Thái Linh dịch
Chúng ta du
hành để làm gì? Vì sao ta thích đi du lịch? Có vẻ như
đó là những câu hỏi ngớ ngẩn, bởi ai cũng biết vì
sao và để làm gì. Nhưng nhiều việc có vẻ hiển nhiên
sau khi được suy ngẫm lại không còn hiển nhiên nữa. Du
hành phải chăng là hành xử do bản năng dẫn dắt, và đó
là bản năng gì? Phải chăng chúng ta cảm thấy thỏa mãn
khi được trải nghiệm điều gì đó bởi đơn giản là
nó mới mẻ, chính cái sự mới lạ cuốn hút chúng ta?
Nếu đúng vậy, phải chăng niềm vui thú này thật kỳ
quặc? Theo kinh nghiệm của nhiều thế hệ mà chắc hẳn
quá trình tiến hóa cách này cách khác đã cấy vào chúng
ta, thế giới đối với chúng ta không thân thiện mà có
vẻ thù nghịch, do đó ta nên cảnh giác với những gì
mới mẻ và lạ lẫm, trân quý những gì trong trải nghiệm
đã quen thuộc và an toàn, ngồi yên trong những góc thân
quen và đi theo những con đường đã mòn dấu chân. Nhưng
lại không phải như thế. Vì sao thời ấu thơ ta say mê
đọc những cuốn sách du ký? Vì sao con người chỉ vừa
mới xóa bỏ những mảng trắng trên bản đồ thôi, đã
lại lao vào những chuyến đi mới đây còn là không
tưởng, qua các không gian bao la, và mơ ước về những
không gian mỗi ngày một xa hơn?
Cần chú ý
rằng khi nói về du hành, chúng ta không liên tưởng tới
mọi sự xê dịch trong không gian, mà chỉ nói tới những
chuyến du hành có mục đích tự thân, nghĩa là ta không
bàn về việc giải quyết việc gì đó mà nếu hoàn cảnh
cho phép thì ta muốn giải quyết nó không cần phải đi
lại phiền phức.
Các doanh
nhân tổ chức những cuộc gặp gỡ ở sân bay trong các
phòng họp chuyên phục vụ mục đích này, để rồi ngay
sau đó trở về trụ sở của mình, hoàn toàn không du
hành mà chỉ giải quyết công việc của mình, nếu có
thể, họ sẽ giải quyết cách khác, và điều đó ngày
càng trở nên đơn giản hơn. Thậm chí tôi cũng không
biết có thể xem các loại hình du lịch đại chúng là du
hành hay không, thí dụ khi dân xứ lạnh như người Anh
lượn lờ trên một mẩu biển Tây Ban Nha ấm áp, nơi sẵn
có quán xá và đồ ăn Anh (xin Chúa rủ lòng), nhưng chính
nước Tây Ban Nha thì họ chẳng quan tâm tới. Ở đây ta
nói về những chuyến du hành nơi chúng ta, những kẻ du
hành, muốn trải nghiệm điều gì đó mới mẻ, muốn
tiếp xúc với một hiện thực lạ lẫm nào đó.
Xét cho cùng, có lẽ chúng ta du hành cũng không phải để học hỏi
điều gì đó: hầu hết những điều ta biết được khi
đi du lịch đều có thể biết mà không cần phải du
hành, mà nhiều khi còn biết cặn kẽ hơn; như câu ngạn
ngữ La-tinh cổ: „trí óc của những kẻ băng qua biển
tìm minh triết không đổi thay, chỉ là bầu trời trên
đầu họ thay đổi”. Không, chúng ta không du hành vì
kiến thức. Chúng ta cũng không du hành để bứt khỏi
những lo toan thường ngày trong chốc lát hay để quên đi
những khó khăn, như một ngạn ngữ La-tinh khác: „Nỗi
âu lo theo cùng sau yên ngựa”. Không, không phải nỗi
khát khao kiến thức hay mong muốn trốn chạy thúc giục
chúng ta, mà là sự tò mò, và sự tò mò dường như là
một thứ ham muốn biệt lập, không dẫn đến những ham
muốn khác. Các học giả nói với ta rằng sự tò mò -
nghĩa là nhu cầu tìm hiểu hoàn cảnh xung quanh một cách
vô vị lợi - được con người mang giữ suốt cuộc đời
và đây chính là khả năng đặc biệt của loài người.
Chúng ta tò
mò không phải vì những điều lạ lẫm hứa hẹn sự
thỏa mãn nào đó hay chúng đe dọa điều gì khiến ta
phải ngăn ngừa, đơn giản chỉ là chúng ta tò mò. Con
người thực hiện nhiều việc và hành động khác nhau vì
tò mò trong khi vẫn biết chúng không an toàn, du hành đến
những nơi ít ai biết đến hay nguy hiểm, mất mạng khi
leo núi hoặc dưới hang sâu. Ta cũng đừng quên chính sự
tò mò đã khiến chúng ta bị đuổi khỏi thiên đường,
cho nên thời xưa các nhà thần học thường lên án sự
tò mò như một tội lỗi từ bản chất. Thiếu tội lỗi
ấy chắc chẳng có được mấy tiến bộ và thay đổi
trong đời sống con người.
Ngày nay,
đôi khi ta có thể đọc được rằng việc nói „khám
phá ra châu Mỹ” là vô nghĩa, bởi khi các nhà du hành
châu Âu cập bờ biển châu Mỹ, những người anh em da đỏ
của chúng ta đã sinh sống ở đó từ lâu và họ hoàn
toàn không cần khám phá xứ sở mình. Nhưng đó là nỗi
bất bình ngớ ngẩn, bởi khi các tộc người sống cách
ly với nhau, hoàn toàn không biết gì về nhau, thì có thể
nói ở một thời điểm nào đó họ khám phá ra nhau; nếu
các cư dân châu Mỹ nhanh chân hơn với các tiến bộ về
thám hiểm và đến châu Âu trước thì có thể nói họ
khám phá ra châu Âu. Ngay cả thời nay, khi nỗi tò mò thôi
thúc chúng ta đến một xứ sở hay thành phố xa lạ nào
đó, có thể nói ta khám phá chúng cho riêng mình, bởi
trong sự khám phá này không nhất thiết phải là kiến
thức chưa ai từng biết, mà là sự trải nghiệm cái mới.
Quả thực đôi khi người ta thực hiện những chuyến du
hành tình cảm về những nơi mình biết rất rõ nhưng bỏ
quên đã lâu, về xứ sở của thời thơ ấu hay tuổi hoa
niên. Những chuyến đi ấy có nằm trong định nghĩa về
du hành hay không? Hẳn rồi. Bề ngoài, ta không khám phá
ra điều gì mới mẻ, nhưng dường như chúng ta trở lại
với chính mình của những năm tháng xa xưa, ta thấy như
đang dịch chuyển trong thời gian, và du hành trong thời
gian cũng là trải nghiệm điều mới mẻ, bởi mặc dù
nơi ấy đã từng quen thuộc, chúng mới mẻ khi ta đến
từ một thời gian khác.
Một nhu
cầu về cái mới như chính cái mới luôn sống trong ta,
không phụ thuộc vào bất cứ điều gì khác, cái mới tự
nó cuốn hút chúng ta. Và việc cái mới cuốn hút chúng
ta là bởi nó liên quan đến trải nghiệm thời gian đặc
biệt của loài người. Chúng ta luôn muốn được ở điểm
khởi đầu, được có cảm giác rằng thế giới mở ra
cho chúng ta, rằng nó vừa mới bắt đầu, và bản thân
việc trải nghiệm cái mới trong cảm thức đó dẫn dắt chúng ta, dù chỉ là vào hư ảo. Chắc bởi vậy mà
người ta thay vợ đổi chồng: họ có được trong chốc
lát trải nghiệm thời gian mới, trải nghiệm về sự
khởi đầu.
Giả định
rằng sự tò mò hay nhu cầu về cái mới mạnh mẽ như
nhau, luôn luôn và không ngừng ở mỗi người, chắc chắn
sẽ là không chân xác. Nếu vậy thì cuộc sống của con
người trở nên bất khả. Có người mọi nguồn sinh lực
đều hướng vào việc bảo tồn, gìn giữ trật tự sẵn
có và những người khác là cội nguồn của sự phát
triển. Trong thế giới loài người của chúng ta hai nguồn
lực ngược chiều này hiển lộ trong nhu cầu về sự bền
vững, an toàn, được ở giữa khung cảnh quen thuộc và
chính trong nhu cầu về cái mới, sự thay đổi, sự tò
mò. Hai khuynh hướng này mâu thuẫn với nhau, nhưng cả
hai đều cần thiết để chúng ta dẫn dắt kiếp người.
Chắc chắn là có thể phân biệt tính cách con người qua
sự dự phần nhiều hơn hay ít hơn của hai nguồn lực
xung đột này: từ những người chỉ thích lề lối lệ
thường và những thứ quen thuộc, đến những người căm
ghét lề lối và chỉ thấy sự khác lạ mới đáng giá.
Ở đây
chúng ta nhận thấy rằng bản năng tò mò, tìm kiếm cái
mới, niềm vui thích với những gì lạ lẫm là một kiểu
sống đã chấp nhận, cho dù vô thức, một hình ảnh nhất
định về thế giới, một „triết lý” nhất định. Cụ
thể là chấp nhận rằng cõi đời mà ta sống, thế giới
trải nghiệm của chúng ta, có một giá trị nào đó. Nếu
chúng ta tin như những tín đồ Phật giáo thực thụ rằng
cõi đời này chẳng có giá trị gì, chỉ là bể khổ,
rằng nó luôn như thế trong mọi phương diện chính ở
khắp mọi nơi, những khác biệt chẳng có nghĩa lý gì,
rằng không có gì mới mẻ, rằng lịch sử loài người
không gì khác hơn là sự lặp lại đơn điệu của chính
một nỗi bất hạnh – nếu tin như thế thì chúng ta sẽ
không trải nghiệm bất kỳ nhu cầu nào về cái mới, bất
kỳ sự tò mò nào, và bởi thế sẽ không trải nghiệm
bất kỳ niềm tha thiết du hành nào.
Nhưng chúng
ta sẽ không đặt câu hỏi xem các tín đồ đạo Phật có
lý hay không. Bởi ở đây ta sẽ rơi vào vực thẳm siêu
hình học âm u, điều thật không thích hợp trong bối
cảnh phù hoa này, khi ta đang ngẫm ngợi về những chuyến
du hành.
(Trích từ tập "Các thuyết trình mini về những vấn đề maxi" (Mini wykłady o maxi sprawach), NXB Znak, Kraków 2008)