Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

kiếm ma inazuma




Nhất Như
(Phóng tác dựa trên ý tưởng truyện ngắn "Kenma Inazuma tou" của Shibata Renzaburo)


Một

Trời đã sinh ra một kẻ bất hạnh như tôi.

Từ khi trí nhớ hình thành bên trong con người tôi cho đến lúc này không một lần nào cảm thấy được tình yêu của cha. Ông lạnh lùng, chưa bao giờ chạm vào người tôi dù chỉ một lần, đừng nói là những lời âu yếm. Trong nhà, người duy nhất tôi thường hay trò chuyện là lão bộc đã ngoài sáu mươi. Họ nhà lão phụng sự nhà tôi đã mấy đời và từ khi mở mắt chào đời đã thấy bóng dáng cun cút của lão rồi.

Còn mẹ tôi chỉ là cái bóng trong nhà. Tôi cảm thấy được tình yêu thương của mẹ dù chưa một lần bà ôm tôi vào lòng. Những lúc hôn mê phát nhiệt, tôi loáng thoáng thấy bóng dáng bà ngồi bên cạnh chườm chăn lạnh lên trán tôi, mặt đầy lo âu. Những khi làm điều sai quấy bị cha mắng nhiếc thậm tệ, mẹ tôi chỉ ôm mặt khóc nức nở. Tôi cảm thấy rằng dường như trong nội tâm bà đang bị dằn xé bởi một điều gì đấy. Nó làm bà đau khổ, đau khổ nhưng không dám thể hiện ra ngoài. Còn cha tôi, hoàn toàn không biết ông nghĩ gì vì khuôn mặt ông lúc nào cũng lạnh như băng, khuôn mặt đặc trưng của những Samurai thường hay lui tới nhà tôi. Trong cuộc hàn huyên với cha, tôi thường loáng thoáng nghe được những chiến tích họ khoe khoang với nhau. Nào là ông nọ một chiêu đã lấy đầu địch thủ trong nháy mắt. Nào là ông kia ngày xưa bị vây kín trong trận Sekigahara mà vẫn một mình phá vòng vây rồi đơn thương độc mã lấy đầu tướng địch, lật ngược thế cờ. Nhưng tuyệt nhiên không thấy cha tôi nhắc tới chuyện võ nghê. Mỗi khi tiếp mấy ông bạn quá hào hứng về chuyện chém giết thì ông chỉ ừ hử cho qua chuyện. Ông cũng chưa một lần mở miệng với vợ con về chuyện đao kiếm của mình.

Cả gia đình tôi sống nhờ số bổng lộc ít ỏi nhận được từ chúa Matsudaira. Nghe nói ngày xưa cha tôi là một tay võ sĩ đắc lực của chúa, được trọng dụng hết sức nhưng không hiểu vì sao sau đó không còn được như trước nữa. Cũng ít thấy cha tôi lui tới phủ chúa như những võ sĩ khác. Số bổng lộc hai trăm hộc chỉ đủ nuôi ba con người và một lão bộc, không hơn không kém.

Có lẽ người bên ngoài nhìn vào sẽ thấy đây là một gia đình êm ấm, nhưng có ai thấy được bao nhiêu điều khủng khiếp đang diễn ra hàng ngày bên trong nó.

Tôi chỉ thấy như cái địa ngục. Mười bảy năm sống ở cái dinh thự này, thực sự tôi chưa bao giờ trò chuyện với ai quá lâu trừ lão bộc. Nhưng cũng chẳng mấy khi tôi có cơ hội trò chuyện với lão. Một lần, tôi hỏi lão vì sao không bao giờ thấy bố mẹ tôi cười nói với nhau, lão toan mở lời thì cha tôi bước vào, lẳng lặng nhìn lão. Kể từ đó lão bộc cũng dè chừng lời ăn tiếng nói với tôi. Không bao giờ có chuyện cải vã giữa cha mẹ tôi. Nhưng thái độ lạnh lùng của cha khiến tôi thấy khó chịu. Căn nhà luôn bị bao phủ trong một bầu không khí im lặng đến ngột ngạt. Trong bữa ăn tuyệt nhiên không có tiếng trò chuyện rôm rả như bao gia đình bình thường khác.

Hình như cha mẹ tôi cũng không bao giờ có chuyện sinh hoạt như bao cặp vợ chồng khác. Cha mẹ tôi ngủ ở hai phòng khác nhau. Đôi khi tôi nghe tiếng khóc thầm khẻ vang lên trong đêm khuya từ căn phòng ở cuối hành lang của mẹ tôi. Không bao giờ được biết tại sao, nhưng nó luôn ám ảnh đầu óc một cậu trai mười bảy tuổi như tôi.

Hai

Sự giáo dục khắc nghiệt của cha tôi từ ngày còn bé chỉ giết chết bản năng của một con người trong tôi trong thời gian ngắn chứ không thể đè nén nó mãi. Nó như một cái lò xo cương mãnh, bị đè nén càng mạnh thì khi buông ra sẽ bật lại càng dữ. Những năm tháng khắc nghiệt đã khơi dậy trong tôi một sự tò mò mãnh liệt đối với sự khác biệt giới tính giữa đàn ông và đàn bà.

Nhưng người khác giới duy nhất mà tôi được tiếp xúc hàng ngày chính là mẹ tôi. Hai năm trước, tôi đã bắt đầu trốn nhà theo chúng bạn hàng xóm đi chơi bời. Ở tửu điếm tôi biết được thế nào là đàn bà, dù chỉ là những động chạm cơ thể có chừng mực của bọn con hát. Và sau đó cha tôi biết được, hình phạt là những trận đòn như điên dại bằng cây mộc kiếm mà ông vẫn bắt tôi tập hàng ngày. Dù không bao giờ đả động đến chuyện võ nghệ nhưng cha rất khắc nghiệt, muốn tôi phải luyện tập võ nghệ chăm chỉ để trở thành một võ sĩ mẫu mực.

Mỗi sáng sau khi vụt kiếm một nghìn lần xong, ông đều bắt tôi chạy bộ lên núi Kasuga cách nhà năm dặm , băng qua khuôn viên đền Kirada rồi kết thúc chặng đường bằng cách ngâm mình dưới con suối Otowa. Tôi chẳng mấy tin tưởng lời cổ nhân dạy rằng ngâm mình dưới dòng suối lạnh là một cách để rèn luyện ý chí sắt đá của một võ sĩ và là một cách khai ngộ tinh thần. Đối với tôi, nó chỉ là một cách để thoải mái sau khi hì hục chạy một chặng đường dài, mồ hôi nhễ nhại.

Một lần như bao ngày, sau khi vụt kiếm rồi chạy vòng qua núi, ra đến con suối thì bất giác tôi nhận ra hai vị khách lạ bên dưới vực. Một đôi nam nữ đang trần truồng ôm chặt lấy nhau bờ suối. Cảnh tượng trước mắt làm tôi choáng ngợp. Lén nấp vào sau một thân cây trên vực, tôi lẳng lặng quan sát. Một thứ gì đó bên trong tôi bùng nổ và được giải phóng khỏi những dồn nén bấy lâu. Từ đó tôi biết đến thủ dâm.

Ba

Có tên dư đảng của họ Toyotomi trốn vào làng. Mười mấy người lính của chúa Matsudaira phái tới đều bỏ mạng ngoài làng. Nhưng tên giặc cũng không thoát được. Nghe người làng nói quân của chúa đã vây kín làng, con kiến cũng không chui lọt được vòng vây. Nhưng cũng không kẻ nào dám tới gần hắn. Xem cách hạ thủ và thân pháp nhẹ nhàng của hắn thì đoán được tên này là một Shinobi. Vòng vây mỗi lúc một xiết chặt. Bao nhiêu cung tên đem ra cũng không hạ được hắn. Nhưng đám đông bao vây đã dồn hắn tới bên thềm am Shippo, vậy là đường cùng rồi vì phía sau là vách đá dựng ngược. Am này trước đây do một cư sĩ phương xa đến dựng lên, nhưng kể từ khi ông ta mất thì chẳng còn ai bén mảng tới nữa. Có tiếng xôn xao cho rằng nên phóng hỏa đốt am. Tên giặc bị dồn vào đường cùng trở nên lồng lộng, hắn điên tiết xông vào đám lính, mặc sức chém giết như chốn không người. Thêm mười mấy người nữa bỏ mạng. Hai bên quần thảo nhau hơn cả canh giờ mà vẫn không sao bắt được tên giặc. Hắn khỏe quá, một mình chọi cả đội lính từ sáng tới trưa mà vẫn không nao núng.

Lính hỏa tốc chạy về báo tin. Thế rồi cha tôi được chúa gọi đến. Khi trở về ông không hề lộ vẻ gì, chỉ lẳng lặng mang theo kiếm rồi gọi tôi đi theo.

Một người lính chạy trước dẫn đường, cha con tôi theo sau.

Đến chỗ am Shippo, có mấy người nói gì rồi cha tôi bước vào giữa vòng vây không nói một lời, chỉ khẻ ra hiệu cho tôi đứng ngòai quan sát. Tôi đã được giáo dục là không được lo sợ, không được xúc động dù là người thân đang đối mặt với nguy hiểm.

Ông tuốt kiếm. Trước mặt là tên giặc đằng đằng sát khí đang say máu cách đó vài trượng. Mấu người lính vội dãn ra.

Trong sát na, tôi cảm thấy con người trước mặt không còn là cha mình nữa. Tôi đã thấy hiện thân của quỷ thần Tu La khi ánh thép lóe lên. Nhưng nó chỉ diễn ra trong tích tắc, rồi sát khí của ông biến đâu mất hết. Ông chỉ còn là một con người bình thường cầm kiếm, thậm chí cái khí từ ông toát ra còn hiền lành hơn cả một anh nông dân lúc giương gậy đuổi lũ chim trên ruộng. Cha tôi hai tay giương cao thế thủ thượng đoạn, từ từ tiến lên. Tên giặc lùi lại một bước, rồi lại một bước. Cha tôi tiến thêm mấy bước, tên giặc lùi lại mấy bước.

- Yatt!!

Tên giặc thét rồi đạp đất xông lên, khi còn cách đối phương một trượng đã thấy hắn búng mình lên không, thuận theo thế chim ưng đớp mồi mà chém xuống. Tim tôi đập thình thịch. Những kẻ đứng xem đều ồ lên một tiếng. Nói thì chậm nhưng lúc ấy lại nhanh, không thấy cha tôi tránh đòn, chỉ nghe "keng" một tiếng, hai ánh thép lóe lên. Tôi cảm thấy khó thở, bầu không khí ngột ngạc quá. Và tôi tin chắc rằng cả hội chúng cũng cảm thấy như vậy. Cái cảm giác về sát khí toát ra từ cha tôi lúc nãy lại trỗi dậy, bao trùm tất cả rồi bóp nghẹt tâm can của những kẻ đứng xem. Một cái gì đó rất ghê rợn và man rợ trào dâng như thác đổ ào ào.

Trong sát na hai lưỡi kiếm chạm nhau, thân thể tên giặc đổ sập xuống đất, đầu văng long lóc xa đến mấy trượng. Cả bọn đứng xem ai nấy đều nhăn mặt thè lưỡi. Tôi đứng lặng người. Mười mấy năm theo đuổi kiếm thuật mà chưa một lần nào tôi lại thấy một sự phi lý đến thế. Rõ ràng không thấy cha tôi tránh né lưỡi kiếm của tên giặc mà chỉ thấy ông huơ kiếm lên đỡ đòn, rồi đầu tên giặc bay long lóc như một quả bóng bị người ta đá văng. Cái đầu hãy còn trợn ngược mắt, há hốc mồm. Người ta thấy một lằng sáng trong con mắt của kẻ xấu số. Có lẽ hắn đã quá ngạc nhiên về cái chết của mình chăng.

- Thưa ngài Yamamoto, vừa rồi là chiêu thức gì vậy mà chúng tôi chưa được thấy bao giờ?

Viên đội trưởng đám lính tiến lại gần cha tôi, lên tiếng hỏi.

- Bí kiếm nhà Yamamoto, Inazuma.

Cha tôi hất hàm đáp lời rồi vẫy tay ra hiệu cho tôi, lặng lẽ bỏ đi. Cái sát khí như quỷ thần đã biến mất khi đầu tên giặc rơi xuống đất. Mắt ông đỏ hoe trong ánh chiều tà, khuôn mặt nhuốm đầy máu.

Bốn

Suốt đời tôi có lẽ không khi nào quên được cảnh tượng hãi hùng kinh ngạc đó. Không hiểu bằng cách nào mà cha tôi đã chặt đứt phăng đầu tên giặc mà không một ai nhìn thấy. Càng suy nghĩ tôi càng thấy nó hết sức phi lý với những lý luận và kinh nghiệm kiếm thuật mà mình tiếp thu được trong mười mấy năm qua. Tại sao cha lại sở hữu một kỹ thuật khủng khiếp và quái đản như thế mà trong một thời gian dài mình lại không hay biết gì. Liệu dòng họ này còn ẩn chứa những điều bí mật gì nữa đây? Trong cơn miên man suy nghĩ đến gần sáng, tôi thiếp đi hồi nào không hay.

- Con muốn cha truyền thụ cho bí kiếm hôm qua cha đã sử dụng.

Sáng hôm sau, tôi chủ động lên phòng gặp ông.

Ông chỉ im lặng không đáp.

- Xin cha hãy truyền thụ bí kiếm Inazuma cho con.

Tôi cố nài nỉ van xin nhưng ông chỉ lắc đầu rồi đuổi đi. Không nản chỉ, hôm nào tôi cũng vào phòng gặp ông mà van xin truyền thụ kiếm pháp nhưng kết quả đều như mọi lần.

Một đêm nọ, lão bộc tìm tôi và nói rằng cha muốn gặp. Tôi như mở cờ trong bụng, có thể là cha tôi đã đổi ý, đã cảm động trước lòng chân của tôi chăng.

- Ngươi thật sự muốn học bí kiếm Inazuma?

- Vâng thưa cha.

- Ngươi nên biết rằng đó là thứ kỹ thuật ma quỷ, con người phàm không thể tiếp nhận được. Nếu muốn tiếp nhận nó, ngươi sẽ phải vứt bỏ nhiều thứ, liệu ngươi có chấp nhận không?

- Vâng thưa cha, chỉ cần học được bí kiếm của dòng họ Yamamoto, con sẵn sàng chấp nhận mọi đánh đổi.

Tôi đáp lại, lòng đầy quyết tâm. Cha im lặng một hồi không đáp. Trong ánh mắt ông ánh lên một vẻ buồn rầu mà ông không dám cho ai thấy nên vội quay mặt đi. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy ông lộ cảm xúc của một con người ra ngoài. Một hồi lâu ông mới tiếp lời.

- Nếu mày muốn học, thì phải làm được một việc cho ta.

- Chỉ cần được truyền thụ, dẫu gan óc lầy đất, việc gì con cũng không dám từ nan.

Tôi dập đầu trước mặt cha.

- Ta muốn mày cưỡng hiếp mẹ mày.

- Con không rõ….?

Tôi không còn tin vào tai mình nữa. Có lẽ tôi đã nghe nhầm chăng.

- Ta muốn mày cưỡng hiếp mẹ mày.

Ông lặp lại. Trời đất quỷ thần ơi, từ thuở kiếp sơ đến giờ, nào có kẻ nào dám nghĩ đến cái thân thể trần truồng của mẹ ruột mình, huống hồ là làm cái chuyện phi luân kia. Đàn ông là một loài quái đản, hễ nhìn thấy thân thể lõa lồ của đàn bà hay những cảnh làm tình là lập tức bao nhiêu dục vọng trong người anh ta trỗi dậy mãnh liệt. Thế nhưng hình ảnh người mẹ luôn gắng với một cái gì đó mềm mỏng mà nghiêm nghị, một nỗi sợ hãi trấn áp hết thảy mọi dục vọng của anh ta. Bao nhiêu ham muốn dục vọng đều tan biến như mây khói trước hình ảnh của người mẹ. Có lẽ nó bắt nguồn từ sự kính trọng và sợ hãi đối với người mẹ vốn đã ăn sâu vào trong tâm thức của người đàn ông. Họ không thể gọi tên nó rạch ròi được đó là cái gì, không thể phân định được nó. Nó mơ hồ không thể nắm bắt được, nhưng ai cũng có thể loáng thoáng thấy được nó. Nó thoắt ẩn thoắt hiện như một bóng ma. Đôi khi nó xuất hiện trong những giấc mơ mà ở đó anh ta cố làm chủ nó, nhưng rồi lại bị nỗi sợ hãi bao trùm cả tâm hồn. Đôi khi nó chỉ là một ý nghĩ loáng thoáng trong đầu về một hình ảnh trần truồng.

Đối với mẹ mình, tôi vừa yêu thương bà vừa mang một nỗi sợ hãi mỗi khi tiếp xúc. Tôi vẫn nhớ cảm giác êm ấm những ngày còn nhỏ khi được mẹ ôm trong lòng. Một cảm giác nhu hòa, thăng bằng không chút vẫn đục. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng nó bắt nguồn từ sự tiếp xúc xác thịt với nhau. Tình cảm yêu thương là thứ gì đó không thể mọc nỗi ở mãnh đất khô cằn của lý trí không có những động chạm thân thể.

Nhưng quả thật chuyện này không thể chấp nhận được. Đến cả loài cầm thú còn không có chuyện phi luân như thế, huống hồ là một con người.

Lời nó của cha tôi đã làm đảo điên hết thảy mọi giá trị của một con người mà trước nay ông vẫn dạy tôi nghiêm khắc qua sách vở thánh hiền.

Thật không thể chấp nhận được, lúc đó tôi chỉ muốn khóc thét lên. Tôi điên máu, chỉ muốn lao vào tộng cho ông ta một trận. Ông ta đã làm nhân cách tôi bị tổn thương. Nhưng có cái gì đó đã giữ chân tôi lại.

- Tao không muốn ép mày. Nhưng mày đã nài nỉ bấy lâu nay thì không thể rút lời được. Đã nói ra lời này rồi, mày phải học kiếm pháp Inazuma, còn không thì tao chém chết.

- …..

Trời đất quay cuồng trong đầu tôi, tại sao tôi lại ngu dại cầu xin một điều khủng khiếp như thế chứ. Cha tôi chẳng biết nói chơi bao giờ. Ông ấy đã nói ra điều gì đó thì như đinh đóng cột, trời đất cũng chẳng lay chuyển được. Lúc này đầu óc tôi như điên dại, không còn nhận thức được gì nữa.

- Mày ra sân với tao.

Cha tôi nói rồi đứng dậy bỏ đi. Tôi bần thần bước theo sau.

Giờ này mẹ tôi đã ngủ say.

Lão bộc mang tới hai thanh mộc kiếm. Cha tôi cầm lấy một thanh, vào thế thủ hạ đoạn. Tôi cũng chộp lấy thanh mộc kiếm, lòng điên tiết như lồng lộn lên. Tôi muốn xông ngay vào ăn thua đủ với ông ta ngay lúc này.

- Trước khi học kiếm pháp Inazuma, hãy thử đánh tao đi.

Tôi điên lên, thét rồi lao vào quất kiếm tới tấp. Cha tôi không thèm né tránh, chỉ chậm rãi giơ ngang thanh mộc kiếm trước mặt đỡ đòn. Chát, chát, chát. Tôi liên tục vụt kiếm, ông chỉ từng bước huơ mộc kiếm đỡ đòn. Tôi nhận thấy rõ là ông đoán trước được vị trí tấn công nên giơ kiếm ra thủ trước ở vị trí đó. Tôi tấn công liên hồi, dường như toàn thân ông vẫn bất động, chỉ che chắn bằng thanh kiếm trước mặt, chân lùi lại mấy bước. Có lẽ ông lùi lại trước cơn say máu của tôi chăng.

- Đủ rồi!!!

Cha tôi thét lớn rồi xoay người tránh đòn bổ xuống chính diện rồi thuận tay thốc luôn chui mộc kiếm vào bụng tôi. Lục phủ ngũ tạng của tôi như nổ tung. Tôi loạn choạng. Ông trở mũi kiếm đánh văng thanh mộc kiếm trong tay tôi rồi xoay vai đánh chõ huỵch vào ngực tôi. Một niệm oán hận trong người tôi tuôn ào ào như máu ra ngoài. Tôi gục xuống.

- Mày không đủ tư cách tiếp thu kiếm pháp Inazuma. Đòn thế của mày không có cái đoạn tình đoạn nghĩa, ra chiến trường chỉ có chết sớm. Hãy nhớ đó.

Ông hất hàm rồi bỏ đi. Lão bộc cuống cuồng chạy lại bên tôi.

Năm
Mấy ngày sau mẹ lo đến phát khóc vì vết thương của tôi. Bà mời đại phu, thức suốt đêm bên cạnh tôi trong khi cha vẫn không nói một lời. May thay nội thương không chí mạng, đại phu bảo chỉ cần tĩnh dưỡng ít hôm là bình phục. Trong mấy ngày nằm liệt, không lúc nào tôi không nghĩ về chuyện hôm trước. Tôi oán cái con người đã đẩy tôi vào chuyện này, oán kẻ nào đã sinh ra tôi. Tôi cảm thấy thù oán dòng họ Yamamoto này, thù oán cả bản thân mình. Tôi oán cái kỹ thuật giết chóc man rợ đó. Càng thù oán, tôi càng muốn học ma kiếm Inazuma để dùng nó tự chôn nó vào cát bụi. Tôi muốn phá hết, giết hết, muốn mọi quỷ dữ phải trở về với cát bụi hết!

- Tôi muốn ông dạy tôi kiếm pháp Inazuma.

Tôi lần vào phòng cha tôi khi ông đang ngồi đọc sách.

- Mày phải làm được điều ta nói.

Cha tôi bỏ quyển sách xuống, ngước nhìn lên, nét mặt vẫn lạnh lùng như không.

- Tôi sẽ làm được.

Một thoáng bối rối hiện trên khuôn mặt ông.

- Ta muốn đêm nay ngay.

- Được….

****

Đêm đó tôi tìm đến phòng mẹ, thuật lại mọi chuyện và khẩn khoản nài xin.

- Ôi, làm sao con có thể….

- Xin mẹ hãy hiểu cho con….

- Ôi con trai ta….

Mẹ tôi rơm rớm nước mắt nhưng không tỏ vẻ gì là kinh ngạc hay kháng cự trước sự đồi bại của thằng con cả. Không đợi mẹ nói hết lời, tôi nhào tới đè lên người mẹ tôi như một con hổ đói vồ mồi. Mẹ tôi khẽ đẩy tôi ra, nhưng vô ích. Tôi thấy bà khóc nức nở. Tôi lần tay dật phăng dây thắt lưng ra khiến bộ Kimono trệch xuống. Lần đầu tiên tôi thấy mọi thứ thuộc về bà.

Mẹ tôi chỉ ấm ức bật khóc trong cổ họng rồi cứ buông xuôi, mặc tôi muốn làm gì thì làm.

…….

Bất giác tôi ý thức được rằng từ trong góc phòng tói om kia có một cặp mắt đang theo dõi chúng tôi từ nãy giờ. Ánh mắt đỏ háu như hai hòng lửa làm bầu không khí mỗi lúc một ngột ngạc. Ánh mắt đó chẳng hề xa lạ, nó vẫn âm thầm theo dõi nhất cử nhất động của tôi từ trong bóng tối. Tôi điên người, với tay lấy lưỡi dao bên cạnh phóng mạnh vào trong xó tối. Hai ánh lửa sáng quắc bỗng tắt ngấm trong bóng đêm. Có tiếng loạt xoạt ở gian phòng bên cạnh.

Sáu
Kể từ đó tôi bắt đầu cuộc sống tự lập. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được tiếp xúc thoải mái với thế giới bên ngoài mà không phải chịu bất cứ sự kềm kẹp nào. Cha tôi lấy cớ rằng tôi đã đến tuổi nên đuổi ra khỏi nhà, bắt đi chu du thiên hạ, tu rèn võ nghệ như truyền thống bao đời nay của các võ sĩ. Giới Samurai dù đang phụng sự chủ đến kỳ cũng xin một thời gian nghỉ phép để lang thang trên bước đường giang hồ. Đó là quy luật bất thành văn của giới võ sĩ nếu muốn được cộng đồng công nhận là một võ sĩ thực thụ. Họ lang thang từ bắc chí nam, khắp nơi trên nước Nhật. Họ phải tự đặt mình vào gian khổ đói khát, ép mình vào với nguy hiểm. Ngày họ đi, đi không có chủ định, chân đưa đến đâu thì ý hiện đến đấy. Đêm họ ngủ bờ ngủ bụi, may mắn thì ngủ nhờ trước một cổng chùa nào đó hay chui rúc trong một căn miếu hoang. Không may thì trải cỏ làm chiếu, lấy bầu trời sao làm màn, ôm thanh kiếm bên cạnh làm bạn ngủ. Mượn danh nghĩa đi trau dồi võ nghệ, không ít kẻ nghe tin ở đâu có kiếm khách tuyệt luân là tìm đến tỉ thí. Theo thông lệ, họ chỉ đấu với nhau bằng kiếm gỗ nhưng cũng lắm khi trận tỉ thí đã biến thành tử thí vì các bên say máu, hoặc giao hẹn trước là đấu bằng kiếm thật.

Võ sĩ giang hồ phần nhiều đều mang trong mình một chủ nghĩa hư vô. Họ coi thường mạng sống của mình và của kẻ khác. Mỗi lần rút kiếm, họ lại gây không biết bao đau khổ và thù oán của kẻ khác. Họ không cần tiền bạc và cũng không lấy mạng người vì mục đích đó. Cũng có lắm kẻ không cần danh tiếng. Họ chỉ xem những cuộc tỉ thí hay tử thí là thứ duy nhất có thể xóa tan mọi buồn chán của họ đối với cuộc đời vô thường. Đánh nhau là khoái cảm lớn nhất của họ. Đùa bỡn với tử thần là một khoái cảm không sao tả được. Có lẽ đối với họ, khoái cảm khi gần đàn bà là thứ duy nhất có thể cạnh tranh được với khoái cảm khi bị dồn vào chỗ chết, nỗ lực phi thường trong cảnh giới vô tâm thức để vượt qua sống chết. Thậm chí có kẻ chẳng bao giờ biết đến đàn bà là gì. Những kẻ như vậy chẳng để tâm vào bất cứ một thứ gì, chẳng chấp một thứ gì ngoại trừ việc đi tìm cái khoái cảm tử thần đó một cách điên cuồng như con thiêu thân lao vào ngọn đèn. Không ít kẻ phải bỏ mạng dang dở.

Tôi đã trải qua những năm tháng như vậy, cùng ngồi chung mâm rượu, nằm chung chiếu với những hạng người như vậy. Và cũng không ít kẻ đã chết dưới tay tôi trong thời gian đó. Những kẻ tự tìm đến tôi, hay chỉ tình cờ gặp trên đường, hay tôi tự tìm đến đều có một điểm chung là lúc chết dưới lưỡi kiếm đẫm máu đều có nét mặt rất thanh thản, mãn nguyện. Tôi không thể hiểu được tại sao con người tự tìm đến cái chết lại thấy thỏa mãn như thế. Một cảm giác mà tôi không bao giờ hiểu được. Có kẻ trước lúc nghỉ thở còn cảm ơn tôi vì đã đấu một trận ra trò với hắn.

Bọn đàn ông là như vậy sao?

Những kẻ như vậy phần lớn đều không thân bằng quyến thuộc gì, một số khác lại cố phủ nhận mọi thân thích của mình, chỉ sống vì mình, không bao giờ vì kẻ khác. Đối với họ, tình cảm thân bằng quyến thuộc là thứ tà ma cản trở bước tiến của mình. Họ sống vì thanh kiếm, chết cũng vì thanh kiếm. Tôi cảm thấy rằng những tay võ sĩ trên giang hồ phần nhiều đều là hạng người không muốn sống, hay nói đúng hơn là không muốn sống cuộc đời bình thường của một con người bình thường. Bọn họ đã nhìn thấy một điều u sầu gì ở thế gian này?

Đối với họ, khoái cảm khi đánh nhau là tất cả. Ở đâu có kẻ võ nghệ là họ tìm đến. Thế gian nhìn họ bằng con mắt sợ sệt và khinh bỉ đối với một hạng người hiếu chiến.

Tôi đã sống như những con người này một thời gian dài nhưng cho đến nay vẫn không thể nào hiểu nỗi họ. Có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên được từng đối thủ đánh tử thí với mình. Thỉnh thoảng nét mặt thanh thản của những kẻ đã gục xuống lại xuất hiện trong giấc mơ, rồi chúng biến dạng thành vô số quỷ sứ. Lắm khi tôi giật mình thức dậy trong đêm khuya.

Nó làm tôi sợ. Nhưng nỗi sợ không thể nào trấn áp được lòng căm thù của mình đối với chính mình, đối với dòng họ Yamamoto. Tôi lao đầu vào những thử thách nguy hiểm để trui rèn mình, đặng có thể tiếp nhận thứ kiếm pháp quỷ sứ kia rồi hủy diệt nó. Đôi lúc tôi muốn được ra đi thanh thản trong những trận giao tranh, nhưng trớ trêu thay kẻ nằm xuống lại không phải là tôi. Vì đối thủ của tôi quá kém, hay tôi quá mạnh so với họ?

Dù gì thì tôi cũng đang sống, và chừng nào còn sống thì tôi còn nghĩ đến chuyện tiêu diệt cái dòng họ kia.

Bảy

Thế là thời hạn hai năm như đã giao hẹn. Giờ đây tôi có thể trở về để được truyền thụ thứ kiếm pháp quỷ thần đó sau khi đã trui rèn mình qua những chuyến đi giang hồ.

Một điều làm tôi kinh ngạc và đau xót vô cùng. Mẹ tôi vì không chịu đựng được nỗi nhớ con mà đã đổ bệnh rồi mất ít lâu sau đó. Giờ đây chỉ còn lại lão bộc và con người ghê tởm đã gây ra tất cả mọi chuyện này. Lần này tôi phải hạ được lão!!

- Mày đã về đấy ư.

Hai năm qua con người kia vẫn không thay đổi chút nào, vẫn lạnh lùng và tàn nhẫn như xưa.

Buổi sáng đi thăm mộ mẹ, đến trưa về tôi liền đặt vấn đề ngay.

- Tôi đã sẵn sàng để được truyền thụ. Xin ông dạy tôi kiếm pháp Inazuma.

- Trông mày vẫn bủng beo như ngày nào. Nhưng thôi được, những gì cần làm cũng đã xong hết rồi…

Nói rồi ông đứng dậy, ra hiệu cho tôi ra vườn. Lần này lão bộc không mang hai thanh mộc kiếm ra nữa mà chỉ âm thầm đứng quan sát trận đấu bằng kiếm thật được sắp xếp trước. Không ai có thể ngăn nỗi.

- Nếu mày muốn đạt cực ý của kiếm pháp Inazuma thì trước hết mày phải sống sót được.

Hai con người đứng đối mặt như hai kẻ thù. Không, có lẽ cái ý thù địch chỉ xuất hiện trong đầu tôi mà thôi.

Cha tôi lặng lẽ tuốt kiếm rồi vứt bỏ bao kiếm ra sau.

- Ông đã thua rồi!!

Tôi thét lớn.

- Đừng có nói nhảm!

- Nếu thắng thì sao ông lại vứt bỏ bao kiếm! Thanh kiếm là tâm hồn của võ sĩ, vứt bỏ bao kiếm là vứt bỏ bản thân mình, ông không còn cần chỗ trở về nữa sao!!

- Đừng có nỏ mồm, nào lại đây!

Trong sát na, tôi lại thấy một sát khí dữ tợn bốc lên tận trời xanh. Nó chỉ diễn ra trong tích tắc, nhưng quả thật tâm can tôi đã bị nó bóp nghẹt trong khoảnh khắc đó. Giống như quỷ thần A Tu La đã nhập vào người cha tôi.

Tôi tuốt gươm, thủ thế Hassou. Hai bên gườm nhau, thời gian như thể ngừng trôi.

- Eitt!!!!

Cha tôi thét lớn rồi đạp đất xông vào. Một ánh chớp rạch ngang trời xanh. Nhưng kinh nghiệm giao chiến trong hai năm qua cũng đủ giúp tôi bình tĩnh, dồn hết chân khí vào bụng dưới rồi đạp đất xông lên. Thế tới quá kín kẽ, không còn đường để né tránh. Trong phút chốc này phải quyết định nhanh chóng hoặc là chết! Trong sát na hai lưỡi kiếm chạm nhau, tôi thấy tay mình như tê dại đi rồi cha tôi gục xuống. Một vết máu loang ra nơi bụng. Nhưng bằng cách nào? Tôi đã đâm trúng ông ta khi nào?

Làm sao lại có chuyện phi lý như thế?

Tôi bần thần nhìn bóng người đổ sập xuống đất, tay vẫn còn chưa hết tê dại.

- Hay, hay lắm…..

Cha tôi chỉ kịp mỉm cười rồi quay mặt đi. Vĩnh viễn ông không còn thở trên cõi đời này nữa, mang theo cả sự tiếc nuối bỡ ngỡ của tôi. Quả thật lúc đó tôi không hiểu được chuyện gì đã xảy ra, làm sao có thể kết thúc chóng vánh như thế được. Lại còn bí kiếm Inazuma mà tôi chưa kịp học. Nhưng dù gì thì tôi cũng đạt được mục đích của mình rồi. Học bí kiếm cũng chỉ để tiêu diệt chính nó, tức là một phương tiện để đạt mục đích. Nay mục đích đã hoàn thành, bí kiếm Inazumi bỗng trở nên vô dụng….

Tám

Nhưng chuyện đó quả thực khó hiểu. Nó giống như một giấc mơ, bởi những chuyện phi lý luôn có mặt trong mọi giấc mơ. Khi ta mơ thấy đang nói chuyện, đi cùng với nhân vật này thì lát sau đã lặng lẽ biến thành nhân vật khác mà sự biến đổi không gây ra một chút ngạc nhiên nào ở ta. Tôi đang ở thế bị động, cũng không hề phản công lại được thì làm sao lại có kết cục như thế chứ?

Thật phi lý vô cùng.

Mấy hôm sau khi an táng xác chết, tôi quyết định hỏi lão bộc những thắc mắc từ trước đến giờ của mình. Giờ đây chẳng còn ai, lão không phải sợ gì nữa. Và lão kể….

Theo như lời lão, kiếm pháp Inazuma vốn là tuyệt chiêu bí truyền của họ nhà Yamamoto, xuất phát từ tổ phụ Katsuie. Tổ phụ tôi vốn theo họ Matsudaira, lập nhiều chiến công hiển hách trong trận Sekigahara, được chúa trọng dụng và ban cho đất đai, bổng lộc. Một đêm sau khi múa kiếm dưới trăng, Katsuie bỗng thấy mệt rồi thiếp đi lúc nào không hay. Tục truyền rằng tổ phụ tôi đã gặp quỷ Thiên Cẩu trong chiêm bao rồi được truyền dạy yếu quyết của bí kiếm Inazuma. Nhưng Thiên Cẩu còn căn dặn rằng đó là thứ kỹ thuật khủng khiếp, phàm khi đã động là lấy mạng người nên chớ lạm dụng vì sẽ chuốc lấy oán niệm của chúng sinh. Oán niệm sẽ đeo đuổi suốt đời người mà không buông tha ai bao giờ.

Ít lâu sau ông tôi ra trận, sử dụng bí thuật này mà chặt không biết bao nhiêu đầu tướng địch.

Trong trận Sekigahara, quân miền đông của Tokugawa Ieyasu bị quân Toyotomi vây rất rát, không còn đường nào thoát nếu không có sự đổi mặt của cánh quân Kingo Chunagon Hideaki. Kingo vốn là bộ tướng của Toyotomi Hideyoshi nhưng trước đó bị Tokugawa mua chuộc và hẹn rằng sẽ bất động trong trận Sekigahara, chỉ khi nào Tokugawa ra hiệu mới trở cờ chém lại chủ.

Nhưng mấy đạo quân của Ieyasu đều bị cô lập trong vòng vây nên không thể ra hiệu cho quân Kingo trở cờ được. Trong cơn nguy khốn, trong đám thuộc hạ của Matsudaira, bộ tướng của Ieyasu là Yamamoto Katsuie có kẻ tiến ra xin phá vòng vây.

Katsuie bỏ ngựa chạy bộ xông vào vòng vây địch, cứ xông đến đâu là đầu người rụng đến đó. Nguyên cả mấy cánh quân chủ lực bao vây quân Tokugawa đều mất hết chủ tướng dưới tay Katsuie, nhưng viện binh Toyotomi kéo đến ngày càng nhiều. Katsuie không dám ham đánh mà chỉ mở đường máu xông đến trận của Kingo Hideaki. Thế là cánh quân này trở cờ đánh lại Toyotomi khiến hàng ngũ tan tác, quân miền đông được dịp xông lên chém giết.

Trận kịch chiến kéo dài đến chiều thì kết thúc với thắng lợi của quân miền đông. Thiên hạ lọt vào tay họ Tokugawa và lẽ dĩ nhiên Yamamoto Katsuie cũng được trọng thưởng hậu hĩnh.

Nhưng ít lâu sau thì vợ ông ta mắc phải căn bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, để lại đứa con trai mới lên năm.

Yamamoto Kiryu lại kế tục cha, phục vụ chúa Matsudaira và thừa hưởng cả dinh thự to lớn và bổng lộc một ngàn hộc mà chúa ban cho. Kiếm pháp Inazuma cũng được truyền thụ bí mật cho Kiryu. Tương lai đang rộng mở với Kiryu thì một tai họa đã giáng xuống đầu mình và người vợ mới cưới.

Một ngày nọ có kiếm khách xứ Oumi nghe danh Yamamoto Kiryu mà tìm đến xin tỉ thí. Trận đánh này được tiến hành công bằng dưới sự giám sát của quan tổng quản nhà chúa Matsudaira và họ đấu bằng kiếm thật. Hai bên đã giao hẹn trước rằng bên nào bỏ mạng sẽ không oán thán gì.

Và trận tử thí đã kết thúc bằng cái chết của kiếm khách Oumi. Tháng sau lại có hai tay kiếm tìm tới nói là thân hữu của tay kiếm Oumi trước đây, muốn rửa hận cho bạn. Và lẽ dĩ nhiên, một trận đấu khác cũng được sắp xếp và số phận của hai người này cũng không khác trước. Khi dọn dẹp xác chết thì người ta mới tá hỏa ra là tất cả đầu bị chém bay đều không nhắm mắt được, và trong ánh mắt hãi hùng kia còn hằng đọng lại một tia chớp sáng rực.

Ít lâu sau, Kiryu lại bị mười mấy tay thích khách vây đánh trên phố. Sau này do hỏi thì biết được những tay thích khách này phần nhiều là bọn võ sĩ giang hồ đã giải nghệ, lui về sống đời bách tính nhưng vì cảnh nghèo khó mà vẫn còn giữ nghiệp xưa, sẵn sàng đâm chém khi được thuê mướn. Không một kẻ nào thoát chết nhưng Kiryu cũng phải gánh một quả báo hết sức nặng nề. Trong lúc mãnh hổ địch quần hồ, một tay kiếm đã chém trúng hạ bộ của Kiryu và mọi bất hạnh xảy ra từ đó…

Sau này truy ra mới biết mười mấy tay kiếm kia là thích khách do quyến thuộc của những tay kiếm trước đây đã bị Kiryu giết chết thuê mướn để ám sát cựu thù. Cũng từ đó, Yamamoto Kiryu mất đi khả năng làm chồng….

Sự im lặng nặng nề chìm xuống, bao phủ gian nhà. Sự im lặng của những căn nhà hoang vô chủ, suốt mười chín năm qua đã từ từ ngấm sâu vào những bức tường. Sống lầm lũi bên người chồng lạnh lẽo, mẹ tôi chỉ còn có thể thổ lộ câu chuyện của mình với người đầy tớ hiền lành. Câu chuyện về đứa trẻ sơ sinh mà bà đã nhặt được trong một đêm giông bão, trên đường trở về quê ngoại. Đứa trẻ vô hình đột ngột xé toang màn đêm với tiếng khóc dữ dội sau một tia chớp sáng lòe, như thể nó đã sinh ra từ tia chớp. Đứa bé đó chính là Kurando, chính là thằng tôi ngày nay đã phá tan cả dòng họ Yamamoto này…

Làm thế nào cha tôi đã nghe được câu chuyện bà thì thầm với người lão bộc buổi chiều hôm ấy bên ngoài vườn rau cải?

Cũng từ đó Kiryu xin về vườn ở ẩn trước sự ngỡ ngàng của chúa Matsudaira vì khi đó võ sĩ tài năng này hãy còn quá trẻ để nghĩ đến chuyện đó. Không một ai rõ cái nguyên nhân sâu xa kia. Khuyên nài mãi không xong nên chúa Matsudaira cấp cho nhà Yamamoto một biệt trang nho nhỏ dưới chân núi Kasuga.

Tôi không ngờ được kết cục lại ra thế này, càng kinh ngạc hơn với cái nhân đã gây ra nó.

Cha tôi đã sắp xếp mọi chuyện từ trước. Chính ông muốn tôi làm thay ông cái điều mà ông không thể làm được, như là một sự an ủi đối với người vợ và cuối cùng mượn tay tôi hủy diệt luôn cái dòng họ bạc đức này…

Lão bộc đã biết chuyện từ lâu….

Thật là nghiệp chướng! Có vay ắt có trả, như ném quả bóng vào tường thì phải bật lại. Luật nhân quả ngàn đời nay không thể khác đi.

Và tôi hỏi lão về bí kiếm Inazuma. Lão cho biết trên đời này không có gì đáng gọi là bí kiếm cả. Nó chỉ là những điều hiển hiện rành rành, công bằng với mọi người nhưng có kẻ thấy được, có kẻ không nên người đời mới gọi là bí đó thôi. Bản chất của bí kiếm Inazuma cũng không có gì là thần thánh hay ma quỷ cả.

- Yếu quyết của bí kiếm Inazuma chính là sát khí đoạt hồn đối phương được dồn nét rồi phát ra trong tích tắc khi giao đấu. Chẳng hạn như cậu chủ dụng sức như nhau nhưng dùng lòng bàn tay đẩy vào khó làm thủng tờ giấy dày hơn là dùng nắm tay, và dùng nắm tay không dễ như dùng ngón tay…

Theo như lời lão bộc thì cực ý của bí kiếm Inazuma nằm ở chỗ người dùng phải không để lộ ra sát khí của mình ngay từ đầu mà phải dồn nén nó. Và khi đối phương tấn công chính là lúc thả hết quỷ thần đang dồn nén bấy lâu ra, phát huy nó tới cực đại mà đoạt tinh thần đối phương trong sát na. Do được dồn nén lâu và chỉ được tung ra trong sát na nên uy lực của nó là bất khả tư nghị. Vì thế mà chiêu kiếm này được mệnh danh là Inazuma, ánh chớp. Uy mãnh như ánh chớp lóe lên trong sát na. Bao nhiêu tay kiếm đều bỏ mạng dưới tay họ Yamamoto không phải vì kỹ thuật của họ kém cỏi mà là vì tinh thần, chiến ý của họ đã bị bóp nát trong giây lát…

- Ta hiểu rồi, và chỉ trong giây lát đó đủ làm nên thắng phụ….Nhưng ta không hiểu lúc giao đấu, rõ ràng ta không hề phản công nhưng vì sao cha ta lại bị đâm?

- Điều này…nằm ở kỹ thuật của bí kiếm do tổ phụ cậu phát triển.

- Kỹ thuật ư?

- Đúng vậy. Có phải lúc đỡ kiếm của lão gia, tay cậu tê rần đúng không?

- Đúng vậy, ta cũng chưa hiểu tại sao.

- Cậu chưa hiểu nguyên lý của nó ư….Phàm khi giao tranh, người ta quan niệm tiên hạ thủ vi cường nhưng lão gia nhà cậu không cho là như vậy. Chỉ có ra tay đúng lúc mới là hiệu quả nhất. Một người đang ở bộ vị bình thường thì có thể di chuyển để tránh đòn, đỡ đòn nếu bị tấn công. Thế nhưng khi anh ta đang tấn công người khác mà bị tấn công lại thì không thể tránh hay đỡ đòn được. Giống như người đang giương chân đá thì chỉ còn đứng một chân nên không thể nào vững được.

- Như thế có nghĩa là….

- Đúng vậy, tấn công chính là phòng thủ vì ta buộc khiến đối phương không tấn công được chỉ là cái lý của kẻ yếu mà thôi. Bí kiếm Inazuma không bao giờ chủ động tấn công trước mà chỉ đánh đúng lúc khi đối phương đang tấn công ta, tức là hắn đang ở trạng thái không thể phòng bị. Bí kiếm Inazuma tấn công ngay lúc phòng thủ, nhưng đó là sự phòng thủ chủ động chứ không phải bị động.

- Này lão Josuke, ta không hiểu thế nào là phòng thủ chủ động hay bị động.

- Trong giao tranh người ta có khuynh hướng đỡ trước đòn đánh của đối phương bằng cách quan sát động tác, thái độ. Khi cậu giương kiếm đỡ trước, lưỡi kiếm của đối phương tới liền trong sát na sau đó sẽ khiến cậu bị động. Mặc dù đỡ được đòn đánh nhưng lực của đối phương sẽ áp chế cậu…

- Thế còn phòng thủ chủ động là thế nào?

- Chính là phòng thủ đúng lúc, ngay sát na đối phương ra đòn chứ không phải phòng thủ trước. Nếu cậu giương lưỡi kiếm lên đỡ đúng lúc đối phương chém tới thì lực đỡ sẽ làm hắn bị bắn ra. Lúc đó hắn ở trạng thái không phòng bị, cậu nương theo lực bật mà phản công lại đối phương thì hắn không thể nào trở tay. Nếu nắm được điều này, cậu đã nắm được cực ý của bí kiếm Inazuma rồi đấy. Ngày hôm trước, chính lão gia đã cố ý tấn công buộc cậu phải phòng thủ chủ động đấy. Chính vì phản lực bật lại và chưa quen nên cậu mới thấy tay tê rần. Trong sát na đó lão gia đã tự đâm người vào mũi kiếm của cậu, hay nói cách khác là ông đã dùng cái chết để dạy cho cậu rằng…

Lão bộc nói rồi im lặng một hồi.

- Nhưng như thế phải cần một tốc độ bạt quần mới có thể …

- Đúng vậy. Và không ai có thể đạt được nó mà không trải qua gian khổ cả. Nhưng bí kiếm Inazuma không dễ gì lãnh hội nếu không có một tinh thần tương xứng. Người muốn tiếp nhận nó phải vượt qua hết mọi giới hạn của tinh thần và thể xác. Kẻ hành sử kiếm chiêu này phải vượt qua thảy mọi chấp ngã để đến được bên bờ bên kia của cực ý kiếm pháp nên phải đạp đổ hết bất cứ thứ gì cản trở mình….

- Này lão Josuke.

- Vâng.

- Ta không có tư chất để luyện bí kiếm Inazuma và ta cũng không muốn luyện nó nữa.

- Sao ạ…

- Lão cầm lấy chỗ tiền này mà sắm sửa cho ta ít nông cụ. Từ rày về sau ta sẽ vứt bỏ đao kiếm mà sống một cuộc đời nông nhàn. Ta tin rằng cha ta muốn dạy cho ta rằng đao kiếm chỉ mang lại kết cục bất hạnh cho con người mà thôi…

- Vâng, xin theo ý cậu…

VIẾT VÀ LÁCH



Dưới thời Pháp thuộc, Nam Kỳ là đất thuộc địa, theo luật của Pháp, nên báo chí được tự do hơn Bắc Kỳ là đất bảo hộ. Tuy vậy, tại Hà Nội, tư nhân vẫn được quyền ra báo, cả báo tiếng Việt và báo tiếng Pháp. Bây giờ, Pháp không còn đô hộ Việt Nam, nên tư nhân không còn được quyền ra báo. Theo ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ngày 9 tháng 2, 2007, sở dĩ ông cấm tư nhân hóa báo chí, là “theo nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân ta”.

Tuy người Pháp cho tư nhân ra báo, nhưng quyền tự do ngôn luận bị hạn chế bằng chế độ kiểm duyệt. Trên website “Nghề báo” ngày 14 tháng 12, 2006, tác giả Ký Hưu đã mô tả như sau:


Chế độ kiểm duyệt của thực dân Pháp rất khắc nghiệt. Quãng 20 giờ, người tùy phái của các báo hằng ngày đã phải mang những bài đập thử trên giấy của số báo hôm sau tới phòng kiểm duyệt Phủ Thống sứ (ở phố Đinh Lễ bây giờ) ngồi chờ mấy ông công chức đọc, thấy chỗ nào động chạm hoặc ảnh hưởng tới “mẫu quốc” thì lấy bút chì xanh gạch chéo và ghi “kiểm duyệt bỏ”. Cũng tùy mấy ông có quyền: có khi bỏ cả bài, có khi bỏ vài đoạn hoặc một đoạn, có khi ba, bốn câu thơ. Thế cũng đủ phá vỡ cả một bài, nhất là thơ, làm xấu cả trang báo đã mất công trình bày. Quãng 22 giờ, người tùy phái đem những bài đập thử về, phóng viên trực đêm bảo bác cai nhà chữ, bóc những đoạn bài đó đi và đặt vào đấy dòng chữ “kiểm duyệt bỏ” to tướng. Về sau, thấy số báo nào cũng có những mảng bỏ trắng, gây xôn xao dư luận, tên chủ sự Cu-xô, người Pháp lai, trước là chánh mật thám, nói sõi tiếng Việt, bắt các báo phải dồn bài lại, thay bằng bài khác dự trữ trước cho kín trang. Các báo lúc đầu còn nghe hắn, sau “chơi lại”, cứ để nguyên những mảng trắng cho biết tay. Và số đông những người làm báo thời xưa vẫn đặt hết tâm hồn mình vào những bài bênh vực giới cần lao, hoặc lên tiếng chỉ trích nhà chức trách về quốc kế dân sinh, dưới nhiều thể loại sinh động.



Vẫn theo Ký Hưu: “Sang thời Nhật thuộc, báo chí bị theo dõi và kiểm duyệt chặt chẽ hơn thời Pháp.” Trong khoảng thời gian 9 năm, từ 1945 đến 1954, báo chí VN sống dưới hai chế độ khác nhau. Người viết không dám lạm bàn về báo chí dưới thời Việt Minh, cũng như dưới chính quyền “Quốc Gia Việt Nam”, vì thiếu kinh nghiệm bản thân.

Dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, tư nhân được ra báo, chế độ kiểm duyệt như thời Pháp không còn, báo chí được tự do chửi … Pháp, nhưng nếu bị cho là có luận điệu thiên Cộng, như tờ Thần Chung của nhóm ông Nam Đình, hay nói xa gần tới ông Diệm, như tờ Đường Sống của Linh mục Vũ Đình Trác, thì vẫn bị đóng cửa. Ngoài ra, có thể nhìn vào cách tổ chức chính quyền của một nước, để biết có tự do ngôn luận hay không. Một nước lớn như Hoa Kỳ, mà không hề có Bộ Thông tin.* Nhờ đó, người dân có tự do ngôn luận. Bộ Thông tin trong chính quyền Nam VN là một bộ rất quan trọng. Nếu chỉ cần kiểm duyệt, đâu cần đến cả một Bộ trong chính phủ. Trong hệ thống cai trị dưới chế độ cộng sản, ngoài Bộ Thông tin Tuyên truyền, còn có Ban Tuyên giáo của Đảng, khiến tự do ngôn luận bị đè nặng gấp đôi.

Có thể nói, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, đa số báo chí Việt ngữ đã chịu yên một bề. Nếu có phản kháng, cũng chỉ là chuyện ám chỉ xa gần. Ví dụ bìa báo Xuân của tờ Tự Do năm Canh Tý (1960), cũng là năm tuổi của ông Diệm, có vẽ bức tranh 5 con chuột, đang “làm chủ tình thế” trên một trái dưa hấu. Tin đồn là 5 con chuột tượng trưng cho 5 anh em ông Diệm, và tờ báo đã bán chạy khác thường.

Nhưng báo chí quốc tế và chính quyền ông Diệm đã có những đụng độ vô cùng đáng tiếc, dẫn tới hậu quả sống còn của chế độ, và chính bản thân của anh em ông. Sau cuộc đảo chính bất thành ngày 11 tháng 11 năm 1960, và vụ hai phi công bỏ bom dinh Độc Lập ngày 27 tháng 2, 1962, thực chất chỉ do âm mưu của một số cá nhân. Nhưng các nhà báo Homer Bigart của The New York Times và Francois Sully của Newsweek đã trình bầy các biến cố này như là phản ảnh của tình trạng thất nhân tâm đối với chính quyền đã tới cao độ. Nhất là nói những điều không đẹp, và đôi khi không đúng sự thật, về bà Nhu.

Ông Diệm đã quyết định trục xuất Bigart và Sully, nhưng vì có sự can thiệp của Đại Sứ Mỹ Nolting, hai ký giả này không bị trục xuất ngay, nhưng không được tái gia hạn Visa khi hết hạn. Trong khi chờ đợi ra đi, các ký giả này đã không tiếc lời chỉ trích nặng nề, khiến cho bất hòa giữa báo chí quốc tế và chế độ càng tăng thêm.



Bà Nhu tập bắn súng trước đội Nhân Quân Phụ Nữ VNCH

Tháng 8, 1962, Newsweek đăng một bài của Sully, kèm theo tấm hình chụp một nhóm phụ nữ thuộc Thanh Niên Cộng Hòa, mặc đồng phục, trong tư thế tập bắn súng, với lời chú thích: “Nữ binh tại Saigòn: Địch quân có thêm nỗ lực và phấn khởi” (Female militia in Saigon: The enemy has more drive and enthusiasm). Bà Nhu thực sự nổi giận, nói rằng Sully làm việc với Việt Cộng để hạ thấp nữ giới Nam Việt Nam, và đáng bị trục xuất, mặc dầu Đại sứ Nolting đã cố gắng giải thích rằng đặt lời chú thích hình đăng báo là quyền của tòa soạn, không phải của ký giả. Số báo Newsweek này đã bị cấm bán trên toàn quốc. Đáp lại dư luận Hoa Kỳ nhấn mạnh về việc cần có tự do báo chí, bà Nhu đã nói thẳng với một nhà báo Mỹ: “Việt Nam không cần cái thứ tự do điên khùng của các ông”. (Vietnam did not need “your crazy freedoms”.)

Trong khi ấy, báo chí tư nhân quốc nội, chẳng những không ai lên tiếng bênh chính quyền, mà còn có thái độ “múa tay trong bị”.



David Halberstam (trái), đồng bằng Cửu Long năm 1963, với Malcolm Browne, phóng viên AP (giữa), và Neil Sheehan, phóng viên UPI (phải)

Năm 1962, ngoài Bigart và Sully, còn Jim Robinson của NBC cũng bị trục xuất. Hậu quả là đám ký giả thay thế những người bị trục xuất hay mãn hạn kỳ phục vụ tại VN thuộc loại trẻ hơn, háo hức nổi danh hơn, và nhiều ác cảm với chế độ Sàigòn hơn. Hai người trong số này là Neil Sheehan của UPI, mới 25 tuổi; và David Halberstam, của New York Times. Có người ví von là mỗi ngòi bút nhà báo mạnh bằng một sư đoàn. Đối với Sheehan và Halberstam, có thể nói sức công phá của họ còn mạnh hơn nhiều quân đoàn. Theo nhận định của nhà sử học Mark Moyar: “Halberstam 28 tuổi khi tới Việt Nam. Trước khi ra đi, 15 tháng sau, anh ta làm hại cho quyền lợi của Mỹ nhiều hơn bất cứ nhà báo nào trong lịch sử Hoa Kỳ”.

Sau cuộc đảo chính 1 tháng 11, 1963, tự do ngôn luận được nới rộng hơn, bằng cách đóng cửa hàng loạt báo chí bị coi là thân chế độ cũ, và cho ra hàng loạt báo chí đứng tên bởi những người thân cận với tân chế độ. Một trong những báo mới này, có tờ mang tên “Nhân Dân”, để đối địch với “Nhân Dân” miền Bắc! Nhưng nhân dân miền Nam không giống nhân dân miền Bắc, nên chẳng bao lâu, Nhân Dân miền Nam mồ yên mả đẹp.

Trong 6 năm, từ 1964 đến 1969 tuy báo chí bị kiểm duyệt, nhưng có tự do hơn thời trước. Cơ quan kiểm duyệt được gọi bằng cái tên rất hiền lành, là “Sở Phối hợp Nghệ thuật”. Những chỗ bị kiểm duyệt, có in mấy chữ: “Tự ý đục bỏ”. Điều gọi là “tự ý” không phải là tự ý, mà theo lệnh của sở kiểm duyệt. Trên nguyên tắc, báo phải kiểm duyệt, đợi nhân viên sở kiểm duyệt đọc xong, đánh dấu vào những chỗ cần “tự ý đục bỏ”, ký tên, rồi báo mới được in. Nhưng trên thực tế, nhà báo thường cho in trước, để đủ thì giờ gửi đi các tỉnh xa, còn chuyện “tự ý đục bỏ” chỉ áp dụng cho báo nạp bản, và báo bán ở Sàigòn. Thành ra, các độc giả ở xa, thường được đọc báo không có kiểm duyệt.

Tự do ngôn luận không phải chỉ bị giới hạn bằng kiểm duyệt, mà còn bằng các biện pháp khác. Mọi người được tự do nghe các đài phát thanh nước ngoài, như VOA, BBC… và các nguồn thông tin này có mức khả tín cao hơn đài Sàigòn. Người viết không có tài liệu, và không biết có ai bị bắt vì nghe các đài như Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, Hà Nội không. Nhưng có ai nghe thì cũng trong vòng kín đáo, chứ không công khai. Bên cạnh kiểm duyệt, là sự giới hạn các nguồn tin từ các hãng thông tấn quốc tế, như UPI, AP của Mỹ, AFP của Pháp, và Reuters của Anh. Việt Nam Thông Tấn Xã, viết tắt là VTX, độc quyền mua tin của các hãng này, rồi bán lại cho các báo. Khi dịch ra Việt ngữ, hay để nguyên ngoại ngữ phân phối cho các báo, VTX đã loại bỏ những tin họ nghĩ là không có lợi cho chính quyền. Ngay những tin do VTX cung cấp, khi lên mặt báo, vẫn có thể bị “tự ý đục bỏ”, nếu sở Phối hợp Nghệ thuật cảm thấy có điều gì không ổn, như đặt tựa lớn quá, hay quá “giật gân”.

Trong tình trạng này, có thể nói, về mặt tin tức “báo nào cũng giống báo nào”. Vậy thì, tờ báo hay dở không đánh giá bằng tin tức, mà bằng những bài viết, và độ dài truyện chưởng của Kim Dung. Bài viết mà khô khan kiểu bình luận, chẳng mấy người đọc, khiến phong trào viết phiếm luận mọc lên như nấm. Mỗi số báo chỉ có bốn hoặc tám trang, ít nhất cũng có hai hoặc bốn bài phiếm luận. Viết phiếm luận dưới chế độ kiểm duyệt, là điều rất khó. Nhiều khi nghĩ nát óc, gò mãi mới được một chữ, hay một câu ưng ý, nếu bị “tự ý đục bỏ”, vừa buồn, vừa tức không chịu được. Nghĩ rằng trên đời, có lẽ không còn nghề gì “khốn nạn” hơn nghề kiểm duyệt.

Vì thế, phải vừa viết, vừa lách. Mỗi một câu viết xuống đều phải nghĩ rằng, chữ nào trong câu có thể bị đục, và nếu bị đục sẽ còn lại gi? Có làm vô nghĩa, hay trái nghĩa điều muốn nói không? Đôi khi phải dùng chuyện xẩy ra ở nước khác, để nói chuyện nước mình. Tôi không có trong tay những bài viết đã trên dưới bốn chục năm. Hôm mới đây, may được đọc một mẩu viết trên báo Chính Luận vào ngày 15 tháng 4, 1969, được Người Việt đăng lại trong mục “Ngày này năm cũ”, 15 tháng 4, 2009. Xin ghi lại đây như một ví dụ về việc “lách”, phải dùng chuyện bên Tây để ám chỉ:


Ðáng thương

De Gaulle sắp tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như đã hứa hồi năm ngoái. Tuy nhiệm kỳ dân cử của De Gaulle còn lâu nhưng ngày 8-4 vừa qua, ông ta đã dọa rằng: “Nếu người dân Pháp từ chối cuộc trưng cầu dân ý thì trong trường hợp đó, tôi sẽ không còn ở lại điện Elyseé một giờ nào nữa. Vì như thế là địa vị quốc tế của chúng ta đã chấm dứt.”

Ðúng là lời nói của những kẻ “hợm mình”, lúc nào cũng muốn làm ra cái điều dân chủ, để dân chúng được tự do quyết định, nhưng lại dùng áp lực tinh thần đe dọa: “Nếu ‘ta’ từ chức, thì địa vị quốc tế của chúng ta chấm dứt”. De Gaulle làm như cả nước Pháp chỉ có mình ông ta mới giữ nổi địa vị Quốc tế của nước Pháp. Thật tội nghiệp cho những kẻ cai trị bao giờ cũng tưởng chỉ có mình là nhất, sẩy mình là sụp đổ hết. Họ làm như không bao giờ chết và không ai có thể thay thế.

Trong trường hợp khác, có kẻ đã cắm một lá cờ lớn của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trên nóc Nhà Thờ Đức Bà ở Paris. Ít lâu sau, cơ quan an ninh Sàigòn loan báo đã khám xét một ngôi Chùa do Thượng Tọa Thích Thiện Minh trụ trì, bắt được cờ cộng sản, và cả võ khí. Thượng Tọa đã bị phạt tù, và Chùa bị tịch thu. Để tránh bị đục, tôi đã viết rằng vừa nhận được một điện tín từ Paris cho hay, theo một nguồn tin chưa được phối kiểm, nhà cầm quyền Pháp đã ra lệnh tịch thu Nhà Thờ Đức Bà.

Một ví dụ khác: Chỉ trích mấy ông tướng bê bối vào thời tướng lãnh đang cầm quyền, là điều quá “nhậy cảm”. Tôi “lách” bằng cách dùng một bản tin nói về tác phong quan liêu, và nếp sống đáng dị nghị của một số tướng lãnh Việt Cộng. Rồi bên dưới viết rằng: “Xin nói lại cho rõ, đây là nếp sống của tướng Việt Cộng. Còn tướng VNCH, đương nhiên hơn tướng VC về mọi phương diện.” Quả nhiên bài viết không bị đục, và nhiều người đọc đã rất thích thú.

Chế độ kiểm duyệt báo chí đã chấm dứt bằng Luật 019/69, do Quốc Hội thông qua, và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký ban hành vào ngày 30 tháng 12, 1969. Gồm 8 chương và 69 điều, có thể nói đây là luật báo chí tiến bộ nhất tại Việt Nam từ trước tới nay. Nói như vậy, vì luật này cho mọi người đều được quyền ra báo; không phải xin phép, mà chỉ phải đăng ký. Báo có quyền chỉ trích chính phủ, không bị kiểm duyệt, và chỉ có thể bị tịch thu theo lệnh của tòa án.

Hôm 27 tháng 4, 2009, lại được đọc trong mục “Ngày này năm cũ” trên Người Việt Online một mẩu “Sổ Tay” của Sức Mấy trên Chính Luận vào ngày 28-4-1970, nói về vụ ba ông tướng bị hai ông Nghị sĩ tố tham nhũng tại diễn đàn Thượng Viện sáng 24 tháng 4, 1970. Đây là thời gian mới có luật 19/69, báo không bị kiểm duyệt:


Sổ Tay Sức Mấy



Vụ ba tướng lãnh bị tố cáo, đã gây phản ứng khá sôi nổi. Hai trong ba tướng bị tố, đã chánh thức lên tiếng, Tướng Trí đòi đấu khẩu, và đấu súng với ông Chức. Tướng Trí có trong sạch hay không, điều đó hạ hồi phân giải. Nhưng phản ứng của ông có vẻ bất lợi cho ông. Ðấu gươm hay đấu súng, rất thịnh hành vào thời Trung Cổ, vào thời chỉ có luật của kẻ mạnh được tôn trọng. Trong các xã hội pháp trị hiện nay, đấu súng hay đấu gươm là điều luật pháp ngăn cấm. Một người, dù là một ông tướng, nếu muốn luật pháp bảo vệ, thì không nên thách thức đối phương làm những điều bị luật pháp ngăn cấm. Thách đối phương làm điều phi pháp, là coi thường luật pháp.



Ðại Tướng Cao Văn Viên đã phản ứng một cách trầm tĩnh “chỉnh tề” hơn. Ông chỉ mới cho các cấp dưới biết sự trong sạch của mình, chứ không thách thức ai cả. Tuy nhiên, có một điều đáng nên bàn cãi là Ðại Tướng Viên đã hai lần xin từ chức, nhưng nay thấy bị tố cáo, nên quyết định ở lại chức vụ, không từ chức nữa.



Nói chung, Sức Mấy rất kính trọng các tướng. Vì nếu không có các tướng, thì lấy ai mà cai trị suốt bảy năm qua. Chính vì kính trọng các tướng mà Sức Mấy chủ trương các tướng bị tố cáo nên từ chức ngay để đợi kết quả điều tra. Chỉ có như vậy thì sự trong sạch của các tướng mới sáng tỏ, nếu quả thật các tướng trong sạch. Một lẽ dễ hiểu, là các tướng bị tố đều nói rằng mình trong sạch, đều đòi trưng bằng cớ. Nhưng nếu các tướng không từ chức, thì ngay cả “nạn nhân” của các tướng, ai dám tố cáo.



Một khi các tướng còn tại chức, lấy gì bảo đảm cho những nhân chứng trong vụ tố cáo các tướng? Ông Chức, ông Sách, là những người bất khả xâm phạm, nên dám sử dụng diễn đàn Quốc Hội để tố cáo, còn những người dân thấp cổ bé miệng, thì sự khôn ngoan dạy họ phải im lặng. Ở nước này thiếu gì những trường hợp người ta chỉ dám ra làm nhân chứng, hay tố cáo một nhân vật đã bị lật đổ, cách chức, hay bỏ trốn.



Nếu các tướng từ chức, mà cuộc điều tra sau đó không đem lại được một chứng cớ nào để buộc tội, thì sự trong sạch của các tướng sẽ sáng như gương, và lúc đó, dù các tướng có lẩn tránh, dân chúng cũng võng lọng đi mời cho được các ông ra làm việc lại.



Đây là thời gian khởi sắc nhất của báo chí miền Nam. Nhưng chỉ được hơn hai năm sau, ông Thiệu lợi dụng tình trạng được Quốc Hội ủy quyền, đã tự mình ra Sắc Luật 007/72, ký ngày 5 tháng 8, 1972, hạn chế tối đa tự do báo chí. Tư nhân muốn ra nhật báo, phải ký quỹ 20 triệu đồng, tương đương 47 ngàn Mỹ kim, hoặc một nửa số tiền này, đối với báo định kỳ. Tiền ký quỹ được gửi vào ngân hàng, coi như tiền bảo chứng, bị khấu trừ để trả tiền phạt hoặc bồi thường, nếu bị thua kiện. Khi đó, nhà báo phải đóng thêm tiền ký quỹ cho đủ với mức quy định tối thiểu, nếu không, báo phải đóng cửa.



10-10-1974, ngày ký giả đi ăn mày

Kết quả là 16 nhật báo và 15 báo định kỳ đã phải đóng cửa. Ông Thiệu chủ trương hạn chế tự do báo chí để ngăn cản sự xâm nhập của cộng sản. Nhưng cộng sản nằm vùng như Huỳnh Bá Thành vẫn có báo để dụng võ. Còn nhiều ký giả vốn chống cộng, phần lớn là thành viên của Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam, đã bắt tay với đoàn viên của Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt, vốn có lập trường thiên cộng, kéo nhau xuống đường trong ngày “Ký giả đi ăn mày”, với mục tiêu chính là phản đối Sắc Luật 007/72.

Vào thời kỳ này, báo chí Sàigòn có sắc thái khá đặc biệt, có thể xếp thành ba khuynh hướng: Vài báo như tờ Tiền Tuyến của quân đội, ở thế không thể đối lập với ông Thiệu; tờ Dân Chủ của đảng Dân Chủ, là đảng của ông Thiệu, đương nhiên bênh ông Thiệu. Vài tờ khác như Điện Tín do nhóm dân biểu thân cộng chủ trương, tờ Bình Minh thân với ông Dương Văn Minh, ra mặt đối lập, chống ông Thiệu dữ dội. Vài tờ có khuynh hướng độc lập, như Hòa Bình, Chính Luận. Về sau, khi Hòa Bình đình bản, chỉ còn có Chính Luận, không đi với phe nào.

Có lần, chính chủ nhiệm Chính Luận là BS Đặng Văn Sung đã nói với người viết bài này rằng: Mình chống ông Thiệu độc tài, rồi lại cúi đầu nghe lệnh của mấy ông Hội Chủ Báo, hay mấy cậu thuộc Tổng Hội Sinh Viên, thì vô lý quá. Sở dĩ có chuyện này, vì trong một vài lần, Hội Chủ Báo hay Tổng Hội Sinh Viên đã yêu cầu các báo đình bản một ngày để phản đối ông Thiệu, và hầu hết đã nghe theo. Trừ Tiền Tuyến và Dân Chủ vì không chống ông Thiệu, với Hòa Bình, Chính Luận vì không muốn tuân theo chủ báo và sinh viên.

Vào dịp nhóm chống tham nhũng do Linh Mục Trần Hữu Thanh đứng đầu ra tuyên cáo số 2, Hội Chủ Báo và Tổng Hội Sinh Viên yêu cầu các báo đăng nguyên văn. Chính quyền dọa trước, báo nào đăng sẽ bị tịch thu, và truy tố ra tòa. Chính Luận trong thế kẹt: Nếu đăng như các báo khác, là chịu khuất phục theo sự điều khiển của Chủ Báo và Sinh Viên. Nếu không đăng, sẽ bị coi là sợ tịch thu, về phe với ông Thiệu để thủ lợi. Ông Sung quyết định chọn giải pháp: Không đăng nguyên văn theo yêu cầu của chủ báo và sinh viên, nhưng đăng dưới hình thức bản tin; phải viết thế nào cho đầy đủ, và đủ mạnh, để báo sẽ bị tịch thu. Việc này được trao cho ba người là Phụ tá Chủ nhiệm Đậu Phi Lục, nhà viết bình luận Hà Minh Lý, và cây viết phiếm luận Cự Môn. Kết quả xẩy ra đúng như dự trù. Chính Luận bị tịch thu giống như các báo khác. Và không hiểu do ngẫu nhiên, hay bởi một sự huyền bí nào đó, trong dịp bắt ký giả và chính khách đợt chót sau ngày thất thủ Ban Mê Thuột, cả ba người này đều bị bắt.

Nói đến vụ mất Ban Mê Thuột, không thể bỏ qua cái chết của ký giả Paul Leandri. Tuần báo TIME số đề ngày 24 tháng 3, 1975 viết:


Tháng rồi, Thiệu bỏ tù 19 nhà báo và đóng cửa 5 báo đối lập; vụ đàn áp này có vẻ làm yên được phong trào đối lập. Sự gia tăng thù địch của chính quyền ông ta đối với báo chí nước ngoài đã đưa tới thảm cảnh vào tuần trước khi cảnh sát Sàigòn ra lệnh cho ký giả của Agence France-Presse là Paul Leandri phải tới Tổng Nha Cảnh Sát để thảo luận về một bản tin. Leandri đã cưỡng lại cuộc thẩm vấn, toan lái xe bỏ đi, và đã bị bắn chết.

Sáng 10 tháng 3, 1975, theo tin chính thức, cũng như tin của các hãng thông tấn khác, quân chính quy Cộng sản có xe tăng yểm trợ đã tấn công Ban Mê Thuột vào đêm hôm trứơc. Nhưng Paul Leandri của AFP lại loan tin rằng: “Lực lượng tấn công Ban Mê Thuột là của dân quân địa phương, không phải quân đội chính quy Bắc Việt”. Sáng ngày 14 tháng 3, Tổng Nha Cảnh Sát cử người tới văn phòng AFP nói truyện với Leandri, để biết ông ta lấy tin ở đâu. Cuộc thảo luận không có kết quả. Leandri được mời tới trình diện tại Tổng Nha để thảo luận tiếp. Mãi gần tối, Leandri mới tới Tổng Nha. Sau này, một đại úy Cảnh Sát cho người viết hay là Paul Leandri đến vào lúc mấy xếp lớn đi đánh quần vợt, nên phải ngồi đợi. Vốn sẵn ác cảm, lại bị đợi lâu, Leandri nổi giận, to tiếng phản đối, và lên xe phóng đi. Cảnh sát giữ cửa hô đứng lại, cứ đi, nên bị bắn chết. Paul Leandri chết khi mới 37 tuổi, để lại vợ trẻ mới mang bầu 4 tháng.

***

Báo chí tại miền Bắc VN trước 1975, và trên cả nước từ sau 30-4-75, có lẽ không thay đổi nhiều trên thực tế, mặc dầu có thay đổi về luật pháp quy định sinh hoạt báo chí. Để có một ý niệm đại cương, người viết xin ghi lại sau đây ý kiến của cố cựu Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, cũng là một nhà báo nhiều người biết tới, cả trước và sau 1975.

Trước phát biểu của ông Trần Bạch Đằng: “Tôi hiểu báo chí của ta còn một số hạn chế có khi từ chính sách quản lý Nhà nước hoặc từ những điều kiện cụ thể từng lúc của đất nước,” Ông Nguyễn Ngọc Lan viết vào năm 1998:

“Chèn đét ơi! 1998-1954, tròm trèm nửa thế kỷ, nhất là từ 30.4.1975, toàn thắng và “vĩnh viễn hoà bình, không thằng nào còn dám động tới lông chân của ta” nữa, như người dân Sài Gòn từng nghe các ông Hoàng Tùng lớn bé tuyên bố. 1998-1975, 23 năm là tám ngàn bốn trăm ngày, trên 20 vạn giờ, là bao nhiêu “từng lúc” rồi? Ru ngủ, vỗ về “hãy đợi đã” hay trấn áp, dọa dẫm “hãy đợi đấy”, hoặc vừa củ cà rốt kia vừa cây gậy này, là lối nói… truyền kiếp của tất cả các chế độ độc tài xưa nay trên thế giới. Và riêng ở Việt Nam, hình như ông Nguyễn Văn Thiệu đã nói y như thế, ông Ngô Đình Diệm đã nói y như thế, chỉ không có nhiều “từng lúc” để bắt nhân dân phải đợi lâu bằng bây giờ thôi (1954-1963, rồi 1967-1975). Ở Việt Nam nhiều “từng lúc” hơn thì phải trở lui lại tới tận thời các ông Tây cơ. Khởi đầu người Pháp chỉ “bảo hộ” thôi, sau này “Pháp-Việt đề huề” thời cụ Phan Chu Trinh rồi Pháp với Chính phủ Bình dân thì đều không phải là đã thiếu những hứa với hẹn. Chưa kể là cứ hỏi những bậc đại lão đảng viên như cụ Nguyễn Văn Trấn xem phải chăng những năm 30, giữa Sài Gòn thuộc địa này, Nguyễn Văn Trấn đã có nhiều cơ hội, điều kiện để làm báo hơn là nửa thế kỷ sau, giữa Thành phố Hồ Chí Minh?

“Dĩ nhiên, để biện hộ cho tình trạng không có tự do ngôn luận, người ta tránh nói: thì thời nào cũng thế thôi, nhưng người ta lại dễ nguỵ biện: ở đâu cũng thế thôi. Ở đây không kiểm duyệt, các tổng biên tập tự kiểm duyệt. Nhưng tổng biên tập ở đâu mà chẳng sàng lọc bài vở, kiểm duyệt cho hợp với lợi ích của tập đoàn làm chủ tờ báo hay với những đường lối của đảng phái mà tờ báo đại diện. Lập luận như thế thì còn có thể thêm: không chỉ tổng biên tập, người cầm bút nào mà chẳng “tự kiểm duyệt”, thậm chí đứa con nít biết coi lại và sửa bài trước khi nộp cho thày cô chấm cũng là “tự kiểm duyệt” rồi. Nhưng người ta đã lờ đi cốt lõi của vấn đề: Có tự do báo chí là khi báo chí không độc đạo, khi đằng sau các tổng biên tập không chỉ có một thế lực tài chính duy nhất và cũng không chỉ có một quyền lực chính trị duy nhất, toàn trị và không thể thay thế. Chỉ trong chế độ độc tài, kiểm duyệt trực tiếp hay kiểm duyệt gián tiếp thì cũng vậy thôi. Một bài báo đã bị một tờ báo khước từ vì lý do chính trị thì đố mà có thể được đăng trên một tờ báo khác. Trừ phi may mắn gặp lúc tổng biên tập… ngủ gật. Có khi kiểm duyệt gián tiếp còn gắt gao hơn vì các tổng biên tập vừa không có quyền hạn bằng một bộ trưởng văn hoá thông tin, vừa khó tránh nỗi sợ bị hoạnh hoẹ, bị mất chức

Đinh Từ Thức

Trong một lần sinh sự



Tú Trinh




Tôi đang viết,
để truyền đi một thứ gì đó
Chuyện tôi có thứ năng khiếu trời ban hay không, chẳng quan trọng
Chuyện tôi có được đào tạo bài bản hay không, chẳng liên quan
Tôi cũng không quan tâm liệu những điều tôi viết có gây nên ngân vang âm vọng
Ủa, chẳng để làm gì cả à?

Không phải những khởi nghĩ của tôi khá hay ho sao?
Có lẽ không!
Không phải những gì tôi muốn nói liền đây mang đầy ý nghĩa sao?
Không chắc đâu!
Mặc dù tôi không bao giờ biết mình muốn nói gì
Tôi cũng chẳng biết!
Nhưng hãy để tôi
cư trú trong hiện tại này

Hãy để tôi cư trú trong thứ hiện tại này
Bạn không bị nhốt lại khi làm thế!
Tôi có thể tạo ra sự khác biệt cho nhiều điều lắm
vì tất cả chúng ta vốn sinh ra là những nghệ sĩ
Nói nhảm!

Bạn có nhớ cái giây phút bạn bắt đầu nói dối không?
Mẹ ơi, con gặp một người ngoài hành tinh trên đường đến trường
Ba ơi, sáng nay con bị biến thành một con voi
Khoảnh khắc đó người nghệ sĩ trong bạn thức giấc
Nói đùa à?

Tôi đang
chỉ viết thôi
và chịu trách nhiệm trước những gì mình khởi sự

Không phải những khởi nghĩ của tôi khá hay ho sao?
Có chút điên loạn!
Không phải những gì tôi muốn nói liền đây mang đầy ý nghĩa sao?
Loé sáng!
Mặc dù phần lớn thời gian tôi không biết mình muốn nói gì
Xu hướng ngày nay là
#untitle (không tựa)
#weird (kì dị)
#void (trống rỗng)

Không phải những khởi nghĩ của tôi khá hay ho sao?
Đừng để quá nhiều cân nhắc chi phối đầu óc bạn
Không phải những gì tôi muốn nói liền đây mang đầy ý nghĩa sao?
Đừng để quỷ dữ của sáng tạo xâm nhập tâm hồn bạn
Mặc dù phần lớn thời gian tôi không biết mình muốn nói gì
Đừng kềm nén

Tôi đang
mang trong mình nhiều căn tính
cư trú trong hiện tại
chỉ viết thôi
để truyền đi một điều gì đó.

Sydney, 09.2013




chim ở nghĩa trang & ở nghĩa trang chim


dưới bầu trời thấp tôi còn biết làm gì ngoài úp mặt vào cỏ ngủ vùi những con chim chỉ hót ở nghĩa trang nắng hạn giữa khúc điếu ca sầu thảm giữa lời kinh nguyện râm ran cũng đã bỏ đi giữa đời chang chang

miền Nam rồi thức giấc thứ tuyệt vọng không thanh âm nức nở còn rỉ máu thét gào ngoài kia những cổ họng chưa trút hơi thở cuối lũ mèo một ngày nửa bên đầu buốt giá khóc đòi bữa ăn có xương cá dưới những rặng cây cam bơ vơ những cồn cát

trong cơn bão của những vọng âm ngày kia sẽ hiện diện nơi hoang mạc chắt chiu nuôi những mạch nước ngầm còn rót mãi những ly rượu đỏ vào ban mai tôi những người con gái không bao giờ trở lại biết

luyến láy ngân nga bằng giọng chim yến lúc nho nhỏ lúc to to khúc ca tự do em mỏng manh nơi tháp chuông cao em cài hoa trắng em mặc áo vải em đi chân trần em hát

ngày những đồng loại tôi thức giấc ngồi vào bàn những con chim đã trở lại cánh đồng tìm mãi cũng gặp sông nghĩa trang thuyền đi mãi cũng ra biển lớn giếng nước mọc lên nơi những ngôi làng lấp trong cát tôi biết người ta tìm được mạch nước ngầm trong vắt
và viết

giữa lời kinh nguyện râm ran
giữa khúc điếu ca sầu thảm
giữa đời chang chang nắng hạn
những con chim chỉ hót ở nghĩa trang cũng đã bỏ đi
tôi còn biết làm gì ngoài úp mặt vào cỏ ngủ vùi
dưới bầu trời thấp

rồi thức giấc một ngày nửa bên đầu buốt giá
bơ vơ những cồn cát miền Nam
dưới những rặng cây cam
lũ mèo khóc đòi bữa ăn có xương cá
ngoài kia những cổ họng chưa trút hơi thở cuối
còn rỉ máu thét gào
thứ tuyệt vọng không thanh âm nức nở

tôi biết những người con gái không bao giờ trở lại
còn rót mãi những ly rượu đỏ vào ban mai
chắt chiu nuôi những mạch nước ngầm
ngày kia sẽ hiện diện nơi hoang mạc
trong cơn bão của những vọng âm

em đi chân trần
em mặc áo vải
em cài hoa trắng
em mỏng manh nơi tháp chuông cao
luyến láy ngân nga lúc nho nhỏ lúc to to
em hát bằng giọng chim yến
khúc ca tự do

tôi biết người ta tìm được mạch nước ngầm trong vắt
giếng nước mọc lên nơi những ngôi làng lấp trong cát
cánh đồng tìm mãi cũng gặp sông
thuyền đi mãi cũng ra biển lớn
những con chim đã trở lại nghĩa trang
ngày những đồng loại tôi thức giấc ngồi vào bàn

viết

Quỷ và thánh


Trà Đoá






Có một gã giang hồ đã chết lãng nhách. Người đi chung với gã, hẳn nhiên là kẻ may mắn sống sót, đã kể lại rằng khi họ đang lang thang trên đường thì gặp phải một kẻ kỳ dị. Hắn tự xưng là quỷ. Gã giang hồ nghe xong nổi cười như mắc tà. Hắn cười lăn cười lộn trên đất, mặc cho kẻ kỳ dị kia la hét phùng mang trợn mắt. Cuối cùng, kẻ xưng là quỷ ấy đã biểu diễn vài phép màu phi thường: hắn nhổ trốc gốc cây cổ thụ to tướng ven đường chỉ bằng một cái ngoéo tay, thổi bay mái một toà cao ốc gần đó chỉ bằng một cú phẩy nhẹ. Nhưng, mặc cho những điều đó, gã giang hồ vẫn không ngưng cười. Cuối cùng, hết kiên nhẫn và như để chấm dứt trò xúc phạm này, con quỷ búng ngón tay một cái tách: gã giang hồ lập tức ngáp ngáp như cá trên thớt. Nhưng con quỷ vẫn chưa cho gã chết hẳn. Hắn cúi xuống nhìn khuôn mặt tái nhợt như thây trôi và nói: nếu mày ngưng cười và công nhận tao là quỷ, mày sẽ thoát chết. Nghe xong, gã giang hồ cựa mình vài cái nhẹ, nở một nụ cười kỳ quái rồi nói đứt quãng: xưa nay... chưa từng... có ai... tự... nhận... mình... là quỷ, họ... chỉ... tranh nhau... làm ... thánh thôi,... vì vậy... những... lời... ngược đời... của mày... nghe... rất... tức ... cười...

Lần này con quỷ tỏ ra thất vọng hoàn toàn và hắn phẩy nhẹ ngón tay út: gã giang hồ vĩnh viễn nằm thẳng cẳng.

Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn hàng loạt(


-Truyện ngắn “Thì sống cho tròn nợ tóc da” của Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ truyện ngắn “Thời hậu chiến” của nhà văn Nguyễn Hương. Theo những links do người bạn cung cấp, tôi vào trang Cuồng Từ Blog thì thấy truyện ngắn “Thì sống cho tròn nợ tóc da” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng ngày 31 tháng 3 năm 2013 trên Cuồng Từ Blog) có đa số câu và đoạn văn giống y như trong truyện ngắn “Thời hậu chiến”của nhà văn Nguyễn Hương (đăng ngày 22 tháng 10 năm 2006 trên trang Tiền Vệ).

. -Truyện ngắn “Thế giới trùm chăn” của Hoàng Long (đã đăng trên Tiền Vệ ngày 23.04.2003) để biến thành truyện ngắn “Tan thành mây khói” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 27.12.2012)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ truyện ngắn “Câu chuyện người đàn ông muốn mang thai” của Eduardo Galeano [bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (đã đăng trên Tiền Vệ ngày 03.04.2003) để biến thành truyện ngắn “Cuộc cách mạng nhằm lật đổ tạo hóa” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 16.03.2013)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ truyện ngắn “Những nghịch lý” của Eduardo Galeano [bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (đã đăng trên Tiền Vệ ngày 07.05.2006) để biến thành truyện ngắn “Phi lí là điều không tránh khỏi” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 15.12.2012)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ truyện ngắn “Nhân loại” của Eduardo Galeano [bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (đã đăng trên Tiền Vệ ngày 19.12.2011) để biến thành tạp văn “Lời tôn vinh nhân loại vào đầu năm 2013” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 02.01.2013)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ tiểu luận “Xã hội học của sự cô đơn” của Hamvas Béla [bản dịch của Nguyễn Hồng Nhung] (đã đăng trên Văn Chương Việt ngày 02.05.2011) để biến thành tạp văn “Cõi cô đơn” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 30.05.2013)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ tiểu luận “Cái gương” của Hamvas Béla [bản dịch của Nguyễn Hồng Nhung] (đã đăng trên Văn Chương Việt ngày 25.02.2013) để biến thành tản văn “Mặt Nạ và Cái Gương”của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 11.06.2013)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ truyện ngắn “Lưỡi Dao Săn” của Haruki Murakami (đã đăng trên trang Việt Messenger) để biến thành truyện ngắn “Một giấc mơ” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 23.12.2012)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ tiểu luận “Tin và đáng tin” của Bùi Văn Nam Sơn (đã đăng trên trang Kinh tế Sàigòn Online ngày 22.01.2009) để biến thành tạp văn “Lòng tin” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 07.06.2013)

( theo tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=16841)

Sự Cô Đơn


Hamvas Béla
( Trích: 33 tiểu luận triết học của H. Béla)
Nguyễn Hồng Nhung, Dịch từ nguyên bản tiếng Hung 


1.

Cách diễn đạt” Xã hội học của sự cô đơn” mang tính mâu thuẫn logic, bởi vì ở đâu có cộng đồng, không thể nói đến cô đơn, và nơi có sự cô đơn, không thể nói về cộng đồng. Nhưng trong thực tế, con người phải trải qua trạng thái mâu thuẫn này.

Byron từng cho rằng, giữa thiên nhiên, trong rừng cây, trên cánh đồng cỏ, bên cạnh hồ, ông không bao giờ cảm thấy cô đơn, chỉ trong thành phố, giữa những con người. Ý tưởng này dẫn đến một điều, như một thực thể sống, chỉ con người nhận biết sự cô đơn, và chỉ giữa cộng đồng mà thôi.

Không cần giải thích, con người của các đô thị lớn tự nhận ra trạng thái rối ren và ê chề này, trạng thái bị đánh mất: nó biết nó đang sống trong mâu thuẫn, bởi cảm giác cộng đồng mâu thuẫn với sự cô đơn, và sự cô đơn mâu thuẫn với cảm giác cộng đồng. Con người mâu thuẫn với chính bản thân nó. Và dấu hiệu của trạng thái bị đánh mất: con người nằm giữa hai cái, không ở trong cái nào, chống lại cả hai và đứng ngoài cả hai.

Xã hội, sự lẩn tránh xã hội, sự chống lại xã hội; tình trạng xã hội xảy ra bên ngoài xã hội. Con người còn lại một mình ở nơi các mối quan hệ người mở ra các khả năng vô tận; sự tiếp xúc bị đứt đoạn ở nơi mọi thứ đều nhằm để xây dựng sự tiếp xúc. Đấy là trạng thái rơi ra khỏi cộng đồng: SỰ CÔ ĐƠN.

Cô đơn không phải là kinh nghiệm tâm lý một mình, bởi vì không có kinh nghiệm tâm lý một mình. Một cái gì đấy cần thức tỉnh, để thức tỉnh và mang đến hậu quả; đến từ đâu đấy và chỉ ra một hướng nào đấy. Các kinh nghiệm chỉ có thể hiểu và nhìn rõ từ những tương quan cuộc sống hiện thực. Bởi vậy giải thích bằng tâm lý luôn luôn khiếm khuyết. Nhất là khi sự cô đơn xuất hiện ngày càng ở trình độ cao hơn, bởi cô đơn không là một trạng thái chủ quan nữa, mà là một hoàn cảnh khách quan. Bằng việc giải thể kinh nghiệm, loại bỏ những mâu thuẫn bên trong, hay bằng sự can thiệp của tâm hồn vẫn không ai giải quyết nổi sự cô đơn của mình, thậm chí không ai hiểu nổi hoàn cảnh riêng của chính mình.

Chỉ khi con người đối chiếu hành vi liên quan của nó với những người thân, với bạn bè, gia đình, người quen, với cộng đồng gần và xa của nó, chỉ khi ấy nó nhìn rõ hoàn cảnh của nó. Thậm chí còn cần nhiều thứ khác: cần biết về thế giới quan của con người, thấy cái nhân tố là nó đang sống trong cộng đồng, trong một hệ thống xã hội có điều chỉnh, với các nhu cầu sống, nhu cầu tinh thần, với các bản năng tôn giáo, trí tuệ, xã hội, nhu cầu, với số phận riêng của nó, với những cá tính, những dị biệt di truyền, với những khả năng nhất định; Khi các nhân tố của một đời sống cụ thể cùng lúc bộc lộ, chỉ lúc đó con người đủ khả năng hiểu cái gì là ý nghĩa và tầm quan trọng hoàn cảnh sống của nó.

Giải thích bằng tâm lý những yếu tố đời sống đơn giản nhất cũng vẫn khiếm khuyết, vì thế giới nơi con người sống được coi như một tình cờ, và trọng tâm chĩa vào con người, cho dù không phải lỗi tại nó. Và quan điểm tâm lý học chưa bao giờ thất bại thảm hại đến thế khi nói về phân tâm học của cảm giác cô đơn.

Trong cô đơn con người còn lại với mình, biến thuần túy thành tâm hồn, mọi liên hệ khác đứt đoạn, nó đứng một mình, như một thực thể ngoài thế giới, toàn bộ cuộc sống của nó tuôn chảy bên trong: nó chỉ sống một đời sống tâm lý mà thôi. Nhưng toàn bộ khuynh hướng của đời sống tâm lý này liên quan đến thế gian. Toàn bộ tâm hồn nó quay ra ngoài, và vấn đề của cô đơn chính là sự quay ra thế giới bên ngoài này vô hiệu quả.

Con người đứng bên ngoài cộng đồng, nhưng toàn bộ chủ ý của nó tập trung về hướng, tại sao lại ở ngoài cộng đồng, và toàn bộ nghị lực của nó mong ước đứng vào cộng đồng lần nữa. Trong cô đơn con người biết rõ cuộc sống rút vào trong là bế tắc: vì số phận của nó là ở thế gian. Bằng con đường tâm lý học không thể giải quyết cũng như không thể hiểu được sự cô đơn. Số phận của con người chính là thế gian, là môi trường sống, và trước hết là cộng đồng. Bởi vậy sự cô đơn là vấn đề Xã hội học.



2.

Nơi đâu có cô đơn, ở đó luôn có mối quan hệ bị tách rời khỏi cộng đồng, và sự còn lại một mình. Điều an ủi có vẻ là sau một giới hạn tạm thời của thời gian, con người sẽ lấy lại nghị lực sống và quay trở về với cộng đồng. Trong mọi trường hợp mối quan hệ bị đánh mất luôn luôn tiêu cực và đau đớn.

Sự thu mình, trạng thái cô đơn tự nguyện và cô đơn từng phần có thể mang đến sức mạnh, sự an toàn, sự yên tĩnh và sự cao quý: cô đơn từng phần mang đến sự tách biệt, nhưng các mối quan hệ vẫn còn nguyên. Còn trong trường hợp mối quan hệ bị đánh mất, trừ ngoại lệ, con người bao giờ cũng đau khổ. Đây là sự khác biệt giữa cô đơn cố ý, giữa sự biệt lập và sự từ bỏ.

Có thể hiểu, hình phạt bỏ tù, như một cách bảo toàn xã hội, nhưng trong hình phạt này ẩn náu cả hình phạt tâm lý. Nhà tù là trạng thái từ bỏ, nơi xã hội cắt đứt quan hệ với con người, xử phạt nó phải cô đơn. Tất cả những người tù đều là kẻ cô đơn, nếu có thể bàn đến xã hội của nhà tù, hoặc nói về xã hội học của nhà tù, nhưng chỉ có thể nói đến điều này, nếu đây là một xã hội, một cộng đồng dường như tồn tại. Bởi vì trong nhà tù không có những mối quan hệ thật sự mang tính chất tăng trưởng, những mối quan hệ con người hoạt động. Nhà tù là một hình thái nằm ngoài xã hội.

Sự cô đơn tự quyết của kẻ bất lương xác định vị trí của nó trên thế gian, vấn đề của kẻ bất lương luôn là vấn đề của kẻ cô đơn đứng bên ngoài xã hội. Kẻ bất lương muốn hoàn lương, tu tỉnh, quay về xã hội lần nữa, mang theo tội lỗi của mình, và cần phải thỏa mãn với vị trí mà cộng đồng muốn xác định cho nó. Hoặc nó đứng bên ngoài và bị tiêu diệt. Hoặc liên kết với những kẻ có số phận tương tự và tạo ra một xã hội chống đối, nơi có thể tạo ra các mối quan hệ đồng bọn, có thể còn khăng khít hơn cả trong cộng đồng lớn. Đấy là ý nghĩa danh dự của kẻ cướp. Trong sự dựa dẫm lẫn nhau của những kẻ sống bên ngoài cộng đồng lớn, sự cô đơn không bao giờ chấm dứt, bởi vậy họ cần duy trì nghiêm khắc và không điều kiện những mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau.

Từ quan điểm này có thể hiểu rõ hơn những vấn đề của người Do thái. Sự đoàn kết Do thái, sự hợp tác nghiêm khắc, không điều kiện của”nhóm thiểu số”, vị trí bắt buộc của những kẻ sống ngoài xã hội: chính là sự dựa dẫm vào nhau của những kẻ cô đơn. Ở họ vấn đề tồn tại cùng nhau quan trọng hơn cả, mọi giá họ cần duy trì điều này, bởi họ không có vị trí trong cộng đồng lớn, hoàn cảnh của họ nan giải, khiếm khuyết, hay nói cách khác nỗi nguy hiểm của sự cô đơn luôn luôn đe dọa họ.

Trong nỗi cô đơn của kẻ bị bệnh không có vai trò của xã hội, hay ngược lại: bên cạnh người bệnh sự chia xẻ của xã hội rất rõ. Hành động đến thăm bệnh nhân là một cử chỉ xã hội. Ai bước đến bên cạnh giường người bệnh, kẻ đó mời gọi người bệnh trở lại cộng đồng.

Nhưng hoàn cảnh của kẻ mắc bệnh thần kinh lại khác về bản chất. Những sợi dây liên hệ xã hội của kẻ này vẫn tồn tại, nhưng số phận bắt buộc họ sống trong một sự lưu đày tạm thời. Sự lưu đày này là hoàn cảnh bắt buộc bên trong của người mắc bệnh thần kinh, và để chạy chữa, người ta” kệ”, không bắt họ tham dự vào những sự kiện của cuộc sống. Sự chiếu cố khiến họ được yên. Chỉ những kẻ mạnh khỏe có thể nhập vào cuộc sống cộng đồng: khả năng gia nhập cực kỳ cần thiết, còn ở những người bệnh thần kinh khả năng này bị hư hoại.

Đặc điểm của bệnh thần kinh là sự suy giảm sức sống một cách chủ quan. Nhìn từ quan điểm của cộng đồng: đấy là sự sợ hãi, sợ tiếp xúc với những người khác. Kẻ mắc bệnh thần kinh ngu ngơ, không dám, im lặng, hỗn loạn, sợ hãi, hay tưởng tượng và đầy lòng nghi ngờ. Mọi biểu hiện của nó đều tiêu cực đối với cộng đồng; đấy là sự cắt đứt, sự xa lánh, sự biệt lập.

Người bệnh thông thường còn gọi là người bệnh khách quan, còn sự tù đày bên trong của bệnh thần kinh là một cưỡng bức chủ quan. Khả năng tham dự vào cộng đồng hoàn toàn biến mất khi sự chủ quan này xảy ra thường xuyên: đấy là kẻ mắc bệnh thần kinh.

Từ những phân tích trên có thể thấy liên hệ họ hàng trong vai trò của nhà tù với nhà thương điên, trại giam, bệnh viện và khu điều dưỡng.



3.

Tất cả những vấn đề cô đơn trên đây vẫn có thể giải quyết được trong xã hội, kể cả một xã hội nguyên thủy nhất. Kẻ bất lương, người bệnh, kẻ mắc bệnh thần kinh trong một ngôi làng của người da đen châu Phi, hay trong một thành phố thời phục hưng hoặc trong thời đại ngày nay, nói chung hoàn toàn giống nhau. Một cộng đồng lành mạnh có thể giải quyết mọi vấn đề bằng các khả năng của nó.

Vấn đề chỉ bắt đầu trong một xã hội không phương cứu chữa với các con bệnh cô đơn. Những biểu hiện biệt lập không nhất thiết nổi lên từ sai lầm của con người hay của cộng đồng: một số người không hề là người bệnh, kẻ bất lương, hay bị bệnh thần kinh mà vẫn bị bỏ rơi. Xã hội luôn có khuynh hướng xếp những kẻ cô độc này vào những sự phân chia đã có sẵn. Kẻ nào một mình, hoặc là kẻ bất lương, hoặc là người bệnh hoặc là kẻ điên. Sự kết án sai lầm càng làm cho tình cảnh nặng hơn. Kẻ cô đơn cảm thấy bản án vô lý bèn phản đối; cộng đồng không hiểu tại sao lại nảy sinh ra một tình cảnh không tính đến, và thế là cộng đồng áp dụng những phương cách đã có sẵn hoặc cưỡng chế. Con người và cộng đồng bắt đầu đối đầu với nhau.

Từ các biệt lập này cần dập tắt mọi xung khắc lợi ích. Trong các trường hợp xung khắc, quan điểm xã hội mọi giá cần xác minh. Một con người không đáng tin, kiêu ngạo, bất thường, hẹp hòi, muốn lợi dụng của chung để thu lợi ích về cho mình nhưng lại tuyên bố đây là” quyền dành” cho hắn, kẻ lợi dụng hoàn cảnh, muốn đạt đến những lợi thế vô luật bằng sự mất dạy, trơ tráo, kẻ đó cần phải bị bỏ rơi.

Thời nay mẫu người này có tên gọi thần đồng, kẻ tuyên bố mình đầy tài năng để đòi hỏi những hoàn cảnh ngoại lệ, vì thế hắn còn lại một mình. Xã hội ngầm hiểu mẫu người này là kẻ ăn bám: hành vi của hắn lập dị, trong sự kiêu ngạo của hắn ẩn náu những đòi hỏi thầm kín nhất, hắn xử sự bất thường, đòi sự ngưỡng mộ, chưa nói đến những đòi hỏi vật chất có lựa chọn và được khái niệm hóa rất tinh vi. Đây là một tình hình xã hội sai lầm thường xảy ra ở những kẻ có tên gọi” Kẻ thích gây gổ”, kẻ” Anh hùng ưa gây sự” và ở những người không có vị trí trong xã hội, vì cách đánh giá của họ thiên lệch.

Loại người này cho rằng của chung có để phục vụ cho một ai nhất định nào đó. Xác định giữa chung và riêng cái nào cao cả hơn, trong mọi trường hợp đều dẫn đến sự mơ hồ. Ở đây ta không có quyền xác định sự khác biệt giá trị và vị trí. Cái này không thể để phục vụ cho cái kia, hoặc để thấp dưới cái kia. Đánh giá quá cao cá nhân cũng nhầm lẫn cơ bản như đánh giá quá cao cộng đồng. Điều, một cá nhân đòi hỏi lợi ích vô điều kiện cũng vô luật như một xã hội biến cá nhân thành nạn nhân.

Giữa cá nhân và cộng đồng không thể có sự đối đầu bởi cả hai đều là một trạng thái sống cụ thể, tồn tại theo quan điểm sinh học và theo số phận. Nơi hai thứ này đối đầu ở đó khả năng rơi ra khỏi cái chung luôn luôn xuất hiện và hoàn cảnh sống cũng không bình thường. Hoàn cảnh sống không bình thường mang lại sự phán xét bất bình thường. Không có giá trị gia tăng của cá nhân đối với xã hội và ngược lại. Con người là một sinh vật sống, tất cả các sinh vật sống đều cùng nằm trong sự chung sống hữu cơ. Nếu trạng thái rối loạn tấn công và các cơ hội đánh giá phát sinh điều ấy có nghĩa là sự chung sống bị phá hoại. Cần điều chỉnh lại sự chung sống lành mạnh chứ không phải bàn đến một cuộc chiến đấu vì lợi ích

Cần chấm dứt xung khắc với một loại hành vi xã hội lập dị. Có một loại người thích phủ nhận các quan hệ. Những người này không bắt gặp các tâm điểm giao tiếp, nhưng cũng không tìm và không muốn tìm. Ở họ không phải là một ý đồ cố ý mà chỉ từ tính cách của họ. Tính cách, không như nhau về mặt tâm lý mà về mặt môi trường. Những người này sống ngoài xã hội như một kẻ chống đối thường xuyên.

Đây là sự cô đơn, nhưng là sự cô đơn ma quỷ: là sự tiêu cực với những ý đồ tối tăm, ác ý, hư hỏng và đối địch, kể cả khi nó chỉ là sự cô đơn câm lặng. Sự cô đơn ma quỷ làm tha hóa cộng đồng. Nó muốn tạo một cuộc sống sinh trưởng ngoài cộng đồng, đưa ra sự quyến rũ về trạng thái từ bỏ xã hội. Được coi như một sự bồi thường của đời sống, hình thức cô đơn ma quỷ này tuyên bố nó là sự mơ mộng. Mơ mộng là bản sao của một đời sống tích cực và khi có khuynh hướng áp đảo, nó gây nguy hiểm cho cả cá nhân lẫn xã hội vì nó tháo tung những sợi dây liên kết vô hình.

Từ đây có thể hiểu được tác dụng phá vỡ cộng đồng sâu sắc của những sản phẩm văn chương làm mê man và như một sự bồi thường của cuộc sống. Những cuốn tiểu thuyết lãng mạn ( văn học Gartenlaube) cũng như các tác phẩm khát vọng, những câu chuyện trinh thám đều phục vụ cho những nhu cầu thỏa mãn thầm kín,và bằng những con đường bí ẩn khiến con người xa lánh cộng đồng chung.

Loại văn học này làm thỏa mãn người đọc trong một lĩnh vực hoang tưởng, đánh thức những biểu hiện chống lại hiện thực và đặc biệt đánh thức sự bất mãn. Cái tình huống không hiện thực có thể trở thành tiêu cực khi sự cô đơn ma quỷ biến thành sự xâm nhập. Lúc đó không chỉ kẻ mơ mộng” đúng” mà „toàn thể xã hội” „hãy chết đi”, chỉ giấc mộng hãy ở lại và hãy biến thành hiện thực!

Mọi trạng thái đều ma quỷ nếu đặt không tưởng lên trên hiện thực, đưa cái bất thường lên trên cái bình thường, đưa ảo tưởng lên trên thực tế. Trạng thái này trong bản thân sự vô sinh của nó chỉ có một cách giải quyết: từ bỏ hoàn toàn.



4.

Có một dạng cô đơn mà đặc điểm của nó là con người sống trong sự cô đơn ấy tự chứng minh mình đứng ngoài xã hội. Không hoàn toàn tự nguyện, nhưng cũng không hoàn toàn cần thiết phải như thế; có cả hai điều trên và nhiều hơn cả hai điều trên.

Tự nguyện, bởi nó có thể quay trở lại cộng đồng, nhưng nó từ chối điều này; Cần thiết, bởi nguyên nhân của việc tự tách mình ra không vì bệnh tật, vì xung khắc, vì chủ nghĩa ma quỷ, mà là một dạng của sự đòi hỏi đối mặt với cộng đồng, với những gì cộng đồng không đem lại; Nhưng so với cả hai nội dung trên, sự cô đơn này lớn hơn hẳn, bởi đây không phải một sự vụ cá nhân riêng lẻ, mà chính là việc của cộng đồng.

Cái cô đơn này bắt đầu từ những nhu cầu cao hơn hẳn, từ sự phản đối cái tinh thần thấp kém trong cộng đồng, từ chối sự thống trị của cái hời hợt, nông cạn, những thị hiếu tầm thường. Giữa đòi hỏi của các lý tưởng và cái chung luôn luôn có mâu thuẫn, bởi cái chung không xây dựng từ các lý tưởng mà từ các nhu cầu sống trong con người. Còn lý tưởng lại đòi hỏi chính sự từ bỏ các nhu cầu sống ấy.

Đây là một dạng hành vi muốn xây dựng xã hội từ tinh thần cao cả, sẵn sàng chọn lựa sự từ bỏ vì lợi ích chung, đây là hành vi của người anh hùng. Con người bước ra khỏi cộng đồng vì những nhu cầu cao cả hơn; đấy là sự cô đơn của người anh hùng.

Các nhà tiên tri thánh kinh trong lịch sử hay các tấm gương của thi nhân trong thời hiện đại đều chỉ ra ý nghĩa bên trong của sự cô đơn anh hùng này. Điều quan trọng nhất, ở đây kẻ chọn sự cô đơn anh hùng không phải vì quyền lợi của mình, mà chính là chống lại quyền lợi của mình, để vì quyền lợi của cộng đồng. Chính vì thế, giữa kẻ cô đơn anh hùng và cộng đồng hoàn toàn không có khả năng hòa giải.

Cộng đồng thừa hiểu kẻ cô đơn có lý và những đòi hỏi cùng nhu cầu của kẻ này đúng. Sự thật nằm về phía kẻ cô đơn, và nhu cầu sống, hay đúng hơn khả năng nâng cấp sự phát triển nằm ở phía kẻ đó. Trong trường hợp này kẻ cô đơn mang tính người tuyệt đối. Một sự cô đơn một thân một mình đối đầu với cộng đồng, thậm chí họ cần phải chứng minh bản thân trước cộng đồng nữa.

Sokrates, các nhà tiên tri, các tông đồ, Johannes Chrysostomos, Savonarola, các nhà nhân văn, các nhà châm biếm người Anh, các nhà tư tưởng kỷ Ánh sáng, một Hölderlin, một Nietzsche từng đòi hỏi lợi ích sống, lợi ích tinh thần vĩnh cửu cao cả, hay đúng hơn, đòi hỏi quyền con người của chính họ.

Và cộng đồng không bao giờ muốn thừa nhận chân lý của các cá nhân đối mặt. Không phải vì họ không nhận ra các lý tưởng này, mà chỉ vì cộng đồng không bao giờ từ bỏ bản thân và không muốn thay đổi khuôn mẫu của họ. Bởi vậy sự chống đối CẦN phải có, còn người ra yêu sách cảm thấy họ có quyền đòi hỏi một cái chưa có. Khát vọng này là một biểu hiện chống đối, đứng ngoài và cao hơn cộng đồng, chỉ ra dấu hiệu của một lối sống khác.

Cộng đồng thừa nhận tất cả, chỉ trừ một điều: nếu thiếu cộng đồng không có cuộc sống. Trong thực tế quả là như vậy. Một cuộc sống con người hiện thực, sống động không tồn tại ngoài cộng đồng. Cô đơn dạng nào cũng là một hiện tượng xã hội dị giáo lớn nhất. Đặc biệt lý do để cô đơn càng lớn càng không thể tha thứ. Vô ích kẻ đơn độc”có lý”, vô ích nó đơn độc vì”lợi ích chung”, sau rốt nó vẫn không phải là kẻ đúng. Nó cần phải thất bại trong sự lập dị này. Đối với nó đây là số phận, là ý chí,là sự bắt buộc, là sự kết án, là vị thế nó đã chọn lựa: đây chính là ý nghĩa đời sống của nó.

Nhưng cũng vì thế cộng đồng không bao giờ hòa giải với nó. Cộng đồng tha thứ cho kẻ ác, nhưng một người, trong cái cô đơn anh hùng của mình xây dựng thành công một đời sống tinh thần cao hơn, tích cực hơn, kẻ đó không bao giờ được tha thứ. Lịch sử đầy rẫy những ví dụ về trường hợp này.

Thậm chí cộng đồng vẫn có thể kính trọng các nhà tiên tri và các nhà thơ lớn nhưng sẽ đối mặt với họ. Từ quan điểm của cộng đồng, sự cô đơn bao giờ cũng là tội lỗi. Và tội lỗi có thể tha thứ, nếu cộng đồng bằng lòng độ lượng giải tỏa cho sự cô đơn này và tiếp nhận lại kẻ cô đơn.

Nhưng khi lòng độ lượng không đến từ cộng đồng mà do kẻ cô đơn thực hiện, té ra cản trở cùng chung sống không phải do cá nhân mà chính là do cộng đồng, lúc đó xã hội không tha thứ cho cá nhân nữa. Tội lỗi cần phải coi vẫn là tội lỗi, không chỉ về mặt đức hạnh nữa mà là chuẩn mực đạo đức. Sự chống đối cần phải loại bỏ.

Chớ nhầm lẫn sự cô đơn anh hùng với cái Jaspers gọi là sự cô đơn hiện sinh. Cô đơn hiện sinh thực ra không bao giờ chấm dứt, bởi vì đấy là hậu trường vĩnh cửu của cộng đồng, là góc tiêu cực không thể thủ tiêu của mọi sự tiếp cận, giao tiếp, gặp gỡ. Cái gọi là”quan hệ” chỉ có thể hình dung trên nền tảng của cô đơn cô đơn hiện sinh như một khả năng, luôn luôn rình rập trong bản thân con người, cộng đồng bất lực với nó, khi nó vượt lên và tan chảy trong các mối quan hệ. Cô đơn hiện sinh, tiêu cực siêu hình của cộng đồng, như một khả năng thông thường lúc nào cũng tồn tại nhưng không bao giờ biến thành phổ biến. Về sự cô đơn hiện sinh chỉ có thể diễn tả như sau: cô đơn như một khả năng của sự sống.

5.

Từ những suy luận trên bắt đầu có thể hiểu cái Byron gọi là sự cô đơn đô thị, hay cô đơn hiện đại. Không là cô đơn của con bệnh, của kẻ bất lương hay bệnh thần kinh, không là sự cô đơn của kẻ xung khắc, hay cô đơn anh hùng hoặc cô đơn hiện sinh. Có sự khác biệt cơ bản, lúc Wordworth nói về” lonely place - nơi cô đơn” để bình yên thiền quán, là sự cô đơn mà Rousseau từng tả, lúc vợ giận giữ trong bữa ăn, ông đặt cuốn sách bên cạnh đĩa và vừa ăn vừa đọc.

Wordworth thống trị”nơi cô đơn-lonely place” ở bìa rừng, giữa những ngọn núi, tháo bỏ sự đơn độc, giao tiếp trực tiếp với bản thân nói theo ngôn ngữ hiện sinh, thông qua đấy gặp”sự sống” lớn trong vũ trụ. Rousseau bù đắp khát vọng tiếp xúc bằng việc đọc. Ngày nay chỉ cần liếc cái nhìn trên xe buýt, tàu điện, trong các quán cafe, các câu lạc bộ, và ngay trong bầu không khí gia đình cũng đủ thấy: toàn những Rousseau, vừa ăn vừa đọc sách. Vắng bóng giao tiếp, và vì không chịu nổi cô đơn, người ta chìm đắm vào sách. Con người trở nên đơn độc.

Đại đa số con người khi đi du lịch, lúc rảnh rỗi, nhưng ngay lúc ở trong gia đình cũng đọc sách; đây là cách thức tạm thời duy nhất tách rời sự cô đơn. Đặc điểm của cô đơn hiện đại chính là sự xuất hiện nỗi cô đơn một cách hàng loạt- một triệu chứng tổng quát-một hiện tượng xã hội. Chưa bao giờ kẻ cô đơn lại đông đến thế, như ngày nay trong các thành phố hiện đại. Cô đơn trở thành một trạng thái xã hội.

Kẻ nào biết, điều này sẽ chấm dứt trong tự nhiên”giữa những dãy núi, trong rừng và bên cạnh những dòng suối”, như Byron từng viết, kẻ đó sẽ đi ra thiên nhiên. Bởi vậy trong thời gian gần đây đi du lịch, tham gia thể thao trở thành một hiện tượng đám đông. Người nào không đi ra thiên nhiên, kẻ đó được gọi là tự ru mình bằng”sự giải trí”. Sự giải trí luôn luôn là ảo tưởng đang trộn vào cộng đồng.

Trong tuần cuộc sống đô thị còn tạm chịu đựng được, bởi khi lao động không ai gặm nhấm bản chất sinh tồn làm gì; nhưng trong ngày lễ, đặc biệt buổi chiều ngày lễ, thành phố lớn câm lặng như chết. Con người đô thị buồn chán trong các chiều chủ nhật. Sự buồn chán này là cái gì vậy?- sự đơn độc. Bầu không khí cô đơn ngột ngạt bao trùm thành phố. Tất cả mọi người còn lại với bản thân. Như thể sự tiếp xúc tập thể, các mối quan hệ, xã hội, nhà nước, gia đình, cộng đồng chưa hề tồn tại.

Cộng đồng hoàn toàn chia rẽ, các mối dây liên hệ hư hoại, con người cô độc. „Trong từng con người và với tất cả mọi người – Pannwitz nói- không gì có thể cứu giúp khi một biển các cá nhân đã làm phân hóa mối quan hệ họ hàng, truyền thống tinh thần lâu đời và biến những giá trị này thành những cá nhân chủ quan.” Hiện tượng này có thể thấy rất rõ trong các phong trào tập thể hiện đại. 


6.

Chung sống biến mất, khi cô đơn xuất hiện, cô đơn chỉ biến mất nơi sự chung sống phục hồi. Đây là ý nghĩa của sự cô đơn đô thị của Byron,”lonely place- nơi cô đơn” của Wordworth, là trạng thái vừa ăn vừa đọc của Rousseau, cũng giống hệt như con người hiện đại luôn vùi đầu vào sách báo, sự chung sống đã chấm dứt, ngay cả trong cái cô đơn anh hùng cũng vậy.

Nhưng có một hiện thực nơi cô đơn mất hiệu lực. Hoàn cảnh này trước hết có trong thiên nhiên, hay nói đúng hơn trong các nguyên tử cổ đại, thông qua đó là một cộng đồng nguyên sơ. Trong lối sống nguyên thủy, trong một hiện thực du mục hoặc săn bắn chưa từng có nỗi đe dọa cô đơn. Khuynh hướng tách biệt ẩn náu trong các mối quan hệ sống hoàn toàn bị loại bỏ. Không phải quyền lợi chung loại bỏ điều này. Quyền lợi chưa bao giờ là nền tảng hiện sinh.

Đây là một tổ chức tự nhiên trong quá trình sống tổng quát: con người là một sinh vật của tổ chức quả đất lớn với trọng lượng, vai trò, sự sống riêng cùng chung sống với môi trường, bằng công việc, bằng gia đình, với cộng đồng người, với đất, không tranh chấp, tự bản thân nó hình thành ra một ý nghĩa tổ chức.

Chỉ nơi nào có sự chung sống hoàn thiện cả về mặt cụ thể lẫn siêu hình, ở đó khả năng cô độc mới chấm dứt. Cái Spengler gọi là” Kulturseele – Văn hóa tâm hồn”, Frobenius gọi là”Paideuma” là một tâm hồn cộng đồng được hình thành chung từ một lối sống, một môi trường, từ nghề nghiệp, từ phong cách nghệ sĩ, từ tập quán, từ tôn giáo, bản thân nó chứa đựng yếu tố nguyên thủy, loại trừ khả năng bị đứt đoạn, bởi sự chung sống hoàn toàn bao bọc nó, duy trì trực tiếp trong nó tất cả, những Kulturseele-Văn hóa tâm hồn, những paideuma, những thành phần của tâm hồn cộng đồng.

Trong xã hội hiện đại không có tâm hồn cộng đồng, và vì thế sự cô đơn có khả năng trở thành hiện tượng đại chúng. Ngày nay cá nhân và cộng đồng đối mặt, dù chiến đấu hay loại trừ nhau, hay đứt đoạn lẫn nhau, nhưng mọi giá không còn cùng nhau nữa.

Cộng đồng và mâu thuẫn cá nhân là một khả năng bị loại bỏ trong sự chung sống, bởi vì điều kiện của tâm hồn văn hóa là cá nhân hòa hợp với cộng đồng đến mức hãy đừng có ý đồ độc lập, nhưng cộng đồng cũng tạo ra một sự gắn bó cân bằng cho cá nhân để nó không thể trở thành khác ngoài chính nó.

Ngày nay chỉ có hai khả năng chung sống: trong thiên nhiên( Byron, Wordworth) và trong tinh thần( Rousseau, sách, tinh thần, lý thuyết, các phong trào tôn giáo). Nhưng cả hai điều này đều chứng tỏ sự thiếu hụt của văn hóa tâm hồn sống động. Trong văn hóa tâm hồn sự chung sống tự phát, suôi sẻ, không có vấn đề và hoàn thiện.

Ngày nay sự tiếp xúc trong thiên nhiên và trong tinh thần cũng đầy vấn đề, và tạm bợ, lỏng lẻo, phức tạp, thậm chí trong những sự tiếp xúc này luôn có một ý nghĩa”chạy trốn” nào đấy.

Con người từ sự cô đơn „chạy trốn” vào thiên nhiên, cũng như vào sách vở, cũng như ném cả cuộc đời một cách trốn chạy vào một nhà nước cộng sản chủ nghĩa tưởng tượng „đánh mất cá nhân”, nhưng,-đây cũng là điều đáng ngạc nhiên nhất- không tạo một cộng đồng cùng bản thân mình mà vứt bỏ số phận mình vào một cái không có gì.

Sự trốn chạy là một hành vi tiêu cực, không nảy sinh từ đấy một hiện thực đầy sức sống. Sự từ bỏ không phải hậu quả của chung sống, trái lại cùng chung sống được với nhau chỉ có các cá nhân, chứ không phải những thực thể phi cá nhân. Cộng đồng không có nghĩa con người trở thành sản phẩm nhà máy mà như sự kết hợp với tổng thể một cách hòa hợp./.




Cô gái nhỏ và biển lớn




Trần Thiên Thị


cơn bão của ngày hôm sau đã bắt đầu quần tụ
tất cả lặng im và nóng hầm hập trên ngọn đồi măng tơ
có cả nỗi buồn
và lời dự báo của lặng im

cô gái nhỏ
và ký ức về biển lớn
có những ngọn triều nước mắt dâng cao hơn sóng
ngã nhào vào thinh không

cát là người thư ký tồi
bao nhiêu lần ghi rồi xóa đi
mà chưa bao giờ ghi lại được màu hồng tươi
của hai gót chân dịu dàng con gái

bây giờ tôi ngồi gởi biển cho em
qua những dòng tin nhắn
trồi sụt như con sóng tự vỗ vào chân mình
làm sao mát được một buổi chiều hạ chí

nắng ba trưa
chưa chắc đã có mưa ba chiều
này cô gái nhỏ hãy về bên lớn
ta cõng em đi
nắng sững sốt rơi rồi