Nghe nói, từ khi Phật Thích Ca Mâu Ni đến nước Xá Vệ thuyết Pháp giáo hóa đại chúng, người toàn thành đều trở nên có đạo đức, có lễ nghi, hiểu biết chuyện. Họ giúp đỡ lẫn nhau, ăn ở hòa thuận, nước Xá Vệ trở thành một cõi yên vui.
Khi tin tức này truyền sang nước khác, tại nước La Việt xa xôi có một người ngoại đạo, vì nảy sinh tâm khâm phục uy đức của Phật Đà, nên không quản khó nạn lên đường tới nước Xá Vệ, mong muốn bái kiến Phật Đà, thỉnh cầu dạy dỗ. Thế nhưng khi còn chưa được gặp Đức Phật, anh đã gặp một việc khiến anh khó lý giải.
Nguyên nước Xá Vệ là một chốn nhiệt đới, rất nhiều rắn độc, nếu bị rắn cắn, thì lập tức bỏ mạng; do đó, tại nơi này người bị rắn độc cắn chết rất nhiều. Khi người ngoại đạo này đi tới ngoài thành, thấy có hai cha con đang làm ruộng, thì đột nhiên một con rắn độc nhảy ra từ đám cỏ cắn người con, không lâu sau phát độc mà chết. Thế nhưng người cha vẫn cứ làm ruộng như bình thường, dường như không chịu ảnh hưởng mấy bởi cái chết của người con.
Người ngoại đạo cảm thấy rất kỳ lạ, mới hỏi ông cụ rằng: “Người trẻ tuổi này là ai vậy ạ?” “Là con của lão đấy”, ông cụ đáp. “Anh nhà bị rắn cắn chết, cụ không cảm thấy thương tâm còn tiếp tục làm việc, đó chẳng phải đứa con cụ thân sinh sao?”
“Đau thương phỏng có ích chi. Đời người vẫn là phải chết, hưng thịnh và suy bại của sự vật cũng có quy luật của nó, người dẫu sao cũng chết rồi. Nếu anh ấy có nhân thiện, thì sẽ gặp thiện báo; nếu anh ấy gieo nhân ác, thì ác báo sẽ ở nhãn tiền. Tôi khóc lóc nỉ non, đối với người chết thì có chỗ gì tốt đây?” Cụ già nói tới đây, thấy kẻ ngoại đạo ngây người ra, mới hỏi anh: “Anh định vào thành phải không? Tôi có một việc tiện nhờ anh luôn, được không?”
Người ngoại đạo hỏi rốt cuộc là việc gì, cụ già tiếp tục nói: “Anh vào thành rồi, nhờ anh ghé vào ngôi nhà thứ hai, nói với gia đình tôi rằng chỉ cần cơm cho một người ăn trưa thôi, vì con tôi đã bị rắn cắn chết rồi”.
Người ngoại đạo vô cùng kinh ngạc, vì sao cụ già này một chút thiện tâm, nhân từ cũng không có nhỉ; con trai chết ở đó, mà không hề đau khổ, còn không quên bữa trưa của mình, trên thế gian có ông bố nào bạc tình hơn thế này không?
Người ngoại đạo đi vào thành, rẽ vào nhà lão nông dân, nói với cụ bà: “Con trai bà bị rắn độc cắn chết rồi! Cha của anh ấy bảo tôi báo tin cho bà, trưa nay chỉ cần mang cơm cho một người thôi!” Cụ bà nghe xong, cảm ơn người báo tin, nhưng không bi thương chút nào. Người ngoại đạo thấy lạ bèn hỏi: “Bà ơi, bà không thương anh nhà chết thảm hay sao?”
Bà lão thản nhiên đáp lại: “Đứa con này chuyển sinh vào nhà tôi, cũng không phải tôi kêu gọi anh đến, mà là anh ấy tự đến. Hiện tại anh ấy đi rồi, tôi cũng lưu lại không được, cũng như lữ khách trú lại một đêm ở quán trọ, đến sáng lại ra đi, không ai lưu lại được. Thực ra không cần phải lưu lại, giữa mẹ con chúng tôi chỉ như vậy thôi; con tôi đi đâu, là tùy theo duyên nghiệp của anh ấy, tôi cũng không giúp gì được nữa”. Người ngoại đạo nghe xong mấy lời này bèn nghĩ, đúng thật là một cặp phu thê bụng dạ sắt đá, tựa như không có nhân tình.
Lúc này trước mặt xuất hiện một cô gái, là chị gái của người đã khuất, người ngoại đạo hỏi cô rằng: “Em trai chị chết rồi, chị thương tâm lắm phải không?”
“Cậu ấy đã qua đời rồi, tôi còn thương tâm làm gì nữa? Chúng tôi cũng như những miếng gỗ của tấm bè, khi trôi trong nước gặp phải bão lớn, bè gỗ bị vỡ ra, các mảnh gỗ theo sóng mà phiêu bạt, gỗ mãi mãi không thể kết thành thuyền được nữa. Chúng tôi vì nhân duyên tình cờ mà trở thành chị em, cùng sinh tại một nhà, nhưng thọ mệnh dài ngắn khác nhau, sinh tử không có thời gian quy định. Anh ấy dẫu sao đã rời đi trước rồi, tôi là chị gái cũng không có năng lực giải cứu”.
Người chị vừa nói xong, bên cạnh lại một phụ nữ khác nói: “Đúng vậy, chồng của tôi chết rồi”.
Người ngoại đạo lúc này như rơi vào đám mây mù, mới hỏi người phụ nữ: “Chồng của chị mất rồi, chị vẫn điềm nhiên như không vậy, không hề có đau thương, thế liệu có đúng không?”
Vợ của người chết bình tĩnh đáp: “Sự kết hợp giữa vợ chồng chúng tôi cũng như cặp chim trên trời vậy, ban đêm nghỉ tại một nơi, đến sáng lại tách ra đi tìm thức ăn, có vận mệnh riêng. Chim đã bay mất là không thể trở lại, ấy là do tạo hóa, tôi không thay thế được anh, cũng không có cách nào gánh chịu nghiệp lực thay anh, tựa như khách qua đường vậy, gặp nhau xong lại mỗi người một phương”.
Người ngoại đạo nghe những lời của người nhà thì đầy tâm bất bình, thậm chí còn hối hận đã lỡ đến đây, vì nghe nói người nước Xá Vệ hiếu đạo lắm. Đến đây để quy chính bản thân, tìm kiếm chân lý, nào ngờ gặp phải toàn những người không chút từ tâm thế này.
Dù sao đi nữa, anh vẫn muốn gặp Đức Phật một phen, gặp rồi không còn hối tiếc gì nữa. Thế là anh tìm đến tinh xá Chi Viên để cầu kiến Phật Đà.
Người ngoại đạo trong tâm đầy nghi vấn, sau khi bái kiến Phật Đà thì lặng lẽ ngồi một bên, cúi thấp đầu chứ không mở miệng hỏi. Thực ra tâm tư của anh thì Đức Thích Ca đã sớm biết được, nên cố ý hỏi anh: “Điều gì khiến con ưu sầu như vậy?”
“Bởi vì hy vọng không thể như ý nguyện, gặp phải sự việc trái tâm khiến con ưu sầu”, người ngoại đạo đáp.
“Ưu sầu không thể giải quyết vấn đề, có gì khiến con ngả lòng, hãy nói hết ra xem”, Đức Thích Ca từ bi nói.
“Con từ phương xa mộ danh mà tới, cũng vì sùng bái nước Xá Vệ có Phật Đà ngài giáo hóa, nhân dân đều theo Pháp thừa hành. Nào ngờ vừa tới đây đã gặp phải sự việc có chút không còn nhân tính…” Người ngoại đạo đem chuyện gặp gia đình lão nông kể hết cho Đức Thích Ca nghe. Anh cho rằng đây là việc đại nghịch bất đạo, không có nhân tình, còn nói gì tới từ bi, không ngờ tại quốc gia Phật Đà này lại có việc như vậy phát sinh.
Thế nhưng Đức Thích Ca lại cười nói với anh rằng: “Không hẳn như lời con nói đâu. Con hy vọng nhìn thấy, nghe thấy sự việc có nhân tính, nhân tình, nhưng Pháp lý có lúc không thể thuận theo nhân tính được. Tịnh hóa nhân tính, tương ứng chân lý, đây mới là điều trọng yếu của tu hành. Con trông thấy một gia đình, trên đạo lý, thì họ không có sai. Họ biết rằng nhân sinh vô thường, con người không thể mãi mãi bảo trì sinh mệnh sắc thân của mình được. Tất cả thánh phàm xưa nay đều như thế cả, một cá nhân chết rồi, mọi người đều khóc lớn vì anh ta, điều này đối với người chết có chỗ gì tốt đây? Hơn nữa người ấy lúc còn sống đã định trước là phải chết, sống thì vui chết thì buồn. Đây là mê hoặc của sinh tử đối với thế tục, cho nên dòng lưu chuyển của sinh tử sẽ vĩnh viễn không bao giờ ngừng”.
Người ngoại đạo nghe Đức Thích Ca khai thị xong, tâm lý bỗng nhiên khai ngộ, từ đó cải tông quy y Phật Đà, trở thành một tỳ kheo kiền thành tinh tấn.