Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

VIẾT CHO TÌNH BẠN !!




Vòng tròn cuộc đời luôn có những điểm chấm đặc biệt. Đó là những nốt chấm bao dung, lòng tha thứ. Đó là chấm vàng của những lỗi lầm mà bất cứ ai cũng có thể vấp phải. Và vì thế luôn bên những chấm vàng ấy là những hạt bụi biết cảm thông và chia sẻ .Sự thay đổi của một con người cũng có thể là sự văng ra một cách vô thức của hạt bụi ấy...và rất cần, cần lắm những trái tim biết cảm thông, chia sẻ..





Trong cuộc đời mỗi người đều có vô vàn những mối quan hệ, và tình bạn là một trong những mối quan hệ đẹp và trong sáng nhất mà ai trong chúng ta cũng cần có được và biết nâng niu.

Tình bạn là môt khái niệm không giới hạn mà ai trong chúng ta đều có thể chỉ mặt, đặt tên tùy theo cáh suy và ngẫm của mỗi người, không khuôn mẫu và không có sự ép buộc. Tình bạn là một phạm trù xã hội dùng để chỉ mối quan hệ giữa con người với con người, là bến đỗ của những điệu hồn tìm thấy tâm hồn đồng điệu. Đó là sợi dây vô hình gắn kết những người có cùng sở thích, chí hướng, cùng quan niệm về nhân sinh quan và cũng có thể chung lý tưởng sống.


Tình bạn là thứ tình cảm tự nhiên và tự nguyện, và lòng chân thành là nguồn lực nuôi dưỡng tình bạn trường tồn với thời gian, cùng những phai màu cuộc sống.

........................................

Trong một phút giây nào đó của cuộc sống, ta tìm được một tình bạn chân thành. Và ta nhận ra rằng một trong những hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời này là tình bạn, và một trong những hạnh phúc của tình bạn là có một người để gửi gắm tâm sự thầm kín.

Là người có thể thay đổi cuộc sống của bạn dù chỉ là một mặt nhỏ nào đó; là người mang đến cho ta nụ cười - nụ cười chứa đựng niềm tin, niềm hạnh phúc về sự chân thành của tình bạn mà bấy lâu ta tìm kiếm.

Là người sẵn sàng ngồi hàng giờ để lắng nghe những tâm sự không có điểm dừng , không hồi kết;là người có thể mỉm cười chung hạnh phúc của ta và cũng sẵn sàng lắng nghe, chia sẽ những thất bại, khó khăn mà cuộc sống mang lại..không cần cảm ơn, không cần suy nghĩ hơn thiệt.

Là người cho ta một bờ vai khi ta khóc. cho ta một điểm tựa khi ta rơi vào khổ đau của tuyệt vọng, cho ta một tia sáng khi chân ta vô tình lạc lối vào thế giới tối tăm . Và hơn hết, bạn mang đến cho ta nguồn sức sống mới, đầy tin yêu vào cuộc sống, tin vào sự chân thành của thứ cảm xúc gọi là tình bạn- sợi dây kết nối con người với con người-miền cảm xúc thiêng liêng mà hành trang cuộc đời cần có và đáng được trân trọng, nâng niu và gìn giữ.

Tình bạn là sự trải nghiệm lý thú và chân thành của cuộc đời mỗi người. Một tình bạn đẹp dựa trên niềm tin tuyệt đối, từ niềm cảm thông chia sẽ, sự đồng điệu của hồn người. Tình bạn đẹp là môi trường tốt để mỗi chúng ta hoàn thiên nhân cách bản thân mình. Tình bạn của Lưu Bình - Dương Lễ, Các Mác - Ăng ghen ngày xưa là những minh chứng cho tình bạn đẹp và cao cả.

"Bạn bè là nghĩa tương giao
Khó khăn, hoạn nạn ân cần có nhau"


Sức mạnh của tình bạn là bất diệt, linh hồn của tình bạn là bất tử. Trong hành trình cuộc đời của mình, tri âm tri kỷ là động lưc, là chỗ dựa tinh thần vững chắc bồi đắp, tiếp thêm niềm tin cho ta bước tiếp.

Cảm ơn cuộc sống đã sinh ra ta và đã cho ta được gặp bạn. Cảm ơn bạn đã đến trong cuộc đời của ta và mang cho ta một tình bạn chân thành không toan tính, vụ lợi.

Tình bạn là sợi dây vô hình lặng lẽ nắm tay ta vượt qua bão giông cuộc đời


--- Sao Băng Thiên sứ ---

Lybia đã trở thành nước trong chuyện cổ tích




Lybia chia năm sẻ bảy
Ngày xửa ngày xưa, đã xưa lắm rồi, ở một vùng đất nọ có một nước lạ tên là Lybia. Đất nước vốn kỳ lạ như cái tên với muôn thứ kỳ lạ trên trần gian mà nhiều người mơ ước không có được. Trong đất nước kỳ lạ ấy vào khoảng cuối thế kỷ 20 có hạ sinh có một nàng công chúa vô cùng xinh đẹp tên là Dân Chủ. Nàng càng lớn lên, sắc đẹp lại càng mặn mà khiến cho mụ phù thủy NATO ghen ghét.

Mụ phụ thủy NATO những năm trước ấy luôn được xếp vào hạng những nước dân chủ nhất thế giới. Nhưng rồi tre già măng mọc, cây có chết cành già thì chồi non mới mọc lên. Một hôm mụ mua được chiếc gương "made in China" về soi và mụ thầm hỏi về chuyện cũ, gương tỏ thái độ không thèm trả lời nên mụ phù thủy tức tối đập vỡ gương. Mụ quay sang mở laptop tìm kiếm trên net và phát hiện ra nàng công chúa nọ ở Lybia có nguy cơ soán ngôi nên mụ rắp tâm sát hại.

Thế rồi một ngày kia, nàng công chúa của nước ấy bị mụ phù thủy NATO lừa cắn quả táo độc. Nhưng thay vì như nàng Bạch Tuyết xinh đẹp bị nghẹn ở cổ họng thì nàng Lybia đã nhai và nuốt cả quả. Độc ngấm toàn thân, bỗng chốc mạch máu toàn thân bị đứt, tim gan trong bỗng chốc bị nát, nàng lăn quay ra chết bất đắc kỳ tử.
Nàng Dân Chủ chết khiến cho trăm họ lầm than, muôn dân đói khổ, đất nước chia năm sẻ bảy, anh em giết nhau, bố con vợ chồng trở mặt thành thù. Kể từ ấy nước Lybia đã biến mất trên bản đồ thế giới và không bao giờ quay trở lại.

Nữ thần tự do hết rồi lúc lên voi, giờ là lúc thời kỳ xuống chó



Sau nhiều thập niên, rốt cuộc nàng cũng có những giây phút thư giãn



Nhưng lên voi xuống chó cũng là qui luật muôn đời.
Copyright by Lubomir Kotrha

Những con số biết nói


- Mỗi năm cả nước Đức có vào khoảng 300.000 trường hợp trẻ em bị lạm dụng, tức là cứ 2 phút có một đứa trẻ bị lạm dụng (Đánh đập, lạm dụng tình dục,....)
- Cứ 12 đứa trẻ sinh ra hoặc lớn lên tại thủ đô Berlin thì có ít nhất 1 đứa là nạn nhân
- Trong số các trường hợp trên (300 ngàn) có 16.000 trường hợp bị khởi tố, 80% các vụ đó được làm sáng tỏ
- Cả nước Đức có vào khoảng 200.000 đàn ông có xu hướng nghiện tình dục với trẻ em
- Khoảng 15%-30% thủ phạm là trẻ em, 40% trong số họ quá khứ từng là nạn nhân
- 70% thủ phạm trên 21 tuổi
- Độ tuổi nạn nhân khoảng trên 50% nằm ở giữa 0 tới 11 tuổi
- 95% các vụ có thủ phạm và nạn nhân là người quen biết nhau
- Những người phụ nữ và các bé gái bị tâm thần dễ trở thành nạn nhân bị hiếp dâm nhất
- Hình ảnh và video về ấu dâm phát tán rộng rãi nhiều nhất thế giới tại các quốc gia: Sri Lanka, Thái lan, CH Séc, Rumani, Bulgari, Tunesia, Marokko, Bồ đào nha
- Chỉ tính riêng từ năm 1990 cho tới năm 2001 đã có 900 trẻ em Đức bị mất tích chưa tìm ra tung tích. Người ta cho rằng một số trong những đứa trẻ đó có thể vẫn còn sống, bị giam giữ làm nô lệ tình dục hoặc mại dâm ở đâu đó.
- Hình ảnh và video về ấu dâm tại Đức mỗi năm được mua bán với số tiền vào khoảng 1 tỷ Euro!



Những con số biết nói!


Mời các bạn xem thêm chi tiết: http://www.welt-in-zahlen.de/laendervergleich.phtml?indicator=47



Nước Mỹ: Nhà tù nhiều hơn trường học và bệnh viện!




Bình quân theo đầu người của một số nước công nghiệp, tỷ lệ nhà tù cho 100.000 dân như sau:
- Đức: 90
- Nhật: 63
- Pháp: 96
- Anh: 153
Và nước Mỹ, bạn có tưởng tượng ra rằng, con số ấy là 760! Gần gấp 8 lần nước Đức, gấp hơn 10 lần Nhật!

Năm 2008 có 2,4% dân số Mỹ hoặc đang ở trong tù (2,3 triệu) hoặc đang được hưởng án treo (4,3 triệu) hoặc đang còn được tại ngoại (0,828 triệu). Tổng cộng nước Mỹ đang có 7,4 triệu dân chịu sự quản lý của ngành tư pháp. Chỉ tính riêng số người thụ án trong tù theo thống kê năm 2011 số người bị bắt đã lên tới 2,4 triệu.

Để so sánh chúng ta có thể lấy con số đầu thập niên 1980. Khi ấy bình quân 100.000 dân mới có 150 phạm nhân. Điều đó cho thấy mỗi lần kinh tế của Mỹ phát triển ngược là số người phạm tội tăng lên khủng khiếp. Xem ra người Việt nam ta có câu "đói ăn vụng, túng làm liều" áp dụng cho nước Mỹ cũng đúng đấy chứ?

Số người buôn bán ma túy cũng vậy: Thập niên 1980 chỉ có 15 bị kết án liên quan tới cần sa trên 100 ngàn dân thì năm 2009 đã lên tới 148. Riêng năm 2009 có 1,66 triệu người Mỹ bị bắt hoặc kết án vì liên quan tới ma túy. Trong con số ấy chỉ có 4-5 người sở hữu số lượng vài gramm, còn lại đều là những người buôn với số lượng lớn. Điều đó cho thấy ma túy đã trở thành một ngành công nghiệp lớn của Mỹ.

Chi phí cho nhà tù: Năm 2011 tiểu bang California chi ra 10 tỷ USD cho nhà tù. Trong khi đó cho trường từ tiểu học tới đại học chỉ có 5,7 tỷ USD. Từ năm 1980 California xây dựng thêm một trường đại học mới, nhưng có 21 nhà tù mới. Chi phí cho mỗi sinh viên hết 8667 USD, cho mỗi tù nhân hết 45.000 USD.
Mặc dù Mỹ đã từng bỏ án tử hình rồi lại đưa lại vào, nhưng số vụ án giết người không hề giảm đi: Bình quân 100 ngàn dân có 5,22 vụ giết người vào năm 2008. Trong khi đó tại Đức là 0,8, Thụy sĩ: 0,72 và Áo: 0,58.

phụ nữ chúng tôi phải viết


Có đôi lúc tôi thắc mắc tự hỏi tại sao phụ nữ thời đại chúng tôi phải viết và họ đã viết gì? Nhu cầu nào đã thúc đẩy họ cầm viết, động lực nào bắt họ ngồi xuống bàn phím, thoăn thoắt gõ những con chữ trôi bập bềnh trên giòng tư tưởng.

Thời đại tôi muốn đề cập đến là thời đại “Cyberfeminism,” tức thời đại của nữ quyền trong thế giới ảo. Kỹ thuật càng cao, tác dụng của kỹ thuật càng lớn, người phụ nữ càng tự do hơn. Họ vươn cao, thoát khỏi sự bao vây nhận chìm của cấu trúc quyền lực truyền thống có tính cách bộ tộc. Bây giờ là lúc phụ nữ nhận thức được vai trò, giới tính cùng những khái niệm nhân bản của mình.

Ngày nay người phụ nữ tư duy khác xưa rất xa. Chúng ta sẽ rất thú vị khi khám phá không gian ảo, là nơi họ tư duy, kháng cự lại việc xã hội hoá giới tính bị bao vây bởi kỹ thuật. Trong một nghiên cứu của Nancy Kaplan và Eva Farrell, nhắm vào những thiếu nữ trẻ sống trong thế giới ảo, họ ý thức rất rõ giới tính của mình và đã khai phá đến tận cùng vai trò phụ nữ bằng sự có mặt và tham dự vào không gian điện toán. Không giống nam giới những người lên mạng để tiêu khiển, hay có khuynh hướng tránh những cuộc tiếp xúc mặt đối mặt, những thiếu nữ trẻ lên mạng để làm giàu kiến thức và nâng cao khả năng cảm thông của họ với tha nhân.Thật vậy kỹ thuật điện toán đã nối cầu giao lưu giữa người và người. Sự hiện diện của phụ nữ trên mạng ngày càng đông. Họ không còn mặc cảm thân phận dưới khung trời ảo. Họ tranh luận, tự tin, cởi mở, nói điều muốn nói, bày tỏ cảm nhận của mình bạo dạn và rõ ràng hơn, nhất là trong lãnh vực tình dục. Họ tự hào đã vượt qua thành kiến xã hội. Họ dễ dàng chấp nhận thế giới ảo như một sinh hoạt xã giao thường nhật và xây dựng một vương quốc dành riêng cho mình.Nó không những là một lối thoát của những giải bày hay sáng tạo, mà còn là nơi phụ nữ có thể trở nên năng động với những vấn đề khẩn thiết của xã hội. Thế giới ảo làm thay đổi tư duy, cách cư xử của người phụ nữ nói chung và người phụ nữ trẻ nói riêng. Nó cho phép họ đào sâu những vấn đề nhạy cảm mà họ tin họ có thể tranh đấu được. Hơn nữa, nó còn là nơi các tư tưởng tự do gặp gỡ cũng như những ý kiến dị biệt và tương đồng hoà nhịp. Nữ giới bây giờ đọc và viết nhiều hơn ngày trước.

Tại sao phụ nữ viết?

Trước hết chúng ta thử tìm hiểu động lực nào đã thúc đẩy phụ nữ viết.

Có lẽ họ không viết trong hy vọng được nổi tiếng hay gây tiếng vang, không giống nam giới viết như một nhụy hoa toả hương ngào ngạt. Phụ nữ ít viết khi tuổi còn thơ ấu. Dù họ có được sinh ra trong một gia đình trí thức họ cũng không được cha chú hay anh mình khích lệ. Cũng không phải sự thay đổi của xã hội tạo trào lưu cách mạng thúc đẩy họ như lý do phần lớn nam giới cầm viết.

Ở phụ nữ, nguyên do chính là sự lạc lõng và cô đơn. Họ cần sự chia sẻ và cảm thông. Có người gặp khó khăn trong cuộc sống gia đình hay gặp trắc trở trong những giao tế ngoài xã hội. Người phụ nữ phải phấn đấu để vươn lên, vượt thoát những ràng buộc thành kiến xã hội. Tất cả những hoang mang, lầm lẫn, xáo trộn tinh thần, tích lũy ngày càng nhiều, tạo sự uất ức không còn đè nén được và nó bùng nổ qua ngòi viết. Viết đã biến thành một thứ vũ khí của sự sống còn.

Abburi Chaya Devi tâm sự.

Tôi sinh ra trong một gia đình chính thống. Cha tôi là người rất kỷ luật. Ông không bao giờ biểu lộ tình cảm của mình. Mẹ tôi theo rập khuôn những nghi thức và nguyên tắc thuần khiết phải có của người phụ nữ. Bà mặc những bộ quần áo “Madi” buổi sớm mai và sau đó không rớ tới nó nữa. Bà đổ từng cơn giận chồng lên đầu chúng tôi. Khi còn học lớp 12 tôi trở nên thân thiện với phái nam. Mẹ tôi nổi cơn thịnh nộ và quản thúc tôi trong nhà. Tôi không có ai để chia sẻ những kinh nghiệm buồn đau như vậy. Con gái bị cấm cười lớn. Họ bảo “Tại sao con gái phải cười lớn.” Trong truyện “Sleep,” tôi viết về một cô bé đến giường ngủ của mẹ hỏi “Mẹ ơi, con mắc cười quá, con muốn cười lớn, bây giờ con phải làm sao hở mẹ?” Kể cả lúc lên đại học, có người về méc với mẹ tôi, tôi đã cười ồ lúc thầy tôi kể chuyện tiếu lâm. Tôi phải dùng áo Sari để che hai bờ vai của mình. Hiệu trưởng trường đại học ra thông cáo con gái không được để hở vai. Tôi muốn chống đối lại việc này. Tôi dùng ngòi bút như vũ khí tự vệ ở truyện đầu tay của mình, in trong tờ nội san đại học. Tôi viết về cha tôi. Về những luật lệ khe khắt của ông. Ông chỉ định quần áo tôi mặc. Câu chuyện có tựa đề “Cha tôi là một nhà độc tài.” Sợ cha tôi đọc được, tôi kết thúc bằng một câu che đậy rằng “Hành động của các người cha, chồng chúng ta làm, chỉ vì chúng ta. Họ chỉ muốn chúng ta tốt mà thôi.” Như vậy nếu lỡ ông đọc được, ông sẽ không giận điên tiết lên. Tôi muốn viết thư cho ông nhưng không chịu đựng ông nổi, vả lại tôi cũng không bao giờ được quyền tự do ăn, nói. Viết như một phương tiện giải toả uẩn ức của tôi. Nó cho tôi quyền tự do, nó là một công cụ.

Dương Thu Hương một nhà văn nữ Việt Nam đã dùng ngòi viết như một công cụ giải toả cơn giận. Trong một bài phỏng vấn của Mr. Hoàng đăng trên Talawas, bà nói:

Sau 1975 tôi bắt đầu viết bút ký, sau đó là truyện ngắn. Bạn đã biết đấy, trong lòng tôi chất chứa nhiều nỗi phiền muộn, bức xúc lắm. Viết văn đôi khi như là một cách trút giận vậy.

Silalotitha, một thi sĩ có tên là Lakshmi, lấy chồng lúc 11 tuổi và về nhà chồng năm 14. Cô không biết đến ý niệm hôn nhân và tình dục là gì. Cô chỉ quanh quẩn trong nhà, đời sống thật vô vị, không bạn bè, không ai tâm sự. Bị cấm cung, cô mượn sách thư viện về ngấu nghiến. Thời kỳ này, cô đọc những tiểu thuyết văn chương hay nhất Telugu. Cô bị những tư tưởng ngờ vực bao vây tạo hoang mang, lại bị khước từ quyền được hỏi han. Cô viết truyện cho các bạn văn của cô. Cuối cùng cô ly dị, đi học lại và thực sự bước vào nghiệp văn. Silalotitha luôn dùng bút hiệu vì cô cảm thấy đời sống mình toàn những bất an. Ngày nay cô tự xét đoán chính mình khi viết và không còn cái cảm giác viết tự do như ngày xưa. Cô bắt đầu với thơ tình và sau chuyển qua viết truyện, đề tài là những gì người phụ nữ quanh cô đang hứng chịu.

Nicole Willey, trong một bài bút ký nghị luận đã tâm sự

Tại sao tôi có ý định nêu rõ lý do và những động lực đã thúc đẩy tôi viết vì tôi cảm thấy mỗi người phụ nữ chúng ta là một phần của nhau, như chị em hay như người tình. Đó là lúc tôi cảm thấy được mình hiểu và biết họ. Tôi viết về người đàn ông họ thích, người họ không thích, người họ mơ tưởng. Thật vậy tôi đã tạo nên những nhân vật, những cái tên có các cá tính căn bản như Judith Butler, đầy nam tính, đa cảm, dễ dãi, Jane Tompkins, hiền dịu, v.v. Tôi lấy làm ngạc nhiên tại sao những ý tưởng của tôi lại hoà hợp với nhau đến kỳ lạ. Đôi lúc tôi tự hỏi, mình có đại diện được cho những người phụ nữ không? Tôi phơi mở những sâu kín cuộc đời họ, lôi kéo và bày chúng ra ánh sáng cho mọi người xem. Họ có bị kinh ngạc không? Họ có ước mong tôi làm như vậy mà quên đi sự nghèo đói, những đứa con không hợp pháp, hoặc phe lờ những cái tử cung hết còn sinh sản không?. Nếu tôi viết về mẫu người đàn ông giống như họ mơ ước, mong muốn, thì có lẽ ngòi viết của tôi sẽ không đếm xỉa đến những đứa con hoang hay những kẻ hiếp dâm thiện nghệ như tôi đang chỉa mũi dùi vào nữa. Tôi muốn viết tất cả. Tôi nhìn sự việc đủ mọi khía cạnh, chủng tộc, màu da, giới tính, đẳng cấp, đạo đức, công lý và nhiều hơn nữa.

Tôi muốn thấy phụ nữ tự quyết định lấy việc viết hay không viết. Lý do để viết không phải lúc nào cũng đẹp đẽ hay có tính nghệ thuật. Cũng không phải viết là để tự ca ngợi chính mình. Thường là do tài chánh, uy tín hay sự cứng đầu.

Tôi viết 3, 4 ngày một tuần, hầu như đi ngược lại ước muốn của tôi. Tôi cũng không còn tin vào giá trị mỹ học nữa và đã đánh mất khả năng thẩm định ngay cả việc để ý đến cán cân của nó. Tôi tự hỏi đâu là chỗ cho mỹ học trong thế giới những truyện kể của người phụ nữ khi họ cố gắng phá vỡ hiện thực và nề nếp xã hội dưới ngòi viết bứt phá của họ. Tác phẩm của họ làm tôi cười và cũng làm tôi khóc. Làm sao tôi, bạn, hay ai khác có thể phê phán những người phụ nữ khi họ dùng hết vốn liếng họ có, để viết truyện đời họ. Họ sáng tạo chính họ, chúng ta vẫn tiếp tục đọc họ, vậy chưa đủ sao?

Tôi ước ao mình có thể viết khá hơn nhưng tôi tin người đọc sẽ tha thứ những thiếu sót của tôi.

Hoàng Như An, ký mục gia của nhật báo Viễn Đông, cho biết: “Theo tôi thì trước khi là người viết nữ, người ta phải là một người viết cái đã. Tức là người ta phải muốn viết, phải cảm thấy một thôi thúc cần viết, như đã mang vào thân một cái nghiệp vậy. Khi cầm bút lên viết rồi thì tự nhiên sẽ tìm thấy cái mình muốn viết nó thuộc về thứ gì. Là phụ nữ với những đặc tính nhiều cảm xúc hơn lý trí, lại bị ảnh hưởng nhiều của cái văn hóa “trọng nam khinh nữ” quá thịnh hành trên khắp thế giới, dĩ nhiên người viết nữ phải viết về những vấn đề như diễn tỏa nỗi niềm của mình, muốn được cởi trói, giải phóng và vươn lên, sống như một con người bình đẳng với tất cả những người khác, không kể nam nữ, giàu nghèo… Ngày nay, phụ nữ có thể viết về tất cả những chủ đề mình muốn viết, kể cả sex. Tại sao phải để ý đến dư luận?”

Người phụ nữ đã viết gì?

Họ viết về tình yêu, khát vọng, đam mê, ước mơ, qua giọng văn nhỏ nhẹ, tế nhị, dịu dàng, thùy mị và khiêm nhường. Có người lên án họ viết tục tĩu. Nhưng tục tĩu là gì? Có phải những cảm xúc xuất phát từ dục tính? Ngôn ngữ của thân xác? Ước vọng của con người? Nếu gạt bỏ tất cả những thứ này ra khỏi địa bàn người viết nữ họ còn lại những gì? Có người nói cái nhìn của các nữ sĩ đương đại thiếu tầm xa. Họ viết và sống trong ảo tưởng không thật. Họ không dám phơi bày sự thật trơ trẽn đời sống quanh họ.

Thử hỏi nếu được chọn lựa phái tính riêng cho mình, phụ nữ chọn gì?

Ashraf Rafi bảo, “Tôi không là tôi, một hình ảnh khác của tôi là sự cởi trói.” Fatima Taj nói, “Tôi không viết về tình dục hay xã hội tôi đang sống mà tôi đại diện cho mỗi mảnh nhỏ của nó. Nó là chân dung của tôi.”Một nhà văn nữ khác viết “Miệng tôi bị bịt kín nhưng trái tim tôi sùi bọt.” Nhiều phụ nữ cảm thấy tiếng nói và ngôn ngữ của họ bị phái nam tước mất. Họ cần một kinh nghiệm sống dồi dào mà phái tính của mình ngăn không cho họ có được các kinh nghiệm từng trải. Dù sao ngôn ngữ vẫn là một yếu tố giới hạn.

Nói về ngôn ngữ, triết gia nữ quyền Luce Irigaray muốn phụ nữ cần có một ngôn ngữ riêng cho họ. Đàn ông luôn luôn tìm kiếm và xây dựng những căn nhà ngôn ngữ cho họ khắp nơi như trong các từ: động, chòi, đàn bà, thị trấn, học thuyết, quan niệm, ngôn ngữ. Đàn bà cũng cần những căn nhà ngôn ngữ như vậy. Đàn bà cần có những căn nhà để trú ngụ chứ không phải nơi cầm tù họ, một nơi trú ngụ an toàn trong đó đàn bà được tăng trưởng và biến đổi về văn hoá.

Ferdinand Mount của tờ “The Guardian” phát biểu trong một bài viết. Ông thích đọc các nhà văn nữ vì tác phẩm của họ ít có khuynh hướng ồn ào nhưng gây ấn tượng sâu đậm và ở lại rất lâu trong lòng ông. Họ tránh dùng những ma thuật trong kỹ thuật viết lách. Họ chọn địa bàn nhỏ gần họ hơn như gia đình là tiêu biểu vì nó phản ảnh sự thực đời sống phụ nữ.

Khi đi nghỉ lễ, ông mang theo tiểu thuyết của Brookner, Atwood, Jane Hamilton, Zadie Smith. Ông tìm thấy sự đồng cảm và gần gũi với thế giới tiểu thuyết họ.

Tại sao? Không phải vì ông có tính yếu đuối, sướt mướt hay đa cảm. Ngược lại những nhà văn nữ ông đọc có khuynh hướng đột phá, bung thoát khỏi tầm ngắm của họ. Cũng không phải vì ông tò mò xem phụ nữ viết gì? Sự thật là phụ nữ viết về phụ nữ hay hơn, cũng như phái nam viết về họ thật hơn. Cũng không phải vì ông nghĩ phụ nữ nhạy cảm hơn với cuộc sống quanh họ. Có người như Jane Austen hay các người khác nữa đã chọn lối viết khô và bình dân hơn bao giờ hết. Tất cả những công khó của họ cốt để phái nam hiểu rõ đời sống phụ nữ mà thôi.
Giống như phái nam, phụ nữ cũng có lỗi khi viết. Carol Shields có thể sa đà vào sự thiếu nhất quán. Anita Brookner lập lại chính mình, Beryl Bainbridge hơi cẩu thả. Hilary Mantel rơi vào nhàm chán. Nhưng tất cả đã làm tròn vai trò của họ trong việc chuyên chở những cảm xúc và tư duy của mình mà phái nam dù có tưởng tượng hay, giỏi cách mấy cũng không có được.

Trong một bài phỏng vấn của Hợp Lưu (do Lê Quỳnh Mai), Lê Minh Hà đã trả lời về những trang viết của bà.

Chuyên chở nỗi khổ đau của con người? Có vẻ Nghệ Thuật Vị Nhân Sinh quá nhỉ? Nếu những trang viết của tôi có chứa chở điều gì đó thì thú thật với chị đó không phải là ý định của tôi khi viết. Tôi không viết về ai ngoài tôi. Nên sẽ vui hơn nếu bạn đọc có thể đọc ở tôi những gì không đau khổ. Khổ đau là định mệnh và cũng là tặng vật trời dành cho chúng ta. Chẳng cách này thì cũng cách khác. Vậy thì mong tận diệt nó làm gì? Và cách nào cơ chứ. Đằng nào thì cũng không tránh được, nên nếu có thể mong, tôi mong được biết tới những đau khổ có khả năng giải phóng tinh thần của con người.

Cixous, một nhà văn chủ trương lối viết biểu hiện được tính cách lưỡng tính, nam và nữ. Bà kêu gọi phụ nữ,“Phải viết để đặt người nữ vào văn bản, đồng thời cũng để đặt người nữ vào thế giới và lịch sử.” Bà cũng nhắc nhở người nữ phải cảnh giác đừng để một ai cầm giữ hoặc cản trở công việc viết văn của mình, nhất là đàn ông và chính mình. Viết chính là tiếng nói của phụ nữ, tiếng nói được xem như là cất lên từ dục tính chứ không phải từ văn hoá, tiếng nói để tạo ra cuộc đời, tạo ra lạc thú chứ không phải để tích tụ. Hay nói như Tori Moi trong sách Sexual/Textual Politics, phụ nữ được thể hiện trọn vẹn qua tiếng nói và viết văn chẳng qua chỉ là hình thức nối dài của diễn từ, Theo Cixous, tiếng nói của mỗi phụ nữ không phải chỉ là tiếng nói của chính mình mà là tiếng nói được vang lên từ tầng lớp sâu thẳm trong tâm linh. Diễn từ của người nữ là tiếng vọng của bài ca nguyên thủy mà nàng đã từng nghe qua, tiếng nói hiện thân của tình yêu đầu.

Rebecca Foster, nhà văn nữ chuyên về loại tiểu thuyết hình sự ly kỳ (Legal Thriller) phát biểu trong một bài phỏng vấn. Bà nhấn mạnh khi được hỏi tại sao bà bước vào lãnh vực luật pháp khô khan ít người phụ nữ nào đụng tới. Đây là điều bà muốn tỏ rõ, người viết nữ không nhất thiết phải bó buộc trong khuôn khổ một thể loại nào. Thật là buồn cười khi có người phê bình, “Bà viết giống đàn ông.” Tuy đó là một lời khen nhưng cũng chỉ là một câu bình phẩm thông dụng có nghĩa phụ nữ phải viết cho giống phụ nữ và nam giới phải viết cho ra nam giới. Tỷ như cuốn The Horse Whisperer là một tiểu thuyết lãng mạn nhưng chấm dứt với một kết cuộc có hậu. Nó được liệt kê vào loại tiểu thuyết văn học nhưng thật ra nó là tiểu thuyết lãng mạn.

Trần Thị NgH đã trả lời Phạm Việt Cường trong một bài phỏng vấn về những truyện ngắn mới viết của bà.

Nói chung, có vẻ như truyện của tôi đem lại niềm vui cho một vài người thân. Cười bằng mười thang thuốc bổ. Trân Sa ghi nhận chị “biến bi thành hài còn ông Nguyễn Huy Thiệp biến hài thành bi.” Đàng nào cũng vui, tôi cũng không biết tại sao càng về già tôi càng có khuynh hướng viết truyện tiếu lâm. Trong tương lai có lẽ tôi chuyển sang viết truyện trinh thám. Hình như ở VN chưa có nhà văn nữ nào làm việc này. Tôi thích máu me bạo lực nhưng phải hài. Hình sự hài, hoặc tệ lắm cũng phải kinh dị hài.

Nhà văn Phạm Thị Hoài thì sôi động và sắc sảo trong lối viết khúc chiết, ẩn hiện sự biếm hài. Bà dùng ngòi bút sắc như dao của mình cứa mạnh vào ung nhọt và những bệnh dịch xã hội, nhất là ở tầng lớp trí thức. Trong một cuộc toạ đàm, bài nói chuyện “Tư cách chính thống của trí thức VN” đã tạo nên dư luận sôi nổi, nhiều tranh cãi một thời. Bà dùng ngôn ngữ chính luận thông thường nhưng xoáy sâu vào tầng lớp ưu tú xã hội, tầng lớp cao nhất, đại diện cho những người có học. Trong tác phẩm “Marie Sến” cũng vậy, những nhân vật được đem ra diễu cười và mổ xẻ là những người đại diện cho tầng lớp trí thức.

Truyện ngắn của Phan thị Vàng Anh buồn, thơ mộng và thoang thoáng như mây như mưa với giọng văn nhẹ nhàng, thùy mị hơn. Tuy nhiên nó chất chứa nhiều mâu thuẫn và xung đột, nhất là xung đột thế hệ.

Có một số người viết nữ có khuynh hướng bung thoát khỏi tầm ngắm. Họ muốn bứt phá bức tường thành kiến xã hội, tả và viết về tình dục như một biểu trưng của nữ quyền. Đồng thời họ cũng là mục tiêu cho nhiều phát đạn từ nhiều phía bắn vào.

Hình ảnh một người phụ nữ phản kháng lại thành kiến xã hội có thể là một hình ảnh cực kỳ xấu xa dưới mắt nhìn của nam giới và xã hội. Người phụ nữ viết về tình dục còn phải đối đầu với bạn bè, người thân, gia đình lúc nào cũng có những bất đồng ý kiến. Họ sẽ được gắn nhãn hiệu “một người nữ dữ dằn, mất tính dịu dàng, thùy mị, biết phục tùng của người phụ nữ Việt Nam,” không kể đến việc viết về tình dục sẽ bị gán thêm danh hiệu “con đĩ dâm ô” vì quan niệm “văn là người.”

Họ bị xem thường và hạ phẩm giá ngang hàng với tình dục vì từ lâu xã hội vẫn quan niệm tình dục là thấp hèn, đồi trụy, dâm ô, là bản năng loài thú. Người viết về tình dục tức một người dâm ô đáng khinh miệt!!!

Trong xã hội ngày nay, nhiều người đã có quan niệm cởi mở về tình dục. Nhiều người viết nam đã nhắc nhở và đề cập tới sex nhiều hơn trong tác phẩm của mình mà độc giả xem như đó là chuyện tự nhiên, quen mắt. Nhưng đối với người viết nữ Việt Nam thì không. Họ vẫn bị lên án viết tục tĩu. Những Lê thị Thấm Vân, Dương Như Nguyện, Trân Sa, Nguyễn Hương, Đặng Thơ Thơ, Đỗ Lê Anh Đào, Mai Ninh, Đỗ Hoàng Diệu, Phước An, Nguyễn thị Minh Ngọc dưới mắt người đọc đã chạm đến tình dục như chạm đến một điều cấm kị của đạo đức xã hội.

Vào thế kỷ 20, người ta đã phải định nghĩa lại chiến tranh. Biên giới của nó được nới rộng để bao gồm cả người phụ nữ với một con số lớn chưa từng thấy từ trước đến nay. Đồng thời, nó cũng mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ vì vai trò của họ đã thay đổi và xác định lại trong thời chiến. Họ được biết đến qua các vai trò mà ngày xưa nam giới thường đảm nhiệm như ký giả, nhà văn, phê bình gia, thi sĩ và nhiều hơn nữa. Phụ nữ viết về chiến tranh như thế nào? So với phái nam, cái nhìn của họ có khác. Tận dụng năng lực của ngòi viết, cả hư cấu lẫn hiện thực, cũng như phái nam họ nói lên kinh nghiệm từng trải hoặc tưởng tượng của họ qua các hình thức tiểu thuyết, nhật ký, phỏng vấn, thơ ca…

Virginia Woolf, Rebecca West, Martha Gellhorn, Kikue Tada, Charlotte Delbo, Anna Akhmatova, Vera Brittain, Gwendolyn Brooks, Willa Cather, Martha Gellhorn, Käthe Kollwitz, Doris Lessing, Amy Lowell, Katherine Mansfield, Mary McCarthy, Toni Morrison, Dorothy Parker, Mary Lee Settle, Gertrude Stein, Huong Tram, Edith Wharton, Mitsuye Yamada… là những nhà văn nữ viết về chiến tranh từ Âu sang Á, từ Thế Chiến Thứ Nhất cho tới bây giờ. Họ viết tất cả, từ nạn nhân, người bị bạo hành, thân phận tù tội cho đến kẻ sống sót, không phần đời bi thảm nào mà họ bỏ sót. Quả y như lời Virginia Woolf nói, “Thật vậy, là phụ nữ, tôi không có tổ quốc. Là phụ nữ tôi không muốn có tổ quốc, vì tổ quốc của tôi bao trùm cả thế giới.”

Dưới ngòi viết của Nhã Ca, chiến tranh là những kinh hoàng, khốn khổ, lửa đỏ, nước mắt ngược xuôi, đầy cảm tính. Giải khăn sô cho Huế của bà đã ghi được cơn hấp hối của Huế trong trận thảm sát Mậu Thân với hàng chục ngàn hài cốt dân Huế dưới những mồ chôn tập thể. Đâu cũng có nét hoảng hốt, chỗ nào cũng là người chết, kẻ bị thương. Tiếng vật vã, mẹ khóc con, vợ khóc chồng thê thiết, bi ai trong tiếng đạn phá, đại bác réo tơi bời. “Con tôi, chồng tôi, mô rồi, con ơi là con…” Có thể nói khi viết về chiến tranh ngòi viết nữ bỗng chảy thành thể lỏng rấm rứt, thê lương. Đặc biệt hơn, dưới vai trò nạn nhân, bản năng người mẹ của phụ nữ trỗi dậy, họ như gà mẹ xù lông đối đầu với nanh vuốt diều hâu. Họ sẵn sàng hy sinh, dìu dắt và liều chết để bảo vệ con trẻ trước sự bạo hành của bất cứ bàn tay nam giới nào hung bạo. Hầu hết những câu viện dẫn hay chủ đề của chiến tranh hiện đại là những tổn thất dân sự nói về sự tàn phá của chiến tranh đối với phụ nữ và gia đình họ. Trong chiến tranh “Mạnh được, yếu thua,” lẽ phải về tay kẻ mạnh, sự thua thiệt về tay kẻ yếu. Tuy nhiên, dưới hai lằn đạn, dù ở phía này hay bên kia cuộc chiến, thân phận người phụ nữ lúc nào cũng là thân phận của kẻ yếu. Họ bị ngược đãi, bạo hành, cưỡng dâm, vùi dập và chịu mọi phục tùng trước sức mạnh và quyền lực. Hằng năm có biết bao nhiêu phụ nữ bị cưỡng dâm trong các cuộc chiến khắp nơi trên thế giới. Con số có thể lên đến trên nửa triệu nếu người ta đếm được. Vậy mà sau cuộc chiến họ là người có công trong việc tái lập trật tự gia đình, xã hội. Bàn tay của họ dịu dàng, nhẫn nhục, xoa dịu và chữa lành những vết thương ghẻ lở tàn dư của cuộc chiến. Họ là bông hoa thắm tỏa hương, tấm khăn thơm lau mặt, tô cháo nóng chiều đông, nan quạt mát trưa hè, bông lúa chín rực vàng đồng nội. Người phụ nữ viết không phải để kể công trạng của họ thời hậu chiến hay tuyên dương chiến thắng mà họ viết để kể lể sự bất hạnh, để tìm sự cảm thông, để bày ra ánh sáng những giọt máu âm thầm đã nhỏ trong góc tối của một kiếp đàn bà chịu đoạ đày. Họ viết bằng mực máu nhỏ từ tim.

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt từ lâu nhưng vẫn tác hại trực tiếp trên đời sống con người, nhất là ở người phụ nữ. Nó bày ra thảm kịch thời hậu chiến mà những người phụ nữ trong truyện Chốn Vắng của Dương Thu Hương đã gánh chịu khốc hại. Những người lính sau cuộc chiến trở về tàn tật hay không đều mang những vết thương không sinh vật lý thì tâm thần hoặc cả hai. Người về từ mặt trận dĩ nhiên được hưởng đặc ân và sự kính ngưỡng trong lòng cộng đồng dân tộc. Đó là lúc họ lên tiếng đòi phần hạnh phúc đã mất đi và không đối thủ nào khác có thể cạnh tranh được. Nghĩa là họ được ưu tiên hạng nhất. Từ thành thị đến nông thôn, làng xã tới huyện ủy đều phát động phong trào xung phong kết hôn với thương phế binh để đền ơn đáp nghĩa những người có công với tổ quốc. Các cô gái đua nhau tình nguyện để trở thành vợ mãn đời của các thương phế binh. Vở bi hài kịch cuộc đời của các cô gái trẻ hậu chiến bắt đầu khi được người ta chuyển giao những chiếc cáng phế binh đang nằm phủ chăn hoa sặc sỡ. Có người cụt tay chân, mù mắt hay thương tật ở nơi nào đó trên thân thể. Có cô chỉ nhìn thấy được cặp mắt khờ dại của người chồng mới cưới trên chiếc băng-ca sau tấm chăn phủ kín. Nam, hy sinh thân xác và tuổi trẻ. Nữ, đánh mất phần đời hoa bướm còn lại cho người chồng thương tật. Các cô được gì? một tấm giấy ban khen? một danh dự hão? Những nạn nhân hứng chịu sự đoạ đày khắc nghiệt này biết quy tội cho ai? Chỉ có Chiến Tranh, tên tội đồ gieo máu lửa. Có ai nhạy cảm và nhận ra ngay cái đau, khổ, thấp bé của người phụ nữ bằng người phụ nữ. Chỉ ngòi viết nữ mới nhạy bén trong việc nhìn thấy, cảm thông và phản kháng được sức mạnh của thành kiến, luân lý, đạo đức xã hội đầy bất công đè nặng lên thân phận người phụ nữ nhất là trong thời chiến, lúc sự phân biệt thiếu rạch ròi, lúc lẽ phải bỗng chốc trở thành phi lý.

Như chúng ta đã thấy, vai trò phụ nữ ngày càng đa dạng. Họ đã tham gia vào nhiều lãnh vực, kinh tế, thương mại, chính trị, y tế, xã hội, v.v. Họ góp thêm bàn tay vào thế giới văn chương, nghệ thuật, truyền thông bằng ngòi viết. Viết đối với người phụ nữ trong thế kỷ này quan trọng như một nhu cầu. Viết cũng là một phương tiện mang tiếng nói của họ đến gần với chúng ta cũng như họ cần chúng ta cảm thông, tương tác và phúc đáp lại tiếng kêu thao thiết của họ. Thế giới ngày nào còn chiến tranh, chúng ta còn nghe thấy tiếng phản kháng, giảng hoà, phản chiến của họ. Tiếng nói đầy nhân bản của người phụ nữ là tiếng nói những nhân chứng trực tiếp hứng chịu đọa đầy của chiến tranh và sự bất công của thành kiến gia đình, xã hội. Có những bài học chúng ta cần học, tại sao chúng ta không học lấy bài học của người đi trước, người đã từng trải qua bao nhiêu kỷ niệm đắng cay. Những bài học dưới ngòi viết của người phụ nữ.

Trịnh Thanh Thủy

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

những tháng ngày xa xỉ…



Nguyễn Vĩnh Nguyên




“Sự yên lặng bao nhiêu cũng không đủ!” - Tôi nói. Và anh bạn nhà văn trẻ trố mắt lên, ngạc nhiên: “Tôi sẽ viết một truyện ngắn chỉ bằng một câu nói như thế. Một truyện ngắn, đôi khi chỉ nói về một trạng thái. Và trạng thái này, chỉ có bạn - người đã và đang sống ở thành phố Sương Mù mới nói được như thế!”

Bắt đầu từ buổi sáng và bốn bức tường gỗ thông trên căn gác trọ nằm nghiêng như neo lưng chừng dốc. Hôm nào cũng thế, đúng bảy giờ kém mười lăm phút, tiếng rao “Mi…i…i…ó…ó…óng… ng… đ… ây… ây!” của ông già bán bánh mì lại cất lên nhừa nhựa dưới dãy hành lang dài. Tiếng rao không vang mà vọng lên như một lời đánh đố. Nếu không quen nghe và chưa từng được thấy tấm thân còm cõi của lão cưỡi trên chiếc xe đạp (cũng còm cõi như lão) đèo một cần xế đầy những ổ bánh mì vàng rộm còn nóng hầm hập mới ra lò, chắc không ai hiểu tiếng rao ấy có nghĩa là gì. “Mi… ì… ì… ó…ó…óng… ng… đ… ây …ây!”. Và cái tiếng rao ấy, theo thời gian mà vữa ra, nhão ra, đến nỗi cái vỏ âm thanh bất cần biết có chở được cái dụng ý mà lão cần chuyển tải hay không. Mỗi lần rao, lão co chân, nhấp nhấp bi- đan hãm chậm một vòng bánh xe, hít hai hơi thở mạnh cho lồng ngực phồng lên. Phồng lên đến nỗi mắt lão trợn trố, mặt lão nhô về phía trước như mặt con ếch đói. Và tiếng rao như một phản xạ, từ lồng ngực tống lên cổ, hắt ra trên cái mồm thâm sì hơi dẩu về phía trước: “Mi…ì…ì… ó… ó… óng… ng… đ… ây …ây!”. (Nghĩa là: “Mì nóng đây!”). Cường độ âm thanh vừa phải. Và biên độ không quá mạnh. Trường độ không quá ngân dài… Chỉ đủ nhấn trọng âm vào chữ “óng” (nóng). Người ở khu trọ này bảo, ngày xưa, lão là một trong những người bán bánh mì nóng có tiếng rao “cực chuẩn”. Nếu không muốn nói là rất “hai-phai xte-ri-ô”!. Nhưng tiếng rao ấy xuống dần, mệt mỏi theo thời gian và tuổi tác của lão. Nó trễ nải và bê tha đến độ không còn chất du dương nhạc tính. Nó khô khốc. Và uể oải. Nó ngai ngái, ngọng ngọng đến nỗi đôi khi tiếng “Mì nóng đây” được phát âm thành “ì óng ây” một cách đầy tuỳ tiện. Dù nội dung muốn chuyển tải không bị hiểu trại đi, nhưng không vì thế mà có thể giản lược âm tố một cách đầy cẩu thả như thế! Không, thưa ông cử nhân ngữ văn học đầy thông thái và rắc rối trong tôi, điều ấy nằm ngoài dụng ý của lão. Vấn đề của lão là làm sao bán được càng nhiều mì nóng vào buổi sáng càng tốt. Đó là trăn trở thường nhật và cũng là điều bận tâm nhất của lão trong hơn năm mươi năm cuộc đời bán bánh mì của lão. Điều này ứng với câu nói của một nhà văn lớn tầm cỡ thế giới: một cuộc đời dù nhạt nhẽo đến đâu cũng là một pho tiểu thuyết!

Bây giờ, xin trở lại với tiếng rao ấy… Thì ra, theo một tay cử nhân quản trị kinh doanh ở trong khu nhà trọ, đó là một cách tiếp thị khá điêu luyện của lão ta. Có một phương pháp tiếp thị bằng âm thanh khá hữu hiệu đó là phát ra một tín hiệu âm thanh lạ để kích thích sự tò mò và liên tưởng của người khác. Và hắn ta xin phép được lấy một ví dụ bằng hình ảnh hẳn hoi để chứng minh. Đêm qua, ti- vi có quảng cáo một loại bông nhưng… có cánh. Hình ảnh một cô gái ăn mặc tươi mát đi vào quán, thay vì lấy tay kéo ghế để ngồi thì cô ta dùng đến phương tiện là… cặp mông rất… khoẻ để lắc chiếc ghế sang bên cạnh, làm anh bạn trai của cô ta đang ngồi cùng bàn phải trố mắt nhìn vào… chỗ bí hiểm và yếu đuối nhất của cô nàng. Màn hình khép lại. Rồi mở ra cảnh hai là bầy chim trắng bay qua bầu trời xanh trong lành, rất thi ca. Từ đôi cánh của một con chim, bung ra dòng chữ: “Băng vệ sinh Bồ Câu Trắng, trong sạch, thoáng mát, khoẻ mạnh!”. Anh bạn cử nhân quản trị kinh doanh vỗ đùi cái bốp, rồi chép miệng: “Đẹp như một cổ tích!”. Nhưng xin lỗi, với tư duy văn chương của tôi thì đó là một mẫu quảng cáo có kịch bản thừa. Lẽ ra, chỉ nên kết thúc ở chỗ bầy chim trắng bay lên. Thế mới càng tạo sự tò mò. Cũng như bài thơ có kết cấu mở, như một truyện ngắn không có kết thúc và tất cả được nối bằng lô-gic của dòng ý thức. Nhưng anh bạn quản trị kinh doanh thì cứ nằng nặc: “Không! Nguyên tắc của tiếp thị quảng cáo là ít ra, phải có câu nói ấn tượng đập vào trí nhớ của người ta và thứ hai là nó phải bình dân. Để từ cô bé mới ngỡ ngàng những ngày đầu thiếu nữ đến các bà sồn sồn hồi xuân ai ai cũng hiểu!” Nhưng…

Nhưng mà thôi. Câu chuyện về chim “Bồ Câu Trắng hai cánh trong sạch, thoáng mát, khoẻ mạnh” nên dừng lại ở đây là vừa phải. Nó cũng như những cuộc tranh luận về thi ca, sẽ không có hồi kết. Thực tế thì màn hình ti-vi vẫn ngày ngày đập vào mắt chúng ta những thứ làm chúng ta tò mò, suy nghĩ. Và tiếng rao “Mì…ì… ì… ó… ó… óng… ng… đ… ây …ây!” vẫn đúng bảy giờ mười lăm phút đầy mệt mỏi vẫn vọng lên từ phía dưới hành lang.

Nàng không chấp nhận cái tính hay nhớ nhiều thứ quá của tôi. Người ta bảo, quên là một thần dược. Không sai. Nhưng quên là một trạng thái không phải muốn là được. Có câu hát sên sến thế này: “Đừng quên chi để cho lòng nhớ thêm!” Khi hát câu này, cô ca sỹ có mái tóc xù-đơ nhuộm vàng đầy quyến rũ nhảy phóc lên, dùng cặp giò thuôn dài lộ liễu đến biên độ cuối cùng quặp cứng vào bụng anh bạn tình và anh bạn không quên làm động tác xòe tay ra đỡ lấy nàng vẻ âu yếm. Và như thế có nghĩa là khi ta cố quên một điều gì đó, thì trí nhớ phải làm việc tới hai lần. Lần thứ nhất: nhớ cái để quên. Lần thứ hai: làm sao để quên cho được cái đang nhớ!

Tính tôi (đôi khi) cải lương. Những lúc tình cảm lắm, tôi hay ôm bờ vai gầy của nàng mà thì thào nhắc nhớ chuyện xưa. Nào là chuyện anh hôn em lần đầu tiên ở ghế đá trong công viên như thế nào, nào là em đã xúc phạm anh bằng câu gì khi lần đầu hai đứa giận nhau, nào là chuyện anh đi mua Bồ Câu Trắng hai cánh cho em bị người ta “chém đẹp” ra sao cho đến chuyện tôi lo sợ đến thế nào khi nằm mơ thấy thế giới toàn những người đàn bà có chửa… Tất cả ám ảnh tôi rất vô cớ. Tất cả đều được đầu óc tôi lưu lại rõ ràng. Nó nằm ở đó như những hình ảnh đã đi vào “file” và chờ lúc hiển thị lên “màn hình. Và trong đầu tôi có nhiều “file” kiểu như thế.

Về công việc ở cơ quan, tôi có nhiều điều không suôn sẻ. Và tất cả, tôi đem trút vào nàng- người vợ tội nghiệp nhưng là người phụ nữ bản lĩnh của tôi. Ví như hôm nay, sau khi sếp giao tôi đi làm việc thu thập tin tức tại hội Phụ nữ, tôi đã từ chối.

- Sao anh không làm tròn trách nhiệm của một nhà báo?

- Không, ở hội Phụ nữ tôi ngại gặp các chị ấy …

- Nhưng đây là công lệnh!- Sếp dằn tay xuống mặt bàn- Họ đâu có ăn thịt được anh?

- Nhưng thưa ông, ở đấy tôi gặp lại người yêu cũ thời sinh viên…

- Thì sao?

- Không hay lắm trong khi thu thập thông tin ở phòng riêng của cô ấy. Tôi lo sợ những gì thuộc quá khứ lại dội về…

Sếp cười khùng khục. Cái nọng mỡ dưới cổ hắn rung lên:

- Thôi, thôi, trai có vợ gái có chồng…

- Nhưng thưa ông, tôi không thể làm việc ở chỗ cô ấy. Cô ấy là người duy nhất cung cấp thông tin ở hội Phụ nữ. Ông hiểu cho, tôi đã và đang muốn quên đi những gì ngày xưa…

Suốt đêm. Tôi trằn trọc mãi khiến nàng cũng không ngủ được, mặc dù đầu hôm, chính xác là lúc chín giờ hai mươi lăm phút, chúng tôi đã lao vào mê lộ tình ái với đầy đủ những gì thiêng liêng lẫn phàm tục mà mỗi cặp vợ chồng đều làm trong đêm. Cơn xung động xác thịt diễn ra đúng mười phút, thì tôi lăn đùng ra, mặc cho bàn tay nàng như chiếc đuôi con thằn lằn cái, còn mệt mỏi lẫn tiếc nuối quờ quạng…

Lâu lắm rồi, có lẽ từ khi lấy vợ, đây là đêm đầu tiên tôi thức trắng. Và thấy khó chịu vì nó. Trước đây, hồi còn độc thân, trên căn gác này, tôi đã nhâm nhi từng giọt thời gian trong những đêm trắng. Còn bây giờ, cái cảm giác thích thú và khắc khoải khi được đào sâu, thám hiểm bản thân mất đi, dần dần thay vào đó là những giấc ngủ mê man, mệt bã bời xác thịt. Tôi sợ sự mất ngủ. Và tôi luôn cố gắng không để trống một khoảng thời gian nào trong đêm. Phải khử trừ đêm đen bằng giấc ngủ!

- Anh sao thế?

- Không sao.

- Không. Có. Anh đang suy nghĩ…

- Em ngủ đi.

- Không. Anh phải nói anh đang suy nghĩ gì?…

- Em muốn được nghe à?

- Muốn…

- Anh đang nghĩ đến chuyện mình đã mắc tội với em...

- Anh nào có tội gì?

- Có...

- Anh nói đi…

- Anh đang nghĩ về người đàn bà đến trước em!

- Sao lại thế? Anh không yêu em nữa à?( giọng nàng nghèn nghẹn)

- Yêu. Nhưng anh đang nghĩ về cô ta. Anh đã phản bội cô ta để đến với em. Khi tất cả, cô ta đã dâng cho anh. Anh là kẻ phản bội…

Đàn ông các anh… ( nàng úp mặt khóc nức nở… )

- Anh đã phạm tội trong tư tưởng, với em…

- Em không làm cho anh quên được cô ấy… Em trách anh nhớ quá nhiều…

- Không, anh sẽ cố quên tất cả, để chỉ nhớ tới em. Em tin không?

- Anh, em tin anh sẽ vì em…

Nàng lại ngất đi trong vòng tay của tôi.

Đêm vẫn bình thường!



*



- Không, không thể như thế được…

- Nhưng là như thế. Em quên anh đi!

- Không, chồng em là gã vũ phu. Rượu chè và vũ lực…

- Anh hiểu. Nhưng thực tế, đó là chồng em!

- Không, em biết anh chưa quên em!

- Quên rồi, quên rồi em ạ! Anh đã có vợ. Cô ấy rất yêu anh!

- Thế anh còn gọi điện cho em làm gì?

- Vì công việc, anh cần số liệu về tỷ lệ phụ nữ thành phố áp dụng biện pháp tránh thai…

- Hừ! (giọng nàng ra vẻ khinh bạc và chua chát) Anh thừa biết em là người phụ nữ không còn khả năng sinh con!

- Em… Em nói sao?

- Anh đã bảo em phá thai. Ngày ấy em tin theo anh. Và yêu anh nên sẵn sàng làm mọi thứ… Anh đang học, và em cũng chỉ là cô sinh viên năm nhất đầy nhẹ dạ cả tin…

- Và chuyện ấy có liên quan…

- Em đã không thể sinh con được nữa sau lần phá thai bị tổn thương, và em cũng không phải là vợ anh…

- Chẳng phải… Anh có lỗi. Nhưng chẳng phải chúng ta đã chấp nhận chia tay và không hối hận về điều đó?

- Nhưng anh ơi! …

- Em đừng khóc. Thực tế không thể nào khác hơn được…

- Em vẫn yêu anh. Em muốn thoát khỏi thằng chồng vũ phu này…

- Em là người phụ nữ tội nghiệp. Tất cả là tại anh. Nhưng anh còn vợ anh. Cô ấy rất yêu anh…

- Hừ, đàn ông các anh…

-Em…

… Cúp máy…

-Uống đi, văn chương ấy mà, phù phiếm hơn cả đàn bà. Mỹ nhân hiếm hoi lắm. Anh cứ tưởng tượng đi, sau một đêm thức dậy, tôi soi gương và thấy trên đầu mình nhú ra một cái sừng non. Tiếng nước từ chiếc vòi sen trong phòng tắm vẫn lèo xèo chảy. Nàng đang tắm. Một lát sau nàng sẽ mở cửa ra với mùi nước hoa thoang thoảng “hương liệu thiên nhiên”. Và mái tóc trễ nải xõa xuống nửa khuôn mặt. Chiếc khăn tắm quấn quanh thân từ đầu gối đến hai phần ba ngực. Bờ môi nàng hơi nhợt nhạt đi vì lạnh. Nhưng da thịt thì gợi cảm lên nhiều. Nàng nhìn tôi với con mắt không chút ngạc nhiên, thậm chí, còn pha chút giễu cợt. Chiếc sừng trên trán tôi vẫn chừng ấy. Chưa dài ra thêm chút nào.

Đêm qua, tôi đã ngủ một mình .Và nhớ nhiều thứ. Nhưng tôi quên tưởng tượng ra vợ mình đã “ngủ lại nhà cô bạn thân ngày xưa” như thế nào. Cho đến khi nàng trở về, gõ cửa và lôi tôi ra khỏi vũng đêm đặc quánh. Hai giờ ba mươi sáng. Khuôn mặt nàng ê chề mệt mỏi và bất cần, khác với vẻ hiền lành thường ngày.

Tôi nhìn nàng và liên tưởng ra mọi sự!

- Em hãy vào tắm đi. Áo em còn vương nhiều lá thông lắm - Vừa nói, tôi vừa đưa tay gỡ những cọng lá thông khô trên tóc, trên vai nàng. Đôi vai nhỏ co rúm lại, run rẩy như con mèo hoang.

- Gã đàn ông ấy là ai? - tôi hỏi.

- Người đàn ông đến trước anh.

- Hắn trở về và có thể làm chuyện đó?…

- Không, em tìm đến với hắn. Vì hắn hoàn toàn lãng quên chuyện cũ!

- Em… -tôi giận đến mụ mẫm. Tôi xông tới, đột nhiên khuỵ ngã. Tôi chườn đầu tới theo bản năng và địnhhúc vào nàng một cái thật mạnh.

Nàng vẫn đứng đó. Nhìn tôi trân trối.

Buổi sáng ấy mưa lất phất. Thành phố ủ dột và như còn ngái ngủ. Tôi quyết định từ bỏ căn gác này ra đi. Biết làm sao khác?. Trên đầu tôi bây giờ, chiếc sừng chỉ qua hai tiếng đồng hồ, đã nhú ra dài hơn 3 cm .Tôi bảo nàng hãy vào ngủ đi cho đỡ mệt. Tôi sẽ đi ăn sáng với anh bạn cử nhân quản trị kinh doanh. Và chúng tôi sẽ bàn nhiều hơn về chuyện kịch bản quảng cáo băng vệ sinh Bồ Câu Trắng có hai cánh. Qua đó, tôi sẽ phát biểu một vài ý về thơ ca và truyện ngắn, những thứ mà từ khi có vợ, tôi không còn mặn mà nữa. Duy có điều sáng nay, tôi sẽ đội chiếc mũ rộng vành để mọi người ở khu phố không thấy cái sừng của mình!

“…Ó… ó… óng… y… y…! ó…ó… óng … y …!”

Tiếng rao bánh mì nóng của lão già đã vọng lên ngoài hành lang. Nhão nhoẹt trong cơn mưa dầm dề một ngày thành phố tháng bảy đầy ủ dột. Lạ thật, tiếng rao ngày càng mệt mỏi và bí ẩn vô cùng. Bí ẩn đến nỗi, người ta nghi ngờ nội dung mà người rao muốn chuyển tải…

- Anh có nhiều ký ức chết người quá! Ngay cả chuyện tiếng rao thôi, tôi cũng có thể viết được cái truyện ngắn đấy. Này nhé, truyện ngắn về trạng thái ký ức đồng vọng!… Thật đấy! - Anh bạn nhà văn trẻ tiết lộ điều bí mật vừa mới thu thập được!

Xin đừng gọi em bằng bà


Truyện Ngắn : Đỗ Xuân Tê




Lúc này Vĩnh Phúc yên đang vào mùa khô. Miền đất Trung du với nương chè đồi cọ như ẩn mình trong ánh sáng vàng nhạt của ngày hè nắng hạ. Thị trấn tôi ở nằm cạnh dòng sông Lô nước chảy lững lờ khác hẳn những ngày vào thu lũ tràn đất lở. Cư dân vùng này đa phần là những nông dân chất phác người dân tộc chuyên trồng nương trồng rẫy, còn anh em chúng tôi lại là những người thuộc chế độ cũ được đem ra giam giữ tại đây.

Trại tù vốn là một trại giam chuyên nhốt tù hình sự, nay vì nhu cầu cần giam giữ lâu dài những đối tượng cựu thù sau chiến tranh, trại biến thành nơi nhốt tù chính trị. Cao điểm khi chúng tôi mới đến có lúc có cả ngàn tù nhân. Qua đầu thập niên ’80 do tình hình biến đổi chẳng hiểu có phải bị áp lưc bên ngoài hay vì l‎‎‎ý do an ninh nào đó, họ lại vội vả chuyển cả trăm ngàn tù nhân quay trở về Nam. Mùa hè này trại chỉ còn khoảng trên dưới một trăm, phân lọc lại từ những thành phần mà họ cho là ác ôn nguy hiểm.

Tôi không được may mắn xuôi Nam vì cứ theo lý‎ lịch vốn dĩ nằm trong diện ‘tứ quí ác ôn’, nhưng bù lại từ rày về sau như để cho tụi tôi yên tâm an trí họ sẽ nới lỏng sinh hoạt, lao động nhẹ nhàng, thăm nuôi và nhận quà từ gia đình không hạn chế. Vả lại thời gian cũng chẳng bao lâu, quá lắm trên dưới một năm họ lại sáp nhập chúng tôi vào một trại an trí lâu dài cho nhừng người tù chính trị cuối cùng trên đất Bắc.

Do tình hình như vậy nên những người quản l‎ý trại họ phải lo sắp xếp lại nguồn lao động và sản xuất mà đám tù hình sự sẽ thay thế chúng tôi kéo cầy bằng sức người trên những ruộng lúa nước chạy theo hình bậc thang nằm doc quanh các rẻo đất chân đồi vốn hạp với hai loại chè và sắn. Nhiệm vụ này thường có một cán bộ phụ trách, gọi là cán bộ sản xuất, trước do một người nam hồi lao động đại trà, nay giao cho một người nữ tên Bình, một khuôn mặt khả ái mà anh em chúng tôi hay bàn tán.

Bàn tán không hẳn là do bà ta có nhan sắc dễ coi hơn những người nữ khác, mà trong thái độ khi có dịp giao tiếp với chúng tôi bà luôn tỏ sự nhũn nhặn tương kính, khác hẳn với lối đối xử kẻ cả của những người chuyên làm công tác coi tù. Xưng là bà vì chiếu theo nội qui quen lối xưng hô với tù hình sự, chứ tuổi của đa phần nữ cán bộ ở đây chỉ trên dưới ba mươi. Họ được chọn về công tác tại trại này đều là những thành phần thoát ly gia đình, giàu nghìệp vụ, có ý thức giai cấp cao, trung kiên với Đảng.

Cũng chẳng phải mình bà trong ‘tầm ngắm’ của chúng tôi, vì mỗi ngày hết giờ lao động, trong khi chờ nhập trại thì cũng là lúc các cán bô hành chánh, đa phần là nữ họ phải đi về hướng chúng tôi để trở về một trại tập thể gần đó dành cho những người có gia đình.

Thói quen điểm mặt các nữ cán bộ bỗng trở thành chút thư giãn cuối ngày. Thôi thì đủ cỡ, bà cao bà lùn, bà thon thả bà xồ xề, nhưng nhờ tuổi đời không cao lắm cho nên dù ăn mặc đi đứng theo cùng một kiểu chúng tôi vẫn có thể trông mặt bắt hình dong rồi đặt cho các ‘biệt danh’. Có một hôm trong lúc xếp hàng bỗng một người anh em vui tính rao lên, ‘có ai ăn thịt vịt không’. Cả đám nháo nhác thì ra có một bà đi qua dáng đi hai hàng trông như vịt xiêm, bà này chết tên từ đấy. Các bà vì nhạy cảm của nữ tính, họ biết thói trêu trọc của chúng tôi, nhưng không bắt bẻ gì và tốt hơn là rảo chân bước qua những ánh mắt cú vọ của đám đàn ông đang thèm đàn bà vì lâu ngày bị tù túng để còn về lo bữa cơm chiều cho chồng cho con. Nói vậy chứ cũng có bà ngầm hãnh diện vì chúng tôi ở đội làm nông nghiệp, đa phần là sĩ quan trẻ, ác ôn đâu không thấy, nhưng tư cách và trình độ các bà đều biết, khi thấy để ý mình thì tâm lý phụ nữ dù ngoài bắc hay trong nam ai mà chả thích.

Bà Bình có thể vì làm hành chánh nên quen mặc loại sơ mi vải thô màu trắng và quần đen vải mềm theo tiêu chuẩn đồng phục phát thêm cho nữ cán bộ. Cứ như đừng lẫn vào đám cán bộ ở trại này, khuôn mặt và dáng dấp của bà ít ai bảo làm ngành công an. Người thon thả, đôi mắt buồn, ít nói, nhưng khi cười thì tỏa ra nét duyên ngầm dễ mến. Có lẽ trong số các bạn tù, không hiểu sao tôi là người hay chú ý đến bà. Có thể vì bà mới lấy chồng cách đây hơn một năm, một cuộc hôn nhân không cân xứng. Anh chồng là một viên quản chế cũng hay đi đội tôi cấp thấp hơn và kém tuổi bà, dáng cao ráo nhưng gốc người dân tộc Tày, lấy được bà một phần do tổ chức sắp xếp, một phần anh ta cũng là con một đại tá ngành công an biên phòng. Hình như họ không hạnh phúc lắm dù hai người có một bé gái thỉnh thoảng bà có bồng đi ngang chỗ chúng tôi chờ.

Thế rồi mối quan hệ giữa bà với tôi đến với nhau như một sự tình cờ. Tôi vốn có chút khả năng về vẽ và làm các tấm pa-nô, nên trực trại họ biết khi cần hay gọi tôi làm nhân dịp lễ lạt và cho bồi dưỡng xứng đáng. Trùng lúc bà Bình đang cần một tay biết đo đạc tính toán các thửa ruộng lúa nuớc bà vừa nhận bàn giao để kiểm kê. Chuyện này đám hình sự không làm được nên họ nhờ tôi, một người họ không sợ trốn, lại vừa được việc.

Một buổi chiều sắp tan giờ lao động, trực trại gọi tôi ra và giao cho bà Bình. Ngắn gọn bà cho biết việc tôi làm, rồi kể từ hôm sau tôi được nghỉ lao động, chỉ theo bà xuất trại lúc cuối giờ khi chiều nhạt nắng. Cơm chiều được xuất cơm trắng không độn sắn nhà bếp để phần khi tôi về.

Khu vực trồng lúa của trại diện tích không nhiều, thu hoạch kém vì thiếu phân thiếu nước, nhưng trại cứ khai thác mục đích có việc cho tù làm, thường nằm sâu trong thung lũng cạnh các đồi cọ và nương chè. Cọ thì là đặc sản của miền trung du thường mọc hoang, nhưng trà lại là nguồn sản xuất quí mang nhiều lợi nhuận cho trại. Tôi đoán bà Bình muốn các đội lao động sắp nghỉ mới tiện cho việc đo đạc nên chọn giờ tan tầm. Hai người đi rảo bước, một đi trước, một theo sau (nội qui không cho đi song đôi), bà cầm sổ sách tôi cầm thước đo. Tôi để ý bà mặc đồ vàng công an, đeo loại sà cột (túi da của cán bộ) có súng ở trong không thì không biết. Câu chuyện trao đổi gần như chỉ liên quan đến công việc. Giọng bà ấm, nhẹ, đủ để nhau nghe.

Tới hiện trường, bà Bình yêu cầu tôi bỏ dép trên bờ rồi xuống ruộng cứ thế mà đo đạc theo đồ bản, sau đó nói lại cho bà ghi, tính toán hộ bà khi cần thiết. Bà còn cẩn thận khi tôi lội sang các thửa ruộng khác, bà sách đôi dép cao su của tôi theo, bà bảo để đây hình sự đi ngang nó lấy mất. Chuyện mất dép râu là một khổ nạn cho tù nhân khi hàng ngày phải lao động trên đồi và đi qua các con suối, tôi thầm cám ơn bà.

Tình cờ có một đội lao động hình sự đi ngang. Có tiếng la lớn, ‘cán bộ sách dép cho tù, anh em ơi’. Tôi ngước lên thấy bà không có thái độ gì, chỉ thấy viên quản chế thúc mạnh cùi chõ vào hông chú hình sự vừa ăn nói ‘linh tinh’. Ấy vậy mà giai thoại này cũng đồn thổi trong sinh hoạt trại mấy ngày sau đó.

Mấy lần sau hình như mối giao lưu có ấm áp hơn, mới biết thêm bà quê Bắc Ninh, con một ông giáo làng có theo Việt Minh hồi tiền khởi nghĩa, hết lớp 8 theo học kế toán rồi chuyển sang công tác ngành coi tù do nhu cầu đòi hỏi sau chiến tranh. Trên phân công, đời đưa đẩy chứ thực sự bà muốn làm nghề giáo nối nghiệp cha rồi ở lại quê lấy chồng chứ không muốn đi xa. Biết tôi xuất thân giáo viên cấp 3 trước khi đi lính (dĩ nhiên bà có xem lý lịch của tôi) nên câu chuyện trao đổi có phần tự nhiên hơn trong bối cảnh trớ trêu của trại tù. Tôi có duyên gợi chuyện với đàn bà, lại hay đề cập đến nếp sống và tâm tình của phụ nữ miền Nam, có lúc mải nghe bà quên cả vị trí cai tù, đi sát và sóng đôi với tôi.

Việc đo đạc kéo dài hơn một tuần lễ. Ý bà không muốn tôi làm nhiều và công việc cũng chẳng có gì gấp. Lại nữa bà còn phải về lo cho đứa nhỏ và bữa cơm chiều. Tôi nhớ lần đo thứ ba chúng tôi tiếp cận một khu ruộng nằm khá sâu trong thung lũng, đa phần là đất vừa được vỡ hoang, nhiều thửa chưa được vẽ trong đồ bản. Một điều thích thú là khu ruộng nằm quanh một đồi thoải rất đẹp, tôi đoán ngọn đồi này cứ bị cắt dần từ dưới lên trên nay trông như một ốc đảo, bốn bề là ruộng mà tự thân quả đồi chỉ còn là đồi cọ mọc hoang, xen lẫn các vạt sim tím và hoa dại rải rác dưới chân đồi.

Trong phút giải lao, tôi quan sát địa hình, thầm nghĩ nếu có ai đó yêu nhau, thì đây là nơi hẹn hò lý tưởng. Không gian hoang vắng, vừa kín vừa mở, ai đi đến là biết ngay, ở trong nhìn ra không ai thấy, gió mát nhẹ, những áng mây bạc lờ lững trôi, nắng nhạt phản ánh cảnh chiều hoang cuối chân trời, thú rừng chỉ là loài sóc, chim rừng gáy từng chập, điệp khúc nghe buồn nhưng không chán, ngẫu nhiên tôi lại nhớ cảnh vật trữ tình của Hữu Loan khi đồng cảm với nhà thơ một đời tôi ái mộ vì ông tài tình nắm bắt hình ảnh ‘tím cả chiều hoang biền biệt’ chỉ có nơi hoang dã này….Tưởng chỉ là chút ngẫu hứng ảo, trong phút lãng mạn hờ khi phát hiện một không gian thú vị, có ai ngờ mấy ngày sau ‘ốc đảo’ này lại là nơi chính tôi và bà Bình cùng ngồi tâm sự giáp mặt nhau.

Hôm nay theo lịch trình là ngày cuối tôi theo chân bà. Công tác thực sự đã hoàn tất sớm hơn một ngày. Nhưng bà vẫn nhận tôi ra. Vừa ra khỏi trại bà cho biết chút nữa ta sẽ đo lại mấy thửa ruộng quanh đồi A5, bà bảo tôi đi về hướng đó. A5 chẳng qua là khu ‘ốc đảo’ tôi đã quen, ngạc nhiên là sao cần đo lại. Quay lại nhìn bà sao hôm nay không mặc đồ ‘vàng’, tóc chắc vừa gội còn thơm mùi hương bưởi, đen nhánh, mượt, để xõa, đầu đội chiếc nón lá che làn tóc ướt, trang phục thì áo cánh vải thô, quần mỏng màu đen như vẫn thường mặc khi qua chỗ chúng tôi trước kia. Không mang túi cán bộ, mà đeo một túi sách màu xám đã cũ, không thấy sổ sách. Toàn thân dù không trang điểm vẫn toát ra vẻ tươi mát, hấp dẫn của một người đàn bà vừa tắm gội.

Đầu óc tôi lúc này sao cứ miên man suy đoán đủ chuyện, đôi lúc bà hỏi gì tôi không nghe rõ, nhưng như thầm đọc được ý nghĩ của nhau, bà biết tôi đang để ý bà. Cũng may không hẹn mà gặp, bộ đồ tù mới giặt hôm qua, lại mới tắm trộm ở bể nước của đội trong lúc chờ bà hồi chiều làm cho tôi có phần tươm tất và tự tin khi đi sát một người nữ nhờ hương bưởi tỏa ra từ mái tóc ướt làm át đi hơi hám u ám của người tù. Lúc này theo độ tuổi, bà đang khoảng ba mươi, tôi gần bốn chục, trai có vợ gái có chồng, hai số phận đồng hành nhưng khác lối, dù vậy trong mấy ngày kề cận cũng tìm được mẫu số chung trong cõi sâu thẳm của tình người.

Tới đồi A5, thay vì đo đạc, bà mỉm cười và nói ngay, ‘hôm nay cho anh Thao nghỉ lao động, việc của mình coi như xong, có chút bồi dưỡng cho anh, mấy thứ của nhà, nhớ ăn hết đừng mang vào trại.’ Trao cho tôi mấy quả chuối chín, một gói bọc lá chuối sau mới biết là xôi, bà chỉ cho tôi cứ lên đồi ngồi ăn thoải mái. Rồi để cho tôi tự nhiên, bà đi về hướng khác làm gì không rõ. Xôi và chuối nghe chừng như vật rẻ tiền nhưng trong cảnh tù lại là loại thực phẩm quí, nếu không được thăm nuôi chẳng bao giờ có.

Khoảng gần nửa giờ sau bà quay lại, tôi thấp thỏm tưởng là sắp theo bà về, trong lòng tuy buồn nhưng không lộ ra trên nét mặt. Trái với dự đoán, bà rủ tôi tản bộ gần đó xem một tổ chim bà vừa phát hiện. Bà chủ động nắm tay tôi vừa chỉ lên tổ chim trước mặt. Một thoáng hạnh phúc trong tôi như được ai nâng niu chiều chuộng. Tự nhiên mái tóc ướt và mùi hương bưởi tỏa ra từ thân thể bà như khơi dậy trong tôi niềm rạo rực khó tả khởi đi từ ký ức của tuổi dậy thì khi nhìn bà chị họ gội đầu bên cầu ao để lộ bộ ngực trần hớ hênh không ngờ thằng em ngó trộm. Mấy chục năm sau hình ảnh người nữ trước mặt lặp lại trong tôi như một âm bản.

Tôi đánh bạo bằng lời mào đầu với vẻ nghiêm túc, nhưng lại vụng về như một lời tỏ tình mang tính cải lương, ‘hôm nay trông bà đẹp quá, xin phép bà cho tôi một nụ hôn như một kỷ niệm những ngày được gần bà công tác’. Bà hơi đỏ mặt, ánh lên vẻ ngạc nhiên, không cho phép trực tiếp nhưng phát ra một tín hiệu phản hồi khó hiểu, ‘xin đừng gọi em bằng bà’. Tôi cứ hiểu theo ý tôi, đổi cách xưng hô và vòng tay ôm hôn người nữ.Tôi không nhớ khoảnh khắc kéo dài bao lâu, nhưng chỉ biết do sư cọ sát của thân thể làm tôi ngây ngất. Đang ở vị thế chủ động, chợt người nữ nới lỏng vòng tay, đẩy nhẹ tôi ra, thì thầm qua tai người nam, ‘thôi ta về đi anh’. Tôi làm theo vì biết mình đi xa giới hạn cho phép. Hai người trở lại ví trí ban đầu, lặng lẽ băng qua các bờ ruộng bậc thang ra khỏi bìa rừng.

Mấy tháng sau tôi ít có dịp gặp bà, một phần cũng vì cán bộ không đi qua lối cũ trước cổng trại, người ta đã mở con đường tắt để tránh thói chọc ghẹo của tù nhân khi xếp hàng chờ nhập trại. Cho đến một hôm gần sẩm tối, chú hình sự tự quản tìm tôi nhắn có cán bộ muốn gặp trên ‘khu văn hóa’. Chẳng hiểu chuyện gì tôi vội đi theo. Thì ra bà Bình đang bồng đứa con nhỏ đứng chờ tôi. Tôi hơi ngỡ ngàng, nhưng bà hỏi ngay, ‘anh Thao khỏe không?’ Thấy không có ai tôi buột miệng, ‘anh nhớ Bình quá’. Bà nghiêm sắc mặt nhưng giọng vẫn thân mật, ‘quên đi anh, nghĩ đẹp về nhau đủ rồi’; bà hạ giọng cho biết tôi sắp chuyển trại, nhớ đừng tiết lộ cho ai, bà chúc tôi giữ gìn sức khỏe và an ủi tôi ‘chắc chắn có ngày về’. Trước khi quay đi bà dúi vào túi tôi một bọc nhỏ gói giấy báo, sau mở ra là ít thuốc lào và mấy gam chè búp, niềm an ủi cuối ngày của những người tù biệt xứ.

Oh Sweet Lorraine




Đây là ca khúc do cụ Fred Stobaugh – 96 tuổi, ở bang Illinois, Mỹ – sáng tác để cụ tưởng nhớ người vợ vừa mới mất của mình.
Hai ông bà đã ở với nhau 75 năm.
Ca khúc của cụ ông 96 tuổi “ăn khách” hơn Taylor Swift
12/09/2013 19:11 (GMT + 7)
TTO - Một cụ ông 96 tuổi sáng tác và hát ca khúc Oh Sweet Lorraine tưởng nhớ người vợ quá cố đã bất ngờ vượt qua ca khúc của Taylor Swift hay Rihanna trên bảng xếp hạng Billboard Pop Hot 100.


Đôi vợ chồng già Stobaugh và Lorraine lúc bà Lorraine còn sống. Ảnh: Billboard


Nhạc sĩ Jacob Colgan làm việc với cụ Fred để hoàn thành ca khúc – Ảnh: Daily mail

Khi studio của nhạc sĩ Jacob Colgan mở một cuộc thi viết nhạc nghiệp dư cho người dân địa phương, Colgan đã rất xúc động khi nhận được lời nhạc từ cụ ông 96 tuổi Fred Stobaugh – một tài xế xe tải về hưu sống ở bang Illinois – thể hiện tình yêu chân phương, mộc mạc đối với người vợ quá cố của ông là bà Lorraine, vừa qua đời vào tháng 4-2013. Jacob Colgan đã biến lời nhạc Oh Sweet Lorraine (Ôi, Lorraine ngọt ngào) thành tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh trong tháng 7-2013, đồng thời đưa bài nhạc này lên kho nhạc số Apple iTunes.

Điều ngoạn mục đã diễn ra khi bài nhạc Ôi, Lorraine ngọt ngào của cụ ông Fred Stobaugh đứng ở vị trí cao hơn cả những bài hit của hai nữ ca sĩ nổi tiếng Rihanna và Taylor Swift. Trong tháng 8, bản nhạc vượt qua bản Mirrors của Justin Timberlake.

Ôi, Lorraine ngọt ngào là một bài tình ca nhẹ nhàng với những hồi ức tình yêu đẹp đẽ giữa cụ Fred và bà Lorraine. Sáu tuần sau khi vợ mất, cụ Fred viết lời bài nhạc với những đoạn lãng mạn như: “Anh ước gì chúng ta có thể đem tất cả những thời gian đẹp đẽ trở lại một lần nữa… Cuộc sống chỉ đến bên ta một lần không bao giờ trở lại… nhưng những ký ức luôn luôn ở lại… Không, anh không muốn tiếp tục… Vì vậy anh đã viết bài nhạc này cho em”.

Cụ Fred đã khóc khi nghe bài hát Ôi, Lorraine ngọt ngào được nhạc sĩ Jacob Colgan hoàn thành. Cụ chia sẻ về quãng thời gian chung sống với vợ: “75 năm thật tuyệt vời. Tôi thường nghĩ rằng đó là điều gì không thật, là một giấc mơ hay điều gì đó tương tự. Nhưng nó là thật. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói. Nó là thật. Tôi thật sự rất nhớ bà ấy”.

Billboard công nhận cụ ông Fred Stobaugh trở thành “ngôi sao lớn tuổi nhất” có mặt trong bảng xếp hạng âm nhạc, thay thế tượng đài Tony Bennett (hiện 87 tuổi). Ca khúc này hiện đang được nhiều ca sĩ trẻ hát lại (cover) và đưa lên YouTube cho mọi người thưởng thức.

PHONG VÂN

***

Đây là lời bài hát và lời dịch:

Ôi Lorraine yêu



Ôi Lorraine yêu, anh ước mình có thể ở thời tuyệt đẹp lần nữa
Ôi Lorraine yêu, cuộc sống chỉ tới đây đó một lần mà chẳng trở lại nữa
Ôi Lorraine yêu, anh ước mình có thể ở thời tuyệt đẹp lần nữa

Thời tuyệt đẹp, thời tuyệt đẹp, thời tuyệt đẹp lần nữa
Thời tuyệt đẹp, thời tuyệt đẹp, thời tuyệt đẹp lần nữa

Nhưng kỷ niệm cứ nấn ná trên, ôi Lorraine yêu, anh chẳng muốn giục chúng
Nhưng kỷ niệm cứ nấn ná trên, ôi Lorraine yêu, đó là tại sao anh viết cho em bài hát này

Ôi Lorraine yêu, anh ước mình có thể ở thời tuyệt đẹp lần nữa
Ôi Lorraine yêu, cuộc sống chỉ tới đây đó một lần mà chẳng trở lại nữa
Ôi Lorraine yêu, anh ước mình có thể ở thời tuyệt đẹp lần nữa
Thời tuyệt đẹp, thời tuyệt đẹp, thời tuyệt đẹp lần nữa
Thời tuyệt đẹp, thời tuyệt đẹp, thời tuyệt đẹp lần nữa
(PTH dịch)
***

Oh sweet Lorraine

Oh sweet Lorraine, I wish we could do all the good times over again
Oh sweet Lorraine, life only goes around once but never again
Oh sweet Lorraine, I wish we could do all the good times over again

The good times, the good times, the good times all over again
The good times, the good times, the good times all over again

But the memories always linger on oh sweet lorraine i don’t wanna move on
But the memories always linger on oh sweet lorraine that’s why i wrote you this song

Oh sweet Lorraine, I wish we could do all the good times over again
Oh sweet Lorraine, life only goes around once but never again
Oh sweet Lorraine, I wish we could do all the good times over again

The good times, the good times, all the good times all over again
The good times, the good times, all good times all over again

Thuốc chữa đau buồn




Có một phụ nữ vừa mất con trai, bà tìm đến một nhà hiền triết và nói “Có lời cầu nguyện nào mà ông biết có thể đem con trai tôi sống lại?”

Nhà hiền triết bảo “Hãy đem về đây cho ta một hạt giống cây mù tạt được trồng từ gia đình nào chưa từng bao giờ biết đến đau khổ”. Người phụ nữ ngay lập tức lên đường đi tìm hạt giống thần kỳ. Đầu tiên bà đến gõ cửa một ngôi nhà lớn sang trọng và hỏi “Tôi đang tìm hạt giống cây mù tạt từ gia đình chưa bao giờ biết đến đau khổ, có phải nơi này không?”. Họ trả lời bà đã đến nhầm chỗ và bắt đầu kể những tai họa đã xảy đến với gia đình họ. Bà ngồi lại an ủi họ rối tiếp tục lên đường đi tìm hạt giống thần kỳ.

Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, dù ở những ngôi nhà tồi tàn hay sang trọng, bà đều được nghe những chuyện đau buồn này đến chuyện bất hạnh khác.

Bà trở nên rất quan tâm muốn chia sẻ nỗi buồn của người khác đến nỗi bà đã quên câu hỏi về hạt giống cây mù tạt thần kỳ mà bà tìm kiếm.

Thành công





THÀNH CÔNG VỀ CÁI GÌ ?

Khi được hỏi về sự thành công thì ta thường nghĩ ngay đến nghề nghiệp của mình. Đây cũng là lẽ đương nhiên, vì khoản thu nhập hay vị trí trong xã hội có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của hầu hết mọi người. Nhất là tại thời điểm này, kinh tế toàn cầu đang suy thoái trầm trọng, nhiều công ty phải đóng cửa, nhiều tập đoàn bị phá sản và vô số người bị mất việc, cho nên nó đã trở thành thứ nhạy cảm hàng đầu khi người ta ngồi lại với nhau mà không ai dám nhắc tới hai chữ thành công.

Vậy nên ít khi nào ta hỏi ngược lại người kia hay tự hỏi chính mình: thành công là thành công về cái gì? Thành công phải có đối tượng của nó, cụ thể là lĩnh vực nào, chứ không phải cái gì cũng thành công thì mới được gọi là thành công. Như ta đang sở hữu những thứ tiện nghi sang trọng đắt tiền, hay vị trí xã hội mà rất nhiều người mơ tưởng, thì không lý do gì ta không tự nhận mình là kẻ thành công. Nhưng khi có được những thứ đó trong tay thì hạnh phúc gia đình lại đổ vỡ, người thân không muốn nhìn mặt ta nữa, hoặc ta không thể tin tưởng và cảm thông những người bạn xung quanh…thì ta có được gọi kẻ thành công nữa không? Có đấy, nhưng chỉ thành công về mặt vật chất, còn đời sống tình cảm thì thất bại nặng nề.

Còn nếu ta cho rằng tình yêu của ta là nhất, trên cõi đời này không còn thứ gì quan trọng và tuyệt vời hơn thế nữa, để rồi ta lao theo nó như con thiêu thân bất chấp mọi thứ đang xảy ra chung quanh và phía trước. Ta bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền của, năng lực và cả những phẩm chất quý giá trong tâm hồn để nắm bắt nó. Ta không cần chăm sóc bản thân, không buồn quan tâm tới việc làm hay những mối quan hệ chung quanh để giữ gìn nó. Ta tập cho mình thói quen ganh ghét hay ăn thua đủ khi người kia không hết dạ với mình. Giả sử người kia đã thuộc về ta rồi thì ta có thật là kẻ thành công không? Có đấy, ta đã thành công về khả năng chinh phục kẻ khác, nhưng lại thất bại với chính mình.

THÀNH CÔNG Ở BÊN NGOÀI

Ta luôn chịu ảnh hưởng bởi tâm thức cộng đồng, luôn bị cuốn theo dòng chảy mãnh liệt của cuộc sống, nên không dễ gì có được chánh kiến (right view) của riêng mình. Dù ta đọc sách thánh hiền, được người hiểu biết hướng dẫn, hay do chính ta suy nghiệm lấy thì ta cũng không đủ can đảm để bước theo hướng đi sáng đẹp mà mình đã tìm ra. Tại vì hướng ấy rất cô độc, gần như mọi người đều đổ xô theo hướng tìm kiếm quyền lợi vật chất hay thỏa mãn danh dự, chứ không còn thiết tha gì với giá trị đời sống tinh thần.

Bây giờ bước ra đường phố ta không khỏi ngẩn ngơ trước dòng người đông nghẹt, nhưng ai nấy cũng đầy vẻ căng thẳng và hối hả như đang chạy tìm một cái gì đó. Họ không biết mình đang đi tới đâu, ai vừa lướt ngang qua mình, thì làm sao có thể nhìn nhau bằng ánh mắt trìu mến, hay tặng nhau một nụ cười thân thiện. Ngồi cạnh nhau trên xe buýt hằng giờ nhưng không ai chịu bắt chuyện, vì dường như ai cũng đang rất bận rộn với những kế hoạch trong đầu. Họ gặp nhau ở công ty nhưng cũng không thể dừng lại hỏi người kia có khỏe không và chờ đợi câu trả lời, vì họ có cảm tưởng như vậy là mất một vài giây phút quý giá trong đời, thay vì tranh thủ lao đầu vào các tờ nhật báo, lên internet để tìm kiếm những thông tin mà họ cho là hữu ích cho sự thành công.

Nhiều người lại không thích người khác hỏi thăm mình. Họ luôn nghĩ sự hiện diện của người kia là không cần thiết hay sẽ làm cho mình mất tự do. Tại vì họ không muốn công khai với người khác về sự thất bại của mình trong công việc làm ăn, và họ có thể nghĩ người kia đang tìm cách để cạnh tranh hay hạ gục mình giữa thương trường. Vì vậy mà bây giờ thương trường đã trở thành chiến trường khốc liệt, trong đó, ai không có đủ sự khôn ngoan và chiêu thức tinh xảo thì phải chấp nhận trở thành kẻ chiến bại. Để rồi con người ngày càng tự biến mình thành cỗ máy vô tri và mất dần tình người với nhau. Đến lúc không chịu đựng nổi cảnh sống “máy móc” và hời hợt như vậy nữa, thì họ chui mình vào vỏ bọc của sự cô đơn, lạnh lùng, và làm những quyết định hết sức lầm lẫn.

Sự thành công như thế vốn đã mang theo tính chất của sự hủy diệt rồi. Thà tài sản bị tiêu tán thì ta vẫn còn cơ hội tìm lại được, hay ta vẫn còn nhiều điều ý nghĩa để sống, nhưng một khi những phẩm chất linh thiêng trong tâm hồn như sự bình an, lòng thương xót, tính thật thà, đức khiêm cung… bị băng hoại thì có khi cả đời ta cũng không sao thiết lập lại nổi. Một kẻ sống không có chất liệu đạo đức là một kẻ thất bại thảm hại. Sống mà không thể yêu thương hay không được yêu thương thì có khác gì những loài ma đói!

Cho nên ta đừng quá hốt hoảng hay buồn chán khi ta đang là kẻ chiến bại trong chiến trường kinh tế. Nếu ta vẫn còn khả năng ngồi yên để uống một chén trà nóng với bạn bè, vẫn còn kiên nhẫn để lắng nghe người thương chia sẻ, vẫn còn biết rung động trước những cảnh đời trái ngang, vẫn còn sốt sắng đứng ra bảo bọc kẻ khác thì ta hãy ăn mừng đi. Vì đối với gia đình, với xã hội, với đất trời này ta là kẻ đã sống trọn kiếp con người.

Vậy nên có thể nói, thành công với chính mình thì ta sẽ dễ dàng thành công với tất cả, nếu thất bại với chính mình thì ta không bao giờ giữ được những thành công khác. Cụ Nguyễn Du cũng đã từng nói: “Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”, ta đừng bao giờ quên nguyên tắc điều hợp cuộc sống quan trọng này. Giờ phút nào ta vẫn còn chạy vòng ngoài để tìm kiếm sự công nhận, hay tích góp thêm tiền bạc mà bỏ bê những người thân yêu trong gia đình hoặc chính tâm hồn mình, thì giờ phút đó ta vẫn chưa cắm rễ vào sự sống, chưa thực sự biết sống, hay chưa tìm ra lẽ sống.

THÀNH CÔNG VỚI CHÍNH MÌNH

Sự thống trị của cơ sở vật chất đã làm cho bao lớp người không tìm thấy giá trị đích thực của cuộc sống này là gì. Nhiều bạn trẻ khi đã lấy được chứng chỉ Đại học rồi mà cũng không dám bước vào đời, họ nghĩ phải tiếp tục đào xới kiến thức trong học đường vài năm nữa để lấy thêm chứng chỉ Cao học hoặc ít nhất là phải có thêm một chứng chỉ nào khác nữa thì mới đủ tư cách để bước vào ngưỡng cửa thành công. Trong đầu hầu hết các bạn trẻ đều luôn nghĩ đến việc kiếm thật nhiều tiền, phải chứng tỏ cho mọi người thấy được tài năng của mình trong khi còn sung sức thì mới hài lòng với chính mình. Nhiều bạn có cơ hội tiến thân là nắm bắt ngay, những người chưa đủ thực lực cũng chen chân và tìm mọi phương cách để gây sự chú ý của người khác, đánh bóng tên tuổi mình. Với họ, được nhiều người biết tới, dù đó là sự tai tiếng (scandal) cũng đã là một sự thành công vẻ vang rồi. Thật đáng sợ!

Làm sao để nói cho các bạn trẻ ấy biết rằng cái gì cũng có cái giá của nó, giây phút đón nhận hậu quả của những hành động sai lầm rất khủng khiếp. Làm sao để phân tích cho họ thấy được bản chất thật của cuộc sống là gì, làm sao để giúp họ xác định lại đâu mới là mục đích chính của đời sống? Hay là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” (Nguyễn Du), chắc là đôi lúc ta cũng nên để cho các bạn ấy phải chịu vấp ngã vài lần thật đau thì may ra mới bừng tỉnh mà định vị lại cuộc đời mình, chứ không dễ gì ngăn cản nổi sự háo thắng và liều lĩnh của họ một khi đã lún sâu vào danh vọng.

Các nhà phân tâm học tây phương thường hay nhắc nhở rằng nhà trường chỉ cung cấp cho ta 25% kiến thức, còn cuộc sống trải nghiệm mới cho ta 75% kiến thức ta cần. Sự lầm lẫn về phương tiện sống và mục đích sống đã khiến cho rất nhiều thế hệ học sinh ra trường khủng hoảng về sự lựa chọn hướng đi cho cuộc đời mình. Họ không dám bước vào đời vì họ sợ mình thua sút người khác, mình sẽ không phải là sự lựa chọn tối ưu của những công ty danh tiếng, mình sẽ không dễ dàng chinh phục được những đối tượng có quyền lực. Có bao nhiêu bạn trẻ đã dành trọn nguyện vọng của mình cho việc tìm kiếm giá trị hạnh phúc chân thật, phương cách nào để làm chủ được bản thân, hay làm sao để bảo vệ môi sinh, cứu giúp trẻ em đói, hoặc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc?

Nhưng câu hỏi đó vẫn luôn bị xem là xa vời, phi thực tế. Tiền bạc hay danh vọng mới đích thực là tâm nguyện hàng đầu của giới trẻ bây giờ. Nhưng các bạn ơi, thành công ấy sẽ đưa ta đi về đâu? Đành rằng đời sống ai cũng cần những tiện nghi đó, nhưng nếu ta không thể thành công trong những lĩnh vực sâu sắc khác của đời sống thì ta sẽ thấy đời sống này rất vô vị và trống rỗng. Tại vì những cảm giác sung sướng của sự thành công kia sẽ mau chóng đi qua, nó sẽ để lại cho ta một nỗi cô đơn mà không có ai chia sẻ được. Đó cũng là lý do tại sao kẻ có nhiều quyền lực chính là kẻ cô đơn nhất.

TA HÃY TRỞ VỀ TÌM LẠI SỰ THÀNH CÔNG NƠI CHÍNH MÌNH.
Hãy học cách lắng đọng tâm thức, không để đầu óc suy nghĩ vẩn vơ; hãy cố gắng luyện tập làm chủ một cơn giận, nhận diện và chuyển hóa những năng lượng độc hại như lòng tham, tính ích kỷ, thói quen so đo tính toán với mọi người. Hãy tìm cách khơi dậy những phẩm chất quý giá trong tâm hồn và những năng lực tiềm ẩn chưa có điều kiện phát sinh. Ta hãy tập cho thành công những bước chân thong thả, những buổi ăn cơm đầm ấm với gia đình, hay những khi lắng nghe khó khăn của người khác. Sự thật cuộc đời này không có cái thành công lớn hay nhỏ, mà chỉ có cái đem tới cảm xúc nhất thời hay giá trị hạnh phúc chân thật mà thôi.

Núi muôn đời vững chãi
Mặc tuyết phủ sương giăng
Ta đã tìm thế đứng
Hay vẫn còn lăng xăng?


Minh Niệm