Có nhiều tranh luận quanh chuyện Sở GD-ĐT Hải Phòng đưa phát ngôn của người mẫu Ngọc Trinh và cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) vào đề thi học sinh giỏi văn lớp 12. Mới đây, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với giáo viên ra đề, bà N.T.M.L (đề nghị giấu tên) xung quanh vấn đề này.
Các học sinh Trường THPT Ngô Quyền - Hải Phòng tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn vừa qua - Ảnh: Bích Ngọc
Chấp nhận mạo hiểm
Câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi học sinh giỏi văn
Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?". Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh "Bà Tưng") khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền”. (Theo Vietnamnet)
Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ".
Thưa bà, trước nhiều ý kiến trái chiều, bà nhận xét thế nào về cách ra đề thi này?
Tôi trân trọng những ý kiến trái chiều. Đó cũng là những phản biện rất quý giá, chứng tỏ dư luận xã hội vẫn luôn dành cho giáo dục sự quan tâm lớn.
Công bằng mà nói, đề thi năm nay đã cố tình “gài bẫy” thí sinh (cười), cố tình “trói” tư duy của các em lại bằng một đề thi mà bản thân tôi là người ra đề cũng đánh giá là rất “lạ”, có lẽ trong quá trình luyện thi kỹ năng làm bài văn nghị luận xã hội, cả giáo viên hướng dẫn lẫn học trò đều không thể nghĩ ra được tình huống này để “kê tủ” trước. Lúc đó, chỉ những em thực sự giỏi, có tư duy sáng tạo vượt trội, mới có khả năng tự vùng vẫy, tự cởi trói cho chính tư duy của mình, vươn lên để “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Vậy nên tuy nói là “gài bẫy”, “trói” thí sinh, nhưng thực tế đề bài này có tính “mở” rất lớn.
Dù là một đề thi mở nhưng việc bà đưa 2 nhân vật mà dư luận xã hội coi là “lệch chuẩn” vào đề thi có quá mạo hiểm?
Phải nói rằng năm 2013 đã để lại dấu ấn đặc biệt về phong cách ra đề thi mở khi môn văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT đã lấy tấm gương dũng cảm hy sinh cứu người của em Nguyễn Văn Nam làm đề tài cho câu nghị luận xã hội. Đó là một đề văn rất hay, rất ý nghĩa.
Hướng học sinh né tránh các vấn đề gai góc, các nhân vật “lệch chuẩn” trong khi các vấn đề, nhân vật đó vẫn đang hiện hữu trong xã hội sẽ chỉ làm cho học sinh xa rời thực tế cuộc sống, thiếu đi tư duy phản biện xã hội và sự chủ động, sẵn sàng trong cuộc sống sau này
Nhưng có một thực tế mà chúng ta buộc phải nhìn nhận rất thẳng thắn là bên cạnh những tấm gương sáng như em Nam và nhiều người khác, thì trong xã hội này vẫn còn sự hiện diện và lây lan với tốc độ chóng mặt của những nhân vật được cho là “lệch chuẩn”. Trong thời đại bùng nổ về truyền thông đa phương tiện như hiện nay, dù muốn hay không, dù ít hay nhiều, từng ngày, thậm chí từng giờ, các em đều chịu sự tác động của các luồng thông tin về các nhân vật đó. Vậy tại sao chúng ta không dẫn các đối tượng “lệch chuẩn” điển hình đó đến với các em, để các em chủ động trong việc tiếp cận những luồng thông tin đó, chiêm nghiệm để rồi tự chọn lọc và rút ra bài học cho chính bản thân mình?
Hướng học sinh né tránh các vấn đề gai góc, các nhân vật “lệch chuẩn” trong khi các vấn đề, nhân vật đó vẫn đang hiện hữu trong xã hội sẽ chỉ làm cho học sinh xa rời thực tế cuộc sống, thiếu đi tư duy phản biện xã hội và sự chủ động, sẵn sàng trong cuộc sống sau này.
Cũng giống như chúng ta luôn muốn điều tốt đẹp nhất đến với con cái của mình nhưng không thể phủ nhận được là cuộc sống ở ngoài xã hội luôn luôn tồn tại những rủi ro như: tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội... Điều tốt nhất ta làm được là chủ động cho con cái mình tiếp cận sớm những thông tin về những tồn tại này, tác hại của chúng; từ đó trang bị cho chúng kỹ năng để phòng tránh. Như vậy, khi bọn trẻ bước ra khỏi nhà, ta cũng sẽ yên tâm hơn.
Với 2 nhân vật này, dù có thể coi là “mạo hiểm” nhưng tôi hy vọng sẽ góp phần tạo cho các em những “kháng thể” để sau này các em có thể miễn nhiễm được với các “căn bệnh lệch chuẩn” tương tự.
Hy vọng học sinh nhìn cuộc sống bao dung
Đừng để học sinh viết rập khuôn theo bài văn mẫu
Tôi vẫn sẽ tiếp tục thiết kế những đề thi mở, những đề thi rất nhân văn, khơi gợi cá tính và tư duy sáng tạo của học sinh như một đề thi khác mà tôi đã từng ra: “Kính thưa các kỳ nghỉ...”. Tại sao lại là “Kính thưa”? Vì tôi muốn các em hiểu được tầm quan trọng không kém của các kỳ nghỉ này; rằng độ tuổi của các em bên cạnh việc học vẫn nên dành thời gian để vui chơi và thư giãn; rằng vì đâu đó, ở nơi nào đó, vẫn còn có những tiết học buồn tẻ và không hiệu quả...
Đừng để học sinh giỏi văn luôn đắm chìm vào cách tư duy truyền thống, nói theo cách nói của người lớn và viết rập khuôn những bài văn mẫu. Lúc đó, có khi chúng ta phải mang ba rem chấm toán ra để cho điểm các bài văn này...
Nhưng có ý kiến cho là khiên cưỡng và không cân xứng khi đặt vấn đề “tiến bộ xã hội” bên cạnh “ước mơ đại gia” của các nhân vật đề cập trong đề thi?
Ước mơ về một cuộc sống an nhàn, sung túc, giàu có trên thực tế là ước mơ phổ biến của con người và cũng là của rất nhiều cô gái trẻ hiện nay. Nhưng thực tế cuộc sống từ trước tới giờ cũng chứng minh một điều: cuộc sống sung túc và có được sự tôn trọng bền vững của xã hội chỉ có được khi bản thân mỗi người biết phấn đấu, lao động chăm chỉ. Điều đó không loại trừ một ai, kể cả với phụ nữ vốn được coi là phái yếu hơn và luôn cần được che chở.
Trong khi đó, khái niệm tiến bộ xã hội là một khái niệm rất rộng lớn, nó bao gồm cả sự công bằng, bình đẳng giới. Và khi xã hội ngày càng tiến bộ, phụ nữ sẽ được giải phóng năng lượng của bản thân nhiều hơn; có nhiều điều kiện hơn để có thể tự mình trở thành “đại gia” của chính mình, tự tạo cho mình cuộc sống sung túc. Tóm lại, tiến bộ xã hội sẽ không có chỗ cho những “ước mơ đại gia” như trên nữa.
Như vậy, việc đưa hai nhân vật “lệch chuẩn” vào đề thực chất chỉ là cái cớ. Việc đặt 2 vế trên cạnh nhau mới chính là vấn đề xã hội để các em thực hiện nghị luận.
Là tác giả đề thi này, bà mong đợi sẽ nhận được những bài thi như thế nào?
Tôi trông đợi những bài thi có quan điểm yêu ghét rõ ràng với tư duy mạch lạc. Nhưng tôi khát khao hơn nữa những bài thi thể hiện được sự bình tĩnh và điềm đạm trước các hiện tượng xã hội được coi là “lệch chuẩn”: không hằn học mà cũng không quá bàng quan. Vì dù quan điểm của các em có thái quá đến đâu, các hiện tượng trên vẫn còn tồn tại như nó vẫn đang hiện hữu, với ai đó và ở đâu đó ngoài xã hội. Nếu được, tôi hy vọng các em nên nhìn cuộc sống một cách bao dung với tất cả những thứ nó vốn có. Và tôi tin là kỳ thi này sẽ có được bài thi như thế.Bích Ngọc (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét