Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Cái tôi đáng tởm


Cách đây khoảng 20 năm, chẳng nhớ vì sao và qua đâu, tôi được một ngôi sao điện ảnh người Việt từ Mỹ qua Pháp để công bố một phim Mỹ tại Paris trong đó nàng đóng một vai chính.
Lần đầu tiên tôi đặt chân vào khách sạn Ritz. Tến ấy, tôi nhớ liền không vì nàng công chúa Diana của Anh Quốc mà vì, xưa kia, tôi lỡ mê một truyện ngắn : Un diamant gros comme le Ritz của Francis Scott Fitzgerald.
Nàng mời tôi ăn trưa trong "suite" của nàng. Nàng đẹp, thanh. Biết nói gì hơn ?
Tôi vốn thô bạo, liếc qua thực đơn, liền kêu một bữa ăn đầy đủ, hấp dẫn nhất. Nàng chỉ kêu một món súp. Ngượng chín người. Hè hè.
Trong câu chuyện, nàng thản nhiên nói : "le moi est haïssable". [1]
Tôi sững sờ. Đây là một câu văn của Pascal mà bố tôi đã dạy và bình luận cho tôi. Không hiểu vì sao tôi không quên. Hè hè… Thuở ấy, ở miền Nam, nó vậy. Một nghệ sĩ điện ảnh trích dẫn một ý tưởng của Pascal bằng tiếng Pháp, rất tự nhiên.
Khoảng 20 năm sau, tôi may mắn gặp một nàng nghệ sĩ trong một lĩnh vực khác. Nằng cũng nói một ý tương tự : làm nghệ thuật phải biết "quên" cái tôi (không nhớ chính xác nàng dùng ngôn từ nào, nhưng ý là tình ca hay hơn tình ta).
Tôi không sững sờ nữa. Tôi nhói đau.
20 năm trong một kiếp người, đâu có ít ! Mỗi lần hạ bút, tôi vẫn phải trực diện với tôi. Xoá hay giữ hè ? Vì sao ?
Lạ thật, ở PhuLăngXa, thế kỷ 17, hai triết giá lớn nhất lại có quan điểm ngược nhau :
- Blaise Pascal (1623-1662) thì viết : Cái tôi đáng tởm.
- René Descartes (1596-1650), người được coi như đã mở màn cho triết học hiện đại, chính là người đã đặt cái "tôi" vào cương vị chủ thể của tư duy, nền tảng của triết lý.
Tình ca là một khái niệm trừu tượng, ai muốn nhét gì vào đó thì nhét, nó thịch hợp với mọi người, thể hiện mọi người, nghĩa là : chẳng thể hiện ai. Do đó, đông đảo quần chúng ưa tích tình ca.
Tình tôi là một hiện tượng cá biệt, chỉ thể hiện tôi thôi, mấy ai ngửi nổi ? Hè hè.
Không biết giữa tình catình tôi, trong nhân giới nàytrong tiếng Việt, có thể có một không-thời gian cho tình ta không ? Không chỉ là tôi hay chúng tôi hoặc chúng ta.
Cả vấn đề ở từ ta. Nó nghĩa là gì ? Dịch qua tiếng PhuLăngXa chỉ có thể là : je, on hay nous. Đều không thích hợp. Trừ khi hiểu : Ta là Tha nhân (Je est un Autre, Rimbaud), lại hiểu một cách đặc biệt nữa.
Làm người trong hai ngôn ngữ, có lúc zui zui thật. Hè hè.
2013-08-09
 Phan Huy Đường


[1] haïssable = đáng thù, đáng hận, theo từ điển. Tôi dịch theo cảm nhận cá biết của tôi đối với tư duy và văn phong của Pascal.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét