Bà giả bán quạt - Bút sắt vỉa hè của họa sĩ Phan Ngọc Minh
Không biết từ bao giờ, ngạn ngữ hiện đại có câu “Bụi trí thức, bụi vỉa hè”. Trí thức mà lại so sánh với vỉa hè ư?
Thực ra không phải vậy! “Trí thức bụi” có nghĩa trí thức… dễ hòa nhập. Trí thức không sa-lông, kính cận, có thể đi làm bằng xe hơi nhưng vẫn cà phê ở… vỉa hè vì thích không khí “văn nghệ quần chúng” ở đây. Cũng có nhiều trí thức, đặc biệt là văn nghệ sĩ, mặc quần jeans, áo pun, mũ nồi trông hầm hố… bụi bặm hết sức! Nhìn bề ngoài kẻ không biết có thể kết luận “bụi quá”, “phủi quá”. Nhưng tài năng và tri thức của “anh bụi” đó nếu người biết chuyện thì đã phải tâm phục khẩu phục. Như vậy, hình như xoay câu nói trên thì anh trí thức nào đó vẫn muốn cộng vào mình một chút ít bình dị, dân dã. Nói cách khác, "tính vỉa hè", "tính bụi" ở đây cũng giống như hai món ăn quen và ghiền: mắm tôm, cá kho. Với hai món này, từ hạ đẳng đến thượng lưu cỡ nào cũng dùng được!
Nhưng ở cái câu ngỡ “trí thức = bụi” đó theo tôi còn tồn lưu một nghĩa khác. Nghĩa này cần một cái "nhìn nghiêng" mới thấm được chất ý vị. Đó là "bụi" mà "không bụi" hay "chưa hẳn bụi". Vẫn còn chút gì như phẩm giá, lương tri, trung can của "cái bụi". Những hạt bụi ý thức được phận mình trong tương quan nhân sinh - trời đất. Vẫn muốn sống ngay thẳng và cương cường. Ví dụ trên vỉa hè thi thoảng ta vẫn gặp một thùng nước đá mát lạnh của một chị tiểu thương để bên đường cho những người cơ nhỡ, nắng rát ban trưa đến uống. Hay những bữa cơm độ nhật cho người qua đường rát mặt mưu sinh cơm áo. Một em bé bán vé số cương quyết gửi thối lại cho khách bởi "đói cho sạch, rách cho thơm". Tuyệt đối không nhận của “bố thí” vì chưa bao giờ “hạt bụi” đó là kẻ ăn xin.
Cũng có những tấm gương người tốt việc tốt ẩn dòng đời xuất hiện khi “giữa đường gặp việc bất bằng chẳng tha”. Những “bụi vỉa hè” như thế làm cuộc sống đáng yêu hơn, đáng sống hơn. Và khi cộng chất “trí thức” vào ấy như cộng vào một thái độ, một bản lĩnh. Không phân biệt nghèo hèn, sang cả.
Tôi cũng đã từng gặp trên vỉa hè Hà Nội một bác cắt tóc là kho chuyện kể từ "đêm trước bao cấp" qua "đổi mới". Ở Hội An, một ông già bán nước chè ngồi bên hè phố cổ gần suốt cuộc đời mình như một chứng nhân năm tháng. Bao nhiêu bức ảnh của ông cùng gánh nước của mình chu du khắp thế giới còn cụ thì chưa bao giờ rời lề vỉa hè của mình.
Họa sĩ Phan Ngọc Minh kể cho tôi nghe những chuyến đi vẽ vỉa hè của ông. Gần như ông say mê trước những "nghệ nhân lam lũ" khi họ say mê làm việc mưu sinh trên vỉa hè. Đó là một anh thương binh vá xe đạp, bác gánh hàng rong, người đàn bà và những con tò he bằng đất sét, chị gái quẩy gánh cá rong ruổi về chợ...Nghệ thuật đôi khi ẩn sâu trong dáng vẻ tất bật và lam lũ. Dưới con mắt biết khám phá, đôi khi "vỉa hè" đẹp như một sáng tạo mới của... thượng đế!
Nhưng rồi cũng có những kẻ nhân danh trí thức nhưng trình độ là vỉa hè, là bằng cấp giả, là "bụi thật". Bởi thế mới xuất phát thêm câu “lưu manh giả danh trí thức”. Ôi là cái ngạn ngữ hiện đại. Nó phù du, tếu táo nhưng thâm thúy, độc địa. Cứ trúng là trúng phăm phắp. Không sơ xuyển, không sai, không trốn đi đâu được cả. Bởi vậy mới biết nhân gian là những nhà thơ vĩ đại!...
Nguyễn Hữu Hồng Minh