Hoang Huu Phuoc, MIB
Nhận được thông điệp trên của Ban Quản Trị LinkedIn, một mạng xã hội của Mỹ dành cho giới doanh nhân toàn cầu đã có từ năm 2003 và hiện nay có hơn 225 triệu người đăng ký sử dụng, thông báo “Chúc Mừng Phước Hữu! Trang tin của Ông trên LinkedIn là một trong số 5% hồ sơ được bạn đọc vào xem nhiều nhất năm 2012. LinkedIn hiện có 200 triệu thành viên. Cảm ơn Ông đã giữ một vai trò đặc sắc trong cộng đồng của chúng ta! ” kèm một bức thư điện tử của Ông Deep Nishar, Phó Chủ Tịch Cấp Cao của LinkedIn, nhân danh cá nhân để cảm ơn tôi vì đã là một thành viên tích cực của cộng đồng, tôi chợt nhớ đến đề mục “mạng xã hội” mà tôi đã bao lần bình luận và tiên tri thấu thị về cái tiền đồ tăm tối của nó qua những bài viết trong đó có vài bài tiêu biểu trên Emotino như:
- Blogging (đăng ngày 01-10-2008)
- Mạng Xã Hội: Ảo Tưởng Hoang Đường (đăng ngày 09-4-2010)
- Sự Cáo Chung Của Facebook (đăng ngày 21-6-2011)
- Mạng Xã Hội Đe Dọa Xã Hội (đăng ngày 19-8-2011)
- Ngày Tàn Của Mạng Xã Hội (đăng ngày 21-8-2011)
Trong khi thiên hạ phấn khích phấn khởi về sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và của các mạng xã hội, tôi ngay từ thời của Yahoo! 360 đã khẳng định rằng công nghệ thông tin sẽ không bao giờ phát triển được ở Việt Nam dù nó có được quy hoạch làm ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước hay không, và rằng Facebook và những thứ tương cận sẽ bị diệt vong bởi vì chưa gì hết mà bao người – có cả người nước ngoài – đã coi cái mạng xã hội miễn phí ấy (mà tiếng lóng Việt Nam gọi là “của chùa”) là của báu rồi vì cái thứ miễn phí dành cho con nít ấy nheo nhéo mắng mỏ Chính phủ Việt Nam ngăn cản truy cập, đàn áp tự do ngôn luận. Tôi cũng đã viết retort (không phải report) bằng tiếng Anh trên một “mạng xã hội” để mắng một doanh nhân ngoại quốc khi y viết nhăng viết cuội trên “mạng xã hội” về cái gọi là “ngăn cản truy cập” của Chính phủ Việt Nam vì tôi quyết không tha bất kỳ ai dù ở bất kỳ quốc gia nào và thuộc giống dân nào nếu kẻ đó dám phát huy cái “tự do ngôn luận” để láo xược xúc xiểm Việt Nam.
Trong khi chờ đợi truy xuất các bài viết của tôi theo từng chủ đề trong suốt thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI đến nay để đăng lại trên các blog cá nhân tôi vừa xây dựng, tôi muốn chia sẻ cùng những vị khách ghé uống nước tại Thùng Nước Đá các thông tin, ý kiến và nhận định sau:
1) Từ lâu tôi đã không tiếp tục dùng Facebook (và những mạng xã hội khác tôi từng có account như MySpace, v.v.) vì tôi là người khó tính, không bao giờ muốn gắn kết với bất kỳ cộng đồng mạng nào hỗn tạp pha trộn chung đụng với mọi hạng người như Facebook. Nhiều người đã muốn liên kết với tôi trên Facebook (tính đến 27-7-2013 đang có 151 yêu cầu) và nhiều năm nay vẫn nhắc nhở tôi đáp ứng yêu cầu kết nối của họ, nhưng tôi buộc phải im lặng, không phản hồi, đơn giản vì nếu tôi trả lời họ và cho biết lý do vì sao tôi nhún vai đối với Facebook thì sợ làm buồn lòng họ chăng.
2) Hiện tôi vẫn duy trì sinh hoạt trên một số mạng xã hội “đẳng cấp cao” như LinkedIn (mạng xã hội của Mỹ dành cho doanh giới toàn cầu như đã kể trên) và Anphabe (mạng xã hội của Việt Nam dành cho doanh giới tại Việt Nam).
3) Điểm đặc biệt là tại các mạng xã hội tôi tham gia, tôi đều nêu rõ chính kiến của mình chẳng hạn:
Thí dụ tại hai trong số những mạng xã hội tôi tham gia như trong ảnh trên, tôi đã nêu rõ: về Quan điểm về tôn giáo, tôi “OK” với bất kỳ tôn giáo nào không can dự vào bất kỳ hành vi hành động nào chống lại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; cũng như về Quan điểm chính trị thì tôi theo Chủ nghĩa cộng sản dân tộc với khuynh hướng trọng Khổng (Nationalist Confucianist Communism).
Còn trong Lời khuyên cho ai muốn liên hệ với Phước Hữu trên một mạng xã hội khác tôi tham gia như trong ảnh dưới đây, tôi đã nêu rõ: Tôi là nhà chuyên nghiệp chân chính; do đó, tất cả các ý kiến hoặc tài liệu nào có nội dung chống Cộng, chống Việt Nam, và/hoặc bài xích tôn giáo sẽ không bao giờ được chào đón, nghĩa là đừng bao giờ gởi đến tôi những ý kiến hoặc các tài liệu nào có nội dung chống Cộng, chống Việt Nam, và/hoặc bài xích tôn giáo, vì tôi sẽ xóa ngay chứ không bao giờ đọc những gì tôi xếp vào loại có giá trị không cao.
4) Tại các mạng xã hội tôi còn tham gia, tôi sử dụng chúng không như những “diễn đàn” vì tôi đã có các “thùng nước đá” riêng, mà như nơi để tôi (a) giúp ý kiến tư vấn miễn phí cho các doanh nhân trong cộng đồng, (b) đáp lại các lời mời liên kết với tôi của các doanh nhân trong và ngoài nước, (c) gặp lại học trò và người thân cũ, và (d) đánh đổ tất cả những lập luận chống lại chính phủ, chính sách, chính đạo, và thể chế chính trị của Việt Nam. Chẳng hạn để phản bác mạnh mẽ ý kiến một người nheo nhéo nói Facebook bị chính phủ Việt Nam ngăn chặn đường truy cập, tôi đã viết dồn dập tràn ngập tổng lực bằng tiếng Anh như sau mà tất cả các doanh nhân nước ngoài trong cộng đồng sau đó không bao giờ có thể viết chỏi lại được, đơn giản vì họ không bao giờ có thể viết tranh luận sâu sắc bằng tiếng Anh và không bao giờ có thể viết đủ dài bằng tiếng Anh dù họ là dân Anh hay dân Mỹ, và dù để ủng hộ kẻ ủng hộ Facebook hay kẻ chống Facebook (như lời của ông Steven Roelandts: “bạn nói thế về việc chính phủ Việt Nam ngăn chặn Facebook chứ tôi thấy vô Google mới hay gặp trục trặc”), đơn giản vì chỉ có kẻ thất học mới chống Việt Nam nên cách chi mà có đủ sức viết lách gì được cho ra hồn, và đơn giản vì đã là doanh nhân thì rất yếu trong biện luận ngôn ngữ hàn lâm:
Gần đây nhất, vào tháng 8 này doanh nhân Matthew Collier đã đăng lại bài của Jon Russell có dòng tít ”Việt Nam ra quy định cấm người sử dụng internet được chia sẻ thông tin…”
và tôi đã bảo vệ đất nước bằng lời đanh thép – vẫn với vũ khí cố hữu khiến 100% bọn Âu Mỹ phải chào thua: đó là hùng biện thật dài bằng Anh ngữ – như sau:
Nội dung nghĩa tiếng Việt:
Kẻ viết bài trên dứt khoát là tên vô lại hoặc ngu đần không rõ ý nghĩa thật sự của nguyên bản nghị định, hoặc cố tình chống lại Việt Nam, hoặc dị ứng trầm kha với chủ nghĩa cộng sản. Bộ việc sao y bài viết thuộc bản quyền và chủ quyền của người khác rồi dán vô blog của ai đó để ra vẻ như blog mình chuyên nghiệp lắm, sâu sắc lắm, phong phú thông tin lắm, là việc sạch sẽ, đúng đắn, và đoan chính hay sao? Nếu có kẻ muốn “chia sẻ thông tin” sao không cung cấp đường link để may ra nếu có ai quan tâm thì cứ lựa lúc nhàn cư mà truy cập tự xem lấy?
Vào thời khắc Hoa Kỳ đang muối mặt điếm nhục gia phong với vụ việc PRISM, chính quyền Mỹ đã ra sức dàn dựng vở kịch bịp lừa thế giới với lời la toáng hoang đường về nguy cơ khủng bố chống nhân dân Mỹ dẫn đến việc đóng cửa nhiều văn phòng ngoại giao của Mỹ đó đây trên toàn thế giới, cùng lúc đó rống họng về nhân quyền đó đây trên toàn thế giới, chỉ để người dân đó đây trên toàn thế giới bị bịt mắt trùm đầu trong mớ hỗn độn mù mịt khói mây mà quên phức vụ PRISM..
Nếu ông cho rằng có một bó những luật lệ áp dụng chung cho hết thảy các dân tộc thì ý ông là ông ở cùng một giuộc với cái bọn vô lại viết những thứ vớ vẩn ấy ư. Nếu ông đăng lại bài vớ vẩn ấy là để người đọc nhận ra đó là bài rác rưởi thì ông đích thị là bậc quân tử hiền nhân thông tuệ. Còn nếu ông đăng lại bài ấy vì ông bất tài chả viết được cái quái gì ra hồn, chỉ để khoe mẽ là ông sâu sắc, chuyên nghiệp, và dồi dào thông tin, thì tôi chắc chắn sẽ chứng minh cho ông thấy rằng so với mức độ sâu sắc, chuyên nghiệp, và phong phú thông tin của tôi thì ông chỉ đáng là quân tép riu chiếu dưới.
Chính quyền Mỹ có PRISM (để vi hiến, xâm phạm tự do dân chủ của nhân dân Hoa Kỳ và nhân dân thế giới). Chính phủ Việt Nam có những quy định rõ ràng để tôn trọng tác quyền, và tôn trọng người dân qua việc khuyên họ cung cấp đường link chứ đừng ăn cắp bài của người khác. Tôi là người Việt Nam. Và thật là thương hại người dân Âu Mỹ bị bịt mắt trùm đầu mà vẫn cứ ngỡ mình thông tuệ có quyền lực tối thượng để sủa nhặng lên về nhân quyền và quyền tự do ngôn luận. Tôi đang sử dụng quyền tự do ngôn luận để gọi tác giả bài viết đó là tên vô lại vất đi trời đánh thánh vật. Liệu ông nghe có lọt lỗ tai không? Vì vậy, đừng bao giờ nói động đến Việt Nam.
Xin cảm ơn ông rất nhiều về lòng tử tế và lịch sự của ông.
Hoàng Hữu Phước
Hoặc để tranh luận, chẳng hạn như khi doanh nhân Áo Quốc tên Rick Yvanovich nêu lên chủ đề ”Những quyết định chậm có thể làm triệt tiêu đà tiến của công ty bạn”, tôi đã góp ý như sau: ”Đúng là những quyết định chậm có thể làm triệt tiêu đà tiến của công ty bạn, nhưng những quyết định chóng vánh có khi lại đẩy công ty bạn đổ nhào qua bờ vực thẳm của hư mất. Tôi cho rằng mọi sự dựa trên 4 khía cạnh của sự đúng đắn, sự thông tuệ, sự chuẩn bị kỹ càng, và sự kịp thời, rồi sau đó là cái mà chúng ta gọi là sự may mắn. Việc kinh doanh nào phải như cuộc thi điền kinh chung chung; nó tùy thuộc vào việc cái cơ hội kinh doanh ấy có thể lớn đến cỡ nào. Chạy đua tốc độ 60 mét rất khác với chạy đường trường cự ly 10.000 mét. Đối với cơ hội kinh doanh lớn, sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ, và điều này cần đến một quyết định đúng đắn, khôn ngoan, cẩn trọng, và kịp thời, chứ nào phải là vấn đề của cái sự chậm hay nhanh”
5) Điều đáng tiếc là có nhiều người không thuộc doanh giới vẫn gia nhập để đưa lên bản lý lịch tìm kiếm việc làm, với hy vọng trong cộng đồng doanh nhân ấy sẽ có vị quan tâm tuyển dụng mình. Có nhiều bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học, làm nhân viên kinh doanh của công ty nào đó, đã lẹ làng gia nhập và xin liên kết với các doanh nhân, ắt do muốn tìm kiếm khách hàng để chào bán hàng hóa của công ty mình. Có nhiều người dường như chỉ muốn gia nhập để xin liên kết với mọi doanh nhân ngõ hầu có được số lượng liên kết “khủng”. Và có nhiều người thậm chí đưa “nick name” thay vì tên thật, còn hình ảnh bản thân thì hoặc đưa hình diễu cợt, hình của hài nhi, hình con thú cưng, hoặc chẳng có hình ảnh tự giới thiệu gì cả. Tất cả những cái hoặc vội vàng, hoặc nhí nhố, hoặc vô tâm vô tư trẻ con như thế ắt đã làm doanh nhân nước ngoại ngạc nhiên trước sự “vào lộn sân” và “múa tá lả” của những người kiếm tìm cơ hội việc làm và rao bán hàng chứ không có khả năng sẻ chia kinh nghiệm, kiến thức, ý tưởng kinh doanh, thông tin thương trường, v.v.; vì rằng chỉ có doanh nhân tay mơ mới gia nhập cộng đồng để tìm khách hàng và đối tác, vì những đại gia đều đã có thị trường phát triển riêng cùng những khách hàng riêng hoặc đã biết rõ ai là khách hàng tiềm năng hoặc ai cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp đẳng cấp cao nên sinh hoạt trong cộng đồng tất nhiên nhằm vào mục đích khác của “thượng tầng”. Những thí dụ sau minh họa cho sự thiếu chuyên nghiệp khi dùng hình trái tim, tên doanh nghiệp chứ không phải tên doanh nhân, hoặc không có hình ảnh tự giới thiệu và không có chi tiết bất kỳ về bản thân trong phần “profile” nhưng lại muốn liên kết với những doanh nhân như tôi vốn đã có profile cực kỳ hoàn chỉnh và nghiêm túc y như hàng trăm triệu doanh nhân khác..
Nói tóm lại:
- khi cái gọi là mạng xã hội dù bản thân, xuất thân, tự thân, chỉ là một thứ sân được bao vây kín mít với hàng chục lớp hàng rào kẻm gai điện tử để không ai thoát ra được, để mọi người vào đó rồi tùy theo tính cách cá nhân mà dạo chơi, nghỉ ngơi, nghĩ ngợi, chuyện trò, quậy phá, nhậu nhẹt, bài bạc, hút xách, xả rác, khạc nhổ, phóng uế, v.v., để nhân vật chủ nhân từ bi bác ái có cơ hội vừa thu tiền quảng cáo vừa quay phim chụp hình cung cấp cho CIA và chính phủ Mỹ trong chương trinh PRISM vi hiến vốn đã làm chuyên viên tin học của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương CIA và Cơ Quan An Ninh Quốc Gia NSA Edward Joseph Snowden đào thoát sang Nga tháng 5 vừa qua;
- khi điều đáng tiếc luôn tồn tại ở tất cả mọi ngóc ngách của đời sống con người trên chiếc hành tinh đơn độc này là chỉ có một số cực kỳ ít ỏi hiếm hoi xem internet như nguồn tư liệu để tra cứu mở mang tri thức và kiến thức hàn lâm của tất cả các ngành học nhằm phục vụ nghề nghiệp, phục vụ công ty, phục vụ gia đình, phục vụ xã hội, phục vụ đất nước, phục vụ nhân loại; và
- khi đời sống xã hội xoay vòng như trốt xoáy cuốn hút vào đó bất kỳ ai có đôi tay không đủ mạnh để bấu víu vào một vật thể mà bản thân vật thể ấy như quyển kinh kệ bằng giấy bồi cũ kỹ mong manh mỏng manh tiêu biểu cho chân lý tinh thần;
thì mạng xã hội vẫn làm được điều mà không bất kỳ một mạng-có-trả-tiền nào có thể làm được, đó là sức quy tụ của số đông, và do đó lời khuyên sau vẫn cứ là lời khuyên dành cho người không cố chấp:
- rằng bạn chí ít cũng đừng nên buông xuôi để cơn trốt xoáy của mạng xã hội muốn nuốt bạn đến đâu thì cứ nuốt và muốn ném hất đâu thì cứ mà hất ném;
- rằng bạn chí ít cũng công nhận một điều là trốt xoáy cuốn vào nó từ những chiếc ô-tô Buick đắt tiền, những tác phẩm nghệ thuật vô giá thời Phục Hưng văng ra từ bảo tàng mỹ thuật, đến những rác rến cùng bụi bẩn chuột bọ kinh tởm từ miệng cống;
- rằng bạn chí ít cũng công nhận một điều là trong trận cháy kinh hoàng vẫn có kẻ cơ hội rình rập hôi của, huống gì tại một sân chơi miễn phí nơi mà người ta không có cớ gì để luôn phải cảnh giác như lúc đang trong địch họa thiên tai; và
- rằng nếu muốn liên kết với tôi, bạn (a) đừng mãi gởi tin qua Facebook để chẳng nhận được trả lời vì tôi đã từ bỏ nó từ lâu vì cái tội của nó là đã thành cái ổ chứa chấp quá nhiều kẻ chống lại Việt Nam, (b) hãy gia nhập đúng sân, đúng cộng đồng mà bạn trong lĩnh vực hoạt động có liên quan; (c) hãy chuẩn bị cho trang profile của bạn thật đầy đủ chi tiết và nghiêm túc với hình ảnh và thông tin để phần tự giới thiệu tương xứng công bằng với profile của tôi hay của những người như tôi mà bạn đã đọc kỹ và biết rõ, vì rằng việc bạn có dùng ảnh chụp của người khác và dùng tên giả với chi tiết giả chí ít còn cho thấy bạn tôn trọng chủ nhân mạng cộng đồng doanh nghiệp cùng thành viên của nó, vì ngay cả vận động viên xe đạp cùng quốc tịch với Tổng thống Obama nhiều năm đoạt chức vô địch Tour de France vẫn sẽ bị đội bảo vệ điệu ra ngoài ngay lập tức nếu vận áo pull quần short đạp xe vào một câu lạc bộ polo dành riêng cho quý ông quý bà Anh Quốc “trang bị tận răng”: mặc áo chẽn quần bó hàng hiệu, đội mũ Casablanca giá 500 bảng, đi ủng Fagliano cao đến gối giá 650 bảng gắn thêm bộ đinh thúc ngựa hiệu Prince of Wales 20 bảng và bộ bảo hộ đầu gối Casablanca 200 bảng, đeo kính Oakley, găng tay Neumann, cầm roi có tay cầm bọc bạc, và gậy đánh bóng Gold Bands bằng gỗ manau-cane được chế tác thủ công từ New Zealand chỉ khi có đơn đặt hàng cá nhân, cùng danh sách dài bao thứ lỉnh ca lỉnh kỉnh khác, chưa kể thẻ hội viên vài chục ngàn bảng y như thẻ sân golf; và (d) hãy công bằng vì khi bạn gia nhập để tìm những mối lợi cho bạn thì bạn cũng phải cho người xem xét yêu cầu làm quen của bạn biết họ có thể học hỏi được gì từ bạn nếu chấp thuận yêu cầu được liên kết của bạn.
Đó là tất cả những gì người thận trọng, tự trọng, nghiêm túc, nghiêm trang, đáng kính, đáng nể, và yêu nước, yêu thân, nên tính đến trước khi tham gia một mạng xã hội nói chung và một mạng cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.
Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét