Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Bông hồng ứa máu






 Nguyễn Hồng Nhung






Có lẽ những người bạn thật sự, hiểu nhau bằng linh cảm.

Ba tháng trời tôi không hề viết cho ngài một chữ, tỏ ra một dấu hiệu mình tồn tại trên đời, cũng không.

Ngay sau buổi chiều duy nhất đến nhà ngài, tôi lặn một hơi, như thể cưỡi lên lưng một con cá voi khổng lồ vô hình, bơi ra biển.

Ngài gửi cho tôi một lá thư có vài chữ rụt rè, không đầu không đuôi, muốn hiểu thế nào cũng được. Sau này tôi mới biết, đấy là một trong những đặc điểm của các đạo sĩ, không bao giờ viết dài, không bộc lộ một chút xúc cảm nào, lá thư ngắn gọn đến nỗi, làm người đọc ngơ ngẩn vì cảm giác, mình bị ruồng bỏ…

Lúc đó tôi mặc kệ, vì quá nhiều việc xảy ra với mình. Nhưng một đặc điểm nữa của các đạo sĩ, là không kệ họ được, kiểu gì rốt cuộc vẫn phải quay lại đàm thoại với họ, một phần vì họ tiếp tục tồn tại trong tiềm thức của mình, dù muốn hay không, mặt khác, nếu một kẻ đã biến thành phù thủy như tôi, kiểu gì cũng phải liên hệ với các đạo sĩ.

Tôi không hề hay, mình đã tiến hóa thêm một bước trên thế gian, khi trở thành phù thủy. Một người bạn, đi theo một szektár nào đó, trước khi chúng tôi nói lời chia tay không hẹn gặp lại, đã thẳng thừng bảo tôi đúng là một phù thủy - vì không giống cô, và những người sống cạnh, và có nhiều đặc điểm giống phù thủy.


Nếu thích đơn độc, không tham dự vào đám đông và có một niềm vui duy nhất là sách vở, được gọi là phù thủy, có thể cũng có lý. Nhất là khi trong đống sách vở đó, rất nhiều sách viết về cây cối, các loài hoa, các cây thuốc, về lịch sử các tôn giáo, về nguồn gốc các loại bói toán, về những thói quen di chuyển của chim, hay về : những loài cá có đặc điểm gì dưới đại dương, hoặc tại sao có các ngày lễ cổ xưa ghi trên lịch.


Vì ưa thích đọc mọi loại sách, tôi thấy mình khá nhiều lúc lơ lửng trên chín tầng mây, suy nghĩ toàn những điều kỳ dị. May tôi chỉ nghĩ, chứ không nói ra, nên nhìn tôi bên ngoài, người ta chỉ thấy tôi là một phụ nữ ít lời, lẳng lặng, có vẻ trầm ngâm dưới cặp kính, nhưng thực ra tuyệt đối không thờ ơ, thậm chí, rất ân cần nếu có người hỏi tới.

Nhưng nếu ai hỏi, tôi đang nghĩ gì, chắc câu trả lời của tôi, sẽ làm người khác lùi ra sau chút ít vì… lo lắng.

Chẳng hạn: tôi đang nghĩ, trên quả đất này, nối các dòng sông lại với nhau, để thành một dòng duy nhất chảy ra biển, sẽ thấy những bến sông chạy dài, mỗi bến là một cảnh tượng khác hẳn nhau: chỗ này đám phụ nữ đang giặt, đập những cái chiếu và quần áo bôm bốp xuống mặt nước, nước bắn tóe lên trắng muốt, long lanh dưới ánh mặt trời. Chỗ kia người ta đang chuẩn bị thiêu một cái xác được buộc chặt vào một cái bè, mùi hương trầm thơm nghi ngút và tiếng khóc rỉ rả như dế nổi lên xung quanh. Lại chỗ này nữa, người ta quẩy những thùng tôn, thùng gỗ xuống bến, lấy nước về ăn, về nấu… nghĩa là chẳng có gì xa lạ, và khó khăn, ai cũng có thể nhìn thấy người khác đang làm gì trên dòng sông ấy.

Bức tranh sinh hoạt trên trái đất hiện ra trước mắt tôi bằng phẳng, như trên một miếng đất cực kỳ rộng, nhiều hoạt động cùng xảy ra một lúc, chỉ ở những địa điểm khác nhau. Dòng sông duy nhất với những bến sông khác nhau trên trái đất, là một ví dụ minh họa cho cách nghĩ, chẳng cái gì đứng một mình riêng rẽ, của tôi.

Tôi nhìn thấy quả đất này là một quả trứng, toàn bộ những gì đang có bên trong đều nối liền, dựa dẫm vào nhau, nếu chắp dài nó thành một đường thẳng, nhưng không thể nhét vào quả trứng ấy được, nên phải cắt vụn, đặt cạnh nhau.

Còn con người trong đó, giống như lũ kiến, hồi bé khi tôi và lũ em đặt một cục gạch nhấp nhô vào trong chậu nước, rồi bắt cơ man nào là kiến, thả lên, lũ kiến chạy lăng xăng, nhòm ngó quanh quẩn nhưng không dám thò chân xuống nước. Mấy chị em nằm, bò, ngồi, ngổn ngang quanh chậu, say mê nghĩ cách tiêu khiển với lũ tù binh bị giam cầm: thả một chiếc lá làm thuyền, đặt dăm ba chú kiến lên, thả một cánh hoa sen, trên đặt một hạt gạo, đây là nơi dành cho những nàng công chúa kiến, hoặc lấy thêm một cục gạch nhỏ khác đặt vào chậu, lấy đũa cả làm cây cầu nối hai bên tù ngục, để lũ kiến cuống quýt di chuyển từ bên này sang bên kia, khiến cả người lẫn kiến đều không biết chán.

Con người, nếu bằng con mắt nhìn xuống trần gian của thượng đế, có khác gì lũ kiến bị quy định này đâu? May mắn, họ sẽ là lũ kiến ở nơi có một cây cầu, đi lại dễ dàng, còn không, sẽ bị chôn chân suốt đời, ở một chốn trơ trụi nào đó.

Thượng đế là ai ư? Là tất cả những gì vô hình mà ta sẵn lòng tin: những câu chuyện cổ tích, những chuyện ma quỷ, những thần thoại về các vị thần, những truyền thuyết về thiên nhiên, về con người. Nếu không tin vào những điều này, làm sao có khái niệm về phù thủy, cũng như, làm sao tin nổi con người đã hành hạ giới phù thủy như thế nào, khi họ chỉ có mỗi một tội là hiểu biết hơn loài người?


Tôi trở về thành phố quê hương của mình, vào một chiều thu. Mang trong vali một mụ phù thủy bằng vải đen, đầu chít khăn nâu, cưỡi chổi. Từ bé, tôi đã không thích búp bê, chỉ thích phù thủy. Khi lớn lên, có điều kiện hơn, tôi bắt đầu tích lũy phù thủy các loại, treo đầy nhà. Và đi đâu cũng mang theo một mụ phù thủy, như bạn đường.

Căn nhà trong thành phố của tôi đặc biệt yên tĩnh. Dân cư khu này phần lớn từ quê lên, nên họ bố trí nhà cửa giống hệt dưới quê, mặc dù đây là một khu nhà tập thể bốn tầng, chỉ xây trong thành phố. Các hộ ở tầng đất chiếm lấy một mảnh không gian, rào dậu lại, biến nó thành một mảnh vườn hoặc mảnh sân, tùy hứng chủ nhà.

Căn hộ của tôi trên gác, được hưởng ân huệ phần ngọn, hai cây cau trồng giữa sân tầng đất, cứ bình minh, mặt trời lên, những tàu hoa cau trắng nõn mịn màng tỏa ngào ngạt, hương thơm chui vào tận gối. Đúng năm giờ sáng, chú gà trống gầy đét dưới sân sẽ nhảy lên một cái gì đấy -mà tôi chưa kịp khám phá- cất tiếng gáy rộn rã tưng bừng đến nỗi, trong giấc mơ bực bội, tôi chỉ ước giá cho ngay nó vào nồi.

Thành phố này là nơi tôi sống từ khi còn bé, và xa nó, đi rất xa, rất lâu, khi lớn lên. Nhưng lúc nào tôi cũng ngong ngóng quay về gặp lại. Thành phố này như một góc vạt áo của thượng đế dễ tính, cho phép tôi gói gắm, mang theo tất cả những gì tôi yêu mến, quen thuộc từ thuở thơ ấu. Để khi về, tôi chỉ việc lần lượt đi gặp lại những ngóc ngách thân yêu ấy, như thể ra đi chỉ để tích góp nhớ thương, và quay về, chỉ để rải thương nhớ. Hình như đấy là mục đích duy nhất của những chuyến ra đi?

Những con phố, tôi thuộc làu làu từng xó xỉnh, chưa bao giờ thấy xa lạ, cho dù người ta xây, sửa, thêm vào, bớt đi, những chi tiết không gian. Có lẽ cái hồn của phố đã lộ ra trước mắt tôi, ngay khi tôicòn nhỏ, lúc mải miết kiếm tìm, khám phá cả tuổi thơ lẫn môi trường sống quanh mình. Mọi ý đồ cải tạo của con người chỉ đọng lại trên bề mặt của phố, còn những gì thật sự chứa trong hồn của nó, chỉ tìm được, bằng toàn bộ sự chăm chú, và nhẫn nại, như thể phải vạch từng cái lá, mới nhìn thấy những đường gân mảnh dẻ của cành.

Chẳng ai có đủ thời gian và sự kiên nhẫn để tìm lại linh hồn của thành phố. Trừ giới phù thủy và các đạo sĩ, những người vì đọc quá nhiều sách, suy ngẫm quá lâu trong những đêm mất ngủ, đã luyện cho mình sự kiên nhẫn tuyệt đỉnh, đạt tới mức phẳng lặng trong suy tưởng, không náo nức, bồn chồn trước bất kỳ sự việc gì. Dường như không cần tìm, họ vẫn nhìn thấy linh hồn của thành phố, xưa và nay, bằng linh cảm tri thức chắt lọc từ kiến thức.

Một buổi, từ nhà ngài, một đạo sĩ làm nghề họa sĩ ra về, tôi sửng sốt nhận ra sự khác biệt của cư dân tôi gặp trong thành phố. Từ những đôi mắt của họ.

Rất nhiều đôi mắt trống rỗng, không nói lên bất cứ khát vọng cũng như cảm xúc nào thuộc về con người. Những đám người mang cặp mắt kiểu này khá đông, họ vội vã tiêu khiển kiếp sống ngắn ngủi của họ, như của một loài phù du cây cỏ, bằng cách tiêu thụ những đống hàng hóa chất trong thành phố, loại hàng hóa cũng vội vã được chế biến, không mùi vị, không trọng lượng, và cũng chẳng có tên gọi.

Mắt một đám cư dân khác, lại chất chứa quá nhiều cảm xúc khác nhau, khiến người ta muốn hay không, cũng phải buộc lòng quan sát.

Có một loại cảm xúc như kẻ bị giật mình, che dấu dưới vẻ bâng quơ, xa vắng. Những người này, mang dáng dấp của những kẻ lơ đễnh, thể xác làm việc này, ở đây, nhưng linh hồn và cảm xúc đi tận đâu đâu mất. Có thể lúc đầu, đấy chỉ là một bản năng tự vệ, chống lại sự vô nghĩa của công việc họ đang làm, sau dần dần trở thành thói quen. Tuy đôi lúc, ánh mắt họ mơ màng, khi họ bất thần quên hiện tại của mình, như trong cơn vô thức, dò dẫm quay lại tìm điểm xuất phát của cuộc đời là tuổi thơ.

Công việc của họ, giống như một hư cấu vô duyên của trí tưởng tượng lười biếng. Họ bận bịu với việc chăm sóc những thần tượng.

Thần linh thường vô hình - bệ phóng cho các dạng khẩn cầu thành tâm của con người - nhưng, quả là điều lạ: giữa thành phố dựng lên một ngôi đền thật hùng vĩ, bên trong sừng sững bức tượng to gấp trăm nghìn lần người thật, một nguyên mẫu con người, được phong thánh và trở thành thần linh ngay ở thời hiện tại, không cần sự kiểm chứng lâu đời cần thiết của lịch sử.

Những thần linh hiện tại chưa kịp tạo ra truyền thuyết, truyền thuyết cần thời gian, để xóa đi những thực dụng ru ngủ, để phớt lớp mù sương lên những bài học đạo đức trắng trợn, để dân gian tha thứ, cho phép chỉ lưu lại những gì được gọi là tinh hoa trong lòng người.

Những kẻ canh ngôi đền này, đều mang dáng vẻ băn khoăn. Như thể biết mình có một nhu cầu cụ thể nào đấy, biết chắc mười mươi, nhưng vẫn không dám tin và khẳng định, đúng là mình đang có nhu cầu ấy. Và vì thế cứ băn khoăn, khiến các nhu cầu của họ trở thành lập lờ, không hiểu cái nào là thực, cái nào là giả.

Một cái gì đó nhắc họ, nên về nhà ngủ thì tốt hơn, là ngày ngày chăm bẵm một ngôi đền giá lạnh, đọc những bài hịch rời rạc, chắp vụng về những chữ cái khiên cưỡng, mang những nội dung ngơ ngẩn không thể hiểu được, cho đám dân thành phố, cũng không hiểu vì sao vẫn thích đến nơi đây -có thể chỉ vì nhu cầu đám đông tụ họp, có thể vì trí tò mò muôn thuở của loài người- ngay cả với những điều họ đã biết từ đời tám hoánh.

Khi đã rời thành phố đi xa, tôi thỉnh thoảng đọc trên trời, đôi dòng chữ nói về những hoạt động trong ngôi đền ấy: vị thánh giá lạnh trên tượng đài, cần truyền tải những sợ hãi tương lai, của những kẻ chăm bẵm ngôi đền cho dân chúng - một đám đông khổng lồ tươi vui, cung kính, bước vào đền, vái lạy với vẻ ngoan ngoãn phục tùng, nhưng vừa ra khỏi cửa, đám đông ấy cười phá lên và mải miết chạy theo những thú vui, mà họ vừa chợt nghĩ ra, trong nhịp điệu sống ngày thường của họ.

Lại có một đám cư dân kỳ lạ khác, mang những cặp mắt rất buồn, như những chú hươu con bị bắt, bị giam trong cũi, đăm chiêu ngóng đôi mắt buồn đau đớn, nhớ về cánh rừng vĩnh viễn xa, trong một chiều hoang vu không đề phòng. Đám người buồn phiền này đi lại, làm việc, sống trong thành phố, vật vờ như những bóng ma lặng lẽ, mệt nhoài vì đau đớn kiệt sức, vì giữ im lặng không phiền lụy người khác, tuy đôi khi họ rất vui vẻ và hài hước, họ giống những tia nắng cuối cùng chập chờn, mờ ảo chiếu lên tường, lấp lánh rực rỡ tựa bụi vàng, trước khi vụt tắt ngấm. Họ khiến khách thập phương rảo bước ngang qua tò mò nhìn theo, suy ngẫm, ngắm những đôi mắt buồn thẳm và tự hỏi: tại sao đớn đau không làm người ta chết?

Đám người này trái ngược hẳn với một lớp cư dân hớn hở khác, tôi thường gặp ở những nơi sang trọng. Đám hớn hở này ăn mặc cầu kỳ, với những thời trang quái gở, khiến đẳng cấp hoặc xuất xứ của họ luôn bị nhầm lẫn. Đám người hớn hở này hệt như những đám rêu nhợt nhòa lan rộng, lúc đầu ẩm ướt, xanh rì ven hồ nuớc, quanh ngôi đình, sau đột nhiên- như có phép lạ- trân trọng rơi vào những tủ cá quảng cáo đắt tiền nhất, làm nền cho đám cá vàng vui tươi, bơi lội tung tăng dưới ánh đèn neon.

Có những chiều thu muộn, sương mù đột ngột phủ vây thành phố, từ tầng thượng một siêu thị cao cấp, nhìn ra cái hồ đẹp nhất trung tâm, ngắm nườm nượp xe, người vô tận nối nhau đi, bỗng phát hiện : những gì nhìn, nghe, chứng kiến, trong cuộc sống ta đang tham dự, giống như một vở chèo thiếu diễn viên, bởi vậy, tùy theo cảnh đóng, một diễn viên lúc vào vai người, chút nữa vào vai ma, hoặc biến thành vua chúa. Một thứ vở diễn không cần chuẩn, thôi dùng lối cách điệu bắt buộc của nghệ thuật, không thèm yêu mến trí tưởng tượng của sáng tạo bản năng, mà hoàn toàn phụ thuộc vào ông trùm gánh hát đã quá già lẩm cẩm, nhưng không chịu nằm nghỉ, mà vẫn tiếp tục đòi ăn, hút, uống, và bắt diễn những cái tích ấu trĩ ông ta thuộc lòng.

Đấy là lúc người ta chiêm nghiệm cuộc sống hiện tại bằng con mắt đạo sĩ - những người đã thôi ngạc nhiên từ lâu, đã dẹp bỏ nỗi bất bình, sự đau khổ, cũng như những nỗi quằn quại vô hướng. Các đạo sĩ đọc sách và suy ngẫm, mày mò tìm kiếm trong đêm đen, của nỗi nhàm chán u mê hàng ngày một cái gì đấy, một tia sáng mảnh, sắc như nước, có thể cắt, nghiền, xuyên qua mọi vật, vì họ nhìn đâu trong thành phố, cũng thấy những cái nút vô hình chặn đứng, hoặc làm chậm lại các dòng chảy.

Những đạo sĩ này ở rải rác trong thành phố, đôi khi tụ tập thành một nhóm nhỏ, nhưng đại đa số cô đơn trong những góc làm việc miệt mài không ai buồn để ý. Họ vẽ tranh, viết văn, làm sách, soạn nhạc, dạy học, thậm chí ban ngày họ có mặt trong mọi lĩnh vực hoạt động của cuộc sống, kể cả lao động chân tay, chỉ đêm đêm, hoặc chỉ đôi khi, họ khoác lên mình tấm áo đạo sĩ. Họ nhận biết linh hồn của thành phố, của cuộc sống và những con người đô thị, họ tỉnh táo nên bình thản, biết trước cái gì sẽ xảy ra, âm thầm, họ giúp đời bằng cách chặn bớt những tai họa hiện tại, để sự chịu đựng của dân đô thị ít đi.

Những điều giúp đời, thể hiện trong tác phẩm của họ, có thể bằng chữ, bằng ký hiệu, bằng đường nét, bằng màu sắc, chứa đựng những nội dung dai dẳng bền bỉ nào đó của những di sản xa xưa, bản thân những tác phẩm này như có phép thuật: lần đầu tiên ngó vào, đọc, xem, ta không hiểu, nhưng đột nhiên một ngày, mở ra xem lại, ta hiểu hết.

Giống như cây phải đủ độ ẩm của đất, của nước, của ánh nắng, mới nảy mầm, đâm chồi, ra hoa, kết quả. Lớp đạo sĩ này như thể sa xuống từ bầu trời, đầy các vì sao, trong một đêm, thành phố thoắt bỗng nhiên lặng lẽ. Hoặc họ tách ra từ các tia nắng sớm, chạm vào đồ vật, biến thành người, tỏa ra mọi ngõ hẻm, chẳng ai quan tâm. Từ bất kỳ góc nào của cuộc sống trong thành phố, cũng có những cặp mắt đạo sĩ rõi theo, chiêm nghiệm, ngắm nghía, suy tưởng. Họ nhận ra những cá nhân, những linh hồn vất vưởng trong cô đơn, trong lẻ loi tìm kiếm, trong miệt mài suy nghĩ, và họ tìm đến, để giúp đỡ, hoặc kết bạn.

Bởi vì nơi nào có con người xuất hiện, nơi đấy cần những điều kiện giúp họ tiến hóa, chỉ tiến hóa, nghĩa là thay đổi, con người mới không bị tiêu diệt. Các đạo sĩ -với tri thức mang theo từ di sản xa xưa- đến ở lẫn với loài người và giúp đỡ họ, vì thế.

Tôi đã quen, kết bạn và trở thành bạn bè thân thiết với nhiều đạo sĩ trong những ngày tìm kiếm.

Một hôm tôi đi lang thang, tìm lại những hoài ức tuổi trẻ bông lung trong thành phố. Mỗi kỷ niệm tuổi trẻ của tôi, đều hoặc bị gãy một góc, hoặc bị bao phủ bởi màn sương vô hình, hoặc bởi góc nhớ dành cho nó trong não nhất định không chịu hoạt động. Tìm được một địa điểm gợi quang cảnh thanh bình một thời, tôi chỉ thấy mình trơ trọi, vì các nhân vật cùng tham dự hoặc đã chết, hoặc trôi về nơi đâu, tôi không biết nữa.

Bởi thế, có phải đôi khi, ta có cảm giác, đời mình là những mẩu phim cắt vụn, khó chắp đúng vào với nhau, vì để riêng từng mẩu, đều độc lập và có thể bắt đầu ngay từ lúc ấy. Bởi vì, ngay cuộc sống hiện tại của chúng ta, mặt cắt ngang của một mẩu đời sống vũ trụ, cũng chỉ là những nốt sáng độc lập, sát cạnh nhau, lấp lánh những mảng màu riêng biệt. Đấy có phải vì cuộc sống hiện tại của ta hôm nay đây, đang chứa đựng những tiềm năng đổi thay bí ẩn, mà nỗi sốt ruột của con mắt thường hữu hạn, không nhìn thấy cả một quá trình đang tự chuyển ?

Tôi hay lang thang đi bộ trên hè phố quen xưa, vừa ngắm nghía những dãy nhà quen thuộc, vừa hòa cùng hơi thở thương mến của những hàng cây xanh, vừa nghĩ miên man như thế.

Đúng lúc ấy tôi gặp một chàng trai, bạn học thuở nhỏ. Chàng vất vưởng như bóng chiều mải chơi, không chịu chia tay trần thế, trở về nhà sau dãy núi. Sau này tôi mới biết linh cảm của mình là đúng: thân xác chàng mang một căn bệnh tượng trưng của thời đại, căn bệnh do nỗi vất vả chạy theo thời thế, và sao nhãng chính linh hồn mình, nên những gì tôi bắt gặp trong tấm thân vất vưởng ấy, chỉ còn là chút cô độc, rã rời và ưu tư, như những phiền muội cần ra đi từ lâu của bóng nắng hoàng hôn vật vã, khi đêm tới.

Thành phố của tôi, sau những trận vật vã chết đi sống lại của chiến tranh, đói khổ, tàn phá, từ từ hồi sinh. Nhưng không đợi cái cơ thể yếu mềm đầy những vết thương phục hồi theo thời gian, nỗi khát sống đã biến cơ thể ấy thành một con rồng quái đản bảy đầu, chỗ run rẩy tấm thân non trẻ để giữ cái đầu mải lắc lư theo điệu nhạc vui tươi tiệm quán, chỗ oằn oại không thể ngóc cao một cái đầu khác, hau háu ngóng về phía những hang động phảng phất vị lửa luyện vàng, chỗ khác, tấm thân chưa lên da non từ những vết thương cũ, giờ máu ứa ra từ những vết thương mới khác, mang tên những căn bệnh khác nhau. Bảy cái đầu con rồng nhân tạo này nhìn quanh quất đi muôn hướng, và phun lửa phì phì ra môi trường xung quanh, lúc cơn giận hoặc cơn đói, hoặc cơn thèm khát của nó nổi lên.

Tôi lang thang cùng chàng bạn học, khắp xó xỉnh phố phường, đi tìm kỷ niệm thuở thơ dại, như thuở ta bước vật vờ trên thảm cỏ thu bát ngát, ngắt những bông cúc vàng dịu dàng, những cúc trắng li ti như tia nước, những mảnh mai thủy tiên sà trên lối công viên một chiều tan học sớm tạt vào, khi nhặt những quả bàng uơm vừa thơm vừa ngòn ngọt, hay lúc thổi búp đa thành một khoảng trong vắt, căng phồng những niềm vui.

Tôi và chàng gật gù trong những quán cafe muộn quá nửa đêm, hay tinh mơ bình minh, thành phố chưa thức giấc, hối hả lục lọi tìm lại quá khứ, vội vàng như thể sắp hết thời gian, một kẻ như muốn từ biệt thế gian vật chất hình hài, kẻ kia, trước khi cưỡi chổi bay lên vầng mặt trời nóng bỏng, tìm kiếm nốt con đường dẫn đến các vì sao.

Suốt một cuộc hành trình dài tìm về thành phố quê hương, phủ màn sương mờ, bí ẩn man dại, chỉ trong những giây phút cuối cùng, ngồi bên người bạn học thuở ấu thơ, nghe nhạc trong một quán người đông đặc, trong một giây duy nhất, tôi bỗng rỏ giọt nước mắt xuống ngực chàng, trong nỗi xót thương người khác lớn hơn cả lòng thương xót với bản thân, như muốn làm tan giá băng cô độc, mà chàng tưởng rằng, cả cuộc đời chàng sẽ chỉ biết đến, cảm giác ngày mỗi rét buốt hơn mà thôi.

Phút ấy, từ cửa sổ bên lâu đài ven hồ trong thành phố, ngài đạo sĩ, đã nhìn thấy từ rất xa. Không đành lòng trước vẻ khổ đau của cô phủ thủy, mà ngài quen biết từ thời còn thiếu nữ, đạo sĩ căng vải lên khung trời rộng, vẩy cành cọ ướt đẫm nước mắt của sưong đêm, vẽ tặng cô một bông hồng ứa máu.

Hãy khóc nốt đi em -đêm nay- để sớm mai bay lên phía mặt trời, trên con đường vũ trụ vĩnh cửu của sự sống, hái lượm muôn vì sao bình yên, rải xuống thành phố yêu xưa…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét