Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

BÍ ẨN ĐỜI SỐNG

     


Chỉ có sự bí ẩn của đời sống mang lại cho ta khát vọng, niềm cảm hứng và nỗi an ủi.
 Đúng thế đấy. Một hôm nhận được thư của một độc giả  không quen biết:” Trước kia tôi cũng từng viết nhiều bài đầy khắc khoải như cô, nhưng bây giờ đã già rồi, lửa đã tắt, không viết được nữa…” Hay lần khác, cũng vì „văn chương chữ nghĩa” một người muốn gặp khi biết tôi đang ở nơi đó, và tôi đồng ý. Ông mang đến cho tôi một bó hoa rất to, không biết cầm thế nào và sau đó không biết để đâu? Chắc tôi đã làm ông thất vọng vì sự „xa cách lãnh đạm” không „thi ca”chút nào của tôi, khi tôi đề nghị chỉ xưng hô” anh, tôi, chị” và …thế thôi: gặp nhau trên mail… Nhưng chắc chắn tôi đã bị ghét, không nhiều thì ít, khi một lần từ chối không”chấp bút cùng nhau” với một người cầm bút khác.
Cái gì xảy ra vậy? Mày lại mắc bệnh tự kiêu tự phụ tự thỏa mãn của những kẻ hay dây dưa vói chữ nghĩa chăng? Không, chỉ vì một buổi„tự dưng” nhận ra mình chán sự quanh quẩn trong những quan hệ người, cứ quay vòng tròn lẫn nhau và vì nhau. Đúng thế,  có chạy đi đằng giời cũng không thoát khỏi mặt đất này, nhưng…chán. Vì đời sống đột nhiên trở nên trần trụi, cứ muốn diễn ra, cứ lộ nguyên hình trên một mặt phẳng, trong một cái khung, cùng một lúc, và rõ mồm một chỉ có ngần ấy …
Tôi nhớ tới một bộ phim đã từng làm tôi rất kinh ngạc: như  trên một sa bàn, hay đơn giản hơn, như trên một sân khấu, cùng lúc tất cả các nhân vật xuất hiện và tất cả mọi người cùng lúc làm những việc họ muốn. Chỗ này ăn, chỗ kia đánh nhau, chỗ nọ nhảy múa hát, chỗ ấy cày cuốc, chỗ đó yêu đương…Có một thời gian, tôi nhớ mình đã rất ”khoái chí” vì cái cách đặt vấn đề „hợp lý” đến như vậy, để tuốt lên mặt mâm trình bày, có gì ghê gớm đâu mà phải dấu diếm hoặc quan trọng hóa, nhân cách hóa, lý tưởng hóa?

Nhưng nỗi buồn, dấu đi đâu những nỗi buồn hả con người? tôi dám chắc rằng ai cũng có những nỗi buồn như tôi thuở ấy. Nó chỉ chấm dứt từ khi tôi gặp bác Hamvas Béla. Đúng thế, khi bác chỉ cho tôi: trái đất đã bị cắt đôi, con người đã bị cắt đôi, chỉ biết về một nửa bản thân mình, bởi  thế giới bên kia,  mặt  vô hình của sự sống đã bị”đánh cắp”.
Tên trộm nào làm điều đó vậy? Tên trộm duy nhất chính là ta, là con người, là chính mình, trong lúc quẩn quanh với miếng ăn hàng ngày, đã tưởng đời người sinh ra chỉ để vật lộn kiếm miếng ăn để sinh sôi nảy nở và chết đi vô nghĩa.  Và  những nỗi buồn đọng le lói không chịu tắt trong mỗi con người đã cứu sống nó. Con người đi tìm sự vắng thiếu của mình.
Tất cả những ai hiểu ra điều này, bỗng một ngày trở nên lãnh đạm. Không phải vì nó đã hóa đá vô cảm trơ trơ, mà đơn giản chỉ vì nó bắt đầu tĩnh trí, định trí. Và muốn thoát ra khỏi sự quanh quẩn „dàn hàng ngang” mà tiến trong cõi người. Nó trở nên xa lạ, xa cách, xa xôi, sa sầm, xa lắc…với trước hết chính mình.
Mọi cụ thể đột nhiên biến mất. Có thể tìm thấy gì trên mặt đại dương mênh mông vô tận, vô ích mắt đăm đăm? có thể gọi tên được chăng cảm giác tràn ngập một hình bóng, tính tình, giọng nói…vô hình trong tâm tưởng, khi nhớ đến một người, khi không hiểu tại sao, một ngày bỗng hình bóng ấy choáng ngợp cả tâm trí, trong từng khắc giờ trôi nhanh của ta? Cái gì vậy, cảm giác này? Đấy là ai? Sao con người suốt đời cứ mắc vào linh cảm đi tìm ai?
Trôi dạt, chỉ khả năng trôi dạt phù hợp với cảm giác này, có lẽ thế nên người ta lưu lạc tứ phương,  chỉ lưu vong - hiện trạng phổ biến hôm nay của thực tại người chứa chấp toàn bộ các tầng, các thang bậc tình cảm của mỗi kiếp sống, có phải thế không?
Tôi nhớ mình đã gặm nhấm rất lâu rất nhiều ngộ nhận. Đi từ lầm lẫn tìm kiếm này đến lầm lẫn tìm kiếm khác, mỗi lần dừng chân, lại thổn thức sống rất lâu trong góc hẹp đó, của một giới hạn cụ thể, rồi lại bỏ đi, cứ miên man, cứ lần hồi như thế…
Trong từng giây phút sống cụ thể hay chỉ trong hiển hiện tâm tưởng cũng thế thôi bạn ơi.  Chừng nào ta chưa vượt hẳn lên, cao hơn hẳn hiện tại, cứ như đã chắp cánh bay cao vút lên trời xanh như đôi cánh chim, vượt cao quá những ngọn cây cao nhất, và lẫn vào những tầng mây thăm thẳm của bầu trời vô tận…
Để đôi khi thầm thì tự hỏi mình: Ta đã dứt được một chút tình mặt đất? hay chỉ mở rộng hơn tấm lòng ôm ấp toàn bộ trời đất? Không biết!
Ôi, ta  đang đón chờ  gì sẽ đến với linh hồn ngơ ngác hôm nay đây?
( Nguyễn Hồng Nhung. 2013)

Nghệ thuật sống và nghệ thuật chết


Nghệ thuật sống ít khi "hoàn hảo" như nghệ thuật chết.
Nhưng nó sống !
Nghĩa là gì ?
Người đời, chẳng cần nghe ai tán, dễ dàng ghi tâm một giai điệu, một giọng hò, một điệu múa, một tia mắt, một vành môi, e tutti quanti.
Chẳng mấy ai nhớ nổi một khúc, thậm chí, một câu văn ! Nhất là khi nó hơi bị thừa chữ…
Thật đấy ! Bạn có thể nói chăng rằng phđ đã từng viết câu văn này : e tutti quanti ? Hè hè…
Ngôn ngữ viết là ngôn ngữ đã chết. Chết đi chết lại quá nhiều lần. Quá Lâu.
Vậy, ta nên viết ngăn ngắn thôi. Chết dài dài, chán lắm.
Nhất là với bọn trẻ con.
Chúng nó mà chán, ta khó lòng tồn tại ở đời.
Nếu có thể, thì làm thơ, dễ nhớ hơn nhiều. Hè hè.
Sức sống đặc thù của ngôn ngữ viết ? Tuy đã chết, nó vẫn có thể sống lại !
Nhờ thế, nó có thể ở đời hàng thế kỷ.
Cứ coi Pythagore (!!! hè hè) thì thấy !
Để ở đời, ngôn ngữ viết phải có khả năng tái sinh trong tấm lòng, lý trí hay tâm hồn người khác.
Khó đấy, bạn mình ơi.
Hè hè.


Phan Huy Đường

Cái tôi đáng tởm


Cách đây khoảng 20 năm, chẳng nhớ vì sao và qua đâu, tôi được một ngôi sao điện ảnh người Việt từ Mỹ qua Pháp để công bố một phim Mỹ tại Paris trong đó nàng đóng một vai chính.
Lần đầu tiên tôi đặt chân vào khách sạn Ritz. Tến ấy, tôi nhớ liền không vì nàng công chúa Diana của Anh Quốc mà vì, xưa kia, tôi lỡ mê một truyện ngắn : Un diamant gros comme le Ritz của Francis Scott Fitzgerald.
Nàng mời tôi ăn trưa trong "suite" của nàng. Nàng đẹp, thanh. Biết nói gì hơn ?
Tôi vốn thô bạo, liếc qua thực đơn, liền kêu một bữa ăn đầy đủ, hấp dẫn nhất. Nàng chỉ kêu một món súp. Ngượng chín người. Hè hè.
Trong câu chuyện, nàng thản nhiên nói : "le moi est haïssable". [1]
Tôi sững sờ. Đây là một câu văn của Pascal mà bố tôi đã dạy và bình luận cho tôi. Không hiểu vì sao tôi không quên. Hè hè… Thuở ấy, ở miền Nam, nó vậy. Một nghệ sĩ điện ảnh trích dẫn một ý tưởng của Pascal bằng tiếng Pháp, rất tự nhiên.
Khoảng 20 năm sau, tôi may mắn gặp một nàng nghệ sĩ trong một lĩnh vực khác. Nằng cũng nói một ý tương tự : làm nghệ thuật phải biết "quên" cái tôi (không nhớ chính xác nàng dùng ngôn từ nào, nhưng ý là tình ca hay hơn tình ta).
Tôi không sững sờ nữa. Tôi nhói đau.
20 năm trong một kiếp người, đâu có ít ! Mỗi lần hạ bút, tôi vẫn phải trực diện với tôi. Xoá hay giữ hè ? Vì sao ?
Lạ thật, ở PhuLăngXa, thế kỷ 17, hai triết giá lớn nhất lại có quan điểm ngược nhau :
- Blaise Pascal (1623-1662) thì viết : Cái tôi đáng tởm.
- René Descartes (1596-1650), người được coi như đã mở màn cho triết học hiện đại, chính là người đã đặt cái "tôi" vào cương vị chủ thể của tư duy, nền tảng của triết lý.
Tình ca là một khái niệm trừu tượng, ai muốn nhét gì vào đó thì nhét, nó thịch hợp với mọi người, thể hiện mọi người, nghĩa là : chẳng thể hiện ai. Do đó, đông đảo quần chúng ưa tích tình ca.
Tình tôi là một hiện tượng cá biệt, chỉ thể hiện tôi thôi, mấy ai ngửi nổi ? Hè hè.
Không biết giữa tình catình tôi, trong nhân giới nàytrong tiếng Việt, có thể có một không-thời gian cho tình ta không ? Không chỉ là tôi hay chúng tôi hoặc chúng ta.
Cả vấn đề ở từ ta. Nó nghĩa là gì ? Dịch qua tiếng PhuLăngXa chỉ có thể là : je, on hay nous. Đều không thích hợp. Trừ khi hiểu : Ta là Tha nhân (Je est un Autre, Rimbaud), lại hiểu một cách đặc biệt nữa.
Làm người trong hai ngôn ngữ, có lúc zui zui thật. Hè hè.
2013-08-09
 Phan Huy Đường


[1] haïssable = đáng thù, đáng hận, theo từ điển. Tôi dịch theo cảm nhận cá biết của tôi đối với tư duy và văn phong của Pascal.

Tìm chồng thời a còng


Xóm nhỏ của tôi, xóm ổ chuột, bé Mắm, tên khai sinh Vũ Tuyết Mộng là bạn cùng lứa, chơi thân với nhau từ nhỏ, sau đó nhà Mắm chuyển về khu trung tâm thành phố. Nhà nghèo, học hết phổ thông thì vào bộ đội, sau hai năm trở về, tôi làm bảo vệ ở một khách sạn do có chút đỉnh lăn lê bò toài và mấy miếng võ nên được ưu tiên. Mắm học lên Đại học, chúng tôi gặp nhau dịp nghỉ hè. “Xinh đẹp, giỏi giang như cậu thế nào chả có mấy anh như chuồn chuồn lượn quanh”, tôi hỏi,“có, nhưng con trai các cậu như bây giờ như người máy, suốt ngày tiếng Anh vi tính, khô khan như ngói, tớ cần tâm hồn chứ không cần tiền bạc”. Mắm bĩu môi. Ừ nhỉ, tôi nhớ hồi học lớp 12, đến nhà Mắm thấy mẹ nó ra mở cửa mắt đỏ hoe. Nó ra đón tôi còn chấm mùi soa trên mí mắt. Tôi cứ tưởng hai mẹ con cãi nhau nhưng không phải, họ đang xem phim Hàn Quốc đến đoạn anh Kim Yongil bị ung thư không qua khỏi.

“Làm ở khách sạn nên quen nhiều nghệ sĩ, tớ giới thiệu cho cậu”, tôi nói. Mắm ngạc nhiên “thiệt không”, “bằng chứng đây, tối nay ra mắt tập thơ “Đừng nhầm tưởng của nhà thơ Hảo Huyền tại khách sạn của mình. Tặng cậu vé mời, mình ở phòng bảo vệ, nhớ đúng giờ”. Tôi nhấn mạnh câu nói và chìa tay cho nó nghéo.

Nhà thơ Hảo Huyền tuổi ba lăm, tóc óng mượt, sơ mi đỏ, cà vạt đỏ ngồi trên chiếc SH màu đỏ cùng tông. Tôi giới thiệu là Vũ Tuyết Mộng để họ làm quen. Nhà thơ tặng một người một cuốn sách có chữ ký dài loằng ngoằng như giun bị bằm. Tôi đọc trang đầu “Đừng nhầm tưởng /đại dương khóc/không phải đâu /đó là đại dương cười … /anh như đá /em cũng như đá /em là san hô/anh ốp mặt tiền”, hay quá, tôi thốt lên. Nhà thơ và người yêu thơ phái nữ sánh vai nhau vào sảnh .

Bẵng hai năm, một hôm mát trời, Mắm đến khách sạn rủ tôi cà phê ở quán “Mùi Lươn Nướng”. Tôi thật thà “cậu trả nhé, mình chỉ có hai chục trong túi”,“chuyện nhỏ”. Mắm cười mỉm. “Vẫn yêu thơ chứ”, tôi dò hỏi, “mình cũng có cảm tình với hắn, hắn viết tặng mình gần năm chục bài, lâu lâu mới gặp nhau vì mình đang học thêm ở Sài gòn. Về đây vào dịp cuối tuần chỉ ở quán cà phê và dạo biển chứ thời gian đâu mà tìm hiểu. Gần đây, thấy hắn đang chở bia thuê, mình tránh không gặp mặt để hắn khỏi mắc cỡ, té ra hắn đang nợ tiền in sách mấy triệu, chiếc SH hắn đi là mượn của đại gia mê thơ. Tiền ra mắt thơ cũng của đại gia đó, bà ấy năm mươi chồng chết, hắn có cái Cup 81 như cục sắt vụn, mình tìm cách lãng tránh và bai luôn”.

Nghệ sĩ thời nay như vỏ hến, mình sẽ giới thiệu cho cậu. Mắm lại ngạc nhiên “thiệt không”, “chứ bỡn à”, tôi chắc chắn .


Tôi quen nhà văn Tống Đạt chuyên viết trinh thám, tuổi trung niên, cũng vô tình. Hôm ra mắt sách tại khách sạn, nhà văn khả kính của tôi, khi kết thúc chương trình còn thừa vài cuốn không biết tặng ai, vì bạn thì ít mà sách in thì nhiều nên dúi vào tay tôi một cuốn. Tôi cảm động và đẩy dùm xe cho nhà văn hơn trăm mét vì con Rim tàu giở chứng đòi tiền. “Cạc vi dít của nhà văn đây này, hẹn gặp nhé”, tôi nhiệt tình với Mắm.

Một cuộc hẹn định sẵn, uống ngụm cà phê trước khi bắt tay tạm biệt đôi bạn, tôi nhắn gửi “chúc thế gian có thêm người đọc sách” rồi dông thẳng. Hơn năm sau, nhân hội trường, gặp lại bạn cũ . “Truyện trinh thám bán chạy lắm, bồ của cậu ra được mấy cuốn“, tôi mừng ra mặt. Nó nhăn nhó và hít hà như cắn phải ớt chỉ thiên “ai dè đờ ơi là đờ, đi chợ thì mất ví, đi đường thì vào chiều ngược bị công an phạt tù tì. Hôm cùng tớ vào hội chợ, lão phắn về lúc nào, vì hắn quên có tớ đi cùng. Tớ phải gọi tắc xi, thực tình tớ đọc sách cứ ngỡ hắn phải là .…”. Mắm dằn từng tiếng “người ta nói nhà văn ngơ ngơ, nhà thơ đần đần chỉ có đúng trở lên, sao số mình rủi thế không biết, cậu giới thiệu toàn là người…”. Tôi ngắt lời “hai người đó là tinh tú nhất trong số văn sĩ mình quen ấy mà”, im lặng một lát tôi nhỏ nhẹ vào tai Mắm “tớ chuyển ngành cho cậu sang nhiếp ảnh hay hội họa nhé, coi như cấn nợ cũ”.


Mắm lại ngạc nhiên “thiệt không”, “chứ bỡn à”, tôi đóng cột lời hứa.


Họa sĩ Văn Màu có phòng tranh gần nhà tôi, họa sĩ thuê một gian hơn 10m2 mặt tiền trưng bày tranh và vẽ luôn tại đó. Hầu hết bán cho khách tây và thu tiền đô. Chưa đầy ba năm, buổi sáng điểm tâm bằng nắm xôi hai ngàn mua chịu của bà Sáu, họa sĩ trở thành ông chủ tài danh đi lại bằng ô tô (xe mua lại tiệm đồ cũ nhưng sơn lại nên ai cũng tưởng mới). Bất kỳ ông tây bà đầm nào đi qua gian hàng cũng được nhận một cái cạc vi dít của hắn như cấp vé qua vỉa hè miễn phí. Sáng, hắn làm tô phở đặc biệt có hai hột gà, ứng cho chủ quán mấy trăm, cuối tháng kết sổ để khỏi móc ví mất thì giờ. Hắn còn in cuốn át lát tranh bằng tiếng Anh quảng cáo ở các trung tâm du lịch. Mồng hai tết, mới hơn sáu giờ, tôi chỉ hướng nam xuất hành thì đụng ngay đôi bạn của tôi. Từ ô tô mới đổi đời lần hai của Văn Màu, Mắm bước xuống miệng cười như mai nở đủ cánh “chúc mừng năm mới, lên cấp, lên lương “, liền mở ví, lì xì tờ hai trăm, nhiều hơn thưởng tiền tết của cơ quan tôi dạo đó. Xong nhiệm vụ nàng lên xe. Tôi cảm động, “mình làm bảo vệ lên hết cấp rồi, lên lương thì nhận, chúc năm mới, đám cưới mới”.

Họa sĩ makéting của tôi bấm còi chào xuân rồi cài số. Thỉnh thoảng tôi có gặp họ khoác vai nhau không phải ở ngoài đường mà trên ti vi. Họ có mặt trong lễ khai mạc triển lãm tranh chống vứt rác bừa bãi do phòng văn hóa chức, hoặc lễ phát động phụ nữ tránh thai bằng bao cao su mà họa sĩ vẽ pa nô, áp phích.

Mùa xuân lại đến, Mắm gọi điện gặp tôi tại quán cà phê mới có tên là “Uống Hoài Không Tỉnh Ngủ”. Tôi ngóng chờ tin vui đột xuất, chứ không ngóng tiền lì xì. Mắm đến một mình, nụ cười méo lệch một bên như hoa mai bị mưa ướt, rụng một nửa. Mắm thở dài thườn thượt khi tôi hỏi “lên xe bông” tháng nào. “Bông hoa gì, rút lui bảo toàn”, Mắm ực ngụm nước cam vàng khè đặc quánh như nước bột màu pha để vẽ tranh. Tôi chưa kịp ngạc nhiên, Mắm cho lời giải “tưởng vậy mà không phải vậy, hắn dơ đến nỗi đi chơi với bồ mà không chịu rửa tay, mấy cái áo dài của mình phải bỏ đi vì dính sơn. Hắn có tiền là do bán tranh giả cho tây, hắn sao chép rồi ký đại ông này bà kia là họa sĩ nỗi tiếng. Trong nước kiện, ngoài nước kiện, hắn còn lừa mình mượn tiền chơi chứng khoán mấy chục triệu giờ chỉ vài miếng giấy lộn, tức quá đi mất”. Tôi hạ hỏa, “âu cũng là cái số, mà do trời sinh cậu có tâm hồn, dân gạch ngói như mình đâm khỏe”.“ Ừ nhỉ, mà cậu sao chưa lấy vợ, mới đó mà ba mươi cả rồi, khi nào tớ cũng thấy cậu đọc sách, cái gì cũng biết, cậu không có bằng mà gấp mấy cái thằng bằng này, bằng nọ, nhà văn, nhà váo, được cái mã làm oai, trống rỗng kêu to chả tích sự gì”.

“Có cần tớ giới thiệu nữa không”, tôi tặng cho Mắm cái nhiệt tình,“có chứ, nhưng lần này thì khác”. Mắm nhìn tránh mặt tôi, chậm rãi “tớ chỉ cần người như cậu, mà … là .. cậu .. thì …càng tốt” rồi chạy nhanh ra ngoài .

Tôi nhắn tin cho Mắm, “định gửi giấy mời cho cậu tại quán nhưng không tiện, tối chúng mình đến nhà, cô ấy là chủ nhiệm Câu lạc bộ... những người yêu thơ chưa bao giờ... đăng báo”.



Từ Sâm
Nha trang 2011









Thiên đường và địa ngục

Từ Sâm


     Nếp  là con ở, là người đồng hương. Bà chủ làm ở ngân hàng, thừa tiền mà thiếu người giúp việc. Bà có cái bệnh đa nghi người thành phố nên về tận miền trung tìm nó. Tuổi 15, da đen như củ mì chưa cạo vỏ. Nhà đông người, nghèo khó, học chưa  hết cấp hai. Vào thành phố, được ăn trắng mặc trơn, tháng hơn triệu bạc, tính ra,  một năm được mấy chỉ vàng thì có mà mơ cũng không thấy ở quê.
     Công việc hàng ngày nhàn hơn hái rau ngoài bãi. Đưa đón bé Tấm đi học và dọn nhà. Tuần một lần, bà chủ đi chợ vào thứ bảy và sắp đầy mọi thứ vào tủ lạnh. Cả nhà chỉ ăn vào buổi tối. Trưa, Nếp một mình với cơm nguội hay mì gói cho xong bữa. Ngày nào cũng vậy, mâm cơm chất đầy thịt gà, bò xào lăn, cá sốt cà…, có khi món chỉ vơi chưa đầy nửa phải bỏ vào thùng rác.
     Một ngày, xe vệ sinh qua sớm nên túi rác của Nếp nằm lại gốc cột điện. Xẩm tối, từ  trên gác hai Nếp thấy một ông gìa tuổi chừng ông ngoại đang mở túi rác và lựa chiếc đùi gà nham nhở và miếng thịt bò to bản bỏ vào bịch nilon. Ông ngồi dựa vào chiếc ghế xi măng đầu ngõ như người qua đường nghỉ chân rồi thong thả thưởng thức món xa xỉ trời cho. Tuổi tắt nắng có miếng ngon là phúc lắm. Nếp không thể tin ở thành phố lại có người ăn thức ăn từ thùng rác. Một lúc, nó mở cửa chạy về phía ông định nói câu gì đó nhưng bóng ông nhòe dần và tan vào đêm .
     Từ hôm đó, chờ xe rác đi qua, nó mang túi rác để vào cột điện. Ông  gìa lại đến như đã hẹn. Bàn tay xương xẩu khô cằn lục kho hậu cần xem có món nào được cung cấp miễn phí không. Ông  ngạc nhiên khi những ngói thức ăn nho nhỏ gói trong túi bóng cẩn thận, có món còn gói kèm rau thơm, hạt tiêu và nước chấm. Hàng tối, ông già thưởng thức món trời cho nhưng không biết trời  ở nơi  nào, trên cao hay dưới đất. Xong tiệc, ông chấp tay trước ngực vái một cái. Chả biết ông vái thần tiên hay vái cái vận may cuối đời của ông. Nếp ở ban công nhìn xuống và lòng lâng lâng khi thấy ông làm như thế.

     Rồi cái gì đến cũng phải đến, hàng xóm la phiền về đổ rác không đúng giờ, gây ô nhiễm môi trường, làm tăng tệ nạn xã hội. Bà chủ còn  phát hiện thức ăn hao hụt hơn. “Cái bé xé cái lớn, nó lấy cái tăm được thì sẽ lấy cái nhà này được, nhiều người nuôi mong tay áo không thấy sao”, bà chủ nghĩ vậy. Khi cầm trên tay chiếc vé tàu và tháng tiền công, nó không biết tại sao phải về quê.  Nó định hỏi thì  một cô bé trạc tuổi nó ôm chiếc giỏ cói rách được bà chủ chỉ vào phòng. Sự thay thế hai đứa trẻ  đơn giản như thay món đồ trong nhà. Đứa ra đi và đứa lấp chỗ trống. Đứa mới vào  chân đất, da phèn, đôi mắt buồn lo lắng. “Cháu cám ơn cô đã cưu mang”, giọng miệt vườn Nam bộ. Nó là hệ quả việc bà chủ đổi huớng về quê chồng, sau một cuộc săn tìm ngắn hạn.
     Tối hôm đó, nó lại trèo lên ban công, thấp thỏm lo lắng. Nó chờ gặp ông gìa, chào một tiếng hay nói gì đó với ông nhưng giờ  tàu đã đến.
     Lâu lắm rồi bà chủ mới đích thân đổ rác. Tính ngăn nắp trong công việc không ngăn được tính cẩu  thả khi  gom thức ăn và chai lọ cùng một túi, mà ai cũng biết đó là điều cấm kỵ. Món giò hầm,  khúc giò còn nguyên trộn lẫn rượu mã tiền dùng bóp chân, ông chủ vô tình làm vỡ. Những cọng bún găm mẻ chai và rau thơm nhuộm ớt đỏ lòm trộn vào nhau hổ lốn. Bà chủ chưa quen việc nhà, khi túi rác ra đường thì xe đã đi qua. Túi rác nằm nơi nó thường chờ đợi vào mỗi tối.
     Thời gian lặp lại đúng qui luật. Ông lão lúi cúi dưới  chân cột điện, thao tác những động tác thường ngày thành thạo và thưởng thức những của ngon vật lạ trời cho không mất tiền. Xong bữa, ông lại chấp tay trước ngực và miệng lẩm bẩm niệm chú. Một lúc sau, dáng mảnh như lưỡi hái của ông mất hút .
     Từ đó không thấy ông lão xuất hiện, có người nói  ông  chết vì đói, có người nói ông chết vì trúng độc rượu  mã tiền.

Nha trang 2011     

CHỐNG THAM NHŨNG: CÁCH CHỨC HÀNG LOẠT SẾP NHẬN LƯƠNG "KHỦNG"






Chiều 12/9, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã chính thức công bố quyết định kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với các cá nhân, tập thể liên quan đến bốn doanh nghiệp công ích chi lương “khủng” cho lãnh đạo.


Theo đó, về mặt Đảng có 3 người bị khai trừ, 2 người bị cách hết các chức vụ trong Đảng, 3 người bị cách chức Đảng ủy viên Đảng ủy Công ty. Còn về mặt chính quyền, có 6 người bị cách chức, 2 người bị buộc thôi việc.

Cụ thể, đối với Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, khai trừ khỏi Đảng và cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) đối với ông Nguyễn Trọng Luyện; khai trừ và buộc thôi việc chức danh Giám đốc đối với ông Lê Thanh Sơn.

Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng: buộc thôi việc và khai trừ Đảng đối với ông Trần Trọng Huệ - Chủ tịch HĐTV; cách chức Đảng ủy viên Đảng ủy Công ty, thành viên HĐTV và chức Giám đốc đối với ông Trần Minh Hùng;

Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn: cách hết các chức vụ trong Đảng, chức Chủ tịch HĐTV đối với ông Nguyễn Nhật Tấn; cách hết các chức vụ trong Đảng, thành viên HĐTV và chức danh Giám đốc đối với ông Phạm Văn Vĩnh.

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM: cách chức Đảng ủy viên Đảng ủy Công ty, Chủ tịch HĐTV đối với ông Phạm Văn Hiếu; cách chức Giám đốc và chức Đảng ủy viên Đảng ủy Công ty đối với ông Trần Thiện Hà.

Trong khi sếp công ty thoát nước lĩnh lương khủng 2,6 tỉ đồng/năm, người dân TP.HCM vẫn phải lội nước sau mưa

Ngoài ra, theo bà Thân Thị Thư - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, một số cá nhân đã khắc phục bằng cách nộp lại tiền sai phạm… Tuy nhiên, mức độ kỷ luật có khác nhau đối với các cá nhân là do căn cứ vào thái độ của các cá nhân đối với các sai phạm và hậu quả gây ra.


Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu tiến hành kiểm điểm trách nhiệm Đảng ủy Sở GTVT, Chi cục Quản lý tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính), Phòng Quản lý tiền lương (Sở LĐ-TB-XH); kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, Đảng viên theo dõi các doanh nghiệp để xảy ra sai phạm…

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo bốn đơn vị công ích trên phải thu hồi ngay số tiền chi lương cho các lãnh đạo không đúng quy định để từ đó giải quyết đúng chế độ cho người lao động. Đặc biệt, TP yêu cầu các đơn vị trên phải lý kết lại hợp đồng lao động cho đúng Bộ Luật Lao động.

Ngày 26/8, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Mạnh Hà đã ký ban hành kết luận việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương tại bốn doanh nghiệp công ích của TP có lương cao bất thường và chế độ tiền lương bất bình đẳng (thời điểm năm 2002).

Cụ thể, lương của Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị là 2,6 tỉ đồng/năm, Chủ tịch HĐTV là 1,6 tỉ đồng/năm; Giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng là 2,2 tỉ đồng/năm, Chủ tịch HĐTV là 2,4 tỉ đồng/năm; Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn là 856 triệu đồng/năm, Chủ tịch HĐTV là 853 triệu đồng/năm; Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh là 759 triệu đồng/năm, Chủ tịch HĐTV là 691 triệu đồng/năm.


Hoài Sa/24H

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Đặng Ngọc Viết đã chuẩn bị di ảnh





VNN - Trước khi tiến hành nổ súng, Đặng Ngọc Viết đã chuẩn bị lên kế hoạch trước là sẽ tự sát. Viết cũng đã chuẩn bị sẵn cho mình một di ảnh.


Sáng 12/9, rất đông người dân đã đến để chia buồn cùng gia đình Đặng Ngọc Viết.

Những ai có mặt, đều không ngờ rằng Viết dám mang súng vào tận UBND ủy ban để giết người.

Theo người dân nơi đây, bình thường Viết rất hiền lành, ít nói.

Anh Đặng Ngọc Vinh, anh trai Viết cho biết: “Khoảng 14h30 tôi nhận được tin báo, em trai đã gây ra chuyện động trời. Chạy lên ủy ban đã thấy công an phong tỏa hiện trường còn em trai tôi đi đâu không biết. Cho đến khoảng 19h, em trai tôi đã tự dùng súng bắn vào tim để tự sát tại một ngôi chùa”.

Cũng theo anh Vinh, Viết vốn rất ngoan và nghe lời. Sau khi học hết cấp 3, Viết đi xuất khẩu lao động ở Nga và mới về Việt Nam được vài năm.



Người dân đến chia buồn cùng gia đình Viết.

Viết đã có vợ và hai con, con gái lớn 18 tuổi con trai 10 tuổi. Do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng nên hai người đã ly thân.
Vợ của Viết hiện tại đang cư trú tại Nga, hai người vẫn thường xuyên liên lạc với nhau.
Hiện tại, Viết ở cùng bố, sức khỏe rất yếu và một người anh trai là Đặng Văn Công bị chất độc màu da cam, thần kinh không ổn định. Mẹ Viết vừa mất cách đây khoảng 1 năm vì bệnh hiểm nghèo.
Bà Bùi Thị Kim (65 tuổi, trú tại tổ 21 phường Bồ Xuyên, TP.Thái Bình) mẹ vợ của Đặng Ngọc Viết cho biết: Từ khi hai vợ chồng chia tay nhau, 2 con nhỏ giao bà ngoại chăm sóc.

"Giờ bố chúng nó mất đi không biết các cháu sẽ ra sao. Không ngờ, một phút nông nổi, Viết đã không làm chủ được bản thân, tự kết liễu cuộc đời mình" - bà Kim nói.

Cũng trong sáng nay, lễ tang nạn nhân Vũ Ngọc Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Thái Bình đã được tổ chức.

Gia đình nạn nhân cho biết, từ trước đến nay, ông Dũng không có mâu thuẫn gì với đối tượng.

Hé lộ nguyên nhân vụ xả súng?

Theo thông tin ban đầu từ người nhà nạn nhân, nguyên nhân khiến Đặng Ngọc Viết xả súng vào 5 cán bộ là do mâu thuẫn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo đó, căn nhà nơi Viết đang ở có diện tích khoảng 200m2, nằm trọng diện giải tỏa.



Viết chuẩn bị sẵn di ảnh trước khi vác súng xông vào trụ sở Trung tâm phát triển quỹ đất.

Theo khung giá mà phía Ban giải phóng mặt bằng đưa ra, số tiền mà Viết được nhận khoảng 500 triệu đồng.


Ban đầu, Viết định lấy tiền đền bù bằng tiền mặt nhưng phía UBND TP không trả một lần mà chia ra làm nhiều đợt. Sau khi lấy được 3 đợt, Đặng Ngọc Viết muốn chuyển sang hình thức nhận đất ở khu tái định cư và trả lại tiền mặt đã nhận nhưng không được chấp thuận.

Đặng Ngọc Viết đã làm đơn kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết nên xảy ra mâu thuẫn với ông Tư và ông Dũng là Giám đốc và Phó giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất TP Thái Bình.

Chính vì thế, chiều ngày 11/9, Viết đã mang theo một khẩu súng Col cùng với 6 viên đạn, xông thẳng vào trụ sở Trung tâm phát triển quỹ đất và nổ súng.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Vương, Phó Chánh Văn phòng Công an tỉnh Thái Bình cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, lúc 16h, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thái Bình đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “giết người” và ra lệnh truy nã hung thủ Đặng Ngọc Viết.

Lúc 20h, sau khi phát hiện hung thủ đã tự sát tại quê ở chùa Đông Sơn, xã Trà Giang, H.Kiến Xương, đích thân Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, ông Trần Xuân Tuyết đã xuống hiện trường để chỉ đạo điều tra.

Kết luận ban đầu khi kiểm tra hiện trường và giám định pháp y cho biết, Đặng Ngọc Viết đã tự sát bằng súng ở bên ngoài khu nội tự chùa Đông Sơn.

Kết quả giám định pháp y cũng khẳng định không phát hiện có chất ma túy trong cơ thể Đặng Ngọc Viết.

Một cán bộ Công an tỉnh Thái Bình tham gia vào quá trình điều tra vụ án cho biết, hung thủ Đặng Ngọc Viết đã bắn tổng số 5 viên đạn.

Trong đó, có viên trúng đầu làm chết Phó giám đốc Trung tâm là ông Vũ Ngọc Dũng, 3 người còn lại bị thương nặng. Viên đạn thứ 5 rất may bắn sượt qua mang tai Phó giám đốc trung tâm là bà Phạm Thị Lan Anh. Có thể viên đạn cuối cùng trong khẩu súng được Đặng Ngọc Viết để dành cho chính mình.

Cũng trong đêm qua, Công an tỉnh Thái Bình đã tiến hành giám định pháp y đối với nạn nhân Vũ Ngọc Dũng.

Ngay trong đêm, sau khi hoàn thành giám định pháp y với cả nạn nhân và hung thủ, cơ quan công an đã đồng ý cho gia đình đưa thi thể nạn nhân về tổ chức tang lễ.



Trong một diễn biến khác, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Ý - Chủ tịch UBND TP Thái Bình cho biết: “Hiện nay các cơ quan chức năng của TP đang khẩn trương kiểm tra lại xem trường hợp nổ súng có liên quan gì đến các dự án đang triển khai hay không.


Chúng tôi cũng chưa có thông tin chính xác là người nổ súng có bị thu hồi đất hay không. Nguyên nhân chính thức hiện các cơ quan điều tra đang tập trung làm rõ, vì việc mới xảy ra nên các cơ quan vẫn đang tập trung xử lý”.



Hoàng Sang

Linh hồn bé mọn (Zbigniew Herbert)



Tôi không thấy ở bất cứ đâu Freud vượt lên được tâm lý học của chính mình, và tôi chẳng rõ bằng cách nào ông muốn giải thoát những người bệnh khỏi sự đau đớn mà bản thân ông, như một bác sỹ, cũng đang phải chịu đựng. (Carl Gustav Jung)

Tôi không còn nhớ rõ mình đã bắt gặp văn bản ấy như thế nào. Có lẽ đó là vào thời gian tôi viết tiểu luận về Akrópolis, do công việc rất chật vật nên như thường lệ, tôi trốn vào thư sách, đọc các tiểu luận, các bài viết, bài báo rải rác trong các tạp chí khảo cổ học chuyên ngành và lập các ghi chép về chúng, dẫu lòng vẫn hồ nghi chẳng biết chúng có ích lợi gì không. Rõ ràng là tôi đã tự dối mình. Như thể tôi muốn biện minh rằng mình không vô công rồi nghề, rằng mình không rơi vào trạng thái tinh thần kiệt quệ, bởi vậy tôi làm một công việc thay thế, vô ích và chán ngán, với hy vọng từ sự vô ích và chán ngán đó tia sáng cảm hứng bất chợt lóe lên. Trong khi đó, mỗi ngăn kéo mục lục chuyên đề trong các thư viện tôi viếng thăm đều chứa hàng trăm tựa sách bằng các thứ tiếng khác nhau, hồ như muốn nói: „Anh vất vả mà làm gì, mọi thứ đều đã được viết ra, chẳng có gì để bổ sung trong lĩnh vực này. Vai trò duy nhất mà anh có thể làm là vai trò của người biên soạn”.

Chính trong thời gian bất an và lúng túng này, tôi bắt gặp bức thư Sigmund Freud gửi Romain Rolland nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của ông. Bức thư, theo như tính chất của nó, được dành để đưa vào cuốn sách lưu niệm mà bạn bè thân thiết xuất bản nhằm bày tỏ lòng trân trọng với nhà văn lớn.

Bỏ qua hình thức thư tín của phần mở đầu và kết thúc, có thể xem bức thư của Freud như một tiểu luận, và nó càng thú vị hơn khi người khởi thảo môn phân tâm học sử dụng phương pháp này với chính mình, hay nói chính xác hơn, với một tình tiết của trải nghiệm bản thân. Tình tiết này cách thời điểm viết thư hơn ba mươi năm và nhìn bề ngoài thì hoàn toàn nhàm chán, nó xuất hiện một cách dai dẳng và ngoan cố trong vùng ý thức – như Freud thú nhận - mà chẳng có nguyên nhân hay lý do nào rõ rệt.
Đó là năm 1904, như vào mỗi cuối tháng tám đầu tháng chín hàng năm, Freud và em trai quyết định nghỉ hè bên bờ Địa Trung Hải. Nhưng lần này kỳ nghỉ của họ ngắn hơn, nên họ thôi không du hành nước Ý như mọi khi, thay vào đó họ đến Trieste, rồi từ đó định ra đảo Corfu nghỉ vài ngày. Một người quen tình cờ gặp ở Trieste khuyên họ không nên thực hiện dự định ấy. Vào thời gian đó trên đảo rất nóng – anh ta nói – một chuyến tham quan Athens sẽ dễ chịu hơn nhiều. Đi bằng tàu thủy sẽ rất có lợi, vì còn dư ba ngày để thăm thú thành phố.

Đề nghị xem ra sáng suốt và hấp dẫn này – thật kỳ cục – lại khiến tâm trạng hai anh em trở nên khá u ám. Họ lang thang trong thành phố, không mấy dứt khoát, và thảo luận về dự định đi Athens chẳng lấy gì làm sôi nổi, họ chỉ nhìn thấy rặt những trở ngại. Nhưng tới giờ văn phòng Lloyd mở cửa, họ vẫn xuất hiện bên quầy và mua vé, như thể tạm quên đi trong chốc lát những khó chịu vừa qua.

„Vào buổi chiều hôm chúng tôi đến, khi đang ở Akropolis và ngắm nhìn bao quát phong cảnh, đột nhiên một ý nghĩ kỳ cục này chợt đến với tôi: „Vậy là tất cả những điều này thực sự tồn tại, y như ta đã được học ở trường”. Nhận xét đó không mấy đặc biệt, nhưng thể hiện chính xác cảm nhận của tất cả những người lần đầu đứng trước Colosseum, trước tượng thần Vệ nữ thành Milo hay bức chân dung nàng Mona Lisa. Và Freud đưa ra một thăm dò mang tính phân tích vào sâu trong trải nghiệm và cảm nhận này, để chỉ ra rằng nó hoàn toàn không thông thường như người ta tưởng.

Theo người khởi thảo môn phân tâm học, ở đây xảy ra trường hợp đặc biệt đồng tồn tại trong cùng một tâm thức hai thái độ trái ngược và hai phản ứng hoàn toàn khác nhau đối với thực tại nảy sinh từ chúng. Dĩ nhiên đó không phải là một sự phân hóa bệnh lý của cái tôi, nhưng trong cá nhân hình thành một khe nứt bất an và mối quan hệ đơn giản giữa chủ thể và đối tượng trở nên bị xáo trộn. Ta hãy xem xét kỹ hơn hiện tượng này.

Phản ứng đặc trưng nảy sinh từ thái độ thứ nhất là sự ngạc nhiên, rằng Akropolis đang được nhìn thấy kia thật sự tồn tại, như thể trước đó sự hiện hữu thực sự của nó vốn bị nghi ngờ; ngược lại, phản ứng đặc thù của thái độ thứ hai là „ngạc nhiên vì sự ngạc nhiên đó”, bởi vì hiện thực Akropolis chưa bao giờ từng là đối tượng của hoài nghi.

Để minh họa cho thái độ thứ nhất, Freud nói rằng có thể so sánh nó, với đôi chút cường điệu, với phản ứng của một người đang lướt trên hồ Loch Ness ở Scotland thình lình nhìn thấy thân hình con quái vật nổi tiếng bị kéo lên bờ, khi ấy anh ta buộc phải công nhận: nó tồn tại thực sự, cái con quái vật biển mà ta chưa bao giờ tin ấy. Thái độ thứ hai, ngược lại, gần với chủ nghĩa hiện thực ngây thơ, chấp nhận vô điều kiện chứng thực của các giác quan, hoàn toàn mở ngỏ và không bị xáo trộn bởi bất cứ phản chiếu nào của thích thú hay kinh sợ.

Diễn giải tự nhiên nhất của hai cảm giác „kình địch” này là khẳng định rằng có sự khác biệt cơ bản giữa điều ta trải nghiệm trực tiếp và điều ta được nghe hay biết qua sách vở, và rằng chính sự chồng lấp của kiến thức với sở thị dẫn đến những cảm giác mâu thuẫn đó cùng sự xáo trộn cảm nhận thực tại. Song Freud không chấp nhận diễn giải này bởi theo ông nó quá sáo mòn và chẳng giải thích được điều gì.
Freud cố gắng truy dấu tại sao ở Trieste ông lại chối bỏ viễn cảnh đi Athens hấp dẫn đến thế, và tại sao ở Akropolis niềm vui sướng nảy sinh từ cuộc gặp gỡ trực tiếp với tuyệt tác kiến trúc lại bị bóng đen nặng nề của chủ nghĩa hoài nghi che phủ. „Theo chứng thực của các giác quan, giờ đây tôi đang ở Akropolis, chỉ là tôi không thể nào tin được điều đó”, hay chính cảm giác đó được thể hiện một cách rõ ràng hơn: „Điều bây giờ tôi đang nhìn thấy không phải là thực”.

Chủ nghĩa hoài nghi – chính xác là từ đó. Không chỉ là một từ – theo Freud – mà còn là điều gì đó lớn hơn nhiều, bởi đây là một cơ chế tâm lý ăn sâu trong con người. Chúng ta biết rõ hoạt động của cơ chế tâm lý này từ kinh nghiệm thông thường. Mỗi khi gặp bất hạnh, chúng ta cự tuyệt nó bằng tiếng kêu: „không, không thể thế được!”, như thể ta cố gắng loại trừ phần hiện thực này, chối bỏ nó khỏi phạm vi ý thức của chúng ta. Và tác giả dẫn ra một ví dụ văn học – trích đoạn trường ca „Ay de mi Alhama”, trong đó phản ứng phòng vệ này được biểu lộ rõ ràng. Vua Boabdil nhận được tin Alhama thất thủ. Ngài hiểu rõ rằng điều đó có nghĩa là vương triều của ngài chấm dứt. Song vì không muốn biết điều đó, ngài xử sự với tin chẳng lành như thể nó chưa đến được với mình, như thể việc chối bỏ nó có thể thay đổi được diễn biến tình hình.

Cartas le fueron venidas,
de que alhama era ganada
Las cartas echó en el fuego
y al mensagero mataba.

Có thể dễ dàng hiểu được hành xử và tâm trạng nhà vua. Đơn giản là ngài cố gắng chiến thắng sự bất lực của mình, chiến thắng cảm giác rằng quyền lực của ngài không còn vô biên như xưa nữa, bởi vậy ngài ném bức thư báo tin thất bại vào lửa và ra lệnh giết các sứ giả. Không thể thay đổi số mệnh, ngài hủy diệt phương tiện thông tin.

Phản ứng phòng vệ này không khó lý giải và có thể được minh họa bằng hàng loạt ví dụ ít cực đoan hơn, trong đời thường cũng như trong văn học, gần gũi hơn với kinh nghiệm thông thường. Freud chú ý đến mặt thứ hai của chính sự vận hành cơ chế tâm lý này, như ông khẳng định, cái mặt tối, phi lô gích và mâu thuẫn với bản năng sinh tồn. Và ông cố gắng chỉ ra rằng con người cũng phản ứng tương tự như trong trường hợp bất hạnh – nghĩa là chối bỏ hiện thực - khi đột nhiên gặp hạnh phúc bất ngờ, gặp vận may, phần thưởng lớn, được người con gái mình thầm yêu chấp nhận lời cầu hôn. Phản ứng này được biểu lộ rõ trong câu tục ngữ có mặt trong mọi ngôn ngữ châu Âu: „quá tốt đẹp nên không thể là thực”. Trong khi sự phòng vệ chống lại mệnh rủi là điều hiển nhiên, thì vì sao chúng ta lại có phản xạ hoài nghi và không tin vào điều mang lại niềm vui, là nụ cười của số phận – Freud hỏi. Ông gọi tình thế mâu thuẫn này là „tình thế thất bại bởi thành công” và cho rằng con người mắc bệnh không chỉ vì không đạt được những khao khát trong đời, mà cả khi những khao khát mãnh liệt được thỏa mãn.

Việc tự phân tích tâm lý này sẽ thiếu sót nếu cụ già tám mươi tuổi Sigmund Freud vào thời điểm viết bức-thư-tiểu-luận này không quay trở lại thời thơ ấu và thời hoa niên trong ký ức. Ông nhớ lại sự nghèo khổ của gia đình, không khí ngột ngạt, đầy cấm đoán, tuổi trẻ với các khả năng và chân trời bị hạn chế.

Không, Freud không bao giờ nghi ngờ sự tồn tại của Akropolis, nhưng ông chưa từng có chút hy vọng rằng khi nào đó mình sẽ được tận mắt nhìn thấy nó. Và trong cái ngày điều đó xảy ra, ông những muốn nói với em trai: „Em có nhớ thời trẻ của chúng mình không? Hàng ngày mình cứ mãi đi đến trường trên một con đường, còn chủ nhật thì đến Prater hoặc xó xỉnh nào mình biết rõ trong thành phố. Thế mà bây giờ mình đang ở Athens, trên đỉnh Akropolis! Mình đã trải qua chặng đường mới dài làm sao!” - „Và nếu có thể so sánh những điều nhỏ bé với những điều lớn lao – ông viết tiếp – liệu Napoleon I trong ngày lên ngôi ở Notre Dame có nói với em trai rằng: „Cha của chúng ta sẽ nói gì nếu bây giờ ông có thể có mặt ở đây nhỉ?”.”

Đó là biểu hiện của niềm vui sướng tự hào, nhưng nó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc và gần như ngay lập tức bị xáo trộn bởi ý thức về việc vượt qua điều cấm kỵ, việc hái trái cấm, cảm giác tội lỗi sâu thẳm. Cảm giác tội lỗi ư? Phải, Freud đáp.

Có lỗi với ai? Cha Freud là một tiểu thương không giàu có lắm, học vấn không nhiều, và Akropolis chẳng có mấy ý nghĩa đối với ông. Nhưng các con trai đã hơn cha. Họ thật quá vượt trội so với cuộc hiện sinh bình thường của ông, họ „truất ngôi” ông và chính trong sự xâm phạm vào thần tượng người cha này cần truy dấu cảm giác tội lỗi đó, cảm giác đã tước đoạt đi niềm vui lẽ ra phải là một phần của những người đang tiếp xúc với tuyệt tác nghệ thuật.

Tại đây xuất hiện những lời phê bình của Freud : „Phải chăng mặc cảm người cha đã ngấm hết hoàn toàn vào quan điểm của trường phái Freud và chứng minh rằng nó chẳng thực hiện được bất cứ sự giải phóng đáng kể nào cho con người khỏi thuyết định mệnh của „câu chuyện gia đình”? Mặc cảm này với tất cả sự cứng nhắc định mệnh của nó và tính dễ kích động thái quá là một chức năng tôn giáo bị hiểu sai...”.

Trong bức-thư-luận-văn được viết vào cuối đời này, có lẽ chủ nghĩa bi quan sâu sắc của tác giả thể hiện nhiều hơn ở các thư văn khác. Đây không chỉ là chủ nghĩa bi quan thuộc về nhận thức, mà còn liên quan đến ngay chính bản chất con người, đến sự bất lực căn bản của anh ta trong việc đạt được hạnh phúc.

Tôi cố gắng tóm tắt một cách khả dĩ trung thành dòng tư duy của người khởi thảo môn tâm lý học chuyên sâu trong thử nghiệm nhỏ qua thư của ông nhằm giải thích một hiện tượng tâm lý cụ thể. Bởi thử nghiệm này được viết ra tuyệt hay và đầy khơi gợi, tôi bắt đầu suy nghĩ xem mình đã từng gặp điều gì đó tương tự hay chưa. Giống như khi đọc những cuốn sách giáo khoa bệnh học tâm thần, ta nhận ra ở mình, qua thấu cảm, những căn bệnh khác nhau được mô tả trong đó.

Trước hết tôi tự hỏi cảm giác tội lỗi của tôi trước các tuyệt tác như thế nào. Câu trả lời không hề dễ dàng, sự thú nhận đánh thức con quỷ của chủ nghĩa chủ quan, bắt ta phải nghĩ về thời thơ ấu, về những thất bại trong cuộc sống hay những người yêu dấu đã vắng xa, những người thân đã khuất của chúng ta, những người không được chia sẻ niềm vui sướng tuôn trào khi ta được trải nghiệm những điều đẹp đẽ.

Và nó là thế này: khi đứng ở Akropolis, tôi tưởng đến linh hồn những người bạn thua thiệt của mình, thương tiếc cho số phận họ, không phải vì tử thần nghiệt ngã, mà thương cảm vì họ đã bị tước đoạt mất sự huy hoàng vô tận của thế giới. Tôi đã gieo một hạt anh túc lên nấm mồ bị lãng quên.

Sở dĩ tôi dẫu sao cũng đã không bị rơi vào chủ nghĩa hoài nghi mà Freud miêu tả, vào nỗi xáo trộn của niềm tin về sự tồn tại thực sự của những gì tôi nhìn thấy, thì đó là vì một số nguyên nhân chính. Một khi tôi đã được chọn – tôi nghĩ – và điều đó chẳng vì công lao gì sất, được chọn trong trò chơi số phận mù lòa, vậy thì tôi phải ban cho lựa chọn đó một ý nghĩa, tước đi tính ngẫu nhiên và tùy tiện của nó. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là đối đầu với sự lựa chọn và biến nó thành của tôi. Tưởng tượng rằng tôi là người đại diện hoặc đại biểu của tất cả những người đã không được toại nguyện. Và giống như khi là người đại diện hay đại biểu, phải quên chính mình đi, dốc ra tất cả sự nhạy cảm và năng lực hiểu của mình, để Akropolis, các giáo đường, Mona Lisa tái diễn trong tôi, dĩ nhiên trong chừng mực giới hạn của trí óc và trái tim tôi. Và để tôi có thể truyền đạt lại cho người khác những gì mình lĩnh hội được từ chúng.

Việc mình luôn cảm thấy không tự tin trước các tuyệt tác, tôi cho là chuyện tự nhiên. Các tuyệt tác có cái quyền tốt đẹp là phá vỡ lòng tự tin kiêu ngạo và truy vấn tầm quan trọng của chúng ta. Chúng lấy đi một phần hiện thực của tôi, bắt tôi phải im lặng và ngừng tất bật vì những chuyện linh tinh, ngu ngốc. Chúng cũng không cho phép „tôi – như thánh Thomas More nói - cứ lúng túng mãi quanh chuyện vượt lên một thứ được gọi là „cái tôi” „. Nếu chấp thuận gọi tất cả những điều này là cuộc giao dịch, thì đó là một giao dịch có lợi nhất có thể. Vì sự khiêm nhường và yên lặng, các tuyệt tác đổi cho tôi „mật ngọt và ánh sáng” mà tự tôi không thể tạo ra trong chính mình.

Một trong những tội lỗi chí tử của văn hóa đương đại là nó tránh đương đầu trực tiếp với các giá trị tối cao, cũng như lòng tin đầy ngạo mạn rằng chúng ta có thể tồn tại không cần các khuôn mẫu (thẩm mỹ cũng như đạo đức), bởi vị thế của chúng ta trong thế giới được cho là phi thường và không gì sánh được. Chính vì vậy ta chối bỏ sự trợ giúp của truyền thống, bì bõm trong nỗi cô đơn của mình, đào bới trong những ngóc ngách tăm tối của linh hồn bé mọn bơ vơ.

Một quan điểm sai lầm đang tồn tại là truyền thống giống như khối tài sản thừa kế và người ta thừa kế nó một cách máy móc, không cần gắng sức, bởi vậy những người phản đối việc thừa kế cùng những ưu tiên vô lý đứng ra phản đối truyền thống. Trong khi đó, mỗi tiếp xúc với quá khứ thực chất đòi hỏi nỗ lực, công sức, do đó nó khó khăn và không thú vị, bởi „cái tôi” nhỏ bé của chúng ta kêu lên và tự vệ trước điều đó.

Tôi luôn tha thiết muốn giữ niềm tin rằng các tác phẩm tinh thần vĩ đại khách quan hơn chúng ta. Và chúng sẽ phán xét chúng ta. Ai đó đã nói rất chí lý rằng không chỉ chúng ta đọc Homer, xem bích họa Giotto, nghe Mozart, mà Homer, Giotto và Mozart đang chăm chú nhìn, nghe chúng ta, khẳng định sự phù phiếm và ngu ngốc của chúng ta. Những kẻ không tưởng tội nghiệp, những kẻ đốt đền, những kẻ thanh lý quá khứ giống như những kẻ điên tàn phá các tác phẩm nghệ thuật, bởi họ không thể tha thứ cho sự bình yên, phẩm giá và hơi mát tỏa ra từ chúng.

(Thái Linh dịch từ tập tiểu luận "Mê cung bên bờ biển", Nhà xuất bản Tập san Văn học, Warszawa 2000)

Tầm nhìn cùng hạt cát (Wisława Szymborska)


Thái Linh dịch


Chúng ta gọi nó là hạt cát.
Nó tự gọi mình không là hạt, không là cát.
Nó không cần tên
chung hay riêng,
tạm bợ, lâu dài,
đúng hay sai.

Với nó chẳng nghĩa gì cái nhìn, cái chạm.
Nó không cảm thấy bị nhìn và bị chạm.
Chuyện nó rơi xuống bên cửa sổ
chỉ là đối với chúng ta, đâu phải cuộc phiêu lưu của nó.
Với nó cũng thế thôi, rơi xuống đâu cũng vậy,
chẳng cần chắc chắn đã rơi rồi
hay vẫn đang rơi.

Từ cửa sổ nhìn ra hồ thật đẹp,
nhưng tầm nhìn không nhìn thấy chính mình.
Không sắc màu và không dáng hình,
không âm thanh, không mùi vị,
nó không đớn đau trên hành tinh.

Không đáy đáy hồ
và không bờ bờ nước.
Nước không khô không ướt.
Sóng không lẻ, không trùng
vỗ không nghe mình vỗ
quanh những tảng đá không nhỏ, không to.

Và tất cả dưới bầu trời vốn dĩ không trời,
nơi lặn xuống mặt trời hoàn toàn không lặn
và giấu mình không giấu sau vô thức mây trôi.
Gió kéo mây không vì điều gì khác
chỉ bởi vì gió thổi, vậy thôi

Trôi qua một giây.
Hai giây.
Ba giây.
Nhưng đó chỉ là ba giây của ta.

Thời gian trôi như người đưa tin khẩn.
Nhưng đó chỉ là sự so sánh của ta.
Nhân vật được bịa ra, sự vội vàng ước lệ,
còn tin tức thì vô nhân.


Nguyên tác:

Widok z ziarnkiem piasku
 



Zwiemy je ziarnkiem piasku.
A ono siebie ani ziarnkiem, ani piasku.
Obywa się bez nazwy
ogólnej, szczególnej,
przelotnej, trwałej,
mylnej czy właściwej.

Na nic mu nasze spojrzenie, dotknięcie.
Nie czuje się ujrzane i dotknięte.
A to, że spadło na parapet okna,
to tylko nasza, nie jego przygoda.
Dla niego to to samo, co spaść na cokolwiek,
bez pewności, czy spadło już,
czy spada jeszcze.

Z okna jest piękny widok na jezioro,
ale ten widok sam siebie nie widzi.
Bezbarwnie i bezkształtnie,
bezgłośnie, bezwonnie
i bezboleśnie jest mu na tym świecie.

Bezdennie dnu jeziora
i bezbrzeżnie brzegom.
Nie pojedynczo ani mnogo falom,
co szumią głuche na swój własny szum
wokół nie małych, nie dużych kamieni.

A wszystko to pod niebem z natury bezniebnym,
w którym zachodzi słońce nie zachodząc wcale
i kryje się nie kryjąc za bezwiedną chmurą.
Targa nią wiatr bez żadnych innych powodów,
jak tylko ten, że wieje.

Mija jedna sekunda.
Druga sekunda.
Trzecia sekunda.
Ale to tylko nasze trzy sekundy.

Czas przebiegł jak posłaniec z pilną wiadomością.
Ale to tylko nasze porównanie.
Zmyślona postać, wmówiony jej pośpiech,
a wiadomość nieludzka.


So sánh GDP đầu người của Việt Nam với vài nước Á Châu


Hiện nay, năm 2013 nước Việt Nam giàu hay nghèo? Câu hỏi được trả lời trong bài đọc “So sánh GDP đầu người của Việt Nam với vài nước Á Châu cuả tác giả Trần-Đăng Hồng, PhD.



Ngày nay, người Việt nào cũng biết là Việt Nam còn nghèo. Chữ “giàu” hay “nghèo” chỉ diễn tả tình trạng định tính chung chung, ta không biết được giàu hay nghèo ở mức độ nào, vì vậy cần phải định lượng bằng con số để có thể so sánh dễ dàng.
Để so sánh mức sống (living standards) giữa các vùng hay quốc gia, các nhà kinh tế xử dụng chỉ số GDP đầu người (GDP per capita). GDP (Gross Domestic Product) là tổng sản phẩm nội địa tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ hay quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. GDP đầu người là số trung bình (bình quân) của GDP toàn quốc chia cho dân số. Để so sánh mức sống giữa các quốc gia, GDP đầu người phải được chuyển đổi theo cùng một hệ thống tiền tệ, US Dollar (US$). Tuy nhiên, mức sống tùy thuộc vào giá cả và hối xuất của mỗi quốc gia, để chính xác hơn, tính GDP đầu người theo sức mua tương đương (Purchasing Power Parity, PPP) trên cơ sở chênh lệch giá cả hàng hóa ở nước đó so với giá cả hàng hóa tương tự ở Hoa Kỳ.
Từ năm 2010, báo chí cho biết GDP toàn quốc của Trung quốc rất lớn, khoảng $5880 tỉ cho năm 2010, vượt qua Nhật Bản ($5470 tỉ), và nay đứng hàng thứ 2 sau Hoa Kỳ. Tuy đứng thứ 2 thế giới, nhưng mức sống của người Tàu còn rất nghèo so với người Nhật, vì GDP đầu người của Trung quốc chỉ $7.500 trong lúc của Nhật là $34.000 (4,5 lần cao hơn Trung quốc), chưa kể đến sự chênh lệch quá lớn giữa người nghèo và người giàu ở Trung quốc
Dựa vào chỉ số GDP công bố cho thời gian một hai thập niên qua, chúng ta biết Việt Nam hiện nay còn rất nghèo, nhưng không biết nửa thế kỹ trước Việt Nam giàu hay nghèo. May mắn, mới đây (2012), cơ quan Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF, International Monetary Fund) công bố chỉ số GDP đầu người cho 185 quốc gia, bắt đầu từ năm 1960 (1).
Vì không phải là chuyên gia về chính trị kinh tế, người viết bài này không dám lạm bàn về nguyên nhân hay chánh sách kinh tế. Phần này để bạn đọc tự tìm hiểu (hay đã hiểu). Thiển giả chỉ trình bày lại các dữ kiện khô khan của số liệu do WB và IMF cung cấp bằng các biểu đồ dễ dàng theo dõi hơn.

Việt Nam năm 1960


Biểu đồ 1. So sánh GDP (US$) đầu người giữa vài quốc gia Á châu năm 1960 (Vẽ từ tài liệu 1)
Theo biểu đồ 1, vào thời điểm 1960, trong số 10 quốc gia Á châu, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH, South Vietnam, 223$) có GDP đầu người đứng sau Singapore (395$), Malaysia (299$), Philippines (257$), nhưng nhiều hơn Nam Hàn (155$), hơn gấp đôi Thailand (101$), gấp 2,4 lần Trung quốc (92$), gấp 2,7 lần Ấn độ (84$), và gấp 3 lần Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (North Vietnam, 73$).
Trong thời gian từ 1954 đến 1975, năm 1960 là năm VNCH có nền kinh tế huy hoàng nhất. Vào năm này VNCH xuất cảng (xuất khẩu) tổng cộng 84 triệu US$, gồm 2 sản phẩm chánh là cao su (40 triệu US$) và gạo (27,7 triệu US$). Riêng về xuất cảng gạo, năm 1960 là đỉnh cao nhất kể từ 1955 với khoảng 340.000 tấn, nhưng giảm dần sau đó, và từ 1965 Nam VN phải nhập cảng (nhập khẩu) 271.000 tấn, năm 1966 khoảng 434.000 tấn, và 1967 khoảng 749.000 tấn gạo (3). Tổng sản lượng quốc gia VNCH năm 1960 là 82 tỉ đồng VN, trong số này gồm có 4,481 tỉ đồng (5,5%) là tiền viện trợ (3). Hối xuất chính thức trong đầu thập niên 1960 là 1US$ = 118 đồng Ngân Hàng Quốc Gia VN (VNCH, South Việt Nam), trong lúc hối xuất chợ đen năm 1968 là 235-245 đồng (3).
Cũng cần nhắc lại là thời điểm 1960, chiến tranh du kích đã phá hủy khá nhiều nền kinh tế ở nông thôn của Miền Nam, nhất là sản xuất cao su và lúa gạo. Theo tài liệu 2, từ 1955 đến 1961, chính phủ VNCH đã gia tăng đầu tư, nhờ vậy kỹ nghệ (công nghiệp) và nông nghiệp phát triển mạnh, nhưng sau 1961, các yếu tố trên bị suy giảm vì chiến tranh. Vì vậy, năm 1967, lợi tức đầu người (income per capita) Việt Nam Cộng Hòa giảm xuống 126 US$, trong lúc Thái Lan tăng lên 141 US$ (3).
Việt nam trước 1960
Câu hỏi là trước 1960, Việt Nam có nền kinh tế ra sao? Theo Anne Booth (2003), vì hậu quả của đệ nhị thế chiến và chiến tranh dành độc lập sau đó, cho tới năm 1960, vài nước Á châu như Indonesia, Miến Điện và Việt Nam vẫn chưa khôi phục lại GDP đầu người của thời tiền chiến.
Chẳng hạn, Miến Điện có thời kỳ kinh tế huy hoàng nhất là năm 1929 có GDP cao hơn năm 1960 tới 68%. Riêng Việt Nam, đặc biệt là Nam Kỳ có thời kỳ kinh tế huy hoàng nhất là năm 1938, có GDP cao hơn năm 1960 là 69%. Vì Đệ nhị thế chiến (1939-1945) tiếp theo chiến tranh với Pháp (1945-1954) kinh tế Việt Nam kiệt quệ, suy giảm nặng nề, mải tới năm 1956 kinh tế mới bắt đầu tăng trưởng trở lại ở Miền Nam, và năm 1960 Việt Nam Cộng Hòa chỉ mới phục hồi được 60% của GDP đầu người của năm 1938 (4).
Như vậy, ở cuối thập niên 1930s, Việt Nam có một nền kinh tế hùng mạnh có hạng của Á Châu, chỉ đứng sau Nhật Bản, có lẻ ngang ngửa với Malaysia (lúc này Singapore còn là lãnh thổ của Malaysia), Philippines, và hơn hẳn các quốc gia khác như Thái Lan, Trung quốc, Triều Tiên, Ấn Độ và Indonesia.
GDP đầu người của Việt Nam và vài nước Á Châu từ 1980 đến 2011
Việt nam thống nhất lãnh thổ từ sau biến cố 30/4/1975. WB không có công bố số liệu GDP của Việt Nam trong 4 năm từ 1976 đến 1979. Vì vậy, ở đây chỉ trình bày từ năm 1980 cho tới nay (2011).
Biểu đồ 1 trình bày GDP đầu người của 7 quốc gia Á Châu trong thời gian 31 năm kể từ 1980 đến 2011.
Trong thời gian 1980 – 2011, có 3 thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới gồm 1984-1986, 1997-2003 và 2008. Mỗi kỳ khủng hoảng phải mất vài ba năm mới phục hồi lại. Chẳng hạn cuộc khủng hoảng 1997, phải mất 6 -7 năm Singapore mới phục hồi, nhưng chỉ 1 năm với khủng hoảng 2008, trong lúc Nam Hàn với khủng hoảng năm 2008 tới nay mới phục hồi. Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam coi như không bị ảnh hưởng gì (biểu đồ 1).

Theo biểu đồ 1, mọi quốc gia đều có tăng trưởng, nhưng với vận tốc tăng trưởng khác nhau. Nếu tính theo vận tốc tăng trưởng thì Singapore và Nam Hàn mạnh nhất, kế là Malaysia. Mặc dầu Nam Hàn có vận tốc tăng trưởng cao hơn chút ít, nhưng mức khởi đầu quá thấp, nên Nam Hàn vẫn chưa thể nào bắt kịp và Singapore vẫn còn tiếp tục dẫn đầu. Còn Việt Nam phát triển chậm nhất, vẫn ở vị trí chót trong số 7 quốc gia Á Châu nói trên (biểu đồ 1).




Biểu đồ 2. Biến đổi chỉ số GDP đầu người (US$) của Singapore (1), Nam Hàn (2), Malaysia (3), Thái Lan (4), Indonesia (5), Philippines (6) và Việt Nam (7) qua thời gian 31 năm kể từ 1980 đến 2011.
Thay đổi vị thứ. Trong vòng 31 năm qua, Singapore vẫn giữ hàng đầu. Tuy nhiên, Nam Hàn nhảy hạng từ thứ 3 của năm 1980 lên hạng 2 vào năm 1985, và Malaysia tuột hạng từ 2 xuống 3. Philippines từ hạng 4 xuống hạng 6 trong lúc Thái Lan nhảy từ hạng 5 lên hạng 4 từ 1987, và Indonesia nhảy lên hạng 5 từ 2005. Việt Nam vẫn tiếp tục giữ hạng chót trong số 7 quốc gia nói trên.
Cách biệt GDP của vài quốc gia lân cận với Việt Nam.

Bảng 1. Số lần cách biệt GDP đầu người giữa một quốc gia đối chiếu với Việt Nam (tỉ số của GDP quốc gia đối chiếu/GDP của Việt Nam) ở hai thời điểm 1980 và 2011. Cột 4 là số lần gia tăng GDP của năm 2011/GDP của năm 1980 của một quốc gia. Cột 5 là số năm cần thiết để GDP tăng lên gấp đôi...




Theo Bảng 1, GDP đầu người của Singapore nhiều 9,25 lần GDP của Việt Nam vào năm 1980, và chênh lệch tới 35,86 lần vào năm 2011. Thái Lan và Indonesia chỉ hơn Việt Nam chút ít vào năm 1980 (1,35 và 1,14 lần), nhưng nay Indonesia gấp 2,5 lần và Thái Lan gấp gần 4 lần Việt Nam.
Trong vòng 31 năm qua, GDP của Nam Hàn gia tăng 13 lần, tức chỉ cần 4,7 năm GDP tăng gấp đôi, Singapore 10 lần tức mỗi 6 năm GDP gấp đôi, Thái Lan 7,8 lần trong khi Việt Nam chỉ 2,7 lần, tức Việt Nam phải mất hơn 23 năm GDP mới tăng gấp đôi (Bảng 1). Như vậy, càng về sau Việt Nam càng tụt hậu.
Việt Nam có thể bắt kịp Thái Lan không?
Nhìn biểu đồ 2, chúng ta thấy là Việt Nam sẽ không bao giờ bắt kịp được Philippines, Indonesia, Thái Lan, chứ đừng mơ tưởng bắt kịp Malaysia, Nam Hàn hay Singapore.
Để có thể tiên đoán chính xác, tác giả dựa vào số liệu do IMF cung cấp trong 10 năm qua (2002-2011) để vẻ lại mức tăng trưởng GDP đầu người cho mỗi quốc gia. Sau đó, dùng máy vi tính thử nghiệm các mô hình toán học để vẻ nhiều đường biểu diễn, rồi chọn một đường biểu diễn nào phù hợp có độ chính xác cao nhất. Kết quả cho thấy là các đường biểu diễn cho các quốc gia trình bày trong biểu đồ 3 có độ chính xác cao nhất (R2 từ 0.944 cho Malaysia và 0.988 cho Việt Nam). Ở mỗi đường biểu diễn, chương trình toán học thống kê cũng cho một phương trình. Giải đáp bài tính lần lượt giữa hai phương trình của hai quốc gia để tìm ẩn số thời gian nơi hai đường biểu diễn gặp nhau, tức là thời kỳ GDP của quốc gia này bắt kịp một quốc gia khác.



Biểu đồ 3. Đường biểu diễn biến đổi chỉ số GDP đầu người (US$) của Singapore (1), Nam Hàn (2), Malaysia (3), Thái Lan (4), Indonesia (5), Philippines (6) và Việt Nam (7) qua thời gian 10 năm từ 2002 đến 2011. Đường biểu diễn do chương trình toán học thống kê cho kết quả phù hợp với các số dữ kiện với độ chính xác rất cao (R2 từ 0.944 cho Malaysia và 0.988 cho Việt Nam).

Kết quả phân tích toán học bằng máy vi tính cho thấy đường biểu diễn tăng trưởng GDP đầu người của mỗi quốc gia không phải là một đường thẳng (linear) như mắt ta thấy, mà là một đường cong theo hình dạng của một cánh parabole (parabolic curve). Càng xa trục tâm 0, đường biểu diễn càng cong lên hơn, tức vận tốc tăng trưởng theo phương trình lũy tiến.




Biểu đồ 4. Đường biểu diễn tiên đoán GDP đầu người trong thời gian 50 năm tới (trục tâm 0 là năm 2013) cho Singapore (1), Nam Hàn (2), Malaysia (3), Thái Lan (4), Indonesia (5), Philippines (6) và Việt Nam (7). Tiên đoán dựa theo vận tốc tăng trưởng của thời gian 2002-2011 của biểu đồ 3.
Cần nhớ rằng ở thời điểm 0 (tức năm 2013), các quốc gia không khởi hành cùng ở mức 0, mà ở những vị trí khác nhau trên trục tung (Y). Chẳng hạn Việt Nam có tọa độ 1.660 US trong lúc Singapore ở tọa độ 50.899 US$, tức GDP hiện có của các nước này ở thời điểm 2013. Ngoài ra, vận tốc lũy tiến (độ cong) của mỗi quốc gia cũng đều khác nhau.
Theo tiên đoán của biểu đồ 4, Indonesia sẽ bắt kịp Thái Lan trong 23 năm tới (tức 2036) và kịp Malaysia vào 2095. Nam Hàn có vận tốc tăng trưởng lũy tiến chỉ hơn Singapore chút đỉnh nên Nam Hàn vẫn chưa bắt kịp trong thế kỷ 21.
Riêng phần Việt Nam, vì vận tốc gia tăng thấp hơn mọi quốc gia, nên tiếp tục ở hạng chót, không những không bắt kịp được nước nào mà càng ngày càng tụt hậu, càng nghèo nếu so với các nước trên.
Biểu đồ 5 trình bày dữ kiện cung cấp bởi IMF tiên đoán tăng trưởng GDP từ 2011 đến 2017, cũng xác định rằng Việt Nam sẽ không bao giờ bắt kịp các quốc gia nói trên, nếu vẫn tiếp tục tăng trưởng với cường độ hiện tại (vận tốc ban đầu = (1374 – 440)/10 = tức tăng thêm 93.4 US/năm).



Biểu đồ 5. Tiên đoán GDP đầu người do IMF thực hiện cho thời kỳ 2011 – 2017 cho Malaysia (3), Thái Lan (4), Indonesia (5), Philippines (6) và Việt Nam (7). Vẽ từ tài liệu của IMF (1).
Vì vậy, muốn bắt kịp các nước nói trên, Việt Nam phải có vận tốc tăng trưởng ban đầu tăng cao hơn nữa, trước nhất để bắt kịp Philippines, sau mới tới Thái Lan.
Sau đây là các bài tính với giả sử rằng Việt Nam từ năm 2013 lần lượt đạt được vận tốc tăng trưởng GDP từ thấp lên cao, trước nhất bằng Philippines, rồi Thái Lan, rồi tới Indonesia, Malaysia, Singapore và Nam Hàn.
Nếu Việt Nam tăng vận tốc tăng trưởng GDP ban đầu bằng Philippines (tăng thêm từ 93,4 lên 133 US$/năm), Việt Nam vẫn tiếp tục tụt hậu, vì vậy muốn bắt kịp Philippines phải có vận tốc tăng trưởng cao hơn, càng cao hơn thì bắt kịp sớm hơn.
Nếu Việt Nam có vận tốc tăng trưởng ban đầu và vận tốc lũy tiến (độ cong) bằng Indonesia hiện nay (ban đầu tăng thêm 259 US, tuy thấp nhưng lũy tiến tăng nhanh, xem đường cong ở biểu đồ 5), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines vào năm 2023, bắt kịp Thái Lan vào năm 2040, và bắt kịp Malaysia vào 2093.
Nếu Việt Nam có vận tốc tăng trưởng ban đầu bằng Thái Lan (tăng thêm 337,5 US$/năm, cao 3,6 lần hơn VN), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines trong 4,5 tới, tức giữa năm 2017, nhưng không bao giờ bắt kịp Thái Lan.
Nếu Việt Nam có vận tốc tăng trưởng bằng Malaysia hiện nay (tăng thêm 600 US/năm), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines vào năm 2015, Indonesia vào 2019, Thái Lan năm 2028, nhưng không bắt kịp Malaysia, Nam Hàn và Singapore.
Nếu Việt Nam có vận tốc tăng trưởng của Nam Hàn hiện nay (tăng thêm 1583 US$/năm), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines và Indonesia vào năm 2014, Thái Lan năm 2017, Malaysia vào 2022, Singapore vào 2117 (104 năm nữa).
Nếu Việt Nam có vận tốc tăng trưởng bằng Singapore hiện nay (tăng thêm 2724 US$/năm), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines vào giữa năm 2014, Indonesia vào cuối 2014, Thái Lan năm 2018, Malaysia vào 2020, nhưng không bắt kịp Nam Hàn và Singapore.
Trên đây chỉ là giả thuyết, bởi vì muốn đạt được vận tốc tăng trưởng ban đầu bằng Philippines (tăng thêm từ 93 lên 133 US$/năm) cũng vất vả lắm rồi.





Ông Lý Quang Diệu và sách mới xuất bản đầu năm 2013 “Hãy cảnh giác với Trung Quốc”. Qua ba thập kỷ nhiệm quyền của Lý Quang Diệu, Singapore từ một quốc gia đang phát triển nay đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới, mặc cho dân số ít ỏi, diện tích nhỏ bé và tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn. Lý Quang Diệu thường nói rằng tài nguyên duy nhất của Singapore là người dân và tinh thần làm việc hăng say của họ. Ông nhận được sự kính trọng của nhiều người Singapore, đặc biệt là những người lớn tuổi, họ luôn nhớ đến khả năng lãnh đạo của ông trong thời kỳ độc lập và tách rời khỏi Malaysia. Lý Quang Diệu vẫn thường được xem là nhà kiến trúc cho sự phú cường của Singapore ngày nay, mặc dù vai trò này có sự đóng góp đáng kể của phó thủ tướng, Tiến sĩ Goh Keng Swee, nhân vật chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển nền kinh tế Singapore.





10 quốc gia có GDP đầu người dẫn đầu thế giới năm 2030 và 2040

Sau đây là danh sách của Citygroup công bố vào tháng 2/2011 tiên đoán về 10 quốc gia và lãnh thổ (như Hồng Kông) có GDP đầu người dẫn đầu thế giới vào năm 2030 và 2040 (1).
Theo bảng xếp hạng tiên đoán này, Singapore dẫn đầu thế giới, tiếp theo là Norway, Switzerland và Canada trong năm 2030 và 2040. Nam Hàn từ vị trí 9 năm 2030 sẽ lên vị trí 6 năm 2040, Hoa Kỳ tụt từ thứ 7 xuống thứ 9, trong lúc Hồng Kông không còn nằm trong danh sách “Top Ten” của năm 2040, mà thay thế bằng Anh quốc.




Tài liệu tham khảo

1.List of countries by past and future GDP (nominal) per capitahttp://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_past_and_future_GDP_(nominal)_per_capita
2.Economy of the Republic of Vietnam
http://en.wikipedia.org/wiki/Economy_of_the_Republic_of_Vietnam
3. Timothy Hallinan (1969). Economic prospects of the Republic of Vietnam.www.rand.org/pubs/papers/2008/P4225.pdf
4. Tran Van Tho (2003). Economic development in Vietnam during the second half of the 20th century: How to avoid the danger of lagging behind. In: The Vietnamese Economy: Awakening the dorming dragon, ed. by Binh Tran Nam and Chi Do Pham, Routled Curzon, 2003, Chapter 2.
5. Anne Booth (2003). The Burma Development Disaster in Comparative

Historical Perspective. SOAS Bulletin of Burma Research, Vol. 1, No., 1, Spring 2003, ISSN 1479-8484 Trần-Đăng Hồng, PhD