Bùi Văn Nam Sơn
1. Tin Xuân đã có nhành mai đấy
Không lịch nhưng mà vẫn biết giêng…
Đó là hạnh phúc đơn sơ của người hàn sĩ vào thuở mà tin còn đồng nghĩa với… tín, vì trong cõi vô thường, ít ra người ta vẫn còn có thể vững tin vào những định luật hầu như hằng cửu của tự nhiên: “xuân sinh thu thành, bản vô tâm ư thảo mộc; phong hành ba động, tận hữu tín ư trùng ngư…”. Ngày nay, có lẽ không khó lắm để có một quyển lịch, nhưng nhành mai thì không chắc sẽ kịp báo tin Xuân vì bị ngập úng; gió mưa không chỉ lỗi hẹn với cá tôm mà còn đẩy chúng vào chết ngạt giữa lòng thành phố… Rồi còn bao nhiêu sông hồ, rừng núi đang và sẽ là nạn nhân của cơn mê cuồng tàn phá. Câu thơ Cung Oán tưởng đã vĩnh viễn lùi xa nay lại làm quặn lòng bao người đang được sống trong hòa bình: tang thương đến cả hoa kia cỏ này… “Nhân tai” lan tràn khắp chốn và nay đang trở thành thảm họa toàn cầu với cơn đại khủng hoảng kinh tế-tài chính mà chưa ai lường hết được quy mô và những hệ lụy của nó. Khủng hoảng lòng tin là câu chuyện trên cửa miệng mọi người ngay khi đang đón xuân bên tách trà và… nhành mai (nếu có!).
2. Lòng tin nói ở đây là sự chờ đợi rằng những người hay những tổ chức có liên quan sẽ hành động trong khuôn khổ những giá trị chung hay những quan niệm luân lý nào đó. Nói cách khác, lòng tin giả định rằng sự việc sẽ diễn ra một cách tích cực hay đúng theo sự chờ đợi. Đặc điểm quan trọng ở đây là sự có mặt của một khả năng hành động khác, và đó cũng là chỗ phân biệt giữa lòng tin và hy vọng. Lòng tin dựa trên sự đáng tin cậy, sự yên tâm và sự trung thực. Nó thể hiện ra trong hiện tại nhưng lại hướng đến những gì xảy ra trong tương lai.
Hàng ngày ta vẫn thường được khuyên: “hãy giữ vững lòng tin!” như lời mời gọi của một phẩm tính nhân loại đích thực. Thật thế, lòng tin há chẳng phải là cơ sở mạnh mẽ cho quan hệ tốt đẹp giữa người với người, dù lòng tin ấy đã bao lần bị chà đạp, bởi người khác lẫn… bởi chính ta? Giá trị nhân loại ấy trở thành một giá trị giả, khi lòng tin cậy bị đánh đồng với sự tin tưởng mù quáng. “Hãy tin cậy tôi!” trở thành “hãy tin tôi đi!”. “Tôi không còn tin cậy anh nữa!” trở thành “tôi không tin anh!”. Tinthay chỗ cho biết, không khác gì ta tin một người mà không hề biết họ. Chỉ khi ta biết họ thì mới đồng thời biết được chiều hướng hành động của họ có đáng để ta tin hay không. Người thầy tin vào trò vì biết về năng lực của trò. Tin mà không biết là giao việc một cách mù quáng và vô trách nhiệm. Để nhận ra tầm quan trọng của cái biết vốn bắt rễ sâu trong lòng tin, nhiều tác giả phương Tây cố lần ra từ nguyên của chữ trust trong tiếng Anh hay chữ Vertrauen trong tiếng Đức. Cả hai đều bắt nguồn từ chữ gothic “trauan” có nghĩa là “mạnh mẽ, chắc nịch như một cây cổ thụ”. Nghĩa bóng của nó là: đúng đắn, chân thật, đích thực và không có chút dính líu gì đến việc tin mù quáng cả! Mạnh mẽ, chắc nịch như cây cổ thụ là hình ảnh và biểu trưng đầy sức mạnh cho sinh lực bền vững, luôn sáng tạo và tiến hóa. Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong niềm tin tôn giáo, nơi cái biết tưởng như không mấy quan trọng vì người ta vẫn có thể “tin vì nó phi lý” hay “tin để biết” thì nhiều bậc giáo chủ vẫn lập tức bổ sung: “biết để tin” (Augustinus) hay mạnh mẽ hơn: “một khi ta đã xác tín vững chắc trong đức tin thì theo tôi, có vẻ chính sự buông thả đã khiến ta không nỗ lực tìm hiểu những gì ta tin” (Anselm).
Như thế, việc có được lòng tin đích thực (hay ngược lại, tạo được lòng tin đích thực nơi người khác) là gian nan hơn mới thoạt nhìn, vì lòng tin không phải là quà tặng dễ dãi mà phải “lao động” cật lực mới có được - giống như đối với mọi giá trị bền vững đích thực khác. Một khi lòng tin đích thực đã đạt được thì không dễ bị lạm dụng và lợi dụng, vì nó dựa vững chắc vào cái biết đích thực.
3. Nếu ở bình diện cá nhân, lòng tin cần nhiều đến sự hiểu biết thì ở bình diện xã hội, sự việc phức tạp hơn nhiều, vì ở đây quan hệ giữa người và người ngày càng ít dựa vào sự hiểu biết trực tiếp. Ngay từ đầu, lòng tin là một nguồn lực xã hội giúp cho hoạt động phối hợp giữa người với người có thể hình thành trong điều kiện hầu như hoàn toàn vô danh. Trong xã hội hiện đại, ta chịu tác động bởi những cái gọi là hệ thống trừu tượng, tức những cơ chế độc lập với đặc tính của những cá nhân. Chúng có giá trị như những hệ thống ký hiệu, và ta chỉ làm việc với những ký hiệu ấy. Chẳng hạn khi ta bỏ lá phiếu cho những cá nhân xa lạ, hay sẵn sàng giao dịch tài chính với những tổ chức mà ta không hề và cũng không cần quen biết. Môi trường giao dịch này là đáng tin cậy chỉ nhờ có lòng tin rằng nó được thừa nhận như là “ký hiệu” phổ biến mà cá nhân ta không tạo ra hay không tài nào thẩm tra được sự thừa nhận ấy. Một hệ thống trừu tượng khác chính là hệ thống của những chuyên gia khoa học được ta thường xuyên “vay mượn” thẩm quyền và kiến thức của họ. Các hệ thống ấy sở dĩ vận hành được là nhờ ta – tuy không biết hoặc biết rất ít thông tin – giả định rằng chúng là tử tế và tốt lành. Niklas Luhmann, một trong những ông tổ của lý thuyết hệ thống nhận ra ở đây một phép “biện chứng” của lòng tin: lòng tin là “cơ chế để giảm thiểu tính phức tạp của xã hội”, thậm chí là một sự “mạo hiểm được… tạm ứng” từ phía người dân không đủ thông tin và thì giờ. Mặt khác, nếu việc mất lòng tin được hiểu thông thường như là trái nghĩa với lòng tin, thì, cũng từ giác độ xã hội học, nó có sự “tương đương về chức năng” như lòng tin, vì nó cũng giúp giảm thiểu tính phức tạp để người phó thường dân có thể tỏ thái độ tức thời dựa vào sự mẫn cảm và lương tri lành mạnh của mình. Sự có mặt đồng thời của lòng tin và mất lòng tin không phải là một mâu thuẫn mà phụ thuộc vào hoàn cảnh xã hội hiện đại mang đặc tính phức tạp.
Cả hai tương đương về chức năng, nhưng tất nhiên không phải là một! Ngày nay người ta thường nói về bốn loại vốn liếng ảnh hưởng quyết định đến cấu trúc xã hội: vốn kinh tế, vốn văn hóa, vốn xã hội và vốn biểu trưng (mang lại sự thừa nhận và uy tín, danh giá), trong đó vốn xã hội ngày càng có vị trí quan trọng. Khác với vốn con người chỉ liên quan đến con người tự nhiên, vốn xã hội nói đến các mối quan hệ giữa họ với nhau, và trở thành đặc điểm chủ yếu của đời sống cộng đồng. Vốn xã hội hình thành từ sự sẵn sàng hợp tác giữa những tác nhân, tức giữa những người công dân với nhau. Nhưng, thước đo và cơ sở của vốn xã hội lại là lòng tin xã hội. Chỉ trong không khí tin cậy, ta mới sẵn lòng tin vào người khác, nhất là vào người xa lạ, mà không cần chờ đợi hay đòi hỏi sự “đền đáp” tức thời, vì ta tin rằng nhất định có những người xa lạ khác sẽ đền đáp cho ta. Vì thế, có nhiều hoặc có ít vốn xã hội (và lòng tin xã hội) sẽ giảm thiểu hoặc gia tăng phí tổn xã hội về nhiều phương diện và sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sự ổn định và tăng trưởng kinh tế. Nguy hiểm hơn, việc mất lòng tin xã hội sớm muộn sẽ làm suy giảm tiềm lực đáp ứng yêu cầu của cả hệ thống: “do thiếu lòng tin, nhiều yêu cầu vốn chỉ có thể được thỏa mãn ở dài hạn sẽ đòi hỏi phải được đáp ứng cùng một lúc và trong thời gian ngắn, điều ấy sẽ phá vỡ các khả năng đáp ứng của toàn hệ thống. Dường như chúng ta đang ở đúng vào thời điểm nguy kịch này” (Luhmann).
Như thế, bao lâu người ta còn dành lòng tin cho các định chế, chúng mới có thể xác lập được sự đáng tin cậy trong hành động. Tự bản thân các định chế là không đủ để mang lại lòng tin cũng như để xây dựng các hình thức giao tiếp dân chủ, đoàn kết. Ở các nước đang chuyển đổi (chẳng hạn các nước Đông Âu cũ), việc thiết lập các định chế mới mẻ chỉ là bước đầu, dù là quan trọng. Điều tương tự cũng đã diễn ra: 20 năm sau ngày thiết lập các định chế dân chủ ở nước Đức hậu-phát xít, triết gia Karl Jaspers vẫn chưa thấy thể chế ấy đã được cắm sâu vào “lòng” nhân dân. Ông viết: “Trong thực tế, ta vẫn chưa có được mục tiêu chính trị được cắm sâu vào lòng dân, chưa có được cái ý thức tự đứng vững trên đôi chân của mình… Nhân dân nước ta không có tinh thần dân chủ. Ta có một hình thức chính thể đại nghị gọi là dân chủ, nhưng lại được thiết kế để làm vẩn đục hơn là khích lệ ý thức dân chủ” (Cộng hòa liên bang đi về đâu? 1966, tr. 177-178). Các kinh nghiệm lịch sử ấy cho thấy sự cần thiết phải nêu bật những điều kiện để biến sự thừa nhận những định chế một cách đơn thuần hình thức thành một sự thừa nhận đích thực và thành thực. Sự ổn định của một chế độ xã hội vẫn chưa được bảo đảm bao lâu người ta chưa thể đoán chắc rằng nó sẽ được nhân dân bảo bọc và bảo vệ khi lâm vào những thời kỳ khủng hoảng hoặc bị suy yếu về năng lực chế tài (do tham nhũng, thối nát, bất lực v.v…).
Lòng tin không thể mua mà có, không thể ra lệnh mà được, không thể học hay dạy mà cần thời gian để thử thách ở cả hai chiều: tin có nghĩa là tin nhau. Lòng tin không thể mua bán nhưng lại cần phải được “đầu tư” lâu dài, giống như không ai có thể tiếp tục rút tiền khỏi tài khoản để tiêu xài thoải mái mà không chịu khó thường xuyên đóng tiền vào. Có vẻ lạ thường, nhưng như đã nói trên, lòng tin gắn liền với một loạt những nghịch lý nan giải. Chúng ta vẫn phải hành động đôi khi mù quáng khi không có lựa chọn nào khác. Trong khi đó, lòng tin lại đòi hỏi một sự “dấn thân” nào đó, hay, nói khác đi, người có lòng tin bao giờ cũng hành động một cách tự nguyện dù không thể “biết” chắc về điều mình làm. Khi lòng tin bị tổn thương, ta nghĩ đến việc đi tìm những lựa chọn khác, và chính điều đó cho thấy trong lòng tin bao giờ cũng đã bao hàm một chút gì đó ngây thơ, thiếu suy xét như một yếu tố cấu thành. Đối với không ít người, đó là một giá quá đắt và vì thế, họ muốn giảm hơn là tăng thêm lòng tin! Nhưng mặt khác, ta cũng không nên đánh giá thấp những nguy hiểm nảy sinh khi muốn thay thế hoàn toàn lòng tin bằng sự kiểm soát (“tin tưởng là tốt, kiểm soát thì tốt hơn!”). Sự mất tự do sẽ là hệ quả sâu xa và nặng nề hơn người ta tưởng.
4. Trẻ em đặt trọn lòng tin vào người lớn cho tới khi chúng… thất vọng. Đó là cái giá khá đau đớn phải trả cho sự trưởng thành, tức cho sự thức tỉnh và mất ảo tưởng. Nhưng, nếu được hưởng một nền giáo dục tốt, vết thương ấy sẽ được chữa lành, thậm chí không để lại sẹo, mà còn thăng hoa thành tinh thần hoài nghi khoa học. Tinh thần ấy không làm thui chột lòng tin, trái lại, khi đã đủ mạnh, nó giúp giữ vững lòng tin vào những gì xứng đáng để tin.
Điều này có lẽ cũng đúng đối với cả một cộng đồng rộng lớn khi cộng đồng ấy không để mình ngã quỵ trước sự mất lòng tin nhờ biết dựa vào sức mạnh phòng vệ của một xã hội dân sự phát triển. Ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của thi hào Goethe:“Phải tự tin mới có thể tin vào người khác!”. “Tự tin” càng cần thiết trong thời buổi khủng hoảng, trong “kỷ nguyên của sự ngờ vực” ngày nay
.