Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Quan niệm giàu nghèo




Luận về chuyện giàu nghèo trong xã hội thì đã có vô số tác giả viết trên hằng trăm cuốn sách rồi, nay chúng tôi chỉ muốn đề cập đến một khía cạnh nhỏ trong chuyện ấy thôi, đó là mặc cảm giàu nghèo.

Mặc cảm được định nghĩa đó là những điều ta thầm nghĩ rằng ta không được như người và cảm thấy buồn day dứt, ta cảm thấy như muốn thu mình nhỏ lại trước người khác có vẻ no đủ hơn ta, về vật chất cũng như về tinh thần. Thiên hạ thường cho rằng người nghèo hay bị mặc cảm là vậy. Đúng hay sai nhỉ? Điều đó ta sẽ bàn sau, nhưng việc gì mà phải mặc cảm như thế chứ? Bộ nghèo là một cái tội hay sao?

– Nghèo là một cái tội! Có nhiều bạn còn rất trẻ mà tôi vô tình đọc được trên blog trong một lúc buồn chí nào đó cảm thấy mình mặc cảm với mọi người về cái sự nghèo nên cho rằng đó là một cái tội, cái tội ông Trời không cho ta được giàu sang như người, để bây giờ ta không có được điều kiện vật chất như người khác, ta nghèo nên không có đủ khả năng tài chánh để tiếp cận những thành tựu mới mà học hỏi cho bằng người, ta nghèo nên ta phải đi chiếc xe cọc cạch này chứ không được ngồi lên yên chiếc xe sang trọng hợp thời kia, ta nghèo nên ta không thể vào cái nhà hàng kia kéo ghế chễm chệ ngồi ăn uống như những người khác mà ta phải gặm một ổ bánh mì vừa ăn vừa đi dọc theo lề đường… Tội này do ai, do đâu? chắc chắn là do cái sự nghèo rồi nên ta phải chịu thế, nhưng sao ta lại trách cứ? Ta trách ai bây giờ? Chẳng lẽ trách cha mẹ ơi, sao gia đình mình cứ nghèo mãi thế? trách ông Trời ơi sao tôi vẫn nghèo mãi thế? Sao bất công thế? Những ý tưởng ấy làm ta căm giận và trầm uất, nhưng vẫn không giải quyết được gì, ta cố sức bình tâm lại để tìm cho mình một giải pháp thoát khỏi cảnh nghèo, nhưng vẫn chưa thể biến chuyển được trong ngày một ngày hai, vì thế mà ta sinh ra mặc cảm, và luôn luôn xác tín rằng nghèo đúng là một cái tội.

– Nghèo không phải là một cái tội! Rất nhiều bạn trẻ khác lại khẳng định như vậy, thẳng thừng bác bỏ cái luận điệu nghèo là tội này. Việc gì là một cái tội chứ? Bộ những kẻ giàu sang kia sung sướng lắm hay sao mà ta lại phải lo lắng thế? Cái sự nghèo có thể là một chất xúc tác để cho con người ta có ý chí vươn lên, vượt qua những sự no đủ hưởng thụ tầm thường kia mà đứng thẳng dậy, làm một con người chân chính. Sao lại là tội nhỉ? Khái niệm giàu nghèo chỉ là khái niệm về vật chất, mà vật chất thì nay rày mai khác, chắc gì trường tồn mãi được đâu? Điều cần nói là các giá trị về tinh thần, lắm kẻ giàu tiền bạc nhưng lại nghèo tình thương, giàu địa vị nhưng nghèo hạnh phúc, thế thì nghèo tiền bạc đâu phải là một cái tội! Ta nghèo tiền nhưng ta lại giàu lòng nhân ái, ta nghèo của cải nhưng ta lại giàu lòng tự trọng, cái nghèo ấy còn giúp tinh thần ta thăng hoa nữa chứ. Do đó mà những người này không hề mặc cảm, an vui tự tại với những gì mình có, cái khái niệm mặc cảm giàu nghèo đối với họ coi như không có trong từ điển cuộc đời.

– Thế thì giàu có phải là một cái tội không? Chắc chắn mọi người sẽ trả lời là không rồi, hiển nhiên là như thế, nhưng cái giàu lại dễ dàng đưa người ta đến vũng lầy tội lỗi hơn là cái nghèo. Đừng cho rằng nghèo là “phải” đi ăn trộm nên dễ mang tội, nghèo là“phải” đi xin xỏ nên dễ hạ thấp phẩm giá con người. Không phải thế đâu! Các tội ấy người giàu dễ phạm hơn, một số người giàu có thường hay tham lam tích cóp cho mình ngày càng giàu thêm thì có khác chi thằng ăn trộm? một số người giàu khác lại hay phải luồn cúi nơi này nơi kia để giữ lấy chiếc ghế địa vị của mình nên cái phẩm giá họ có còn đâu mà hạ thấp?

Nói như thế không có nghĩa người giàu là kẻ đáng trách và người nghèo là người đáng trọng. Giàu nghèo ở đây xin hãy coi như những khái niệm bình thường trong một giai đoạn nào đó của cuộc sống thôi, do vậy xin đừng mặc cảm làm gì. Cái cần thiết trong cuộc sống là các giá trị tinh thần chứ không phải tiền bạc. Có thể cho rằng nói như thế là lý tưởng quá, nhưng để rũ bỏ được mặc cảm giàu nghèo kia, cần phải biết nhìn thẳng vào cái lý tưởng ấy và nắm bắt lấy nó để vui sống chứ không phải trách móc than vãn đổ tội cho cái sự nghèo mà sinh ra mặc cảm. Với lại chắc gì giàu có đã sung sướng nhỉ? Người giàu cũng khóc đấy thôi!… Không chừng khóc nhiều hơn người nghèo chúng ta nữa đấy, có lúc khóc bằng… tiếng Ảrập nữa kìa!…

Nghệ thuật nắm bắt sự sống



Này bạn! Buổi sáng thức dậy bạn đừng vội bước xuống giường, hãy ngồi cho ngay ngắn & thở vài hơi cho thật khỏe,ý thức là ta đang còn đây & sự sống vẫn còn đó. Thầm cảm ơn đất trời cho ta thêm ngày nữa để sống, một ngày tinh khôi mà ta có quyền đem hết con người của ta ra để sống.

Ngày hôm qua có thể ta còn nhiều vụng về trong khi nói năng, hành động hay suy tư nên đã khiến cho ta và người kia đều không có hạnh phúc. May mắn thay là ta có thêm một ngày nữa để làm mới lại những lầm lỡ đó. Ta sẽ sử dụng trọn vẹn hết một ngày, không để cho những lo lắng, phiền muộn làm sứt mẻ hay hư hao bất kỳ giờ phút nào nữa hết.

Bắt đầu một ngày mới bằng một nụ cười tươi tắn trên môi sẽ đem tới cho bạn nhiều an lạc và sức sống. Bạn hãy viết sẵn chữ “cười” dán trên vách hay cắm một cành hoa ngay bên giường ngủ làm dấu hiệu nhắc nhở bạn mỉm cười ngay khi thức dậy để ăn mừng sự sống. Bạn sẽ nhớ ra rằng hôm nay mình có hẹn cùng sự sống với tư cách là sứ giả của tình thương. Lúc nào nhớ thì bạn hãy nở nụ cười liền cho các cơ bắp trên gương mặt được thư giãn và tinh thần được nhẹ nhàng. Nụ cười làm cho bạn sống được với chính mình trong giây phút hiện tại, vì khi cười thì mọi tư duy đều không còn nữa. Vì vậy nụ cười mang tính trị liệu cho chính bạn và cả đối tượng mà bạn đang tiếp xúc.

Bước vào phòng vệ sinh bạn cũng có thể tiếp tục thực tập sự nhận biết, nắm bắt sự sống. Bạn có khả năng đánh răng trong vòng ba phút không? Đó là một thách đố. Nha sĩ thường khuyên khi đánh răng nên để kem trong miệng ít nhất là một phút thì mới không bị sâu răng. Bạn hãy đánh với niềm hạnh phúc lớn lao vì bạn vẫn còn răng để đánh mỗi ngày. Trong nhận biết sáng tỏ đó, bạn sẽ có thái độ trân quý và giữ gìn.

Tại sao bạn không có ba phút để đánh răng nếu bạn cho rằng việc đánh răng là thật sự quan trọng? Hãy nhớ lại những ngày răng bị đau nhức, rất khổ sở. Hãy liên tưởng đến những người không còn điều kiện để đánh răng nữa, thật tội nghiệp. Nếu bạn có khả năng đánh răng một cách khoan thai và cẩn thận trong vòng ba phút thì đó là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa thành công lớn lao trong cuộc đời bạn.

Người hành thiền vững chãi chỉ cần nhìn vào cách đóng cửa của bạn là có thể biết được đời sống tinh thần của bạn như thế nào? Bạn thường không để ý những chuyện vặt vãnh đó. Có gì quan trọng lắm đâu mà phải đặt hết tâm lực vào chuyện đóng cửa? Nhưng tất cả quan trọng của sự sống đều nằm ở chỗ đó. Sự kiện bạn đóng cửa trong tư thái tĩnh lặng nhẹ nhàng là một thực tại mầu nhiệm, chứng tỏ bạn đang sống và có nhiều an lạc. Nếu trong tâm bạn đang vướng kẹt bởi những nỗi lo lắng thì bạn không còn khả năng an trú trong giây phút hiện tại được nữa. Bạn không còn ý thức cái gì đang xảy ra trong bạn và chung quanh bạn. Bạn hoàn toàn bị lu mờ trước đối tượng. Bạn đóng cửa mà tâm bạn không hề có mặt ngay nơi đó, đã phóng đi rất xa, nên khi cánh cửa kêu cái “rầm” thì bạn mới giật mình e ngại.

Khi bạn đóng cửa mà không có sự nhận biết, tâm ý đang lang thang đâu đó để tiếng kêu phát ra làm bạn sực tỉnh thì liền lập tức hãy quay trở lại thực tập đóng cánh cửa đó thêm một lần nữa. Lần này chắc chắn bạn sẽ thành công. Để xuống một tách trà cũng vậy. Bạn nên kiên trì để lại tách trà đó cho nhẹ nhàng hơn nếu lần trước thất bại. Vấn đề không phải để làm đẹp lòng người khác, mà bạn đang tập sống và làm chủ lấy chính bản thân mình. Đó vừa là bí quyết của sự luyện tập, cũng vừa là thái độ kiên quyết nắm lại sự sống mấp mé vuột khỏi tầm tay. Bạn vẫn còn kịp.

Những người trẻ sống trong xã hội hiện nay rất bận rộn, đầu tắt mặt tối với công việc nên họ luôn ước ao có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Nhưng khi có cơ hội được ngồi xuống để nghỉ ngơi thì họ lại tiếp tục tìm cách lao tác thể xác và cả tinh thần. Họ phải nghe nhạc, xem ti vi, lên internet, dùng điện thoại hay làm bất cứ cái gì để cho họ đừng ngồi không. Họ không thể ngồi mà không làm gì hết. Ngồi mà không làm gì hết thì họ cho đó là một sự chết hay một cực hình chán ghét. Thậm chí họ sợ luôn cả ngồi xuống để suy tư cho thấu đáo một vấn đề. Họ tìm cách giải quyết vấn đề ngay khi họ làm công việc khác. Họ không muốn rơi vào tình trạng lạc lõng mà không có gì để bám víu. Rất kỳ lạ. Đáng lẽ họ cũng có nhiều cơ hội để được ngồi yên, nhưng họ chưa biết ngồi yên được bao giờ.

Khi còn có thể ngồi yên được thì bạn hãy ăn mừng vì bạn còn điều kiện để quay về, cuộc hành hương của bạn có thể chưa quá xa. Ngồi yên là một nghệ thuật sống. Ngồi yên là ngồi trong thảnh thơi, tâm không bận về quá khứ hay tương lai. Bạn chấp nhận hiện tại một cách tuyệt đối và sống sâu sắc trong từng giây phút mầu nhiệm ấy. Bạn không muốn chạy ngược xuôi nữa. Bạn chỉ muốn ngồi xuống thật yên với ý nghĩa nghỉ ngơi trọn vẹn. Ngồi yên chính là ngồi thiền, thân và tâm của bạn sẽ ở yên một chỗ, không còn lăng xăng dông ruỗi nữa.

Trong suốt quá trình ngồi thiền bạn đừng nghĩ là mình sẽ đạt được cái gì. Ngồi thiền trước hết là để được nghỉ ngơi trọn vẹn. Bạn hãy để cho những căng thẳng, lo âu, phiền muộn trôi đi như những dây rong rêu trôi theo dòng nước trong khi tảng đá dưới nước vẫn nằm yên bất động. Bạn chỉ nắm giữ mỗi nụ cười hàm tiếu trên môi và hơi thở mà thôi. Hơi thở là đối tượng duy nhất để bạn đặt tâm vào đó một cách an toàn và vững chãi, tại vì hơi thở luôn ở trong bạn và có mặt bất kỳ lúc nào. Tuy bạn cần có những bước đi xa hơn nữa trong thiền tập, nhưng nền tảng căn bản vẫn là thiết lập sự nhận biết sâu sắc và bền vững trên từng đối tượng hiện hữu trong giây phút hiện tại, đặc biệt là hơi thở.

Chủ động được hơi thở là chủ động được thân tâm mình. Mỗi khi tâm ý tán loạn, chỉ cần trở về nhận biết, quan sát và nương tựa từng hơi thở vào ra từ dịu dần, êm dần, lắng dần, sâu dần, dài dần rồi trở nên im lắng và sâu thẳm thì tâm ý bạn sẽ lắng xuống như hồ nước trong, không còn bị phân tán và lôi kéo nữa. Khi phát hiện ra cơn bão cảm xúc như giận hờn, sợ hãi, nghi ngờ hay tuyệt vọng đang dâng tràn thì bạn hãy lập tức quay về với hơi thở nhận biết, tức là ẩn náo ngay chính thân tâm mình, thay vì bạn chạy theo đối tượng mà bạn ngỡ là tác giả gây ra đau khổ cho bạn. Trong điểm đỉnh nguy kịch ấy, bạn chưa có thể làm gì khá hơn thì hãy nương tựa vào hơi thở, không tiếp tục nuôi dưỡng cảm xúc nữa thì bạn sẽ tạm thời vượt thoát tình trạng.

Đi cũng là bài thiền tập quan trọng. Dường như ta chưa thực sự đi bao giờ. Tại vì phải hết tâm ý trong khi đi, đi để mà đi chứ không phải đi để làm cái gì khác mới gọi là đi. Ta thường có mục đích trong khi đi. Ta coi việc đi chỉ là một phương tiện để đạt tới cứu cánh của cuộc sống.

Khi bạn đi xuống bếp ăn cơm thì bạn luôn nghĩ ăn cơm là mục đích chính, là cái quan trọng cần đến, chứ ít khi nào bạn nghĩ rằng những bước chân đi tới chỗ ăn cơm cũng quan trọng ngang bằng hoặc có khi hơn cả việc ăn cơm nữa. Đi cũng là một sự sống chứ không chỉ ăn mới là sự sống. Vậy trước khi nắm lấy sự sống là ăn cơm, thì bạn đừng hoang phí sự sống đang hiện ra trong từng bước chân. Những người mới bước ra từ trong tù, hay từ dưới một trận động đất, hay từ trên chiếc nạn gỗ sau một tai nạn giao thông thì được đi trên đôi chân kỳ diệu của mình là điều mong muốn nhất của họ. Đi bấy giờ trở thành điều kiện hạnh phúc nhất trên đời mà không có gì có thể sánh hơn được nữa.

Bước đi trong nhận biết là bạn đang đi trên đôi chân khỏe mạnh của mình, ngày mai có thể không còn cơ hội này nữa, sẽ đem lại cho bạn nhiều hạnh phúc. Bước chân của bạn sẽ trở nên chậm rãi hơn, nhẹ nhàng hơn và thong dong hơn. Bạn không còn vội vàng, hấp tấp như bị ma đuổi. Đi trong nhận biết sáng tỏ trở thành một nguồn cảm hứng vì nó là thức ăn nuôi dưỡng và trị liệu cho thân tâm bạn. Đi vừa là phương tiện vừa là mục đích của cuộc sống. Bạn sẽ không còn sợ đường đời quá mênh mông mà không biết bao giờ mới chạm tới hạnh phúc, vì nó nằm ngay dưới chân bạn.

Có khi bạn đang đi giữa ban ngày mà như đang đi trong giấc mộng, đi mà không biết đi đâu. Tâm bạn bận suy tư về quá khứ, hay lo lắng tương lai nên không có mặt với bước chân. Có khi bạn vấp váp, va chạm hay đứng ngẩn người ra vì bạn không nhớ mình đi tới đây để làm gì. Tệ thật! Người khác có thể thấy được đời sống của bạn bận rộn hay thảnh thơi qua bước chân của bạn. Đôi khi bạn có cả ngày để nghỉ ngơi nhưng bạn vẫn cứ đi như là bận rộn lắm vậy, lúc nào cũng lẹ làng tất tã như những người buôn gánh bán bưng sợ trễ phiên họp chợ. Đó là thói quen lâu đời, danh từ chuyên môn gọi là tập khí.

Chính tập khí đi để tiến tới mục đích chứ không sống trong từng bước chân sẽ dẫn tới ý niệm tìm hạnh phúc ở tương lai, ở cuối con đường. Nếu bạn nếm được hạnh phúc trong từng bước chân thì bạn đã nắm được nguyên tắc của cuộc sống, bạn đã nắm được sự sống. Bước đi trong thảnh thơi là hạnh phúc của người có nhu yếu được đi. Ai mà không có nhu yếu được đi, chỉ tại vì ta đang bị kẹt vào những nhu yếu khác có mãnh lực hơn nên cuốn hút ta mất thôi.

Nếu có khả năng sống an lạc trong từng bước chân thì ta đem tới mặt đất này rất nhiều năng lượng tình thương. Người ta đã để lại trên trái đất này không biết bao nhiêu vết hằn của nóng nảy, giận hờn, thù hận rồi thì ta phải có trách nhiệm bù đắp lại bằng chính bước chân tỉnh thức mỗi ngày của mình. Khi đặt bước chân xuống mặt đất ta nguyện sẽ đặt những bước chân an lạc và thảnh thơi cho cõi thế gian này được lành lặn và mỗi ngày thêm tươi mát. Bước đi bằng năng lượng đó thì ta sẽ có khả năng nhìn vạn vật bằng con mắt thương yêu giống như chính bản thân ta. Ta thấy giữa ta và vạn vật không còn cách biệt nữa. Ta và vạn vật nằm chung nỗi đau thương và hạnh phúc.

Thức dậy nở nụ cười
Một ngày mới cho tôi
Nguyện sống trong tỉnh thức
Yêu thương khắp muôn loài.

♥Minh Niệm.

Tù nhân lương tâm

Một lần, một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền gặp nhau trong tù, họ quyết định bầu ra thủ lĩnh. Có ba người tự ứng cử.
Người thứ nhất nói: Tôi, tù nhân lương tâm, án 20 năm.
Cả nhóm cùng vỗ tay hoan hô.
Người thứ hai nói: Tôi, tù nhân lương tâm, án 30 năm.
Cả nhóm cùng vỗ tay hoan hô to hơn.
Chỉ còn lại một ứng viên, tất cả cùng quay sang nhìn hồi hộp.
Anh này lúng túng: Tôi thì 10 năm.
Tất cả đều tỏ vẻ ngạc nhiên và thất vọng.
Anh kia vội vã nói tiếp: Xin lỗi, tôi nói nhầm sang tuổi của bạn gái tôi.

Vinh danh "thần đồng âm nhạc" gốc Việt ở Australia




Nghệ sỹ piano Hoàng Phạm (Nguồn: Limeligh Magazine)


Nghệ sỹ dương cầm gốc Việt Hoàng Phạm (tên đầy đủ Phạm Minh Hoàng) vừa đạt giải nhất Cuộc thi dành cho các nghệ sỹ nhạc giao hưởng trẻ của Australia ABC năm 2013 (YPA).

Hoàng Phạm, 28 tuổi, là một trong ba thí sinh xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết Cuộc thi YPA diễn ra tại khán phòng Town Hall ở thành phố Melbourne hôm 12/10.

Hoàng Phạm đã giành ngôi quán quân sau khi trình diễn nổi bật bản “Concerto số 1” của Tchaikovsky cùng dàn nhạc giao hưởng Melbourne.

Sinh ra tại Việt Nam và lớn lên ở Australia, Hoàng Phạm là cái tên quen thuộc trong giới khán giả yêu nhạc cổ điển “Xứ sở chuột túi.” Anh từng được báo chí Australia ca ngợi là “thần đồng âm nhạc gốc Việt” từ khi mới 5 tuổi.

Là học trò của giảng viên dương cầm lừng danh Australia Rita Reichman hơn 10 năm qua, Hoàng Phạm đã giành được các giải thưởng âm nhạc lớn như Giải Lev Vlassenko năm 2005, Giải nghệ sỹ dương cầm Australia xuất sắc nhất tại Cuộc thi Piano Quốc tế Sydney năm 2008.../.

Võ Giang/Sydney (Vietnam+)

Lộn xộn ở Matxcơva





Photo: RIA Novosti


Khoảng 200 người đã bị bắt vì gây rối trật tự công cộng ở Matxcơva, - theo thông báo của phát ngôn viên cơ quan cảnh sát thủ đô.

Hoạt động không xin phép bắt đầu tại một quận xa của Matxcơva sau khi một thanh niên 25 tuổi người thủ đô bị giết chết đêm 10 tháng Mười. Kẻ lạ mặt đã dùng dao đâm chàng trai người Matxcơva ngay trước mắt cô bạn gái của anh, sau đó y tẩu thóat. Có giả thiết cho rằng xung đột xảy ra trên cơ sở sắc tộc. Các cư dân khu vực đã xuống đường, đòi phải tìm ra hung thủ đã giết chàng trai. Vào chiều tối Chủ nhật bắt đầu họat động tự phát của dân chúng, dẫn đến đụng độ với cảnh sát.

Bản sắc sơ cấp và thứ cấp


James Fulcher và John Scott, Lê Hải dịch và chú thích[1]

Trong xã hội đương đại, thời khắc con người được sinh ra cũng chính là lúc bản sắc xã hội lần đầu tiên được gán cho mỗi cá nhân. Giai đoạn chuẩn bị trước khi sinh tất nhiên cũng sẽ liên quan ít nhiều tới bản sắc của đứa bé: trang trí phòng ngủ, mua quần áo, vân vân. Thế nhưng phải đến khi sinh thì căn cước thực của đứa bé mới được cấp. Trẻ sơ sinh ngay lập tức được xác minh là con trai hay con gái, và sau đó là tên. Giới tính[2] của đứa bé, cùng với tên, và tên của cha mẹ sẽ được quan chức chính phủ chính thức được ghi nhận, và cũng thường được loan báo và xác nhận trong một buổi lễ tôn giáo. Tất nhiên là đứa bé không đủ khả năng để phản ứng lại những bản sắc cá nhân và xã hội - chắc chắn không phải bằng cách phản xạ hay ý thức - và sẽ không có quyền lựa chọn. Cả cái bản sắc được gán cho lẫn bản khai sinh chính thức nhiều khả năng sẽ đi cùng suốt cả cuộc đời với đứa bé. Phụ nữ lấy chồng sẽ lấy họ chồng theo qui ước và tục lệ, nhưng chỉ có tên "mẹ đẻ" nằm trên giấy hôn thú.
Thông qua quá trình xã hội hóa cơ sở (primary socialization), giai đoạn sơ sinh và nhi đồng, các giá trị cơ bản về bản sắc xã hội được nạp vào. Càng lớn trẻ sẽ càng chủ động hơn trong việc xây dựng bản sắc xã hội riêng. Các bản sắc cơ sở (primary identities) như cá tính, giới tính và có khi kể cả sắc tộc sẽ được xây dựng thông qua các quá trình hội nhập xã hội ở mức cơ sở (Jenkins[3] 1996:62).
Tính cá nhân (personhood) là cảm nhận về tính chất của bản thân và những đặc tính của con người. Điều này được phát triển khá sớm trong giai đoạn sơ sinh, nhưng hình thành rất chắc chắn. Vai trò tích cực đầu tiên của trẻ trong quá trình hình thành bản sắc riêng đi kèm với việc xây dựng khái niệm về tính cá nhân của mình. Trẻ sơ sinh chỉ có thể từ từ học được rằng em tồn tại như một thể gì đó tách rời với môi trường xung quanh. Tương tự vậy, em chầm chậm nhận biết khả năng tạo ra sự kiện, tức là khả năng trở thành một nhân tố trong xã hội (agent). Điều đó đòi hỏi trẻ nhận biết khái niệm khác biệt.
Trẻ em học được là mình khác với chiếc giường và đồ chơi, và khác với cha mẹ. Dù vậy, em cũng học được rằng mình có chung một số đặc điểm với cha mẹ. Các đặc điểm chung đó không chỉ tách trẻ ra khỏi nhóm các vật vô tri vô giác mà còn cả những thú vật nuôi trong nhà, hay các loài thú khác. Bằng cách này, trẻ sơ sinh bắt đầu học những cảm nhận sơ khai nhất về bản thân và vị trí nhân văn của chính mình: biết rằng mình là một con người. Điều đó bắt đầu quá trình phát triển hệ thống ngôn ngữ, có vẻ như là điều kiện quan trọng để xây dựng khả năng ngôn ngữ. Tuy vậy, còn cần phải tích lũy một khối lượng ngôn ngữ rất lớn. Ý niệm về tính cá nhân phát triển rất nhanh khi khả năng ngôn ngữ của trẻ mở rộng khi lên hai tuổi[4].
Khi trẻ bắt đầu ý thức được mình là một con người, thì bố mẹ hoặc người chăm sóc có thể bắt đầu gắn thêm những bản sắc xã hội khác mà họ đã xây dựng và ghi nhận cho em bé. Đó là những bản sắc mà các phụ huynh coi là quan trọng trong việc xác định bản sắc riêng và lý lịch cho trẻ. Quan trọng nhất thường là bản sắc giới tính, là nam tính hay nữ tính. Thể loại bản sắc giới tính này sẽ qui định cách mà cha mẹ đối xử với con cái. Từ quần áo, đồ chơi, cho đến cách dùng từ ngữ, sẽ rất khác nhau đối với mỗi giới tính từ những giờ đầu tiên trong cuộc sống của trẻ.
Gắn liền với bản sắc giới tính còn là bản sắc của trẻ trong gia đình hoặc hộ gia đình. Khi biết mình là con trai hay con gái thì trẻ cũng biết luôn rằng mình là trẻ con, và là con của ông bố và bà mẹ cụ thể. Thông qua cha mẹ, trẻ cũng có thể biết thêm rằng mình là anh, chị, hay em, là cháu của ông bà, cháu của cô dì chú bác, vân vân. Tất cả những góc cạnh của bản sắc dòng tộc được giới tính hóa giúp xác định vị trí gia tộc của trẻ trong một gia đình cụ thể.
Bản sắc sắc tộc - tư cách thành viên trong một nhóm văn hóa cụ thể được định nghĩa bằng "chủng tộc", tôn giáo hay ngôn ngữ - nhiều khả năng sẽ được gắn với trẻ trong những năm đầu đời, khi vấn đề sắc tộc nổi trội ra ở phụ huynh và những người mà trẻ được giao tiếp. Ví dụ như tại Anh hiện nay, chuyện là người da đen nổi trội đối với đa số người gốc châu Phi hay Ca-ri-bê. Trẻ học được điều đó rất sớm. Trong khi đó, chuyện là người da trắng lại không nổi trội đối với các thành viên của nhóm sắc tộc đa số. Vấn đề màu da không được họ dùng nhiều như là đặc tính để phân biệt bản thân, và nhiều trẻ em da trắng không được học để coi mình như là người da trắng. Khi sắc tộc là vấn đề nổi trội thì bản sắc sắc tộc được học như một phần liên kết với bản sắc gia đình được giới tính hóa. Trong trường hợp đó, có thể nói sắc tộc là một góc cạnh của gia tộc.
Các bản sắc sơ cấp thường bền vững hơn các loại hình bản sắc thu nhận sau này trong cuộc sống, như Richard Jenkins từng lập luận:
Các bản sắc đi vào cuộc sống trong giai đoạn đầu thường thể hiện ra là nhiều ảnh hưởng hơn các bản sắc được chấp nhận sau này. Đa phần trẻ con chỉ có thể phản ứng yếu ớt đối với các định nghĩa bên trong nhằm thay đổi hay điều chỉnh chúng. Được thâu nạp trong quá trình học rất cơ sở, các bản sắc đó trở thành một phần của hành trang nhận thức mang tính tiên đề của mỗi cá nhân, một thứ "mọi vật vốn sẵn như vậy". Trẻ nhỏ tuổi thiếu khả năng để phản đối những định nghĩa từ bên ngoài gán cho chúng. Trẻ chỉ có một lượng giới hạn kinh nghiệm và văn hóa để đặt câu hỏi hay kháng lại, ngay cả trong trường hợp được khuyến khích làm như vậy. Và trẻ không có khả năng đó: trong và trước quá trình tiếp nhận ngôn ngữ, thiên hướng của con người trong quá trình học là để mặc cho cá nhân mở cửa trước các định nghĩa mang tính áp đặt và hệ lụy của người khác (Jenkins 1996:62).
Sau này khi trẻ lớn lên, chúng thường nghĩ về các bản sắc sơ cấp đã được gán ghép thời thơ ấu như là những gì đã cố định và không thể thay đổi. Một số góc cạnh của bản sắc cá nhân có thể được thay đổi: tên gọi có thể được rút ngắn hoặc chuyển thành biệt hiệu, và người ta có một khoảng tự do để thay đổi tên để tránh quan hệ với một hình ảnh hay nghĩa nào đó. Một người có thể thích được gọi là James hơn Jim, hay Mick hơn là Michael. Sự tự do này hiếm khi biến thành việc đổi tên hoàn toàn, dù luật nói chung cho phép như vậy. Ngoài ra, giới tính và liên hệ cha mẹ còn nhiều khả năng được coi là vĩnh viễn và không đổi hơn. Hai yếu tố đó được coi như là tự nhiên và nét đặc thù bình thường của thế giới. Thay đổi về những bản sắc này nhiều khả năng bị coi là không thể tưởng tượng ra nổi hoặc vô cùng khó khăn, nếu không nói là không thể. Mặc dù có một vài phiên tòa nổi tiếng, con cái vẫn khó gạch tên cha mẹ trong khai sinh dù chuyện từ bỏ cha mẹ vẫn ít nhiều phổ biến. Chỉ một ít trường hợp người ta xét lại bản sắc giới tính của mình, và một số ít hơn nữa đi trị liệu để thay đổi hay điều chỉnh đặc tính giới tính của mình. Những người làm như vậy thường gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục những người khác về bản sắc xã hội mới của mình, và họ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thay đổi một vài góc cạnh trong bản sắc cá nhân. Rất ít nước cho phép họ thay nội dung từng ghi trên khai sinh. John Smith có thể đi giải phẫu giới tính và trở thành Joan Smith nhưng mà trên giấy tờ chính thức vẫn là đàn ông, bất kể dáng vẻ bên ngoài phụ nữ như thế nào đi nữa. Cô ta nhiều khả năng sẽ gặp trở ngại từ những người khác, không muốn công nhận cô thực sự là đàn bà.
Các bản sắc thứ cấp (secondary identities) được thu nhận trong quá trình xã hội hóa thứ hai[5] được xây dựng trên nền tảng những bản sắc sơ cấp. Loại hình bản sắc thứ cấp quan trọng nhất mà con người thu nhận trong xã hội hiện đại là bản sắc nghề nghiệp. Thông qua thị trường lao động và loại hình công việc cụ thể, họ bắt đầu nhìn bản thân như một loại người giữ vai trò nghề nghiệp. Họ mô tả bản thân và được những người khác mô tả như kỹ sư, người làm bánh, bác sĩ, hay nhà xã hội học. Các bản sắc thứ cấp khác cũng quan trọng không kém, mà một số dần trở nên còn quan trọng hơn bản sắc nghề nghiệp. Ví dụ như các bản sắc liên quan đến nhu cầu mua sắm và giải trí đang ngày càng thêm đặc biệt quan trọng. Người ta có thể định nghĩa mình như người sưu tầm đồ cổ, fan hâm mộ bóng đá, kẻ nhiệt thành với opera, người say mê ngựa đua, vân vân.
Cảm giác về bản sắc dân tộc cũng dần hình thành trong nhiều người. Ví dụ như tại Anh quốc và Hoa Kỳ, quốc tịch là bản sắc thứ cấp quan trọng với nhiều thành viên của nhóm đa số da trắng. Với thành viên của các nhóm sắc tộc thiểu số, thì bản sắc sơ cấp của họ về chuyện là người da đen hay gốc Ấn vẫn còn rất nổi trội và các bản sắc đó được củng cố qua hành động của những người đàn áp hay loại trừ họ. Sức kháng cự của các bản sắc sắc tộc đó sẽ thường đối nghịch lại các cố gắng của chính phủ muốn xây dựng một nhận thức chung về công dân dân tộc.
[...] Đa phần các bản sắc thứ cấp - bản sắc nghề nghiệp, giai cấp, chính trị và tôn giáo - thường liên kết với biên giới của một quốc gia dân tộc. Điều đó được xác định rất rõ trong cái bản sắc 'dân tộc' như người Anh, Pháp, Đức, Mỹ, vân vân. Nhưng điều đó có còn đúng trong thời đại toàn cầu hóa? John Urry[6] (2002) đã phát triển ý này thông qua nghiên cứu về du lịch và đi lại. Khi một người định nghĩa mình là 'khách du lịch' thì họ muốn nói lên điều gì? Họ là công dân 'một quốc gia' đang ở trên một nước 'ngoài', hay khách du lịch là một bản sắc biệt lập của toàn cầu hay liên quốc gia?
Du lịch là một hiện tượng đặc biệt của thời hiện đại, tăng trưởng cùng với sự phân biệt giữa 'công việc' và 'giải trí' trong xã hội hiện đại. Các xã hội trước thời hiện đại không hề có phân biệt giữa công việc được trả lương và giờ nghỉ ngơi không được trả lương, cho nên người ta không có khả năng đi lại để hưởng thụ - leisure. Chuyến đi cùng chuyến lưu trú được xây dựng thành một tour hay holiday được đặt vào những chỗ khác chỗ làm việc và sinh sống bình thường, với những lý do không liên quan trực tiếp tới công việc, và trong những khoảng thời gian đặc biệt. Người đi lại trong hoàn cảnh đó nhận vào mình một bản sắc đặc biệt: người du lịch - tourist. Theo Urry, bản sắc du lịch liên quan tới việc chấp nhận khái niệm được gọi là tourist gaze. Người du lịch là người nhìn vào sự vật và nơi chốn trong một cách đặc biệt và khác biệt, không giống với người dân địa phương hay người lao động tại chỗ. Dân du lịch tập trung tới những điểm du lịch - sights, ghi nhận bằng hình ảnh và postcard nhằm mục tiêu sau này sẽ gợi nhớ lại sự kiện này. Tuy nhiên, cái mà người du lịch nhìn thấy không phải là nơi chốn 'thực' (bất kể nó là cái gì), mà chỉ là hình ảnh của nơi chốn được các chuyên gia về du lịch cấu trúc (construct) nên, những người đang ngày càng nhiều quanh ngành công nghệ đi lại và nghỉ ngơi trong thế giới hiện đại.

[...] Đà tăng trưởng toàn cầu về du lịch tạo ra lưu lượng người di chuyển toàn cầu mà chủ yếu là khách du lịch. Thực tế (reality) toàn cầu được xây dựng nên qua các hình ảnh được giới thiệu tại các điểm tập trung du khách. Kết cấu của bản sắc dân tộc cũng - ngày càng tăng - được xây dựng do, và dành cho khách du lịch đến từ bên ngoài quốc gia. Cảm nhận riêng của mỗi người về bản sắc dân tộc thể hiện qua kết cấu của ngành công nghệ du lịch toàn cầu, và dân tộc phải cạnh tranh để thể hiện bộ mặt của mình cùng các biểu diễn nhằm thu hút đám đông du khách. Bản sắc dân tộc không còn gắn liền với cảm nhận về lãnh thổ, mà liên quan nhiều hơn đến cảm nhận về hình ảnh của những nơi chốn cụ thể. Ví dụ như nước Anh tạo dựng hình ảnh quốc tế về lịch sử và di sản dân tộc. Cùng lúc đó, tư tưởng về đi lại và di chuyển trở thành trung tâm trong bản sắc của con người. Họ không còn định nghĩa bản thân đơn giản thông qua nơi chốn họ sống và làm việc, mà còn định nghĩa mình bằng những nơi chốn mà họ có thể đi đến, và cùng đó, tư tưởng về du lịch và di chuyển.

[...] Trong xã hội hiện tại, Beck[1] (1992) cho rằng người ta đang gia tăng ý thức về các mối nguy hiểm mà toàn thể nhân loại đang phải đối mặt, hoạt động trên tầm mức toàn cầu. Ý thức này phần nhiều được dẫn dắt từ các sản phẩm truyền thông. Nguy cơ có thể đến từ thức ăn cải biến gien, công nghệ sản xuất hàng loạt, thay đổi môi trường, v.v. được tường thuật và bàn luật trên báo chí và truyền hình, theo cái cách mà các tường thuật đó được xây dựng để hình thành nên khái niệm của người dân về các nguy cơ và tham gia vào đó. Người đọc và khán giá dễ có cùng cảm nhận về khủng hoảng hay thảm họa, khiến họ rất bất an về số phận của mình và các hoàn cảnh đặc biệt của mình. Cách họ nhìn thế giới như một thế giới nguy hiểm, một thế giới chạy trốn (Giddens[2] 1999) mà họ không thể hoặc ít có thể kiểm soát. Ý thức đó kéo theo cảm giác lo lắng về chuyện họ bị gắn với thế giới này nói chung, hơn là với từng nguy hiểm cụ thể. Điều này từng được Riesman[3] (1961) nhắc rất sớm. [...]

Giddens nhìn quá trình gia tăng sự lo lắng theo như là hệ quả của thời hiện đại về hình thành các bản sắc. Theo đó người ta xử lý tình huống này trong cuộc sống hàng ngày bằng cách 'đóng ngoặc', hoặc không bàn tới những điều không chắc chắn và nguy hiểm trên thế giới. Họ cố xây dựng bản sắc trong cuộc sống xã hội hàng ngày tách rời khỏi các nguy hiểm đó, cho phép họ tiếp tục thực hiện các công việc thường lệ mỗi ngày.

Trong xã hội tiền hiện đại, mô hình thường lệ đó được truyền thống và thói quen truyền lại: người ta chỉ phải ra một vài quyết định hay lựa chọn, và cơ bản có thể dựa vào những cách mà mọi việc vốn vẫn được thực hiện truớ đó. Số phận và sứ mệnh của họ trong cuộc sống đã định hình từ trước, và họ đa phần giữ vai trò thụ động trong thế giới. Đối với các xã hội hiện đại, cùng với mức độ cá nhân cao và sự biến mất của các tư tưởng truyền thống khi đối mặt với khủng hoảng, hay các phản ứng được coi là hợp lý, giờ không còn nữa, và mỗi con người phải tự có quyết định cho riêng mình.

Theo Giddens, xã hội hiện đại phụ thuộc chủ yếu vào văn hóa 'phản thân' - reflexivity, một thứ văn hóa buộc người ta phải liên tục theo dõi, đánh giá và thay đổi hành động của mình tùy thuộc vào các hậu quả có thể gây ra. Cái tôi trong một 'dự án phản thân', tức là cái bản sắc liên tục được tái cấu trúc được chính danh hóa thông qua quá trình xây dựng các narratives phù hợp. Con người bị thúc phải chịu trách nhiệm ra quyết định và xây dựng bản sắc cho riêng mình, và kết cấu nên một "narrative của cái tôi" liên tục thay đổi. Họ trở thành những người mà Bauman[4] (1995) mô tả là 'hành hương': đi qua cuộc đời mình bằng những chọn lựa về sứ mệnh và tái hình thành bản sắc trong lúc đi. Giddens lập luận là ngay cả những cá nhân thành công trong quá trình xã hội hóa cũng có thể đối mặt với nỗi lo sợ kéo các nỗ lực và các cá nhân đó vào tình trạng lo lắng hoang mang thường xuyên về chính bản sắc của mình và vị trí của mình trên thế giới.



[1] Trích từ James Fulcher và John Scott 2003, Sociology, Oxford University Press, trang 127-129 và 154. Đây là sách giáo khoa nhập môn cho ngành xã hội học, dày 933 trang. Đoạn trích dịch là phần nói về bản sắc của con người được hình thành thông qua hai quá trình xã hội hóa - cơ sở (primary) và thứ cấp (secondary). Chữ identity được dịch xen kẽ là bản sắc và căn cước.
[2] Xác định về giới tính của trẻ sơ sinh cũng không hoàn toàn đơn giản, sẽ được đề cập nhiều hơn trong chương 5 của quyển giáo trình.
[3] Richard Jenkins (1996) Social Identities, London: Routledge.
[4] Các bậc phụ huynh có quan tâm đến việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và định hình bản sắc mời đọc thêm nghiên cứu của TS Nguyễn Huy Cẩn 2001, Từ hoạt động đến ngôn ngữ trẻ em, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
[5] Quá trình xã hội hóa cơ sở (primary socialization) được tính là xảy ra trong giai đoạn sơ sinh và thơ ấu, trong hoán cảnh gia đình hoặc một hộ gia đình nhỏ, còn quá trình xã hội hóa thứ cấp (secondary socialization) bắt đầu khi trẻ tiếp xúc bên ngoài gia đính, với các trẻ khác, với giáo viên ở trường, học nhiều kỹ năng xã hội và nhận biết nhiều hơn về vai trò bên ngoài gia đình.
[6] John Urry 2002, The Tourist Gaze, 2nd edition, London: Sage Publications

[1] Beck, U. 1992, Risk society: Toward a New Modernity, SAGE
[2] Giddens, Anthony 1999, Runaway World, Profile Books
[3] Riessman, David 1961, The Lonely Crowd, Yale University Press
[4] Bauman, Zygmunt 1995 Life ub Frafments: Essays in Postmodern Morality, Basil Blackwell

Ngọc Trinh, bà Tưng và 'căn bệnh lệch chuẩn'




Có nhiều tranh luận quanh chuyện Sở GD-ĐT Hải Phòng đưa phát ngôn của người mẫu Ngọc Trinh và cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) vào đề thi học sinh giỏi văn lớp 12. Mới đây, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với giáo viên ra đề, bà N.T.M.L (đề nghị giấu tên) xung quanh vấn đề này.



Các học sinh Trường THPT Ngô Quyền - Hải Phòng tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn vừa qua - Ảnh: Bích Ngọc


Chấp nhận mạo hiểm
Câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi học sinh giỏi văn

Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?". Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh "Bà Tưng") khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền”. (Theo Vietnamnet)
Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ".

Thưa bà, trước nhiều ý kiến trái chiều, bà nhận xét thế nào về cách ra đề thi này?

Tôi trân trọng những ý kiến trái chiều. Đó cũng là những phản biện rất quý giá, chứng tỏ dư luận xã hội vẫn luôn dành cho giáo dục sự quan tâm lớn.

Công bằng mà nói, đề thi năm nay đã cố tình “gài bẫy” thí sinh (cười), cố tình “trói” tư duy của các em lại bằng một đề thi mà bản thân tôi là người ra đề cũng đánh giá là rất “lạ”, có lẽ trong quá trình luyện thi kỹ năng làm bài văn nghị luận xã hội, cả giáo viên hướng dẫn lẫn học trò đều không thể nghĩ ra được tình huống này để “kê tủ” trước. Lúc đó, chỉ những em thực sự giỏi, có tư duy sáng tạo vượt trội, mới có khả năng tự vùng vẫy, tự cởi trói cho chính tư duy của mình, vươn lên để “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Vậy nên tuy nói là “gài bẫy”, “trói” thí sinh, nhưng thực tế đề bài này có tính “mở” rất lớn.

Dù là một đề thi mở nhưng việc bà đưa 2 nhân vật mà dư luận xã hội coi là “lệch chuẩn” vào đề thi có quá mạo hiểm?

Phải nói rằng năm 2013 đã để lại dấu ấn đặc biệt về phong cách ra đề thi mở khi môn văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT đã lấy tấm gương dũng cảm hy sinh cứu người của em Nguyễn Văn Nam làm đề tài cho câu nghị luận xã hội. Đó là một đề văn rất hay, rất ý nghĩa.



Hướng học sinh né tránh các vấn đề gai góc, các nhân vật “lệch chuẩn” trong khi các vấn đề, nhân vật đó vẫn đang hiện hữu trong xã hội sẽ chỉ làm cho học sinh xa rời thực tế cuộc sống, thiếu đi tư duy phản biện xã hội và sự chủ động, sẵn sàng trong cuộc sống sau này


Nhưng có một thực tế mà chúng ta buộc phải nhìn nhận rất thẳng thắn là bên cạnh những tấm gương sáng như em Nam và nhiều người khác, thì trong xã hội này vẫn còn sự hiện diện và lây lan với tốc độ chóng mặt của những nhân vật được cho là “lệch chuẩn”. Trong thời đại bùng nổ về truyền thông đa phương tiện như hiện nay, dù muốn hay không, dù ít hay nhiều, từng ngày, thậm chí từng giờ, các em đều chịu sự tác động của các luồng thông tin về các nhân vật đó. Vậy tại sao chúng ta không dẫn các đối tượng “lệch chuẩn” điển hình đó đến với các em, để các em chủ động trong việc tiếp cận những luồng thông tin đó, chiêm nghiệm để rồi tự chọn lọc và rút ra bài học cho chính bản thân mình?

Hướng học sinh né tránh các vấn đề gai góc, các nhân vật “lệch chuẩn” trong khi các vấn đề, nhân vật đó vẫn đang hiện hữu trong xã hội sẽ chỉ làm cho học sinh xa rời thực tế cuộc sống, thiếu đi tư duy phản biện xã hội và sự chủ động, sẵn sàng trong cuộc sống sau này.

Cũng giống như chúng ta luôn muốn điều tốt đẹp nhất đến với con cái của mình nhưng không thể phủ nhận được là cuộc sống ở ngoài xã hội luôn luôn tồn tại những rủi ro như: tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội... Điều tốt nhất ta làm được là chủ động cho con cái mình tiếp cận sớm những thông tin về những tồn tại này, tác hại của chúng; từ đó trang bị cho chúng kỹ năng để phòng tránh. Như vậy, khi bọn trẻ bước ra khỏi nhà, ta cũng sẽ yên tâm hơn.

Với 2 nhân vật này, dù có thể coi là “mạo hiểm” nhưng tôi hy vọng sẽ góp phần tạo cho các em những “kháng thể” để sau này các em có thể miễn nhiễm được với các “căn bệnh lệch chuẩn” tương tự.

Hy vọng học sinh nhìn cuộc sống bao dung

Đừng để học sinh viết rập khuôn theo bài văn mẫu

Tôi vẫn sẽ tiếp tục thiết kế những đề thi mở, những đề thi rất nhân văn, khơi gợi cá tính và tư duy sáng tạo của học sinh như một đề thi khác mà tôi đã từng ra: “Kính thưa các kỳ nghỉ...”. Tại sao lại là “Kính thưa”? Vì tôi muốn các em hiểu được tầm quan trọng không kém của các kỳ nghỉ này; rằng độ tuổi của các em bên cạnh việc học vẫn nên dành thời gian để vui chơi và thư giãn; rằng vì đâu đó, ở nơi nào đó, vẫn còn có những tiết học buồn tẻ và không hiệu quả...

Đừng để học sinh giỏi văn luôn đắm chìm vào cách tư duy truyền thống, nói theo cách nói của người lớn và viết rập khuôn những bài văn mẫu. Lúc đó, có khi chúng ta phải mang ba rem chấm toán ra để cho điểm các bài văn này...

Nhưng có ý kiến cho là khiên cưỡng và không cân xứng khi đặt vấn đề “tiến bộ xã hội” bên cạnh “ước mơ đại gia” của các nhân vật đề cập trong đề thi?

Ước mơ về một cuộc sống an nhàn, sung túc, giàu có trên thực tế là ước mơ phổ biến của con người và cũng là của rất nhiều cô gái trẻ hiện nay. Nhưng thực tế cuộc sống từ trước tới giờ cũng chứng minh một điều: cuộc sống sung túc và có được sự tôn trọng bền vững của xã hội chỉ có được khi bản thân mỗi người biết phấn đấu, lao động chăm chỉ. Điều đó không loại trừ một ai, kể cả với phụ nữ vốn được coi là phái yếu hơn và luôn cần được che chở.

Trong khi đó, khái niệm tiến bộ xã hội là một khái niệm rất rộng lớn, nó bao gồm cả sự công bằng, bình đẳng giới. Và khi xã hội ngày càng tiến bộ, phụ nữ sẽ được giải phóng năng lượng của bản thân nhiều hơn; có nhiều điều kiện hơn để có thể tự mình trở thành “đại gia” của chính mình, tự tạo cho mình cuộc sống sung túc. Tóm lại, tiến bộ xã hội sẽ không có chỗ cho những “ước mơ đại gia” như trên nữa.

Như vậy, việc đưa hai nhân vật “lệch chuẩn” vào đề thực chất chỉ là cái cớ. Việc đặt 2 vế trên cạnh nhau mới chính là vấn đề xã hội để các em thực hiện nghị luận.

Là tác giả đề thi này, bà mong đợi sẽ nhận được những bài thi như thế nào?

Tôi trông đợi những bài thi có quan điểm yêu ghét rõ ràng với tư duy mạch lạc. Nhưng tôi khát khao hơn nữa những bài thi thể hiện được sự bình tĩnh và điềm đạm trước các hiện tượng xã hội được coi là “lệch chuẩn”: không hằn học mà cũng không quá bàng quan. Vì dù quan điểm của các em có thái quá đến đâu, các hiện tượng trên vẫn còn tồn tại như nó vẫn đang hiện hữu, với ai đó và ở đâu đó ngoài xã hội. Nếu được, tôi hy vọng các em nên nhìn cuộc sống một cách bao dung với tất cả những thứ nó vốn có. Và tôi tin là kỳ thi này sẽ có được bài thi như thế.
Bích Ngọc (thực hiện)

Một bản tin


Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên


1 Email mà Khang gửi cho vợ vào thứ hai tuần này cắt dán nguyên văn một bản tin trên online. Nội dung như sau:






Kinh hoàng vụ giết chồng rồi luộc xác

Một phụ nữ ở Trung Quốc đã giết chết chồng rồi luộc xác anh này để che đậy chứng cứ.

Người phụ nữ đã bỏ thuốc mê rồi trói ông chồng (chồng thứ hai) trong căn nhà ở thành phố Lục An (tỉnh An Huy), và đánh đập, bỏ đói ông trong suốt ba ngày hồi tháng 6, khiến ông chồng thiệt mạng, theo trang tin Anhui News (Trung Quốc) ngày 1.9.

Kinh hoàng hơn, sau đó, người phụ nữ cưa xác ông chồng, luộc trong nồi áp suất, nhằm che giấu chứng cứ phạm tội.

Cảnh sát không công bố chi tiết người phụ nữ đã làm gì với phần thi thể bị luộc của ông chồng.

Người phụ nữ do bị ám ảnh sau khi giết chồng nên đã sụt 6,3 kg, cuối cùng ra đầu thú. Người phụ nữ khai nhận với cảnh sát rằng bà và đứa con gái thường xuyên bị người chồng đánh đập nên mới ra tay giết chồng.

Trang tin China.org.cn của Trung Quốc dẫn kết quả khảo sát công bố hồi tháng 1 cho biết hơn phân nửa trên tổng số 2.000 người đàn ông Trung Quốc (tham gia khảo sát) thừa nhận họ đã đánh đập, hành hung vợ hoặc bạn gái.

Hạnh, vợ Khang nhận được email vào lúc 10 giờ.

Khi đó cô ở công ty, đang soạn bản hợp đồng cho dự án mới. Nhìn thấy email chồng với phần subject (chủ đề) là một câu hỏi có vẻ nghiêm trọng: “Một ngày nào đó liệu em có làm thế với anh không?”, cô đã tranh thủ đọc.

Và đó là bản tin khiến cô bị choáng ba phút.

Hoàng, đồng nghiệp, ngồi bên cạnh nhìn thấy mặt mũi Hạnh tím ngơ tím ngắt, quở: “Em có sao không?”. Không thấy Hạnh trả lời, anh lại hỏi thêm: “Có sao không cô Hạnh, nếu mệt thì nên nghỉ một lúc để tôi phụ soạn bản hợp đồng cho?”. Nhưng Hạnh vẫn không trả lời. Môi cô chuyển sang bợt bạt. Khuôn mặt đổi sắc tái nhợt. Và mắt nhìn đờ đẫn ra phía khung cửa sổ.

Ba phút trôi qua.

Việc đầu tiên mà cô định làm ngay, đó là lấy điện thoại gọi cho Khang. Và câu đầu tiên cô sẽ hỏi đó là: “Anh nghĩ sao lại hỏi em câu đó?”. Nhưng khi cầm điện thoại lên, mở danh bạ vào Chồng Yêu, thì cô lại ngập ngừng. Rất có thể đây là một trò đùa của Khang. Cũng rất có thể đó là một cách chia sẻ thông tin theo cách của anh, trong một lúc không suy tính kỹ hiệu ứng mà bản tin mang lại. Hạnh nghĩ. Hạnh sợ sự căng thẳng của mình khiến mọi việc thêm rắc rối. Cô đặt mobile xuống bàn. Rồi lại nhấc nó lên. Rồi lại mở danh bạ. Mục số của Chồng Yêu nhập nhòe trước mắt.

Cuối cùng, cô quyết định bấm nút tắt nguồn để không bận tâm đến nó nữa.

Trong khi đó, Hoàng vội vàng chạy ra bên ngoài rót một ly nước mát đặt bên cạnh Hạnh: “Cô Hạnh uống đi cho tỉnh người”. Hạnh nhìn nụ cười hiền lành chu đáo trên khuôn mặt người đàn ông trung niên độc thân duy nhất trong phòng (thực ra thì mới ly dị vợ chừng ba năm nay), người phụ nữ nhạy cảm trong cô bất giác cảm nhận có một điều gì đó khác thường mà từ bấy lâu cô không mảy may chú ý. “Cám ơn anh Hoàng” - cô gật đầu. “Mệt cứ nói tôi phụ cho. Đừng ráng mà bệnh. Mấy cái hợp đồng thời khó khăn ngày càng rầy rà, đủ thứ điều khoản tính toán được thua, ràng buộc nọ kia nhức cả óc” - Hoàng nói. “Dạ, không sao đâu. Ổn mà anh” - Hạnh nói cho qua chuyện nhưng thực ra thâm tâm cô thấy dễ chịu hơn bởi sự ân cần quan tâm của đồng nghiệp.

Trưa. Hoàng mời Hạnh ăn cơm ở quán văn phòng gần công ty. Hạnh nhận lời. Cô muốn cái mẩu tin giật gân rùng rợn sáng nay Khang gửi không còn bám riết ám ảnh tâm trí mình. Cô muốn câu hỏi của Khang sẽ bị vùi xuống dưới những cảm xúc khác trong ngày. Hoàng gọi cơm cá lóc kho tộ. Còn Hạnh, gọi thịt bò xào chua ngọt.

Ở một góc quán tương đối riêng tư, họ ăn và nói chuyện công việc.

Tháng chạp đang trôi ngoài cửa sổ.

2 Ở công ty, Khang là người trầm tính. Anh ít cởi mở với các đồng nghiệp. Như một công chức mẫn cán, anh đến cơ quan sớm hơn giờ quy định năm phút và đóng máy tính để rời cơ quan lúc mười sáu giờ ba mươi bốn phút, sớm hơn thời gian quy định một phút. Ba năm nay đều như thế. Sự đúng giờ, tuân thủ kỷ luật của anh được bà sếp lấy ra làm biểu dương nhiều lần trong các cuộc họp. Và anh là một chiếc đồng hồ chính xác đến từng giây, để các đồng nghiệp khác trong phòng noi vào đó mà biết chuyện giờ giấc nội quy.

Trên bàn làm việc của Khang có một danh sách những đường link giải trí, từ âm nhạc, phim ảnh trực tuyến, diễn đàn xe máy cổ... nhưng anh thường vào nhất vẫn là trang Tâm sự trên VnExpress. Anh cài trang này làm trang chủ. Update liên tục. Vừa ân ái với tôi xong, em “à ơi” với người khác, Bạn gái nói dối vẫn còn trinh trắng, Người yêu đẹp trai lợi dụng tôi trong 5 năm sống thử, Chồng lén cưới thêm vợ khi tôi đang mang bầu, Chồng liên tục quan hệ với các chị nhiều hơn tuổi, Trái tim em đóng băng sau ngày anh ra đi, Em là con mồi tự nguyện... Những bài viết về các bí mật gia đình, yêu đương nhăng nhít đôi khi rất nhảm nhưng nó thành công, ít ra gợi sự tò mò với Khang. Rất ít trong số đó thực sự hữu ích. Nhưng phải thừa nhận là chúng có tính giải trí cao. Chúng đem lại niềm vui thầm kín cho anh như sự lợi hại của kẻ lắm điều đối với người mê hóng chuyện.

Mỗi buổi thì anh chỉ đứng lên rời máy tính hai lần để uống nước và để vươn mình, quơ quơ tay cho người đỡ ù lì.

3 Cuộc hôn nhân của họ nói chung là hạnh phúc khi đều đặn hằng tuần, anh chồng vẫn gửi cho cô vợ một đường link hay, thường là các câu chuyện nghệ thuật sống, kỹ năng sống để đạt hạnh phúc. Và đáp lại, chị vợ luôn reply (phản hồi) ngay sau vài phút, rằng: “Hay quá anh yêu. Cám ơn anh. Hôn anh”.

4 Ở phòng thụ tinh nhân tạo, bác sĩ, một phụ nữ cao ráo và có khuôn mặt nhân từ trong sáng như ma sơ hỏi anh có cần đến phim không, anh ngường ngượng đáp: “Dạ để em thử”. Bà bác sĩ đưa một cái lọ rồi kêu anh nằm sẵn lên giường.

Đoạn phim của Maria Ozawa kích động mạnh đến mức, chỉ mất ba phút, anh đã gọi bác sĩ lấy mẫu.

Vào giờ phút đó, anh ngồi thẫn thờ nghĩ về những con tinh trùng đã được đưa vào ống nghiệm và sẽ cấy vào tử cung vợ. Chúng có khác gì so với những con bị gạt ra khỏi ống nghiệm và chết khô trên chiếc quần sịp như một vệt nhớt đang khô từ từ. Điều gì khiến chúng may mắn được thụ tinh? Có ai dám chắc rằng những con được đưa vào ống nghiệm có phẩm chất tốt hơn những con bị chết khô kia? Hay là chúng đồng dạng cả và chẳng mảy may có tí chút cá nhân nào vượt trội hay kém cỏi và với chúng, để sống hay để chết đều mang tính đại diện, đồng dạng.

Bác sĩ lay lay vai anh và đặt vào tay anh một hộp sữa tươi. “Trông anh rất xanh xao và bần thần” - bà quở, rồi chuyển sang liệu pháp tâm lý: “Cố gắng lên. Trong chuyện này vừa lao tâm vừa lao lực. Và nhất là phải kiên nhẫn. Nhiều người vào ra coi hết cả tủ phim của tui mấy năm trời mà vẫn không có kết quả, nhưng họ không bỏ cuộc”.

Nhưng anh là người may mắn. Lũ tinh trùng sống sót trong ống nghiệm đã làm một cuộc phiêu lưu thành công.

5 Năm đó, vợ anh có thai. Nhưng lúc ông bố tương lai chưa kịp khóc vì sung sướng thì bác sĩ nói khẽ vào tai anh: “Nếu để như vầy thì có bốn em bé cùng chào đời một lúc”. “Là sao bác sĩ?” - anh lồng lên. “Bình tĩnh. Phải rất bình tĩnh. Vì anh là người quyết định, chứ không phải vợ anh. Nếu anh quá dao động tinh thần, thì sẽ ảnh hưởng đến cô ấy, và tất nhiên, sẽ ảnh hưởng đến cái thai”.

Đến đây, người Khang chùng xuống như một quả bóng xì hơi. Giọng chuyển sang khẩn thiết: “Vậy phải làm sao bác sĩ?”. Vừa nói, anh vừa vươn cái nhìn đầy kêu cứu đến bà bác sĩ như một tín đồ tuyệt vọng vươn đôi mắt lên vị bồ tát nhân từ. “Nếu anh đồng ý, chúng ta sẽ phải đi bước tiếp theo, đó là loại bỏ bớt số phôi được thụ tinh thành công trong tử cung người mẹ. Đó là điều nên làm, vì thể trạng chị nhà rất yếu”. Anh nói: “Loại bỏ bằng cách nào?”. Khuôn mặt nửa ma sơ nửa bồ tát cúi xuống anh: “Bắn chết và đưa ra ngoài một cách an toàn”. “Nhưng nó có ảnh hưởng những đứa còn lại không? Và làm sao để vợ không biết chuyện đó?” - Khang bàng hoàng. Và bây giờ, một bí mật được thiết lập trong phi vụ giết phôi trong tử cung người mẹ. “Không. Đảm bảo cô ấy sẽ không hề hay biết gì trong việc loại bớt những đứa trẻ bên trong tử cung mình. Chúng tôi có cách nói để cô ấy vẫn nghĩ rằng, đó chỉ là một quá trình chọc hút kiểm tra độ bám của phôi. Trước giờ, chúng tôi vẫn làm vậy với các cặp vô sinh được thụ tinh nhân tạo không kiểm soát được mức độ thành công”. Giọng bà bác sĩ lạnh lùng.

“Vợ anh cũng không phải cá biệt phải chọn lựa - bà nói thêm - Chúng tôi sẽ chọn để lại cái phôi khỏe mạnh. Còn lại thì, nên xử lý trước khi chúng quá lớn. Chúng tôi đã tư vấn hết trách nhiệm, anh cứ suy nghĩ giúp cho, rốt cuộc thì anh muốn để lại bao nhiêu em bé?”.

“Dạ, hai” - Khang nói mà không để kéo dài thêm giây phút nào. Vì anh biết, mỗi giây phút để nghĩ về vấn đề này sẽ là một thiên niên kỷ sống trong địa ngục của sự giày vò.

Máu.

Máu ướt thấm qua quần lót rồi xuyên qua lớp vải đầm bầu, dính sủi lênh láng trên yên xe. Vợ Khang bấu vào vai anh như sắp tuột xuống xe: “Dừng lại anh”. Khang phanh gấp. Hạnh ôm bụng nằm xuống gốc cây ở vỉa hè. Rất nhiều người đi đường hiếu kỳ dừng tấp xe vô lề đưa mắt ngó. Khang hốt hoảng, mặt trắng bệch: “Sao vậy em? Có sao không em?”. Nhân trung Hạnh xanh xám: “Gọi taxi đi anh”.

“Động thai rồi. Rất khó để giữ. Tôi đã nói rồi. Phải nằm treo chân lên một thời gian cho ổn đã rồi hãy ra ngoài”. Nữ bác sĩ nói.

Khang lau khô nước mắt trên khuôn mặt vợ trước khi cô được chuyển sang phòng hồi sức cấp cứu.

Bên ngoài, mưa bụi lấm tấm. Nhiều người đi lại vội vã trong mưa như một đoạn phim tua nhanh trên chiếc màn hình lớn có gam màu xanh lá của khung cửa kiếng bệnh viện.

Giờ phút anh chờ một tiếng khóc vỡ ra còn chưa đến.

Anh hy vọng đó là ngày hạnh phúc, chấm dứt quãng thời gian sống trong day dứt, rằng, chính mình, chứ không ai khác, đã gián tiếp giết chết hai cái phôi người do chính mình tạo ra. Một vụ án mạng để lại hai nấm mồ trong bụng Hạnh. Anh không thấy ở đó sự cựa quậy của hai sự sống mới sẽ chào đời, mà chỉ thấy sự vùng vẫy tuyệt vọng trong nấm mồ của hai thi thể đang lớn dần lên, chống lại anh, đe dọa anh. Chúng muốn xé toạc lớp da bụng của người mẹ vô tâm để vạch mặt kẻ sát nhân – người cha tàn nhẫn của chúng đang khoác bộ mặt hạnh phúc và dằn vặt. Chúng sẽ gào khóc và nói với anh rằng, tại sao cha không chọn chúng con trong khi chính cha đã tạo ra chúng con. Và anh làm sao giải thích cho chúng hiểu rằng, những gì anh làm là vì chất lượng sống của anh em chúng và sự an nguy của tính mạng mẹ chúng. Chúng sẽ tiếp tục truy vấn anh đến tận cùng, vậy thì cha tạo ra chúng con để làm gì? Không lẽ chỉ là một sơ suất thiếu kiểm soát sau một cuộc kích thích thủ dâm và trao phó mọi thứ cho y học? Anh sẽ ôm đầu, bứt tóc và van xin chúng đừng hỏi cha nữa, cha làm sao có thể trả lời được chuyện này, cũng như không bao giờ trả lời thấu đáo việc những tinh trùng chết khô trên chiếc quần sịp với những con bỏ mạng trên đường tiến đến tử cung. Cha không kiểm soát được vào cuộc sống tự nhiên do chính cha tạo ra. Đó là một cuộc vận động bí ẩn. Nhưng cha đã đồng ý cho họ bắn chết chúng con khi mầm sống chúng con đang được hình thành. Chúng sẽ nói như thế để đẩy anh vào chân tường. Và bây giờ thì anh sẽ khóc. Như một bị cáo đuối lý trước tòa, anh sẽ chỉ biết ngồi chờ bản án. Bản án ấy âm thầm được tuyên qua sự lớn lên của cái nấm mồ trên bụng vợ anh, chúng quấy phá cái cơ thể xanh xao phù thũng nặng nề của cô ta.

Nhiều lần vợ anh hỏi vì sao anh khóc. Anh nói, là vì anh không kiềm chế được hạnh phúc.

6 “Cám ơn anh yêu”. Cô gõ. Và nhấn Send.

7 Khang chuyển sang luyện truyện chưởng. Đó là giải pháp để đốt cháy thời gian và xóa đi những ý nghĩ trầm trọng trong đầu. Khang thích các nhân vật chỉ biết hành động và cuộc sống có sẵn các khuôn mẫu giá trị đúng sai cụ thể, vừa tiện cho kẻ tiểu nhân lại vừa đỡ mất thì giờ mệt óc cho bọn quân tử.

Vợ thấy chồng rảnh rỗi, suốt ngày ôm sách luyện chưởng, đã ném chuyện bài vở của hai đứa nhỏ cho Khang. Đó, anh lo cho tụi nó học luôn đi. Tụi nó theo anh chứ đâu có theo em. Cứ như cái nhà này là thế giới của ba thằng đàn ông, không có phụ nữ cũng chẳng sao. Này nhé, thử mà coi, vắng anh cái là nhao nhao cả lên. Đúng là cha nào con đó.

Khanh biết vợ mắng yêu và mục đích cuối cùng là đùn đẩy phần trách nhiệm cho mình.

Anh cười ngờ nghệch như Quách Tĩnh. Thôi được. Nhưng tụi nó ngủ, em phải để cho anh được yên. Anh cần có thế giới của anh. Khanh giao kèo.

OK. Thì anh muốn làm gì cứ làm. Vợ anh nói dỗi.

Trong khi đó, hai đứa con trai ngồi vào bàn, đánh nhau khóc chí chóe. Vậy đó. Bọn nó cùng sống sót trong cuộc chọn lọc sinh tồn để cùng bước vào đời sống này. Vậy mà hở chút là giành giật, gây gổ, đánh đấm nhau suốt. Cái nhà từ hồi có hai đứa nó, chẳng bao giờ được yên.

Khanh sẽ gấp cuốn Anh hùng xạ điêu lại. Ngồi vào bàn với chúng. Và làm trọng tài cho màn tranh luận có nguy cơ dẫn tới cuộc đụng độ xô xát u đầu mẻ trán. Một đứa nói chúng ta được loài cá khổng lồ đẻ ra, còn đứa kia nhất quyết không chịu, bảo không, chúng ta được đẻ ra từ siêu nhân. Khanh đóng vai nhà khoa học tiến hóa. Anh phân xử công bằng để hai đứa yên tâm đi vào nội dung bài tập chữ cái: các con đều đúng và cũng đều sai. Các con được sinh ra từ loài cá – siêu - nhân. Một khái niệm mới khiến bọn trẻ há hốc mồm chờ diễn giải. Và bất ngờ, Khang hiện thực hóa rất trực quan sinh động: loài cá siêu nhân đó, ở đây nè các con: anh mở điện thoại và tìm cái hình chụp bụng bầu của vợ. Đó, hai đứa thấy chưa. Cái bụng con cá siêu nhân đây. Thiệt là dữ dằn. Bây giờ thì học bài.

Viết đi, a, chữ a có là cái bụng tròn mọc ra cái tay vẫy vẫy.

Đó, đúng rồi.

8 Mọi chuyện sẽ chẳng có gì trầm trọng lắm nếu đúng cái ngày đó, Khang không vào quán cơm văn phòng gần cơ quan Hạnh. Khang nhìn thấy Hoàng gắp thức ăn cho Hạnh. Họ nói chuyện cởi mở và thân thiết. Hạnh vẫn vậy, cô có thói quen khi nói chuyện thì miệng liền tay, tay liền chân, đôi khi cô như thể không kìm được cái cảm xúc biểu đạt quá trớn. Lần này thì cô vỗ vai Hoàng, đá chân Hoàng và cầm muỗng nĩa gí vào mặt Hoàng. Khang đứng như trời trồng một lúc. Rồi ngồi vào góc quán, gọi cơm. Khang lấy điện thoại trong túi quần, nhí nhoáy nhắn tin rủ Huyền, cô đồng nghiệp vừa ly dị chồng đi ăn. Năm phút sau, Huyền đến. Anh chủ động ngồi sát Huyền cố tình để cho vợ mình ngó thấy. Ban đầu Huyền thẹn thùng, có chút e dè. Càng về sau, cô càng tự nhiên để cho Khang tiến đến sát mình. Họ ngồi trên cùng một chiếc ghế sofa và gắp cơm, rau, múc canh cho nhau.

9 Họ không nói với nhau về bữa cơm mà họ bắt gặp chồng, vợ mình đang ngồi cùng đồng nghiệp. Họ nhã nhặn chào nhau khi bắt gặp. Hoàng bắt tay Khang. Còn Huyền bắt tay Hạnh. Tất cả đều tỏ ra vui vẻ và thoải mái. Nếu có gặp chuyện đó hàng chục lần nữa trong đời, người này biết rằng người kia sẽ không phản ứng gì thái quá. Và cả hai cũng biết rằng, mình sẽ chẳng đủ xốc nổi để làm gì thái quá.

Trong email, Khang cắt dán bản tin về vụ án người vợ giết chồng thật man rợ. “Cám ơn anh yêu” - Hạnh quyết định trả lời vắn gọn như thế và không đi vào nội dung câu hỏi trên subject - “Một ngày nào đó liệu em có làm thế với anh không?”.

Cho nó nhẹ lòng.

Người dân và chuyện xã hội

TTCT - Cả tuần trước, rất nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ trước một chiêu thức câu khách của một tờ báo mạng. Tờ báo này đưa tin “Rùng mình vì Lê Khánh bị tạt axit nát nửa mặt” với những câu mở đầu y như thật:

“Nữ diễn viên Lê Khánh xinh đẹp bị chính mẹ đẻ tạt axit hủy hoại nhan sắc khiến người hâm mộ rùng mình”... Chỉ đến khi đọc đến một nửa tin, xem nhiều hình ảnh ghê rợn, người ta mới biết đây chỉ là một vai diễn mới của Lê Khánh.







Người đọc tức giận, mách bạn bè về tin này. Đến lượt họ, tức thì tức nhưng ai nấy đều nhấn vào đường dẫn để đọc tin cho thỏa óc tò mò. Thỏa óc tò mò xong lại tức nên chia sẻ cảm giác bị lừa trên các mạng xã hội, kèm theo đường dẫn đến tin. Thế là một mẩu tin cố tình sai lệch đã lan tỏa như đám cháy rừng.

Có lẽ bản thân tờ báo này cũng không muốn sử dụng thủ thuật câu khách như thế này đâu, nhưng vì hiện nay khách hàng quảng cáo đang bị chi phối bởi số lượng người vào xem, họ nghĩ càng nhiều người xem, quảng cáo của họ càng có cơ may được chú ý đến.

Thế là các báo nghĩ đủ trò, đủ kiểu, càng gây sốc chừng nào càng tốt, miễn sao cái cuối cùng là “lượng người ghé vào xem” vì tình hình làm ăn nói chung đang rất khó khăn. Loại ví dụ về chuyện câu khách bị phản ứng như trên nhiều vô kể, hầu như ngày nào cũng thấy một vài vụ.

Giả thử bây giờ nhà quảng cáo quyết định quảng cáo ở các tờ báo điện tử, nhưng chọn tờ nào thì không dựa vào “lượng người xem” nữa mà dựa vào một số yếu tố khác, ví dụ xếp hạng, đánh giá tin bài thì sao nhỉ?

Ngay lập tức, các loại tin giật gân câu khách bằng sex, xìcăngđan, chuyện hậu trường nhảm nhí của các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, thời trang sẽ giảm hẳn (cứ hi vọng là thế). Thị trường báo điện tử bỗng chốc sạch sẽ hẳn lên. Ai lại không muốn một phép lạ như thế?

Muốn vậy phải có ít nhất hai giả định. Giả thử các công ty quảng cáo ngồi lại với nhau, cùng đồng lòng không dùng “lượng người xem” như yếu tố quyết định đặt chỗ quảng cáo nữa. Giả thử tiếp là các tờ báo điện tử ngồi lại với nhau ra quy ước, dưới mỗi tin bài sẽ thiết kế một nút tương tự nút “like” trên Facebook, có thể gọi bằng một cái tên Việt hóa nào đó và để độc giả đánh giá tin bài họ thích, lấy đó làm tiêu chí mới cho nhà quảng cáo chọn lựa.

Đối chiếu với tâm lý hiện nay, dù vào đọc tin bài nhảm nhí nhưng không ai thích cả, thậm chí còn “ném đá” trên mạng xã hội thì có thể tin rằng họ sẽ dùng nút “thích” để bình chọn cho tin bài hữu ích với họ chứ không phải loại tin bài họ vào xem vì tò mò, vì muốn biết trình độ câu khách của báo đến đâu!

Vậy là một vấn nạn của báo chí sẽ có thể được giải quyết.

Nhưng thật ra sự đời đâu có đơn giản như thế. Trước tiên phải khẳng định trong câu chuyện này vai trò can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước là hầu như không thể có. Không thể kêu gọi hay trông chờ Nhà nước có những quy định buộc dưới bài báo phải có nút “thích”, điều này là chắc chắn và cũng là chuyện hợp lý.

Ngược lại, vai trò của các hội đoàn là rất lớn nếu không muốn nói là quyết định. Hội nhà báo, Hiệp hội quảng cáo... chính là nơi phải khởi xướng những thay đổi một khi xã hội đặt ra những vấn đề cần giải quyết nhưng chưa tới mức cần sự can thiệp của Nhà nước. Các công ty quảng cáo không thể tự dưng ngồi lại với nhau, các tờ báo điện tử cũng không bỗng nhiên ngồi xuống bàn chuyện lấy lại uy tín đang bị xuống thấp.

Từ đó mới thấy vai trò của các hội đoàn vừa hỗ trợ việc quản lý xã hội, giúp cho Nhà nước một tay, vừa là tấm gương phản chiếu lương tâm xã hội để khuyến khích điều đúng, ngăn chặn điều sai.

Việc đánh giá xếp hạng phim ảnh, sách báo, việc duy trì đạo đức nghề nghiệp trong các giới như luật sư, bác sĩ… đều đi theo con đường này cả. Cái đó gọi là người dân chung tay giải quyết các vấn đề của xã hội. Một chuyện rất bình thường ở các nước.

NGUYỄN VẠN PHÚ

KHÔNG ĐỀ GỬI MÙA ĐÔNG



Thơ : Thảo Phương
Tên bài hát : Nỗi nhớ mùa đông

Ca sĩ: Lệ Quyên


Dường như ai đi ngang cửa
Hay là ngọn gió mải chơi

Chút nắng vàng thu se nhẹ
Chiều nay -
Cũng bỏ ta rồi

Làm sao về được mùa đông
Chiều thu - cây cầu
Đã gãy...

Lá vàng chìm bến thời gian
Đàn cá - im lìm - không quẫy

Ừ, thôi...
Mình ra khép cửa -
Vờ như mùa đông đang về