Truyện Ngắn : Đỗ Xuân Tê
Lúc này Vĩnh Phúc yên đang vào mùa khô. Miền đất Trung du với nương chè đồi cọ như ẩn mình trong ánh sáng vàng nhạt của ngày hè nắng hạ. Thị trấn tôi ở nằm cạnh dòng sông Lô nước chảy lững lờ khác hẳn những ngày vào thu lũ tràn đất lở. Cư dân vùng này đa phần là những nông dân chất phác người dân tộc chuyên trồng nương trồng rẫy, còn anh em chúng tôi lại là những người thuộc chế độ cũ được đem ra giam giữ tại đây.
Trại tù vốn là một trại giam chuyên nhốt tù hình sự, nay vì nhu cầu cần giam giữ lâu dài những đối tượng cựu thù sau chiến tranh, trại biến thành nơi nhốt tù chính trị. Cao điểm khi chúng tôi mới đến có lúc có cả ngàn tù nhân. Qua đầu thập niên ’80 do tình hình biến đổi chẳng hiểu có phải bị áp lưc bên ngoài hay vì lý do an ninh nào đó, họ lại vội vả chuyển cả trăm ngàn tù nhân quay trở về Nam. Mùa hè này trại chỉ còn khoảng trên dưới một trăm, phân lọc lại từ những thành phần mà họ cho là ác ôn nguy hiểm.
Tôi không được may mắn xuôi Nam vì cứ theo lý lịch vốn dĩ nằm trong diện ‘tứ quí ác ôn’, nhưng bù lại từ rày về sau như để cho tụi tôi yên tâm an trí họ sẽ nới lỏng sinh hoạt, lao động nhẹ nhàng, thăm nuôi và nhận quà từ gia đình không hạn chế. Vả lại thời gian cũng chẳng bao lâu, quá lắm trên dưới một năm họ lại sáp nhập chúng tôi vào một trại an trí lâu dài cho nhừng người tù chính trị cuối cùng trên đất Bắc.
Do tình hình như vậy nên những người quản lý trại họ phải lo sắp xếp lại nguồn lao động và sản xuất mà đám tù hình sự sẽ thay thế chúng tôi kéo cầy bằng sức người trên những ruộng lúa nước chạy theo hình bậc thang nằm doc quanh các rẻo đất chân đồi vốn hạp với hai loại chè và sắn. Nhiệm vụ này thường có một cán bộ phụ trách, gọi là cán bộ sản xuất, trước do một người nam hồi lao động đại trà, nay giao cho một người nữ tên Bình, một khuôn mặt khả ái mà anh em chúng tôi hay bàn tán.
Bàn tán không hẳn là do bà ta có nhan sắc dễ coi hơn những người nữ khác, mà trong thái độ khi có dịp giao tiếp với chúng tôi bà luôn tỏ sự nhũn nhặn tương kính, khác hẳn với lối đối xử kẻ cả của những người chuyên làm công tác coi tù. Xưng là bà vì chiếu theo nội qui quen lối xưng hô với tù hình sự, chứ tuổi của đa phần nữ cán bộ ở đây chỉ trên dưới ba mươi. Họ được chọn về công tác tại trại này đều là những thành phần thoát ly gia đình, giàu nghìệp vụ, có ý thức giai cấp cao, trung kiên với Đảng.
Cũng chẳng phải mình bà trong ‘tầm ngắm’ của chúng tôi, vì mỗi ngày hết giờ lao động, trong khi chờ nhập trại thì cũng là lúc các cán bô hành chánh, đa phần là nữ họ phải đi về hướng chúng tôi để trở về một trại tập thể gần đó dành cho những người có gia đình.
Thói quen điểm mặt các nữ cán bộ bỗng trở thành chút thư giãn cuối ngày. Thôi thì đủ cỡ, bà cao bà lùn, bà thon thả bà xồ xề, nhưng nhờ tuổi đời không cao lắm cho nên dù ăn mặc đi đứng theo cùng một kiểu chúng tôi vẫn có thể trông mặt bắt hình dong rồi đặt cho các ‘biệt danh’. Có một hôm trong lúc xếp hàng bỗng một người anh em vui tính rao lên, ‘có ai ăn thịt vịt không’. Cả đám nháo nhác thì ra có một bà đi qua dáng đi hai hàng trông như vịt xiêm, bà này chết tên từ đấy. Các bà vì nhạy cảm của nữ tính, họ biết thói trêu trọc của chúng tôi, nhưng không bắt bẻ gì và tốt hơn là rảo chân bước qua những ánh mắt cú vọ của đám đàn ông đang thèm đàn bà vì lâu ngày bị tù túng để còn về lo bữa cơm chiều cho chồng cho con. Nói vậy chứ cũng có bà ngầm hãnh diện vì chúng tôi ở đội làm nông nghiệp, đa phần là sĩ quan trẻ, ác ôn đâu không thấy, nhưng tư cách và trình độ các bà đều biết, khi thấy để ý mình thì tâm lý phụ nữ dù ngoài bắc hay trong nam ai mà chả thích.
Bà Bình có thể vì làm hành chánh nên quen mặc loại sơ mi vải thô màu trắng và quần đen vải mềm theo tiêu chuẩn đồng phục phát thêm cho nữ cán bộ. Cứ như đừng lẫn vào đám cán bộ ở trại này, khuôn mặt và dáng dấp của bà ít ai bảo làm ngành công an. Người thon thả, đôi mắt buồn, ít nói, nhưng khi cười thì tỏa ra nét duyên ngầm dễ mến. Có lẽ trong số các bạn tù, không hiểu sao tôi là người hay chú ý đến bà. Có thể vì bà mới lấy chồng cách đây hơn một năm, một cuộc hôn nhân không cân xứng. Anh chồng là một viên quản chế cũng hay đi đội tôi cấp thấp hơn và kém tuổi bà, dáng cao ráo nhưng gốc người dân tộc Tày, lấy được bà một phần do tổ chức sắp xếp, một phần anh ta cũng là con một đại tá ngành công an biên phòng. Hình như họ không hạnh phúc lắm dù hai người có một bé gái thỉnh thoảng bà có bồng đi ngang chỗ chúng tôi chờ.
Thế rồi mối quan hệ giữa bà với tôi đến với nhau như một sự tình cờ. Tôi vốn có chút khả năng về vẽ và làm các tấm pa-nô, nên trực trại họ biết khi cần hay gọi tôi làm nhân dịp lễ lạt và cho bồi dưỡng xứng đáng. Trùng lúc bà Bình đang cần một tay biết đo đạc tính toán các thửa ruộng lúa nuớc bà vừa nhận bàn giao để kiểm kê. Chuyện này đám hình sự không làm được nên họ nhờ tôi, một người họ không sợ trốn, lại vừa được việc.
Một buổi chiều sắp tan giờ lao động, trực trại gọi tôi ra và giao cho bà Bình. Ngắn gọn bà cho biết việc tôi làm, rồi kể từ hôm sau tôi được nghỉ lao động, chỉ theo bà xuất trại lúc cuối giờ khi chiều nhạt nắng. Cơm chiều được xuất cơm trắng không độn sắn nhà bếp để phần khi tôi về.
Khu vực trồng lúa của trại diện tích không nhiều, thu hoạch kém vì thiếu phân thiếu nước, nhưng trại cứ khai thác mục đích có việc cho tù làm, thường nằm sâu trong thung lũng cạnh các đồi cọ và nương chè. Cọ thì là đặc sản của miền trung du thường mọc hoang, nhưng trà lại là nguồn sản xuất quí mang nhiều lợi nhuận cho trại. Tôi đoán bà Bình muốn các đội lao động sắp nghỉ mới tiện cho việc đo đạc nên chọn giờ tan tầm. Hai người đi rảo bước, một đi trước, một theo sau (nội qui không cho đi song đôi), bà cầm sổ sách tôi cầm thước đo. Tôi để ý bà mặc đồ vàng công an, đeo loại sà cột (túi da của cán bộ) có súng ở trong không thì không biết. Câu chuyện trao đổi gần như chỉ liên quan đến công việc. Giọng bà ấm, nhẹ, đủ để nhau nghe.
Tới hiện trường, bà Bình yêu cầu tôi bỏ dép trên bờ rồi xuống ruộng cứ thế mà đo đạc theo đồ bản, sau đó nói lại cho bà ghi, tính toán hộ bà khi cần thiết. Bà còn cẩn thận khi tôi lội sang các thửa ruộng khác, bà sách đôi dép cao su của tôi theo, bà bảo để đây hình sự đi ngang nó lấy mất. Chuyện mất dép râu là một khổ nạn cho tù nhân khi hàng ngày phải lao động trên đồi và đi qua các con suối, tôi thầm cám ơn bà.
Tình cờ có một đội lao động hình sự đi ngang. Có tiếng la lớn, ‘cán bộ sách dép cho tù, anh em ơi’. Tôi ngước lên thấy bà không có thái độ gì, chỉ thấy viên quản chế thúc mạnh cùi chõ vào hông chú hình sự vừa ăn nói ‘linh tinh’. Ấy vậy mà giai thoại này cũng đồn thổi trong sinh hoạt trại mấy ngày sau đó.
Mấy lần sau hình như mối giao lưu có ấm áp hơn, mới biết thêm bà quê Bắc Ninh, con một ông giáo làng có theo Việt Minh hồi tiền khởi nghĩa, hết lớp 8 theo học kế toán rồi chuyển sang công tác ngành coi tù do nhu cầu đòi hỏi sau chiến tranh. Trên phân công, đời đưa đẩy chứ thực sự bà muốn làm nghề giáo nối nghiệp cha rồi ở lại quê lấy chồng chứ không muốn đi xa. Biết tôi xuất thân giáo viên cấp 3 trước khi đi lính (dĩ nhiên bà có xem lý lịch của tôi) nên câu chuyện trao đổi có phần tự nhiên hơn trong bối cảnh trớ trêu của trại tù. Tôi có duyên gợi chuyện với đàn bà, lại hay đề cập đến nếp sống và tâm tình của phụ nữ miền Nam, có lúc mải nghe bà quên cả vị trí cai tù, đi sát và sóng đôi với tôi.
Việc đo đạc kéo dài hơn một tuần lễ. Ý bà không muốn tôi làm nhiều và công việc cũng chẳng có gì gấp. Lại nữa bà còn phải về lo cho đứa nhỏ và bữa cơm chiều. Tôi nhớ lần đo thứ ba chúng tôi tiếp cận một khu ruộng nằm khá sâu trong thung lũng, đa phần là đất vừa được vỡ hoang, nhiều thửa chưa được vẽ trong đồ bản. Một điều thích thú là khu ruộng nằm quanh một đồi thoải rất đẹp, tôi đoán ngọn đồi này cứ bị cắt dần từ dưới lên trên nay trông như một ốc đảo, bốn bề là ruộng mà tự thân quả đồi chỉ còn là đồi cọ mọc hoang, xen lẫn các vạt sim tím và hoa dại rải rác dưới chân đồi.
Trong phút giải lao, tôi quan sát địa hình, thầm nghĩ nếu có ai đó yêu nhau, thì đây là nơi hẹn hò lý tưởng. Không gian hoang vắng, vừa kín vừa mở, ai đi đến là biết ngay, ở trong nhìn ra không ai thấy, gió mát nhẹ, những áng mây bạc lờ lững trôi, nắng nhạt phản ánh cảnh chiều hoang cuối chân trời, thú rừng chỉ là loài sóc, chim rừng gáy từng chập, điệp khúc nghe buồn nhưng không chán, ngẫu nhiên tôi lại nhớ cảnh vật trữ tình của Hữu Loan khi đồng cảm với nhà thơ một đời tôi ái mộ vì ông tài tình nắm bắt hình ảnh ‘tím cả chiều hoang biền biệt’ chỉ có nơi hoang dã này….Tưởng chỉ là chút ngẫu hứng ảo, trong phút lãng mạn hờ khi phát hiện một không gian thú vị, có ai ngờ mấy ngày sau ‘ốc đảo’ này lại là nơi chính tôi và bà Bình cùng ngồi tâm sự giáp mặt nhau.
Hôm nay theo lịch trình là ngày cuối tôi theo chân bà. Công tác thực sự đã hoàn tất sớm hơn một ngày. Nhưng bà vẫn nhận tôi ra. Vừa ra khỏi trại bà cho biết chút nữa ta sẽ đo lại mấy thửa ruộng quanh đồi A5, bà bảo tôi đi về hướng đó. A5 chẳng qua là khu ‘ốc đảo’ tôi đã quen, ngạc nhiên là sao cần đo lại. Quay lại nhìn bà sao hôm nay không mặc đồ ‘vàng’, tóc chắc vừa gội còn thơm mùi hương bưởi, đen nhánh, mượt, để xõa, đầu đội chiếc nón lá che làn tóc ướt, trang phục thì áo cánh vải thô, quần mỏng màu đen như vẫn thường mặc khi qua chỗ chúng tôi trước kia. Không mang túi cán bộ, mà đeo một túi sách màu xám đã cũ, không thấy sổ sách. Toàn thân dù không trang điểm vẫn toát ra vẻ tươi mát, hấp dẫn của một người đàn bà vừa tắm gội.
Đầu óc tôi lúc này sao cứ miên man suy đoán đủ chuyện, đôi lúc bà hỏi gì tôi không nghe rõ, nhưng như thầm đọc được ý nghĩ của nhau, bà biết tôi đang để ý bà. Cũng may không hẹn mà gặp, bộ đồ tù mới giặt hôm qua, lại mới tắm trộm ở bể nước của đội trong lúc chờ bà hồi chiều làm cho tôi có phần tươm tất và tự tin khi đi sát một người nữ nhờ hương bưởi tỏa ra từ mái tóc ướt làm át đi hơi hám u ám của người tù. Lúc này theo độ tuổi, bà đang khoảng ba mươi, tôi gần bốn chục, trai có vợ gái có chồng, hai số phận đồng hành nhưng khác lối, dù vậy trong mấy ngày kề cận cũng tìm được mẫu số chung trong cõi sâu thẳm của tình người.
Tới đồi A5, thay vì đo đạc, bà mỉm cười và nói ngay, ‘hôm nay cho anh Thao nghỉ lao động, việc của mình coi như xong, có chút bồi dưỡng cho anh, mấy thứ của nhà, nhớ ăn hết đừng mang vào trại.’ Trao cho tôi mấy quả chuối chín, một gói bọc lá chuối sau mới biết là xôi, bà chỉ cho tôi cứ lên đồi ngồi ăn thoải mái. Rồi để cho tôi tự nhiên, bà đi về hướng khác làm gì không rõ. Xôi và chuối nghe chừng như vật rẻ tiền nhưng trong cảnh tù lại là loại thực phẩm quí, nếu không được thăm nuôi chẳng bao giờ có.
Khoảng gần nửa giờ sau bà quay lại, tôi thấp thỏm tưởng là sắp theo bà về, trong lòng tuy buồn nhưng không lộ ra trên nét mặt. Trái với dự đoán, bà rủ tôi tản bộ gần đó xem một tổ chim bà vừa phát hiện. Bà chủ động nắm tay tôi vừa chỉ lên tổ chim trước mặt. Một thoáng hạnh phúc trong tôi như được ai nâng niu chiều chuộng. Tự nhiên mái tóc ướt và mùi hương bưởi tỏa ra từ thân thể bà như khơi dậy trong tôi niềm rạo rực khó tả khởi đi từ ký ức của tuổi dậy thì khi nhìn bà chị họ gội đầu bên cầu ao để lộ bộ ngực trần hớ hênh không ngờ thằng em ngó trộm. Mấy chục năm sau hình ảnh người nữ trước mặt lặp lại trong tôi như một âm bản.
Tôi đánh bạo bằng lời mào đầu với vẻ nghiêm túc, nhưng lại vụng về như một lời tỏ tình mang tính cải lương, ‘hôm nay trông bà đẹp quá, xin phép bà cho tôi một nụ hôn như một kỷ niệm những ngày được gần bà công tác’. Bà hơi đỏ mặt, ánh lên vẻ ngạc nhiên, không cho phép trực tiếp nhưng phát ra một tín hiệu phản hồi khó hiểu, ‘xin đừng gọi em bằng bà’. Tôi cứ hiểu theo ý tôi, đổi cách xưng hô và vòng tay ôm hôn người nữ.Tôi không nhớ khoảnh khắc kéo dài bao lâu, nhưng chỉ biết do sư cọ sát của thân thể làm tôi ngây ngất. Đang ở vị thế chủ động, chợt người nữ nới lỏng vòng tay, đẩy nhẹ tôi ra, thì thầm qua tai người nam, ‘thôi ta về đi anh’. Tôi làm theo vì biết mình đi xa giới hạn cho phép. Hai người trở lại ví trí ban đầu, lặng lẽ băng qua các bờ ruộng bậc thang ra khỏi bìa rừng.
Mấy tháng sau tôi ít có dịp gặp bà, một phần cũng vì cán bộ không đi qua lối cũ trước cổng trại, người ta đã mở con đường tắt để tránh thói chọc ghẹo của tù nhân khi xếp hàng chờ nhập trại. Cho đến một hôm gần sẩm tối, chú hình sự tự quản tìm tôi nhắn có cán bộ muốn gặp trên ‘khu văn hóa’. Chẳng hiểu chuyện gì tôi vội đi theo. Thì ra bà Bình đang bồng đứa con nhỏ đứng chờ tôi. Tôi hơi ngỡ ngàng, nhưng bà hỏi ngay, ‘anh Thao khỏe không?’ Thấy không có ai tôi buột miệng, ‘anh nhớ Bình quá’. Bà nghiêm sắc mặt nhưng giọng vẫn thân mật, ‘quên đi anh, nghĩ đẹp về nhau đủ rồi’; bà hạ giọng cho biết tôi sắp chuyển trại, nhớ đừng tiết lộ cho ai, bà chúc tôi giữ gìn sức khỏe và an ủi tôi ‘chắc chắn có ngày về’. Trước khi quay đi bà dúi vào túi tôi một bọc nhỏ gói giấy báo, sau mở ra là ít thuốc lào và mấy gam chè búp, niềm an ủi cuối ngày của những người tù biệt xứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét