dưới lòng đại dương xa xôi kia cũng không có nghĩa gì so với tình yêu, sự động viên an ủi của một người phụ nữ dành cho người đàn ông của cuộc đời mình.Ta chỉ thành công trong cuộc sống và an lành khi ta sống trong một ngôi nhà hạnh phúc. Hay nói đúng hơn một cuộc hôn nhân hạnh phúc sẽ là chiếc nôi màu tím đưa chúng ta đi trên con đường thênh thang đầy hoa hồng phía trước”.(Middleton)

Tôi thường có dịp để chiêm nghiệm điều này: Sự dịu dàng, quyến rũ và sự dũng cảm của người phụ nữ quý hơn hết thảy mọi thứ của cải trên đời. Một người đàn ông sầu khổ, chịu nhiều bất hạnh tưởng như mọi thứ đã kết thúc và như một điều diệu kì ông ta sẽ có thể tìm lại chính mình nhờ vào sự an ủi, động viên yêu thương của người vợ. Nhìn bên ngoài người phụ nữ luôn mềm mại, dịu dàng, yếu đuối luôn sống nhờ vào sự che chở, nhưng cũng chính nhờ họ mà người chồng như được tiếp thêm sức mạnh về tinh thần để vượt qua mọi nghịch cảnh của cuộc sống đi đến thành công.


Như những cây nho với thân yếu đuối, mềm mại duyên dáng quấn quanh cây sồi vững chải phơi mình dưới ánh nắng mặt trời. Cây sồi sẽ được tô điểm và vuốt ve bởi những thân dây nho bám quanh mình. Người phụ nữ cũng vậy, họ là những người yếu đuối, sống phụ thuộc vào chồng và rất cam phận nhưng một khi người chồng gặp bất tắc phiền toái trong cuộc sống, họ luôn là người bình tỉnh, bên cạnh động viên, an ủi và giúp đỡ chồng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.



Tôi đã từng chúc mừng một người bạn, người mà có một gia đình hạnh phúc, mọi người trong gia đình thương yêu, hòa thuận với nhau.

- Tôi chúc mừng anh. Không ai có thể có hạnh phúc như anh cả.

Anh ta đáp lại với sự nhiệt tình

- Có một người vợ và những đứa con. Nếu bạn giàu có, họ sẽ hạnh phúc chia sẻ niềm vui cùng bạn. Còn nếu bạn đau khổ, bất hạnh, họ sẽ ở bên để an ủi bạn.

Thật vậy, tôi đã quan sát thấy rằng một người đàn ông đã lập gia đình khi vào bất hạnh, sẽ tìm thấy chính mình, thoát khỏi những phiền não hơn là những người độc thân. Bởi vì những người đã lập gia đình còn phải có trách nhiệm với những người họ yêu quý, họ bảo bọc. Dù rằng tất cả mọi thứ rối tung, không có lối thoát, nhưng vẫn có một thế giới nhỏ bé, thế giới tình yêu ở gia đình. Trong cái thế giới đó anh ta là vua, anh ta được ngưỡng mộ và được chia sẻ, an ủi. Trong khi đó, một người đàn ông độc thân chìm đắm trong sự cô đơn, và cảm giác bị bỏ rơi. Và họ đã tự đánh mất mình.

Tôi nhớ lại những câu chuyện về vấn đề này. Có một câu chuyện mà tôi biết rất rõ. Người bạn thân thiết của tôi, Leslie, đã kết hôn với một cô gái xinh đẹp và tài năng, một người nổi tiếng trong giới thời trang. Và đó là sự thật. Cô ta nổi tiếng không phải nhờ vào may mắn, mà vì nhờ vào sự trang nhã, dễ thương, thẩm mĩ tinh tế, và tài năng thực sự của mình. Người bạn của tôi rất tự hào về vợ của mình. Anh luôn miệng nhắc: “Cuộc sống của cô ấy giống như trong giấc mơ, trong truyện cổ tích vậy!”.

Sự khác biệt trong tính cách của họ đã tạo ra một sự kết hợp hài hòa; anh là người lãng mạn và có phần hơi nghiêm túc; cô là người yêu đời và vui vẻ. Tôi thường nhận thấy sự đắm đuối không thể diễn tả thành lời mỗi lần anh nhìn cô trong khi trình diễn, sức mạnh tiềm ẩn ấy khiến cô tự tin, nổi bật hơn. Và giữa những tiếng vỗ tay, mắt cô hướng về phía anh như thể cô chỉ cần sự ủng hộ của một mình anh mà thôi. Khi tựa vào vai anh, nét mảnh mai của cô dường như tương phản với vóc dáng cao và đầy nam tính của anh. Cô tôn trọng và ngưỡng mộ anh với nét ngây thơ trong sáng, trong khoảnh khắc yêu thương dâng trào dường như khơi gợi niềm tự hào, hãnh diện và những cảm xúc trìu mến ở anh. Chưa bao giờ hai người yêu nhau bắt đầu hành trình của mình trên con đường trải đầy hoa và sự hòa hợp trong hôn nhân đầy may mắn và ngọt ngào như vậy.

Không may một bất hạnh ập đến với người bạn của tôi. Anh đã dùng hết tài sản của mình trong một hợp đồng làm ăn lớn. và anh đã không còn tâm trí nào để quan tâm đến cô trong một thời gian dài. Khi một loạt tai ương bất ngờ xảy đến khiến anh thấy mình gần như lâm vào cảnh cơ hàn. Trong một thời gian anh tự mình xoay sở, luẩn quẩn trong tình thế khó khăn. Anh đi về với vẻ mặt hốc hác và một trái tim tan vỡ. Cuộc sống của anh là một sự đau đớn dai dẳng. Nhưng anh không thể kể với cô những thông tin này vì vậy anh không thể làm gì hơn là luôn giữ nụ cười trên môi khi có sự hiện diện của vợ. Với sự nhạy cảm của mình, cô biết mọi việc hiện không tốt với anh. Cô đã chú ý về những thay đổi bên ngoài cùng với những cái thở dài của anh. Cô không bị đánh lừa bởi cách anh đang cố gắng vui vẻ. Cô đã tự giao cho chính mình nhiệm vụ là phải dùng sức mạnh tiềm ẩn cùng tình yêu của mình để giúp anh vui vẻ trở lại, nhưng cách này chỉ làm anh cảm thấy như mũi tên đi sâu hơn vào tâm mình. Càng thấy yêu cô, anh càng cảm nhận sự đau khổ, bất hạnh mà cô sắp phải hứng chịu vì anh. Trong một thời gian ngắn, anh nghĩ rằng nụ cười sẽ biến mất khỏi khuôn mặt - bài hát sẽ không thể phát ra thành lời. Đôi mắt sẽ đong đầy nỗi buồn và trái tim hạnh phúc giờ đây đang trĩu nặng bỡi những buồn lo.

Cuối cùng, anh đến nhà tôi vào một ngày nọ. Anh kể với tôi toàn bộ sự khó khăn và nỗi tuyệt vọng của anh. Khi anh kể, tôi hỏi: "Vợ anh biết tất cả chuyện này chứ?" - Với câu hỏi ấy, anh òa khóc. " Lạy Chúa!", "nếu anh thương tôi xin đừng đề cập đến vợ tôi, nghĩ về cô ấy khiến tôi gần như phát điên!"



“Tại sao không?" Tôi nói " sớm muộn gì cô ấy cũng phải biết điều đó: anh không thể giấu cô ấy lâu được đâu, bằng sự thông minh cô ấy sẽ nhận ra thôi. Nhưng khi đó có thể làm cô đau khổ hơn là chính anh tự nói ra, tình yêu sẽ làm cho những điều khắc nghiệt nhất trở nên nhẹ đi. Bên cạnh đó, anh đang tước đoạt chính mình sự thông cảm của cô ấy, và không chỉ đơn thuần, mà còn gây nguy hiểm cho sự yêu thương kết dính hai người với nhau. Chắc chắn bằng suy nghĩ và cảm giác. Cô ấy sẽ sớm nhận thấy rằng anh đang giấu cô ấy một bí mật gì đó, và tình yêu đích thực sẽ không cho phép sự giấu diếm cho riêng một người, điều đó khiến tình yêu bị đánh giá thấp và bị xúc phạm, khi ngay cả những nỗi buồn của những người mình yêu thương lại được giấu diếm và không sẻ chia”.

"Ồ, nhưng anh ơi, phải cho cô ấy biết về tương lai của tôi sao? -! Làm thế nào tôi có thể nói với cô ấy rằng chồng mình là một kẻ ăn xin rằng cô phải bỏ tất cả các thú vui tao nhã - tất cả những niềm vui trong cuộc sống để cùng với tôi sống trong cảnh túng thiếu và tối tăm! Làm thế nào trong cái thế giới thiếu ánh sáng đó cô ấy còn được ngưỡng mộ, được tỏa sáng. Làm thế nào cô ấy có thể chịu được cảnh nghèo khổ? Cô ấy hiện đang sống trong cảnh sung túc. Làm sao cô ấy có thể chịu được sự thờ ơ, khinh khi của mọi người, Cô ấy hiện đang là một thần tượng mà.. Tôi biết chắc điều này sẽ làm cô ấy đau khổ - sẽ làm cô ấy đau khổ "!

Tôi cảm nhận được nỗi đau của anh, và tôi để cho nó tan chảy thành dòng, vì nỗi buồn trong anh sẽ nhẹ đi khi anh trút thành lời. Khi cực điểm của anh đã giảm xuống, anh rơi vào im lặng, tôi lại tiếp tục quay lại chủ đề một cách nhẹ nhàng, và một lần nữa tôi thúc anh nên nói ra tình trạng của mình cho vợ. Anh lắc đầu buồn bã, nhưng có vẻ chịu nghe lời khuyên của tôi.

"Anh không thể nào giấu cô ấy mãi được? Anh nên cho cô ấy biết điều đó, đó là cách duy nhất anh có thể thoát ra khỏi tình trạng khó khăn của mình. Anh hãy thay đổi cách nghĩ đi. Đừng để điều đó gây đau khổ cho anh nữa. Tôi chắc chắn anh chưa bao giờ nghĩ hạnh phúc của mình là dựa trên sự giàu có, sang trọng. Anh còn bạn bè, còn những người thân. Và Chắc chắn với Maria không cần phải có một cung điện mới hạnh phúc.”

"Tôi có thể hạnh phúc với cô ấytrong một căn nhà tồi tàn sao? - Tôi có thể sống với cô ấy trong cảnh nghèo đói và bụi bặm à. Tôi có thể - Tôi có thể - Chúa sẽ phù hộ cho cô ấy - Chúa chúc phúc cho cô ấy! " anh thốt lên như để bớt đi sự đau buồn.

“Hãy tin tôi đi, ông bạn” - tôi nói và nắm bàn tay anh. Tin tôi đi, cô ấy có thể thông cảm và cùng bước tiếp với anh. Hơn nữa, nó sẽ là một niềm tự hào của một người vợ. Anh sẽ cảm nhận được là cô ấy yêu anh như thế nào. Trong tim mỗi người phụ nữ thực sự có một tia sáng nằm im lìm khi có ánh sáng của sự thịnh vượng, nhưng có thể cháy và phát sáng hàng giờ khi đối diện với những đen tối của nghịch cảnh. Không có người đàn ông nào biết được tận đáy lòng của vợ mình - không ai biết cô ấy là một thiên thần - cho đến khi anh ta cùng trải qua những chông gai cùng cô ấy "

Có điều gì đó trong cách nói nghiêm túc của tôi đã kích thích được trí tưởng tượng của Leslie. Tôi đã làm theo cách của người kiểm toán viên mà tôi đã từng làm việc cùng. tôi đã hoàn thành thuyết phục được anh về nhà tâm sự với vợ.

Tôi phải thú nhận một điều rằng mặc dù tôi khuyên anh như vậy, nhưng tôi cảm thấy một chút lo âu. Ai có thể đo được sự chịu đựng của một người từng được sống trong sung túc và các thú vui tao nhã. Giờ đột nhiên mất tất cả trở nên nghèo khó. Bắt cô ấy phải từ giã niềm vui và sở thích quen thuộc của mình, có thể cô ấy sẽ không thể chịu đựng nổi, tinh thần suy sụp và sống trong buồn bã. Nghĩ vậy nên tôi tìm gặp Leslie vào sáng hôm sau. Anh ấy bảo đã tâm sự với vợ rồi.



"Cô ấy có chịu đựng được không?"

"Giống như một thiên thần vậy! Những điều tôi kể dường như cô ấy đã biết trước rồi. Cô ấy vòng tay quanh cổ của tôi, và hỏi rằng đó có phải là là tất cả những gì đã làm cho tôi không được vui trong thời gian gần đây? Nhưng mà ông nói thêm, "cô ấy không thể nhận ra sự thay đổi lớn mà chúng tôi sẽ phải trải qua. Cô ấy không có ý niệm gì về sự nghèo. Cô ấy chỉ đọc nó trong thơ ca, nơi nó luôn được gắn liền với tình yêu. Cô ấy cảm thấy như chưa có mất mát gì; cô ấy không nghĩ đến những mất mát, những thú vui tao nhã mà cô ấy đã quen rồi. Sự dè xẻn, không được theo đuổi mơ ước của mình đó mới là những trải nghiệm thực tế.

Nhưng,"bây giờ anh đã nói tất cả cho cô ấy biết rồi, lòng anh thanh thản hơn rồi phải không?. Sự chia sẻ có thể làm cho nỗi đau sớm đi qua. Hơn nữa nghèo không thể hủy hoại một người đàn ông như anh. Anh hãy can đảm lên để đối diện với cái nghèo” Tôi nhận thấy Leslie đã bình thản đón nhận cái nghèo. Chỉ lo lắng cho vợ của anh ta thôi.





Sau đó vài ngày, anh gọi tôi vào buổi tối. Anh đã bán đi ngôi nhà hiện tại của mình, và chuyển đến ở tại một ngôi nhà nhỏ ở vùng ngoại ô cách trung tâm thành phố vài dặm. Anh đã bận rộn cả ngày với việc di chuyển đồ nội thất. Nơi ở mới cần có một số vật dụng và hầu hết là những đồ dùng vô cùng đơn giản. Tất cả các đồ nội thất lộng lẫy của nơi cư trú cũ đã được bán, ngoại trừ cây đàn hạc của vợ. Anh nói đó là vật kỉ niệm cho tình yêu của họ. Những giây phút ngọt ngào nhất của cuộc đời là anh được nghe những âm thanh từ tiếng đàn kia hòa quyện cùng tiếng hát của cô ấy. Và ngay lập tức mọi phiền muộn của anh dường như tan biến đi.

Anh hiện giờ không ở nhà. Vợ anh đang ở trong ngôi nhà nhỏ đó sắp xếp và chuẩn bị mọi thứ. Tôi bị lôi cuốn bỡi câu chuyện về gia đình của anh ta. Lại là một buổi tối đẹp trời nên tôi quyết định đi cùng với anh về nhà.


Anh đã quá mệt mỏi với những công việc trong ngày, nên chúng tôi chỉ lặng lẽ đi bên nhau.
"Tội cho Maria!" tôi phá vỡ yên lặng với một tiếng thở dài nặng nề

"Điều gì xảy ra với cô ấy", tôi hỏi, " Tôi muốn biết cô ấy làm gì trong ngôi nhà nhỏ ấy?"

"Làm gì à? Thì còn làm gì nữa. Cô ấy phải làm việc vất vả suốt ngày như những người phụ nữ nông thôn khác. Không còn có thời gian để mà theo đuổi những thói quen thường ngày.”

“Sau đó cô ta có phàn nàn gì về sự thay đổi này không?”

" Phàn nàn sao? cô ấy không nói điều gì khó nghe cả mà chỉ toàn là những lời ngọt ngào, hài hước và đáng yêu. Tôi thật bất ngờ, khi cô ấy đối xử với tôi như vậy. Không giống như những gì tôi đã nghĩ về cô ấy trước đây. Cô ấy đã cho tôi tất cả tình yêu, sự dịu dàng, và niềm động viên, an ủi. "

"Một cô gái mới đáng ngưỡng mộ làm sao.!" Tôi kêu lên: "Người bạn của tôi ơi! Anh luôn nói mình nghèo, Nhưng anh không bao giờ biết rằng anh giàu hơn bất kì ai. Tài sản quý giá mà anh có được luôn ở bên cạnh anh - Chính là cô ấy.
"Biết là vậy nhưng mà…, bạn của tôi ơi lần đầu tiên chuyển đến căn nhà nhỏ, tôi nghĩ tôi có thể thoải mái. Nhưng với cô ấy thì không. Cô ấy không có kinh nghiệm để sống trong một căn nhà tồi tàn và thiếu tiện nghi như vậy được. Cô ấy phải làm việc suốt ngày với những thiết bị thô sơ, thiếu thốn. cô ấy lần đầu tiên, được biết thế nào là mệt mỏi của công việc nhà. Và cũng là lần đầu tiên, cô ấy sống trong cảnh thiếu thốn mọi bề. Cô ấy chỉ có thể vắt cạn sức lực và tâm trí để đối diện với cảnh nghèo mà con đường phía trước dài hun hút không đích đến.



Một cuộc sống ảm đạm, một tương lai mịt mờ. Tôi không làm sao nghĩ khác được” Nghe vậy, tôi không nói gì thêm - chúng tôi đi bên nhau trong im lặng.



Chúng tôi đi theo con đường lớn, sau đó rẽ sang một lối đi nhỏ hẹp. Rừng cây dày đặc tạo nên nơi đây một bầu không khí khác biệt so với bên ngoài. Và cuối cùng chúng tôi cũng về đến nhà. Một ngôi nhà nông thôn nhỏ nhưng rất xinh xắn đến nỗi tôi nghĩ rằng nó có thể đi vào thơ của những nhà thơ vĩ đại. Một cây nho hoang dã lá sum xuê, Một số cây với tán lá vươn dài duyên dáng. Và tôi còn thấy một số chậu hoa đang khoe sắc bên cạnh cánh cửa và trên các trảng cỏ trước hiên nhà. Chúng tôi mở một cánh cửa nhỏ, và theo lối mòn dọc theo hàng cây dâu. Khi chúng tôi đến cạnh ngôi nhà, chúng tôi nghe một giọng hát trong trẻo. Leslie nắm chặt tay tôi, chúng tôi dừng lại và lắng nghe. Đó là giọng hát của Maria. Cô ấy hát một bài hát với giai điệu đơn giản nhưng khiến người nghe rất cảm động. Một không khí êm đềm, tràn ngập yêu thương bao phủ căn nhà.



Tôi cảm thấy bàn tay run rẩy của Leslie trên cánh tay tôi. Anh bước về phía trước, để nghe cho rõ hơn. Vô tình, bước chân ông tạo ra một âm thanh trên nền sỏi của lối đi. Một khuôn mặt xinh đẹp, tươi rói liếc nhìn ra ngoài cửa sổ, và biến mất. Sau đó chúng tôi nghe tiếng bước chân. Mary vội vàng ra chào chúng tôi. Cô mặc một chiếc váy giống như những phụ nữ nông thôn màu trắng. Một vài bông hoa dại cài lên mái tóc. Cô mỉm cười, mặt cô bừng sáng và rạng rỡ. Tôi chưa bao giờ thấy cô ấy đáng yêu đến vậy.

" George thân yêu!" cô khóc, "Em rất vui vì anh đến thăm, Em đã biết tin này từ trước vì vậy em luôn xuống đường trông anh. Em đã đặt một cái bàn dưới tán cây đẹp nhất phía sau ngôi nhà. Và em cũng đã để dành những trái dâu tây ngon nhất, vì em biết anh rất thích chúng. Chúng em còn có món kem rất hấp dẫn. Nói chung anh sẽ thấy mọi thứ ở đây thật là tuyệt vời. Cô đặt tay mình vào tay của chồng, ngước nhìn anh khẽ nói: “ Chúng em thật sự hạnh phúc”.



Leslie tội nghiệp đã vượt qua nỗi mặc cảm. Anh kéo vợ vào ngực, siết chặt. Anh hôn cô mãi không thôi. Anh không nói được một lời nào nhưng nước mắt cứ trào tuôn. Và sau này Anh thường khẳng định với tôi rằng: Dù trước đây anh đã từng có một cuộc sống rất giàu có, nhưng cuộc sống hạnh phúc của anh chỉ thực sự bắt đầu khi anh nhận ra mình đang hưởng một diễm phúc ngọt ngào bên cạnh cô ấy.