Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Tư duy tích cực và chiều sâu con tim



 Trần Đình Hoành

Nếu các bạn đã nghiên cứu và thực hành tư duy tích cực lâu năm, các bạn đều nhận ra một điều là tư duy tích cực có nhiều cấp độ, mỗi cấp độ có hiệu lực trên một loại tình huống nào đó trong đời sống. Nếu ta tích cực đang chỉ ở cấp 3, mà tình huống ta đang đối diện có mức khó khăn cấp 7, thì khả năng tích cực của ta cũng không đủ để giúp ta thật sự.

Kinh nghiệm cho thấy càng muốn đi sâu vào tư duy tích cực ta càng phải bước sâu vào quả tim của mình. Cấp đầu của tất cả các khóa học về tư duy tích cực luôn luôn nằm ở mức nửa ly nước. Cấp hai là biết mình và yêu mình. Cấp ba là yêu người và yêu thế giới. Cấp tư trở lên là tìm kiếm những giá trị sâu thẳm trong con tim của mình, những gì cho mình tình yêu, an lạc và sức mạnh tinh thần nhiều nhất. Đại khái là theo cấp bậc sau: gia đình, quê hương, đồng bào và tổ quốc, thế giới con người, Đại Thể Tuyệt Đối (the One, the Ultimate, the Beginning and the End, the Heart, God). Tùy theo mình muốn đi sâu đến đâu, sức mạnh tinh thần của mình tăng theo đến đó. Con đường này dài đủ để cho tất cả mọi người đều có thể đi cùng đường, dù rằng cấp độ có thể khác nhau.

Có vài điều chúng ta cần quan tâm ở đây là:

1. Người cấp một thì chưa biết cấp ba. Cho nên khi các bạn nghe một điều mà không thấu triệt, thì khoan gạt ra đã. Có thể năm tới bạn sẽ nghiệm ra, hoặc có thể là bạn sẽ cần 20 năm sống nữa để hiểu ra. Khiêm tốn một tí thì thu thập tốt hơn. Mình đọc Bát Nhã Tâm Kinh và vô chấp lúc học triết ở Đại Học Văn Khoa năm 18 tuổi. Ba mươi năm sau, mình hiểu được Bát Nhã Tâm Kinh và vô chấp. Và những điều “ngớ ngẩn” Chúa Giê Su nói (như là “yêu kẻ thù”) cũng tốn mình khoảng 30 năm suy nghĩ và sống.

2. Nếu bạn không quan tâm đến quả tim của bạn, thì bạn sẽ luôn luôn dừng ở cấp một, cấp hai, không tiến lên được.

3. Càng vào sâu trong quả tim, càng khó diễn đạt. Nói một, nhiều khi người nghe hiểu lầm hai ba. Cho nên các quí vị đắc đạo rất ít nói. Gặp nhau thì hầu như chẳng nói gì bao giờ. (Nói nhiều như mình, ngày nào cũng viết bài, là chưa đắc đạo. Nhưng không viết thì không chia sẻ với các bạn được, nhất là các bạn trẻ hơn mình, mà mình rất quan tâm). Vì vậy, vào các vấn đề chiều sâu của con tim, các bạn đọc, nhưng nên tự quán sát con tim của mình kỹ càng để thực hành hàng ngày thì mới trực nghiệm được các vấn đề. Đừng quá bị ảnh hưởng bởi ngôn từ ta đọc, vì chấp vào ngôn từ là ta sẽ lạc.

4. Khi nói đến chiều sâu thẳm nhất của con tim, bắt buộc ta phải rớ đến các khái niệm nghe rất tôn giáo, hay các vị thầy được xem là giáo chủ các tôn giáo. Nhưng chiều sâu con tim không phải là tôn giáo. Tôn giáo là đình, chùa, thờ, miếu, chức sắc, hàng ngũ, tiền bạc, quyền lực, luật lệ hành chánh, và đôi khi là tranh chấp quyền lực và chính trị. Nói chung đó là những tổ chức con người không khác các đại công ty mấy. Các việc đó không phải là việc chúng ta quan tâm ở đây. Chúng ta chỉ quan tâm đến thành quả nghiên cứu chiều sâu con tim của các vị thầy của các tôn giáo đã gặt hái trong mấy ngàn năm để sử dụng những gì ta đồng y’‎ và thấy thích hợp với mình. Nếu nhìn quanh thế giới, thì ta thấy kho dữ liệu lớn nhất về nghiên cứu sức mạnh tinh thần là các tôn giáo. Bên ngoài đó, thì chỉ có khoa tâm l‎y’ học, nhưng khoa này cũng chỉ mới thực sự thành hình được chừng 100 năm nay, và cho đến lúc này thì vẫn mới chỉ sờ đến lớp da ngoài của tâm trí con người.

5. Dù sao đi nữa thì mình tin rằng, ở bất kỳ mức độ thấp cao nào, tất cả chúng ta đều có thể cảm nhận được một điều rất căn bản: Muốn hiền dịu vui tuơi với đời, nhưng mạnh mẽ, nghĩa là không bao giờ gãy, ta phải đứng vững trên một vài qui luật đã có từ nghìn, hay có thể là triệu, năm nay để giúp chúng ta vững mạnh.

Tạm gọi là “nhân lễ nghĩa trí tín.”

Nếu mình nhớ không lầm, Phan Bội Châu trong quyển Khổng Học Đăng có nói chữ “nhân” bao gồm tất cả các chữ khác. Và năm chữ “ngũ thường” này đi theo thứ tự quan trọng của nó: Nhân lễ nghĩa trí tín. Mất Nhân thì phải dùng Lễ. Mất Lễ thì phải dùng Nghĩa. Mất Nghĩa thì phải dùng Trí. Mất Trí thì phải dùng Tín.

Theo mình thấy trong mấy mươi năm nay, ở nước ta, và ở cả nhiều nơi trên thế giới, có một luồng văn hóa tích cực dạy người ta không thành thật, tức là sống mà bỏ chữ tín, bỏ cái thành thật đi, sống theo kiểu giành giật lươn lẹo, và cho đó là thức thời.

Chính sức mạnh dữ dội của luồng văn hóa đó đã gây ra bao nhiêu dối trá trộm cắp trong xã hội. Chúng ta phải đứng vững, vận động gạt luồng văn hóa đó ra ngoài, trước hết là trong tim mình, sau đó là thuyết phục những người chung quanh.

Chữ Tín là thành trì cuối cùng, chữ cuối cùng, trong đạo làm người; mất chữ này là ta đã mất hết cả năm chữ của đạo làm người.

Đây là vấn đề lớn cho đất nước và cho cả guồng máy giáo dục (vì thế, ta có chiến dịch nói “Không” với tiêu cực trong giáo dục). Chúng ta phải vững tâm để xua luồng văn hóa dối trá đi xa. Nếu không thì rất khó phát triển đất nước. Chỉ trong một ngôi trường nhỏ, thiếu chữ tín là bao nhiêu xào xáo đã xảy ra rồi, huống chi là cả một nước.

Đề cập đến các vấn đề lớn lao của đất nước đôi khi nghe rất nặng nề, vì ai trong chúng ta cũng cảm thấy nó quá lớn đối với mỗi cá nhân ta. Có lẽ các bạn cũng hiểu mình một tí rồi. Chính mình cũng chỉ thích chơi đùa, thi ca và âm nhạc hơn là mấy chuyện nặng nề. Nhưng nước nhà sừng sững trước mắt không thể bỏ qua.

Hơn nữa, nói thì nghe lớn, nhưng vẫn là chuyện nhỏ. Chỉ cần mỗi người chúng ta cố nắm chữ cuối cùng trong mỗi ngày của cuộc sống—chữ Tín.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét