Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Mạng xã hội, hệ lụy khôn lường





Cùng với sự phát triển của in-tơ-nét, các mạng xã hội như blog, facebook, youtube, twitter, zingMe, google plus… mới chỉ du nhập vào nước ta khoảng dăm năm nay nhưng đã thu hút hàng chục triệu người dùng. Không thể phủ nhận những tiện ích do loại hình này mang lại, song đây cũng là “con dao hai lưỡi”. Hệ lụy phát sinh từ đây không còn là nguy cơ mà đã trực tiếp đe dọa cuộc sống không ít người, làm bộ mặt của mạng xã hội ngày càng tối tăm, biến dạng…


Cùng với sự phát triển của in-tơ-nét, các mạng xã hội như blog, facebook, youtube, twitter, zingMe, google plus… mới chỉ du nhập vào nước ta khoảng dăm năm nay nhưng đã thu hút hàng chục triệu người dùng. Không thể phủ nhận những tiện ích do loại hình này mang lại, song đây cũng là “con dao hai lưỡi”. Hệ lụy phát sinh từ đây không còn là nguy cơ mà đã trực tiếp đe dọa cuộc sống không ít người, làm bộ mặt của mạng xã hội ngày càng tối tăm, biến dạng…

Tiện ích, sống động, gần gũi…

Mạng xã hội (MXH) không chỉ là nơi giao lưu trực tuyến, mà còn hơn thế, vừa mang lại lợi ích thương mại, vừa là nơi có thể tìm hiểu mọi thứ liên quan mỗi cá nhân (giới tính, tôn giáo, trường học, sở thích, hoạt động, tư duy…) chỉ với vài nhấp chuột. Người dùng thể hiện mình trên MXH với việc chia sẻ hình ảnh và vi-đê-ô, cập nhật thường xuyên hoạt động và suy nghĩ, chia sẻ những gì mình đọc, nghe, thấy, trao đổi những vấn đề chung cũng như riêng tư…
Nhờ hệ thống mở của MXH, người dùng có thể tự do kết bạn với bạn mình, những người mình quen, bạn của bạn mình, thậm chí với cả người không quen biết. Khả năng truyền tin giúp thông tin được cập nhật của một cá nhân lan truyền thành cấp số nhân ở diện hẹp hoặc ở diện rộng cho mọi người trong cộng đồng MXH cùng biết. MXH giúp người dùng giữ liên lạc với bạn bè xuyên thời gian và không gian. Chỉ với smart phone, Ipod, Ipad… có 3G, người dùng lập tức biết bạn bè mình đang làm gì, ở đâu thông qua cập nhật của họ.
Tính chất “ở đây và ngay bây giờ” khiến thông tin MXH hơn hẳn phương tiện truyền thông khác, phần nào đáp ứng nhu cầu chia sẻ và thể hiện của người dùng. Dường như sự trải nghiệm mọi hoạt động, suy nghĩ trong cuộc sống của bạn bè trở nên rất sống động dù trong môi trường rất ảo đã làm cho MXH trở nên gần gũi, nhất là giới trẻ đầy năng động hiện nay.
Hiểm họa khôn lường
Càng trở nên phổ biến, tác động tiêu cực của MXH càng mạnh, xuất phát từ chính các tính năng của nó.
Nhiều nhà khoa học chỉ ra, MXH không chỉ có điểm dở mà còn nhiều điểm rất dở. Không phải ngẫu nhiên, các trang MXH đều quy định người dùng phải từ 13 tuổi trở lên, nhưng thực tế nhiều người dùng trẻ hơn thế.
Nhìn từ góc độ tâm lý, MXH khiến người dùng quá tập trung vào bản thân và thiếu kiểm soát dẫn đến nghiện. Đưa thông tin bản thân lên trang MXH cá nhân, trước hết sẽ là những gì mình cho là hay, đẹp để thể hiện trước người khác, khuyến khích sự hài lòng ngay lập tức về mình. Mặt khác, những bình luận dương tính, nút like của bạn bè càng kích thích sự tự mãn cá nhân. Việc quá tập trung vào bản thân có thể phát triển thành các triệu chứng bệnh tâm lý còn sự quá đà, mất khả năng dừng lại, thiếu kiềm chế, ý chí không đủ mạnh để điều chỉnh hành vi…là yếu tố dẫn đến hành vi có vấn đề của người dùng, trong đó có nghiện MXH.
Truy cập MXH thường xuyên, nhanh chóng chuyển hướng thông tin (thường là ngắn gọn) từ mục nọ sang mục kia, từ người nọ sang người kia tạo thói quen cho người dùng lướt nhanh mà không dừng lại để đánh giá thông tin, chỉ chú ý thông tin giật gân. Một số nghiên cứu cảnh báo, các trang MXH làm rút ngắn thời gian não bộ có thể tập trung, ảnh hưởng đến tiếp thu tri thức, giảm khả năng đọc tài liệu, đặc biệt gây hại cho lớp trẻ – những lao động tri thức tương lai.
Sử dụng MXH, người dùng cắt giảm thời gian giao tiếp với bạn bè trong cuộc sống thực, do đó các kỹ năng xã hội khó hình thành. Họ có thể có hàng trăm, hàng nghìn bạn trên MXH, nhưng trong số ấy, những người có thể gặp mặt, chuyện trò thật sự lại chẳng bao nhiêu. Cũng giống mèo nuôi nhốt trong lồng, dần dần kỹ năng bắt chuột mai một, người dùng không trải nghiệm các giao tiếp thực tế, sẽ mất nhạy cảm trong các mối quan hệ người với người. Cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp mặt đối mặt, thiếu kỹ năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ, khó thích nghi với sự thay đổi xã hội.
Chất lượng các mối quan hệ xã hội ngoài đời thực cũng suy giảm. Bản chất mạng là ảo, rất thiếu những chia sẻ mang tính gắn kết và ý nghĩa lâu dài, sâu sắc, không cần sự thấu hiểu, cảm thông với những biểu cảm thực tế; mọi thứ thường nhanh chóng và dễ dàng trôi qua. Cơ bản là người dùng chấp nhận các mối quan hệ mà không cần hiểu biết lẫn nhau, không cần thể hiện sự quan tâm sâu sắc, chia sẻ tình cảm, giúp đỡ, nâng niu về tinh thần… – những điều làm nên mối quan hệ thật sự có chất lượng vốn phải được xây dựng trên cơ sở các trải nghiệm thực tế, tương tác trực tiếp với nhau, xung đột và giải quyết xung đột. Thiếu nó, dần dần, người dùng trở nên hời hợt hơn trong các mối quan hệ với con người. Thiếu khả năng thấu hiểu và sự dễ dàng trong các quan hệ ảo, khó khăn trong các quan hệ thực khiến họ ngày càng xa lánh xã hội và đời sống cộng đồng.
Nguy hiểm hơn, dữ liệu cá nhân sẽ trở thành thông tin chung chia sẻ cho mọi đối tượng trên MXH, kể cả người lạ, làm mất tính bảo mật, đe dọa sự riêng tư của người dùng. Họ mất đi cảm giác an toàn của cá nhân mình trước mọi người. Không ai hào hứng khi những chuyện vốn rất riêng của mình bị đem ra bàn tán. Bởi cách nhìn nhận hoàn toàn khác nhau giữa các cá nhân, nên bên cạnh các ý kiến mang tính xây dựng cũng không hiếm những “comment” ác ý làm tổn thương nhiều người. Chính vì thế, trang MXH cá nhân hoàn toàn có thể bị lợi dụng với ý đồ xấu, thông tin cập nhật có thể bị bóp méo vô tình hoặc hữu ý.
Hãy là người dùng thông minh Sự hiện diện và phát triển của MXH là khách quan, nhưng tiếp nhận và sử dụng thế nào tùy thuộc chủ quan người dùng. Trình độ nhận thức, nền tảng đạo đức, lối sống, ảnh hưởng của môi trường sống là những nhân tố quan trọng giúp họ hình thành thái độ phù hợp, đúng đắn. Mọi chuyện xấu đều đến từ sự “quá liều”, thiếu kiểm soát; nên điều độ và cân bằng khi sử dụng MXH luôn là lời khuyên hữu ích. Tuy nhiên, đối với giới trẻ, để thực hiện được những lời khuyên này là không dễ, nhất là khi họ ngày càng thiếu nguyên tắc hơn, ưa chuộng tự do hơn trong cuộc sống cá nhân. Sự thờ ơ làm giới trẻ không có điểm dừng, nhưng cấm đoán lại là tác nhân kích thích vượt rào. Thế nên, bên cạnh tự giác của mỗi cá nhân, một thái độ đúng mực, kèm theo hiểu biết nhất định về thế giới công nghệ sẽ giúp cha mẹ và các nhà giáo dục tư vấn, định hướng, hành xử hợp lý hơn cùng với các biện pháp quản lý MXH hữu hiệu ở tầm vĩ mô sẽ là những “liều thuốc” miễn nhiễm với phiền lụy do MXH gây nên.
Sự vô ý, thiếu chín chắn trong suy nghĩ, nhận định, không lường trước hậu quả được thể hiện trong các lời bình hay trong các thông tin được cập nhật, ở các hình ảnh, clip được tải lên MXH có thể làm tăng nguy cơ xung đột trực tuyến giữa người dùng với bạn bè, với các thành viên; dẫn đến xung đột giữa con người với nhau ngoài đời thực. MXH ảo mà thực là như vậy. Những status kỳ lạ, với ngôn ngữ còn vụng về trong cách thể hiện, hình ảnh không được chọn lựa, có thể có những biểu hiện mà người khác nhìn nhận là vô lý, thậm chí có thể đem đến ác cảm cho người đọc.
PGS, TS PHAN THỊ MAI HƯƠNG (VIỆN TÂM LÝ HỌC)

Mạng Xã Hội




Hoang Huu Phuoc, MIB



Nhận được thông điệp trên của Ban Quản Trị LinkedIn, một mạng xã hội của Mỹ dành cho giới doanh nhân toàn cầu đã có từ năm 2003 và hiện nay có hơn 225 triệu người đăng ký sử dụng, thông báo “Chúc Mừng Phước Hữu! Trang tin của Ông trên LinkedIn là một trong số 5% hồ sơ được bạn đọc vào xem nhiều nhất năm 2012. LinkedIn hiện có 200 triệu thành viên. Cảm ơn Ông đã giữ một vai trò đặc sắc trong cộng đồng của chúng ta! ” kèm một bức thư điện tử của Ông Deep Nishar, Phó Chủ Tịch Cấp Cao của LinkedIn, nhân danh cá nhân để cảm ơn tôi vì đã là một thành viên tích cực của cộng đồng, tôi chợt nhớ đến đề mục “mạng xã hội” mà tôi đã bao lần bình luận và tiên tri thấu thị về cái tiền đồ tăm tối của nó qua những bài viết trong đó có vài bài tiêu biểu trên Emotino như:


- Blogging (đăng ngày 01-10-2008)

- Mạng Xã Hội: Ảo Tưởng Hoang Đường (đăng ngày 09-4-2010)

- Sự Cáo Chung Của Facebook (đăng ngày 21-6-2011)

- Mạng Xã Hội Đe Dọa Xã Hội (đăng ngày 19-8-2011)

- Ngày Tàn Của Mạng Xã Hội (đăng ngày 21-8-2011)

Trong khi thiên hạ phấn khích phấn khởi về sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và của các mạng xã hội, tôi ngay từ thời của Yahoo! 360 đã khẳng định rằng công nghệ thông tin sẽ không bao giờ phát triển được ở Việt Nam dù nó có được quy hoạch làm ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước hay không, và rằng Facebook và những thứ tương cận sẽ bị diệt vong bởi vì chưa gì hết mà bao người – có cả người nước ngoài – đã coi cái mạng xã hội miễn phí ấy (mà tiếng lóng Việt Nam gọi là “của chùa”) là của báu rồi vì cái thứ miễn phí dành cho con nít ấy nheo nhéo mắng mỏ Chính phủ Việt Nam ngăn cản truy cập, đàn áp tự do ngôn luận. Tôi cũng đã viết retort (không phải report) bằng tiếng Anh trên một “mạng xã hội” để mắng một doanh nhân ngoại quốc khi y viết nhăng viết cuội trên “mạng xã hội” về cái gọi là “ngăn cản truy cập” của Chính phủ Việt Nam vì tôi quyết không tha bất kỳ ai dù ở bất kỳ quốc gia nào và thuộc giống dân nào nếu kẻ đó dám phát huy cái “tự do ngôn luận” để láo xược xúc xiểm Việt Nam.

Trong khi chờ đợi truy xuất các bài viết của tôi theo từng chủ đề trong suốt thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI đến nay để đăng lại trên các blog cá nhân tôi vừa xây dựng, tôi muốn chia sẻ cùng những vị khách ghé uống nước tại Thùng Nước Đá các thông tin, ý kiến và nhận định sau:

1) Từ lâu tôi đã không tiếp tục dùng Facebook (và những mạng xã hội khác tôi từng có account như MySpace, v.v.) vì tôi là người khó tính, không bao giờ muốn gắn kết với bất kỳ cộng đồng mạng nào hỗn tạp pha trộn chung đụng với mọi hạng người như Facebook. Nhiều người đã muốn liên kết với tôi trên Facebook (tính đến 27-7-2013 đang có 151 yêu cầu) và nhiều năm nay vẫn nhắc nhở tôi đáp ứng yêu cầu kết nối của họ, nhưng tôi buộc phải im lặng, không phản hồi, đơn giản vì nếu tôi trả lời họ và cho biết lý do vì sao tôi nhún vai đối với Facebook thì sợ làm buồn lòng họ chăng.



2) Hiện tôi vẫn duy trì sinh hoạt trên một số mạng xã hội “đẳng cấp cao” như LinkedIn (mạng xã hội của Mỹ dành cho doanh giới toàn cầu như đã kể trên) và Anphabe (mạng xã hội của Việt Nam dành cho doanh giới tại Việt Nam).



3) Điểm đặc biệt là tại các mạng xã hội tôi tham gia, tôi đều nêu rõ chính kiến của mình chẳng hạn:



Thí dụ tại hai trong số những mạng xã hội tôi tham gia như trong ảnh trên, tôi đã nêu rõ: về Quan điểm về tôn giáo, tôi “OK” với bất kỳ tôn giáo nào không can dự vào bất kỳ hành vi hành động nào chống lại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; cũng như về Quan điểm chính trị thì tôi theo Chủ nghĩa cộng sản dân tộc với khuynh hướng trọng Khổng (Nationalist Confucianist Communism).

Còn trong Lời khuyên cho ai muốn liên hệ với Phước Hữu trên một mạng xã hội khác tôi tham gia như trong ảnh dưới đây, tôi đã nêu rõ: Tôi là nhà chuyên nghiệp chân chính; do đó, tất cả các ý kiến hoặc tài liệu nào có nội dung chống Cộng, chống Việt Nam, và/hoặc bài xích tôn giáo sẽ không bao giờ được chào đón, nghĩa là đừng bao giờ gởi đến tôi những ý kiến hoặc các tài liệu nào có nội dung chống Cộng, chống Việt Nam, và/hoặc bài xích tôn giáo, vì tôi sẽ xóa ngay chứ không bao giờ đọc những gì tôi xếp vào loại có giá trị không cao.



4) Tại các mạng xã hội tôi còn tham gia, tôi sử dụng chúng không như những “diễn đàn” vì tôi đã có các “thùng nước đá” riêng, mà như nơi để tôi (a) giúp ý kiến tư vấn miễn phí cho các doanh nhân trong cộng đồng, (b) đáp lại các lời mời liên kết với tôi của các doanh nhân trong và ngoài nước, (c) gặp lại học trò và người thân cũ, và (d) đánh đổ tất cả những lập luận chống lại chính phủ, chính sách, chính đạo, và thể chế chính trị của Việt Nam. Chẳng hạn để phản bác mạnh mẽ ý kiến một người nheo nhéo nói Facebook bị chính phủ Việt Nam ngăn chặn đường truy cập, tôi đã viết dồn dập tràn ngập tổng lực bằng tiếng Anh như sau mà tất cả các doanh nhân nước ngoài trong cộng đồng sau đó không bao giờ có thể viết chỏi lại được, đơn giản vì họ không bao giờ có thể viết tranh luận sâu sắc bằng tiếng Anh và không bao giờ có thể viết đủ dài bằng tiếng Anh dù họ là dân Anh hay dân Mỹ, và dù để ủng hộ kẻ ủng hộ Facebook hay kẻ chống Facebook (như lời của ông Steven Roelandts: “bạn nói thế về việc chính phủ Việt Nam ngăn chặn Facebook chứ tôi thấy vô Google mới hay gặp trục trặc”), đơn giản vì chỉ có kẻ thất học mới chống Việt Nam nên cách chi mà có đủ sức viết lách gì được cho ra hồn, và đơn giản vì đã là doanh nhân thì rất yếu trong biện luận ngôn ngữ hàn lâm:



Gần đây nhất, vào tháng 8 này doanh nhân Matthew Collier đã đăng lại bài của Jon Russell có dòng tít ”Việt Nam ra quy định cấm người sử dụng internet được chia sẻ thông tin…”



và tôi đã bảo vệ đất nước bằng lời đanh thép – vẫn với vũ khí cố hữu khiến 100% bọn Âu Mỹ phải chào thua: đó là hùng biện thật dài bằng Anh ngữ – như sau:



Nội dung nghĩa tiếng Việt:

Kẻ viết bài trên dứt khoát là tên vô lại hoặc ngu đần không rõ ý nghĩa thật sự của nguyên bản nghị định, hoặc cố tình chống lại Việt Nam, hoặc dị ứng trầm kha với chủ nghĩa cộng sản. Bộ việc sao y bài viết thuộc bản quyền và chủ quyền của người khác rồi dán vô blog của ai đó để ra vẻ như blog mình chuyên nghiệp lắm, sâu sắc lắm, phong phú thông tin lắm, là việc sạch sẽ, đúng đắn, và đoan chính hay sao? Nếu có kẻ muốn “chia sẻ thông tin” sao không cung cấp đường link để may ra nếu có ai quan tâm thì cứ lựa lúc nhàn cư mà truy cập tự xem lấy?

Vào thời khắc Hoa Kỳ đang muối mặt điếm nhục gia phong với vụ việc PRISM, chính quyền Mỹ đã ra sức dàn dựng vở kịch bịp lừa thế giới với lời la toáng hoang đường về nguy cơ khủng bố chống nhân dân Mỹ dẫn đến việc đóng cửa nhiều văn phòng ngoại giao của Mỹ đó đây trên toàn thế giới, cùng lúc đó rống họng về nhân quyền đó đây trên toàn thế giới, chỉ để người dân đó đây trên toàn thế giới bị bịt mắt trùm đầu trong mớ hỗn độn mù mịt khói mây mà quên phức vụ PRISM..

Nếu ông cho rằng có một bó những luật lệ áp dụng chung cho hết thảy các dân tộc thì ý ông là ông ở cùng một giuộc với cái bọn vô lại viết những thứ vớ vẩn ấy ư. Nếu ông đăng lại bài vớ vẩn ấy là để người đọc nhận ra đó là bài rác rưởi thì ông đích thị là bậc quân tử hiền nhân thông tuệ. Còn nếu ông đăng lại bài ấy vì ông bất tài chả viết được cái quái gì ra hồn, chỉ để khoe mẽ là ông sâu sắc, chuyên nghiệp, và dồi dào thông tin, thì tôi chắc chắn sẽ chứng minh cho ông thấy rằng so với mức độ sâu sắc, chuyên nghiệp, và phong phú thông tin của tôi thì ông chỉ đáng là quân tép riu chiếu dưới.

Chính quyền Mỹ có PRISM (để vi hiến, xâm phạm tự do dân chủ của nhân dân Hoa Kỳ và nhân dân thế giới). Chính phủ Việt Nam có những quy định rõ ràng để tôn trọng tác quyền, và tôn trọng người dân qua việc khuyên họ cung cấp đường link chứ đừng ăn cắp bài của người khác. Tôi là người Việt Nam. Và thật là thương hại người dân Âu Mỹ bị bịt mắt trùm đầu mà vẫn cứ ngỡ mình thông tuệ có quyền lực tối thượng để sủa nhặng lên về nhân quyền và quyền tự do ngôn luận. Tôi đang sử dụng quyền tự do ngôn luận để gọi tác giả bài viết đó là tên vô lại vất đi trời đánh thánh vật. Liệu ông nghe có lọt lỗ tai không? Vì vậy, đừng bao giờ nói động đến Việt Nam.

Xin cảm ơn ông rất nhiều về lòng tử tế và lịch sự của ông.

Hoàng Hữu Phước



Hoặc để tranh luận, chẳng hạn như khi doanh nhân Áo Quốc tên Rick Yvanovich nêu lên chủ đề ”Những quyết định chậm có thể làm triệt tiêu đà tiến của công ty bạn”, tôi đã góp ý như sau: ”Đúng là những quyết định chậm có thể làm triệt tiêu đà tiến của công ty bạn, nhưng những quyết định chóng vánh có khi lại đẩy công ty bạn đổ nhào qua bờ vực thẳm của hư mất. Tôi cho rằng mọi sự dựa trên 4 khía cạnh của sự đúng đắn, sự thông tuệ, sự chuẩn bị kỹ càng, và sự kịp thời, rồi sau đó là cái mà chúng ta gọi là sự may mắn. Việc kinh doanh nào phải như cuộc thi điền kinh chung chung; nó tùy thuộc vào việc cái cơ hội kinh doanh ấy có thể lớn đến cỡ nào. Chạy đua tốc độ 60 mét rất khác với chạy đường trường cự ly 10.000 mét. Đối với cơ hội kinh doanh lớn, sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ, và điều này cần đến một quyết định đúng đắn, khôn ngoan, cẩn trọng, và kịp thời, chứ nào phải là vấn đề của cái sự chậm hay nhanh”






5) Điều đáng tiếc là có nhiều người không thuộc doanh giới vẫn gia nhập để đưa lên bản lý lịch tìm kiếm việc làm, với hy vọng trong cộng đồng doanh nhân ấy sẽ có vị quan tâm tuyển dụng mình. Có nhiều bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học, làm nhân viên kinh doanh của công ty nào đó, đã lẹ làng gia nhập và xin liên kết với các doanh nhân, ắt do muốn tìm kiếm khách hàng để chào bán hàng hóa của công ty mình. Có nhiều người dường như chỉ muốn gia nhập để xin liên kết với mọi doanh nhân ngõ hầu có được số lượng liên kết “khủng”. Và có nhiều người thậm chí đưa “nick name” thay vì tên thật, còn hình ảnh bản thân thì hoặc đưa hình diễu cợt, hình của hài nhi, hình con thú cưng, hoặc chẳng có hình ảnh tự giới thiệu gì cả. Tất cả những cái hoặc vội vàng, hoặc nhí nhố, hoặc vô tâm vô tư trẻ con như thế ắt đã làm doanh nhân nước ngoại ngạc nhiên trước sự “vào lộn sân” và “múa tá lả” của những người kiếm tìm cơ hội việc làm và rao bán hàng chứ không có khả năng sẻ chia kinh nghiệm, kiến thức, ý tưởng kinh doanh, thông tin thương trường, v.v.; vì rằng chỉ có doanh nhân tay mơ mới gia nhập cộng đồng để tìm khách hàng và đối tác, vì những đại gia đều đã có thị trường phát triển riêng cùng những khách hàng riêng hoặc đã biết rõ ai là khách hàng tiềm năng hoặc ai cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp đẳng cấp cao nên sinh hoạt trong cộng đồng tất nhiên nhằm vào mục đích khác của “thượng tầng”. Những thí dụ sau minh họa cho sự thiếu chuyên nghiệp khi dùng hình trái tim, tên doanh nghiệp chứ không phải tên doanh nhân, hoặc không có hình ảnh tự giới thiệu và không có chi tiết bất kỳ về bản thân trong phần “profile” nhưng lại muốn liên kết với những doanh nhân như tôi vốn đã có profile cực kỳ hoàn chỉnh và nghiêm túc y như hàng trăm triệu doanh nhân khác..



Nói tóm lại:

- khi cái gọi là mạng xã hội dù bản thân, xuất thân, tự thân, chỉ là một thứ sân được bao vây kín mít với hàng chục lớp hàng rào kẻm gai điện tử để không ai thoát ra được, để mọi người vào đó rồi tùy theo tính cách cá nhân mà dạo chơi, nghỉ ngơi, nghĩ ngợi, chuyện trò, quậy phá, nhậu nhẹt, bài bạc, hút xách, xả rác, khạc nhổ, phóng uế, v.v., để nhân vật chủ nhân từ bi bác ái có cơ hội vừa thu tiền quảng cáo vừa quay phim chụp hình cung cấp cho CIA và chính phủ Mỹ trong chương trinh PRISM vi hiến vốn đã làm chuyên viên tin học của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương CIA và Cơ Quan An Ninh Quốc Gia NSA Edward Joseph Snowden đào thoát sang Nga tháng 5 vừa qua;

- khi điều đáng tiếc luôn tồn tại ở tất cả mọi ngóc ngách của đời sống con người trên chiếc hành tinh đơn độc này là chỉ có một số cực kỳ ít ỏi hiếm hoi xem internet như nguồn tư liệu để tra cứu mở mang tri thức và kiến thức hàn lâm của tất cả các ngành học nhằm phục vụ nghề nghiệp, phục vụ công ty, phục vụ gia đình, phục vụ xã hội, phục vụ đất nước, phục vụ nhân loại; và

- khi đời sống xã hội xoay vòng như trốt xoáy cuốn hút vào đó bất kỳ ai có đôi tay không đủ mạnh để bấu víu vào một vật thể mà bản thân vật thể ấy như quyển kinh kệ bằng giấy bồi cũ kỹ mong manh mỏng manh tiêu biểu cho chân lý tinh thần;

thì mạng xã hội vẫn làm được điều mà không bất kỳ một mạng-có-trả-tiền nào có thể làm được, đó là sức quy tụ của số đông, và do đó lời khuyên sau vẫn cứ là lời khuyên dành cho người không cố chấp:

- rằng bạn chí ít cũng đừng nên buông xuôi để cơn trốt xoáy của mạng xã hội muốn nuốt bạn đến đâu thì cứ nuốt và muốn ném hất đâu thì cứ mà hất ném;

- rằng bạn chí ít cũng công nhận một điều là trốt xoáy cuốn vào nó từ những chiếc ô-tô Buick đắt tiền, những tác phẩm nghệ thuật vô giá thời Phục Hưng văng ra từ bảo tàng mỹ thuật, đến những rác rến cùng bụi bẩn chuột bọ kinh tởm từ miệng cống;

- rằng bạn chí ít cũng công nhận một điều là trong trận cháy kinh hoàng vẫn có kẻ cơ hội rình rập hôi của, huống gì tại một sân chơi miễn phí nơi mà người ta không có cớ gì để luôn phải cảnh giác như lúc đang trong địch họa thiên tai; và

- rằng nếu muốn liên kết với tôi, bạn (a) đừng mãi gởi tin qua Facebook để chẳng nhận được trả lời vì tôi đã từ bỏ nó từ lâu vì cái tội của nó là đã thành cái ổ chứa chấp quá nhiều kẻ chống lại Việt Nam, (b) hãy gia nhập đúng sân, đúng cộng đồng mà bạn trong lĩnh vực hoạt động có liên quan; (c) hãy chuẩn bị cho trang profile của bạn thật đầy đủ chi tiết và nghiêm túc với hình ảnh và thông tin để phần tự giới thiệu tương xứng công bằng với profile của tôi hay của những người như tôi mà bạn đã đọc kỹ và biết rõ, vì rằng việc bạn có dùng ảnh chụp của người khác và dùng tên giả với chi tiết giả chí ít còn cho thấy bạn tôn trọng chủ nhân mạng cộng đồng doanh nghiệp cùng thành viên của nó, vì ngay cả vận động viên xe đạp cùng quốc tịch với Tổng thống Obama nhiều năm đoạt chức vô địch Tour de France vẫn sẽ bị đội bảo vệ điệu ra ngoài ngay lập tức nếu vận áo pull quần short đạp xe vào một câu lạc bộ polo dành riêng cho quý ông quý bà Anh Quốc “trang bị tận răng”: mặc áo chẽn quần bó hàng hiệu, đội mũ Casablanca giá 500 bảng, đi ủng Fagliano cao đến gối giá 650 bảng gắn thêm bộ đinh thúc ngựa hiệu Prince of Wales 20 bảng và bộ bảo hộ đầu gối Casablanca 200 bảng, đeo kính Oakley, găng tay Neumann, cầm roi có tay cầm bọc bạc, và gậy đánh bóng Gold Bands bằng gỗ manau-cane được chế tác thủ công từ New Zealand chỉ khi có đơn đặt hàng cá nhân, cùng danh sách dài bao thứ lỉnh ca lỉnh kỉnh khác, chưa kể thẻ hội viên vài chục ngàn bảng y như thẻ sân golf; và (d) hãy công bằng vì khi bạn gia nhập để tìm những mối lợi cho bạn thì bạn cũng phải cho người xem xét yêu cầu làm quen của bạn biết họ có thể học hỏi được gì từ bạn nếu chấp thuận yêu cầu được liên kết của bạn.

Đó là tất cả những gì người thận trọng, tự trọng, nghiêm túc, nghiêm trang, đáng kính, đáng nể, và yêu nước, yêu thân, nên tính đến trước khi tham gia một mạng xã hội nói chung và một mạng cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

CUỘC ĐỜI ĐỂ LẠI TRONG THƠ

Những xúc động thường trực 
“Người ta làm thơ như thế nào?”. Đã nhiều lần, trong tôi nảy ra cái câu hỏi có vẻ tò mò vậy, mà chưa dám hỏi một ai, vì nhiều lần cứ định hỏi là mọi người tìm cách lảng. May mà Xuân Quỳnh không lảng tránh thẳng thừng. Để giúp tôi “mục sở thị”, bên cạnh bài thơ, chị cho xem những quyển vở đã ghi chi chít những chữ là chữ: Chị đã nháp bài thơ ra văn xuôi trước khi hoàn chỉnh nó và cho nó một khuôn mặt cố định trên trang giấy. 
- Lúc viết những dòng này, tôi như người phát cuồng. Cứ phải ghi bằng hết những ý nghĩ đang ào ào kéo đến trong đầu không cần vần vèo gì vội. Còn sắp xếp lại, đặt vần, tôi làm sau, việc ấy đơn giản hơn.

Ngừng một lát, dường như để nhớ lại một chuyện gì đấy, Xuân Quỳnh kể thêm: 
- Hôm nọ có người hỏi tôi có hay thuộc thơ mình không. Quả thật, có khi tôi quên chứ không phải cái gì cũng thuộc đâu. Nhưng những bài thơ mà tôi thích thì bao giờ tôi cũng nhớ, nhớ cái tâm trạng nó chi phối mình, khi làm bài thơ ấy...
- Nghĩa là sự làm thơ ăn ở những xúc động?
- Người khác thế nào, tôi không biết. Với lại, ông còn lạ gì những xúc động ẩm ương của những nhân vật ấm đầu, khi viết tưởng mê man run rẩy lắm mà bài thơ vẫn nhạt như nước ốc. Nhưng đúng là bản thân tôi, lúc viết, như là bị ám ảnh, phải viết ra bằng được mới thôi. Còn hình thức thơ bốn chữ hay thơ tám chữ, chuyện ấy sẽ đến sau. Làm thơ mà có mỗi cái vần bắt không xong, thì còn tính chuyện viết lách làm quái gì nữa. 
Nói đến đây, Xuân Quỳnh cười xoà, bảo tôi cất các thứ tài liệu chị cho mượn vào túi, rồi lảng sang chuyện khác. 
Mạch thơ hồn hậu 
Thời xưa, tương truyền có những nhà thơ xuất khẩu thành chương, những người buộc phải làm thơ về một đề tài nào đó trong một thời hạn nào đó, và danh bất hư truyền, bao giờ cũng viết nên những bài thơ đọc được. 
 Gạt đi lối bắt vần ép chữ gò gẫm kiểu mấy chàng hay chữ làm thơ con cóc, thì đúng là có những người sinh ra để làm thơ, và các bài thơ được hình thành một cách xuất thần, nghĩa là thật dễ dàng, như có ai ốp đồng vào tay vậy. Kiểu như thơ Hồ Xuân Hương:
 - Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
- Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Thơ Tú Xương: 
- Sông kia rày đã nên đồng... 
Ở đây tôi không dám nói trong những người làm thơ hiện nay, ai sẽ còn lại với văn học, sáng tác của ai có giá trị lâu dài. Nhưng nếu như cần nêu lên một người hình như rất gần với thơ, sinh ra để làm thơ, thì người đó là Xuân Quỳnh. 
Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh có lần bảo tôi: 
- Thơ Xuân Quỳnh tự nhiên, như đã gọi là phụ nữ thì phải sinh con đẻ cái vậy. 
Sau khi đọc xong bài Sóng, đăng trên báo Văn Nghệ - đầu 1968, nhà thơ Vũ Cao cũng có tâm sự, đúng kiểu đồng nghiệp vẫn nhìn nhau: 
- Bài này Quỳnh nó viết bợm thật. Nghĩa là đọc xong, tự nhiên mình cũng có ý nghĩ là phải viết, viết một cái gì cho ra trò một chút, cho nó phải nể. 
Những ý kiến tương tự như thế - khen thơ Xuân Quỳnh dễ đọc, khen thơ làm tự nhiên mà thuyết phục - khá nhiều. 
Thì ra, bên cạnh việc nhắc nhở nhau lao động kiên nhẫn, bền bỉ, chúng ta còn đều thống nhất ở một điểm nữa: vẻ đẹp cao quý nhất trong văn học phải là vẻ đẹp tự nhiên. Nó không có quyền mang dấu ấn những gắng gỏi gò gẫm nơi tác giả, dù khi viết, tác giả đã phải lao tâm khổ tứ rất nhiều. Nhà văn phải làm chủ cảm hứng của mình, phải biết “thai nghén”, chuẩn bị, lại phải mau mắn thông minh khi “sinh nở”. Nhiều người thành công cho biết càng kéo dài thời gian viết, tác phẩm càng dễ nhạt. 
Theo sự quy định của hoàn cảnh  
Ấn tượng về một cái gì tự nhiên càng rõ rệt hơn khi người ta nhìn vào con đường Xuân Quỳnh đã qua để đến với văn học.  
Có một chi tiết tiểu sử nhiều người đã biết, ấy là trước khi làm thơ, Xuân Quỳnh là một diễn viên múa. Khi nghĩ đến nghề này, nhiều người tỏ ý coi thường và quả thật họ có lý riêng: ở Việt Nam, nghệ thuật múa chưa được nâng lên thành một hoạt động tinh thần mà chỉ dừng lại thuần tuý ở một sự khéo léo bản năng. Trường hợp của Xuân Quỳnh cũng không ra ngoài cái quy luật chung đó. ở tuổi mười bốn, thấy có thông báo tuyển văn công liền thử vào thi xem sao và từ khi thi vào đến khi chia tay chẳng qua một trường lớp nào cả. 
Nhưng nghĩ lại thì con đường mà Xuân Quỳnh đến với thơ so với hồi đến với múa đâu có khác?! Cũng như nhiều bạn bè cùng lứa, người làm thơ này đã làm cái nghề mình có năng khiếu theo kiểu tự nhiên thích, thấy mọi người làm thì cũng thử làm xem sao, và lấy số lượng thơ được công bố để đo tính tài năng của mình; năng nhặt chặt bị, sau những bài đăng báo thì tính chuyện dồn thơ lại thành tập. Nếu cần nói tới một ám ảnh thường trực thì đấy là ám ảnh có tác phẩm được in, hay nói rộng ra, được nói to lên trước mọi người, được xuất hiện trước công chúng; ngoài ra những vấn đề như thơ là gì, thơ có thể thay đổi như thế nào xem như chuyện trừu tượng xa vời, không việc gì phải băn khoăn cả. Mỗi cá nhân hãy tự khẳng định đi! Còn cái cách để tự khẳng định thì trông vào những người đi trước! Chẳng hạn, một quy trình làm việc quen thuộc của các nhà thơ lúc này là đi thực tế rồi về có ngay sáng tác kịp thời, quy trình này được Xuân Quỳnh tiếp nhận một cách tự nguyện. Nhiều lần lên rừng xuống biển. Nhiều lần về các vùng nông thôn Thái Bình, Hưng Yên. Riêng hai năm 1969-1970 lặn lội vào vùng đất lửa Quảng Bình hàng tháng trời. Đi đâu trở về nhà thơ cũng có được những sáng tác mới, chúng mang được cái nhìn riêng về những vùng đất mà trước đó chị hầu như chưa quen biết. Bởi ở đâu chị cũng có được cái nhìn riêng, đồng thời tìm ra sự gần gũi giữa mình với hoàn cảnh. “Người làm thơ mang tâm hồn trang trải khắp khung cảnh, con người và sáng tác ra đời là một sự đan dệt tự nhiên giữa chủ quan và khách quan” - qua Xuân Quỳnh, một công thức quen thuộc của sáng tác như thế được ứng nghiệm và chứng minh một cách đầy thuyết phục. Xin nhắc lại rằng cái sự tự nhiên này không phải riêng của Xuân Quỳnh mà của cả hàng loạt bạn bè đồng nghiệp. Mỗi thế hệ chỉ có được cái vai trò riêng mà lịch sử giao phó cho họ. 
Kể ra cũng có những hành động mà Xuân Quỳnh đã kiên trì theo đuổi để sống với thơ và hơn thế nữa như là chống lại số mệnh. Một thiệt thòi cho chị và cho nhiều bạn làm thơ cùng tuổi là không biết ngoại ngữ. Đau lắm thèm lắm, đành theo những lớp học thêm. Nhưng ở Hà Nội của chúng tôi những năm ấy, giá có biết tiếng sẵn cũng không có sách mà đọc, việc giao tiếp với nước ngoài bị hạn chế đến mức tối đa thì làm sao mà học được? Tôi nhớ có một dạo đi đâu trong túi xách của Xuân Quỳnh cũng có tập bài tiếng Pháp, ngoài ra không thể nhớ hết bao nhiêu lớp chị đã theo học. Bởi lẽ học ít kết quả nên các lớp đó cũng teo dần và ai muốn học lại theo những lớp mới, cả đời đi học mà cũng cả đời chưa thể gọi là biết ngoại ngữ để dùng trong công việc. 
Rộng hơn câu chuyện ngoại ngữ, Xuân Quỳnh còn không có may mắn được học hết phổ thông mà đi công tác, tức là đi kiếm ăn sớm, và về sau gặp nhiều khó khăn trong việc tự học. Trong khi một số nhà thơ khác cũng xuất thân tương tự nhưng hồn nhiên vào đời rồi chai lỳ đi, chẳng thiết đọc nữa, chẳng những thế quay ra hoặc ngấm ngầm hoặc lớn tiếng tự hào về sự không cần học của mình thì ngược lại Xuân Quỳnh lấy làm tiếc cho mình một cách chân thành. Thành thử có một điều khiến tôi cảm động, ấy là, trong khá đông những người bạn viết văn của tôi, thì đây là một trong vài ba người biết cho sự cần thiết của nghề phê bình văn học mà tôi theo đuổi. Bao giờ nghe tôi kể rằng vừa đọc được một quyển sách hay, nét mặt chị cũng thoáng qua một nét buồn như ân hận rằng lẽ ra mình cũng phải đọc chính quyển sách đó. Thế nhưng cuộc sống xô đẩy rồi cũng phải quen dần và vẻ lam lũ đã là một phong cách ôm trùm chi phối cuộc sống cũng như công việc viết lách. 
Không viết thì phí mất! 
Hồi trước 1954, ngôi nhà 96 phố Huế vốn là một khách sạn (đâu tên cụ thể là Hotel Lục quốc thì phải). Được cái tiện là ở đó có nhiều loại phòng to nhỏ khác nhau. Bởi vậy, khi trở thành khu tập thể của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, nơi đây có đủ cả những phòng khá to 25-30 mét vuông chia cho các cán bộ phụ trách hoặc những gia đình đông con, lại có những phòng toen hoẻn 9-10 mét vuông chia cho những hộ ít người hoặc các cán bộ lương thấp. 
Vào khoảng đầu 1968, Xuân Quỳnh và gia đình bốn người (cả chồng con lẫn bà mẹ chồng) được chia hai căn phòng nhỏ như thế ở hai tầng khác nhau. Và một trong hai căn phòng ấy - cái ở tầng ba chứ không phải cái ở tầng tư - kiêm luôn mấy việc: phòng ăn, phòng ngủ, phòng tiếp khách. Thời chống Mỹ mọi người nghèo lắm, các gia đình làm gì có ti-vi với đủ loại phương tiện giải trí như bây giờ. Suốt ngày chạy vạy đong cho được cân mì hoặc mua cho được lạng thịt và lo hết việc cơ quan trở về đã đủ mệt rồi, cánh cán bộ nhà nước nhiều buổi tối không nghe đài cũng chỉ ngồi dông dài tán chuyện thời sự, cuộc sống uể oải cầm chừng lây ngay cả vào đám người làm nghề sáng tạo, thành thử thấy ai làm được cái gì cho ra tấm ra món cũng thấy quý. Một lần sau khi được tác giả đọc cho nghe một bài thơ đáng gọi là hay, mà chỉ vừa nghe nói là định viết vào tối hôm trước, tôi hỏi lại Xuân Quỳnh: 
- Bà làm vào lúc nào thế này?
- Hôm qua tiễn các ông về, rồi buông màn cho thằng cu xong, tôi mới lấy giấy bút ra, lúc kê lên đầu gối lúc bò ra sàn mà viết. Gần sáng mới chợp mắt được một lúc.
- Sao tự nhiên lại hăng hái thế?
- Sống từ sáng đến chiều vớ vẩn rồi lúc bắt đầu quay về với thơ chỉ nghĩ “không viết thì phí mất!”. Thế là lại phải cố mà viết bằng được. Chỉ sợ bao nhiêu nỗ lực của mình chẳng đi đến đâu chỉ sản sinh ra được những bài thơ dở, khiến người đọc người ta dửng dưng thì cũng buồn lắm. 
Trước tiên là viết cho mình  
Hẳn ai cũng biết mối quan hệ giữa thơ và cuộc sống hàng ngày của người làm ra những bài thơ ấy là một trong những khâu thiết cốt đối với nghề thơ. Thế nhưng từ chỗ biết vậy đến chỗ có cách xử lý đúng mức là cả một chuyện rắc rối và nhiều người chỉ nhờ may mắn mà đến được với con đường đúng đắn. Xuân Quỳnh chính là một trong những người đó. 
Chẳng hạn, chúng ta đều biết những địa danh được nói tới trong một sáng tác (tên một con sông, một dãy núi), vốn không phải là một cái gì quan trọng. Trong một bài thơ tình, xã Bảo Ninh hay xã Quang Phú, núi Cánh Diều hay núi Mây Bay thì cũng thế. Không thiếu gì người, không đến biên giới bao giờ vẫn sẵn sàng đề dưới bài thơ phục vụ kịp thời của mình mấy chữ: “Biên giới Tây Nam ngày...” cốt để đăng báo. Hoặc lịch sử thơ ca còn ghi lại không ít trường hợp những bài thơ xuất hiện vì cớ này song lại được tác giả lái sang một ý nghĩa đâu đâu mà bài thơ vẫn đọc được. 
Nhưng Xuân Quỳnh sống theo một niềm tin khác, và một hành động mang tính tiểu xảo như vậy bị chị coi là gian manh, không thể chấp nhận được. Trước khi đưa ra bài thơ để mọi người cùng đọc và hy vọng rằng nó cần thiết cho họ, chị đến với thơ để nói về mình. Nhìn vào con người và sự vật chung quanh, chị thấy có bản thân ở bên trong và đấy là cái hích đầu tiên buộc chị cầm bút. Những người có quen riêng tác giả Gió Lào cát trắng đều biết chị có thói quen diễn tả tâm trạng của mình qua thơ đúng đến từng khía cạnh tưởng là nhỏ nhặt. Mỗi bài thơ ra đời, đều có cái lý lịch của nó. Nó chỉ ra đời với những nguyên cớ cụ thể mà người viết muốn đặt vào nó, gửi gắm tâm sự của mình trong nó. Nếu chắp các bài thơ đó lại, người ta có thể có cả cuộc đời Quỳnh. Đấy không phải là một sự khoe khoang hay láu cá nào hết. Xuân Quỳnh buộc phải viết vậy, hàng ngày, chị đã nghĩ bằng thơ, sống bằng thơ, dùng thơ để tự hiểu mình. Lúc làm xong bài thơ cũng là lúc nhà thơ thấy lòng vợi đi ít nhiều, vì những dòng chữ kia như biết chia sẻ với tác giả của nó, cả những vui sướng cực độ, lẫn những đau đớn đến xé ruột xé lòng. Một lần nào đó chị tự hào bảo riêng với tôi: 
- Nói được niềm vui nỗi khổ của chính mình, tôi cảm thấy có cái sung sướng không mấy ai có! Như người khác không được yêu mà mình được yêu, như người khác chỉ biết im lặng mà mình biết nói, và nói lên được thành tiếng, hỏi không vui sao được? 
Nhạy cảm: ưu thế và tai vạ 
Có một bài thơ Xuân Quỳnh viết mang tên Con yêu mẹ, ở đó khi kể lại cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con, tác giả ghi lại mấy câu vui vui của đứa trẻ, nào là Con yêu mẹ bằng trời xanh / Rộng lắm không bao giờ hết, rồi vân vi đủ thứ, và kết lại bằng câu Con yêu mẹ bằng con dế. Một ý tưởng đột ngột mà người ta chỉ bắt gặp ở trẻ con!  
Cái cách đùa cợt của đứa trẻ mà nhà thơ ghi lại trong câu thơ ấy thực ra rất gần với cách nghĩ của chính Xuân Quỳnh hàng ngày. Trước mắt anh chị em cùng cơ quan hoặc là hàng xóm láng giềng, nhà thơ thường hiện ra như một con người hồn nhiên cởi mở. Chị bắt chước cách nói của người nọ, nhại những ý nghĩ buồn cười của người kia. Nhiều khi cùng chứng kiến một khung cảnh, chưa ai cười được thì con người nhạy cảm ấy đã nghĩ ra cớ để cười. Đi đến đâu là chị mang theo đến đấy sự vui vẻ, chẳng cần dụng công chị cũng kéo được mọi người bỏ công bỏ việc ngồi nghe.  
Đó là nhờ cái tài ăn nói bẩm sinh: dù thuật chuyện mình hay chuyện người thì chị cũng biết làm bật lên cái khía cạnh hài hước của nó, và mang lại cho nó một vẻ sinh động. Thậm chí còn có thể nói có một con người văn xuôi trong cách nhìn đời của nhà thi sĩ.  
Trong đời sống cũng như trong sáng tác, một sự nhạy cảm như thế là rất cần thiết. Nếu như nó lại được dắt dẫn bởi một lý trí sáng suốt thì sẽ có thể dẫn người ta đi rất xa. Song có một điều ngược lại mà ít ai biết: nó cũng có thể là nguồn tai hoạ và khi đó da càng mỏng càng đau, kẻ nhạy cảm có nghĩa là kẻ chuốc lấy nhiều xót xa ê chề hơn người khác. Khốn thay đó lại là chỗ yếu không thể khắc phục của Xuân Quỳnh! Sắc sảo khi bàn tính hộ người song trong việc mưu cầu hạnh phúc riêng thì con người ấy thường vụng dại. Đọc thơ của chị, nhất là thơ tình một hồi, chúng ta thấy hiện lên hình ảnh của một người yêu rất nhiều mà nhận lại chả bao nhiêu, đơn độc đi trong cuộc đời, và lúc nào cũng cảm thấy phía trước là bất hạnh, là bão tố.  
Ở trên tôi đã kể lúc cao hứng lên, Xuân Quỳnh từng tự hào vì nỗi được nói to lên giữa cuộc đời im lặng. Thế nhưng, những lúc vất vả quá - vất vả với nghĩa bế tắc, dằn vặt, vất vả về mặt tinh thần - Xuân Quỳnh lại quay ra mát mẻ: 
- Thỉnh thoảng có người, thấy mình khổ quá, mà vẫn làm được thơ, tỏ ý an ủi: “Bà cứ ráng chịu, rồi chắc có thơ hay”, tôi đã trả lời thẳng thừng: “Tôi sẵn sàng từ bỏ hết những bài thơ kia đi, miễn là tôi khỏi khổ!”.
Khao khát và lầm lỡ  
Trong cơn say sưa bộc bạch,  nữ  sĩ Trùng Dương khi trả lời  một cuộc phỏng vấn trên bán nguyệt san Văn ra  ở Sài Gòn khoảng 1973 từng tự nhận: “Nếu còn tin tưởng ở Thượng đế, tôi sẽ cám ơn Người đã ban cho tôi một cuộc sống gồm có những dịp lầm lỡ, cộng thêm với một chút hơi nhiều lý trí, cộng thêm với một chút hơi nhiều lòng tham vọng và ý chí ngạo mạn”. 
Tuy ở một phương trời khác, nhưng Xuân Quỳnh có thể hoàn toàn chia sẻ với những tâm sự kiểu đó: Cái chính là ở con người này có quá nhiều tham vọng. Những chùm hoa dại trên núi Hoàng Liên nói lên những ước ao bình thường nhất mà vẫn không thành. Con đê biển tượng trưng cho sự chịu đựng, tức một sự hy sinh kể ra cũng cần thiết, nhưng lại tước đi của người ta biết bao mơ ước! Dù biết rằng những hạn chế ấy là không tránh khỏi, song trong lòng người làm thơ vẫn dậy lên những khao khát thay đổi. Có cảm tưởng với Xuân Quỳnh sự ham sống là một bản năng thường trực và càng không được thoả mãn càng thèm muốn. Ngay trong những ngày sống hạnh phúc, con người đó vẫn cảm thấy là phải mau tận hưởng, nếu không, nó sẽ qua đi rất nhanh. Cuộc sống vì thế bao giờ cũng căng lên như những sợi dây đàn, người ngoài nhìn vào thấy sợ hãi thay cho người trong cuộc, nhưng lại hiểu rằng đó là cội nguồn của sáng tạo.
Giữa đám bạn bè cùng nghề, người thi sĩ này thường tự nhủ: “Đối với người sáng tác, không gì sợ bằng sự nghèo nàn. Nghèo trong cảm xúc nhận xét thì không thể tha thứ được”. Trong đời sống hàng ngày cũng như trong sáng tác, không chịu được cái gì trung bình nhợt nhạt. Yêu hay ghét, đều phải hết lòng. Thà thái quá còn hơn bất cập. Và bởi lẽ xúc cảm là cụ thể, là của từng giây phút một, nên chúng thường xuyên thay đổi, một sự thay đổi đột ngột khiến người ngoài nhìn thấy chóng mặt. 
Một người bạn của Quỳnh lúc trẻ là Bằng Việt đã diễn tả rất hay lối cảm xúc đó của tác giả Gió Lào cát trắng. Bài thơ Người cùng đi một đường chỉ có cái phụ đề “Gửi một người làm thơ cùng lứa tuổi” nhưng ai đọc cũng có thể đoán ngay là đề tặng Xuân Quỳnh:
Lại con đường đỏ rực dưới cây xanh
Đi như lao, như lửa cháy trong mình
Nhịp thơ bạn bỗng bồi hồi mạch đập
Những sườn dốc, rồi những cua vòng gấp
Băng trong đời, như bạn đã từng quen
...
Vẫn đó - gió Lào cát trắng trong thơ
Những thượng nguồn sông, buồn vui bất chợt
Như lòng bạn, lũ trào dâng đột ngột
Cuốn mình đi, đắp những bãi bờ xa
Về phần mình, tôi nhớ những ứng xử của Xuân Quỳnh trong đời sống hàng ngày, nét mặt bồn chồn của chị khi chị gặp một người này, khi mong được tham gia một chuyến đi kia, hoặc nỗi sung sướng và thái độ trân trọng, quý hoá, khi được cầm trên tay một cuốn sách mà từ lâu đã nghe tiếng. Có thể nói đấy là những lúc con người ấy biết sống hết từng phút giây một! Sự thiếu nhẫn nại toát ra ở cái run rẩy của giọng nói. Vẻ sốt sắng hiện lên trên nét mặt. Tham lam quá đi, mà sự tham lam ở đây lại lộ liễu quá đi - người ta có thể nhận thấy như thế, và chính Xuân Quỳnh cũng đã cảm thấy như thế. Nhưng bởi lẽ, nỗi ham muốn đã lên đến cực độ, lại hiểu rằng, vì thơ, vì sáng tác, sự ham muốn của mình là không vụ lợi (nghĩa là người ta cũng dễ tha thứ), nên Xuân Quỳnh vẫn sống vậy. Một cách sống luôn luôn mang lại những sung sướng, và đau khổ hơn người. Câu chuyện sau đây minh chứng cho điều đó: Nhà thơ có một người chị là Đông Mai hiện đang dạy học ở thành phố Hồ Chí Minh. Một lần, người viết bài này  từ Hà Nội vào SG,  tới thăm chị Mai. 
- Thế nào cậu, dạo này ngoài đó, Quỳnh nó sống thế nào? Vui hay buồn? 
 Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Em gái chị là một người đặc biệt, nên vui cũng vui hơn người khác mà buồn cũng buồn hơn người khác, làm sao trả lời cho rành rọt được. 
Khi nghe kể lại như vậy, Xuân Quỳnh chỉ cười, không phản đối. Chắc trong thâm tâm Quỳnh nghĩ: “Đúng là giời đày mình, nhưng có thế, mình mới viết được”. 
Ảo tưởng dai dẳng  
Từ khi cho in những bài thơ đầu tiên, cho tới giữa năm 1988, sửa soạn tập thơ cuối cùng, Xuân Quỳnh đã có một chặng đường thơ khoảng một phần tư thế kỷ. Nhìn vào thơ, thấy con đường con người này đi khá thông thoáng: cứ đều đều vài ba năm lại có một tập thơ ra đời. Trong khi nhiều người bạn cùng lứa đã bỏ cuộc, nhiều người già đi, cũ đi, tự lặp lại mình trong thơ thì trên đại thể thơ Xuân Quỳnh vẫn giữ được cái duyên riêng, và có được cái hơi trẻ trung, tươi tắn. Chẳng những thơ bầu bạn với Xuân Quỳnh, thơ còn nâng cao con người nhà thơ lên. Qua thơ, người ta bắt gặp một Xuân Quỳnh hào phóng, nồng nhiệt, tha thiết với cuộc sống. 
Tuy nhiên cũng từ đây cách suy nghĩ của Xuân Quỳnh có một khía cạnh mà từ lâu tôi đã muốn coi như một nhược điểm, ấy là chủ quan, chủ quan đến mức quá tự tin. Biển quen theo những quy luật của mình, một câu thơ như vậy buột ra trong một bài thơ viết về biển, và những người có quen biết đều hiểu rằng đó là lúc nhà thơ nói về bản thân song đều lo lắng hộ: những ngạo nghễ kiêu hãnh kiểu ấy nó có phần phỉnh nịnh tuổi trẻ nên lại càng khó gạt bỏ.
- Một tình yêu như thế vẫn y nguyên
- Chỉ còn lại một màu hoa rất trắng
- Đất qua rồi những yêu thương
 Có chăng lời hát vẫn còn mà thôi
- Thời gian của ta không bao giờ mất
Không gì khác đó chính là những ảo tưởng. Những ảo tưởng trong thơ nhưng cũng là ảo tưởng trong đời sống. Những ảo tưởng này vốn không chỉ là của riêng của Xuân Quỳnh mà là của hàng loạt người cùng tuổi, song nếu ở ngoài đời người ta chỉ nói vậy thôi rồi người ta vẫn thực dụng vẫn kiếm chác, thì nhà thơ của chúng ta sống với nó một cách chân thành, đấy chính là đầu mối của nhiều bi kịch mà chị sẽ phải đón nhận.
 Trong số những bài thơ mang ảo tưởng của Xuân Quỳnh, tôi nhớ hơn cả đến một bài mang tên Có một thời như thế nhà thơ cho in vào đầu 1985. Cái thời nói ở đây là quá khứ của mỗi chúng ta. Tác giả đã bắt rất trúng cái thần của nó khi miêu tả nó trong sáng, nó đẹp theo kiểu mơ ước viển vông niềm vui thơ dại hoặc luôn hy vọng để rồi luôn thất vọng, tôi đã buồn đã khóc những không đâu... Ngoảnh lại cái thời đó, nhà thơ thấy mình đã thay đổi: mái tóc xanh bắt đầu pha sợi bạc. Cùng cảm hứng về sự già đi của bản thân là suy nghĩ chung về sự chuyển biến của đời sống Tôi biết chắc mùa xuân rồi cũng hết/ hôm nay non mai cỏ sẽ già. Và sau hết nhà thơ kêu gọi mọi người không tự mê hoặc mình bằng quá khứ mà hãy hướng về cuộc sống trước mắt:  
 Quá khứ đáng yêu quá khứ đáng tôn thờ
 Nhưng không phải là điều em ao ước  
Có điều trong lúc tỉnh táo như vậy tác giả vẫn để chen vào hai câu thơ nói về mình một cách ảo tưởng: 
 Em biết quên những chuyện đáng quên
 Và biết nhớ những điều em phải nhớ  
Khi nghe tôi biện luận: “Người mà làm chủ được hoàn toàn tình cảm của mình như vậy thì chỉ còn là cái máy”, nhà thơ chỉ cười xoà, song tôi biết trong thâm tâm chị hiểu “rằng quen mất nết đi rồi”, làm sao mà vượt lên khỏi cái chương trình mà thời đại đã đặt vào mình cho được. 
 Những gì còn lại  
Thời gian vốn có sức ám ảnh với tâm trí nhà thơ này. Ngay từ khi mới trên hai mươi bắt tay làm những bài thơ đầu tiên về tình yêu trong bài Chồi biếc, chị đã viết đại ý mình chỉ là một phần tử nhỏ nhoi trong dòng người vô tận và tự nhủ sẽ có lúc hết phiên để nhường cuộc đời đẹp đẽ này cho những cặp tình yêu khác. Vào khoảng những năm tám mươi, tức khi đã bước sang tuổi bốn mươi, thì cảm giác ấy càng nẩy nở thường trực. Bài Hoa cúc láy đi láy lại nỗi đau xót âm thầmkhi tự thấy mình không còn được như hôm qua:
 - Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế
 Chỉ em là khác với em xưa
.....
 - Bao ngày tháng đi về trên mái tóc
 Chỉ em là khác với em thôi
Cũng từ đây trong thơ đã len vào những giai điệu khác:
- Đường tít tắp mà ngày đang xế bóng
Mệt mỏi chăng hỡi người bạn đồng hành?
Sự mệt mỏi ấy trước tiên là đến từ phía cuộc sống, những lo toan chợ búa gia đình chồng con mà càng những năm gần đây, với Xuân Quỳnh, càng là một gánh nặng. Nhưng có thể là còn từ phía sáng tác nữa chăng? Tôi nhớ những lần trò chuyện, khi nào nghe tôi kể có đọc thêm được quyển này quyển kia, là y như Xuân Quỳnh có vẻ buồn hẳn đi. Hình như một người nhạy cảm như chị một lúc nào đó, đã mang máng nhận ra rằng trong thơ mình đã đi đến cùng trên con đường đã chọn, mà đi tìm những nẻo lối mới thì chưa biết ở đằng nào. Những đòi hỏi học thêm, đọc thêm, những đòi hỏi tìm sự bồi bổ của văn hoá nói chung, đến tuổi này càng thấy bức thiết, mà sức lực đâu được như xưa, thời gian còn lại rất ít. Cái bi hài kịch mà mình nhìn nhận thấy ở không ít bè bạn - bi hài kịch của những người được một hai cuốn sách đầu, đã trở thành nhà thơ nhà văn rồi, thì sống lêu têu vạ vật chả còn viết được cái gì nên hồn - cái bi hài kịch ấy, lúc nào cũng có thể đến với mình chăng? Nếu thế thì buồn, thì mỏi mệt cũng là điều khó tránh.
Còn nhớ khoảng 1985-1986, thỉnh thoảng tôi lại nghe Xuân Quỳnh thở ra những điều ngán ngẩm:
- Dạo này tôi rất chán. Nhà cửa chật chội, nóng nảy, bận bịu...
Tôi cũng hùa theo:
- Đời sống khổ quá, có lúc tôi đã tự nhủ: Chết đi, cũng chả có gì phải tiếc.
- Tiếc thì không tiếc, nhưng nghĩ có lúc cuộc sống này không có mình nữa cũng buồn.
Đến đó, câu chuyện của chúng tôi chuyển sang một hướng khác. Nhưng ra về, mà tôi cứ nghĩ vân vi mãi, chẳng lẽ người kêu rằng chán đời, chán làm thơ đó, lại là Xuân Quỳnh? Bởi những tập sách còn kia, giở trang nào ra chẳng bắt gặp một con người thèm yêu, thèm sống, và một trong những bài thơ hay nhất của người đó mang tên Nếu ngày mai em không làm thơ nữa:
- Và trời xanh xin trả cho vô tận
Trời không xanh trong đáy mắt em xanh
Và trong em không thể còn anh
Nếu ngày mai em không làm thơ nữa.
Điều gì đã xảy ra với người làm thơ đó và những người cùng lứa khác? Lâu nay, cứ tưởng mình và bạn bè mình còn trẻ, nay hoá ra ở ngưỡng cửa của tuổi năm mươi rồi, những điều lúc trẻ, tưởng là xa lạ, sự sống, cái chết là điều phải bàn rồi. Đã đến lúc mình có thể chết rồi chăng? Hay chết cũng chưa thể là một sự giải thoát đích thực, để chuẩn bị cho một cái chết xứng đáng phải tiếp tục sống nữa, sống mãnh liệt hơn. Chưa kịp bàn thêm với nhau thì Xuân Quỳnh đã đi xa rồi, và giờ đây, đối với tôi, chỉ còn có cách tiếp tục tìm câu trả lời ở những dòng thơ người bạn đó đã viết.
Viết khoảng 1988-93

Đã in Cây bút đời người -2002

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Xứ sở của người mù


Câu chuyện sau đây được kể lại dưới góc nhìn của một họa sĩ đang sống và sáng tạo trong một xứ sở tự do và khoan dung. Anh luôn có cơ hội và điều kiện để bảo vệ đôi mắt sáng và góc nhìn khác biệt của chính mình.
Câu chuyện giả tưởng về xứ sở của những người mù tưởng chỉ là chuyện đùa của Herbert George Wells. Mượn câu chuyện và hoàn cảnh hết sức đặc thù, hết sức viễn tưởng cá biệt để khắc họa sự đối kháng giữa tư tưởng tự do, phẩm giá cá nhân và tính bầy đàn nguyên thủy chà đạp sự khác biệt và sáng tạo.

Xã hội của những người mù trong câu chuyện này giờ đây không còn là tiểu thuyết viễn tưởng nữa mà đang tồn tại ngay trong lòng mỗi chúng ta khi mà con người đang bị mê hoặc và tăm tối hóa bởi lợi ích bầy đàn của những chú cừu, lợi ích bản thân mà quên mất đi giá trị của tự do và lòng khoan dung, chính là những thứ quý giá làm nên phần quan trọng nhất của phẩm chất NGƯỜI.

Chính vì thế mà Albert Einstein từng nói: “Tất cả những gì thực sự vĩ đại và truyền cảm đều được sáng tạo bởi cá nhân lao động trong tự do”.

Nguyễn Đình Đăng


Herbert George Wells (1866 – 1946) là tác giả nhiều truyện ngắn viễn tưởng. Một trong những truyện nổi tiếng của ông là ”
The Country of the Blind“. Có thể đọc bản dịch tiếng Việt “Xứ sở của người mù” tại đây.

Truyện kể rằng có một người tên là Nunez bị lạc vào một xứ sở của những người mù bẩm sinh sống trong một thung lũng hẻo lánh, cách biệt hẳn với thế giới xung quanh từ nhiều thế hệ. Họ không hề biết tới khái niệm “nhìn” là gì, họ không hiểu “mù” là gì. Họ hình dung hiện thực theo cách riêng của họ. Ví dụ thời gian được họ chia thành ấm và lạnh (tương đương với ngày và đêm trong thế giới những người mắt tinh). Họ làm việc lúc lạnh và ngủ lúc ấm. Họ có hệ thống luật lệ, triết học, tôn giáo của riêng họ. Ví dụ họ giải thích sự hình thành thế giới (tức cái thung lũng mà họ đang sống) như sau: đầu tiên xuất hiện một hốc lõm trong các tảng đá, sau đó xuất hiện các vật phi chúng sinh không có khả năng sờ mó, rồi xuất hiện các con lạc đà llama và vài sinh vật ít cảm giác khác, sau đó xuất hiện loài ngưởi, rồi cuối cùng là các thiên thần mà chỉ có thể nghe thấy tiếng hát du dương và tiếng chuyển động thoăn thoắt vù vù chứ không bao giờ có thể chạm được vào (Nunez mãi mới hiểu ra đó là những con chim).


Lúc đầu Nunez cho rằng mình có mắt, nhìn được hiện thực thật sự, nên anh có thể cải tạo khai hóa họ theo lý thuyết “Ở xứ mù thằng chột là vua“. Nhưng anh đã thất bại sau nhiều lần thử thuyết phục họ. Họ cho là anh điên, ảo tưởng, hão huyền. Anh nổi dậy dùng bạo lực chống lại họ nhưng cũng thất bại nốt. Những người mù có hệ thống cảm giác nghe, ngửi rất phát triển. Anh chạy đâu họ cũng biết và bao vây. Họ nghe được cả nhịp tim anh đập.





Frank R. Paul,

Minh hoạ truyện ngắn “Xứ sở của người mù” của H.G. Wells. 

 
Cuối cùng anh buộc phải đầu hàng và sống với họ vì anh không có cách nào thoát ra khỏi những vách núi cao bao quanh thung lũng, mà anh thì cần ăn. Dần dần anh yêu một cô gái mù trong xứ sở đó. Đến khi anh xin cưới cô thì tất cả xã hội người mù phản đối. Song vì tình yêu của hai người quá mãnh liệt nên các bô lão trong đất nước của người mù này bèn họp lại và đi đến quyết định là họ chỉ đồng ý nếu anh cũng mù như họ, tức là anh phải chấp nhận để họ khoét hai mắt của anh, vì theo bác sĩ của họ chính đôi mắt đã làm hỏng tư duy của anh. Vì quá yêu cô gái, lúc đầu Nunez chấp nhận.
Tuy nhiên sau một tuần đấu tranh tư tưởng, Nunez đã ngấm ngầm quyết định chọn tự do của người có mắt sáng. Đêm cuối cùng trước khi họ định khoét mắt anh (tức là ngày trong thế giới người tinh), Nunez đã bỏ trốn khỏi đất nước của những người mù. Anh chạy tới chân núi bao quanh thung lũng và leo lên đỉnh.

Truyện kết thúc lúc Nunez đã leo được lên cao, quần áo bị rách tả tơi, thân thể sây sát tứa máu. Trời tối và cái thung lũng đất nước của những người mù hiện ra bé tí bên dưới còn trên cao là cả một bầu trời bát ngát mênh mông. Nunez nằm yên bất động, mỉm cười như rất thỏa mãn chỉ vì đã thoát ra khỏi được cái thung lũng của Người Mù mà anh từng muốn trở thành Vua.

*
Nếu như xứ sở của người mù được lãnh đạo bởi những người có óc cởi mở, họ có thể dễ chấp nhận cho Nunez cưới con gái của họ mà không cần móc mắt anh. Như vậy con anh và cô gái mù sinh ra có thể có mắt tinh. Dẩn dần số người có mắt tinh trong xứ sở mù sẽ nhiều lên và họ sẽ thoát mù. Nước Nhật đã xử sự như vậy từ thời Minh Trị và đã trở thành cường quốc ngày nay. Trong truyện của H.G. Wells khả năng này đã không xảy ra. Nunez chỉ có thể được những người mù chấp nhận là người của họ nếu anh chịu để cho họ móc mắt. Và nếu sau đó anh và cô gái có sinh con, thì con của họ cũng sẽ bị móc mắt. Nunez đã quyết định thoát khỏi xứ sở người mù để chọn tự do với đôi mắt tinh của mình.

Hoạ sĩ cũng giống như Nunez trong “Xứ sở của người mù” của H.G. Wells. Hoạ sĩ nhìn và vẽ thế giới theo nhãn quan của riêng mình, chỉ riêng mình có. Quần chúng xung quanh, kể cả các đồng nghiệp của hoạ sĩ, không bao giờ hiểu hết hoạ sĩ. Họ cảm nhận tranh của hoạ sĩ theo thẩm mỹ và nhận thức của họ – mà đối với hoạ sĩ đó là nhận thức của những người mù, bởi họ không bao giờ “thấy” hết được cái mà hoạ sĩ “thấy”. Đối với họ, hoạ sĩ là một người bất thường cũng tương tự như đối với những người mù thì Nunez là người thiểu năng.

Mâu thuẫn đó không bao giờ được giải quyết triệt để bởi đó là một phần của những gì tạo nên nghệ sĩ. Vấn đề là ở chỗ, trong một xứ sở tự do và khoan dung, hoạ sĩ có quyền vẽ, bày tranh, và phát biểu những gì mình thích, mình cảm nhận, tương tự như Nunez có thể sống trong một xứ sở của người mù, nhưng lại được tha hồ nói về những màu hoa, cỏ cây, chim chóc đẹp như thế nào, thậm chí cưới con gái họ làm vợ, mà không bị họ móc mắt.

Chính vì thế mà Albert Einstein từng nói: “Tất cả những gì thực sự vĩ đại và truyền cảm đều được sáng tạo bởi cá nhân lao động trong tự do”. Năm 1933 ông đã có một tuyên bố nổi tiếng: “Chừng nào tôi còn có thể lựa chọn, tôi sẽ chỉ sống tại nước nào mà luật lệ là tự do chính trị, lòng khoan dung, và quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp lý.”