Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

PHỐ MỌI…


Không biết tên đó ai đặt và có từ lúc nào. Nhưng tôi đã có mặt ở đây hơn nửa năm rồi. Một dãy nhà được ngăn ra làm mười phòng. Mỗi phòng 16m2, toillet đầy đủ. Có ghi số thứ tự nơi cửa. Tôi mướn phòng thứ 1.

Phòng thứ 2 của ông lão mua đồ cổ đến từ Bình Định. Gọi bằng lão vì ông cũng quá lục tuần. Có lúc, tôi cảm giác ông như con sâu giấu mình vào cây lá. Như một dòng suối giấu mình vào biển khơi. Như một thiền sư giấu mình vào hệ luỵ trần gian. Ông cũng am hiểu khá nhiều về Kinh Dịch. Những lúc rỗi rảnh, ông thường tâm sự với tôi. Ông vốn là nhà sư, nhưng trung niên rồi mới xuất gia. Có lúc tôi trêu ông “ Ba cô gái đẹp lên chùa. Một cô yếm thắm bỏ bùa nhà sư- Sư về sư ốm tương tư- Ốm lăn ốm lóc nên sư trọc đầu”. Đi tu không bao lâu thì hoàn tục về cũng lấy một ni cô hoàn tục. Hai người ăn ở với nhau có được một cô con gái. Hai mươi năm sau, vợ ông lên chùa tu lại. Ông giang bạt sông hồ. Cuối đời làm nghề chấm Tử vi và mua đồ cổ.
Buổi chiều, ông cởi chiếc xe đạp cà tàng của ông về. Trên xe treo bọc trà khô. Gặp tôi ông hú hí :
-Qua chơi nhà thơ (thấy nét thư sinh của tôi nên ông gọi thế)
Gặp một thân chủ cũ, họ mời vào nhà chơi và tặng cho mấy gam trà ngon.
Tôi để trần sang phòng ông :
-Hôm nay có mua được món nào không bố ?
Ông khệ nệ tháo cái bọc sau ba ga :
-Được hai cái sừng nai, mỗi cái gần 80cm, cũng tàm tạm..
-Vậy là bố già vô mánh rồi !
Ông lui cui đun ấm nước điện, cần mẫn pha trà. Tráng trà kỹ lưỡng. Rót trà ra ly, đẩy sang tôi.
-Chà..trà thơm quá. Tôi nói.
-Không định lấy, nhưng con bé năn nỉ quá..
-Cầm lòng không đậu hả bố ? Tôi cướp lời.
-Chú mầy thiệt…à nầy, báo cho chú mầy một việc nhé. Tao quan sát thiên nhiên thấy có điều kỳ lạ, nên đêm qua tao lấy quẻ thử, phát hiện ra trong vòng một tháng nữa sẽ mất một lãnh đạo lớn. Không quân (ý ông nói không có lính, tức người về hưu). Không biết đích danh là ai, nhưng chắc chắn người nầy quê ở miền trung
-Chắc chưa bố ?
-Chắc chắn. Tao dùng Tứ trụ dự đoán học rồi Mai hoa dịch số, đều thấy y chang nhau.
Và điều nầy là thật. Khoảng chừng hai tuần sau, ngài thủ tướng mất, quê ông ở Quảng Ngãi.
Ông thường trao đổi với tôi nhiều về những tin ông dự đoán. Chuyện kể trên là một trường hợp. Ngoài ra chuyện ở Afghanistan, Irag và gần đây là xung đột giữa Israel với Li Băng
Palestine. Ông dự đoán chính xác 80, 90%. Nhưng không biết bố già có đoán được chừng nào bố mất không? Khi tôi viết những dòng nầy là bố già đã về quê ở Bình Định để dự lễ vu qui của con gái.

Phòng thứ 3 là hai cô bé đến thuê phòng cho ba tháng hè. Chuẩn bị lên lớp 12. Học thêm ở đâu đó, nhưng sáng nào cũng đi. Hai người đi chiếc xe gắn máy Trung quốc. Trưa về nấu cơm ăn, ngủ. Chiều khoảng 17, 18 giờ, hai cậu thanh niên chạy chiếc Attila đến, đóng cửa rù rì rồi cười thét lên, liên tục, liên tục.. Khoảng 20 giờ chở nhau đi ăn và về giỡn tiếp. Hai mươi hai giờ, hai cậu thanh niên về. Hai cô gái lấy điện thoại di động ra chơi games. Chúa nhật thì cha mẹ từ dưới quê lên. Gồng gánh nào gạo, trái cây, thức ăn. Tổ chức đi chợ nấu cơm. Thứ hai lại thui thủi về quê. Bỏ con lại với kỳ vọng con mình sẽ vào lớp 12 hiên ngang năm nầy. Nhưng hỡi ơi, các con của các bà vẫn mạnh khoẻ, tươi tắng. Đang tận dụng hết thời gian tự do hợp pháp để tìm cách đốt hết tiền của cha mẹ. Tuổi của yêu đương, mộng mơ và tìm hiểu. Không có người lớn bên mình. Ai biết điều gì sẽ xảy ra với những người kém bản lĩnh mà nhiều đam mê.

Phòng 4, hai vợ chồng thanh niên. Chồng dân Quảng Ngãi, vợ quê An Giang. Không biết làm sao họ lại gặp nhau được. Kết hôn có giấy đăng ký đàng quàng. Chồng bỏ mối loại kính mắt Hàn Quốc (dỏm) đủ loại từ thượng vàng hạ cám. Hai ba ngày đi giao hàng một lần. Vợ ở nhà trang điểm kỹ lưỡng. Đóng cửa chờ chồng, không đi đâu ngoài đi chợ. Vợ chồng mới cưới nên săn sóc nhau chu đáo. Không hề nghe cự cãi bao giờ. Chồng đẹp mà vợ cũng rất xinh. Trông họ rất mặn nồng ân ái. Tôi thường bắt gặp nàng ngồi ngay cửa sổ với cái gương xinh xinh. Chăm sóc gương mặt mình còn hơn chuyên viên thẩm mỹ viện. Tôi thầm nghĩ anh chồng nên bỏ nghề bán mắt kính qua bán mỹ phẩm có lẽ hay hơn.

Phòng số 5. Hai vợ chồng giáo viên, chồng dạy cấp 1, vợ là thợ may. Vợ chồng nầy là thành viên lâu năm nhất trong số những người thuê phòng ở đây. Vợ đi may ở nhà may tư nhân. Do nàng dâu và gia đình chồng không hợp nhau, nên chồng nghe lời vợ đi mướn nhà ở riêng chứ tài chánh họ không đến đỗi. Lấy nhau sáu , bảy năm gì đó nhưng chưa có con. Anh chồng thi thoảng lại về trể và say bí tỉ. Mỗi lần như vậy thì có nghe rổn rảng một chút rồi người vợ sụt sịt khóc. Có tiếng khóc thì chiến trường êm ả lại. Sáng ra, chục lần như một thì y như là lưng của thầy giáo chừng cả trăm dấu tròn đỏ. Kết quả của một trận giác hơi.
Người vợ cũng hiền lành, có lần cô qua phòng cho tôi con rùa vải dùng để chùi chân do chính tay cô may. Tôi cũng một lần mang ơn cô ta, chẳng là có lần vào khoảng 22 giờ đêm, tôi bỗng dưng đau bụng lạ thường, đi cầu liên tục. Tôi qua quán mua thuốc uống, gặp tôi cô hỏi và lát sau mang qua cho tôi ly rượu thuốc đặc quánh của thầy giáo, bảo là thuốc gia truyền chuyên trị về tả lỵ. Mà quả thật, uống xong khoảng 10 phút là tôi nghe êm êm và không còn đi cầu nữa.

Phòng số 6. Vô hình trung là cái quán nhỏ chuyên cung cấp đồ dùng và một ít thực phẩm cho những phòng trọ chúng tôi. Chủ quán là người ngoài năm mươi, chắc quê ông ở gần căn cứ Long Bình (nơi mà ngày trước quân đội Mỹ dùng làm kho chứa thuốc nổ, đạn dược) nên ông nói chuyện nổ quá trời. Cái gì cũng số 1 la mã. Chưa bao giờ chịu thua ai trong việc tranh cãi chuyện gì đó. Tôi ở Hà Nội 3 năm, nhưng chưa biết cầu Long Biên, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương dài bao nhiêu, chùa một cột cao bao nhiêu. Nhưng ông biết chính xác số đo trong khi chưa hề một lần đặt chân lên xứ bắc. Thi thoảng ông cũng phát biểu linh tinh về xã hội. Với tôi, ông là người khó cải tạo tư tưởng sống cho phù hợp với tình trạng xã hội bây giờ. Bởi ông là quân nhân quân lực VNCH trước 75.

Phòng số 7. Thuê phòng là cô bé mười chín tuổi, quê ở một huyện xa trong tỉnh. Tháng đầu cô đến với chiếc honda đam của Nhật sản xuất trước 75. Nét mặt đẹp thơ ngây như bức tượng. Cô nói làm tiếp viên cho một nhà hàng. Quả thật vậy, có lần được bạn bè mời tôi chầu nhậu tươi mát tại nhà hàng karaoke Ngọc Lan. Tôi đã gặp cô ngồi chung bàn. Cô ngồi với bạn tôi. Cô bé thẹn thùn nhưng tôi vờ như không quen biết. Sau vài chai bia, cô mất sự bẽn lẽn ban đầu và cô chủ động tấn công tôi. Cô xin đổi đào với tôi, nhưng cô gái ngồi với tôi không chịu. Khổ nỗi điều nầy làm tôi phải tránh mặt cô nhiều ngày sau đó. Rồi một chiều, chiếc honda đam đâu không biết. Cô rạng rở với bộ đồ dạ hội. Chễm chệ trên chiếc Nouva màu trắng tinh. Cô chạy suýt nữa đụng phải cánh cửa phòng cô. Cũng từ ngày đó, cô đau cái cổ rất nặng. Tôi nghĩ thế, vì thấy mỗi lần ngồi trên xe chạy, cổ cô đều ngước lên trời. Mới vừa rồi, nửa đêm công an xét phòng. Trong phòng của cô có người đàn ông lớn tuổi, cô nói chú họ. Nhưng cũng bị phạt hành chánh vì không có tên trong danh sách đăng ký.

Phòng số 8. Phòng nầy có vẽ đặc biệt. Cặp ông, bà trên năm mươi. Không biết người phương nào, gia đình ra sao. Dù ngoài năm mươi nhưng người đàn bà cũng còn mặn mà lắm. Đủ cho thấy bà có một thời vàng son. Người đàn ông như một cao thủ võ lâm. Tóc dài, râu ria quay hàm, ông cũng là người mà từng ‘một thời để yêu và một thời để chết’. Tin từ hành lang phòng số 5, chúng tôi biết ông bà nầy có gia đình giàu có, con cái thành đạt. Giờ hai người vào chùa làm công quả, mướn phòng chỉ để nghỉ buổi trưa, còn tối thì về nghỉ ở gia đình. Nhưng cũng nhiều đêm ngủ lại. Người đàn ông mua cơm hộp và nước khoáng về sử dụng. Hình như họ ăn chay, bố già phòng số 2 nói với tôi, họ ăn chay nhưng ngủ mặn. Tin đáng tin cậy là họ yêu nhau khi còn trẻ, hoàn cảnh không thể cưới nhau. Ông có vợ, bà có chồng. Chồng bà sau nầy bị bệnh chết. Vợ ông kia vẫn còn, nhưng họ lại là chị em bà con bạn dì. Chuyện y như trong phim.

Phòng số 9, cũng hai ông bà. Người đàn ông ngoài ba mươi, người đàn bà ngoài bốn mươi. Chênh lệch nhau chắc một con giáp. Anh chàng hiền lành ít nói. Đi bán vé số dạo với chiếc xe đạp bèo, người đàn bà cũng đi bán vé số, nhưng ngày bán vài ngày nghỉ. Lâu lâu có một bé trai chừng 10 tuổi đến ngủ vài ngày rồi biến mất. Nghe nói đó là tác phẩm của hai người. Bố già phòng số 2 coi tướng người đàn bà nầy, ông nói thọ nhưng nghèo suốt đời. Chuyện tình yêu trắc trở, ít nhất là vài ba đời chồng bởi phá tướng. Đàn bà gì mà ăn nói sang sảng như Lương Sơn Bạc, còn nghèo vì tướng đi dách dách sảnh, ấn đường u tối.

Phòng số 10, là phòng cuối cùng. Một người đàn ông. Ông ngoài ngũ tuần, là nhà văn hay nhà thơ gì đó. Ông còn là cộng tác viên của nhiều tuần báo, website. Rõ ràng kiến thức của ông uyên bác. Chuyện gì cũng biết. Khác với ông phòng số 6 biết chuyệt vặt. Ông phòng số 10 ngon lành hơn, các nhà văn nhà thơ nước ngoài. Từ Châu âu, châu á, châu mỹ, châu phi. Ở đâu ngài cũng biết nốt. Từ Eric Maria Remarque, William Saroyan, Henry Miller, Rimbaud. Jean Paul Sartre, Ernest Hemingway. Đến Lý bạch, Trương Kế, Thôi Hiệu, Bạch Cư Dị dài dài qua Kim Dung, Quỳnh Dao. Muốn nghe tác phẩm nào, của nhà văn nhà thơ nào là ông đọc danh dách, như một tự điển sống. Đang nói về hiện sinh của Sartre, mình nói qua Phạm Công Thiện thì ông phát cho nghe Hố thẳm tư tưởng, Im lặng hố thẳm ngay. Vũ Đức Sao Biển chuyên nghiên cứu về Kim Dung, nếu gặp ông cũng phải botay.com. Ông nhắc từng câu chuyện, từng nhân vật, nào là Tiếu ngạo giang hồ, Ỷ thiên đồ long đao, Anh hùng xạ điêu, Lộc đỉnh ký.v.v…Hỏi về Quang Dũng ông đọc cho nghe một loạt : Đôi mắt người sơn tây, Tây tiến, Đôi bờ, Quán bên đường. Đang ngon trớn như vậy thử đá qua thơ đường. Y như máy cassette ông mở liền Thôi Hiệu, có lần ông đọc cho tôi nghe nguyên tác bài Hoàng Hạc Lâu :

Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất biến bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch hán dương thụ
Phương thảo thê thê anh vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Ông nói ngày trước Tản Đà dịch bài nầy với thể thơ lục bát, ông không tâm đắc. Ông có người bạn dịch bài nầy với thể thơ thất ngôn bát cú đường luật y như nguyên tác, và ông tằng hắng, không phải đọc mà là ngâm :

Bặt bóng người xưa cỡi hạc vàng
Còn đây trơ lại mái lầu hoang
Hạc vàng một vút không lưu luyến
Mây trắng ngàn năm luống bẽ bàng
Sông lạnh Hán dương cây rạng rở
Bãi thơm Anh vũ cỏ miên man
Quê hương khuất nẻo chiều nghiêng bóng
Gợi khách sầu lây khói sóng tràn

Tiếc rằng tôi không biết về văn thơ. Song với hai câu chót, tôi nghe sao ngậm ngùi quá. Tôi cười nói với ông:
-Thiệt tình, chú đọc thơ cho cháu nghe, giống y như nước đổ trên đầu vịt..
Ông há mồm hỏi tôi :
-Vậy chứ thắng Út mầy làm nghề gì ?
-Dạ…con là bác sĩ…thú vật./-

hồchíbửu.

Đối diện với đau khổ



Lo âu và sầu muộn là hai thứ phiền não đồng sinh. Ở đâu có lo âu, ở đó có phiền muộn. Chúng đồng hiện hữu và liên kết chặt chẽ trong việc chi phối đời sống con người.
Chúng ta phải luôn luôn đối diện với thực tế nghĩa là không trốn chạy trước thế lực của giặc phiền não. Mặt khác ta phải tìm cách khắc phục chúng bằng chính sức cố gắng của mình, với sự hỗ trợ của ý chí sắt đá và nhẫn nại kiên trì.

Đau khổ của chúng ta do chính chúng ta tạo nên và tích lũy trong tâm hồn bởi bất lực hay không thấu hiểu được những tình cảm sâu kín nội tại trong chúng ta, và đánh giá sai lầm đối tượng ngoại giới. Nếu chúng ta có một kiến thức chân chính và trí tuệ thích ứng để nhận thức thực tướng của vạn hữu nghĩa là thấy hiện tượng ngoại giới đều là vô thường và bản ngã chỉ là vọng tưởng của một tâm hồn chưa được rèn luyện, thì chúng ta đã tiến xa trong việc tìm kiếm một phương thuốc trị liệu căn bệnh phiền não.
Phải huấn luyện khối óc và con tim thế nào để chúng ta có thể hy sinh tự ngã cho mục đích cao cả hơn là phụng sự nhân loại, chúng sinh. Đó cũng chính là một trong những điều kiện giúp chúng ta tìm thấy chân hạnh phúc và thái bình.
Nhiều người có những ham muốn, khát vọng, những sợ hãi, lo âu mà không biết làm thế nào để thanh lọc, hay tệ hơn nữa có khi họ không dám nhìn nhận thực trạng đó ngay với chính lương tâm mình. Nhưng dẫu họ có lẩn tránh thì cũng vô phương vì thực trạng ấy vẫn hiện hữu và bành trướng ảnh hưởng.
Cũng có khi vì không biết nguyên nhân tâm bịnh của mình, họ đã dùng những phương pháp trị liệu sai lầm để đè nén những cơn khủng hoảng tinh thần, nhưng càng đè nén, những tình cảm này lại tìm lối thoát bằng cách làm xáo trộn sinh hoạt cỏ thể để trở thành tâm bệnh.
Đó là trường hợp một người tìm quên sầu muộn của mình trong rượu chè, cờ bạc hay dùng những thứ dược phẩm có khả năng làm lắng dịu phiền não trong chốc lát như các chất ma túy, cần sa… Phương pháp trị liệu này không những không có hiệu quả lâu bền cho tâm bịnh mà còn làm cho cỏ thể suy nhược thêm.
Tất cả bịnh trạng tâm vật lý ấy đều có thể chữa trị bằng phương pháp rèn luyện tinh thần, tức là thiền định, vì một tâm hồn chưa được rèn luyện kỹ càng là nguyên nhân của mọi phiền não.
Trước hết chúng ta cần phải can đảm chịu đựng mọi khổ đau, không nên tỏ ra cho người khác biết những lo âu, sầu muộn của mình, vì làm như thế đã không lợi ích gì cho mình mà còn gây thêm phiền lụy cho kẻ khác. Trừ khi người mà ta tiết lộ tâm trạng riêng tư là người khách quan sáng suốt có thể giúp chúng ta phấn khởi tinh thần để chiến đấu tích cực hơn.
Nhưng sự thật đã chứng minh rằng nhiều người đánh mất tình bằng hữu chỉ vì thổ lộ quá nhiều lo âu, phiền muộn của mình cho bạn biết. Thật là cao đẹp, nếu chúng ta biết giữ sắc diện trầm tĩnh và tươi cười dù đã gặp nhiều khó khăn trở ngại. điều này không phải không thể thực hiện được nếu chúng ta thực sự cố gắng.
Bất hạnh của chúng ta phát xuất từ nhận thức sai lầm về bản chất và mục tiêu tối hậu của cuộc sống. Chính vô minh chi phối nhận thức sai lầm này để đưa đến kết quả là tà kiến và tư duy sai quấy. Quan niệm và tư tưởng sai lầm thì lời nói và hành động cũng sai lầm tức là tà ngữ và tà nghiệp. Cũng chính quan niệm và tư tưởng sai lầm đưa đến cố gắng sai lầm (tà tinh tấn), nuôi mạng sai lầm (tà mạng).
Vì nhận thức đóng một vai trí quan trọng trong việc định đoạt một đời sống hạnh phúc hay khổ đau như thế nên Đức Phật đã dạy rằng: “…nơi đâu có phiền muộn lo âu khởi sinh, chúng chỉ khởi sinh nơi kẻ thiểu trí chứ không khởi sinh nơi người trí tuệ…”
Nếu tư tưởng tiêu cực sinh ra lo âu, sầu muộn và tư tưởng tích cực đưa đến hy vọng, lý tưởng, thì sự lựa chọn một trong hai mẫu tư tưởng này hoàn toàn tùy thuộc nơi ta. Và như thế, nếu cố gắng, mọi người có khả năng kiểm soát được những sinh hoạt nội tâm của mình.
Những định luật thiên nhiên từ ngoại giới có thể chi phối chúng ta mọi phương diện nhưng không thể chi phối được tư tưởng của chúng ta. Sự thật ngay cả đời sống vật chất ngày nay cũng không còn lệ thuộc ở thiên nhiên vì khoa học đã một phần nào chế ngự được ảnh hưởng của tạo hóa. Những bệnh tật nguy hiểm, những thiên tai khủng khiếp mà ngày xưa được xem là hình phạt của trời đất hay là cơn thịnh nộ của quỷ thần đã bị nhân loại làm chủ. Nếu đời sống tinh thần đã do ta hoàn toàn chủ động và ngay cả vạn pháp cũng do tâm tạo thì tất cả những bệnh trạng của tâm hồn đều có thể chữa trị được dễ dàng như y học chữa thân bịnh.
Người ta có lý khi nói rằng lo âu làm cho con người chóng già hơn năm tháng. Băn khoăn sợ hãi ở mức độ bình thường là bản năng tự vệ nhưng nếu để chúng trở thành những nguồn động lực thường trực chi phối chúng ta mà chúng ta không có thể kiểm soát được thì thật là nguy hiểm, vì chúng có thể làm đảo lộn mức sinh hoạt bình thường của guồng máy tâm vật lý và có khi làm cho nhiều người quẩn trí điên loạn. Các nhà y học cho biết phần đông bệnh thần kinh gây ra do bị lo sợ chi phối thường xuyên. Thậm chí có người không đủ nghị lực để phấn đấu với giặc phiền não, họ đã tìm lấy cái chết như một lối thoát cuối cùng.
Nhưng Đạo Phật dạy rằng lẩn trốn thực tế như vậy là vô ích, vì thực ra khi chết họ vẫn chất chứa mầm mống phiền não như một tên tội phạm vượt ngục, anh ta khó có thể sống an lành khi án trạng vẫn còn. Chỉ khi nào được phóng thích anh mới thoát được cảnh tù đày; cũng vậy, chỉ khi nào phiền não chấm dứt chúng ta mới được an vui tự tại.
Khổ đau và sầu muộn chỉ là những kết quả của nhân bất thiện ta đã tạo ra từ trước. Phật giáo dạy rằng: Người trí chỉ sợ nhân chứ không sợ quả. Nghĩa là điều mà chúng ta cố gắng không phải để trốn tránh trách nhiệm về hành động sai lầm của ta đã làm, nhưng để tránh gieo thêm những nhân bất thiện mới. Như một người vay một số tiền phải vui vẻ tìm cách trả món nợ ấy, vì đó là bổn phận tất nhiên, không phải lo âu, sợ sệt hay miễn cưỡng trốn tránh và hay hơn hết là không nên vay thêm nợ mới.
Đức Phật không còn bị chi phối bởi những phiền não nội tâm, tuy vậy đôi khi Ngài vẫn còn gặp phải những trở ngại từ bên ngoài đưa đến. Nhưng Ngài luôn luôn bình tĩnh đối diện với mọi trở lực bất cứ từ đâu tới.
Chuyện rằng: Một hôm Ngài cùng đại đức Ananda vào khất thực trong thành Kosambi, bị hoàng hậu Magadhà xúi giục dân chúng trong thành hễ gặp Đức Thế Tôn và đệ Tử Ngài ở đâu thì phải tìm cách hạ nhục và phỉ báng. Nghe như vậy đại đức Ananda bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, người trong xứ này phỉ báng chúng ta, vậy chúng ta nên đi xứ khác.”
“Này Ananda, nếu người ở xứ ấy cũng phỉ báng chúng ta, bấy giờ chúng ta phải làm sao?”
“Bạch Đức Thế Tôn, chúng ta lại đi đến xứ khác nữa”.
“Này Ananda, nếu nơi ấy người ta cũng phỉ báng thì sao?”
“Bạch Đức Thế Tôn, chúng ta lại đi xứ khác nữa vậy.”
Đức Thế Tôn liền ôn tồn bảo đại đức Ananda rằng: “Này Ananda, làm như vậy không phải đâu. Việc gì sanh ở nơi nào thì diệt ở chỗ đó. Chúng ta phải ở đây nhẫn nhịn cho đến bao giờ họ hết phỉ báng rồi hãy đi. Như vị võ tướng dũng cảm xông pha nơi trận mạc, không sợ gươm đao, không khiếp tên đạn, chúng ta hãy thản nhiên, bình tĩnh trước những lời phỉ báng của kẻ khác.”
Như vậy thái độ của bậc trí thức là không sợ khổ đau. Chúng ta phải sáng suốt tìm ra nguyên nhân nào làm cho chúng ta lo âu, sầu muộn để dùng một biện pháp thích nghi khả dĩ diệt tận gốc rễ của chúng, chứ không cần lẩn tránh hay tự phần nàn phiền trách.
Một nhà phân tâm học nổi tiếng người Anh, khi trả lời một sinh viên câu hỏi phương pháp nào hoàn hảo nhất để khắc phục lo sợ, ông ta nói: “Hãy cố gắng làm lợi ích cho tha nhân.” Cậu sinh viên rất đỗi ngạc nhiên trước câu trả lời đó. Nhưng nếu anh ta xét kỹ và áp dụng định luật bất khả đồng hiện hữu trong tâm lý học, nghĩa là hai tư tưởng đối nghịch không bao giờ khởi sinh đồng một lúc, chúng chỉ có thể thay thế hay kế tiếp nhau, như khi có tư tưởng này thì không thể có tư tưởng kia. Như thế khi tâm hồn ta mang tư tưởng vị tha thì không có sự hiện hữu của tư tưởng ích kỷ, và như chúng ta đã đề cập ở trên, tư tưởng tiêu cực vị kỷ là nguyên nhân của mọi lo âu sợ sệt. Thật vậy, đúng như lời nhà phân tâm học, phương pháp hoàn hảo nhất để giải trừ lo sợ là cố gắng làm lợi ích cho tha nhân.
Đức Phật là bằng chứng cụ thể nhất chứng tỏ rằng Ngài đã thoát ly được phiền não nhờ hy sinh đời sống vị kỷ để thực hiện lý tưởng vị tha.
Nếu chúng ta biết cách xoa dịu đau khổ của kẻ khác, thì chúng ta đã xoa dịu đau khổ của chính mình. Một người thật sự muốn được hạnh phúc, không nên phá hoại hạnh phúc của kẻ khác. Tìm hạnh phúc bằng cách lừa đảo, hãm hại kẻ khác là phương pháp sai lầm, vì như Abraham Lincoln đã nói: “Ta có thể lừa dối vài người bất cứ khi nào, và tất cả mọi người trong một thời gian nào đó. Nhưng ta không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi.”
Tất cả những ham muốn, khát vọng, những cố gắng, nỗ lực của con người hầu như đều nhắm vào việc tìm kiếm một đời sống hạnh phúc. Nhưng nếu quá vị kỷ, tư lợi người ta có thể dẫm đạp lên hạnh phúc của tha nhân. Và khi bị kẻ khác phản ứng không thuận lợi cho mình, người ta dễ sinh ra bất mãn, nóng nảy hay hung dữ.
Như thế hóa ra khi đi tìm hạnh phúc vô tình họ đã rước lấy thêm phiền lụy. Vì một người không thể có hạnh phúc khi nội tâm chứa đầy bất mãn, sân hận và sợ hãi.
Phương pháp duy nhất để diệt trừ những tệ trạng này là phá “ngã chấp” và tạo cho mình cuộc sống đầy bác ái vị tha.

VIÊN MINH

hãy chết vào nhau cho vĩnh cữu tình ta






đời mênh mông trăm nghìn con sóng vỗ
bước trần gian lặng lẻ mình tôi đi
em chợt đến mang đầy tình hoa nở
sưởi ấm đời anh bao niềm ước mơ

ngày tháng reo vuii – mộng tình sông núi
tình em trao như mây gío dịu mềm
ước vong cuồng say – tình nồng bừng cháy
tình em trao vun sới lại đời anh

hãy tựa vào nhau cho thuyền tình ghé bến
hãy quàng vai nhau mình chung hướng tình
hãy sát bên nhau cho tim dậy sóng
hãy yêu ngàn đời, em nhé, tình anh

hãy bước bên nhau mình qua năm tháng
hãy cầm tay nhau xóa dịu thương đau
hãy ươm tình ta bằng những nụ hôn
hãy nuôi trong anh tình nghĩa dài lâu

hãy quyện vào nhau cho tình chung hướng
hãy hứa với nhau tình em mượt mà
hay ru tình anh bằng ngàn hương phấn
hãy chết vào nhau cho vĩnh cữu tình ta

khê kinh kha

NHƯ KHÔNG







Ta về nhặt lá tàn phai
Xếp đời sấp ngửa hình hài hóa thân
Em hình như có. Như không
Guốc khua vang đã cuối dòng nhân gian.

Giũ buồn theo sợi khói tan
Hương rơi trắng dấu nhang tàn dưới chân
Bóng em rồi cũng nhỏ dần
Quay lưng ta phủi tay trần trụi đau.

Chút tình hoang phế đời nhau
Chờ em mây trắng bạc đầu thu phong
Trăm năm chưa tới một vòng
Áo thay mấy bận cho nồng phấn hương?

Gửi em sợi nắng vô thường
Về phơi nhan sắc hoang đường bên song
Em hình như có. Như không
Ta nghiêng cổ xuống giữa thòng lọng cao…

Hư Vô

Tây Ninh nỗi nhớ





Trăng quê nhà
Phố nhỏ mình ta căn gác vắng
Khói thuốc mông lung nhớ mái tóc dài
Nhớ chiều tan học quen tiếng guốc
Đâu ngờ dâu bể lạc tình ai !

Đời quanh quẩn rày đây, mai đó
Gạo chợ nước sông, một kiếp người
Nhìn khói đốt đồng thương quê mẹ
Mà nghe nước mắt cứ chực rơi !

Mấy chục năm rồi, ta bạc tóc
Nhớ mẹ ru kẽo kẹt võng đưa
Nhớ tiếng quốc kêu lòng thổn thức
Vẫn chưa quên được tiếng gà trưa !

Đêm nay ta thấy trăng gác núi
Treo nỗi buồn ta một phía trời
Một vầng trăng nhưng mỗi nơi mỗi khác
Một cuộc đời nhiều ngã rẽ, em ơi !


Tây Ninh nỗi nhớ
Anh ôm những buồn, vui lẫn lộn
Tháng ngày trôi, quên, nhớ không rời
Những góc phố, con đường đã khác
Tòa Thánh vàng vạt nắng chiều rơi !

Qua Bàu Năng, ngày cơn mưa muộn
Gặp lại em mà ngỡ trong mơ
Mấy mươi năm, mắt buồn vẫn thế
Tân Uyên xưa, đất khách bây giờ !

Em Dầu Tiếng theo chồng xa xứ
Bạn bè anh già khú hết rồi
Đêm nay trăng xuống, Hòa Thành đẹp
Rượu tình, rượu nghĩa đã mềm môi !

Anh nhớ lại, thời làm văn nghệ
Bạn Củ Chi, Định Quán gặp hoài
Con thuyền cũ trôi vào quá khứ
Nay đếm hoài chưa giáp bàn tay !

Núi Bà Đen, Trảng Bàng thêm nhớ
Vắt hồn anh chảy xuống khổ thơ
Xin quá giang đường xuân lụa nắng
Còn em yêu, đứng nép cửa chờ !

Trúc Thanh Tâm
(Châu Đốc)

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Bản sắc tập thể hay Bản sắc xã hội của cá nhân?


Jerzy Szacki, Lê Hải dịch

Bản sắc và đặc biệt là bản sắc dân tộc là khái niệm được nhắc nhiều tại Việt Nam trong 20 năm qua nhưng hầu như chưa có định nghĩ rõ ràng nào về nội dung mà nó đề cập lẫn mối quan hệ ngữ nghĩa và phạm vi áp dụng hay ranh giới học thuật. Thực ra bản sắc hay bản sắc văn hóa được hình thành và phát triển trong quãng thời gian các ngành xã hội và nhân văn của Việt Nam tạm thời không có cơ hội tiếp cận với nguồn tri thức phương Tây. Giai đoạn mở cửa lại là lúc khái niệm bản sắc một lần nữa thay đổi và cùng lúc mở rộng ra nhiều ngành học, sau thời điểm mà giới chuyên gia gọi là khủng hoảng bản sắc. Khái niệm bản sắc dân tộc trong các ngành xã hội và nhân văn rất khác với khẩu hiệu chính trị và nhận thức của đại chúng. Bản dịch tiếng Việt này là một phần bài viết khoa học của giáo sư Jerzy Szacki về bản sắc dân tộc đăng trên tạp chí nghiên cứu "Kultura i Społeczeństwo" năm thứ XLVIII, số 3, 2004, các tiêu đề nhỏ[1] do người dịch đặt.

Khi đem khái niệm bản sắc vào "thế giới cuộc sống" - tức là nói theo cách khác, đồng nhất bản sắc với nhận thức của người mang nó - thì đã tạo ra gút mắc quan trọng về lý thuyết, nếu bàn về bản sắc của một tập thể chứ không phải của cá nhân. Tất nhiên ở đây không cần bàn tới khái niệm không tưởng đã bị gạt bỏ từ lâu về "linh hồn của tập thể", không còn mấy ai quan tâm và không còn lập luận nào để bênh vực. Có nghĩa là ngay từ đầu cần loại trừ kiểu gán cho tập thể một nhận thức - không theo cách hiểu thậm xưng - cũng giống như là nhận thức được ghép với cá nhân.

Không tồn tại bản sắc tập thể

Tiên đề mà Antonina Kłoskowska[2] đã đưa ra không cần thiết phải chứng minh. "Không có một tập thể xã hội nào, mà có thể đề cập về khái niệm bản sắc với nó, lại có được một thực thể biết tư duy sản sinh ra cái mà người ta có thể coi như phiên bản của cá nhân ý thức được về bản thân"[3]. Như vậy khi nói rằng dân tộc (hoặc bất kỳ một tạp thể nào khác) có bản sắc được hiểu như nhận thức, tức là tự "định nghĩa" được mình, thì khi đó hoặc là chúng ta đã đi tắt rất nhiều trong tư duy, mà trên thực tế là coi như đa số thành viên, hoặc chỉ một nhóm nào đó - mà theo chúng ta là các đại diện (ví dụ lãnh đạo chính trị hay chẳng hạn như nhà thơ), hoặc đơn giản nói cố, nói theo cảm tính bất chấp thực tế hơn là tư duy logic. Lối lập luận như vậy có thể rất thuyết phục, cho nên thường được dùng trong giáo dục và tuyên truyền, nơi không cần thiết phải chứng minh xem nội dung đó có giá trị ứng dụng như thế nào. Tất nhiên ở đây ý muốn nhắc đến cả từ khái niệm bản sắc tập thể, cho đến ý thức tập thể[4] hay kể cả ký ức tập thể, vấn đề không hiếm khi được đem ra phân tích và, ít ra là bề ngoài, mổ xẻ công bằng. Khó có thể tranh cãi rõ ràng với lối lập luận này, nói chung đáng khâm phục các cố gắng ẩn đằng sau đó nhằm loại trừ các giả thiết xác đáng.

Không có gì lạ, trong các đầu sách khoa học xuất hiện ngày càng thêm rõ nét quan điểm được xây dựng theo hướng cho rằng nói chung không nên nhắc tới bản sắc tập thể, hoặc cần phải xem nó hoàn toàn khác với bản sắc cá nhân[5], không giống với tập thể của những cá nhân có suy nghĩ và có cảm giác. Vì thế cần phải hỏi xem thành viên của nhóm tự nhận dạng mình như thế nào, hơn là bản sắc của tập thể là như thế nào, vì làm như vậy mới có thể chạm được vào thực tế ứng dụng, hơn là nhận được một kết cấu lý thuyết rất đáng ngờ.

Không có gì khó chú ý là cách nhìn như vừa nêu kéo theo nhu cầu phải tái xác nhận quan điểm mà trên thực tế đã quá phổ biến của phương pháp cá nhân luận (methodological individualism - ND), mà theo đó "phần tử cơ bản nhất của thế giới xã hội chính là những con người cá thể, hoạt động ít nhiều theo tính tình và hiểu biết về hoàn cảnh của mình. Tất cả mọi trạng thái phức tạp của xã hội, cơ chế hoặc hiện tượng đều là kết quả từ một tổ hợp cá nhân cùng tính tình của họ, hoàn cảnh, lòng tin, sức lực và môi trường[6].

Có thể nhận thấy sự lặp lại tiên đề trên - trong các nghiên cứu về bản sắc - qua định lý rằng "chỉ có cá nhân mới có thể hình thành bản sắc, chứ nhóm người thì không thể. Xã hội (hoặc 'dân tộc') cũng vậy, không có bản sắc riêng". Tập thể ở bất kỳ mức độ nào, từ nhỏ nhất như các nhóm hội không chính thức, cho đến dân tộc hay nhân loại, chắc chắn đều có thể "thể hiện như một nhân vật tập thể và thậm chí trở thành tư cách pháp nhân với quan hệ pháp lý với các cá nhân bình thường. Nhưng lại không thể sở hữu 'cá tính tập thể' riêng hay 'hồn của nhóm'. Khi đề cập rằng dân tộc có 'bản sắc' riêng thì chúng ta đã chạm vào khu vực ngôn từ của hệ tư tưởng". Do vậy cần loại trừ mọi phương thức áp dụng khái niệm bản sắc cá nhân sang cho tập thể một cách thiếu cân nhắc, đem lý do "khủng hoảng hệ tư tưởng" vào mọi cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề "bản sắc tập thể"[7] cụ thể.

Bản sắc được nhiều cá nhân công nhận

Hệ quả từ xuất phát điểm như vừa mô tả tức là hoặc chúng ta phải bỏ hẳn khái niệm "bản sắc tập thể" và "bản sắc của nhóm" (collective identity và group identity - ND), hoặc xét các khái niệm này trong mối quan hệ như định luật cho rằng tại một thời điểm cá nhân sẽ tương ứng với một chuẩn về số lượng hoặc chất lượng - mà chúng ta tạm đặt ra - đại diện cho tập thể mà cá nhân đã chọn là của mình. "Bản sắc quần thể - như Jan Assmann viết - là vấn đề tự xác định sự lệ thuộc của mình từ cá nhân đang tham gia. Bản sắc đó không , mà chỉ tồn tại ở mức độ số lượng các cá nhân công nhận nó"[8]. Theo cách nhìn này thì khái niệm "bản sắc tập thể" có thể được hiểu cùng lắm là tên chung của một số lượng nhất định các hoạt động tự xác định của các cá nhân, chứ không phải là tên đặt cho cá tính của một tập thể. Mà nếu đã như vậy thì tốt nhất là nên từ bỏ cách dùng từ đó. Tất nhiên là có thể nói đến bản sắc xã hội (social identity - ND), nhưng với điều kiện là phải nói rõ là dùng theo cách hiểu không phải là nhắc tới bản sắc của một nhóm, mà chỉ là một góc độ của bản sắc của một cá nhân, tự xác định mình thuộc về nhóm đó; chỉ là một giá trị định nghĩa cấu trúc không hơn không kém, đơn giản là "[...] cái phần khái niệm về bản thân, mang theo mình tấm căn cước định nghĩa cá nhân là thành viên của một nhóm xã hội nhất định"[9].

Lối tiếp cận từ góc độ cá thể kiểu như vậy (mang tính đề cập hơn là kéo theo các ứng dụng thực tiễn cho người nghiên cứu) chắc chắn mang nhiều ưu điểm, không chỉ cho phép loại trừ cách hiểu "hồn của nhóm", mà còn khiến chúng ta phải cân nhắc xem cái bản sắc nhóm nào đó sẽ được gán cho nhóm này hay nhóm nào khác, đồng thời tại một thời điểm ai là người lưu trữ nó[10]: "tất cả" thành viên của nhóm đó, hay đa số, hay chỉ có một nhóm trung tâm này hay nhóm trung tâm khác, tự nhân danh tuyên bố và rồi cố gắng "đánh thức" đám đông hiện tại vẫn còn xa mới ý thức được về vai trò tham gia của mình. Có thể thấy trong trường hợp bản sắc dân tộc tình huống như vậy không phải là hiếm, do bản sắc nhóm được gắn với một dân tộc thường mang tính ý thức hệ hoặc qui chuẩn ở mức độ cao.

Phương pháp luận cá thể

Tôi không tìm thấy lập luận nào lên tiếng đòi loại bỏ phương pháp luận cá thể, nhất là trong cách trình bày như vừa rồi, mà Watkins[11] đã từng giới thiệu. Nhưng khó có thể chỉ giới thiệu đơn giản mà không bình luận thêm, hay cảnh báo thêm[12], đặc biệt khi vấn đề không đơn giản như người ta tưởng. Ví dụ như Stanislaw Ossowski từng cảm nhận, giải thích trong tác phẩm của mình về "ý thức xã hội", rằng dụng ý nghĩ về một thứ gì đó rộng hơn "ý thức của cá nhân thuộc về một nhóm nào đó", tức là "[..] những khái niệm, hình ảnh, lòng tin và đánh giá, ít nhiều trở thành điểm chung cho những người trong một môi trường nhất định, mà bên trong ý thức của mỗi cá nhân góp phần làm gia tăng ảnh hưởng hỗ tương, gia cố lòng tin là tất cả thành viên trong cùng nhóm đều chia sẻ điểm chung đó"[13].

Nói ngắn gọn, vấn đề cơ bản của chúng ta không chỉ là có chấp nhận hay không giả thiết về sự hiện hữu của một thể tâm lý của tập thể - vấn đề mà những ai suy nghĩ nghiêm túc đã loại trừ từ lâu - mà còn là làm thế nào hiểu được "con người cá thể", đối tượng có thể được coi là datum duy nhất của khoa học xã hội, cũng như nên suy nghĩ thế nào trước lập luận cho rằng có thể giản lược mọi định luật về các hiện tượng xã hội xuống thành định luật chỉ đơn thuần là tâm lý trên đơn vị một con người. Đây cũng chính là cốt lõi của vấn đề, mà có vẻ như thường bị bỏ qua từ phía những người được coi là đại diện nổi bật trong nhóm ủng hộ phương pháp luận cá thể.

Trước hết, vấn đề quan trọng là chúng ta tưởng tượng cá nhân như là "người không có cá tính (xã hội)", hay chấp nhận giả thiết là suy nghĩ đó chỉ là tưởng tượng và đồng ý với lập luận của Mác, rằng "[...] bản chất con người đó không phải là trí tưởng tượng lưu trú trong một cá nhân cụ thể. Trên thực tế nó là toàn bộ các mối quan hệ xã hội"[14]. Nếu sử dụng vế thứ hai của mệnh đề thì cũng đồng nghĩa với lập luận "thành phần cơ bản nhất của thế giới xã hội chính là những con người cá thể", mà hệ quả thực tế lại không được bao nhiêu, vì lại phải đồng thời giả thiết - như Étienne Balibar đã làm - "[...] mọi bản sắc đều là của cá nhân, nhưng không có bản sắc cá nhân nào lại không mang tính lịch sử, tức nói cách khác - được xây dựng trong không gian giá trị xã hội, chuẩn mực cuộc sống và các biểu tượng chung"[15]. Đây cũng chính là xuất phát điểm cho phần quan trọng nhất dành cho nhà xã hội học, không lệ thuộc vào ngôn ngữ hay ngành học lẫn phương pháp sử dụng trong nghiên cứu.

Kết cấu xã hội

Nhà xã hội học không thể tự đặt ra bất kỳ một "hoàn cảnh sơ khai" nào để mô tả cá nhân chỉ là loài động vật có chức năng nhận biết và cảm xúc, không hề biết gì về chuyện mình thuộc về xã hội - có vị trí như thế nào trong đó, cần phải tự điều chỉnh theo một mong đợi giả thiết nào đó - mà cá nhân đã được xã hội hóa, tự nguyện có quan hệ hoặc bắt buộc bị lệ thuộc. Trên thực tế cá nhân nằm giữa nhiều tầng quan hệ trong hoàn cảnh "nguồn gốc" xã hội - tức là "kết cấu" riêng biệt, mà Elias đã từng mô tả bằng hình ảnh liên tưởng đến đội múa, vốn không thể tồn tại nếu không có từng vũ công một, nhưng mỗi người đều phải thích nghi với bạn múa lẫn những qui tắc lâu đời[16]. Tương tự như vậy cũng có thể nói về ngôn ngữ, bản thân tồn tại thông qua các cá nhân sử dụng nó, nhưng là hiện tượng tập thể một cách tự nhiên đồng thời tồn tại bền vững hơn tập thể. Nói ngắn gọn, đối với nhà xã hội học theo một nghĩa nhất định không thể nào thoát khỏi tư duy tập thể theo kiểu Durkheim, bất kể ông đã đặt dấu hỏi rất xác đáng về bản chất xã hội (social ontology - ND), tức phạm vi hoạt động của khái niệm này.

Để xét chân trị của các mệnh đề loại này không nhất thiết phải dùng đến chính thể luận siêu hình học (holistic metaphysic - ND), nhưng cần phải từ bỏ hoàn toàn lối nhìn cá nhân qua chức năng đơn tử (monad - ND), chẳng hạn như homo clausus, mà các triết gia siêu hình đã làm đúng khi phản biện, nhưng bằng cách không được hưởng ứng cho lắm.

"Tại đây không chỉ cần phải hiểu rằng - như Alasdair MacIntyre chứng minh - con người sống trong môi trường xã hội luôn thay đổi, mà còn phải hiểu là tất cả chúng ta coi môi trường sống chung quanh như là vật thể mang theo mình một giá trị bản sắc nhất định [...]. Trong tư cách cá nhân được định nghĩa thông qua cách hiểu này, tôi tiếp thu từ quá khứ gia đình, thành phố, sắc tộc, dân tộc những món nợ và gia tài khác nhau, cùng với những mong đợi và chuẩn mực đã được định sẵn. Tất cả đó áp đặt những gì trong cuộc sống tôi được coi là đã có sẵn..."[17].

Không quan trọng lắm chuyện dùng từ "bản sắc xã hội" để diễn giải, mà đơn giản là "con người cá thể" mà nhà xã hội học dùng chỉ nhắc tới tư cách thành viên trong một xã hội nhất định, kéo theo hệ quả quan trọng, là cần phải xét không chỉ khả năng và cá tính, mà còn cả nguồn gốc của cá thể trong môi trường xã hội mà cá thể đó đang tồn tại. Điều đó buộc nhà xã hội học giữ khoảng cách ví dụ như đối với lý thuyết về bản sắc xã hội do các nhà tâm lý học xây dựng nên, tại vì đối với anh ta thuyết đó quá rộng và không cân nhắc đến tận cùng rằng trong đời thường bản sắc cá nhân (riêng tư và xã hội) được hình thành chủ yếu là dưới ảnh hưởng của các mô hình và hoạt động văn hóa[18] hay là - như một số người khác thích dùng - thể chế[19]. "Tự nhận dạng [..] - Brubaker viết - luôn tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với quá trình nhận dạng và phân loại, thường được các thể chế chuyên quyền áp dụng"[20].

Billig có lý khi lập luận rằng "[...] các nhà tâm lý xã hội đã thu hẹp phạm vi nghiên cứu một cách không cần thiết. Quan trọng không chỉ là cá nhân phân loại bản thân như thế nào, mà còn là các phạm trù được phân chia như thế nào. Trong trường hợp bản sắc dân tộc thì cá nhân không chỉ tưởng tượng về dân tộc của mình như là một tập thể, mà còn phải đồng thời mường tượng xem bản thân biết gì về dân tộc đó, cùng lúc nhận dạng bản sắc của dân tộc của chính mình"[21]. Khi nói đến bản sắc dân tộc, thì không chỉ hàm ý rằng cá nhân tự xếp mình vào làm thành viên của dân tộc, mà còn là tin tưởng vào thực thể nằm ngoài tầm cá nhân, và được học lòng tin này từ khi còn nhỏ.

Tập thể bị nhân cách hóa

Nói cách khác, người nghiên cứu cuộc sống xã hội không thể không nhận thấy là những người tham gia trên thực tế suy luận theo lối chính thể về thế giới xã hội, góc nhìn - mà chính nhà nghiên cứu đã bác bỏ rất xác đáng[22]. Họ sẵn sàng nhân cách hóa tập thể, coi như "con người" đó đòi họ phải làm điều này chứ không phải điều kia. Suy nghĩ của đời thường đầy những giả định sẵn như vậy, và mặc dù người nghiên cứu dù có ý thức về việc đó chỉ là giả thiết, vẫn phải chấp nhận là lối tư duy đó ảnh hưởng tới hành động của con người. Nó cũng chính là một phần thực tại mà nhà xã hội học nghiên cứu. Vấn đề là nếu một phạm trù nào đó "trống rỗng về bản thể" không làm mất bớt ý nghĩa xã hội của nó[23].

Tổng kết lại những luận điểm đã nêu, cần phải xác nhận như sau. Một là, thay thế chỗ của bản sắc tập thể bằng các nhận dạng của cá thể không hề loại trừ được vấn đề của sự lệ thuộc của chúng vào các tính chất tập thể bất kể thế này hay thế khác. Hai là, phạm trù đã bị loại trừ dứt khoát ra khỏi phương pháp phân loại dùng trong phân tích vẫn quay trở lại không cách gì ngăn cản được trong vai trò thành phần của thực tại được nghiên cứu, như là bào thai tạo thành từ quá trình được các cá nhân công nhận trong lúc trở thành thành viên của nhóm đang được nghiên cứu, và coi như là một thể thực tại mà các cá nhân đó là thành phần. Rõ ràng là có thể thay từ ngữ gây bất ổn bằng các tên khác và/hoặc xác định rõ là đang làm việc với trường ảo. Tuy nhiên giải pháp về mặt ngôn ngữ không thay đổi được gì mấy. Tương tự vậy, Antonina Kłoskowska đã rất xác đáng khi viết rằng " nhìn từ góc độ bản sắc chỉ là [...] lý thuyết không tưởng, hoặc sản phẩm tưởng tượng do hệ tư tưởng tạo ra, hoặc một đồng thuận về mặt chính trị"[24], nhưng cách nhìn đó không hề kết thúc các tranh luận của người Ba Lan về tính cách Ba Lan, cũng như không hề ảnh hưởng gì tới tác động của "ảo tưởng" này lên hành động của con người. Điều đó có nghĩa là không thể chấp nhận chủ nghĩa nhóm, lẫn chủ nghĩa cá nhân theo lối nguyên tử hoặc thiếu liên kết xã hội[25].

----------------------------------------------------------------------

[1] ND - Các chú thích của tác giả được dịch theo nguyên bản tiếng Ba Lan, kể cả nguồn sách mà tác giả truy cứu nếu từ bản đã được dịch sang tiếng Ba Lan. Chú thích của người dịch sẽ được chú thêm ND. Độc giả có thể liên hệ qua email với người dịch bantinphuongdong@yahoo.com hoặc tác giả szacki@elektron.pl. Giáo sư Jerzy Szacki là nhà xã hội học và cũng là sử gia tư tưởng xã hội học hàng đầu Ba Lan, từng được trao giải thưởng cao quí nhất trong khoa học năm 2003, góp phần đặt nền móng cho nền khoa học xã hội Ba Lan trong và sau thời gian bị chính quyền cộng sản dẹp bỏ hoặc giới hạn vì liên kết với văn hóa tiểu tư sản.
[2] ND - Chuyên gia hàng đầu của Ba Lan về dân tộc và bản sắc dân tộc (1919-2002)
[3] Theo Antonina Kłoskowska, Tożsamość i identyfikacja narodowa w perspektywie historycznej i psychologicznej, "Kultura i Społeczeństwo" 1992 số.1, trang 132. Cùng tác giả, Kultury narodowe u korzeni, Warszawa, trang 99. Hoặc theo Jurgen Straub, Personal and Collective Identity, trong Heidrun Briese (biên tập), Identity, trang 69
[4] Ví dụ theo Marek Ziółkowski, Wiedza, jednostka, społeczeństwo. Zarys concepcji socjologii wiedzy, Warszawa 1989 trang 141 trở đi. Jadwiga Koralewicz, Marek Ziółkowski, Mentalność Polaków, tái bản Warszawa 2003, trang 222 trở đi.
[5] Ví dụ quan điểm của Kłoskowska, định nghĩa bản sắc dân tộc như là "văn bản chung của văn hóa dân tộc".
[6] Theo John W.N.Watkins, bản dịch tiếng Ba Lan của Adam Chmielewski, Wyjaśnienie historii. Indywidualizm metodologiczny i teoria decyzji w naukach społecznych, Wrocław 2001 trang 56.
[7] Theo Jurgen Straub, Personal and Collective Identity, trang 69, các khái niệm trong ngoặc lấy từ Reinharda Kreckela, Soziale Integration und nationale Identitat, "Berliner Journal fur Soziologie" 1994, số 4.
[8] Jan Assmann, được trích lại trong Straub, Personal and Collective Identity, trang 71.
[9] Trích từ Krzystof Kosela, Polak i katolik, trang 53, 55.
[10] Xem Rogers Brubaker, Frederick Cooper, Beyond "Identity", trang 14.
[11] ND - Lý thuyết gia cho ngành nhân học John Watkins, tư tưởng cá nhân luận về phương pháp (methodological individualism - để phân biệt với cách hiểu cá nhân chủ nghĩa như thông thường ở phương Tây) được trình bày lại trong bộ sách Triết học khoa học (The Philosophy of Science) của đại học MIT trong thập niên 1990s, bên cạnh trên 40 triết gia từ các ngành học khác cùng ủng hộ và đóng góp cho trường phái logical positivism trong suốt 60 năm thăng trầm và phát triển đến điểm chung.
[12] Ví dụ như Ernest Nagel, bản dịch của Jerzy Giedymin, Bozydar Massalski, Helena Einstein, Structura nauki. Zagadnienia logiki wyjaśnien naukowych. Warszawa 1961, trang 58 và tiếp theo. Về khủng hoảng của phương pháp luận cá thể (individualism methodology) có thể đọc thêm với Steven Lukes, Essays in Social Theory, London 1977, trang 177-186.
[13] Stanisław Ossowski, Struktura klasowa w społecznej świadomości, Toàn tập, tập 3, Warszawa 1968, trang 89.
[14] Karol Marks, Tezy o Feuerbachu, Toàn tập, tập 3, Warszawa 1961, trang 7.
[15] Etienne Balibar, Immanuel Wallerstein, Race, Nation, Class. Ambiguous Identities, London-New York 1991, trang 94.
[16] Xem thêm Johan Goudsblom, Stephen Mennell (biên tập), The Norbert Elias Reader, Oxford-Malden MA 1998, trang 130-131.
[17] Alasdair MacIntyre, bản dịch của Adam Chmielewski, Dziedzictwo cnoty. Studium z teorii moralności, Warszawa 1996, trang 293-393.
[18] Lập luận của Billig (đặc biệt không phải là nhà xã hội học, mà là tâm lý học xã hội) trong quyển Banal Nationalism, chương 4.
[19] Xem Richard Jenkins, Social Identity, London - New York 1996, trang 13-14.
[20] Rogers Brubaker, Neither Individulism nor Groupism, "Ethnicities" 2003, số 3(4), trang 556.
[21] Xem Billig như đã dẫn.
[22] Theo Ernest Gellner, Holizm versus Individualism, trong May Brodbeck (biên tập), Readings in the Philosophy of the Social Sciences, New York - London 1968, trang 259.
[23] Theo John L. Comaroff, Ethnicity, Nationalism, Politics of Difference, trong John L. Comaroff và Paul C. Stern (biên tập), Perspectives on Nationalism and War, Amsterdam 1995, trang 250. Hay Ruth Wodak, Rudolf de Cillia, Martin Reigigl, Karin Liebhart, The Discursive Construction of National Identity, Edinburgh 2003, trang 23.
[24] Antonina Kłoskowska, Kultury narodowe u korzeni, Warszawa, trang 103
[25] Zygmunt Bauman, Dwa szkice o moralności ponowoczesnej, Warszawa 1994, trang 7.

Bão lớn vào miền trung Việt Nam






Nhiều nhà bị tốc mái tại những nơi bão đi qua.

Bão Nari (bão số 11) đổ vào các tỉnh từ Huế tới Quảng Ngãi tại miền trung Việt Nam vào hôm thứ Ba với khả năng có lũ lớn.

Truyền thông trong nước cho hay tại Tam Kỳ (Quảng Nam) bão đổ bộ từ 3 giờ sáng ngày 15/10 với sức gió tới 133 km/giờ.


Nhiều nhà dân tại đây bị tốc mái, cây cối ngã đổ ngổn ngang và toàn thành phố Tam Kỳ đã bị mất điện.

Có tới 120 ngàn người được sơ tán vào nhà tạm thời để tránh bão vào đêm hôm thứ Hai trong khi nhiều người dân tại những khu vực ít ảnh hưởng hơn đóng kín cửa ở trong nhà để tránh bão.

Được biết tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, có cây cối ngã đổ đầy đường và nhà bị tốc mái hàng loạt.

''Hiện tại, ở đây đang có mưa rất to kéo dài từ 18 giờ chiều qua đến giờ không dứt. Điện cúp từ 15 giờ chiều 14.10 đến giờ khiến mọi thứ đều bị tê liệt'' báo Thanh Niên cho biết.

Đã Nẵng cũng bị ảnh hưởng và nhiều trường học phải đóng cửa.


Vietnam Airlines vào hôm thứ Hai thông báo hủy 22 chuyến bay đến/đi từ hai sân bay miền Trung gồm Đà Nẵng, Huế, trong các ngày 14 - 15/10 do ảnh hưởng của cơn bão số 11, làm ảnh hưởng tới hàng ngàn hành khách.



Chống lũ sau chống bão



"Dự báo đêm nay, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam và Kon Tum có khả năng lên mức báo động hai và báo động ba hoặc cao hơn"
Bùi Đức Long, Dự báo thủy văn khu vực Trung và Nam bộ

Được biết sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi, cơn bão này đã suy yếu và lúc 10 giờ sáng ngày hôm nay vị trí tâm bão ở trên khu vực biên giới Việt-Lào.

Ông Bùi Đức Long, trưởng phòng dự báo thủy văn khu vực Trung và Nam bộ được báo Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết trước khi bão đổ bộ đất liền các hồ thủy điện miền Trung đã tiến hành xả lũ.

''Các hồ vẫn tiếp tục xả (vì dung tích phòng lũ thấp) cộng hưởng với mưa sẽ làm cho lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên nhanh.

''Dự báo đêm nay, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam và Kon Tum có khả năng lên mức báo động hai và báo động ba hoặc cao hơn''.

Báo Thanh Niên cho hay giao thông hoàn toàn bị tê liệt do nước tràn qua cầu ở sông Đắk Rông (xã Ba Lòng) vượt mặt đường 3 m.

Chủ tịch UBND huyện .Đắk Rông, Hoàng Nam cho biết địa hương đang phải chuyển từ phương án chống bão sang phương án chống lũ.

''Trước mắt, Đắk Rông sẽ phải di dời ngay 1.200 hộ dân ở các vùng trọng yếu, có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nếu xảy ra lũ, như khu vực hạ lưu thủy điện Đắk Rông 3, xã Ba Lòng...'', báo Thanh Niên cho biết.

Cơn bão Nari làm 13 người thiệt mạng tại Philippines trên đường bão đi qua vào cuối tuần qua.

Ít nhất 40 người thiệt mạng tại Việt Nam do lũ lụt kể từ tháng Chín năm nay, AFP dẫn số liệu trong nước.

Nghiên cứu của Harvard trong 75 năm đã tiết lộ những bí mật của hạnh phúc





Nguồn: globalscience.ru



Nghiên cứu này là một trong những công trình dài hạn nhất trong lĩnh vực phát triển con người.

Dự án này bắt đầu vào năm 1938. Trong suốt 75 năm, các nhà khoa học đã nghiên cứu cuộc sống của 268 sinh viên tốt nghiệp Đại học Harvard, theo dõi một phạm vi rất rộng các biểu hiện tâm lý, nhân chủng học, và thể lực, bắt đầu từ kiểu cá tính và chỉ số IQ, kết thúc bằng các mối quan hệ trong gia đình, thái độ đối với bia rượu, và thậm chí cả "bìu dái dài" để xác định các yếu tố quyết định đến hạnh phúc của con người.

George Vaillant, người phụ trách nghiên cứu này trong suốt thời gian hơn ba thập kỷ qua, đã xuất bản một cuốn sách Triumf of Experience, trong đó tóm tắt tất cả các thông tin thu được. Bao gồm: "Nghiện rượu - đó là sự rối loạn với sức mạnh tàn phá". Rượu là nguyên nhân chính của các vụ ly hôn, cũng như tương liên với chứng loạn thần kinh và trầm cảm. Cùng với hút thuốc lá, đồ uống mạnh đã trở thành yếu tố quan trọng nhất đối với tử vong sớm và bệnh tật.

Đã phát hiện khoảng cách đáng kể trong thu nhập giữa những người đàn ông với chỉ số IQ trong khoảng 110-115 và những người đàn ông có chỉ số IQ cao hơn 150 điểm.

Những mối quan hệ ấm áp bất ngờ trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất, tương liên chặt chẽ hơn cả với sức khỏe và hạnh phúc, cho đến tuổi già.

58 người đàn ông có "mối quan hệ ấm áp" hơn cả, thu nhập trung bình mỗi năm hơn $ 141,000 khi so sánh với 31 người đàn ông có những mối quan hệ lạnh lùng.

Sự ấm áp trong mối quan hệ qua lại với mẹ tiếp tục là một yếu tố quyết định ngay cả ở tuổi trưởng thành.

Đặc biệt, những người đàn ông với mối quan hệ "ấm áp" với các bà mẹ, kiếm mỗi năm nhiều hơn $ 87,000, rất hiếm khi bị mắc bệnh mất trí nhớ ở tuổi chín muồi và làm việc có hiệu quả hơn. Mối quan hệ ấm áp với cha trong thời thơ ấu có liên quan với mức độ thấp của sự lo lắng, với sự hài lòng lớn trong kỳ nghỉ và với sự nâng cao "cảm giác hài lòng với cuộc sống" ở tuổi 75 năm.

Bản gốc (tiếng Anh): Businessinsider.com

Những tư tưởng kiệt xuất nảy sinh sau sự nhàm chán kéo dài






Nguồn: kp.ru



Hóa ra rằng công việc nhàm chán kích thích những khả năng sáng tạo.

Cho đến nay người ta nghĩ: công việc tẻ ngắt và đơn điệu làm ngu muội và nguội lạnh não đến mức con người sẽ thoái hóa một cách tự nhiên. Hãy tưởng tượng rằng bạn ngày này qua ngày khác suốt vài tiếng đồng hồ xếp đi xếp lại những cuốn sách từ ngăn tủ này sang ngăn tủ khác. Hoặc đào đường hào, như thường nói trong quân đội, từ hàng rào cho đến bữa ăn trưa. Hoặc in đi in lại một đống tài liệu. Chỉ vì một ý nghĩ rằng cần phải hoàn thành công việc của một robot, thì có thể hóa điên.

Và các nhà khoa học quả quyết rằng thực tế những hoạt động đơn điệu biến con người thành cái máy. Não của chúng ta dường như bắt đầu hoạt động ở chế độ bay tự động, tức là tiết kiệm hơn và ít nỗ lực hơn để hoàn thành một và chỉ một nhiệm vụ. Trong khi đó sự tích cực tăng lên ở một phần khác của não mà nó thường hoạt động vào thời gian nghỉ ngơi.

Kết quả là, như các chuyên gia giải thích, con người trở nên ngu ngốc hơn. Và việc quyết định những vấn đề thậm chí đơn giản nhất cũng gây nên ở con người những khó khăn.

Nhưng mới đây, các nhà tâm lý học từ Đại học Lancashir (Vương quốc Anh) đã bác bỏ “giả thiết nhàm chán”. Trong thí nghiệm của mình một nhóm những người tình nguyện bao gồm bốn mươi người trong 15 phút đã ngây ngô chép ra những số điện thoại của các thuê bao từ danh bạ. Sau đó các nhà khoa học yêu cầu những người tham gia thí nghiệm thực hiện một nhiệm vụ sáng tạo: nghĩ ra cách rằng có thể làm bằng tay…. từ hai cái cốc nhựa. Mệt mỏi vì công việc nhàm chán và buồn nãn thực sự, những người tình nguyện đơn giản đã phun ra hết những tư tưởng này đến những tư tưởng khác tuyệt vời hơn.

Còn những người tình nguyện từ nhóm kiểm tra tránh được số phận của những người sao chép và họ ngay lập tức được đề nghị sáng tạo và tự thể hiện mình, đã không thành công. Những tư tưởng sáng tạo ở họ ít hơn nhiều.

Các nhà khoa học cho rằng công việc nhàm chán kích thích những khả năng sáng tạo, bởi vì nó cho chúng ta thời gian để xao lãng, bay bổng trong mây. Như vậy, nó giảm bớt gánh nặng của não để nghĩ ra những tư tưởng tuyệt vời. Và không loại trừ, ví dụ, rằng một người đếm các bức thư, nhân viên thu ngân hoặc kế toán nào đó, ngồi hết giờ của mình nơi làm việc, trở về nhà nhanh hơn để viết cho xong tác phẩm mới của mình hoặc vẻ nốt bức tranh mới.

CÒN VÀO THỜI GIAN NÀY

Và từ chuyện tán gẫu có lợi ích

Không chỉ bay bổng trong mây, mà thậm chí tán gẫu và suy nghĩ chẳng về vấn đề gì cả cũng thúc đẩy tạo nên sự sáng tạo. Các chuyên gia từ đại học Bắc Caliphornia (Hoa Kỳ) đã đi đến kết luận như vậy.

- Khi nhận thức mất tập trung, thì các phần thái dương của não, chịu trách nhiệm về ký ức lâu dài, sẽ tăng tính tích cực hoạt động của mình, - tiến sĩ sinh học Mikl Kane đã giải thích bản chất của hiện tượng được khám phá. – Như vậy khi con người chìm vào trong những ý nghĩ riêng của mình hoặc tham gia một câu chuyện rỗng tuếch, về thời tiết, chẳng hạn, nó không chỉ khởi động trong não cơ chế sàng lọc thông tin, mà còn tìm kiếm một ngăn mới trong thư viện của trí nhớ. Và sử dụng các nguồn lực của võ não trước – của khu vực được thu hút vào việc giải quyết các nhiệm vụ.

Như vây, được tự do khỏi sự căng thẳng, não, chắc chắn, thực hiện hoạt động sáng tạo sâu sắc.

Theo lời của các nhà khoa học, nhận thức được thư giản – trong thực tế là trạng thái rất phức tạp. Khi bạn tách rời một vị trí và thời gian hiện thực và chuyển vào một thế giới xa xôi nào đó, thì đối với não điều này thậm chí là một trạng thái còn phức tạp hơn sự căng thẳng bình thường. Chúng ta đã quen tập trung chú ý vào bản chất của các vấn đề, và cần phải bay cao hơn chúng. Và lúc bấy giờ những yếu tố thăng hoa sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.

- Hôm nay nhiều chủ thuê lao động áp dụng những công nghệ thông tin cường suất ngày càng lớn hơn để những người lao động luôn phải làm việc, ít được nghỉ ngơi hơn để không tụt hậu với các đối thủ cạnh tranh, - tiến sĩ Kane phàn nàn. – Tuy nhiên, để não hoạt động hết công suất, cần phải xao lãng. Thậm chí làm những việc lặt vặt như xem những cập nhật trong blog của bạn bè hoặc xem các rolic trên YouTube.

"Gần 1 triệu người làm nô lệ trên toàn khối EU"



Tờ Spiegel dẫn nguồn từ báo cáo của ủy ban CRIM (Ủy ban đặc biệt của hạ viện châu Âu) về vấn đề tội phạm có tổ chức, rửa tiền và tham nhũng tại châu Âu. Theo đó lợi nhuận từ việc buôn người tại EU lên tới 25 tỷ Euro mỗi năm, gây ảnh hưởng kinh tế tới hàng trăm tỷ Euro. Công việc đó được điều hành bởi 3600 tổ chức tội phạm. Bên cạnh việc thu lợi nhuận từ buôn người, chúng còn buôn bán nội tạng người cũng như là buôn thú hoang kiếm lời từ 18 tới 26 tỷ Euro. Trên khắp khối EU có vào khoảng 880.000 người trong tình trạng đang phải làm nô lệ, trong đó nô lệ tình dục chiếm trên 1/4.

Bản báo cáo lên tiếng yêu cầu bảo vệ những người phát hiện ra các trường hợp kể trên. Đồng thời cũng cảnh báo về nguy cơ đe dọa tham nhũng lan tràn khắp nơi, đặc biệt trong khu vực công đã ghi nhận được 20 triệu trường hợp. Thiệt hại về kinh tế khoảng 120 tỷ Euro.

Nguồn: http://www.spiegel.de/wirtschaft/unternehmen/fast-eine-million-sklavenarbeiter-leben-in-der-eu-a-927563.html