Dưới thời Pháp thuộc, Nam Kỳ là đất thuộc địa, theo luật của Pháp, nên báo chí được tự do hơn Bắc Kỳ là đất bảo hộ. Tuy vậy, tại Hà Nội, tư nhân vẫn được quyền ra báo, cả báo tiếng Việt và báo tiếng Pháp. Bây giờ, Pháp không còn đô hộ Việt Nam, nên tư nhân không còn được quyền ra báo. Theo ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ngày 9 tháng 2, 2007, sở dĩ ông cấm tư nhân hóa báo chí, là “theo nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân ta”.
Tuy người Pháp cho tư nhân ra báo, nhưng quyền tự do ngôn luận bị hạn chế bằng chế độ kiểm duyệt. Trên website “Nghề báo” ngày 14 tháng 12, 2006, tác giả Ký Hưu đã mô tả như sau:
Chế độ kiểm duyệt của thực dân Pháp rất khắc nghiệt. Quãng 20 giờ, người tùy phái của các báo hằng ngày đã phải mang những bài đập thử trên giấy của số báo hôm sau tới phòng kiểm duyệt Phủ Thống sứ (ở phố Đinh Lễ bây giờ) ngồi chờ mấy ông công chức đọc, thấy chỗ nào động chạm hoặc ảnh hưởng tới “mẫu quốc” thì lấy bút chì xanh gạch chéo và ghi “kiểm duyệt bỏ”. Cũng tùy mấy ông có quyền: có khi bỏ cả bài, có khi bỏ vài đoạn hoặc một đoạn, có khi ba, bốn câu thơ. Thế cũng đủ phá vỡ cả một bài, nhất là thơ, làm xấu cả trang báo đã mất công trình bày. Quãng 22 giờ, người tùy phái đem những bài đập thử về, phóng viên trực đêm bảo bác cai nhà chữ, bóc những đoạn bài đó đi và đặt vào đấy dòng chữ “kiểm duyệt bỏ” to tướng. Về sau, thấy số báo nào cũng có những mảng bỏ trắng, gây xôn xao dư luận, tên chủ sự Cu-xô, người Pháp lai, trước là chánh mật thám, nói sõi tiếng Việt, bắt các báo phải dồn bài lại, thay bằng bài khác dự trữ trước cho kín trang. Các báo lúc đầu còn nghe hắn, sau “chơi lại”, cứ để nguyên những mảng trắng cho biết tay. Và số đông những người làm báo thời xưa vẫn đặt hết tâm hồn mình vào những bài bênh vực giới cần lao, hoặc lên tiếng chỉ trích nhà chức trách về quốc kế dân sinh, dưới nhiều thể loại sinh động.
Vẫn theo Ký Hưu: “Sang thời Nhật thuộc, báo chí bị theo dõi và kiểm duyệt chặt chẽ hơn thời Pháp.” Trong khoảng thời gian 9 năm, từ 1945 đến 1954, báo chí VN sống dưới hai chế độ khác nhau. Người viết không dám lạm bàn về báo chí dưới thời Việt Minh, cũng như dưới chính quyền “Quốc Gia Việt Nam”, vì thiếu kinh nghiệm bản thân.
Dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, tư nhân được ra báo, chế độ kiểm duyệt như thời Pháp không còn, báo chí được tự do chửi … Pháp, nhưng nếu bị cho là có luận điệu thiên Cộng, như tờ Thần Chung của nhóm ông Nam Đình, hay nói xa gần tới ông Diệm, như tờ Đường Sống của Linh mục Vũ Đình Trác, thì vẫn bị đóng cửa. Ngoài ra, có thể nhìn vào cách tổ chức chính quyền của một nước, để biết có tự do ngôn luận hay không. Một nước lớn như Hoa Kỳ, mà không hề có Bộ Thông tin.* Nhờ đó, người dân có tự do ngôn luận. Bộ Thông tin trong chính quyền Nam VN là một bộ rất quan trọng. Nếu chỉ cần kiểm duyệt, đâu cần đến cả một Bộ trong chính phủ. Trong hệ thống cai trị dưới chế độ cộng sản, ngoài Bộ Thông tin Tuyên truyền, còn có Ban Tuyên giáo của Đảng, khiến tự do ngôn luận bị đè nặng gấp đôi.
Có thể nói, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, đa số báo chí Việt ngữ đã chịu yên một bề. Nếu có phản kháng, cũng chỉ là chuyện ám chỉ xa gần. Ví dụ bìa báo Xuân của tờ Tự Do năm Canh Tý (1960), cũng là năm tuổi của ông Diệm, có vẽ bức tranh 5 con chuột, đang “làm chủ tình thế” trên một trái dưa hấu. Tin đồn là 5 con chuột tượng trưng cho 5 anh em ông Diệm, và tờ báo đã bán chạy khác thường.
Nhưng báo chí quốc tế và chính quyền ông Diệm đã có những đụng độ vô cùng đáng tiếc, dẫn tới hậu quả sống còn của chế độ, và chính bản thân của anh em ông. Sau cuộc đảo chính bất thành ngày 11 tháng 11 năm 1960, và vụ hai phi công bỏ bom dinh Độc Lập ngày 27 tháng 2, 1962, thực chất chỉ do âm mưu của một số cá nhân. Nhưng các nhà báo Homer Bigart của The New York Times và Francois Sully của Newsweek đã trình bầy các biến cố này như là phản ảnh của tình trạng thất nhân tâm đối với chính quyền đã tới cao độ. Nhất là nói những điều không đẹp, và đôi khi không đúng sự thật, về bà Nhu.
Ông Diệm đã quyết định trục xuất Bigart và Sully, nhưng vì có sự can thiệp của Đại Sứ Mỹ Nolting, hai ký giả này không bị trục xuất ngay, nhưng không được tái gia hạn Visa khi hết hạn. Trong khi chờ đợi ra đi, các ký giả này đã không tiếc lời chỉ trích nặng nề, khiến cho bất hòa giữa báo chí quốc tế và chế độ càng tăng thêm.
Bà Nhu tập bắn súng trước đội Nhân Quân Phụ Nữ VNCH
Tháng 8, 1962, Newsweek đăng một bài của Sully, kèm theo tấm hình chụp một nhóm phụ nữ thuộc Thanh Niên Cộng Hòa, mặc đồng phục, trong tư thế tập bắn súng, với lời chú thích: “Nữ binh tại Saigòn: Địch quân có thêm nỗ lực và phấn khởi” (Female militia in Saigon: The enemy has more drive and enthusiasm). Bà Nhu thực sự nổi giận, nói rằng Sully làm việc với Việt Cộng để hạ thấp nữ giới Nam Việt Nam, và đáng bị trục xuất, mặc dầu Đại sứ Nolting đã cố gắng giải thích rằng đặt lời chú thích hình đăng báo là quyền của tòa soạn, không phải của ký giả. Số báo Newsweek này đã bị cấm bán trên toàn quốc. Đáp lại dư luận Hoa Kỳ nhấn mạnh về việc cần có tự do báo chí, bà Nhu đã nói thẳng với một nhà báo Mỹ: “Việt Nam không cần cái thứ tự do điên khùng của các ông”. (Vietnam did not need “your crazy freedoms”.)
Trong khi ấy, báo chí tư nhân quốc nội, chẳng những không ai lên tiếng bênh chính quyền, mà còn có thái độ “múa tay trong bị”.
David Halberstam (trái), đồng bằng Cửu Long năm 1963, với Malcolm Browne, phóng viên AP (giữa), và Neil Sheehan, phóng viên UPI (phải)
Năm 1962, ngoài Bigart và Sully, còn Jim Robinson của NBC cũng bị trục xuất. Hậu quả là đám ký giả thay thế những người bị trục xuất hay mãn hạn kỳ phục vụ tại VN thuộc loại trẻ hơn, háo hức nổi danh hơn, và nhiều ác cảm với chế độ Sàigòn hơn. Hai người trong số này là Neil Sheehan của UPI, mới 25 tuổi; và David Halberstam, của New York Times. Có người ví von là mỗi ngòi bút nhà báo mạnh bằng một sư đoàn. Đối với Sheehan và Halberstam, có thể nói sức công phá của họ còn mạnh hơn nhiều quân đoàn. Theo nhận định của nhà sử học Mark Moyar: “Halberstam 28 tuổi khi tới Việt Nam. Trước khi ra đi, 15 tháng sau, anh ta làm hại cho quyền lợi của Mỹ nhiều hơn bất cứ nhà báo nào trong lịch sử Hoa Kỳ”.
Sau cuộc đảo chính 1 tháng 11, 1963, tự do ngôn luận được nới rộng hơn, bằng cách đóng cửa hàng loạt báo chí bị coi là thân chế độ cũ, và cho ra hàng loạt báo chí đứng tên bởi những người thân cận với tân chế độ. Một trong những báo mới này, có tờ mang tên “Nhân Dân”, để đối địch với “Nhân Dân” miền Bắc! Nhưng nhân dân miền Nam không giống nhân dân miền Bắc, nên chẳng bao lâu, Nhân Dân miền Nam mồ yên mả đẹp.
Trong 6 năm, từ 1964 đến 1969 tuy báo chí bị kiểm duyệt, nhưng có tự do hơn thời trước. Cơ quan kiểm duyệt được gọi bằng cái tên rất hiền lành, là “Sở Phối hợp Nghệ thuật”. Những chỗ bị kiểm duyệt, có in mấy chữ: “Tự ý đục bỏ”. Điều gọi là “tự ý” không phải là tự ý, mà theo lệnh của sở kiểm duyệt. Trên nguyên tắc, báo phải kiểm duyệt, đợi nhân viên sở kiểm duyệt đọc xong, đánh dấu vào những chỗ cần “tự ý đục bỏ”, ký tên, rồi báo mới được in. Nhưng trên thực tế, nhà báo thường cho in trước, để đủ thì giờ gửi đi các tỉnh xa, còn chuyện “tự ý đục bỏ” chỉ áp dụng cho báo nạp bản, và báo bán ở Sàigòn. Thành ra, các độc giả ở xa, thường được đọc báo không có kiểm duyệt.
Tự do ngôn luận không phải chỉ bị giới hạn bằng kiểm duyệt, mà còn bằng các biện pháp khác. Mọi người được tự do nghe các đài phát thanh nước ngoài, như VOA, BBC… và các nguồn thông tin này có mức khả tín cao hơn đài Sàigòn. Người viết không có tài liệu, và không biết có ai bị bắt vì nghe các đài như Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, Hà Nội không. Nhưng có ai nghe thì cũng trong vòng kín đáo, chứ không công khai. Bên cạnh kiểm duyệt, là sự giới hạn các nguồn tin từ các hãng thông tấn quốc tế, như UPI, AP của Mỹ, AFP của Pháp, và Reuters của Anh. Việt Nam Thông Tấn Xã, viết tắt là VTX, độc quyền mua tin của các hãng này, rồi bán lại cho các báo. Khi dịch ra Việt ngữ, hay để nguyên ngoại ngữ phân phối cho các báo, VTX đã loại bỏ những tin họ nghĩ là không có lợi cho chính quyền. Ngay những tin do VTX cung cấp, khi lên mặt báo, vẫn có thể bị “tự ý đục bỏ”, nếu sở Phối hợp Nghệ thuật cảm thấy có điều gì không ổn, như đặt tựa lớn quá, hay quá “giật gân”.
Trong tình trạng này, có thể nói, về mặt tin tức “báo nào cũng giống báo nào”. Vậy thì, tờ báo hay dở không đánh giá bằng tin tức, mà bằng những bài viết, và độ dài truyện chưởng của Kim Dung. Bài viết mà khô khan kiểu bình luận, chẳng mấy người đọc, khiến phong trào viết phiếm luận mọc lên như nấm. Mỗi số báo chỉ có bốn hoặc tám trang, ít nhất cũng có hai hoặc bốn bài phiếm luận. Viết phiếm luận dưới chế độ kiểm duyệt, là điều rất khó. Nhiều khi nghĩ nát óc, gò mãi mới được một chữ, hay một câu ưng ý, nếu bị “tự ý đục bỏ”, vừa buồn, vừa tức không chịu được. Nghĩ rằng trên đời, có lẽ không còn nghề gì “khốn nạn” hơn nghề kiểm duyệt.
Vì thế, phải vừa viết, vừa lách. Mỗi một câu viết xuống đều phải nghĩ rằng, chữ nào trong câu có thể bị đục, và nếu bị đục sẽ còn lại gi? Có làm vô nghĩa, hay trái nghĩa điều muốn nói không? Đôi khi phải dùng chuyện xẩy ra ở nước khác, để nói chuyện nước mình. Tôi không có trong tay những bài viết đã trên dưới bốn chục năm. Hôm mới đây, may được đọc một mẩu viết trên báo Chính Luận vào ngày 15 tháng 4, 1969, được Người Việt đăng lại trong mục “Ngày này năm cũ”, 15 tháng 4, 2009. Xin ghi lại đây như một ví dụ về việc “lách”, phải dùng chuyện bên Tây để ám chỉ:
Ðáng thương
De Gaulle sắp tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như đã hứa hồi năm ngoái. Tuy nhiệm kỳ dân cử của De Gaulle còn lâu nhưng ngày 8-4 vừa qua, ông ta đã dọa rằng: “Nếu người dân Pháp từ chối cuộc trưng cầu dân ý thì trong trường hợp đó, tôi sẽ không còn ở lại điện Elyseé một giờ nào nữa. Vì như thế là địa vị quốc tế của chúng ta đã chấm dứt.”
Ðúng là lời nói của những kẻ “hợm mình”, lúc nào cũng muốn làm ra cái điều dân chủ, để dân chúng được tự do quyết định, nhưng lại dùng áp lực tinh thần đe dọa: “Nếu ‘ta’ từ chức, thì địa vị quốc tế của chúng ta chấm dứt”. De Gaulle làm như cả nước Pháp chỉ có mình ông ta mới giữ nổi địa vị Quốc tế của nước Pháp. Thật tội nghiệp cho những kẻ cai trị bao giờ cũng tưởng chỉ có mình là nhất, sẩy mình là sụp đổ hết. Họ làm như không bao giờ chết và không ai có thể thay thế.
Trong trường hợp khác, có kẻ đã cắm một lá cờ lớn của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trên nóc Nhà Thờ Đức Bà ở Paris. Ít lâu sau, cơ quan an ninh Sàigòn loan báo đã khám xét một ngôi Chùa do Thượng Tọa Thích Thiện Minh trụ trì, bắt được cờ cộng sản, và cả võ khí. Thượng Tọa đã bị phạt tù, và Chùa bị tịch thu. Để tránh bị đục, tôi đã viết rằng vừa nhận được một điện tín từ Paris cho hay, theo một nguồn tin chưa được phối kiểm, nhà cầm quyền Pháp đã ra lệnh tịch thu Nhà Thờ Đức Bà.
Một ví dụ khác: Chỉ trích mấy ông tướng bê bối vào thời tướng lãnh đang cầm quyền, là điều quá “nhậy cảm”. Tôi “lách” bằng cách dùng một bản tin nói về tác phong quan liêu, và nếp sống đáng dị nghị của một số tướng lãnh Việt Cộng. Rồi bên dưới viết rằng: “Xin nói lại cho rõ, đây là nếp sống của tướng Việt Cộng. Còn tướng VNCH, đương nhiên hơn tướng VC về mọi phương diện.” Quả nhiên bài viết không bị đục, và nhiều người đọc đã rất thích thú.
Chế độ kiểm duyệt báo chí đã chấm dứt bằng Luật 019/69, do Quốc Hội thông qua, và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký ban hành vào ngày 30 tháng 12, 1969. Gồm 8 chương và 69 điều, có thể nói đây là luật báo chí tiến bộ nhất tại Việt Nam từ trước tới nay. Nói như vậy, vì luật này cho mọi người đều được quyền ra báo; không phải xin phép, mà chỉ phải đăng ký. Báo có quyền chỉ trích chính phủ, không bị kiểm duyệt, và chỉ có thể bị tịch thu theo lệnh của tòa án.
Hôm 27 tháng 4, 2009, lại được đọc trong mục “Ngày này năm cũ” trên Người Việt Online một mẩu “Sổ Tay” của Sức Mấy trên Chính Luận vào ngày 28-4-1970, nói về vụ ba ông tướng bị hai ông Nghị sĩ tố tham nhũng tại diễn đàn Thượng Viện sáng 24 tháng 4, 1970. Đây là thời gian mới có luật 19/69, báo không bị kiểm duyệt:
Sổ Tay Sức Mấy
Vụ ba tướng lãnh bị tố cáo, đã gây phản ứng khá sôi nổi. Hai trong ba tướng bị tố, đã chánh thức lên tiếng, Tướng Trí đòi đấu khẩu, và đấu súng với ông Chức. Tướng Trí có trong sạch hay không, điều đó hạ hồi phân giải. Nhưng phản ứng của ông có vẻ bất lợi cho ông. Ðấu gươm hay đấu súng, rất thịnh hành vào thời Trung Cổ, vào thời chỉ có luật của kẻ mạnh được tôn trọng. Trong các xã hội pháp trị hiện nay, đấu súng hay đấu gươm là điều luật pháp ngăn cấm. Một người, dù là một ông tướng, nếu muốn luật pháp bảo vệ, thì không nên thách thức đối phương làm những điều bị luật pháp ngăn cấm. Thách đối phương làm điều phi pháp, là coi thường luật pháp.
Ðại Tướng Cao Văn Viên đã phản ứng một cách trầm tĩnh “chỉnh tề” hơn. Ông chỉ mới cho các cấp dưới biết sự trong sạch của mình, chứ không thách thức ai cả. Tuy nhiên, có một điều đáng nên bàn cãi là Ðại Tướng Viên đã hai lần xin từ chức, nhưng nay thấy bị tố cáo, nên quyết định ở lại chức vụ, không từ chức nữa.
Nói chung, Sức Mấy rất kính trọng các tướng. Vì nếu không có các tướng, thì lấy ai mà cai trị suốt bảy năm qua. Chính vì kính trọng các tướng mà Sức Mấy chủ trương các tướng bị tố cáo nên từ chức ngay để đợi kết quả điều tra. Chỉ có như vậy thì sự trong sạch của các tướng mới sáng tỏ, nếu quả thật các tướng trong sạch. Một lẽ dễ hiểu, là các tướng bị tố đều nói rằng mình trong sạch, đều đòi trưng bằng cớ. Nhưng nếu các tướng không từ chức, thì ngay cả “nạn nhân” của các tướng, ai dám tố cáo.
Một khi các tướng còn tại chức, lấy gì bảo đảm cho những nhân chứng trong vụ tố cáo các tướng? Ông Chức, ông Sách, là những người bất khả xâm phạm, nên dám sử dụng diễn đàn Quốc Hội để tố cáo, còn những người dân thấp cổ bé miệng, thì sự khôn ngoan dạy họ phải im lặng. Ở nước này thiếu gì những trường hợp người ta chỉ dám ra làm nhân chứng, hay tố cáo một nhân vật đã bị lật đổ, cách chức, hay bỏ trốn.
Nếu các tướng từ chức, mà cuộc điều tra sau đó không đem lại được một chứng cớ nào để buộc tội, thì sự trong sạch của các tướng sẽ sáng như gương, và lúc đó, dù các tướng có lẩn tránh, dân chúng cũng võng lọng đi mời cho được các ông ra làm việc lại.
Đây là thời gian khởi sắc nhất của báo chí miền Nam. Nhưng chỉ được hơn hai năm sau, ông Thiệu lợi dụng tình trạng được Quốc Hội ủy quyền, đã tự mình ra Sắc Luật 007/72, ký ngày 5 tháng 8, 1972, hạn chế tối đa tự do báo chí. Tư nhân muốn ra nhật báo, phải ký quỹ 20 triệu đồng, tương đương 47 ngàn Mỹ kim, hoặc một nửa số tiền này, đối với báo định kỳ. Tiền ký quỹ được gửi vào ngân hàng, coi như tiền bảo chứng, bị khấu trừ để trả tiền phạt hoặc bồi thường, nếu bị thua kiện. Khi đó, nhà báo phải đóng thêm tiền ký quỹ cho đủ với mức quy định tối thiểu, nếu không, báo phải đóng cửa.
10-10-1974, ngày ký giả đi ăn mày
Kết quả là 16 nhật báo và 15 báo định kỳ đã phải đóng cửa. Ông Thiệu chủ trương hạn chế tự do báo chí để ngăn cản sự xâm nhập của cộng sản. Nhưng cộng sản nằm vùng như Huỳnh Bá Thành vẫn có báo để dụng võ. Còn nhiều ký giả vốn chống cộng, phần lớn là thành viên của Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam, đã bắt tay với đoàn viên của Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt, vốn có lập trường thiên cộng, kéo nhau xuống đường trong ngày “Ký giả đi ăn mày”, với mục tiêu chính là phản đối Sắc Luật 007/72.
Vào thời kỳ này, báo chí Sàigòn có sắc thái khá đặc biệt, có thể xếp thành ba khuynh hướng: Vài báo như tờ Tiền Tuyến của quân đội, ở thế không thể đối lập với ông Thiệu; tờ Dân Chủ của đảng Dân Chủ, là đảng của ông Thiệu, đương nhiên bênh ông Thiệu. Vài tờ khác như Điện Tín do nhóm dân biểu thân cộng chủ trương, tờ Bình Minh thân với ông Dương Văn Minh, ra mặt đối lập, chống ông Thiệu dữ dội. Vài tờ có khuynh hướng độc lập, như Hòa Bình, Chính Luận. Về sau, khi Hòa Bình đình bản, chỉ còn có Chính Luận, không đi với phe nào.
Có lần, chính chủ nhiệm Chính Luận là BS Đặng Văn Sung đã nói với người viết bài này rằng: Mình chống ông Thiệu độc tài, rồi lại cúi đầu nghe lệnh của mấy ông Hội Chủ Báo, hay mấy cậu thuộc Tổng Hội Sinh Viên, thì vô lý quá. Sở dĩ có chuyện này, vì trong một vài lần, Hội Chủ Báo hay Tổng Hội Sinh Viên đã yêu cầu các báo đình bản một ngày để phản đối ông Thiệu, và hầu hết đã nghe theo. Trừ Tiền Tuyến và Dân Chủ vì không chống ông Thiệu, với Hòa Bình, Chính Luận vì không muốn tuân theo chủ báo và sinh viên.
Vào dịp nhóm chống tham nhũng do Linh Mục Trần Hữu Thanh đứng đầu ra tuyên cáo số 2, Hội Chủ Báo và Tổng Hội Sinh Viên yêu cầu các báo đăng nguyên văn. Chính quyền dọa trước, báo nào đăng sẽ bị tịch thu, và truy tố ra tòa. Chính Luận trong thế kẹt: Nếu đăng như các báo khác, là chịu khuất phục theo sự điều khiển của Chủ Báo và Sinh Viên. Nếu không đăng, sẽ bị coi là sợ tịch thu, về phe với ông Thiệu để thủ lợi. Ông Sung quyết định chọn giải pháp: Không đăng nguyên văn theo yêu cầu của chủ báo và sinh viên, nhưng đăng dưới hình thức bản tin; phải viết thế nào cho đầy đủ, và đủ mạnh, để báo sẽ bị tịch thu. Việc này được trao cho ba người là Phụ tá Chủ nhiệm Đậu Phi Lục, nhà viết bình luận Hà Minh Lý, và cây viết phiếm luận Cự Môn. Kết quả xẩy ra đúng như dự trù. Chính Luận bị tịch thu giống như các báo khác. Và không hiểu do ngẫu nhiên, hay bởi một sự huyền bí nào đó, trong dịp bắt ký giả và chính khách đợt chót sau ngày thất thủ Ban Mê Thuột, cả ba người này đều bị bắt.
Nói đến vụ mất Ban Mê Thuột, không thể bỏ qua cái chết của ký giả Paul Leandri. Tuần báo TIME số đề ngày 24 tháng 3, 1975 viết:
Tháng rồi, Thiệu bỏ tù 19 nhà báo và đóng cửa 5 báo đối lập; vụ đàn áp này có vẻ làm yên được phong trào đối lập. Sự gia tăng thù địch của chính quyền ông ta đối với báo chí nước ngoài đã đưa tới thảm cảnh vào tuần trước khi cảnh sát Sàigòn ra lệnh cho ký giả của Agence France-Presse là Paul Leandri phải tới Tổng Nha Cảnh Sát để thảo luận về một bản tin. Leandri đã cưỡng lại cuộc thẩm vấn, toan lái xe bỏ đi, và đã bị bắn chết.
Sáng 10 tháng 3, 1975, theo tin chính thức, cũng như tin của các hãng thông tấn khác, quân chính quy Cộng sản có xe tăng yểm trợ đã tấn công Ban Mê Thuột vào đêm hôm trứơc. Nhưng Paul Leandri của AFP lại loan tin rằng: “Lực lượng tấn công Ban Mê Thuột là của dân quân địa phương, không phải quân đội chính quy Bắc Việt”. Sáng ngày 14 tháng 3, Tổng Nha Cảnh Sát cử người tới văn phòng AFP nói truyện với Leandri, để biết ông ta lấy tin ở đâu. Cuộc thảo luận không có kết quả. Leandri được mời tới trình diện tại Tổng Nha để thảo luận tiếp. Mãi gần tối, Leandri mới tới Tổng Nha. Sau này, một đại úy Cảnh Sát cho người viết hay là Paul Leandri đến vào lúc mấy xếp lớn đi đánh quần vợt, nên phải ngồi đợi. Vốn sẵn ác cảm, lại bị đợi lâu, Leandri nổi giận, to tiếng phản đối, và lên xe phóng đi. Cảnh sát giữ cửa hô đứng lại, cứ đi, nên bị bắn chết. Paul Leandri chết khi mới 37 tuổi, để lại vợ trẻ mới mang bầu 4 tháng.
***
Báo chí tại miền Bắc VN trước 1975, và trên cả nước từ sau 30-4-75, có lẽ không thay đổi nhiều trên thực tế, mặc dầu có thay đổi về luật pháp quy định sinh hoạt báo chí. Để có một ý niệm đại cương, người viết xin ghi lại sau đây ý kiến của cố cựu Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, cũng là một nhà báo nhiều người biết tới, cả trước và sau 1975.
Trước phát biểu của ông Trần Bạch Đằng: “Tôi hiểu báo chí của ta còn một số hạn chế có khi từ chính sách quản lý Nhà nước hoặc từ những điều kiện cụ thể từng lúc của đất nước,” Ông Nguyễn Ngọc Lan viết vào năm 1998:
“Chèn đét ơi! 1998-1954, tròm trèm nửa thế kỷ, nhất là từ 30.4.1975, toàn thắng và “vĩnh viễn hoà bình, không thằng nào còn dám động tới lông chân của ta” nữa, như người dân Sài Gòn từng nghe các ông Hoàng Tùng lớn bé tuyên bố. 1998-1975, 23 năm là tám ngàn bốn trăm ngày, trên 20 vạn giờ, là bao nhiêu “từng lúc” rồi? Ru ngủ, vỗ về “hãy đợi đã” hay trấn áp, dọa dẫm “hãy đợi đấy”, hoặc vừa củ cà rốt kia vừa cây gậy này, là lối nói… truyền kiếp của tất cả các chế độ độc tài xưa nay trên thế giới. Và riêng ở Việt Nam, hình như ông Nguyễn Văn Thiệu đã nói y như thế, ông Ngô Đình Diệm đã nói y như thế, chỉ không có nhiều “từng lúc” để bắt nhân dân phải đợi lâu bằng bây giờ thôi (1954-1963, rồi 1967-1975). Ở Việt Nam nhiều “từng lúc” hơn thì phải trở lui lại tới tận thời các ông Tây cơ. Khởi đầu người Pháp chỉ “bảo hộ” thôi, sau này “Pháp-Việt đề huề” thời cụ Phan Chu Trinh rồi Pháp với Chính phủ Bình dân thì đều không phải là đã thiếu những hứa với hẹn. Chưa kể là cứ hỏi những bậc đại lão đảng viên như cụ Nguyễn Văn Trấn xem phải chăng những năm 30, giữa Sài Gòn thuộc địa này, Nguyễn Văn Trấn đã có nhiều cơ hội, điều kiện để làm báo hơn là nửa thế kỷ sau, giữa Thành phố Hồ Chí Minh?
“Dĩ nhiên, để biện hộ cho tình trạng không có tự do ngôn luận, người ta tránh nói: thì thời nào cũng thế thôi, nhưng người ta lại dễ nguỵ biện: ở đâu cũng thế thôi. Ở đây không kiểm duyệt, các tổng biên tập tự kiểm duyệt. Nhưng tổng biên tập ở đâu mà chẳng sàng lọc bài vở, kiểm duyệt cho hợp với lợi ích của tập đoàn làm chủ tờ báo hay với những đường lối của đảng phái mà tờ báo đại diện. Lập luận như thế thì còn có thể thêm: không chỉ tổng biên tập, người cầm bút nào mà chẳng “tự kiểm duyệt”, thậm chí đứa con nít biết coi lại và sửa bài trước khi nộp cho thày cô chấm cũng là “tự kiểm duyệt” rồi. Nhưng người ta đã lờ đi cốt lõi của vấn đề: Có tự do báo chí là khi báo chí không độc đạo, khi đằng sau các tổng biên tập không chỉ có một thế lực tài chính duy nhất và cũng không chỉ có một quyền lực chính trị duy nhất, toàn trị và không thể thay thế. Chỉ trong chế độ độc tài, kiểm duyệt trực tiếp hay kiểm duyệt gián tiếp thì cũng vậy thôi. Một bài báo đã bị một tờ báo khước từ vì lý do chính trị thì đố mà có thể được đăng trên một tờ báo khác. Trừ phi may mắn gặp lúc tổng biên tập… ngủ gật. Có khi kiểm duyệt gián tiếp còn gắt gao hơn vì các tổng biên tập vừa không có quyền hạn bằng một bộ trưởng văn hoá thông tin, vừa khó tránh nỗi sợ bị hoạnh hoẹ, bị mất chức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét