Hiển thị các bài đăng có nhãn khoa học- kỹ thuật. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn khoa học- kỹ thuật. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Trực giác: Thứ giác quan không tuân theo khoa học duy vật





Liệu chúng ta có sở hữu giác quan thứ sáu hay không? (Photos.com)

“Thứ duy nhất có giá trị thực sự là trực giác” – Albert Einstein

“Vui sướng; giận dữ; vui sướng … nhất định là vui sướng”. Khi một chiếc máy theo dõi bộ não của ông, “Bệnh nhân X” 52 tuổi không có vẻ như đang đoán các nét mặt một cách ngẫu nhiên mặc dù ông đã bị hai lần xuất huyết não mà đã gây tổn thương nghiêm trọng trung tâm xử lý hình ảnh của bộ não.

Mặc dù bị mù, Bệnh nhân X được cho xem các bức ảnh chụp những khuôn mặt biểu hiện sự sợ hãi, vui sướng, và các cảm xúc khác, và nhận thức được chúng một cách chính xác với một tỷ lệ phần trăm cao hơn nhiều so với việc đoán mò một cách ngẫu nhiên. Liệu đây có phải là một phương tiện để “nhìn” nằm bên ngoài cách nhìn bằng mắt hay không? Hay nó đơn giản là một chế độ nhận biết chưa được phát hiện ra?

Tiến sỹ Alan Pegna từ trường Đại học New South Wales, Australia và nhóm nghiên cứu của ông tại Geneva, Thụy Sĩ, đã kinh ngạc trước những kết quả thấy được trong nghiên cứu này. Trong quá trình chụp cắt lớp, não của Bệnh nhân X cho thấy hoạt động rõ rệt trong vùng hạch hạnh nhân (amygdala) bên phải. Kết quả này giống hệt với những gì được thực hiện bởi một đối tượng nghiên cứu có bộ não không bị tổn thương tham gia vào cùng một hoạt động đó.

Đối với nhiều bác sĩ thần kinh học, những trải nghiệm gần đây với Bệnh nhân X gợi ý về một khả năng thú vị – thêm một giác quan nữa vào năm giác quan đã được biết đến. Với những người khác, nó không hơn một bước khởi đầu của khoa học trong việc nghiên cứu khả năng trực giác nổi tiếng và đã được biết đến từ lâu.

Mặc dù trực giác ít được khoa học công nhận trong thế kỷ 20, sự thừa nhận về khả năng này đã tăng lên trong lĩnh vực sinh lý học thần kinh (neurophysiology) trong những năm gần đây. Thứ được cho là một khả năng để biết về những điều chưa xảy ra, những sự việc trong tương lai xa, hoặc những thay đổi sắp đến trong môi trường xung quanh, đã được hiểu rõ về cơ bản là bởi tất cả các dân tộc trên khắp thế giới hàng nghìn năm qua – bất chấp sự bác bỏ lâu nay của giới khoa học còn hoài nghi.

Khả năng siêu nhạy cảm hay giác quan thứ sáu?

“Biển đưa lên hàng trăm xác người, nhưng không có một con voi bị chết nào. Cũng không tìm thấy thậm chí một con mèo hay một con thỏ nào … rất kỳ lạ là không có cái chết nào của động vật được ghi nhận”. Những quan sát được thực hiện sau trận sóng thần năm 2004 ở Châu Á bởi một viên chức chính phủ Sri Lanka này đặt ra một số câu hỏi thú vị.

Đáng chú ý là, liệu động vật có khả năng cảm nhận nguy hiểm sắp xảy ra? Chúng đã chạy thoát khỏi trận sóng thần như thế nào? Chỉ vài phút trước khi biển dâng lên, đập tan hơn hai dặm đất liền, các động vật sống đã chạy thục mạng tới những vùng cao của hòn đảo.

Cùng lúc đó, những bộ lạc thổ dân trong vùng, có 60.000 năm tiếp xúc với môi trường tự nhiên, đã bắt chước theo hành vi của các loài động vật và cũng chạy trốn đến khu đất cao hơn. Kết quả là hầu như tất cả những cư dân địa phương đều sống sót thoát khỏi dòng nước hung dữ.

Nhưng chính xác là làm thế nào mà những thổ dân địa phương và các loài động vật nhận biết được mối đe dọa sắp xảy ra? Liệu có hợp lý không nếu cho rằng trực giác chính là câu trả lời? Và nếu quả đúng như vậy, thì cơ chế sinh học bí ẩn này hoạt động như thế nào?

Câu trả lời, đương nhiên, không hề dễ dàng để nói rõ như câu hỏi. Theo một số nhà nghiên cứu, trải qua nhiều năm, những người dân bản địa trên đảo đã phát triển được các bài học quan trọng từ việc sống rất gần gũi với thế giới tự nhiên.

Ví dụ, họ cảm thấy được tiếng bước chân của các con voi hoang dã dội đến khi chúng chạy nhanh về phía sâu trong đảo, và cũng chú ý đến hành vi kỳ lạ của cá heo, kỳ nhông, và việc các loài chim trên đảo bay lên hốt hoảng. Bằng cách này, họ đã nhận biết được một cách hiệu quả những gì mà các hệ thống ra-đa hiện đại không làm được, những thứ đã không thực hiện được chức năng của nó vào cái ngày xảy ra trận sóng thần.

Theo một bài báo trên ấn phẩm nổi tiếng Science (Khoa học), các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington, St. Louis, nói rằng bí quyết để lường trước những sự việc này của những người bản xứ nằm ở một vùng não được biết đến như vùng đai phía trước. Khu vực địa lý não này trở nên hoạt động tích cực trong các tình huống thay đổi môi trường mà không thể nhận thấy bằng ý thức, nhưng tuy nhiên lại cần thiết cho sự sinh tồn của cá nhân.

Nhưng để hiểu được động vật đầu tiên đã trực cảm về trận sóng thần đang đến như thế nào có thể là một nhiệm vụ còn khó khăn hơn. Một số nhà nghiên cứu động vật đề xuất rằng các manh mối chẳng hạn như những thay đổi áp suất không khí, các rung động nhẹ cảm nhận được phát ra từ mặt đất, hoặc các âm thanh rất nhỏ của các con sóng đang đến gần – những dấu hiệu mặt khác là không thể nhận thấy được bởi các giác quan của con người – có thể giúp một số sinh vật cảm nhận được về nguy hiểm đang đến.

Tuy vậy, nhiều nhà khoa học tin rằng, trong trường hợp này cũng như với Bệnh nhân X, hẳn là có tồn tại một cách thức khác mà thông qua nó các dạng sống có thể nhận biết được môi trường của chúng – khác với thông qua âm thanh, rung động, hình ảnh, hoặc mùi vị. Có tài liệu ghi chép lại rằng các loài chim và các loài động vật khác đã rời khỏi một khu vực ngay trước khi núi lửa phun trào.

Cũng bằng cách như vậy, các nhà sinh vật học Trung Quốc đã thực hiện các nghiên cứu xác định rằng, vài phút trước một trận động đất, các con mèo, chó, và các loài vật nuôi trong nhà khác trong một khu vực trở nên khá kích động và trong một số trường hợp thậm chí tru lên, sủa hoặc kêu lên một cách khó bảo. Các nhà nghiên cứu miêu tả rằng trong những lúc đó, các con rắn rời khỏi hang, các con chim bay loạn trong lồng và các con chuột thì chạy toán loạn.

Một khả năng tiềm tàng

Thí nghiệm ban đầu khá đơn giản, bao gồm 40 tình nguyện viên và hai thợ chụp ảnh trong mỗi lần thí nghiệm. Người chỉ đạo thí nghiệm, Ronald Rensik, Phó Giáo sư về Khoa học Máy tính và Tâm lý học tại Đại học British Columbia, mô tả các vụ tai nạn ô tô đã bị gây ra như thế nào trong các trường hợp mà ở đó các lái xe có trách nhiệm trong vụ va chạm đã không nhìn thấy những chiếc ô-tô mà họ đâm vào. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý (Psychological Science).

Ban đầu các tình nguyện viên được cho xem một bức ảnh chụp hình một con đường, được đổi mới bằng một hình ảnh giống hệt một cách định kỳ. Tại một thời điểm ngẫu nhiên trong quá trình đổi mới hình ảnh, một sự thay đổi với hình ảnh đó đã được thực hiện – các vật thể, ví dụ như được gỡ bỏ, thay đổi, hoặc thêm vào – và những thay đổi này, thậm chí là khi khá đáng kể, thường được phát hiện là khó để nhận thấy.

Cuộc thử nghiệm yêu cầu các đối tượng nhấn một chiếc chuông khi họ nhận thấy một thay đổi trong chuỗi hình ảnh. Một ngạc nhiên lớn đã đến trong cuộc thí nghiệm khi một vài tình nguyện viên đã hỏi Rensik rằng liệu có phải là họ phải bấm chiếc chuông chỉ khi họ thực sự nhìn thấy sự thay đổi, hay họ có thể nhấn nó vào lúc họ linh cảm rằng một sự thay đổi sắp xảy ra.

Điều này đã thay đổi mạnh mẽ cuộc nghiên cứu. Rensik nhận thấy rằng không chỉ phần lớn các tình nguyện viên nhận ra được vào thời điểm chính xác mà thay đổi được tạo ra, mà thêm vào đó 1/3 các đối tượng nhấn nút ngay lập tức trước khi bức hình đã được thay đổi hiện ra.

Nghiên cứu này có vẻ như đã cho thấy rằng trực giác rất có thể là một cách thức ngoại cảm để phát hiện các thay đổi rất nhỏ trong môi trường. Nó gợi ý rằng chúng ta có thể có một khả năng nhận biết các kích thích mà thậm chí không thể phát hiện bằng các thiết bị công nghệ tiên tiến.

Vậy thì liệu chúng ta có thể tiến hành các bước để tăng cường các khả năng trực giác của mình không? Những cải thiện như thế yêu cầu những gì? Và tại sao động vật có vẻ như có trực giác tốt hơn chúng ta?

Con người cổ đại gắn bó mật thiết với các chu trình của thiên nhiên, họ rất tự hào về cái nhìn trực giác của mình. Một số người cho rằng khi con người hiện đại ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ để hiểu biết về thế giới, kết quả làm cho trực giác thui chột đi. Trong văn hóa hiện đại của chúng ta, các khái niệm trực giác thường bị gièm pha để đề cao những thứ mà có thể được kiểm chứng một cách dễ dàng hơn.

Khi khoa học đang cố gắng để thừa nhận khả năng đáng kinh ngạc này của con người, thì liệu việc phát triển môi trường công nghệ của chúng ta có phải cũng làm thui chột các khả năng trực giác bẩm sinh của chúng ta hay không?

(Theo The Epoch Times)

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Phản vật chất là gì?




Trong vật lý lượng tử, phản vật chất là khái niệm mở rộng của phản hạt, mà ở đó phản vật chất được tạo thành từ liên kết phản hạt theo cách y hệt như hạt liên kết với nhau tạo thành vật chất.

Trong đó phản hạt-antiparticle là những hạt có cùng khối lượng nhưng khác dấu với các hạt cơ bản mà ta đã biết. Ví dụ, phản electron còn gọi là positron có cùng khối lượng với electron nhưng mang điện dương.



Hình ảnh buồng mây của positron lần đầu tiên phát hiện năm 1932.

Một phản electron và phản proton có thể kết hợp với nhau để tạo thành phân tử phản hydro theo cách giống hệt một electron và proton tạo thành hydro thông thường. Vì vậy, việc tạo phản vật chất và vật chất gặp nhau sẽ tiêu hủy lẫn nhau giống như hạt và phản hạt, kết quả phóng ra các photon mang năng lượng lớn (các tia gamma) hoặc các cặp vật chất-phản vật chất khác.

Có rất nhiều lời suy đoán rất đáng chú ý về vì sao vật chất lại là thành phần chủ yếu tạo nên vũ trụ của chúng ta hay phản vật chất tập trung chủ yếu ở đâu và cách khai thác chúng, nhưng hiện tại thì sự chênh lệch về số lượng của vật chất và phản vật chất trong vũ trụ mà chúng ta quan sát được vẫn là vấn đề chưa được giải quyết của vật lý.

Ký hiệu: phản vật chất có ký hiệu giống vật chất nhưng có dấu "-" trên đầu. Ví dụ proton và phản pronton có ký hiệu lần lượt là p và p̅. Một cách viết khác là dựa theo sự trái dấu của điện tích. Ví dụ electron và positron sẽ được ký hiệu là e+ và e- .



Hình vẽ mô tả điện tích của hạt (trái) và của phản hạt (phải). Từ trên xuống là các cặp hạt và phản hạt: Electron/positron, proton/antiproton, neutron/antineutron.

Hiện nay, con người đã tạo ra được phản vật chất như phản hydro và phản heli và có giá thành rất đắt. Một miligam phản vật chất có giá khoảng 300 tỷ USD, lý do cho giá thành cao như vậy là vì việc tạo ra phản vật chất cực kỳ khó khăn và nhu cầu về phản vật chất rất lớn trong các ngành y học, năng lượng và phục vụ nghiên cứu vật lý.

Trịnh Khắc Duy - PAC




Nguồn gốc của vật chất là từ đâu? phản vật chất tồn tại thế nào?


Nếu xét đơn giản thì vật chất sinh ra từ vụ nổ bigbang, hẳn bạn đã nghe nói vũ trụ sinh ra từ một điểm kỳ dị , lúc đó không tồn tại vật chất mà chỉ có năng lượng(dưới dạng photon chẳng hạn) , và từ năng lượng sinh ra vật chất.
Sau Bigbang 10-33 giây, vũ trụ ở vào trạng thái plasma của quark và gluon .Lúc vũ trụ được 10-6 giây thì hình thành các hadron.Lúc vũ trụ được 100 giây thì các hạt nhân nguyên tử được hình thành.

Nếu bạn xét phức tạp hơn thì phải xét trước bigbang là gì , điều này có rất nhiều giả thuyết .
Trong đó có giả thuyết là bigbang sinh ra không gian và cả thời gian nên không hề có khái niệm "trước" lúc đó thời gian không tồn tại.
Và một số giả thuyết khác như
- Một vũ trụ gương (nhìn trong gương) đối xứng đối với điểm không của thời gian.

- Những Bigbang nhiều vô số xảy ra ở mọi thời điểm từ các lỗ đen nguyên thuỷ.

- Va chạm của các màng 3 chiều...
-Trước Bigbang vũ trụ có kích thước lớn vô cùng, sau đó co lại và vào thời điểm Bigbang trở thành nhỏ như để chui qua một lỗ kim xong giãn nở trở lại.
...
nếu theo các giả thuyết trên thì rõ ràng đã tồn tại vật chất trước bigbang, sau đó không còn vật chất , và vật chất lại được sinh ra sau bigbang . Và điều này cứ lặp lại...

Đối với phản vật chất, theo lý thuyết thì có vật chất thì phải có phản vật chất . Và đã có bằng chứng xác thực về phản vật chất . Giống như proton, neutron và electron hình thành nên các nguyên tử và vật chất, các phản proton, phản neutron, phản electron (còn được gọi là positron) hình thành nên phản nguyên tử và phản vật chất.

Nguồn gốc của nó cũng như vật chất.
Tất cả các thuyết vật lý đều nói rằng khi vụ nổ lớn (Big Bang), đánh dấu sự hình thành ở 13,5 tỉ năm trước, vật chất và phản vật chất có số lượng bằng nhau. Vật chất và phản vật chất kết hợp lại, và tự hủy nhiều lần, cuối cùng chuyển sang năng lượng, được biết như dạng bức xạ phông vũ trụ. Các định luật của tự nhiên đòi hỏi vật chất và phản vật chất phải được tạo dưới dạng cặp. Nhưng một vài phần triệu giây sau vụ Nổ Lớn Big Bang, vật chất dường như nhiều hơn so với phản vật chất một chút, do đó cứ mỗi tỉ phản hạt thì lại có một tỉ + 1 hạt vật chất. Trong giây đầu hình thành vũ trụ, tất cả các phản vật chất bị phá hủy, để lại sau đó là dạng hạt vật chất.

Con người đã tạo được phản vật chất :
Năm 1996, Phòng thí nghiệm Fermi, (Chicago, Mỹ) đã tạo ra 7 phản nguyên tử hydro trong một máy gia tốc hạt. Có điều các hạt này tồn tại trong thời gian quá ngắn ngủi, lại chuyển động với tốc độ sát gần ánh sáng, nên không thể lưu giữ để nghiên cứu.

Tháng 10 năm 2002, Phòng thí nghiệm vật lý hạt châu Âu (European Organization for Nuclear Research-CERN) thông báo kết quả thí nghiệm ATRAP, tiếp nối thí nghiệm ATHENA tháng 9, tạo ra phản nguyên tử Hydro từ phản proton và positron( giống electron nhưng mang điện tích dương) .

Tóm lại phản vật chất cũng được hình thành bởi các hạt giống vật chất nhưng các hạt này có điện tích ngược lại , tức là được hình thành từ phản proton và phản electron .Nó cũng được tạo ra như vật chất , ban đầu có số lượng bằng vật chất , nhưng sau đó vì một lý do chưa rõ mà nó có số lượng ít hơn . Do lúc đầu tồn tại chung , chúng gặp nhau và đánh nhau , cả hai cùng biến mất chỉ còn năng lượng . Do vật chất có quân số đông hơn, trong cuộc chiến 1 đổi lấy 1 này , phản vật chất đã chết hết chỉ còn vật chất cho đến ngày nay.( thực ra trong vũ trụ cũng còn nhưng rất ít) .
Con người có thể tạo được phản vật chất trong phòng thí nghiệm.

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Lý thuyết mới bác bỏ năng lượng tối




Năng lượng tối, nguồn lực bí ẩn được đưa ra hơn một thập kỷ trước để giải thích tại sao vũ trụ đang tách rời ra với tốc độ ngày càng nhanh, không còn cần thiết nữa.


Đó là kết luận của một lý thuyết gây tranh cãi mới cho rằng sự mở rộng ngày càng nhanh của vũ trụ chỉ là một ảo ảnh.

Trong nghiên cứu mới, hai nhà toán hóa đã trình bày giải pháp của họ đối với phương trình tương đối chung của Einstein. Phương trình này được sử dụng để mô tả mối liên hệ giữa trọng lực và vật chất.

Nghiên cứu này cho rằng thiên hà của chúng ta nằm bên trong một khu vực không gian rộng lớn mà độ đậm đặc của vật chất thấp một cách không bình thường do một đợt sóng tiền Big Bang chạy qua vũ trụ.

Từ góc nhìn của chúng ta, các thiên hà khác ngoài khu vực này có vẻ như đã di chuyển ra xa hơn những gì dự đoán, trong khi trên thực tế chúng vẫn nằm nguyên tại vị trí cũ.

“Nếu chính xác, những giải pháp này có thể giải thích cho sự mở rộng ngày cành nhanh của các thiên hà mà không cần đến năng lượng tối”, tác giả chính của nhóm nghiên cứu, Blake Temple thuộc đại học California, Davis, cho biết.

Các chuyên gia khác đánh giá việc loại bỏ năng lượng tối khỏi các mô hình vũ trụ là đáng khen ngợi. Nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng lý thuyết mới có thể phá vỡ nền tảng của vũ trụ học hiện đại và là một điều các nhà thiên văn học không thể chấp nhận.

Thay thế cho năng lượng tối

Cho đến năm 1998, các nhà thiên văn học cho rằng trọng lực sẽ làm chậm quá trình mở rộng vũ trụ do Big Bang tạo ra. Năm đó hai nhóm nghiên cứu độc lập đã công bố dữ liệu cho thấy sự mở rộng của vũ trụ đang nhanh dần lên.

Cả hai nhóm nghiên cứu quan sát thấy ánh sáng từ những siêu tân tinh ở xa mờ hơn những gì trông đợi – cho thấy những vụ nổ hình thành sao này nằm xa hơn vị trí trước đây của chúng nếu vũ trụ chỉ bị tác động của riêng trọng lực.

Để giải thích quan sát này, các nhà thiên văn học bắt đầu sử dụng ý tưởng năng lượng tối, một lực đẩy vũ trụ đang mở rộng kết cấu không gian – thời gian.

Tuy nhiên, hơn 10 năm sau, vẫn chưa có ai dám khẳng định bản chất của năng lượng tối là gì – hoặc nó có thực sự tồn tại hay không.

Để tìm kiếm giải pháp thay thế cho năng lượng tối, các nhà khoa học khác đã đề xuất phiên bản của một lý thuyết mới rằng thiên hà của chúng ta nằm trong một đợt sóng mở rộng, dải không gian với độ đậm đặc thấp.

Tác động gợn sóng

Temple và đồng nghiệp, Joel Smoller thuộc đại học Michigan, là những người đầu tiên cung cấp cơ chế có thể cho sự hình thành một đợt sóng như vậy.

Lý thuyết của họ, được công bố tuần này trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, cho thấy làm thế nào big bang đã tạo ra một đợt sống quy mô lớn trong không gian – thời gian gọi là sóng mật độ.

Khi đợt sóng nguyên thủy này chạy trong vũ trụ, nó để lại những gợn mật độ thấp với động rộng hàng chục triệu năm ánh sáng, và hiện bao bọc lấy thiên hà Milky Way

Trong khi đó, vật chất bị kẹt đằng trước đợt sóng này bị đẩy ra ngoài, dịch chuyển gọi vị trí ban đầu của nó. Chính điều này đã làm thay đổi vị trí của vật chất sau này hình thành nên các sao và thiên hà.

Khi ánh sáng của những vật thể này cuối cùng đến được trái đất, nó mờ hơn những dự đoán ban đầu, vì những vật thể này xa chúng ta hơn nếu đợt sóng mật độ không đi qua chúng.

Giả thuyết này cũng giải thích tại sao siêu tân tinh được mô tả năm 1998 nằm cách chúng ta xa như vậy.

Kết hợp

Tuy nhiên, mô hình như vậy có thể xâm phạm lý thuyết rất phổ biến trong lĩnh vực vũ trụ học gọi là nguyên lý Côpecnich.

Lý thuyết này nhận định rằng vũ trụ là đồng nhất – khi quan sát một cách toàn diện những phần khác nhau của vũ trụ trông giống hệt nhau.

Nguyên lý Côpecnich là giả định xuất phát từ phương trình được chấp nhận rộng rãi của Einstein, gọi là không gian – thời gian Friedmann-Robertson-Walker

“Chúng tôi muốn sự đồng nhất trong phương trình, vì đó chính là những gì chúng tôi quan sát thấy trên bầu trời”, Dragan Huterer, một nhà vật lý học thiên thể tại đại học Michigan nhưng không tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết.

Ngược lại, Smoller và Temple không sử dụng nguyên lý Côpecnich vì vật chất bên trong lớp gợn có độ đâm đặc thấp hơn so với vật chất bên ngoài.
Các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh rằng có một cách mà lý thuyết của họ không đi ngược với nguyên lý Côpecnich: Nếu đợt sóng mật độ của vụ nổ big bang tạo ra nhiều lớp gợn.

Trong trường hợp này, không gian vẫn có vè ngoài tương tự nhau khi quan sát từ một điểm đủ xa.

Liều thuốc khó nuốt trôi

Đối với những nhà thiên văn học thực sự nghiêm túc về ý tưởng này, mô hình mới cần phải giải thích được số lượng quan sát ngày càng nhiều nghiêng về giả thuyết năng lượng tối.

Huterer cho biết: “Vẫn không rõ liệu mô hình này có phù hợp với dữ liệu hay không. Ở thời điểm hiện tại, tấ cả các tuyên bố chúng tôi đưa ra đều có từ có thể”.

Nhưng kể cả khi lý thuyết về đợt sóng mật độ trải qua được những kiểm tra và thí nghiệm, việc loại bỏ ý tưởng về vũ trụ đồng nhất sẽ là một liều thuốc đắng khó nuốt trôi cho các nhà thiên văn học.

“Cái giá phải trả là việc vi phạm nguyên lý Côpecnich, và đồng thời cơ cấu rất đặc biệt của tình trạng ban đầu của vũ trụ”, Alexey Vikhlinin thuộc trung tâm vật lý học thiên thể Havard-Smithsonian tại Massachusetts, cho biết.

“Do đó rất nhiều nhà vũ trụ học cho rằng những đề xuất như vậy rất khó để được chấp nhận”.

Ngoài ra, nghiên cứu mới cũng bị đặt nhiều câu hỏi nghi vấn giống như khái niệm về năng lượng tối.

Huterer nói: “Bạn sẽ phải tự hỏi tại sao chúng ta lại nằm giữa lớp gợn sóng này? Tại sao không phải là một nơi khác?”

Theo khoahoc.tv

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Chất lượng tư duy phụ thuộc vào trí tâm, chứ không phải tuổi tác


 Trường Giang





Có người cho rằng, bác ấy già rồi, tư duy dứt khoát là cũ kỹ, lạc hậu. Song cũng có người nói, cậu ấy còn trẻ người non dạ, tư duy còn hời hợt, nông cạn lắm. Hai ý kiến nhận xét đó đều lấy tuổi tác làm tiêu chí.

Thực ra, tuổi tác chỉ có ảnh hưởng đến tư duy khi tuổi tác đã phát triển đến cái ngưỡng mà thần kinh đã bị thoái hóa, không còn hoạt động bình thường chứ tuổi nhiều mà trí óc vẫn còn minh mẫn thì yếu tố quyết định chất lượng tư duy là những yếu tố khác.

Yếu tố đầu tiên phải nói đến là tiềm năng hiểu biết, chất văn hóa, độ phong phú của ý kiến một con người cụ thể thường phụ thuộc chủ yếu vào số lượng trí thức, vào kết quả học tập tích lũy hiểu biết của người đó. Chẳng có ai dốt nát mà có tư duy sâu sắc đầy đủ, phát biểu hay, có sức thu hút lớn. Tư duy là hoạt động của nhận thức ở giai đoạn cao tất nhiên phải phụ thuộc vào trình độ nhận thức. Nhiều tuổi mà không học, không tích lũy thì nhận thức vẫn kém “không bột không gột nên hồ”.

Thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp một đôi người kém hiểu biết nhưng lại nói năng rất nhiều. Song để ý nghe kỹ ta thấy ngay lượng thông tin trong sự nhiều lời đó quá ít ỏi, nghĩa là nội dung tư duy vẫn rất nghèo.
Yếu tố thứ hai quyết định chất lượng tư duy là tầm suy nghĩ, tầm nhìn. Có người thường suy nghĩ rất ngắn, ta hay ví đùa là nhìn không quá cái lỗ mũi của mình. Song cũng có người thường có tầm nhìn xa. Họ nhìn thấu cả cuộc đời, hoạch định trước kế hoạch cho cả một tương lai dài. Họ là những chuyên gia, cán bộ quản lý tầm vĩ mô. Họ lên kế hoạch 5 năm, 10 năm. Họ hay đề cập đến những vấn đề bao quát lớn, có tầm quan trọng đặc biệt, chi phối nhiều hoạt động khác.

Những người có tầm nhìn, tầm suy nghĩ như thế thì bất luận ở độ tuổi nào, thường có một chất lượng tư duy cao; vừa sâu rộng vừa thông thoáng, quán xuyến được những vấn đề trước mắt mà không mâu thuẫn với mục tiêu lâu dài. Tư duy của họ bao giờ cũng vừa khái quát, vừa cụ thể, giàu sức thuyết phục.

Yếu tố thứ ba quyết định chất lượng tư duy là phương pháp suy nghĩ. Có người có cách suy nghĩ tản mạn, tùy tiện, lỏng lẻo; nhớ gì nghĩ nấy, nói nấy, nói không đầu, không đuôi, ý nọ xọ ý kia không theo một trình tự nào cả. Song cũng có người có cách suy nghĩ rất chặt chẽ, ý trước ý sau rõ ràng, trình tự hợp lý, nói năng lưu loát, mạch lạc, đâu ra đấy.

Những người có phương pháp suy nghĩ như thế thì dù còn rất trẻ chất lượng tư duy của họ cũng chịu ảnh hưởng tốt, có tính hệ thống, có chất khoa học cao.

Yếu tố quyết định cuối cùng là cái tâm; tâm thiện tâm ác đều ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tư duy. Có người mang động cơ cá nhân ích kỷ trong mình rất mạnh; nghĩ gì, nói gì cũng đều lấy mình làm trung tâm, đều vơ vét hết mọi cái cho mình. Họ mờ hết cả mắt, không thấy gì trước mình, chung quanh mình nữa. Bố mẹ, anh em, cộng đồng xã hội sinh ra mình, nuôi nấng dạy bảo mình, họ cũng chẳng coi ra gì. Họ chẳng chút động lòng, chẳng chút do dự khi bàn đến chuyện xâm phạm đến lợi ích của người khác, lợi ích của tập thể.

Lương tâm con người họ đã bay biến đâu mất rồi. Song cũng có rất nhiều người, có thể nói là đại đa số người có tâm hướng thiện. Họ thường nghĩ nhiều đến điều tốt lành; tốt lành cho bản thân, tốt lành cho người khác, tốt lành cho cộng đồng. Họ thường xúc động, thương tâm khi nhìn thấy đau khổ của người khác, và rất vui mừng trước hạnh phúc cùa mọi người. Họ không bao giờ tranh chấp, ganh tỵ làm những điều xằng bậy. Cái tâm của họ luôn luôn trong sáng.

Những người có cái tâm như thế thì chất lượng tư duy của họ bao giờ cũng phát triển theo hướng lành mạnh, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích của mình, thường xuyên lấy nhân nghĩa, lấy lẽ phải, công bằng làm trọng.

Coócnây, một nhà văn nổi tiếng của Pháp trong tác phẩm “Lơ xít” của mình đã viết: “Tài năng không chờ đợi tuổi tác”. Chất lượng tư duy, một biểu hiện tài năng đầu tiên của con người cũng không phụ thuộc vào tuổi tác. Tâm và trí là hai yếu tố nền tảng quyết định mọi chất lượng tư duy của người.

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Phát triển bộ não hoàn chỉnh từ tế bào da



Phát biểu tại hội nghị Military Health System Research Symposium (Hội nghị chuyên đề về y tế quân sự) ở Ft. Lauderdale, Florida (hôm 18/8), nhà nghiên cứu Rene Anand tại Đại học bang Ohio mô tả công việc của ông và các đồng sự là " phát triển một bộ não người gần như hoàn chỉnh từ các tế bào da".



Mô hình não được phát triển trong phòng thí nghiệm có kích thước bằng một cục tẩy bút chì và được cho là mô hình hoàn thiện nhất về bộ não mà con người tạo ra từ trước đến nay. Các tác giả cho biết, họ đã sao chép gần như hoàn toàn cấu trúc bộ não của thai nhi 5 tuần tuổi.

"Nó không chỉ trông giống như bộ não đang phát triển, các loại tế bào khác nhau của nó thể hiện gần như toàn bộ các gen của bộ não" nhà khoa học Rene Anand giải thích. Chính xác hơn, bộ não nhân tạo này chứa đến 99% gen tự nhiên có trong bộ não của một bào thai đang phát triển.

Mô hình bộ não này được các nhà khoa học phát triển từ các tế bào da. Những tế bào đầu tiên sẽ được sử dụng với vai trò là tế bào gốc chưa trưởng thành và sao đó được lập trình để trở thành tế bào não.

Rene Anand cho biết, một tế bào gốc có thể phát triển thành bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể dưới dự tác động của con người. Để lừa các tế bào gốc thu từ da biến đổi thành mô não, các nhà khoa học cho chúng tiếp xúc với những điều kiện tương tự như thai nhi trong bụng mẹ.

Các nhà khoa học mất khoảng 12 tuần để các tế bào gốc bắt chước và phát triển theo cấu trúc não của một thai nhi 5 tuần tuổi.

Rene Anand và đồng nghiệp nghĩ rằng, nếu được cho phép tiếp tục phát triển cho hơn một vài tuần, họ có thể tạo ra bộ não hoàn thiện 100%.

Vậy tại sao phải phát triển một bộ não trong phòng thí nghiệm?

Rene Anand và những nhà nghiên cứu hy vọng rằng một ngày nào đó phương pháp này sẽ giúp ích cho việc điều trị các căn bệnh như Alzheimer, Parkinson và bệnh tự kỷ, thậm chí từ đây có thể phát triển thêm một phương pháp điều trị mới cho các bệnh nhân.

Hơn nữa, họ còn đề xuất rằng nếu được lắp với một nguồn cung cấp máu thích hợp, các mô hình bộ não người từ tế bào da có thể góp phần vào việc điều trị bệnh đột quỵ hiệu quả hơn.

Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Sức mạnh của mô hình não này là tín hiệu rất tốt cho sức khỏe con người vì nó cho phép chúng ta phát triển thêm các phương pháp điều trị mới".

Tuy nhiên, để tránh những rủi ro về mặt đạo đức hoặc đề phòng bị lạm dụng vào các mục đích xấu, các nghiên cứu này cần được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ trong phòng thí nghiệm.

Minh Trung
Theo Softpedia

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

sự chết – và vài đề tài lân cận (phần cuối)



Nguyễn Nhân Trí

Sau đây là đoạn kết của Tiểu Luận 2 SỰ SỐNG SAU KHI CHẾT?

Xuất Hồn

Hiện tượng “xuất hồn” nói chung là khi một người thật sự cảm thấy mình đã thoát ra khỏi cơ thể của họ. Đã có nhiều khoa học gia Tây Phương nghiên cứu về hiện tượng nầy; họ gọi nó là “out-of-body experience” (nghĩa là “trải nghiệm khi bên ngoài cơ thể”, và thường viết tắt là OBE).

“Xuất hồn khi sắp chết” (“near death experience” hay NDE) chỉ là một trường hợp đặc biệt của hiện tượng xuất hồn nói chung.

Trong trường hợp tiêu biểu, một người thấy họ “bay”ra khỏi và lơ lửng bên trên cơ thể mình; họ thường có thể nhìn thấy chính cơ thể họ cũng như mọi cảnh trí chung quanh. Hầu hết mọi thứ họ diễn tả lại đều đúng với cảnh trí thật sự. Tuy nhiên thường có vài chi tiết không chính xác, thí dụ như họ thấy cánh cửa phòng đang đóng trong khi nó thật sự đang mở. Có người thấy cơ thể hiện tại của mình đang nằm đó, cũng có những người kể lại họ thấy cơ thể lúc còn trẻ của họ. Thường họ chỉ nhìn thấy sự vật nhưng có người kể lại họ cũng có thể nghe âm thanh. Điểm chính yếu nhất là họ có cảm giác rất rõ rệt là họ đang nghe và thấy từ một vị trí nằm hẳn bên ngoài cơ thể của họ.



Có người tường thuật khi xuất hồn họ có thể du hành đến những thế giới khác, đi qua một đường hầm tối đến một nơi có ánh sáng rực rỡ và thanh bình, gặp những linh hồn của những người quen biết đã qua đời. Có người kể lại họ đi lên đến các hành tinh khác như Hỏa Tinh, v.v.

Người ta biết rằng các cảm giác giống như trạng thái xuất hồn có thể xảy ra vì nhiều lý do: não bộ bị thương tổn, giác quan bị rối loạn, mất ngủ lâu ngày, đói khát cực độ, ảnh hưởng của một số dược phẩm và ma túy, não bộ bị kích động bằng điện, v.v.Thống kê cũng cho biết khoảng một trong mười người vì lý do gì đó có thể trải qua trạng thái dạng nầy dưới nhiều mức độ khác nhau ít nhất một lần trong đời.

Nói chung có rất nhiều lý thuyết về hiện tượng nầy. Nhiều người cho rằng đây là bằng chứng cho thấy sự hiện hữu của thần thể hay linh hồn. Nhiều nhà khảo cứu cho rằng khi so sánh cách điều hành của não bộ, hiện tượng xuất hồn có liên hệ với hiện tượng chiêm bao, nhất là hiện tượng chiêm bao trong đó người đang ngủ nhận biết mình đang chiêm bao và có thể điều khiển diễn tiến của giấc chiêm bao đó ra sao (một hiện tượng gọi là “lucid dreaming”, tạm dịch là là “chiêm bao tỉnh táo”). Tuy nhiên chúng khác nhau ở chỗ khi một người xuất hồn họ cho rằng những gì họ đang nhìn thấy đang xảy ra thật sự. Thống kê có vẻ hỗ trợ quan điểm xuất hồn liên hệ với chiêm bao. Khi phỏng vấn những người đã từng xuất hồn, 85% cho biết họ xuất hồn trong lúc hoặc đang ngủ, hoặc đang nghỉ ngơi nhắm mắt, hoặc đang chiêm bao, hoặc đang nằm trên giường, hoặc đang đau bệnh; một số nhỏ cho biết họ đang dưới ảnh hưởng dược phẩm hay ma túy.

Cảm giác lạ lùng khi xuất hồn lần đầu tiên có thể vừa hứng khởi vừa kinh ngạc. Điều nầy phối hợp với những hình ảnh một người có thể nhìn thấy rõ rệt trong khi xuất hồn làm họ dễ dàng tin chắc chắn rằng “đây không thể nào là chiêm bao được”. Điều cần biết là những gì một người nghe thấy trong chiêm bao thường cũng có thể rất rõ rệt và chi tiết, nếu họ có lý do nhớ đến chúng. Thường thường chúng ta không nhớ mấy về chiêm bao của mình sau khi thức dậy, vì thế chúng có vẻ như “không thật”. Đời sống hàng ngày cũng vậy, chúng ta thường trải qua trọn mỗi ngày thức dậy, đánh răng rửa mặt, ăn sáng, đi làm, ăn trưa, lái xe về nhà, ăn tối, v.v. mà không hề để ý đến chi tiết nào rõ rệt cả, nếu không có lý do gì để cần phải nhớ đến chúng. Chỉ khi nào có chuyện bất thường gì xảy ra thì chúng ta sẽ lập tức thu nhận tích cực những gì chúng ta nghe thấy và do đó chúng ta sẽ có thể nhớ lại diễn biến nầy rành mạch trong tương lai. Những giấc mơ tuyệt vời hay những ác mộng cũng vậy, chúng ta thường nhớ rất kỹ càng mọi chi tiết và có cảm tưởng như chúng đã xảy ra thật sự.

Hiện tượng xuất hồn thường xảy ra đến một người đột ngột không báo trước. Tuy nhiên cũng có một số người có thể tự điều khiển mình vào trạng thái nầy bất cứ lúc nào họ muốn. Có những phương pháp thiền với mục đích chính là để xuất hồn.

Thống kê cho thấy những người đã từng xuất hồn phần đông là những người có khuynh hướng ưa thích chuyện tưởng tượng và hay tin vào những điều thần thoại, huyền bí hơn những người không bao giờ xuất hồn. Tuy thế không phải ai cũng vậy.

Năm 2012 có một nữ sinh viên ngành tâm lý học tại Đại Học Ottawa cho biết cô có thể tự ý xuất hồn bất cứ lúc nào từ khi còn bé. Cô cho biết mỗi khi xuất hồn cô thấy mình nằm lơ lửng trên không và có thể hoặc lật úp xuống nhìn thấy cơ thể của mình, hoặc xoay vòng vòng như chong chóng song song với mặt đất, hoặc bay thẳng lên xuống nhiều độ cao thấp khác nhau. Cô kể lại lúc nhỏ ở mẫu giáo cô rất ghét giờ ngủ trưa, một hôm cô khám phá mình có thể làm được điều nầy nên từ đó thường xuyên xuất hồn như một cách giải trí trong lúc bị bắt buộc nằm ngủ chung với các đứa bé khác. Khi lớn lên cô vẫn tiếp tục thỉnh thoảng xuất hồn, luôn luôn do tự ý mình một cách dễ dàng, thường là để dỗ ngủ. Trong khi người khác đếm cừu thì cô xuất hồn ra khỏi cơ thể. Cô cũng cho biết cô tưởng ai cũng làm việc nầy được.



Như đã nói, tường thuật hiện tượng xuất hồn rất phổ biến nhưng hầu như chưa mấy khi xảy ra trong môi trường thí nghiệm khoa học được kiểm soát chặt chẽ. Cơ hội nghiên cứu một người mạnh khỏe có thể tự ý xuất hồn bất cứ lúc nào chưa bao giờ xảy ra, cho đến lúc nầy.

Người dẫn đầu cuộc thí nghiệm về cô sinh viên trên, giáo sư Claude Messier và phụ tá Andra Smith cho biết không có gì đặc biệt về cô gái nầy chỉ trừ cô thường rất khó ngủ. Đối với cô, cô không cảm thấy đây là một việc bất thường hay liên quan đến tâm linh. Đối với cô đây chỉ là một việc cô làm rất bình thường. Cô cho biết mỗi khi xuất hồn tuy cô có thể điều khiển sự di chuyển của mình nhưng đồng thời biết là cơ thể “thật sự” của cô không hề chuyển động. Tuy vậy mọi cảm giác đều rất rõ ràng và “thật”. Thí dụ như cô cho biết nếu cô xoay vòng vòng quá lâu thì cô sẽ bị chóng mặt.

Người ta chụp ảnh (fMRI scan) hoạt động trong não bộ cô trong khi cô đang xuất hồn và thấy rằng hầu như mọi hoạt động chỉ xảy ra ở não cầu bên trái thay vì ở cả hai bên như trong khi một người đang tưởng tượng điều gì. Mọi điều khiển về sự di chuyển của cơ thể đều nằm trong não cầu bên trái. Đây là nơi hệ thần kinh định vị giúp chúng ta cảm giác được cơ thể mình đang ở vị trí nào trong khoảng không gian chung quanh. Thí nghiệm cũng cho thấy phần não bộ điều khiển thị giác của cô trong lúc đó hầu như ngưng hoạt động.

Kết luận của cuộc thí nghiệm trên cho thấy cô không hề tưởng tượng; những gì cô thấy và cảm nhận đều thật sự xảy ra trong não bộ cô. Phản ứng của não bộ cô giống hệt như khi cơ thể cô đang thật sự trải nghiệm qua những chuyển động cô diễn tả. Tuy nhiên điều nầy không có nghĩa là linh hồn cô đã rời khỏi cơ thể cô. Đây chỉ là kết quả của cách thức não bộ cô làm việc và không phải là một hiện tượng tâm linh gì cả. Đây chỉ là một khả năng đặc biệt mà chẳng qua cô có được. Có thể nói điểm khác biệt duy nhất giữa cô và vô số người xuất hồn khác là cô có thể tự ý làm chuyện nầy xảy ra một cách dễ dàng bất cứ lúc nào cô muốn. Hơn nữa, đối với cô đây là một việc bình thường hàng ngày chớ không có gì đặc biệt hay huyền bí cả.

Một thí nghiệm nổi tiếng và khá lý thú khác về hiện tượng xuất hồn xảy ra năm 1968 khi chuyên gia tâm thần Mỹ Charles Tart của Hội Nghiên Cứu Tâm Thần Hoa Kỳ (American Society for Psychical Research) quan sát một người được gọi là Miss Z qua 4 đêm trong phòng thí nghiệm của ông. Miss Z là một người được biết có thể xuất hồn hầu như hàng đêm. Charles Tart muốn dùng trường hợp Miss Z để chứng minh thật sự linh hồn cô có xuất khỏi cơ thể và nhìn thấy mọi vật chung quanh mình hay không.

Mỗi đêm khi Miss Z ngủ, đầu của cô được nối liền với một chiếc máy có thể ghi nhận mọi hoạt động trong não bộ. Chính Charles Tart đích thân theo dõi các điện não đồ suốt đêm từ căn phòng kế bên. Trên kệ tủ cao trong phòng Miss Z ngủ có đặt một tấm bảng mang 5 điện số thay đổi khác nhau mỗi đêm. Cô không biết những con số nầy là gì. Từ nơi Miss Z nằm, cô không thể nào nhìn thấy chúng. Người ta muốn thử xem Miss Z có đọc được các con số nầy khi cô xuất hồn hay không.



Sau ba đêm đầu, Miss Z không thấy gì cả. Sau đêm thứ tư (đêm cuối cùng) cô nói trúng các con số nầy. Charles Tart cho rằng đây là bằng chứng cho thấy Miss Z đã xuất hồn trong đêm nên mới đọc được các con số nằm trên cao.

Cuộc thí nghiệm nầy gây một tiếng vang khá lớn lúc bấy giờ trong giới nghiên cứu về tâm thần và tâm linh. Nhiều người cho rằng đây là một bước ngoặc quan trọng vì quan niệm linh hồn là một vật thể phi vật chất riêng biệt hiện hữu song song với thân thể vật chất đã được kiểm chứng và xác nhận bởi khoa học. Tuy nhiên những nghiên cứu gia khác sau khi đọc kỹ bản tường trình của cuộc thí nghiệm nầy đã có các nhận xét và chỉ trích sau đây.

Trước hết thí nghiệm nầy đã không được tổ chức cẩn thận do đó không có những phương thức kiểm soát đầy đủ để phòng ngừa và loại bỏ tất cả sự kiện có thể xảy ra đưa đến việc nghi ngờ giá trị về kết quả của nó. Trong suốt 4 đêm thí nghiệm, Miss Z nằm trên giường trong một căn phòng cách biệt hẳn với người kiểm soát. Tuy giữa hai căn phòng có một khung cửa kính nhưng nơi Miss Z nằm chỉ có gắn máy ghi âm (với mục đích theo dõi xem cô có nói mớ hay không) chớ không có máy thu hình. Cách kiểm soát chính của cuộc thí nghiệm nầy là những dây điện nối giữa đầu Miss Z và máy điện não đồ được thu ngắn lại để nếu cô muốn đứng dậy trên giường thì cô sẽ phải lôi kéo các dây điện nầy, và làm như thế sẽ gây ra những xáo động dễ thấy trên điện não đồ.

Bản tường trình kết quả của Charles Tart cho thấy có một sự xáo động trên điện não đồ nhưng vì lý do gì đó ông cho rằng đây chỉ là vì trục trặc tạm thời của máy. Ngay chính ông cũng ghi chú rằng ông đã có những lúc ngủ gật trong các đêm đó. Và một điểm quan trọng khác nữa là chính Charles Tart ghi chú rằng trước đêm thứ tư (tức là đêm cuối cùng) Miss Z “rất bực tức vì ba đêm rồi không có kết quả gì cả và nhất định đêm nay phải xuất hồn bay cao lên để đọc được những con số đó cho bằng được”.

Từ các nhận xét trên, những người phê bình cho rằng không có gì bảo đảm trong đêm cuối cùng Miss Z đã không tự sắp xếp các dây điện lại để có thể đứng dậy trên giường lén nhìn xem các con số trên tủ cao là gì. Charles Tart ngồi ở phòng kế bên có thể không nhìn thấy gì cả vì ông đang ngủ gục. Chi tiết đáng kể nhất là theo chính ghi chú của Charles Tart thì sau 3 đêm vẫn chưa đọc được các con số Miss Z lúc ấy rất bực tức vì đó vì điều nầy ảnh hưởng đến danh tiếng của cô.

Những người phê bình đặt câu hỏi tại sao Charles Tart khi nhận thấy rằng những xáo trộn trên điện não đồ đêm ấy ông lại chỉ cho là vì máy trục trặc mà thôi. Nếu thế thì tại sao ông không tiếp tục cuộc thí nghiệm thêm một vài đêm nữa để có được kết quả chắc chắn?

Những chuyên gia nghiên cứu khác cũng chỉ trích thí nghiệm của Charles Tart chỉ dựa trên một kết quả duy nhất từ một người duy nhất (Miss Z) và chỉ của 1 trong 4 đêm thí nghiệm. Do đó ông không có đủ dữ liệu cần thiết để phân tích, so sánh trước khi đi đến một kết luận có giá trị khoa học. Họ cũng đưa ra vấn đề rằng kết quả thí nghiệm nầy không hề được kiểm nghiệm chính thức bởi các học giả kinh nghiệm cùng ngành khác (peer review), và đây là một điều kiện cần thiết mà mọi thí nghiệm, mọi giả thuyết, mọi lý thuyết khoa học đều phải có để bảo đảm giá trị của nó.

Người ta cũng phê bình về việc Hội Nghiên Cứu Tâm Thần Hoa Kỳ (American Society for Psychical Research) không phải là một tổ chức khoa học được chính thức công nhận bởi mọi khoa học gia mà chỉ là một tổ chức vô vụ lợi được tài trợ bởi tư nhân. Tương tự, việc bản tường trình về thí nghiệm được Charles Tart đăng trên Đặc San Hội Nghiên Cứu Tâm Thần Hoa Kỳ cũng cần được chú ý đến. Đây là một đặc san chủ trương đón nhận bài đăng của bất cứ ai và hầu như không có mối liên hệ gì với cộng đồng khoa học gia Mỹ.

Một thí nghiệm vào năm 2007 bởi Henrik Ehrsson của Học Viện về Não của Đại Học London (Institute of Neurology at University College of London) cho thấy ai cũng có thể bị “lừa” để có cảm giác xuất hồn một cách hoàn toàn máy móc.

Người tham dự thí nghiệm nầy được ngồi trên một chiếc ghế và đeo vào mặt hai màn ảnh nhỏ, mỗi màn ảnh chụp riêng lên một con mắt. Mỗi màn ảnh nầy được nối liền với một máy quay phim; hai máy quay phim nầy được đặt kế bên nhau và nằm khoảng 2 mét đàng sau lưng người nầy. Màn ảnh nằm bên trái chụp lên con mắt trái nối liền với máy quay phim nằm bên trái, màn ảnh nằm bên phải chụp lên con mắt phải nối liền với máy quay phim nằm bên phải. Với cách sắp xếp trên, người nầy có thể nhìn thấy hình ảnh của chính mình giống như một người khác đang đứng cách 2 m đàng sau lưng họ có thể nhìn thấy. Những gì họ nhìn thấy có độ sâu 3 chiều giống y như trong không gian thật sự. Họ sẽ có cảm giác lạ lùng là giác quan của họ (trong trường hợp nầy, thị giác) có vẻ như không còn nằm trên cơ thể thật sự của họ nữa. Họ do đó sẽ có cảm tưởng như đã bị tách rời ra khỏi cơ thể thật sự của họ.

Khi một người khác đứng kế bên người trên dùng một cây gậy chạm nhẹ vào ngực anh ta thì ảo giác trên càng rõ ràng hơn nữa vì mắt anh ta nhìn thấy “cơ thể” anh ta cách đó 2 mét đang bị cây gậy đụng đến trong khi đồng thời ngực anh ta ở đây cũng có cảm giác bị cái gì đụng vào.



Thí nghiệm trên minh chứng một điều nhiều nhà nghiên cứu đã biết; đó là khi một người xuất hồn họ có thể nghe thấy mọi sự việc chung quanh họ nhưng những tín hiệu trên không còn đến từ giác quan của họ nữa. Nói cách khác, người nầy lúc ấy dường như vẫn có đầy đủ cảm giác của một cơ thể nhưng những cảm giác nầy không còn nhận được từ các giác quan của họ. Cảm giác lạ lùng nầy thật ra chỉ là kết quả từ khả năng tuyệt diệu của bộ óc có thể sản xuất ra những hình ảnh âm thanh rõ ràng giống như thật ngay cả khi nó không nhận được tín hiệu nào gởi đến từ các giác quan. Sự kiện nầy cũng xảy ra mỗi lần chúng ta chiêm bao vì chiêm bao chính là khi chúng ta nghe thấy những cảnh trí và cảm nhận những tác động cơ thể của mình trong lúc chúng thật ra đang không hề xảy ra.

Sam Pamia, một phó giáo sư y khoa của Đại Học New York, nghĩ rằng nếu phần nhiều những trường hợp xuất hồn xảy ra trong các phòng giải phẩu (nơi người ta kể lại họ rời cơ thể mình bay lên gần trần nhà nhìn xuống thấy mọi sự việc trong phòng kể cả việc các bác sĩ đang cố làm hồi sinh trên thân thể họ) thì đây là nơi tốt nhất để làm thí nghiệm kiểm chứng. Năm 2008, ông hợp tác với 25 bệnh viện ở Âu Châu, Canada và Mỹ cùng sự điều động của trường Đại Học Southampton để tiến hành một cuộc thí nghiệm được đặt tên là AWARE (viết tắt cho AWAreness during REsuscitation). Trong các phòng giải phẩu, họ đặt những tấm bảng treo lơ lửng từ trần nhà. Bề mặt của các tấm bảng nầy có những hình vẽ quay lên trên trần nên không ai đứng dưới nhà có thể nhìn thấy chúng được. Họ lý luận rằng nếu các người xuất hồn thật sự thấy những gì đang diễn tiến trong phòng khi đang bay lơ lửng trên trần nhà thì họ sẽ phải thấy và có thể diễn tả lại các hình vẽ trên những tấm bảng nầy là gì.

Cho đến nay, kết quả chính thức của cuộc thí nghiệm nầy vẫn còn đang được duyệt thảo qua một quá trình kiểm nghiệm chính thức bởi các đồng nghiệp kinh nghiệm và độc lập khác (peer review). Tuy vậy ông Pamia đã tường trình kết quả sơ khởi về cuộc thí nghiệm AWARE tại một buổi hội thảo ở American Heart Association vào cuối năm 2013. Ông cho biết tất cả đã có 152 bệnh nhân (dưới 15% tổng số bệnh nhân giải phẩu) tường thuật là họ đã xuất hồn trong thời gian đang được giải phẩu ở các bệnh viện trên. Tuy nhiên chỉ có 2 người kể lại họ đã nhìn thấy cảnh vật trong phòng, và chỉ một trong 2 người nầy diễn tả có vẻ đúng như những gì đã xảy ra. Điều cần chú ý là cho đến nay không có ai đã nhìn thấy các hình vẽ trên những tấm bảng treo trên trần nhà cả.



Thống kê gần đây cho thấy không dưới 80% dân Mỹ tin rằng linh hồn họ sẽ tiếp tục sống còn sau khi cơ thể vật chất của họ đã chết. Con số nầy gia tăng hơn nữa sau sự phổ biến rộng rãi của vài quyển sách kể lại nhiều câu chuyện xuất hồn của những người từ đủ thành phần giai cấp trong xã hội, kể cả một khoa học gia và bác sĩ chuyên khoa về não của Đại Học Harvard, ông Eben Alexander, người trước đây đã từng đặt nghi vấn về vấn đề xuất hồn.

Ông Alexander bây giờ quả quyết rằng sau khi não bộ của một người ngừng hoạt động, linh hồn của họ sẽ xuất ra khỏi thân xác và bay về một nơi tốt đẹp hơn. Trong một buổi phỏng vấn với báo New York Times, ông nói “Tri thức và linh hồn của chúng ta không lệ thuộc vào não bộ hay cơ thể chúng ta; nó sống mãi mãi, và không ai có một bằng chứng cụ thể nào cho thấy rằng điều nầy không đúng”.

Đây là một quan niệm vô cùng quyến rũ cho những người lo nghĩ về sự ngắn ngủi của đời sống và là một niềm an ủi to lớn cho những ai vừa mất người thân yêu của họ. Nhiều người tin rằng đây là một vấn đề nằm xa khỏi hẳn khả năng và lãnh vực khoa học, và đó là lý do tại sao không thể nào đem những lý lẽ và kiến thức khoa học ra để chứng minh hiện tượng trên.

Tuy vậy, một điều cần biết là trong khi chúng ta có thể chứng minh sự hiện hữu của một sự vật gì đó, chúng ta không thể nào chứng minh tuyệt đối rằng một sự vật không hiện hữu. Muốn chứng minh một sự vật hiện hữu, người ta chỉ cần tìm ra một thí dụ, một trường hợp người ta đã tìm gặp sự vật ấy. Trong khi đó, nếu muốn chứng mình một sự vật không hiện hữu, chúng ta cần phải tìm kiếm ở mọi nơi trong vũ trụ, mọi lúc trong dòng thời gian kể cả ở tương lai, khảo nghiệm mọi điều kiện, mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, v.v. để gạt bỏ tất cả mọi khả dĩ về sự hiện hữu của nó. Rõ ràng là không ai có thể làm điều trên được. Tuy nhiên nhiều người không hiểu được nguyên lý nầy. Điều đáng tiếc là đôi khi ngay cả một khoa học gia xuất thân từ Havard như ông Alexander vẫn không tránh được lỗi lầm trên khi tuyên bố rằng không ai có thể chứng minh cho thấy không có linh hồn sau khi chết.

Những người như ông Alexander đáng lẽ phải nhận thấy rằng vì họ quả quyết về sự hiện hữu của linh hồn nên chính họ mới có trách nhiệm để chứng minh điều nầy. Họ không thể nào đổ trách nhiệm cho người khác phải chứng minh rằng họ không đúng. Theo nguyên tắc lý luận cơ bản, khi một người đưa ra một sự kiện thì họ là người cần phải biện chứng sự hiện hữu của sự kiện đó; trong khi ấy một người tuyên bố không tin vào một sự kiện không cần phải (và nếu muốn cũng không thể) biện minh cho sự không hiện hữu của nó.

Hơn nữa, nếu muốn chứng minh một định luật có giá trị, người ta cần phải cho thấy định luật nầy áp dụng đúng cho mọi trường hợp. Thí dụ không ai có thể phủ nhận các định luật về trọng lực. Tất cả mọi vật trong đời sống bình thường chung quanh chúng ta đều tuân theo các định luật nầy. Từ một quả táo bị sức hút của địa cầu cho đến sự hấp dẫn giữa hai tinh tú trong ngân hà, tất cả đều luôn luôn xảy ra, luôn luôn lập lại giống y hệt như nhau và luôn luôn có thể kiểm chứng, đo lường, tiên đoán.

Nếu muốn nói rằng linh hồn của con người sẽ sống còn mãi mãi sau khi cơ thể ngừng hoạt động và bị hủy diệt thì tại sao chúng ta không thấy sự kiện nầy xảy ra đối với mọi người, mọi nơi, mọi lúc? Thí dụ như những câu chuyện xuất hồn trong lúc gần chết (near death experience – NDE) chỉ xảy ra với một phần rất nhỏ so với tất cả những người đã trải qua trạng thái đã chết và sống lại. Có nghĩa là quan điểm trên không đúng với thực tại trong đại đa số trường hợp.

Những câu chuyện xuất hồn nói chung được người ta thích thú tìm đọc say mê chỉ vì nó rất kỳ lạ và hiếm hoi chớ không xảy ra hàng ngày đến mọi người. Không ai bận tâm đến câu chuyện một quả táo rụng từ trên cành rơi xuống đất. Do đó chúng ta không nên quả quyết rằng con người có một linh hồn sẽ sống còn mãi mãi sau khi thân xác họ đã chết. Đó là chưa kể đến việc cho đến nay không có trường hợp xuất hồn nào có thể được chứng minh rằng nó luôn luôn xảy ra, luôn luôn lập lại giống y hệt như nhau và luôn luôn có thể kiểm chứng, đo lường, tiên đoán. Và vì không thỏa điều kiện cần thiết trên, vấn đề nầy không nên được xem là có giá trị bất khả phủ nhận.

Trong khi đó, như đã nói, mặc dù không ai có thể chứng minh tuyệt đối rằng tri thức của một người là sản phẩm của não bộ cũng như giác quan của họ, có rất nhiều sự kiện có vẻ như hỗ trợ điều nầy.

Một trong những sự kiện có thể nói rằng hầu như “luôn luôn xảy ra, luôn luôn lập lại giống y hệt như nhau và luôn luôn có thể kiểm chứng, đo lường, tiên đoán” liên quan đến vấn đề thương tích não.

Kỹ thuật khám nghiệm và phân tích hoạt động của não bộ ngày nay cho phép chúng ta thấy rõ nhiệm vụ riêng biệt của của từng phần, từng vùng não bộ. Khi một vùng não bộ bị thương tíchhay bị cắt bỏ đi thì những chức năng của một người thường ngày được chỉ huy và điều khiển bởi vùng não bộ đó sẽ bị ảnh hưởng. Trong đa số trường hợp, bác sĩ có thể tiên đoán được những ảnh hưởng nầy và thảo luận với bệnh nhân trước khi giải phẩu. Không những chỉ các chức năng vật chất liên quan đến cơ bắp hay sự vận hành của chân tay, thị giác, xúc giác, v.v mà cả những chức năng nằm trong lãnh vực tinh thần, tâm trí, cá tính, cá thể của người ấy.



Có vô số trường hợp sau khi bị tai biến mạch máu não, bệnh nhân trở thành một con người khác hẳn về mặt tâm tính và tình cảm. Có những người trở thành khó tính, lạnh lùng, vô cảm xúc, khắc nghiệt, tàn ác trong khi có những người trở thành dễ dãi, hiền lành, hiếu hòa, nhân ái. Có nhiều trường hợp sau giải phẩu não bệnh nhân mất hẳn khả năng quyết định, họ trở thành một người không có lập trường, ai nói gì cũng nghe, không thể lý luận và giải quyết điều gì, trở thành hèn yếu, dễ tin, dễ nhát sợ. Có một trường hợp sau khi giải phẩu bướu não bệnh nhân mất tất cả tính chất đạo đức đã có sẵn trước đây; ông trở thành một người vô trách nhiệm có khuynh hướng làm những điều hoàn toàn trái ngược với khuôn phép xã hội và tiêu chuẩn luân lý.

Những chức năng kể trên xác định cá tính, bản chất, nhân cách của một người. Chúng là cơ cấu của cảm xúc, sự suy nghĩ, lý luận, v.v. dẫn đến những thương ghét vui buồn sâu kín nhất lẫn các hành vi, tư cách bộc lộ rõ rệt trong đời sống hàng ngày. Nói cách khác đây là định nghĩa cơ bản của tri thức.

Nếu cho rằng linh hồn của một người có thể sống còn sau khi chết thì tri thức của họ cũng phải được giữ nguyên vẹn sau khi thân thể đã bị hủy hoại. Tuy vậy, vô số các thí dụ tương tự như trên cho thấy tri thức và cá tính của một người bị biến đổi hay tiêu tan sau khi não bộ của họ bị thương tích. Nếu mỗi người chúng ta có một linh hồn có thể cho phép chúng ta nghe thấy, suy nghĩ và cảm nhận sau khi cơ thể chúng ta đã bị hủy diệt thì tại sao linh hồn nầy lại không thể cho phép chúng ta tiếp tục làm những điều trên một cách bình thường sau khi một phần não bộ (tức là một phần cơ thể) chúng ta ngừng hoạt động?

Cách đây hơn 750 năm, nhà thần học nổi tiếng Saint Thomas Aquinas cũng đã nhận ra điều nầy phần nào. Ông cho rằng khi không còn cơ thể nữa, tức là không còn mắt, tai, mũi, v.v. thì linh hồn sẽ không có những cảm quan thấy, nghe, ngữi, v.v. nữa và sẽ chỉ biết chờ đợi trong vùng bóng tối vô cảm giác cho đến ngày Phán Xét khi thân xác được Thiên Chúa làm cho sống lại. Ông cũng cho rằng linh hồn không có thân xác chỉ có thể còn giữ được những đặc tính như khả năng suy luận, hiểu biết và cảm nhận đạo đức (tức là những đặc tính không lệ thuộc vào các bộ phận vật chất của cơ thể). Tuy vậy như vừa thấy từ những thí dụ kể trên, ngày nay người ta đã có thể xác định rõ ràng phần não bộ nào chịu trách nhiệm cho loại tư tưởng và hành vi nào của con người. Do đó những đặc tính cá thể mà Aquinas thuở xưa, và nhiều người khác ngay cả bây giờ, cho rằng thuộc về linh hồn có vẻ như đều sẽ bị tiêu hủy khi các phần não bộ tương ứng trên bị tiêu hủy.

Có những người sẽ lý luận rằng linh hồn chỉ cần một thân xác để vận hành trong cõi sống hiện tại nhưng không cần một thân xác trong thế giới sau khi chết. Họ so sánh linh hồn như tín hiệu sóng radio truyền ra từ một đài phát thanh và thân xác vật chất như một chiếc radio; khi chiếc radio được mở đúng băng tần sóng nào đó thì nó trở thành sống động với những tiếng nói, ca nhạc, v.v. và khi chiếc radio bị hư hại thì không còn âm thanh gì phát ra được nữa tuy nhiên tín hiệu sóng vẫn còn hiện hữu.

Cách so sánh trên thiếu sót một điểm rất quan trọng, đó là sự tương tác giữa chiếc radio và môi trường chung quanh nó; hay nói rõ hơn là về những giác quan của một người. Giác quan là cửa sổ thông thương tri thức, tâm thức của một người với thế giới chung quanh họ. Những dữ kiện, tín hiệu thu nhận từ giác quan được phối hợp với những bản chất, tính khí, khả năng suy luận, kiến thức có sẵn trong tiềm thức và trong cấu trúc cơ bản có sẵn để tạo nên tâm thức, tri thức, bản thể và tất cả những gì khác để làm người đó thành một cá thể khác biệt với mọi cá thể đồng loại.

Có thể nói rằng giác quan không những là cửa sổ của linh hồn mà còn đóng một vai trò trọng yếu trong việc sản xuất ra linh hồn. Nếu có phải so sánh thì con người có thể tạm thời so sánh với một chiếc máy hát nhạc thường thấy ở các bar rượu. Trong máy đã có sẵn một số dĩa nhạc, tùy người ta bỏ tiền vào và nhấn nút nào thì chiếc máy nầy sẽ phát ra bài nhạc gì đó tương ứng. Tiếng hát, âm nhạc không được truyền đến từ một đài phát thanh ở đâu cả mà chỉ xuất phát từ bên trong chính chiếc máy (các dĩa nhạc) cộng với tác động của môi trường chung quanh nó (tùy người bỏ tiền vào bấm nút lựa bản nhạc nào). Khi chiếc máy bị hư thì không còn âm thanh gì phát ra nữa.

Linh Hồn là một Cá Thể Độc Lập và Trường Cửu?

Một lý thuyết thường được đề cập đến, đó là mỗi người có hai hệ thống vận hành cơ yếu. Hệ thống thứ nhất là cơ thể vật chất của họ. Hệ thống thứ hai là thành phần vô vật chất trong đó tập hợp những tri thức, tâm thức, nhân cách và cá tính của họ. Hai hệ thống nầy hiện hữu và vận hành song song với nhau, trong khi người nầy còn sống và sau khi họ đã chết. Lý thuyết nầy có vẻ giải thích được nhiều hiện tượng mà hiện nay khoa học phổ thông cổ điển không giải thích được.

Tuy vậy, ngay cả nếu như chúng ta chấp nhận vềhệ thống thứ hai nầy thì có một câu hỏi khác sẽ được đưa ra lập tức: hệ thống thứ hai có thể hiện hữu độc lập không cần sự hiện hữu của hệ thống thứ nhất hay không? Nói cách khác, linh hồn có thể hiện hữu sau khi thân xác đã bị hủy diệt hay không?

Có vô số câu chuyện về xuất hồn, nhập xác, ma quỷ, v.v. có vẻ cho thấy rằng hệ thống thứ hai chẳng những hiện hữu không cần hệ thống thứ nhất mà còn đôi khi có thể tương tác với môi trường vật chất không khác gì hệ thống thứ nhất. Có nghĩa là đôi khi phần linh hồn của một người chẳng những có thể sinh tồnsau khi chết mà còn có thể giao tiếp được với những người còn sống khác.

Tuy nhiên, một điều cần phải nhìn nhận lànhững gì được xem là bằng chứng về các trường hợp sinh tồn sau khi chết xảy ra vô cùng hiếm hoi. Nếu chỉ xét về phương diện sinh vật học mà thôi thì sau hơn 150 triệu năm từ khi các động vật hữu nhũ bắt đầu tiến hóa, tổng lượng tất cả sinh vật kể cả loài người đã từng sống và chết trên địa cầu nầy đã đạt đến một con số cực kỳ to lớn vượt xa hẳn khả năng ước lượng của bất cứ ai. Vậy mà tất cả chúng đều đã biến mất không hề để lại dấu vết gì cả.

Đây có thể là vì các lý do (hay nói đúng ra, giả thuyết) sau đây.

Thứ nhất, có thể là vì sinh vật kể cả loài người không hề có một hệ thống thứ hai nào cả. Chúng ta có thể thấy đây là cách giải thích tiêu biểu của những người vô thần, họ không tin vào sự hiện hữu của thần thể hay linh hồn gì cả. Như đã nói, không ai có thể chứng minh được sự không hiện hữu của một sự vật. Tuy nhiên, đại đa số mọi trường hợp liên quan đến sự chết chung quanh chúng ta đều có vẻ đồng nhất với cách lập luận nầy. Do đó xét trên bình diện xác suất thống kê thì lý lẽ nầy có giá trị thực tế nhất.

Lý do thứ nhì, có thể là những hệ thống thứ hai của mọi sinh vật, nếu hiện hữu lúc cơ thể chúng còn sống, đều đã tàn lụn và tan biến mất sau khi chúng chết đi. Lý do nầy dựa trên lý luận khoa học (như vừa được đề cập ở các bài trước đây) cho rằng tri thức của một người là sản phẩm của não bộ của họ. Tri thức lệ thuộc và phát xuất từ não bộ. Nếu có một hệ thống thứ hai thì hệ thống nầy cần năng lượng từ thân xác vật chất để hiện hữu và vận hành. Do đó khi thân xác của một người bị tiêu hủy thì tri thức (hay linh hồn, hay hệ thống thứ hai) của họ cũng tan biến theo, nếu không lập tức thì cũng không lâu sau đó. Cho đến nay đây chỉ có thể được xem là một giả thuyết vì chưa có chứng minh nào tuyệt đối dẫn đến kết luận nầy. Tuy nhiên trên phương diện xác suất thì giả thuyết nầy cũng rất khả dĩ.

Lý do thứ ba, có thể tri thức của mọi sinh vật sau khi chết có khả năng sống dưới một cấu trúc khác hẳn với cấu trúc thế giới của chúng ta nên chúng ta không thể cảm nhận được. Giả thuyết nầy cho rằng ngay khi một người còn sống thì hệ thống thứ hai, hay phần hồn, của họ vẫn hiện hữu và có cấu trúc khác hẳn với những phân tử, nguyên tử của thân xác vật chất của họ. Do đó sau khi người nầy chết thì phần hồn của họ chỉ cần tách lìa ra khỏi thân xác và tiếp tục sinh tồn như một cá thể độc lập trong thế giới riêng của nó. Vì cấu trúc của thế giới nầy khác hẳn với thế giới của người sống nên tuy cả hai chiếm đóng cùng một không gian chung nhưng không hề cảm nhận được lẫn nhau. Giả thuyết nầy giải thích thêm rằng thỉnh thoảng có những xáo động ở bờ biên giới giữa hai hệ thống nên một phần của thế giới nầy có thể tương tác tạm thời với một phần của thế giới kia. Đây là những lúc mà người sống có thể nghe thấy được người đã chết, và ngược lại. Giả thuyết nầy rất lý thú và có thể dùng để giải thích được nhiều hiện tượng. Tuy nhiên cho đến nay không có bằng chứng xác đáng nào cho thấy điều nầy thật sự xảy ra.

Lý do thứ tư, có thể là các hệ thống thứ hai trên đã di chuyển qua một nơi nào khác. Lý do nầy được một số người xem là phù hợp với cảm nghĩ tâm linh và niềm tín ngưỡng cho rằng người chết sẽ hoặc được lên thiên đàng hoặc bị xuống địa ngục hoặc một cõi thế giới nào khác. Có thể nói giả thuyết nầy là một trường hợp đặc biệt của giả thuyết thứ ba kể trên. Và tương tự, cho đến nay không có bằng chứng thỏa đáng (có nghĩa là thí nghiệm khoa học với sự kiểm soát chặt chẽ và nghiêm túc) nào cho thấy điều nầy thật sự xảy ra.

Và lý do thứ năm, có thể các hệ thống thứ hai đã hoàn trở lại để tiếp tục sống trong cơ thể của những sinh vật mới. Lý do nầy có thể được dùng để giải thích quan niệm đầu thai, hay những hiện tượng nhập hồn vào xác, hay quỷ ám. Cũng vậy, mặc dù có vô số câu chuyện xưa nay kể về điều nầy nhưng chưa bao giờ có trường hợp nào được kiểm chứng thỏa đáng theo phương cách khoa học cả.

Chúng ta cũng có thể kết hợp các giả thuyết vừa kể trên để đưa ra bất cứ giả thuyết nào chúng ta muốn. Dưới đây là một thí dụ mà tôi cho rằng không hoàn toàn ngoài vòng tưởng tượng bất khả dĩ.

– Trong cơ thể sinh vật có hai hệ thống vận hành: hệ thống thứ nhất là cơ thể vật chất, hệ thống thứ hai phi vật chất và nhiều người còn gọi là thần thể (spirit) hay linh hồn (soul). Hệ thống thứ hai sử dụng năng lượng của hệ thống thứ nhất để hiện hữu và vận hành.

– Hệ thống thứ hai có thể hiện hữu tạm thời sau khi cơ thể ngừng hoạt động. Nó cũng có thể tách rời ra khỏi cơ thể sau khi não bộ đã chết.

– Tuy nhiên hệ thống thứ hai nầy vẫn cần có một nguồn năng lượng để tiếp tục sống còn và sinh hoạt bên ngoài hệ thống thứ nhất. Nguồn năng lượng nầy có thể lấy được từ những nguyên tử, phân tử trong không gian và vũ trụ.

– Nếu thần thể của một người có thể tiếp nhận được nguồn năng lượng nầy thì nó có thể tiếp tục sống còn như một cá thể riêng biệt và độc lập dưới dạng vô vật chất. Tuy vậy đây chỉ là những ngoại lệ cực kỳ nhỏ chớ không phải là một quy luật tổng quát áp dụng cho mọi người, mọi hoàn cảnh.

– Hơn nữa, trong hầu như tất cả mọi trường hợp, hệ thống thứ hai của một người sau khi chết đi vì không tiếp tục thu nhận được (hay đầy đủ) năng lượng cần thiết, hoặc từ vũ trụ hoặc từ một nguồn nào khác, nên đều dần dần tan biến đi không lâu sau khi cơ thể vật chất của họ ngừng hoạt động. Thời gian từ khi chết đến lúc tan biến hoàn toàn của mỗi người đều khác nhau.

– Trong khi hệ thống thứ hai của một người đang tan rả dần dần, cấu trúc cũng như các đặc điểm riêng biệt như tâm thức hay tính khí của người đó cũng biến đổi. Do đó nếu thần thể của một người vẫn còn tồn tại được sau khi họ chết thì thần thể nầy cũng không còn giống chính xác như thần thể của họ lúc còn sống. Có nghĩa là họ không hẳn còn là họ nữa.

– Một nguồn năng lượng khác dễ tìm thấy và thích hợp nhất có lẽ là một cơ thể của một sinh vật khác. Một bào thai vừa mới tượng hình thường dễ được sử dụng nhất vì nó cũng giống như một căn nhà còn trống chưa có chủ. Đây có thể là một số trường hợp đầu thai. Cũng có khi cơ thể của một sinh vật, hay một người, còn đang sống cũng được sử dụng. Đây là một số những trường hợp được gọi là bị ma nhập, quỷ ám.

– Thế giới của những thần thể vẫn hiện hữu sau khi chết có thể lẫn lộn giữa thế giới người sống. Tuy nhiên cả hai thế giới không thể cảm nhận nhau được trừ những khi vì lý do gì đó mà những băng tần sóng của hai trường năng lượng ảnh hưởng và tương tác tạm thời với nhau. Thế giới của người sống và người chết cũng có thể hoàn toàn cách biệt trên phương diện không gian lẫn thời gian. Và có thể có nhiều thế giới người chết khác nhau; tùy điện lực cũng như băng tần sóng của mỗi cá thể mà họ có thể sinh sống ở các thế giới nào.



Tôi xin nhấn mạnh là thí dụ ở trên hoàn toàn chỉ là lý thuyết thuần túy chưa hề được kiểm chứng bởi khoa học. Nó có thể giải thích được nhiều hiện tượng xảy ra mà khoa học hiện tại không giải thích thỏa đáng được. Đồng thời nó cũng không cần sử dụng đến những khái niệm tín ngưỡng tôn giáo tưởng tượng vô căn cứ.

Như vừa thấy, chúng ta có thể hoàn toàn dựa lên trí tưởng tượng của mình để phối hợp và diễn giải từ những giả thuyết đã sẵn cóđể đưa đến bất cứ cách giải thích cho bất cứ hiện tượng nào. Mỗi người có thể lựa chọn những gì họ muốn cho là sự thật tùy theo khả năng suy luận hay nhu cầu tâm lý và tâm linh của họ mà không cần quan tâm đến việc cách giải thích nầy có phản ảnh thực tế hay không.

Điều nầy theo tôi rất lý thú trên phương diện thảo luận lý thuyết. Nó có thể mở ra những cánh cửa mà khoa học cổ điển thường không có khuynh hướng hay cơ hội nhìn đến. Tuy nhiên, điều nầy có thể trở thành tai hại khi người ta áp dụng những giả thuyết trên vào đời sống hằng ngày như những định luật có giá trị thật sự. Và nhất là luôn luôn có những người lợi dụng các giả thuyết vô căn cứ với mục đích kiểm soát, kềm chế, lường gạt, bóc lột người khác. Và khi được hứa hẹn một đời sống vĩnh cửu thì luôn luôn có vô số người sẵn sàng chịu bị kiểm soát, kềm chế và ngay cả lường gạt, bóc lột chỉ để bám víu vào cái ảo tưởng được sinh tồn mãi mãi sau khi chết.



Kiểm Chứng Khoa Học

Trước khi chấm dứt, tôi có vài lời phụ chú sơ lược về phương cách kiểm chứng khoa học.

Thí nghiệm khoa học là một cách trung thực nhất để kiểm chứng một lý thuyết có phản ảnh thực tế hay không. Tuy nhiên không phải thí nghiệm khoa học nào cũng có giá trị ngang nhau.

Nhiều người cho rằng phương cách kiểm chứng khoa học vì quá hạn hẹp và cứng ngắt nên thể nào nhìn thấy những gì cần nhìn thấy trong phạm trù tâm linh. Chẳng hạn như họ cho rằng khoa học hiện tại chỉ có khả năng tương tác với không gian 3 chiều trong khi vấn đề tâm linh nằm trong những không gian lớn hơn 3 chiều; và do đó dụng cụ khoa học không thích hợp cho mục đích cần dùng. Họ thí dụ cũng giống như một người lấy cây thước để đo lường tình cảm vui buồn của người khác. Họ cũng cho rằng vì khoa học gia tìm kiếm những sự vật mà họ không nhận biết nên họ không thể nào nhìn thấy được.

Lập luận trên có phần đúng. Như đã nói, khoa học có những giới hạn của nó; và con người luôn luôn có khuynh hướng muốn giải quyết vấn đề dựa trên kiến thức và thành kiến sẵn có của mình. Đó là nguyên tắc sinh tồn phát xuất từ quá trình tiến hóa của nhân loại nên không ai miễn nhiễm được vấn đề nầy ngay cả những khoa học gia nhiều kinh nghiệm nhất. Có thể vì những nghiên cứu gia không có khuynh hướng tâm linh thường không nhìn thấy những gì cần thấy. Ngược lại, kiến thức và thành kiến sẵn có cũng thường hiện diện trong những cái gọi là “thí nghiệm khoa học” khi các nghiên cứu gia có khuynh hướng tâm linh muốn “chứng minh” quan điểm tâm linh của mình. Họ thường “tìm thấy” những gì mà họ mong muốn tìm thấy.

Do đó trong các thí nghiệm khoa học người ta đặt ra những quy chế, phương cách và luật lệ rất nghiêm khắc để cố gắng loại bỏ những thành kiến sẵn có trong các người tham dự cuộc thí nghiệm. Những quy chế, phương cách và luật lệ trên cách ly các phản ứng và phán xét của con người ra khỏi những gì xảy ra trong cuộc thí nghiệm.

Một phương cách thường dùng nhất gọi là “double-blind” (tạm diễn nghĩa là “bịt mắt đôi bên”). Trong một cuộc thí nghiệm theo phương cách nầy, người điều hành cuộc thí nghiệm lẫn đối tượng được thí nghiệm không được cho biết những chi tiết trọng yếu của cuộc thí nghiệm là gì. Đây là để tránh việc các kiến thức, tín ngưỡng lẫn định kiến (nếu có) của những người tham dự vô tình làm ảnh hưởng đến kết quả của cuộc thí nghiệm. Phương cách nầy cũng để tránh hiện tượng “ảnh hưởng placebo” lên đối tượng được thí nghiệm.

Một thí dụ về ảnh hưởng placebo: Người ta chọn ra 3 nhóm bệnh nhân, một nhóm được cho uống những viên thuốc làm bằng bột mì và nói rằng đây là loại thuốc mới và hữu hiệu nhất, một nhóm uống thuốc thật sự và một nhóm không được uống thuốc gì cả. Phần đông nhóm thứ nhất (uống thuốc bột mì) thuyên giảm rõ rệt tương tự như nhóm thứ hai (uống thuốc thật sự) và hơn hẳn so với nhóm thứ ba (không được uống thuốc gì cả). Khoa học không hiểu rõ hoàn toàn cách làm việc của ảnh hưởng placebo ra sao nhưng hiện tượng nầy xảy ra thường xuyên và có thể kiểm chứng được. Một thí dụ khác: một nhóm tín đồ được cho phép sờ một “thánh vật” tường trình cảm thấy khỏe mạnh, may mắn và thành công trong công việc làm ăn hơn một nhóm tín đồ khác không được phép tiếp cậnvới “thánh vật” ấy. Tuy nhiên, “thánh vật” trên thật ra chỉ là một món vật bình thường mượn tạm của ai đó. Có thể nói rằng đây là một dạng tự kỷ ám thị khi mà tâm thức của một người điều khiển và thay đổi được khả năng hoạt động trong cơ thể vật chất của họ.

Trong một cuộc thí nghiệm “double-blind” kể trên, người điều hành cuộc thí nghiệm khi phân phát thuốc cũng như khi so sánh, phân tích và tóm lược kết quả sẽ không biết ai được uống thuốc giả, ai uống thuốc thật và ai không được uống thuốc. Điều nầy để tránh việc người điều hành có những cử chỉ, hành vi vô tình làm những đối tượng được thí nghiệm (các bệnh nhân) đoán biết được mình đang thuộc nhóm nào. Để cho người tham dự thí nghiệm có được phản ứng hoàn toàn tự nhiên, những nghiên cứu gia không cho họ biết mục tiêu thật sự của cuộc thí nghiệm là gì trước khi mọi việc hoàn tất.

Trong một thí nghiệm xếp hạng phẩm chất máy hát dĩa CD trên thị trường, phần lớn những người “giám khảo” chấm điểm cao cho những chiếc máy hát đắc tiền và có nhãn hiệu danh tiếng. Đó là khi họ được cho nhìn thấy nhãn hiệu của các chiếc máy họ đang nghe thử. Người ta lập lại cuộc thí nghiệm nhưng không cho các giám khảo biết nhãn hiệu máy nào họ đang thử. Kết quả lần nầy cho thấy nhiều máy rẻ tiền và không có danh tiếng vẫn được đánh giá ngang hang hay có khi còn cao hơn những chiếc máy đắc tiền và nổi tiếng.

Trong một thí nghiệm khác về cách học hỏi bằng tiềm thức, một số băng ghi âm được phân phát cho một nhóm người. Các băng trên phát ra những âm thanh rất nhỏ nên nhĩ lực con người không thể nào nghe hiểu được nội dung của chúng là gì. Nhóm người nầy được bảo rằng các băng ghi âm trên sẽ giúp phát triển các tiềm năng nằm sẵn trong họ. Phân nửa số băng ghi âm có ghi tựa đề “Giúp Phát Triển Trí Nhớ”, phân nửa số băng có ghi tựa đề “Giúp Phát Triển Sự Tự Tin trong Việc Giao Tế”. Sau một tháng lắng nghe các băng ghi âm trên hàng đêm trong khi ngủ đúng theo lời chỉ dẫn, nhiều người trong nhóm nghe băng “phát triển trí nhớ” tường trình những “tiến bộ rõ rệt” với trí nhớ của họ, nhiều người trong nhóm nghe băng “phát triển tự tin” tường trình những “tiến bộ rõ rệt” với sự tự tin của họ. Tuy nhiên, sự thật là tất cả các băng ghi âm trên đều giống hệt nhau và chúng chỉ ghi lại tiếng động của xe cộ chạy ngang trước phòng thí nghiệm.

Hầu như tất cả những cái gọi là “thí nghiệm khoa học” để chứng minh các hiện tượng siêu nhiên đều không dùng phương cách “bịt mắt đôi bên” kể trên. Do đó những kết luận của các thí nghiệm trên hầu như đều không có giá trị gì cả.

Ngoài ra, các thí nghiệm về khoa học siêu nhiên cũng thường phạm những lỗi lầm cơ bản sau đây:

– Chỉ dựa trên một số lượng đối tượng thí nghiệm rất nhỏ do đó kết quả không thể đại diện trung thực cho nhiều trường hợp khác.

– Không thể lập lại các thí nghiệm trên để có cùng một kết quả mỗi lần đều giống nhau. Điều nầy cho thấy có vấn đề gì trục trặc trong quá trình thí nghiệm mà người nghiên cứu không thấy cần thiết hoặc không muốn điều tra cặn kẽ để sửa đổi hay giải quyết.

– Bản tường trình không được kiểm chứng và đối chứng bởi những khoa học gia chuyên nghiệp nhiều kinh nghiệm cùng ngành (peer review). Vì thế những lỗi lầm về lý luận cũng như sắp xếp, tổ chức, v.v. của các thí nghiệm trên không được phát giác để sửa đổi.

Trước khi một loại dược phẩm mới được tung bán ra thị trường, nó phải trải qua những thí nghiệm thỏa tất cả những quy luật cơ bản kể trên, và nhiều quy luật khảo nghiệm khác nữa. Nếu chỉ cần một điều kiện trên không thỏa thì người ta sẽ rất ngần ngại phát hành loại dược phẩm đó.

Cho đến nay, tôi chưa hề thấy có trường hợp “siêu hình” nào, ngay cả những thí nghiệm, những hiện tượng, những trường hợp nổi tiếng nhất, thỏa tất cả những quy luật trong phương cách khảo nghiệm khoa học kể trên.

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

sự chết – và vài đề tài lân cận (phần 3)- tiểu luận 2: sự sống sau khi chết



Nguyễn Nhân Trí







Lời người Viết: Phần I và Phần II của bài SỰ CHẾT – và VÀI ĐỀ TÀI LÂN CẬN là Tiểu Luận 1, SỰ MƠ HỒ CỦA BIÊN GIỚI GIỮA “SỐNG” VÀ “CHẾT”, khảo sát những gì được xem là sự “sống” và “chết” xảy ra đến thân xác vật chất của con người, và mọi sinh vật khác.

Ở đây, Tiểu Luận 2 SỰ SỐNG SAU KHI CHẾT? đề cập đến vài hiện tượng thường được gọi là “siêu nhiên”. Tiểu luận nầy bao gồm các đề tài sau:

– Giấc mơ muôn đời của nhân loại.
– Hệ thống thứ hai
– Hào Quang
– Giác quan ngoại thể
– Xuất hồn lúc sắp chết (Near death experience)
– Xuất hồn
– Linh hồn là một cá thể độc lập và trường cửu?
– Phụ Chú: vài lời sơ lược về phương cách kiểm chứng khoa học.

Những dữ kiện trình bày về đề tài “siêu nhiên” ở đây không phải là những câu giải đáp quả quyết về các hiện tượng nầy. Chủ ý của chúng chỉ là dựa trên nền tảng khoa học để xây dựng một môi trường dẫn đến những câu hỏi chính đáng về các hiện tượng trên.

Trong lãnh vực siêu nhiên, đa số người ta có khuynh hướng sẵn sàng đón nhận bất cứ cách giải thích nào đưa đến họ, nhất là những giải thích càng huyền bí thì càng dễ được yêu chuộng. Một số ít người khác, trong đó có tôi, lại cảm thấy cần thiết để cố gắng tìm hiểu và tìm kiếm một phương cách nào đó để giải thích, hay ít ra là “hòa giải”, giữa kiến thức khoa học và những niềm tin tâm linh.

Đối với tôi, hiện tượng siêu nhiên chỉ là những hiện tượng chưa được kiểm chứng và giải thích rõ ràng bởi khoa học. Một ngày nào đó khi sự hiểu biết và kỹ thuật con người tiến triển đủ thì nhiều hiện tượng được coi là siêu nhiên ngày nay sẽ trở thành kiến thức phổ thông. (Cách đây không lâu những người bị các chứng bệnh như tâm thần phân liệt, trầm cãm, v.v. đã từng bị xem là bị ma hành, quỷ ám.)

Một số những gì trình bày ở đây chỉ là một cuộc hành trình đi dọc theo vùng ranh giới giữa những hiểu biết đã được và chưa được chính thức công nhận bởi khoa học. Và chúng chỉ là những cách nhìn khác với cách nhìn quen thuộc dựa trên phong tục tín ngưỡng thường ngày.


TIỂU LUẬN 2: SỰ SỐNG SAU KHI CHẾT?

Để làm rõ phần nào ý nghĩa những danh từ dùng trong loạt bài kế tiếp, dưới đây là danh sách một vài từ Việt và Anh mà tôi cho là đồng nghĩa.

Tri thức = Consciousness
Tâm thức = Mind
Cá tính = Personality
Linh hồn = Soul
Thần thể = Spirit
Cá thể = Entity
Sinh thể, vật thể = Organism,

Giấc Mơ Muôn Đời của Nhân Loại
Khảo cổ học tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy giống người tiền sử Neanderthal (một chủng loại tương cận với giống người hiện đại của chúng ta trong quá trình tiến hóa, sống khoảng 60 ngàn năm trước Công Nguyên và nay đã diệt chủng) cũng đã từng có những lễ nghi mai táng đồng loại của họ. Điều nầy cho thấy rất có thể họ cũng đã có ý tưởng về một sự sống sau khi chết.

Hầu như mọi nền văn hóa cổ của nhân loại đều có những tôn giáo được xây dựng chung quanh một hình thức “sự sống sau khi chết” nào đó. Đây là khái niệm cho rằng sau khi xác thịt đã tiêu hủy thì linh hồn – hoặc tri thức – của mỗi người vẫn còn tồn tại hoặc dưới dạng thần thể từng cá nhân hoặc là một phần của một tri thức đại thể. Có những tín ngưỡng cho rằng linh hồn của tổ tiên vẫn còn cư ngụ ở nơi họ đã từng sống, có tín ngưỡng cho rằng linh hồn sẽ thăng hoa về thế giới của người chết, hoặc có thể tái sinh, mặc dù không cần thiết phải là trở lại dưới dạng con người. Vô số tôn giáo dựa vào các tín ngưỡng tương tự như trên đã được thành hình từ khi các nền văn minh xưa cũ nhất trên thế giới vừa mới phát triển.

Có lý thuyết cho rằng khuynh hướng mong mỏi một đời sống sau sự chết, và sáng tạo ra một viễn ảnh về nó, đã nằm trong chất liệu di truyền của con người. Đây là giấc mơ muôn đời của nhân loại. Có người cho rằng đây chỉ là do ảnh hưởng văn hóa, xã hội, tín ngưỡng. Dù gì đi nữa thì câu hỏi “có sự sống sau khi chết hay không” có lẽ sẽ luôn luôn khó trả lời một cách chắc chắn. Thí dụ, có một hiện tượng được ghi nhận khá thông thường gọi là “near death experience” (“trải nghiệm lúc sắp chết”). Đây là khi một người trong trạng thái hôn mê (thí dụ như lúc vừa bị tai nạn hay đang nằm trên bàn mỗ, v.v.) nhưng có thể “thấy” như họ “xuất hồn” tách lìa ra khỏi thân thể và quan sát được những gì đang xảy ra chung quanh một thời gian ngắn trước khi “trở về” thân thể họ và tỉnh lại.

Nhiều người cho rằng hiện tượng nầy là bằng chứng cho thấy sự hiện hữu của linh hồn, và do đó sự sống sau khi chết. Nhiều khoa học gia sau khi điều tra hàng ngàn trường hợp hồi sinh sau khi chết vẫn chưa thể hoàn toàn tuyệt đối đồng ý hay phủ nhận quan điểm trên.

Câu hỏi “có sự sống sau khi chết hay không” rất phức tạp vì nó tùy thuộc một phần vào nhiều câu hỏi khác thí dụ như: Sự sống thật sự là gì? Linh hồn là gì? Tri thức là một quá trình sinh hóa, hay nó cần có một linh hồn hay một thần thể riêng biệt cư ngụ trong một thân xác vật chất để hiện hữu? v.v.

Trong Phần I và II tôi đã nói về vài khía cạnh của câu hỏi "Sự sống, và sự chết, thật sự là gì?" Trong Phần III ở đây và Phần IV sắp tới tôi sẽ đề cập đến vài sự kiện liên quan đến "thần thể phi vật chất","tri thức", "linh hồn", "sự sống vĩnh cửu", v.v

Hệ Thống Thứ Hai
Chúng ta có thể dùng kiến thức khoa học ngày nay về chức năng của tế bào, về hệ thần kinh, về tính xúc tác của enzyme, về điện từ trong não bộ, v.v. và v.v. để giải thích được quy tắc vận hành vật chất của cơ thể một con người. Tuy vậy, có nhiều hiện tượng có vẻ như cho thấy ngoài phần cơ thể vật chất thì mỗi người dường như còn có một hệ thống vận hành thứ hai nữa.

Hệ thống thứ hai nầy, theo định nghĩa, phi vật chất. Nhiều người cho rằng những hiện tượng và khả năng được cho là “siêu nhiên” của con người (thí dụ như xuất hồn, thần nhãn, thần giao cách cảm,v.v.) đều có thể giải thích được nếu dùng khái niệm hệ thống thứ hai trên. Để phân biệt với phần hệ thống cơ thể vật chất, có người gọi hệ thống thứ hai nầy là phần thần thể phi vật chất.

Vấn đề là không ai có thể xác định rõ ràng (theo phương pháp khoa học có kiểm chứng bởi thực nghiệm) hệ thống thứ hai nầy có thật sự hiện hữu không, và nếu có thì nó là gì. Nhiều người gọi nó là “thần thể”, hay “linh hồn”.

Các môn phái thần học hay tôn giáo tín ngưỡng khác nhau đều có những định nghĩa khác nhau đôi chút về thần thể hay linh hồn là gì. Điểm tương đồng rõ rệt nhất của mọi tôn giáo là linh hồn hiện hữu song song “bên trong” thân thể một người khi họ còn sống và tiếp tục hiện hữu mãi mãi “bên ngoài” cơ thể vật chất sau khi chết. Có những môn phái thần học và tín ngưỡng (thí dụ như nhiều tôn giáo Á Đông như Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, v.v.) cho rằng thú vật cũng có thần thể hay linh hồn. Có những tôn giáo (thí dụ như Thiên Chúa Giáo) cho rằng chỉ có con người mới có linh hồn.

Thay vì định nghĩa thần thể hay linh hồn một cách trực tiếp, ở đây trước hết chúng ta hãy quan sát một vài hiện tượng trong thiên nhiên có thể và có vẻ như liên quan đến vấn đề nầy.

Hào Quang
Trong nhiều kinh sách có các bức tranh vẽ những thần, thánh, Phật, Chúa, v.v. với hào quang chung quanh đầu họ.

Những kinh sách cổ Ấn Độ về hệ thống các “điểm chứa thần khí” hay “tụ điểm nhân điện” (chakra) trong cơ thể con người có nói về dạng hào quang nầy và cho rằng nó liên quan mật thiết đến linh hồn. Các thiền phái Ấn Độ cho rằng hào quang nầy phát xuất từ nguồn “sinh khí” bao trùm và cần thiết cho tất cả mọi sinh vật mà họ gọi là Prana, nó chính là một phần của thần thể của người đó. Theo họ thì một người càng mạnh khỏe, nhất là về mặt tâm linh, thì hào quang của họ càng tỏa ra rộng lớn và sáng chói. Nhiều phái thần học cho rằng hào quang (hay “trường nhân điện”) của mỗi người thể hiện tình trạng sức khỏe vật chất lẫn tâm linh cũng như những cảm tính, tình cảm, ước vọng, lo âu, v.v. sâu kín nhất của họ. Đường “sinh khí” và những điểm chứa thần khí trong thiền môn Ấn Độ hầu như trùng hợp với các huyệt đạo trong ngành châm cứu của Trung Hoa, Nhật Bản và Đại Hàn.

Trong nhiều thí nghiệm từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thập niên 1970, người ta đã có thể chụp ảnh được một dạng “hào quang” chung quanh thân thể con người. Những hào quang nầy ôm theo thân thể, hình vóc của mỗi người và có nhiều màu sắc, kích thước khác nhau tùy theo mỗi cá nhân. Dạng hào quang nầy cũng hiện diện chung quanh thân thể các sinh vật khác. Người ta cũng có thể chụp ảnh được hào quang chung quanh những con thú và thực vật.

Người ta cho thấy các hào quang trên là một dạng điện từ trường. Các dụng cụ chụp được hào quang nói trên có khả năng ghi nhận các điện từ trường cực nhỏ. Mỗi tế bào trong mọi sinh vật được cấu tạo bởi vô số những phân tử và nguyên tử; thành phần chính của những phân tử, nguyên tử nầy là hạt điện tử, proton, neutron, v.v. có mang điện. Tổng hợp tất cả cường độ điện của chúng tạo nên một điện trường nhỏ giao động rất nhanh không ngừng trong mỗi tế bào. Sự giao động của điện trường sinh ra từ trường. Những người làm thí nghiệm nầy cho rằng cách cấu tạo và vận hành của các tế bào trong cơ thể một sinh vật gây nên một điện từ trường xung quanh nó. Hầu như mọi sinh vật đều có thể có hào quang.



Khi chụp ảnh và quan sát hào quang của một chiếc lá, người ta thấy rằng hình dạng và màu sắc hào quang nầy thay đổi nhiều lần trong thời gian chiếc lá còn sống trên cây. Hào quang của một chiếc lá đã bị ngắt rời ra sẽ phai nhạt dần dần khi chiếc lá héo đi rồi biến mất sau khi chiếc lá chết hẳn. Nhiều người cho rằng các thí nghiệm trên là bằng chứng khoa học cho thấy sự hiện hữu của một trường năng lượng (energy field) hay trường sinh lực (life force) nằm trong mỗi chiếc lá, và tương tự trong mọi sinh vật kể cả con người.

Có một thí nghiệm tường trình rằng nếu cắt bỏ đi một mảnh của chiếc lá rồi chụp ảnh lập tức thì hào quang của nó vẫn còn giữ nguyên vẹn hình dạng chiếc lá ấy. Phần hào quang nơi mảnh lá bị cắt mất vẫn có đầy đủ từng đường gân, từng sớ chỉ của nó tuy nhiên với cường độ sáng mờ hơn phần chiếc lá còn lại. Các chuyên gia thí nghiệm trên cho rằng phần hào quang “ma” trên cho thấy trường sinh lực nằm trong chiếc lá vẫn có thể hiện hữu tuy thân thể vật chất của nó đã bị mất đi.

Nhiều người bị cụt chân tay thỉnh thoảng có cảm tưởng như phần chân tay đã cụt của mình vẫn còn ở đó. Có người còn có khi bị ngứa hay đau trên phần chân tay đã mất. Có những người giải thích rằng đây là vì phần trường năng lượng (hoặc “sinh khí”, “sinh lực”, “thần khí”, “nhân điện”, v.v.) của phần chân tay bị cụt vẫn còn đó.

Cho đến đây, chúng ta có thể nghĩ rằng những gì tường thuật trong các thí nghiệm trên có vẻ như là bằng chứng khoa học giải thích được phần nào các lý thuyết về hào quang, trường sinh lực, v.v. trong thần học. Tuy vậy, khi nhìn kỹ vào phương cách khảo cứu trên thì người ta nhận thấy một số lỗ hổng quan trọng.

Trước nhất, những dụng cụ thu nhận được hào quang trên các động thực vật cũng có thể dùng để sản xuất hào quang trên các vật vô tri giác. Nhiều vật thể như đồng tiền, cây viết chì, viên sỏi, chiếc chìa khóa, v.v. đều tỏa ra các hào quang tương tự khi được đặt vào các dụng cụ trên. Vì các vật thể vô tri giác không thể nào có sự sống do đó không thể nào kết luận quả quyết rằng hào quang trên động thực vật là những trường năng lực mang sự sống.

Kế tiếp, người ta nhận thấy cường độ hào quang của một vật thể tăng giảm mạnh yếu tùy vào độ ẩm của vật thể đó. Vì nước là một chất dẫn điện tốt, một vật thể càng ẩm ướt càng có vẻ tỏa ra hào quang rộng sáng. Điều nầy đặt nghi vấn lên thí nghiệm về chiếc lá. Khi một chiếc lá bị ngắt ra khỏi cây, độ ẩm bên trong nó đương nhiên bị giảm dần do đó không có gì lạ lùng cả nếu hào quang của nó cũng thay đổi theo.

Trong thí nghiệm chiếc lá bị cắt xén, sự thật là có khi người ta chụp được phần hào quang “ma” của phần lá bị cắt xén, tuy nhiên cũng có khi người ta không chụp được gì cả. Sau khi kiểm tra tận tường, người ta thấy nếu mặt phẳng nơi chiếc lá nằm được lau chùi cẩn thận trước khi chụp ảnh thì không có hiện tượng hào quang “ma” xảy ra. Lý do là vi khi chiếc lá nguyên vẹn được đặt lên mặt phẳng trên, đôi ít độ ẩm từ thân chiếc lá dính lên mặt phẳng ấy. Sau khi chụp ảnh hào quang của chiếc lá nguyên vẹn, người ta cầm chiếc lá lên và cắt xén một mảnh rồi đặt trả nó lại xuống cùng chỗ cũ. Trên mặt phẳng lúc nầy đã có sẵn một ít độ ẩm theo hình dạng mảnh lá đã bị cắt bỏ đi. Vì thế khi chụp ảnh một lần nữa người ta vẫn có thể thấy được phần hào quang “ma” hơi mờ yếu hơn.

Khi giải thích theo khoa học về hiện tượng phần chân tay bị cụt vẫn có cảm giác còn ở đó, người ta có thể dùng kiến thức về cách vận hành của thần kinh hệ trong thân thể con người. Các cảm giác ngứa hay đau trên chỉ là vì trong não bộ người nầy vẫn còn những thần kinh và tế bào đã từng kiểm soát và điều khiển phần chân tay đã mất. Những thần kinh và tế bào nầy vì lý do gì đó đôi khi bị khơi động bởi những tín hiệu đã có sẵn trong bộ nhớ của chúng nên đem đến người ấy các ảo giác trên.

Tóm lại, tuy các lý thuyết về hào quang, nhân điện, v.v thường được cho rằng tương ứng với những thí nghiệm khoa học trên nhưng trong thực tế thì cho đến nay vấn đề nầy vẫn chưa thể kết luận một cách quả quyết được.

Giác Quan Ngoại Thể
Nhiều sinh vật trong thiên nhiên có thể phát ra một vùng điện từ trường với cường độ rất lớn so với dạng hào quang vừa kể trên. Vùng điện từ trường nầy có tác động tích cực và ích lợi cụ thể cho sự sống còn của chúng.

Nhiều loài cá, lươn, v.v. dùng điện từ trường để rà tìm thức ăn. Khi một con mồi lọt vào vùng điện từ trường của chúng thì chúng có thể “thấy” được hình dáng, vị trí của nó mặc dù nó có thể đang trốn sâu dưới đáy bùn. Một vài thủy vật loại nầy có thể phát ra vùng điện từ trường rộng cả mét chung quanh toàn thân của chúng. Những điện từ trường nầy có thể được điều chỉnh mạnh yếu hay vặn tắt mở tùy ý. Chúng cũng dùng điện từ trường nầy để định hướng khi di chuyển trong những nơi không có ánh sáng.



Cho đến nay người ta chỉ tìm thấy các sinh vật dưới nước có khả năng trên. Các sinh vật sống trên bờ dường như không có khả năng tương tự. Có thể đó là vì nước là một môi trường dẫn điện rất dễ dàng hơn so với không khí.

Các thủy vật vừa kể trên khi cần thiết có thể dùng điện từ trường, và não bộ, như một dạng giác quan nằm hẳn bên ngoài cơ thể chúng. Do đó có thể nói rằng các thủy vật trên cảm thấy và nhìn thấy được thế giới chung quanh bằng một giác quan ngoại thể (không trực tiếp nằm trên cơ thể). Và từ đó cũng có thể nói rằng trong lúc ấy tri giác của chúng dường như đã được di chuyển hẳn ra ngoài phần cơ thể vật chất của chúng.

Nếu bây giờ xét về khi một người đang trải qua hiện tượng “xuất hồn” thì chúng ta có thể nói rằng đó cũng chính là khi tri giác của họ đã được di chuyển ra hẳn bên ngoài phần cơ thể vật chất của họ. Có nghĩa là lúc đó người ấy có khả năng “nhìn” và “nghe” được bằng một giác quan khác hẳn đôi mắt và đôi tai họ vẫn dùng thường ngày.

Nhìn lại các loài thủy vật vừa nói ở trên, có khi nào con người có một dạng điện từ trường tương tự mà thường ngày họ không hề cảm biết? Có khi nào điện từ trường nầy thường ngày nằm thụ động và chỉ được bật mở lên trong những điều kiện bất thường (thí dụ như khi cơ thể đang gặp nguy cơ sắp chết)? Có khi nào điện từ trường nầy cho phép một người cảm nhận thế giới chung quanh họ với một cảm giác giống như họ đang được tách rời hẳn khỏi cơ thể vật chất của họ? Có khi nào vì chúng ta không quen thuộc với cách hoạt động của giác quan nầy nên chúng ta có ảo giác là đang “xuất hồn” hay không?

Có nghĩa là khi xét về hiện tượng gọi là “xuất hồn”, thay vì giải thích rằng “đó là phần linh hồn đang tách rời ra khỏi phần cơ thể vật chất” thì có thể nào chúng ta đưa ra một giải thích khả dĩ khác là “có một giác quan đặc biệt của cơ thể đưa đến ảo giác trên”?

Xuất Hồn Lúc Sắp Chết (Near Death Experience)

Có hàng ngàn trường hợp những người trong trạng thái sắp chết sau khi hồi tỉnh tường thuật rằng họ đã “xuất hồn” ra khỏi xác. Nói đúng hơn, khi hiện tượng trên xảy ra, những người nầy đang ở trạng thái được xem là đã chết (ngưng hơi thở, ngưng tim đập). Trong nhiều trường hợp, những người nầy được bác sĩ cứu cấp làm hồi sinh trở lại, nhiều trường hợp khác họ tự hồi tỉnh lại sau một thời gian ngắn.



Thạc Sĩ Raymond Moody là người đầu tiên dùng từ “near death experience” (viết tắt là NDE, tạm dịch là “trải nghiệm lúc sắp chết”) để diễn tả hiện tượng nầy trong quyển “Life After Death” (“Sự Sống Sau Khi Chết”) xuất bản năm 1975. Tuy nhiên hiện tượng nầy đã từng được ghi chép từ xa xưa trong lịch sử. Triết lý gia Plato từ năm 360 trước Công Nguyên có nói về một người lính tên Er sau chết trận đã hồi sinh lại. Câu chuyện nầy kể rằng Er thấy hồn mình bay ra khỏi thân xác lên thiên đàng và được phán xét cùng lúc với nhiều linh hồn khác.

Nếu giải thích hiện tượng NDE theo thần học thì đây là khi thần thể (hay linh hồn) một người xuất ra khỏi xác và sau đó trở về nhập lại vào cơ thể họ. Trong thời gian hồn lìa khỏi xác, họ kể rằng họ có thể làm, nghe, thấy những điều mà thường ngày họ không thể nào làm, nghe, thấy được. Tiêu biểu, nhiều người kể lại thấy bay qua một đường hầm đầy ánh sáng. Họ cho đây là biên giới giữa sự sống và sự chết. Nhiều người kể lại họ gặp những nhân vật huyền bí với hình dáng bao phủ bởi ánh sáng chói rực, hoặc có khi những thân nhân đã chết từ lâu. Những nhân vật huyền bí trên thường là Chúa, Phật, tiên, thánh tùy theo tôn giáo, tín ngưỡng của người ấy.

Những người trải qua hiện tượng nầy cũng thường có cảm giác bay lên cao và có thể nhìn thấy mọi diễn biến đang xảy ra chung quanh thân xác vật chất của họ. Nếu đang trong một phòng (thí dụ trong bệnh viện) thì họ có thể nhìn xuống từ một góc trần nhà và thấy bác sĩ y tá đang xúm xít cố gắng hồi sinh họ. Họ có thể thấy rõ ràng mọi vật kể cả thân thể bất động của chính mình. Có nhiều trường hợp họ thấy mình bay cao hẳn lên không trung hay đi đến những địa phương xa hẳn nơi thân thể họ đang nằm. Có những người mù bẩm sinh vẫn có thể kể lại những chi tiết rõ ràng chung quanh mà thường ngày họ không thể nào thấy được. Một số người cũng kể lại thấy toàn thể cuộc đời họ từ lúc sơ sinh cho đến hiện tại diễn ra trước mắt giống như một cuốn phim chiếu nhanh.

Hầu như tất cả những người đã trải qua NDE sau khi tỉnh dậy đều nói về một cảm giác vô cùng an bình, thoải mái, sung sướng và phần đông đều không muốn trở lại với thân xác trần gian của họ. Chỉ có một số nhỏ có cảm giác sợ hãi khi ở trong trạng thái nầy.

Rất nhiều trường hợp trên có thể được kiểm chứng khá rõ ràng cho nên khó phủ nhận rằng tất cả chỉ là những câu chuyện vô căn cứ hay bịa đặt. Phải có một cái gì đó xảy ra đến những người trải qua NDE.

Khoa học cho đến nay chưa thể giải thích hoàn toàn thỏa đáng được vấn đề nầy. Có phải đây chính là bằng chứng của linh hồn? Hay bằng chứng của sự sống sau khi chết? Hay chỉ là ảo giác gây ra bởi các yếu tố bên ngoài và thay đổi hóa chất trong não bộ trong lúc sắp chết? Có nhiều lý thuyết khác nhau về hiện tượng nầy.

Cho đến nay chưa ai có thể tổ chức được thí nghiệm nào đưa một người đến trạng thái gần chết đến độ họ có thể “xuất hồn” tạm thời (và an toàn) rồi theo dõi và xác định lời người ấy kể lại có thật sự xảy ra hay không. Tuy nhiên hầu hết những cảm giác của hiện tượng NDE đều có thể được giải thích bằng sinh học và tâm thần học.

Giác quan của một người định nghĩa thế giới chung quanh họ là gì. Những gì một người “nhìn thấy” được chẳng qua là do cách não bộ thu nhận và “phiên dịch” các tín hiệu đến từ những giác quan của họ. Con mắt của động vật (kể cả con người) thật ra chỉ là một dạng máy thu ảnh rất tồi tàn. Khi ánh sáng đi vào qua các thủy tinh thể, võng mạc, v.v. thì những thần kinh thị giác ngay sau mắt chúng ta chỉ nhận được các hình ảnh lờ mờ, chập chờn, méo mó. Tuy vậy, khi các tín hiệu trên vào đến não bộ thì chúng được chọn lọc và phối hợp với những kinh nghiệm thu lượm được để “phiên dịch” ra thành những hình ảnh chính xác và trung thực. Nguyên lý vận hành nầy cũng xảy ra tương tự cho các giác quan khác. Nói cách khác, não bộ chúng ta mới chính là bộ phận cho phép mỗi người cảm nhận được thế giới chung quanh một cách chính xác trong khi các giác quan chúng ta chỉ có thể thu nhận được những tín hiệu rất rối loạn và thiếu hoàn hảo.

Khi bị chấn động mạnh ở nhiều vùng não, nhất là ở những khu điều khiển thị giác và xúc giác, thì một người dễ có các ảo giác kỳ lạ có thể tưởng như là đang tách rời ra khỏi thân thể. Nhiều khi tuy một người đang hôn mê nhưng mắt họ vẫn có thể còn hé mở, tai họ vẫn còn thu nhận âm thanh nên thị giác và thính giác họ vẫn còn cảm nhận ít nhiều những gì xảy ra xung quanh. Tuy nhiên vì sự xáo động não bộ kể trên, khả năng định vị của họ có thể bị sai lệch hẳn gây ra cảm tưởng đang nhìn thấy từ các vị trí và góc cạnh khác bên ngoài cơ thể.

Ngoài ra, trong những khi vừa mới bị tai nạn, hoặc đang nằm trên bàn mổ, hoặc bị ngộp nước, v.v. thì nhiều bộ phận lẫn giác quan trong cơ thể một người có thể tạm thời ngưng hoạt động, hoặc một phần hoặc toàn bộ. Não bộ khi bị thiếu ô-xy có thể phản ứng gây ra những ảo ảnh kể cả các vùng ánh sáng đang lan rộng dần ra trước mắt. Một người bị ảo ảnh nầy có thể cảm thấy mình đang bay vào một đường hầm sáng chói.



Những loại thuốc như ketamine hay PCP cũng có thể gây ra các cảm giác rất giống như những người trải qua NDE kể lại. Thật ra nhiều người sau khi chịu ảnh hưởng các loại thuốc trên kể lại cảm giác như đã thật sự chết rồi.

Cảm giác êm ả, an bình tột cùng trong lúc trải qua NDE có thể chỉ là kết quả của các chất endorphin được sản xuất cao độ trong não bộ những lúc cơ thể gặp xáo động mạnh hay nguy hiểm cực kỳ căng thẳng. Thí dụ một số người sống sót sau khi té từ một độ rất cao (lúc leo núi hay nhảy dù chẳng hạn) thường có đủ thời gian để nhận biết rằng mình sắp chết; họ kể lại các cảm giác bình thản tương tự nói trên (mặc dù họ không hề trải qua hiện tượng NDE trong thời gian nầy).

Nói cách khác, sự kết hợp giữa các yếu tố như thiếu ô-xy, giác quan bị sai lầm, khả năng định vị rối loạn, quá liều endorphin, v.v có thể là lý do gây ra các cảm giác hầu như vô thực thường được tưởng lầm là đã bay thoát khỏi thân thể vật chất hay đang ở những cõi thế giới khác.

Một điều cần biết là khi giải đoán những tín hiệu cung cấp bởi giác quan, nếu não bộ đối diện các dữ liệu không đầy đủ hoặc kỳ lạ thì nó sẽ phối hợp chúng với những kinh nghiệm, kiến thức sẵn có trong tiềm thức để phân tích và cố đưa đến một giải đáp hợp lý nhất. Nói cách khác, não bộ có khuynh hướng sử dụng những gì chúng ta “đã biết” để diễn giải thành những gì chúng ta “đang nghe thấy”. Đó là tại sao chúng ta có thể nhìn thấy, và nhận thấy, dễ dàng những gì chúng ta đã biết và quen thuộc; trong khi đó chúng ta thường tuy có thể nhìn thấy nhưng không thể nhận thấy được những gì hoàn toàn xa lạ với kinh nghiệm sẵn có của chúng ta. Não bộ của chúng ta khi không nhận diện được một dữ kiện hoàn toàn xa lạ, nó có khuynh hướng tạm thời gạt bỏ nó qua một bên và dùng những dữ kiện quen thuộc hơn đã có sẵn để diễn giải lập tức những gì đang xảy ra. Phản ứng nầy có giá trị sinh tồn trong đời sống thiên nhiên. Những sinh vật có thể phản ứng nhanh chóng trước mọi diễn biến đối diện nó thường có nhiều cơ hội sống còn hơn những sinh vật phản ứng chậm chạp.

Chúng ta thường không biết rõ trong tiềm thức chúng ta chứa đựng những gì. Có những ký ức đã nằm đó từ nhiều năm, có những nhận thức vừa vô tình được thu nhận vài giây đồng hồ qua. Một điều chắc chắn là tri thức (consciousness) và tâm thức (mind) của con người có những khả năng mà khoa học ngày nay chưa thấu hiểu được. Có lý thuyết cho rằng khi một người nhìn thoáng qua một trang sách, tri thức và tâm thức họ thường có thể thu nhận toàn thể mọi chữ, mọi hình ảnh trên trang sách đó trong tích tắc và cất trọn vào tiềm thức. Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng triệu hồi những chi tiết đó từ tiềm thức khi cần thiết. Một số ít người được cho là có “trí nhớ như máy chụp ảnh” (photographic memory) là những người có khả năng nầy, họ chỉ cần nhìn thoáng qua một cái gì là có thể nhớ và lập lại lại rõ ràng từng tiểu tiết sau bất kỳ thời gian bao lâu.

Lý thuyết trên giải thích các trường hợp NDE mà người ta có thể thấy được những gì họ cho rằng ngoài sự hiểu biết của họ. Nhiều khi một người đã từng biết qua những sự kiện, dữ liệu, cảnh trí, v.v. đã xảy ra trong đời họ mà không hề để ý hoặc nhớ đến. Tuy vậy tri thức và tâm thức họ vẫn “chụp ảnh” chúng và tích trữ trong tiềm thức. Như vừa nói ở trên, khi cần thiết thì não bộ sẽ đem những kinh nghiệm, kiến thức sẵn có trong tiềm thức để phối hợp với những tín hiệu cung cấp bởi giác quan. Vì không biết mình đã có sẵn kiến thức nầy nên một người có thể ngạc nhiên không hiểu tại sao có thể “nghe thấy” được những sự kiện, dữ liệu, cảnh trí, v.v. mà họ nghĩ rằng họ chưa từng trải qua.

Khoa học ngày nay vẫn chưa giải thích được hoàn toàn tất cả chi tiết về hiện tượng NDE. Bất cứ cách giải thích nào hầu như cũng có những trường hợp cho thấy nó hoặc không áp dụng được hoặc không đồng nhất. Mặt khác, cho đến nay cũng chưa có trường hợp NDE nào sau khi trải qua một quá trình kiểm nghiệm khoa học nghiêm nhặt mà vẫn có thể cho thấy chỉ có “linh hồn lìa khỏi xác” là cách giải thích khả dĩ duy nhất mà thôi.

Trở lại cách giải thích “ảnh hưởng do thiếu ô-xy” đã đề cập ở trên chẳng hạn, một cựu phi công chiến đấu cơ (do đó qua quá trình luyện tập và thực nghiệm ông rất kinh nghiệm về các triệu chứng thiếu ô-xy trong cơ thể) sau khi chính ông trải qua hiện tượng NDE cho biết những cảm giác do thiếu ô-xy ông thường gặp rất khó chịu, ngột ngạt và rối loạn so với các cảm giác êm ả, thanh lặng, bình thản vô cùng của NDE. Mặt khác, như đã nói, cũng có một số người trải qua hiện tượng NDE với cảm giác sợ hãi và khủng hoảng.

Có vài trường hợp lúc đang trải qua NDE người ta kể lại họ đã thấy một đồ vật gì đó; sau khi kiểm chứng thì quả thật có đồ vật ấy và chỗ nó nằm là một nơi mà tầm mắt bình thường của bất cứ ai ở trong phòng ấy không thể nào thấy nó được. Nếu các chuyện nầy có thật đi nữa thì cũng có thể có nhiều giải thích khả dĩ khác nhau. Như đã nói ở trên, tri thức và tâm thức của một người có thể ghi giữ những chi tiết và dữ kiện chung quanh mà họ không hề hay biết. Thí dụ có một đồ vật nằm trên cao ngoài tầm mắt trong phòng; tuy nhiên hình ảnh nó vẫn có thể phản chiếu lên những tấm kính cửa sổ chung quanh và thị giác của một người có thể vô tình thu nhận được hình ảnh trên mà họ không hề để ý. Khi trải qua NDE, não bộ của họ pha trộn kiến thức sẵn có nầy với những tín hiệu rối loạn từ các giác quan đang tạm thời hư liệt để đưa đến cảm giác họ đã thấy được vật dụng đó trong khi đang bay lơ lửng trên trần nhà.

Nếu muốn đi sâu hơn vào con đường trơn trợt của lãnh vực khoa học bán chính thức (parascience) để giải thích về các trường hợp NDE vừa kể trên thì chúng ta cũng có thể vận dụng đến lý thuyết giác quan đặc biệt đã đề cập đến trước đây. Theo lý thuyết nầy, lúc cơ thể ở trong điều kiện nào đó, thí dụ như khi gặp tình thế nguy kịch, thì có khi nó tự khởi hoạt một giác quan đặc biệt có thể giúp một người cảm nhận, và nghe thấy, được những gì xảy ra ở những khoảng cách chung quanh từ các vị trí và góc cạnh bên ngoài hẳn cơ thể thật sự của họ. Giác quan đặc biệt nầy có thể hoạt động ngay cả khi toàn bộ ngũ quan của họ đang tạm thời đóng kín. Có thể vì không quen thuộc với cách vận hành của giác quan đặc biệt nầy người ta có cảm giác như họ đang bay thoát ra ngoài thân xác vật chất của họ mà vẫn có thể cảm nhận, nghe, thấy mọi sự việc.

Tôi nhìn nhận trước ở đây rằng lý thuyết “giác quan đặc biệt” sử dụng trong cách giải thích vừa rồi chưa hề được kiểm nghiệm nghiêm nhặt theo phương pháp khoa học và không nhất thiết được công nhận bởi mọi người. Một số người có thể cho cách giải thích trên gượng gạo, chấp vá và khó tin. Tuy vậy nó vẫn không vô căn cứ và vô lý hơn cách giải thích cho rằng có một linh hồn phi vật chất nhưng vẫn có thể cảm nhận được những chấn động sóng của các năng lượng vật chất (thí dụ như ánh sáng và âm thanh).

Có một điều không thể phủ nhận được là những gì một người thấy trong trạng thái NDE chịu ảnh hưởng rất lớn bởi văn hóa, phong tục và tín ngưỡng của người ấy. Bằng chứng là chưa bao giờ có ai đạo Thiên Chúa mà khi xuất hồn lại thấy gặp được Phật Thích Ca, hay ngược lại chưa bao giờ có Phật tử nào kể lại họ đã gặp Giê-Su hay Đức Mẹ.

Hơn nữa, những người đã xuất hồn đều kể lại họ thấy mình đang mặc quần áo, có trường hợp là quần áo giống như cơ thể của họ đang mặc, có trường hợp quần áo khác. Hiện tượng nầy có vẻ như cho rằng quần áo của họ cũng có thần thể, và khi thần thể một người xuất ra khỏi cơ thể vật chất của họ thì thần thể của các quần áo nầy cũng đồng thời xuất ra khỏi cấu trúc vật chất của chúng!

(còn tiếp)