Xóm nhỏ của tôi, xóm ổ chuột, bé Mắm, tên khai sinh Vũ Tuyết Mộng là bạn cùng lứa, chơi thân với nhau từ nhỏ, sau đó nhà Mắm chuyển về khu trung tâm thành phố. Nhà nghèo, học hết phổ thông thì vào bộ đội, sau hai năm trở về, tôi làm bảo vệ ở một khách sạn do có chút đỉnh lăn lê bò toài và mấy miếng võ nên được ưu tiên. Mắm học lên Đại học, chúng tôi gặp nhau dịp nghỉ hè. “Xinh đẹp, giỏi giang như cậu thế nào chả có mấy anh như chuồn chuồn lượn quanh”, tôi hỏi,“có, nhưng con trai các cậu như bây giờ như người máy, suốt ngày tiếng Anh vi tính, khô khan như ngói, tớ cần tâm hồn chứ không cần tiền bạc”. Mắm bĩu môi. Ừ nhỉ, tôi nhớ hồi học lớp 12, đến nhà Mắm thấy mẹ nó ra mở cửa mắt đỏ hoe. Nó ra đón tôi còn chấm mùi soa trên mí mắt. Tôi cứ tưởng hai mẹ con cãi nhau nhưng không phải, họ đang xem phim Hàn Quốc đến đoạn anh Kim Yongil bị ung thư không qua khỏi.
“Làm ở khách sạn nên quen nhiều nghệ sĩ, tớ giới thiệu cho cậu”, tôi nói. Mắm ngạc nhiên “thiệt không”, “bằng chứng đây, tối nay ra mắt tập thơ “Đừng nhầm tưởng của nhà thơ Hảo Huyền tại khách sạn của mình. Tặng cậu vé mời, mình ở phòng bảo vệ, nhớ đúng giờ”. Tôi nhấn mạnh câu nói và chìa tay cho nó nghéo.
Nhà thơ Hảo Huyền tuổi ba lăm, tóc óng mượt, sơ mi đỏ, cà vạt đỏ ngồi trên chiếc SH màu đỏ cùng tông. Tôi giới thiệu là Vũ Tuyết Mộng để họ làm quen. Nhà thơ tặng một người một cuốn sách có chữ ký dài loằng ngoằng như giun bị bằm. Tôi đọc trang đầu “Đừng nhầm tưởng /đại dương khóc/không phải đâu /đó là đại dương cười … /anh như đá /em cũng như đá /em là san hô/anh ốp mặt tiền”, hay quá, tôi thốt lên. Nhà thơ và người yêu thơ phái nữ sánh vai nhau vào sảnh .
Bẵng hai năm, một hôm mát trời, Mắm đến khách sạn rủ tôi cà phê ở quán “Mùi Lươn Nướng”. Tôi thật thà “cậu trả nhé, mình chỉ có hai chục trong túi”,“chuyện nhỏ”. Mắm cười mỉm. “Vẫn yêu thơ chứ”, tôi dò hỏi, “mình cũng có cảm tình với hắn, hắn viết tặng mình gần năm chục bài, lâu lâu mới gặp nhau vì mình đang học thêm ở Sài gòn. Về đây vào dịp cuối tuần chỉ ở quán cà phê và dạo biển chứ thời gian đâu mà tìm hiểu. Gần đây, thấy hắn đang chở bia thuê, mình tránh không gặp mặt để hắn khỏi mắc cỡ, té ra hắn đang nợ tiền in sách mấy triệu, chiếc SH hắn đi là mượn của đại gia mê thơ. Tiền ra mắt thơ cũng của đại gia đó, bà ấy năm mươi chồng chết, hắn có cái Cup 81 như cục sắt vụn, mình tìm cách lãng tránh và bai luôn”.
Nghệ sĩ thời nay như vỏ hến, mình sẽ giới thiệu cho cậu. Mắm lại ngạc nhiên “thiệt không”, “chứ bỡn à”, tôi chắc chắn .
Tôi quen nhà văn Tống Đạt chuyên viết trinh thám, tuổi trung niên, cũng vô tình. Hôm ra mắt sách tại khách sạn, nhà văn khả kính của tôi, khi kết thúc chương trình còn thừa vài cuốn không biết tặng ai, vì bạn thì ít mà sách in thì nhiều nên dúi vào tay tôi một cuốn. Tôi cảm động và đẩy dùm xe cho nhà văn hơn trăm mét vì con Rim tàu giở chứng đòi tiền. “Cạc vi dít của nhà văn đây này, hẹn gặp nhé”, tôi nhiệt tình với Mắm.
Một cuộc hẹn định sẵn, uống ngụm cà phê trước khi bắt tay tạm biệt đôi bạn, tôi nhắn gửi “chúc thế gian có thêm người đọc sách” rồi dông thẳng. Hơn năm sau, nhân hội trường, gặp lại bạn cũ . “Truyện trinh thám bán chạy lắm, bồ của cậu ra được mấy cuốn“, tôi mừng ra mặt. Nó nhăn nhó và hít hà như cắn phải ớt chỉ thiên “ai dè đờ ơi là đờ, đi chợ thì mất ví, đi đường thì vào chiều ngược bị công an phạt tù tì. Hôm cùng tớ vào hội chợ, lão phắn về lúc nào, vì hắn quên có tớ đi cùng. Tớ phải gọi tắc xi, thực tình tớ đọc sách cứ ngỡ hắn phải là .…”. Mắm dằn từng tiếng “người ta nói nhà văn ngơ ngơ, nhà thơ đần đần chỉ có đúng trở lên, sao số mình rủi thế không biết, cậu giới thiệu toàn là người…”. Tôi ngắt lời “hai người đó là tinh tú nhất trong số văn sĩ mình quen ấy mà”, im lặng một lát tôi nhỏ nhẹ vào tai Mắm “tớ chuyển ngành cho cậu sang nhiếp ảnh hay hội họa nhé, coi như cấn nợ cũ”.
Mắm lại ngạc nhiên “thiệt không”, “chứ bỡn à”, tôi đóng cột lời hứa.
Họa sĩ Văn Màu có phòng tranh gần nhà tôi, họa sĩ thuê một gian hơn 10m2 mặt tiền trưng bày tranh và vẽ luôn tại đó. Hầu hết bán cho khách tây và thu tiền đô. Chưa đầy ba năm, buổi sáng điểm tâm bằng nắm xôi hai ngàn mua chịu của bà Sáu, họa sĩ trở thành ông chủ tài danh đi lại bằng ô tô (xe mua lại tiệm đồ cũ nhưng sơn lại nên ai cũng tưởng mới). Bất kỳ ông tây bà đầm nào đi qua gian hàng cũng được nhận một cái cạc vi dít của hắn như cấp vé qua vỉa hè miễn phí. Sáng, hắn làm tô phở đặc biệt có hai hột gà, ứng cho chủ quán mấy trăm, cuối tháng kết sổ để khỏi móc ví mất thì giờ. Hắn còn in cuốn át lát tranh bằng tiếng Anh quảng cáo ở các trung tâm du lịch. Mồng hai tết, mới hơn sáu giờ, tôi chỉ hướng nam xuất hành thì đụng ngay đôi bạn của tôi. Từ ô tô mới đổi đời lần hai của Văn Màu, Mắm bước xuống miệng cười như mai nở đủ cánh “chúc mừng năm mới, lên cấp, lên lương “, liền mở ví, lì xì tờ hai trăm, nhiều hơn thưởng tiền tết của cơ quan tôi dạo đó. Xong nhiệm vụ nàng lên xe. Tôi cảm động, “mình làm bảo vệ lên hết cấp rồi, lên lương thì nhận, chúc năm mới, đám cưới mới”.
Họa sĩ makéting của tôi bấm còi chào xuân rồi cài số. Thỉnh thoảng tôi có gặp họ khoác vai nhau không phải ở ngoài đường mà trên ti vi. Họ có mặt trong lễ khai mạc triển lãm tranh chống vứt rác bừa bãi do phòng văn hóa chức, hoặc lễ phát động phụ nữ tránh thai bằng bao cao su mà họa sĩ vẽ pa nô, áp phích.
Mùa xuân lại đến, Mắm gọi điện gặp tôi tại quán cà phê mới có tên là “Uống Hoài Không Tỉnh Ngủ”. Tôi ngóng chờ tin vui đột xuất, chứ không ngóng tiền lì xì. Mắm đến một mình, nụ cười méo lệch một bên như hoa mai bị mưa ướt, rụng một nửa. Mắm thở dài thườn thượt khi tôi hỏi “lên xe bông” tháng nào. “Bông hoa gì, rút lui bảo toàn”, Mắm ực ngụm nước cam vàng khè đặc quánh như nước bột màu pha để vẽ tranh. Tôi chưa kịp ngạc nhiên, Mắm cho lời giải “tưởng vậy mà không phải vậy, hắn dơ đến nỗi đi chơi với bồ mà không chịu rửa tay, mấy cái áo dài của mình phải bỏ đi vì dính sơn. Hắn có tiền là do bán tranh giả cho tây, hắn sao chép rồi ký đại ông này bà kia là họa sĩ nỗi tiếng. Trong nước kiện, ngoài nước kiện, hắn còn lừa mình mượn tiền chơi chứng khoán mấy chục triệu giờ chỉ vài miếng giấy lộn, tức quá đi mất”. Tôi hạ hỏa, “âu cũng là cái số, mà do trời sinh cậu có tâm hồn, dân gạch ngói như mình đâm khỏe”.“ Ừ nhỉ, mà cậu sao chưa lấy vợ, mới đó mà ba mươi cả rồi, khi nào tớ cũng thấy cậu đọc sách, cái gì cũng biết, cậu không có bằng mà gấp mấy cái thằng bằng này, bằng nọ, nhà văn, nhà váo, được cái mã làm oai, trống rỗng kêu to chả tích sự gì”.
“Có cần tớ giới thiệu nữa không”, tôi tặng cho Mắm cái nhiệt tình,“có chứ, nhưng lần này thì khác”. Mắm nhìn tránh mặt tôi, chậm rãi “tớ chỉ cần người như cậu, mà … là .. cậu .. thì …càng tốt” rồi chạy nhanh ra ngoài .
Tôi nhắn tin cho Mắm, “định gửi giấy mời cho cậu tại quán nhưng không tiện, tối chúng mình đến nhà, cô ấy là chủ nhiệm Câu lạc bộ... những người yêu thơ chưa bao giờ... đăng báo”.
Từ Sâm
Nha trang 2011