Câu chuyện sau đây được kể lại dưới góc nhìn của một họa sĩ đang sống và sáng tạo trong một xứ sở tự do và khoan dung. Anh luôn có cơ hội và điều kiện để bảo vệ đôi mắt sáng và góc nhìn khác biệt của chính mình.
Câu chuyện giả tưởng về xứ sở của những người mù tưởng chỉ là chuyện đùa của Herbert George Wells. Mượn câu chuyện và hoàn cảnh hết sức đặc thù, hết sức viễn tưởng cá biệt để khắc họa sự đối kháng giữa tư tưởng tự do, phẩm giá cá nhân và tính bầy đàn nguyên thủy chà đạp sự khác biệt và sáng tạo.
Xã hội của những người mù trong câu chuyện này giờ đây không còn là tiểu thuyết viễn tưởng nữa mà đang tồn tại ngay trong lòng mỗi chúng ta khi mà con người đang bị mê hoặc và tăm tối hóa bởi lợi ích bầy đàn của những chú cừu, lợi ích bản thân mà quên mất đi giá trị của tự do và lòng khoan dung, chính là những thứ quý giá làm nên phần quan trọng nhất của phẩm chất NGƯỜI.
Chính vì thế mà Albert Einstein từng nói: “Tất cả những gì thực sự vĩ đại và truyền cảm đều được sáng tạo bởi cá nhân lao động trong tự do”.
Nguyễn Đình Đăng
Herbert George Wells (1866 – 1946) là tác giả nhiều truyện ngắn viễn tưởng. Một trong những truyện nổi tiếng của ông là ” The Country of the Blind“. Có thể đọc bản dịch tiếng Việt “Xứ sở của người mù” tại đây.
Truyện kể rằng có một người tên là Nunez bị lạc vào một xứ sở của những người mù bẩm sinh sống trong một thung lũng hẻo lánh, cách biệt hẳn với thế giới xung quanh từ nhiều thế hệ. Họ không hề biết tới khái niệm “nhìn” là gì, họ không hiểu “mù” là gì. Họ hình dung hiện thực theo cách riêng của họ. Ví dụ thời gian được họ chia thành ấm và lạnh (tương đương với ngày và đêm trong thế giới những người mắt tinh). Họ làm việc lúc lạnh và ngủ lúc ấm. Họ có hệ thống luật lệ, triết học, tôn giáo của riêng họ. Ví dụ họ giải thích sự hình thành thế giới (tức cái thung lũng mà họ đang sống) như sau: đầu tiên xuất hiện một hốc lõm trong các tảng đá, sau đó xuất hiện các vật phi chúng sinh không có khả năng sờ mó, rồi xuất hiện các con lạc đà llama và vài sinh vật ít cảm giác khác, sau đó xuất hiện loài ngưởi, rồi cuối cùng là các thiên thần mà chỉ có thể nghe thấy tiếng hát du dương và tiếng chuyển động thoăn thoắt vù vù chứ không bao giờ có thể chạm được vào (Nunez mãi mới hiểu ra đó là những con chim).
Lúc đầu Nunez cho rằng mình có mắt, nhìn được hiện thực thật sự, nên anh có thể cải tạo khai hóa họ theo lý thuyết “Ở xứ mù thằng chột là vua“. Nhưng anh đã thất bại sau nhiều lần thử thuyết phục họ. Họ cho là anh điên, ảo tưởng, hão huyền. Anh nổi dậy dùng bạo lực chống lại họ nhưng cũng thất bại nốt. Những người mù có hệ thống cảm giác nghe, ngửi rất phát triển. Anh chạy đâu họ cũng biết và bao vây. Họ nghe được cả nhịp tim anh đập.
Frank R. Paul,
Minh hoạ truyện ngắn “Xứ sở của người mù” của H.G. Wells.
Cuối cùng anh buộc phải đầu hàng và sống với họ vì anh không có cách nào thoát ra khỏi những vách núi cao bao quanh thung lũng, mà anh thì cần ăn. Dần dần anh yêu một cô gái mù trong xứ sở đó. Đến khi anh xin cưới cô thì tất cả xã hội người mù phản đối. Song vì tình yêu của hai người quá mãnh liệt nên các bô lão trong đất nước của người mù này bèn họp lại và đi đến quyết định là họ chỉ đồng ý nếu anh cũng mù như họ, tức là anh phải chấp nhận để họ khoét hai mắt của anh, vì theo bác sĩ của họ chính đôi mắt đã làm hỏng tư duy của anh. Vì quá yêu cô gái, lúc đầu Nunez chấp nhận.
Tuy nhiên sau một tuần đấu tranh tư tưởng, Nunez đã ngấm ngầm quyết định chọn tự do của người có mắt sáng. Đêm cuối cùng trước khi họ định khoét mắt anh (tức là ngày trong thế giới người tinh), Nunez đã bỏ trốn khỏi đất nước của những người mù. Anh chạy tới chân núi bao quanh thung lũng và leo lên đỉnh.
Truyện kết thúc lúc Nunez đã leo được lên cao, quần áo bị rách tả tơi, thân thể sây sát tứa máu. Trời tối và cái thung lũng đất nước của những người mù hiện ra bé tí bên dưới còn trên cao là cả một bầu trời bát ngát mênh mông. Nunez nằm yên bất động, mỉm cười như rất thỏa mãn chỉ vì đã thoát ra khỏi được cái thung lũng của Người Mù mà anh từng muốn trở thành Vua.
*
Nếu như xứ sở của người mù được lãnh đạo bởi những người có óc cởi mở, họ có thể dễ chấp nhận cho Nunez cưới con gái của họ mà không cần móc mắt anh. Như vậy con anh và cô gái mù sinh ra có thể có mắt tinh. Dẩn dần số người có mắt tinh trong xứ sở mù sẽ nhiều lên và họ sẽ thoát mù. Nước Nhật đã xử sự như vậy từ thời Minh Trị và đã trở thành cường quốc ngày nay. Trong truyện của H.G. Wells khả năng này đã không xảy ra. Nunez chỉ có thể được những người mù chấp nhận là người của họ nếu anh chịu để cho họ móc mắt. Và nếu sau đó anh và cô gái có sinh con, thì con của họ cũng sẽ bị móc mắt. Nunez đã quyết định thoát khỏi xứ sở người mù để chọn tự do với đôi mắt tinh của mình.
Hoạ sĩ cũng giống như Nunez trong “Xứ sở của người mù” của H.G. Wells. Hoạ sĩ nhìn và vẽ thế giới theo nhãn quan của riêng mình, chỉ riêng mình có. Quần chúng xung quanh, kể cả các đồng nghiệp của hoạ sĩ, không bao giờ hiểu hết hoạ sĩ. Họ cảm nhận tranh của hoạ sĩ theo thẩm mỹ và nhận thức của họ – mà đối với hoạ sĩ đó là nhận thức của những người mù, bởi họ không bao giờ “thấy” hết được cái mà hoạ sĩ “thấy”. Đối với họ, hoạ sĩ là một người bất thường cũng tương tự như đối với những người mù thì Nunez là người thiểu năng.
Mâu thuẫn đó không bao giờ được giải quyết triệt để bởi đó là một phần của những gì tạo nên nghệ sĩ. Vấn đề là ở chỗ, trong một xứ sở tự do và khoan dung, hoạ sĩ có quyền vẽ, bày tranh, và phát biểu những gì mình thích, mình cảm nhận, tương tự như Nunez có thể sống trong một xứ sở của người mù, nhưng lại được tha hồ nói về những màu hoa, cỏ cây, chim chóc đẹp như thế nào, thậm chí cưới con gái họ làm vợ, mà không bị họ móc mắt.
Chính vì thế mà Albert Einstein từng nói: “Tất cả những gì thực sự vĩ đại và truyền cảm đều được sáng tạo bởi cá nhân lao động trong tự do”. Năm 1933 ông đã có một tuyên bố nổi tiếng: “Chừng nào tôi còn có thể lựa chọn, tôi sẽ chỉ sống tại nước nào mà luật lệ là tự do chính trị, lòng khoan dung, và quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp lý.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét